Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

giọt nước trong biển cả

Hoàng Văn Hoan

Giọt nước trong biển cả

Lời nói đầu

Cách mạng Việt Nam kể từ năm 1858 thực dân Pháp đánh chiếm Đà Nẵng cho đến năm 1975 dinh lũy cuối cùng của đế quốc là Sài Gòn được hoàn toàn giải phóng, tính ra là một trăm mười bảy năm. Đó là một thời gian dài dặc nhân dân Việt Nam sống trong vòng khổ nạn do đế quốc gây nên. Đó cũng là thời gian dài dặc mà nhân dân Việt Nam kiên quyết đấu tranh giành độc lập cho Tổ quốc; phong trào này bị dập tắt, phong trào khác lại nhóm lên, người trước ngã xuống, người sau vẫn xốc tới, hàng triệu người đã bị tra tấn kìm kẹp nơi tù ngục và hy sinh trong các cuộc chiến đấu. Cuối cùng Hồ Chủ tịch dựa vào nguyên tắc chủ nghĩa Mác - Lê-nin và kết hợp với tình hình thực tế nước nhà, vạch ra một đường lối cách mạng đúng đắn đoàn kết được tất cả lực lượng yêu nước của toàn dân và tranh thủ sự đồng tình của nhân dân tiến bộ thế giới, thì cách mạng Việt Nam mới hoàn thành, đất nước Việt Nam mới thật sự được giải phóng và thống nhất.

Là một người dân mất nước, trong quá trình tìm hiểu cách mạng, tôi đã chịu ảnh hưởng sâu sắc của những nhà cách mạng tiền bối như Trương Công Định, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, v.v... cuối cùng được sự giáo dục của Hồ Chủ tịch, tôi đã trực tiếp tham gia cách mạng từ năm 1926. Nhưng suốt mấy chục năm tham gia cách mạng, không bao giờ tôi nghĩ đến chuyện viết hồi ký; ngay những năm công tác ở Hà Nội, Ban nghiên cứu lịch sử Đảng thường nhắc tôi viết hồi ký ghi lại những hoạt động của mình, một phần trong hoạt động của Đảng, tôi vẫn không định viết, vì sự đóng góp của mình đối với cách mạng chẳng qua chỉ là một giọt nước giữa biển cả mà thôi.

Nhưng qua hơn hai mươi năm làm việc gần gũi với Lê Duẩn, tôi được biết rõ Lê Duẩn là một kẻ âm mưu đặt lợi ích cá nhân và bè cánh lên trên lợi ích của dân tộc, đặc biệt là những năm trước và sau khi Hồ Chủ tịch mất, tôi được biết những hoạt động xấu xa nguy hiểm của y, như việc choán quyền Đảng, việc xuyên tạc lịch sử, việc động viên toàn bộ lực lượng chống Trung Quốc và xâm chiếm Cam-pu-chia, là những việc phản chủ nghĩa Mác - Lê-nin, phản cách mạng, phản lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc.

Qua nhận thức đó, tôi thấy cần phải viết hồi ký, không phải chỉ để nói lên sự đóng góp hết sức nhỏ bé của mình đối với cách mạng, mà chủ yếu để nói lên chủ trương đường lối và việc làm của Hồ Chủ tịch trong các thời kỳ hoạt động qua một số sự việc cụ thể, đồng thời nêu ra một số sự thật trong quá trình cách mạng đã bị Lê Duẩn cố tình che lấp, xóa nhòa hoặc xuyên tạc, để sau này những người có quan tâm đến cách mạng Việt Nam có thể tham khảo, không bị bọn bồi bút của Lê Duẩn lừa gạt.

Cuốn hồi ký này gồm bảy phần:

Phần thứ nhất "Trên đường tiến tới cách mạng", viết theo sự yêu cầu của Phòng truyền thống xã nhà, xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Phần này đã gửi Phòng truyền thống xã, gửi Ban nghiên cứu lịch sử Đảng Nghệ-Tĩnh, nay vẫn giữ nguyên, nhưng có đổi hai chữ "Do-thái" thành hai chữ "Tô-thái" trong câu đối viếng người mẹ của bạn. Việc sửa chữa này sẽ được giải thích rõ khi dẫn đến câu đối này ở trong phần.

Phần thứ hai "Những năm tháng hoạt động cách mạng ở Xiêm".

Phần thứ ba "Những năm tháng hoạt động cách mạng ở Trung Quốc".

Phần thứ tư "Những năm tháng trước và sau Cách mạng Tháng Tám".

Phần thứ năm "Nhiệm vụ mới - Chỉnh đốn một số công tác ở hải ngoại".

Phần thứ sáu "Những năm tháng là Đại biểu Chính phủ và Đại biểu Trung ương Đảng tại Trung Quốc".

Phần thứ bảy "Cách mạng Việt Nam với sự phản bội của Lê Duẩn". Phần này nói lên những sự thật trong quá trình Lê Duẩn chuyển biến từ một người cách mạng thành một người phản bội cách mạng với những nguyên nhân nội tại và ngoại tại của nó. Nguyên nhân nội tại là bản thân Lê Duẩn không tự cải tạo mình để phục vụ lợi ích cách mạng mà lại muốn lợi dụng cách mạng hòng nâng cao địa vị và danh vọng của mình, không quan tâm đến đời sống của nhân dân mà lại muốn lợi dụng sức mạnh của nhân dân hòng biến Việt Nam thành một nước bá chủ khu vực. Nguyên nhân ngoại tại là do một số người lãnh đạo Liên Xô với tư tưởng sô-vanh nước lớn, đã dùng mọi thủ đoạn ép buộc các nước trong "đại gia đình xã hội chủ nghĩa" và các đảng anh em phải tuân theo chủ trương, đường lối của mình, ai không nghe thì đả kích, thì phân hóa nội bộ, ủng hộ nhóm này hạ bệ nhóm kia, thậm chí có khi còn uy hiếp bằng lực lượng quân sự, hòng đạt tới mục đích làm bá chủ thế giới. Với mục đích đó, người lãnh đạo Liên Xô đã sử dụng Lê Duẩn trong mưu toan xây dựng một căn cứ quân sự mạnh ở Đông Dương để chống Trung Quốc và để mở phạm vi ảnh hưởng của mình xuống phía Nam Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.

Ngoài phần chính ra còn có một phần phụ lục ghi lại lý lịch tóm tắt và một số hoạt động cụ thể của bản thân tôi.

Cuốn hồi ký này viết trong lúc phải suy nghĩ nhiều việc quan trọng khác, trong hoàn cảnh thiếu tài liệu gốc từ trong nước, trong hoàn cảnh sức khỏe bị hạn chế, nên chỉ có thể viết những nét lớn một cách ngắn gọn. Sau này nếu có dịp tìm được tài liệu tham khảo đầy đủ hơn, có hoàn cảnh tốt hơn thì sẽ bổ sung.

Cuốn hồi ký này viết để tỏ lòng kính mến vô cùng đối với Hồ Chủ tịch, người lãnh tụ vĩ đại của dân tộc này đã từng rèn luyện nên một đội ngũ cán bộ hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, xây dựng nên một đội quân trung với Đảng, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng.

Cuốn hồi ký này viết để tỏ lòng kính mến vô cùng đối với các vị cách mạng tiền bối và tất cả những người anh hùng vô danh đã hy sinh trong các cuộc đấu tranh giành độc lập và tiến bộ xã hội ở Việt Nam suốt hơn một thế kỷ. Đồng thời để tỏ lòng biết ơn đối với những người bạn quốc tế đã đồng tình ủng hộ nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.

Cuốn hồi ký này viết cũng để tỏ lòng nhớ thương đối với người bạn già là người đã tham gia cách mạng từ những năm 1929, 1930, để tỏ lòng nhớ thương đối với người con trai, người con dâu và ba đứa cháu hiện đang bị bọn Lê Duẩn hãm hại ở trong nước.

Trong quá trình viết hồi ký, tôi được các cơ quan nghiên cứu tình hình Việt Nam tại Bắc Kinh cung cấp một số tài liệu tham khảo như: Các thứ sách báo chữ Việt mà cơ quan lưu trữ; một số tài liệu gốc của Quốc dân đảng Trung Quốc về các hoạt động của Hồ Chủ tịch khi ở Liễu Châu năm 1942-1943, việc Hồ Chủ Tịch gặp Tư lệnh không quân Mỹ Chen-nớt-tơ [1] và các hoạt động khác ở Côn Minh năm 1945; một số tài liệu về cuộc hội đàm Việt - Pháp ở Phông-ten-bơ-lô năm 1946, về cuộc hội đàm Việt - Mỹ ở Pa-ri năm 1968-1972 v.v... là những tài liệu tham khảo cực kỳ quan trọng. Qua sự tham khảo những tài liệu đó mà một số sự việc trước kia tôi chỉ biết đại thể, nay có căn cứ chắc chắn để ghi lại trong hồi ký một cách rõ ràng, đầy đủ. Đối với tôi, đó là một sự giúp đỡ tận tình và hết sức quý báu. Nhân dịp xuất bản tập hồi ký, tôi xin tỏ lời cảm ơn sâu sắc và chân thành.

Hoàng Văn Hoan

Tháng 2 năm 1986 ở Bắc Kinh

Phần 1: Trên đường tiến tới cách mạng

P1 - Chương 1

Thời tuổi trẻ

Sinh ra trong một gia đình nhà nho nghèo ở làng Quỳnh Đôi, tỉnh Nghệ An, tuổi trẻ của tôi không lấy gì làm hạnh phúc. Cha tôi quanh năm dạy học ở các tỉnh Bắc kỳ, chỉ đến Tết mới về với gia đình độ vài ba tuần rồi lại đi biền biệt. Mẹ tôi vay nợ lãi đi buôn gánh lụa, gánh lụa bán tận chợ Lứ, chợ Sy, chợ Hoàng Mai, cách làng mười mấy cây số, gà gáy ra đi, tối mịt mới về đến nhà. Nợ lãi rất nặng, cứ đầu năm vay một trăm quan, thì cuối năm phải trả một trăm ba mươi quan. Có những năm, ba mươi Tết chưa trả đủ nợ, mẹ phải tránh ra nhà ông ngoại, nhưng chủ nợ vẫn tìm đến nơi réo chửi. Lại thêm tập tục phong kiến, mẹ tôi là nạn nhân của cảnh mẹ chồng nàng dâu, không mấy hôm khỏi bị mắng chửi, hành hạ.

Cảnh nhà chẳng vui vẻ gì, nên khi tôi lên sáu tuổi, mẹ tôi đã gửi ở nhà ông ngoại để học chữ Hán. Bẩy, tám tuổi theo ông ngoại đi học ở các huyện Hoằng Hóa, Thọ Xuân; mười một tuổi theo ông dượng đi học ở huyện Thiệu Hóa; mười hai, mười ba tuổi theo ông bác đi học ở huyện Quảng Hóa. Các huyện kể trên đều thuộc tỉnh Thanh Hóa.

Thời gian học với ông bác, tôi đã bắt đầu có sự hiểu biết chút ít ngoài sách vở. Bác tôi làm hương sư, dạy cả chữ nho lẫn chữ quốc ngữ ở trường làng Hồ Nam, huyện Quảng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Tôi học không lấy gì làm thông minh, chỉ được chút ưu điểm là viết chữ tốt và đọc sách rành mạch. Bác tôi thường bảo tôi đọc báo Trung Bắc tân văn và đôi khi đọc truyện Kiều cho bác tôi nghe. Bác tôi giỏi chữ Hán và học khá rộng, nhiều khi kể cho tôi nghe những câu chuyện về nước Nhật duy tân, đến nay tôi còn nhớ đôi mẩu như:

• Ở Nhật có người "phùng nhân tiễn tiếu", gặp người là cười, cười cái hủ lậu của nước Nhật; lại có người "phùng nhân tiễn khốc", gặp người là khóc, khóc cái lạc hậu của nước Nhật.

• Thanh niên nước Nhật nhiều người say sưa công cuộc duy tân, quyết làm cho nước giàu mạnh. Có một chàng thanh niên mê mải suy nghĩ việc duy tân, đến nỗi có lần anh ta cởi quần lội qua suối rồi cứ thế mà đi, quên cả mặc quần, đi đến nhà bạn mới sực nhớ ra.

• Ở Nhật có "Xung thiên thằng", có "Tảo hải tuệ". "Xung thiên thằng" nghĩa đen là dây chọc trời, có lẽ nói dây thép, dây điện. "Tảo hải tuệ" nghĩa đen là chối quét biển, có lẽ là nói tàu quét thủy lôi hay là tàu đánh cá.

Luôn sáu bảy năm trời, mẹ tôi cho tôi đi học xa như vậy điều cốt yếu là muốn cho con học thành người; nhưng cũng còn lý do nữa là để con khỏi phải chịu cái cảnh thiểu não của tuổi trẻ và cũng bớt được miệng ăn cho gia đình.

Năm tôi lên mười bốn tuổi, bà nội đã mất, nhà làm ăn cũng khá hơn trước, cha tôi nghỉ dạy học mấy năm để sắp xếp việc gia đình, đồng thời cho tôi ở nhà để kèm cặp cho tiếp tục học chữ Hán với cụ Hàn Tô, một người bác họ. Cụ Hàn là người nho học rất giỏi, nhưng đến khoa thi bị quan trường đánh hỏng chỉ vì không viết được chữ quốc ngữ, thứ chữ mà cụ cho là do bọn Tây bày đặt ra, không thèm học. Bị đánh hỏng, cụ khiếu nại đến tận kinh đô Huế, được các quan xét lại và lấy vớt, cho đỗ tú tài.

Thời cụ Hàn dạy học, chế độ khoa cử vẫn còn, nhưng đã có chỗ thay đổi. Học trò đi thi không phải thi làm thơ, phú bằng chữ Hán như trước, mà phải thi làm sớ, tấu, dụ và luận văn bằng chữ Hán, đồng thời còn phải làm luận văn bằng chữ quốc ngữ. (Sớ hoặc tấu là những bài văn do các quan trong triều đình viết dâng lên nhà vua. Dụ là những bài văn của nhà vua viết để dạy bảo khuyên nhủ triều đình hoặc nhân dân. Luận văn là bài bình luận về một vấn đề nào đó do các quan chấm trường nêu ra). Nội dung các bài thi thường đề cập đến đề tài mới, cho nên người đi thi phải tìm đọc sách mới, chủ yếu là những sách bằng chữ Hán mà Trung Quốc xuất bản trong hồi đó. Trong một lớp học chữ Hán ở làng quê hẻo lánh như lớp của cụ Hàn Tô mà cũng thường có lúc bình những bài văn có một nội dung nói đến Lư-Thoa (Rousseau), Mạnh-Đức (Montesquieu), Bội-Căn (Bacon), Vực-Đa-Lợi-Á (Victoria), Đại-Bỉ-Bắc-Hoàng (Pierre le Grand), Nã-Phá-Luân (Napoléon), Hoa-Thịnh-Đốn (Washington) v.v... là những nhân vật đã làm nên sự nghiệp lớn, được coi là anh hùng của thời đại.

Tuy vậy, đối với những bài văn đó, thì thầy cũng như bạn thường chỉ tấm tắc khen về cách đặt câu tài, dùng chữ giỏi, điển tích mới, đối đáp chặt chẽ v.v... Vì vậy mà trong thời gian này, tuy có biết thêm một số kiến thức mới, nhưng tư tưởng tôi vẫn ngừng trệ trong khuôn khổ văn bài, thi cử mà thôi.

Năm 1918 là năm có khoa thi Hương cuối cùng, nhưng cụ Hàn còn bảo tôi cứ cố gắng học để khoa sau đi thi.

Sang năm 1919, nhân có khoa thi Hội cuối cùng, được biết chắc là không còn khoa cử nữa, thì cha tôi mới cho chuyển sang học trường Pháp - Việt.

Trường Pháp - Việt mở ở huyện lỵ cách làng tôi hơn ba cây số. Làng Quỳnh tuy nghèo, nhưng có truyền thống ham học, số học trò theo học trường Pháp - Việt huyện có tới gần bốn chục người. Nhiều gia đình nghèo mấy cũng cố cho con đi học, để nếu không đậu đạt thì cũng có ít nhiều chữ nghĩa, sau này đi dạy học, hoặc kiếm nghề làm ăn khác.

Thời gian tôi chuyển sang học trường Pháp - Việt, tư tưởng cũng vẫn là học để thi cử nhưng vì cách học đã đổi khác nhiều, không phải vùi đầu vào đống sách vở và văn bài, được nghỉ chủ nhật, được nghỉ hè, nên có thì giờ tiếp xúc với nhiều người trong làng, trong huyện và đã bắt đầu hiểu được ít nhiều về những câu chuyện thời thế.

Làng Quỳnh có nhiều người học giỏi, lại là một làng nghèo nổi tiếng, người đi kiếm ăn khắp bốn phương, vì vậy tuy ở cách thành phố lớn, cách thành phố Vinh 60 cây số, cách thị trấn Thanh Hóa 80 cây số, nhưng có mối liên hệ khá rộng rãi, tự nhiên thành một nơi rất nhậy tin tức và tập họp được nhiều chuyện đàng trong, đàng ngoài. Người ta thường hay bàn kháo những câu chuyện chống Pháp đã được khuếch đại và thần bí hóa, như chuyện Đội Quyên, Đội Phấn có phép tàng hình, hễ khi nào biết tin có địch đuổi theo thì múc một bát nước, bắc đôi đũa lên trên rồi niệm phù chú và bước qua bát nước là tránh được nạn. Những câu chuyện về Văn Thân, về Đề Thám, về Đông Kinh Nghĩa Thục cũng được người ta bàn kháo luôn.

Bản thân làng Quỳnh cũng là nơi có truyền thống đấu tranh cách mạng. Người ta thường kể đến chuyện ông Nho Quý bị chém, ông Địa bị giặc bắn trên bờ sông Dinh, và kể đến chuyện những người nông dân dũng cảm, như ông Cu Tào, bị lý trưởng bắt đi cáng quan huyện, ông ta nói thẳng với quan huyện: "Con từ nhỏ đến giờ không khiêng cáng cho ai, nay ông lý bắt cáng quan thì con phải làm, nhưng nhỡ đau vai chịu không nổi, có sinh việc gì thì xin quan tha tội". Quan huyện sợ thằng này nó định quẳng mình chăng, liền bảo lý trưởng thay người khác.

Lại như ông Hồ Sỹ Đài không biết chữ, dám tự nguyện ra làm lý trưởng trong lúc làng khuyết lý trưởng mà không người nào dám ra làm. Ông làm lý trưởng hầu như tháng nào cũng bị quan huyện nọc ra đánh, bắt khai báo những người trong làng trốn theo "giặc". Đánh bao nhiêu, ông cũng chỉ nói một câu: "Tôi không nuôi được họ, họ phải đi kiếm ăn, tôi không ngăn được và cũng không biết là họ đi đâu". Khi làm lý trưởng cũng như khi thôi lý trưởng, ông vẫn là một người nông dân lao động.

Người ta cũng kể chuyện những ông cử thi đỗ rồi mà không chịu ra làm quan. Ông Hồ Khoan học giỏi nhưng đi thi để làm thuê bài lấy tiền, còn ông thì viết tháu bài cho quan trường đánh hỏng; ông Hường Hoàng đỗ Phó bảng, ra làm tri huyện, nhưng chống Tây nên bị cách chức v.v...

Đặc biệt là dân làng nói nhiều về gia đình cụ Hồ Bá Ôn, án sát tỉnh Nam Định, hy sinh năm 1883 trong trận chống Pháp giữ thành Nam Định. Con cả của cụ là Hồ Bá Kiện tham gia phong trào Văn Thân, bị đế quốc bắt giam rồi bắn chết ở Lao Bảo. Con thứ hai là Hồ Thúc Linh đậu cử nhân, cũng hưởng ứng phong trào chống Pháp, khi bị bắt, đế quốc đốt mâm thau lên để tra tấn, ông thản nhiên tự ngồi lên mâm thau nóng để tỏ gan dạ của mình. Em dâu cụ là bà Lụa, có thể coi là một nữ kiệt của làng Quỳnh Đôi. Bà thường đi lại từ Nghệ An ra Yên Thế chắp mối liên lạc giữa phong trào Nghệ - Tĩnh với Đề Thám. Nhiều lần gặp nguy hiểm, bà đều dùng mưu trí thoát tay địch. Đến khi bị sa lưới, quân thù tra tấn dã man, bà vẫn không khai. Mỗi lần sắp phải đòn, bà nhai một cục thuốc lào to, làm người say mềm. Tỉnh ra, bà chỉ kêu la: "Ông cha làm quan làm gì mà để tội cho con cháu thế này". Bọn quan tra tấn bà nghe nói như chọc vào tim, đồng thời cũng không có chứng cớ gì để buộc tội, chúng đành phải thả bà, giao về địa phương quản thúc. Bà đã gửi con trai của mình là Hồ Học Lãm cho phong trào Đông du, đi theo cụ Phan Bội Châu qua Nhật, rồi sau về Trung Quốc. Cháu đích tôn của cụ là Hồ Bá Cự tức Hồ Tùng Mậu, năm 1919 xuất dương để hoạt động cứu nước, gây ảnh hưởng sâu sắc trong lớp thanh niên có chí khí của làng Quỳnh.

Ngoài những người trong tầng lớp học sinh, thầy giáo có tâm huyết và ý chí cách mạng rõ nét, những người Hán học ở làng Quỳnh cũng có những người khí thái. Trong khi giao du với họ, tôi thường được nghe nhiều bài thơ, câu đối có ý nghĩa, có khi được trao tay mượn về đọc các sách tiến bộ.

Về thơ văn, đến nay tôi còn nhớ một số bài, tuy có bài không biết rõ tác giả là ai, và cũng không biết có thật đúng nguyên văn không, nhưng lúc đó nghe được như thế nào thì bây giờ cứ ghi lại như thế:

• Thơ đầu xứ Thái đọc trước khi bị chém:

Ba hồi lệnh giục thằng cha kiếp,

Một nhát gươm đưa đéo mẹ đời.

Sống là tướng mạnh ba quân cậy,

Chết cũng thần thiêng một góc trời.

• Câu đối chửi Cao Ngọc Lệ:

Vô địa khả mai Cao Ngọc Lệ,

Hữu thiên bất tử Tống Duy Tân.

Tạm dịch:

Không đất để chôn Cao Ngọc Lệ,

Có trời chẳng chết Tống Duy Tân.

Tống Duy Tân đỗ Tiến sĩ, có tư tưởng chống Pháp. Cao Ngọc Lệ, học trò của Tống Duy Tân, đã mật báo những hoạt động cách mạng của Tống Duy Tân với Pháp, nên Tống Duy Tân đã bị xử chém.

Câu đối điếu người mẹ của bạn mới mất:

Toàn quốc vô Thái Tây chi nam, toại linh nữ kiệt

tiêu trầm, đáo tử bất lưu Tô-thái bút.

Đồng bào dĩ Việt nam vi mẫu, đương thử anh hùng

thống khốc, cư tang hợp trước Mã-ni y.

Tạm dịch:

Nam giới như Thái Tây là ai, để cho nữ kiệt

đắm chìm, đến chết không ghi sách Tô-thái

Đồng bào lấy Việt Nam làm mẹ, đương lúc anh hùng

gào khóc, ở tang nên mặc áo Mã-ni

"Thái Tây" chỉ các nước phương Tây, chủ yếu là các nước châu Âu. "Nam giới như Thái Tây là ai" ý nói ở phương Tây, nam giới tôn trọng phụ nữ, ở nước ta thì không như thế.

Tô-thái (Kossuth 1802 -1894) là một anh hùng dân tộc Hung-ga-ri. Trong tập hồi ký của mình, ông đã nói nhiều đến công ơn giáo dục của người mẹ. [2] .

• Câu đối mừng người bạn thi đỗ Đình nguyên:

Phụ giáp ư Hương, huynh ất ư Hội, quân hựu khôi ư

Đình, khoa hoạn nhất gia tư, bạch trú đối nhân,

quốc sủng quân ân đa nhược thị?

Phan thê ư Nhật, Đặng lưu ư hải, Ngô thượng tù ư

ngục, ky my thiên lý ngoại, hoàng thành hồi thủ,

cầm bào hoa hốt vị hà như?

Tạm dịch:

Cha là Thủ khoa, anh là Phó bảng, ngươi lại đỗ Đình

nguyên, khoa hoạn riêng một nhà, rạng mặt với người,

lộc nước ơn vua nhiều đến thế?

Phan qua Nhật Bản, Đặng đày Côn Lôn, Ngô vẫn ở tù

ngục, xích xiềng ngoài nghìn dặm, quay đầu về nước,

hốt hoa áo gấm nghĩ làm sao?

Câu đối này lấy ba nhà trí thức yêu nước là Thủ khoa Phan Bội Châu đang hoạt động ở Nhật, Phó bảng Đặng Nguyên Cẩn và Tiến sĩ Ngô Đức Kế đang bị giặc Pháp giam ở Côn Đảo, để khêu gợi lòng yêu nước của người mới thi đỗ.

• Câu đối khóc Nguyễn Thái Bạt:

Bạt là một người xuất dương vào hồi Đông du, sau về hàng Pháp. Bạt không thi Hương mà được Nam triều cho thi Hội, đỗ Hoàng giáp, rồi làm quan, được ít lâu thì Bạt chết. Khi còn bị giam, có người con gái hàng cơm thường đưa cơm cho y, sau được ra tù, rồi lấy nhau. Người ta đã đem những câu chuyện đó gói ghém trong câu đối rất có ý nhị như sau:

Xuất dã kỳ, tựu dã kỳ, đại tiểu đăng cánh kỳ,

khai mạc diễn thành bi hý kịch.

Tội bất tử, tù bất tử, phủ quý lai như tử,

cái quan nan định tạc kim bình.

Tạm dịch:

Ra cũng kỳ, về cũng kỳ, đại tiểu đăng càng kỳ [3] ,

tấn kịch buồn vui, sân khâu mở màn xem đã rõ.

Tội không chết, tù không chết, giàu sang đến mà chết,

lời bàn kim cổ, quan tài đậy nắp định chưa xong.

• Thơ Phan Chu Trinh chửi bọn quan trường:

Thế cục hối đầu dĩ nhất không,

Giang sơn vô lệ khốc anh hùng.

Vạn dân nô lệ cường quyền hạ,

Bát cổ [4] văn chương túy mộng trung.

Trường thử bách niên cam thóa mạ,

Bất tri hà nhật xuất lao lung?

Chư quân vị tất vô tâm huyết,

Bằng hướng tư thi độc nhất thông!

Tạm dịch:

Nhìn lại cuộc đời thấy trống không,

Giang sơn ráo lệ khóc anh hùng.

Muôn dân nô lệ dưới quyền mạnh,

Tám vế văn chương giữa giấc nồng.

Trọn kiếp đành cam người chửi mắng,

Bao giờ mới thoát cảnh chuồng lồng?

Các ngươi chưa chắc không tâm huyết,

Hãy đọc thơ này ắt hẳn thông!

Theo người truyền tụng, thì lúc đó Phan Chu Trinh đi thi, quan trường ra bài thơ đầu đề là "Chí thành thông thánh" nghĩa là "lòng chí thành có thể làm cho Thánh thông cảm", lấy chữ "thông" làm vần. Phan Chu Trinh đã làm bài thơ trên để chửi chúng.

Ngoài những thơ văn khảng khái như thế, thời kỳ này còn có một số sách cấm của Phan Bội Châu và một vài cuốn của Lương Khải Siêu như Trung Quốc hồn, của Khang Hữu Vi như Biến pháp thông luận, v.v... thường được bí mật chuyển qua tay những người yêu nước đến nhà bà Lụa ở làng Quỳnh, mà tôi cũng được đọc; lúc đó tuy chưa hiểu sâu sắc gì, nhưng đã biết suy nghĩ rằng mình phải có một lý tưởng, phải làm gì để cứu nước, giúp đời; mà nhất là bài thơ Phan Chu Trinh chửi bọn quan trường đã làm cho tôi chán ghét việc học hành trong lúc bấy giờ. Học ở trường huyện tôi thấy không có ý nghĩa, chỉ mong sao học mau hết lớp để có dịp vùng vẫy, bay nhảy cao xa hơn.

________________________________________

[1]Claire L. Chennault (1890-1958) BT

[2]Hai chữ "Tô-thái" ở đây, trước kia trong bản gửi cho Phòng truyền thống xã Quỳnh Đôi và Ban nghiên cứu lịch sử Đảng Nghệ - Tĩnh đều viết là "Do-thái", là không đúng. Nay sửa lại.

[3]"Ra" là xuất dương, "về" là đầu hàng, "Đại đăng khoa" là thì đỗ, "Tiểu đăng khoa" là lấy vợ.

[4]"Bát cổ" là một lối văn chương cũ của Trung Quốc. "Bát cổ" có nghĩa đen là "tám vế".

Phần 1: Trên đường tiến tới cách mạng

P1 - Chương 2 & 3

II. Mơ ước xuất dương

Năm 1923, có tin đồn anh Hồ Tùng Mậu xuất dương từ mấy năm trước đã bí mật về nước và có ghé qua làng Quỳnh, tin này càng làm cho tôi suy nghĩ, ngày đêm ấp ủ điều mơ ước: Phải xuất dương để tìm đường cách mạng.

Mùa hè năm 1923, tốt nghiệp sơ học Pháp-Việt, nhưng tôi không tha thiết gì việc học hành nữa. Tháng tám năm ấy, nhiều anh em học sinh làng tôi thi vào trường trung học Vinh, hồi đó gọi là trường Quốc học. Tôi cũng đi Vinh, mượn cớ lấy chứng chỉ sức khỏe để xin thi vào Quốc học, nhưng thật ra là để nghe ngóng xem có manh mối gì về cách mạng không, chứ không nộp đơn đi thi. Hôm thi xong, khi có tin báo về làng Quỳnh được sáu người vào học Quốc học, thì tôi còn đang đá bóng ở sân đình, một ông Tú [1] trong làng đã mắng tôi là không chăm chỉ học hành, không biết lập chí.

Thật ra cái chí của tôi không thể nói cùng ai. Trong số bạn học, chỉ có anh Nguyễn Nhu và anh Dương Đình Thúy là người thường hay tâm sự. Nhưng hai anh này vừa học hết lớp nhất đã phải bỏ đi Hà Đông học nghề dệt rồi.

Tôi không thi vào trường Quốc học, thì cha tôi bắt nộp đơn xin vào trường Quốc tử giám ở Huế, đây là một trường chuyên đào tạo lớp quan lại mới phục vụ cho chế độ bảo hộ và Nam triều, nên ai muốn thi là phải có quan huyện sở tại chứng thực. Hôm lên huyện xin chứng thực, tên tri huyện xem đơn thấy tên cha tôi là Hoàng Minh Kha, hắn tưởng lầm là một người chức dịch giàu trong huyện cũng có tên là Minh Kha, nên rất vồn vã. Sau hỏi ra hắn biết là không phải, nên không cho chứng nhận và đuổi tôi ra. Thế là tôi khỏi phải thi vào Quốc tử giám.

Để cha tôi yên lòng, tôi thường chăm chỉ đọc sách, có khi tìm đọc cả một số sách cổ và thơ Đường.

Mùa hè năm 1924, tôi nộp đơn thi vào trường sư phạm Nam Định nhưng thi hỏng, tôi phải ra Bắc kiếm một nơi dạy trẻ ở làng Trung Sơn, tổng Kinh Triều, huyện Thủy Nguyên, tỉnh Kiến An, bên cạnh làng My Sơn, nơi cha tôi dạy chữ Hán. Tết năm ấy, lần đầu tiên tôi mang về cho mẹ được ba chục bạc tiền Tết của học trò. Mẹ tôi rất mừng.

Đầu năm 1925, tôi lại đi Thủy Nguyên nhưng lần này thực dân Pháp bắt các trường tư phải xin phép mới được dạy. Chưa có phương kế gì khác, tôi đành phải mời ông lý trưởng có con học với tôi cùng lên huyện xin phép. Vào huyện đường nộp đơn, tên tri huyện không thèm xem, hắn hất hàm bảo ra ngoài nhờ bọn nho lại viết đơn khác. Tôi đi qua nhiều chặng nhưng không ai viết giúp. Lúc đó người lý trưởng đã có kinh nghiệm việc quan, lấy tờ bạc giấy một đồng gấp vào trong lá đơn lúc nãy, bảo cứ thế đem nộp, quan huyện ngài sẽ nhận. Thật vậy, khi tên tri huyện giở đơn ra, thấy đồng bạc, hắn liền nhận đơn và bảo: Hãy về chờ quan sức.

Bấy giờ mới biết: Thì ra tất cả mọi người đến nộp đơn huyện đều phải mất tiền như thế, việc nhỏ thì một đồng, việc lớn thì năm, ba đồng. Một người nông dân vì có con bò chết, phải lên huyện báo chết để xin phép về chôn, cũng phải nộp một đồng bạc vào trong đơn.

Quan huyện chấp đơn rồi, tôi đi lang thang xem cảnh, thấy ở cổng huyện có một câu đối chữ Hán, rất tiếc đã lâu ngày, nay chỉ nhớ có một vế: "Thần môn như thị, băng hồ thu thủy chứng thần tâm", nghĩa là "Cửa quan thì đông như chợ, nhưng lòng quan thì như nước mùa thu đựng ở cái bình trong như băng". Mỉa mai thay!

Rời huyện đường về Trung Sơn, bụng vẫn nghĩ rằng mình có biết chữ Hán, chữ quốc ngữ, lại có bằng sơ học Pháp-Việt, chắc thế nào cũng được phép dạy, nên cứ bảo học trò đến học như thường. Không ngờ được độ vài tuần thì có giấy quan huyện sức về phải đóng cửa trường. Thế là việc dạy học ở Thủy Nguyên chấm dứt.

Tôi lại trở về Quỳnh Đôi, cùng với một số anh em cùng chí hướng tìm cách hoạt động.

*

Tình trạng Quỳnh Đôi bấy giờ vẫn trì trệ, bế tắc. Nhân dân lao động sống nghèo khố. Lớp nhà nho cũ đã rút về hậu trường, chỉ biết rung đùi tự mãn về cái đất Quỳnh Đôi văn vật; lớp người học mới cũng chỉ lo về chuyện thi cử mới; còn những người có chí khí trước kia nay cũng im hơi lặng tiếng, đành chịu bó tay, có người chán đời đâm ra nghiện ngập thuốc xái.

Bài luận Trung thôn lãm thắng tôi làm trong khi tranh thủ học thêm chữ Hán với một ông giáo, đã nói lên tình trạng bế tắc đó. Ông giáo là một người nổi tiếng hay chữ trong làng Quỳnh thời bấy giờ. Một hôm, ông ra cho tôi bài luận Trung thôn lãm thắng (Ngắm cảnh đẹp xóm Trong), với ý muốn gợi lên một bức vẽ về người và cảnh mà ông cho là đẹp.

Số là từ trước đến nay, các cụ trong làng thường tán tụng cái vẻ đẹp của làng Quỳnh với câu "Nam thiên thắng địa Quỳnh đệ nhất". Theo các cụ thì làng Quỳnh Đôi, phía Nam có núi Yên Mã hình như cái yên ngựa; phía Bắc ở vùng Bất Hủ có Lèn Tàn; phía Tây có núi Hinh Sơn hình như cái bảng, đó là Giáp bảng; phía Đông có núi Qui Sơn cũng hình như cái bảng, đó là Ất bảng; ở trong làng thì có Cồn Bút, Cồn Nghiên; về phía Nam xa hơn Yên Mã là núi Hung, núi Thè hình như hai lá cờ. Do đó các cụ kết luận rằng làng Quỳnh Đôi nhiều người học hành thi đỗ là nhờ cái hình thế địa lý như vậy. Riêng về ông giáo thì rất thích cái cảnh chợ Nổi, ở đây có một hiệu bán thuốc Bắc, vài hiệu may và một quán rượu, cứ chiều đến thì người ta hay tụ tập ở đó để bàn tán chuyện này, chuyện nọ. Còn những người có tư tưởng mới và tiến bộ thì lại không tin cái thuyết địa lý ấy và không thích cái kiểu tụ tập bàn tán nhảm nhí. Vì vậy khi nhận đầu bài về làm, tôi muốn nhân dịp phát huy ý kiến của mình để phê phán.

Bài làm bằng chữ Hán, tạm dịch như sau:

Bàn về ngắm cảnh đẹp xóm Trong

Khách có một người: Thân không cao lớn, mặt thiếu đẫy đà; gió trăng ngập bầu rượu, non nước đầy túi thơ, cỏ lạ hoa thơm là nơi thích thú, núi kỳ sông đẹp là chốn nhởn nhơ.

Một hôm gặp nhau ở chợ Nổi, khách chắp tay và vái tôi mà hỏi rằng: Đây là nơi nào? Tôi thưa: Đây là xóm Trong, làng Quỳnh Đôi. Khách bèn mỉm cười: Nghe nói cảnh đẹp trời Nam, Quỳnh Đôi là bậc nhất; xóm Trong đã là đất Quỳnh Đôi, chắc hẳn không thiếu gì cảnh đẹp, vậy có thể chỉ cho biết một vài chỗ để nhân dịp qua đây thưởng thức chút ít được chăng?

Ôi! Lời nói của khách là lời nói gì? Giá phỏng các bạn gặp lúc đột ngột như thế chắc cũng lúng túng chưa biết bày tỏ ra sao để giải đáp được câu nói nghe ra có lý mà thực thì vô lý. May sao lúc đó, tôi được linh tính xui giục, đối đáp có vẻ trôi chảy, khách lại hình như cảm thấy hợp lý, im lặng mà nghe. Mấy lời như sau:

Quỳnh Đôi từ khi là Quỳnh Đôi đến nay, đã hơn năm trăm năm. Qua các đời Trần, Lê, rồi Nguyễn triều, người giỏi kẻ hiền kể sao xiết kể; trải qua bao cuộc bể dâu đến hiện tại, anh hùng chí sĩ không lúc nào không. Cái đất được người ta cho là đẹp, chính là nhờ có người mà sinh đẹp vậy. Và xét về mặt địa lý thì: Núi Ngựa chầu phía Nam, Lèn Tàn che phía Bắc, Hinh Sơn là Giáp bảng, Ất bảng ấy Qui Sơn; nghiên bút sẵn sàng, cờ quạt chỉnh chiện. Quỳnh Đôi thật là cảnh đẹp trời Nam vậy. Nhưng vận có khi thịnh, khi suy; đời có lúc tốt, lúc xấu. Ngày nay nói đến Quỳnh Đôi, sao khỏi làm cho người ta sinh lòng ngậm ngùi. Nói về đất thì: Non Rùa đứng đó, rùa Thục không còn tuốt móng thiêng [2] ; núi Ngựa nằm kia, ngựa Hồ chẳng màng kêu gió Bắc [3] . Hòn Bảng mờ mờ, có tên tuổi hào kiệt Quỳnh Đôi đâu nữa. Lèn Tàn mởn mởn, chỉ rùm ròa cây cỏ Bất Hủ mà thôi. Địa thế không còn đáng trông cậy nữa. Nói về người thì: Đàn ông bê tha theo thuốc xái có hàng trăm; đàn bà chìm trong canh cửi có hàng nghìn. Học trò thì chăm chú hai chữ khoa cử, chỉ lo thế nào được làm trợ giáo, làm thông phán, làm ký lục, làm tham biện, để mưu giàu sang cho thân mình, nhà mình; đến như nghĩa vụ quốc dân, luân lý xã hội, thì họ coi như là không đáng gì cả. Than ôi! Người học trò mà lại như thế ư? Mỗi lúc suy thầm, nghĩ trộm, lòng tôi như bị vò xé. Nhà nông thì chỉ chờ thời tiết tốt để cày cấy; người thợ thì chỉ nhờ bàn tay khéo để kiếm tiền, không chịu chú ý đến nông học và công học. Đến như thương giới, thì chẳng những đám thương nữ quen hát bài Hậu đình, không biết gì là thù hận mất nước [4] mà ngay cả bọn mày râu nam giới cũng không có người yêu nước như Huyền Cao [5] .

Ôi! Khí thiêng của núi Tùng, sông Mai [6] đã đến lúc tiêu tan rồi ư? Cái làng Quỳnh Đôi mà phong tục như vậy, nhân dân như vậy, thì sao có thể tự coi là thắng địa được? Quỳnh Đôi đã không phải là thắng địa, thì xóm Trong làm gì có cảnh đẹp đáng ngắm nữa.

Du khách nghe nói bỗng tỉnh người ra, bèn vịnh một bài thơ để nói lên sự giác ngộ của mình. Thơ rằng:

Giữa đường gặp gỡ may sao,

Nghìn vàng chưa dễ sánh bao nhiêu lời.

Cho hay cảnh đẹp vì người,

Tìm rồng bắt hổ [7] thôi thôi chớ màng.

Luận văn chữ Hán là một thể văn tương đối tự do, nhưng vẫn chịu ảnh hưởng của lối "bát cổ", nghĩa là phải có những câu hai vế đối nhau và phải dùng điển tích. Trong bài này tôi cũng tập dùng một số điển tích.

Kể ra bài làm như thế cũng được. Nhưng văn chữ lại nặng về tính chất kích động, có chỗ thiếu cân nhắc, như đoạn đầu có câu "Thân không cao lớn, mặt thiếu đẫy đà", chính là hình dáng con người của ông giáo. Lại như đoạn cuối có câu "Du khách nghe nói bỗng tỉnh người ra". Đó là những câu làm cho ông giáo phật lòng, nên khi đưa bài cho ông xem, ông đã nói gắt một câu: Anh muốn đả kích tôi đấy à? Thế là ông trả lại bài không chấm.

*

Trong tình trạng trì trệ bế tắc của làng Quỳnh, một số thanh niên tiên tiến muốn làm cái gì để cải biến xã hội, nhưng cũng chưa tìm ra phương hướng rõ rệt.

Anh Nhu, anh Thúy đi học dệt ở Hà Đông về, cuối năm 1924 đã mở xưởng dệt gần chợ Nổi. Nói là xưởng dệt, thật ra chỉ có một ngôi nhà lá với hai cái khung dệt cải tiến, so với khung dệt cổ truyền của Quỳnh Đôi đưa thoi bằng tay, làm ra lụa hẹp 40-50 phân, thì loại khung dệt này dùng dây giật đẩy thoi, dệt ra loại vải rộng 80-90 phân. Về tổ chức vẫn là cách làm ăn riêng lẻ. Tuy vậy, xưởng dệt cũng là một hiện tượng mới trong làng, nó trở thành nơi đi lại của những người yêu nước, quan tâm đến thời cuộc. Ở đây chúng tôi thường chuyển nhau đọc những cuốn sách yêu nước, như Chuông độc lập, Hồn tự do của Trần Hữu Độ, một số sách của Phan Bội Châu và một số bài của Nguyễn Thượng Hiền, Phan Chu Trinh v.v. . .

Do ảnh hưởng của sách báo và phong trào tiến bộ ở các nơi dội đến, Quỳnh Đôi lúc này đã hình thành một nhóm "Tâm giao" gồm năm người là ông Cựu Đờn, ông Thuận, anh Nguyễn Nhu, anh Dương Đình Thúy và tôi. Chúng tôi thường trao đối ý kiến với nhau về thời sự và chia nhau tiếp xúc với những người có chí hướng cách mạng. Chúng tôi bàn nhau mở lớp dạy quốc ngữ cho anh em lao động và mời thầy về làng dạy võ.

Về lớp chữ quốc ngữ, chỉ thu hút được độ mười lăm người đều là anh em nông dân yêu nước. Chúng tôi tranh thủ các buổi học để đọc báo chí, giảng tin tức và truyền bá ít nhiều thơ ca yêu nước một cách kín đáo. Bọn lý hào trong làng chưa có lý do gì ngăn cấm nên cứ để yên cho chúng tôi dạy. Còn lớp học võ là lớp bí mật, chỉ độ sáu, bẩy người cứ đến đêm khuya mới tập trung ở trước sân nhà ông Thuận để luyện tập, do một người giỏi võ ở làng Cổn Sắt, phủ Diễn Châu được chúng tôi mời về làm giáo luyện. Tuy bí mật, nhưng chỉ vài tuần thì bị chánh tổng dò biết, dọa sẽ trình quan. Thế là phải giải tán.

Một vấn đề xã hội nghiêm trọng của làng Quỳnh Đôi hồi này là nạn hút thuốc phiện. Nhân khẩu làng Quỳnh Đôi chỉ trên dưới vài nghìn người mà có đến mấy chục cái bàn đèn và ba, bốn chỗ bán thuốc phiện; kẻ nghiện hút thuốc đủ các hạng người, trong đó có cả những người bất đắc chí như ông Hồ Thúc Linh, ông Hồ Khoan v.v. . .

Mấy anh em chúng tôi bàn với nhau, thảo ra một bài diễn văn chống nạn thuốc phiện, nhân ngày họp làng, tôi đem ra đọc giữa đình làng, vì chúng tôi đã tranh thủ được sự đồng tình của ông cử Thống là một nhân vật tiến bộ, có vai vế trong làng. Phải nói thật rằng bài diễn văn này căn bản là chịu ảnh hưởng của phong trào "cải lương hương chính" trong lúc đó. Nhưng dù sao, một cái tệ hại trong làng được dùng hình thức diễn văn đem ra phơi bày giữa đình làng trước mặt các quan và các tổng lý thì vẫn là một việc táo bạo, mà những người tiến bộ đều lấy làm thích.

Một việc khác cũng tương đối có ý nghĩa là việc phản đối vụ kiện giữa ba họ. Năm 1925, ba họ lớn trong làng là Hồ, Hoàng, Nguyễn kiện nhau để giành được Chính phủ Nam triều phong sắc Thần cho Tổ họ mình, vì các vị Tổ của ba họ này đều là người khai cơ lập ấp ra làng Quỳnh. Đây là việc làm bè phái của mấy ông có vai vế trong các họ, gây ra ảnh hưởng xấu, mất đoàn kết trong dân. Chúng tôi phản đối vụ kiện, chia nhau đi vận động con cháu các họ đừng hưởng ứng. Anh Thúy, anh Lan viết truyền đơn quăng vào nhà mấy ông Cử [8] ; anh Nhu và tôi đến tận nhà cụ Hường Hoàng để nói lý. Cụ là người tai mắt trong họ và trong làng, thi Hương đậu Thủ khoa, thi Hội đậu Phó bảng, được bổ đi làm tri huyện, phong tước Hường-lô-tự-thiếu-khanh, nhưng vì cụ có tư tưởng chống Tây, bỏ quan về làng, sống thanh bạch, được dân kính nể. Chúng tôi gặp cụ trình bày mọi lẽ, vạch ra rằng kiện tụng chỉ làm hại cho dân và làm lợi cho bọn đục khoét. Bản thân cụ đã không thèm làm quan để khỏi phải luồn cúi, mà bây giờ lại đi kiện để xin phong sắc cho tổ tiên mình, như thế còn nghĩa lý gì nữa? Nghe chúng tôi nói, cụ im lặng, không cãi vào đâu được. Thế là vụ kiện được kết thúc bằng sự rút dần của những người đã khuấy động lên nó từ trước.

Năm 1925 là năm tôi thường đi Vinh, có lúc đi Nghi Lộc, Yên Thành, Anh Sơn và Thanh Hóa, nói là đi kiếm việc, nhưng thật sự là đi nghe ngóng tình hình, mong tìm ra manh mối xuất dương. Những lần đi Vinh, tôi thường tìm gặp các học sinh tiến bộ ở trường Quốc học. Qua câu chuyện nghe ở anh em, tôi được biết tên tuổi một số giáo sư tiến bộ như Hà Huy Tập, Trần Mộng Bạch; được biết ít nhiều tình hình ngoài nước như phong trào giải phóng ở Phi Luật Tân, Ai Cập, Ấn Độ, được nghe nói đến chủ nghĩa cộng sản "làm theo khả năng, hưởng theo nhu cầu", và được nghe nói đến cách mạng Nga.

Đặc biệt là khi được biết tin Phan Bội Châu bị bắt và sắp bị đưa ra xử tại tòa án Đại hình ở Hà Nội, phong trào đòi thả Phan Bội Châu phát triển mạnh, lôi cuốn cả toàn dân. Ở Quỳnh Đôi, lúc này xưởng dệt anh Nhu và nhà ông Thuận ở phía sau xưởng dệt hầu như thành chỗ hội họp, những người quan tâm thời sự đều đến đó để hỏi tin tức, nghe báo chí và bàn tán nhiều việc có quan hệ đến Phan Bội Châu và quan hệ đến đất nước.

Những tác phẩm của Phan Bội Châu như Thiên hồ đế hồ!, Hải ngoại huyết lệ thư, Y hồn đơn trước kia bị coi là sách cấm phải đọc bí mật, thì nay được chuyển tay nhau đọc hầu như công khai. Tác phẩm của Phan Bội Châu về nội dung tuy có nhiều chỗ tiêu cực, nhưng toát lên một điểm rõ rệt là yêu nước, là thúc giục mọi người đoàn kết, hy sinh chiến đấu cho Tổ quốc. Văn chương Phan Bội Châu có một tác dụng hấp dẫn kỳ lạ, đọc đến nghe đến, hình như ai cũng muốn lao mình vào cuộc đấu tranh cách mạng ngay. Tự nhiên, tôi và những người cùng chí hướng càng có cảm giác như vậy.

Mơ ước xuất dương càng rạo rực. Chúng tôi nhờ bà Lụa tìm manh mối để gặp cho được con cụ Phan Bội Châu là Phan Huynh, người mà chúng tôi nghe nói là thường tổ chức cho thanh niên đi nước ngoài. Khi chúng tôi gặp, Phan Huynh nhận sẽ đưa chúng tôi đi Xiêm ngay sau Tết âm lịch, miễn là tự kiếm được lộ phí.

*

Đầu năm 1926, các anh Nguyễn Nhu, Dương Đình Thúy, Hoàng Văn Hợp, Hồ Ngọc Chương, Dương Văn Lan và tôi quyết định xoay xở mọi cách để có thể đi Xiêm kịp chuyến sau Tết âm lịch. Nhưng theo Phan Huynh dặn thì mỗi người phải có 15 đồng bạc lộ phí, mà sáu chúng tôi chỉ gom góp được hai chục, thế là còn thiếu những bảy, tám chục! Làm thế nào? Chúng tôi vận động một thanh niên con nhà giàu cùng đi, với điều kiện là anh ta phải xuất một trăm bạc. Vận động xong, sau Tết tâm lịch được mấy hôm là bảy chúng tôi bí mật đánh đường vào Vinh gặp Phan Huynh giao tiền lộ phí, rồi nằm chờ ở phố Cống đệ nhị. Qua mấy ngày hồi hộp chờ đợi Phan Huynh cho biết người đưa đường bị trắc trở, nên chưa đi được. Chúng tôi phải lập tức về làng ngay để khỏi bị vỡ chuyện. Thế là chuyến đi thất bại.

Việc bảy thanh niên bỏ làng đi đột ngột đã gây ra dư luận xôn xao. Bọn tổng lý bắt đầu đánh hơi, dọa dẫm các gia đình có con ra đi. Các bậc cha mẹ hết sức lo lắng. Chúng tôi về đến làng, mỗi người nghĩ ra một cách trám trét chuyến đi thất bại của mình. Cuối cùng đều được yên ổn vô sự.

Tháng ba năm 1926, nhân dịp đám tang Phan Chu Trinh, tôi ra Hà Nội cũng vẫn với mục đích tìm manh mối cách mạng. Nhưng vẫn chưa tìm được. Vừa lúc Sở Hỏa xa mở lớp thi tuyển thêm xếp-tanh [9] , tôi nghĩ rằng nếu làm trưởng tàu thì sẽ có dịp đi Huế, đi Sài Gòn, cũng có thể đi Nà Sầm, Đồng Đăng, Lào Cai giáp giới Trung Quốc, càng thêm có cơ hội để tìm đường xuất dương. Vì vậy, tôi nộp đơn thi xếp-tanh. Các bài thi tôi làm đều tốt. Nhưng thi đậu rồi, chúng không bổ đi tập sự trưởng tàu mà chỉ bổ về ga Phủ Diễn, tập sự ký ga làm việc thu vé, bán vé và đánh điện báo.

Tập sự ký ga ở Phủ Diễn là một việc hoàn toàn trái với ý muốn. Nhưng ở dó thường gặp một số người cổ động cho Hưng nghiệp hội xã là một tổ chức thương nghiệp của những người yêu nước, được biết ở Thanh Hóa đã có chi điếm mà những người có chí khí thường hay qua lại. Vì vậy, tôi có ý muốn bỏ việc để đi Thanh Hóa.

Một hôm đang lúc làm việc, lão xếp ga mắng anh ký ga là đồ con lợn. Anh ký ga không trả lời, nhưng tôi nghe thì tức lộn ruột. Lúc ăn cơm, có đủ cả ba người, tôi nghiêm sắc mặt nói thẳng với lão xếp ga rằng: Lúc nãy, ông mắng ông ký là đồ con lợn. Ông ký mà ông còn mắng được như thế, thì tôi là người tập sự lúc ông không vừa ý chắc ông cũng chả từ. Ông nên biết rằng xếp ga hay ký ga cũng chẳng qua là người làm thuê, kẻ trước người sau mà thôi.

Ít lâu sau, tôi viết thư về nhà nói ý muốn xin thôi việc. Mẹ tôi mấy lần đi chợ Sy qua ga Phủ Diễn thấy con làm ký ga chỉ đứng thu vé trước cửa ga, trông chẳng ra quái gì, nên cũng không phản đối. Thế là tôi đi Vinh, lấy cớ kém sức khỏe nộp đơn xin từ chức ký ga, để tiện bề đi lại giao du, tìm manh mối cách mạng. Và lần này thì dịp may đã đến với tôi.

III. Lên đường cách mạng

Mùa thu năm 1926, tôi đi Thanh Hóa, đến huyện Đông Sơn, chỗ anh Cù Minh Vơi là bạn học cũ của tôi đang làm giáo viên ở một trường làng. Trong dịp ở nhà anh Vơi, tôi viết một bài báo cho tờ Tân thế kỷ ở Sài Gòn chống lại luận điệu của bọn Nam triều phỉ báng phong trào để tang Phan Chu Trinh. Anh Vơi xem, rồi dán tem gửi đi. Một tuần sau nhận được số báo Tân thế kỷ có đăng bài đó, anh Vơi phấn khởi đem đi giới thiệu với bạn bè của mình.

Một hôm anh giáo Lập đến chỗ ở của anh Vơi gặp tôi. Anh đi thẳng vào bài báo và văn thơ của tôi để trao đổi ý kiến về thời cuộc. Anh nói: Tôi đã được nghe câu đối Tết và bài thơ khai bút của anh, mới rồi lại được xem bài của anh viết ở Tân thế kỷ, biết rằng anh có lòng khâm phục nhà ái quốc Phan Chu Trinh, anh muốn đền ơn phú tái, và muốn đi đến cả những nước xa như Phi Luật Tân, Ấn Độ, Ai Cập là những chỗ đương có phong trào giải phóng. Vậy nếu cách mạng muốn anh đi xa hơn nữa, anh có đi không?

Thì ra đôi câu đối Tết và bài thơ khai bút mà tôi viết dán ở nhà trong dịp Tết âm lịch hồi đầu năm, anh Vơi đã đọc lại cho các bạn giáo viên nghe, trong đó có anh Lập là một cán bộ cách mạng bí mật.

Câu đối Tết như sau:

Xuân trời chẳng riêng ai, này khắp Bắc, Trung, Nam, ướm hỏi thiều quang đâu thế nhỉ.

Tết người e có khác, thử qua Phi, Ai, Ấn, mà xem phong cảnh đó ra sao.

Thơ khai bút như sau:

Hăm mốt năm trời chóng biết bao

Bảy mươi chín nữa tính làm sao

Non sông vẫn cũ năm đà mới,

Ước vọng còn xa tuổi bỗng cao

Một dạ quyết đền ơn phú tái,

Ba sinh không phụ đức cù lao.

Ước chi thêm tuổi càng thêm trẻ,

Trẻ mãi cho ta thử thế nào.

Câu đối và thơ viết ra lúc đó cũng chẳng qua chỉ để nói lên sự cảm xúc của mình, ngờ đâu lại được truyền tụng đến tai người cách mạng.

Tôi vốn đã biết anh giáo Lập ít nhiều qua sự giới thiệu của anh Vơi, đồng thời lại thường gặp anh ở Hưng nghiệp hội xã, tin chắc anh là người cách mạng, nên không giấu tư tưởng của mình. Tôi nói: Tôi muốn theo cách mạng, cách mạng cần đến tôi, thì xa mấy tôi cũng đi.

Thế là anh Lập nhận ngay, và cho tôi biết sắp sửa có chuyến đưa người ra nước ngoài, cần chuẩn bị gấp.

Tôi lập tức về làng, thu xếp mọi việc, rồi viết một bức thư để lại cho cha tôi, nói thác ra rằng vì đường làm ăn lận đận, con quyết chí ra đi, bao giờ làm nên sự nghiệp, báo đền được công ơn cha mẹ thì sẽ trở về nhà. Viết như thế là có ý đề phòng khi quan đòi hỏi thì người nhà có cớ để khai báo, đỡ phần trách nhiệm cho gia đình. Viết xong, tôi bí mật bỏ lá thư vào cái hòm đựng sách là chắc chắc khi cha tôi đi dạy học ở Kiến An về thế nào cũng mở. Còn đối với mẹ tôi, thì chỉ nói là đi kiếm việc làm như mọi lần.

Qua mấy năm mò mẫm tìm tòi, lần này tôi mới được gặp người đưa đi nước ngoài học tập để làm cách mạng. Tôi chuẩn bị lên đường với tất cả lòng hăm hở và tin tưởng.

*

Tôi và anh giáo Lập cùng đi một chuyến tàu hỏa từ Thanh Hóa đến Hà Nội, ngủ tối trong nhà một người quần chúng ở Thái ấp Hoàng Cao Khải. Ngay hôm sau, đáp ô-tô đi Bắc Ninh, rồi lấy vé tàu lên ga Đồng Đăng. Tàu đến nơi khi trời đã tối được một hồi. Chúng tôi xuống tàu về phía bên kia ga để khuất mắt những người soát vé, nhìn thấy lố nhố độ khoảng hơn mười người nữa, đó là những anh em cùng đoàn xuất dương. Khi tàu chưa chuyển bánh, chúng tôi chạy nhanh về phía rừng. Tàu chạy xong, kiếm lại đủ người thì tạm lánh vào đám cây rậm bên đường để chờ. Một chốc, người giao thông đến gặp anh giáo Lập nói: Lối đi cũ bị lính dõng kiểm soát, chúng ta phải đi đường vòng, băng rừng suốt đêm nay thì mới qua biên giới được.

Sau một đêm leo trèo, lặn lội, chúng tôi đã sang tới thôn Nà Đầy, làng Cống Chạp, thuộc đất Trung Quốc, ở nhà một người họ Lăng.

Đồng chí Tản Anh được Tổng bộ Thanh niên cách mạng đồng chí hội phái đến đón chúng tôi ở đây. Hoàn cảnh cách mạng Trung Quốc hồi này ở giai đoạn phát triển tương đối thuận lợi. Khi Tôn Trung Sơn còn sống, chủ trương liên Nga liên Cộng, ủng hộ công nông, khi chết còn để lại di chúc phải liên hợp với các dân tộc nhỏ yếu và những dân tộc đối đãi bình đẳng với Trung Quốc. Vì vậy, Tưởng Giới Thạch tuy ngầm có âm mưu xấu, nhưng chưa đám công khai trở mặt chống Cộng. Ở Quảng Đông, Chính phủ Quốc dân đảng mở trường võ bị Hoàng Phố, Hồ Chủ tịch đã bố trí được một số cán bộ cách mạng Việt Nam vào học ở trường này.

Đồng chí Tản Anh với danh nghĩa cán bộ trường Hoàng Phố, đã chuẩn bị sẵn một lá cờ đề tám chữ "Hoàng Phố quân hiệu nhập ngũ sinh đội" [10] công nhiên đưa chúng tôi đi từ biên giới đến thị trấn Long Châu. Ở đây chúng tôi nghỉ lại vài hôm trong nhà một người họ Lương, sau đó đáp tàu thủy đi Nam Ninh, rồi đi Quảng Châu.

Tuy dùng danh nghĩa là học sinh trường Hoàng Phố để đi đường đến Quảng Châu, nhưng chúng tôi không vào học trường này.

Trường cách mạng của chúng tôi là lớp huấn luyện chính trị do đồng chí Nguyễn Ái Quốc tổ chức. Địa điểm của lớp ở nhà số 5 Nhân Hưng Cai, thành phố Quảng Châu, trong một ngôi nhà bình thường như nhà ở của nhân dân.

Không rõ lớp này là khóa thứ mấy, nhưng sau này một số đồng chí nói chuyện về lớp huấn luyện Quảng Châu thì biết đây không phải là khóa đầu tiên. Người học gồm độ hơn hai chục anh em, phần nhiều xuất thân học sinh, trí thức. Có người mới tham gia bãi khóa ở Nam Định ra, có người là Tú tài nho học như anh Lê Mạnh Trinh.

Khóa học kéo dài khoảng gần hai tháng. Chương trình gồm nhiều bài giảng, đại khái có thể chia làm ba loại vấn đề: Vấn đề cách mạng thế giới, vấn đề cách mạng Việt nam, vấn đề phương pháp vận động cách mạng.

Các bài giảng về cách mạng thế giới nhằm so sánh cách mạng Nga với các loại cách mạng tư sản Anh, Pháp. Giảng viên chú ý phân tích sự khác nhau giữa cách mạng Nga với cách mạng của giai cấp tư sản và tiểu tư sản. Có nhiều đoạn phê phán chủ nghĩa tam dân của Tôn Trung Sơn.

Về cách mạng Việt Nam, các bài giảng nhằm phân tích sự áp bức bóc lột của đế quốc Pháp đối với nhân dân ta. Vạch ra lực lượng đấu tranh chủ yếu để đánh đổ đế quốc thực dân và phong kiến phải là công nông, có nhiều đoạn phê phán đường lối mơ hồ của Phan Bội Châu như phân biệt "văn minh cách mạng" với "dã man cách mạng", chủ trương phò Cường Để làm vua, sau lại suy tôn làm Tổng thống suốt đời, v.v...Bài giảng còn có chỗ phê phán học thuyết Găng-đi muốn giải phóng dân tộc bằng con đường "bất hợp tác", "bất bạo động".

Về phương pháp vận động cách mạng, có các bài về tuyên truyền, về tổ chức, về công vận, nông vận, phụ vận, học vận, v.v...

Hồ Chủ tịch trực tiếp lãnh đạo lớp học, nhưng không phải là giảng viên duy nhất. Bác lấy tên là Vương. Bác thường đến lớp nói chuyện với anh em về các vấn đề cách mạng Việt nam. Anh em học sinh, nhiều người đã ngầm biết Bác là Nguyễn Ái Quốc, sẵn có lòng hâm mộ từ khi còn ở trong nước; đến đây gặp Bác, được thấy tác phong giản dị, lối nói ngắn gọn, sâu sắc, dễ hiểu, thái độ nghiêm túc và tình đồng chí thân thiết của Bác, nên lại càng hết sức kính trọng.

Ngoài Bác ra, các giảng viên đều là cán bộ của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Trong số này, có người đã lãnh đạo phong trào nông dân như đồng chí Bành Bái giảng về công tác nông vận; có người đã lãnh đạo phong trào công hội như đồng chí Lưu Thiếu Kỳ giảng về công vận.

Mỗi khi giảng viên Trung Quốc lên lớp, các đồng chí Hồ Tùng Mậu, Tản Anh hoặc Lâm Đức Thụ phiên dịch. Có lần ba người này đi vắng, Bác đã đích thân dịch cho anh em nghe. Nhiều người cứ tưởng Bác không thạo tiếng Trung Quốc, khi nghe Bác dịch nhanh gọn và nói chuyện trực tiếp với các đồng chí Trung Quốc thì rất khâm phục.

Sau mỗi lần nghe giảng, học viên chia tổ thảo luận. Mỗi người nhắc lại những điều mình hiểu, các đồng chí khác bổ sung, cho đến lúc nắm vững toàn bài mới thôi.

Lớp học còn tổ chức một tờ bích báo để cho anh em viết bài và viết thơ. Có khi tổ chức những vở "Kịch cương" diễn ngay ở trong nhà. "Kịch cương" là một thứ kịch không có kịch bản, mà chỉ do một số người nêu ra chủ đề và nội dung kịch rồi tự phân vai và dự diễn. Khi diễn kịch, Bác thường đóng vai công nhân hoặc nông dân.

Ngoài việc nghe giảng và thảo luận ở tổ, chúng tôi còn được tham quan trường Hoàng Phố, thăm mộ của bảy mươi hai liệt sĩ Hoàng Hoa Cương, di tích nổi tiếng của cuộc Khởi nghĩa 27-4-1911 ở Quảng Châu.

Một dịp khác, nhân có hội nghị công nhân do Đảng Cộng sản Trung Quốc tổ chức, Bác đã giới thiệu cho lớp học đến dự thính một buổi.

Năm ấy, chúng tôi ăn Tết ở Quảng Châu, một cái Tết xa tổ Quốc giản dị nhưng đầm ấm trong tình đồng chí cách mạng. Tiếc rằng có vài ba người trong đám học viên quan niệm ăn Tết phải cỗ bàn no nê, đã ra hiệu bán một số quần áo lấy tiền nhậu nhẹt. Mấy người này về sau trong trường hoạt động cách mạng đều không kết quả gì.

Sau Tết, lớp học kết thúc. Chúng tôi được đưa đến mộ Phạm Hồng Thái làm lễ kết nạp vào Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội. Trước anh linh của người liệt sĩ kính yêu, với tiếng bom của mình ở Sa Diện đã thức tỉnh cả một thế hệ thanh niên yêu nước, chúng tôi đưa tay lên thề trọn đời phấn đấu hy sinh cho cách mạng quốc gia, cho cách mạng thế giới.

Sau đó, Tổng bộ phân phối công tác cho mỗi người, tôi và một số anh em được bố trí về nước hoạt động, mỗi người đi một lối riêng vào một thời gian khác nhau, để đảm bảo bí mật, phòng khi bị bắt thì không tổn thất hàng loạt cán bộ.

Khi về, đi đường thuận lợi hơn khi đi. Tôi vượt biên giới đến Đồng Đăng chỉ mất độ vài tiếng đồng hồ, đến ga trời chưa sáng, phải im lặng tựa lưng vào bức tường nhà ga chờ đợi, đến mờ sáng thì có tàu ở Nà Sầm xuống.

Mua vé về Hà Nội, nhưng tôi xuống ga Bắc Ninh, đi xe ô-tô hàng về Hà Nội, rồi thuê xe tay đến Văn Điển, lấy vé về Trình Xuyên (Nam Định), ghé thăm cậu em vợ đang dạy học ở đó, để tìm hiểu tình hình ở nhà. Cậu em cho biết: Tết vừa qua tôi không về làng, cả nhà rất lo lắng. Trong họ có người bàn nên trình quan để sau này chúng khỏi làm lụy đến gia đình, cha tôi thì lưỡng lự, còn mẹ tôi thì nhất định không chịu và nói rằng: Con đã đi rồi, nếu quan đòi hỏi thì cứ nói không biết đi đâu, như vậy con còn có thể về được, chứ nếu đi trình quan, thì tự nhiên cắt mất con đường trở về của con sau này. Thế là người nhà không đi trình quan nữa. Nắm được tình hình như trên, sáng hôm sau tôi lập tức lên ga Trình Xuyên mua vé tàu về nhà. Lúc tàu chuyển bánh, bất giác buột miệng ngâm bài thơ của một tác giả không quen biết:

Văng vẳng tai nghe tiếng xúp-lê [11] ,

Xúp lê như giục khách lòng quê.

Gánh tình non nước hai vai nặng,

Đánh cước bao nhiêu khách chẳng nề.

Về đến làng Quỳnh vào một buồi chiều tháng Giêng âm lịch, giữa lúc tiểu chi họ Hoàng đang tế tổ ở nhà thờ họ, tôi liền đi thẳng đến nhà thờ họ để mọi người thấy sự có mặt của mình. Ai hỏi về chuyến đi vừa qua, tôi đều trả lời: Đi Sài Gòn để kiếm việc làm, nhưng không được nên lại trở về. Ông Hồ Khoan là người tinh ý, mấy hôm sau gặp tôi, mỉm cười hỏi nhỏ: Đi không thoát chứ gì! Tôi trả lời lơ lửng: Bị lạc hậu.

Việc tôi đi Quảng Châu thế là trót lọt. Mơ ước xuất dương và gặp cách mạng thế là thực hiện. Giai đoạn thực tiễn cách mạng bắt đầu.

*

Bắt tay và hoạt dộng cách mạng, cần có một việc làm để che mắt bọn thống trị và có nơi ở thuận tiện cho việc liên hệ với các đồng chí. Tôi nhờ người anh em tìm cho một nơi dạy học tư ở phố Cầu Giát. Chủ nhà là một người theo đạo Thiên chúa, nuôi cơm và trả lương cho tôi một năm 60 đồng để dạy chữ quốc ngữ và một ít chữ Pháp cho hai đứa con.

Hoạt động đầu tiên của tôi là gây cơ sở. Những người bạn tâm giao trong làng trước kia như anh Nhu, anh Thúy, ông Cựu Đờn, ông Thuận, anh Dương Văn Lan, anh Hoàng Văn Hợp được tổ chức trước. Sau đó, phân công những người ở nhà thì tuyên truyền phát triển thêm trong làng, trong huyện; những người có điều kiện đi xa thì làm công tác "viễn phương tuyên truyền", như ông Cựu Đờn có quê ngoại ở Yên Thành thì phát triển tổ chức ở Yên Thành, anh Thúy làm máy dệt ở Nghi Lộc và hay đi Vinh thì phát triển ở Nghi Lộc và Vinh, anh Nhu hay đi Anh Sơn thì phát triển lên Anh Sơn, anh Lan dạy học ở Đò Cấm thì phát triển ở Đò Cấm.

Về phần tôi cũng thường đi Yên Lý, Vạn Phần nên liên lạc với đồng chí Võ Mai và các đồng chí Thanh niên cách mạng đồng chí hội ở vùng đó; có lúc đi Vinh gặp các đồng chí Trần Văn Cung, Nguyễn Văn Lợi để bàn công việc, nhưng người thường qua lại Cầu Giát liên lạc với tôi là anh giáo Lập, lúc này bí danh là Hoàng Lùn.

Năm 1927 là một năm đấu tranh gay gắt giữa Thanh Niên và Tân Việt. Trước khi phân liệt, đồng chí Hoàng Lùn đã giới thiệu tôi gặp Đào Xuân Mai và Thái Văn Đức ở núi Quyết gần thành phố Vinh để thành lập liên tỉnh Thanh-Nghệ-Tĩnh với hai người này. Đây là một hình thức tổ chức hợp nhất giữa Thanh Niên và Tân Việt, nhưng qua một thời gian liên lạc, việc hợp nhất không thành, thì tôi không gặp nữa.

Hết năm 1927, tôi không dạy học ở Cầu Giát nữa để dễ cho việc đi lại hoạt động ở các nơi.

Đầu năm 1928, Tổng bộ Thanh niên ở Quảng Châu đưa tin về, trong cuộc Khởi nghĩa Quảng Châu tháng chạp 1927, Tưởng Giới Thạch đã ra mặt phản động, đàn áp cách mạng Trung Quốc rất tàn khốc. Chúng bắt cả một số cán bộ cách mạng Việt Nam, trong đó có đồng chí Hồ Tùng Mậu. Kỳ ủy Trung kỳ chủ trương phát truyền đơn kêu gọi người Hoa ủng hộ cách mạng Việt Nam, đòi Tưởng Giới Thạch trả lại tự do cho các đồng chí cách mạng Việt Nam đã bị chúng bắt giam.

Các anh Dương Đình Thúy, Dương Văn Lan và tôi đều di rải truyền đơn ở Vinh. Anh Thúy vì tổ chức nhầm một tên mật thám ở sở Đạc Điền, nên bị chỉ điểm và bị bắt trong khi làm nhiệm vụ.

Về phần tôi, làm trót lọt. Nhưng được tin anh Thúy bị bắt, tôi phải cảnh giác, tìm gặp anh Nhu bàn kế hoạch đề phòng bất trắc. Chúng tôi chủ trương thay đỗi luôn chỗ ở, đồng thời phải tìm cách ra Thanh Hóa gặp anh Hoàng Lùn để xin ý kiến. Mấy hôm sau, trên đường đi Thanh Hóa, tôi rẽ về làng lúc trời đã thật tối. Vừa bước vào nhà, mẹ tôi cho biết lính huyện mới về truy nã từ buổi chiều, phải cho chúng hai đồng bạc để chúng khỏi kiếm chuyện.

Đêm hôm đó, tôi nhắn đồng chí Hoàng Văn Hợp [12] đến dặn dò một số công việc trước khi ra đi, rồi đi ngủ ở một chỗ bí mật. Chuyến đi này được mọi người trong gia đình góp phần thu xếp nên rất chu đáo, không ai hay biết gì cả.

Là một người cách mạng tạm tránh giặc lùng bắt, tôi chỉ cố làm cho gia đình bớt lo lắng, chứ chẳng có gì dặn dò cha mẹ và ngay cả vợ tôi với đứa con đầu lòng mới hơn một tuổi. Tôi cũng không nghĩ rằng đây là chuyến đi đằng đẵng mười bốn năm xa Tổ quốc, mười tám năm xa gia đình.

Một mo cơm nắm, với chiếc cân bỏ trong cái xéo vải cầm ở tay, tôi đóng vai người buôn tơ, đang đêm băng qua mấy cánh đồng hẻo lánh, lên đường quốc lộ số 1, đi bộ ra Thanh Hóa. Qua bến đò Ghép rồi chân mỏi quá phải thuê xe tay đi đến thị xã, vào Hưng nghiệp hội xã giữa lúc anh em đang ăn cơm tối.

Đồng chí Hoàng Lùn gặp tôi, nghe báo cáo. Mấy hôm sau, cho tôi biết là Kỳ ủy quyết định phái tôi sang Xiêm hoạt động. Theo kế hoạch, tôi mượn xe đạp đi thẳng từ Thanh Hóa vào Vinh tìm gặp anh Võ Mai để bố trí kịp chuyến giao thông sang Xiêm sắp tới, vì anh là người có trách nhiệm tổ chức chuyến đi, đồng thời cũng là người phải qua Xiêm gặp anh em bên ấy để bàn việc liên lạc.

Anh Võ Mai đưa tôi tạm lánh ra Phủ Diễn, bí mật ở nhà anh Đậu Chương. Sau đó, ông Vương Thúc Xuân đưa tôi và anh Võ Mai vào Hà Tĩnh đến Hương Khê, nghỉ ở một nhà quần chúng bên ven rừng mấy hôm, rồi vượt rừng qua Lào đi sang Xiêm.

Đây là lần xuất dương thứ hai của tôi. Lần trước xuất dương sang Trung Quốc, đi tìm cách mạng, học cách mạng. Ra đi hồi hộp mà phấn khởi như người đang mò mẫm trong đêm tối nhìn thấy ánh đèn cách mạng, xăm xăm bước tới. Lần này xuất dương sang Xiêm giữa lúc cách mạng đang bị khủng bố, lòng tôi không khỏi bồi hồi nghĩ đến các đồng chí, nghĩ đến cha mẹ, vợ con sẽ bị hào lý, quan lại làm khổ. Càng nghĩ càng thấy trách nhiệm của mình rất nặng nề, phải làm thế nào để một ngày kia có thể lấy lại được đất nước.

Tâm sự này thể hiện ở bài hát sa mạc trong vở kịch Người xuất dương do tôi soạn và cùng diễn với anh em ở U-đon năm 1929:

Núi xanh xanh ngắt một màu,

Trông vời cố quốc dạ sầu xiết bao.

Động Trìm, động Trẹo thì cao,

Nước Xăm, Mòi thì lớn biết làm sao bây giờ.

Xa trông đỉnh Ác tờ mờ,

Dòng Oi chưa lội biết bao giờ cho tới nơi?

Dặm quan sơn khôn xiết nỗi ái hoài,

Tình nhà nghĩa nước đôi vai nặng nề,

Giơ tay chỉ núi ta thề,

Thề non sông lấy lại ta sẽ về nước ta.

Động Trìm, động Trẹo, đỉnh Ác là tên những dãy núi; nước Xăm, Mòi, dòng Oi là tên những dòng suối, dòng sông trên đường qua Xiêm.

Qua sáu ngày trèo đèo, lội suối, chúng tôi đến một địa điểm có mấy nhà Việt kiều cách Thà-khẹc mấy cây số. Chờ trời tối, chúng tôi ra bờ sông ở một bến vắng, một kiều báo đã chèo thuyền lảng vảng ở chỗ đó. Chúng tôi lên thuyền vượt qua sông sang bên kia là Na-Khon Pha-nôm, một thị trấn trên bờ sông Mê Công thuộc về đất Xiêm.

Hôm ấy vào khoảng cuối tháng 5 năm 1928.

________________________________________

[1]Người đỗ Tú tài trong chế độ khoa cử nước ta thời phong kiến, trước năm 1919. (BT)

[2]Rùa Thục tuốt móng thiêng. Nói về sự tích vua Thục An Dương Vương nhờ có móng rùa thần làm lẫy nỏ mà dẹp được giặc.

[3]Ngựa Hồ kêu gió Bắc: Theo truyền thuyết cũ thì ngựa Bắc Hồ khi thầy gió Bắc là kêu hý lên. Ý nói tình cảm nhớ nước.

[4]Thương nữ hát bài Hậu đình: Lấy ý trong câu thơ của Đỗ Mục đời Đường Trung Quốc: Thương nữ bất trí vong quốc hận, cách giang do xướng Hậu đình hoa, nghĩa là: Thương nữ biết gì thù hận mất nước, cách sông hát điệu Hậu đình hoa. Hậu đình hoa là một điệu hát không lành mạnh.

[5]Huyền Cao: Một nhà buôn yêu nước đời Xuân Thu Trung Quốc.

[6]núi sông lớn của huyện Quỳnh Lưu

[7]thầy địa lý

[8]Người đỗ Cử nhân trong chế độ khoa cử nước ta thời phong kiến, trước năm 1919. (BT)

[9]trưởng tàu - Chef de train

[10]Đội học sinh nhập ngũ của trường Hoàng Phố

[11]còi xe lửa - souflet

[12]sau bị xử bắn ngay ở làng Quỳnh trong năm 1930

Phần 2: Những năm tháng hoạt động cách mạng ở Xiêm[1] (1928-1935)

P2 - Chương 1 & 2

Khoảng cuối tháng 5-1928, tôi cùng anh Võ Mai sang tới đất Xiêm, được các đồng chí xếp tạm ở một trạm liên lạc tại Bản Mày thuộc phủ Na-khon.

Anh Ngô Tuân, tức Ba Đốc thay mặt đoàn thể ở Xiêm gặp chúng tôi. Anh tưởng chúng tôi là người trong nước cử ra để học tập như các đợt trước, nên đã bảo chúng tôi: Các ông trở về nước thôi. Ngày nay ở Xiêm không nhận học sinh trong nước ra nữa.

Không lạ gì hồi ấy thủ tục giới thiệu liên lạc không thể làm được đàng hoàng. Tôi phải trình bày rõ lý do Kỳ ủy Trung kỳ điều động tôi ra Xiêm không phải để học tập mà là để hoạt động cách mạng. Còn anh Võ Mai là người của Kỳ ủy phái ra đặt mối liên hệ công tác giữa cơ sở Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội ở Xiêm với trong nước.

Để anh Ba Đốc hiểu thêm, tôi nói rõ việc có quen biết anh Tú Chính, tức Lê Mạnh Trinh, và anh Chu tức là Trấn Văn Chấn v.v...là những người đã cùng tham gia lớp huấn luyện với tôi ở Quảng Châu năm 1926 mà nay đang hoạt động ở Xiêm.

Ngay sau đó, chúng tôi được đưa sang nhà ông Lê Khoan [2] , là cơ sở chính của trạm liên lạc.

Ở cạnh nhà ông Khoan có một lớp học của thiếu niên, giáo viên lớp này là anh Hoàng Trác, một người em họ và cùng quê với tôi xuất dương sang Xiêm từ trước. Chúng tôi đều biết nhau, nhưng không ai nhận họ, nhận quê gì cả, vì phải giữ nguyên tắc bí mật.

Ở độ dăm bẩy hôm, tôi bắt đầu đi lại với anh em trong Tổ Hợp tác, một hình thức tổ chức quần chúng của Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội ở đây. Trong khi thăm hỏi, làm quen với anh em, tôi thường đọc một số thơ văn yêu nước của Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Yên Đổ, Tú Xương, Tản Đà v.v. . . dần dà anh em hiểu tôi là người có trình độ văn hóa; và hình như cấp trên đã cho biết tôi là cán bộ của đoàn thể, nên anh em đối đãi tốt, thân mến, và coi trọng hơn trước.

Ít lâu sau, anh Lê Mạnh Trinh đến gặp tôi và đưa tôi vào U-đon. Còn anh Võ Mai, sau khi bàn bạc xong việc liên lạc thì trở về trong nước.

Thời gian tôi hoạt động ở Xiêm gồm hai giai đoạn, một giai đoạn trong Thanh niên cách mạng đồng chí hội ở Xiêm, một giai đoạn dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Xiêm.

I. Giai đoạn hoạt động trong Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội ở Xiêm

Tôi đến U-đon vừa đúng dịp kỷ niệm Phạm Hồng Thái (19-6-1928). Các đồng chí phân công tôi trang trí hội trường và viết câu đối chữ Hán. Câu đối như sau:

Đại trượng phu vô sở vị nhi vi, tứ niên lai kỷ niệm hình hương, tiên chí khởi kỳ thân hậu hưởng.

Tinh thần giới yên tri tử bất tử, cửu tuyền hạ mộng hồn thi chúc, thành công lưu phó ngã đồng kiên.

Tạm dịch:

Kẻ trượng phu, làm không phải vì mình, đã bốn năm kỷ niệm vang lừng, tiên chí chẳng màng vinh dự ấy.

Cõi tinh thần, chết đâu phải là hết, dưới chín suối mộng hồn thao thức, thành công còn đợi chúng ta đây.

Thấy câu đối hay, cứ tưởng là do anh em ở đây làm, sau này xem sách văn học mới biết câu đối này vốn là của Đặng Nguyên Cẩn làm để điếu một liệt sĩ cách mạng, mà anh em dùng lại, vì nó cũng thích hợp với lễ kỷ niệm Phạm Hồng Thái.

Trong lễ kỷ niệm đó, tôi còn được phân công đọc bài văn truy điệu Phạm Hồng Thái. Bài văn này do cụ Đặng Thúc Hứa - anh em thường gọi thân mật là Cố Đi - làm.

Kỷ niệm xong, các đồng chí phái tôi vào Noỏng-ổn, một vùng cơ sở của Thanh niên cách mạng đồng chí hội, cách U-đon khoảng mười cây số, cùng làm việc với Cố Đi, phụ trách trường huấn luyện thiếu niên.

Trường có mười tám học sinh, phần lớn là con em Việt kiều, và một số thiếu niên từ Nghệ-Tĩnh gửi ra để học tập cách mạng. Các anh Mai Văn Quang, Dương Trí Trung, Đỗ Văn Hương v.v... hồi ấy mới 15, 17 tuổi đều là học sinh của trường này.

Đây là một nhà trường cách mạng vừa học vừa làm. Trò cũng như thầy, ngoài giờ học tập đều tham gia lao động.

Phần học tập chủ yếu là học văn hóa, có nội dung chính trị yêu nước. Cố Đi dạy chữ Hán, tôi dạy chữ quốc ngữ. Chúng tôi dạy cho các em biết lịch sử, địa lý của nước Việt Nam, biết tính toán, thuộc các bài văn, thơ yêu nước. Mục đích chủ yếu là bồi dưỡng cho các em có lòng căm thù đối với giặc Pháp, có ý chí cách mạng, để sau này trở thành những người hoạt động cứu nước. Ngoài Cố Đi và tôi ra, thỉnh thoảng anh Lê Mạnh Trinh cũng đều giảng dạy cho các em một đôi buổi.

Điều kiện ăn ở của thầy trò trong nhà trường rất giản dị. Trường có hai ngôi nhà tranh. Nhà chính có ba gian là nơi học tập. Chính giữa nhà có một cái phản dài và khá rộng, đó là bàn học, hai bên hai dãy ghế. Ban đêm, bàn học biến thành giường ngủ của học sinh. Ngôi nhà phụ nhỏ hơn, vừa là nhà bếp, vừa là phòng ăn và nơi để các dụng cụ lao động.

Nếp sống của mọi người trong nhà trường khá quy củ, ngăn nắp. Mỗi buổi sáng, tôi và học trò đều ra sân tập thể thao (Cố Đi đã 58 tuổi, người yếu được miễn), sau đó đi lao động, lao động xong rồi mới vào học. Việc lao động của thầy trò trong trường chủ yếu là trồng khoai, trồng rau, trồng cây lưu niên, chăn nuôi lợn gà, nấu cơm, rửa bát, gánh nước v.v... Có khi thầy trò gánh khoai của mình trồng được đem vào làng đổi lấy thóc lúa của nhân dân địa phương.

Sản xuất như vậy cũng có ý nghĩa học tập, bồi dưỡng tinh thần cách mạng; nhưng chủ yếu là để bảo đảm đời sống cho cả thầy lẫn trò. Quỹ đoàn thể chỉ phụ cấp phần nào mà lớp học không thể tự túc được.

Hồi còn ở nhà, tôi chỉ là một anh học trò, không biết gì là lao động, khi giác ngộ cách mạng, mới bắt đầu có ý thức tham gia lao động ít nhiều, như gánh nước, đắp đường v.v... ở trong làng. Đến nay ở Noỏng-ổn, lao động chân tay đến với tôi đã trở thành công việc hàng ngày. Điều kiện sinh hoạt mới giúp tôi gần gũi quần chúng lao động nhiều hơn trước, và nhận thức sâu thêm về vai trò của công, nông trong cách mạng, điều mà Hồ Chủ tịch đã giảng dạy nhiều cho chúng tôi trong lớp huấn luyện ở Quảng Châu.

*

Ngoài việc dạy học ở Noỏng-ổn, tôi còn tham gia việc lãnh đạo chung của tổ chức Thanh niên cách mạng đồng chí hội. Thanh niên cách mạng đồng chí hội ở Xiêm được thành lập từ năm 1925 tại Bản Đông, một làng Việt kiều ở huyện Phi-chịt, thuộc tỉnh Phít-xa-nu-lốc miền trung nước Xiêm; năm 1927, 1928 phát triển đến các địa phương có Việt kiều tập trung ở các phủ U-đon Tha-xi, Xa-côn Na-khon, Na-khon Pha-nôm thuộc tỉnh U-đon, khu Đông Bắc Xiêm. Vì quần chúng Việt kiều ở Đông Bắc nhiều và rải rác ở nhiều địa điểm khác nhau, nên trung tâm lãnh đạo của Thanh niên cách mạng đồng chí hội chuyển từ Phi-chịt ra U-đon.

Tháng 8 năm 1928, Hồ Chủ tịch đến Xiêm, sau một thời gian nghiên cứu, Bác đề nghị lập Tỉnh ủy U-đon để thống nhất việc lãnh đạo. Tỉnh ủy gồm năm đồng chí: Đặng Thái Thuyến tức Canh Tân, Võ Văn Kiều tức Đình, Trần Văn Chấn tức Tăng, Nguyễn Văn Dụ tức Hải, và tôi lấy tên là Nghĩa. Các đồng chí Võ Tòng tức Sáu, Lê Mạnh Trinh tức Tiến, đều ở Phi-chịt đã duy trì cơ sở cũ, Đặng Thúc Hứa đã đi Xiêng-mày, Lăm-pang để xây dựng cơ sở mới, nên không tham gia ban Tỉnh ủy.

Thanh niên cách mạng đồng chí hội lãnh đạo quần chúng dưới hai hình thức là Hội Hợp tác với Hội Việt kiều Thân ái.

Hội Hợp tác là một tổ chức quần chúng trung kiên, nơi đào tạo những thành viên dự bị cho Thanh niên cách mạng đồng chí hội. Hội Hợp tác kết nạp những phần tử thanh niên yêu nước, chủ yếu là những thanh niên có chí hướng cách mạng ở trong nước mới ra, họ sống chung với nhau và làm ăn tập thể theo sự tổ chức của Hội. Có nhóm chuyên làm ruộng, có nhóm chuyên làm các nghề thủ công như thợ cưa, thợ mộc, thợ nề v.v... Số tiền thu nhập của mỗi tổ được dành ra một phần cho sinh hoạt tối cần thiết của các tổ viên, phần còn lại dùng làm công quỹ của Hội để chi tiêu vào việc chung, như phái người ra nước ngoài hoặc về trong nước, xây dựng nhà trường, nuôi các em ăn học, chi tiêu về các công tác tuyên truyền, báo chí v.v...

Về sau Hội Hợp tác cũng kết nạp cả một số kiều bào ở Xiêm từ lâu. Nhưng những hội viên này làm ăn riêng, theo chế độ kinh tế độc lập. Ngoài việc đóng hội phí thường xuyên, họ còn nhận nuôi một vài em thiếu niên hoặc một vài cán bộ cách mạng chuyên nghiệp.

Tính đến cuối năm 1929, Hội Hợp tác Việt kiều có khoảng hơn một trăm hội viên.

Hội Việt kiều Thân ái là một tổ chức rộng rãi, có tính chất "mặt trận" của kiều bào. Ở hầu hết các địa phương có Việt kiều sinh sống đều có Hội Thân ái. Hội viên có hai hạng: Hội viên chính thức định kỳ hội họp và đóng hội phí hàng tháng, thường là người ở những vùng Việt kiều tập trung đông đảo. Hội viên cảm tình thường là những Việt kiều ở rải rác các địa phương xa, không tiện liên lạc hội họp, là những bà con "Việt kiều cũ" sống trên đất Xiêm lâu đời, đã vào quốc tịch Xiêm, nhưng còn giữ tinh thần dân tộc, ủng hộ cách mạng Việt Nam. Các hội viên cảm tình tùy theo khả năng và lòng hăng hái mà góp phần tinh thần hoặc vật chất giúp cho các hoạt động của Hội.

Ở những nơi đông đảo Việt kiều còn có Hội Phụ nữ, Hội Thanh niên, Hội Thiếu niên. Đó là những bộ phận của Hội Việt kiều Thân ái.

*

Trong công tác tuyên truyền, giáo dục quần chúng, Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội ở Xiêm đã làm những việc như: Xuất bản báo, mở lớp học cho thanh thiếu niên, tổ chức các buổi diễn giảng cho anh em tập trình bày và thảo luận các vấn đề chính trị, tổ chức các ngày lễ kỷ niệm có ý nghĩa yêu nước như: kỷ niệm Phạm Hồng Thái, kỷ niệm ngày quốc sỉ [3] , kỷ niệm Nguyễn Sĩ Sách v.v... Trong những buổi lễ này thường tổ chức diễn kịch.

Ngoài việc tập hợp, giáo dục Việt kiều, tổ chức Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội ở Xiêm đã đưa được nhiều sách báo, tài liệu về nước, đưa được một số cán bộ trong nước ra Xiêm và đi Trung Quốc để hoạt động cách mạng, hoặc để đào tạo thành cán bộ cách mạng. Năm 1927, đã cử người sang Lào, thành lập Chi hội Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội ở Viêng Chăn, và đặt được một số cơ sở giao thông liên lạc ở các thị trấn Lào đối diện với Xiêm, như Xa-vằn-na-khệt đối diện với Mục-đa-hán ở Xiêm, Thà-khẹc đối diện với Na-khon ở Xiêm, và Viêng Chăn đối diện với Noỏng-khai ở Xiêm. Nhất là từ khi đồng chí Võ Mai sang Xiêm đặt mối liên lạc, thì quan hệ giữa cơ sở cách mạng ở Xiêm với cơ sở trong nước càng được mật thiết.

Sự hoạt động của Thanh niên cách mạng đồng chí hội ở Xiêm đã có tiếng vang về trong nước. Tháng 6 năm 1928, Việt Nam Quốc dân đảng đã cử một đoàn đại biểu gồm ba người là Nguyễn Ngọc Sơn, Hồ Văn Mịch và Nguyễn Văn Tiềm, sang Xiêm đề nghị Tổng chi hội ở Xiêm giúp súng đạn để về nước chuẩn bị bạo động. Đoàn thể ở Xiêm đã tiếp xúc, thảo luận với họ một cách thân mật, mời họ tham gia lễ kỷ niệm Phạm Hồng Thái và tham quan một số địa phương Việt kiều có tổ chức hoạt động yêu nước. Mặt khác giải thích với họ rằng lúc này chưa phải thời cơ bạo động và từ chối việc giúp họ súng đạn, với lý do còn phải xin ý kiến của Tổng bộ ở Trung Quốc. Mấy người đại biểu Việt Nam Quốc dân đảng này khi về tới Việt Nam bị bắt, đã khai báo tất cả.

Tham gia công tác lãnh đạo Thanh niên cách mạng đồng chí hội ở Xiêm, ngoài việc họp bàn các chủ trương công tác, tôi thường góp phần viết báo Thân ái; tổ chức các buổi diễn giảng, các lễ kỷ niệm, các đêm diễn kịch.

Năm 1929, trong dịp Tết xuân, tôi đã soạn vở kịch nói Người xuất dương và cùng diễn với anh em ở U-đon. Lâu ngày quên hết cả cốt chuyện, chỉ nhớ trong vở kịch có một câu chuyện giữa thầy giáo và học trò trong một lớp học như sau:

Thầy giáo nói: Người Tây ở Việt Nam sung sướng lắm, ngay con chó của họ cũng được phụ cấp tiền ăn một tháng ba bốn mươi đồng.

Học trò hỏi: Thế lương thầy mỗi tháng bao nhiêu?

Thầy giáo đỏ mặt lên chốc lát, nhưng rồi bình tĩnh nói: Lương của thầy một tháng chỉ mười hai đồng, đến như lương ông đốc học ở một trường Pháp - Việt huyện cũng chỉ có ba mươi đồng.

Thanh niên cách mạng đồng chí hội cũng như các hội Hợp tác và Thân ái, trong những năm 1928 - 1929 đang ở trên đà phát triến tốt. Đó là nhờ sự đóng góp của nhiều người, kể từ những bậc tiền bối như Phan Bội Châu, Đặng Tử Kính, cho đến những thanh niên mới từ trong nước ra và những em nhỏ đang học ở các lớp thiếu niên. Nhưng người có công lao to lớn nhất về việc xây dựng cơ sở Việt kiều lâu dài ở Xiêm thì phải nói là Đặng Thúc Hứa, mà kiều bào đã quen gọi với một cái tên rất tôn kính và trìu mến là "Cố Đi" hay "Thầy Đi".

*

Để nói rõ công lao của Đặng Thúc Hứa, tôi trích dẫn một đoạn trong chương II của cuốn Hoạt động cách mạng của Việt kiều ở Thái Lan, nguyên văn như sau:

"Trong lớp người yêu nước trước khi có Đảng, có thể nói Đặng Thúc Hứa là một người kiên trì cách mạng đến cùng, và đã tiến lên theo kịp các bước phát triển trong lịch sử cách mạng Việt Nam.

"Đặng Thúc Hứa đã từ chỗ tham gia phong trào Cần Vương chuyển qua đồng tình với việc phò Cường Đế theo chế độ quân chủ lập hiến, rồi tán thành việc giải tán Duy tân hội, lập ra Việt Nam Quang phục hội theo đường lối dân chủ tư sản, và cuối cùng chuyển qua cuộc vận động cách mạng do giai cấp công nhân lãnh đạo theo chủ nghĩa cộng sản.

"Sự chuyển biến của Đặng Thúc Hứa không phải là bị động, mà là một quá trình có suy nghĩ, nhận thức rõ ràng về sự tất yếu của cách mạng.

"Đặng Thúc Hứa xuất dương từ năm 1908, đến đất Xiêm năm 1909, là một trong những người đầu tiên xây dựng nên trại cày ở Bản Thầm từ năm 1910, khi cụ Phan Bội Châu hoạt động ở Xiêm, và là người duy trì cơ sở Bản Thầm cho đến cùng.

"Bên cạnh trại cày Bản Thầm, Đặng Thúc Hứa đã bắt đầu xây dựng từ năm 1911-1912 một cơ sở gọi là "Trại các em" để nuôi dạy con em những gia đình có căm thù với đế quốc Pháp từ trong nước gửi ra, hoặc con em các gia đình Việt kiều yêu nước ở Lào và ở Xiêm gửi tới. Mục đích của cụ là dạy cho các em bằng tiếng Việt, biết chữ nghĩa, biết lao động làm ăn, và nhất là biết yêu nước để sau này lớn lên trở thành người cách mạng cứu nước.

"Không bao lâu, Chiến tranh thế giới lần thứ nhất bùng nổ, Chính phủ Xiêm đứng về phe Đồng minh của Pháp, các hoạt động yêu nước của Việt kiều gặp khó khăn lớn. Do sự can thiệp của Pháp, "Trại các em" của Đặng Thúc Hứa phải dời về Bản Đông, thuộc huyện Phi-chịt. Năm 1916 bị Pháp thúc ép, Chính phủ Xiêm ra lệnh nội trong năm ngày tất cả người Việt Nam ở Bản Đông phải dời đi chỗ khác, nếu không thì khi quân Pháp đến bắt và tịch thu tài sản Việt kiều, họ sẽ không chịu trách nhiệm; vì lúc đó, theo điều ước bất bình đẳng Pháp-Xiêm thì người Pháp được hưởng quyền lãnh sự tài phán, có thể xử phạt Việt kiều trên đất Xiêm mà chúng coi là người chịu sự bảo hộ của chúng. Trước tình hình đó, Đặng Thúc Hứa lại phải đưa các cháu qua Trung Quốc để tiếp tục học tập, rồi ở Trung Quốc hoạt động cho đến năm 1919.

"Thời gian này, Chính quyền cách mạng Trung Quốc ở một số tỉnh đã lọt vào tay bọn quân phiệt. Khi chiến tranh thế giới lần thứ nhất bùng nổ, bọn quân phiệt Quảng Tây lùng bắt cách mạng Việt Nam, bắt cả cụ Phan Bội Châu. Những cố gắng về quân sự của Việt Nam Quang phục hội ở trong nước cũng như ở Trung Quốc, ở Xiêm đều bị thất bại.

"Đứng trước diễn biến của tình hình trong nhiều năm qua, Đặng Thúc Hứa nhận thức được rằng cách mạng Việt Nam không thể ỷ lại vào sự giúp đỡ của nước ngoài, mà cũng không nên chỉ chú trọng vào những mưu toan bạo động như Việt Nam Quang phục hội đã làm bấy lâu nay. Ông bàn với Phan Bội Châu trở lại đất Xiêm tiếp tục gây dựng cơ sở với tư tưởng trường kỳ gian khổ, dựa vào nhân dân để làm cách mạng.

"Năm 1919, về đến Phi-chịt, Đặng Thúc Hứa trao đổi ý kiến với Đặng Tử Kính về phương châm hoạt động cứu nước. Nhưng quan điểm hai người quá xa nhau. Đặng Tử Kính vẫn khư khư ôm chủ trương cũ, tôn thờ "minh chủ" Kỳ ngoại hầu Cường Đế, định lập ra một cái "Chính phủ lâm thời" để có cớ cho Cường Đế xin ngoại viện của Nhật Hoàng. Bàn đến việc vận động kiều bào thì Đặng Tử Kính cho họ là hạng người tha phương cầu thực, không có tri thức gì để bàn việc nước. Đặng Thúc Hứa phản đối hết mọi ý kiến của Đặng Tử Kính, ông cho rằng lúc này mà còn ôm lấy "Kỳ ngoại hầu", dựa vào Nhật Hoàng là lỗi thời. Ông chủ trương phải nương tựa vào kiều bào, giáo dục kiều bào đoàn tụ lại làm cơ sở lâu dài cho cách mạng.

"Đặng Thúc Hứa thường hay lấy câu "Thập niên sinh tụ, thập niên giáo hối" nghĩa là "Mười năm tập hợp lực lượng, mười năm giáo dục nhân dân" [4] , để hình dung cái chí hướng và việc làm cụ thể của mình và đã thực hiện một cách kiên cường không biết mệt mỏi.

"Những lúc họp mặt với các đồng chí trong Việt Nam Quang phục hội, Đặng Thúc Hứa thường nêu lên quan điểm của mình. Cụ phê phán sự "giúp đỡ" của Chính phủ Nhật Bản đối với cách mạng Việt Nam chẳng qua chỉ là nêu ra cái chiêu bài "đồng văn, đồng chủng" để che giấu dã tâm "muốn làm một nước đàn anh ở châu Á" mà thôi. Khi Chính phủ Nhật giúp cụ Phan Bội Châu đào tạo một số thanh niên yêu nước Việt Nam thì họ chỉ dạy cho biết chữ Nhật, khoe khoang nước Nhật là tài giỏi; nhưng trong thâm tâm họ đang âm mưu đẩy Pháp ra để nhảy vào Việt Nam, và dùng những người đang học ở Nhật làm tay sai cho họ sau này. Thực tế đã cho thấy rằng đế quốc Nhật cai trị Triều Tiên cũng tàn bạo, chẳng khác gì đế quốc Pháp cai trị Việt Nam. Cụ thường nhắc anh em nhớ lại những chuyện đắng cay khi Chính phủ Nhật thỏa hiệp với Pháp, ra lệnh đuổi các học sinh yêu nước Việt Nam trong vòng 24 giờ phải rời khỏi nước đất Nhật, đến nỗi cụ Phan và anh em phải đấu tranh đòi kéo dài thời hạn trục xuất ra một tuần lễ.

"Đối với sự nghiệp cứu nước của người Việt Nam lưu vong ở Xiêm hồi ấy, Đặng Thúc Hứa thường ví như con thuyền đi giữa biển, chưa tìm ra luồng lạch. Cụ nói: "Chúng ta không sợ bị đắm thuyền mà chỉ sợ đi lạc hướng, ngược dòng".

"Trong khi chưa tìm ra một đường lối cụ thể, Đặng Thúc Hứa rất chú trọng việc xây dựng cơ sở lâu dài trong Việt kiều ở Xiêm. Cụ thường bạn bạc với những anh em đồng tâm đồng chí rằng muốn gây cơ sở trong kiều bào thì "ở đâu có kiều báo, ở đó phải có mặt chúng ta. Chúng ta phải làm đầy tớ cho thiên hạ, chứ đừng làm ông thánh thế gian". Cụ chủ trương nên tập hợp bà con Việt kiều lại thành làng, thành xóm trên đất Xiêm đề bà con nương tựa vào nhau mà làm ăn, cùng nhau giữ gìn phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc, nhất là để con em Việt kiều không quên tiếng mẹ đẻ, không quên nguồn gốc Tố quốc Việt Nam. Từ chỗ đó sẽ tiến lên vận động kiều bào tham gia các công việc cứu nước.

Để thực hiện chủ trương trên, Đặng Thúc Hứa đã len lỏi đi khắp nơi có Việt kiều trên đất Xiêm để gần gũi và hướng dẫn quần chúng. Cụ đã đi rất nhiều nên kiều bào ở Xiêm thường gọi cụ là "Cố Đi", "Thầy Đi". Cụ thường đi bộ, và hầu như chỉ có đi bộ, để tiện dừng chân trên những xóm Việt kiều hẻo lánh ở rải rác khắp vùng Đông Bắc nước Xiêm. Đi tới đâu, Cụ Đi đều khuyên nhủ kiều bào đoàn kết, thương yêu, đùm bọc lấy nhau, và nhớ lấy cái nhục mất nước.

"Cố Đi đã bố trí một số người đồng tâm đồng chí của mình đi gây dựng cơ sở ở các nơi trên đất Xiêm như sau:

• Phái bà Nho [5] và một số người đi xây dựng lại cơ sở bản Đông.

• Phái ông Ngoét Vinh đi lập cơ sở Vặt-pà, Nỏong-xẻng gần thị xã Na-khon, trên bờ sông Mê Công, đối diện với thị xã Thà-khẹc trên đất Lào. Tiếp đó lại phái cố Khoan và cố Ngoét Đài đi lập cơ sở ở Bản Mày, Bản Phừng, dịch thị xã Na-khon năm cây số.

• Phái ông Châu đi lập cơ sở ở U-đon, và một số người khác đi lập cơ sở ở Noỏng-bua, cách thị xã U-đon ba cây số, và ở Đông-ổn, một khu rừng cách U-đon hơn mười cây số.

"Sau đó, Cố Đi bàn với anh em tiếp tục phát triển thêm các cơ sở dọc đường từ U-đon đi Xa-côn như Bản Hằn, Noỏng-hán, từ Xa-côn đi Na-khon như Thà-hẹ, Cu-xu-man, v.v... và phát triển thêm cơ sở dọc theo sông Mê Công như U-thên, Na-ke, Thạt-pha-nôm, Mục-đa-hán, Noỏng-khai, v.v...

"Nhờ sự hoạt động kiên trì trong nhiều năm của Đặng Thúc Hứa và những người đồng tâm đồng chí của cụ như trên, Việt kiều rải rác trên đất Xiêm ngày càng quy tụ lại với nhau và có một mối liên hệ mật thiết.

"Hằng năm, Đặng Thúc Hứa thường đi một vòng qua những nơi có Việt kiều từ Pạc-nám-phô đến các tỉnh vùng Đông Bắc để thăm hỏi kiều bào, nhắc nhở bà con giữ vững lòng yêu nước, dạy dỗ con em, giữ gìn phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc, đồng thời tôn trọng phong tục tập quán và phát luật của người Xiêm. Đến đâu, cụ cũng lao động và sinh sống như một người dân thường. Vì vậy, cụ rất được kiều bào quý mến, mà ngay cả nhân dân Xiêm cũng thương yêu, thường gọi là "Thầu Đăm" [6] .

"Có lần Đặng Thúc Hứa bị thực dân Pháp theo dõi để bắt. Đương cục và nhân dân Xiêm ở địa phương đã báo trước để cụ tránh đi chỗ khác. Một lần nữa, Pháp giao thiệp với Chính phủ Xiêm vây bắt Cố Đi. Nhà đương cục địa phương không dám từ chối, nhưng đặt điều kiện với bọn Pháp là phải nhận diện cho đúng. Họ để Cố Đi ngồi lẫn với các ông già địa phương. Vì nước da ngăm đen và cái vẻ bề ngoài của Cố Đi rất giống người Xiêm, nên bọn Pháp không thể nhận ra. Cố Đi lại thoát nạn.

"Song song với việc gây dựng cơ sở lâu dài trong Việt kiều từ năm 1919, Đặng Thúc Hứa đã bố trí người làm giao thông liên lạc đi về nước để đưa một số thanh niên xuất dương sang Xiêm rồi giúp họ sang Trung Quốc hoạt động cách mạng.

"Từ năm 1920, nhiều thanh niên yêu nước đã xuất dương sang Xiêm. Họ được các cơ sở Việt kiều đón tiếp từ Na-khon, U-đon rồi đưa vào Phi-chịt sinh hoạt một thời gian trong "Trại cày" của Cố Đi, sau đó được cấp tiền lộ phí và người đưa đường đi sang Trung Quốc. Có người như Đặng Thái Thuyền, ở lại Xiêm hoạt động.

"Năm 1923, một số thanh niên xuất dương từ Xiêm qua Trung Quốc như Phạm Hồng Thái, Lê Hồng Phong, Lê Tản Anh, Hồ Tùng Mậu v.v... đã thành lập ra Tâm tâm xã, tách khỏi ảnh hưởng của đường lối Phan Bội Châu. Năm 1924, Phạm Hồng Thái ném tạc đạn ở Sa Diện, mưu giết toàn quyền Méc-lanh, gây tiếng vang lớn thúc đẩy phong trào cách mạng trong cả nước. Tiếp đó Hồ Chủ tịch về Trung Quốc, tập hợp, dìu dắt nhóm Tâm tâm xã, thành lập Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội.

"Số người xuất dương sang Xiêm từ năm 1920 đến năm 1924, 1925, lớp này tiếp đến lớp khác tổng cộng lại có hàng mấy chục người, số đông sang Trung Quốc, một số ở lại Xiêm, tham gia công việc vận động Việt kiều ở Xiêm.

"Hai chủ trương lớn của Cố Đi như trên - xây dựng cơ sở Việt kiều và vận động thanh niên xuất dương - là những đóng góp quan trọng cho việc phát triển Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội ở Quảng Châu và ở Xiêm sau này. "Tất nhiên không phải một mình Cố Đi làm hết mọi việc. Những người đồng tâm đồng chí của Cố Đi như ông Kim, ông Sáu (tức đồng chí Võ Tòng), bà Nho, ông Thuyên, ông Vinh, cố Khoan, cố Ngoét Đài, v.v... đều là những cán bộ đắc lực, những quần chúng trung kiên đã góp phần quan trọng thực hiện các chủ trương đúng đắn của Cố Đi. "Năm 1925, khi Hồ Chủ Tịch phái người về Xiêm thành lập Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội thì Đặng Thúc Hứa là một trong những người lãnh đạo có uy tín lớn của Chi hội Thanh niên cách mạng đồng chí hội và trong Việt kiều ở Xiêm. "Năm 1928-1929, Hồ Chủ tịch về Xiêm hoạt động cách mạng, Bác đã đánh giá cao phẩm chất đạo đức và những cố gắng của cụ Đặng Thúc Hứa trong việc xây dựng cơ sở quần chúng Việt kiều. Lúc này các tổ chức yêu nước của kiều bào đã phát triển và được củng cố. Nhưng Cố Đi vẫn giữ vững chủ trương xây dựng cơ sở lâu dài. Cố đã xung phong xin Hồ Chủ tịch và Ban lãnh đạo cho đi xây dựng thêm cơ sở ở Xiêng-mày, Xiêng-rai và Lăm-pang là những vùng ở phía bắc Xiêm gần biên giới Miến Điện và Lào, để làm những địa điểm dự trữ sau này có thể là chỗ dựa để hoạt động. Cố nói: "Hiện nay quần chúng kiều bào đã được tổ chức và phát triển tốt, cơ sở đã vững chắc. Nhưng tôi nghĩ cách mạng vẫn có thể có lúc còn gặp khó khăn, nên chúng ta cần phải xây dựng thêm những cơ sở mới. Người xưa có câu "giảo thỏ tam quật" nghĩa là giống thỏ khôn thường làm hang có ba ngách, như vậy chúng ta cũng phải có những cơ sở dự bị để chuần bị cho những bước sau này". Hồ Chủ tịch và anh em đã đồng ý để Cố Đi đi Xiêng-mày. "Năm 1930, khi Đảng cộng sản thành lập, tuy vắng mặt, Cố Đi vẫn được vinh dự giới thiệu là một trong những người đảng viên đầu tiên của Đảng Cộng sản Xiêm. Năm 1931, Cố mang bệnh từ Xiêng-mày về U-đon, rồi mất ở đấy, thọ 61 tuổi. Cuộc đời hy sinh tận tụy của Cố đã để lại những kỷ niệm sâu sắc trong kiều bào và cán bộ ở Xiêm, và những công lao đáng ghi nhớ trong lịch sử cách mạng Việt Nam."

II. Hồ Chủ tịch ở Xiêm

Hồ Chủ tịch đến Xiêm hai lần. Lần thứ nhất từ tháng 8- 1928 đến tháng 9-1929. Lần thứ hai từ tháng 3 đến tháng 4-1930.

Hồi trước, học lớp huấn luyện ở Quảng Châu, tôi đã được Bác truyền thụ cho những hiểu biết đầu tiên về lý luận cách mạng. Năm 1928 ở Xiêm, tôi lại may mắn thường ở gần Bác, nhiều khi trực tiếp dưới sự chỉ đạo của Bác trong công tác hàng ngày.

Bác đến U-đon, nơi tôi hoạt động, vào khoảng tháng 8 năm 1928, sau một chuyến đi bộ mười lăm ngày từ Phi-chịt ra. Bác đi bộ như vậy là vừa để tìm hiểu tình hình kiều bào trên đường đi vừa để bảo đảm bí mật.

Đến U-đon, Bác lấy tên là Chín. Năm ấy Bác mới 38 tuổi, nhưng phần đông anh em cán bộ đều còn rất trẻ mà Bác thì rất lão luyện, mực thước, nên mọi người đều tôn trọng mà gọi Bác là "Thầu Chín" [7] . Chỉ một số ít anh em đã từng học lớp huấn luyện ở Quảng Châu biết Bác là Nguyễn Ái Quốc mà thôi.

Tại U-đon, Bác thường làm việc Noỏng-bua, địa điểm chính của các Tổ Hợp tác.

Trong các buổi gặp mặt với cán bộ và quần chúng ở U-đon, Bác thường nói chuyện về tình hình trong nước và thế giới. Với cán bộ phụ trách, Bác thường trao đổi ý kiến về công tác cách mạng.

Cơ sở cách mạng ở U-đon hồi này đã phát triển khá rộng, các Tổ Hợp tác có tới dăm chục người. Hội Việt kiều Thân ái có hàng mấy trăm hội viên. Báo Đồng thanh của Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội phổ biến khá rộng rãi trong quần chúng. Tuy nhiên hồi này một số thanh niên trong Tổ Hợp tác vẫn nghĩ rằng đất Xiêm chỉ là nơi hoạt động tạm thời; rồi đây chắc sẽ đi Trung Quốc học tập cách mạng, hoặc sẽ về nước công tác. Vì vậy tuy ở Xiêm đã lâu mà không mấy ai nghĩ đến việc học tiếng Xiêm, chữ Xiêm, chưa quan tâm đến việc tiếp xúc với nhân dân Xiêm. Cũng có một số ít anh em suy nghĩ lệch lạc: Nói sang Xiêm để làm cách mạng, nhưng rốt cuộc chỉ thấy lao động vất vả, cuốc đất, trồng cây, xẻ gỗ như người làm ăn bình thường. Trong khi đó cách mạng lại gặp khó khăn, như Khởi nghĩa Quảng Châu ở Trung Quốc bị thất bại, Tưởng Giới Thạch tàn sát những người cộng sản Trung Quốc và bắt bớ cả cán bộ Việt Nam ở bên đó. Đã có một vài người dao động phân vân, tìm cách trốn về nước.

Trong những dịp tiếp xúc với cán bộ và quần chúng, Hồ Chủ tịch thường nhấn mạnh về tinh thần cách mạng lâu dài, Bác phân tích tiền đồ của cách mạng nhất định sẽ đi đến thắng lợi nhưng trong khi chưa có thời cơ thì người cách mạng phải biết kiên trì, chịu đựng gian khổ, tuyên truyền, giác ngộ quần chúng và không ngừng rèn luyện ý chí phấn đấu cho bản thân mình. Bác đề ra chủ trương đối nội thì Thanh niên cách mạng đồng chí hội phải mở rộng tổ chức, củng cố cơ sở quần chúng. Các Tổ Hợp tác trước kia chỉ lấy những thanh niên xuất dương từ trong nước ra nay cần kết nạp cả những kiều bào có lòng hăng hái cách mạng. Bác đề nghị đổi tên tờ Đồng thanh ra tờ Thân ái hướng dẫn anh em cán bộ viết bài thật dễ hiểu để phổ biến rộng rãi hơn nữa trong kiều bào, đưa tới cả những vùng đồng bào ở thưa thớt. Về mặt đối ngoại, Bác chủ trương phải làm cho người Xiêm có cảm tình hơn nữa với Việt Nam và cách mạng Việt Nam. Bác giáo dục cho kiều bào chú ý tôn trọng phong tục, tập quán của nhân dân bạn, và khuyên chúng tôi cố gắng tạo ra khả năng hoạt động hợp pháp hoặc nửa hợp pháp hơn nữa. Bác khuyên anh em nên học chữ Xiêm, tiếng Xiêm, và tự Bác làm gương trước. Chỉ trong một thời gian ngắn Bác đã nghe hiểu và nói được ít nhiều tiếng Xiêm.

Khi các Tổ Hợp tác, Bác tham gia lao động với anh em thanh niên để có dịp giúp đỡ anh em về nhận thức, tư tưởng và tác phong sinh hoạt hàng ngày. Mỗi khi có bà con Việt kiều đến thăm Tổ Hợp tác, Bác tranh thủ gặp gỡ, hỏi han bà con về đời sống, cách thức làm ăn. Nhiều khi bà con đem những chuyện khó xử trong gia đình để tâm sự với Bác, xin Bác góp ý kiến.

Khi ở Noỏng-ổn, Bác cũng tham gia lao động với thầy và trò trong nhà trường. Nhiều hôm Bác tham gia buổi học, nêu các vấn đề cho anh em thảo luận.

Ở đây, trong chương trình giảng dạy có một môn gọi là "hùng biện", cốt để học cho học trò quen cách biện luận và mạnh dạn nói chuyện trước đông đảo quần chúng. Một hôm Bác nêu vấn đề "Có nên giải phóng phụ nữ không?" Anh em rất hăng hái biện luận. Phần đông anh em chủ trương cần giải phóng phụ nữ Việt Nam. Cũng có nhiều người nói nên giải phóng phụ nữ từng bước, vì trình độ chị em hãy còn thấp kém. Nghe mọi người nói xong, Bác nói: "Bây giờ mời thầy Nghĩa phát biểu." Tôi bảo vệ ý kiến phải đấu tranh cho phụ nữ được giải phóng. Cuối cùng Bác cười vui vẻ và nói: Số đông anh em phát biểu đúng, làm cách mạng, chúng ta chống mọi sự áp bức, bóc lột, trong đó có việc chống áp bức phụ nữ. Nhưng không phải là chúng ta giải phóng cho phụ nữ, mà chính là phải làm cho chị em phụ nữ giác ngộ cách mạng, đấu tranh để tự giải phóng mình. Chẳng những phụ nữ phải giành được quyền bình đẳng trong mọi sự đối xử hàng ngày, mà còn phải giành lấy bình đẳng trong kinh tế, trong hoạt động chính trị xã hội nữa.

Mỗi lần có Bác tham gia nêu vấn đề thảo luận như thế, chúng tôi học tập thêm được nhiều điều mới mẻ, nâng cao được trình độ nhận thức cách mạng của mình.

Khoảng cuối năm 1928, Bác bàn với anh em nên xin phép Chính phủ Xiêm lập nhà trường ở Noỏng-bua.

Chúng tôi thực hiện chủ trương của Bác. Khi được giấy phép rồi, tất cả cán bộ và kiều bào bắt tay ngay vào việc xây dựng nhà trường, Bác cũng tham gia việc đào đất đắp nền, gánh gạch xây tường như mọi người.

Ở Noỏng-bua, Bác để khá nhiều thời gian dịch sách lý luận cách mạng cho cán bộ và kiều bào đọc. Bác đã dịch cuốn Duy vật sử quan mà Bác lấy nhan đề là Lịch sử tiến hóa của loài người và quyển Cộng sản ABC. Bác thường bảo tôi ngồi cùng dịch, nhưng thực thì Bác trông vào sách chữ Trung Quốc rồi đọc cho tôi viết. Khi dịch, Bác không câu nệ theo từng chữ trong nguyên bản, mà chỉ lấy ý chính chuyển thành những câu thật ngắn gọn, mộc mạc, để mọi người dễ hiểu, dễ nhớ. Có những đoạn dịch xong, Bác bảo đọc cho anh em quần chúng nghe. Nếu quần chúng thấy còn khó hiểu thì Bác dịch lại.

Ở U-đon ít lâu, Bác ra Xa-côn, kiều bào Xa-côn đông hơn ở U-đon. Cơ sở cách mạng cũng được xây dựng từ lâu, có Hội Hợp tác, Hội Thân ái, có trường học cho thiếu niên v.v. . .

Sinh hoạt của Bác ở Xa-côn cũng như ở U-đon, vẫn hết sức giản dị, gần gũi quần chúng và có nề nếp, kế hoạch chặt chẽ, Bác đi lại tiếp xúc với kiều bào nhiều hơn trước. Có một số gia đình Việt kiều thờ Đức thánh Trần, thường cầu cúng, lên đồng; khi ốm đau thì xin tàn hương, nước thải làm thuốc chữa bệnh. Thấy vậy, Bác đã soạn ra bài ca Trần Hưng Đạo kể rõ sự tích đánh giặc cứu nước của vị anh hùng dân tộc đời nhà Trần. Bài ca có đoạn như:

Diên Hồng thề trước thánh Minh,

Lòng dân đã quyết hy sinh rành rành,

Nếu ai muốn đến giành đất Việt,

Đưa dân ta ra giết sạch trơn,

Một người Việt hãy đương còn,

Thì non sông Việt vẫn non sông nhà ...

Với phương pháp tuyên truyền vận động của Bác, bài ca Trần Hưng Đạo được truyền bá mau chóng trong kiều bào. Đức thánh Trần "trừ ma sát quỷ" đã trở lại là một vi anh hùng cứu nước. Nhiều "đệ tử" của ngài đã giác ngộ, trở thành hội viên Hội Việt kiều Thân ái.

Ở Xa-côn ít lâu rồi Bác đi Na-khon. Ở đây, Bác cũng cộng tác với anh em Hợp tác và quần chúng như ở U-đon và ở Xa-côn, nhưng Bác chú ý nhiều đền việc đặt trạm liên hệ với trong nước.Có lúc Bác cùng đi thuyền với anh Nguyễn Tài dọc sông Mê Công, sát bên phía Lào để quan sát tình hình Việt kiều ở đó. Lúc còn ở U-đon, Bác cũng đã cùng đi với tôi đến Noỏng-khai, gọi các anh Chử và Mãn từ Viêng Chăn đến gặp để tìm hiểu tình hình công tác ở Lào và khả năng đặt mối liên lạc với bên Xiêm để đẩy mạnh cuộc vận động cách mạng ở Việt Nam.

Tháng 5-1929, Đại hội Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội do đồng chí Hồ Tùng Mậu triệu tập ở Hương Cảng, đã xảy ra phân liệt. Nhóm Quốc Anh [8] và Kim Tôn bỏ Đại hội ra về để tổ chức Đảng cộng sản. Số đại biểu còn lại trong Đại hội quyết định khai trừ nhóm này. Hai đại biểu Thanh niên cách mạng đồng chí hội ở Xiêm là Võ Tòng và Đặng Thái Thuyến đề nghị nên chờ ý kiến của đồng chí Vương [9] rồi sẽ quyết định, nhưng Đại hội cứ quyết định. Khi hai đại biểu ở Xiêm báo cáo với Bác tình hình phân liệt và nghị quyết của Đại hội Thanh niên cách mạng đồng chí hội ở Hương Cảng, thì Bác đề nghị Chi hội ở Xiêm hãy hoãn việc phổ biến nghị quyết Đại hội để tìm cách thống nhất các nhóm.

Thế rồi, vào khoảng đầu tháng 9-1929, Bác rời khỏi Xiêm đi gặp Đông phương cục Quốc tế Cộng sản để xin ý kiến, được Đông phương cục giao nhiệm vụ thống nhất các nhóm cộng sản Việt Nam. Nhiệm vụ đó được thực hiện bằng một cuộc gặp mặt giữa các nhóm do Bác chủ tọa tại một địa điểm ở Hương Cảng.

*

Vào khoảng cuối tháng 3-1930, Bác đến Băng-cốc gặp các đồng chí cộng sản người Hoa để trao đổi ý kiến, rồi đi U-đon gặp Tỉnh ủy Thanh niên cách mạng đồng chí hội ở U-đon để thông báo tình hình về việc thống nhất các nhóm cộng sản Việt Nam và truyền đạt tinh thần của Quốc tế Cộng sản về việc thành lập Đảng Cộng sản Xiêm.

Tỉnh ủy U-đon của Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội lúc này là trung tâm của toàn bộ cuộc vận động cách mạng trong Việt kiều ở Xiêm, gồm có các anh Đình, Tăng, Hải và tôi lấy tên là Dương, anh Đặng Thái Thuyết là Bí thư, nhưng đã bị bắt ở Băng-cốc trước đó một thời gian ngắn.

Gặp Tỉnh ủy, Bác cho biết việc chia rẽ giữa các nhóm Đông Dương Cộng sản đảng và An Nam Cộng sản đảng đã được giải quyết tốt đẹp. Đại biểu của hai nhóm đã họp ở Hương Cảng, thỏa thuận hợp nhất, cùng nhau thành lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 6 tháng Giêng năm nay. Đảng đã thông qua chính cương, chương trình và điều lệ vắn tắt của Đảng, và đã nhất trí chấp nhận nhóm Đông Dương Cộng sản Liên đoàn tham gia vào Đảng Cộng sản Việt Nam, mặc dù Liên đoàn này được triệu tập đến hội nghị hợp nhất, nhưng vì trắc trở, đại biểu không đến kịp để tham dự.

Về vấn đề là ngày tháng thành lập Đảng, ở đây cần chú thích rõ một điểm là: Khi Bác nói thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 6 tháng Giêng năm nay, đã không nói rõ là ngày tháng âm lịch, mọi người nghe đều hiểu là ngày tháng dương lịch, nên từ đó về sau hàng năm cứ lấy ngày 6 tháng giêng dương lịch làm Ngày kỷ niệm thành lập Đảng. Mãi đến năm 1960, Liên Xô cung cấp tài liệu cho biết ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam là ngày 3 tháng 2 năm 1930, chứ không phải là ngày 6 tháng Giêng như trước đã hiểu lầm. Vì vậy, Đại hội lần thứ ba của Đảng họp cuối năm 1960 mới ra nghị quyết lấy ngày 3 tháng 2 năm 1930 làm ngày thành lập Đảng.

Đối với bộ phận Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội ở Xiêm, Bác nói: Theo tinh thần nghị quyết của Quốc tế Cộng sản thì người cộng sản cư trú ở nước nào sẽ tham gia hoạt động vì sự nghiệp cách mạng của giai cấp vô sản ở nước đó. Vì vậy người cộng sản Việt Nam ở trên đất Xiêm cũng có trách nhiệm giúp đỡ nhân dân bị áp bức, bóc lột Xiêm làm cách mạng. Đó là tinh thần quốc tế vô sản. Người cộng sản không thể chỉ lo toan sự nghiệp cách mạng của riêng nước mình, mà phải góp phần vào công cuộc cách mạng của giai cấp vô sản trên toàn thế giới [10] .

Bác đề nghị Tỉnh ủy lựa chọn một số người rất tốt trong Thanh niên cách mạng đồng chí hội chuyển thành người cộng sản để tham gia vào Đảng Cộng sản Xiêm.

Sau khi nghe Bác giải thích và giới thiệu, các đồng chí trong Tỉnh ủy U-đon đều hết sức phấn khởi, vì được biết trong nước đã có Đảng cộng sản để lãnh đạo toàn bộ sự nghiệp cách mạng, đồng thời được biết bản thân mình cũng được chuyển thành đảng viên cộng sản. Có điều lần này chúng tôi không chuyển thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, mà là đảng viên của Đảng Cộng sản Xiêm. Việc chuyển Thanh niên cách mạng đồng chí hội thành Đảng cộng sản, đối với chúng tôi là một việc rất tự nhiên, vì từ lâu trong Thanh niên cách mạng đồng chí hội vẫn truyền bá tư tưởng cách mạng xã hội, hướng theo gương mẫu của Cách mạng Tháng Mười Nga, đi theo sự dìu dắt của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, một nhà cách mạng lão thành của Quốc tế Cộng sản.

Mấy hôm sau Tỉnh ủy triệu tập một số đồng chí cốt cán trong Thanh niên cách mạng đồng chí hội để nghe Bác nói chuyện.

Bác cũng giải thích lại những điều đã giải thích với chúng tôi mấy hôm trước. Bác nói người cách mạng Việt Nam ngày nay ở trên đất Xiêm phải vì lợi ích của cách mạng Xiêm mà hoạt động. Về tình hình xã hội nước Xiêm, Bác phân tích: Lúc này nước Xiêm là một nước phong kiến và nửa thuộc địa, chưa thể tiến hành ngay cách mạng xã hội chủ nghĩa, mà phải là cuộc cách mạng tư sản dân quyền kiểu mới do giai cấp vô sản lãnh đạo. Sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ cách mạng dân chủ mới, nhờ sự giúp đỡ của lực lượng cách mạng thế giới, cách mạng Xiêm cũng có thể chuyển lên chủ nghĩa xã hội, không phải trải qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa.

Nghe xong, anh em nêu ra nhiều câu hôi. Một số đồng chí ngần ngại rằng chuyển sang Đảng Cộng sản Xiêm thì không góp phần được vào cách mạng Việt Nam, sợ kiều bào không đồng tình. Bác lần lượt giải đáp các câu hỏi, anh em đều thỏa mãn.

Gặp xong anh em trong cuộc hội nghị rộng rãi, Bác lại gặp riêng Tỉnh ủy để bàn việc tổ chức cụ thể.

Bác đề nghị Tỉnh ủy Thanh niên cách mạng đồng chí hội chuyển thành Tỉnh ủy cộng sản. Trước đây Tỉnh ủy do đồng chí Đặng Thái Thuyến làm Bí thư, nay đồng chí đã bị bắt, chúng tôi cử đồng chí Đinh làm Bí thư Tỉnh ủy.

Bác dặn dò chúng tôi lựa chọn những người có nhiệt tình cách mạng cao, phẩm chất đạo đức tốt, tự nguyện, tự giác trọn đời hiến thân cho lý tưởng cộng sản chủ nghĩa để kết nạp làm những đảng viên cộng sản đầu tiên. Sau đó Bác đề nghị Tỉnh ủy cử đồng chí Tăng thay mặt nhóm cộng sản người Việt cùng Bác đi tiếp xúc với nhóm cộng sản người Hoa, bàn việc thành lập Đảng Cộng sản Xiêm.

Đầu tháng 4-1930, Bác cùng anh Tăng đi vào Băng-cốc. Trước khi ra đi, Bác còn dặn dò Tỉnh ủy U-đon cần liên hệ, giúp đỡ các đồng chí Thanh niên cách mạng đồng chí hội ở Lào chuyển sang thành Chi bộ cộng sản Lào.

Ngày 20-4-1930, một cuộc hội nghị do Bác là đại biểu Quốc tế Cộng sản chủ trì đã họp ở Băng-cốc. Hội nghị tuyên bố thành lập Đảng Cộng sản Xiêm và cử ra Ban Chấp hành Trung ương lâm thời, gọi tắt là Xiêm ủy, trong đó có anh Tăng là ủy viên Tỉnh ủy U-đon và anh Ngô Chính Quốc, một người Việt Nam sinh ở Xiêm.

Sau khi thành lập Đảng Cộng sản Xiêm, bác liền đi Mã-lai để giúp các đồng chí ở đó thành lập Đảng Cộng sản Mã-lai. Từ tháng 4-1930 về sau, Bác không trở lại đất Xiêm một lần nào nữa.

*

Qua hai lần hoạt động trên đất Xiêm, Bác đã để lại những việc làm có ý nghĩa lịch sử to lớn. Ngoài việc giúp những người cách mạng ở Xiêm thành lập Đảng Cộng sản Xiêm là một sự kiện quan trọng, Bác đã bồi dưỡng cả một lớp cán bộ cách mạng trong Việt kiều, giáo dục cho các đồng chí tư tưởng cách mạng trường kỳ gian khổ, xây dựng tình cảm thân thiện giữa cách mạng Việt Nam với nhân dân Xiêm, xây dựng tinh thần quốc tế vô sản cho những người cách mạng Việt Nam ở Xiêm, góp phần gây mầm mống cách mạng trong nhân dân Xiêm.

________________________________________

[1]Siam - tên cũ của nước Thái Lan-BT

[2]thân sinh đồng chí Lý Tự Trọng

[3]ngày điều ước Pa-tơ-nốt

[4]Phương châm phục quốc của Câu Tiễn đời Xuân Thu Chiến Quốc ở Trung Quốc

[5]tức Đặng Quỳnh Anh

[6]ông già đen

[7]tức là ông già Chín

[8]tức Trần Văn Cung

[9]tức Hồ Chủ tịch

[10]Đó là nghị quyết của Quốc tế Cộng sản từ trước. Năm 1943, Quốc tế cộng sản giải tán thì nghị quyết đó cũng không còn là yêu cầu chung đối với các người cộng sản trên thế giới nữa

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro