1. Ta giẫm trúng đuôi mèo
Ta vốn là con gái nuôi của vị tướng dũng mãnh nhất tộc Xích La. Cha nuôi tìm thấy ta khi ta bị ai đó bỏ lại trong rừng sâu, lòng xót thương nên mang về nuôi dưỡng, cũng không hiểu sao lại nuôi dạy như một đứa bé trai.
Sáu mươi năm trước Xích La bị tộc Xuân đô hộ, thủ lĩnh tộc ấy thống nhất hai tộc, lập ra nước Đại Xuân. Người Xích La và người Xuân tuy sống cùng đất nước nhưng sự phân biệt vô cùng rõ ràng, tuy thủ lĩnh tộc ta cũng được phong làm Vương Gia nhưng trong triều chưa từng có được chỗ đứng hay tiếng nói.
Dù không ai nói ra nhưng ai cũng đều ngầm hiểu rằng người Xích La luôn có vị thế thấp kém hơn người Xuân, chúng dồn tộc Xích La đến một góc nhỏ trong vùng thảo nguyên phía Nam, lấy đất đai bạt ngàn từng thuộc về chúng ta để xây hành cung, thao trường. Hoàng đế lúc ấy là Lý Hội sợ rằng tộc ta bị ép đến bước tạo phản, đành mắt nhắm mắt mở cho những người đứng đầu tộc ta giữ vài chức quan trong triều, song chưa từng trọng dụng.
Đáng tiếc là các đời sau của Hoàng tộc Đại Xuân lại không ai có được chút khí thế hay tài trí nào của Lý Hội Đế, việc có được giang sơn quá dễ dàng cộng với thái độ quy thuận hoàn toàn của các đời thủ lĩnh Xích La nên bọn họ dần lơi lỏng cảnh giác. Nhờ có vậy, người Xích La tuy vẫn bị chèn ép nhưng quả thật đã đỡ khổ sở hơn xưa vài phần, những đời Xích La Vương sau này cũng dần tìm được chỗ đứng cho mình trong triều dù vẫn chịu sự nghi kị từ Hoàng đế.
Đến đời của cha nuôi ta, nhờ công của các tướng Xích La thủ hộ biên cương, vị trí Xích La Vương trong triều đã có thể khiến Hoàng đế để tâm. Chính vì để tâm, vậy nên dần sinh lo sợ.
Nước Đại Xuân đã qua ba đời Hoàng đế, đời sau nát hơn đời trước. Lý Cảnh Hoàng đế không nhìn đến binh lính ngoài biên ải, chỉ chăm chăm củng cố Cấm Vệ Quân bảo vệ hoàng cung. Binh quyền đã sớm rơi vào tay kẻ khác, thế mà kẻ thân là Hoàng đế chỉ biết bo bo giữ mình.
Nhớ mười năm trước nữ Đại tướng quân Du Yên Kiều qua đời do bạo bệnh, từ ấy về sau Đại Xuân dường như chẳng còn tướng nào thực sự tài giỏi nữa. Triều thần đều đang lo sợ nếu lại có nạn ngoại xâm, ngàn vạn binh sĩ ngoài kia chẳng biết chống đỡ nổi hay không.
Năm ta bảy tuổi, Lý Cảnh hạ chiếu chỉ muốn Xích La Vương đưa con trai vào cung làm dưỡng tử cầu phúc cho Đại Xuân. Hoàng đế nói mình xem thiên tượng thấy có điềm xấu, muốn hóa giải phải có một đứa con trai, ứng với chữ "Tử" trong vận mệnh của mình. Lúc ấy đúng là ông ta chỉ có hai công chúa, long thai trong bụng Quý phi Du Vân Kiều vẫn chưa được sinh ra.
Ngoài mặt là vậy, thực chất Xích La Vương đã biết rõ ý định bắt Thế tử Xích La làm con tin của Hoàng đế. Nếu Lý Cảnh giữ con trai của Vương trong cung, có thể dùng đó đe dọa Vương, ngăn Vương tạo phản.
Cha nuôi của ta về nhà, nhìn bộ dạng không khác gì một cậu nhóc của ta, bèn gọi ta lại gần. Người nắm bàn tay ta, ánh mắt kiên định chưa từng thấy.
"Đại nghiệp mà ta vẫn hay dạy cho con, nay đã sắp thành. Còn đại nghiệp của riêng con, chỉ cần con nghe lời thì sẽ lập tức khởi đầu thuận lợi."
Ta nhìn xuống bộ y phục dành cho bé trai mà mình đang mặc, quỳ xuống dập đầu với cha nuôi.
Sáng hôm sau, cha đưa ta đến trước mặt Xích La Vương. Ta lại quỳ xuống trước mặt Ngài, cung kính nói:
"Nhi thần Chiêu Chiếu Quân, bái kiến phụ vương!"
Xích La Vương hài lòng gật đầu, đích thân đỡ ta dậy. Dường như do chính ta cũng đang ngấn lệ, ta lại mơ hồ nhìn thấy trong mắt Người phảng phất chút xót xa.
Vậy là, ta thay con trai của Xích La Vương, mang thân phận Thế tử nhập cung làm dưỡng tử của Hoàng đế.
Hoàng đế đối xử với ta không tệ, ta không muốn học thì không cần học, thích chơi thì cứ đi chơi, không chút ràng buộc. Ông ta ban cho ta một phủ ngay sát Hoàng cung, ngoài kẻ hầu người hạ theo ta từ mẫu tộc còn có thêm vài người do ông ta sắp xếp. Đêm trước khi khởi hành, cha nuôi và Vương gia đã dặn dò ta rất kĩ, những lời ấy ta chưa bao giờ dám quên.
Ta phải trở thành một kẻ không thể dùng được.
Mười mấy năm trời của ta trôi qua dưới mắt Hoàng đế và triều thần Đại Xuân an nhàn vô cùng. Ta dựa vào thân phận tôn quý của mình nên không cần nể mặt kẻ nào, tiền bạc mỗi tháng Hoàng đế ban xuống ta đều tiêu chẳng tiếc tay. Ngày trà đình, chiều tửu điếm, tối lầu xanh, hôm nào có hứng thì ta đến sòng bạc tùy hứng sát phạt, dù sao thắng thua đối với ta chẳng hề quan trọng.
Năm ta hai mươi hai tuổi, trong Yến hội mừng Tết trùng dương, ta gặp nàng ấy.
Xích La Vương không cần thường xuyên tham dự thiết triều, mỗi năm vào dịp đại lễ mới phải cần xuất hiện. Đêm ấy ta và Ngài diễn một màn cha con bồi hồi gặp lại nhau cả năm dài, diễn tự nhiên đến mức ta còn tưởng người trước mặt chính là cha ruột của mình.
Hoàng đế uống đến say bí tỉ, ta nhân cơ hội rời khỏi yến tiệc, đi đến Ngự Hoa Viên.
Người bên cạnh Xích La Vương đã chờ ta sẵn ở đó, ta lấy mảnh giấy từ trong tay áo ra đưa cho hắn. Ngay lúc đó, ta nghe tiếng bước chân khe khẽ sau lưng mình.
Chỉ có thể là Nhậm Như Hà luôn bên cạnh Hoàng đế.
Ta vờ như không biết, nếu y vẫn còn đi theo thì tức là chưa biết rằng chuyện ta cần làm đã xong. Ta đi quanh Ngự Hoa Viên, cố ý cho Nhậm Như Hà thấy bộ dạng say xỉn của mình. Trong khi đang nghĩ phải làm thế nào mới có thể khiến y yên tâm quay về, ta nhìn thấy một cô gái đang ngồi bên hồ sen.
Nàng bỏ giày bỏ tất, hai chân đang ngâm dưới nước, khe khẽ vung vẩy. Ánh sáng từ đèn lồng trong Ngự Hoa Viên soi rõ gương mặt nàng, trên gương mặt non nớt phớt hồng ấy lại lấm tấm mồ hôi. Nàng nhíu mày khó chịu, thỉnh thoảng còn tự cào cấu hai cánh tay chính mình. Nàng không hay ta đang tiến đến, còn ta trong tình cảnh ấy chỉ có thể làm ra chuyện bất đắc dĩ.
Ta tiến đến bên cạnh nàng, giọng nói thấm đầy hơi men lè nhè.
"Mỹ nhân, đêm khuya sao lại ngồi ở đây vậy?"
Ta đến ngồi sát cạnh nàng, cười bỉ ổi.
"Để bổn Thái tử đưa nàng về nghi nhé."
Gương mặt của nàng chuyển từ xanh sang trắng rồi lại từ trắng sang đỏ bừng, giống như bị ta trêu chọc tức đến không nói nên lời. Dù nàng tạm thời á khẩu, ta vẫn có thể thấy thiên ngôn vạn ngữ trong ánh mắt nàng, đảm bảo câu nào cũng là hỏi thăm cha mẹ dòng họ nhà ta!
Nàng vùng đứng dậy chạy đi, ta biết chuyện đã trôi qua, không ngoảnh lại nhìn theo mà chỉ thở phào nhẹ nhõm. Nhậm Như Hà cũng lắm chỉ có thể về bẩm báo ta say rượu làm càn. Đấy là chưa kể còn có cô gái này bất đắc dĩ trở thành nhân chứng, từ lúc ấy ta đã thề sẽ đền bù thật xứng đáng cho nàng.
Nào ngờ nàng ấy đi chưa được ba bước đã quay lại lao ùm xuống hồ sen, vùng vẫy một hai cái thì mất tăm.
Lẽ nào bị ta trêu chọc khiến nàng cảm thấy bị sỉ nhục nặng nề đến vậy?
Ta cũng vội vàng lao xuống theo.
Ta quờ quạng tìm kiếm trong làn nước lạnh giá, bất thình lình có một bàn tay tóm lấy cổ chân ta, thô bạo lôi xuống dưới.
"Thế tử! Tiểu thư! Hộ giá! Hộ giá!"
Nhậm Như Hà hét lên, rất nhanh sau đó đã có người kéo ta và cô gái kia lên bờ.
Khi nãy chính là nàng ấy ở dưới hồ nắm chân ta kéo xuống.
Thì ra nàng ấy chính là Tô Tịnh Lạc, con gái duy nhất của Du Đại tướng quân và Hộ bộ Thượng thư Tô Nghiêm Độ.
Lát sau chúng ta cùng quỳ trước mặt Hoàng đế, dù Tô Tịnh Lạc đã được thay y phục khô ráo nhưng cả người vẫn còn run rẩy. Ta uống xong chén canh giải rượu ngự ban, quỳ bên cạnh Tô Tịnh Lạc nghe trách tội.
Ta không chối, cúi đầu với Hoàng đế và Tô Thượng thư:
"Chiếu Quân làm ra chuyện khó dung thứ, xin nhận tội."
Tô Tịnh Lạc cắt ngang lời ta:
"Bệ hạ, thần nữ chỉ cầu từ nay về sau không bao giờ gặp mặt Thế tử nữa, còn lại không cần gì khác."
Hoàng đế nhíu chặt mi, cuối cùng cũng đành ân chuẩn.
Tô Thượng thư đưa Tô Tịnh Lạc rời đi, trong điện chỉ còn Hoàng đế, Vương gia và ta.
Hoàng đế nhìn ta một hồi nhưng vẫn chưa cho ta đứng dậy. Ông ta dùng giọng điệu trưởng bối răn đe ta ngay trước mặt Vương gia.
"Cả tộc Xích La chỉ có mình con là Thế tử, con làm mà không biết nghĩ hay sao? Sau này vận mệnh mẫu tộc của con nằm trong tay của con, Trẫm khuyên con nên tu tâm dưỡng tính từ bây giờ đi, đừng khiến phụ vương của con đau lòng!"
"Nhi thần đã hiểu thưa Bệ hạ."
Hoàng đế phất tay bỏ đi. Xích La Vương tiến đến đỡ ta dậy, ta và Người nhìn nhau, nhẹ gật đầu.
Quả nhiên Hoàng đế dù cảnh giác với Xích La nhưng không tìm được bằng chứng, tuy nhiên ta đã đến tuổi kế vị, ông ấy đang để ý đến ta hơn.
Ta đi ngang Ngự Hoa Viên, chợt nhớ đến Tô Tịnh Lạc lúc nãy. Ta biết nàng ấy.
Năm ngoái Tô Tịnh Lạc gả cho con trai của Lễ bộ Thượng thư Hạ Ân - Hạ Yếm Đam, hôn lễ còn là song hỷ. Ngày Tô Tịnh Lạc gả vào nhà họ Hạ, Hạ Nhị tiểu thư cũng gả cho Tô Huyền em trai của nàng. Trong đêm tân hôn, phu quân Tô Tịnh Lạc trượt chân té xuống hồ chết đuối.
Ta vốn không thích quan tâm đến những chuyện dạng này, tuy nhiên chuyện của Tô Tịnh Lạc từng có lúc gây náo loạn trong cung một phen. Nàng ấy trong tang lễ khóc lóc la hét đòi lao vào quan tài tự sát, cha mẹ chồng không đành lòng để nàng ở góa nên đã cho nàng được phép cắt tóc đoạn tang ngay sau khi tang lễ kết thúc, còn được cho thêm sính lễ để đưa về lại Tô gia.
Sau đó thì đột ngột Tô Tịnh Lạc ra ngoài lập phủ, còn được Hoàng đế triệu vào cung để hỏi rõ nguyên do.
Hoàng đế quan tâm đến Tô Tịnh Lạc bởi vì sau lưng nàng ấy có ba mối hậu thuẫn không hề nhỏ. Cha và mẹ nàng, một là công thần, một là trọng thần triều đình, chưa kể đến em ruột của mẹ nàng là Du Quý phi lại là đệ nhất sủng phi của Hoàng đế, ân sủng vô vàn.
Vì lẽ ấy, từ nhỏ Hoàng đế đã đối xử với nàng đặc biệt hơn con cái của những triều thần khác.
Sau lần tiến cung ấy, Tô Tịnh Lạc dùng vẻ mặt đắc ý rời khỏi hoàng cung, không lâu sau thì sinh thêm tật nghiện thuốc phiện.
Cách đây không lâu, Tô Tịnh Lạc lại bị Quý phi triệu vào cung giáo huấn vì đánh chết gia nhân.
Lúc nãy là lần đầu ta nhìn thấy Tô Tịnh Lạc, dung mạo như hoa mai trong tuyết trắng, mềm yếu khiến người ta muốn bảo vệ, hoàn toàn không giống hung thần ác sát mà ta hay nghe kể. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, ta chưa từng thấy qua thiếu nữ mười bảy tuổi nào mà lại có ánh mắt đầy lệ khí như Tô Tịnh Lạc.
Lúc nãy nàng ấy đã thực sự muốn dìm chết ta dưới hồ.
So với bộ dạng run rẩy đầy uất ức trước long nhan, khác xa hoàn toàn.
Sau lưng chợt có người gọi ta, khi vừa quay lại ta liền nhận ra người này. Y là Tô Nghiêm Vũ - con trai trưởng của Tô Thượng thư và người vợ đầu quá cố, là anh trai cùng cha khác mẹ với Tô Tịnh Lạc. Không sai, sau khi mẹ của Tô Nghiêm Vũ mất thì Tô Thượng thư mới cưới Du Đại tướng quân.
Tô Nghiêm Vũ cung kính hành lễ, tiếp đến lại dùng ánh mắt không giấu nổi căm phẫn mà nhìn ta, trong giọng nói rõ ràng đang kìm nén cơn giận.
"Thế tử Điện hạ, thần có chuyện muốn nói với Ngài."
"Miễn lễ. Sao, có chuyện gì?"
Tô Nghiêm Vũ tiến đến một bước, nói:
"Ngài là con cháu Hoàng gia, nữ nhân trong thiên hạ ai cũng đều muốn lọt vào mắt xanh của Ngài. Thế nhưng gia muội của thần chỉ là một nữ nhi góa bụa, giỗ đầu của phu quân vừa qua chẳng bao lâu, chuyện vừa rồi đã kinh động đến các bậc trưởng thượng lẫn kẻ hầu người hạ."
Tô Nghiêm Vũ lại chắp tay cúi đầu, lễ nghi chuẩn mực, chưa từng có một giây thất thố.
"Thần cả gan xin Thế tử hãy dành cho gia muội một lời thỏa đáng."
Làm sao ta có thể không biết mình cần phải làm gì cơ chứ? Chỉ là Tô Tịnh Lạc ở trước long nhan đã xin Thánh thượng ban lệnh từ nay về sau ta và nàng không có việc thì không cần chạm mặt, e rằng lễ vật tạ lỗi đưa đến tận phủ nàng ta cũng không thèm nhận. Ta tiến đến đỡ Tô Nghiêm Vũ thẳng người dậy, đồng thời định nói cho y hay toàn bộ những gì diễn ra bên trong điện lúc nãy.
Tô Tịnh Lạc không biết từ đâu xuất hiện, bước đến kéo tay Tô Nghiêm Vũ ra sau.
"Ai cần huynh cầu xin cho ta?"
Tô Tịnh Lạc dùng ánh mắt đằng đằng sát khí nhìn ta, lát sau mới chắp tay hành lễ, giống như vừa nhớ ra nơi này là Hoàng cung còn vai vế của ta dù thế nào cũng cao hơn huynh muội nàng.
"Gia huynh vì lo cho ta nên đã làm phiền Thế tử nghỉ ngơi rồi, xin thứ lỗi. Chuyện giữa ta và Ngài đã xong, về sau mong Thế tử tuân mệnh Thánh thượng."
Sau đó không chờ ta trả lời, Tô Tịnh Lạc kéo Tô Nghiêm Vũ quay người bỏ đi.
Ai cũng nói Tô Tịnh Lạc là nữ nhân không dễ động vào. Mà ta trong lúc nghĩ cách thoát thân thì không chỉ động vào mà còn vật lộn dưới nước một phen với nàng ta.
Tim ta bỗng nhiên nhói đau dữ dội, đây là bệnh từ nhỏ của ta, tuy nhiên trong cung ngoài ta và thư đồng A Khắc luôn bên cạnh thì không còn ai biết. Cha nuôi kể rằng, từ lúc còn ẳm ngửa thì các thầy tư tế đều nói mệnh ta không tốt, một tháng không uống thuốc đủ bốn lần thì bệnh tim sẽ phát tác, tệ hơn có thể mất mạng.
Bệnh này không giống bệnh tim mạch thông thường, thuốc ta uống cũng là từ mẫu tộc bí mật gửi đến, chất dẫn thuốc cũng không dễ tìm. Tuy nhiên khi không bị cơn đau hành hạ thì ta chẳng khác gì một người khỏe mạnh, đối với Xích La Vương thì thuốc của ta so với đại nghiệp của Người quả thật chẳng đáng là bao.
Ta nghĩ, có lẽ do lúc nãy ngâm mình dưới nước lạnh nên đẩy nhanh thời điểm phát bệnh, giờ uống thuốc vốn dĩ phải là tối mai mới đúng.
Ta tỏ ra không có chuyện gì, về đến phủ mới ôm ngực ho ra một ngụm máu.
Máu lần này sao lại đen hơn lần trước rồi?
A Khắc mang chén thuốc đến trước mặt ta, mùi tanh tưởi theo khói nóng bốc lên khiến ta muốn nôn. Ngũ Độc Thang, cách dùng đúng cần phải dùng ngũ độc phơi khô nghiền thành bột mịn, lấy máu kẻ mang quẻ âm, sinh ngày Chí Dương làm chất dẫn. Cả tộc ta không tìm được kẻ nào đúng theo lời thầy tư tế, chỉ có A Khắc tuy không mang quẻ âm nhưng đúng là sinh vào ngày Chí Dương, vậy nên được cha nuôi ta đón về nuôi dưỡng để trở thành hầu cận bên cạnh ta.
Nói cách khác, hắn vừa là thư đồng, vừa là hầu cận, cũng vừa là bình thuốc của ta. Tiếc là hắn vốn được đón về trong đám trẻ mồ côi, cha nuôi của ta không có cơ hội báo đáp gia đình hắn.
"Thế tử, người uống thuốc đi."
Dù có buồn nôn thế nào ta cũng chưa từng dám không uống cạn thuốc. Ngũ độc khó tìm, máu người càng quý giá hơn. Thuốc có thể sắc lại, nhưng ta không thể để A Khắc lại cắt tay lấy máu chỉ vì ta.
Vốn dĩ ban đầu chỉ cần vài giọt, thế nhưng do chất dẫn từ đầu không đúng, khiến cho lượng máu cần thiết để thuốc có tác dụng ngày một nhiều thêm.
Ta rất sợ, lỡ như có một ngày chỉ cắt một đường ở cổ tay thôi là không đủ nữa...
Thật ra trong lòng của ta đã sớm có dự tính, đợi khi kế hoạch của cha nuôi hoàn thành, có thể ta và A Khắc sẽ giải thoát được cho nhau.
A Khắc vuốt lưng ta, nghe tiếng ta thở nặng nhọc liền vội vàng đi đóng chặt các cửa, bản thân hắn kéo rèm lui ra ngoài.
Ta nhìn quanh, đến khi yên tâm mới cúi đầu cởi băng vải đang quấn chặt quanh ngực, hô hấp dễ dàng hơn đôi chút. Nước ấm đã được chuẩn bị sẵn, khi ta định bước vào bồn mới thấy dấu tay mờ mờ do Tô Tịnh Lạc để lại trên cổ chân mình.
Có phải người không vậy?
Ngâm mình trong làn nước ấm, một suy nghĩ lóe lên trong đầu ta.
Tại yến tiệc ta chỉ ngồi dưới đương kim Thái tử một bậc, Tô Tịnh Lạc trong lúc cùng với con cháu các nhà quan khác kính rượu Thái tử sao lại không nhìn thấy ta cho được? Hay đúng hơn, lúc bên hồ sen nàng đã nhận ra ta rồi.
Đã nhận ra nhưng vẫn muốn lôi ta xuống hồ, lúc bị ta phát giác thì không chút lúng túng.
Xúc phạm nữ nhân là tội cạo đầu thị chúng, nhưng mà có ý sát hại Hoàng thất là tru di cửu tộc đó! Tô Tịnh Lạc kia cho dù phẩm hạnh tệ đến mức nào thì nhất định cũng phải rõ điều này, thế mà nàng ta một chút lo sợ cũng không, cảm giác như nếu khi đó ta tức giận tố cáo ngược thì nàng ta cũng dùng vẻ mặt đó để nhận hết toàn bộ vậy.
Thế là không sợ chết, hay là không sợ ta làm lớn chuyện đây?
Ta mơ hồ đoán rằng Tô Tịnh Lạc đêm ấy đã nghe hoặc nhìn thấy gì đó, thế nhưng cho đến tận năm sau vẫn chẳng nghe ngóng được gì từ chỗ nàng ta. Tết Trùng dương năm đó Tô Tịnh Lạc đổ bệnh liệt giường hai tháng liền, không thể cùng gia quyến nhập cung dự yến.
Hôn sự của Vãn Nghi công chúa và vương tử tộc Ngao vừa được ước định xong, Trùng dương năm ấy tại hoàng cung hoành tráng hoa lệ vô cùng, chỉ có Du Quý phi dù trang điểm tinh xảo nhưng vẫn không che được hai mắt sưng húp do khóc nhiều đêm liền.
Hoàng đế hạ chỉ gả con gái lớn của ông ta và Du Quý phi cho vương tử tộc Ngao. Nghe nói kẻ này yếu đuối bệnh tật, sinh trưởng trong tộc biển nhưng lại không thể ra gió, quanh năm liệt giường.
Tộc Ngao vì có lợi thế ở việc giao thương đường biển nên bị giặc Bắc lăm le, Ngao Vương muốn quy thuận Đại Xuân để nhận được hậu thuẫn, Hoàng đế khó lòng khước từ nên đã gả Vãn Nghi công chúa cho vương tử nọ để kết mối giao bang.
Du Quý phi vốn không đồng ý hôn sự này, thế nhưng Thánh chỉ đã ban, không thể rút lại. Dự tính mùa xuân năm sau tộc Ngao sẽ đến rước dâu, Du Quý phi đau buồn không thôi, dù vậy vẫn phải coi sóc việc yến hội Tết Trùng dương chu toàn, lao lực quá độ nên thần sắc kém đi trông thấy.
Hai năm trời không nghe ngóng được tăm hơi gì đáng ngờ từ chỗ Tô Tịnh Lạc, ta còn tưởng từ đó về sau ta và nàng có khi sẽ quên đi sự tồn tại của đối phương, chuyện trong Ngự Hoa Viên đêm ấy sau cùng xem như tai nạn do ta hồ đồ xằng bậy.
Vậy mà người tính không bằng trời tính, yến hội Trùng dương năm nay được tổ chức ở hành cung gần tộc Xích La, Tô Tịnh Lạc lần nữa xuất hiện.
Hành cung không có quá nhiều kiến trúc, chủ yếu dựng lên để Hoàng đế tập cưỡi ngựa bắn cung, vậy nên hoàng thất đến chỉ có thể ở trong lều, bốn bề không còn tường đỏ ngói xanh bao vây tuy khiến người ta thấy thoải mái nhưng cũng hơi trống trải.
Lều của ta nằm gần bìa rừng, phía sau có một hồ nước nóng. Chỗ ấy nếu như không phải đi từ trong rừng ra thì chỉ có một đường là đi từ trong lều của ta ra, ta nhờ A Khắc trông coi đằng trước, đằng sau chỉ là rừng tối cũng đủ khiến ta yên tâm phần nào. Ta bước xuống hồ nước, khoan khoái ngâm mình.
Bất thình lình Tô Tịnh Lạc không biết từ đâu ra lại lần nữa chạy đến lao ùm xuống hồ.
Ngay. Trước. Mặt. Ta.
Ta vội lấy y phục định che thân thể lại, không ngờ Tô Tịnh Lạc nhào đến ôm lấy cổ ta.
Xong rồi, cái gì không nên lộ đã lộ sạch rồi.
Nhưng người Tô Tịnh Lạc nóng quá, nóng đến bất thường. Nàng ôm lấy cổ ta, môi kề bên tai ta thì thầm.
"Mỹ nhân, ta nóng quá, ngươi giúp ta với."
???????
Tô Tịnh Lạc không nhận ra ta, hơn nữa còn đang trong trạng thái không tỉnh táo.
Có gì đó chảy xuống vai của ta, là máu. Máu của Tô Tịnh Lạc. Trên cánh tay vốn trắng ngần đang quàng quanh cổ ta nổi bật lên vài đường rạch đỏ tươi chói mắt, đây là dùng trâm nhọn rạch lên.
Tô Tịnh Lạc tiến lại càng gần, vòng tay lơi lỏng.
"Mỹ nhân sợ ta thì có thể chạy đi, ta tha cho ngươi đó."
Mùi máu dội thẳng vào khứu giác của ta, chỉ ngửi thôi cả người ta đã bần thần xao động. Cảm giác này hệt như lần đầu tiên ta đổi liều thuốc, uy lực lớn mạnh khôn cùng, khiến tim ta nhộn nhạo. Giống như bị mê hoặc, ta liếm một vệt máu loang trên cánh tay nàng, từ phút đó thần trí đã hoàn toàn điên đảo.
Tô Tịnh Lạc cứ dán sát vào người ta, thế nhưng giờ lại không ôm ta nữa.
"Ngươi chạy đi, chạy thì ta sẽ tha cho ngươi, không được nói với a-"
Ta bế Tô Tịnh Lạc lên, biểu cảm trên mặt nàng ta cực kỳ đặc sắc. Nàng ta đã cuống lắm rồi, song vẫn dẻo miệng nói:
"Ngươi không thả xuống thì sẽ bị ta ăn thịt đó."
"Chưa biết ai sẽ ăn thịt ai mà."
"Này, này mỹ nhân, ngươi không sợ à? Này, này này này!"
A Khắc chạy vào từ lúc nghe tiếng người nhảy xuống nước, ta đã sớm ra hiệu cho hắn lui ra canh gác bên ngoài kĩ thêm một chút. À, vẻ mặt của hắn cũng đặc sắc không khác Tô Tịnh Lạc là bao.
Đầu tiên, ta cầm máu và băng bó cho nàng trước.
Kế đến đặt nàng nằm xuống giường, lúc này nàng lại ôm cổ ta kéo xuống.
Đêm hôm đó có gió mạnh, gió lùa qua những tán cây già reo lên xào xạc từng hồi. Lều trại xa hoa được đóng kín tất cả các cửa, song bên trong vẫn vần vũ gió mây chẳng ngớt khắc nào.
Tô Tịnh Lạc trở mình lật ta xuống dưới, gục đầu vào hõm vai ta mà nỉ non:
"Ngươi là ai vậy? Trước đây ta chưa từng gặp ngươi. Là tần thiếp mới của Hoàng đế sao?"
Ta nhìn vào ánh mắt mông lung mờ mịt của nàng, nghiêng đầu cắn lên vành tai đỏ bừng, cười đáp: "Vì em đang mơ đấy."
Tô Tịnh Lạc ngẩn ngơ giây lát, không hỏi thêm gì nữa.
Buổi sáng, tiếng chim rừng hót len lỏi vào bên trong lều. Ta cố ý không để lại dấu vết trên người Tô Tịnh Lạc, cẩn thận mặc y phục cho nàng, nếu đây là âm mưu của kẻ nào thì kẻ đó lúc phát giác ra Lạc ở chỗ ta cũng không có chứng cứ nói năng xằng bậy.
Ta đã khôi phục dáng vẻ nam tử, điềm nhiên ngồi bên cạnh bàn dùng trà sáng. Ta vẫn nhớ cảm giác đêm qua, đó là lúc ta nếm được máu của Tô Tịnh Lạc, cảm giác rất kì lạ. A Khắc chỉ trong mấy canh giờ đã điều tra ra, Tô Tịnh Lạc sinh ngày chí dương, bát tự mang quẻ âm.
Kẻ mang mệnh âm, sinh ngày chí dương. Nàng ta chính là thuốc dẫn hữu hiệu mà ta cần.
Tô Tịnh Lạc đi từ sau màn ra, vô cùng tự nhiên mà ngồi xuống đối diện. Ta kinh ngạc mở to mắt, nàng thì tiện tay rót cho bản thân một tách trà.
Nàng vừa cười vừa uống trà, nhướn mày hỏi ta.
"Thế tử đang muốn chơi trò quất ngựa truy phong đấy à?"
Chưa cho ta trả lời, nàng lại nhoài người kề sát vào gương mặt ta, ghé vào tai thì thầm.
"Hay ta phải gọi Thế tử là...mỹ nhân trong mộng?"
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro