phan canh H2k
Nếu ví kịch bản như một khung xương thì kịch bản phân cảnh - còn gọi phân cảnh hoặc phân cảnh kỹ thuật - là một hình hài đã được đắp da, đắp thịt. Kịch bản phân cảnh là công việc của riêng người đạo diễn, công việc lớn nhất, nhọc nhằn nhất nhưng cũng hứng thú nhất. Hứng thú bởi đây là giai đoạn sáng tác độc lập, nơi trí tưởng tượng của người đạo diễn được tự do bay bổng. Nhưng nhọc nhằn nhất bởi sự bay bổng nghệ thuật đó luôn phải kèm theo những toan tính kỹ thuật.
Phân cảnh được viết khi nào? Trừ những phim mà ở đó đạo diễn có quyền, có khả năng tài chính xây dựng bối cảnh đúng như ý muốn, thì thông thường đạo diễn chỉ viết phân cảnh sau khi đã chọn cảnh, bởi đôi khi cảnh sẽ sinh... tình, và cũng để "liệu cơm gắp mắm".
Trên thực tế, những tưởng tượng ban đầu của đạo diễn luôn phải thay đổi trong quá trình chọn cảnh: nhiều ý tưởng có thể bị mất đi do không tìm ra cảnh trí hoặc cảnh trí bất khả xây dựng; nhưng bù vào đó những cảm hứng mới lại nảy sinh. Một bối cảnh có thể làm thay đổi tình tiết phim, tính cách nhân vật. Ví dụ: tình cờ trông thấy một con sông đẹp đạo diễn bỗng muốn đổi chuyến xe thành một chuyến... đò. Hoặc vì cảnh trí nên thơ mà nhân vật nông dân bỗng biến thành... nghệ sĩ. Tóm lại, giống như người đầu bếp, chỉ sau khi tập trung đủ vật liệu, đạo diễn mới quyết định được thực đơn - phân cảnh.
Về hình thức, kịch bản phân cảnh hoàn toàn không giống kịch bản: nếu văn phong kịch bản, dù cô đọng, vẫn trơn tru, liền mạch thì văn phong phân cảnh bị ngắc ngứ bởi các ô, cột. Bên cạnh phần nội dung nghệ thuật bắt buộc ngắn gọn, phân cảnh còn có thêm các thông số kỹ thuật như thứ tự cảnh, độ dài mỗi cảnh, góc quay, động tác máy... Chưa hết, phân cảnh phải thông tin cả phần âm thanh, ánh sáng, số lượng quần chúng, đạo cụ, phục trang, hiệu quả đặc biệt nếu có. Tóm lại kịch bản phân cảnh là bảng thống kê tỉ mỉ - mức độ tỉ mỉ tùy mỗi đạo diễn - tất cả các yêu cầu nội dung, vật chất của bộ phim. Do phải chứa đựng cùng lúc nhiều thông tin như thế, kịch bản phân cảnh thường có vẻ khô khan, trúc trắc, khó gây cảm hứng với người đọc ngoài ngành. Một thí dụ phân cảnh đơn giản:
TT CẢNH M NỘI DUNG - ĐỐI THOẠI ÂM THANH GHI CHÚ
1 Toàn máy cao 10m Dòng sông chảy xiết Nhạc
2 Cận lia 5m Đứa bé chạy vừa gọi thất thanh Nhạc Thoại écho
3 Trung lia 4m Người mẹ hớt hải tìm con giữa chợ Sấm chớp 100 quần chúng
Về nội dung, kịch bản phân cảnh dù súc tích vẫn phải gây cảm xúc, đặc biệt khâu diễn xuất. Không được phép lê thê, người đạo diễn do đó phải tìm ra những tính từ xác đáng khi miêu tả. Ví như các tính từ thất thanh, hớt hải trong đoạn phân cảnh vừa nêu. Hoặc ví dụ: thay vì dông dài "Chị tiến đến gần anh, đầu ngẩng cao, mắt nhìn kiêu hãnh". Hoặc chỉ đơn giản thông tin hành động Chị ngẩng cao đầu tiến đến gần anh". Thì cách viết: Chị tiến đến gần anh, kiêu hãnh..." sẽ gọn và gợi cảm hơn nhiều. Với tính từ kiêu hãnh, diễn viên sẽ tự tìm ra các động thái thích hợp, trong đó các dấu chấm sau cuối là khoảng lặng gợi ý. Ngôn ngữ tâm lý trong phân cảnh càng kỹ bao nhiêu thì công việc chỉ đạo diễn xuất ở hiện trường quay càng đỡ nặng bấy nhiêu.
Ngoài lối hành văn, kịch bản và phân cảnh còn khác nhau ở đối thoại. Nếu thoại kịch bản là văn viết thì thoại phân cảnh phải là văn nói, tự nhiên, gần gũi. Trong kịch bản chàng trai có thể nói với người yêu: Anh vô cùng hạnh phúc được sống bên em , hoặc Với anh, được sống bên em là niềm vui vô tận. Nhưng nếu cứ đặt nguyên những vô cùng, vô tận... kia vào miệng diễn viên thì sẽ hơi bị... vô duyên. Công việc của người đạo diễn khi viết phân cảnh là phải chuyển "gam" đối thoại từ văn sang ngôn ngữ đời thường. Nhiều đạo diễn nghiêm túc khi viết thoại còn đọc to lên xem có bị sốc hay không. Với những câu thoại không cần thiết đạo diễn sẽ cắt bỏ, thay bằng diễn xuất. Dĩ nhiên không phải đạo diễn nào cũng lưu tâm điều đó, do vậy đôi lúc xem phim, ta cứ thấy thoại thừa, gượng, gai gai là thế.
Tiết tấu cũng là yếu tố quan trọng của phân cảnh. Thông thường tiết tấu phim được xử lý trên bàn dựng (montage), nhưng ngay từ phân cảnh đạo diễn phải ý thức tiết tấu qua độ dài của cảnh, qua cách chuyển cảnh, cách đốt giai đoạn... So với kịch bản, phân cảnh kỹ thuật có quyền đổi thay chi tiết, thậm chí đổi thay cấu trúc; tuy nhiên dù thay đổi ra sao phân cảnh vẫn phải thủy chung với tinh thần kịch bản, phải trung thành với tư tưởng đã được duyệt - yêu cầu thứ hai này đặc biệt nghiêm nhặt trong điện ảnh VN.
Một kịch bản phân cảnh hoàn chỉnh là bộ phim trên giấy, là hệ thống chữ nghĩa mà qua đó ta có thể hình dung 80% thần sắc của bộ phim lẫn đạo diễn. Phân cảnh càng chỉn chu thì công việc ở trường quay càng trôi chảy, cho dù vẫn có những thay đổi do cảm hứng hoặc tác động khách quan. Thế nhưng trên thực tế - hình như chỉ ở xứ ta - vẫn có những đạo diễn thích phân cảnh sơ lược, thích buông theo cái cách mà giới làm phim gọi vui là sáng tác đầu bờ. Phương pháp này cũng có cái hay của nó, đậm chất nghệ sĩ nhưng rất dễ lan man cấu trúc. Và điều quan trọng: trong những công trình tập thể liên hoàn như điện ảnh, cái ngẫu hứng của người này dễ dẫn theo cái hứng chịu của người kia.
Ngoài chức năng nghệ thuật, kịch bản phân cảnh còn có chức năng văn bản: với phân cảnh, nhà sản xuất hay chủ nhiệm sẽ có cơ sở tính ra tiền, họa sĩ, quay phim biết sẽ chuẩn bị gì cho thiết kế, máy móc. Phó đạo diễn, thư ký trường quay sẽ lập ra kế hoạch toàn trình, kỹ sư âm thanh, nhạc sĩ, dựng phim... có cơ sở để ngẫm ngợi. Trên thực tế kịch bản phân cảnh còn có ý nghĩa như một thỏa thuận lao động, trong đó mọi chi tiết sẽ được tập thể đoàn phim tôn trọng, và do vậy đôi khi kịch bản phân cảnh cũng dùng để... cãi nhau.
Một giai thoại vui có thật: để kết phim đạo diễn viết thế này trong phân cảnh: T. chạy ra cửa, đứng thẫn thờ trước con đường ngập nắng, ngập dòng người qua lại.... Đến giờ quay, diễn viên quần chúng đông đủ nhưng chẳng thấy xe nào. Hỏi, chuyên viên đạo cụ trả lời tỉnh rụi: Phân cảnh chỉ ghi người qua lại, đâu có ghi xe. Trời ạ. Khi viết ra những dòng văn gợi cảm đó hẳn đạo diễn yên trí ai cũng hiểu một thành phố lớn vào những năm 1990 hiện đại thì không lẽ chỉ có dân cuốc bộ! Thực tiễn, cảm xúc không bằng câu chữ. Anh đạo cụ đúng lý. Đạo diễn khi đó chỉ còn cách... năn nỉ và ghi vô bộ nhớ: từ nay đừng có lấp lửng văn hoa trong phân cảnh đấy nhé.
Nếu các bạn tình cờ bắt gặp đoàn phim đang quay, thấy nhiều người lăm lăm trong tay tập giấy dầy cộp, đó chính là phân cảnh. Có giá trị như chứng từ sản xuất, kịch bản phân cảnh hiện diện suốt phim, hiện diện cho đến khi bộ phim hoàn tất. Bởi phức tạp, ôm đồm như thế nên khi một phân cảnh viết xong thì coi như đạo diễn đã làm xong 40% sứ mệnh. Công việc đạo diễn tạm dừng ở đây để trở lại sau, bởi vai trò đạo diễn liên quan rất nhiều cung đoạn, các bạn sẽ dễ hình dung hơn khi hiểu qua tính chất mỗi cung đoạn. Nói về công việc đạo diễn, đạo diễn Pháp Claude Chabrol từng tuyên bố: Nếu chỉ học để biết nghề đạo diễn tôi tin chỉ cần 4 tiếng, nhưng làm được đạo diễn là sự học vô tận. Điều đó có nghĩa công việc đạo diễn không khó giải thích, vấn đề là làm được hay không. Mà làm được hay không, đạo diễn lại phải nhờ cậy rất nhiều người, trong đó có hai nhân vật quan trọng là trợ lý đạo diễn và thư ký trường quay.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro