1. Vết chim trời ( phần cuối )
Cha khá nghiêm khắc, và tôi phải giấu mình, theo ý cha. Tôi không được phép sai phạm lỗi lầm, dù là nhỏ nhất. Có cảm giác cha đang cố gắng dạy tôi điều gì đó, xa vời hơn việc không thuộc bài, hay tham gia đánh nhau cùng thằng Vĩnh. Nhưng ông muốn dạy tôi điều gì? Tôi buộc phải suy nghĩ nhiều, rất nhiều, nghĩ những chuyện mà ở tuổi tôi không nên nghĩ. Vĩnh ngán ngẩm, gọi tôi là ông ngoại và nó rất bực cái sự ông ngoại của tôi. Bởi nhiều khi đang chơi cùng nhau, tôi bỗng đờ ra, nghĩ, cha muốn dạy tôi điều gì, sao lại dẫn tôi đi họp tổ dân phố? Vừa ăn sáng ông vừa hối, như thể đã trễ rồi. Nhưng chúng tôi có mặt sớm nhất, ngồi sù sụ, nhẫn nại chờ mọi người đủ mặt. Cha có vẻ nghiêm túc, ông cầu thị lắng nghe suốt buổi họp, mặc kệ người ta chộn rộn nói tục, càu nhàu. Và cha về cuối cùng, sau khi xếp ghế, tắt hết đèn trong phòng họp. Cha tôi muốn nói gì với tôi khi mỗi Quốc khánh, lễ lạt, ông tự giác treo cờ, phường khóm phát động phong trào nào, nhà tôi luôn gương mẫu đi đầu. Cả ông già chằng gây bên xóm sáng nào ra ban công súc miệng cũng phun nước qua mái hiên nhà bên này, nước dãi cứ chảy tuôn tuôn, cha cũng nín nhịn. Tôi tức mình, thất vọng, tôi không biết tránh va chạm là tránh xây xước, tránh khui miệng một vết thương.Cũng là một cách che chở tôi khỏi những thương tổn. Chỉ đến dịp trường xét học sinh ưu tú để nhận bằng khen cấp thành phố, tôi không được chọn chỉ vì lý lịch của cha có chút vết đen, hiểu ra chút ít, tôi thoải mái hơn. Có tám chục cái giấy khen thì cũng không đổi được sự nhẹ nhàng này. Nhưng cha vẫn rầu rầu…
Bởi cha biết đôi khi ta phải trả giá lớn dù chỉ mang một lỗi lầm nhỏ. Trong ông luôn có dự cảm chia lìa, nếu không vì buổi trưa lạt nhách lạt nhiểu kia thì một ngày nào đó, trong một va chạm nào đó của tôi với cuộc đời, cha cũng lịm chết vì tự trách mình. Vì người ta vẫn có thể bị trừng phạt dù không phạm lỗi lầm nào, ví dụ như tôi bị thằng Vĩnh day ngang, không đếm xỉa gì nữa vì một cuộc chiến tranh không mắc mớ tới tôi, tới nó. Có lần, tôi mơn trớn, ngoáy mãi cái đuôi rùa sau gáy Vĩnh, tôi muốn nó quay lại, dù là sừng sộ, nạt nộ (nhưng tôi sẽ được nhìn vào mắt nó), “thôi nghen ông ngoại, tui dộng vô mặt ông bây giờ đó”. Nhưng thằng Vĩnh không nói, nó hộc lên và đè nghiến lấy tôi. Tôi nghẹn thở, tôi thấy mình vùng vẫy một cách tuyệt vọng trong ánh nhìn tối, đen ngầu, vằn lên những tia máu li ti của Vĩnh. Tôi cố cười, méo xệch, “Ê Vĩnh, đừng chơi vậy chớ, tụi mình là anh em mà”.
“Anh em…”, Vĩnh nhại lại, cười khan, nó buông tôi ra, càu cạu bỏ ra ngoài, tôi vẫn còn nghẹn thở. Tôi lăn lộn, tôi đau nhói. Tôi xuống nhà, lặng lẽ ngồi nhìn bà nội ngủ say, không biết bà đã đau, đã day dứt đến mức nào khi hai đứa con trai của bà lại đứng ở hai bờ chiến sự, đến nỗi trong cơn quên nhớ lẫn lộn, lại để tiếng khóc rơi ra. Để cha tôi, thằng Vĩnh loay hoay hoài một trưa tháng mười xưa.
- Thằng Út Hơn của má quơ tay nhảy cà tưng kêu em nè anh Hai, em nè, Út Hơn nè nhưng bây vẫn bắn. Má thấy rõ ràng…
Những buổi trưa tháng mười mờ, lợt lại quay về trên khu phố nhà tôi. Má không có cơ hội nào để nhìn hoa nắng nhạt rụng trên sân, ở khu chợ thưa người, nóng la mày mặt, má ứ hự xếp lại mấy cây thuốc gò dẻo nhẹo. Cha cũng chẳng ngó ngàng gì hoa nắng, lặng lẽ ngồi đánh máy một cái đơn tranh chấp đất đai của khách hàng, gương mặt quắt quay, bàn tay như những vụn xương khô, cứng quèo bởi ý nghĩ, có thật mình đã bắn đứa em ruột thịt của mình? Bà nội ngủ trưa, mặt nhiều khi cau lại, nhiều khi rên khẽ, dường như những cơn chiêm bao đang tàn phá sự sống của bà. Hai đứa trẻ trốn ngủ, ra sân, tôi trèo lên cây thả những khúc cành khô xuống đầu Vĩnh với hy vọng Vĩnh sẽ quăng trả, sẽ sập bẫy, cuốn vào trò chơi của tôi. Sẽ ném vào nhau rát những nụ cười.
Và tôi cứ chờ đợi mãi…
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro