Giám sát thị trường tài chính: Đang để lộ nhiều "lỗ hổng"
Theo đánh giá của các chuyên gia tài chính, do hệ thống giám sát hoạt động của thị trường tài chính còn thiếu đồng bộ, chưa chặt chẽ, tạo nhiều "lỗ hổng" trong hoạt động giám sát.
Điều này gây ra những rủi ro khó lường cho hoạt động thị trường tài chính. Bởi vậy, việc tìm ra biện pháp để “vá” kín những “lỗ hổng” trong giám sát thị trường tài chính đang đặt ra bức thiết.
Lộ "gót chân Asin"
Tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu đã tác động bất lợi đến thị trường tài chính Việt Nam. Điều này càng được biểu hiện rõ hơn trong bối cảnh thị trường tài chính nước ta đã mở rộng cửa, hội nhập sâu rộng với thị trường tài chính toàn cầu. Điều đáng lo ngại là trong khi thị trường tài chính phát triển với tốc độ nhanh, nhất là trong năm 2007, thì hệ thống giám sát tỏ ra đuối sức trong việc đuổi kịp để giám sát hiệu quả.
Theo các chuyên gia, hệ thống giám sát thị trường tài chính đang bộc lộ “gót chân Asin”. TS Vũ Đình Ánh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học thị trường giá cả (Bộ tài chính) chỉ rõ: Đó là các quy chế giám sát còn chưa đồng bộ, nhiều quy định chưa phù hợp với thông lệ quốc tế. Năng lực phát hiện, xử lý vi phạm còn hạn chế, trong khi chế tài xử lý vi phạm chưa đủ mạnh. Chính vì vậy, đã không hiếm trường hợp các thành viên tham gia thị trường “chủ động” vi phạm và chịu phạt để thu được khoản lợi nhuận nhiều hơn mức thiệt hại do bị phạt.
Tình trạng nhiều “lượng", nhưng “chất” ít, thậm chí giẫm chân lên nhau cũng đang khiến hệ thống giám sát thị trường tài chính bộc lộ nhiều "lỗ hổng" đáng lo ngại. TS Nguyễn Thị Kim Thanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) phân tích: Hoạt động giám sát thị trường tài chính của Việt Nam thực hiện theo mô hình phân tán. Nghĩa là, các tổ chức tín dụng do Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Thanh tra Chính phủ và Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam có trách nhiệm thanh tra, giám sát. Lĩnh vực bảo hiểm, chứng khoán chịu sự giám sát của Bộ Tài chính, Thanh tra Chính phủ... Điều này đã gây nên sự chồng chéo, làm giảm hiệu quả giám sát, gây khó khăn cho các định chế tài chính trong quá trình hoạt động... Đó là chưa kể phương pháp giám sát mới chỉ hiện đại về hình thức, nhưng nội dung bị hạn chế. Kiểm toán nội bộ chưa phát huy được vai trò, trong nhiều trường hợp chỉ là hình thức...
Điều này lý giải tại sao hiệu quả giám sát trên thị trường tài chính thời gian qua chưa mang lại hiệu quả như mong muốn của cả cơ quan quan lý nhà nước, cũng như các thành viên tham gia thị trường...
Các chuyên gia tài chính lý giải những tồn tại trong hệ thống giám sát thị trường tài chính là do khuôn khổ thể chế, pháp lý chưa thích ứng được với sự thay đổi mạnh mẽ của môi trường hoạt động thị trường tài chính. Năng lực cán bộ so với yêu cầu quản lý mới còn khoảng cách đáng kể. Nếu những "lổ hổng" trên không sớm được “vá” kín, thì có nguy cơ phình to hơn, bởi nước ta ngày càng mở cửa thị trường tài chính rộng hơn theo cam kết WTO.
"Vá" cách nào?
Muốn cải thiện năng lực cho hệ thống giám sát thị trường tài chính, theo các chuyên gia, việc cần làm đầu tiên là phải gắn việc tăng tính độc lập với tăng quyền cho cơ quan giám sát. TS Ngô Trí Long, Viện Nghiên cứu Khoa học thị trường giá cả kiến nghị: “Nên nghiên cứu thành lập cơ quan quản lý, giám sát thị trường tài chính độc lập". Chia sẻ quan điểm này, TS Vũ Đình Ánh cho Đầu tư chứng khoán vẫn cần sự giám sát chặt chẽ của cơ quan quản lý Nhà nước cho rằng: Cần tăng cường quyền hạn giám sát lớn hơn cho Ngân hàng Nhà nước; cơ quan thanh tra, giám sát phải có sự độc lập tương đối, có quyền lực đủ mạnh như: Đình chỉ hoạt động, đóng cửa các ngân hàng mất khả năng chi trả. Về lâu dài cần xây dựng hệ thống giám sát tập trung có quy chế hoạt động độc lập cao...
Để khắc phục tình trạng nhiều cơ quan thanh tra, giám sát, nhưng trách nhiệm không rõ, hiệu quả không cao, các chuyên gia khuyến nghị cần quy trách nhiệm cụ thể. TS Nguyễn Thị Kim Thanh đề xuất: Quyền lực của cơ quan giám sát tài chính phải được quy định rõ ràng, chi tiết trong luật để đảm bảo hoạt động hiệu quả. Phải có cơ chế công khai, minh bạch và chịu trách nhiệm rõ ràng, để các cơ quan giám sát có thể đề ra được các quyết định công bằng, hiệu quả khi thực thi nhiệm vụ. Hoạt động giám sát đối với các định chế tài chính cần chuyển từ cơ chế giám sát chấp hành hiện nay sang giám sát rủi ro dựa vào cơ chế thị trường gián tiếp...
"Gót chân Asin" của hệ thống giám sát thị trường tài chính sẽ còn lộ rõ nếu không sớm có quy định chuẩn hóa chế độ công khai thông tin của các định chế tài chính. Bên cạnh quy định cụ thể danh mục các chỉ số, thông tin định kỳ ,các tổ chức này phải báo cáo cho cơ quan giá m sát, cần có quy định ràng buộc trách nhiệm của đơn vị báo cáo theo hướng: Nếu công bố thông tin không trung thực, gây tác động xấu đến thị trường tài chính sẽ bị phạt nặng, trong đó có tính đến việc đình chỉ, đóng cửa hoạt động… Chỉ khi chế tài xử lý các hành vi vi phạm đủ mạnh, thì mới hy vọng tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh trên thị trường tài chính.
Các chuyên gia cũng cho rằng, chỉ có thể nâng cao chất lượng hoạt động giám sát trên thị trường tài chính khi làm rõ chức năng, quyền hạn của cán bộ kiểm tra, giám sát. Nếu vẫn để tồn tại tình trạng ai cũng có trách nhiệm, nhưng khi cần quy trách nhiệm trong từng vụ việc cụ thể, thì gần như không thể như hiện nay sẽ rất khó làm chuyển biến tình hình.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro