4. Thái hậu trở về
Sau mấy ngày chật vật trong biệt viện rét buốt, cuối cùng Lý Diệu Nguyên cũng đón được chút nắng xuân đầu tiên. Tuy rằng không quá ấm áp, nhưng đã đỡ lạnh hơn nhiều. Mấy ngày này y không chỉ phải đối phó với rét lạnh, mà còn phải tìm hiểu hoàn cảnh hiện tại. Có lần y muốn hỏi cung nữ giao cơm hôm đó là ngày bao nhiêu, nhưng vừa mở miệng người đã chạy mất tăm, tránh y như tránh tà. Thấy cách này không ổn, y lại phải tìm cách nghe ngóng khác. Y leo ra ngoài biệt viện, nhưng cũng không tiếp tục dò hỏi một cách lộ liễu nữa, dù sao cũng chẳng ai trả lời y, đành theo dõi vài cung nhân xung quanh, núp trong góc nghe trộm bọn họ nói chuyện. Vất vả mấy ngày cũng biết được hôm đó là ngày 15 tháng chạp, nửa tháng nữa là đến Tết, khoảng 10 ngày nữa thì Thái hậu hồi cung, cũng tức là khoảng 10 ngày nữa y sẽ gặp được Chu Văn Khải. Chỉ nghĩ đến đây thôi, trái tim Lý Diệu Nguyên đã đập liên hồi, giống như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực, vừa hồi hộp bất an, lại mong chờ chuyện sẽ xảy ra.
Mấy ngày tiếp theo đó, Lý Diệu Nguyên luôn sống trong tâm trạng bồn chồn, lúc thì ngẩn ngơ nhớ về kiếp trước, lúc lại không biết làm sao để đối mặt với Chu Văn Khải. Y nên mang tâm trạng thế nào đây? Câu hỏi đó cứ quanh quẩn trong đầu y, không lúc nào để y bình tĩnh lại được. Y cứ ngồi ngẩn ngơ nhìn cây đào già trước cửa, thậm chí có hôm cung nữ vào giao cơm bắt gặp cũng chỉ nhận được một ánh mắt liếc nhìn qua của y, ả thầm mắng một câu "xui xẻo!" đã chạy thật nhanh mất.
Chẳng mấy chốc đã đến ngày 25 tháng Chạp, Hoàng Thái hậu hồi cung sau bao năm ăn chay niệm phật ở chùa Thiên Ứng cách xa chốn kinh thành hỗn loạn. Toàn thể hoàng cung bận rộn hẳn lên, từ trên xuống dưới không ai dám sơ suất, đây là dịp quan trọng để Đức Bệ hạ tỏ lòng hiếu kính với Thái hậu, nếu có bất cứ sai sót gì khiến Thái hậu không hài lòng, nhẹ thì bị phạt nặng, nặng thì mất mạng nên ai ai cũng căng thẳng, khiến không khí trong cung nặng nề theo. Nhưng điều đó cũng chẳng ảnh hưởng gì đến Lý Diệu Nguyên ở trong biệt viện hẻo lánh, y vẫn ngồi thơ thẩn nhìn gốc đào già như mọi ngày.
Chu Văn Khải là con trai độc nhất của Hoài An Hầu và Huệ Anh Công chúa. Cha của Hoài An Hầu năm đó vốn là hoàng tử cùng cha khác mẹ với Hoàng đế, thế nhưng không biết sao lại khiến Tiên Hoàng nổi giận ra chiếu biếm làm thứ dân, con cháu không được nhập vào gia phả Hoàng thất, sau đấy mất khi còn trẻ tuổi, chỉ để lại một đứa con trai duy nhất là Hoài An Hầu Lý Thư Hoài sau này và người vợ ốm yếu. Lý Thư Hoài không phụ kì vọng của mẹ mình, mười sáu tuổi thi đậu Võ Trạng nguyên, tiến vào quân doanh, từ đó đánh nam dẹp bắc lập nhiều công lớn, Tiên Đế tán thưởng ban chức Hoài An Hầu. Tiên Đế vốn không có Công chúa, nhưng vì Thái hậu yêu thích đã nhận một đứa cháu họ làm con gái nuôi, ban tên và danh hiệu là Huệ Anh Công chúa Lý Thu Nguyệt. Sau này Công chúa gặp được vị tướng quân trẻ tuổi tài hoa, đem lòng mến mộ. Tiên Đế sau khi biết chuyện đã tác thành cho hai người, ban hôn Công chúa với Hoài An Hầu. Hai người trai tài gái sắc, kết đôi cùng nhau chinh phạt tứ phương, bảo vệ quốc thổ, trở thành giai thoại tình yêu người đời vô cùng ngợi ca. Hai người sinh được một người con trai là Chu Văn Khải tài mạo xuất chúng. Để tưởng nhớ công ơn dưỡng dục của mẹ mình, Hoài An Hầu để đứa con trai độc nhất theo họ của bà nội, tuy rằng làm vậy là từ bỏ tước vị thế tử của con trai mình, nhưng Chu Văn Khải tuổi trẻ tài cao mới mười lăm tuổi đã lập công đánh dẹp một ổ nhóm cướp của hung tàn trên núi, sau đấy là vô số công lao lớn nhỏ, đào tạo được cả một quân đoàn tinh nhuệ trấn thủ biên cương, trở thành nỗi khiếp sợ của những kẻ nhăm nhe bờ cõi đất nước. Vốn dĩ năm đó cả gia đình họ vẻ vang đến nhường nào, thế nhưng kết cục lại khiến người ta xót xa thổn thức...
Đoàn xa giá của Thái hậu đã đến gần cổng thành, Hoàng đế dẫn đầu đoàn người bao gồm tất cả văn võ bá quan đang đứng trên cổng thành chờ đợi, không khí trang nghiêm khiến không ai dám phát ra một tiếng động nhỏ. Hoàng đế năm nay đã bước vào tuổi trung niên, nhưng bản thân lại ngày càng phong độ, dường như dấu vết của thời gian chỉ để lại vài đường vân mờ ở đuôi mắt ông, càng tô điểm thêm cho đôi mắt sắc bén nghiêm nghị, như nhìn thấu tất thảy tâm tư sâu kín của mỗi người. Dáng người ông cao lớn thẳng tắp, hiên ngang vô cùng, chỉ nhìn thôi cũng cảm thấy bản thân ông có thể chống đỡ cả bầu trời. Ông từng là người Lý Diệu Nguyên ngưỡng mộ nhất, cảm thấy cực kì tự hào về người cha của mình, sau này cũng là người mà Lý Diệu Nguyên hận nhất, vì chính tay ông đã phá hủy cả cuộc đời của y.
Đường về cung cũng đã được các hộ vệ hoàng gia canh giữ cẩn thận, không để bất cứ một kẻ gian nào có cơ hội tiếp xúc với hai người đứng đầu giang sơn này.
Trái ngược với không khí nghiêm túc bên này, trong xa giá của Thái hậu lại là một khung cảnh ấm áp náo nhiệt.
- Bà ngoại, bà ngoại, chúng ta sắp đến kinh thành rồi ạ? - Chu Văn Khải phấn khích reo lên.
Thái hậu mỉm cười dịu dàng, vỗ nhẹ cái đầu nhỏ đang lúc lắc cố thò ra ngoài cửa sổ của Chu Văn Khải, nhắc nhóc ngồi im, khẽ "ừ" một tiếng.
Người hầu già bên cạnh thấy vậy, cũng vội đỡ nhóc ngồi lại vị trí cũ.
Tuy rằng đã ngồi nghiêm chỉnh, nhưng vẫn không chặn lại được khuôn miệng của Chu Văn Khải không ngừng ríu rít: "Trong kinh thành có gì chơi vui không ạ? Có nhiều bạn nhỏ chơi với con không ạ? Có nhiều đồ ăn ngon không ạ?"
Nghe đứa cháu ngoại nói không ngừng miệng, Thái hậu cũng chỉ đành mỉm cười lắc đầu quay sang nhìn người hầu già bên cạnh, bà biết đứa cháu nhỏ mới sáu tuổi lại ham chơi nhưng phải ở lâu trong chùa mới được ra ngoài nên rất háo hức, có điều bản thân bà đã già không thể theo kịp được sự năng động quá mức này của cháu nhỏ, đành cầu cứu người bạn già đã bên nhau nhiều năm.
Người hầu hiểu ý, từ tốn thay Thái hậu đáp lại từng câu hỏi ngây ngô của đứa trẻ, sau khi được giải đáp thắc mắc, Chu Văn Khải lại càng háo hức với chuyến đi đến Hoàng thành lần này. Ánh mắt sáng lấp lánh nhìn về phía cổng kinh thành.
Đến gần cổng thành, đoàn xa giá đi chậm lại, Hoàng đế dẫn đầu đoàn người, bước nhanh ra đón. Rèm che xa giá mở ra, người hầu già bước xuống trước, sau đó đỡ Thái hậu bước xuống, Chu Văn Khải cũng lon ton theo sau, được Thái hậu cầm tay dắt đi chầm chậm. Chu Văn Khải cũng ngoan ngoãn dùng đôi tay nhỏ đỡ bà ngoại bước đến trước đoàn người. Hoàng đế dẫn đầu cúi người hành lễ với Thái hậu, đoàn người phía sau lục tục quỳ xuống hô to: "Tham kiến Thái hậu. Thái hậu thiên tuế, thiên tuế, thiên thiên tuế."
Chu Văn Khải lần đầu thấy đoàn người đông như vậy hành lễ trước mặt mình, hai mắt ngơ ngác, không biết phải làm thế nào. Thái hậu thấy dáng vẻ của nhóc, vừa khẽ xoa đầu trấn an nhóc vừa nở nụ cười chuẩn mực, nói: "Các khanh đứng dậy đi!"
Hoàng đế thẳng người lại, nhanh chân bước đến đỡ lấy tay còn lại của Thái hậu, thể hiện ra dáng vẻ mẫu từ tử hiếu. Đoàn người từ từ kéo nhau bước về phía Hoàng cung.
Chuyện xưa giấu kín, những chuyện mắt thấy tai nghe chưa chắc đã là sự thật...
- 11/8/2023 -
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro