Giã từ vũ khí Q4 c33 -c41 end
Quyển 4 - Chương 33
Đến Milan tôi nhảy khỏi xe lửa khi nó chầm chậm vào ga. Trời hãy còn sớm và mờ mờ. Tôi vượt qua đường sắt và lách qua hai dãy nhà lớn. Tôi đi xuống phố. Một quán rượu đã mở cửa và tôi vào uống một ly cà phê. Trong quán dàn ra cảnh buổi sáng, bụi bay, thìa cắm trogn ly cà phê, những vành nước dưới đáy các ly rượu. Ông chủ quán đứng sau quầy hàng. Hai binh sĩ đang ngồi ở bàn. Tôi đang đứng ở quầy uống một ly cà phê, ăn một mẩu bánh mì. Cà phê sữa màu xám, tôi lấy mẩu bánh mì, lấy kem. Ông chủ quán nhìn tôi:
- Ông dùng một ly rượu Grappa nhé?
- Không, cám ơn.
- Tôi đãi mà – ông ta vừa nói vừa rot một ly nhỏ và đẩy về phía tôi.
- Ở mặt trận có gì xảy ra không?
- Tôi chẳng rõ.
- Họ đã say- ông ta vừa nói vừa trỏ về phía hai người lính. Tôi có thể tin lời ông ta, vì hai người lính ấy có vẻ rất say.
- - Kể cho tôi nghe những gì xảy ra ngoài mặt trận – ông nói.
- Tôi không biết tí gì ở mặt trận cả.
- Tôi thấy ông đi lách theo tường. Ông vừa xuống xe lửa.
- Một cuộc rút lui lớn.
- Tôi đã đọc báo. Điều gì đã xảy ra? Đã chấm dứt chưa?
- Tôi không tin thế.
Ông rót đầy ly rượu Grappa trong một chai nhỏ vào ly của tôi.
- Nếu ông gặp nguy hiểm tôi có thể che giấu ông – ông nói.
- Không , tôi có gì nguy khốn đâu?
- Nếu ông đang gặp cảnh nguy hiểm thì hãy ở lại đây với tôi.
- Ở đâu?
- Trong nhà này. Họ ở đây đông lắm. Những ai gặp nạn đều đến đây.
- Có nhiều người gặp nạn lắm sao?
- Cũng tuỳ theo tại nạn thuộc về loại nào. Ông là người Nam Mỹ?
- Không.
- Ông nói được tiếng Tây Ban Nha chứ?
- Ít thôi.
Ông ta lau quầy hàng.
- Vào lúc này, muốn xuất ngoại là một điều rất khó khăn, nhưng không phải không được.
- Tôi không muốn xuất ngoại.
- Ông có thể lưu lại đây bao lâu tuỳ ông. Rồi ông sẽ rõ tôi thuộc hạng người nào.
- Tôi phải đi ngay vào buổi sáng nay, nhưng tôi sẽ nhớ địa chỉ của ông.
Ông ta lắc đầu.
- Khi nói như thế người ta sẽ không bao giờ trở lại. Tôi tin rằng ông đang nguy khốn lắm thì phải.
- Không, tôi không có gì nguy khốn cả. Nhưng tôi trọng địa chỉ một người bạn.
Tôi để tờ mười đồng lia lên quầy hàng trả tiền cà phê.
- Ông uống một ly Grappa với tôi – tôi nói.
- Thôi, cần gì.
- Ông uống một ly mà.
Ông ta rót ra hai ly.
- Nhớ trở lại đây nhé – ông nói – đừng để bọn khác nó xô chụp được ông nhé. Ở đây ông sẽ được an toàn.
- Tôi tin thế.
- Ông tin thế chứ?
- Vâng.
Ông ta có vẻ nghiêm trang.
- Này, tôi bảo ông một việc, ông đừng đi ra đường với chiếc áo này.
- Tại sao?
- Người ta sẽ trông thấy rõ rệt chỗ những ngôi sao. Vì màu vải khác hẳn nhau.
Tôi không nói gì cả.
- Nếu ông không có giấy tờ, tôi có thể cấp cho ông.
- Giấy gì?
- Giấy phép.
- Tôi không cần đến giấy tờ vì tôi đã có rồi.
- Tốt lắm. Nhưng nếu ông cần đến giấy tờ, tôi có thể cung cấp cho ông tất cả những gì ông muốn – ông nói.
- Giá của ông bao nhiêu?
- Tuỳ theo loại giấy tờ. Giá cả phải chăng mà.
- Tôi chưa cần bây giờ.
Ông ta nhún vai.
- Tôi hợp lệ mà – tôi nói.
Khi tôi bước ra cửa, ông ta còn nói với theo.
- Đừng quên tôi vẫn là bạn ông đấy nhé.
- Chắc chắn rồi.
- Tôi sẽ gặp lại ông – ông ta nói.
- Đồng ý – tôi đáp.
Ra đến bên ngoài, tôi tránh nhà ga vì ở đó có nhiều quân cảnh. Tôi lên chiếc xe ngựa đậu cạnh công viên nhỏ. Tôi nói với người xà ích địa chỉ của bệnh viện. Đên bệnh viện tôi vào phòng ông thường trực. Ông ta bắt tay tôi, và vợ ông ta ôm chầm lấy tôi.
- Ông đã về. Bình yên chứ?
- Vâng.
- Ông ăn sáng chưa?
- Rồi.
- Ông mạnh giỏi chứ, trung uý? Ông mạnh giỏi chứ? – bà vợ hỏi.
- Rất mạnh ạ.
- Ông dùng bữa với chúng tôi chứ?
- Không, cám ơn. Cho tôi biết cô Barkley còn ở bệnh viện lúc này không?
- Cô Barkley à?
- Cô y tá người Anh ấy mà.
- Cô người yêu của ông ấy mà – Bà vợ vừa vỗ nhẹ lên cánh tay tôi vừa mỉm cười.
- Không – ông thường trực nói – Cô ta đi rồi.
Tim tôi se thắt lại.
- Ông có chắc như vậy không? Ông có biết tôi muốn nói đến ai không, cô thiếu nữ, người cao cao, có mái tóc màu hung hung?
- Chắc chắn mà. Cô ta đã đi Stresa.
- Cô ấy đi từ bao giờ?
- Cô ta cùng đi với một người đàn bà Anh khác, cách hai hôm rồi.
- Được rồi – tôi nói – Tôi mong ông giúp tôi một việc là đừng nói với ai rằng ông đã trông thấy tôi trở lại nhé. Rất quan trọng đấy.
- Tôi sẽ không nói lại với ai cả - ông thường trực nói.
Tôi cho ông mười đồng nhưng ông từ chối.
- Tôi xin hứa với ông là tôi sẽ không nói gì với ai cả. Tôi không cần tiền bạc gì hết.
- Chúng tôi có thể làm gì cho ông nữa không, trung uý? – Bà vợ hỏi.
- Chỉ có thế thôi – tôi nói.
- Chúng tôi sẽ lặng thinh – ông thường trực nói – Ông sẽ bảo cho tôi biết tôi có thể làm được điều gì không?
- Vâng, xin chào ông bà. Mong sẽ gặp lại ông bà – tôi nói.
Họ đứng ở cửa và nhìn theo tôi.
Tôi lên xe và nói với xà ích địa chỉ của Simmons, một trong những ca sĩ mà tôi đã quen trước đây.
Simmons sống ở một nơi rất xa gần cửa Magenta.
Khi tôi đến, anh ta đang nằm trên giường còn ngái ngủ.
- Anh đến sớm thế, Henry – anh nói.
- Tôi đến bằng chuyến tàu sớm.
- Câu chuyện rút lui như thế nào? Anh có ra mặt trận không? Anh hút thuốc lá không? Thuốc trong hộp để trên bàn đấy.
Gian phòng rộng rãi. Một chiếc giường kê sát tường, một chiếc đàn dương cầm kê ở đầu kia trong góc, một cái tủ với một cái bàn. Tôi ngồi xuống chiếc ghế ở cạnh giường. Simmons ngồi dựa lưng vào chiếc gối và hút thuốc lá.
- Sim này, tôi đang gặp khó khăn.
- Tôi cũng thế. Tôi luôn luôn sống trong cảnh khó khăn. Anh không hút thuốc à?
- Không. Điều gì đã xảy ra với anh khi tôi sang Thuỵ Sĩ?
- Anh à? Bọn Ý sẽ không để cho anh xuất ngoại dễ dàng đâu.
- Vâng, tôi biết điều đó. Nhưng còn dân Thụy Sĩ, họ sẽ có thái độ gì?
- Họ sẽ giam lỏng anh.
- Tôi biết, nhưng thủ tục ra như thế nào?
- Ồ, không có gì cả, điều đó rất là đơn giản. Anh có thể đi khắp mọi nơi, anh chỉ phải làm có mỗi một việc, tôi chắc thế, anh phải trình diện hay một việc gì tương tự như vậy. Tại sao? Anh đang lẩn trốn cảnh sát phải không?
- Không hẳn như thế.
- Nếu anh không thích thổ lộ với tôi thì cũng không sao. Nhưng tôi vẫn thích được nghe. Ở đây không có gì xảy ra cả. Tôi thất bại hoàn toàn ở Piacenza.
- Tôi rất tiếc.
- Ồ phải, thật là tệ. Nhưng sau đó tôi hát rất hay. Tôi sắp thử một lượt nữa ở Lyrico.
- Tôi thích được nghe anh…
- Anh thật đáng yêu. Tôi mong anh không có điều gì quá nghiêm trọng để mà lo nghĩ chứ?
- Thật ra tôi cũng không rõ nữa.
- Nếu anh không thích thổ lộ với tôi cũng không sao. Nhưng làm thế nào mà anh không phải ở mặt trận?
- Chắc là tôi chấm dứt với thứ chuyện đó.
- Hoan hô, tôi vẫn nghĩ anh là người có lương tri. Tôi có thể giúp anh được việc gì không?
- Anh bận nhiều việc quá.
- Có gì đâu, ông bạn Henry thân mến, có gì đâu. Tôi rất sung sướng được làm một việc gì đó cho anh.
- Người anh cùng một tầm vóc với tôi, có gì phiền anh không nếu anh đi mua giùm tôi một bộ thường phục. Tôi có quần áo nhưng để cả ở La Mã.
- Anh đã sống ở đó phải không? Đó là một thành phố chán ngấy. Làm sao anh có thể sống ở đó được?
- Tôi muốn trở thành một nhà kiến trúc.
- Đó không phải là một thành phố như thế. La Mã không phải là một nơi để đào tạo kiến trúc sư. Đừng mua y phục làm gì. Tôi sẽ biếu cho anh những quần áo nào mà anh thích, tôi sẽ làm cho anh trở thành đẹp đẽ. Anh vào phòng thay quần áo đi. Có cái tủ quần áo gắn trong tường đấy. Anh lựa những gì anh thích, ông bạn chí thân ạ. Mua một bộ com lê! Anh định làm trò cười à.
- Dù sao tôi cũng muốn mua một bộ, Sim ạ.
- Anh bạn của tôi ơi, dù sao với tôi, tặng anh một bộ còn dễ hơn là đi mua. Anh có giấy tờ thông hành không? Anh chẳng nên đi xa nếu anh không có giấy tờ thông hành.
- Có, tôi vẫn còn giữ giấy tờ của tôi đây.
- Nào mặc vào xem nào, ông bạn thân của tôi, rồi chúng ta sẽ đi cùng với Helvetie.
- Không đơn giản như thế đâu. Trước hết tôi phải đến Stresa cái đã.
- Tuyệt, ông bạn thân của tôi, anh chỉ việc đi tàu qua hồ. Nếu tôi không muốn thử biểu diễn lần nữa, tôi sẽ đi với anh. Tôi sẽ đi một ngày gần đây.
- Anh có thể tập ca giọng cao giống dân Tyrol
- Dĩ nhiên tôi sẽ học hát giọng dân Tyrol đấy anh ạ. Tôi chắc là tôi có thể hát được. Giọng đó khá kỳ đấy.
- Tôi không nghi ngờ gì. Tôi đánh cuộc là anh sẽ hát được.
Anh ta nằm xuống giường và hút một điếu thuốc.
- Đừng cá nhiều quá nhé. Tuy nhiên tôi có thể hát được. Thật là buồn cười, nhưng như thế đó. Tôi thích ca. Này nghe đây.
Anh ta rống lên bản “Africana”, hàm bạnh ra, mạch máu phồng lên.
- Tôi có thể hát, dù rằng họ thích hay không thích – anh nói.
Tôi nhìn ra ngoài cửa sổ.
- Tôi đi xuống trả tiền xe ngựa.
- Rồi trở lên đây ngay, ông bạn nhé, chúng ta sẽ cùng nhau dùng điểm tâm.
Anh ta nhảy xuống giường, đứng thẳng người, thở một hơi thật dài và bắt đâu làm một vài động tác thể dục. Tôi đi xuống trả tiền xe ngựa.
Chương 34
Tôi có ý cải trang khi mặc bộ thường phục.
Khoác bộ thường phục vào người tôi cảm thấy mình là một kẻ giả trang. Vì đã mặc quân phục quá lâu nên tôi mất cảm giác của người được mặc thường phục. Chiếc quần dài đối với tôi quá rộng. Tôi đã mua vé đi từ Milan đến Stresa. Tôi cũng mua một chiếc mũ mới vì tôi không thể đội mũ của Sim được, nhưng quần áo của anh thì rất vừa vặn, chúng có mùi thuốc lá. Tôi ngồi trong toa xe nhìn ra cửa sổ. Cái mũ của tôi trông rất mới, còn bộ đồ thì lại trông quá cũ. Riêng tôi thì cảm thấy buồn thấm thía không khác chi miền Lombardie ướt át mà tôi thấy đang dàn ra ngoài cửa sổ. Trong toa có vài viên phi công. Họ bình phẩm không hay về tôi. Họ tránh nhìn tôi và có vẻ rất coi thường một người ở tuổi tôi mà mặc thường phục. Tôi không thấy bực bội gì cả. Trước đây nếu như thế có lẽ tôi đã mắng họ và đánh nhau với họ. Đến Gallarate thì họ xuống. Tôi khoan khoái được ngồi một mình trong toa. Tôi có mang theo báo nhưng tôi không đọc vì tôi không thích nghe nói về chiến tranh. Tôi muốn quên chiến tranh. Tôi đã tạo nên cho mình một hoà bình riêng rẽ. Tôi cảm thấy rất cô độc và khi xe lửa đến Stresa tôi thấy hạnh phúc vô cùng.
Đến nhà ga, tôi mong tìm được phu khuân vác của khách sạn nhưng không có người nào cả. Mùa du lịch đã qua lâu rồi và không có ai đến tận ga để rước khách nữa. Tôi xuống xe lửa với cái va ly. Chiếc va ly nhẹ nhàng dễ mang của Sim vì nó chỉ có hai chiếc áo sơ mi. Tôi đứng dưới mái hiên nhà ga tránh mưa trong lúc con tàu từ từ chuyển bánh. Tôi gặp một người ở sân ga và hỏi thăm xem khách sạn nào còn mở cửa. Khách sạn Grand Hotel và Iles Borromées và nhiều khách sạn nhỏ khác vẫn mở cửa suốt năm. Tôi xách va ly đi dưới mưa đến khách sạn Iles Borromées. Một xe ngựa chạy tới, tôi ra hiệu cho người xà ích. Đi bằng xe ngựa đến đó tốt hơn. Xe dừng trước cổng dành cho xe cộ và người gác cổng lễ phép mang áo mưa ra đón.
Tôi chọn lấy một phòng tốt, phòng rộng rãi sáng sủa và nhìn ra hồ. Mây bay sà xuống thấp nhưng khi có ánh mặt trời quang cảnh trông đẹp hơn. Tôi tự bảo mình đang chờ vợ mình đấy. Trong phòng có một cái giường lớn trên có trải sa tanh. Khách sạn trông rất sang trọng. Tôi đến quán rượu, theo hành lang, theo cầu thang rộng đi qua nhiều phòng. Tôi có quen biết anh chủ quán. Tôi ngồi trên chiếc ghế cao nhấm nháp đậu phụng rang và khoai chiên mỏng. Rượu Martini thanh và trong ngần.
- Ông làm gì ở đây mà mặc thường phục thế? – Anh chủ quán hỏi tôi sau khi đã pha xong một ly Martini nữa.
- Tôi được nghỉ phép. Nghỉ để dưỡng bệnh.
- Ở đây không có ai cả. Tôi không biết tại sao người ta lại mở cửa khách sạn.
- Anh có thường câu cá không?
- Tôi có câu được vài con cá lớn. Câu cá vào độ này thế nào cũng được cá lớn.
- Thế thuốc lá tôi gởi cho anh, anh có nhận được không?
- Có ạ, thế ông không nhận được danh thiếp của tôi sao?
Tôi cười to lên. Tôi không kiếm đâu ra thuốc lá, anh thích loại thuốc lá tẩu của Mỹ nhưng gia đình tôi không gởi cho tôi hoặc thuốc đã có thể bị tịch thu đâu đó. Dù sao, tôi không còn nhận được thứ thuốc ấy nữa.
- Tôi sẽ kiếm ra được thôi. Mà này anh, anh có thấy hai cô gái người Anh trong thành phố không? Họ đến đây ngày hôm kia.
- Họ không ở trong khách sạn này.
- Họ là nữ y tá.
- Tôi có thấy hai cô y tá. Ông đợi tôi nhé, tôi sẽ mách ông họ ở đâu.
- Một cô là vợ tôi, tôi đến đây để gặp nàng – tôi nói.
- Còn cô kia là vợ tôi.
- Tôi không đùa đâu.
- Xin ông tha lỗi cho câu nói đùa. Tôi không hiểu.
Hắn đi và tôi ngồi một mình một lát. Tôi ăn trái ô liu, đậu phụng rang, khoai chiên mỏng và nhìn bóng mình mặc thường phục trong chiếc gương phía sau quầy rượu. Anh chủ quán trở lại bảo:
- Họ đang ở trong một khách sạn nhỏ cạnh nhà ga – anh nói.
- Anh có bánh sandwich không?
- Để tôi gọi lấy vài cái cho ông. Ông hiểu giùm là ở đây không có gì cả vì lúc này đang vắng khách.
- Thật không có ai cả à?
- Vâng, chỉ có một ít người thôi.
Bánh được mang tới. Tôi ăn một lúc ba cái và uống hai ly Martini nữa. Tôi chưa hề được nếm một thứ rượu nào thanh ngon như thế cả; uống rượu này tôi cảm thấy mình văn minh hẳn lên. Trước tôi chỉ dùng toàn rượu chát đỏ, bánh mì không có pho mát, cà phê hạng bét và rượu nho. Tôi ngồi trên chiếc ghế đẩu cao cạnh bàn gỗ trắc đẹp và trước những tấm gương ánh đồng. Tôi không nghĩ ngợi gì cả. Anh chủ quán hỏi tôi.
- Đừng nói đến chuyện chiến tranh – tôi bảo – chiến tranh rất xa vời. Thực ra có một cuộc chiến tranh không? Ở đây không có chiến tranh. Tôi đinh ninh rằng chiến tranh đối với tôi đã chấm dứt rồi. Nhưng tôi không có cảm giác là chiến tranh đã chấm dứt hẳn. Tôi có cảm giác mình như là một đứa bé đang nghĩ đến những gì xảy ra ở trường học vào một giờ nào đó khi nó trốn học.
***
Catherine và Helen Ferguson đang ăn tối khi tôi đến khách sạn. Đứng ngoài hành lang tôi nhìn thấy họ đang ngồi ở bàn. Mặt của Catherine không nghiêng về phía tôi nên tôi thấy đường ngôi tóc, má, chiếc cổ và đôi vai tròn của nàng. Ferguson đang nói chuyện bỗng ngưng lại khi tôi bước vào.
- Chúa ơi! – cô ta thốt lên.
- Chào chị - tôi nói.
- Ô kìa, anh đấy à? – Catherine reo lên. Nét mặt nàng sáng hẳn lên. Trông nàng vô cùng sung sướng trong sự bất ngờ. Tôi hôn nàng. Catherine đỏ mặt. Tôi ngồi xuống với họ.
- Anh này giỏi nhỉ. Anh làm gì ở đây? Anh đã ăn uống gì chưa? – Ferguson hỏi.
- Chưa.
Người hầu gái vào và tôi bảo cô ta mang cho tôi một đĩa. Catherine nhìn tôi suốt, mắt tràn đầy hạnh phúc.
- Anh làm gì ở đây với bộ thường phục này? – Ferguson hỏi.
- Tôi là công chức trong một công sở mà.
- Anh đã làm điều gì bậy bạ chứ gì.
- Vui lên nào, Fergy. Hãy vui lên trong giây lát đi.
- Thấy anh tôi không vui được. Tôi biết anh đã giày vò cô gái khốn khổ này như thế nào rồi. Nhìn anh tôi đâu thể vui được.
Catherine nhìn tôi mỉm cười và lấy chân ra hiệu cho tôi dưới gầm bàn.
- Không ai giày vò em cả, chị Fergy ạ. Chính em tự muốn như thế.
- Tôi không thể chịu nổi anh ta nữa. Anh ta chẳng đã làm cho cô mất danh dự bằng những mưu mẹo của người Ý. Những người Mỹ còn xấu hơn người Ý.
- Người Tô Cách Lan thì quá đạo đức – Catherine nói.
- Ý tôi không muốn nói như thế. Tôi chỉ muốn nói đến mưu mô theo kiểu Ý của anh ấy thôi.
- Tôi mưu mô ư, cô Ferguson?
- Đúng thế. Có khi còn hơn thế nữa kia. Anh chẳng khác gì một con rắn độc dưới bộ quân phục Ý với chiếc khăn choàng quanh cổ.
- Bây giờ tôi đâu còn mặc quân phục Ý nữa.
- Chính đó lại thêm một ví dụ khác về tâm địa nham hiểm của anh. Suốt mùa hè anh chỉ lo chuyện ân ái khiến cho cô gái này có mang rồi bây giờ nếu tôi đoán không lầm thì anh tính sẽ quất ngựa truy phong.
Tôi mỉm cười nhìn Catherine và nàng cũng cười đáp lại.
- Chúng tôi sẽ quất ngựa truy phong cùng với nhau – Catherine bảo.
- Cả hai anh chị đều cùng một phẩm chất – Ferguson nói – Này Catherine
Barkley, cô làm tôi xấu hổ. Cô không biết xấu hổ liêm sỉ là gì cả. Cô cũng mưu mẹo như anh ta.
- Đừng chị Fergy – Catherine vừa nói vừa vỗ nhẹ lên tay cô Ferguson – Đừng trách em tội nghiệp, chị biết rằng chúng em yêu nhau chứ.
- Bỏ tay ra – Ferguson nói (Mặt nàng ửng đỏ).
- Nếu cô biết hổ thẹn thì cô không làm thế. Nhưng nào ai biết cô có mang mấy tháng rồi, thế mà cô cứ xem như một trò đùa và vui sướng vì kẻ dụ dỗ cô quay trở lại. Cô không biết xấu hổ, không cảm thấy gì khác cả.
Ferguson oà lên khóc. Catherine đến bên nàng, choàng tay qua người nàng. Khi Catherine đứng an ủi Ferguson, tôi không thấy mặt nàng có sự thay đổi nào.
- Mặc tôi – Ferguson nửc nở rồi nói tiếp – tôi thấy thật khủng khiếp.
- Thôi nín đi chị Fergy, đừng khóc nữa. Em thấy hổ thẹn lắm rồi chị Fergy yêu mến ạ.
- Tôi không muốn khóc nhưng lại phải khóc vì hoàn cảnh đáng sợ của cô…- Nàng nhìn vào mặt tôi rồi tiếp – Tôi thù ghét anh lắm. Catherine không làm sao cho tôi hết ghét anh được. Đồ nham hiểm xấu xa Mỹ - Ý!
Nàng khóc đỏ cả mắt, mũi.
Catherine nhìn tôi mỉm cười.
- Đừng có choàng tay qua người tôi mà lại cười với hắn như vậy.
- Chị vô lý quá chị Fergy ạ.
- Tôi biết thế - Ferguson lại nức nở - Cả hai người đừng chú ý đến tôi làm gì. Tôi bàng hoàng. Tôi không còn đủ lý trí suy xét, tôi biết lắm. Tôi mong cả hai người đều được hạnh phúc.
- Chúng em hạnh phúc lắm, chị Fergy ạ. Còn chị, chị thật dịu hiền.
Ferguson lại khóc nữa.
- Tôi không muốn hai người hạnh phúc theo cách đó. Tại sao hai người không cưới nhau? Anh chưa có vợ chứ?
- Chưa – tôi đáp.
Catherine cười to.
- Không có gì đáng cười cả - Ferguson nói – Không thiếu gì ông có hai vợ.
- Chúng em sẽ làm lễ thành hôn để vui lòng chị - Catherine nói.
- Không phải để làm vui lòng tôi. Chính hai người phải có mong muốn được lấy nhau.
- Chúng em bận quá.
- Phải, tôi biết mà. Bận sanh con đẻ cái chứ gì.
Tôi tưởng nàng sẽ khóc nữa nhưng nàng chỉ nhận xét chua chát.
- Chắc hẳn tối nay chị sẽ đi với anh ấy chứ gì?
- Vâng, nếu anh ấy muốn – Catherine nói.
- Thế còn tôi?
- Chị có sợ ở lại lẻ loi một mình không?
- Có chứ.
- Vậy thì em sẽ ở lại với chị.
- Không, hãy đi với anh ta ngay tức khắc đi . Thấy hai người tôi khó chịu quá.
- Nhưng chúng ta hãy ăn cho xong đã chứ?
- Không, đi ngay đi.
- Chị Fergy, chị bình tĩnh lại nào.
- Tôi bảo là đi ngay đi mà, đi đi, cả hai người.
- Vậy thì chúng ta đi thôi – tôi bảo – tôi không chịu nổi Fergy nữa.
- Anh muốn đi lắm mà. Thấy không, anh không muốn giữ tôi lại cùng ăn. Tôi vẫn thường muốn đi viếng thăm các hồ ở Ý và đây này, tôi thấy chúng trong điều kiện nào – Nàng khóc nức nở, nhìn Catherine nghẹn ngào tức tưởi.
- Chúng em sẽ ở lại cho đến khi ăn xong – Catherine bảo – Em sẽ không bỏ chị lại một mình nếu chị muốn em ở lại. Em sẽ không bỏ chị một mình đâu, chị Fergy ạ.
- Không, không, tôi muốn cô đi đi – nàng lau nước mắt – Tôi không còn sáng suốt nữa, xin đừng chú ý đến tôi.
Cô hầu gái phục vụ bữa ăn thấy Fergy khóc lóc, rất lúng túng trước những tiếng khóc ấy. Vì vậy khi bưng món tiếp, cô có vẻ nhẹ nhõm hơn vì mọi việc đều êm đẹp.
***
Đêm đó nơi khách sạn, phòng của chúng tôi, dãy hàng lang dài trống rỗng, giày của chúng tôi để ở ngoài cửa. Mưa rơi đập vào cửa kính và trong phòng ánh đèn vui tươi dễ chịu và êm dịu . Rồi khi ánh sáng tắt đi là sự thú vị êm ái của giường nệm tiện nghi. Cảm thấy như ở nhà mình, không cảm thấy cô đơn, thức giấc nửa đêm và thấy nàng đang ở cạnh mình. Mọi thứ còn lại như hư ảo. Chúng tôi ngủ thiếp đi khi thấm mệt và nếu một trong hai người thức giấc thì người kia cũng thức theo và vì thế không lúc nào chúng tôi thấy cô độc. Thường thường một người đàn ông mong được sống cô đơn và một người đàn bà cũng thế, nếu họ đã yêu nhau say đắm, họ lại thấy ghen về thứ tình cảm ấy. Nhưng tôi có thể thành thật nói rằng chúng tôi không bao giờ cảm thấy như thế. Khi chúng tôi ở bên cạnh nhau thì cảm giác cô đơn mới đến nhưng mà cô đơn đối với những người khác. Cảm giác đó đến với tôi chỉ có một lần. Tôi thường cảm thấy cô đơn đối với nhiều phụ nữ và cũng chính trong hoàn cảnh ấy mà người ta đang cảm thấy cô đơn hơn bao giờ hết. Nhưng đối với hai chúng tôi, không bao giờ thấy cô đơn và sợ hãi khi ở bên nhau. Tôi biết rằng đêm không thể nào giống như ngày được, và thời gian ấy mọi sự đều khác. Những sự việc của ban đêm không thể giải thích được vào ban ngày vì chúng không còn nữa. Ban đêm có thể kinh hoàng đối với những ai sống một mình khi họ bắt đầu cảm thấy cô đơn. Nhưng có Catherine bên cạnh, không thể nói rằng có sự khác biệt giữa ban đêm và ban ngày, nếu có chăng thì đó là ban đêm còn tuyệt vời hơn ban ngày nữa. Khi có những can đảm đương đầu với đời thì đời chỉ có thể đánh gục khi giết họ mà tho6i. Và tất nhiên nó sẽ giết họ. Đời đánh gục nhiều người và có trường hợp sẹo sẽ hình thành ở chỗ bị đánh. Nhưng những ai không chịu để đánh gục đời lại giết họ. Đời mặc nhiên giết những người rất tốt, rất hiền, rất dũng cảm. Nếu ta không thuộc vào hạng người nào trên đây, rồi đời cũng sẽ giết ta vậy, nhưng không hối hả.
Nhớ lại buổi sáng hôm ấy khi tôi thức dậy thì Catherine hãy còn ngủ. Ánh nắng xuyên qua cửa sổ. Mưa đã tạnh. Tôi bước xuống giường đến bên cửa sổ. Dưới kia vườn cây trơ trụi lá nhưng đẹp bình dị với lối đi trải sỏi, cây cối, bức tường đá dài theo bờ hồ, và mặt hồ phản chiếu ánh mặt trời với ngọn núi xa xa. Đứng bên cửa sổ tôi say sưa ngắm cảnh và lúc quay vào thì nàng đã thức giấc và đang nhìn tôi.
- Anh khoẻ không anh yêu? – nàng hỏi – Trời đẹp tuyệt.
- Em cảm thấy thế nào?
- Tuyệt. Chúng ta đã qua một đêm thần tiên.
- Em dùng điểm tâm nhé?
Nàng muốn ăn sáng và tôi cũng thế. Chúng tôi dùng điểm tâm ngay tại giường, khay thức ăn để trên đầu gối, trong ánh sáng của mùa đông xuyên qua cửa sổ.
- Anh không thích đọc báo sao? Ở bệnh viện anh thường hay đọc báo mà.
- Không, anh không thích đọc báo lúc này.
- Thế trận khủng khiếp đến mức ngay cả anh cũng không thiết tha đọc báo nữa sao?
- Anh không muốn nghe đến nó nữa.
- Vì thế em muốn biết để cùng chia xẻ với anh.
- Thong thả anh sẽ kể cho em nghe.
- Nhưng họ có bắt anh không nếu họ tìm thấy anh trong bộ đồ thường phục như thế này?
- Họ có thể sẽ bắn anh không chừng.
- Vậy thì chúng ta không nên ở đây nữa. Chúng ta phải xuất ngoại.
- Anh đã nghĩ đến điều đó.
- Chúng ta sẽ đi, anh yêu. Anh không nên liều lĩnh một cách dại dột. Anh nói cho em nghe, anh đi bằng gì từ Mestre đến Milan?
- Bằng xe lửa. Anh mặc quân phục.
- Anh không gặp gì nguy hiểm chứ?
- Không. Anh dùng một giấy đi đường cũ. Anh sửa lại ngày tháng ở Mestre.
- Anh yêu, nếu ở đây, anh có thể bị bắt bất cứ lúc nào. Em không muốn thế đâu. Dại gì mà làm như vậy. Rồi chúng ta sẽ ra sao nếu họ bắt mất anh?
- Chúng ta không nên nghĩ đến điều đó. Anh đã quá mệt vì nghĩ đến nó rồi.
- Anh sẽ làm gì nếu họ đến bắt anh?
- Anh sẽ giết họ.
- Anh thấy anh dại dột biết bao. Em sẽ không để cho anh rời khỏi khách sạn cho đến khi nào chúng ta đi.
- Chúng ta sẽ đi đâu bây giờ?
- Em xin anh đừng như thế nữa, anh yêu. Chúng ta sẽ đi đến nơi nào mà anh thích, nhưng xin anh hãy chọn một nơi mà chúng ta có thể đi ngay lập tức.
- Thụy Sĩ ở cuối biển hồ này. Chúng ta có thể đến đó.
- Nếu thế thì tuyệt.
Mây phủ bầu trời và mặt hồ tối sầm lại.
- Anh mong rằng chúng ta không bao giờ phải sống mãi như những tên tội phạm – tôi nói.
- Anh yêu, đừng nói như thế. Anh sẽ không còn sống như một tội nhân lâu hơn nữa đâu, và chúng ta không bao giờ sống giống như những tên tội phạm. Chúng ta sắp sửa rất hạnh phúc.
- Anh cảm thấy mình là một tên tội phạm. Anh đã đào ngũ.
- Anh thân yêu, em xin anh, anh nên nghĩ lại. Người ta không gọi thế là đào ngũ. Dù sao đó chỉ là quân đội Ý mà thôi.
Tôi bật cười.
- Em tôi ngoan quá. Chúng ta trở lại giường đi thôi. Anh chỉ thấy dễ chịu khi nằm trên giường.
Một lát sau Catherine hỏi tôi:
- Anh không còn cảm thấy mình là tội phạm nữa, phải không anh?
- Phải – tôi đáp – Nhất là khi có em bên cạnh.
- Anh thật ngốc – nàng nói – Nhưng em sẽ trông nom săn sóc anh. Có tuyệt không hả anh yêu vì em không có chút buồn nôn nào vào buổi sáng cả.
- Tuyệt vời.
- Anh không biết đánh giá anh có một cô vợ ngoan như thế nào đâu. Nhưng em không cần, em sẽ tìm cho anh một nơi nào đó mà họ không thể bắt anh được và chúng ta sẽ rất hạnh phúc.
- Chúng ta đi ngay lập tức.
- Phải đấy anh yêu. Em sẽ đi đến bất cứ nơi nào và lúc nào mà anh thích.
- Chúng ta không nên nghĩ vơ vẩn nữa.
- Được rồi, anh yêu.
Chương 35
Catherine đi dọc theo bờ hồ đến khách sạn nhỏ thăm Ferguson. Tôi đến quán rượu đọc báo. Trong quán có những ghế bành bọc da rất êm và tôi ngồi đọc báo đợi chủ quán đến. Quân đội không còn đóng trên sông Tagliamento nữa. Họ đã rút về Piave. Tôi hãy còn nhớ con sông Piave. Con đường xe lửa dẫn ra mặt trận băng qua sông ở San Doua. Ơ địa điểm này sông sâu, chảy lờ đờ trong lòng sông hẹp. Phía trước là ao đầm đầy muỗi độc và kênh đào. Nơi đó có vài ngôi biệt thự xinh xắn. Trước chiến tranh có một lần lên Cortina D’Amezzo, tôi đã đi dọc theo con sông ấy trong nhiều tiếng đồng hồ xuyên qua những ngọn đồi. Đứng trên nhìn xuống nó trông giống như một con suối dùng nuôi cá hương, Dòng sông chảy nhanh với những vực nông nước lặng lờ trong bóng những khối đá to. Con đường từ đó đến Cadore. Tôi tự hỏi tại sao quân đội đang đóng quân trên cao lại có thể rút xuống đóng dưới thấp. Anh chủ quán bước vào.
- Bá tước Greffi vừa nói với tôi về ông đấy?
- Ai?
- Bá tước Greffi, ông không nhớ à? Ông lão đã từng ở đây cùng lúc với ông ấy.
- Ông ta ở đây à?
- Phải, ông ta ở đây với cô cháu gái. Tôi bảo với ông ta có ông vừa đến. Ông ta muốn chơi bi da.
- Hiện ông ta đang ở đâu?
- Ông ấy đang đi dạo.
- Ông ta trông thế nào?
- Trẻ hơn bao giờ hết. Chiều qua, trước lúc ăn, ông ta uống ba ly sâm banh.
- Ông ấy chơi bi da có khá không?
- Tuyệt. Ông ấy đã hạ tôi. Khi ông ấy biết ông có mặt tại đây thì ông ta rất hài lòng. Không có ai để chơi cả.
Bá tước Greffi đã chín mươi tư tuổi. Đó là một ông già râu tóc bạc phơ và phong nhã. Trước đây ông đã từng giúp việc trong ngành ngoại giao của hai nước Áo và Ý, và lễ sinh nhật của ông là sự kiện lớn trong giới thượng lưu của thành phố Milan. Ông thừa sức để hưởng thượng thọ và chơi bi da một cách trầm tĩnh, điêu luyện so với tuổi tác của ông. Tôi đã gặp ông khi tôi ở Stresa trong lúc không phải hội hè mà chúng tôi vừa đánh bi da vừa uống sâm banh. Đối với tôi đó là một tục lệ đặc sắc, ông ta chấp tôi mười lăm điểm nhưng rồi tôi vẫn bị hạ.
- Tại sao anh không cho tôi biết là có ông ấy ở đây?
- Tôi quên mất.
- Còn những ai khác ở đây nữa không?
- Ông không biết họ đâu. Chỉ vỏn vẹn có sáu người tất cả.
- Ông có bận gì trong lúc này không?
- Không.
- Đi câu với tôi nhé?
- Vâng, tôi có thể đi trong một tiếng đồng hồ.
- Tốt lắm, nhớ mang theo cần nhé.
Anh chủ quán mặc áo choàng vào và chúng tôi cùng ra đi. Chúng tôi đi xuống bờ hồ và chọn một chiếc thuyền. Tôi bơi trong khi anh chủ quán ngồi ở phía sau lái và thả cần câu xuống nước. Đó là một loại cần câu đặc biệt để câu cá hương ở hồ. Nó có một bộ phận cuốn dây và một hòn chì nặng trĩu. Chúng tôi bơi dọc theo bờ hồ. Anh chủ quán cầm cần câu ở tay và thỉnh thoảng giật một cái. Từ phía hồ trông lên, thành phố Stresa vắng vẻ vô cùng với những hàng cây trụi lá, những đại khách sạn và những ngôi biệt thự cửa đóng kín mít. Chúng tôi bơi qua tới Isola Bella và đi sát vách đá, chỗ nước sâu nhất và trông thấy vách đá chìm sâu dưới làn nước trong xanh. Sau đó chúng tôi lại bơi đến hòn đảo Ngư Ông. Mặt trời đã khuất sau đám mây, mặt hồ tối sầm lại, phẳng lặng và lạnh buốt. Cá hương không cắn câu lần nào dù chúng tôi có thấy những làn sóng khi chúng nổi lên mặt nước.
Tôi bơi thuyền đến trước hòn đảo Ngư Ông nơi có những chiếc thuyền được kéo lên bờ và nhiều người đang vá lưới.
- Chúng ta nên uống gì chứ?
- Vâng, được.
Tôi cho thuyền cập vào bến đá và anh chủ quán rút dây câu lên. Anh cuốn lại bỏ vào khoang thuyền và móc bộ phận cuốn dây vào mạn thuyền. Tôi bước lên bờ và cột thuyền lại. Chúng tôi đi vào một quán giải khát nhỏ, ngồi vào một cái bàn gỗ thô và gọi hai ly Vermouth.
- Ông bơi có mệt lắm không?
- Ồ, không.
- Lúc trở về tôi sẽ chèo.
- Tôi thích chèo thuyền hơn.
- Có lẽ ông giữ dây câu sẽ may mắn hơn.
- Được rồi.
- Chiến tranh diễn biến như thế nào?
- Tồi.
- Tôi không phải ra mặt trận nữa. Tôi có tuổi rồi, giống như bá tước Greffi vậy.
- Có lẽ ông sẽ phải đi một ngày nào đó.
- Năm tới họ gọi đến lứa tuổi của tôi nhập ngũ, nhưng tôi sẽ không đi.
- Rồi ông sẽ làm gì?
- Xuất ngoại. Tôi không muốn ra trận. Tôi đã có lần ở mặt trận Abissi rồi. Thật chán ngấy. Tại sao ông đi ra trận?
- Tôi cũng không biết. Tôi là một thằng ngốc.
- Thêm một ly vermouth nữa nhé?
- Vâng.
Anh chủ quán chèo lượt về. Chúng tôi câu phía bên kia thành phố Stresa rồi xuống phía dưới không xa bờ hồ mấy. Tôi giữ thẳng dây câu và thấy bộ phận cuốn dây rung và quay nhẹ trong khi tôi nhìn mặt nước tối sầm của tháng mười một và bờ hồ vắng vẻ. Anh chủ quán bơi những nhát chèo mạnh và mỗi lần con thuyền lướt tới thì dây câu rung động nhịp nhàng. Có một lần tôi trông thấy cá cắn câu. Dây câu thình lình căng thẳng và bị kéo đi. Tôi giật mạnh và thấy dây nằng nặng nhưng rồi dây câu trùng lại. Tôi đã câu trượt.
- Nó có vẻ to không?
- Khá to.
- Có một lần tôi đi câu một mình. Tôi cắn chặt cần câu trong miệng, giữa hai hàm răng. Có một con rắn cắn câu, thiếu chút nữa nó cuốn cả mồm tôi đi.
- Giữ dây câu bằng chân là tốt hơn hết – tôi nói – Như thế anh thấy động ngay và anh khỏi sợ bị mất răng.
Tôi nhúng tay xuống nước, nước lạnh vô cùng. Chúng tôi ở gần trước khách sạn.
- Đã đến giờ tôi phải về - anh chủ quán nói – Mười một giờ tôi phải có mặt tại đó.
- Được rồi.
Tôi kéo dây câu và quấn vào một cái gậy có khấc ở hai đầu. Anh chủ quán dẫn thuyền vào một vách đá trong hầm tàu rồi dùng dây xích có khoá neo lại.
- Lúc nào ông muốn dùng thuyền, tôi sẽ trao chìa khoá cho ông – anh nói.
- Cám ơn.
Chúng tôi lên khách sạn và vào quán rượu. Tôi chưa muốn uống khi trời còn sớm như thế nên tôi trở về phòng riêng Cô bồi phòng vừa dọn dẹp xong và Catherine vẫn chưa trở lại. Tôi nằm xuống giường và cố gắng không nghĩ ngợi gì cả.
Khi Catherine trở về, tôi mới cảm thấy đỡ chán.
- Chị Ferguson ở dưới nhà – nàng nói – Chị ấy đến ăn trưa với chúng mình. Em biết anh sẽ không thích.
- Không phải như thế đâu.
- Có chuyện gì hả anh yêu?
- Có chuyện gì đâu?
- Em biết mà. Anh thì rỗi rảnh và anh chỉ có mỗi mình em, nhưng em lại bỏ anh mà đi mất chứ gì.
- Đúng thế.
- Em xin lỗi nhé anh yêu. Em biết đó là một cảm giác kinh hoàng khi mình cảm thấy trống rỗng vô vị.
- Đời anh luôn luôn đầy đủ - tôi nói – Và bây giờ nếu không có em bên cạnh thì anh không còn thấy gì trên thế gian này nữa.
- Nhưng em sẽ luôn luôn ở cạnh anh kia mà, em chỉ xa anh có hai tiếng đồng hồ thôi. Anh không làm gì trong lúc vắng mặt em sao?
- Anh đi câu với ông chủ quán.
- Việc đó không làm cho anh vui sao?
- Không.
- Đừng nghĩ đến em khi em vắng mặt.
- Đó là điều anh làm ở mặt trận, nhưng hồi đó anh còn có việc khác để làm.
- Othello thất nghiệp – nàng trêu tôi.
- Othello là một chàng da đen, hơn nữa, anh không ghen đâu. Anh chỉ yêu em quá thôi khiến cho tất cả những gì còn lại đều thôi không tồn tại.
- Anh có muốn là một thanh niên tốt và tử tế đối với chị Ferguson không?
- Anh luôn luôn tốt và tử tế đối với chị Ferguson trừ lúc chị ấy nguyền rủa anh.
- Nên tử tế với chị ấy. Hãy nghĩ rằng chúng mình có tất cả mà chị ấy thì chẳng có gì.
- Anh không nghĩ rằng chị ấy mong muốn những gì mà chúng ta đang có.
- Một thanh niên thông minh như anh, anh yêu, em nghĩ rằng anh có vẻ không biết gì hết.
- Anh sẽ tử tế với chị ấy.
- Em tin chắc thế. Anh đáng yêu lắm.
- Chị ấy sẽ không ở lại sau bữa ăn chứ?
- Không, em sẽ để chị ấy ra về.
- Rồi sau đó chúng mình trở lại đây?
- Dĩ nhiên. Đố anh nghĩ ra em muốn làm gì nào?
Chúng tôi cùng đi xuống ăn trưa với Ferguson. Nàng thán phục khách sạn và phòng ăn tráng lệ. Chúng tôi dùng một bữa trưa thật ngon với một chai Capri trắng. Bá tước Greffi bước vào phòng ăn và chào chúng tôi. Cô cháu gái dẫn ông trông hao hao giống bà nội tôi. Tôi kể chuyện ông cho Catherine và Ferguson nghe, và Ferguson có vẻ rất phục. Khách sạn đồ sộ và lộng lẫy, vắng khách nhưng thức ăn thật ngon và rượu thật tuyệt . và sau cùng là nhờ có rượu chúng tôi cảm thấy vui vẻ. Catherine không cần thế. Nàng rất hạnh phúc. Ferguson đã gần vui lại. Cn tôi, tôi rất phấn chấn. Sau bữa ăn, Ferguson trở về khách sạn của nàng. Nàng bảo rằng nàng cần phải nằm nghỉ một tí sau bữa ăn.
Đến chiều thì có người đến gõ cửa phòng chúng tôi.
- Ai đấy?
- Bá tước Greffi hỏi xem ông có thể đến chơi bi da với ông ấy được không?
Tôi nhìn chiếc đồng hồ tôi đã cởi ra và để dưới gối.
- Anh phải đi à anh yêu? – Catherine thì thầm.
- Anh nghĩ anh cũng nên đi một tí.
Đồng hồ chỉ bốn giờ mười lăm. Tôi nói vọng ra cửa.
- Anh nói giùm với bá tước là tôi sẽ đến phòng bi da lúc năm giờ.
Đến năm giờ kém mười lăm tôi hôn Catherine và đi thay quần áo ở phòng tắm. Khi đứng thắt cà vạt trước gương, tôi thấy buồn cười với bộ thường phục. Tôi phải mua thêm vài chiếc sơ mi và mấy đôi vớ khác nữa.
- Anh có đi lâu lắm không? – Catherine hỏi. Nàng thật đáng yêu khi nằm trên giường – Anh đưa hộ em cái bàn chải tóc.
Tôi ngắm nàng chải tóc, đầu hơi nghiêng để cho cả suối tóc chảy về một bên. Bên ngoài trời đã tối. Ánh sáng ở đầu giường chiếu ngời trên mái tóc, trên cổ và đôi vai của nàng. Tôi tiến lại gần và ôm hôn nàng, và tôi nắm lấy bàn tay đang cầm chải tóc và nàng nằm ngả đầu trên gối. Tôi hôn lên cổ, lên vai nàng. Tôi ngây ngất trong hương tình bên cạnh nàng.
- Anh không còn thích đi đâu nữa.
- Em không muốn anh đi tí nào cả.
- Thôi thì anh không đi vậy.
- Có, đi đi, chỉ một lát thôi, rồi anh trở về ngay nhé.
- Chúng ta sẽ ăn tại đây.
- Anh đi đi và về gấp anh nhé.
Tôi gặp bá tước Greffi ở phòng bi da. Ông đang tập, người mảnh mai dưới ánh sáng tràn ngập trên thảm. Trên một bàn khuất trong bóng tối một chút có một cái xô bằng bạc đựng nước đá. Cổ và nút của chai sâm banh nhô lên trên đá. Khi tôi lại gần bàn bi da, bá tước Greffi thẳng người lên và tiến lại phía tôi. Ông bắt tay tôi và nói:
- Thật là hân hạnh cho tôi được gặp anh tại đây. Anh đến chơi với tôi thật quý hoá quá.
- Chính ông thật đáng mến khi mời tôi đến.
- Anh hoàn toàn bình phục rồi phải không? Tôi nghe người ta bảo rằng anh đã bị thương ở Isonzo. Tôi mong rằng anh đã hồi phục.
- Tôi rất khoẻ, còn ông?
- Ỗ tôi ấy à? Tôi luôn luôn khoẻ mạnh. Nhưng tuổi tôi đã về chiều rồi. Tôi đã bắt đầu nhận thấy những dấu hiệu của tuổi già.
- Tôi không tin thế.
- Thật mà. Anh cần một ví dụ không? Đối với tôi giờ đây nói tiếng Ý dễ dàng hơn. Tôi phản ứng lại nhưng khi mệt mỏi tôi thấy nói tiếng Ý dễ dàng hơn. Điều đó chứng tỏ là tôi đã già.
- Chúng ta có thể nói tiếng Ý. Chính tôi cũng thấy hơi mệt một tí.
- Ồ, anh thì phải khác. Khi mệt, anh phải thấy nói tiếng Anh dễ dàng hơn chứ?
- Tiếng Mỹ cơ.
- Phải, xin mời, chúng ta nói tiếng Mỹ vậy. Đó là một ngôn ngữ thú vị.
- Tôi gần như không được gặp một người Mỹ nào cả.
- Chắc anh thấy thiếu lắm. Người ta luôn thấy nhớ những người đồng hương của mình, nhất là phụ nữ đồng hương. Tôi có kinh nghiệm điều đó mà. Chúng ta chơi hay là anh đã mệt rồi?
- Tôi có mệt đâu. Tôi nói đùa vậy mà. Ông chấp trước tôi bao nhiêu đỉểm đây?
- Anh đã chơi nhiều rồi chứ?
- Chưa ạ.
- Anh đánh khá lắm mà. Mười phần trên một trăm nhé?
- Ông đùa tôi đấy à?
- Mười lăm nhé?
- Tốt lắm, nhưng ông sẽ hạ tôi ngay thôi mà.
- Chúng ta đánh ăn cá nhé. Hồi đó anh luôn thích chơi ăn cá mà.
- Tôi thiết tưởng có như thế mới thú vị.
- Rất tốt. Tôi chấp anh mười tám điểm đấy và chúng ta cá một quan ăn một điểm.
Ông có lối chơi thật tuyệt và với số chấp tôi đã có tới năm mươi, tôi chỉ còn dư bốn điểm thôi. Bá tước Greffi bấm nút chuông trên tường gọi chủ quán.
- Làm ơn mở chai rượu – rồi ông quay sang tôi – chúng ta nên uống rượu để cho hăng lên.
Vang rất cay, nặng và ngon.
- Chúng ta dùng tiếng Ý nhé? Có gì làm phiền ông lắm không? Đó là nhược điểm của tôi lúc này đấy.
Chúng tôi tiếp tục chơi bi da và vừa nhấm nháp rượu. Chúng tôi nói tiếng Ý nhưng vì trò chơi quá hấp dẫn cho nên chúng tôi nói rất ít. Bá tước Greffi đã được một trăm điểm, còn tôi, mặc dù đã được chấp trước mới chỉ được 94 thôi. Ông mỉm cười và vỗ nhẹ lên vai tôi:
- Bây giờ uống thêm một chai nữa và anh kể cho tôi nghe tình hình chiến sự.
Ông đợi tôi ngồi vào chỗ rồi mới ngồi xuống.
- Nói mọi chuyện đều được nhưng trừ chuyện đó.
- Anh không muốn nói đến chuyện ấy à? Thôi được, tuỳ anh. Anh đọc gì rồi?
- Không đọc gì cả. Tôi e rằng ít truyện hay.
- Ồ nhưng mà anh phải đọc đi.
- Người ta viết gì trong thời chiến nhỉ?
- Có quyển Le Feu của tác giả người Pháp tên là Barbusse và quyển “Mr. Britsling sees through it”.
- Không, hắn không thấy gì cả.
- Gì chứ?
- Hắn không thấy gì cả. Ở bệnh viện có những cuốn đó.
- Thế thì anh đã đọc quyển ấy rồi chứ?
- Vâng, nhưng không có gì hay ho cả.
- Tôi nhận thấy ông Britling là một sự nghiên cứu kỹ tâm hồn trung giới người Anh.
- Tôi không biết tí gì về tâm hồn cả.
- Tội nghiệp cậu bé thì thôi. Nhưng không ai am tường về tinh thần cả. Anh có tin đạo không?
- Ban đêm.
Bá tước Greffi mỉm cười và ông xoay cái ly giữa mấy ngón tay.
- Tôi tưởng rằng tôi trở nên ngoan đạo hơn lúc tôi luống tuổi, nhưng không, tôi không thay đổi gì cả. Thật đáng tiếc.
- Ông có tha thiết được sống sau khi chết không? – tôi hỏi và kịp nhận thấy mình đã dại dột khi đề cập đến cái chết trong lúc này. Nhưng tiếng đó không làm ông kinh hãi.
- Điều đó còn tuỳ thuộc theo cuộc sống. Cuộc sống hiện tại lúc này rất tốt đẹp. Nên tôi tha thiết muốn trường sinh (ông mỉm cười) và tôi đã gần đạt đến đó.
Chúng tôi ngồi trong những chiếc ghế đệm bọc da và uống sâm banh đặt trong xô đá và ly để trên bàn giữa chúng tôi.
- Nếu bao giờ anh sống đến bằng tuổi tôi, anh sẽ thấy có nhiều chuyện lạ lắm.
- Trông ông không có vẻ gì là già cả.
- Chỉ già về thể xác thôi. Đôi khi tôi sợ tôi sẽ bẻ gãy ngón tay như người ta bẻ một cục phấn. Nhưng trí óc tôi thì không già hơn mà cũng không khôn ngoan hơn.
- Ồ, tôi đoán chắc ông là một nhà hiền triết.
- Không, quan niệm rằng những người già cả là hiền triết là một điều lầm lẫn lớn. Không phải càng luống tuổi họ càng hiền triết, mà là thận trọng.
- Có lẽ ở trong đó chứa đựng sự hiền triết.
- Đó là sự hiền triết không có gì hấp dẫn cả. Anh quý những gì nhất trên đời này?
- Người mà tôi hằng yêu mến.
- Đối với tôi cũng thế. Đó không phải là hiền triết. Anh quý trọng cuộc đời lắm à?
- Vâng.
- Tôi cũng thế. Bởi vì đó là tất cả những gì mà tôi có được và để có thể tổ chức những cuộc sinh nhật của tôi – ông cười to lên – Có lẽ anh là người khôn ngoan hơn tôi vì anh không bao giờ tổ chức những lễ sinh nhật như tôi.
Mỗi người chúng tôi uống một chút rượu.
- Ông nghĩ thật về chiến tranh như thế nào? – tôi hỏi.
- Tôi nghĩ thật là ngu xuẩn.
- Ai sẽ dành được thắng lợi?
- Nước Ý.
- Tại sao?
- Vì Ý là một quốc gia trẻ nhất.
- Có phải các nước trẻ bao giờ cũng thắng trận chăng?
- Các nước đó có khả năng thắng trận trong một thời hạn nào đó.
- Rồi sau đó sẽ ra sao?
- Họ trở thành những quốc gia già cỗi.
- Vậy mà ông nói ông không phải là một nhà hiền triết.
- Cậu bé thân mến, đó không phải là hiền triết mà là một điều thông tục.
- Đối với tôi, tôi cho điều đó rất có vẻ hiền triết.
- Không hẳn thế, tôi có thể kể cho anh nghe một vài ví dụ trái ngược hẳn lại. Nhưng mà nó không đến nỗi tệ lắm. Chúng ta đã uống cạn phần sâm banh còn lại chưa?
- Gần hết rồi.
- Chúng ta uống thêm một chai nữa chứ? Tôi cần phải thay đổi y phục.
- Giờ thì có lẽ ta nên ngưng là vừa.
- Anh không muốn uống thêm nữa à?
- Không. Cám ơn.
Ông đứng lên.
- Chúc anh gặp nhiều may mắn, nhiều hạnh phúc và sức khoẻ thật dồi dào.
- Cám ơn ông, còn tôi, tôi cầu chúc ông sống lâu muôn tuổi.
- Cám ơn. Điều đó tôi đã có rồi. Còn anh, nếu anh có trở nên ngoan đạo thì hãy cầu nguyện cho tôi lúc tôi chết. Tôi đã yêu cầu điều đó với các bạn tôi. Tôi hy vọng mình sẽ trở nên ngoan đạo nhưng điều đó không bao giờ xảy ra.
Tôi tưởng sẽ tìm thấy ở ông một nụ cười héo hắt, nhưng không chắc chắn vì ông già quá nên gương mặt nhăn nheo vì thế một nụ cười thường biến đổi các nếp nhăn và nét mặt không lộ ra.
- Có lẽ tôi sẽ trở nên rất ngoan đạo, trong bất cứ trường hợp nào tôi cũng sẽ cầu nguyện cho ông.
- Tôi luôn luôn mong rằng tôi sẽ trở nên ngoan đạo. Tất cả gia quyến tôi đều chết rất ngoan đạo. Nhưng vì một lý do nào đó tôi lại không như thế được.
- Điều đó quá sớm chăng?
- Có lẽ quá muộn. Có thể tôi đã vượt qua cái tuổi của lòng mộ đạo rồi.
- Lòng mộ đạo của tôi chỉ đến trong lúc ban đêm.
- Vậy thì anh đang yêu rồi. Đừng quên rằng đó cũng là một cảm giác tín ngưỡng đấy.
- Ông tin tưởng như vậy à?
- Dĩ nhiên – ông đi về phía chiếc bàn và nói tiếp – Anh đến chơi với tôi thật là quý hoá quá.
- Tôi rất vui mừng được đến đây.
- Chúng ta cùng đi thôi.
Chương 36
Đêm hôm ấy có bão và tôi thức dậy khi nghe tiếng mưa đập vào cửa kính. Mưa từ cửa sổ hé mở tạt vào. Có người gõ cửa. Tôi bước ra mở cửa nhè nhẹ để khỏi đánh thức Catherine. Đó là anh chủ quán. Anh ta mặc áo choàng và cầm chiếc mũ trên tay.
- Thưa trung uý, tôi có chuyện muốn nói với trung uý một chút được không?
- Chuyện gì thế?
- Chuyện này quan trọng lắm.
Tôi nhìn quanh phòng. Gian phòng tối om. Tôi thấy một vũng nước trên sàn nhà, trước cửa sổ.
- Mời anh vào – tôi nắm tay kéo anh ta vào phòng tắm. Tôi khóa cửa lại và bật đèn lên. Tôi ngồi trên thành bồn tắm.
- Có chuyện gì thế, Emilio? Anh gặp nguy hiểm à?
- Không phải tôi mà chính là trung uý.
- Tôi à?
- Họ sẽ đến bắt trung uý sáng nay.
- Thật sao?
- Tôi đến báo cho trung uý. Tôi đi ra ngoài phố và nghe họ nói chuyện trogn quán cà phê.
Anh ta đứng đó với chiếc áo choàng ướt đẫm. Anh ta cầm chiếc mũ ướt trong tay và yên lặng không nói gì cả.
- Tại sao họ lại bắt tôi?
- Vì lý do gì đấy có liên quan đến chiến tranh.
- Anh có biết vì sao không?
- Không, nhưng tôi tin rằng họ biết ông ở đây mặc thường phục mà trước kia ông hay mặc quân phục. Sau cuộc rút lui này, họ sẽ bắt tất cả mọi người.
Tôi suy nghĩ một lúc rồi nói:
- Đến mấy giờ họ sẽ đến bắt tôi?
- Buổi sáng, tôi không biết mấy giờ.
- Anh khuyên tôi phải làm gì bây giờ?
Anh để chiếc mũ lên bồn rửa mặt. Chiếc mũ ướt nhũn và nhỏ nước trên sàn nhà.
- Nếu ông hợp pháp thì bắt bớ cũng chẳng sao. Nhưng nếu bị bắt và nhất là bị bắt vào lúc này thì chẳng hay ho chút nào.
- Tôi không muốn để bị bắt.
- Thế thì hãy qua Thuỵ Sĩ.
- Bằng cách nào?
- Dùng thuyền của tôi.
- Nhưng trời đang bão…
- Bão đã qua, hồ động nhưng vẫn có thể đi được.
- Bao giờ phải đi?
- Ngay bây giờ. Có thể sáng mai họ sẽ đến bắt ông sớm.
- Thế còn hành lý của chúng tôi?
- Sửa soạn nhanh lên. Bảo bà mặc quần áo vào. Tôi lo hành lý cho.
- Tôi sẽ tìm anh ở đâu?
- Tôi sẽ đợi ở đây. Tôi không muốn ai trông thấy tôi ở hành lang cả.
Tôi đẩy cửa ra rồi khép lại, tôi đi qua phòng ngủ. Catherine đã thức giấc.
- Gì thế anh yêu?
- Đừng ngạc nhiên Cat ạ - tôi đáp – Em nghĩ sao nếu ta phải mặc quần áo và đi Thuỵ Sĩ ngay lập tức?
- Anh nghĩ sao?
- Anh ấy à? Anh thích đi ngủ trở lại hơn.
- Có chuyện gì vậy?
- Anh chủ quán đến báo sáng mai họ sẽ đến đây bắt anh.
- Anh chủ quán có điên không?
- Không.
- Thế thì em xin anh, anh yêu, hãy mặc quần áo nhanh lên để chúng ta có thể đi ngay. – Catherine ngồi ở cạnh giường, trông nàng hãy còn ngái ngủ - Thế anh chủ quán vẫn còn ở trong buồng tắm à.
- Còn.
- Thế thì em không tắm. Anh hãy quay mặt đi chỗ khác một lát. Em sẽ sẵn sàng ngay.
Tôi trông thấy phần lưng trắng nõn của nàng lúc nàng cởi bỏ áo ngủ nhưng rồi tôi nhìn đi chỗ khác như nàng muốn. Người nàng bắt đầu sồ sề và nàng không muốn tôi thấy nàng như vậy. Tôi mặc quần áo trong tiếng mưa đập vào cửa sổ. Tôi chẳng có gì nhiều để cho vào va ly cả.
- Trong va ly anh hãy còn nhiều chỗ trống, em có muốn cho gì vào đó không?
- Em đã xếp soạn xong rồi. Này anh, em hỏi hơi ngớ ngẩn một tí nhé, tại sao anh chủ quán lại phải ở trong phòng tắm vậy?
- Suỵt, anh ta chờ để mang hành lý của mình xuống.
- Anh ta thật là tử tế.
- Anh ta là một người bạn cũ của anh – tôi nói – Anh phải gởi thuốc lá cho anh ta một ngày gần đây mới được.
Qua khung cửa sổ mở rộng, tôi nhìn vào bóng đêm dày đặc. Tôi không thấy hồ đâu cả, chỉ thấy bóng đêm và mưa. Nhưng gió thì đã thấy dịu đi.
- Em xong rồi anh yêu – Catherine nói.
- Tốt lắm – tôi liền đi về phía cửa phòng tắm.
- Hành lý của chúng tôi đây này, Emilio.
Anh chủ quán xách hai chiếc va ly.
- Anh tốt quá, đã giúp đỡ chúng tôi – Catherine nói.
- Thưa bà, chả có gì cả - Anh ta đáp – Tôi rất vui lòng được giúp đỡ ông bà tuỳ mức độ mà tôi không bị phiền phức – Quay sang tôi, anh nói – Này, tôi sẽ đưa những thứ này theo ngả cầu thang phụ rồi mang xuống thuyền luôn. Anh chỉ có việc đi ra ngoài như đi dạo mát vậy.
- Thật là một đêm đẹp để đi dạo – Catherine nói.
Chúng tôi theo hành lang xuống cầu thang có trải thảm dày. Đến chân cầu thang gần cửa, người thường trực ngồi sau bàn viết ngạc nhiên nhìn chúng tôi:
- Ông đi ra ngoài à? – hắn hỏi.
- Vâng, chúng tôi muốn xem dông bão trên hồ.
- Thế ông không có áo mưa à?
- Không – tôi đáp – Nhưng chiếc áo choàng này không thấm nước.
Hắn nhìn chiếc áo tỏ vẻ nghi ngờ.
- Để tôi đi kiếm cho ông chiếc áo mưa.
Nói xong hắn đi ra và trở lại với một chiếc áo mưa lớn.
- Thưa ông, áo hơi lớn một tí – hắn nói.
Tôi cho hắn mười đồng lia.
- Ồ ông tốt bụng quá, cám ơn ông lắm.
Hắn mở cửa và chúng tôi đi ra, dưới trời mưa. Hắn nhìn Catherine mỉm cười và nàng cũng cười đáp lại.
- Ông bà đừng ở ngoài mưa lâu, không khéo lại ướt hết. – hắn chỉ là người thường trực phụ nên nói tiếng Anh không thạo.
- Chúng tôi sẽ trở lại – tôi đáp.
Hai chúng tôi che cây dù to tướng đi qua những con đường mòn qua những khu vườn tối tăm ẩm ướt rồi đến đường cái nối tiếp con đường có chắn lưới mặt cáo dọc theo hồ. Gió đang thổ vào bờ. Đó là tháng mười lạnh và ẩm ướt. Tôi biết lúc này tuyết đang rơi ở miền núi. Chúng tôi đi theo những con thuyền xích ở dưới bến rồi đến chỗ chiếc thuyền của anh chủ quán. Anh từ sau rặng cây bước ra.
- Hành lý đã để trong khoang thuyền rồi – anh nói.
- Tôi muốn trả anh tiền chiếc thuyền này – tôi nói.
- Ông có bao nhiêu tiền?
- Không nhiều lắm.
- Thế ông gởi tiền sau cho tôi cũng được. Như vậy tốt hơn.
- Bao nhiêu?
- Bao nhiêu cũng được.
- Anh cho biết là bao nhiêu đi.
- Nếu ông thoát khỏi xin ông gởi cho tôi năm trăm quan. Số đó có là bao nhiêu nếu ông thóat nạn.
- Cũng được.
Anh ta trao cho tôi một gói và bảo:
- Đây là bánh sandwich, ở quán chỉ có vậy. Ông bà có tất cả trong này. Đây là một chai rượu mạnh và một chai rượu vang.
Tôi cho các thứ vào bao.
- Tối thiểu hãy để cho tôi trả tiền các thức này.
- Xin ông năm chục lia.
Tôi trao tiền cho anh ta.
- Rượu mạnh này ngon lắm. Ông có thể cho bà dùng được, như thế lúc đi thuyền bà sẽ thấy khoẻ hơn.
Anh ta giữ lấy chiếc thuyền, nó nhồi lên nhồi xuống dọc theo bức tường. Tôi đỡ Catherine xuống thuyền, nàng ngồi phía sau, cuộn người trong chiếc áo choàng.
- Ông biết đường không?
- Có, đi ngược lên hồ.
- Ông biết đến đâu không?
- Đến Luino.
- Qua khỏi Luino, Cannero, Cannobio, Tranzano. Khi tới Brissago là ông đã đặt chân lên Thuỵ Sĩ rồi đấy. Rồi ông còn phải đi qua rặng núi Tamara.
- Mấy giờ rồi? – Catherine hỏi.
- Chỉ mới mười giờ - tôi bảo.
- Nếu ông chèo không nghỉ thì ông sẽ đến nơi vào lúc bảy giờ sáng.
- Xa thế cơ à?
- Độ ba mươi lăm cây số.
- Làm thế nào để đi bây giờ. Mưa như thế này chúng tôi cần có địa bàn.
- Không cần. Ông cứ chèo cho đến Isola Bella. Rồi qua đến phía bên kia của Isola Madre thì cứ nương theo chiều gió. Gió sẽ đưa ông đến Pallanza. Ở đó ông sẽ thấy ánh đèn rồi cứ việc bơi dọc theo bờ.
- Có thể gió sẽ đổi chiều.
- Không đâu, gió này sẽ kéo dài ba ngày. Nó từ Mattarone thổi thẳng xuống. Ông có một cái xô và dây dùng để tát nước.
- Bây giờ để cho tôi trả cho anh chút đỉnh tiền cái thuyền này nhé.
- Thôi, tôi thích mạo hiểm. Nếu thoát, ông trả cho tôi bao nhiêu cũng được.
- Thế cũng được.
- Chẳng có lý nào ông bị đắm thuyền đâu.
- Thế thì tốt lắm.
- Luôn luôn chèo với gió ở đàng sau.
- Được rồi.
Tôi bước xuống thuyền.
- Ông có để lại tiền trả cho khách sạn không?
- Có, tôi để trong phòng bì ở phòng ấy.
- Thế thì được rồi, thôi chúc trung uý may mắn.
- Chúc anh may mắn. Chúng tôi cám ơn anh nhiều lắm.
- Nếu ông bị đắm, chắc ông chẳng cám ơn tôi đâu.
Catherine hỏi tôi:
- Anh ta nói gì thế?
- Anh ta chúc mình gặp may mắn.
- Cám ơn anh nhiều, chúc anh may mắn.
- Sẵn sàng chưa?
- Rồi.
Anh ta khom người xuống và đẩy chúng tôi ra khơi. Tôi nhúng hai mái chèo xuống nước và đưa tay lên vẫy. Anh ta vẫy đáp lại. Tôi thấy ánh đèn của khách sạn chiếu sáng. Tôi bơi thuyền ra xa thẳng tắp cho đến khi không còn thấy ánh đèn nữa. Sóng lớn nhưng chúng tôi có gió đàng sau.
Chương 37
Tôi bơi thuyền trong đêm tối, gió thổi tạt vào mặt. Mưa đã ngừng, chỉ thỉnh thoảng có những hạt nhỏ rơi xuống thôi. Và thỉnh thoảng mới đổ ào xuống một luồng. Trời tối đen, gió thổi mạnh. Tôi nhìn ra Catherine ngồi ở sau lái nhưng không thể nhìn thấy chỗ nước mà mái chèo nhúng xuống. Mái chèo rất dài mà không có mảnh da để giữ cho nó khỏi trượt ra ngoài. Tôi kéo lui cây dầm, đoạn nâng lên rồi ấn cây dầm xuống về phía trước, rồi lại kéo lui, và cứ thế mà cố bơi. Tôi biết tay tôi đã sưng lên và tôi cố trì hoãn giây phút ấy lâu chừng nào hay chừng ấy. Chiếc thuyền nhẹ nhàng trôi xuôi theo dòng nước đen ngòm. Tôi không trông thấy gì cả và mong rằng chúng tôi đến sớm được vùng bên kia của Pallanza.
Chúng tôi chưa bao giờ thấy Pallanza. Gió thổi ngang hồ, chúng tôi đi qua Pallanza, vùng này ẩn khuất trong màn đêm nên không thấy ánh đèn nào cả. Nhưng rồi sau đó chúng tôi cũng nhìn thấy vài ngọn đèn xa xa phía trên hồ và sát bờ hồ. Chỗ đó là Intra. Nhưng rất lâu sau đó chúng tôi lại không trông thấy một ánh đèn nào, bờ bến nào ở đâu cả. Chúng tôi bị sóng cản và kiên nhẫn tiến trong bóng đêm. Thỉnh thoảng một con sóng nâng thuyền lên làm chiếc dầm hụt ra khỏi mặt nước. Hồ bị động nhưng điều đó không cản được tôi chèo. Bất thình lình chúng tôi thấy mình ở sát bờ, bên cạnh một khối đá dựng đứng. Sóng vỗ vào đá, bắn nước tung lên rồi rơi xuống. Một tay tôi bơi mạnh, còn chiếc dầm bên trái thì cản nước về phía sau. Chúng tôi lại bơi ra giữa hồ, Hốc đá xa dần tầm mắt và chúng tôi tiếp tục bơi ngược lên phía trên hồ.
Tôi bảo Catherine:
- Chúng ta đang ở giữa hồ.
- Thế mình không thấy Pallanza à?
- Mình bị lạc mất rồi.
- Anh yêu, anh thấy trong người thế nào?
- Anh vẫn khoẻ.
- Để em chèo cho một lát.
- Không, anh vẫn khoẻ mà.
- Tội nghiệp cho chị Ferguson, sáng nay chị ấy sẽ đến khách sạn và mới hay chúng mình đi rồi.
- Anh bận tâm hơn đến việc tới được Thụy Sĩ trước lúc mặt trời mọc và để bọn lính đoan có thể trông thấy chúng ta.
- Còn xa lắm không?
- Còn khoảng ba mươi cây số nữa.
Tôi bơi suốt đêm. Cuối cùng tay tôi rã rời khiến tôi khó lòng có thể giữ vững tay chèo. Nhiều lần chúng tôi gần va vào bờ. Tôi giữ cho thuyền đi nương sát vào bờ vì sợ bị lạc hướng và mất thì giờ. Đôi khi chúng tôi ở sát bờ đến nỗi có thể nhận ra hàng cây cùng con đường lớn chạy dài theo bờ hồ với phía sau là những rặng núi. Mưa đã tạnh, gió đã thổi tan mây và mặt trăng hiện ra. Nhìn lại phía sau tôi có thể trông thấy Castagnola hiện ra như một điểm dài tối sẫm, mặt hồ với những lượn sóng trắng xóa và hơn là vầng trăng lơ lửng trên rặng núi cao đầy tuyết phủ. Rồi mây lại che khuất trăng khiến cho không còn nhìn thấy núi, hồ đâu nữa. Nhưng dù sao cũng sáng hơn lúc nãy và chúng tôi có thể nhận ra đâu là bờ. Tôi nhận ra bờ rõ ràng và cho thuyền đi ra xa một chút phòng khi có lính đoan ở dọc theo đường Pallanza chúng cũng không thấy chúng tôi được. Khi vầng trăng lại hiện ra, chúng tôi có thể trông thấy những toà biệt thự trắng trên bờ hồ nằm bên sườn núi cùng với con đường trắng xóa ẩn hiện giữa hàng cây. Tôi vẫn tiếp tục chèo.
Mặt hồ rộng ra, bên kia hồ, dưới chân ngọn núi, đây đó có một vài ánh đèn, có lẽ đó là Luino. Tôi thấy có một lỗ hổng giống hình tam giác giữa hai ngọn núi bên kia bờ hồ. Vì thế tôi nghĩ đó là thành phố Luino. Nếu quả vậy thì chúng tôi đã đi đúng hướng. Tôi kéo mái chèo về và ngả lưng xuống chỗ ngồi. Tôi mệt vô cùng, hai cánh tay, vai và lưng tôi mỏi như dần, còn hai bàn tay thì sưng lên.
- Em có thể mở dù được – Catherine nói – Có gió này thì có thể giương dù lên thay cánh buồm vậy.
- Em giữ lái được không?
- Có lẽ được.
- Em cầm lấy chiếc dầm này, giữ dầm dưới cánh tay và ép sát vào mạn thuyền để làm lái. Còn anh thì cầm dù.
Tôi bước ra sau chỗ lái và chỉ cho nàng cách cầm lái. Tôi cầm lấy chiếc dù to tướng của người thường trực đã đưa cho tôi rồi giương dù lên. Dù bung ra. Tôi nắm hai bên vành chiếc dù rồi ngồi cưỡi đè lên cán, tay dù móc vào ghế. Chiếc thuyền lướt tới. Tôi cố giữ thật chặt hai bên vành dù. Gió đẩy mạnh và chiếc thuyền trôi rất nhanh.
- Thuyền lướt kỳ diệu – Catherine nói.
Tôi không thấy gì ngoài gọng dù. Dù căng thẳng và bị giật mạnh. Tôi thấy hình như chúng tôi cũng bị kéo đi. Tôi đạp chân và đè người xuống sát cán dù. Bất thình lình cây dù bị lộn lại và một kèo dù đập vào trán tôi. Tôi cố sức chụp lấy chóp dù đang oằn xuống vì gió. Cây dù mới đây là một cánh buồm bọc đầy gió, bây giờ đã rách bươm. Tôi tháo móc dù ra, để dù xuống mũi thuyền và bước ra sau cầm lái chèo thay cho Catherine. Nàng cười như nắc nẻ. Cầm lấy tay tôi nàng vẫn còn cười.
- Gì thế]? – tôi vừa hỏi vừa đỡ lấy cây dầm.
- Khi anh cầm cây dù như thế, trông buồn cười quá đi mất.
- Vậy hả?
- Này, anh đừng giận nhé. Trông buồn cười quá đi. Anh trông giống như người có bề ngang độ sáu thước và bấu chặt vào vành dù trông có vẻ trìu mến lắm – Catherine đùa với tôi như thế\/
- Để anh chèo.
- Nghỉ một lát và uống tí gì đi đã, anh yêu ạ. Thật là một đêm tuyệt diệu và chúng ta đã đi đúng.
- Anh phải giữ cho chiếc thuyền không bị nhồi sóng.
- Vậy để em rót rượu cho anh nhé, anh nên nghỉ một tí đi anh yêu.
Hai mái dầm tôi giơ lên tạo thành buồm. Catherine mở va ly, nàng trao cho tôi chai rượu mạnh. Tôi dùng con dao bỏ túi mở chai rượu và tu một hơi dài. Thật là dịu và nóng. Tôi cảm thấy ấm áp và vui hẳn lên. “Rượu ngon thật”, tôi nói với Catherine. Trăng lại bị che khuất nhưng tôi vẫn có thể nhìn ra bờ hồ.
- Em có thấy khá ấm lên trong người không hả?
- Em khoẻ lắm nhưng chỉ hơi bị cóng một tí thôi.
- Tát nước trong này ra thì em có thể đặt chân xuống.
Tôi lại bơi tiếp và lắng nghe tiếng mái chèo khua nước, tiếng lon tát nước dưới chỗ ngồi phía sau lái.
- Em đưa cho anh cái xô tát nước. Anh muốn uống nước.
- Thôi bẩn lắm.
- Không sao, anh sẽ rửa sạch đi.
Tôi nghe Catherine rửa xô tát nước rồi nàng trao cho tôi một xô đầy nước. Uống rượu mạnh xong tôi khát nước vô cùng. Nước lạnh buốt làm tôi ê cả răng. Tôi nhìn vào bờ. Chúng tôi đang tiến dần đến vùng đất đã thấy khi nãy. Trên vịnh trước mặt đã thấy thấp thoáng ánh đèn.
- Cám ơn em – tôi trả lại chiếc xô cho nàng.
- Sẵn sàng phục vụ anh, nếu anh muốn thêm nữa cũng được.
- Em muốn ăn gì không?
- Không, lát nữa em mới đói. Phải để dành lương thực đến lúc ấy chứ.
- Thế cũng được.
Cái điểm sáng khi nãy là một vùng đất dài và cao. Tôi bơi thuyền ra xa bờ để vượt qua dải đất đó. Bây giờ mặt hồ hẹp lại. Trăng lại hiện ra. Nếu có bọn lính tuần thì chắc hẳn chúng sẽ nhìn thấy rõ mồn một chiếc thuyền của chúng tôi trên mặt nước.
- Em thấy trong người thế nào hả Cat?
- Em thấy khoẻ lắm. Mình đang ở đâu hả anh?
- Có lẽ chúng ta chỉ còn độ tám dặm nữa thôi.
- Thế cũng còn phải chèo lâu. Tội nghiệp anh yêu. Liệu anh có kiệt sức không?
- Không sao đâu. Anh vẫn khoẻ, chỉ có hai bàn tay là hơi đau tí thôi.
Chúng tôi tiếp tục chèo ở bên ngoài chỗ hai ngọn núi giao nhau. Đất phẳng phiu đến tận bờ biển thấp. Tôi nghĩ đó có thể là vùng Cannobio. Tôi chú ý dừng lại giữa hồ vì đây là lúc có thể dễ gặp lính biên phòng nhất. Ở trước mặt, phía bờ bên kia là một rặng núi cao đỉnh tròn. Tôi mệt quá, tuy chẳng còn bơi bao xa nữa, nhưng khi đã kiệt sức rồi thì lại thấy quá xa. Tôi biết nếu muốn đến thuỷ phận của Thuỵ Sĩ thì phải đi qua rặng núi này và phải đi ít nhất năm dặm nữa ngược lên hồ. Lúc này thì trăng đã lặn, mây phủ kín bầu trời và bóng đêm dày đặc. Tôi ở cách bờ rất xa, vừa bơi vừa nghỉ và giữ đôi mái chèo khiến gió đập mạnh vào phía dưới.
- Đưa em chèo cho một lát – Catherine nói.
- Anh nghĩ đó không phải là việc của em.
- Anh lập luận sai rồi. Như thế tốt chứ có sao đâu. Em sẽ không bị trệ người.
- Anh cho là em nên tránh thì tốt hơn, Cat ạ.
- Anh vô lý quá. Bơi thuyền nhịp nhàng, vừa phải, thì có ích cho phụ nữ đang mang thai chứ có gì đâu.
- Thật à? Thế thì em chèo một chút…Để anh xuống đó rồi em lên đây nhé. Em bám chặt vào mạn thuyền mà đi lên đây nhé.
Tôi ngồi phía sau lái dựng cổ áo lên và ngắm Catherine chèo thuyền. Nàng chèo rất giỏi nhưng chiếc dầm quá dài làm nàng lúng túng. Tôi mở bao lấy hai chiếc sandwich ăn và uống một hớp rượu mạnh. Chẳng bao lâu tôi thấy mọi thứ đỡ u ám và tôi lại uống thêm một hơi nữa.
- Khi nào em mệt thì bảo anh nhé – Một lát sau tôi lại bảo – Này, khéo kẻo cây dầm đập vào bụng em đấy nhé.
- Nếu thế thì đời mình sẽ dễ tính hơn chứ sao – Catherine nói.
Tôi uống thêm một hơi rượu nữa.
- Em thấy thế nào?
- Được mà.
- Khi nào em muốn nghỉ thì bảo anh nhé.
- Vâng.
Tôi lại tu thêm một hơi nữa. Rồi tôi bám mạn thuyền lần lên chỗ Catherine.
- Thôi, đang tốt mà.
- Em nên trở lại phía sau lái mà ngồi. Anh nghỉ cũng khá lâu rồi.
Nhờ chất rượu, tôi bơi một lúc dễ dàng không nghỉ, rồi tôi lại bắt đầu mỏi mệt và ói ra cả mật xanh vì vừa uống rượu xong lại gắng quá sức.
- Cho anh ngụm nước đi em – tôi nói.
- Dễ thôi – Catherine đáp.
Trước lúc rạng đông, mưa phùn bắt đầu rơi. Gió đã dịu hoặc vì chúng tôi được mấy ngọn núi bao quanh hồ che cản gió. Khi biết trời sắp sáng, tôi vội vã cố bơi. Tôi không biết chúng tôi đang ở đâu và tôi muốn đi vào địa phận Thụy Sĩ. Khi trời bắt đầu sáng, chúng tôi đã gần đến bờ. Tôi nhận ra những tảng đá và cây cối.
- Gì thế nhỉ? – Catherine hỏi.
Tôi dừng tay chèo và lắng nghe. Có tiếng thuyền máy nổ trên hồ. Tôi cập thuyền vào bờ và im lặng. Tiếng máy gần hơn và chúng tôi thấy qua màn mưa một chiếc thuyền máy ngay sau thuyền chúng tôi. Trên thuyền có bốn người lính tuần tiễu, với chiếc mũ sụp sâu, cổ áo kéo cao lên, và súng lủng lẳng ngang lưng. Trông họ còn có vẻ ngái ngủ vì trời quá sớm. Tôi nhận thấy màu vàng của áo họ. Chiếc thuyền máy vượt chúng tôi rồi khuất dần sau màn mưa.
Tôi bơi thuyền ra giữa hồ, nếu chúng tôi đến gần được biên giới như thế thì tôi lại càng không muốn bị lính tuần tiễu kêu hỏi. Tôi giữ một khoảng cách có thể nhìn thấy bờ và cứ thế chèo trong khoảng bốn mươi lăm phút nữa dưới làn mưa. Một lần nữa, chúng tôi lại nghe thấy tiếng chiếc thuyền máy. Tôi dừng lại và chỉ đi tiếp khi tiếng máy xa dần.
- Chắc mình đang ở trong địa phận của Thụy Sĩ, Cat ạ.
- Thật ư?
- Chúng ta chỉ có thể biết sau khi thấy lính Thụy Sĩ.
- Hoặc hải quân Thụy Sĩ.
- Hải quân Thụy Sĩ không phải chuyện đùa đâu. Chiếc thuyền máy mình nghe thấy lần thứ hai có lẽ là hải quân đấy.
- Nếu đến Thụy Sĩ rồi thì hãy dùng điểm tâm đã. Vì ở Thụy Sĩ người ta có món bơ, mứt và bánh mì ngon đặc biệt.
Trời đã sáng hẳn và sương mù đang nhẹ rơi. Gió vẫn thổi mạnh trên hồ. Chúng tôi có thể nhìn thấy những ngọn sóng sủi bọt trắng khuất dần phía trên hồ. Tôi chắc là chúng tôi hiện đang ở trong phần đất của Thụy Sĩ. Nhiều nhà cửa ẩn hiện sau rặng cây bên bờ hồ, và xa hơn là một ngôi làng với những căn nhà bằng đá, vài toà biệt thự trên đồi và nhà thờ. Tôi đã cố nhìn lên đường ven bờ để xem có lính tuần không, nhưng chẳng có ai cả. Nhìn theo con đường chạy sát ven hồ, tôi nhìn thấy một anh linh từ trong quán rượu bước ra. Hắn mặc quân phục màu xám xanh và đội mũ sắt giống bọn Đức. Người hắn trông khoẻ mạnh và hai mép râu lún phún. Hắn nhìn về phía chúng tôi.
- Vẫy tay cho hắn đi em – tôi bảo Catherine.
Nàng vẫy tay. Anh lính mỉm cười bối rối rồi cũng vẫy tay lại. Tôi bơi chầm chậm. Chúng tôi bơi qua trước làng.
- Chúng ta đã qua khỏi biên giới nhiều rồi – tôi bảo.
- Phải thật chắc chắn anh ạ. Đừng để họ dẫn chúng ta về Ý.
- Từ đây trở lại biên giới xa lắm. Theo anh, đây là thành phố thuế quan. Anh chắc đây là Brissago.
- Liệu ở đây có người Ý không? Ở các thành phố thuế quan luôn luôn có mặt người của cả hai nước.
- Ở vào thời chiến thì không như vậy. Anh tin là họ không để cho dân Ý vượt qua biên giới.
Đó là một thành phố nhỏ, dáng dấp tráng lệ. Dọc theo cảng, nhiều ngư thuyền đang trải lưới trên giá. Mưa tháng mười rơi nhẹ nhưng quang cảnh trông có vẻ vui và sạch sẽ dù rằng đang ở dưới cơn mưa.
- Anh có muốn lên đây dùng điểm tâm không?
- Đồng ý.
Tôi bơi mạnh dầm bên trái và đưa thuyền vào sát bờ. Khi đến sát bên, tôi chống thẳng dầm và cho thuyền đậu dài theo bến. Tôi bỏ mái chèo vào khoang thuyền rồi nhảy lên một tảng đá ướt. Tôi đang ở Thụy Sĩ rồi. Tôi buộc thuyền và đưa tay đỡ Catherine.
- Lên nhanh đi em, Catherine. Thật tuyệt vời.
- Thế còn các va ly?
- Cứ để dưới thuyền.
Catherine lên bờ. Chúng tôi đangcùng ở Thụy Sĩ.
- Xứ sở đẹp tuyệt – nàng khen.
- Thế không thanh lịch sao?
- Chúng ta đi đi.
- Xứ sở không tuyệt à? Anh xúc động khi đặt chân lên mảnh đất này.
- Em bị cóng quá nên không cảm thấy rõ. Nhưng em có cảm giác đây là một địa điểm tráng lệ quá. Anh yêu, anh có nhận thấy rằng anh đang ở đây, ở Thụy Sĩ, đã xa cái xứ sở bẩn thỉu ấy không?
- Có, anh thấy thế, anh thấy rõ ràng thế. Chính hôm nay, lần đầu tiên, anh mới cảm thấy được một đôi điều.
- Anh nhìn mấy ngôi nhà kia. Những ngôi nhà ấy không đẹp à? Kìa, một chỗ ăn điểm tâm.
- Cơn mưa cũng thú vị quá em nhỉ? Ở Ý đâu bao giờ mưa như thế này. Ở đây là cơn mưa vui.
- Và chúng ta đang ở Thụy Sĩ, anh yêu, anh có nhận thấy thế không?
Chúng tôi vào quán cà phê ngồi xuống cạnh một bàn gỗ rất sạch. Chúng tôi điên lên vì vui sướng, lòng cảm thấy lâng lâng. Một bà duyên dáng khoác áo choàng đến hỏi chúng tôi cần gì.
- Cho bánh mì tròn, mứt và cà phê – Catherine bảo.
- Rất tiếc, từ lúc chiến tranh, chúng tôi không có bánh mì tròn.
- Thế thì bánh mì thường cũng được.
- Tôi có thể làm bánh mì nướng phết bơ.
- Cho tôi thêm trứng rán.
- Ông muốn dùng mấy quả ạ?
- Ba.
- Lấy bốn quả đi anh yêu.
- Bốn quả vậy.
Bà ta đi khuất. Tôi hôn Catherine và siết chặt tay nàng trong tay tôi. Chúng tôi nhìn nhau và nhìn khắp cả quán ăn.
- Anh yêu, có nên thơ không anh?
- Phong cảnh ở đây thật là kỳ diệu.
- Có bánh mì tròn đặc biệt hay không em không cần – Catherine nói – Suốt đêm em đã nghĩ đến món đó nhưng bây giờ thì em không cần, hoàn toàn không cần.
- Anh đặt giả thuyết rằng tí nữa họ sẽ bắt chúng ta.
- Anh yêu, đừng bận lòng đến việc ấy. Chúng ta cứ dùng điểm tâm đã. Ăn điểm tâm xong, việc ấy chẳng có gì quan trọng cả. Chúng ta là những kiều dân Anh và Mỹ hợp pháp kia mà.
- À, mà em có giấy thông hành chứ?
- Dĩ nhiên. Thôi đừng bàn đến việc ấy nữa. Hãy tận hưởng hạnh phúc đi đã.
- Anh không thể nào vui được.
Một con mèo xám to, đuôi vểnh lên lại gần bàn ăn và cọ mình vào chân tôi vừa gừ gừ khe khẽ. Tôi cúi xuống để vuốt ve nó. Catherine nhìn tôi mỉm cười sung sướng.
- Cà phê kìa – nàng nói.
Sau bữa điểm tâm thì họ bắt chúng tôi. Chúng tôi đi dạo trong thành phố một lát rồi mới xuống bến lấy hành lý. Có một người lính đang đứng cạnh chiếc thuyền.
- Thuyền này của ông phải không?
- Phải.
- Thế ông từ đâu đến?
- Từ phía trên hồ này.
- Thế thì xin mời ông đi theo tôi.
- Thế còn hành lý?
- Ông có thể mang theo.
Tôi mang hành lý, còn Catherine đi bên cạnh tôi. Người lính đi theo tôi đến sở thuế quan. Ở đây có một viên trung uý rất gầy và trông có vẻ rất nhà binh hỏi chúng tôi.
- Ông bà thuộc quốc tịch nào?
- Tôi người Mỹ còn bà đây người Anh.
- Xin cho xem thông hành của ông bà.
Tôi trình giấy của tôi ra và Catherine tìm giấy tờ của nàng trong túi xách.
Hắn xem xét giấy tờ một hồi lâu.
- Sao ông bà vào Thụy Sĩ bằng thuyền như thế?
- Vì tôi là một nhà thể thao – tôi đáp – Bơi thuyền là môn tôi thích nhất. Tôi thường bơi thuyền khi nào tôi có dịp.
- Thế tại sao ông lại đến đây?
- Để dự thể thao mùa đông, chúng tôi là những du khách và chúng tôi muốn chơi những môn thể thao mùa đông.
- Ở đây không có môn thể thao mùa đông.
- Tôi biết vậy. Tôi muốn đi đến nơi nào có tổ chức các môn thể thao mùa đông.
- Ở Ý ông làm gì?
- Tôi đã theo học kiến trúc. Còn cô em họ tôi đây thì theo học về môn mỹ thuật.
- Thế thì tại sao ông lại đi?
- Vì chúng tôi muốn chơi thể thao mùa đông. Với lại cuộc chiến tranh này chúng tôi không thể nào tiếp tục theo học được nữa.
- Xin ông vui lòng ở đây – viên trung uý nói.
Hắn quay vào, cầm theo giấy tờ của chúng tôi.
- Anh cừ lắm anh yêu. Cứ tiếp tục như thế. Anh thích chơi thể thao mùa đông.
- Còn em, em biết gì về mỹ thuật không?
- Em biết Rubens – Catherine đáp.
- To và béo – tôi thêm.
- Em biết Titian nữa.
- Tóc vàng hoe…Titian tóc hoe. Thế còn Mantegua?
- Đừng hỏi em mấy câu khó. Tuy nhiên em cũng biết về ông ấy. Rất dữ dội. Anh xem, em sẽ là một người vợ quý. Em có thể bàn luận về mỹ thuật với mấy ông khách của anh mà.
- Kìa, hắn đã trở lại – tôi nói.
Viên trung uý cao gầy đi qua sở thuế quan, tay cầm các giấy tờ thông hành của chúng tôi.
- Tôi phải đưa ông bà đến Locarno – ông ta nói – Ông bà có thể đi xe ngựa, một người lính đi cùng với ông bà.
- Được rồi, thế còn chiếc thuyền? – tôi hỏi.
- Chiếc thuyền sẽ bị tịch thu. Ông bà có gì trong va ly?
Hắn xem hai va ly và tịch thu chai rượu mạnh.
- Ông có thích chúng ta cùng uống không? – tôi hỏi.
- Không, xin cám ơn – hắn ta đứng lên – Ông có bao nhiêu tiền?
- Hai ngàn rưởi lia.
Hắn rất ngạc nhiên.
- Thế còn cô em họ của ông có độ bao nhiêu?
Catherine có khoảng hơn một ngàn hai trăm lia. Viên trung uý tỏ vẻ hài lòng. Thái độ của hắn bớt hống hách.
- Nếu ông muốn dự thể thao mùa đông thì hãy đến Wengen. Wengen là địa điểm duy nhất. Cha tôi có một khách sạn ở Wengen, khách sạn ấy mở cửa quanh năm.
- Thế thì còn gì bằng. Ông có thể cho tôi địa chỉ được không?
- Tôi sẽ viết lên danh thiếp.
Hắn lễ phép trao cho tôi tấm danh thiếp.
- Lính sẽ đưa ông bà đến Locarno, hắn sẽ giữ các giấy tờ của ông, tôi rất tiếc nhưng đó là điều cần thiết. Tôi hy vọng họ sẽ cấp cho ông giấy quá cảnh hay giấy nghỉ phép ở Locarno.
Hắn trao giấy tờ của chúng tôi cho người lính. Chúng tôi mang hành lý và đi vào thành phố để gọi một cỗ xe ngựa. Viên trung uý nói gì với tên lính bằng thổ ngữ Đức. Người lính đeo súng sau lưng và xách cái va ly.
- Thật là một nước tế nhị - tôi nói với Catherine.
- Và rất thực tế nữa.
- Cám ơn trung uý nhiều lắm – tôi nói với viên trung uý.
Ông ta vẫy tay. Chúng tôi đi theo người lính vào thành phố.
Chúng tôi đi xe ngựa đến Locarno. Người lính ngồi đàng trước với người đánh xe. Ở Locarno mọi việc diễn ra tốt đẹp. Người ta hỏi chúng tôi nhưng họ rất lễ độ vì chúng tôi có giấy tờ và tiền bạc. Tôi không nghĩ là họ tin câu chuyện tôi bịa đặt và chính tôi cũng thấy chuyện đó ngớ ngẩn. Nhưng cũng gần giống như ở toà án, người ta không ngạc nhiên nếu các lời khai hợp lý, miễn là chúng đúng kỹ thuật và người ta có thể dựa vào đó mà nói không cần giải thích gì cả. Chúng tôi có giấy thông hành và tiền tiêu xài, phải chăng vì vậy họ cấp cho chúng tôi giấy quá cảnh tạm thời. Giấy có thể bị thu hồi vào bất cứ lúc nào. Ở tất cả các nơi chúng tôi đi, chúng tôi phải trình cảnh sát nữa.
Liệu chúng tôi có thể đi đến bất cứ nơi nào mà chúng tôi muốn không? Được. Nhưng đi đâu bây giờ?
- Em muốn đi đâu hả Catherine?
- Em muốn đến Montreux.
- Đó là một nơi rất dễ chịu – một nhân viên nói – Tôi tin là ông bà sẽ thích nơi ấy.
- Ở Locarno này cũng rất dễ chịu – một nhân viên khác nói – Tôi chắc rằng ông cũng sẽ rất thích Locarno này chứ? Locarno là một thành phố rất đẹp.
- Chúng tôi tìm nơi có thể chơi thể thao mùa đông.
- Ở Montreux thì không có.
- Xin lỗi anh – nhân viên kia nói – Tôi từ Montreux đến đây. Người ta chơi thể thao trên đường Montreux Orbeland Beraois. Ông không thể nói nơi khác được.
- Tôi không nói nơi khác. Tôi chỉ nói rằng ở Montreux không tổ chức thể thao mùa đông mà thôi.
- Tôi ngờ điều khẳng định đó.
- Riêng tôi, tôi tin điều khẳng định đó. Tôi vẫn nói lời khẳng định đó. Chúng tôi cũng đã từng đi xe trượt tuyết trên đường phố Montreux. Không phải một lần mà là nhiều lần. Đi xe trượt tuyết cũng là một môn thể thao mùa đông chứ gì nữa.
Nhân viên thứ hai quay sang tôi:
- Theo ý ông, đi xe trượt tuyết có phải là một môn thể thao mùa đông không? Tôi xin cam đoan với ông rằng ông sẽ thấy vô cùng cần thiết ở lại Locarno này. Rồi ông sẽ thấy khí hậu ở đây rất lành mạnh và những vùng lân cận rất dễ chịu. Rồi ông sẽ thấy thích thú.
- Ông đây đã tỏ ý ước ao đi Montreux mà.
- Đi xe trượt tuyết là như thế nào? – tôi hỏi.
- Thấy chưa, ông đây chưa bao giờ nghe nói đến xe trượt tuyết.
Điều đó rất quan trọng đối với nhân viên thứ hai, ông ta tỏ ra rất hài lòng.
- Xe trượt tuyết cũng giống như xe trượt thấp- người thứ nhất nói.
Nhân viên kia lắc đầu.
- Hãy cho phép tôi. Tôi xin được nói lại. Xe trượt thấp rất khác xe trượt tuyết. Xe trượt thấp được chế tạo bởi những thanh gỗ mỏng ở Canada, xe trượt tuyết là một xe trượt bình thường được đặt trên bánh trượt. Đó là một điều chính xác.
Nhân viên thứ hai hỏi?
- Ở đây ông sẽ ở đâu?
- Chúng tôi không biết, chúng tôi vừa mới từ Brissago tới. Cỗ xe ngựa còn đậu ngoài cổng kia – tôi đáp.
Nhân viên thứ hai nói:
- Ông đến Montreux là có lý. Ở đó ông sẽ thấy khí hậu tốt, dễ chịu và thể thao mùa đông sẽ ngay bên cạnh.
Nhân viên thứ nhất nói:
- Nếu thật tình ông muốn tham gia thể thao mùa đông, thì ông nên đến Endagine hay Murren. Tôi thấy có nhiệm vụ phải phản đối lời khuyên đi Montreux để tham dự các cuộc thể thao mùa đông.
- Ở tại Les Avants phía trên vùng Montreux có đủ môn thể thao dành cho mùa đông – Anh chàng thuyết phục tôi đi Montreux nhìn xoáy vào anh bạn đồng nghiệp.
- Thưa các ông, tôi phải đi đây. Cô em họ tôi mệt lắm rồi. Tôi nghĩ có lẽ tôi sẽ thử đi Montreux xem sao – tôi nói.
- Tôi khen ngợi ông – ông nhân viên thứ nhất bắt tay tôi.
- Tôi tin rằng ông sẽ tiếc khi rời khỏi Locarno – nhân viên thứ hai nói – Dù sao khi đến Montreux ông hãy nhớ trình giấy tờ cho cảnh sát.
- Không có gì phiền nhiễu với cảnh sát đâu – nhân viên thứ nhất trấn an tôi – Rồi ông sẽ thấy dân chúng ở đây vô cùng lịch thiệp và hiếu khách.
- Xin cám ơn cả hai ông. Chúng tôi sẽ nhớ đến lời khuyên của cả hai ông.
- Chào các ông, xin cám ơn nhiều – Catherine nói.
Họ cúi đầu chào, tiễn chúng tôi ra đến cửa. Anh chàng ca ngợi Locarno có vẻ hơi lạnh lùng. Chúng tôi bước xuống bậc thềm và lên xe ngựa.
- Trời ơi anh yêu, chúng ta không thể đi sớm hơn sao? – Catherine hỏi.
Tôi nói với người đánh xe ngựa tên khách sạn mà người sĩ quan giới thiệu khi nãy. Hắn nắm lấy giây cương.
- Anh đã quên quân đội rồi – Catherine nói.
Tên lính đứng cạnh cỗ xe, tôi biếu hắn mười đồng lia và bảo:
- Tôi chưa có tiền Thuỵ Sĩ.
Hắn cám ơn tôi, đưa tay chào rồi đi khuất. Chiếc xe chuyển bánh đưa chúng tôi đến khách sạn.
- Tại sao em lại chọn Montreux? – tôi hỏi Catherine – Có thật em thích đến đó không?
- Montreux là nơi đầu tiên mà em nghĩ đến – nàng đáp – Chỗ đó không chán đâu. Mi1nh có thể tìm được một chỗ ở trên núi.
- Em có buồn ngủ không?
- Em đang buồn ngủ đây.
- Chúng ta sắp được ngủ ngon. Tội nghiệp Catherine, em đã trải qua một đêm thật tồi tệ.
- Đêm hôm qua là một đêm thú vị đấy chứ. Nhất là lúc anh giương cây dù lên làm buồm – Catherine đáp.
- Em có tin là chúng ta đang ở Thụy Sĩ không?
- Không, em sợ khi thức giấc sẽ thấy đây không phải là sự thật.
- Anh cũng vậy.
- Thực thế phải không, anh yêu? Đây không phải giống như lúc em tiễn anh ra ga Milan để thấy anh đi xa chứ?
- Anh hy vọng không phải như vậy.
- Đừng nói thế làm em sợ. Có thể đây là nơi chúng ta mong đi đến.
- Anh mệt nhoài đến mức không biết nữa.
- Đưa tay đây em xem nào.
Tôi đưa tay ra, thịt đỏ ửng.
- Anh không có thần thánh hỗ trợ bên mình.
- Đừng nói phạm thượng thế.
Tôi rất mệt và đầu óc trống rỗng. Mọi sự phấn chấn đã tan biến. Bánh xe vẫn lăn đều trên đường cái.
- Những bàn tay tội nghiệp – Catherine nói.
- Đừng sờ vào nó. Trời ơi, anh không biết mình đang ở đâu đây. Này bác đánh xe, chúng ta đang đi đây vậy?
Anh đánh xe ngựa cho xe dừng lại và nói:
- Đến khách sạn Métropole. Không phải đó là nơi ông muốn đến à?
- Đúng – tôi nói – được chứ Catherine?
- Vâng anh yêu ạ. Đừng bực dọc nữa. Chúng ta sắp được ngủ ngon và sáng mai anh không còn thấy mệt mỏi nữa.
- Anh có cảm giác như say rượu. Hôm nay thật giống như là hài kịch. Có lẽ bây giờ anh cảm thấy đói.
- Anh chỉ mệt tí thôi, anh ạ. Rồi nó sẽ qua.
Chiếc xe ngựa dừng lại trước khách sạn. Một người ra mang hành lý của chúng tôi vào.
- Anh cảm thấy dễ chịu rồi – tôi nói.
Chúng tôi bước xuống lề đường trước khách sạn.
- Em chắc là nó sắp qua. Anh chỉ mệt thôi. Anh phải đứng lâu quá mà.
- Dù sao điều chắc chắn là chúng ta đã đến nơi rồi.
- Vâng, thực chúng ta đã đến nơi rồi vậy.
Chúng tôi đi theo anh bồi xách hành lý vào khách sạn.
Quyển 5 - Chương 38
Năm ấy tuyết rơi rất muộn. Chúng tôi ở trong một ngôi nhà bằng gỗ nâu, giữa rặng thông, trên sườn núi. Ban đêm trời giá lạnh, và sáng nào nước để trong hai chiếc bình trên tủ con cũng đóng một lớp băng mo?ng. Sáng sớm bà Guttingen vào phòng khép cửa sổ và nhóm lửa chiếc lò sưởi lớn bằng sứ. Trong lò, củi thông nổ lách tách và bắn ra những tia lửa, ngọn lửa reo ầm ĩ và bà Guttingen vào phòng lần nữa, mang theo mấy gốc củi lớn để đốt và một bình nước nóng. Khi căn phòng đã ấm áp, bà dọn bữa điểm tâm. Ngồi trên giường vừa ăn, chúng tôi vừa có thể ngắm hồ núi phía bên kia thuộc về Pháp. Đỉnh núi phủ tuyết và hồ xám xanh màu thép.
Bên ngoài, ở trước nhà là một con đường dốc chạy lên núi. Vì trời đông giá, những dấu xe và ổ gà trên đường rắn như sắt. Con đường xuyên thẳng qua rừng, vòng qua núi, dẫn tới nơi có đồng cỏ và vựa lúa, có những túp lều dựng trên cánh đồng ven rừng, trên thung lũng. Lòng thung lũng rất sâu, dưới đáy một dòng nước chảy vào hồ, và mỗi khi một ngọn gió thổi qua, người ta lại nghe thấy tiếng nước chảy róc rách trên đá.
Thỉnh thoảng chúng tôi rời đường cái để đi theo đường nhỏ qua những rặng thông. Đất rừng mềm đi rất êm chân. Băng giá không làm cho nó cứng như trên đường nhựa. Nhưng chúng tôi cũng không ngại đường trơn cứng vì đế giày của chúng tôi có đóng đinh.
Phía trước ngôi nhà của chúng tôi ở là ngọn núi dốc thẳng xuống cánh đồng bằng nho nhỏ ven hồ, ngồi trước đầu hồi nhà dưới nắng, chúng tôi thấy con đường ngoằn ngoèo trên sườn núi, những vườn nho trên ngọn núi thấp nhất với những dây nho đã héo khô vì trời lạnh, những bức tường đá ngăn cánh đồng, và dưới chân dàn nho là những mái nhà trong tỉnh cất trên những cánh đồng nhỏ hẹp ven hồ. Giữa hồ có một hòn đảo nhỏ với hai thân cây trông giống như hai cánh buồm của một chiếc thuyền câu. Phía bên kia hồ núi non lởm chởm, cuối hồ là thung lũng sông Rhône, ép mình giữa hai dãy núi. Từ thung lũng đi ngược lên đến vùng núi non có ngọn Dent du Midi. Đó là một ngọn núi cao tuyết phủ sừng sững bên thung lũng nhưng vì ngọn núi cách khá xa nên không có bóng.
Khi trời nắng gắt, chúng tôi ăn điểm tâm ở đầu hồi, còn những khi khác chúng tôi ăn trên lầu, trong một căn phòng nhỏ, vách ván, với một lò sưởi lớn ở góc phòng. Chúng tôi mua tạp chí sách báo ở tỉnh, một quyển Hoyle và chúng tôi tập chơi rất nhiều lối đánh bài lá tay đôi. Có hai chiếc ghế và một bàn để sách báo, chúng tôi chơi đánh bài ở bàn ăn, khi đã được dọn sạch. Ông bà Guttingen thì ở tầng dưới và đôi lúc chúng tôi nghe họ trò chuyện vào lúc chiều họ sống với nhau trông rất hạnh phúc. Trước kia ông Guttingen đã từng là đầu bếp và bà vợ là cô hầu gái cùng trong một khách sạn. Cả hai vợ chồng đã dành dụm và mua được ngôi nhà này. Đứa con trai của ông bà Guttingen cũng đang tập sự nghề nấu bếp trong một khách sạn ở Zurich.
Ở tầng dưới có một căn phòng nơi đó hai ông bà bán rượu vang và bia, thỉnh thoảng vào buổi chiều, chúng tôi nghe tiếng xe ngựa dừng lại bên đường và nhiều người đánh xe lên bậc thang vào phòng để uống một ly rượu vang.
Trong hành lang, gần cửa phòng khách có một thùng để chứa củi, dành cho tôi nhóm lửa. Nhưng chúng tôi không bao giờ thức khuya. Khi ngủ, chúng tôi tắt đèn trong căn phòng rộng lớn, cởi đồ xong, tôi mở cửa sổ và trong thấy bóng đêm, những vì sao lạnh cùng những ngọn thông dưới cánh cửa sổ rồi vội vã bước vào giường. Thật là thích thú được ngủ trong giường ấm trong khi ngoài song cửa màn đêm buông xuống với khí trời lạnh lẽo và trong lành. Chúng tôi ngủ rất say sưa, và nếu tôi có giật mình tỉnh giấc giữa đêm khuya là tôi hiểu ngay nguyên nhân độc nhất, và nhẹ nhàng kép đắp lại chiếc mền bông để khỏi đánh thức Catherine, rồi tôi ngủ lại trong chiếc mền nhẹ và ấm êm ấy. Lúc đó đối với tôi chiến tranh dường như quá xa vời như đối với những trận bóng dã cầu trong một trường học thưở nào. Nhưng tôi được biết qua báo chí chiến tranh vẫn còn đang tiếp diễn trong núi vì chưa đến mùa tuyết.
Đôi khi chúng tôi đi bộ xuống đến tận Montreux. Có một con đường mòn đi xuống chân núi nhưng lại rất dốc. Vì thế chúng tôi thường theo con đường cái vừa rộng vừa chắc chắn ấy. Chúng tôi đi bộ giữa những cánh đồng, rồi xuống đến giữa những dãy nhà bên ven lộ. Có ba làng: Cherneux, Fontavinent, và một làng nữa mà tôi quên mất tên. Tiếp tục con đường chúng tôi đi ngang qua một toà lâu đài cổ bằng đá dựng trên sườn núi với những trái nho khô màu nâu, với mặt đất sẵn sàng chờ tuyết phủ, và phía dưới là mặt hồ phẳng lặng sáng màu xám thép. Qua khỏi lâu đài, con đường dốc rẽ về bên tay mặt và cuối cùng dẫn tới Montreux sau một quãng dốc lởm chởm những đá sỏi.
Chúng tôi không quen ai ở Montreux cả. Chúng tôi đi dọc theo bờ hồ ngắm đàn thiên nga, bầy hải âu và hải yến. Khi chúng tôi đến gần thì chúng bay vụt đi và cất tiếng kêu khi nhìn xuống nước. Xa xa giữa hồ, từng đàn chim cộc đen và nhỏ rẽ nước lội tung tăng. Chúng tôi đi theo đại lộ trong thành phố ngắm nhìn tủ kính của những cửa hàng. Nhiều khách sạn lớn đã đóng cửa nhưng phần nhiều những cửa hàng đều mở và họ vui mừng trông thấy chúng tôi. Một hôm Catherine vào một phòng uốn tóc sang trọng để sửa tóc. Nữ chủ nhân là người vui tính và là người duy nhất chúng tôi quen biết ở Montreux. Tôi đến một quán rượu vừa uống bia đen Munich vừa đọc báo để chờ Catherine. Tôi đọc tờ Correre della Serra và những tờ báo Anh-Mỹ ở Paris. Tất cả những mục quảng cáo đều bị bôi bỏ, hẳn là đề ngăn ngừa liên lạc với quân địch. Báo chí chẳng có gì đáng đọc. Tất cả diễn ra quá xấu. Tôi ngồi trong một góc với một ly bia lớn, một túi lớn hạt dẻ, tôi thích ăn hạt dẻ vì có muối mặn và nó làm tăng hương vị của rượu bia. Vừa ăn tôi vừa đọc tin tức về những thảm họa chiến tranh. Đợi mãi Catherine vẫn chưa đến, tôi trả lại tờ báo vào chỗ cũ, trả tiền bia và đi tìm nàng. Hôm ấy trời lạnh, âm u và phủ đầy sương mù. Cho đến đá ở những ngôi nhà cũng phủ đầy sương ướt lạnh. Catherine đang ở trong tiệm, một bà đang uốn tóc cho nàng. Tôi ngồi trong phòng và ngắm nhìn. Catherine mỉm cười và trò chuyện với tôi, tôi phấn chấn đến mức lạc cả giọng. Mấy cây kẹp tóc chạm vào nhau tạo thành tiếng kêu lách cách êm tai, và tôi nhìn thấy Catherine trong ba chiếc gương. Trong phòng thật là ấm áp dễ chịu. Sau cùng khi bà uốn tóc làm xong cho nàng, Catherine ngắm trong gương, thấy một số đổi thay, sửa vài cái kẹp tóc.
Cuối cùng nàng đứng dậy:
- Em rất tiếc đã để cho anh phải chờ lâu quá.
Người uốn tóc cười hỏi:
- Hẳn là ông cũng vui thích lắm, phải không ạ?
- Vâng – tôi đáp.
Chúng tôi bước ra đường phố. Trời lạnh, có sương mù và gió thổi.
- Ồ em yêu, anh yêu em quá – tôi nói.
- Chúng ta hạnh phúc quá anh nhỉ. Này, thay vì uống trà, chúng ta đi uống bia đi, có lợi cho bé Catherine hơn, như thế sẽ làm cho con mình thon người lại.
- Con bé Catherine à? Con bé ấy lười biếng tệ.
- Nó ngoan lắm. Nó không chòi đạp gì nhiều đâu. Em hơi cảm thấy thế. Bác sĩ bảo là bia có lợi cho em và giữ cho con bé thon người lại.
- Nếu em giữ cho con thon người và nếu nó là con trai thì nó có thể trở thành một tên đua ngựa đấy.
- Chắc rồi chúng ta cũng phải làm đám cưới sau khi sinh nó.
Chúng tôi đang ở quán bán rượu bia, bên một chiếc bàn ở góc phòng. Bên ngoài trời đã bắt đầu sập tối. Tuy còn sớm nhưng trời âm u và đêm tới rất nhanh.
- Chúng ta hãy làm đám cưới ngay lúc này đi – tôi nói.
- Không, lúc này thì bất tiện lắm. Cái đó lộ liễu quá. Em không muốn làm đám cưới trong tình trạng như thế này.
- Lẽ ra chúng ta phải làm phép cưới sớm hơn.
- Hẳn là như vậy rồi. Chừng nào chúng ta làm được hả anh yêu?
- Anh cũng không biết nữa.
- Dù sao theo em thì chắc một điều là em không muốn cưới chừng nào còn dáng điệu bệ vệ như thế này.
- Em chưa lấy gì làm bệ vệ cho lắm.
- Có chứ anh yêu. Bà thợ uốn tóc hỏi em có phải là con so không. Em nói dối rằng không, em bảo rằng chúng ta đã có hai trai và hai gái.
- Thế chừng nào chúng ta làm lễ cưới?
- Khi nào em suôn sẻ trở lại. Đám cưới chúng mình phải long trọng và mọi người đều trầm trồ “thật là xứng đôi”.
- Nhưng em không thấy buồn vì chưa cưới ư?
- Không, anh yêu ạ, tại sao em lại thấy phiền? Chỉ có một lần em hơi khó chịu là ở Milan, khi ấy em có cảm giác là mình không đứng đắn, nhưng điều đó chỉ kéo dài độ dăm bảy phút thôi. Em chẳng phải là người vợ hiền của anh sao?
- Em đúng là người vợ đáng yêu.
- Vậy thì anh đừng nguyên tắc quá anh yêu. Em sẽ lấy anh khi em suôn sẻ trở lại.
- Đồng ý.
- Em uống một ly bia được chứ? Bác sĩ bảo là hông của em hơi hẹp và bé Catherine càng thon người càng tốt .
- Ông ta còn nói gì nữa không? (tôi hơi lo lắng).
- Không, huyết áp của em rất tốt, anh yêu ạ. Bác sĩ khen ngợi lắm đấy.
- Thế ông ta nghĩ sao về chỗ hông hơi hẹp của em?
- Không, không khuyên gì cả. Ông ta chỉ bảo em đừng chơi trượt tuyết.
- Ông ta nói phải đấy.
- Ông ta bảo nếu đến bây giờ mới chơi thì hơi muộn. Ông cũng nói nếu em muốn chơi thì cũng được nhưng chắc chắn đừng để bị ngã.
- Đúng là một ông đùa dai vui tính.
- Ông ta thật đáng mến. Khi sinh con, chúng ta sẽ mời ông ta tới.
- Em có hỏi ông ta xem em có nên làm lễ cưới hay không?
- Không, em nói với ông ta rằng chúng mình đã lấy nhau từ bốn năm nay rồi. Anh yêu, anh biết không, nếu em thành hôn với anh, em sẽ trở thành công dân Hoa Kỳ và con chúng ta sẽ được là con chính thức.
- Em học được điều đó ở đâu vậy?
- Trong quyển Nữu Ước thế giới niên lịch trong thư viện.
- Em giỏi thật.
- Chúng ta sẽ sang Mỹ, phải không anh yêu? Em muốn được ngắm thác Niagara.
- Em thật đáng yêu quá.
- Em còn muốn xem một chỗ nữa mà em quên mất tên rồi.
- Lò sát sinh chăng?
- Không, em quên mất tên rồi.
- Toà nhà Woolworth chăng?
- Không.
- Hay Grand Caynon?
- Không, những chỗ ấy em cũng thích xem nữa.
- Thế thì là cái gì nhỉ?
- À, em nhớ ra rồi. Golden Gate. Phải, chính nó đấy. Golden Gate ở đâu anh nhỉ?
- Ở San Francisco.
- À, thế thì mình sẽ tới đó.
- Bây giờ mình đi chơi núi đã, em nhé. Không biết mình có đi kịp chuyến M.O.B. không?
- Có một chuyến xe lửa vào khoảng hơn năm giờ.
- Chúng ta lấy vé đi.
- Tuỳ anh, nhưng em muốn uống thêm một ly bia nữa.
Khi chúng tôi bước ra ngoài phố, lên bậc thang nhà ga thì trời lạnh ngắt. Ngọn gió rét căm căm từ thung lũng sông Rhone thổi lại. Đèn các cửa tiệm đã bật sáng, và chúng tôi bước lên những bậc đá dốc để lên phố trên, rồi lại lên những nấc thang đá khác. Chúng tôi đến nhà ga. Chiêc xe điện bật đèn sáng trưng đã chờ sẵn. Có một đồng hồ chỉ giờ khởi hành, kim chỉ năm giờ mười. Tôi nhìn đồng hồ nhà ga, đã năm giờ năm. Lúc chúng tôi bước lên toa xe, tôi thấy anh thợ máy và anh kiểm soát bước từ một quán rượu đi ra. Chúng tôi ngồi và hạ cửa kính xuống. Toa xe được sưởi bằng điện và không khí trong xe hơi khó thở. Nhưng khí mát từ cửa sổ tràn vào.
- Em có mệt không, Catherine?
- Không, em khoẻ khoắn lắm.
- Đường đi không xa đâu.
- Không, em thích đi mà. Đừng lo cho em, anh yêu. Em rất khoẻ.
***
Ba ngày trước lễ Giáng sinh mới thấy tuyết rơi. Một buổi sáng chúng tôi thức dậy và thấy tuyết. Chúng tôi nằm trong giường và nhìn tuyết rơi, lửa reo lên trong lò sưởi. Bà Guttingen bưng khay thức ăn sáng và thêm củi vào lò. Đó là một trận bão tuyết lớn. Tôi đến bên cửa sổ và nhìn ra ngoài nhưng không thấy gì phía bên kia đường cả. Gió lộng và tuyết xoay tròn. Tôi trở vào giường nằm và chúng tôi cùng nhau trò chuyện:
- Em thích được chơi trượt tuyết. Không chơi trượt tuyết được thật là chán – Catherine nói.
- Chúng mình sẽ dùng xe trượt tuyết để đi trên đường như vậy đối với em cũng không thua gì xe thường.
- Như vậy e có xóc quá chăng?
- Để coi.
- Em ước gì nó đừng xóc quá.
- Lát nữa chúng ta sẽ đi dạo trên tuyết.
- Trước bữa ăn, như thế nó sẽ làm cho mình ăn ngon – Catherine bảo.
- Anh thì lúc nào cũng thấy đói.
- Em cũng vậy.
Chúng tôi đi ra trong tuyết, nhưng vì tuyết rơi quá dày cho nên không đi xa được. Tôi đi trước mở một con đường tới nhà ga. Khi tới đó chúng tôi thấy không muốn đi xa hơn nữa. Tuyết càng rơi dày đặc khiến chúng tôi chỉ thấy cảnh vật lờ mờ, và chúng tôi bước vào một quán nhỏ gần nhà ga. Chúng tôi dùng bàn chải lông để phủi tuyết cho nhau và ngồi xuống ghế cùng uống rượu Vermouth.
- Bão lớn thật – cô hầu bàn nói.
- Vâng.
- Năm nay tuyết rơi muộn quá.
- Phải.
- Em có thể ăn một thanh kẹo sô cô la được không? Hay là gần tới giờ ăn rồi? Em luôn luôn cảm thấy đói.
- Được chứ, em cứ ăn đi – tôi bảo.
- Em muốn ăn thứ có nhân hạt dẻ - Catherine nói.
- Sô cô la nhân hạt dẻ ngon lắm. Đó là thứ mà tôi thích nhất – cô hầu bàn phụ hoạ.
- Anh thì sẽ uống thêm một ly Vermouth nữa – tôi nói.
Khi chúng tôi quay lại con đường nhỏ lúc nãy, nó đã phủ đầy tuyết. Chỉ có những vết lún nhẹ ở chỗ tôi đã khoét. Tuyết va vào mặt khiến chúng tôi chỉ thấy lờ mờ. Chúng tôi phủi tuyết rồi ngồi vào bàn. Ông Guttingen dọn bữa cho chúng tôi rồi nói:
- Ngày mai chơi trượt tuyết được rồi đấy, thưa ông Henry, ông có chơi trượt tuyết không ạ?
- Không, nhưng tôi muốn tập.
- Ông tập rất dễ. Con trai tôi sẽ về đây dự lễ Giáng Sinh, để rồi nó sẽ hướng dẫn cho ông.
- Ồ tốt lắm, chừng nào cậu ấy về?
- Tối mai ạ.
Sau bữa ăn, trong khi chúng tôi ngồi trong căn phòng nhỏ bên lò sưởi, mải mê nhìn qua cửa sổ cảnh tuyết rơi, Catherine nói:
- Anh có thích đi dạo đâu đây một mình với những người trượt tuyết không, anh yêu?
- Không. Mà tại sao anh chỉ đi một mình thôi vậy?
- Em nghĩ rằng thỉnh thoảng chắc anh cũng thích gặp người khác.
- Còn em, em có muốn gặp ai khác không?
- Không.
- Thì anh cũng vậy.
- Em vẫn biết vậy, nhưng với anh thì khác. Riêng em, vì em sắp có con cho nên em không thiết gì khác nữa. Em biết rằng lúc này em thật là bồn chồn ngớ nhẩn và nói hơi nhiều nên em tưởng anh cần đi ra ngoài để khỏi mệt vì em.
- Em muốn anh đi biệt hay sao?
- Không, em muốn anh ở lại.
- Thì chính anh cũng muốn như vậy.
- Lại đây anh, em muốn rờ cục bướu trên đầu anh, nó lớn thật – nàng xoa nhẹ cục bướu – Anh yêu ơi, anh không thích để râu à?
- Em có thích không?
- Chắc là ngộ lắm nhỉ? Em thích nhìn thấy anh để râu.
- Được rồi, anh sẽ để râu, bắt đầu ngay bây giờ. Ý kiến hay đấy, như vậy anh có việc để làm.
- Không làm gì chắc anh thấy buồn bực lắm phải không?
- Không, anh thích thế. Anh đang sống một cuộc đời kỳ diệu. Còn em?
- Em đang sống thơ mộng. Nhưng em cứ lo rằng em đang bụng mang dạ chửa sẽ làm anh buồn bực.
- Ồ Catherine, em không biết rằng tình anh đối với em say sưa đắm đuối như thế nào sao?
- Cả những lúc em như thế này nữa à?
- Hoàn toàn đúng. Cả lúc em như thế này. Anh rất hạnh phúc. Chúng ta chẳng đang sống một cuộc sống tươi đẹp hay sao?
- Em thì có, nhưng em nghĩ rằng anh muốn có đôi chút thay đổi.
- Không. Đôi khi anh nghĩ đến chiến trường và các chiến hữu. nhưng điều đó không làm anh bận trí. Ngoài ra anh chẳng còn nghĩ đến điều gì khác nữa.
- Anh nghĩ nhớ tới ai?
- Anh nghĩ tới Rinaldi, nhớ tới cha tuyên uý và hàng loạt người quen biết. Nhưng anh không để tâm đến họ nhiều. Anh không muốn nhớ tới chiến tranh nữa. Với anh, chiến tranh đã chấm dứt rồi.
- Thế bây giờ anh đang nghĩ gì?
- Chẳng nghĩ tới gì cả. Nhìn kìa em, tuyết rơi nhiều quá.
- Em thích nhìn anh hơn. Anh yêu ơi, sao anh không để tóc dài?
- Tại sao lại thế?
- Vâng, để tóc dài thêm một tí nữa.
- Anh thấy tóc anh cũng khá dài rồi.
- Không, anh hãy để dài thêm tí nữa, còn em, em sẽ cắt tóc ngắn, như thế tụi mình sẽ giống nhau, chỉ khác là em thì vàng nhạt còn anh thì màu đen.
- Anh không để em cắt tóc ngắn đâu.
- Như thế chắc ngộ lắm. Em mệt với nó lắm. Ban đêm đi ngủ hay vướng quá.
- Nhưng anh lại yêu mái tóc ấy.
- Thế anh không thích em cắt tóc ngắn à?
- Cũng thích, nhưng anh lại thích chúng như thế này.
- Tóc ngắn chắc đẹp lắm. Chúng mình sẽ giống hệt nhau. Chao ôi anh yêu quý, em yêu anh biết bao! Yêu đến nỗi em muốn rằng anh và em là một.
- Thì hẳn như vậy rồi, chúng ta tuy hai mà một.
- Em biết… ban đêm thì như vậy.
- Ban đêm thật tuyệt.
- Em muốn rằng chúng ta hoà hợp lẫn nhau. Em không muốn cho anh đi đâu cả. Nói vậy thôi anh muốn đi đâu thì đi, có điều nhớ mau mau quay về, vì anh yêu, đối với em, cuộc sống sẽ vô nghĩa nếu em thiếu anh.
- Anh sẽ không bao giờ đi đâu cả - tôi nói – Anh không làm gì được cả nếu không có em ở bên cạnh. Bây giờ anh không còn có cuộc sống riêng nữa.
- Em muốn anh có cuộc sống riêng của anh. Em muốn anh có cuộc sống tươi đẹp. Chúng ta sẽ cùng chung sống một cuộc đời tươi đẹp, anh nhỉ?
- Thế bây giờ em có thích anh để râu không?
- Vâng, anh để cho nó mọc. Như vậy sẽ vui lắm. Nó sẽ mọc mừng ngày đầu năm.
- Em có muốn đánh cờ không?
- Em lại muốn chúng mình đùa với nhau hơh.
- Không, đánh cờ đi.
- Rồi sau đó chúng mình đùa với nhau nhé?
- Được rồi.
- Tốt lắm.
Tôi bày bàn cờ ra. Bên ngoài tuyết vẫn rơi nhiều.
***
Một đêm tôi thức giấc và biết rằng Catherine cũng đang thức. Ánh trăng rọi qua cửa sổ in bóng những chấn song cửa trên giường.
- Anh thức đấy ư anh yêu của em?
- Ừ, em không ngủ được à?
- Em vừa thức giấc và nhớ lại cái hôm đầu tiên em gặp anh, em thật là điên. Anh nhớ chứ?
- Phải, hôm đó em hơi điên một tí thôi.
- Em sẽ không bao giờ như thế nữa.
- Bây giờ em đàng hoàng rồi.
- Anh nói tiếng “đàng hoàng” nghe đáng yêu quá. Anh nói tiếng “đàng hoàng” nữa đi anh.
- Đàng hoàng.
- Ỗ, người yêu lý tưởng của em. Bây giờ em không điên nữa đâu. Em chỉ thấy rất rất hạnh phúc.
- Thế thì em ngủ lại đi – tôi nói.
- Vâng, chúng mình sẽ ngủ lại cùng một lúc với nhau nhé?
- Được rồi.
Nhưng chúng tôi cũng không ngủ được. Tôi trằn trọc mãi vì nghĩ ngợi liên miên và cũng thích ngắm nhìn Catherine đang ngủ trong ánh trăng. Cuối cùng tôi cũng thiếp đi.
Chương 39
Đến giữa tháng giêng thì tôi có một bộ râu. Mùa đông chỉ còn lại là một chuỗi ngày trong sáng lạnh lẽo và những đêm băng giá. Chúng tôi vẫn có thể đi dạo chơi trên đường. Những chiếc xe trượt tuyết chở cỏ khô, củi và gốc cây, xuôi ngược từ miền núi xuống đã khiến cho mặt tuyết nhẵn bóng và cứng. Tuyết phủ khắp đồng quê đến tận Montreux. Phía bên kia hồ là một dãy núi toàn màu trắng và cánh đồng trong thung lũng sông Rhône cũng phủ đầy tuyết. Chúng tôi thường dạo chơi rất xa, qua tận bên kia dãy núi thuộc vùng Brains de l’Alliaz. Catherine đi giày có đế sắt, mặc áo choàng và chống một cây gậy có đầu nhọn bịt thép. Khóac chiếc áo choàng, bụng nàng trông không có vẻ lớn lắm. Chúng tôi đi thong thả, và khi nàng mệt, chúng tôi dừng lại, ngồi nghỉ chân trên những thân cây bên vệ đường.
Trong khu rừng ở Bains de l’Alliaz có một quán trọ mà mấy bác tiều phu thường ghé lại uống rượu. Chúng tôi thường ghé lại quán, ngồi sưởi ấm bên cạnh lò sưởi, uống rượu chát hâm nóng điểm thêm gia vị và chanh. Người ta gọi là rượu Gluhwein uống vào làm ấm người và dùng trong các ngày lễ tết. Trong quán tối om, đầy khói và khi bước ra khỏi quán thì khí lạnh đột ngột tràn vào phổi làm cho vành mũi tê cóng khi thở. Chúng tôi quay lại nhìn quán ăn với những ánh đèn từ cửa sổ rọi ra, nhìn bầy ngựa của các bác tiều phu đang giậm chân lắc đầu cho đỡ lạnh. Sương đọng trên lông mõm của chúng, và mỗi lần thở, chúng tuôn ra từng làn hơi nước trong không khí. Con đường đi ngược về nhà chúng tôi, đoạn đầu thì trơn nhẵn, nhưng đến chỗ rẽ, gặp con đường dành cho xe ngựa, thì băng đá phủ trên mặt đường ngả sang màu cam vì vết chân ngựa dẫm lên. Rồi đoạn đường kế tiếp phủ đầy tuyết làc con đường dẫn xuyên qua rừng, mà trên đường về hai lần chúng tôi trông thấy các con chồn.
Đó là một vùng quê đẹp và chúng tôi luôn luôn thấy thích thú về những nơi dạo chơi khi trở về nhà.
- Bây giờ thì râu của anh tuyệt đẹp rồi, nó giống râu của mấy bác tiều phu. Anh có thấy người đàn ông đeo hoa tai nhỏ bằng vàng không? – Catherine hỏi.
- Ông ấy là thợ săn linh dương – tôi đáp – Họ đeo bông tai vì cho rằng như thế sẽ thính tai hơn.
- Thật vậy sao? Em chả tin đâu. Em cho rằng đeo bông tai để tỏ ra họ là thợ săn linh dương. Ở vùng này có linh dương không anh?
- Có, ở sau núi Dent de Jaman.
- Thật là vui khi thấy cáo.
- Khi chúng ngủ, chúng quấn cái đuôi quanh mình cho ấm.
- Cách đó cũng tuyệt đấy chứ?
- Ấy, anh thường mơ ước có được một cái đuôi như thế. Em không thấy thật ngộ nghĩnh nếu người ta có được một cái đuôi cáo à?
- Đúng hơn là sẽ bực mình khi ăn mặc.
- Người ta có những quần áo may có ý hoặc sống ở một nơi mà điều đó chẳng quan trọng gì.
- Chúng ta đang sống ở một nơi mà mọi việc đều chẳng quan trọng gì. Không gặp ai cả có thích không? Anh yêu, anh không thích tiếp xúc với một ai đấy chứ?
- Không.
- Anh có thích chúng ta ngồi đây một lát không? Em hơi mệt.
Chúng tôi ngồi sát bên nhau trên một thân cây. Trước mặt chúng tôi là con đường mất hút trong cánh rừng.
- Chắc con bé sẽ không chen vào giữa chúng ta anh nhỉ.
- Không, chúng ta đâu có để cho nó chen vào.
- Chúng mình còn tiền không?
- Chúng ta còn nhiều. Anh còn một ngân phiếu chót.
- Gia đình anh có tìm cách bắt anh về không, vì họ đã biết anh đang ở Thụy Sĩ?
- Cũng có thể . Anh sẽ viết thư cho gia đình.
- Anh chưa viết thư về thăm nhà à?
- Chưa, chỉ nói về ngân phiếu thôi.
- Nhờ trời, em không là người trong gia đình anh.
- Anh sẽ gởi điện tín về nhà.
- Thế anh không có tình thương yêu gia đình sao?
- Trước kia thì có, nhưng rồi vì anh hay cãi nhau với gia đình quá cho nên nó cũng cạn đi.
- Em tin là em sẽ yêu mến các người trong gia đình anh. Chắc chắn là em sẽ rất yêu.
- Em đừng có nhắc tới họ nữa. Anh bực mình vì họ lắm đấy.
Một lúc sau tôi nói:
- Nếu em đã thấy khoẻ thì ta đi thôi.
- Em hết mệt rồi.
Chúng tôi lại lên đường, lúc ấy trời đã sẫm tối. Dưới bước đi của chúng tôi, tuyết kêu rào rạo. Trời đêm nay khô ráo, lạnh lẽo và trong ngần.
- Em thích bộ râu của anh lắm – Catherine nói – Đó là một thắng lợi. Râu tuy có vẻ cứng và rậm rạp quá nhưng thật ra nó lại rất mịn màng và rất thích.
- Như thế này thì em yêu anh hơn là anh không để râu à?
- Đúng thế. Này anh yêu, anh biết không, em đợi đến khi nào sinh con bé Catherine rồi em mới cắt tóc. Bây giờ em sồ sề và lệt bệt quá. Nhưng khi sanh xong rồi, em sẽ suôn sẻ lại và em sẽ cắt tóc, và thế là anh có cảm tưởng mình có một cô vợ nhỏ nhắn, xinh đẹp và hoàn toàn mới. Khi cắt tóc, chúng ta sẽ cùng đi hay là em đi một mình và làm cho anh ngạc nhiên lúc trở về?
Tôi không nói gì.
- Anh sẽ không ngăn cản em chứ?
- Không, mà anh còn khuyến khích nữa là khác.
- Ồ anh đáng yêu quá. Mà có lẽ nhờ vậy em sẽ rất đẹp phải không anh yêu? Với lại khi mà em suôn sẻ và khêu gợi…thì anh sẽ lại mê mệt với em nữa cho coi.
- Trời đất . Thế em cho rằng anh yêu em chừng đó chưa đủ hay sao. Em còn muốn gì nữa? Muốn anh chết hay sao?
- Vâng, em muốn anh chết.
- Được rồi, anh chỉ mong có vậy.
Chương 40
Chúng tôi trải qua một tồn tại tuyệt vời. Tháng giêng, tháng hai trôi qua, mùa đông rất đẹp và chúng tôi rất hạnh phúc. Chúng tôi tận hưởng hạnh phúc qua hai tháng mùa đông và một mùa đông thật tuyệt vời. Khi có gió nồm thì tuyết chớm tan, nó mềm ra và không khí có vị mùa xuân, nhưng cái lạnh khô đẹp vẫn còn trở lại và mùa đông chưa dứt. Cho nên tháng ba mới bắt đầu có sự gián đoạn trong mùa đông. Một đêm trời bắt đầu mưa. Mưa suốt sáng. Tuyết biến thành bùn. Triền núi phủ một màu ảm đạm. Mây giăng khắp trên hồ và thung lũng. Mưa rơi trên đỉnh núi. Catherine mang đôi giày cao su to còn tôi mang đôi giày cao su của ông Guttingen. Chúng tôi che chiếc dù lớn đi xuống nhà ga, lội bì bõm trong tuyết tan và nước chảy cuốn theo những mảnh băng tan trên đường. Chúng tôi dừng lại quán uống một ly trước bữa điểm tâm. Ngoài trời chúng tôi nghe tiếng mưa rơi nặng hạt.
- Em có nghĩ rằng chúng mình nên dời xuống ở thành phố thì hơn không?
- Còn anh nghĩ sao? – Catherine hỏi lại.
- Nếu mùa đông tàn và trời tiếp tục mưa thì ở đây chẳng có gì vui cả. Còn bao lâu nữa trước khi bé Catherine ra đời?
- Độ một tháng hoặc hơn một chút.
- Có lẽ chúng ta nên xuống Montreux ở.
- Tại sao chúng ta không ở Lausanne? Ở đó có bệnh viện.
- Tùy em, nhưng anh nghĩ là Lausanne là một thành phố quá lớn.
- Chúng ta vẫn có thể sống biệt lập trong một thành phố lớn. Và ở Lausanne hẳn là dễ chịu.
- Khi nào chúng mình đi?
- Đối với em thì lúc nào cũng được. Khi anh thích, anh yêu ạ. Còn nếu anh không muốn đi thì em cũng không đi.
- Để chờ xem thời tiết ra sao.
Mưa đã ba hôm. Ở dưới nhà ga tuyết đã tan hẳn. Đường chỉ còn là một dòng thác bùn và tuyết tan. Trời hết sức ẩm ướt và đường đất quá bẩn. Sáng ngày thứ ba chúng tôi quyết định xuống thành phố.
Ông Guttingen nói:
- Không sao cả, ông Henry ạ, ông không cần phải báo trước cho tôi. Tôi cũng nghĩ rằng ông không thích ở lại đây lúc này, thời tiết đã bắt đầu quá xấu.
- Vả lại dù sao chúng tôi cũng thấy cần phải ở gần bệnh viện, để tiện cho nhà tôi.
- Vâng, tôi hiểu. Liệu ông bà có ẵm cháu bé trở lại đây chơi ít ngày không?
- Nếu ông có sẵn phòng.
- Đến mùa xuân nhân lúc tốt trời, ông bà nên đến đây thưởng xuân. Em bé và chị vú có thể ở căn phòng lớn hiện đang đóng cửa. Còn ông bà vẫn có thể ở căn phòng có cửa sổ trông ra hồ.
- Lúc nào trở lại, chúng tôi sẽ gởi thư cho ông – tôi nói.
Chúng tôi thu xếp hành lý và đi chuyến xe lửa xế chiều. Ông bà Guttingen tiễn chân chúng tôi đến tận nhà ga. Ông Guttingen đỡ hộ hành lý của chúng tôi từ trên một chiếc xe kéo trên tuyết xuống. Ông bà đứng trên sân ga, dưới cơn mưa, vẫy tay chào từ biệt.
- Họ tử tế quá – Catherine nói.
- Phải, rất tốt bụng.
Từ Montreux, chúng tôi đáp xe lửa đến Lausanne. Qua khung cửa sổ nhìn về hướng chỗ ở cũ không thấy núi vì bị mây che khuất. Tàu ngừng lại tại Vevey rồi tiếp tục cuộc hành trình ngang qua giữa một bên là hồ, một bên là những cánh đồng xám sậm ẩm ướt, những khu rừng trụi lá và những ngôi nhà ướt át. Tới Lausanne, chúng tôi đến ngụ tại một khách sạn trung bình. Trời vẫn mưa rả rích khi chúng tôi đi xe qua những phố xá và vào cổng xe của khách sạn. Người gác cổng với xâu chìa khoá đồng trên ve áo, chiếc thang máy, những tấm thảm trên sàn nhà, những bồn rửa mặt màu trắng với những vòi nước chói sáng, chiếc giường đồng và căn phòng rộng lớn đầy đủ tiện nghi. Tất cả những thứ ấy hình như còn tiện nghi hơn nhiều so với ngôi nhà của ông bà Guttingen. Cửa sổ trông ra một khu vườn ướt át, có tường gắn song sắt bao bọc. Ở phía bên kia con đường dốc là một khách sạn khác có tường và vườn giống hệt. Tôi nhìn những giọt nước mưa rơi trên bể nước trong vườn.
Catherine bật tất cả các đèn lên và bắt đầu mở hành lý. Tôi gọi một ly whisky-soda và nằm trên giường đọc những tờ báo mua ở sân ga. Bấy giờ là tháng ba năm 1918, quân Đức bắt đầu mở cuộc tấn công trên đất Pháp. Tôi vừa uống whisky vừa đọc báo, trong khi Catherine mở các va ly và đi quanh quẩn trong phòng.
- Anh có biết là em phải mua gì bây giờ không anh yêu?
- Không, gì cơ?
- Quần áo cho con nhỏ. Ít có người đàn bà nào có mang tám tháng như em mà không có quần áo cho trẻ sơ sinh.
- Em chỉ việc mua thôi.
- Vâng, mai em sẽ mua ngay. Em sẽ hỏi mua những gì cần thiết.
- Em phải biết việc đó vì em đã từng là y tá mà.
- Vâng, nhưng ở bệnh viện ít thấy lính có con nhỏ.
- Thì anh đã có đó.
Nàng ném một chiếc gối vào tôi và làm đổ ly rượu.
- Để em kêu ly khác. Em xin lỗi.
- Có còn bao nhiêu rượu nữa đâu. Em lại giường nghỉ đi.
- Không, để em sửa soạn cho căn phòng có vẻ một tí.
- Vẻ gì?
- Có vẻ nhà riêng của chúng mình.
- Em hãy cắm cờ Đồng Minh.
- Ấy, khẽ miệng một chút.
- Em nói sao?
- Khẽ miệng chứ.
- Em nói điều đó thận trọng quá, làm như em sợ mất lòng ai vậy.
- Không phải vậy đâu.
- Vậy hãy lại giường đi.
- Được rồi – nàng đến ngồi trên giường – Em biết đối với anh, em không hấp dẫn nữa. Em giống như một bao bột lớn.
- Không đâu. Em vẫn đẹp và đáng yêu lắm.
- Em là của ế mà anh đã vớ phải.
- Đâu có thế. Em vẫn càng ngày càng đẹp đó chứ.
- Rồi em sẽ thon thả lại, anh yêu.
- Em vẫn luôn luôn thon thả.
- Anh say rồi.
- Chỉ mới một ly whisky soda thôi mà.
- Sắp có một ly khác mang tới bây giờ - nàng nói – Có gọi mang bữa ăn lên đây không anh?
- Ý kiến hay đó.
- Vậy thì mình không đi đâu cả à? Mình ở nhà tối nay sao?
- Và mình tha hồ đùa với nhau – tôi nói.
- Em sẽ uống một tí rượu chát – Catherine nói – Không sao đâu. Không chừng ở đây có thứ rượu Capri trắng lâu năm.
- Nhất định là có rồi, trong một khách sạn cỡ này hẳn họ phải có các loại vang Ý chứ.
Anh bồi phòng gõ cửa. Anh mang đến một ly whisky có nước đá, bên cạnh là một chai soda nhỏ để trên một chiếc khay. Tôi nói:
- Cám ơn anh, anh cứ để xuống đó. Anh vui lòng mang lên đây hai phần ăn với hai chai Capri trắng ướp lạnh, không pha nhé.
- Ông bà có dùng xúp trước không ạ?
- Em có dùng xúp không Catherine?
- Có ạ.
- Vậy thì cho xúp một người ăn đi.
- Thưa ông vâng.
Anh ta bước ra và khép cửa lại. Tôi trở lại với các tin chiến sự trên báo. Đồng thời chậm rãi đổ soda vào ly whisky có đá. Tôi phải dặn anh ta đừng đổ nước đá vào whisky, cứ để nước đá riêng ra như thế mới biết tỷ lệ whisky là bao nhiêu để còn pha thêm soda. Tôi sẽ mua một chai whisky và kêu họ đem đá và soda tới là hơn cả. Được thứ whisky ngon thì thật là dễ chịu. Đó là một trong những thích thú của cuộc sống.
- Nghĩ ngợi gì thế anh yêu?
- Về whisky.
- Nhưng nữa cơ à?
- Xem whisky ngon đến mức nào. Anh nghĩ như thế là rất tốt.
- Em cũng thích.
Chúng tôi lưu lại khách sạn ba tuần lễ. Kể cũng dễ chịu. Phòng ăn thường vắng người và chúng tôi rất hay dùng bữa tối trong phòng riêng. Chúng tôi đi dạo trong thành phố và đáp xe lửa kéo bằng dây cáp đi Ouchy để dạo cảnh bờ hồ. Một thời gian trời khá nóng, không khác gì mùa xuân. Chúng tôi muốn quay lại núi nhưng tiết xuân ấm áp ấy chỉ kéo dài độ vài ngày rồi giá lạnh của buổi tàn đông lại kéo trở lại.
Catherine mua ở thành phố mọi thứ cần thiết cho đứa bé. Để vận động, vào buổi sáng, trong lúc Catherine còn ngủ, tôi thường đến đánh bốc ở một phòng tập thể dục. Trong những ngày lập xuân, sau khi đánh bốc và tắm rửa, tôi thích đi dạo theo những con đường đầy hương vị mùa xuân, và ngồi ở quán cà phê, ngắm thiên hạ qua lại, vừa đọc báo vừa uống rượu Vermouth, rồi trở về khách sạn dùng bữa với Catherine. Võ sư ở phòng tập thể dục để râu. Ông ta rất chính xác và nóng nảy, nhưng lại lúng túng khi bị tấn công ráo riết. Phòng thể dục trông cũng đẹp, vừa thoáng khí vừa sáng sủa. Tôi tập khá tốt, nào nhảy dây, tập võ trước mặt gương, nằm dài trên sàn có ánh sáng mặt trời từ cửa sổ chiếu vào, và thỉnh thoảng cũng làm cho võ sư phải khiếp sợ khi so tài. Lúc đầu tập bốc trước một tấm gương dài hẹp, tôi thấy khó khăn khi nhìn vào đánh một người có râu. Nhưng rồi tôi thấy thế thật là ngộ nghĩnh. Khi mới bắt đầu tập, tôi đã muốn cạo râu nhưng Catherine không tán thành.
Đôi khi Catherine và tôi cùng ngồi xe đi chơi ở đồng quê. Thật là thích thú nếu tiết trời quang đãng và chúng tôi tìm ra hai chỗ để ăn uống. Lúc này Catherine không còn đi bộ xa được nữa. Và tôi thích cùng nàng đi dạo trên những con đường đồng quê. Khi đẹp trời, chúng tôi thấy tràn trề hạnh phúc và không lúc nào thấy bất hạnh cả. Chúng tôi biết rằng mình sắp có con, và điều đó khiến cả hai chúng tôi có cảm giác vội vã và không để lỡ dịp ở bên cạnh nhau.
Chương kết
Một đêm tôi thức giấc quãng ba giờ và nghe Catherine trở mình trên giường.
- Em có bị ốm không, Catherine?
- Em thấy hơi đau, anh ạ.
- Đau liền liền hả em?
- Không, đau từng chập.
- Nếu đau liền liền thì phải đi bệnh viện.
Tôi buồn ngủ quá nên nằm ngủ lại. Một lát sau tôi lại thức giấc:
- Anh nên gọi bác sĩ thì hơn. Em nghĩ chắc là đúng rồi.
Tôi quay số gọi điện thoại cho bác sĩ.
- Có đau liên tục không Cat?
- Hình như độ mười lăm phút.
Vị bác sĩ nói:
- Vậy thì ông phải đưa bà đến bệnh viện ngay. Tôi sẽ mặc quần áo và đến đó bây giờ.
Tôi gác điện thoại rồi lại gọi cho nhà xe ở gần nhà ga để gọi một chiếc taxi. Một lúc lâu không có người trả lời. Mãi sau mới có người hứa cho xe tới liền. Catherine sửa soạn xong. Chiếc va ly xếp đầy những thứ cần thiết cho nàng và quần áo trẻ sơ sinh. Ngoài hành lang, tôi bấm chuông gọi thang máy, không có ai trả lời, tôi phải xuống cầu thang gác. Không có ai ở dưới nhà cả ngoài người gác đêm. Tôi phải đích thân điều khiển thang máy và để chiếc va ly vào trong đó. Catherine bước vào và chúng tôi xuống lầu. Người gác đêm mở cửa để chờ taxi. Trời đêm sáng tỏ và sao lấp lánh. Catherine rất bồn chồn. Nàng nói:
- Em rất hài lòng là việc đó bắt đầu. Một chút là xong chứ gì.
- Em là một phụ nữ thật can đảm.
- Em không lo sợ gì hết. Tuy nhiên em mong cho chiếc taxi tới.
Chúng tôi nghe tiếng xe chạy tới và thấy rõ ánh đèn pha. Xe rẽ vào lối đi. Tôi dìu Catherine vào trong xe và người tài xế đặt chiếc va ly lên phía trước.
- Chạy tới bệnh viện – tôi nói.
Xe ra khỏi lối đi và bắt đầu leo dốc. Tới bệnh viện chúng tôi bước vào. Tôi xách chiếc valy. Một bà ngồi tại bàn giấy vào sổ ghi tên tuổi của Catherine, địa chỉ và tôn giáo của nàng. Nàng khai không theo tôn giáo nào và thiếu phụ gạch một hàng trong ô tương ứng. Nàng khai tên là Catherine Henry.
- Tôi sẽ đưa bà lên phòng – bà ta nói.
Chúng tôi đi lên thang máy và bước ra đi theo bà ta qua một hành lang.
- Phòng đây – bà ấy nói – Mời bà thay quần áo và bước lên giường. Đây là chiếc áo ngủ của bà.
- Tôi có đem theo áo ngủ - Catherine nói.
- Nhưng bà cứ mặc chiếc áo này thì hơn – bà ta nói.
Tôi bước ra ngoài và ngồi trên một chiếc ghế ở ngoài hành lang.
- Ông có thể vào được – bà ta đứng ở ngưỡng cửa bảo tôi.
Catherine nằm trên một chiếc giường hẹp, mặc chiếc áo ngủ cổ vuông được may bằng vải thô. Nàng nhìn tôi mỉm cười.
- Bây giờ em đang đau thúc lên.
Bà ta cầm tay bắt mạch, tay cầm đồng hồ và đo khoảng cách giữa những cơn đau.
- Đau quá – Catherine nói. Tôi nhận ra những cơn đau ấy trên nét mặt của nàng.
- Bác sĩ đâu? – tôi hỏi.
- Ông ta ngủ ở tầng dưới. Khi nào cần, ông ta sẽ lên.
- Bây giờ để tôi làm một vài thứ với bà – bà y tá nói – Mời ông ra ngoài chờ.
Tôi bước ra ngoài dãy hàng lang trống trải với hai cửa sổ và những cánh cửa đóng kín, phảng phất mùi nhà thương. Tôi ngồi trên ghế, đầu cúi xuống và cầu nguyện cho Catherine.
- Ông có thể vào được rồi – bà y tá nói. Tôi bước vào.
- Này anh yêu ơi – Catherine gọi.
- Sao, đỡ không em?
- Nó đau liền liền – Nàng nhăn mặt rồi lại mỉm cười.
- Sao mà đau quá vậy, đau thật là đau. Bà y tá ơi, bà làm ơn đấm thêm dùm sau lưng cho tôi chút đi.
- Nếu làm thế có thể giúp bà bớt đau – bà y tá nói.
- Anh đi ra ngoài một tí đi anh yêu. Anh hãy đi kiếm cái gì ăn đi. Bà y tá bảo sẽ còn lâu đấy.
- Sanh con so thì thường thường lâu lắm – bà y tá nói.
- Anh hãy đi ăn uống tí gì đi. Em cảm thấy đỡ lắm rồi.
- Để anh nán lại một chút đã.
Những cơn đau nổi lên đều đều rồi lại dịu đi. Catherine bồn chồn. Mỗi khi đau thúc, nàng lại bảo đau thế là tốt. Nhưng khi cơn đau dịu đi thì nàng như thất vọng và mắc cở.
- Anh đi ra đi anh yêu – nàng giục – Anh ở lại đây chỉ làm cho em thêm ngại ngùng thôi – nàng nhăn nhó – Đó…Thế tốt. Em chỉ mong được làm một người vợ ngoan và sanh đẻ được mẹ tròn con vuông. Anh đi ăn điểm tâm đi anh yêu, rồi sẽ trở lại. Vắng anh cũng không hề gì đâu. Bà y tá tốt với em lắm.
- Ông còn nhiều thì giờ để ăn sáng mà – bà y tá nói.
- Thì tôi đi vậy . Anh đi nhé, em yêu.
- Tạm biệt. Vâng, anh ăn sáng no đi, ăn luôn cả phần em nữa nhé.
Tôi hỏi bà y tá.
- Có thể ăn điểm tâm ở đâu được bà nhỉ?
- Có một quán cà phê ở gần quảng trường, cuối phố - bà ta trả lời – chắc bây giờ người ta mở cửa rồi đấy.
Bên ngoài ngày đã bắt đầu rạng. Tôi đi xuôi theo con phố vắng tới quán cà phê. Có ánh đèn ở cửa sổ. Tôi bước vào đứng bên cạnh quầy bọc thiếc. Một ông già dọn cho tôi một ly rượu chát và một miếng bánh cũ hôm qua. Tôi nhúng bánh vào rượu ăn rồi uống cà phê.
Ông già hỏi tôi:
- Ông làm gì ở đây giờ này sớm quá vậy?
- Nhà tôi sanh ở bệnh viện.
- À, xin chúc ông bà may mắn.
- Cho tôi một ly rượu chát nữa.
Ông ta nghiêng chai rượu, rót quá tay làm rượu rớt cả ra quầy. Tôi uống rượu xong, trả tiền và bước ra.
Bên ngoài, dọc theo đường phố, những thùng rác chờ được đổ. Một con chó hít hít vào một thùng rác.
- Chú mày muốn gì nào? – tôi vừa hỏi vừa nhìn vào trong thùng rác xem có gì cho nó không, chẳng có gì hết ngoài bã cà phê, một ít bụi đất và vài cánh hoa héo.
- Chẳng có gì cả, chú khuyển ạ - tôi nói.
Con chó qua đường. Tôi lên cầu thang bệnh viện, tới tầng của Catherine, đi dọc theo hành lang, tới phòng nàng và gõ cửa. Không có tiếng trả lời. Tôi mở cửa, phòng trống chỉ có chiếc va ly của Catherine để trên ghế và chiếc áo ngủ của nàng treo trên tường. Tôi bước ra đi dọc theo hành lang kiếm người để hỏi thì gặp một cô y tá.
- Bà Henry đâu, thưa cô?
- Người ta mới đưa bà đến phòng sinh.
- Ở đâu?
- Để tôi dẫn ông tới.
Cô y tá đưa tôi đến cuối hành lang. Cửa phòng hé mở. Tôi ghé mắt thấy Catherine nằm dài trên một chiếc bàn, mình đắp một tấm chăn. Bà y tá đứng một bên, và vị bác sĩ đứng phía bên kia, cạnh những ống tròn. Bác sĩ cầm trong tay một chiếc mặt nạ cao su gắn vào một cái ống.
- Để tôi đưa cho ông một chiếc áo choàng thì ông có thể vào được – cô y tá nói – Mời ông lại đây.
Cô đưa cho tôi một chiếc áo choàng trắng và cài áo cho tôi.
- Bây giờ thì ông có thể vào được.
Tôi bước vào phòng.
- Này anh yêu – Catherine nói với một giọng mệt mỏi – Nó không tiến triển bao nhiêu.
- Ông là ông Henry à? – bác sĩ hỏi.
- Vâng, công việc ra sao rồi thưa bác sĩ?
- Khá lắm. Chúng tôi đến đây cho tiện việc cho thuốc mê mỗi khi đau.
- Cho tôi thuốc đi – Catherine nói.
Bác sĩ chụp mặt nạ lên mặt nàng và vặn chiếc tay quay. Tôi nhìn Catherine. Nàng thở mạnh và sâu. Tiếp đó nàng đẩy chiếc mặt nạ ra và bác sĩ tắt vòi hơi.
- Cơn đau này không dữ lắm. lúc nãy em đau mới nhiều. Thế mà bác sĩ cũng làm cho hết đau, phải không thưa bác sĩ?
Giọng nàng nói hơi lạ, nàng nói lớn tiếng “bác sĩ”.
Ông bác sĩ mỉm cười.
- Tôi lại cần nữa đấy – Catherine nói rồi nàng chụp chiếc mặt nạ úp lên mặt và thở dồn dập. Tôi nghe nàng rên khe khẽ rồi nàng lại đẩy chiếc mặt nạ ra và mỉm cười.
- Cơn đau này dữ thật, đau lắm. Đừng lo lắng gì hết anh yêu. Anh đi đi. Anh đi ăn sáng nữa đi.
- Không, anh muốn ở lại đây – tôi đáp.
Chúng tôi đến bệnh viện lúc ba giờ sáng mà đến trưa Catherine vẫn còn nằm trong phòng sanh. Những cơn đau chậm lại. Nàng có vẻ bải hoải nhưng vẫn vui vẻ.
- Em không được khoẻ anh yêu. Buồn quá, thế mà em tưởng em sẽ sanh dễ dàng đấy. Ôi.. lại đau nữa.
Nàng với tay chụp chiếc mặt nạ úp lên mặt. Vị bác sĩ mở khóa hơi và chăm chú nhìn nàng. Độ một lát, cơn đau lại hết. Catherine mỉm cười.
- Không đau lắm. Em thích thứ hơi thuốc đó quá. Thật là kỳ diệu.
- Để mua một ít về nhà – tôi nói.
- Đó, bắt đầu đang trở lại nữa – Catherine nói hấp tấp. Vị bác sĩ mở khóa hơi và nhìn đồng hồ.
Tôi hỏi ông bác sĩ:
- Bây giờ khoảng cách là bao lâu?
- Độ chừng một phút.
- Bác sĩ không đi dùng điểm tâm à?
- Lát nữa tôi sẽ đi ăn một chút.
- Bác sĩ đi ăn đi – Catherine nói – Buồn quá, sao mà lâu dữ vậy. Không biết nhà tôi có cho thuốc cho tôi được không ạ?
- Nếu bà muốn – ông ta nói – Ông chỉ cần vặn tới số hai là được.
- Tôi hiểu.
Trên mặt đồng hồ có một kim quay theo sự điều khiển của tay quay.
- Em cần ngay bây giờ đấy – Catherine nói.
Nàng ụp sát chiếc mặt nạ lên mặt. Tôi vặn cho kim quay đến số hai và khi Catherine lấy chiếc mặt nạ ra thì tôi khóa máy lại. Vị bác sĩ đáng yêu đã để tôi làm vài việc.
- Chính anh đã để cho máy chạy đấy à anh yêu? – Catherine vừa hỏi vừa vuốt cổ tay tôi.
- Phải đấy anh ạ.
- Anh đáng yêu biết bao.
Chất thuốc làm cho nàng hơi say.
- Tôi sẽ đi ăn ở phòng bên cạnh đây. Có gì cứ gọi tôi – ông bác sĩ nói.
Thời gian trôi đi. Tôi nhìn thấy ông ăn và một lúc sau ông ngả lưng và châm thuốc lá.
Catherine bắt đầu lả.
- Anh có tin rằng mẹ con em sẽ vuông tròn không?
- Thì chắc chắn là như thế chứ còn gì nữa.
- Em cố hết sức mình, em rặn mà nó không ra. Ôi lại bắt đầu đau nữa… cho em…thuốc đi…
Đến hai giờ trưa, tôi ra ngoài đi ăn. Có một ít người ngồi trong quán, và trên bàn là những tách cà phê, những ly rượu Kirsch hoặc rượu Marc. Tôi ngồi vào bàn.
- Có gì ăn không? – tôi hỏi người hầu bàn.
- Ăn trưa thì quá muộn rồi ạ.
- Không có món gì ăn thường ngày à?
- Có. Ông có thể dùng món dưa cải bắp thái nhỏ.
- Vậy cho tôi một đĩa và rượu bia.
- Một nửa hay cả vại ạ?
- Nửa vại.
Người bồi bàn dọn đĩa cải bắp thái nhỏ có thêm miếng dăm bông xúc xích trộn với cải bắp nóng bỏng tẩm rượu chát. Tôi ăn và uống rượu bia. Tôi rất đói. Tôi nhìn thiên hạ ăn uống trong quán cà phê. Vài người đánh bài tại bàn. Hai người kế bên tôi vừa hút thuốc lá vừa nói chuyện. Tiệm cà phê đầy khói thuốc lá. Ở đàng sau quầy thiếc, chỗ tôi vừa ngồi ăn điểm tâm, có ba người, một ông già, một bà khỏe mạnh mặc đồ đen, ngồi chỗ thu tiền, ghi chép những thứ dọn ăn uống cho khách và một chú mang áo choàng. Tôi tự hỏi không biết bà ta có bao nhiêu con cái, và bà ta sinh đẻ ra làm sao.
Ăn xong tôi quay trở lại bệnh viện. Bây giờ thì đường phố rất sạch sẽ, không còn những thùng rác bên vệ đường nữa. Trời u ám nhưng cũng le lói ánh mặt trời. Tôi lên thang máy, theo hành lang đến phòng của Catherine nơi tôi để chiếc áo blouse. Tôi khóac áo, cài khuy cổ. Nhìn trong gương tôi có vẻ giống một bác sĩ già với bộ râu của tôi. Tôi đến phòng sanh. Cửa đóng. Tôi gõ cửa. Không có tiếng trả lời. Tôi vặn nắm đấm và bước vào. Vị bác sĩ đang ngồi cạnh Catherine. Cô y tá đang bận gì ở cuối phòng.
- Ông nhà đã trở lại kìa – ông bác sĩ nói.
- Ồ anh yêu, bác sĩ thật tài tình – giọng của Catherine rất khác lạ - ông kể cho em nghe một câu chuyện kỳ diệu và khi em quặn đau dữ dội, ông làm cho nó hết ngay. Ông ấy thật là bậc kỳ tài. Ông đúng là kỳ tài, bác sĩ ạ.
- Em say thuốc rồi – tôi nói.
- Em biết mà, nhưng anh đừng nói như thế - rồi nàng tiếp – Cho tôi thuốc đi, cho tôi thuốc nữa đi.
Nàng giữ chặt chiếc mặt nạ và thở từng chặp, nàng hít mạnh và lâu, rồi nàng thở dài, và bác sĩ đưa tay trái gỡ chiếc mặt nạ ra cho nàng.
- Cơn đau vừa rồi dữ dội lắm – giọng nàng thật khác lạ - Em không nguy hiểm gì đâu, anh yêu ạ. Em đã khỏi chết rồi, anh có bằng lòng không?
- Cầu cho em tai qua nạn khỏi.
- Không, em chuyện sợ đâu. Em sẽ không chết đâu, anh yêu dấu.
- Bà đừng nói dại thế - ông bác sĩ nói – Bà đừng chết để cho ông cô độc.
- Ồ không, tôi không chết đâu, tôi không muốn chết, Ai lại điên mà đi chết như thế? Ồ, nó lại đến nữa đấy…cho tôi…
Một lát sau vị bác sĩ nói:
- Ông Henry, xin ông vui lòng ra ngoài một lát để tôi thăm thai cho bà.
- Bác sĩ muốn khám xem em như thế nào, rồi một lát nữa anh có thể trở lại, anh yêu. Phải thế không thưa bác sĩ? – Catherine nói.
- Phải, tôi sẽ cho gọi khi nào ông có thể trở lại được.
Tôi bước ra và theo hành lang tới căn phòng nơi Catherine sẽ nằm sau khi sanh. Tôi ngồi trên một chiếc ghế, nhìn quanh gian phòng. Trong túi tôi có tờ báo tôi mua lúc đi ăn trưa, tôi lấy ra đọc. Một lát sau tôi ngừng đọc, tắt đèn nhìn màn đêm phủ kín bên ngoài. Tôi tự hỏi là sao bác sĩ chưa cho gọi tôi. Có lẽ không có tôi ở đó thì có lợi hơn. Hẳn là ông ta muốn tôi lánh đi một lúc. Tôi nhìn đồng hồ. Trong mười phút nữa, nếu ông ta không cho gọi thì tôi vẫn cứ trở lại.
Tội nghiệp Catherine yêu quý, tội nghiệp! Đó là giá phải trả cho những buổi ân ái. Đó là kết thúc của cạm bẫy. Đó là kết tinh của tình ái. Ấy là nhờ trời còn có thuốc mê, không biết trước khi tìm ra được thuốc mê thì những chuyện gì đã xảy ra. Lúc mang bầu, Catherine rất khoẻ khoắn, đâu có mệt nhọc gì, chỉ hơi khó ở một tí thôi. Thời gian cuối nàng mới thấy khó chịu. Và cuối cùng nàng mới chịu sự đau đớn, không cách gì thoát khỏi. Thoát ra ư? Giả sử chúng tôi có cưới nhau năm mười lần thì kết quả cũng chỉ thế thôi. Nhưng rủi nàng chết thì sao? Nàng sẽ không chết đâu. Ngày nay không ai chết vì sanh đẻ cả. Những ông chồng ai cũng nghĩ như thế cả. Nhưng nếu nàng chết thì sao? Nàng không chết đâu, nàng chỉ đau đớn một chút thôi. Đẻ con so thì thường lâu lắc hơn một chút. Đó là phút khó khăn phải trải qua. Sau này khi nhắc tới giây phút khó khăn ấy nàng sẽ bảo thật ra cũng chẳng có gì là ghê gớm cả. Nhưng nếu nàng chết thì sao? Nàng không thể chết được kia mà. Đừng có nghĩ dại. Đó chỉ là một phút khó khăn thôi. Đó chỉ là luật tự nhiên của tạo hoá bắt nàng phải như vậy. Sanh con so thì phải như vậy, bao giờ cũng lâu. Phải, nhưng rủi nếu nàng chết thì sao? Nàng không thể chết được. Tại sao lại chết? Có lý nào để chết được? Chỉ đơn giản là một đứa trẻ sắp chào đời, kết quả của những đêm thần tiên ở Milan. Nó tạo ra những phiền muộn, nhưng khi đã sanh ra rồi, nó sẽ được chăm sóc và thương mến. Nhưng nếu nàng chết thì sao? Nàng sẽ không chết đâu. Nhưng nếu rủi nàng chết thì sao? Nàng không sao đâu. Nàng mạnh khoẻ lắm mà. Nhưng rủi nàng chết thì sao. Nàng không thể nào chết được. Nhưng nếu nàng chết thật thì sao? Hừ, làm thế nào đây nếu rủi nàng chết?
Bác sĩ bước vào phòng.
- Thế nào, có khá hơn không thưa bác sĩ.
- Không khá – ông ta nói.
- Bác sĩ nói sao?
- Thì như vậy đó, tôi đã khám - ông ta kể chi tiết về vụ khám nghiệm – tôi đã thử chờ xem, nhưng không khá.
- Thế bác sĩ khuyên tôi phải làm gì?
- Có hai cách, hoặc dùng kẹp gắp, làm thế có thể bị rách thịt nguy hiểm, gây thương tích cho đứa bé, hoặc mổ.
- Mổ thì nguy hiểm như thế nào? Rủi nàng chết thì sao?
- Mổ thì không nguy hiểm hơn lối sanh thông thường.
- Chính bác sĩ sẽ tự tay mổ phải không?
- Phải. Có lẽ mất một tiếng đồng hồ để sửa soạn và kiếm người phụ mổ. Hoặc có thể nhanh hơn.
- Bác sĩ khuyên tôi thế nào?
- Tôi thì tôi khuyên nên mổ. Nếu là vợ tôi thì tôi sẽ quyết định mổ.
- Hậu quả sau này sẽ là gì?
- Chẳng có gì ngoại trừ một vết sẹo là cùng.
- Có sợ bị nhiễm trùng không?
- Ít hơn là theo cách kẹp.
- Và nếu đợi, không làm gì cả?
- Thế nào thì rồi cũng phải tiến hành điều gì đó. Bà Henry đã mất sức rồi. Mổ sớm chừng nào hay chừng đó.
- Vậy nếu được bác sĩ mổ ngay đi cho – tôi nói.
- Tôi sẽ đi cho chỉ dẫn.
Tôi đến phòng sanh. Cô y tá ở đó với Catherine. Nàng nằm bệt trên bàn, trông đẫy đà dưới lớp chăn, trông tái mét và mệt mỏi. Nàng hỏi tôi:
- Anh có nói với bác sĩ là ông ta có thể mổ được không? Không sao đâu, chỉ độ một giờ đồng hồ là sẽ xong cả mà. Em không chịu nổi nữa anh ạ, em kiệt sức rồi. Làm ơn cho em cái đó đi. Cái đó đối với em không sao đâu.
- Bà hít mạnh vào.
- Tôi hít mạnh vào rồi, không ăn thua gì nữa.
- Không thấy gì hết.
- Lấy ông khác thử coi – tôi nói với cô y tá.
- Đó là ống mới đấy.
- Em thật ngốc anh yêu – Catherine nói – Nhưng sao nó không có kết quả gì hết vậy? – nàng oà lên khóc – Ôi, em chỉ ước mong việc sinh nở sẽ không làm phiền đến ai, thế mà giờ đây hết rồi, em kiệt sức nhưng điều đó đối với em chẳng sao, hoàn toàn không có chuyện gì, anh yêu. Em có chết cũng chẳng tiếc gì miễn sao cho dừng các cơn đau. Ôi! Anh yêu! Làm sao cho nó dừng các cơn đau giùm em. Nó lại đau nữa đấy! Úi cha! Ôi! Ôi! – nàng vừa thở vừa thổn thức trong mặt nạ - Không kết quả gì hết. Không kết quả gì hết. Không kết quả gì hết. Đừng kể gì đến em, anh yêu. Em van anh đừng khóc. Đừng chú ý gì đến em. Em kiệt sức quá rồi. Anh đau khổ, em yêu anh nhiều. Em sẽ biết điều. Lần này em sẽ biết điều. Người ta không thể cho tôi cái gì à?
- Để anh cho máy chạy. Anh mở hết số đây này.
Tôi vặn tay quay đến hết mức và trong khi nàng hít thật sâu, tay nàng buông chiếc mặt nạ. Tôi khóa hơi và nhấc nó ra. Nàng trông như vừa mới hoàn hồn.
- Thật là tuyệt anh ạ. Ôi, anh tốt với em quá.
- Hãy can đảm lên. Anh không thể làm mãi thế được. Nó có thể làm nguy đến tính mạng em.
- Em hết can đảm rồi anh yêu. Em kiệt sức rồi. Người ta làm em kiệt sức rồi, em thấy thế.
- Mọi người đều ở đây cả.
- Nhưng mà khiếp quá. Họ để cho mình cầm cự cho đến lúc sức cùng lực kiệt.
- Chỉ một giờ đồng hồ là xong cả.
- Vậy hả anh. Anh yêu quý ơi, em sẽ không chết hả anh.
- Không, anh đoan chắc với em là không.
- Em không muốn chết và để lại anh, nhưng em mệt quá và em thấy như sắp từ giã cõi đời.
- Em đừng nói dại. Ai ai cũng có cảm giác thế cả.
- Đôi khi em biết chắc rằng em sắp chết.
- Không, em sẽ không chết đâu. Em không thể chết được.
- Nhưng ngộ nhỡ em chết thì sao?
- Anh sẽ không để cho em chết đâu.
- Cho em cái đó mau đi, cho em đi – rồi nàng tiếp – Em sẽ không chết đâu. Em sẽ không để cho mình chết đâu.
- Dĩ nhiên là em sẽ không chết đâu.
- Anh sẽ ở đây với em luôn nhé?
- Anh ở đây cũng chỉ nhìn suông.
- Không, miễn là anh ở đây với em.
- Nhất định là anh sẽ luôn luôn ở bên em.
- Anh tận tình với em quá. Mau đưa đây cho em, Đưa cho em đi. Không ăn thua gì cả.
Tôi vặn kim đồng hồ tới số ba rồi số bốn. Tôi chỉ mong bác sĩ trở lại. Tôi sợ những con số trên hai.
Cuối cùng một bác sĩ mới và hai cô y tá bước vào. Họ đặt Catherine lên chiếc cáng có bánh xe lăn rồi chúng tôi đi ra hành lang. Chiếc cáng được đẩy nhanh dọc theo hành lang rồi vào trong thang máy. Mọi người phải đứng nép vào vách cho rộng chỗ. Rồi thang máy lên, cửa mở, và trên bánh xe cao su, chiếc cáng được đưa ra khỏi thang, đẩy dọc theo hành lang tới phòng mổ. Tôi không nhận ra bác sĩ với chiếc mũ trùm kín đầu và chiếc khẩu trang. Có thêm một bác sĩ khác và nhiều y tá nữa.
- Phải cho tôi cái gì chứ - Catherine nói – Phải cho tôi cái gì chứ? Ôi bác sĩ ơi, hãy cho tôi cái gì để tôi đỡ đau một chút.
Một bác sĩ đặt chiếc mặt nạ lên mặt nàng. Qua cửa, tôi nhìn thấy phòng mổ sáng trưng.
- Ông có thể ngồi gần cửa ở đàng kia – một cô y tá bảo tôi thế.
Có những chiếc ghế dài đặt sau lan can trông xuống bàn mổ trắng, chói chang ánh đèn. Tôi nhìn Catherine, mặt nạ đậy trên mặt. và bây giờ thì nàng im lặng. Người ta đẩy cáng tới. Tôi đi ra ngoài và bước dọc theo hành lang. Hai cô y tá vội vã đi vào cửa.
- Sắp mổ rồi đấy – một cô nói – sắp tiến hành mổ để lấy hài nhi ra.
Cô kia cười.
- Chúng mình đến thật đúng lúc. Thật là may.
Họ bước qua cửa dẫn đến hành lang. Một cô y tá khác tới. Cô này cũng có vẻ vội vàng.
- Vào lối này đi. Vào đi – cô ta nói.
- Không, tôi ở ngoài.
Cô ta lật đật bước vào. Tôi đi bách bộ ở hành lang. Tôi sợ nên không dám vào. Tôi nhìn qua cửa sổ. Trời tối, nhưng nhờ ánh đèn qua cửa sổ, tôi có thể trông thấy được trời đang mưa. Tôi bước vào một căn phòng ở mãi cuối hành lang, đứng xem những tờ nhãn dán trên chai lọ đặt trong tủ kính. Rồi tôi lại bước ra chờ ở hành lang, mắt dán vào cửa phòng mổ.
Một vị bác sĩ bước ra, theo sau là một cô y tá. Ông ta cầm trong tay một vật gì giống như một con thỏ bị lột da. Ông bước nhanh qua hành lang và biến mất sau một cánh cửa khác. Tôi tiến đến cánh cửa và ông vừa bước vào, xem ông ta làm gì với một trẻ vừa mới lọt lòng. Ông ta nâng hài nhi lên cho tôi xem. Ông nắm gót chân và phát mạnh và người nó.
- Đứa bé có khá không?
- Tuyệt. Nó cân đến năm ký lô.
Tôi hoàn toàn dửng dưng đối với đứa nhỏ. Nó có vẻ xa lạ đối với tôi. Tôi không cảm thấy chút tình phụ tử nào cả.
- Ông không thấy hãnh diện vì đứa con à? – cô y tá hỏi tôi.
Họ đang tắm và bọc nó lại. Tôi nhìn thấy một khuôn mặt đen và bàn tay nhỏ xíu cũng đen, nhưng tôi không thấy nó cựa quậy, cũng không nghe nó khóc. Vị bác sĩ lại bận rộn với nó gì nữa đó, ông có vẻ bối rối.
- Không – tôi nói – nó suýt giết mẹ nó.
- Ồ, tội nghiệp, có phải lỗi tại nó đâu? Thế ông không muốn một đứa con trai à?
- Không – tôi đáp.
Bác sĩ rất bận rộn. Ông nắm chân và phát mạnh vào người nó. Tôi không đứng nhìn nó ở đấy nữa. Tôi bước ra hành lang. Bây giờ thì tôi đi thăm nàng được rồi. Tôi bước qua cửa và tới phòng. Các cô y tá ngồi chỗ lan can làm hiệu cho tôi xuống chỗ họ. Tôi lắc đầu. Chỗ tôi đứng trông khá rõ rồi.
Tôi nghĩ rằng Catherine đã chết. Nàng giống như một xác chết. Mặt nàng mà tôi thấy được, xám ngắt. Phía dưới, qua ánh đèn, vị bác sĩ đang khâu lại vết mổ mà những chiếc kẹp banh lớn ra. Một vị bác sĩ khác đeo mặt nạ, đang cho thuốc mê. Hai nữ y tá đeo khẩu trang đứng trao dụng cụ…Quang cảnh y hệt như một pháp đình thời Trung cổ. Nhìn cảnh đó, tôi biết rằng nếu muốn thì tôi đã được chứng kiến đầy đủ, nhưng tôi mừng là mình không đứng coi. Tôi không tin rằng tôi lại có thể đứng nhìn họ mổ xẻ, nhưng tôi nhìn cái vành tròn vết thương mà vị bác sĩ, khéo tay như một bác thợ sửa giày, đang khâu kín lại bằng những nhát kim lớn. Tôi mừng thầm. Khi vết mổ được khâu kín lại xong, tôi quay ra đi bách bộ trong hành lang.
Một lát sau bác sĩ đi tới, tôi hỏi:
- Nhà tôi thế nào?
- Bà ấy khoẻ. Ông có mục kích cuộc giải phẫu không? – Trông ông ta có vẻ mệt mỏi.
- Tôi đã thấy ông khâu lại. Vết mổ có vẻ dài lắm.
- Ông đã thấy à?
- Vâng. Vết sẹo rồi có xẹp xuống không?
- Có chứ.
Một lát sau họ đẩy chiếc cáng có bánh xe cao su đưa nhanh qua hành lang tới thang máy. Tôi đi bên cạnh Catherine đang rên rỉ. Xuống tới phòng dưới, họ đặt nàng lên giường. Tôi ngồi trên ghế phía đầu giường của nàng. Trong phòng co một cô y tá. Tôi đứng bên cạnh giường. Trong phòng tối đen. Catherine đưa tay ra và nói:
- Này anh yêu…
Giọng của nàng yếu ớt và mệt nhọc.
- Em, em yêu của anh.
- Đứa bé, trai hay gái?
- Suỵt, đừng nói chuyện – cô y tá bảo.
- Con trai. Nó dài, to và đen.
- Nó khoẻ chứ?
- Ừ, khoẻ lắm – tôi nói.
Tôi thấy cô y tá nhìn tôi với dáng điệu khác thường.
- Em mệt quá sức…và đau nữa. Còn anh, anh có khoẻ không anh yêu?
- Anh vẫn mạnh. Thôi em đừng nói chuyện nữa.
- Anh lo lắng cho em quá. Ôi anh yêu của em! Em đau quá! Trông nó giống gì nhỉ?
- Trông nó giống như một con thỏ bị lột da, với cái mặt nhỏ tí dúm dó như mặt một ông già.
- Ông nên đi ra thì hơn – cô y tá nói – bà Henry không nên nói chuyện.
- Tôi sẽ ở ngoài cửa.
- Anh nên đi ăn một chút gì đi.
- Không, anh sẽ ở ngoài cửa.
Tôi hôn Catherine, da nàng xám ngắt, vẻ yếu ớt và mệt nhọc. Tôi nói với cô y tá:
- Tôi có thể nói ít lời với cô được chăng?
Cô ta cùng đi với tôi ra hành lang. Tôi đi vài bước rồi hỏi:
- Đứa bé làm sao thế?
- Ông không hay biết gì à?
- Không.
- Nó không còn sống.
- Chết rồi à?
- Người ta không thể nào làm cho nó thở được. Nó có tràng hoa hay vật gì như thế quấn quanh cổ.
- Vậy là nó chết thật rồi à?
- Vâng, thật uổng. Một đưá bé xinh đẹp. Tôi cứ tưởng là ông đã biết.
- Không – tôi nói – cô nên trở lại với nhà tôi.
Tôi ngồi trên ghế, trước một chiếc bàn, cạnh đó treo những bản báo cáo của cô y tá, và nhìn qua khung cửa sổ. Tôi chỉ thấy một màu đen và mưa rơi trong ánh đèn rọi ra từ cửa sổ. À, ra thế đấy. Đứa bé chết rồi. Vì thế trông bác sĩ có vẻ mệt mỏi. Nhưng tại sao họ lại làm thế trong phòng? Có lẽ họ nghĩ rằng đứa bé sẽ tỉnh lại và thở được. Tôi không theo đạo nhưng hiểu rằng lẽ ra đứa bé phải được rửa tội. Tuy nhiên nếu nó đã chẳng thở được tí nào nghĩa là nó không sống, ngoại trừ lúc còn trong bào thai. Tôi thường thấy nó đạp nhiều lần. Nhưng trong tuần lễ cuối cùng thì không còn thấy nữa. Có lẽ lúc ấy nó đã chết ngạt rồi. Tội nghiệp đứa hài nhi. Tôi muốn chết ngạt như thế để khỏi phải trải qua những giờ phút hấp hối…Bây giờ thì Catherine sẽ chết. Ai cũng vậy. Ai cũng phải chết. Chết mà không hiểu thế nào là cái chết, không khi nào có thì giờ cho mình luật lệ hoặc mình hơi lầm lỗi là họ giết mình ngay. Hoặc giả chết vô cớ như Aymo. Hoặc giả bị dương mai như Rinaldi. Nhưng rồi cuối cùng mình cũng chết. Cứ tin như vậy đi, cứ kiên tâm đi rồi sẽ đến lượt mình.
Có lần ở trại, tôi liệng một khúc củi đầy kiến vào đống lửa. Khi khúc củi cháy, bọn kiến bò tứ tung và lúc đầu còn chạy nhào vào chỗ có ngọn lửa, sau chúng quay lại chạy tới đầu kia khúc củi. Đến khi chúng bám đầy vào đầu khúc củi thì chúng lại rớt vào đống lửa. Có vài con chạy thoát, thân mình cháy xém và xẹp lép. Chúng chạy mà không rõ sẽ chạy đi đâu. Nhưng phần đông đều tới phía ngọn lửa, rồi lại bò tới đầu bên kia, đê rồi tụ tập tại đó và cuối cùng rơi vào ngọn lửa. Tôi còn nhớ lúc đó tôi tưởng tượng rằng đó là giờ tận thế, đó là lúc đóng vai trò Chúa cứu thế bằng cách kéo khúc củi ra khỏi ngọn lửa và ném nó vào chỗ nào đó cho lũ kiến có thể trốn vào đất được. Nhưng tôi chỉ tưới khúc củi bằng chỗ nước trong cái ly, để khi hết nước, tôi đựng rượu whisky pha với nước. Tôi nghĩ rằng nước dội lên khúc củi đang cháy chỉ tổ làm cho lũ kiến bị phỏng.
Và bây giờ tôi đang ngồi trong hành lang để chờ nghe ngóng bệnh tình của Catherine. Một lúc, vì y tá tới chậm, tôi bước tới mở cửa nhè nhẹ nhìn vào trong. Mới đầu tôi không trông thấy gì vì đèn ở hành lang sáng chói mà trong phòng lại tối om. Nhưng rồi tôi nhìn thấy cô y tá ngồi ở đầu giường, và đầu Catherine đặt trên gối, toàn thân nàng dẹp lép dưới lớp chăn. Cô y tá để một ngón tay lên môi ra hiệu rồi đi ra cửa.
- Nàng ra sao? – tôi hỏi.
- Bà khoẻ. Ông đi ăn đi, rồi một lát nữa ông trở lại, nếu ông muốn.
Tôi đi dọc theo hành lang, xuống thang và bước ra khỏi cổng bệnh viện, theo con đường tối om đến tiệm cà phê dưới cơn mưa. Đèn trong tiệm sáng trưng và mấy bàn đều chật hết. Tôi không tìm ra chỗ trống, một anh bồi bàn tới đỡ lây chiếc áo choàng ướt và chiếc mũ của tôi rồi chỉ một chỗ ngồi mà trước mặt là một ông già đang uống bia và xem báo chiều. Tôi ngồi xuống và hỏi anh bồi bàn món ăn trong ngày.
- Bò ra gu, nhưng hết rồi.
- Thế bây giờ có gì ăn?
- Trứng với dăm bông, trứng với pho mát, hay dưa cải bắp xắt nhỏ.
- Tôi đã ăn dưa cải bắp hồi trưa rồi.
- Vâng, đúng rồi. Ông đã dùng dưa cải bắp lúc trưa. Phải rồi.
Anh là một người vào độ trung niên, đầu hói với vài sợi tóc lưa thưa, nét mặt dễ mến.
- Thế ông dùng món gì? Trứng với dăm bông, hay trứng với pho mát?
- Trứng dăm bông và rượu bia.
- Một bia nâu ly nhỏ chứ?
- Được.
- Tôi nhớ hồi trưa ông cũng uống một bia nâu ly nhỏ.
Tôi dùng món trứng dăm bông và uống bia. Món dăm bông trứng đặt trong một chiếc đĩa tròn, dăm bông ở dưới và trứng ở trên. Món ấy nóng quá, và khi ăn miếng đầu tiên, tôi phải hớp một ngụm bia cho khỏi bỏng miệng. Tôi cũng khá đói nên kêu thêm một đĩa nữa và uống mấy ly bia. Tôi không nghĩ gì cả và đọc báo của ông ngồi trước mặt. Đó là đề tài về phòng tuyến của Anh bị chọc thủng. Khi biết rằng tôi đang xem mặt sau của tờ báo của ông ta thì ông gấp lại. Tôi định gọi bồi cho một tờ báo nhưng tôi không thể tập trung tư tưởng. Bên trong tiệm cà phê rất nóng và không khí khó thở. Nhiều khách trong tiệm quen biết nhau. Nhiều người đang chơi bài. Bồi bàn lăng xăng lo bưng rượu đến các bàn. Hai người khách mới vào đứng nhìn quanh vì không còn chỗ trống, đứng tạm trước bàn tôi. Tôi gọi thêm một ly bia nữa. Tôi chưa muốn trở về bệnh viện vội vì còn sớm quá. Tôi cố không nghĩ ngợi gì cả và giữ bình tĩnh tuyệt đối. Hai người đứng chờ một lát không có chỗ trống lại bước ra. Tôi uống thêm một ly bia nữa. Trên bàn trước mặt tôi bây giờ có cả một chồng đĩa. Ông ngồi trước mặt tôi đã gỡ kính cất vào hộp, xếp tờ báo lại bỏ túi rồi cầm ly rượu mùi nhìn quanh phòng. Bỗng nhiên tôi thấy cần phải trở lại bệnh viện. Tôi gọi bồi tính tiền rồi khoác áo đội mũ bước ra cửa. Tôi rảo bước dưới cơn mưa đến bệnh viện.
Tới hành lang tôi gặp cô y tá vừa mới đi xuống.
- Tôi mới gọi giây nói đến khách sạn của ông – cô ta nói.
Tôi giật mình đánh thót.
- Có chuyện gì thế? – tôi hỏi.
- Bà Henry bị băng huyết.
- Tôi vào được không?
- Không, chưa được. Có bác sĩ đang ở trong ấy với bà.
- Có nguy không?
- Rất nguy hiểm – cô ta trả lời rồi vội vã vào phòng khép cửa lại.
Tôi ngồi ngoài hành lang. Đầu óc tôi trống rỗng hoang mang. Tôi không biết tính sao và cũng không thể tính gì được cả. Tôi biết rằng nàng sắp từ giã cuộc sống và tôi cầu nguyện cho nàng đừng chết.
Cô y tá mở cửa và vẫy tay gọi tôi. Tôi theo cô ta vào phòng. Catherine không ngước nhìn. Tôi vội đến gần giường. Vị bác sĩ đứng cạnh giường, phía bên kia. Catherine nhìn tôi nhếch môi. Tôi gục mặt xuống giường khóc oà.
- Tội nghiệp mình – Catherine se sẽ nói.
Da mặt nàng xám ngắt.
- Không sao đâu Catherine ạ, em sắp mạnh hẳn.
- Em sắp chết – ngừng một giây, nàng nói tiêp – Em không muốn, em không muốn…
Tôi nắm lấy tay nàng.
- Đừng chạm vào em – nàng nói. Tôi buông tay nàng ra. Nàng mỉm cười – Tội nghiệp mình quá…Được, nào, mình cứ nắm lấy tay em đi.
- Em sẽ khoẻ, Catherine ạ, anh biết em sẽ khoẻ.
- Em đã muốn viết cho anh bức thư phòng khi có chuyện gì nhưng em không viết được.
- Em có muốn anh mời một vị linh mục hay một ai khác tới thăm em hay không?
- Chỉ một anh thôi – Và lát sau nàng tiếp – Em không sợ chết, nhưng ý nghĩ về cái chết làm em khiếp.
- Bà đừng nói nhiều thế - bác sĩ bảo.
- Vâng – Catherine bảo.
- Em có cần anh làm việc gì không? Catherine? Hay là anh đi kiếm cho em cái gì chăng?
- Không – Rồi một lát sau nàng tiếp – Những kỷ niệm chung sống giữa chúng ta, xin anh đừng san sẻ với người đàn bà nào khác, anh nhé? Và những lời ân ái, xin anh đừng trao gởi cho một ai khác, anh nhé?
- Không bao giờ.
- Nhưng dù sao em cũng muốn anh có một phụ nữ khác.
- Anh không thích.
- Bà nói chuyện nhiều quá – bác sĩ nói – Ông Henry cần phải ra ngoài. Ông ấy có thể trở lại sau. Bà không chết đâu, bà đừng nói dại.
- Vâng – Catherine nói – Đêm đêm sẽ có em đến bên cạnh anh – nàng nói với vẻ khó khăn.
- Xin ông hãy ra khỏi phòng – bác sĩ bảo – Đừng để bà ấy nói.
Catherine mặt nhợt nhạt, hướng về phía tôi, chớp mắt.
- Anh sẽ chờ ở cửa – tôi nói.
- Đừng lo ngại gì, anh nhé. Em chẳng lo sợ tí nào cả. Đó chỉ là một trò đùa xấu xa, thế thôi.
- Em can đảm lên, em yêu quý của anh…
Tôi chờ ngoài hành lang, tôi chờ rất lâu. Cô y tá mở cửa, đến gần tôi và nói:
- Bà Henry trầm trọng lắm. Tôi sợ bà…
- Nàng đã chết rồi sao?
- Chưa, nhưng bà đã mê man.
Hình như nàng băng huyết nhiều, không sao ngăn nổi.
Tôi vào phòng với Catherine và ở đó cho đến khi nàng tắt thở. Nàng không hồi tỉnh và chẳng bao lâu thì chết.
Trong hành lang, tôi hỏi bác sĩ:
- Tôi phải làm gì trong đêm nay?
- Không, không có gì cả. Để tôi đưa ông về khách sạn nhé?
- Thôi cám ơn bác sĩ. Tôi muốn nán lại đây giây lát.
- Tôi không biết nói gì hơn. Tôi không thể nói với ông rằng…
- Không – tôi nói – Không có gì để nói cả…
- Tạm biệt – ông ta nói – ông thật không muốn tôi đưa ông về khách sạn à?
- Thôi, cám ơn bác sĩ.
- Chỉ có cách đó thôi. Cuộc giải phẫu chứng minh rằng…
- Tôi không còn muốn nhắc tới chuyện ấy nữa.
- Tôi muốn được đưa ông về khách sạn.
- Thôi, cám ơn bác sĩ.
Ông khuất dần trong hành lang. Tôi đến gần cửa phòng. Một cô y tá nói:
- Ông không vào được bây giờ.
- Xin lỗi cô – tôi nói.
- Ông chưa vào được bây giờ.
- Cô đi ra đi, cả cô kia nữa – tôi nói.
Nhưng sau khi bảo họ đi ra và đóng cửa, tắt đèn, tôi hiểu rằng tất cả đều vô ích. Cũng không khác nào lời nói từ biệt trước một pho tượng. Một lát sau tôi bước ra khỏi phòng, rời bệnh viện, và tôi trở về khách sạn dưới trời mưa.
Hết
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro