Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Trả đơn: Không thể giữ mạch truyện theo ý định ban đầu?

Chào bạn, lời đầu tiên hội quán xin gửi đến bạn lời cảm ơn vì đã tin tưởng hội quán mà trao đổi vấn đề của mình. Đây là một câu chuyện không của riêng ai, là vấn đề chung của nhiều author viết longfic gặp phải. Trong khả năng hiểu biết hạn hẹp, hội quán mạn phép gửi đến bạn một vài ý kiến mang tính tham khảo, hi vọng sẽ giúp ích cho bạn.

1. Một bộ khung hoàn chỉnh cho một khởi đầu vững chắc

Như bạn đã nói, bạn đã có khung xương cho tác phẩm của mình từ trước, vậy thì hãy tìm một quyển sổ tay và một cây bút hay một dụng cụ gì đó có thể ghi chú, lưu trữ được. Cùng bắt tay vào nhé. Bạn note toàn bộ khung xương của mình ra đó, chia ra từng phần, từng chương. Bạn hãy tính toán ở mỗi chương mình sẽ viết gì, bắt đầu từ đâu, kết thúc ở đâu. Các ý chính có thể triển khai thành các gạch đầu dòng hoặc đánh các kí hiệu yêu thích cho dễ đọc. Hãy làm như cách bạn lập dàn ý khi học tập làm văn vậy. 

Từ bộ khung hoàn chỉnh này, bạn sẽ triển khai thành câu chuyện cụ thể. Khung xương là phần xương cốt, lời văn là thịt da. Đã có một bộ xương cốt hoàn chỉnh thì việc bạn cần làm là đắp thịt thêm da vào cho cho đứa con của mình thôi. Cao thấp, mập ốm, đẹp xấu... tùy vào văn chữ của bạn. Bạn viết từng phần nhỏ, đọc lại, chỉnh sửa cho thật vừa ý rồi mới viết tiếp phần khác. Bám thật chắc vào khung xương ấy, lâu lâu mở lại để xem xem mình đã viết những gì, chưa viết những gì, sắp xếp các ý lại nếu cần thiết. Hãy dùng khung xương làm kim chỉ nam để dẫn dắt việc viết lách đi đúng hướng. 

2.  Ứng phó với những tình tiết nảy sinh bất chợt

Có lẽ bạn cũng gặp vấn đề mà rất nhiều author khác gặp phải, đó là những tình tiết xuất hiện bất chợt, không có dự liệu trước. Những tình tiết này đôi khi rất hay, bỏ thì không nỡ nhưng cũng không biết đặt vào đâu. Nhiều bạn cố gắng tìm chỗ nhét nó vào dẫn đến việc làm sai lệch đi cốt truyện ban đầu, đưa câu chuyện đi theo hướng khác. Vậy nên làm sao với tình huống này? 

+ Cân nhắc lựa chọn: Truyện nhiều tình tiết sẽ hấp dẫn, lôi cuốn nhưng tham quá cũng không tốt. Một bàn ăn nếu có quá nhiều món sẽ gây ngán. Bạn cần cân nhắc thật kỹ, lựa chọn những tình tiết đắt giá nhất, có tác dụng tốt trong việc thúc đẩy diễn biến truyện để đưa vào. Những tình tiết thừa, không cần thiết nên lược bỏ. Với các tình tiết nảy sinh bất chợt nhưng lại rất hay, nếu muốn đưa vào, bạn cần xây dựng một hoàn cảnh hợp lý để nó phục vụ cho diễn biến cốt truyện, sắp xếp lại thứ tự của nó trong chuỗi các tình tiết ban đầu bạn đã nghĩ. 

+ Biết mình đang viết cái gì: Điều quan trọng nhất khi viết một tác phẩm là bạn phải biết mình viết để làm gì, bạn sẽ truyền tải nội dung gì trong đó, bạn muốn dẫn dắt người đọc đi đến đâu... Khi xác định rõ ràng các yếu tố này thì bạn sẽ có cơ sở lựa chọn tình tiết truyện phù hợp. Đứng trước một tình tiết, bạn có thể tự hỏi xem tình tiết này có ý nghĩa gì, nó sẽ đưa câu chuyện đi đến đâu, mình sẽ xử lý nó thế nào... Giống như bạn đang đánh một ván cờ vậy, khi đi một nước cờ, không phải chỉ tính ở bước trước mắt mà phải tính cho ở ba, bốn nước về sau, thậm chí tính trước cả ván. Khi viết ra một điều gì, bạn phải tính toán đến việc điều này sẽ ảnh hưởng thế nào đến những vấn đề sẽ xảy ra phía sau, có liên quan gì đến vấn đề đã xảy ra ở phía trước... Người làm chủ các nước cờ sẽ điều khiển được ván cờ theo muốn, nếu tác giả làm chủ được những tình tiết của tác phẩm thì sẽ dẫn dắt cốt truyện đi đến đích đúng như ý muốn. 

3. Chăm đọc lại tác phẩm và đừng ngại sửa đổi 

Viết truyện là một quá trình gian khổ, từ khung xương đến tác phẩm là một quãng đường rất dài, đòi hỏi author phải đủ sự kiên nhẫn và bình tĩnh. Bạn cần kiềm chế cảm xúc của mình, đừng để cảm hứng tuôn trào thái quá dẫn dắt bạn đi xa rời cốt truyện ban đầu. Hãy là người dẫn dắt câu chuyện chứ đừng để bị câu chuyện dẫn dắt. Hãy thường xuyên đọc lại những phần đã viết để kịp thời nhận ra những sai sót. 

Nếu thấy đã có sai sót, đừng ngại chỉnh sửa. Có thể bạn sẽ chỉnh sửa bằng cách ở những chương kế tiếp, tìm cách dẫn dắt mạch truyện trở lại như ban đầu trước khi nó đi quá xa. Nếu cần thiết, có thể xin lỗi độc giả, tạm ngưng đăng tải và ngồi chỉnh lại tất cả. Nếu tác phẩm trở lại với diện mạo chỉn chu hơn, đẹp đẽ hơn thì độc giả cũng sẽ không phiền lòng nhiều đâu. Tuy nhiên, cách hay nhất là hãy cố gắng lèo lái câu chuyện trở về đúng với ý đồ ban đầu. Cách này đòi hỏi ít nhiều kinh nghiệm sáng tác, bạn cứ tập dần sẽ quen, hoặc có thể tham khảo ý kiến những author khác. Bạn cũng có thể trưng cầu ý kiến độc giả, nhờ đến các dịch vụ review..., người ngoài đọc vào sẽ cho bạn cái nhìn khách quan và đa chiều hơn, đôi khi sẽ giúp bạn nhận ra những vấn đề mà khi tự đọc bạn không nhìn thấy. 

4. Đôi điều nhắn nhủ 

Viết lách là một quá trình sáng tạo nên mọi thứ không cần phải quá cứng nhắc theo khuôn mẫu. Chỉ cần đảm bảo đủ ý chính, ý quan trọng của cốt truyện muốn viết, mọi thứ có thể tùy theo hoàn cảnh mà sáng tạo. Tuy nói author là "bố đẻ mẹ đẻ" của các nhân vật nhưng thực chất, trong quá trình sáng tác, rất nhiều author gặp cảnh "dở khóc dở cười" khi "đàn con thơ" cứ tự tung tự tác, "không chịu nghe lời", mọi thứ xáo trộn cả lên, thứ tự tình tiết bị thay đổi... Đây là một vấn đề rất phổ biến mà ai cũng có thể gặp phải. Đừng quá lo lắng. Chỉ cần đảm bảo đủ những tình tiết cần có thì chuyện thứ tự cũng không phải là quá quan trọng, miễn là hợp lý, logic, đảm bảo mạch truyện thì chuyện đảo thứ tự cũng có thể chấp nhận được. 

Nếu là người cầu toàn, bạn muốn mọi thứ phải theo ý mình tuyệt đối thì cách tốt nhất là "viết theo khuôn". Có nghĩa là bạn vạch ra một "dàn ý chi tiết" cho mỗi phần trước khi bắt tay vào viết.  Trong "dàn ý chi tiết" này sẽ bao gồm tất cả những thứ bạn sẽ viết ra ở chương đó: bối cảnh, nhân vật, nội dung chính, tình huống dự kiến, những câu thoại đắt giá bắt buộc phải có,... 

 Mình ví dụ nhé.

-----

*Chương... 

- Bối cảnh ở phòng khách sạn, thời gian là buổi tối, sau giờ tập. 

- Nhân vật: Hoàng, Tuấn, Trường 

- Nội dung chính: Hoàng và Tuấn trao đổi về nguyên do khiến Dũng thủ môn buồn bã suốt mấy ngày nay và đưa ra phương án là sẽ đi mách với đội trưởng nhờ giải quyết. 

- Những tình huống dự kiến: 

+ Hoàng trấn lột điện thoại của Tuấn.

+ Tuấn suýt ngã đập mặt.

+ Hoàng và Tuấn bắt gặp đội trưởng đang ăn vụn tôm. 

- Lời thoại buộc phải có: 

Hoàng: 

+ Hãy tự giác trước khi bị cưỡng chế!

+ Đây là thánh chỉ của hoàng thượng! Không tuân trảm! 

Tuấn: Hôn quân! 

Trường: 

+ Hai đứa mày không được lộ chuyện này cho ai, nếu không đừng trách tao độc ác! 

+  Mọi thứ cứ để đội trưởng lo! 

----

Sau khi đã phát thảo sơ bộ, bạn sẽ viết dựa theo dàn ý này trên cơ sở thêm thắt lời văn, miêu tả, thêm thoại,... Như vậy, bạn sẽ có một đường dây hoàn chỉnh, mọi thứ sẽ đi theo đúng trật tự mong muốn, không bị xáo trộn hay hỗn loạn nữa. Đừng quên đem những gì đã viết đối chiếu lại với khung xương ban đầu để xem thử mọi thứ có diễn ra đúng như mong muốn không bạn nhé. 

Bạn cũng cần củng cố lập trường vững chắc, xác định rõ ý tưởng của mình, tránh việc bị lung lay bởi những nhân tố bên ngoài tác động. Có rất nhiều nhân tố bên ngoài tác động đến việc sáng tác, lợi có hại có. Tác giả cần có lập trường kiên định, quyết tâm bám đúng cốt truyện của mình để câu chuyện không bị dẫn dắt sai lệch đi. Những khi thấy mình có vẻ sa đà quá mức thì nên dừng lại, bình tâm suy nghĩ, lấy lại cân bằng rồi hãy viết tiếp, lúc này, bạn sẽ đủ tỉnh táo để nhận thức về những gì mình đang viết, sẽ điều khiển được câu chữ của mình. Nói tóm lại, bạn hãy làm chủ chính mình và cả tác phẩm của mình! 

Bên trên là vài điều hội quán chia sẻ với bạn, mong là sẽ phần nào giúp được bạn. Chúc bạn sớm khắc phục được vấn đề và ngày càng sáng tác hay hơn, sớm hoàn thành tác phẩm tâm huyết, được nhiều độc giả yêu thương. Mong nhận được ý kiến đóng góp của bạn. 

- Thủ Môn 23 chuyên bao nuôi toàn hội quán -


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro