Hồi 4: Hình ảnh đẹp nhất
Ngày 15 tháng 7 âm lịch hằng năm, tiên sinh thường có một buổi thuyết pháp tại quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục.
Hoàng thúc kể với ta, tiên sinh lớn lên trong chùa, tu hành đã có thành quả, một lòng muốn xuất gia nhưng không hiểu sao cứ cạo đầu liền xảy ra biến cố. Trụ trì nói rằng người chưa hết duyên hồng trần, từ đó tiên sinh dọn ra ngoài ở, sống cuộc đời ngao du tứ hải.
Hoàng thúc cũng nói, thân phận của tiên sinh chắc hẳn không tầm thường, bởi tiên sinh có sẵn một gia sản khổng lồ, hằng năm vẫn góp một phần công đức cho chùa Phật Quang mà tiên sinh từng ở. Tháng ngày du ngoạn sơn hà cũng chưa từng thấy người lo cơm ăn áo mặc, thậm chí đến những nơi có dân tị nạn, tiên sinh còn mở lều phát lương, dựng trại tạm trú.
Ta biết, tiên sinh của ta ngoài mặt lạnh lùng, nhưng lòng có thiên hạ.
Ngày ấy, ta cùng tiên sinh đến một vùng cao nguyên để nghiên cứu thiên văn. Ở đó có một ngôi làng, thời điểm hạ về thường gặp hạn hán, mà năm nay thì nặng hơn các năm trước, khiến cuộc sống khốn đốn khó khăn. Tiên sinh mang ta đi khắp vùng cao nguyên thám hiểm địa chất, vẽ lại bản đồ. Hết hai hôm, người gặp trưởng làng nói chuyện, rồi sáng sớm hôm thứ ba liền có một đoàn người cầm cuốc cầm xẻng đào sâu xuống một vị trí. Ta nhận ra, hẳn người đang đào mạch nước ngầm, đào thành một cái giếng không bao giờ cạn nước. Dòng nước phun lên, dân làng vui mừng rối rít cảm ơn người. Tiên sinh của ta khi đó, mặc dù nét mặt không đổi nhưng đôi mắt ánh lên niềm hạnh phúc vui vẻ.
Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục nằm ngay sát một hồ sen trắng, xung quanh còn trồng rất nhiều cây tử đằng.
Hoàng thúc dẫn ta đến một căn lầu cao, ở đây vừa hay thấy được toàn bộ khung cảnh bên dưới, tiên sinh đứng ở trên bục xa xa, áo bào trắng bay trong gió, ánh mắt người an tĩnh, lặng lẽ như hồ nước mùa thu, ôm hết phong tình vạn chủng của thiên hạ. Vạt nắng mùa hè hắt trên tóc người làm ta có chút lóa mắt, tiếng tiên sinh trầm ấm vang vọng, cả quảng trường hàng nghìn người mà ai nấy đều lắng nghe say mê, có thể nghe thấy tiếng lá rơi, nghe thấy tiếng hoa tử đằng lung lay trong gió, lòng người mê muội như cuốn vào âm sắc của người thanh niên đứng trên bục kia:
"Sắc tức thị không, không bất dị sắc. Thọ, tưởng, hành, thức diệc phụ như thị..."
Không khí trang nghiệm ấy, âm thanh vang vọng và hình bóng phiêu dật ấy, cả thời niên thiếu ta chưa từng thấy hình ảnh nào đẹp hơn thế.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro