Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Special:(I Miss You) Like A Wound That Never Heals (7)


 V

"Kể từ ngày thi triển thuật thức đó, cậu cảm thấy thế nào rồi, Gojo-kun?"

Ông Takeda, chủ của ngôi nhà cổ hai tầng tọa lạc nơi triền đồi, cất giọng khàn khàn hỏi thăm Gojo Satoru sau khi nuốt miếng bánh ngọt xuống thực quản, rồi tráng miệng bằng một ngụm trà Earl Grey.

"Ngoại trừ một số cơn đau thoáng chốc ở ngực trái ra thì không có gì đáng quan ngại cả. Cảm ơn ông đã quan tâm."

Vừa nói, gã đàn ông tóc đen vừa nhấc đĩa bánh kem trái cây đặt trên kệ bếp lên, chậm rãi bước tới chiếc ghế đặt đối diện ông chủ nhà khả kính. Đợi gã ngồi yên vị xong, Takeda-san liền nâng chiếc ấm sứ kiểu Anh điểm lấm tấm những bông hoa Dã tường vi bằng hai tay, chậm rãi rót trà vào chiếc ly đặt trước mặt gã chú thuật sư trẻ tuổi với một cung cách lịch thiệp và trang nhã tuyệt vời. "Mời cậu" Ông nhỏ nhẻ mời trong một điệu thoái lui duyên dáng, bàn tay mở rộng vẽ một đường vòng cung mềm mại giữa không trung. Cái khí chất quý tộc tinh anh thấm sâu trong cốt tủy, ghi khắc lên từng đoạn mạch gen đơn và kép, lúc này, phát tiết rực rỡ ra bên ngoài qua từng dáng điệu, cử chỉ nhẹ nhàng, nhỏ nhặt, như hương hoa hồng theo cơn gió chớm lan xa.

Gojo Satoru biết tới ngôi nhà cổ kính này cùng chủ nhân của nó qua lời giới thiệu của một người bà con xa hơn cả Yuta. Naoyuki Takeda-san là một chú thuật sư đã về hưu sau khi tích lũy cho mình hơn ba mươi năm kinh nghiệm khử triệt nguyền hồn. Hiện tại, ông ngày ngày bận rộn bù đầu với công việc quản lý văn phòng dịch vụ tang lễ do người vợ quá cố gửi gắm lại tại thị trấn nhỏ hiền hòa ven biển miền Nam. Hồi còn năng nổ lăn lộn trong giới chú thuật sư đầy rẫy tai ương và hiểm họa, ông là người đàn ông bá khí ngút trời, một đàn anh thân thiết của Yaga-sensei, một người thầy tận tụy của các dàn học sinh năm cuối trường Cao Chuyên phân nhánh Đông Kinh, và hơn hết thảy, một nhân viên gương mẫu điển hình trong mắt đám hội đồng ồn ào, rắc rối. Tuy nhiên, cũng chính bởi vì tính mẫn cán và sự nhiệt huyết đối với công việc đó, Takeda-san hoàn toàn sao nhãng chuyện gia đình. Suốt một thời gian dài, nhẩm tình thì khoảng chừng hai năm rưỡi, ông gần như quên bẵng sự tồn tại của người vợ tảo tần và cậu con trai ngoan ngoãn, lên đường bôn ba khắp xứ sở sương mù để truy lùng những nguyền hồn đặc cấp chưa từng được nhắc tới trong cuốn "Chú Linh Khảo Cứu" của Nhật Bản. Sau bốn tháng kể từ ngày chú thuật sư cấp một Naoyuki Takeda trở về cố hương, tài liệu về nguyền hồn ngoại ông đệ trình được ban giám hiệu thông qua và đưa vào chương trình giảng dạy, còn bản thân ông thì được thăng lên bậc "đặc cấp" kèm theo lương thưởng đề huề. Hai năm tiếp theo, ông không về thăm gia đình đang sinh sống ở hòn đảo miền Nam chan hòa nắng ấm lấy một lần mà cống hiến toàn bộ tâm sức cho sự nghiệp đào tạo thế hệ chú thuật sư xuất chúng tương lai. Cho tới một buổi sáng tháng Tư, giữa lúc đang ngồi trên con tàu hỏa rầm rập lăn bánh tiến về phía Tây, ông nhận được cuộc gọi từ người chị dâu đã lâu không liên lạc, hớt hải thông báo việc vợ ông đang bệnh nặng, sợ khó lòng qua khỏi ải này. Gan ruột ông rối bời. Thần kinh ông căng cứng như dây đàn. Hiển nhiên là ông muốn mau chóng trở về bên người vợ tào khang, nhưng an nguy của cả một thành phố đang đè nặng trên đôi vai rắn chắc như đồng của ông. Khi khẽ lẩm bẩm câu xin lỗi, và nhấn nút ngắt cuộc gọi, ông biết cuộc đời mình đã tận. Kể từ giây phút này trở đi, "Naoyuki Takeda" chẳng gì hơn một cái xác không hồn.

Lúc ông tìm về được tới cửa nhà thì buổi lễ tang trai vừa kết thúc. Khách khứa đang lục tục rời đi. Những người phụ nữ vận kimono đen tuyền đang khệ nệ bưng những chồng đĩa đựng thức ăn cao chất ngất đi dọc hành lang hoang hoải ánh hoàng hôn màu đỏ cam, trông như thể mặt trời bị rách toạc một vết lớn và đang nhỏ máu bê bết xuống khuôn viên ngôi nhà cổ kính. Con chó nhà hàng xóm không ngừng ăng ẳng khóc than. Di hài của vợ ông đã được đưa tới lò hỏa thiêu. Ông nhìn quanh quất. Ông cất tiếng gọi. Không một ai đáp lời. Không một chiếc xe nào trống chỗ để khoan hậu làm phúc chở ông tới chỗ đài hóa thân. Nắng chiều lắng đọng lại sau rặng núi xám mờ buồn thê thảm. Một lớp sương mỏng màu xanh lam trườn trên mặt cỏ sân trong. Thấp thoáng đằng xa là ngọn khói màu chàm đưa hương hồn vợ hiền lành, nhẫn nhịn của ông về trời.

Con trai ông, năm ấy vừa tròn hai mươi tuổi, khóc tới suýt mù cả hai mắt. Đứa trẻ đó từ bấy tới nay vẫn luôn yêu mẹ, hận cha. Đã từng dõng dạc tuyên bố sẵn sàng bồi táng theo mẹ. Giống như trong những bộ phim kể về thời phong kiến loạn lạc. Đứa trẻ tội nghiệp đã cố tự sát hai lần, và cả hai lần đều được người ta dùng "phản chuyển chú thuật" cướp khỏi tay thần chết. Đứa con trai chỉ luôn nghĩ tới người mẹ dịu dàng, cam chịu và những đoạn dây thòng lọng đung đưa qua lại bên trên một phần bà. Đã từng vào viện an dưỡng ba lần và bị khước từ ở lần thăm viếng thứ tư. Người con trai mà một năm sau đó đã được cứu rỗi bởi một tạo vật cay nghiệt, độc đoán; và kể từ dạo ấy chỉ có thể sống lay lắt nhờ vào thứ tình yêu chẳng khác gì trò mạo hiểm giữ thăng bằng trên sợi dây căng. Đứa con trai đang kiếm ăn nhờ vào việc bán những quyển sách đã long bìa tróc gáy. Đứa con trai sẽ không bao giờ quay trở lại ngôi nhà thậm chí hồn ma của mẹ nó còn chẳng buồn vương vấn.

Về phần Takeda-san, sau khi đứa con trai độc nhất bỏ nhà ra đi, ông cũng nộp đơn xin được nghỉ hưu non, đồng thời bàn giao hết tất cả bùa yểm và chú cụ lại cho Yagasen. Thứ duy nhất còn liên kết ông với giới chú thuật tàn khốc là thuật thức kỳ lạ mà ông sở hữu. Ban đầu, ông dự tính bán phức căn nhà ở miền Nam đi, nhưng do đó là tài sản vợ ông thừa kế từ người bà đã mất nên chuyện giấy tờ, thủ tục thành ra hết sức lằng nhằng. Ngoài ra, bản thân ông ngao ngán nhất chính là việc phải xếp hàng lấy số thứ tự ở các cơ quan hành chính. Thế nên, ông quyết định chọn lấy biện phản giản tiện nhất: đó là chuyển về sống trong căn nhà cũ kỹ đó. Hơn nữa, khí hậu nơi đây dĩ nhiên là trong lành và thanh sạch hơn chốn đô thị xô bồ, đông đúc.

"Bác gái là người thế nào ạ? Nghe giáo viên ở trường Chú Thuật kể thì bà ấy là người vô cùng xinh đẹp."

Gojo Satoru hỏi nhỏ trong lúc bàn tay cầm nĩa từ tốn xắn miếng bánh làm đôi, làm tư, rồi làm tám phần tương đối đồng đều về kích thước. Một giọt mứt dâu đỏ tươi rơi xuống gương mặt gã hề trang trí trên thành đĩa, khiến hắn trông càng ngớ ngẩn một cách hài hước.

Người đàn ông với mái tóc muối tiêu cùng gương mặt hằn sâu những vết khắc thời gian hất miếng bưởi đỏ au ra khỏi miếng bánh của mình. Ông bảo chê bai cái vị đắng kỳ lạ, vô duyên của nó. Ông hớt lớp kem béo ngậy bên trên bề mặt miếng bánh, cho vào miệng, rồi nhấp môi một ngụm trà thơm. Takeda-san bảo, rằng gã đàn ông điển trai có thể không tin; nhưng thật thà mà nói thì tôi đã không còn nhớ rõ gương mặt, hình dáng hay giọng nói của người vợ đã tạ thế nữa rồi. Hiện tượng này khởi phát chỉ hai ngày sau đám tang vắng bóng người chồng vô tâm. Giống như Kanon đã từng hỏi tôi cách đây bốn năm và Tsukiko đã thắc mắc điều tương tự hồi hai năm về trước, ông chỉ có thể trả lời đại khái kiểu như: "bà ấy là người viết chữ rất đẹp", "bà nhà tôi thích nghe nhạc của ABBA và Boney M; và không, bà ấy không thích The Beatles đâu vì John Lennon đã yêu Yoko Ono tới lú lẫn" "bà ấy thường tới chợ Đông vì Cá ở đó đặc biệt tươi ngon" hay "món khoái khẩu của bà ấy là bánh kem trái cây của Fumiya". Tuy nhiên, ký ức liên quan tới ngoại hình, thanh âm, mùi hương lẫn nhiệt độ cơ thể bà tỏa ra dường như đã bị gột sạch khỏi năm giác quan người đàn ông đứng tuổi. Cứ như thể, sau một đêm, bà vụt biến thành một huyễn tượng tinh vi. Liệu có phải một lời nguyền độc địa đã ứng nghiệm lên ông? Lời nguyền tẩm độc rắn chuông phun ra từ miệng đứa con trai trong lòng dạ chẳng chứa gì ngoài thù hận: "Đừng cố gắng níu giữ mẹ làm gì vì bà ấy căm ghét ông cho tới tận lúc chết." Có lẽ đó là lý do mà người phụ nữ ấy chẳng bao giờ quay trở về gặp ông, kể cả trong những giấc chiêm bao bồng bềnh phiêu hốt, trong cõi tâm linh lặng ngắt, và trên cả bức tranh tâm thức nguệch ngoạc những nét chì than.

"Thế còn những bức ảnh chụp thì sao? Chúng không giúp gì được sao?"

Vừa hỏi, Gojo Satoru nhìn ông chủ nhà chăm chú bằng đôi mắt màu lam ngọc rực sáng của mình.

"Cũng có rất nhiều lần, để gợi nhắc gương mặt bà ấy trong tâm trí lòa nhòa, mờ mịt của mình, tôi đã tìm kiếm bóng hình người người vợ tảo tần ấy trong những tập album lấm bụi. Một nửa số ảnh chụp đã theo con trai ông lên Tokyo. Những bức ảnh hiếm hoi còn sót lại ngủ say trong hộc tủ bên dưới ban thờ, giữa chuỗi hạt trầm hương và con dấu cá nhân của bà. Thế nhưng, càng ngắm nhìn bà trong các bức ảnh, tôi càng cảm thấy gương mặt người phụ nữ tóc uốn bềnh bồng như mây trời mùa hạ, dù lúc mỉm cười hay phúc hay khi rảo bước khoan thai, trông chẳng khác gì những con người xa lạ mải mê ăn uống, nghỉ ngơi, vui chơi, đùa giỡn trên những phông nền và trong những bối cảnh nhất định treo quanh bốn bức tường, nhưng tựu trung là hoàn toàn phớt lờ sự xuất hiện đột ngột của tôi nơi lối vào tiệm tráng rửa ảnh."

Nói xong, ông thả thêm một viên đường vào ly trà đen của của mình.

"Tôi đã chứng kiến rất nhiều người chết đi trước mắt mình, và bản thân tôi cũng đã không biết bao nhiêu lần vật vờ bên cửa tử; song quả nhiên, khi đối tượng là người mà mình thực lòng yêu thương thì tôi mới hiểu cái chết đáng sợ tới nhường nào."

Gojo Satoru nhận ra, rằng: cũng giống như gã vào cái đêm Giáng Sinh định mệnh đó, ông mới thực sự chạm vào dáng hình của cái chết.

Bóng hình đôi bạn tâm giao, một già một trẻ trôi bồng bềnh trên tấm kính màu thiên thanh. Hôm nay trời hưng hửng nắng và cặp tình nhân bị cấm đoán trong thế giới loài mèo đang liếm láp cho nhau trên mái nhà lợp ván gỗ của cửa tiệm tạp hóa lụp xụp. Làn khói mong manh bay lên từ bàn tay đang vân vê điếu thuốc của chàng sinh viên mỹ thuật sống đối diện. Tấm màn may bằng vải voan từ cửa sổ phòng anh ta uốn lượn giữa thinh không như tà váy của nàng Salome khi trình diễn điệu múa báo hiệu cái chết đầy bi kịch của Thánh John "Người-Rửa-Tội". Trong căn phòng tràn ngập làn ánh sáng màu vỏ hồng ấm áp, ông Takeda vừa khoan thai khuấy tan viên đường mới thả vào tách trà thứ ba, vừa tiếp tục tỉ tê tâm sự chuyện đời mình với gã chú thuật sư trẻ tuổi:

"Giữa cơn quẫn bách không biết làm sao để thoát khỏi nỗi tuyệt vọng vốn dĩ phát sinh từ sự ra đi đột ngột của vợ mình, tôi lại được cứu rỗi bởi chính "sự chết" trinh bạch và công minh."

Theo lời ông kể thì sáng hôm ấy, mọi chuyện xảy ra tưởng chừng như hết sức tình cờ, nhưng các sự kiện lại được kết nối một cách chặt chẽ và chuẩn chỉnh như được số phận sắp đặt theo tính toán chi li. Vốn dĩ, sau khi người vợ thảo hiền qua đời, ông đã thay bà quản lý công ty dịch vụ tang lễ được lập nên từ thời cụ kỵ của bà; tuy nhiên, ông vốn chỉ lo toan việc sổ sách văn phòng, chứ không trực tiếp tham gia vào các buổi mai táng, khâm liệm. Cho tới một sáng đầu đông, do nhân viên hỗ trợ bán thời gian tình cờ gặp tai nạn giao thông do chiếc xe do anh ta điều khiển bị lạc tay lái trên con đường trơn trượt, và tuyết đổ dày khiến cho người thay thế không thể tới kịp buổi lễ, nên ông phải đi cùng vị chủ nhiệm đã có gần ba mươi năm kinh nghiệm. Trong bầu không khí hết sức trang nghiêm, và dưới sự theo dõi sao sát của những cặp mắt thân quyến đau đáu, thiết tha, chủ nhiệm lần lượt thực hiện chuỗi các thao tác lau thi hài người đã khuất bằng nước nấu bằng thảo mộc, thay áo kimono, chải tóc mái tóc bạc trắng như mây bằng chiếc lược đồi mồi, rồi tô son đỏ cho đôi môi bợt bạt một cách tao nhã và thanh thoát vô cùng, cứ như các vị quan tư tế đương chủ trì một nghi lễ trọng đại nơi thần điện vẫn thường được miêu tả kỹ càng trên các trang thần thoại cổ, hay màn diễn xướng xuất quỷ nhập thần của một vũ công cung đình thời Heian. Ông gần như đắm chìm vào trong sự thiêng liêng của nghi thức nhuốm màu u linh cổ đại ấy, và trong một khoảnh khắc, người phụ nữ xa lạ đang nằm trên tấm futon trước mặt ông và người vợ đã rời bỏ thế giới này được gần nửa năm của ông bỗng dưng nhập lại làm một. Hai người phụ nữ dường như đã được "đồng nhất" bởi sự vĩnh hằng của cái chết. Và rồi, khi vị chủ nhiệm cậy nhờ ông nâng thi hài người quá cố lên đặt vào trong quan tài, ông xúc động tới suýt trào nước mắt. Những giọt nước mắt đáng nhẽ phải rơi trong đám tang người phụ nữ duy nhất mà ông yêu.

"Sau khi em chết, xin hãy chia tro cốt em làm hai phần, nửa rắc xuống cội anh đào trên núi, nửa rải xuống biển xanh thăm thẳm. Để một năm bốn mùa luân phiên tuần hoàn, em đều có thể trở về gặp anh, ngay cả khi cái chết chia lìa đôi ta. Em sẽ về gặp anh trong dáng hình tuyết trắng mùa đông, trong tiếng sóng biển xôn xao mùa hạ, trong nhịp rơi không vương chút lụy phiền của những cánh hoa anh đào, và trong cơn mưa rả rích của một chiều cuối thu. Em hy vọng anh có thể nhìn thấy em trong muôn hình muôn vẻ của thế giới này."

Những dòng bà biên trong bức thư tình đầu tiên chợt hiện về rõ ràng trong tâm trí ông lúc ấy.

Sau đó, trên chiếc xe chở linh cửu tới đài hóa thân, quả nhiên ông đã gặp lại bóng hình người vợ trong những bông tuyết rơi lả tả từ những đám mây màu lông chim Diệc, nơi khóm hoa Trà ngậm sương giá, và cả nơi dấu máu ai để lại trên nền tuyết trắng tinh khôi. Ông thấy bà ở mọi chỗ xung quanh mình. Ngay vào chính khoảnh khắc ấy, ông bất ngờ nhận ra, rằng cái chết không kết thúc sự sống, cũng không vượt trên sự sống, mà bảo bọc sự sống trong cái tử cung êm ái của mình như một bào thai hình con ếch. Và như một hình thức tri ân, kể từ dạo đó, ông bắt đầu nghiêm túc học nghề mai táng, để rồi thay chủ nhiệm cáng đáng công việc thiêng liêng đó khi ông cụ tới tuổi nghỉ hưu, vui vầy cùng con cháu. Ba năm sau, ông nhận thêm cậu thiếu niên Kanon mồ côi vào làm chân phụ việc. Kanon học nghề rất nhanh. Chỉ mất chưa đầy nửa năm, cậu đã có thể một mình hoàn tất quy trình buổi lễ tang. Vì cả hai đều bận rộn với các đám ma chay, nên ông Takeda đã thuê Tsukiyo về lo chuyện dọn dẹp, cơm nước. Hai con người trẻ tuổi ấy đã mang ánh sáng tươi mới đến cho cuộc sống ảm đạm, buồn thảm của ông chủ nhà. Ông cảm thấy niềm hạnh phúc trào dâng mỗi khi cô bé Tsukiyo đáng yêu vẫy bàn tay nhỏ nhắn tiễn ông đi, cũng như lúc dỏng tai lắng nghe tiếng cười sảng khoái của Kanon vẳng ra từ cửa sổ văn phòng.

"Cứ như thể bà ấy đã đưa hai đứa trẻ ấy đến với tôi vậy. Giờ lòng tôi bình yên tới lạ."

Ông mỉm cười, nói khẽ sau khi ăn miếng bánh cuối cùng.

"Cậu nên hiểu, Gojo-kun ạ, rằng nỗi buồn dẫu có to lớn và nặng nề tới nhường nào đi chăng nữa, thì sẽ có những thứ mới mẻ tìm tới, khỏa lấp dần những khoảng trống trong tim cậu. Chắc chắn sẽ tới một lúc nào đó, có thể gần, cũng có thể xa, cậu sẽ cảm thấy nguôi ngoai."

Gojo Satoru không bình luận gì, chỉ im lặng uống nốt chỗ trà của mình.

"Đó là tất cả những gì tôi có thể chia sẻ với cậu."

Nói xong, ông Takeda đứng dậy để mang đĩa và ly đã dùng qua bỏ vào bồn rửa. Phía bên kia khung cửa sổ đóng kín, nắng thơm đã tắt. Con mèo tam thể tiếc nuối từ biệt người tình để trở về khu vườn treo kỳ vĩ. Đôi bàn tay màu bánh mật của chàng sinh viên đã mất hút vào bên trong, chỉ còn tấm màn cửa sổ vẫn phất phới tung bay. Gojo Satoru nhẩn nha thưởng thức quả dâu tây căng mọng mà gã đã để dành lại sau cùng. Lúc gã ăn xong thì chàng-Romeo-bốn-chân đã rời khỏi mái phên sắt chênh vênh. Cửa sổ phòng chàng họa sĩ tương lai cũng đóng kín bưng. Điệu múa của tấm khăn voan buộc phải ngừng lại. Gã chú thuật sư trẻ tuổi lảo đảo đứng dậy khỏi chiếc bàn vuông vắn, mang theo chén đĩa bẩn liêu xiêu đi tới chỗ bồn nước.

Gã vừa cất từng bước dè dặt, vừa miên man suy nghĩ về lý do mình đã chọn căn nhà ba tầng do ông già Takeda sở hữu làm chốn trú chân tạm thời, không chỉ bởi vì chủ nhân của nơi đây là một cựu chú thuật sư mà nó còn là một chỗ chuyên mai táng người đã khuất. Gã đã nghĩ rằng ở một chỗ như thế, nỗi đau thương sinh ra từ sự mất mát khôn chịu nổi sẽ luôn đè nặng. Bầu không khí tang thương của cái chết phủ kín mái nhà lợp ngói xám. Âm khí choáng ngợp mọi ngóc ngách bên trong sẽ phần nào che đậy được sự hiện diện của nguyền hồn Suguru cũng như mặc cảm tội lỗi bao trùm tâm tưởng và đêm ngày không thôi dày vò tâm hồn gã. Thế nhưng, trái với mọi kỳ vọng ban đầu, đây lại là chốn ngập tràn ánh sáng của sự sống. Ở đây, người ta chào đón gã với những nụ cười tươi thắm, vui vẻ cùng gã chuyện trò tỉ tê. Và cũng chính tại căn nhà ba tầng rêu phong cổ kính này, đã có người bảo với gã: "Cuộc sống vẫn tiếp diễn, và nỗi buồn trong lòng người sẽ tới lúc nguôi ngoai."

Vậy mục đích ban đầu gã chạy trốn tới tận thị trấn miền Nam này nào có nghĩa lý chi đâu?

Gojo Satoru bám vào bức tường để đi xuống cầu thang. Hình dạng và màu sắc của những tấm ván gỗ chỗ chiếu nghỉ nhòa đi trong mắt gã. Gã lầm lũi đi hết đoạn hành lang mà vách tường hai bên đã thấm đẫm mùi hương liệu để tiến về phía cánh cửa mở hướng ra khoảng sân sau. Nơi chiếc xích đu trắng bên dưới tán Bằng lăng, gã đàn ông tóc bạch kim trông thấy đôi bạn trẻ, Kanon và Tsukiyo, đang ngồi bên nhau, thích thú cùng chơi trò nối chữ.

"Neko"

"Kodomo"

"Momotaro"

"Rondo"

Đôi nam nữ hăng hái thử thách vốn từ của đối phương. Đoàn tàu ngôn từ lượn vòng quanh trong làn ánh sáng màu mơ chín. Cho tới lúc chàng trai tóc nâu nhạt lỡ bật ra: "Doraemon", và tất cả những ai có mặt tại khoảnh sân rộng rãi đó lập tức nhận ra ngay, rằng trò chơi đã tới hồi kết thúc. Dường như nghi ngờ người con trai cố ý nhận phần thua về mình, Tsukiyo làm ra vẻ dỗi hờn, đưa tay vỗ nhẹ vào vai cậu chàng, rồi cả hai nhìn nhau, tủm tỉm cười.

Bỗng dưng, khung cảnh lãng mạn một cách hết sức ngây thơ ấy gợi nhắc cái mùi lành lạnh của một căn phòng thí nghiệm trong ký ức của thính giác gã chú thuật sư mạnh nhất. 

- Hết chương 5 -

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro