GIÓ THIÊN ĐƯỜNG
Waper7: “ Tuy đây không phải truyện mình viết nhưng mình rất thích cốt truyện và ngôn từ của tác giả. Mọi người đọc và cảm nhận nhé. Đọc truyện này với song Sign của Brown eyed girls thì cực kết đó.”
GIÓ THIÊN ĐƯỜNG
_ Author: Trần Thùy Mai_
Lần đầu tiên đến lớp khiêu vũ ở nhà tôi, Hiếu còn mảnh dẻ như cây tre non. Khi tôi cầm tay Hiếu chỉ những bước đầu tiên. Hắn gọi tôi là “ Sư Mi”. Tôi bảo: “ Vậy từ nay Mi là “sư phụ” của Hiếu đó nghe”.Hiếu cười, khoe chiếc răng mẻ rất dễ thương: “ Vâng, xin sư phụ dạy bảo cho đồ đệ”. Trong lớp này tôi phải dạy đến năm sáu anh chàng, anh nào cũng dẻo mồm. Đôi khi tôi thầm trách ba. Lẽ ra ba không nên phó mặc mọi việc cho tôi, lẽ ra ba phải đứng dạy mấy ông con trai to xác này để đỡ cho con gái mười tám tuổi của ba. Có lúc bực mình tôi bảo: “ Ba có nghe mấy chữ “con gái rượu” không? Rượu có đem chôn kín thì mới ngon”. Ba tôi lừng khừng: “ Rượu tốt không sợ bay hơi”.Mắt ba tôi nhìn xa xôi đượm buồn.
Tự nhiên tôi thương ba. Lại lẳng lặng gánh hết mọi điều, để ba lặng thầm trong cõi riêng.Những băng nhạc để tập trong lớp đều do ba tôi chọn. Nhạc valse với Le beau danube bleu của Strauss, Thu vàng của Cung Tiến, bepop với Love is blue, tango với Vũ nữ thân gầy, La Polama. Hiếu bảo tôi: “ Mi biết vì sao lớp nhà em ít người học không? Tại nhạc chán quá”. Tôi ức: “ Nhạc thế này còn chê. Toàn những bài bất tử”. “ Nghe cổ lắm”. “ Vậy Hiếu tới đây làm chi?”. “ Nhạc sầu lắm nhưng cô giáo thì dễ thương”. Tôi mím môi, không thèm đáp.” Yêu ai, yêu trọn một đời”, giọng Khánh Ly dìu dặt vang lên theo đĩa nhạc. Chừng nghe giai điệu quen thuộc, ba tôi ngồi lặng, mắt nhìn như soi vào quá khứ. Hiếu nháy mắt, hát nhại theo:” Yêu ai, yêu chỉ vài giờ”. Tôi nhăn mặt không nói gì, thừa lúc Hiếu bước sai tôi giả vờ lỡ chân đạp cho hắn một cái đau điếng.
Cả dòng họ tôi, trừ tôi ra, ai cũng có đôi mắt đẹp và buồn. Mắt ba tôi cũng thế, lúc nào cũng u uẩn đầy kỷ niệm. Ngày xưa, ba tôi cũng có một mối tình lớn. Người con gái ấy tên là Lý Thanh Thúy, dân chơi ngày ấy thường gọi là Thanh Thúy Tàu. Đó là bông hoa nổi tiếng nhất vũ trường Đà Nẵng. Tất nhiên trong mắt ông bà nội tôi, một người con gái không thể bước vào một gia đình thế gia vọng tộc tuy đã sa sút về tiền của nhưng chưa hề đánh mất nề nếp gia phong. Đám cưới của ba tôi, cho đến giờ, những người bạn thân vẫn còn nhớ.Một đêm trước Giáng sinh, ba tôi và mấy người bạn đến vũ trường, đem theo một bó hoa và một chiếc bánh cưới. Vào cuối đêm vũ trường vắng người, đôi tình nhân vừa cầm tay đi theo nhạc Oui Devant Dieu vừa dẫn đến bậc cầu thang dẫn đến phòng riêng. Đèn tắt từng ngọn, tắt ngấm, tất cả chìm trong bóng đêm. Rồi những ngọn đèn nến được thắp sáng dần, từng ngọn một, và Thanh Thúy Tàu thấy người yêu đang nắm tay mình, lồng vào ngón tay một chiếc nhẫn cưới. Nàng bật khóc vì hạnh phúc… Từ đó chàng sĩ quan ở lại với Thanh Thúy Tàu, không về nhà cha mẹ. Thanh Thúy Tàu không tiếp những khách chơi giàu có nữa, và đáp lại, chàng trai hai sáu tuổi nổi tiếng khiêu vũ giỏi cũng tự nguyện không bao giờ nhảy với ai ngoài người vợ yêu của mình.
Thanh Thúy Tàu về sau đã phản bội cha tôi, đúng như lời tiên đoán của bà nội tôi ngày trước. Nàng quá đẹp và mong manh, mà những năm tháng dài mà ba tôi ở trong trại cải tạo là một thử thách quá lớn. Cha tôi trở về vào tuổi ba mươi hai, cảm thấy hụt hẫng về mọi phía, nhận ra những kĩ năng của nghề lính không giúp ích gì được cuộc sống trước mắt. Ông lấy vợ, sinh con, bị buộc phải nghĩ tới mưu sinh, và không ngờ cái tài khiêu vũ, trước đây là thú vui, nay lại là sinh kế. Cuộc đời nghiệt ngã không cho ông giữ đúng lời ước nguyện: Không nhảy với ai ngoài Thanh Thuý Tàu. Nhưng từ đó điệu vũ của ông không còn là niềm say mê nữa, nó chỉ còn là việc kiếm sống nhọc nhằn. Có vẻ như ông chờ rất lâu cái ngày tôi mười tám tuổi, để trao lại cho con gái tất cả cái gánh nặng vui vẻ này.
Hiếu bảo tôi: “ Sư Mi ơi người nhảy giống như cá bơi trong nước. Mi tập khiêu vũ mấy năm rồi?”. “ Tôi không nhớ nổi đã tập bao lâu. Mới lớn lên, có trí nhớ đã nắm tay ba đi hết các fan promenade.” . “ Hồi Mi bắt đầu tập với ba, mỗi lần nhảy phải đóng cửa lại. Ba nói hồi ấy uống cà phê buổi sáng còn bị phê bình, nói gì đến khiêu vũ. Các học viên đi học phải gói theo giày; hết giờ lại đi dép về nhà”. Hiếu hỏi: “ Mười mấy năm ở đây, Mi thấy học viên nào vừa ý nhất?”. Tôi cười, lắc đầu. Nếu như thực lòng được nói ý mình, tôi sẽ nói: “ Hiếu”. Nhưng mà ngượng lắm, nếu để cho y biết rằng người đầu tiên mà tôi thấy thú vị khi nhảy cùng, chính là y.
Không phải y nhảy giỏi, nhiều người thuộc và biết nhiều fan hơn y. Nhưng y nhảy rất có hồn, y say đắm với vũ điệu, không chỉ nhảy bằng hai chân mà còn cả tóc, mắt, miệng cười và niềm vui sôi nổi toát ra từ thân thể. Tôi dạy y phần kĩ thuật, còn chính y bằng năng khiếu trời cho đã dạy tôi rằng động tác vũ chẳng là gì cả nếu không thấm đẫm niềm hạnh phúc, không gợi cho ta cảm giác về khát vọng sống, khát vọng tình yêu. Vì tự ái nghề nghiệp, tất nhiên không bao giờ tôi thú nhận với y về điều đó.
Ba tôi xem chừng không có cảm tình với Hiếu. “ Cái đầu rẽ giữa trông khó thương”. Tôi nhìn Hiếu, nhưng lại thấy đầu tóc hai mái rất hợp với vẻ mặt lãng tử. Ba tôi một thời đã bất chấp tất cả, thế mà bây giờ vẫn không thể vượt qua mấy phân xê xích của đường ngôi. Tôi nói với ba: “ Con nghĩ cái quan trọng là cái bên trong đầu tóc”. Ba tôi nhún vai: “ E rằng trong ấy chẳng có cái gì ngoài những câu tán tỉnh sáo rỗng. Bao giờ cũng thế, khi yêu con gái trở nên bạo dạn, còn con trai thì hoá ra nhút nhát. Những thằng miệng tía lia trong bụng chẳng có gì”. Tôi nao núng. Hôm sau Hiếu tới. Tôi đi slow với y. “ Mi có áo mới phải không?”. “ Đẹp không?”. “ Rực rỡ y như Claudia Schiffer”. Y vừa nhảy vừa nhìn tôi như ngắm một con nhân sư từ Ai Cập tới. Nụ cười răng mẻ thường ngày rất dễ thương, tự nhiên hôm nay làm tôi sợ. Như thể tự vệ, tôi bất giác dí ngón tay vào trán Hiếu: “ Dẻo vừa thôi. Cái mặt này đểu lắm nghe chưa”. Nghe chữ đểu Hiếu khựng lại, đột ngột ngừng nhảy bỏ về ghế ngồi. Tôi biết mình lỡ lời. Từ đó, Hiếu không đến nữa. Thảng hoặc có đến, cũng không mời tôi nhảy. Tôi bối rối, ân hận nhưng sự đã rồi. Mặt mũi nào nói lời xin lỗi. Trong nửa tháng, tôi sụt ký, gầy xuống trông thấy. Soi gương, tôi tự an ủi: “ Càng hay. Gầy càng có dáng”.
Trước Giáng sinh, Hiếu đến gặp tôi: “ Vũ trường có gửi vé cho mình không?”. “ Có”. “ Cho Hiếu xin một cặp vé”. Tôi lẳng lặng mở hộc đưa cặp vé cho Hiếu. Hiếu cám ơn rồi về, không chào. Ba tôi bảo: “ Giáng sinh năm nay lớp mình đi chơi ở sàn Ngọc Anh, Nguyễn Huệ hay Ngô Quyền?”. Tôi tần mần nghĩ ngợi. Ba tôi nói: “ Ba sẽ nhảy với con một bản valse tuyệt vời, như Giáng sinh mọi năm”. Tôi lặng im. Chút gì đó như chán nản. Chút gì đó như nghẹn ngào. Tôi mười tám tuổi, nóng lòng chờ một điều gì mới, không phải như mọi năm...
Đêm Giáng sinh, ba tôi đi với cả lớp. Tôi ở nhà. Tôi sợ, sợ một điều gì không rõ. Sợ gặp Hiếu đi với ai đó, trên sàn nhảy. Một người nào quan trọng với Hiếu đến thế, khiến Hiếu phải dành vé trước cả mười ngày trời? Y sẽ nhảy với ai đó, bằng cả thân mình, cả tóc, mắt và nụ cười... “ Sư Mi, ở nhà một mình hả?”. Chợt Hiếu hiện ra sau lưng tôi, mảnh dẻ và dễ thương, sạch đẹp hơn hẳn mọi ngày, trông tươm tất y như một món quà giáng sinh.
Tôi dụi mắt, tưởng mình đang nằm mơ.
Lúc đó là mười một giờ khuya, chuông nhà thờ đổ, với Hiếu, và tôi, và đêm Thánh vô cùng.
“ Đi với Hiếu”. “ Đi đâu?”. Hiếu rút túi ra cặp vé còn y nguyên. “ Sư Mi dở quá, không biết vì sao Hiếu xin cặp vé này à?”. Tôi nhìn y, lòng muốn lao vào vòng tay y mà cấu, mà xé, “ Đồ mặc dịch, đồ chết toi, đồ đùa dai, đồ mất dạy, làm người ta muốn chết đi được”. Nhưng lẽ nào con gái mà lại tuôn ra những lời rủa xả như thế? Cho nên tôi đành lặng im, nhìn Hiếu như thể một người con gái dịu hiền và ít lời nhất trên đời này. Hiếu cười cười, nụ cười răng mẻ mà lâu nay tôi vẫn nhớ. “ Sư Mi, muốn chửi rủa gì thì rủa to lên, Hiếu sẵn sàng nghe đây”. Tôi ngậm bồ hòn làm ngọt: “ Thông minh lắm chưa nói đã hiểu rồi”. Hiếu chở tôi đi. Bỗng nhiên tôi sợ. “ Sợ gì?”. “ Sợ người ta thấy Hiếu đi với Mi”. “ Mặc kệ thiên hạ” . Tôi không mặc kệ được. Giờ này mà đến vũ trường, ba tôi sẽ nhìn tôi thế nào đây, nhất là đi bên cạnh chàng trai dẻo mồm mà ông luôn cảnh giác. Hiếu bảo: “ Dù sao, đêm Giáng sinh cũng không cho Mi ngồi nhà đâu”. Hai đứa qua cầu Mới, lên dốc Bến Ngự. Quán cà phê Dã Thảo đêm nay lung linh ánh nến và tiếng nhạc, trông như một thế giới huyền thoại. Tôi run chân, như cô bé lọ lem bước vào lâu đài của hoàng tử. Hiếu dẫn tôi lên lầu. Một bình hoa hồng nằm trên chiếc giá gỗ nơi lưng chừng cầu thang. “ Mi thích không?”. Không đợi tôi trả lời Hiếu nhón ngay một bông hoa lạ. Tôi xanh mắt “ Sợ quá. Người ta nói chết”. Hiếu cười “ Đồ thỏ đế”.
Bên khung cửa sổ rộng mở, trời đen như nhung, lác đác sao. Bên dưới là cỏ xanh, lá xanh và những tia nước lấp lánh. Hiếu khuấy cà phê sữa cho tôi. “ Sao Mi thừ người ra như thế?”.Tôi không nói đây là lần đầu tiên tôi đi với một người con trai vào quán cà phê. Vừa lo sợ vừa cảm thấy thích thích, hồi hộp, như thể đi vào một cuộc phiêu lưu, một thế giới khác. Một ngôi sao băng vụt ngang, rơi qua bầu trời. Hiếu kêu “ Mi ơi, nhanh lên hãy ước điều gì đi”. Tôi ước thầm một điều, nhưng khi Hiếu hỏi, tôi không nói. Một điều ước thầm kín, có thể một ngày kia sẽ nói ra, nhưng không thể bây giờ...
Từ Giáng sinh năm ấy, tôi mới hiểu thế nào là đêm Giáng sinh.
Không biết ba tôi sẽ nghĩ sao, nếu biết mỗi tuần tôi gặp Hiếu vài lần ở quán cà phê Dã Thảo. Cũng trước khung cửa sổ mênh mông đó, không có những ngôi sao, nhưng có trời chiều và những bông hoàng hậu lác đác hồng. Hiếu hỏi: “ Mi hút thuốc không?”. “ Sợ lắm”. “ Cái gì cũng sợ. Thử cho biết”. Tôi phải hút thử vì Hiếu đưa điếu Ngựa Trắng tận miệng. Tôi sặc. Không thấy ngon lành gì nhưng cảm thấy mình ngầu ngầu. Người Hiếu trông cứng cỏi, lấc cấc vậy mà khi ngồi bên tôi lại rất dịu dàng. Từ nhỏ tôi đã không được ai dịu dàng chăm sóc. Anh chị không có, mẹ tôi quá chất phác vô tư. Hiếu thì khác, tế nhị và kiên nhẫn. Có hôm tôi đến trễ nửa giờ, Hiếu vẫn chờ trước quán, ngồi trên xe, dưới mưa. Thấy tôi đến, mặt Hiếu sáng lên với nụ cười đến là dễ thương. “ Ngồi đồng trước quán thế này, không sợ người ta dòm ngó à?”. “ Việc gì đến ai đâu mà sợ. Chỉ sợ Mi không dám đi vào quán một mình”. Gió đông lạnh, Hiếu vẫn đòi mở rộng cửa sổ cho Hiếu nhìn trời. “ Hiếu có phải là quỷ sứ không? Chẳng bao giờ cho Hiếu mệt, Hiếu lạnh, Hiếu bận việc”.Hiếu cười: “ Hiếu mê cái quán này vì nó đầy gió. Nhất là từ khi Mi đến đây.Mi đừng dại mặc áo kín mít làm gì.Mỗi năm mình đâu cần có hai mùa hè”. Tôi nghe lời Hiếu, mặc phong phanh ngồi trước khung cửa sổ mênh mông, nghe mưa.Dần dần tôi hiểu mùa đông, yêu mùa đông, biết thế nào là vẻ đẹp của gió, của giá buốt và hơi ấm khi ở bên nhau.
Hiếu ít khi ở nhà tôi, đơn giản vì cảm thấy ba tôi không thích.Tôi bảo Hiếu: “ Nếu nghĩ tới Mi thì sửa đầu tóc lại”. Hiếu bướng: “ Tóc là của Hiếu. Hiếu rẽ ngôi trên đầu Hiếu. Khi nào Hiếu rẽ ngôi trên đầu người khác, người ta mới có quyền có ý kiến”. “ Nhưng Mi không thích cái đường ngôi ấy”. Tôi vờ bảo. “ Sao Mi cứ muốn Hiếu trở thành con người khác?”
Trong suốt mùa đông tôi đã không còn cảm thấy lạnh, không còn thấy những giờ dạy khiêu vũ là mệt mỏi, không thấy những buổi học luyện thi là chán chường, không thấy nỗi lo, nỗi căng thẳng khi mẹ tôi nói hết tiền, em cần mua sách vở, ba cần uống thuốc... Cả cuộc sống đang khó nhọc trở nên thật nhẹ nhàng. Quán cà phê trở thành địa chỉ thứ hai của tôi, đến nỗi hễ tôi và Hiếu đến để người ta không đợi gọi, dọn ra thức uống quen thuộc: hai ly cà phê và hai điếu Ngựa Trắng.
Một hôm trời mưa, xe Hiếu chạy nhanh văng bùn đầy gấu quần jean của tôi. Lên quán, Hiếu đòi lau cho tôi nhưng tôi ngượng, chạy vào toilet tự vảy nước chùi một mình. Tiếng những người phục vụ nói cạnh đó vọng vào, họ nói tự nhiên vì không trông thấy tôi: “ Một phê đá một sữa tươi phải không?”. “ Không phải. Cu cậu này có hai “ mái”, một mái tóc xoã mới uống sữa tươi, con bé này tóc demi chuyên uống phê sữa. Coi chừng đưa lầm”. Tôi lạnh gáy. Cố giả tỉnh táo, tôi nhấm nháp hết ly. Hiếu rất tinh ý, vặn hỏi tôi mãi. Tôi bảo: “ Mi mệt. Bắt đầu cảm thấy gió lạnh thật rồi”. “ Mi nói dối”. Nói vậy nhưng Hiếu vẫn mở cái áo jacket ra ủ lên vai tôi. Tôi cố gắng ngồi nhưng ngồi không vững. Hiếu xốc tôi lên, bế xuống cầu thang như bế em bé. Tôi mệt lả nhưng cũng biết xấu hổ. Hiếu dỗ dành: “ Nằm yên cho khoẻ, Hiếu đem Mi về nhà. Thương Mi lắm, đội Mi lên đầu đi khắp phố cũng chẳng sao”.
Tối ấy tôi không đứng dậy nổi nữa, đành phó mặc mọi chuyện cho ba tôi. Gọi điện về nhà Hiếu. Không có Hiếu. Tôi đứng dậy mặc áo. Ba tôi lo ngại” Con đi đâu?”. Tôi lắc đầu, đi như người khùng. Tôi là con của ba tôi, một dòng máu bất chấp. Tôi phải nhìn vào sự thật, dù sự thật ấy như thế nào. Xe của Hiếu đang ở trước quán cà phê. Và Hiếu ngồi đó với một cô gái tóc dài trạc tuổi tôi, không phải trước cửa sổ, mà khuất sau một cánh cửa. Có lẽ Hiếu không bao giờ ngờ rằng tôi lại có can đảm một mình đi vào quán.
Tôi một mình, ngồi vào bàn bên cạnh. Người ta bưng cho tôi cà phê sữa như mọi lần. Sữa ngọt không làm giảm nổi vị đắng. Hiếu bỏ cô gái sang bàn tôi “ Mi đi đâu vậy?”. “ Đi để nhìn. Để thấy con người không đơn giản”. Nói rồi tôi đứng dậy, ra về. Ba tôi đã nói đúng, nhưng khổ thay chỉ có lời dạy của cuộc đời mới đủ sức thuyết phục đối với đứa con gái bướng bỉnh như tôi...
Cô bé tóc xoã ngồi trước mặt tôi, trông vẻ mặt cô xinh xắn và hiền. Cô từ chối chỗ ngồi trước khung cửa sổ. “ Sợ gió lắm. Em thích cái quán này vì nó có những góc ấm”. Chúng tôi ngồi vào một góc kín sau chậu thuỷ trúc: “ Em biết chị là Mi dạy khiêu vũ ở đường Phượng bay. Nói thực, em không ngờ lâu nay Hiếu vẫn đi nhảy. Em đã bảo Hiếu, em biết Hiếu nhảy rất đẹp nhưng Hiếu phải biết tôn trọng người yêu của Hiếu là một người không biết nhảy”. “ Thế Hiếu bảo sao?”. “ Hiếu đã hứa với em sẽ không bao giờ khiêu vũ nữa”. Tôi lặng lẽ không nói gì, tự mình gọi một điếu Ngựa Trắng và...hút. Chắc lúc ấy tôi trông giống một con quái vật lắm. Nhưng ít nhất không nói được, thì tôi cũng phải làm gì đó, dù là một điều gì thật quái đản. Cô gái tâm sự: “ Chị biết không, em và Hiếu yêu nhau đã ba năm nay. Hồi đầu ba em không cho, bắt em nhốt trong phòng riêng trên lầu. Nhớ em quá, Hiếu dựng xe trèo cột điện mà lên thăm em. Ba em chụp được, dong Hiếu xuống tầng dưới mở cửa tống ra. Hiếu về nhà xong lại quay lại, trèo cột lên lần nữa. Lần này ba em không thèm mở cửa mà lại bảo: “ Mày trèo lên đường nào thì cút xuống đường ấy”. Hiếu trèo cột xuống xe về, lại đi bộ đến... Sáng mai ba em lên, thấy chúng em vừa cắn hột dưa vừa nói chuyện ngoài lan can, ba em bảo: “ Ba keo mèo cắn cổ, tao thua chúng mày. Mày nói bố mẹ đến lo mà rước con gái tao về”. Tôi hỏi “ Rồi sau đó thì sao?”. “ Hiếu lui tới nhà em đã hai năm. Ba mẹ em xem như con. Sáng, trưa, chiều Hiếu đều ghé, thường ăn cơm ở nhà em. Em không có đoán ra là Hiếu có thời giờ đi vớ vẩn đâu khác”. Ừ tôi thầm nghĩ. Con gái thật khờ, ai cũng thế. Một ngày có đến hai mươi bốn giờ. Dù có ghé sáng, trưa, chiều cùng lắm cũng chỉ mất mười tiếng đồng hồ. Chỉ cần một ngày một giờ, chàng trai đủ tạo nên một huyền thoại phiêu lưu mới. Và một trong những huyền thoại phiêu lưu ấy là tôi... Tôi nghẹn như nuốt phải mật đắng. Dã Thảo ơi, ta sẽ không bao giờ còn đến đây. Từ biệt khung cửa sổ mênh mông, và gió.Và những bản nhạc mà Hiếu thích. Giờ đây tôi hiểu vì sao Hiếu không thích nghe những bản nhạc tiền chiến. Trong đó không có cách yêu, cách nghĩ của Hiếu. Thôi đừng nghĩ tới Hiếu, đừng nghĩ nữa...
Tôi bước đi, ngang qua góc cầu thang, nơi Hiếu đã lấy trộm bông hồng xanh cho tôi. Nơi ấy bây giờ, chỉ còn độc một bông cúc tím. Tiếng hát Cẩm Vân mãnh liệt mà nghẹn ngào: “ Còn trông mong chi cơn mơ phù du theo gió bay xa thật xa. Hãy thôi đam mê vẩn vương buồn thương, nỗi đau trong đời sẽ qua...”. Buổi tối, tôi ra đứng lớp, dạy điệu bebop cho các học viên mới. Một vũ điệu vui nhộn và lả lướt. Tôi nhảy, tôi cười. Chuyện đã qua, xin hãy qua... Tôi cố ăn thật nhiều. Mẹ tôi bảo rất vô tư: “ Con này thất tình mà không ốm lại mập lên mới quái!”.
Hiếu đến, lâu lắm Hiếu mới đến nhà tôi. Trông Hiếu gầy và xanh, giống như cây tre non hơn bao giờ hết. Tôi hầu như không nhận ra hắn. Hắn không cười, và không nói năng dẻo quẹo. Nhưng Hiếu cũng không nhút nhát. Hiếu im lặng và dữ dội, ngồi một mình trên ghế nhìn tôi. Mắt Hiếu cứ thiêu đốt và tôi cứ cố làm cho lòng mình trở nên băng giá. Không biết trong cuộc chiến im lặng này, ai lì hơn? Lửa trong mắt Hiếu sẽ tắt trước hay tảng băng trong lòng tôi rã trước? Tôi giấu nỗi đau bằng vẻ điềm nhiên, nhưng làm sao giấu được con mắt sắc sảo của ba tôi. Ba tôi bảo: “ Can đảm lên con. Còn đau đớn là còn có thể tha thứ. Mà tha thứ là sẽ tiếp tục đau thêm nữa”. “ Con mắt Hiếu nhìn con, không phải là con mắt của kẻ lừa dối”. “Con đừng ảo tưởng. Cụ thể đã quá rõ ràng mà con có thể nguỵ biện cho nó nữa ư? Ngày trước khi từ trại cải tạo trở về, biết được Thanh Thuý Tàu lừa dối ba, ba nhất định cắt đứt dù cô ấy quỳ xuống đất van lạy hết lời. Với ba, tình yêu là sự chân thành tuyệt đối, sự thuỷ chung như nhất trước sau không thay đổi”. Tôi thầm nghĩ: “ Mẹ con với ba lúc nào cũng chung thuỷ, nhưng có phải là tình yêu không?”.
Hiếu đến đều đặn mỗi tối, không nhảy, không cười. Tôi không trách móc, không nặng lời, không cau mặt, xem như cuộc phiêu lưu vừa qua chỉ là một giấc mơ. Dần dần bỗng tôi thú vị với những cuộc gặp gỡ lặng lẽ đó: giống như một bản nhạc không lời, êm dịu và sâu vô tận.
Cuối tháng, cả lớp đi chơi. Ngọc Anh, Hiếu cũng có mặt. Hiếu cứ ngồi, không nhảy với ai. Bỗng nhiên như ma xui, tôi bước ra và quay lại vẫy tay: “ Hiếu!”. Giọng ra vẻ một cô gái uy quyền, mà thực ra là một kẻ đầu hàng.Hiếu sáng trưng mặt mày, lâu lắm mới nhìn thấy nụ cười răng mẻ. Tôi và Hiếu cùng bước trên sàn nhảy, và tôi thấy hạnh phúc từ đầu tới chân, quên cả việc trước đây một giờ Hiếu đi đến đâu, ăn cơm ở nhà ai, làm gì...
Hiếu chỉ nhìn tôi, bao nhiêu lời lẽ bay đi đâu hết. Mãi sau mới đưa ngón tay cái lên môi tôi: “ Mi cắn đi. Cắn một cái cho đau, cho đáng đời Hiếu”. Tôi bất giác ứa nước mắt không cầm được: “ Cắn một cái mà đủ sao, Hiếu ơi!”. “ Hiếu biết tội rồi. Nhưng ai bảo hồi đó Mi nói Hiếu điểu làm chi. Nói người ta đểu thì đểu cho biết mặt”. Tôi nói “ Ân trả, oán trả. Mi cũng biết tội rồi. Từ nay khỏi nợ nhau”. Hiếu bất giác đưa tôi xoay tròn như cơn lốc. “ Mi không biết đâu. Đầu là đểu, sau là thực. Hiếu không cho Mi hết nợ đâu, Hiếu sẽ đi theo Mi đến cùng trời chiếu đất”.
Á à, lại còn thế nữa chứ. Tôi đâu còn dễ tin như tôi ngày xưa. “ Vậy mấy cái cột điện ai sẽ trèo đây?”. Hiếu trừng mắt nhìn tôi “ Đó là quá khứ. Một quá khứ đang chờ chấm hết. Lúc đó Hiếu đã sống hết mình, và giờ đây Hiếu cũng đã sống hết mình”.
Hiếu nói rồi nắm chặt lấy tay tôi, lòng bàn tay Hiếu toả hơi ấm như lửa. Bỗng nhiên tôi muốn oà khóc. “ Rồi mai đây, Mi sẽ là quá khứ sao?”. “ Không ai nói trước được chuyện tương lai. Hiếu không nói chuyện tương lai, chỉ biết bây giờ”. Hiếu nói rồi nhẹ nhàng ôm tôi trong tay, và những đốm sáng đèn muôn màu, và nhạc valse, và tôi lại là cô bé lọ lem trong đêm vũ hội của hoàng tử...
Khi tôi trở về, ba tôi không nói gì, chỉ nhìn. Đôi mắt đẹp của ông, dù qua bao thời gian, vẫn sâu thẳm và đầy dĩ vãng. “ Con biết ba sẽ trách con. Nhưng con...”. Tôi muốn nói: Nhưng con hạnh phúc quá. Con không cầm được lòng được. Ba tôi lạnh lùng: “ Chỉ vì không chịu nỗi đau đớn, nên nạn nhân không đứng vững, phải dựa vào chính tên sát thủ. Rồi lại nhận lầm đó là người chữa vết thương cho mình. Có biết đâu như thế là bị giết lần thứ hai”. Tôi nghẹn: “ Hiếu không phải người như vậy”.
Bỗng ba tôi không giấu được vẻ phẫn nộ:” Con muốn làm kẻ cướp đoạt sao? Thằng Hiếu đến đây ba sẽ đuổi. Nó đã phản bội một đứa con gái, nay lại định lừa dối một đứa con gái khác”.
Tôi khóc. Hiếu bảo tôi: “ Đồ ngốc nghếch. Không ai sở hữu được ai trên đời này thì làm gì có chuyện cướp đoạt ở đây”. “ Nhưng mọi người bảo thế”. “ Mọi người có sống giùm cuộc đời mình không?”. “ Mọi người không tin Hiếu”. “ Hiếu không cần mọi người. Mọi người không ai hiểu rằng người ta có thể cố gắng học, cố gắng làm, nhưng không ai có thể cố gắng yêu. Người ta chỉ có thể yêu cái người mà lòng mình luôn hướng tới. Cái người mà nhắm mắt mình vẫn thấy. Hiếu nhắm mắt là thấy Mi, Mi tin Hiếu không?”.
Tôi tin Hiếu. Bởi chỉ có lòng tin mới giúp tôi sống. Như câu nói của Krishna Murti: “ đó là ánh chớp loé lên trong khoảnh khắc, ai thấy là thấy, ai không thấy là không thấy, không thể nói cho người khác”.
Hiếu nói đúng. Cuộc đời như dòng sông, ai nói trước được nó sẽ qua những ghềnh thác nào. Nhưng hôm nay, dòng sông đang trôi qua những bờ cỏ mịn màng, đang in bóng trời xanh mây trắng. Lẽ nào sợ thác ghềnh mà sông không dám chảy.
Năm nay Giáng sinh.
Trời khô lạnh. Tôi ngồi nhìn ra ngoài cửa sổ phòng mình. Ba tôi bảo: “ đừng buồn. Tối nay đi với cả lớp đến Ngọc Anh.Ba sẽ nhảy với con một bản valse tuyệt vời, như mọi năm”. Tôi lặng im, không nói.Nước mắt thập thò trên mi. Thèm đi một bản Blue Christmas trong tay Hiếu.Thèm ngồi cạnh Hiếu sau khung cửa mênh mông của cà phê Dã Thảo, chia sẻ với Hiếu một cơn gió. Thèm cùng đi một xe với Hiếu trên con đường dài, Hiếu thỉnh thoảng vừa cười vừa ngả đầu ra sau khiến những sợi tóc cứng đâm vào má tôi ...
“ Sao ngồi thừ ra thế, mau lên con gái”. Ba tôi nhắc. Biết ba cố tình không cho tôi có thời gian để nghĩ tới chuyện riêng tư, tôi đứng dậy mặc áo, đi giày. Mở cửa, hơi lạnh tạt vào, tôi không cầm lòng được, kêu lên “ Nhớ quá?”. “ Nhớ gì?”. Ba tôi hỏi. “ Nhớ gió!”. Đế tránh cái cau mày của ba, tôi vội quay soi mình trong gương lần chót trước khi ra đi. Bỗng tôi nhìn ra trong gương, đôi mắt tôi giờ đây mênh mông và buồn, giống hệt mắt ba tôi ...
Và tôi chợt hiểu, mình đã lớn. Đã trở thành một ai đó khác mình năm xưa. Đã biết thế nào là yêu thương và chịu đựng. Đôi mắt này, nỗi buồn này, Hiếu đã để lại cho tôi ...
Sàn nhảy đêm Noel tưng bừng rực rỡ với những ngọn nến muôn màu. Từng đôi, từng đôi trai gái bên nhau hân hoan... Ba tôi bảo: “ Nào, ra sàn với ba”. Nhưng tôi ngồi yên, giữa tiếng nhạc vang lên như những cơn xoáy dịu dàng. Thấy tôi bất động, ba tôi cũng không ép. Giờ lâu, ông bảo tôi: “ Thôi con ạ. Đến tuổi này ba mới nhận ra: Trong tình yêu hạnh phúc thật ngọt ngào, mà cả khổ đau cũng đều thi vị. Chỉ có trống rỗng chán chường của kẻ không yêu mới thực là khủng khiếp”. Nói rồi ông dõi mắt nhìn xa xôi về phía trước. Bỗng nhiên tôi se lòng. Thương ba. Thương tôi. Và chợt hiểu vì sao mãi mãi ba tôi không quên được Thanh Thuý Tàu, một con người phản bội.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro