PHƯƠNG PHÁP QUẢN LÝ LỚP HỌC BẰNG CÁC BIỆN PHÁP GIÁO DỤC KỶ LUẬT TÍCH CỰC 2
Thực hiện: Gv Hoàng Diệu Thúy
Đơn vị: THPT Long Khánh
Trong suốt những năm vừa qua, sự nghiệp giáo dục luôn luôn là lĩnh vực nhận được sự quan tâm của toàn xã hội. Bởi lẽ, phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo chính là phát triển nguồn nhân lực, nâng cao dân trí, đào tạo nhân tài cho lớp lớp các thế hệ con người Việt Nam. Trong toàn bộ quá trình giáo dục, giáo viên chủ nhiệm (GVCN) là người thay mặt cho nhà trường trực tiếp quản lý học sinh, theo dõi sát sao mỗi bước thay đổi dù là nhỏ nhất của học sinh để kịp thời có những giải pháp giáo dục hợp lý. Chính vì vậy, GVCN là người chịu trách nhiệm cao nhất về kết quả quá trình giáo dục đạo đức cho học sinh trong nhà trường .
Trong nhà trường phổ thông, công tác GVCN được coi là công tác kiêm nhiệm, với tâm lý đó, không mấy trường tổ chức Hội nghị GVCN hàng năm, không có các lớp tập huấn kỹ năng cho GVCN, không có những đề tài khoa học về công tác GVCN, không có những đãi ngộ hợp lý với giáo viên làm công tác chủ nhiệm trong khi công việc này rất vất vả. Do đó, giáo viên chưa toàn tâm toàn ý với công tác chủ nhiệm , giáo viên làm công tác chủ nhiệm bằng kinh nghiệm cá nhân trên cơ sở lý luận chủ yếu được trang bị từ trường sư phạm.
Việc tổ chức Hội nghị Giáo viên chủ nhiệm để cùng trao đổi, chia sẻ những phương pháp chủ nhiệm hiệu quả là rất cần thiết. Thông qua Hội nghị này, giáo viên trẻ có thể học hỏi kinh nghiệm từ những giáo viên lâu năm trong công tác quản lý lớp, giáo viên lớn tuổi có thể học hỏi ở giáo viên trẻ những xu hướng giáo dục mới, lãnh đạo và các cấp quản lý có thể hiểu hết những khó khăn phức tạp trong công tác chủ nhiệm từ đó có những chính sách hợp lý và kịp thời.
Bản thân tôi, kinh nghiệm làm giáo viên chủ nhiệm chưa nhiều, nên đến với Hội nghị này, tôi chỉ xin đóng góp một vài kinh nghiệm nhỏ mà tôi đã có được trong quãng thời gian làm công tác giáo viên chủ nhiệm của mình, đó là một vài ý kiến về phương pháp quản lý lớp học bằng các biện pháp giáo dục kỷ luật tích cực .
I/ CƠ SỞ LÝ LUẬN:
Giáo viên chủ nhiệm lớp là người chịu trách nhiệm thực hiện mọi quyết định quản lý của Hiệu trưởng đối với lớp và các thành viên trong lớp, là người vạch kế họach, tổ chức cho lớp thực hiện các nhiệm vụ học tập trong nhà trường , là người quản lý và đánh giá quá trình rèn luyện của tất cả học sinh trong lớp.Với tất cả những vấn đề trên, đòi hỏi GVCN phải có những giải pháp hợp lý để có thể quản lý tốt lớp học do mình chủ nhiệm . Mỗi lớp học ở bậc Trung học phổ thông thường bao gồm trên dưới 40 học sinh với nhiều tính cách, hoàn cảnh gia đình và trình độ nhận thức khác nhau. Đặc biệt, ở độ tuổi này, các em có những trạng thái tâm sinh lý khá phức tạp, có sự độc lập nhất định trong tư duy, dễ bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài, lại luôn muốn thể hiện cái tôi của mình. Trong thực tế, chúng ta thường bắt gặp những hiện tượng như: khuyên bảo thì các em không nghe, la mắng thì các em lỳ lợm, xử lý kỷ luật thì tỏ thái độ bất cần, nhẹ nhàng thoải mái thì các em coi thường ,....Vậy chúng ta phải giáo dục các em như thế nào cho hợp lý?
II/ NỘI DUNG VÀ CÁC GIẢI PHÁP:
1. NỘI DUNG PHƯƠNG PHÁP QUẢN LÝ LỚP HỌC BẰNG CÁC BIỆN PHÁP GIÁO DỤC KỶ LUẬT TÍCH CỰC
GVCN phải là người hiểu rõ mọi học sinh trong lớp, hiểu rõ đặc điểm tình hình của lớp và những vấn đề phát sinh trong quá trình giáo dục học sinh, trên cơ sở đó có thể đề ra những phương án quản lý lớp phù hợp và hiệu quả nhất .
Muốn quản lý tốt lớp học, GVCN cần phải nhận được sự đồng thuận từ phía tập thể học sinh trong lớp. Tuy nhiên, đối với học sinh bậc THPT, muốn các em chấp nhận và đồng thuận với các quyết định của GVCN, không thể bằng cách áp đặt mệnh lệnh với các em, mà phải làm sao để các em tự giác, tự nguyện. Việc này đòi hỏi GVCN phải được học sinh của mình yêu quý, tin tưởng và tín nhiệm. Lòng tin ấy phải không ngừng được củng cố thông qua các họat động của thầy và trò trong suốt quá trình học tập .Giáo viên chủ nhiệm phải nắm bắt tốt tâm lý học sinh, đặt mình vào vị trí của các em để hiểu các em, từ đó có phương pháp giáo dục phù hợp, kích thích các em thể hiện cái tôi theo hướng tích cực để quá trình giáo dục diễn ra thuận lợi và đạt kết quả cao.
Trong suốt quá trình chủ nhiệm, GVCN phải làm cho học sinh của mình thấy rằng các em đã lớn, đã có thể tự quyết định những vấn đề của bản thân dưới sự tư vấn của thầy cô, cha mẹ, và một khi đã tự quyết định thì các em phải biết tự chịu trách nhiệm về hành vi của mình. GVCN không quan tâm thái quá cũng không được thờ ơ lơ là, không làm thay học sinh, không áp đặt học sinh, nên khuyến khích các em tự mình giải quyết các vấn đề, khi nào thật sự khó khăn mới nhờ giáo viên tư vấn .
Khi học sinh vi phạm, cần chỉ cho các em thấy các em sai ở đâu, và các em sẽ phải chịu trách nhiệm như thế nào. Bên cạnh đó, GVCN cũng nên tạo cơ hội cho học sinh của mình được bày tỏ quan điểm cá nhân, lắng nghe và chia sẻ cùng các em, nếu các em cần sự giúp đỡ thì GVCN phải giúp hết mình .
Cuối cùng, không thể giáo dục hiệu quả nếu bản thân GVCN không phải là một tấm gương cho học sinh của mình .
2. CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
Tạo quan hệ thân thiện, gần gũi
Trước tiên, hãy cho các em một cảm giác gần gũi, thân thiện và tin tưởng ngay từ lần gặp gỡ đầu tiên . Ngay từ buổi đầu tiên khi tiếp xúc với lớp, GVCN hãy tỏ thái độ thân thiện, vui vẻ, hòa đồng, như vậy sẽ khiến các em có cảm giác thoải mái, dễ chịu . Tiếp sau đó, hãy tận dụng bản sơ yếu lý lịch như nhịp cầu nối để kéo gần khoảng cách thầy trò. Thông thường, lần đầu tiên gặp lớp, GVCN thường yêu cầu học sinh viết 1 bản sơ yếu lý lịch. Tuy nhiên, bên cạnh những nội dung thường có của 1 bản sơ yếu lý lịch, GVCN nên thêm vào những nội dung như: sở thích, ước mơ, nghề nghiệp trong tương lai, đề xuất, nguyện vọng trong năm học... Với những nội dung này, GVCN có thể nắm bắt được rất nhiều điều từ phía học sinh , trên cơ sở đó có giải pháp chủ nhiệm phù hợp. Đồng thời, đối với học sinh, các em sẽ cảm thấy rằng GVCN rất quan tâm đến tâm tư và nguyện vọng của các em, đó chính là điều mà các em đang cần. Trong quá trình chủ nhiệm, thỉnh thoảng, GVCN nên gặp gỡ, nói chuyện, hỏi thăm việc học tập, việc gia đình của một vài học sinh trong lớp. Ngoài ra, những tấm thiệp vào dịp Tết, Giáng Sinh, sinh nhật sẽ là món quà rất ý nghĩa giúp cho quan hệ thầy trò thêm gần gũi.
Nếu học sinh cảm nhận được sự gần gũi, các em sẽ rất dễ dàng tâm sự , chia sẻ với GVCN khi cần. GVCN có thể động viên học sinh viết thư tay cho mình để tâm sự nếu các em có nhu cầu. Biện pháp này vừa để GVCN kịp thời nắm bắt tâm tư nguyện vọng của học sinh, vừa giáo dục các em kỹ năng giao tiếp bằng thư tay.
Khi đã có được những thông tin từ phía học sinh, GVCN nên giúp đỡ học sinh giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong khả năng có thể của mình .
Luôn luôn lắng nghe học sinh
Người giáo viên nói chung nên biết lắng nghe ý kiến của học sinh. Người giáo viên chủ nhiệm lại càng cần phải biết lắng nghe học sinh của mình. Hãy làm cho các em thấy rằng , các em có quyền phát biểu ý kiến với một thái độ đúng mực, và ý kiến của các em đáng được tôn trọng. GVCN có thể nghe các em nói trong giờ sinh họat chủ nhiệm, trong tiết HĐGDNGLL, trong những giờ giải lao, trong những lúc thầy trò nhỏ to tâm sự, hoặc trong những lá thư mà các em gửi cho GVCN ... Sau khi đã lắng nghe, GVCN cần có những phản hồi hợp lý trong điều kiện cho phép .
Cùng thỏa thuận, cùng thực hiện
Trong mọi họat động của lớp, không nên áp đặt các em phải thực hiện theo yêu cầu của GVCN, hãy cùng các em thỏa thuận phương án làm việc hiệu quả nhất, cùng các em đề ra những nguyên tắc làm việc chung để cả GVCN và học sinh đều cảm thấy thoải mái .
Cho phép học sinh được tự quyết định một số vấn đề của lớp, đi đôi với việc nếu học sinh nào vi phạm thì phải chịu trách nhiệm, phải chấp nhận bị xử lý kỷ luật theo quy định .
Ví dụ: trong các họat động như thi đua, văn nghệ, tham quan ... GVCN nên đưa ra lớp cùng trao đổi và để các em tự lựa chọn các phương án phù hợp nhất, sau đó cùng các em thực hiện, cùng các em rút kinh nghiệm .
Khen thưởng đúng lúc, xử lý kịp thời
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ học tập, sẽ có những học sinh thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, nhưng cũng không tránh khỏi có những học sinh vi phạm nội quy. GVCN cần phát hiện kịp thời để khen thưởng và xử lý kỷ luật phân minh. Có thể khen thưởng hoặc xử lý kỷ luật theo tổ để nâng cao ý thức tập thể cho học sinh. Không nên xử lý kỷ luật quá nặng , bởi lẽ , các em đang trong giai đọan rèn luyện và tu dưỡng , nên cho các em cơ hội để sửa chữa lỗi lầm, chỉ nên xử lý kỷ luật khi học sinh tái phạm nhiều lần theo Điều lệ trường phổ thông và theo quy chế 40/2006/QĐ-BGDĐT.
Nên có những hình thức khen thưởng tập thể để khuyến khích học sinh. Chẳng hạn như cho lớp đi tham quan dã ngoại khi các em có kết quả học tập tốt .
Xây dựng đội ngũ những nhân tố tích cực trong tập thể
Những nhân tố tích cực ở đây chính là những học sinh có thể hỗ trợ GVCN quản lý lớp. Thông thường đó sẽ là đội ngũ cán bộ lớp, BCH Chi đoàn, ngoài ra cũng có thể là một vài học sinh khác có uy tín trong tập thể. Đây là nhân tố quan trọng quyết định rất lớn đến kết quả công tác chủ nhiệm, nếu xây dựng được những nhân tố tích cực tốt, GVCN sẽ rất thuận lợi trong việc quản lý lớp học của mình, dễ dàng và nhanh chóng nắm bắt mọi vấn đề của lớp, tính tự giác của học sinh sẽ được nâng cao .
Tiết sinh hoạt lớp là một tiết học làm người
Không nên lạm dụng tiết sinh họat lớp để khiển trách, la rầy học sinh. Ngoài việc thông báo những công việc của nhà trường, GVCN nên tận dụng tiết sinh họat chủ nhiệm để giáo dục học sinh về đạo đức, lối sống. Hãy kể cho các em nghe những câu chuyện về cách học làm người, hãy chỉ cho các em cách bày tỏ tâm tư nguyện vọng với cha mẹ , hãy định hướng về nghề nghiệp cho các em, hãy tư vấn về tâm sinh lý lứa tuổi, về tình bạn, tình yêu cho các em, hoặc đơn giản chỉ là cùng tham gia tiết HĐGDNDLL với các em một cách hào hứng và vui vẻ. Còn với những trường hợp học sinh vi phạm, nếu đã có thỏa thuận với lớp ngay từ đầu thì cứ theo thỏa thuận đó mà tiến hành xử lý vi phạm, nếu không thật cần thiết thì không đưa ra khiển trách trước lớp mà chỉ nhắc nhở riêng.
Thông qua các hoạt động tập thể để giáo dục học sinh về những giá trị đích thực của cuộc sống
Trong môi trường xã hội hiện nay, có nhiều vấn đề tiêu cực của xã hội tác động khiến cho nhiều học sinh có những cách nhìn sai lệch và tiêu cực về cuộc sống . GVCN sẽ là người giúp cho các em nhìn nhận cuộc sống một cách bao dung và nhân ái hơn . Điều này sẽ giúp cho học sinh tránh được những phản ứng tiêu cực trong khi thực hiện nội quy của nhà trường, GVCN dễ dàng đưa học sinh vào nề nếp một cách tự nhiên mà không cần phải dùng áp lực với học sinh .
Ví dụ: phân tích cho các em thấy rằng, giáo viên cũng là một con người bình thường, cũng không tránh khỏi đôi khi mắc phải sai sót trong công việc hàng ngày , nên nếu như có chuyện đó xảy ra thì cũng đừng vì vậy mà có cái nhìn không tốt đối với giáo viên.
Hoặc vào những dịp lế như 20/11, 8/3..., nên động viên các em dành chút thời gian cung nhau làm quà tặng thầy cô, những món quà do chính tay các em làm tuy giá trị kinh tế không nhiều nhưng giá trị tinh thần thì vô cùng to lớn, việc làm này sẽ giúp học sinh có cái nhìn tích cực về cuộc sống, giáo dục các em về những giá trị đích thực của cuộc sống .
Tự mình phải là tấm gương cho học sinh noi theo
GVCN không thể giáo dục học sinh nếu bản thân GV chưa tốt. Mỗi ngày, GVCN phải làm gương cho học sinh của mình về mọi hoạt động, từ lời nói, tác phong, cách làm việc, cách giải quyết các vấn đề ...Hãy cùng các em tham gia các hoạt động của trường, của lớp với một thái độ thực sự nghiêm túc, điều này có giá trị giáo dục cao hơn rất nhiều lần việc giáo dục bằng lời nói .
3. KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC
Tuy thời gian chủ nhiệm chưa lâu, nhưng với những gì đã làm, lớp chủ nhiệm của tôi đã có những thay đổi tích cực:
– Từ một tập thể có kết quả thi đua không cao, các em đã vươn lên đứng nhất toàn khối
– Kết quả học tập nâng cao, số học sinh khá giỏi tăng hơn hẳn, không còn học sinh yếu kém
– Tập thể lớp rất tự giác trong mọi hoạt động kể cả khi GVCN không có mặt
– Đội ngũ cán bộ lớp, BCH Chi đoàn làm việc hiệu quả, phát huy tinh thần đoàn kết tập thể, hỗ trợ nhau trong mọi hoạt động
– Sang năm lớp 12, áp lực học tập nặng nề hơn, nhưng mọi hoạt động của lớp vẫn ổn định .
– Điều mà tôi cảm thấy được nhiều nhất chính là sự đoàn kết của cả tập thể lớp, sự gắn kết giữa GVCN và học sinh. Học sinh của tôi rất tin tưởng GVCN của mình, các em có thể tìm đến tôi bất cứ khi nào các em gặp vấn đề , từ chuyện học tập đến chuyện quan hệ bạn bè, đôi khi cả những khúc mắc trong gia đình các em cũng tìm gặp tôi để xin ý kiến. Chính sự tin tưởng này đã giúp tôi làm công tác chủ nhiệm một cách nhẹ nhàng, ít vất vả nhưng vẫn có được những kết quả khả quan.
III/ BÀI HỌC KINH NGHIỆM
Bản thân tôi đã rút ra được cho mình một vài kinh nghiệm trong công tác quản lý lớp chủ nhiệm:
– GVCN phải giáo dục học sinh của mình bằng tình yêu thương chân thành dành cho các em
– Đối với học sinh bậc THPT, cách quản lý tốt nhất là để các em tự quản lý mình trên cơ sở sự theo dõi, giám sát của giáo viên
IV/ KIẾN NGHỊ – ĐỀ XUẤT
– GVCN sẽ không thể làm tốt công tác chủ nhiệm nếu thiếu sự hỗ trợ từ phía các cấp quản lý trong nhà trường. Do đó, BGH cần quan tâm hơn nữa đến công tác chủ nhiệm và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để GVCN hoàn thành nhiệm vụ của mình
– Cần tách hoạt động chủ nhiệm thành một công tác chuyên biệt trong nhà trường với những cơ chế quản lý riêng phù hợp với đặc thù của công tác này. Trên cơ sở đó có những đãi ngộ hợp lý, xứng đáng với công sức mà GVCN bỏ ra để thực hiện công tác chủ nhiệm
– Cần có những Hội thảo chuyên đề, những lớp tập huấn kỹ năng riêng cho công tác chủ nhiệm để nâng cao chất lượng công tác này trong nhà trường.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro