Chương 62. Thành Cẩm Quan
Gió thổi nhẹ ngang qua, nhưng không hiểu sao lại khiến cho người ta toát mồ hôi lạnh.
Hoàng Nhụy vốn tính thật thà, tuy rằng hiện giờ bị thần sắc đáng sợ của Tống Hành làm cho kinh hãi, nhưng lệnh của chủ tử lại không thể không nghe.
Nàng nắm chặt tay áo, do dự muốn tiến lên nhắc lại một lần nữa rằng Thái phu nhân dặn ngài phải sang đó ngay, thì Phùng Quý bỗng nhìn sang, ra sức nháy mắt, vụng trộm chỉ về phía Tống Hành, rồi lại giơ ba ngón tay, ra hiệu cho nàng nhanh chóng quay lại Thúy Trúc cư để báo tin cho Tiết phu nhân.
Người hầu ở Thúy Trúc cư nào có ai ngu dốt, Hoàng Nhụy lập tức hiểu ý Phùng Quý đang nói về Tam lang quân, không dám chậm trễ, liền quay ngoắt đi tìm Tiết phu nhân báo tin.
Tiết phu nhân vẫn giấu chuyện Tống Hành về Thái Nguyên với Tống Duật, nên sáng ấy Tống Duật vẫn đến quan thự làm việc như thường lệ.
Thế nhưng, thanh thế khi quân Hà Đông khải hoàn lớn biết nhường nào, khó mà ém nhẹm lâu. Quân Hà Đông vừa đi qua cổng thành thì tin tức đã truyền đến quan thự.
Tống Duật vừa nghe, đã vội vã rời quan thự, vừa ra đến cửa thì đã thấy một bóng người từ sau tượng sư tử đá chặn đường hắn, khẩn khoản thưa chuyện: "Hồi bẩm Tam lang quân, Thái phu nhân có lệnh, dặn ngài mấy hôm tới tuyệt đối đừng về phủ, cứ ở lại khách xá trong thành mà nghỉ ngơi, việc ở quan thự cũng tạm gác lại, không cần quản đến nữa."
Tống Duật nghe xong, mặt không đổi sắc, điềm nhiên hỏi lại: "Tấn vương hồi phủ rồi sao?"
Vừa dứt lời, hắn chợt nhận ra bản thân đang hỏi một câu dư thừa.
A bà đã tự mình sai người đến tìm hắn, không cho hắn về phủ, chắc chắn là Nhị huynh đã biết chuyện Dương nương tử trốn đi rồi nổi giận đùng đùng. Cho dù a bà ra mặt cũng chưa chắc đã có thể dàn xếp ổn thỏa chuyện này chỉ trong chốc lát, do vậy mới tính đến việc để hắn lánh tạm bên ngoài, tránh khỏi đầu sóng ngọn gió.
Nhị huynh từng đánh chết tiểu tư hầu cận bên cạnh thúc phụ, cơn giận lần này e rằng cũng không thua kém lần trước là bao. Nếu hắn co cổ rụt đầu, phó mặc sinh tử cho Lưu mụ và Giang Nghiên tự mình xoay xở thì hắn sẽ thành hạng người nào?
Tống Duật không thèm để ý đến tiểu tư đang im lặng đứng đó, xoay người bước vội về chuồng ngựa, tự mình dắt ngựa ra, bất chấp sự can ngăn của tiểu tư, hắn vung roi, thúc ngựa phi nhanh về hướng Tống phủ.
Nội trạch Tống phủ.
Tống Hành sải bước lớn tới viện của Tống Duật, tìm mãi không thấy, nắm chặt tay định ra khỏi phủ đến quan thự tìm em trai, may sao Tiết phu nhân kịp chặn lại ở cửa nhị môn.
Người cháu mà bà tự hào nhất những năm qua nay lại phát cuồng vì một tiểu nữ lang. Tiết phu nhân rũ mắt thở dài một tiếng, nghiêng đầu ra hiệu cho Sơ Vũ, Sơ Vũ lập tức hiểu ý, dẫn mọi người lui ra ba trượng.
Chỉ vẻn vẹn trong mấy mươi nhịp thở sau đó, đình viện trống trải chỉ mỗi tổ tôn hai người.
Trong con mắt đục ngầu của Tiết phu nhân thoáng qua vẻ thất vọng, bà cao giọng chất vấn hắn: "Nhị lang, cháu tính làm gì đây? Tam lang là em trai ruột cùng một mẹ với cháu, cháu định vì một nữ lang mà mà gây chuyện bất nhã, khiến Tống phủ thành trò cười cho thiên hạ hay sao?"
Bà ngừng lại, đổi giọng nghiêm nghị: "Cháu đừng quên, cháu biểu tượng của vạn hộ phương bắc, là tam trấn Tiết độ sứ, bảo vệ bình an của tất cả bọn họ."
Trên đời này, người mà Tống Hành thật lòng kính trọng, ngoài song thân đã qua đời của hắn thì chỉ còn mỗi mình Tiết phu nhân mà thôi.
Tuy hiểu rõ không được hành xử lỗ mãng trước mặt bà nhưng cơn giận trong lồng ngực như ngọn lửa thiêu đốt lý trí hắn, khiến hắn luôn phải cố gắng hết sức để không nói gì mạo phạm đến Tiết phu nhân.
Tống Hành siết tay thành quyền, gần như nghiến răng mà nói: "A bà, hắn đã thả Dương Sở Âm đi... Nếu hắn coi ta là anh thì nỡ nào lại làm tổn thương ta đến thế!"
Vì một nữ tử họ Dương, hắn đã nghi ngờ người em trai ruột từng theo hắn vào sinh ra tử, không hề suy xét xem bản thân đã sai ở đâu, thật khiến lòng người lạnh giá.
Tiết phu nhân thấy hắn mê muội đến vậy, không nén nổi tiếng thở dài, chống gậy đập mạnh ba lần lên phiến đá dưới chân, cau mày trách mắng: "Nhị lang, cháu thật sự chỉ xem Dương thị là đồ chơi thôi sao? Nếu lão thân biết cháu bị nàng mê hoặc đến mức này, không cần Tam lang nhúng tay, lão thân cũng sẽ tìm cách đưa nàng rời đi, tự tay chặt đứt mối nghiệt duyên ấy."
Hắn đối với nàng, là thế nào? Tống Hành không ngừng tự hỏi.
Hắn thật chỉ xem nàng là đồ chơi thật sao? Nhưng nếu chỉ là đồ chơi thì sao hắn lại sinh ra nhiều oán hận và căm phẫn như thế này? Rõ ràng khi còn nhỏ, dù Tam lang làm hỏng hay làm mất những món đồ mà hắn yêu thích, hắn cùng lắm chỉ trách mắng vài câu, tuyệt đối sẽ không vì chuyện nhỏ nhặt này mà nảy sinh hiềm khích với Tam lang.
Nhưng nếu bảo hắn thích nàng, yêu nàng, thì lại quá nực cười. Người thành đại nghiệp đâu thể để lòng vướng víu chuyện tình cảm. Yêu sao? Trong lòng hắn, chỉ có chí hướng lớn lao, chẳng nhẽ lại chia sẻ cho một nữ lang nhỏ bé. Hắn không cho phép mình có loại cảm xúc này, càng không cho phép nó trở thành nhược điểm của mình.
Tâm tư rối bời, cơn đau đầu lại ập đến, Tống Hành đau khổ đấm vào trán mình để giảm bớt cảm giác khó có thể chịu được kia.
Tiết phu nhân thấy hắn đã bình tĩnh hơn, cũng yên lòng đôi phần, hơi dãn chân mày, lại khuyên nhủ: "Tam lang vốn là người trọng tình trọng nghĩa, trước kia Dương Duyên vì cứu Tam lang mà bỏ mạng, trước lúc lâm chung còn tự mình gửi gắm Dương thị cho Tam lang chăm sóc, Tam lang vẫn luôn cảm thấy áy náy với huynh trưởng của nàng, dĩ nhiên không thể trơ mắt nhìn nàng bị cháu cưỡng bức. Nói đi cũng phải nói lại, Dương thị một mặt đáp ứng cháu, một mặt lại toan tính bỏ đi, phản trắc khó bỏ, tâm địa khó lường, sao cháu có thể để nàng trở thành người bên gối? Nàng đã bỏ đi rồi, chi bằng cứ để nàng tự do, không cần làm rùm beng lên làm gì. Còn về đám người ở Phù Thúy viện, đã chẳng liên quan gì, Nhị lang cứ coi là tích phúc cho a bà, đừng làm khó họ thêm nữa."
Nếu đổi sang chuyện khác, có lẽ hắn sẽ nghe theo lời Tiết phu nhân, nhưng riêng chuyện buông tha Dương Sở Âm, thì hắn nhất quyết không thể.
Nàng đã ba lần bảy lượt trêu chọc hắn, dắt hắn xoay vòng trong lòng bàn tay, phạm phải tội nghiệt tày đình, tuyệt đối không thể dung thứ.
Tống Hành mặt mày u ám, tạm thời chôn giấu nỗi hận trong lòng, trở về với giọng điệu đạm mạc như thường: "Nếu a bà đã nói thế, mỗ đương nhiên sẽ khoan dung, tính mệnh người ở viện Phù Thúy mỗ sẽ không động đến nữa."
Tiết phu nhân nghe xong lời ấy, trái tim vốn đang treo lơ lửng giờ mới dần yên ổn, nhẹ gật đầu, ôn tồn hỏi hắn lần xuất chinh lần này có bị thương hay không.
Bị thương sao, chẳng nhẽ lại không có? Đất Thục dễ thủ khó công, tướng sĩ thủ thành cũng không thiếu những kẻ dũng mãnh. Trên vai và cánh tay hắn lại có thêm vài vết thương mới, trong đó có một vết đao thương nghiêm trọng đến độ kéo dài gần nửa tấm lưng.
Mùa đông vết thương khó lành, lại thêm việc không thể thay thuốc kịp thời, vết thương cứ chảy máu rồi lại đóng vảy, mãi đến khi trời ấm lên mới dần có chuyển biến, để lại một vết sẹo xấu xí.
Khi vết sẹo ấy thành hình, hắn từng tưởng tượng rằng, lúc khải hoàn về, nàng sẽ dịu dàng như lần đầu gọi hắn là "Quỳ Ngưu Nô", hỏi rằng vết sẹo ấy còn đau không.
Nay ngẫm lại, mọi thứ thật nực cười.
Hắn vì một nữ gian không tim không phổi mà đau đáu trong lòng, ngóng đợi nàng như chó đợi chủ, chỉ mong khi quay về có thể thấy được vẻ mặt hòa nhã, nghe được đôi lời an ủi thốt ra từ nàng.
"Không có gì đáng ngại, a bà yên tâm." Tống Hành nói xong, định gọi người đưa Tiết phu nhân về, rồi sai Trình Diễm mang ngư phù của hắn đi đi khắp nơi phát lệnh truy nã.
Đang sắp mở miệng thì đã thấy Tống Duật người mướt mồ hôi đi vào cửa viện, ánh mắt hai người chạm nhau, Tống Duật nhanh hơn một bước, chắp tay trước ngực thi lễ với Tiết phu nhân: "Cháu có vài lời muốn nói riêng với Nhị lang, nếu a bà không còn chuyện gì thì có thể về trước được không ạ?"
Thấy Tống Hành đã tỉnh táo trở lại, Tiết phu nhân cũng không nghi ngờ, dặn dò hai người vài câu xong thì chống quải trượng khoan thai rời khỏi viện, gọi đám Sơ Vũ đi theo.
Từ nhỏ Tống Duật đã vô cùng e sợ vị huynh trưởng này, nhưng lần này, hắn tin rằng mình đã làm đúng, nên khi đứng trước mặt Nhị huynh, hắn thể hiện một thái độ bình thản và cương trực hiếm thấy, ung dung nói: "Chuyện Dương nương tử rời phủ là do một mình đệ sắp đặt, nếu Nhị huynh có trách phạt thì cứ nhắm vào đệ, đừng liên lụy đến người khác."
Tống Hành coi như không nghe thấy, mặt mày vô cảm hỏi thẳng vấn đề mà hắn quan tâm: "Giấy thông hành ghi nơi nào?"
Hắn đoán được có lẽ Tống Duật đã đưa cho nàng một giấy thông hành trắng, nhưng lúc này hắn sốt ruột muốn tìm nàng, dù câu hỏi có chút thừa thãi thì hắn vẫn ôm một tia hy vọng mong manh, buột miệng hỏi.
Tống Duật điềm tĩnh đáp: "Không ghi rõ, đệ cũng không biết nàng đã đi đâu."
Giữa không trung bỗng nhiên nổi lên trận gió mạnh, cuốn áo bào hai người bay phiêu diêu, tiếng gió lùa vào tai rít lên u u, lẫn cũng âm thanh trầm đục của những thân trúc gầy guộc đang xoắn lấy nhau.
Tống Hành trong gió giơ tay lên, nhưng không đánh vào mặt Tống Duật mà nắm chặt lấy vai hắn, lạnh lùng cười khẩy, môi mỏng khẽ nhếch: "Tam lang, Tống Duật, ngươi đúng là đứa em tốt của ta... Ngươi nghĩ rằng, việc này có thể giúp nàng thoát khỏi bể khổ sao? Để ta cho ngươi biết, ngươi có cách để nàng trốn đi, thì ta cũng có cách tìm nàng về. Đến khi nàng quay về bên ta, nhờ ơn huệ ngươi ban, ta sẽ để nàng hiểu thế nào là sống không được, chết cũng không xong. Bài vị của huynh trưởng nàng vẫn được thờ phụng trong Tam Thanh quan, khi ấy, ta sẽ đem bài vị của hắn về, để hắn tận mắt chứng kiến tiểu muội hắn bị ta thu phục."
Lời lẽ điên cuồng của hắn khiến Tống Duật ngây người, đôi mắt nhìn hắn như nhìn kẻ điên, hồi lâu không thốt nên lời, chỉ có thể nhìn hắn với ánh mắt kinh ngạc, khó khăn thốt lên mấy chữ: "Nhị huynh, huynh điên rồi..."
Câu nói nhẹ bẫng ấy, căn bản không đủ sức tác động.
Ngay lúc này, Tống Hành hơi cúi đầu xuống, nhưng vẫn cao hơn Tống Duật một cái đầu, hắn thản nhiên phủi bụi trên vai áo em trai, nhìn thẳng vào mắt y, giọng điệu lạnh lẽo: "Người điên không phải là ta, mà là ngươi đấy, Tam lang. Nếu ngươi không điên, sao lại ngây thơ đến mức dám cả gan giúp người thiếp chưa qua cửa của ta bỏ trốn! Dương Sở Âm và những vật ngươi từng làm mất hồi nhỏ không giống nhau, ngươi không nên động vào nàng. Nếu không phải nể mặt mẫu thân và a bà, ngươi tưởng ta sẽ bỏ qua cho ngươi dễ thế sao?"
Khoảnh khắc ấy, Tống Duật như bị kéo trở lại ký ức ngày bé, trở lại cảm giác sợ hãi khi bị hắn chi phối.
Khi ấy hắn chỉ mười bốn, mười lăm tuổi, nhưng khí thế đã mạnh mẽ bức người, thân hình cao lớn, nổi trội hơn cả những người đồng trang lứa. Nhũ danh của hắn là Quỳ Ngưu Nô, nhưng từ khi hắn thể hiện rõ không thích cái tên này, không còn ai dám gọi hắn như vậy, ngay cả a bà cũng không ngoại lệ.
Vệ Tuân và Trình Diễm đều sợ hắn, Tống Duật cũng vậy, ngay cả phụ thân cũng nhìn hắn bằng ánh mắt khác, nói hắn thanh xuất ư lam. [1]
[1] Thanh xuất ư lam: (青出于蓝) là một thành ngữ gốc Hán, nghĩa đen là "màu xanh xuất phát từ màu lam" nhưng ý nghĩa thực sự của nó là "trò giỏi hơn thầy" hoặc "hậu sinh khả úy" (người đời sau vượt trội hơn người đời trước). Thành ngữ này nói về việc người học trò hoặc thế hệ sau không chỉ học được từ người đi trước mà còn có thể phát triển, sáng tạo, hoặc vượt qua giới hạn mà thầy hay thế hệ trước đã đạt được.
Cuối cùng tay vẫn không thắng được đùi, [2] hắn sao có thể địch nổi Nhị huynh. Tống Duật có phần nhụt chí, rũ mắt không dám nhìn lên, hai tay siết chặt phát run, hắn mấp máy môi hỏi thử: "Dương nương tử liên tiếp mất cha mẹ và huynh trưởng, cuộc đời nàng đã đủ khổ lắm rồi. Nhị huynh đã nương tay với ta thì cớ gì lại không tha cho nàng?"
[2] Câu thành ngữ "Tay vẫn không thắng được đùi" (胳膊终究拧不过大腿) xuất phát từ văn hóa Trung Hoa, mang ý nghĩa rằng "kẻ yếu không thể thắng được kẻ mạnh" hoặc "người ở vị trí thấp kém khó có thể đối đầu với người có quyền lực cao hơn."
Câu này thường dùng để diễn tả tình huống mà một người, dù cố gắng đến đâu, vẫn không thể chống lại được sức mạnh hoặc quyền lực của người hoặc hệ thống có ưu thế hơn. Giống như việc cánh tay yếu ớt không thể chiến thắng được đùi – một phần cơ thể có sức mạnh và thế lực lớn hơn – nó hàm ý rằng đôi khi đấu tranh chống lại quyền lực là vô vọng và cần phải biết vị thế của mình trong mối quan hệ quyền lực này.
"Ngươi là thứ tử của cha nương, là thứ tôn của ông bà, nàng là thứ gì! Có xứng để ta phải dung tha? Người nợ mạng của huynh trưởng nàng là ngươi, không phải ta. Về sau Tam lang nhớ kỹ, đừng nhắc đến chuyện nàng là em gái ân nhân cứu mạng của ngươi ra trước mặt ta, vọng tưởng sẽ khiến ta mềm lòng với nàng."
Tống Hành nghiến răng, nhấn mạnh từng chữ "thứ gì", đủ để thấy nỗi căm hận trong lòng hắn sâu đến nhường nào.
Lúc này hắn đã giận đến mất trí, lời lẽ cay nghiệt đến khó nghe. Tống Duật nghe xong, không muối đôi co gì thêm, chỉ mong Dương nương tử có thể an toàn, mai danh ẩn tích giữa biển người vạn dặm.
Ngày tháng qua đi, Nhị huynh ắt hẳn sẽ dần quên nàng.
Tự trấn an mình xong, Tống Duật lặng lẽ rời đi, trở về phòng.
Ngoài miệng Tống Hành nói sẽ bỏ qua, tuy không đụng đòn roi nhưng thủ đoạn giết người không dao thì không thể thiếu. Chỉ trong hai ngày ngắn ngủi, toàn bộ binh quyền và chức vị của Tống Duật đều bị hắn thu hồi, để lại một chức quan nhàn tản, hữu danh vô thực.
Biện Châu.
Thẩm Kính An không phụ sự kỳ vọng của Giang Tiều, liên tiếp hạ được hai trấn Tuyên Hấp và Trấn Hải, thắng trận trở về.
Trên Minh Đường, Giang Tiều luận công ban thưởng, phong Thẩm Kính An làm Vũ An hầu.
Cuối buổi triều, Giang Tiều giữ Thẩm Kính An lại hỏi chuyện, chuẩn y được nghỉ ba ngày.
Thẩm Kính An không thích ồn ào, không muốn mở tiệc chúc mừng, lập tức trở về phủ thay thường phục, cưỡi ngựa đến biệt phủ.
Khi y đến nơi, Lý Lệnh Nghi đã làm xong công khóa, đang ngồi dưới giàn hoa pha trà.
Thẩm Kính An ôm quyền thi lễ, Lý Lệnh Nghi đứng lên đáp lễ, vừa thả bột trà vào nước sôi, vừa hỏi y lần xuất chinh này có thuận lợi không, có bị thương chỗ nào không.
Giọng nói thanh thoát của nữ lang vừa rơi xuống, vết thương cũ trên vai Thẩm Kính An bỗng nhói lên, trái tim không khỏi đập nhanh hơn, bèn giả vờ trấn tĩnh đáp: "Mọi chuyện đều thuận lợi. Chỉ là trên chiến trường đầy đao kiếm không có mắt, tránh sao khỏi chút thương tích ngoài da, nay đã ổn rồi, làm phiền công chúa phải bận tâm."
Nghe vậy, Lý Lệnh Nghi chỉ khẽ gật đầu, "Không sao là tốt rồi."
Nói đoạn, nước sôi lại nổi lên, Lý Lệnh Nghi cho thêm nửa gáo nước suối vào, mỉm cười mời: "Đây là Hoàng Nha [3] ở Thọ Châu ta mang về, lang quân ngồi xuống thưởng một chén xem sao."
[3] Trà hoàng nha (黄芽) là một loại trà quý thuộc dòng trà xanh (lục trà) của Trung Quốc, có nguồn gốc từ vùng An Huy, nổi tiếng với sản phẩm trà ở khu vực này. "Hoàng nha" nghĩa là "chồi vàng", ám chỉ những búp trà non được chọn lọc kỹ lưỡng. Loại trà này có màu sắc sáng, hương vị nhẹ nhàng, thanh mát, hậu vị ngọt nhẹ.
"Được." Thẩm Kính An không chút do dự, như sợ nàng đổi ý, vội lấy chén trà ra, cẩn thận nâng trong tay đợi trà được hãm xong.
Thấy vậy, Lý Lệnh Nghi không nhịn được cười, trêu chọc y ngốc nghếch, "Lang quân cứ cầm mãi thế này, chẳng may bị phỏng thì làm sao, cứ để chén xuống, ta sẽ rót cho."
Dù đã ngoài ba mươi, nhưng nghe nàng nói vậy, Thẩm Kính An vẫn thấy tai mình nóng lên, đặt chén trà xuống, an tĩnh chờ đợi.
Chẳng bao lâu, trà đã được chuẩn bị xong, Lý Lệnh Nghi rót hai chén, Thẩm Kính An nâng chén của mình lên, từ tốn nhấp vài ngụm, lại hỏi: "Công chúa định khi nào sẽ trở về Tuyên Châu?"
"Ta ở đây làm phiền đã lâu, dĩ nhiên càng sớm càng tốt."
Thẩm Kính An muốn nói rằng nàng không hề quấy rầy, muốn nàng lưu lại lâu hơn, nhưng sợ lời nói ra quá phận, đành nuốt xuống, dịu giọng đáp: "Giấy thông hành và xe ngựa cần thêm đôi ba ngày để chuẩn bị, công chúa cứ yên tâm ở lại đây thêm ít ngày nữa."
Nghe vậy, Lý Lệnh Nghi khẽ mỉm cười, thành tâm cảm tạ: "Vậy phiền lang quân phải bận tâm rồi."
Nhịp tim càng thêm mãnh liệt, Thẩm Kính An siết chặt chén trà trong tay, khóe môi khẽ cong lên, đáp: "Công chúa đã có ơn với mỗ, sao cần phải khách sáo như vậy. Mùa thu năm ngoái, công chúa đã đi bờ sông Biện ngắm trăng chưa?"
"Dĩ nhiên là có." Lý Lệnh Nghi nhớ tới đèn hoa do chính tay y làm, liền nói: "Đèn hoa mà lang quân tặng, ta rất thích, cảm ơn ngài."
Thẩm Kính An vốn kiệm lời, nắm được chủ đề liền tiếp tục: "Công chúa thích là tốt rồi. Nếu có dịp gặp lại, mỗ sẽ làm thêm nhiều loại đèn hoa khác."
Lý Lệnh Nghi nhẹ gật đầu: "Tuyên Châu và Biện Châu đều là đất của nước Ngụy, sau này nhất định sẽ còn gặp lại."
Còn có thể gặp lại. Thẩm Kính An không ngừng lặp lại câu nói của nàng trong đầu, một mặt nén chặt niềm vui trong lòng, một mặt vẫn giữ vẻ thong dong, ngỏ lời mời dưới tư cách một người bạn: "Thánh nhân đã chẩn cho mỗ được nghỉ ba ngày, ngày mai mỗ muốn mời công chúa đi dạo trên sông Biện ngắm cảnh, công chúa thấy thế nào?"
Lý Lệnh Nghi vẫn ngầm tán thưởng phẩm hạnh của Thẩm Kính An, xem y là quân tử đoan chính, nên không nghĩ ngợi nhiều mà đồng ý ngay.
Trong lòng bàn tay, mồ hôi dần ướt đẫm, khiến chén trà cũng trở nên trơn trượt, Thẩm Kính An khẽ ho một tiếng, cố giấu niềm vui và nụ cười nơi khóe miệng, đặt chén trà xuống rồi làm như vô tình nói: "Mặt trời lên cao rồi, công chúa đứng dưới nắng lâu sẽ nhức đầu mất, nên vào trong phòng ngồi nghỉ thôi. Giờ Thìn ngày mai, mỗ sẽ phái người tới đón công chúa."
"Được." Lý Lệnh Nghi cười dịu dàng, thanh âm nhẹ như làn gió xuân.
Thẩm Kính An không nán lại lâu, sau khi dùng xong trà, y cáo từ rồi rời khỏi biệt viện, cưỡi ngựa hồi phủ.
Vừa xuống ngựa, đã có tiểu tư tiến lên nghênh đón.
Thẩm Kính An giao ngựa cho hắn dắt vào chuồng.
"Gia chủ, mấy hôm trước phía Thái Nguyên đã gửi tin đến."
Thẩm Kính An vội vã cầm lấy phong thư, nắm chặt trong tay, sải bước nhanh về phòng chính.
Sau khi gỡ dấu niêm phong, y lấy lá thư bên trong mở ra xem.
Không ngờ lại là người đã đón nàng đi là người của Tống phủ.
Hồi tưởng lại những ngày ở Tấn Châu, nàng và Tam lang đều còn nhỏ, chưa đến mười tuổi, nhưng đã học được cách nhìn sắc mặt người khác để hành xử, cẩn trọng mọi bề. Tam lang là nam nhi, vẫn còn đỡ hơn đôi chút, nhưng Nhị nương tính tình trầm mặc, ít khi thổ lộ, dù chịu ấm ức trong phủ cũng chỉ biết giấu kín trong lòng.
Y được phụ thân nhận nuôi, từ khi người qua đời, ở quý phủ cũng thấp cổ bé họng, không giúp được gì cho a tỷ góa bụa và hai đứa con nhỏ về nương nhờ của nàng. Y không có tài văn chương, nhưng biết công phu quyền cước, vậy nên y tòng quân, mong rằng nhờ công trạng mà kiếm được một chức quan, trở thành chỗ dựa cho cho a tỷ, Nhị nương và Tam lang. Nào ngờ, từ lúc ly biệt đó, y chưa từng gặp lại a tỷ lần nào nữa.
Nếu không vì gia nhập Tuyên Võ quân, nhờ chiến công lọt vào mắt Thánh nhân, nắm trong tay chút quyền hành thì có khi y cũng không thể nào lần theo dấu vết của a tỷ sau khi người rời khỏi Tấn Châu, nói chi đến việc dò la tung tích của Nhị nương.
Tống Duật. Thẩm Kính An trước giờ chưa từng điều tra kỹ về con người này, nhưng nay hắn đã có liên hệ với Nhị nương, không thể không phái người dò hỏi một phen.
Nếu Nhị nương còn ở trong phủ của hắn, tất nhiên y sẽ đưa nàng về.
Sáng hôm sau, Thẩm Kính An và Lý Lệnh Nghi cùng ngồi thuyền du ngoạn trên sông Biện; qua một ngày nữa, mọi việc đều đã thu xếp ổn thỏa, Thẩm Kính An đích thân tiễn Lý Lệnh Nghi rời thành.
Thời gian thấm thoắt thoi đưa, thoáng chốc đã đến giữa hạ, tháng năm. Lý Lệnh Nghi ngồi xe ngựa đến Tuyên Châu, tiếp tục việc tu đạo trên núi Kính Đình.
Phía tây nam của thành Cẩm Quan, giữa hai hàng cây xum xuê tươi tốt.
Thi Yến Vi thuê một ngôi nhà cũ ở Hoán Hoa Khê, thuộc phường Bích Kê với giá tám quan tiền, cách tòa Ngâm Thi Lâu mà tài nữ Tiết Đào của triều trước lập ra chỉ khoảng hai khắc đi bộ.
Tiết Đào vốn người Trường An, về sau gia đạo sa sút, nàng theo cha đến tá túc tại thành Cẩm Quan. Dù sau này bất hạnh rơi vào chốn phong trần, nàng vẫn giữ trọn lòng son, không ngừng đạt được những thành tựu trong văn chương, nhờ đó mà được thoát tiện tịch. Thơ của nàng mang phong vị thanh nhã, hàm ý uyển chuyển, nổi danh thiên hạ, là một trong tứ đại tài nữ tiền triều. Do từng nhiều lần làm giáo thư cho các trấn Mạc Phủ, nên nàng còn được biết đến với danh hiệu "nữ giáo thư." [4]
[4] giáo thư: (校书) là một chức vụ liên quan đến học thuật, thường được giao cho các học giả hoặc những người có trình độ cao về văn học. Người giữ chức giáo thư chịu trách nhiệm hiệu đính, biên tập, và sao chép các tài liệu văn thư, đặc biệt là các văn bản quan trọng hoặc các thư tịch quý báu. Trong thời Đường và Tống ở Trung Quốc, vị trí này thường do những người tài năng trong văn chương đảm nhận. Tiết Đào là nhân vật có thật trong lịch sử.
Thi Yến Vi nghe ngóng khắp nơi, cuối cùng tìm được mộ phần của Tiết Đào, sau khi cúng bái xong, nàng đi ra chợ để mua giấy Tiết Đào.
Nhân lúc trả tiền, Thi Yến Vi mở lời hỏi: "Xin hỏi nơi này có cần người làm giấy nữa không?"
Nếu có thể học được nghề này, sau này dù phải rời Cẩm Quan thành đến nơi khác, nàng cũng có thêm một lựa chọn làm kế sinh nhai, không đến mức miệng ăn núi lở.
Người kia nghe vậy liền đáp: "Tiểu lang quân muốn tìm việc sao? Giấy Tiết Đào này phải làm vào mùa hoa mộc phù dung, lúc này hoa còn chưa đơm nụ nên cũng chưa làm giấy được. Nếu tiểu lang quân muốn tìm việc thì phía trước có một tiệm vải đang thiếu người, chỉ là tiếc là họ thường chỉ tuyển nữ công thôi."
Thi Yến Vi sực nhớ đến bức danh họa thời Thịnh Đường, người xe lụa và may vá đều là nữ lang những việc tinh tế thế này, quả là không thích hợp cho lang quân thô kệch. Tiệm vải chỉ nhận nữ công cũng là lẽ thường tình thôi.
Xung quanh nếu toàn là nữ nhân cùng làm việc với nàng thì Thi Yến Vi sẽ thấy yên tâm hơn.
Nghĩ vậy, bèn tiếp: "Mỗ có một tiểu muội đang cần tìm việc, phiền ngài chỉ cụ thể hơn được không."
Người kia bản tính nhiệt tình, không nghi ngờ gì, liền cẩn thận chỉ đường cho nàng rồi mới nhận mấy đồng tiền nàng đưa, đếm lại, dặn dò nàng giữ kỹ tập giấy, chớ để quên mất.
Thi Yến Vi vừa đi vừa hỏi, chẳng bao lâu đã tìm đến được tiệm vải, nàng chưa vội vào ứng tuyển, mà trở về nhà viết lại những trải nghiệm hôm nay vào cuốn "Du ký Cẩm Quan" do chính nàng biên soạn.
Sáng sớm hôm sau, Thi Yến Vi mặc y phục nữ nhi, dùng hoàng phấn và than chì che đi dung mạo thực, rồi ngồi xe lừa đến tiệm vải đã trông thấy hôm trước.
Trước đây lúc ở Lạc Dương, từng có khoảng thời gian nàng bị Tống Hành nửa dụ dỗ, nửa ép buộc học cắt vải, may y phục với các bà mụ ở phòng châm tuyến nên dù không thể đảm đương những việc nặng nhọc như dệt vải, thì việc cầm kim khâu vá, thêu thùa, nàng vẫn có thể làm được.
Nữ thương của tiệm vải đưa nàng đến phòng may.
Việc may vá trả công theo từng món, thời gian làm việc cũng khá tự do, Thi Yến Vi tạm hài lòng với công việc này, liền hẹn với chưởng quầy năm ngày sau sẽ bắt tay làm việc.
Không vì lý do nào khác, chỉ bởi nàng muốn trong ngày hè này đến ngắm đập Đô Giang và núi Thanh Thành [5] nghìn năm trước. Vẫn nhớ kỳ nghỉ hè năm thứ hai đại học, nàng cùng Trần Nhượng từng đến thăm quan hai địa danh này. Không giống với hai lần đi cùng cha mẹ và bạn cùng phòng ký túc xá, có Trần Nhượng ở bên, tâm trạng khi ấy thật khác biệt.
[5] Đô Giang Yển (Đập Đô Giang) là một hệ thống thủy lợi cổ nằm tại Đô Giang Yển, Tứ Xuyên, Trung Quốc. Nó được xây dựng vào năm 256 TCN dưới thời nhà Tần nhằm kiểm soát lũ lụt và tưới tiêu, hiện vẫn đang được sử dụng. Công trình này nằm trên sông Dân, là nhánh dài nhất của sông Dương Tử.
Núi Thanh Thành là một ngọn núi nằm ở thành phố Đô Giang Yển, Tứ Xuyên, Trung Quốc. Nó nằm cách thành phố Thành Đô 68 km về phía đông, và cách công trình thủy lợi Đô Giang Yển 10 km về phía tây nam. Đỉnh chính của nó là Đỉnh Lão Tiêu cao 1600 mét so với mực nước biển.
Lúc này nàng đi một thân một mình, tâm cảnh e rằng cũng sẽ chẳng giống ba lần trước.
Lúc này nàng đi một thân một mình, tâm cảnh e rằng cũng sẽ chẳng giống ba lần trước.
Thi Yến Vi bỗng thấy sống mũi cay xè, bèn lấy nghiên mực ra mài, hạ bút giãi bày nỗi lòng.
Hai ngày sau, Thi Yến Vi đã thăm xong đập Đô Giang, rồi tiếp tục hành trình lên núi Thanh Thành.
Từ chân núi nhìn lên, núi Thanh Thành này không khác biệt là bao so với khung cảnh ở thời không trước khi nàng xuyên đến, nhưng đường lên núi và kiến trúc trên ấy thì hoàn toàn khác biệt.
Trên núi có một đạo quán tên là Thường Đạo quan, khởi xây từ thời Đại Nghiệp nhà Tùy, danh tiếng lẫy lừng, khói hương rất thịnh.
Thi Yến Vi đặt chân lên bậc đá tiến vào, chắp tay cung kính vái lạy trước tượng thần, rồi tiến vào điện xin một quẻ.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro