Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

PHƯƠNG PHÁP QUẢN LÍ LỚP HỌC BẰNG CÁC BIỆN PHÁP GIÁO DỤC KỈ LUẬT TÍCH CỰC 4

Thực hiện: GV Ngô Phương
Đơn vị: THPT Tôn Đức Thắng

I.Đặt vấn đề:
1/ Thế nào là một lớp học được quản lí tốt?
Một lớp học được quản lí tốt là một lớp học có kỉ cương, nền nếp; học sinh chấp hành nghiêm túc nội qui, qui định của trường, lớp. Trong một lớp học được quản lí tốt, học sinh phải chuyên cần, chăm chỉ học tập, chăm chú nghe giảng bài, tích cực phát biểu xây dựng bài...Lớp học được quản lí tốt còn là một tập thể năng động, đoàn kết, có tinh thần tương thân tương ái.
2/ Ưu điểm và hạn chế của các phương pháp quản lí truyền thống:
+ Thứ nhất: Dùng người chuyên trách để quản lí lớp:
Trong các trường học trước đây và hiện nay các trường tư thục ở thành phố Hồ Chí Minh thường có những người chuyên trách quản lí học sinh (được gọi là giám thị hoặc quản sinh). Do chỉ làm một nhiệm vụ là quản lí HS và một người chỉ quản lí từ một đến vài ba lớp nên các quản sinh theo dõi, giám sát HS rất chặt chẽ, xử lí các vi phạm của HS kịp thời và rất chuyên nghiệp. Cho nên học sinh vì "ngán sợ" các thầy giám thị mà không dám vi phạm nội qui. Hạn chế của phương pháp này là tốn kém ngân sách để trả lương cho bộ phận chuyên trách này.
+ Thứ hai:Dùng GV làm công tác kiêm nhiệm (được gọi là GVCN):
Trách nhiệm của GVCN được qui định khá cụ thể tại điều 19, chương V theo Quyết định số 40/2006/QĐ/BGDĐT ngày 05 tháng 10 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Thế nhưng trên thực tế, GVCN thường được coi là người quản lí lớp học, thậm chí phải làm người thu các khoản tiền như học phí, quĩ hội...và là người tổ chức các hoạt động phong trào do Đoàn trường phát động cho lớp của mình. Rõ ràng là công việc là hết sức quá tải so với 4 tiết/tuần được tính cho GVCN trong khi người GVCN còn phải thực hiện nhiệm vụ chính là giảng dạy . Nhiều người thường cho rằng GVCN là GV dạy bộ môn ở lớp nên có thuận lợi là gần gũi và hiểu HS hơn nhưng điều này chỉ đúng một phần vì do số tiết dạy ở lớp và do áp lực của chương trình giảng dạy nên thời gian để tìm hiểu HS là không nhiều. Như vậy, để quản lí lớp CN được tốt, GVCN phải thường xuyên có mặt ở lớp rồi lại thường xuyên sắp xếp thời gian để tiếp xúc với PH và HS...Tất cả đều đòi hỏi người GVCN phải có một nhiệt tình lớn và một quĩ thời gian nhiều, nhưng đấy là điều không phải ai cũng có.
3/ Thế nào là phương pháp quản lí lớp học bằng các biện pháp giáo dục kỉ luật tích cực?
+Các biện pháp giáo dục như thuyết phục, cảm hóa, gần gũi và thương yêu HS để dần dần uốn nắn làm cho HS tích cực, tự giác chấp hành nội qui; tích cực, tự giác học tập vốn được coi là các biện pháp tích cực nhưng nói thì dễ, làm thì khó. Nếu chúng ta vẫn chỉ nói suông như thế thì tình trạng chất lượng giáo dục giảm sút, bạo lực học đường tràn lan như hiện nay là khó tránh khỏi. Biện pháp giáo dục kỉ luật tích cực hiện nay là kỉ luật phải hết sức nghiêm minh, kiểm tra đánh giá chất lượng văn hóa phải đúng thực chất để cho HS vì "sợ" bị kỉ luật, "sợ" ở lại lớp, "sợ" thi rớt mà phải tuân thủ nội qui, chăm chỉ học tập. Lúc đầu thì HS vì "sợ" mà tuân thủ nội qui, chăm chỉ học tập nhưng sau một thời gian các em sẽ quen dần. Việc đến trường thì phải học, phải chấp hành nội qui trở nên là điều bình thường, hiển nhiên chứ không còn cảm thấy bị bắt buộc nữa. Hãy lấy việc đội nón bảo hiểm làm ví dụ: Lúc đầu mọi người đội nón bảo hiểm là vì sợ bị phạt. Nhưng bây giờ nhiều người đã quen, nếu không đội nón bảo hiểm lại cảm thấy không tự nhiên, thoải mái khi tham gia giao thông.
+Phương pháp quản lí lớp học là để cho HS tự quản lí lẫn nhau. Điều này không mới vì chúng ta đã nói nhiều về việc HS tự quản nhưng việc tự quản chỉ là trong một vài tiết học GV vắng. Thực chất thì GVCN vẫn là người trực tiếp quản lí lớp. Để việc tự quản đúng thực chất thì GVCN chỉ nên đóng vai trò là người tổ chức, hướng dẫn và can thiệp khi cần thiết. Ban cán sự lớp (Lớp trưởng, các lớp phó,và các tổ trưởng) là người điều hành các hoạt động và quản lí các thành viên khác của lớp.
II.Các phương pháp:
1/ Quản lí lớp học bằng biện pháp giáo dục ý thức tôn trọng nội qui, kỉ luật của HS:
a) Sự cần thiết của kỉ luật trong nhà trường và thực trạng "nhờn" kỉ luật, coi thường nội qui của HS:
Để điều chỉnh hành vi của người công dân, Nhà nước phải có pháp luật; để buộc mọi người tôn trong pháp luật, cần phải có những thiết chế ,công cụ như tòa án, nhà tù...Tương tự như thế, Nhà trường cũng cần có nội qui, điều lệ để điều chỉnh hành vi của HS; cần các biện pháp kỉ luật để buộc HS phải tôn trọng nội qui. Nội qui không chặt chẽ, kỉ luật không nghiêm thì HS sẽ "nhờn". Học sinh "nhờn" kỉ luật thì kỉ cương, nền nếp của nhà trường sụp đổ, việc dạy và học sẽ không có chất lượng. Thực tế hiện nay có một số HS hư hỏng, đến trường không phải để học tập mà để tụ tập chơi bời, quậy phá. Do nhiều nguyên nhân như ảo tưởng về khả năng giáo dục, cảm hóa của nhà trường với đối tượng này; sự vô trách nhiệm của cha mẹ HS, các qui định về mức độ kỉ luật quá mềm; sự e ngại ảnh hưởng đến thành tích của nhà trường... nên số HS này vẫn ngang nhiên tồn tại. Điều nguy hiểm là những tấm gương xấu này lại có khả năng lây lan, lôi kéo một bộ phận HS "lưng chừng". Đây là những HS không chăm ngoan nhưng cũng chưa hư hỏng. Nếu thấy kỉ luật của nhà trường nghiêm thì số HS này sẽ khép mình trong khuôn khổ .Nhưng khi thấy những HS quậy phá mà chẳng bị nghiêm trị thì các HS này sẽ đua đòi, bắc chước để cuối cùng trở thành những HS hư. Do vậy, kỉ luật nghiêm khắc thì chỉ loại ra một số HS hư hỏng; kỉ luật không nghiêm thì sẽ làm hư luôn những HS chưa hư.
b)Làm thế nào để HS "tự giác" chấp hành nội qui, kỉ luật?
Thuyết phục, cảm hóa, tác động bằng tình cảm... để HS tự giác chấp hành nội qui thì nghe rất hay nhưng không thực tế. Với những HS chăm ngoan, có ý thức học tập thì chẳng cần ai thuyết phục, cảm hóa cả; các em rất tự giác chấp hành nội qui. Nhưng với đa số HS việc chấp hành nội qui là do "sợ" bị kỉ luật. Muốn HS chấp hành nội qui trước tiên các em phải hiểu nội qui; phải biết điều gì được làm, điều gì không được làm; vi phạm mức độ nào là bị phê bình, kiểm điểm trước lớp, bị hạ hạnh kiểm; vi phạm mức độ nào là bị đưa ra Hội đồng kỉ luật... Tất cả đều có trong Điều lệ, qui định của nhà trường nhưng HS lại không nhớ. Phải có những qui định thật rõ ràng, cụ thể và bắt HS học thuộc như người tham gia giao thông phải học thuộc luật giao thông (Xem Phụ lục 1). Để HS chấp hành tốt nội qui thì trách nhiệm không chỉ ở GVCN; đó còn là sự cộng đồng trách nhiệm của lãnh đạo nhà trường, Đoàn trường, phụ huynh HS...Tất nhiên GVCN phải chịu trách nhiệm chính nhưng như thế không có nghĩa là lãnh đạo trường, Đoàn trường không chịu trách nhiệm gì.
c) Các phương pháp quản lí lớp học bằng biện pháp giáo dục HS ý thức kỉ luật:
Thứ nhất là vai trò chỉ đạo, hướng dẫn của GVCN: Do GVCN không phải lúc nào cũng có mặt ở trường và nếu đến trường thì còn phải thực hiện nhiệm vụ giảng dạy ở các lớp khác nên việc quản lí lớp phải giao cho ban cán bộ lớp. GVCN tổ chức, giao nhiệm vụ và hướng dẫn cách quản lí lớp cho ban cán bộ lớp. GVCN phải thường xuyên kiểm tra, uốn nắn để cho bộ máy quản lí lớp chạy đều. Trong giờ sinh hoạt lớp, GVCN nên để cho ban cán bộ lớp điều hành và chỉ tham gia ý kiến chỉ đạo khi có những sự việc ban cán bộ lớp không giải quyết được.
Thứ hai là phát huy vai trò tích cực, chủ động của ban cán bộ lớp: Phải làm cho ban cán bộ lớp thấy rằng mình không phải là kẻ thừa hành, chỉ làm những công việc mà GVCN sai bảo. Ban cán bộ lớp phải có những quyền hành nhất định, phải có "tiếng nói" trong việc khen thưởng, xử lí kỉ luật và xếp loại hạnh kiểm HS. GVCN nên động viên ban cán bộ lớp đề xuất những biện pháp đưa lớp tiến bộ. Qua sự theo dõi của mình, ban cán bộ lớp có quyền yêu cầu các học sinh vi phạm nội qui hoặc lơ là học tập phải tự phê bình, kiểm điểm trước lớp... Tóm lại, vai trò của ban cán bộ lớp là hết sức quan trọng. Nó đòi hỏi cao tính gương mẫu, tinh thần trách nhiệm, tính trung thực, không vị nể và nhiệt tình cao của người cán bộ lớp. Do đó việc chọn được một ban cán bộ lớp tốt là yếu tố tiên quyết để quản lí lớp thành công. Kinh nghiệm cho thấy không phải việc để cho tập thể lớp bầu ban cán bộ lớp bao giờ cũng tốt. Tuy phát huy dân chủ là cần thiết nhưng thực tế HS thường ưa bầu những bạn vui vẻ, dễ dãi và sẵn lòng bao che cho những khuyết điểm của mình trước GVCN làm cán bộ lớp. Vì vậy, GVCN nên hướng cho lớp bầu những HS có phẩm chất mà mình đã lựa chọn. Nếu cần, GVCN trực tiếp chỉ định các HS làm cán bộ lớp thì vẫn tốt hơn so với bầu cử dân chủ nhưng không chọn được HS xứng đáng.
Thứ ba là phát huy yếu tố "cộng đồng trách nhiệm": Phát huy tính cộng đồng trách nhiệm tức là làm cho những HS tốt hiểu rằng chỉ mình tốt là chưa đủ mà phải giúp cho bạn mình cùng tốt và làm cho những HS chưa tốt hiểu rằng việc mình vi phạm nội qui, lười học... không chỉ mình chịu hậu quả mà còn làm cho các bạn khác cũng bị "vạ lây". Muốn vậy, GVCN phải xây dựng nội dung và biểu điểm thi đua giữa các tổ để khen thướng các tổ thi đua tốt và lấy kết quả thi đua tổ để định mức tỉ lệ phần trăm các xếp loại hạnh kiểm của những thành viên trong tổ. Ví dụ tổ xếp hạng nhất thì định mức là 80% HS được xếp loại HK tốt, hạng nhì định mức là 60%, hạng ba định mức là 40%, hạng chót định mức là 20%...(Xem Phụ lục 2)
Thứ tư là phối hợp với PHHS như thế nào để vừa tiết kiệm thời gian vừa có hiệu quả?
Cách làm truyền thống là GVCN mời PHHS vi phạm đến trường để trao đổi biện pháp giáo dục HS hoặc tìm đến nhà HS để gặp cha mẹ các em. Cách làm này tốn nhiều thời gian của cả 2 bên do đó chỉ nên áp dụng khi thật cần thiết. Cách thứ hai là liên lạc bằng điện thoại. Cách này tiện lợi nhưng tốn kém và đôi khi hiệu quả không cao (chẳng hạn như PHHS gọi điện xin phép cho con nghỉ học...). Cách thứ ba: GVCN lấy chữ kí mẫu của PHHS vào đầu năm. Đơn xin phép nghỉ học của HS phải có chữ kí xác nhận đúng mẫu của PH. Những HS vi phạm nội qui, không thuộc bài... đều phải làm bản tự kiểm trước lớp. Bản tự kiểm đó phải có ý kiến và chữ kí đúng mẫu của PH. Như vậy HS sẽ không giả mạo được và PH sẽ nhận được các thông tin về việc học tập cũng như hạnh kiểm của con em mình.
2/ Quản lí lớp học để nâng cao chất lượng học tập của HS:
a) Chất lượng, hiệu quả của một giờ học nhìn từ phía HS:
Một tiết học có chất lượng và hiệu quả thì bên cạnh vai trò của GV còn có vai trò của HS bởi chính HS sẽ tạo tâm thế và cảm hứng cho tiết dạy của GV. Một lớp học mà HS không thuộc bài cũ, không chuẩn bị bài mới, không tập trung nghe giảng, không đưa tay phát biểu...thì GV có kinh nghiệm, nhiệt tình bao nhiêu cũng đành bất lực. Với những lớp mà HS thông minh, chăm học thì tự nó đã có "không khí" để tạo tâm thế và cảm hứng cho GV. Nhưng với các lớp HS vừa yếu vừa lười học thì các biện pháp quản lí của GVCN để tạo "không khí" lớp học là rất cần thiết.
b)Các biện pháp quản lí:
Một là phát huy vai trò của cán bộ lớp và cán sự bộ môn: Có những tiết học do GV bộ môn bao quát lớp tốt nên HS học tập nghiêm túc nhưng cũng có những tiết học GV bộ môn "thoải mái", HS thừa cơ hội nói chuyện riêng gây mất trật tự. Ở những tiết này, vai trò và khả năng quản lí lớp của ban cán bộ lớp sẽ được phát huy. Bằng các biện pháp như nhắc nhở, ghi tên các HS làm mất trật tự để phê bình, kiểm điểm trước lớp, ban cán bộ lớp có thể giúp lớp học ổn định. Ban cán bộ lớp theo dõi, ghi nhận việc soạn bài, học bài cũ và phát biểu xây dựng bài của HS để làm căn cứ xếp loại thi đua giữa các tổ và để biểu dương những HS học tốt, phê bình kiểm điểm những học sinh không soạn bài, làm bài tập ở nhà , không thuộc bài cũ...Ban cán bộ lớp tổ chức, phân công cho các cán sự bộ môn giúp các bạn giải những bài tập khó và quản lí lớp để việc tự học ở 15 phút đầu giờ có hiệu quả.
Hai là các hình thức khen thưởng và khiển trách HS trong học tập: Những HS không soạn bài, làm bài tập, không thuộc bài cũ...đều phải làm phê bình, kiểm điểm trước lớp. Cần phải đưa việc học tập vào xếp loại hạnh kiểm HS. Số lần làm phê bình, kiểm điểm về học tập cũng như về thực hiện nội qui càng nhiều thì xếp loại HK càng thấp. Tuy nhiên cũng nên tạo cơ hội cho HS phấn đấu trong học tập. Chẳng hạn một HS kiểm tra bài cũ môn này bị điểm 2 nhưng nếu đạt được điểm 8 kiểm tra miệng môn khác thì sẽ được xóa một lần kiểm điểm trong tuần đó. Việc khen thưởng HS cũng cần có hình thức riêng. Thông thường chỉ có những HS Giỏi, Khá được khen thưởng. Một HS học lực yếu mà phấn đấu lên TB thì không được khen mặc dù với HS đó việc đạt được loại TB là một cố gắng lớn.Bởi vậy, GVCN nên phối hợp với Chi hội PHHS có hình thức khen thưởng cho các HS có tiến bộ trong học tập như từ TB lên Khá, Yếu lên TB...Để việc học tập của mỗi HS trở thành phong trào, GVCN cần cụ thể hóa các khâu học bài cũ, chuẩn bị bài mới, phát biểu xây dựng bài thành các chỉ tiêu cụ thể trong thi đua giữa các tổ. Những tờ tự phê bình hoặc kiểm điểm của các HS không thuộc bài phải được PH xem và kí tên xác nhận. Như vậy, PH có thể nắm được tình hình học tập của con em mình để phối hợp với GVCN có biện pháp giáo dục thích hợp.
III.Kết luận và kiến nghị:
1/ Kết luận:
Nếu gặp một tập thể lớp ngoan ngoãn và chăm chỉ thì công tác chủ nhiệm của GV là một công tác hết sức thú vị. Giữa GVCN và HS sẽ có một quan hệ thân ái và gắn bó. GVCN khi đó là người bạn tâm tình, người cố vấn tin cậy cho HS về các vấn đề hóc búa của tuổi mới lớn, là người hướng dẫn cho các em về lẽ sống, về cách sống, về nghề nghiệp tương lai...Tuy nhiên, thực tế hiện nay công tác chủ nhiệm là một công tác nặng nề và chán ngán bởi GVCN phải dồn hết công sức để "đối phó" với những HS cá biệt, những HS đến trường để chơi chứ không phải để học. Hiện tượng nhiều GV không kềm chế được nên chửi mắng, thậm chí đánh cả HS không phải không có một phần nguyên do từ những HS như thế.
2/ Kiến nghị:
Chúng ta phải chấp nhận một thực tế là trong nhà trường phổ thông hiện nay có những học sinh thiểu năng trí tuệ. Các em này dù chăm ngoan nhưng không thể tiếp thu bài học một cách bình thường như các HS khác. Đã chậm hiểu lại học trước quên sau nên nhiều khi thầy cô cho lên lớp chỉ vì thấy "tội" hoặc vì chạy theo thành tích. Bên cạnh đó là những HS thiểu năng về hành vi đạo đức. Đây là những HS đến trường chỉ để chơi bời, quậy phá mà dù thầy cô CN hết lời khuyên bảo, phân tích thiệt hơn; cha mẹ khóc lóc năn nỉ, thậm chí đánh đập thì vẫn chứng nào tật nấy. Ở các nước có nền giáo dục tiên tiến, những HS như thế sẽ được giáo dục trong một trường học chuyên biệt với những phương pháp giáo dục mang tính đặc thù còn ở nước ta tất cả đều gom vào trường phổ thông. Như thế việc giáo dục những HS này vừa không hiệu quả vừa ảnh hưởng đến môi trường giáo dục gây bất lợi cho những HS khác. Bởi vậy, theo tôi, có lẽ không nên đầu tư vào việc xây dựng trường chuyên rất tốn kém mà hiệu quả vẫn chưa thấy đâu mà nên đầu tư xây dựng những trường học chuyên biệt cho các HS thiểu năng để tạo cơ hội cho các em vào đời như những HS bình thường khác.
Phụ lục 2
NỘI DUNG VÀ BIỂU ĐIỂM THI ĐUA TỔ

MỤC

NỘI DUNG

ĐIỂM

I.
NỘI
QUI

1/ Tác phong(trang phục giày dép, phù hiệu...):
+ Tổ không có HS vi phạm tác phong:
+ Có 1 HS vi phạm về tác phong:
2/ Chuyên cần:
+ Tổ không có HS vắng trễ, cúp tiết:
+ Có 1 HS vắng KP hoặc cúp tiết:
+ Có 1 HS vắng có phép hoặc trễ:
3/ Hành vi:
+ Tổ không có HS vi phạm:
+ Có 1HS có hành vi xấu bị kiểm điểm (theo qui chuẩn XL HK HS):
+ Có 1 HS có hành vi xấu bị phê bình( theo qui chuẩn xếp loại HK HS):

+10 đ
-5 đ
+10 đ
-5 đ
– 3 đ
+10 đ
-5 đ
– 3 đ

II
HỌC
TẬP

1/ Kiểm tra bài cũ:
+ Có 1 HS đạt điểm 8 trở lên:
+ Có 1 HS đạt điểm 6. 7:
+ Có 1 HS bị điểm 3, 4:
+ Có 1 HS bị điểm 2 trở xuống:
2/ Soạn bài và làm bài tập:
+ Có 1 HS không soạn bài, làm BT bị kiểm điểm:
+ Có 1 HS không SB, làm BT bị phê bình:
3/ Phát biểu xây dựng bài:
+ Xung phong phát biểu đúng:
+ Xung phong phát biểu nhưng sai:

+ 5 đ
+3 đ
-3 đ
– 5 đ
-5 đ
– 3 đ
+ 5 đ
+ 3 đ

III
HOẠT
ĐỘNG
KHÁC
(nếu
có)

1/ Tổ trực nhật có 1 ngày trực không tốt:
2/ Lao động:
+ Tổ có HS đi LĐ đầy đủ và hoàn thành tốt công việc:
+ Tổ có HS vắng, chưa hoàn thành tốt nhiệm vụ:
3/ Tham gia các phong trào Đoàn:
+ Tổ tham gia các hoạt động phong trào tích cực, được tuyên dương:
+ Tổ tham gia các hoạt động phong trào qua loa,chiếu lệ:

-5 đ
+10 đ
-10 đ
+10 đ
-10 đ

KHEN THƯỞNG VÀ KHIỂN TRÁCH
1/ Xếp hạng : Tổ hạng nhất Tuần là tổ có tổng điểm cao nhất tuần. Tổ hạng nhất HK là tổ có số tuần xếp hạng Nhất cao nhất.( Nếu có 2 tổ có số tuần xếp hạng Nhất bằng nhau thì so các tuần được xếp hạng hạng nhì, ba)
2/ Xếp hạng thi đua Tổ là căn cứ để khống chế tỉ lệ xếp loại HK Tốt của HS trong tổ. Cụ thể như sau:
Tổ xếp hạng Nhất: Tỉ lệ HK Tốt của tổ từ 80% đến 100%
Tổ xếp hạng Nhì : Tỉ lệ HK Tốt của tổ là từ 60% đến dưới 80%
Tổ xếp hạng Ba: Tỉ lệ HK Tốt của tổ từ 40% đến dưới 60%.
Tổ xếp hạng Tư: Tỉ lệ HK Tốt của tổ từ 20 đến dưới 40%
Phụ lục 1: QUI CHUẨN XẾP LOẠI HẠNH KIỂM
I. Căn cứ xếp loại Hạnh kiểm:
Căn cứ để xếp loại HK học sinh là "Điều lệ trường PTTH" của Bộ GD&ĐT và Nội qui của trường THPT Tôn Đức Thắng . Các HS vi phạm Điều lệ và Nội qui sẽ bị đưa ra phê bình, kiểm điểm trước tập thể lớp và toàn trường. GVCN và Ban cán sự lớp sẽ căn cứ vào số lần vi phạm và mức độ vi phạm để xếp loại HK của HS. Cụ thể như sau:
1/ Xếp loại HK Tốt:
+ HS không bị đưa ra phê bình, kiểm điểm trước lớp.
+ Có số ngày nghỉ có phép không quá 4 ngày/HK.
2/ Xếp loại HK Khá:
+ HS có 1 lần bị đưa ra kiểm điểm hoặc 2 lần bị phê bình trước lớp.
+ Có số ngày nghỉ có phép không quá 6 ngày/HK.
3/ Xếp loại HK TB:
+ HS có 1 lần bị phê bình trước toàn trường.
+ HS có 2 lần bị đưa ra kiểm điểm hoặc 4 lần bị phê bình trước lớp.
+ Có số ngày nghỉ có phép không quá 10 ngày/HK.
3/ Xếp loại HK Yếu:
+ HS bị đưa ra Hội đồng kỉ luật nhưng chưa đến mức độ bị đuổi học.
+ HS vi phạm trong kiểm tra tập trung, thi HK (bị lập biên bản)
+ HS có 2 lần bị phê bình trước toàn trường.
+ HS có 3 lần kiểm điểm hoặc 6 lần bị phê bình trước lớp.
+ Có số ngày nghỉ có phép từ 10 ngày trở lên/HK.
II. Các mức độ vi phạm phải làm phê bình, kiểm điểm trước lớp:
1/ Mức độ kiểm điểm:
+ Vắng không phép hoặc đơn xin phép không hợp lệ, cúp tiết.
+ Vi phạm tác phong: đồng phục, tóc tai, dép lê, phù hiệu...
+ Vô lễ với người lớn hoặc có hành vi xấu (gian lận, làm hư hại tài sản, làm mất vệ sinh trường lớp...)
+ Không thuộc bài (kiểm tra miệng bị điểm 2 trở xuống), không soạn bài và làm bài tập.
+ Không chấp hành qui định và sự phân công của GV và Ban cán bộ lớp.
+ Gây mấy trật tự, nói chuyện, làm việc riêng, không tập trung, không ghi chép... trong giờ học bị GV nhắc nhở.
2/ Mức độ phê bình:
+ Có hành vi hoặc lời nói khiếm nhã với bạn bè.
+ Chưa thuộc bài (KTM bị điểm 3 ,4), có soạn bài và làm bài tập nhưng chưa đầy đủ, nghiêm túc.
+ Gây mất trật tự, nói chuyện trong 15 phút sinh hoạt đầu giờ hoặc trong giờ học nhưng chưa đến mức bị GV nhắc nhở.
+ Chưa hoàn thành nhiệm vụ được giao.
+ Vào lớp trễ (15 phút đầu giờ, đầu tiết học).
· Ghi chú:
+ Những HS bị kiểm điểm 3 lần trước lớp (2 lần phê bình = 1 lần kiểm điểm) mà không có sự tiến bộ thì GVCN và Ban cán bộ lớp sẽ xem xét để đề nghị đưa ra Hội đồng kỉ luật của trường.
+ Những HS bị phê bình, kiểm điểm về mặt học tập (không thuộc bài) nếu như có sự tiến bộ trong tuần ( KT M các lần sau đạt điểm 8 trở lên, tích cực phát biểu xây dựng bài...) sẽ được xem xét để xóa kiểm điểm trong tuần đó.
+ HS nghỉ học do nằm viện trị bệnh có giấy của bệnh viện thì số ngày nghỉ đó không tính vào việc xếp loại HK.

�nh-�7P�k-

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro

Tags: #giaoduc