Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

SỰ PHỐI HỢP TRONG VIỆC GIÁO DỤC ĐẠO ĐỨC HỌC SINH 2

Thực hiện: GV Võ Thị Muộn
Đơn vị: THPT Thanh Bình

I./ LÝ DO CHỌN CHUYÊN ĐỀ:
Sự nghiệp giáo dục và đào tạo trở thành sự nghiệp chung của toàn xã hội và thầy cô giáo được trao cho sứ mệnh là "Trồng người". Bởi nhiệm vụ và mục tiêu của nhà trường là đào tạo thế hệ trẻ trở thành lớp người có nhân cách, có tri thức.
Bác Hồ từng nói: "Người có tài mà không có đức là người vô dụng, người có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó". Mà hiện nay, vấn đề đạo đức của học sinh có chiều hướng tiêu cực – không ít học sinh bậc THPT đã làm nhòe mờ đạo đức truyền thống của dân tộc, điều này khiến những người trực tiếp tham gia công tác giáo dục không thể không nghĩ đến trách nhiệm của mình. Từ Bộ trưởng Bộ giáo dục đến các Sở giáo dục và Hiệu trưởng của tất cả các trường trên toàn quốc đều chủ tâm xác định nhiệm vụ trọng tâm và xây dựng chủ đề năm học nhằm tạo nên sự đồng bộ và tác động tích cực đến việc giáo dục toàn diện cho học sinh, trong đó quan tâm sâu sắc đến công tác giáo viên chủ nhiệm lớp. Cùng góp vào tiếng nói chung trong công tác giáo dục, tôi xin được trình bày chuyên đề: "Sự phối hợp giữa giáo viên chủ nhiệm với tổ chức đoàn trong nhà trường; hội cha mẹ học sinh, chính quyền địa phương và các tổ chức xã hội trong việc giáo dục đạo đức học sinh" – một cách làm truyền thống mà vẫn hiệu quả.
II./ TỔ CHỨC THỰC HIỆN CHUYÊN ĐỀ:
1. Cơ sở lý luận:
– Trong giáo dục nói chung và trong nhà trường THPT nói riêng giáo viên chủ nhiệm có vai trò quan trọng: có trách nhiệm quản lí, tổ chức lớp, thúc đẩy học sinh thực hiện mọi hoạt động chung của nhà trường, tìm hiểu, nắm tình hình học sinh, giáo dục học sinh kỹ năng sống, cố vấn học tập và dự báo xu hướng tổ chức dạy học phù hợp với điều kiện, khả năng học sinh. Vì vậy, công tác chủ nhiệm có hiệu quả sẽ góp phần nâng cao giáo dục toàn diện cho học sinh.
– Giáo dục bậc THPT có nhiều thuận lợi đồng thời cũng có nhiều thử thách:
+ Lứa tuổi THPT khá năng động, sôi nổi, ham hiểu biết, muốn khẳng định mình, được sống trong xã hội ngày càng văn minh tiến bộ, luôn đề cao sự học, độ tuổi này học sinh bắt đầu hình thành chiều sâu trong suy nghĩ.
+ Học sinh THPT vẫn còn nông nổi, bồng bột nên dễ bị tác động, lôi kéo bởi điều xấu dẫn đến sa ngã, hư hỏng. Mặt khác lứa tuổi vị thành niên có những thay đổi tất yếu về tâm sinh lí mà bản thân thiếu tầm kiểm soát.
Do đó, giáo dục toàn diện một con người không phải chuyện giản đơn. Nó đòi hỏi người giáo viên phải hội đủ cả tài, tâm, lòng nhiệt huyết và cần thiết có sự khéo léo trong việc phối hợp với các tổ chức có liên quan.
Song, trên thực tế chúng ta lại chưa quan tâm đúng mức vai trò của giáo viên chủ nhiệm. Trong buổi hội thảo giáo viên chủ nhiệm ở trường THPT tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh PGS – TS Bùi Văn Quân – phó cục trưởng cục nhà giáo và cán bộ quản lí cơ sở giáo dục phát biểu: "Chúng ta hay đề cao việc dạy chữ, coi nhiệm vụ hàng đầu ở trường học là giáo dục tri thức mà chưa chú trọng lắm về việc giáo dục phẩm chất, nhân cách cho học sinh cho nên học sinh có hành vi lệch chuẩn ngày càng tăng." – Báo văn hoá.
Giáo dục học sinh là vấn đề căn bản có ý nghĩa quyết định chất lượng dạy và học – "đó là sự kết hợp giữa nhà trường và gia đình, giữa giáo viên và học sinh mà trong đó giáo viên chủ nhiệm là chiếc cầu nối là mắc xích của sự kết hợp" – Cô Đàm Thị Kim Hoa GV trường Lương Văn Chánh.
2. Nội dung, biện pháp thực hiện các giải pháp của chuyên đề:
Giáo dục một con người đặc biệt giáo dục đạo đức học sinh là một quá trình không có điểm cuối cùng. Đó là công việc kéo dài cả đời người. Vì thế giáo viên chủ nhiệm không thể nóng vội, chủ quan, cảm tính. Nói như cô giáo Lê Thị Thanh Vân (Trường THPT Nguyễn Trãi – Ba Đình – Hà Nội): "Làm giáo viên chủ nhiệm là một nghệ thuật". Mà theo tôi "Nghệ thuật" hơn cả là giáo viên chủ nhiệm cần tạo ra được "Tam giác đều" trong giáo dục đạo đức học sinh. Cụ thể giáo viên chủ nhiệm là nhịp cầu nối các mối quan hệ:
2.1 Sự phối hợp giữa giáo viên chủ nhiệm với tổ chức Đoàn trong nhà trường:
– Ở trường THPT phần đa học sinh là đoàn viên, lớp học là đơn vị tổ chức cơ bản của trường học, cũng là chi đoàn – giáo dục đạo đức lối sống lành mạnh cho đoàn viên thanh niên là nhiệm vụ của toàn xã hội nhưng trước hết là vai trò của nhà trường. Trong trường học có nhiều tổ chức, tại đây đoàn thanh niên là tổ chức chính trị xã hội có trách nhiệm trong việc giáo dục lí tưởng, truyền thống, tổ chức các phong trào thi đua nhằm đẩy mạnh nâng cao chất lượng giáo dục, hướng học sinh đến lối sống đẹp, có ích, nâng cao chất lượng thi đua học tập, xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, đấu tranh chống tệ nạn xã hội... Nhưng sự tác động của tổ chức đoàn đối với học sinh sẽ không thể có hiệu quả nếu thiếu "nhịp cầu" giáo viên chủ nhiệm. Do vậy, giáo viên chủ nhiệm phải chủ động nắm bắt chủ trương, kế hoạch chung của đoàn trường, phối hợp với ban cán sự lớp (Ban chấp hành chi đoàn) lồng ghép triển khai, tuyên truyền đôn đốc thực hiện trong tiết sinh hoạt chủ nhiệm. Thông qua những hành động thiết thực đó sẽ góp phần giáo dục đạo đức cho học sinh.
– Ở trường THPT bên cạnh tổ chức đoàn còn có ban quản sinh. Ban quản sinh có nhiệm vụ quản lí về mức độ chuyên cần, tác phong, nề nếp (trường THPT Thanh Bình hai tổ chức này là một). Do vậy, giáo viên chủ nhiệm có thể thông qua tổ chức đoàn để nắm bắt rõ hơn về đặc điểm tình hình của học sinh trong lớp. Sự phối hợp này giúp giáo viên chủ nhiệm kịp thời uốn nắn những sai phạm về đạo đức, tác phong của học sinh.
– Từ chủ đề hành động của tổ chức đoàn hàng tuần, hàng tháng giáo viên chủ nhiệm xây dựng chuyên mục "chia sẻ" theo chủ đề để thanh niên, đoàn viên trong lớp nói lên những tâm tư, suy nghĩ, mong muốn, hành động... Từ đó, giáo viên chủ nhiệm sẽ trao đổi, tư vấn với tổ chức đoàn về những hoạt động cụ thể, thiết thực, thu hút sự quan tâm của đoàn viên, thanh niên hơn. (Bản thân từng làm cán bộ đoàn trong 5 năm).
Ví dụ: Trong tháng 10, đoàn trường phát động quyên góp ủng hộ đồng bào miền Trung bị lũ lụt, và quyên góp tập vở nh ằm thực hiện công trình thanh niên... tôi đã lồng ghép trong giờ sinh hoạt chủ nhiệm chủ đề "chia sẻ với cộng đồng" – về thông tin lũ miền Trung – học sinh nói về thực trạng mà các em biết Þ Qua đó giáo dục các em lối sống đẹp biết quan tâm chia sẻ, không thờ ơ vô cảm... Đồng thời cũng giới thiệu với đoàn trường về hoàn cảnh đặc biệt của đoàn viên, thanh niên để tổ chức đoàn có sự quan tâm thiết thực – điều này sẽ khích lệ các em rất lớn, giúp học sinh tin tưởng hơn về những hoạt động có ý nghĩa của chính mình.
Chủ đề hoạt động đoàn trường tháng 11 là "Lập thành tích chào mừng ngày nhà giáo Việt Nam 20/11" cùng với việc triển khai các hoạt động cụ thể như làm báo tường, thi đua thể thao, cắm hoa, văn nghệ... ngoài việc triển khai giao nhiệm vụ, đôn đốc thực hiện giáo viên chủ nhiệm còn khuyến khích học sinh "chia sẻ" – cảm nghĩ của mình về ngày nhà giáo, về một người thầy, về một kỷ niệm thời học sinh... Þ giáo dục các em truyền thống tôn sư trọng đạo, ân nghĩa... (Những phần chia sẻ chân thật, cảm động – giáo viên chủ nhiệm duyệt đăng báo tường).
2.2 Sự phối hợp giữa giáo viên chủ nhiệm với hội cha mẹ học sinh; chính quyền địa phương và các tổ chức xã hội:
– Giáo viên chủ nhiệm là người nắm rõ mọi chủ trương, nhiệm vụ giáo dục của nhà trường, do đó trở thành "nhịp cầu" trung gian trao đổi thông tin giữa nhà trường với phụ huynh học sinh. Mặt khác, thu nhận thông tin, ý kiến, nguyện vọng của phụ huynh học sinh để báo lại với lãnh đạo nhà trường. Từ đó gắn kết được trách nhiệm giữa nhà trường và gia đình trong việc giáo dục học sinh. Sự phối hợp giữa hội cha mẹ học sinh với giáo viên chủ nhiệm được thực hiện có tổ chức theo kế hoạch chung của nhà trường bằng những cuộc họp định kỳ. Thông qua những cuộc họp này, giáo viên chủ nhiệm ngoài việc truyền đạt chủ trương, thông báo của nhà trường, còn trực tiếp báo cáo với cha mẹ học sinh về thực trạng của lớp, tình hình học tập, tư cách đạo đức của từng học sinh. Muốn vậy, giáo viên chủ nhiệm cần phải bám sát, gần gũi, có trách nhiệm và tình thương để có những nhận xét, đánh giá phân minh nhất đối với từng đối tượng – điều này sẽ giúp phụ huynh học sinh tin tưởng đối với việc giáo dục của nhà trường và kịp thời chấn chỉnh việc học và tác phong đạo đức học sinh.
– Ngoài ra, giáo viên chủ nhiệm còn chủ động liên hệ mời phụ huynh đến trường hoặc giáo viên chủ nhiệm đến nhà trao đổi riêng, bàn bạc giải pháp giáo dục và khắc phục những sai phạm của học sinh.
– Mỗi lớp đều có ban chấp hành chi hội, giáo viên chủ nhiệm tham vấn với ban chấp hành chi hội nhằm có những hành động thiết thực để động viên, quan tâm đúng mức với mọi hoạt động của lớp, của trường. Mặt khác, để nắm bắt những hành động sát thực của học sinh ở trường, lớp, giáo viên chủ nhiệm mời đại diện chi hội cùng tham gia sinh hoạt lớp, tiếng nói động viên, căn dặn của phụ huynh học sinh cũng có tác dụng tích cực trong việc giáo dục đạo đức học sinh, đây cũng là cơ hội gặp gỡ để phụ huynh học sinh trao đổi những suy nghĩ, mong muốn của gia đình trong việc giáo dục. Sự phối hợp chặt chẽ đó sẽ giúp giáo viên chủ nhiệm hiểu cặn kẽ hơn từng đối tượng học sinh và có phương pháp phù hợp cho từng đối tượng (đặc biệt là những học sinh cá biệt, có hành vi, lối sống lệch chuẩn).
– Gia đình là nơi đầu tiên và có trách nhiệm cao hơn cả trong việc hình thành nhân cách học sinh. Song có những gia đình thiếu kiến thức sư phạm nên đi ngược lại với mục tiêu giáo dục của nhà trường. Do đó, giáo viên chủ nhiệm có liên hệ, trao đổi với phụ huynh học sinh thì mới thống nhất được phương pháp giáo dục hiệu quả.
– Như đã trình bày trên – giáo dục đạo đức, lối sống cho thanh niên là nhiệm vụ của toàn xã hội, do vậy, ngoài việc phối hợp với tổ chức đoàn, hội cha mẹ học sinh, giáo viên chủ nhiệm cần phối hợp với chính quyền địa phương và các tổ chức xã hội trong việc giáo dục đạo đức học sinh. Bởi hiện nay trẻ vị thành niên – trẻ trong độ tuổi THPT có những biểu hiện, hành động lệch chuẩn ngày càng nhiều. Điều đó là do sự tác động không nhỏ của môi trường sống và của những phần tử xấu. Do đó, giáo viên chủ nhiệm cần nắm rõ địa bàn cư trú của học sinh lớp mình, đồng thời cũng cần tìm hiểu tình hình an ninh xã hội nơi đó, nhất là địa bàn cư trú của những học sinh có biểu hiện chưa tốt – khi cần thiết sẽ trao đổi, nhờ sự can thiệp của chính quyền địa phương.
Ví dụ: Báo với chính quyền địa phương khi giáo viên phát hiện học sinh kéo bè, kết cánh đánh nhau, đua xe,... (ở mức mà cá nhân không can thiệp, giải quyết được) – nhằm ngăn chặn kịp thời, tránh xảy ra hậu quả đáng tiếc, hơn thế học sinh sẽ không giám lộng hành. Ngược lại, khi chính quyền địa phương phát hiện học sinh có những hành động sai trái, vi phạm pháp luật, ngoài việc can thiệp trực tiếp, chính quyền địa phương còn báo về trường, về giáo viên chủ nhiệm để nhà trường tiếp tục giáo dục đạo đức học sinh.
– Cùng với nhà trường phối hợp với các tổ chức xã hội như: Hội từ thiện, tổ chức dạy nghề, hội phụ nữ,... tạo điều kiện hỗ trợ cho học sinh (đặc biệt là học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn) vươn lên trong cuộc sống. Qua đó góp phần giáo dục học sinh ý thức phấn đấu vượt khó – xứng đáng với sự quan tâm của xã hội.
Công tác chủ nhiệm một công việc không mới nhưng thực sự khó đối với người chưa thật tâm huyết với nghề và với trò. Hoạt động của giáo viên chủ nhiệm về bản chất là một hoạt động sáng tạo nhất trong công tác giáo dục. Không có phương pháp, kế hoạch tối ưu cho mọi đối tượng học sinh, cho mọi lớp học. Nhưng xét thấy giáo dục toàn diện một con người không thể bằng cảm tính, cá nhân, do vậy, việc phối hợp với các tổ chức có liên quan mà trong đó sự phối hợp của giáo viên chủ nhiệm với tổ chức đoàn, hội cha mẹ học sinh, chính quyền địa phương và các tổ chức xã hội là cần thiết mang tính tất yếu. Cách làm mang tính truyền thống nhưng vẫn hiệu quả vì bản chất đó là hành động rất sáng tạo của mỗi cá nhân đối với từng học sinh lớp chủ nhiệm. Đạo đức của một con người được hình thành, hoàn thiện luôn luôn chịu sự tác động của 3 yếu tố đó là gia đình, nhà trường và xã hội, nếu người giáo viên chủ nhiệm biết khéo léo và tận tâm phối hợp thì chắc chắn hiệu quả giáo dục sẽ được nâng cao.
III./ HIỆU QUẢ CỦA CHUYÊN ĐỀ:
Với việc làm này tôi đã áp dụng nhiều năm và trong công tác chủ nhiệm tôi đã thu được kết quả nhất định. Qua việc phối hợp giữa giáo viên chủ nhiệm với tổ chức đoàn, hội cha mẹ học sinh, chính quyền địa phương và các tổ chức xã hội giúp tôi hoàn thành tốt vai trò giáo viên chủ nhiệm – với phụ huynh tôi đã tạo được uy tín, sự biết ơn; với nhà trường và đồng nghiệp tôi đã nhận được sự tin tưởng (năm học nào nhà trường cũng giao công tác chủ nhiệm, 12 năm từ khi vào ngành đã có 9 năm được giao chủ nhiệm học sinh cuối cấp); Với học sinh tôi nhận được sự tôn trọng, yêu thương và sẻ chia. Hiệu quả hơn cả là đã giáo dục được những học sinh cá biệt, tạo được cho học sinh cảm giác thích đến trường, tạo được tập thể lớp đoàn kết, vững mạnh, học sinh tích cực... Þ Góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
IV./ ĐỀ XUẤT, KHUYẾN NGHỊ, KHẢ NĂNG ÁP DỤNG:
– Công tác chủ nhiệm lớp là một nghệ thuật, không có cái chuẩn, giải pháp tối ưu tuyệt đối để giáo dục mọi đối tượng học sinh. Vì vậy, giáo viên chủ nhiệm cần linh hoạt sử dụng nhiều phương pháp. Song, trong mọi phương pháp không thể thiếu tâm huyết, tình thương và bản thân phải luôn gương mẫu, gần gũi, thân thiện. Công tác chủ nhiệm là một công việc vất vả nhưng cũng đem đến nhiều niềm vui. Do vậy, phải thực sự yêu nghề, biết tích luỹ kinh nghiệm thì mới thành công trong công tác này.
Trước những hiệu quả mà chuyên đề đem lại, tôi mong muốn tất cả giáo viên tham gia công tác chủ nhiệm hãy vì thế hệ tương lai cùng sáng tạo tìm tòi những giải pháp nhằm thực hiện tốt vai trò giáo dục toàn diện cho học sinh mà trong đó quan tâm nhiều hơn việc giáo dục nhân cách cho học sinh trung học.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro

Tags: #giaoduc