Chương 2: Tình yêu của ông bà
Những ngày du xuân và nghỉ tết dần qua đi, để lại là một đống bài tập tết chất thành đống và một vài cân thịt mỡ trên người. Với tư cách là một học sinh chăm ngoan học giỏi, thì cô nàng Hạ An có vẻ không hề hấn gì khi bài tập gần như đã làm xong. Hôm nay là ngày đầu tiên cô bé nhập học tại ngôi trường nơi này.
"Ăn sáng đã cô nương, ngày nào cũng ngủ dậy muộn rồi bỏ bữa sáng, đáng đời cái dạ dày của cô" mẹ Linh lại bắt đầu bài ca buổi sáng như thường ngày. Bố Sơn vừa tưới cây trong vườn vừa nói chuyện với ông cụ hàng xóm. Một bức tranh yên bình về một cuộc sống bình dị giản đơn đã được khắc họa chân thực qua gia đình Hạ An.
Cùng lúc đó, ở một căn nhà lớn giữa thôn đang có một trận cãi vã nảy lửa trong nhà. Tiếng cốc chén bị đập vỡ tan, tiếng gậy đập xuống nền sàn, tiếng mắng chửi, tiếng khóc than và la hét, tất cả thành một mớ hỗn độn, không cách nào sửa lại được.
"Mày chết đi cho tao, đã không làm được gì lên thân lại còn phá nhà phá của, đây là lần thứ mấy tao đến trường để giải quyết chuyện của mày rồi, mày không biết giữ cái mặt mày thì cũng phải giữ thể diện cho bố mày chứ" tiếng dây da đánh vào người những tiếng vút rít gào chói tai, đánh vào cánh tay đầy sẹo của thanh niên trẻ tuổi, người mẹ vừa khóc vừa khuyên cậu ấy nhận lỗi, tiếng chó sủa om sòm, tru ra những âm thanh như thét gào cuộc sống ở gia đình này. Cậu thanh niên ấy đứng nhìn quanh căn nhà này một chốc, rồi xách cặp đi ra ngoài, để ngoài tai những tiếng mắng mỏ đe doạ sau lưng.
Ngày đầu tiên đi học sao Hạ An có thể dậy muộn được, cô nàng chỉ là muốn chuẩn bị mọi thứ thật tốt cho sự ra mắt ngày hôm nay. Trang điểm nhẹ cho thêm tươi tắn, mặc một bộ chiếc áo sơ mi được là phẳng phiu cùng chiếc cà vạt gọn gàng, được đóng trong chiếc váy xếp li và một đôi giày Oxford, cuối cùng là một chiếc áo khoác cardigan mỏng đủ để giữ ấm cho mùa xuân se lạnh. Cô nàng không có thói quen chép bài nhiều, chỉ mang sách giáo khoa theo thời khóa biểu và một quyển vở để ghi chép. Trường cấp 3 ở đây gần ngay trong thôn nên Hạ An chỉ cần đi bộ đến trường, nếu mang quá nhiều sách vở thì dáng đi sẽ không đẹp. Cô nàng vừa đi bộ vừa luyện nghe từ vựng, thật ra thưởng thức phong cảnh cuộc sống thường nhật mới là sở thích của cô nhưng việc học vẫn quan trọng hơn, phải giữ trong trạng thái học tập mới dễ dàng tập trung hơn vào bài học.
"Hôm nay lớp mình có một bạn mới vào, giới thiệu đi em" cô chủ nhiệm Thùy gật đầu nói với Hạ An khi cô nàng bước vào lớp. Khi đang chuẩn bị giới thiệu thì có một giọng nam phát ra từ ngoài cửa "Em vào lớp ạ" sau đó là một dàn tiếng vỗ tay hoan hô của bọn học sinh cuối lớp, cuối cùng thì tên này đã đi học lại sau trận đánh nhau oanh liệt kia, cô Thùy chỉ gật đầu kêu lớp trật tự như đã quá quen và không quên nhắc nhở
"Lớp học chứ không phải cái chợ đâu mà muốn đến lúc nào thì đến, muốn đánh ai thì đánh, tôi nhắc ai nhột người đó tự biết, giới thiệu tiếp đi em"
Sau một hồi sóng gió cuối cùng cô nàng cũng đã được đưa mic "Xin chào cô và tất cả các bạn, mình là Vũ Hạ An, mình mới chuyển đến đây có gì mong mọi người giúp đỡ" một câu giới thiệu không thể tiêu chuẩn hơn.
Không phải cô nàng không muốn nói mà thật sự không còn gì để nói, những năm nay Hạ An chỉ tập trung vào ôn thi đội tuyển nên những thú vui thịnh hành của bọn học sinh dường như hơi xa lạ với cô nàng. Cô Thùy cho phép An tự chọn chỗ ngồi, đây là lần đầu tiên Hạ An gặp một cô giáo dễ thương như vậy nên rất biết ơn vì điều đó, nhìn quanh lớp một lượt cũng chỉ có vài chỗ còn trống, ở hai bên bàn đầu và một chỗ ở bàn cuối, không do dự cô nàng bước ngay xuống bàn cuối. Mặc dù mang danh là học sinh giỏi nhưng cô nàng học lệch nghiêm trọng, những tiết không quan trọng hầu như đều ngủ trong giờ vì thế bàn cuối luôn là lựa chọn hàng đầu của Hạ An.
"Xin chào, mình ngồi đây được không" Hạ An cất tiếng chào hỏi trước cậu thanh niên đang miệt mài gấp máy bay giấy bằng mấy tờ tiền lẻ. Cậu trai ngẩng đầu lên đối diện với cô nàng, đây là lần thứ hai mà hai người chạm mặt nhau kể từ ngày Tết hôm đó, cô nàng nhớ chị Anh có nói tên cậu ấy là Nhật Phong, cậu ấy không nói gì mà chỉ cầm chiếc cặp mỏng dính của mình cất đại vào trong ngăn bàn trống rỗng.
"Cảm ơn"
Đây là đoạn đối thoại đầu tiên và duy nhất trong suốt tuần đầu An đi học bởi cậu trai kia lại nghỉ học tiếp. Ngồi làm bài tập trong tiếng bàn luận không ngớt về cậu bạn cùng bàn, cô nàng cũng hơi bất ngờ khi nghe đến việc cậu bạn này đi làm thêm.
"Má thằng Phong nó cứ như chạy show ý, có mấy khi rủ nó đi chơi được đâu, nhà nó giàu mà làm lắm thế làm gì"
Có một bạn nữ nào đó chen ngang "Nó bận bỏ mẹ ra còn phải đi chơi với đám bọn mày làm nó cũng bị nói này nói nọ"
Lúc này có một cậu trai với tông giọng không mấy vui vẻ lên tiếng "Bọn tao đâu bắt ép nó đâu, đừng có nói lung tung", đây hình như là Huy, chàng trai đã bá vai bá cổ bạn cùng bàn của cô nàng hôm đó. Hạ An hơi khó chịu khi nghe câu nói này của cậu ta.
Cô nàng đã học ở đây được một tuần nhưng hầu như không làm quen với quá nhiều người, chỉ nói chuyện với một vài bạn học xung quanh để hỏi tiến độ học của lớp. Tính cách ở trường của Hạ An khá trầm lặng và nghiêm túc khi ở trường, khác một trời một vực với khi ở nhà, cô không cố để bắt chuyện với những người không chung tần số, không chỉ là trong học tập mà là cách sống, sở thích, những thứ mình hứng thú và cách nói chuyện. Ở nhà cô nàng thường hay nói chuyện với ông nội về tôn giáo, chính trị, lịch sử, âm nhạc và một vài tác phẩm nghệ thuật, ông cũng là người thân thiết nhất với Hạ An và cho cô rất nhiều bài học thú vị.
Khi An được nghỉ hè lúc tám tuổi, cô bé hay ngồi trên chiếc võng ngoài hiên, vừa đọc sách Cựu ước vừa nhìn ông cắt tỉa giàn hoa thiên lý trong sân, thỉnh thoảng sẽ hỏi ông những vấn đề mình không hiểu. Bà nội ở ngoài sân giặt quần áo xong sẽ pha cho cô bé một bát bong bóng để thổi. Đến tối khi dì Ly đi làm về sẽ mua cho mỗi người một cốc chè bưởi mát lạnh. Mùi lúa chín sẽ tỏa ra khắp cả thôn, nếu không may sẽ bị rặm mà ngứa ngáy khó chịu, nhưng rất thơm và vàng óng một màu khắp các nẻo đường. Tuổi thơ của Hạ An cứ trôi qua êm đềm như thế và giữ mãi đến tận bây giờ, khi cô nàng trở lại quê, ban ngày đi học, tối về sẽ cắt tỉa những cây nhỏ, chơi cờ với ông nội, ăn tối, ngồi nói chuyện với gia đình, làm bài tập đến khuya, đọc một vài trang sách hay mà ông nội giới thiệu và làm bảng tổng hợp về một ngày vừa trôi qua.
...
"Tập thơ của Xuân Diệu cháu cầm của ông à" Ông nội vừa đeo chiếc kính lão vừa tìm trong đống sách đã cũ mèm trong tủ vừa hỏi cô nàng đang nằm chỏng chơ trên chiếc võng ăn bánh ngon lành. Hạ An ngoái đầu lại đến mức sắp rơi tõm xuống sàn, nằm ườn ra lười biếng nói cô đang đọc "Cháu tưởng ông không còn đọc mấy quyển sến sẩm đó nữa chứ"
"Ngày xưa hay đọc hơn một chút, bây giờ muốn đọc lại" ông nội nói rồi cầm một quyển sách khác ngồi dựa trên chiếc ghế gỗ đã sờn màu từ lâu.
Hạ An ngồi xếp bằng ngay ngắn trên chiếc võng đung đưa hỏi ông nội "Cháu nghe bà kể ngày xưa ông tỏ tình bà bằng thơ Xuân Diệu đồ", thấy ông nội không nói gì, cô nàng lại bắt đầu chiêu trò mè nheo đỉnh cấp của mình "Đúng không ông, đúng không ông ơi..."
"Không phải là thơ của Xuân Diệu, ông viết một bức thư có kèm thơ của Nguyễn Bính, bà ấy không thích đọc sách cho lắm nên luôn nghĩ thư tình phải được trích từ thơ Xuân Diệu, ông không dám bày tỏ lòng mình quá rõ ràng, chỉ gửi đến vài lời thơ trước khi ra trận, đến khi trở về bà ấy vẫn còn đợi ông" ông nội vừa kể vừa vuốt ve nhẹ nhàng cánh hoa cẩm chướng được bà cắm trong bình.
Hạ An nghe mà chỉ biết ao ước, tình yêu của ông bà đẹp quá, bao giờ cô mới có được một chuyện tình đẹp như thế:
"Gió mưa là bệnh của giời
Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng
đúng không ông"
Ông nội chỉ cười cười lắc đầu, ủa vậy là không phải hả, cô nàng Hạ An luôn quên thơ khi đi thi phải cố vắt óc nghĩ thêm để không bị ông nội trêu chọc về sự thiếu hụt từ ngữ nghiêm trọng của mình
"Vậy...Tương tư thức mấy đêm rồi
Biết cho ai, hỏi ai người biết cho"
Ông nội đã lật sang trang sách tiếp theo, biết không còn hi vọng gì nữa, Hạ An đành quyết tâm mượn tập thơ Nguyễn Bính của ông ngồi đọc, hai ông cháu mỗi người một quyển sách đọc say sưa cho đến khi trời dần tối. Tới khi cả nhà ăn cơm xong Hạ An mới rón rén hỏi nhỏ với bà về bức thư tình kia, bà chỉ cười hiền từ nhưng sự tươi tắn trên gương mặt hiện ra rất rõ ràng. Bà nội lấy một chiếc hộp gỗ dường như đã có từ rất lâu nhưng được giữ rất cẩn thận, lấy ra một phong thư đã sờn màu theo tháng năm, nhẹ nhàng đưa cho An. Cô nàng cầm lấy như báu vật thế giới, đôi mắt lấp lánh sáng ngời, nâng niu mở chiếc thư trên tay.
"Nam Hà ngày 17 tháng 9 năm 1969
Gửi Tâm thương mến, chắc em cũng biết về lần gọi đi phục vụ đất nước đợt này, anh muốn đi nhiều lắm vì đất nước đang lâm nguy, anh đã đủ tuổi để đi chiến đấu, đủ tuổi để phục vụ Đất nước, để thực hiện ước mơ được thống nhất hai miền đất nước của chúng mình. Nhưng khi nghĩ đến Tâm, anh không biết làm sao cho thoả được, khi anh đi ai sẽ giúp em khiêng những chồng lúa nặng, khi nấu cơm lỡ em bị bỏng thì có tự bôi thuốc cho mình được hay lại quên mất, khi bố mẹ mắng ai sẽ cùng em tâm sự.... Anh lo lắm, anh lo lắm Tâm à, nhưng biết làm sao được khi Tổ quốc vẫn còn chiến tranh loạn lạc. Tâm à, Tâm à, Tâm à, anh muốn viết và hét to thật to rằng em là của anh, là em thương mến của anh. Trong thời chiến này sinh tử con người chỉ trong tức khắc, anh không dám hứa hẹn xa xôi, nhưng anh biết một điều rằng trái tim anh sẽ luôn là của em, của riêng mình em mà thôi, còn sứ mệnh cuộc đời này anh xin dành cho Việt Nam thân yêu, cho Tổ quốc mến thương.
.....
...
....
Anh mới đọc được một tập thơ vào hôm trước, khi giấy kêu gọi được gửi đến đây, khi anh nghĩ đến em, đoạn thơ đó lại vang lên trong đầu:
"Tôi muốn cô đừng nghĩ đến ai,
Đừng hôn dù thấy bó hoa tươi.
Đừng ôm gối chiếc đêm này ngủ,
Đừng tắm chiều nay biển lắm người."
Với ngàn cái ôm và nụ hôn
Tôi yêu em
Minh
Vũ Hoàng Minh
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro