Giáo dục VN: Kỹ sư cần hơn tiến sỹ
Để có được những hạt giống tốt, nhà nước trước hết phải nỗ lực cải cách và đầu tư cho nền giáo dục trung học và tiểu học, đào tạo làm sao mà sau trung học tất cả học sinh đều có khả năng và cơ hội để tiến thân tiếp trong học vấn hay học nghề.
Kể từ ngày 24 tháng 6 năm 2005, khi Thủ tướng Phan Văn Khải ghé thăm Trường ĐH Harvard và Trường kỹ thuật MIT1, trong khuôn khổ hội thảo giáo dục ĐH Việt Nam với chủ đề "Làm thế nào để xây dựng một trường ĐH đẳng cấp quốc tế", đã đánh dấu một sự chuyển hướng trong ngành giáo dục ĐH của Việt Nam. Kế đến, ngày 15 tháng giêng 2008, một nhóm chuyên viên hướng dẫn bởi ông Thomas Valelly, giám đốc chương trình Việt Nam của viện ASH trực thuộc Trường Kennedy tại ĐH Harvard gặp TT Nguyễn Tấn Dũng để đệ trình một báo cáo2 được soạn thảo theo yêu cầu của TT nhằm phân tích tính nghiêm trọng về chiến lược phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam trong thập niên thứ hai của thế kỷ 213.
Để cải cách kinh-tế xã-hội, báo cáo cũng đề nghị CP Việt Nam cần phải nhanh chóng cải cách thể chế bằng cách thành lập một viện ĐH nghiên cứu mới, tham khảo mô hình của Mỹ4. Cùng năm, đề án đào tạo 20.000 tiến sĩ cho giảng viên các viện ĐH, CĐ giai đoạn 2008-2020 cũng đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo hoàn thiện và trình CP phê duyệt, tổng kinh phí dự kiến là 700 triệu USD5.
Mục đích của bài viết này nhằm góp ý giáo dục Việt Nam chưa cần đào tạo đến 2 vạn tiến sĩ (lý thuyết) nhưng lại cần đào tạo gấp 20 vạn kỹ sư, cán sự (thực hành) trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội. Chính vì thế, vấn đề Việt Nam có nên đầu tư nhằm xây dựng một hệ thống giáo dục ĐH nghiên cứu kiểu Mỹ, cũng được bàn đến.
Người viết bài này sinh ra và lớn lên tại Việt Nam với 30 năm làm kỹ thuật đồng thời nghiên cứu khoa học tại Bắc Mỹ, dựa trên những kinh nghiệm làm việc và những dữ kiện truy tầm để phân tích sự việc cùng đưa ra lời kết luận với những phương án đề nghị.
Quản trị thị trường trong công nghiệp hóa
Thực tế quá trình đào tạo cho thấy, không thể nào lấy bằng tiến sĩ mà không bước qua ngưỡng cửa cử nhân. Hơn nữa, người kỹ sư rất cần thiết vì họ là người chuyển từ lý thuyết ra thực hành, ứng dụng. Nếu không có họ, những lý thuyết kia trở thành vô dụng. Những nước chậm tiến như Việt Nam lại cần nhiều kỹ sư hơn là tiến sĩ trong giai đoạn xây dựng vì không biết bao lý thuyết công hữu ích mà ta chưa áp dụng đến.
Trên thế giới, Singapore, Đài loan và Nam Hàn đã sớm nhận ra đều này trong những thập niên về trước. Như Robert Wade6 đã dẫn chứng trong cuốn "Quản trị thị trường: Lý thuyết kinh tế và vai trò của chính phủ trong công nghiệp hóa ở Đông Á" cho biết, trung bình tỷ lệ kỹ sư/1000 dân là 8 cho Đài Loan và 10 cho Singapore vào năm 1971.
Bảng 1: Ước chừng tỷ số kỹ sư cho một số nước
Nguồn: GSTS Hassan Basri (Mã-lai)
*Tác giả đưa ra tiêu chỉ cần đạt cho Việt nam
Trong lúc ấy, các nước thu nhập trung bình trên thế giới tỷ lệ đó chỉ vào khoảng 4,6. Với số dân trên 85 triệu, Việt Nam cần ít nhất vài trăm ngàn kỹ sư ứng dụng để đưa đất nước đến công nghiệp hóa. Dù được như vậy, Việt Nam cũng đã đi sau các nước ấy cả nửa thế kỷ.
Về ý tưởng rằng Việt Nam cần phải xây dựng một hay nhiều viện ĐH đẳng cấp quốc tế để góp phần phát triển kinh tế- xã hội trong tương lai là việc cần phải làm. Nhưng chúng ta không nên tạo lập một hệ thống giáo dục ĐH kiểu Mỹ tại xứ Việt, bởi vì làm như thế chẳng khác gì thấy cam xứ Đoài ngọt lịm đem về trồng xứ Bắc cho trái thì chua lè, chỉ tốt để làm cảnh.
Việt Nam cũng không nên theo con đường của vua Ả Rập Saudi, nơi Ả Rập mới tạo dựng một viện ĐH Kỹ thuật và Khoa học mang tên nhà vua (King Abdullah University of Science and Technology - KAUST)7, một viện ĐH có diện tích lớn như đô thị với khoản tài trợ chừng 20 tỉ Mỹ kim8.
Đấy cũng chưa kể viện trưởng thành lập của KAUST là GS Shih Choon Fong, một kỹ sư xuất thân từ Harvard. Người đã áp dụng nguyên tắc "dựa trên hiệu suất và thị trường" để đánh giá kết quả sự học hỏi và nghiên cứu cho viện ĐH Quốc gia Singapore (NUS) khi ông là hiệu trưởng của viện này. Kết quả ông đã đưa NUS vào danh sách "tốp" 20 của những trường nổi danh trên thế giới trong hệ thống xếp hạng Times Higher Education Supplement (THES)10 từ năm 2004.
KAUST có thể nói là một viện ĐH kiểu mẫu, được thiết lập với những điều kiện như một giấc mơ. Hầu như mọi yếu tố để xây dựng một viện ĐH đẳng cấp đều là tột đỉnh, ngoại trừ thiếu cái nền móng để xây lên. Nền móng ở đây là nền giáo dục từ bậc ĐH trở xuống. Trong một cuộc khảo sát của Hội Toán học quốc tế và Nghiên cứu Khoa học (TIMSS)11 vào năm 2007, chỉ có ít hơn 1% học sinh tuổi từ 12-13 trong mười quốc gia Ả Rập đạt được mức điểm khá về khoa học, so với 32% ở Singapore và 10% tại Mỹ. Đã chưa có nền móng thì dù có xây tòa nhà nguy nga tráng lệ bao nhiêu đi nữa cũng có ngày sụp đổ. Càng đồ sộ lại càng dễ bị sụp đổ sớm.
Nghịch lý trong hệ thống giáo dục Mỹ
Đồ thị 1: Hơn một nửa "top 20" trường Đại học trên thế giới là ở Mỹ
Nguồn: http://www.timeshighereducation.co.uk/Rankings2009-Top200.html
http://www.topuniversities.com/world-university-rankings
Có lẽ phần đông chúng ta ai cũng hiểu hệ thống ĐH Mỹ là một trong những hệ thống ĐH vào loại tốt nhất nhì thế giới, bỏ xa các nước khác. Điều này rất đúng vì có những thống kê làm bằng chứng như trong đồ thị 1. Đó là kết quả xếp hạng cho các viện ĐH trên thế giới được thống kê bởi Viện ĐH Giao Thông Thượng Hải (Shanghai Jiao Tong University-SJTU)12 và Times Higher Education Supplement (THES)13.
Cách xếp hạng theo ĐH Giao Thông Thượng Hải (SJTU) cho các tổ chức giáo dục ĐH trên toàn thế giới dựa theo chỉ số để đo lường về sự thành tựu của cựu sinh viên và nhân viên giảng dạy qua nghiên cứu và sự thành đạt. Trong khi cách xếp hạng THES (đồ thị 1) được dựa trên thống kê qua sự giám định và ý kiến của giảng viên có cùng lãnh vực trên thế giới và sự thỏa mãn của sinh viên và giảng viên của trường cũng như những nhà tuyển dụng việc làm. Dù cách xếp hạng có khác nhau, gần 60% - 80% của "tốp" 20 viện ĐH trên thế giới là ở Mỹ. Viện ĐH Harvard luôn luôn đứng đầu trong những bảng thống kê và xếp hạng này.
Nếu nền giáo dục ĐH của Mỹ đã thành công như thế, tại sao một trong những vấn đề quan trọng mà tổng thống đương nhiệm Barak Obama muốn giải quyết là cải cách và đầu tư nền giáo dục trung học và tiểu học14. Ông sẽ cải cách các trường công lập của Mỹ để cung cấp một nền giáo dục chuẩn bị cho các học sinh tương lai được thành công trong thế kỷ 21. Sự thất bại hay xuống dốc của nền giáo dục trung học ở Mỹ đã thể hiện rõ trong các cuộc xét nghiệm của nhóm PISA15.
Đồ thị 2: Thứ hạng tương đối của học sinh Mỹ so với hội PISA trong 3 môn Khoa học, Toán và Đọc sách trong 3 kỳ thi 2000, 2003 và 2006.
Nguồn: Chương trình xét nghiệm PISA
PISA là chương trình xét nghiệm cho học sinh quốc tế, viết tắt từ "Programme for International Student Assessment", để đánh giá trong cùng một tiêu chuẩn quốc tế cho những học sinh dưới 16 tuổi. Ba chương trình xét nghiệm để đánh giá cho đến nay đã được thực hiện vào những năm 2000, 2003 và 2006. Các chương trình xét nghiệm thường được dựa trên từ 4.500 đến 10.000 học sinh ở mỗi nước tham dự. Kết quả của những kỳ xét nghiệm này đã được tóm lược cho học sinh Mỹ như trong đồ thị 2.
Đồ thị này cho chúng ta thấy rằng trình độ cả ba môn xét nghiệm (Khoa học, Toán học và Đọc sách) của học sinh Mỹ đều dưới hạng trung bình. Riêng môn Khoa học và Toán học lại càng ngày càng đi xuống, không khéo trong vòng 3 năm nữa (2012) thì Mỹ đội sổ cho môn Toán!
Chính thế, chúng ta không lấy gì làm ngạc nhiên khi tổng thống Obama tuyên bố muốn giải quyết cấp bách vấn đề cải cách và đầu tư nền giáo dục trung học và tiểu học tại Mỹ mặc dù các viện ĐH Mỹ đang ở vị trí dẫn đầu thế giới.
Ưu tiên cải cách và đầu tư cho giáo dục phổ thông
Theo như tổng thống Obama, nền giáo dục ĐH Mỹ đã bị mất vị trí trong bối cảnh Mỹ đã có thời sinh viên tốt nghiệp với tỷ lệ cao nhất từ các viện ĐH so với thế giới. Điều này có nghĩa là tỷ lệ sinh viên Mỹ tốt nghiệp từ các viện ĐH hiện nay đã xuống thấp so với các nước tiên tiến.
Trong khi, số lượng sinh viên của nước ngoài ghi tên vào các trường cao đẳng và ĐH Mỹ ngày càng gia tăng. Vào niên khóa 2007-2008 vừa qua, số lượng sinh viên nước ngoài tăng 7%, lên gần 624.000 người, theo Viện Giáo dục quốc tế16. Chỉ riêng Trường MIT, tổng số sinh viên ngoại quốc là hơn 3.000 người ghi danh, đến từ 115 nước, chiếm gần 30 % sinh viên của trường.
Vào năm 2005, các viện ĐH Mỹ đã phát 28.000 văn bằng tiến sỹ, trong đó có đến 38% văn bằng phát cho sinh viên nước ngoài. Trong số những sinh viên nước ngoài này, hơn 2/3 đến từ Á châu; phần lớn là Trung Quốc (30%) và Nam Hàn (10%). Số sinh viên tốt nghiệp và quyết định ở lại Mỹ phần đông là Trung Quốc và Ấn Độ. Không trách gì Ấn độ vẫn nghèo mãi trong lúc có rất nhiều người tài giỏi gốc Ấn trên thế giới. Một giáo sư Mỹ gốc Việt, đã từng về giảng dạy ở Việt Nam, than trách là nhiều du sinh Việt đi học Mỹ đã không chịu trở về.
Những dẫn chứng trên đưa đến một kết luận hiển nhiên rằng, một phần sự thành công của hệ thống giáo dục ĐH Mỹ là do sự đóng góp của những nhân tài trẻ đến từ khắp nơi trên thế-giới.
Tổng thống Obama muốn đưa ra một chương trình nhằm khôi phục sự lãnh đạo của Mỹ trong giáo dục ĐH. Ông không có ý cải cách những viện ĐH lừng danh như Harvard hay MIT nhưng ông muốn tất cả học sinh Mỹ phải được đào tạo, khi xong bậc trung học đều có điều kiện để ghi danh vào học ở các viện ĐH hoặc cao đẳng dạy nghề.
Để thực hiện được mục tiêu này, trước hết nước Mỹ cần phải cải cách và đầu tư vào nền giáo dục trung và tiểu học để cung cấp những hạt giống tốt cho tương lai. Kế hoạch của ông Obama là sẽ đầu tư vào các trường cao đẳng cộng đồng để trang bị một kỹ năng cao cho tất cả những người thợ tương lai, người trẻ lẫn người có tuổi (học chuyển nghề), vào các ngành công nghiệp mới phát triển trong thế kỷ 21.
Đối với VN, chúng ta không thể dựa vào những tài năng của xứ người mà hoàn toàn tuỳ thuộc vào những hạt giống mình có. Với trên 85 triệu dân, số lượng hạt giống này không phải là ít nếu mọi công dân đều có cơ hội. Để có được những hạt giống tốt, nhà nước trước hết phải nỗ lực cải cách và đầu tư cho nền giáo dục trung học và tiểu học, đào tạo làm sao mà sau trung học tất cả học sinh đều có khả năng và cơ hội để tiến thân tiếp trong học vấn hay học nghề.
Thu hút những "huấn luyện viên" chuyên nghiệp
Một đóng góp vào sự thành công cho hệ thống giáo dục ĐH ở Mỹ là chất lượng của đội ngũ giảng viên, là người "huấn luyện viên". Không ít những giảng viên này là người nước ngoài. Vào năm 2006, các học giả nước ngoài dạy ở các viện ĐH Mỹ gần 97.000, chiếm khoảng trên 8% số giảng viên tại nước này. Đó là chưa kể đến những học giả nước ngoài đã lấy quốc tịch Mỹ.
Mặc dù chưa có một thống kê chính thức nhưng số giảng viên và chuyên gia kỹ thuật gốc Việt đang sống và làm việc ở các nước phát triển có lẽ là lớn nhất so với các nước Đông Á và Đông Nam Á, ngoại trừ TQ. Đây là một tài nguyên rất lớn mà các nước khác trong vùng không có. Thế thì tại sao nhà nước không dùng khối tài nguyên này?
Đã là con dân Việt, phần đông ai cũng một lần có ý nghĩ rằng một ngày nào đó sẽ trở về góp phần xây dựng quê hương với tài năng của mình. Để thu hút tài năng này, nhà nước, Bộ GD và ĐT không những cần ưu đãi người tài mà còn nên giao phó một trách nhiệm đúng với khả năng và cơ hội để đóng góp. Muốn một đội banh có thực chất hay một đội banh để chưng diện, lấy mác cho có lệ với người?
Không phải kêu gọi lòng yêu nước khơi khơi hay tặng bằng khen là đủ. Người huấn luyện sẽ biết những gì cần thiết đề xây dựng một đội banh giỏi như cần tuyển dụng hay lựa chọn những loại phụ tá và cầu thủ nào để vào đội banh. Nếu Việt Nam đã xây dựng được một đội banh quốc gia, có thực chất, không thua kém gì những nước láng giềng thì Việt Nam cũng sẽ có được những phân khoa tốt, ĐH gương mẫu sau này nếu dùng cùng phương pháp xây dựng.
(còn nữa)
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả
--------------------------------------------------------------------------------
1 Một ngày của Thủ tướng tại ĐH Harvard và viện MIT- http://vietbao.vn/Giao-duc/Mot-ngay-cua-Thu-tuong-tai-DH-Harvard-va-vien-MIT/70015436/202/
2 Harvard Vietnam Program Director Tom Vallely discusses Vietnam's prospectswith Prime Minister Nguyen Tan Dung - http://www.innovations.harvard.edu/showdoc.html?id=98251
3 The Lessons of East and Southeast Asia and Vietnam's Future - http://www.innovations.harvard.edu/cache/documents/982/98251.pdf
4 Harvard bàn về khủng hoảng giáo dục đại học VN - http://www.chungta.com/Desktop.aspx/GiaoDuc/Thuc-Trang-GD-Dai-Hoc/Khung_hoang_giao_duc_dai_hoc_VN
5 Đề án 20.000 tiến sĩ - http://dantri.com.vn/c25/s25-258201/de-an-20000-tien-si-hien-thuc-va-lang-man.htm
6 Robert Wade, Governing the Market: Economic Theory and the Role of Government in East Asian Industrialization, Princeton University Press, 1990, p. 65. Sách nầy đã được dịch ra tiếng Việt mặc dù tác giả chưa đọc được.
7 King Abdullah University of Science and Technology (KAUST) - http://en.wikipedia.org/wiki/King_Abdullah_University_of_Science_and_Technology
8 Laggards trying to catch up - http://www.economist.com/world/middleeast-africa/displayStory.cfm?story_id=14660446
10 Xếp hạng NUS trong các trường đại học Top thế giới -http://www.vietnamcentrepoint.edu.vn/nus/?act=XemChiTiet&Cat_ID=17&News_ID=53&LinksFrom=http
11 Toán học quốc tế và Nghiên cứu Khoa học (TIMSS) - http://timss.bc.edu/timss2007/about.html
12 Xếp hạng theo ĐH Giao Thông Thượng Hải. ĐH này xếp hạng cho 1200 tổ chức giáo dục đại học trên toàn thế giới theo một công thức dựa trên sự thành tựu của cựu sinh viên đoạt giải Nobel và huy chương Fields (10 %), nhân viên giảng dạy đoạt giải Nobel và huy chương Fields (20%), số lượng trích dẫn cho các nhà nghiên cứu (20%), số lượng bài báo nghiên cứu khoa học và thiên nhiên được đăng (20 %), số lượng trích dẫn từ những bài báo nghiên cứu (20%) và tỷ lệ thành công (10%).
13 Times Higher Education-QS World University Rankings 2009 Cách xếp hạng của Times được đặt trọng tâm chính là từ chỉ số giám định của những nhà nghiên cứu, GS cùng lãnh vực (Peer Review, 40 %), đến chỉ số từ sinh viên (20%) và ban giảng dạy (20%), rồi mới đến nhân tuyển dụng (10 %) và cuối cùng là số điểm của sinh viên (5%) và ban giảng dạy quốc tế (5%).
14 Reform and Invest in K-12 Education - http://www.whitehouse.gov/issues/Education/
15 PISA 2006 results http://www.oecd.org/document/2/0,3343,en_32252351_32236191_39718850_1_1_1_1,00.html
16 OECD SCIENCE, TECHNOLOGY AND INDUSTRY SCOREBOARD 2007
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro