Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

4 p1

Đến nay đã hơn nửa năm kể từ ngày tôi nhậm chức, nhưng tôi còn chưa có cơ hội đốt được một ngọn lửa nào. Làm quản gia, uy phong lừng lẫy dưới một người trên vạn người trong phủ thậm chí còn chưa đủ để xua tan cái lạnh giá của mùa đông giá rét này. Đe dọa đầu tiên cho tôi, một quản gia, lại đến rất nhanh.

Mặc dù Nam Kinh được mệnh danh là vùng đất có phong thủy tốt đẹp, với dòng sông Tần Hoài êm đềm trôi về phía tây, nhưng mảnh đất này cũng đã tiễn đưa không ít triều đại, quốc gia chìm vào quên lãng. Khói lửa chiến tranh cùng cát bụi mù mịt cuốn theo tất cả vào dòng chảy lịch sử, chìm sâu xuống đáy sông. Bức tường thành bao quanh Hồ Huyền Vũ khuyết một góc bên trái, bên phải cũng thiếu đi vô số viên gạch. Trong văn chương, người ta viết rất đẹp, ví những vết tích thời gian ấy như những huân chương vinh quang ban tặng Nam Kinh vì đã vững vàng trước gió sương và khói lửa chiến tranh vào mùa xuân tháng Ba. Nhưng thực tế lại phũ phàng hơn nhiều. Bức tường thành, những di tích lịch sử, và tất cả những gì còn sót lại sau chiến tranh giờ đây chỉ còn là những điểm du lịch, những danh lam thắng cảnh. Du khách thong dong dạo bước trên những tàn tích, nhìn xa xăm và tươi cười khen ngợi rằng "Nam Kinh thật đẹp, thật hùng vĩ, nơi đây dễ chịu hơn Thượng Hải, náo nhiệt hơn Đông Bắc". Trên hồ Huyền Vũ, ánh nắng chiều mờ ảo trên mặt hồ gợn sóng lững lờ, chẳng ai biết rằng dưới đôi chân vô tình của họ ẩn chứa bao nỗi đau đớn tang thương, kẹt trong những rãnh đế giày không biết là bụi của triều đại nào. Họ chỉ đơn giản thấy đẹp, thấy mãn nhãn, giống như đã thuộc lòng vô số bài thơ cổ nhưng khi nghe đến "Hậu Đình Hoa*", họ chỉ biết khen một câu "nghe hay quá". Cũng như ít ai lật ngược giày lên để xem đế giày như thế nào.

*: 后庭花: Hậu Đình Hoa: là tên một thể thơ, còn được gọi là "Ngọc Thụ Hậu Đình Hoa" và "Hải Đường Hoa". Tác phẩm tiêu biểu có bài "Hậu Đình Hoa - Thạch Thành Y Cựu Không Giang Quốc" của Tôn Quang Hiến. (theo baidu)

Ở đất Nam Kinh, nơi tưởng chừng như thanh bình này, cũng không thể không tuân theo quy luật chung của thế giới. Ngay cả Viên Thế Khải còn có thể lên ngôi Hoàng đế, thì dưới trời này nào có gì là yên bình tuyệt đối. Việc kinh doanh của nhà họ Kim, nói lớn thì không lớn, nói nhỏ cũng không nhỏ, nhưng trong giới thương nhân coi như cũng đã có chút tiếng tăm nhất định. Vào những ngày lễ Tết, việc các chủ ngân hàng, chủ tiệm cầm đồ đến biếu quà là chuyện bình thường, xe ô tô của họ thường đỗ ở khúc cua trước ngõ, tiếng còi xe ồn ào vang vọng không chút kiêng dè. Nếu treo thêm vài bông hoa giấy đỏ, dán vài chữ hỷ thì chẳng khác gì đoàn xe đón dâu. Khi đến trước cổng phủ Kim, cửa xe mở ra, đôi giày da bước xuống, người lái xe trước tiên chạy lên gõ ba lần vào cánh cửa lớn màu đỏ, dùng khớp ngón tay gõ, giả vờ làm người Tây da vàng. Lúc nào cũng không thích dùng cái vòng cửa khảm vàng để gõ vì âm thanh quá nhỏ, khiến họ phải chờ đợi thêm vài phút bên ngoài, mười lần thì có sáu lần là phải vào cùng A Long đi ra ngoài làm việc về. Sau khi vào cửa, họ thường hướng thẳng đến những nơi như thư phòng, bởi đây là kinh nghiệm đúc kết từ thực tế. Những ông chủ "thối nồng mùi tiền" luôn thích dùng bút mực để trang trí bản thân, cho rằng mùi mực phải đậm đà hơn mùi tiền đồng, nhưng không biết rằng trên người họ chỉ còn lại mùi hôi thối. Những người này đã mang chữ "tiền" trên người, nên cũng không buồn che giấu, nhe răng cười, hàm răng vàng óng trong khoang miệng đen ngăm vẫn vô cùng nổi bật, khiến người ta liên tưởng đến những đồng xu in hình Viên Đại Đầu, thứ làm người ta căm ghét nhưng không thể từ chối. Họ luôn bắt đầu bằng những lời bóng gió, mong muốn nhà Kim giao tiền cho họ quản lý.

Trong thư phòng, họ nịnh bợ tôi bằng những lời lẽ tâng bốc. Nhưng tôi chỉ là một quản gia hữu danh vô thực, đâu có quyền gì đưa ra quyết định.

Vậy nên, mười lần thì có tám lần bọn họ phải rời đi trong thất vọng. Lần đầu tiên chứng kiến cảnh tượng như vậy, tôi còn lo lắng, sợ đắc tội người ta, vừa không giải quyết được vấn đề lại vừa làm họ mất lòng. Về sau gặp nhiều cũng thành quen, thú vui trẻ con bị lãng quên từ lâu điều khiển lý trí. Dù tôi có bao nhiêu lần hỏi ý kiến Kim Mẫn Khuê về việc có nên nhận "món quà nhỏ" của bọn họ hay không, cậu ấy cũng sẽ tỏ vẻ phẫn nộ, nghiến răng đáp lại tôi:

"Không nhận, không nhận, một đám ngốc không biết phân biệt phải trái. Lần sau còn dám xông vào như vậy nữa tôi sẽ bảo A Long ném từng người bọn họ ra ngoài."

Thiếu gia cuối cùng vẫn là thiếu gia. Tôi vẫn luôn mong chờ có ngày được thấy cảnh ai đó bị ném ra ngoài, chỉ sợ làm hỏng đám dây leo xanh mướt phủ trên phiến đá ngoài cửa. Đáng tiếc, quân tử động khẩu chứ không động thủ, tôi chưa từng được chứng kiến cảnh tượng hả dạ đó lần nào. Suy cho cùng, Kim Mẫn Khuê cũng chỉ nói cứng khi tức giận, còn nắm đấm của A Long dù có siết chặt đến đâu, bàn tay có ma sát nhanh đến cỡ nào cũng phải đợi lệnh của thiếu gia mới dám hành động.

"Ê, tiểu tử, mau dẫn chúng ta đến gặp thiếu gia nhà ngươi, chúng ta có chuyện quan trọng cần bàn."

Tiếng phanh xe gấp chói tai, giống như có ai đó đang dùng một chiếc cưa thêu khó dùng để cắt dây leo ngoài tường, thật là một sự tra tấn đối với cả thể xác và tinh thần con người. Tiếp sau đó là những tiếng bước chân gấp gáp không theo nhịp đi vào bên trong, bọn họ đi qua sân trước thì dừng lại. Nghe cái giọng điệu giễu cợt và kiêu ngạo ấy, tôi liền biết ngay họ đã đụng phải Kim Mẫn Khuê đang chăm sóc cây cảnh.

Xui xẻo thật.

Kim Mẫn Khuê đang chăm sóc những chậu lan bốn mùa treo trên giá cao. Thời tiết lúc đó thay đổi giống như tâm trạng của các thiếu nữ trong khuê phòng, lúc lạnh lúc nóng không theo quy luật. Buổi sáng lạnh đến mức mặc áo khoác gió vẫn cảm thấy tay chân lạnh buốt, gần trưa lại nóng đến mức khiến người ta muốn cởi bỏ hết áo ngoài, ôm nửa quả dưa hấu vào góc phòng mát để giải nhiệt. Khi ấy, Kim Mẫn Khuê vẫn mặc chiếc áo gi-lê bằng vải gai quen thuộc, quần dài đen và giày vải, tranh thủ lúc nắng đẹp hiếm hoi của buổi trưa cuối thu treo từng chậu lan lên cao, để những tia nắng cuối cùng và giàu dinh dưỡng nhất trong năm len lỏi vào những chiếc lá vàng xanh đang mệt mỏi, để chúng có thể dùng sự uể oải ngụy trang vào mùa đông lạnh lẽo, để giữ cho nguồn sống ấm áp vượt qua những cơn gió lạnh sắc bén như dao của Tiểu Lý Phi Đao. Còn tôi, khi đó đứng cạnh cửa thư phòng, dán mắt vào ô cửa sổ bằng kính đã được kỳ cọ nhiều lần bằng giấy báo, cố gắng nhìn rõ tình hình bên ngoài. Kim Mẫn Khuê treo xong chậu lan cuối cùng rồi mới quay lại cúi đầu chào nhóm người mặc đồ đen, rồi dẫn họ về phía tôi. 

Sau lưng Kim Mẫn Khuê là một đám đông đen kịt, còn cậu lại đang mặc áo gi-lê trắng, trông giống như bông hoa trắng mọc ra từ đám lá lan xanh đậm. Nhưng chỉ hơi giống thôi, vì cậu ấy cao lớn, không thể nào kiều diễm như hoa lan, và ô cửa kính bị báo chà qua cũng giống như đã bị bỏ hoang trong kho nhiều năm, bụi bẩn và những vết xước che khuất tầm nhìn, khuôn mặt cậu trở thành một tờ giấy nhám kém chất lượng, cũng không mịn màng như hoa lan.

Ba tiếng gõ cửa vang lên, mỗi tiếng như tiếng pháo đập mà trẻ em thường chơi vào dịp Tết Nguyên Đán, tuy uy lực không nhiều nhưng cũng có chút kích thích làm chói tai. Tôi đã trưởng thành từ lâu, chẳng còn sợ sự cố chấp đầy oán hận trong những tiếng gõ cửa đó, chỉ coi chúng như tín hiệu mở màn cho một vở kịch hay, kiên nhẫn mài mực trên nghiên* vừa được đổ nước vào, xong rồi mới ra mở cửa.

*: Nghiên (硯) là một dụng cụ dùng để mài và chứa mực Tàu. Mực Tàu thường được đông đặc thành những thỏi mực. Khi cần mực để viết, người xưa bôi một chút nước lên đầu thỏi mực rồi chà nó lên mặt phẳng của nghiên để mài

"Ôi chao, Kim thiếu gia, đã bao năm rồi không gặp nhỉ. Lần cuối cùng ta gặp cậu là ở yến tiệc mừng thọ của cha ta hồi ông còn sống. Ta còn nhớ hôm đó cậu còn được cha dắt tay đến, khi ấy mới chỉ bé xíu cao đến nửa người ta. Giờ đây đã trưởng thành cao lớn như tùng bách, phong thái ngời ngời, thật đúng là dáng dấp của bậc trụ cột."

Sáo rỗng, toàn những lời sáo rỗng! Nào là 'phong thái ngời ngời', nào là 'phong lưu phóng khoáng', cứ như đang chơi trò nối chữ vậy. Những từ ngữ này đã được họ dùng đi dùng lại hàng trăm lần, chẳng khác gì những món quà họ mang đến, trên bao bì luôn in tên của những cửa hàng đã nổi tiếng lâu đời. Chẳng biết có phải vì những chủ cửa hàng này đã vay tiền từ ngân hàng của mấy người này, nên cũng gửi quà cho họ, giảm giá chút đỉnh, cứ như vậy tái sử dụng như một vòng tuần hoàn, vừa không lãng phí, cũng là một cách tích đức.

Tôi muốn cười, tay cầm quạt giấy phải tì vào mép bàn mới ngăn được run rẩy, từ trong cổ họng phát ra tiếng ậm ừ đáp lại cho có lệ vừa cố xua đi hình ảnh lặp đi lặp lại đang hiện lên trong tâm trí. Không biết họ có thực sự từng tổ chức tiệc mừng thọ cho cha mẹ mình và gặp Kim Mẫn Khuê ở đó, hay chỉ nghĩ rằng ký ức của trẻ con ngắn ngủi như cá vàng, đợi khi chúng lớn lên có thể dùng lời dối trá để bịa đặt ký ức thời thơ ấu.

Tóm lại, đây thực sự là một vở kịch hay, do tôi và Kim Mẫn Khuê cùng nhau biên soạn và biểu diễn, thỉnh thoảng có sự tham gia của A Long hoặc các a hoàn, người hầu khác, tôi xem mãi cũng không bao giờ thấy chán.

"Kim thiếu gia, Kim phủ bây giờ coi như cũng đã có tiếng tăm trong thành Kim Lăng của chúng ta, nhà lớn sự nghiệp lớn, mà lão gia và phu nhân lại thường không có ở nhà, về việc kinh doanh, chúng tôi muốn..."

Tách! Chiếc quạt xếp lại, gõ lên bàn. Giống như ông thầy kể chuyện trong các trà quán, thường đẩy nhẹ cặp kính tròn, khạc đờm một tiếng, sau đó dùng nắp tách trà hớt đi bọt nổi rồi nhấp một ngụm trà cho trơn họng. Câu chuyện kể theo lối đơn giản, bình thản đến đây nên kết thúc rồi. Dòng nước trà chảy xuống thực quản, nào có bao giờ là theo một đường thẳng tắp? Cặp kính trong lúc đẩy nhẹ trở nên lấp lánh dưới ánh nắng là của tôi, ánh nắng càng gay gắt hơn, người trước mặt rút khăn tay từ túi ra lau mắt. Câu chuyện lúc này nên bắt đầu chuyển sang những diễn biến phức tạp hơn rồi.

"Thì ra là vậy," cặp kính một lần nữa trượt về sống mũi, ánh sáng không còn bị cản trở, tôi mím môi nâng cằm nhìn lên cao, trông như thật sự có chút phong thái của một gia chủ. Nhưng trên sân khấu này, tôi chỉ là một kẻ giả làm Bá Vương, còn Hạng Vũ thật sự đang đứng đằng sau. Dáng vẻ cung kính giả tạo của bọn họ đã sắp không thể duy trì thêm nữa, nếu tiếp tục chờ đợi, có lẽ mũi giáo sắc nhọn kia sẽ chĩa thẳng vào tôi.

"Nếu các vị muốn gặp thiếu gia để bàn chuyện, vậy tôi xin phép cáo lui trước." 

Tôi cúi người xuống chào họ. Kim Mẫn Khuê ngẩng cao đầu, khí thế như một vị Bá Vương thực thụ, bước qua đám người lộn xộn phía trước tiến đến chỗ tôi, nét kiêu ngạo trên khuôn mặt vẫn không thể che giấu đi sự non nớt. Tôi lại hướng về Kim Mẫn Khuê cúi chào thêm lần nữa, giúp cậu củng cố thêm uy quyền của mình.

"Thiếu gia, mời ngài."

"Rồi sao nữa, rồi sao nữa," trên bàn ăn bữa tối, A Long đã mệt mỏi sau một ngày chạy việc bên ngoài, nằm gục lên bàn ăn, trên mặt bàn kính bốc lên một lớp hơi nước mặn. Tôi bảo cậu nhóc ngồi dậy, đi gọi dì Lâm dọn cơm lên, ăn xong rồi còn tắm rửa nghỉ ngơi. Nhưng cậu ấy lại gục đầu vào đùi tôi, giọng nói uể oải rung lên trên đùi tôi, nài nỉ mong tôi kể tiếp câu chuyện hôm nay. 

"Họ còn nói gì nữa không? Nghe anh nói vậy họ có biểu cảm gì? Chắc chắn là bực mình lắm đúng không? Sao hôm nay tôi lại phải ra ngoài chạy việc, đến ngân hàng lấy sổ sách, để rồi bỏ lỡ mất một màn kịch hay như vậy chứ."

"Cậu ngồi dậy đi, ngồi cho đàng hoàng rồi tôi sẽ kể tiếp."

Mồ hôi ướt át và dính nhớp thấm vào quần tôi, len lỏi đến đùi, khẽ khàng cọ xát vào da thịt, khơi gợi những cảm giác ngứa ngáy nơi đầu dây thần kinh và trái tim, khiến má và vành tai tôi nóng bừng. Dù cố đẩy cậu ấy ra cũng chẳng ích gì, A Long cứ như tượng một con sư tử đá nặng nề đè lên đùi tôi, năn nỉ đòi tôi kể tiếp câu chuyện đã xảy ra.

"Đừng làm phiền nữa, mau ngồi dậy đi, quên thầy đã dạy gì rồi sao? Khi ăn không bàn luận, khi ngủ không nói chuyện, cậu đang phạm vào điều cấm kỵ đấy."

Vỏ quýt dày quả thật cần phải có móng tay nhọn, chiêu này của Kim Mẫn Khuê lợi hại ở chỗ một mũi tên trúng hai đích. Cậu một tay túm lấy cổ áo của A Long kéo lên, sư tử hung dữ ngay lập tức rũ bờm, bỗng chốc trở nên ngoan ngoãn như con mèo nhà trong tay những phu nhân giàu có. Còn tôi thì bữa ăn nào cũng nhắc nhở câu này, nhưng chẳng ai nghe lời tôi. Vậy mà giờ đây, Kim Mẫn Khuê lại lấy câu nói đó ra trêu chọc tôi, chẳng phải là đang trả thù cho chuyện sáng nay mà rõ ràng không phải lỗi của tôi sao.

A Long im lặng mím môi, nhỏ giọng nhận lỗi, coi như đã chịu thua. Còn tôi, bất đắc dĩ cũng phải chịu thua theo, vô thức phồng má im lặng tuân theo quy tắc do chính mình đặt ra.

Ba người ngồi quanh bàn nhỏ ăn cơm, không có quan hệ máu mủ, cũng không kết nghĩa anh em, nhưng vẫn tạo thành một mối quan hệ bền chặt và gần gũi như gia đình. Mấy đôi đũa cùng "đánh nhau" trong bát thức ăn, làm văng không ít nước sốt, nhưng ai cũng chỉ thấy thơm ngon. Không có mô hình hành vi nào trong sách vở có thể giải thích được hiện tượng này. Nhưng cũng có thể là do tôi đã rời trường đại học quá lâu, một nửa kiến thức đã bị bào mòn bởi ngày tháng làm những việc lặt vặt ở Nhật Bản sau khi tốt nghiệp, nửa còn lại bị chiếm bởi sổ sách và bàn tính mà sau này tôi buộc phải học. 

Chìm đắm trong hạnh phúc gần như có thể so sánh với một gia đình quá lâu, tôi chỉ nhớ đến những lý tưởng xa vời quá đỗi đẹp đẽ, tạm thời quên đi những mặt trái tàn nhẫn của bản chất con người đã được mô tả trong sách vở.

"Nè, nè, thầy ơi, tôi đã ngồi ngay ngắn rồi, có thể kể tiếp chuyện hôm nay không?"

"A Long, tôi đã nói khi ăn không được nói chuyện. Cậu vi phạm quy tắc, hôm nay cậu phải dọn dẹp bát đũa."

Một màn kịch hay, ai nấy đều hân hoan, nhưng sự thật là chỉ có những người sống trong ngôi nhà tường trắng cổng đỏ này mới thực sự thấy vui. Mỗi ngày, họ lật đi lật lại, thêm mắm dặm muối vào những câu chuyện gần giống nhau để làm gia vị, coi chúng như món mận khô dùng sau bữa ăn để giải ngấy. Còn những vai phản diện bị biến thành trò cười trong ngôi nhà đó, sau khi trở về nơi tối tăm của mình, đã sớm lột bỏ lớp mặt nạ cười tươi giả tạo trên mặt.

Hỏi thế gian điều bí ẩn nào là khó giải nhất?

Đó chính là lòng người.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro