Lời mở đầu
Văn dĩ tải Đạo. Truyện Tây du mượn chuyện thỉnh kinh, đấu phép, bắt yêu để chở chuyên đạo lý giải thoát của thánh hiền, tiên phật. Nói ngay như vậy là để lập tức xác định rằng siêu vượt lên cốt truyện đầy những tình tiết ly kỳ, hấp dẫn, truyện Tây du vốn hàm chứa nhiều ý nghĩa thâm thúy về đạo pháp.
Với một căn bản về Phật học và Lão học, nhất là Thiền học, khi đã gẫm suy, xét kỹ truyện Tây du, người đọc sẽ có dịp khám phá ra mật ngữ hình nhi thượng (esoteric) được che giấu tài tình, nằm ẩn khuất khéo léo sau những chương hồi gay cấn, tưởng chừng như chỉ nhằm thỏa mãn thị hiếu giải trí của đại chúng mà thôi.
Thật vậy, với người đọc truyện Tây du giữa hai hàng chữ, kỳ thư này sẽ dẫn dắt đi vào huyền nghĩa ẩn áo của đạo học phương Đông. Nói cách khác, Tây du ký của Ngô Thừa Ân cần được một lần khơi mở, để thử khám phá.
Thoạt đầu, căn cứ theo bộ tiểu thuyết mười tập của các dịch giả Như Sơn, Mai Xuân Hải, Phương Oanh (Nxb Văn học Hà Nội, in từ năm 1982 đến năm 1988), Giải mã truyện Tây du hình thành và được đăng dần trên tập san Văn hóa & Đời sống từ tháng 9-1991 đến tháng 4-1992, tổng cộng gồm chín bài:
1. Đường Tăng! Anh là ai?
2. Trăng sao cửa động đá đầu non
3. Ngọn gió trong lò
4. Núi cao chi mấy núi ơi!
5. Vạn năm chờ quả chín
6. Bốn biển không yên cơn lửa trẻ
7. Sáu bảy mười ba
8. Nẻo về bên ấy
9. Nỗi lòng giấy trắng
Khi Giải mã truyện Tây du xuất bản lần thứ Nhất (1993, 144 tr.), trong Phụ lục, sách được bổ sung ba bài:
1. Tâm lập
2. Hư thực đôi điều
3. Trường xuân Chân nhân Tây du ký
Không kể các bài điểm sách được in lại trong Dư âm Giải mã truyện Tây du, đến bản in lần thứ Nhì (Nxb Văn hóa-Thông tin, Hà Nội 1995, 228 tr.), sách có thêm hai phụ lục khác:
1. Tây du ký có bài Lão tôn Phật không?
2. Nói chuyện Trư Bát giới
Trong bản in lần thứ Ba này, ngoài một ít sửa chữa nhỏ, nội dung sách còn tiếp tục được bổ sung như sau:
– Bài Nỗi lòng giấy trắng bổ sung lời giải huyền nghĩa vì sao ở chùa Lôi âm, khi đòi Đường tăng dâng lễ vật hai vị tôn giả A nan và Ca diếp lại bảo: "Tay trắng trao kinh truyền đời người sau đến chết đói mất."
– Phần Phụ lục bổ sung thêm hai bài:
1. Đường tăng thỉnh kinh: hư cấu và lịch sử.
2. Hầu vương trong Tây du ký được hư cấu như thế nào?
Người viết mong rằng những phần mới hiệu đính và tăng bổ trong bản in kỳ này sẽ có thể mang đến cho những người hâm mộ truyện Tây du niềm vui được thưởng thức và khám phá một danh tác bất hủ đời Minh, đã trải qua hơn bốn trăm năm tuổi.
Trân trọng,
Phú Nhuận, 18 tháng 4 năm 2000
LÊ ANH DŨNG
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro