GIẢI PHÁP NGĂN NGỪA HỌC SINH ĐÁNH NHAU MANG TÍNH BẠO LỰC
Thực hiện: GV Lê Thanh Lâm
Đơn vị: THPT Tam Phước
I. ĐẶT VẤN ĐỀ
1. Cơ sở lí luận:
– Theo lời Bác Hồ dạy, nhiệm vụ của người thầy là "Củng cố dạy chữ, nâng cao dạy người", mỗi giáo viên không ngừng học tập để nâng cao kiến thức, nhằm góp phần phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân mà trước hết là bồi dưỡng về kiến thức, giáo dục về nhân phẩm cho học sinh.
– Năm học 2010-2011 đối với giáo dục phổ thông, ngành giáo dục sẽ thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng nhằm tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục. Bộ GD-ĐT sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện nhiều nội dung mới. Đặc biệt, từ năm học này bộ sẽ tổ chức triển khai chương trình giáo dục kỹ năng sống cho học sinh. Nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục trong năm học mới này là: nâng cao chất lượng, hiệu quả dạy chữ; từng bước đẩy mạnh hướng nghiệp, dạy nghề ở các địa phương có điều kiện và chú trọng vấn đề dạy làm ngườitrong nhà trường.
2. Cơ sở thực tiễn
Gần đây vấn đề bạo lực học đường đang được dư luận rất quan tâm và được coi là một hiện tượng xã hội đã đến mức nguy hiểm và nghiêm trọng. Có rất nhiều cuộc hội thảo về chuyên đề phòng chống bạo lực trong nhà trường để đưa ra những biện pháp nhầm giải quyết hiện tượng bạo lực trong học sinh. Có ý kiến cho rằng "Một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn tới hiện tượng trên đó chính là tình trạng nặng về dạy chữ, nhẹ về dạy người làm giảm hiệu quả của việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, chưa quan tâm đầy đủ và huy động các nguồn lực cần thiết cho công tác giáo dục đạo đức học sinh". Việc giáo dục đạo đức, nhân cách, kỹ năng sống cho học sinh là việc làm thường xuyên và cần phải thực hiện bằng nhiều kênh khác nhau. Tuy nhiên, trong nhà trường vấn đề tu dưỡng đạo đức cho học sinh là trách nhiệm của các thầy cô giáo, không thể phủ nhận vai trò của người giáo viên chủ nhiệm trong việc hình thành nhân cách của học sinh. Với thực trạng bạo lực trong học đường hiện nay, người giáo viên chủ nhiệm cần phải làm gì để ngăn chặn và giúp học sinh phát triển nhân cách trở thành những con người lao động sáng tạo, làm chủ bản thân, làm chủ đất nước, có đức có tài?
Là một giáo viên trẻ còn rất ít kinh nghiệm trong công tác chủ nhiệm, song tôi cũng mạnh dạn nêu ra một vài kinh nghiệm của bản thân, một số công tác giáo dục học sinh đã làm tại lớp chủ nhiệm, đã thực hiện tại đơn vị đang công tác trong việc ngăn ngừa tình trạng học sinh đánh nhau mang tính bạo lực.
II. MỤC TIÊU VÀ NHIỆM VỤ NGHIÊN CỨU
1. Mục tiêu.
Nghiên cứu vai trò của GVCN lớp trong công tác giáo dục đạo đức, phát triển nhân cách học sinh để ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường.
Đề ra những giải pháp hợp lý đối với tình trạng bạo lực học đường ở trường THPT
2. Phạm vi nghiên cứu
Học sinh Trường THPT Tam Phước – Biên Hòa – Đồng Nai
3. Khách thể nghiên cứu
– Thực trạng và giải pháp của GVCN đối với công tác giáo dục đạo đức học sinh, ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường
4. Mẫu khảo sát
– Nghiên cứu quá trình chủ nhiệm lớp năm học 2007 -2008 – Trường THPT Tam Phước – Biên Hòa – Đồng Nai
5. Giả thuyết khoa học.
– Thực hiện tốt vai trò của người GVCN trong công tác giáo dục đạo đức, phát triển nhân cách học sinh sẽ góp phần ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường.
III. NHỮNG THUẬN LỢI VÀ KHÓ KHĂN
Hiện tượng học sinh đánh nhau là một thực tế không mới nhưng những hiện tượng đánh nhau của học sinh ở một số nơi gần đây đã trở nên phổ biến và bộc lộ những tính chất nguy hiểm và nghiêm trọng. Mâu thuẫn thường xuất phát từ một vài lý do rất đơn giản, nếu bình thường có thể cho qua một cách dễ dàng nhưng lại được học sinh giải quyết bằng vũ lực, nhẹ thì dùng tay chân, nghiêm trọng hơn là các em đã sử dụng biện pháp đánh nhau có vũ khí gây nguy hiểm đến tính mạng.
Để giáo dục, ngăn chặn học sinh không mắc sai lầm nêu trên chúng ta không thể thực hiện chỉ trong vài giờ lên lớp mà phải tốn khá nhiều thời gian. Cần phải biết tìm hiểu,lắng nghe học sinh, uốn nắn kịp thời khi phát hiện có hiện tượng "không bình thường" xảy ra trong lớp học. Phải đề ra kế hoạch, phương pháp giáo dục phù hợp cho từng trường hợp đặc biệt bằng cả tấm lòng yêu thương nhân ái của người thầy.
Đầu năm học 2007- 2008, được ban lãnh đạo phân công chủ nhiệm lớp 12A9. Thực hiện vai trò của người GVCN trong công tác giáo dục đạo đức, ngăn ngừa tình trạng mâu thuẫn, bạo lực ở học sinh, tôi gặp một số thuận lợi và khó khăn:
1. Về phía nhà trường
a. Thuận lợi:
– Được sự chỉ đạo và lãnh đạo đoàn kết thống nhất của Chi bộ Đảng, Ban giám hiệu nhà trường, các tổ chức Đoàn thể như Đoàn TN, Công đoàn, các GVCN,...
– Được sự giúp đỡ và kết phối hợp liên tục của các lực lượng an ninh trên địa bàn như : Công an, Quân đội
– Hoạt động của Đoàn Thanh Niên chủ động, sáng tạo.
– Học sinh của trường đa phần là con em có cha mẹ đang công tác tại trường SQ Lục Quân II, Trung học An Ninh Nhân dân II, Hạ sĩ quan xe tăng Thiết Giáp, Trường Giáo dưỡng số 4, do đó phần đa là các em học sinh có ý thức đạo đức tốt, cố gắng học tập.
b. Khó khăn
Trường nằm trên Quốc lộ 51, học sinh ở rải rác khắp các địa bàn của 5 xã (Tam Phước, Phước Tân, An Hòa, Long Hưng, và một phần của xã An Viễn thuộc huyện Trảng Bom), đặc biệt là nơi tập trung khu công nghiệp, trong các giờ cao điểm rất dễ xảy ra các hiện tượng va quẹt xe, gây xích mích, mất trật tự ATGT,... gây khó khăn không nhỏ trong công tác quản lý của trường.
2. Về phía học sinh
a. Thuận lợi
– Sĩ số lớp không quá đông: 45 học sinh.
– Hầu hết các em có ý thức kỷ luật tốt, lễ phép với thầy cô, hoà đồng với bạn.
– Tích cực tham gia hoạt động tập thể do Đoàn thanh niên và nhà trường tổ chức.
– Ban giám hiệu nhà trường luôn quan tâm, sát sao trong vấn đề bảo đảm an ninh trường lớp.
– Đội ngũ giáo viên bộ môn trẻ có chuyên môn khá vững nhiệt tình trong giảng dạy.
– Ban chi hội phụ huynh học sinh rất nhiệt tình với công việc của lớp, luôn quan tâm tới học sinh và thường xuyên phối hợp với GVCN để giải quyết các vấn đề liên quan tới học sinh trong lớp.
b. Khó khăn
– Các học sinh trong lớp thuộc nhiều xã khác nhau, con đường đến trường có em phải đi hơn chục cây số.
– Một số học sinh trong lớp chưa có ý thức trong học tập và tu dưỡng đạo đức.
– Các em đang ở lứa tuổi 17- 18, dễ bị kích động, thích thể hiện mình.....
– Một số em thiếu thốn tình cảm: bố mất sớm, bố mẹ li dị ....
3. Bản thân giáo viên chủ nhiệm
– Tuổi đời và tuổi nghề còn ít (8 năm công tác, 6 năm làm chủ nhiệm)
– Ở xa nơi công tác, xa địa bàn dân cư nơi có học sinh theo học nên việc nắm thông tin về học sinh mình chủ nhiệm gặp không ít khó khăn.
IV. THỰC TRẠNG VÀ NGUYÊN NHÂN VỀ BẠO LỰC HỌC ĐƯỜNG
1. Thực trạng:
Trước đây, chúng ta thường có tâm lí chủ quan nghĩ rằng bạo lực học đường là một vấn đề hết sức xa xôi, không xảy ra phổ biến. Đồng thời cũng vì thế mà không ý thức được sâu sắc về tầm ảnh hưởng, tác động, hậu quả nghiêm trọng của nó tới thế hệ trẻ nói riêng, con người nói chung. Song thời gian gần đây, bạo lực học đường có chiều hướng gia tăng, phát triển phức tạp và trở thành một vấn đề nóng bỏng, một vấn nạn nhức nhối khiến mọi người không khỏi bàng hoàng, kinh ngạc. Phải chăng đó là một dự báo "sóng ngầm đang thành bão". Đứng trước thực trạng đó mỗi chúng ta cần nhận thức và hành động như thế nào?
a) Biểu hiện của bạo lực học đường có thể xảy ra dưới nhiều hình thức như:
– Xúc phạm, lăng mạ, xỉ nhục, đay nghiến, chà đạp nhân phẩm, làm tổn thương về mặt tinh thần con người thông qua lời nói.
– Đánh đập, tra tấn, hành hạ, làm tổn hại về sức khỏe, xâm phạm cơ thể con người thông qua hành vi bạo lực.
b) Chứng minh:
– Chỉ cần một thao tác rất nhanh trên Google ta có thể tìm thấy hàng loạt các Clip bạo lực của nữ sinh.
– Học sinh có thái độ không đúng mực với thầy cô giáo, dùng dao đâm chết bạn bè, thầy cô . . .
– Lập nên các nhóm hội hoạt động đánh nhau có tổ chức.
– Giáo viên đánh đập xúc phạm nhân phẩm của học sinh . . .
– Bạo lực không chỉ xuất hiện trong nam sinh mà hịện nay đã lan truyền đến các học sinh nữ. Các clip nữ sinh đánh nhau được tải lên mạng bắt đầu xuất hiện từ năm 2008. Thời gian gần đây, các clip có nội dung này ngày càng nhiều.
2. Nguyên nhân:
– Xảy ra vì những lí do trực tiếp rất không đâu: Nhìn đểu, nói móc, tranh giành ngừơi yêu, không cùng đẳng cấp . . .
– Sự phát triển thiếu toàn diện, thiếu hụt về nhân cách, thiếu khả năng kiểm soát hành vi ứng xử của bản thân, non nớt trong kĩ năng sống, sai lệch trong quan điểm sống.
– Do ảnh hưởng từ môi trường văn hóa bạo lực: phim, ảnh, sách báo, đồ chơi mang tính bạo lực (súng, kiếm) trên Internet hoặc phát tán qua đĩa. Các game hành động với các pha chém giết, chuyện đấu đá băng nhóm – bang hội. Không thể tránh được ảnh hưởng xấu của các hình ảnh bạo lực tới đầu óc học sinh khi mà gần như ngày nào các em cũng tiếp xúc với chúng. Tuổi trẻ thường có xu hướng bắt chước và thử nghiệm, việc làm theo các hình ảnh, hình tượng đó hoàn toàn là điều dễ hiểu.
– Sự giáo dục chưa đúng đắn, thiếu quan tâm của gia đình, tình trạng bạo lực trong gia đình cũng là nhân tố ảnh hưởng không tốt. Và một khi bạo lực giađình vẫn còn tồn tại thì bạo lực học đường sẽ vẫn còn có nguy cơ gia tăng.
– Sự giáo dục trong nhà trường nặng về dạy kiến thức văn hóa, đôi khi lãng quên nhiệm vụ giáo dục con người "tiên học lễ hậu học văn"
– Xã hội thờ ơ, dửng dưng, buông xuôi, chưa có sự quan tâm đúng mức, những giải pháp thiết thực, đồng bộ, triệt để. Chúng ta quá thờ ơ với những sự kiện bạo lực xảy ra, chủ yếu là vì sợ hãi. Một người không thể can thiệp được, nhưng chúng ta đã bao giờ nghĩ rằng nhiều người hợp sức chắc chắn sẽ ngăn được cuộc đánh nhau ấy không ? Chúng ta đã để cho kẻ mạnh chiến thắng mà không cần quan tâm tới công lí. Với nếp tư duy như vậy, bạo lực nói chung, bạo lực học đường nói riêng sẽ ngày càng lan rộng hơn.
– Nguyên nhân khác nữa là bắt nguồn từ môi trường sống. Hầu như các em học sinhn có tâm lí bạo lực đều có bố mẹ là dân xã hội đen, đã từng tù tội. Do vậy môi trường các em tiếp xúc từ bé đã quen với nếp sống của thế giới tội phạm. Với những đối tượng như vậy, trường học mặc định coi các em như đối tượng cá biệt, khó đào tạo và luôn dành cho các em sự trừong phạt và dè bỉu. Từ sự mặc cảm với nhà trường, với bạn bè, tạo tâm lí thù ghét trường học ở các em và các em đã biến thế giới học đường thành nơi để các em chứng tỏ quyền lực
3. Hậu quả:
– Với nạn nhân:
· Tổn thương về thể xác và tinh thần
· Tổn hại đến gia đình, người thân, bạn bè người bị hại
· Tạo tính bất ổn trong xã hội: tâm lí lo lắng bất an bao trùm từ gia đình, nhà trường, đến xã hội.
– Người gây ra bạo lực:
· Con người phát triển không toàn diện: phát triển ngựơc mất dần nhân tính trở lại phía "con", đi ngược lại tính "người"
· Mầm mống của tội ác mất hết tính người sau này làm hỏng tương lai chính mình, gây nguy hại cho xã hội, bị mọi người lên án, xa lánh, căm ghét.
V. MỘT SỐ BIỆN PHÁP THỰC HIỆN
1. Nhà trường
+ Tuyên truyền:
– Tuyên truyền sâu rộng trong PHHS các lớp, cán bộ giáo viên công nhân viên nhà trường về việc ngăn chặn tình trạng vi phạm pháp luật, bạo lực trong học sinh, đảm bảo an ninh trật tự trong trường học.
– Tuyên truyền tới học sinh trong các tiết sinh hoạt lớp và Chào cờ đầu tuần, lồng ghép vào bài giảng. Các thông tin về hoạt động của nhà trường, những tâm sự chân thành của các bạn học sinh, những chia sẻ, định hướng của ban giám hiệu và các thầy cô giáo đều liên tục được gửi đến hơn một nghìn học sinh của nhà trường với mục đích xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực.
+ Tăng cường công tác giáo dục đạo đức, lối sống, tổ chức các hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật, giáo dục truyền thống văn hóa dân tộc gắn liền phong trào thi đua trong học sinh do Đoàn thanh niên tổ chức..
+ Phối hợp chặt chẽ với chính quyền, các tổ chức đoàn thể và gia đình để đảm bảo an ninh trật tự trong trường học.
+ Kết hợp với công an địa phương (xã Tam Phước) xử lý kịp thời các mâu thuẫn, ngăn chặn các biểu hiện, hành vi pháp luật, bạo lực học sinh.
+ Kiểm tra ngăn chặn học sinh mang theo vũ khí, đồ chơi nguy hiểm, chất nổ, chất cháy vào trường học.
+ Tổ chức cho 100% HS kí cam kết thực hiện nội quy học sinh trong đó cóviệc ngăn chặn tình trạng vi phạm pháp luật, bạo lực trong học sinh.
+ Tổ chức lễ phát động, thường xuyên đánh giá việc ngăn chặn tình trạng vi phạm pháp luật, bạo lực trong học sinh toàn trường vào giờ chào cờ thứ 2, sinh hoạt lớp hàng tuần .
+ Tăng cường CSVC xây dựng trường ngày càng khang trang,sạch đẹp tạo sân chơi trong môi trường: vui tươi, bổ ích, lành mạnh và không có các tệ nạn xã hội trong học đường .
– Nhà trường đã phối kết hợp với Công an địa phương để đảm bảo vấn đề an ninh trường lớp, kịp thời ngăn chặn khi học sinh có những biểu hiện vi phạm pháp luật, bạo lực học sinh.
– Thành lập Ban quản sinh, đội Cờ đỏ thường xuyên theo dõi, giám sát việc thực hiện nội quy của học sinh, đề xuất các biện pháp xử lý học sinh vi phạm.
– Cho học sinh viết bản cam kết thực hiện nội qui nhà trường, Phòng chống Ma tuý, HIV/AIDS, An toàn giao thông, trật tự xã hội... Các bản cam kết này phải có ý kiến của PHHS và chữ ký xác nhận của GVCN.
– Thường xuyên tổ chức kiểm tra nội vụ các lớp học ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực trong học sinh, giảm đáng kể các hiện tượng gây gổ đánh nhau, ngăn chặn không để xảy ra việc sử dụng các loại văn hoá phẩm đen, các biểu hiện tiêu cực.
– Trong các buổi sinh hoạt dưới cờ Ban giám hiệu nhà trường luôn dành nhiều thời gian để tổng kết đánh giá thi đua của các lớp, trong đó nhấn mạnh việc thực hiện ý thức tổ chức kỷ luật, khen chê kịp thời. Tuyên truyền các chủ trương mới, chính sách pháp luật mới của nhà nước, các qui định về trật tự ATGT,...
– Mời các đoàn nghệ thuật về biểu diễn tuyên truyền luật giao thông, phòng chống ma tuý, HIV/AIDS. Mời các cán bộ nói chuyện tuyên truyền về tình hình trật tự kỷ cương trong huyện và thành phố.
– Lồng ghép hoạt động ngoại khoá với giáo dục luật pháp, truyền thống văn hoá, gắn với phong trào thi đua xây dựng "trường học thân thiện, học sinh tích cực".
– Giảng dạy kĩ năng sống cho học sinh, giáo viên đã được cử đi học các lớp tập huấn và giảng dạy kĩ năng sống cho học sinh.
– Mở các buổi hội thảo tư vấn, tuyên truyền pháp luật, tư vấn cho học sinh: Cuộc thi " Tìm hiểu an toàn giao thông"...thông qua đó giáo dục nhân cách, đạo đức học sinh
– Các dịp chuẩn bị lễ 22/12 và 20/11 nhà trường đã mời các Đảng viên về nói chuyện truyền thống nhằm giáo dục đạo đức truyền thống cho học sinh. Ví dụ: Học sinh được giao lưu với Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Thương
– Thực hiện việc xử lý các học sinh vi phạm nội qui của trường theo đúng hướng dẫn của Bộ Giáo dục & Đào tạo
– Đầu và cuối mỗi buổi học trường và công an xã cùng dân phòng đã phối hợp chặt chẽ ngăn chặn kịp thời các biểu hiện tiêu cực có thể xảy ra. Các đội xung kích, cờ đỏ thường xuyên theo dõi thi đua của các lớp.
2. Lớp chủ nhiệm
a. Giáo viên chủ nhiệm cần nắm chắc đặc điểm tình hình của lớp mình để tổ chức quản lý, điều phối các hoạt động.
Ngoài việc theo dõi sĩ số lớp, thành phần nam/nữ học sinh GVCN cần nắm rõ thành phần gia đình thông qua bản sơ yếu lí lịch tự thuật của học sinh để biết được học sinh nào có hoàn cảnh gia đình khó khăn, học sinh thuộc diện chính sách và những học sinh gia đình không hạnh phúc, bố mẹ li dị hoặc mất sớm... thông qua đó có thể phần nào thông cảm, chia sẻ với học sinh có hoàn cảnh khó khăn và hiểu các em hơn.
b. Giáo dục đạo đức thông qua các tiết sinh hoạt chủ nhiệm hàng tuần
Thực chất của việc giáo dục đạo đức phải bắt nguồn từ việc tác động về mặt nhận thức, xây dựng những rung cảm đạo đức, hình thành nhu cầu và niềm tin hướng tới các chuẩn mực đạo đức cũng như các yêu cầu có liên quan mới có thể hình thành một hành vi đạo đức mang tính tâm lý. Để học sinh nhận thức được các vấn đề có liên quan trong giờ sinh hoạt GVCN chỉ dành khoảng 15 phút để GV tổng kết tình hình học tập, vệ sinh, chuyên cần... của lớp; 30 phút còn lại tổ chức cho HS sinh hoạt
Giờ sinh hoạt bắt đầu bằng những tóm tắt kết quả học tập và rèn luyện của cả lớp trong tuần của ban cán sự lớp. Thông qua sổ đầu bài, sổ cờ đỏ của Đoàn trường, các Giáo viên bộ môn, GVCN nhận xét, đánh giá từng HS, luôn luôn nhắc nhở và động viên tinh thần các em, tạo động lực giúp cả lớp cố gắng hơn.
Ngoài việc nhắc nhở các em về vấn đề học tập GVCN cũng nên thường xuyên đề cập tới những vấn đề liên quan tới ý thức, đặc biệt thường xuyên nhắc nhở các em trong việc ứng xử với nhau trong lớp cũng như với học sinh ngoài lớp tránh xảy ra những hiện tượng xích mích không đáng có.
c. Phối hợp giữa giáo viên chủ nhiệm và các lực lượng giáo dục khác
– Phối hợp với các lực lượng giáo dục trong trường
Song song với hoạt động học tập, sinh hoạt, tham gia các phong trào trong nhà trường, sau những giờ học căng thẳng là giờ nghỉ giải lao các em được tự do vui chơi không chịu sự giám sát của thày cô như trong giờ học nên thường là lúc nảy sinh ra các mâu thuẫn không đáng có trong lớp cũng như với các lớp khác. Nếu không kết hợp chặt chẽ với các lực lượng giáo dục khác (GVCN lớp khác, GV bộ môn, Đoàn trường, bảo vệ...) để tiếp nhận thông tin từ lớp mình thì sẽ không nắm bắt kịp thời và có thể xảy ra xô xát giữa học sinh các lớp.
Ví dụ: Ngay đầu năm học, lớp 12A9 xảy ra hiện tượng một học sinh trong lớp bị học sinh lớp 12A5 gây gổ dẫn tới xô xát trong khi ra về. Để ngăn chặn không cho tình trạng trên tiếp diễn. GVCN đã phối hợp cùng quản sinh, GVCN lớp của em học sinh lớp 12, phụ huynh học sinh của 2 em cùng giải quyết sự việc. Trước tiên chúng tôi cho các em ngồi viết tường trình về sự việc xảy ra. Sau khi đọc tường trình, chúng tôi thấy rõ lỗi thuộc về em học sinh lớp 12A5, do em hiểu nhầm dẫn tới việc đánh HS lớp 12A9. Sau khi nghe chúng tôi phân tích em HS lớp 12A5 đã nhận ra lỗi của mình và viết kiểm điểm, xin lỗi em HS lớp 12A9 trước sự chứng kiến của GVCN 2 lớp, phụ huynh học sinh và quản sinh của nhà trường. Em học sinh lớp 12A9 cùng phụ huynh cũng rất đồng tình, vui vẻ với cách giải quyết của chúng tôi.
Trong buổi sinh hoạt lớp tuần đó, GVCN cũng đã nêu sự việc trước toàn thể lớp. Phân tích một lần nữa cho các em nhận thức được mức độ nghiêm trọng của sự việc khi các em tự mình giải quyết mọi mâu thuẫn không trao đổi với người lớn và GVCN. Thông qua sự việc tự mỗi học sinh trong lớp sẽ rút ra bài học cho riêng mình.
– Phối hợp với phụ huynh học sinh
Nhà trường có thế mạnh về giáo dục nhận thức, thông qua nhận thức tác động tới tình cảm, nhưng nhà trường không thể nào gần gũi hiểu sâu được từng cá nhân HS, có tác động tình cảm liên tục như gia đình được. Do vậy, muốn giáo dục đạo đức và hình thành nhân cách cho HS thì GVCN cần phải phối hợp với phụ huynh học sinh để đem lại kết quả tốt hơn đồng thời sự phối hợp với PHHS sẽ giải quyết các hiện tượng mâu thuẫn không đáng có giữa các em học sinh để không xảy ra hậu quả nghiêm trọng.
d. Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh thông qua các hoạt động ngoại khoá
Trong các buổi hoạt động ngoại khoá do lớp tổ chức nên tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho HS. Trong đạo đức, lối sống có ý thức công dân, ý thức chấp hành pháp luật. Rèn luyện những kỹ năng sống như ứng xử trong nhóm, giải quyết những xung đột nhằm hạn chế hướng giải quyết tiêu cực của bản thân các em khi có xung đột.
Hướng cho học sinh tự xây dựng cho mình một mục đích sống, một cuộc sống lành mạnh và tốt đẹp, không có tệ nạn xã hội, không bạo lực. Điều đó phần nào giúp cho cá nhân mỗi học sinh tránh được những cám dỗ của các tệ nạn, hạn chế những khó khăn về mặt tâm lý và sức khoẻ, tránh rơi vào các hành vi sai lệch.
e. Cách phòng tránh
+ Về phía nhà trường:
· Thứ nhất, tăng cường giám sát học sinh, đặc biệt là thời gian đầu giờ hoặc cuối giờ học vì đây là thời điểm thường hay xảy ra những vụ học sinh đánh nhau.
· Thứ hai, tăng cường đội ngũ trực nhật như giáo viên trực, chi đoàn trực; kết hợp với lực lượng dân phòng giám sát để kịp thời ngăn chặn những hành vi bạo lực.
· Thứ ba, tăng cường giáo dục các em, phải làm cho các em nhận thấy chuyện đánh nhau là hành vi xấu, có thể dẫn tới hậu quả nghiêm trọng.
· Trường phối hợp chặt chẽ với hội phụ huynh học sinh, từng phụ huynh đối với trường hợp học sinh cá biệt. Việc kết hợp với gia đình là không thể thiếu được trong phòng chống bạo lực học đường.
+ Về phía gia đình và bản thân học sinh cần trang bị cách phòng tránh sau:
· Báo ngay với giáo viên: Phụ huynh có thể đặt ra tình huống giả định để phân tích giúp học sinh chọn cách ứng xử hợp lý, rèn luyện cho con mình bản lĩnh dám báo cáo với giáo viên khi một bạn cùng học bị bắt nạt. Ví dụ: Trường hợp bạn A bị đánh và "hộ tống" đi nơi khác để bị đánh tiếp, các học sinh có đủ dũng khí báo ngay sự việc cho thầy cô giáo không? Lời khuyên đầu tiên cho học sinh là giải pháp báo cáo trung thực lại sự việc cho giáo viên khi cảm thấy có nguy cơ bị bắt nạt trên đường đến trường, tại sân trường hay trong lớp học. Một trong những nguyên nhân các em không báo cho giáo viên biết sự việc vì sợ mình trở thành kẻ mách lẻo hay bị vạ lây. Hãy phân tích cùng học sinh để thấy sự khác biệt giữa mách lẻo và thông báo lại sự việc. Sự dũng cảm kịp thời chỉ bằng một tin nhắn!
· Hô to và ra dấu khi bị bắt nạt: Cha mẹ có thể hướng dẫn con mình những kỹ năng sống đơn giản như hô to hay ra dấu hiệu kêu cứu cho người lớn ở gần. Chắc chắn khi nghe tiếng "cứu cháu với" từ một học sinh hẳn sẽ thu hút được sự chú ý của người xung quanh. Sự cứu giúp kịp thời sẽ giải thoát cho học sinh và làm nguy cơ xấu giảm đi.
· Cha mẹ hãy thoải mái đàm luận, chia sẻ cùng con về tình huống cháu đang vướng mắc. Thường xuyên khích lệ, khơi gợi con trò chuyện về tình hình ở lớp, ở trường. Có điều gì khiến con không thoải mái, chán ghét hay bị bắt nạt.
· Cần nắm chi tiết của sự việc xô xát: Gia đình biết chắc sự thật và tầm quan trọng của việc nắm chi tiết vụ việc xảy ra, do đó đừng nên hỏi con mình bằng cách tra vấn ai liên quan, ở đâu, khi nào và tình trạng bị bắt nạt đến mức nào. Điều này tuy không dễ nhưng vì con mình, bạn cần bình tĩnh, khéo léo để tìm được câu trả lời liệu con mình có liên quan đến vụ ẩu đả đó không và bị bắt nạt như thế nào.
· Gặp giáo viên thảo luận về tình trạng bị bắt nạt: Có thể giáo viên cũng chưa nắm được vụ việc con bạn bị bắt nạt ở trường. Nếu giáo viên và nhà trường biết, chắc chắn sự việc sẽ có tiến triển hoàn toàn khác. Phụ huynh cần trợ giúp con bằng cách chủ động hẹn gặp và thảo luận với giáo viên về vụ việc đó. Nếu cần một giải pháp, một cách giải quyết khác hơn, Phụ huynh có thể gặp hiệu trưởng thông báo về vụ việc đó.
· Chỉ cho học sinh những nguyên nhân dễ dẫn đến xung đột
– Bằng hình ảnh: Bắt chước những cử chỉ điệu bộ, giao tiếp bằng vẻ mặt không thân thiện, châm chọc qua các hình ảnh, tranh, hình vẽ...
– Bằng ngôn từ: Đó là cách đặt cho bạn những nickname phản cảm hay những câu đùa thô bạo, hay loan truyền các câu chuyện chế nhạo, lời lẽ đe dọa và xúc phạm bạn bè.
– Bằng hành động: Ném đồ vật, xô đẩy, va chạm, cản đường đi, đánh đấm, giật tóc, dẫm vào chân nhau... có thể làm tổn thương người khác.
· Nên dạy học sinh biết nói lời cảm ơn và xin lỗi nhiều hơn.
V. KẾT LUẬN
Bạo lực học đường là vấn đề được coi là vấn nạn trong học đường hiện nay, Bộ GD-ĐT phát động phong trào xây dựng môi trường học đường thân thiện. Thế nhưng, thế nào là môi trường thân thiện, môi trường này có những tiêu chuẩn nào cần đảm bảo? Khi mọi yếu tố chưa quy về thành những tiêu chí có thể đo lường thì vấn đề sẽ khó được giải quyết. Vấn đề giáo dục đạo đức, giáo dục những hành vi trong nếp sống – trong quan hệ đối xử trở thành vấn đề trọng tâm trong văn hóa học đường. Thiết nghĩ đây chính là một trong những vấn đề cần đáng được quan tâm trong việc phòng chống bạo lực học đường hiện nay.
Thực chất của việc giáo dục đạo đức phải bắt nguồn từ việc tác động về mặt nhận thức, xây dựng những rung cảm đạo đức hình thành nhu cầu và niềm tin hướng đến các chuẩn mực đạo đức cũng như các yêu cầu có liên quan mới có thể hình thành một hành vi đạo đức mang tính chất tâm lý chứ không phải kỹ thuật. Việc định hướng ứng xử trong những mối quan hệ khác nhau phải dựa trên nền tảng của việc thiết lập những nguyên tắc ứng xử dựa trên thang giá trị chuẩn mực của văn hóa ứng xử – giao tiếp trong học đường. Mặt khác, đó còn là việc huấn luyện, bồi dưỡng những kỹ năng ứng xử – giao tiếp cho học sinh nhằm trang bị cho học sinh một số kỹ năng giao tiếp – ứng xử chuẩn mực hướng đến việc xây dựng văn hóa học đường theo hướng tích cực.
Xây dựng ý thức và thói quen của giáo viên trong việc ứng xử giao tiếp một cách có văn hóa, xem đó là một nhiệm vụ của người giáo viên nơi trường học. Tác động về mặt nhận thức của học sinh để có sự ứng xử chuẩn mực, định hướng những giá trị của con người một cách đích thực. Đó là những nhiệm vụ thực sự cấp bách.
ont-si��7�zh-
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro