Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Tâm lập

Giải mã truyện Tây du, bài Sáu bảy mười ba giải về thập tam ma (lục dục, thất tình). Để hàng phục tâm, chuyện không dễ. Mà khi tâm đã hàng phục rồi, thì sao? Bức ảnh thiền trên đây viết rất đẹp hai chữ Tâm lập. Tâm lập mang ý nghĩa gì?

Tâm lập nghĩa là tâm đã đứng vững vàng, đã an định, không còn điên đảo trước mọi yếu tố đảo điên.

Lòng ta ta đã chắc rồi,

Dễ ai giục đứng giục ngồi mà nao.

Dù ai nói ngả nói nghiêng,

Ta đây vẫn vững như kiềng ba chân.

Dù ai nói đông nói tây,

Ta đây vẫn vững như cây trên rừng.

Làm sao đạt được tâm lập?

Lục dục, thất tình. Mười ba cái đó bủa vây tấn công lòng người. Chúng làm cho tâm phàm thoạt vầy thoạt khác, như khỉ vượn lăng xăng nhảy nhót chuyền leo (tâm viên: vượn lòng). Tâm không trụ, cứ bôn ba chạy theo cảnh đời bôn ba, như ngựa hoang rong ruổi mặc tình (tâm mã: ngựa lòng). Lòng người có khi chợt nổi sóng triều dâng, cuồn cuộn vì ham muốn, vì khát vọng (tâm ba: sóng lòng). Có khi nung nấu bừng bừng, như lửa cháy đốt thiêu vì phẫn nộ, sân hận (tâm hỏa: lửa lòng). Tâm như thế không phải là tâm thanh tịnh, mà chỉ toàn những cặn cáu, bụi bặm quậy lên ngầu đục (tâm cấu, tâm trần: bụi bặm trong tâm).

Thiền nhà Phật dạy thế nhân con đường minh tâm kiến tánh. Sáng lòng thấy tánh thì giác ngộ, đắc đạo, thành phật thành tiên. Nhưng tâm phàm vốn chất chứa đủ thứ rộn ràng, vốn đa mang bộn bề hệ lụy thì làm sao minh tâm để được sáng lòng? Hẳn nhiên không dễ! Cho nên, sự uy hùng của con người không phải là chiến thắng muôn vạn hùng binh giữa chốn chiến trường hòn tên mũi đạn; sự uy hùng của con người nằm ở một mặt trận khác, tuy rằng cuộc chiến thầm lặng, cô đơn, không có máu me xương thịt tan tành mà lại vô cùng dữ dội, cực kỳ quyết liệt. Mặt trận đó nơi đâu? Thưa rằng, kinh Pháp cú còn ghi lời Phật dặn dò: "Chiến thắng vạn quân không bằng tự thắng mình. Tự thắng mình là chiến công oanh liệt nhất."

Kẻ nào tự thắng chính bản thân mình, đó mới đích thực là con người đại hùng đại lực. Tu sĩ Cồ đàm đã tự thắng nên được xưng tán là Đại hùng. Chánh điện trang nghiêm thờ Phật Thích ca vì thế được tôn xưng là Đại hùng bửu điện.

Đề tài hàng phục tâm thể hiện rõ trong ảnh thiền Tâm lập. Thanh gươm và cái khiên là hình ảnh tượng trưng cho chiến sĩ, hay trang kiếm khách. Kiếm khách này không chinh phục tha nhân mà chỉ chinh phục bản tâm. Trận chiến không diễn ra ngoài nội tâm mà chỉ là những trận quyết đấu một mất một còn ở nội tâm để đoạn trừ thập tam ma (lục dục, thất tình), cũng như mọi thứ phiền não chướng ngại khác ngõ hầu chuyển hóa tâm trần cấu đảo điên trở thành tâm thanh tịnh, an định.

Trong trận chiến tưng bừng khốc liệt giữa thầm lặng cô đơn, vũ khí duy nhất của kiếm khách chính là trí huệ. Phải dùng trí huệ để đoạn diệt mọi chướng ngại. Như dùng dao bén gươm sắc mà chặt đứt lìa tất cả. Trong ý nghĩa biểu tượng đó, các thiền sư mệnh danh trí huệ là huệ kiếm, huệ đao.

Kinh Duy ma cật chép: "Dĩ trí huệ kiếm phá phiền não tặc." (Lấy gươm trí huệ phá giặc phiền não.)

Tương tự, trong truyện thơ Quan âm Thị Kính, dân gian Việt Nam có câu:

Này gươm trí huệ mài đây,

Bao nhiêu phiền não cắt ngay cho rồi.

Đối với những hành giả trót đã chọn đời kiếm khách độc hành, mang gươm cất bước vào cõi tịch liêu trên dặm trường thiên lý quay về nội tâm cô đơn, thì mọi phiền não, mọi chướng ngại của tâm cũng chính là những nợ nần cần phải thanh toán một lần cho sạch sẽ. Kinh cầu siêu Cao đài có câu:

Dâng gươm huệ kiếm xin cầm,

Chặt lìa trái chủ đặng tầm ngôi Thiên.

Nhìn lại ảnh thiền Tâm lập, thấy rõ thanh gươm hãy còn nằm nguyên trong bao. Và để gác lên tấm khiên. Thanh bình thay, yên ả thay! Cuộc chiến đã tàn. Chàng hiệp khách năm xưa nay đã rửa tay gác kiếm rồi. Tâm ấy thôi không còn gì phong ba phiền não. Trên mặt tấm khiên, hình con rồng như nét vẽ trang trí, mà cũng như nói xa nói gần đến thuật ngữ của thiền gia đạo Lão và hành giả Cao đài: hàng long phục hổ (thu phục rồng cọp).

Trong trận chiến riêng tư của từng kiếm khách với thập tam ma, bao giờ mới có thể rửa tay gác kiếm? Câu trả lời chẳng dễ, vì thời gian không hề được định mức ở đây.

Đức Khổng tử phải đến bảy mươi tuổi mới dám bảo tâm đã định, đã lập, bấy giờ tâm muốn sao cũng có thể chìu theo vì không còn sợ lâm vấp lỗi lầm nữa ["Thất thập nhi tùng tâm sở dục, bất du củ." Luận ngữ: Vi chính, câu 4].

Học trò Thiền sư Quy Sơn Linh Hựu tên là Linh Vân cũng đã phải mài kiếm (tu tập thiền định) suốt ba mươi năm. Một hôm chợt nhìn thấy hoa đào nở mà chứng ngộ (satori). Thiền sư Linh Vân cảm khái:

Tam thập niên lai tầm kiếm khách,

Kỷ hồi lạc diệp kỷ trừu chi.

Tự tùng nhất kiến đào hoa hậu,

Trực chí như kim bất cánh nghi.

Có người dịch:

Ba chục năm qua tìm kiếm khách,

Bao phen lá rụng với cành trơ.

Một lần từ thấy hoa đào nở,

Cho đến ngày nay dạ chẳng ngờ.

Đáng sợ một nỗi, đề tài Tâm lập trên tấm ảnh thiền này lại là sáng kiến của một... tiệm ăn bên xứ Phù Tang: Thạch điền tửu điếm. Để trang trí cho tờ lịch treo tường năm 1984, tháng Sáu.

Lấy cái thâm vi tế nhị của thiền đem đặt vào một chỗ uống ăn rất đời thường giữa sự thế phồn hoa; phải chăng ai đó muốn gửi gắm lại cho đời ý nghĩa rốt ráo của người xưa, rằng: thiền đích thị là thiền trong chỗ chẳng thiền?



Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro

Tags: