Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

SỰ PHỐI HỢP TRONG VIỆC GIÁO DỤC ĐẠO ĐỨC HỌC SINH

Thực hiện: GV Trương Thị Quýt
Đơn vị: THPT Trương Vĩnh Ký

I. ĐẶT VẤN ĐỀ:
Chúng ta ai cũng hiểu rằng: Đạo đức là một lĩnh vực của ý thức xã hội, là một mặt trong hoạt động xã hội của con người, thực hiện chức năng hết sức quan trọng là điều chỉnh hành vi của con người nói chung trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Đạo đức cũng nảy sinh từ nhu cầu của xã hội.
Về đạo đức học sinh nói riêng vừa mang ý thức hệ xã hội, vừa phải phù hợp với các quy định và chuẩn mực của xã hội; đồng thời phải phù hợp với những quy định của nhà trường phổ thông trong giai đoạn hiện nay. Do đó trong hoạt động giáo dục đạo đức học sinh không thể xem nhẹ và tách rời giữa giáo dục nhà trường với gia đình và xã hội.
Quá trình giáo dục đạo đức học sinh trong nhà trường, đối tượng là những học sinh vi phạm về mặt đạo đức, những hành vi vi phạm do nhiều nguyên nhân khác nhau. Mục đích giáo dục của chúng ta là giúp cho các em sửa chữa những hành vi sai lệch đó để các em xây dựng lại nhân cách theo những chuẩn mực đạo đức quy định.
II. THỰC TRẠNG TRƯỚC KHI THỰC HIỆN CÁC GIẢI PHÁP CỦA ĐỀ TÀI:
Trường THPT Tư thục Trương Vĩnh Ký được thành lập từ năm 2002, tọa lạc trên địa bàn Thị xã Long Khánh, gần bến xe và chợ đầu mối của Thị xã. Học sinh chủ yếu ở các phường, các xã vùng ven, các huyện khác đến như Xuân Lộc, Cẩm Mỹ và một số em từ Bình Phước, Bình Thuận, Bà Rịa ... chuyển đến; số lượng và quy mô lớn, hiện nay có 1974 em cùng 36 lớp. Với địa bàn như vậy nên việc giáo dục đạo đức cho học sinh có những khó khăn, thuận lợi sau:
1. Thuận lợi:
– Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của chi bộ Đảng, Hội đồng quản trị, Ban giám hiệu nhà trường và chính quyền địa phương nơi trường đóng.
– Tập thể sư phạm nhà trường đều có ý thức và tinh thần trách nhiệm đối với công tác giáo dục đạo đức học sinh.
– Hội cha mẹ học sinh rất nhiệt tình và thường xuyên phối hợp, chăm lo đến các hoạt động của nhà trường, nhất là công tác giáo dục đạo đức học sinh.
– Nhiều học sinh, tập thể lớp nguồn có ý thức tổ chức kỉ luật, có tư cách đạo đức tốt là hạt nhân cho cá nhân và tập thể khác noi theo.
2. Khó khăn:
– Do đặc thù của một trường Tư thục thu hút nhiều học sinh không cùng địa bàn nên ít nhiều chịu ảnh hưởng tiêu cực, các tệ nạn xã hội trong nền kinh tế thị trường.
– Một số phụ huynh học sinh chưa thực sự quan tâm đến giáo dục con em, còn nuông chiều, bảo thủ, phó mặc cho nhà trường, thậm chí có phụ huynh còn bất lực trước con cái.
– Trong quá trình thực hiện, có lúc sự phối hợp chưa thống nhất giữa giáo viên chủ nhiệm với phụ huynh làm trở ngại đến chất lượng giáo dục đạo đức học sinh.
III. NỘI DUNG ĐỀ TÀI:
A. CƠ SỞ LÝ LUẬN:
Từ xa xưa, ông cha ta đã khẳng định: "Tiên học lễ, hậu học văn"; ngày nay, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: "Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài làm việc gì cũng khó". Điều đó giúp chúng ta hiểu rõ hơn đức là cái gốc, là yếu tố căn bản và quan trọng quyết định nhân cách của một con người. Trong quá trình hoạt động giáo dục đạo đức ở nhà trường phổ thông, giáo viên chủ nhiệm là người ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển nhân cách học sinh. Bởi vì giáo viên chủ nhiệm là người nắm vững hoàn cảnh và sự tiến bộ của từng học sinh. Giáo viên chủ nhiệm là người nhận xét, đánh giá và xếp loại đạo đức học sinh, là người đề nghị khen thưởng, kỷ luật học sinh. Cho nên trong nhà trường giáo viên chủ nhiệm chính là người thay mặt hiệu trưởng đảm nhận vai trò chủ đạo trong công tác tổ chức giáo dục đạo đức học sinh, giáo viên chủ nhiệm là người chịu trách nhiệm chủ yếu công việc dạy người cho học sinh. Do đó giáo viên chủ nhiệm chính là cầu nối giữa nhà trường với gia đình và xã hội.
Chính vì vậy sự phối hợp giữa giáo viên chủ nhiệm với tổ chức Đoàn thanh niên trong nhà trường; Hội cha mẹ học sinh, chính quyền địa phương và các tổ chức xã hội trong việc giáo dục đạo đức học sinh là một việc làm hết sức quan trọng và cần thiết, khi mà sự phát triển thông tin khoa học ngày càng mạnh mẽ, nhân cách học sinh ngày càng xuống cấp. Nếu chúng ta phối kết hợp tốt, làm đúng mọi quy trình giáo dục đạo đức phù hợp với quy luật nhận thức sẽ giúp cho học sinh ý thức và điều chỉnh hành vi của mình, điều chỉnh các mối quan hệ, tạo sự hòa hợp trong giao tiếp giữa các em với cha mẹ, thầy cô; tất cả các yếu tố đó sẽ góp phần hình thành và phát triển nhân cách học sinh, đáp ứng được mục đích của giáo dục là tạo ra những con người có phẩm chất đạo đức, có năng lực.
Tuy nhiên, trong xu thế phát triển chung hiện tại của toàn xã hội, bên cạnh những mặt tích cực, những thành tựu trong các lĩnh vực kinh tế – xã hội của đất nước thì cũng không ít những mặt tiêu cực ảnh hưởng xấu đến thế hệ trẻ làm cản trở quá trình giáo dục đạo đức học sinh của chúng ta. Vì vậy, là giáo viên chủ nhiệm tôi luôn xác định, việc giáo dục đạo đức cho học sinh là việc làm cần thiết và được đặt lên hàng đầu.
B. NỘI DUNG, BIỆN PHÁP THỰC HIỆN CÁC GIẢI PHÁP CỦA ĐỀ TÀI:
Từ thực trạng trên, muốn nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức ở học sinh nói chung và ở trường THPT Tư thục Trương Vĩnh Ký nói riêng, theo tôi trước hết giáo viên chủ nhiệm phải biết thực hiện tốt các phối kết hợp sau:
1. Giáo viên chủ nhiệm với tổ chức Đoàn thanh niên trong nhà trường:
Đây là lực lượng đông đảo, trực tiếp thực hiện nhiệm vụ chính trị của nhà trường, là lực lượng nòng cốt trong phong trào thanh niên, là nơi để các em thể hiện bản lĩnh của mình, là nơi giáo dục đạo đức lối sống lành mạnh tốt nhất cho học sinh. Chính vì thế mà giáo viên chủ nhiệm cần phải có sự phối hợp chặt chẽ với tổ chức Đoàn thanh niên để đẩy mạnh phong trào thi đua giữa tập thể và cá nhân nhằm tạo sự chuyển biến sâu rộng cả về nhận thức lẫn hành động góp phần hạn chế, đẩy lùi các hiện tượng tiêu cực ở học sinh. Tổ chức cho các em vui chơi, nghe những bài hát truyền thống, qua các bài hát này giúp các em hiểu thêm về lòng yêu quê hương đất nước, yêu làng xóm, tình yêu thầy cô, yêu người thân, yêu bạn bè..., tìm hiểu nội dung ý nghĩa các ngày kỉ niệm, các ngày lễ lớn của dân tộc. Từ đó giáo dục học sinh về lòng yêu nước, truyền thống cách mạng, xây dựng cho các em tinh thần tập thể, sống vì mọi người.
Tăng cường các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp: văn nghệ, thể dục thể thao, những trò chơi dân gian như nhảy bao bố, đua xe đạp chậm, kéo co, cướp cờ..., câu lạc bộ đố vui để học, ngoại khóa,...các hoạt động này sẽ cuốn hút nhiều học sinh tham gia. Các nhà tâm lý cho rằng: đối với học sinh trung học phổ thông, ở độ tuổi mà tâm lý lứa tuổi phát triển mạnh, các em có nhiều nhu cầu hiểu biết, tìm tòi, bắt chước; thích giao lưu tìm hiểu, thích đua đòi ăn chơi, thích khẳng định mình là người lớn...trong khi đó các kiến thức về hiểu biết tự nhiên, xã hội, hiểu biết về gia đình, hiểu biết về pháp luật các em còn rất hạn chế, thậm chí có em còn mơ hồ. Do đó các em chưa có trách nhiệm với hành vi của mình, nên dẫn đến phạm tội, vi phạm pháp luật hoặc vi phạm nội quy nhà trường. Nếu chúng ta không tổ chức tốt các hoạt động cho học sinh thì các em sẽ tìm đến nơi khác như quán bi da, trò chơi điện tử...để vui chơi và dễ bị các phần tử xấu lôi kéo vào con đường hư hỏng, phạm tội. Thông qua các hoạt động này vừa rèn luyện ý thức kỉ luật, tinh thần đoàn kết vừa hình thành những kỹ năng sống cho các em vừa rèn luyện đạo đức, giúp các em ý thức và điều chỉnh được hành vi của mình.
Ngoài ra, giáo viên chủ nhiệm cùng với Đoàn tuyên truyền về tác hại của các vi phạm, các tệ nạn xã hội, tổ chức học tập, quán triệt cho học sinh về nội quy nhà trường vào đầu năm học, vào giờ chào cờ đầu tuần, vào giờ sinh hoạt lớp. Tăng cường công tác kiểm tra nề nếp phát hiện vụ việc và xử lí kịp thời, giúp các em thấy được hành vi sai trái của mình để sửa chữa. Ban Thi đua của Đoàn trường làm tốt công tác xếp loại và đánh giá thi đua giữa các lớp hàng tuần, hàng tháng nên kích thích được phong trào. Hoạt động này cũng là một khía cạnh giúp các em phát triển nhân cách của mình.
2. Giáo viên chủ nhiệm với Hội cha mẹ học sinh:
Đây là cầu nối quan trọng nhất, có mối liên hệ mật thiết và có hiệu quả giáo dục tốt nhất. Để đạt được mục tiêu giáo dục đạo đức do nhà trường đề ra, giáo viên chủ nhiệm phải chủ động phối hợp thường xuyên với gia đình, Hội cha mẹ học sinh để thông tin về tình hình học tập, rèn luyện đạo đức của con em nhằm bàn biện pháp phối kết hợp giáo dục.
Như chúng ta đã biết, phụ huynh là người đỡ đầu cho tương lai, sự nghiệp của các em khi các em bước vào cổng trường và ở nhà trường giáo viên chủ nhiệm phải làm gì để việc học tập và rèn luyện đạo đức của học sinh đạt kết quả cao nhất.
Thực tế cho thấy nhiều bậc phụ huynh vẫn luôn băn khoăn tự hỏi không biết con mình đến trường, đến lớp có đầy đủ hay không? Và khi đến lớp rồi các con có học hành nghiêm túc hay không? hay chỉ đến cho đủ số buổi lên lớp và cho vui hoặc đàn đúm với bạn bè, còn kiến thức, ý thức kỉ luật thì thế nào cũng được. Vậy giáo viên chủ nhiệm là người đầu tiên giúp cho phụ huynh biết, để hàng ngày các bậc phụ huynh dù ở nhà hay đi làm xa môi trường học tập của các em hàng chục, thậm chí hàng trăm cây số (ở Bình Thuận, Bình Phước, Bà Rịa...) phụ huynh vẫn nắm rõ tình hình lên lớp và khả năng tiếp thu bài vở , ý thức tổ chức kỉ luật, thực hiện nội quy học sinh của con em mình. Đã có phụ huynh khi được giáo viên chủ nhiệm mời đến cung cấp thông tin mới biết con mình không ngoan, học không giỏi như lâu nay vẫn tưởng. Để giải quyết được những băn khoăn, những ngộ nhận, chủ quan trên của phụ huynh, giáo viên chủ nhiệm trường Trung học phổ thông tư thục Trương Vĩnh Ký đã thực hiện một số giải pháp thiết thực như sau:
* Hằng ngày, bằng tin nhắn qua điện thoại di động, trường chủ động thông báo cho cha mẹ hay người đỡ đầu của mỗi học sinh các thông tin về học tập và rèn luyện đạo đức như: nghỉ học, cúp tiết, những vi phạm nề nếp...mỗi khi phụ huynh nhận được tin nhắn, phụ huynh phản hồi lại một cách kịp thời cho giáo viên chủ nhiệm. Biện pháp này đưa đến hiệu quả nhanh chóng, phụ huynh sẽ biết con mình ngày đó nghỉ học thực sự hay ở nhà có đi học nhưng ở trường thì không có mặt, hoặc vi phạm đồng phục, đi học trễ...Có những trường hợp phụ huynh nhận được tin nhắn con mình nghỉ học không xin phép là phụ huynh đi tìm ngay và thấy con ở
quán Internet thế là phụ huynh đưa con đến trường gặp giáo viên chủ nhiệm. Qua trao đổi, phân tích học sinh thấy được dù cha mẹ ở nhà nhưng vẫn biết con mìnhđang làm gì ở trường, từ những việc làm này giúp các em học sinh không tái phạm nữa.
* Thông báo kết quả học tập, rèn luyện đạo đức của mỗi học sinh với phụ huynh bằng phiếu điểm, phiếu liên lạc. Mỗi năm, bốn kì (giữa HKI, HKI, giữa HKII, HKII) giáo viên chủ nhiệm gửi phiếu điểm, phiếu liên lạc sau khi các em kiểm tra, thi tập trung xong đã có kết quả. Trên phiếu điểm và phiếu liên lạc được thể hiện rõ các cột điểm: điểm kiểm tra miệng, điểm kiểm tra 15 phút, điểm kiểm tra một tiết, điểm thi, và lời phê của giáo viên chủ nhiệm. Qua phiếu điểm, phụ huynh sẽ biết được môn nào con mình học tốt, môn nào cần đầu tư thêm, môn nào cần nhắc nhở học thuộc lí thuyết nhiều hơn; cũng qua phiếu điểm (phiếu điểm phụ huynh giữ lại, phiếu liên lạc nộp cho giáo viên chủ nhiệm) phụ huynh biết được môn nào con học có tiến bộ, môn nào điểm bị thấp hơn kì trước, đồng thời cũng so sánh được sự tiến bộ hay không tiến bộ về rèn luyện đạo đức của con mình. Thông tin này giúp cho phụ huynh biết được việc học tập và rèn luyện đạo đức của con mình sau mỗi kỳ.
* Ngoài những thông tin trên, khi cần thiết, giáo viên chủ nhiệm cần phải gặp trực tiếp bố hoặc mẹ những học sinh vi phạm để phối hợp cách giáo dục có hiệu quả nhất. Bởi vì thực tế cho thấy ở lớp có em không chịu học bài, ngồi nói chuyện, kết bè để nói xấu bạn, gây sự với những bạn xung quanh, mặc không đúng đồng phục quy định, hút thuốc,... tình yêu bạn bè làm ảnh hưởng đến học tập và vi phạm nội quy. Khi giáo viên chủ nhiệm mời đến trao đổi thì mới vỡ lẽ, con mình không ngoan như mình tưởng, chính nhờ vậy mà sự kết hợp giáo dục các em có hiệu quả hơn.
Ví dụ: Học sinh Phan Thị Kỳ D. lớp 11B4
Đầu năm học là một học sinh ngoan, học được nhưng do sa vào con đường tình cảm yêu đương bạn bè quá sớm nên làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc học tập, vi phạm nề nếp như:
– Nhiều lần mặc không đúng đồng phục quy định, không phù hiệu.
– Đi học trễ nhiều lần. Vô lễ với giáo viên.
– Nghỉ học nhiều ngày không xin phép, nhất là những ngày học trái buổi.
– Không thuộc bài nhiều lần, bất kì môn nào giáo viên gọi lên bảng trả lời đều không thuộc bài.
Giáo viên chủ nhiệm nhắc nhở, yêu cầu em viết bản kiểm điểm, khiển trách em trước lớp; nhắn tin, gọi điện thoại về nhà báo tin những lỗi vi phạm của em cho
phụ huynh biết nhưng cũng không làm thay đổi được những sai lầm của em. Tìm hiểu ra mới biết nguyên nhân là do em đang yêu một học sinh khác lớp, cùng khối. Gia đình bảo khi nào em đi học cũng sớm nhưng đến lớp thường trễ giờ, có ngày nghỉ học thì em lớp kia cũng nghỉ luôn. Cuối cùng giáo viên chủ nhiệm phải viết giấy mời, mời phụ huynh lên gặp nhà trường, về nhà em không đưa giấy mời cho phụ huynh. Khi giáo viên đình chỉ việc học của em, thì em lại có thái độ vô lễ với giáo viên. Trong lúc gặp phụ huynh, giáo viên bảo em tự nói ra những lỗi sai phạm của mình cho phụ huynh nghe, có những lỗi em không nói (có thể là em quên cũng có thể do cha mẹ đã răn dạy nhiều ở nhà nên em sợ), khi giáo viên chỉ ra các lỗi vi phạm mà em không nói ra thì em mới công nhận. Phụ huynh nghe những lỗi vi phạm của con mình như vậy mới vỡ lẽ con mình không ngoan như mấy lâu nay mình tưởng. Với những vi phạm trên biết sẽ đưa ra Hội đồng kỉ luật thì người mẹ ân hận vì mấy lâu nay ngộ nhận, chủ quan phó mặc cho nhà trường.
Sau khi đưa ra Hội đồng kỉ luật cảnh cáo trước toàn trường, từ đó đến nay em D. tiến bộ thấy rõ, giáo viên gọi lên bảng không bị điểm yếu, đi học chuyên cần, nghỉ học bố hoặc mẹ đến xin phép, không bao giờ đi học trễ.
* Đối với Hội cha mẹ học sinh vừa là chủ thể tiến hành giáo dục con em ở gia đình đồng thời cũng phải chịu một phần trách nhiệm về quá trình giáo dục học sinh ở nhà trường, nhất là đối tượng học sinh chậm tiến. Trong những năm qua, Hội cha mẹ học sinh của trường THPT Tư thục Trương Vĩnh Ký đã thực sự tham gia vào quá trình giáo dục con em, làm tốt công tác phối hợp giáo dục đạo đức, nhất là việc xử lí kỷ luật học sinh. Việc xử lí kỷ luật học sinh là bất đắc dĩ, trong chúng ta không ai muốn, nhưng vì kỉ cương của nhà trường nên phải thi hành kỷ luật học sinh. Việc thi hành kỷ luật cũng là cần thiết để vừa xử lí học sinh vi phạm, vừa răn đe nhắc nhở những em khác vừa phòng ngừa các biểu hiện xấu có thể xảy ra, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của nhà trường. Những lúc này, tiếng nói của Ban đại diện Hội cha mẹ học sinh vô cùng quan trọng, vừa giúp cho các em thấy được hành vi sai phạm của mình không phải là do ác cảm của thầy cô, vừa giúp cho cha mẹ các em thấy được sự công bằng trong việc xử lí kỷ luật của con mình. Bên cạnh đó phụ huynh cũng phải luôn luôn theo dõi thường xuyên con em mình, không nên phó mặc cho nhà trường.
3. Giáo viên chủ nhiệm với chính quyền địa phương và các các tổ chức xã hội:
Thực tế cho thấy, ngoài những vi phạm về học tập, vi phạm về nề nếp ở trong trường học; học sinh còn có những hành vi vi phạm sau giờ học và ngoài trường học. Như những vụ đánh nhau có tổ chức, chỉ vì những xích mích nhỏ ở trong lớp, trong trường mà ra cổng trường là các em tụ tập đánh nhau. Rồi đi xe lạng lách, chạy nhanh vượt ẩu vi phạm luật giao thông. Nhờ có lực lượng công an địa phương điều tra, cung cấp thông tin, thông báo tình hình học sinh vi phạm cho nhà trường, giáo viên chủ nhiệm cùng cha mẹ học sinh phối hợp giáo dục giúp các em điều chỉnh hành vi của mình. Ngược lại nhà trường thông báo cho địa phương những học sinh cá biệt, những học sinh bị kỷ luật đuổi học để địa phương quản lí. Chính vì vậy sự phối hợp với chính quyền địa phương và các tổ chức xã hội như lực lượng công an, dân phòng,... trong việc giáo dục đạo đức cho học sinh ngoài giờ lên lớp là một việc làm đáng quan tâm. Nhằm đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống tệ nạn xã hội, góp phần ngăn chặn và làm giảm các vụ việc xảy ra ở học sinh, giúp cho các em có lối sống lành mạnh, ý thức công dân ngày càng rõ nét hơn.
Ngoài ra, nhà trường kết hợp cùng với công an tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật an toàn giao thông, phòng chống tệ nạn xã hội cho học sinh vào các giờ chào cờ đầu tuần. Những lúc tan học, đề phòng các em có thể tụ tập gây sự đánh nhau hoặc vi phạm trật tự an toàn giao thông, giáo viên nhà trường cùng với công an địa phương luôn giám sát theo dõi nên không có những vụ việc đáng tiếc nào xảy ra.
IV. KẾT LUẬN:
Trên đây là thực trạng, là những giải pháp trong quá trình làm công tác chủ nhiệm bản thân tôi rút ra được và đã thực hiện cùng với những đề xuất để làm tốt công tác giáo dục đạo đức học sinh, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức cho học sinh đáp ứng được yêu cầu của trường THPT Trương Vĩnh Ký. Nếu mọi thành viên trong nhà trường, các bậc phụ huynh cũng như các tổ chức đoàn thể trong xã hội đều thấy rõ được tầm quan trọng và lợi ích của công tác giáo dục đạo đức học sinh, biết đề cao trách nhiệm, cùng phối hợp hành động vì mục tiêu chung sẽ đem lại nhiều kết quả cho nhà trường và xã hội cũng ngày càng tốt đẹp hơn.    

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro

Tags: #giaoduc