MỘT SỐ BIỆN PHÁP NGĂN NGỪA "BẠO LỰC HỌC ĐƯỜNG" CỦA GIÁO VIÊN CHỦ NHIỆM
Thực hiện: GV Phạm Thành Định Đơn vị: THPT Sông Ray
I. ĐẶT VẤN ĐỀ:
Hiện tượng học sinh gây sự, đánh nhau vốn đã tồn tại trong trường học từ rất lâu, tuy nhiên nó mang tính chất bộc phát và hậu quả thường ít nghiêm trọng. Cùng với sự phát triển của kinh tế thị trường, do sự du nhập của các trào lưu văn hóa khác nhau, "bạo lực học đường" ngày càng tăng cả về tần suất và mức độ nghiêm trọng.
Là một giáo viên chủ nhiệm ở trường THPT, trước tình hình tệ nạn xã hội bủa vây, diễn biến tâm lý lứa tuổi của học sinh rất phức tạp. Tôi nhận thấy, một trong các nhiệm vụ cấp bách là tìm hiểu rõ nguyên nhân của hiện tượng bạo lực học đường. Từ đó đưa ra các giải pháp hữu hiệu để ngăn ngừa và hạn chế học sinh tham gia vào vấn nạn trên.
Với mong muốn đặt vấn đề để quý thầy cô cùng bàn luận, cùng tìm ra các biện pháp tối ưu nhằm ngăn ngừa và đẩy lùi tình trạng học sinh ứng xử với nhau bằng bạo lực và tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra, tôi mạnh dạn xây dựng chuyên đề: Một số kinh nghiệm trong công tác chủ nhiệm lớp trước "vấn nạn bạo lực học đường"ở trường THPT Sông Ray để trình bày trước hội nghị ngày hôm nay.
Bản thân dù đã cố gắng nhưng còn ít kinh nghiệm nên không khỏi có những thiếu sót trong lý luận và thực tiễn, rất mong nhận được sự góp ý chân thành từ quý thầy cô để chuyên đề được hoàn thiện hơn.
II. NỘI DUNG CHUYÊN ĐỀ:
1. Cơ sở lý luận:
1.1./ Bạo lực học đường: Tính chất và hậu quả.
Bạo lực học đường là hệ thống xâu chuỗi lời nói, hành vi mang tính bạo lực như: miệt thị, đe dọa, khủng bố(1),...giữa người với người trong nhà trường. Đó có thể là thầy cô dùng các biện pháp "bạo lực" để trừng phạt học sinh; đó có thể là học sinh giải quyết mâu thuẫn với nhau bằng cách sỉ vả, đánh đập, đâm chém nhau,...Chuyên đề này chủ yếu bàn về khía cạnh thứ hai: học sinh ứng xử với nhau bằng các hành vi bạo lưc.
Bạo lực trong học sinh diễn ra ngày càng nhiều với tính chất ngày càng nghiêm trọng. Các phương tiện thông tin đại chúng thường xuyên đưa tin về học sinh đánh nhau, hình thức gây án mang tính chất côn đồ, có nhiều vụ các băng nhóm thanh toán nhau theo kiểu xã hội đen.
Về hậu quả, thứ trưởng bộ GD&ĐT Trần Quang Quý nhận định: "học sinh đánh nhau là hành vi tiêu cực, để lại nhiều hậu quả cả về mặt thể chất, tâm lý và tinh thần cho các em, không chỉ làm cho các em lo lắng, đau khổ nhất thời, mà còn làm ảnh hưởng tới sự phát triển tình cảm, xã hội và thể chất của học sinh, khiến thành tích học tập của các em bị giảm sút"(2).
1.2./ Nguyên nhân tình trạng "Bạo lực học đường" gia tăng:
Khi bàn về nguyên nhân dẫn đến tình trạng "bạo lực học đường trong học sinh" gia tăng trong thời gian qua dư luận có nhiều ý kiến khác nhau. Ngoài nguyên nhân chủ quan là sự bồng bột, thiếu chín chắn của lứa tuổi còn có nhiều nguyên nhân khác. Tựu chung lại có hai nguyên nhân chính như GS Vũ Khiêu nhận định: "Một là giáo dục đạo đức trong gia đình, nhà trường, xã hội; mặt khác là sự thiếu nghiêm minh của pháp luật"(3).
Thứ nhất, việc giáo dục đạo đức trong gia đình, nhà trường và xã hội là nhân tố xuyên suốt, quyết định sự hình thành nhân cách của trẻ.
Trước hết, sự tác động trực tiếp và thường xuyên đến nhân cách, đến lối hành xử của học sinh qua các hành vi ứng xử từ gia đình và xã hội. Ở nhiều gia đình không có không khí dân chủ, các thành viên thiếu sự quan tâm chia sẻ và quen ứng xử với nhau bằng bạo lực,.... Trong khi ngoài xã hội bạo lực tràn lan, người ta giải quyết mâu thuẫn một cách nhanh chóng bằng các hình thức bạo lực, mà ở đó chiến thắng luôn thuộc về kẻ mạnh.
Bên cạnh đó, là ảnh hưởng tiêu cực từ phim ảnh, iternet mà đặc biệt là game bạo lực. Theo TS Huỳnh Văn Nam: "Đến với trò chơi điện tử, các em sẽ được làm theo những gì mình thích để thỏa mãn sự tò mò mang tính tâm lý. ...Có rất nhiều trường hợp các game thủ mang chính những "kỹ năng" của mình từ trò chơi điện tử áp dụng vào cuộc sống ngoài đời thực"(4).
Về phía nhà trường, hiện thiên về dạy kiến thức, mà ít giáo dục đạo đức, kỹ năng ứng xử cho học sinh. Thực tế, "dạy học môn giáo dục đạo đức không hiệu quả, không thiết thực, học chưa đi đôi với hành"(5). Giáo viên, phần vì bị áp lực dạy kịp PPCT, dạy để học sinh đi thi; phần vì quản lý quá nhiều học sinh,... nên ít có thời gian quan tâm, gần gũi, chia sẻ với các em. Khi xảy ra sự va chạm trong học sinh, giáo viên chủ nhiệm ít khi giúp đỡ các em giải quyết triệt để, hợp lý vướng mắc dẫn đến mâu thuẫn. Do đó các em thường "tự xử" bằng các hành vi bạo lực.
Đến trường bị áp lực học tập đè năng, về nhà bị bỏ rơi, xã hội thì thờ ơ với các hành vi xấu, từ đó các em trở nên quậy phá, "kiếm chuyện" như là cách để tìm kiếm sự quan tâm và dần trở thành thói quen.
Thứ hai, sự quản lý lỏng lẻo của nhà trường và sự thiếu nghiêm minh của pháp luật cũng là nhân tố làm tăng bạo lực học đường. Ở các trường, việc thực hiện nội quy trường lớp không nghiêm, xử lý kỷ luật không hiệu quả, thiếu các chế tài mang tính răn đe. Phía cơ quan thực thi pháp luật xử lý những kẻ gây rối, làm mất trật tự xã hội chưa nghiêm khắc để làm giương. GS Nguyễn Lân Dũng từng nói:"Nhân đạo với một thiểu số(người giây bạo lưc) tức là không nhân đạo với số đông học sinh"(3). Tôi nghĩ đây là điểm hầu hết các trường đang vướng mắc khi xử lý học sinh tham gia bạo lực.
Vậy, nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến bùng phát bạo lực học đường trong những năm gần đây là do thiếu cơ chế phối hợp giáo dục hiệu quả từ ba phía: gia đình, nhà trường và xã hội.
1.3./ Nhiệm vụ giáo dục đạo đức học sinh của giáo viên chủ nhiệm lớp:
Căn cứ điều lệ trường THPT, có thể tóm tắt các nhiệm vụ cơ bản của giáo viên chủ nhiệm lớp trong việc giáo dục đạo đức học sinh như sau:
– Giáo viên chủ nhiệm là người trực tiếp quản lý học sinh trong lớp; phôi hợp đoàn trường, ban quản sinh và PHHS để quản lí và giáo dục đạo đức học sinh. Tổ chức để lớp thi đua học tập, xây dựng tập thể nề nếp, thân thiện; tạo môi trường để học sinh thực hành các hành vi đạo đức, kỹ năng sống.
– Là người trước tiên nắm bắt những biến động tâm lý của học sinh; đóng vai trò là "nhà tư vấn tâm lý" giúp học sinh tìm ra phương hướng giải quyết các vướng mắc gặp phải trong cuộc sống.
Như vậy giáo viên chủ nhiệm đóng vai trò quan trọng và có nhiệm vụ ngăn ngừa, hạn chế hành vi ứng xử có tính bạo lực của học sinh lớp mình.
2./ Cơ sở thực tiễn:
2.1./ Thực trạng "Bạo lực học đường" ở trường THPT Sông ray:
Tình hình học sinh vi phạm kỷ luật, trong đó có "bạo lực học đường" ở trường THPT Sông Ray mấy năm qua có xu hướng tăng, cả về số vụ và mức độ. Theo thống kê từ Ban quản sinh của nhà trường tôi có số liệu sau:
TT
Năm học
Tổng số học
sinh vi phạm
Số lượt học sinh tham gia BLHĐ
Mức độ
Số học sinh bị kỷ luật đuôi học
Nhẹ
Nặng
1
2008 – 2009
35
20
16
4
03
2
2009 – 2010
40
28
19
9
05
3
02 tháng đầu
2010 – 2011
14
7
3
4
04
Vấn đề là, còn rất nhiều những mâu thuẫn đang manh nha và nhiều vụ "bạo lực" đã xảy ra bên ngoài mà nhà trường không thể thống kê và xử lý hết được.
2.2./ Nhận thức của giáo viên làm công chủ nhiệm về "vấn nạn bạo lực học đường":
Giáo viên làm công tác chủ nhiệm ở trường THPT Sông Ray nói riêng, nhiều nơi khác nói chung cũng rất trăn trở và bức xúc trước tình trạng "bào lực học đường" gia tăng. Tuy nhiên, các phương pháp mà giáo viên được trang bị và áp dụng hiện này ít có hiệu quả. Vì vậy, trong thực tế không ít giáo viên khi có học sinh vi phạm thì đề nghị xử lý kỷ luật nặng như đuổi học hoặc làm các em nản chí bỏ học,...cốt để loại bỏ học sinh cá biệt ra khỏi lớp; mà ít khi tìm biện pháp giáo dục hiệu quả hơn cho từng học sinh.
Qua thực trạng trên tôi đặt ra câu hỏi: Những giải pháp nào hiệu quả để ngăn ngừa và đẩy lùi "bạo lực" trong nhà trường hiện nay?
3. Các giải pháp nhằm ngăn ngừa và từng bước đây lùi bạo lực học đường:
3.1./ Các giải pháp vĩ mô do các chuyên gia giáo dục và nhà quản lý đề xuất nhằm ngăn ngừa, từng bước đây lùi bạo lực học đường:
a) Xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ ba môi trường giáo dục: gia đình – nhà trường – xã hội. Đồng thời, xã hội và ngành giáo dục cần xác định rõ lại vai trò, vị trí của người thầy, quyền hạn và trách nhiệm trong nhiệm vụ giáo dục đạo đức học sinh. Người thầy và nhà trường phải được bảo vệ danh dự và có đủ cơ chế để răn đe học sinh.
b) Thực thi nghiêm khắc pháp luật, trong đó xử lý triệt để các vi phạm pháp luật về gây rối trật tự xã hội, bạo lực gia đình,..và thực hiện nghiêm các quy định về quản lý dịch vụ internet, ngăn chặn game bạo lực. Qua đó ngăn ngừa thói quen ứng xử bạo lực trong lớp trẻ. Nhà trường cần thực hiện các biện pháp kỷ luật nghiêm minh, hiệu quả để tạo cơ chế răn đe. Kể cả phải áp dụng hình thức đuổi học, bởi như PGS Văn Như Cương từng nói:"nếu không đuổi học thì hình như các hình thức kỷ luật khác không có hiệu quả gì nhiều về mặt giáo dục"(5).
c) Theo TS Đinh Phương Duy: "Cần nghiên cứu bài bản tâm sinh lý lứa tuổi của học trò ngày nay, những nghiên cứu trước đây đã không còn phù hợp với các em trong một điều kiện xã hội mới"(6). Từ đó, trang bị cho các nhà quản lý, giáo viên và phụ huynh phương pháp giáo dục đạo đức phù hợp, hiệu quả hơn.
d) Nhà trường cần quản lý chặt chẽ việc thực hiện nội quy trường – lớp của học sinh. Phải nắm được sơ bộ danh sách các học sinh cá biệt, có dấu hiệu bạo lực để có biện pháp quản lý phù hợp. Thực hiện nghiêm việc cấm học sinh mang "hung khí" tới trường, kể cả việc học sinh mang dao gọt trái cây, kéo cắt giấy,...Phát huy trách nhiệm đội ngũ giáo viên chủ nhiệm trong việc thường xuyên nhắc nhở học sinh tránh các hành vi ứng xử bạo lực, đồng thời nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của từng học sinh. Phát hiện sớm các vướng mắc trong quan hệ bạn bè của các em, giúp các em tìm hướng giải quyết hợp lý. Tình thương, trách nhiệm là phương thuốc hiệu nghiệm ngăn chặn bạo lực học đường.
e) Tổ chức hoạt động ngoại khóa, dạy hoạt động ngoài giờ, dạy nghề phổ thông với hình thức hấp dẫn để thu hút sự quan tâm của học sinh. Qua đó, kết hợp trang bị kỹ năng ứng xử, phương pháp phối hợp nhóm,...tạo điều kiện để các em giao tiếp, thực hành các hành vi đạo đức; giúp các em hình thành các mối quan hệ bạn bè trong sáng. Đồng thời cần lồng gép việc cập nhật và thông báo các vụ bạo lực học đường điểm hình, tổ chức để các em thảo luận phân tích hậu quả để các em tự rút kinh nghiệm cho bản thân.
3.2./ Một số các giải pháp cụ thể của giáo viên nhằm ngăn ngừa học sinh lớp chủ nhiệm tham gia bạo lực học đường:
Ở góc độ là một giáo viên chủ nhiệm lớp, để ngăn ngừa bạo lực xảy ra đối với học sinh lớp mình, qua nghiên cứu tìm hiểu tôi đã áp dụng một số biện pháp cụ thể sau:
Một là, giáo viên cần nắm rõ hoàn cảnh gia đình của học sinh lớp mình, đặc biệt là các học sinh hiếu động hoặc trầm lặng, học sinh cá biệt. Giáo viên nên gặp trực tiếp phụ huynh để trao đổi tìm hiểu thêm về tính cách của học sinh. Từ đó có các biện pháp quan tâm, quản lý, giáo dục phù hợp. Phối hợp chặt chẽ với gia đình để theo dõi, quản lý học sinh về thời gian, bạn bè,...của các em. Hai trường hợp cụ thể tôi đã áp dụng biện pháp này mang lại hiệu quả như sau: Trường hợp thứ nhất, đầu năm học 2009 -2010, em Nguyễn Hồng Phúc – học sinh lớp 12B8 (do tôi chủ nhiệm) thường xuyên vi phạm nề nếp. Khi đến nhà, làm việc với phụ huynh tôi được biết: Phúc là con mẹ kế, do ba của em so bì em với anh chị con mẹ cả (vốn rất thành đạt); nên em rất bất mãn, chán nản và hay nói dối người lớn. Một trường hợp khác, đầu năm học 2010 -2011 qua trao đổi với phụ huynh tôi được biết em Nguyễn Phú Điền(lớp 12B5 do tôi chủ nhiệm) là một học sinh lớn tuổi do ở lại lớp hai lần, rất tích cực tham gia công việc nhà nhưng hay tự ái, tự ty,...Từ thông tin có được, tôi đã có sự tác động phù hợp để hai em nghiêm túc thực hiện nội quy, khi các em vi phạm tôi có biện pháp trách phạt phù hợp tránh để các em bất mãn, chống đối nhưng vẫn nghiêm, công bằng.
Hai là, giáo viên chủ nhiệm phải là địa chỉ tin cậy để học sinh tâm sự, chia sẻ từ đó có được các thông tin rất cần thiết và kịp thời. Muốn vậy, giáo viên phải chủ động tìm hiểu kiếm thông tin về bạn bè, sở thích, năng khiếu của các em. Rồi chủ động tiếp cận và sử dụng những thông tin có được để tâm sự, chia sẻ với các em, qua đó bày tỏ quan điểm của mình trong giáo dục. Điều này có tác dụng rất quan trọng, nừa thể hiện sự quan tâm của mình tới các em khiến các em sẽ nể phục và tin tưởng vào giáo viên hơn. Sau nữa khi được giáo viên thăm hỏi các em sẽ trung thực hơn. Khi tạo được uy tín và niềm tin từ học sinh, giáo viên sẽ nhận được nhiều thông tin kịp thời để có biện pháp giải quyết sớm các sự việc, nhất là các mâu thuẫn giữa học sinh với nhau. Các trường hợp điển hình tôi đã áp dụng có hiệu quả như sau: Trường hợp thứ nhất, năm học 2004 – 2005, tôi chủ nhiệm lớp 10C14 có em Phạm Thị Nhã Phương là một học sinh cá biệt, qua bạn bè tôi biết được vài thông tin về nhóm bạn của Phương, khi trò chuyện với em tôi nhắc tới họ, em rất ngạc nhiên, từ đó em khá trung thực với thầy chủ nhiệm và thực hiện nội quy trường lớp nghiêm túc hơn. Trường hợp thứ hai, hết học kỳ I năm học 2008 – 2009, tôi cho học sinh viết Bản tự kiểm có mục "Nhân xét cán bộ lớp và bày tỏ ý kiến cá nhân"; qua đó phát hiện em Nguyễn Thị Cẩm Nhung là thủ quỹ lớp 11C (do tôi chủ nhiệm) sử dụng tiền quỹ không rõ ràng. Sau sự việc, em Nhung tuyên bố sẽ gọi người "xử" những bạn tố cáo mình. Nhờ thư góp ý, tôi biết sớm và xử lý ổn thỏa, lớp trở lại vui vẻ, đoàn kết.
Ba là, thực hiện kỷ luật nghiêm minh, rõ ràng và công bằng; trên cơ sở tìm hiểu nguyên nhân sâu xa của sự việc, giúp học sinh có phương hướng giải quyết triệt để những vướng mắc. Một điều quan trọng là: vào đầu năm triển khai nội quy trường lớp giáo viên chủ nhiệm phải giải thích thêm các mức độ kỉ luật cho từng vi phạm, giải thích rõ hậu quả của từng mức độ kỷ luật. Tổ chức hệ thống cán bộ lớp – chi đoàn đủ mạnh vừa để tổ chức các hoạt động của lớp, vừa theo dõi đầy đủ việc thực hiện nề nếp của các thành viên; hàng tuần có báo cáo, cuối tháng có tổng hợp. Biện pháp này phải trở thành biện pháp nhắc nhở, răn đe thường xuyên tới từng cá nhân qua đó điều chỉnh hành vi của các em. Tôi đã áp dụng biện pháp này với em Nhung(nêu trên). Sau khi kiểm tra thông tin và xác định em vi phạm ba lỗi: sử dụng tiền quỹ sai quy định; kéo bè, kéo phái làm mất đoàn kết lớp và có ý đồ tổ chức đánh nhau. Tôi cho họp lớp kỷ luật, cắt nhiệm vụ thủ quỹ, bắt bồi thường tiền của lớp, xếp hạnh kiểm trung bình học kỳ I. Đồng thời giao nhiệm vụ mới là trưởng ban văn nghệ lớp và đặt ra mục tiêu lớp phải có tiết mục tham gia đêm chung kết hội thi văn nghệ của trường. Qua theo dõi, nhắc nhở, động viên; Nhung tiến bộ rõ rệt, hoàn thành nhiệm vụ được giao và hết lớp 12 thi đậu vào Trường Cao đẳng y tế Đồng Nai, ngành điều dưỡng. Một trường hợp khác, năm học 2009 – 2010 em Lê Quang Trọng (lớp 12B8 – do tôi chủ nhiệm) do đánh bài nợ tiền không có trả dẫn đến ăn cắp xe đạp nhằm bán trả nợ nhưng không thành. Sau khi bị nhà trường kỷ luật đuổi học 01 tuần em trở lại lớp học nhưng vẫn tiếp tục xích mích với nhóm bạn mà em nợ tiền. Khi có thông tin từ lớp, tôi làm việc với em để nắm rõ nguyên nhân sự việc. Tôi đã mời phụ huynh của em lên, yêu cầu gia đình cho em mượn số tiền 800 ngàn đồng để trả cho bạn. Đồng thời, yêu cầu Trọng viết cam kết phải nghiêm túc học tập, không vi phạm kỷ luật và trả lại tiền cho gia đình sau một năm ra trường. Biện pháp này giúp em giải quyết triệt để nguyên nhân sự việc, tập trung cho học tập và cuối năm mặc dù học yếu nhưng em đã thi đậu tốt nghiệp và đi học trung cấp nghề.
Bốn là, xây dựng phong trào văn nghệ, tổ chức đố vui để học trong lớp hàng tuần vào 20 phút cuối giờ sinh hoạt; tổ chức mừng ngày 8/3: các em nam tặng quà(tự làm) cho các bạn nữ,... Qua đó giúp học sinh tự tin hơn trong hoạt động phong trào, có niềm vui khi tới lớp và tăng sự gắn kết giữa các em trong tập thể. Nhờ vậy mà ở lớp 12B8 năm học 2009 – 2010 có rất nhiều em học yếu, bế tắc,...nhưng vẫn đến lớp không bỏ học như em Nguyễn Hồng Phúc, em Nguyễn Đình Ngọc, Lê Quang Trọng (nói trên)...
4. Kết quả:
Kết quả giáo dục học sinh qua các năm tôi đảm nhận công tác chủ nhiệm như sau:
TT
Năm học
Lớp chủ nhiệm
Số lượt HS vi phạm nội quy
Số HS vi phạm đánh nhau
Số HS bị đuổi học
Số HS nghỉ học
1
2004 – 2005
10 C14
35
03
03
04
2
2005 – 2006
11 C14
32
01
01
02
3
2008 – 2009
11 C
26
00
00
00
4
2009 – 2010
12 B8
26
01
01
00
Qua bảng thống kê trên tôi rút ra được những điểm tích cực và hạn chế việc áp dụng những giải pháp nêu trên như sau:
4.1./ Tích cực:
– Khi thực hiện đồng bộ các giải pháp trên thì học sinh có thái độ học tập và thực hiện nội quy nhà trường nghiêm túc hơn. Số học sinh vi phạm nội quy nhà trường giảm, trong đó những vi phạm về hành vi gây gổ, đánh nhau giảm mạnh.
– Qua đó học sinh trong lớp đoàn kết, thân thiện hơn, tạo không khí thoải mái, vui vẻ trong các giờ giải lao, tiết sinh hoạt và các buổi dã ngoại. Từ đó, tạo mối liên hệ găn kết giữa các em với tập thể, học sinh sẽ vì tập thể để cố gắng học tập và rèn luyện, giảm thiểu học sinh bỏ học.
4.2./ Hạn chế:
– Để giải quyết triệt để "bạo lực học đường" cần có hệ thống giải pháp đồng bộ của nhà trường và cả xã hội. Các biện pháp trên chỉ áp dụng trong phạm vi lớp chủ nhiệm, nhưng hành vi bạo lực của học sinh còn chịu tác động của các yếu tố bên ngoài, mà giáo viên chủ nhiệm hay nhà trường không tự giải quyết được(do người ngoài gây sự đánh nhau với học sinh).
– Các biện pháp chỉ có hiệu quả giáo dục, răn đe nhằm ngăn ngừa học sinh vi phạm kỷ luật; trong khi đó, ở lứa tuổi này nhiều khi do sự bồng bột, thiếu kiềm chế,...mà nhiều sự việc đáng tiếc vẫn xảy ra.
III. KẾT LUẬN:
1./ Nhận định chung:
Bạo lực học đường đã trở thành một vấn nạn, để ngăn ngừa và từng bước đẩy lùi cần phải có hệ thống giải pháp đồng bộ, khoa học từ ngành giáo dục và xã hội. Để giải quyết dứt điểm vấn nạn này cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa ba bên: nhà trường, gia đình và xã hội. Trước mắt, nhà trường và giáo viên chủ nhiệm cần tăng cường phối hợp với gia đình quản lý và giáo dục đạo đức để ngăn ngừa học sinh tham gia bạo lực và tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra.
2./ Bài học kinh nghiệm:
– Nhà trường tăng cường quản lý học sinh, phát huy hiệu quả các hoạt động ngoại khóa nhằm giảm bớt áp lực học tập, giải tỏa tâm lý "sợ đi học" ở học sinh. Có biện pháp phát huy vai trò giáo viên chủ nhiệm trong việc theo dõi biến động tâm lý học sinh để có phương án giáo dục phù hợp. Tôi có quan điểm: Nơi có áp lực lao động, học tập cao thì những căn bệnh về tâm lý càng nặng. Bạo lực học đường phần nhiều xuất phát từ căn bệnh tâm lý, nếu nó được "chẩn đoán và chữa trị" sớm chắc chắn "căn bệnh" bạo lực sẽ giảm.
– Giáo viên chủ nhiệm cần có sự nhiệt tình và nghệ thuật trong giáo dục học sinh, cần phối hợp chặt chẽ với gia đình để quản lý, giáo dục đạo đức học sinh một cách thường xuyên, nhẹ nhàng và hiệu quả. Tình thương và trách nhiệm là liều thuốc quyết định cho hiệu quả trong giáo dục đạo đức học sinh.
3./ Kiến nghị:
– Các trường cần xây dựng phòng tư vấn học đường tạo điều kiện và niềm tin để hoc sinh chia sẻ những vướng mắc giặp phải trong cuộc sống và giúp các em giải quyết hợp lý các tình huống khó khăn.
– Nhà trường cần tăng cường quản lý học sinh, thực hiện nghiêm nội quy trường lớp, kỷ luật nghiêm minh là biện pháp răn đe hữu hiệu để ngăn ngừa bạo lực trong nhà trường.
– Ngành giáo dục cần xem xét lại chế độ cho giáo viên chủ nhiệm, bởi trách nhiệm giáo dục đạo đức học sinh ngày càng khó khăn, đòi hỏi sự đầu tư cả thời gian và công sức.
7|-
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro