Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

gia tri thang du-vn

Bối cảnh quốc tế và thực tiễn xây dựng nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận động theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng XHCN ở Việt Nam cho thấy: lý luận giá trị thặng dư của Mác cần được nhận thức một cách sâu sắc hơn và hoàn thiện hơn khi điều kiện lịch sử ngày nay đã có nhiều biến đổi. Trước mắt, có thể thấy những luận điểm sau đây cần được hoàn thiện về mặt nhận thức:

Thứ nhất, lao động tạo ra giá trị trong khu vực kinh tế tư nhân.

Để xây dựng nên lý luận giá trị thặng dư và toàn bộ học thuyết của mình, trước hết Mác đã giải quyết vấn đề lý luận giá trị lao động một cách khoa học. Vì vậy, nếu không đứng trên quan điểm về giá trị lao động của Mác thì không thể nắm bắt được hạt nhân hợp lý của lý luận giá trị thặng dư trong hoàn cảnh lịch sử đã thay đổi hiện nay.

Tuy nhiên, với sự phát triển của lực lượng sản xuất hiện đại, cần đặt ra vấn đề: lao động tạo ra giá trị gồm những loại lao động nào. Trong một thời gian dài trước đây, những người theo chủ nghĩa Mác vẫn cho rằng, chỉ có lao động trực tiếp trong lĩnh vực sản xuất vật chất mới tạo ra giá trị, còn lao động ở khu vực lưu thông (trừ giao thông vận tải) không sản xuất ra giá trị và giá trị thặng dư; do đó lợi nhuận mà các nhà tư bản ở khu vực này nhận được là do nhà tư bản ở khu vực sản xuất "nhường" cho. Thật ra, cách hiểu này cần được bổ sung khi thực tiễn đã có sự thay đổi, nếu không việc nghiên cứu giá trị thặng dư của Mác chắc chắn sẽ rơi vào cực đoan và phiến diện.

Ngày nay, với sự phát triển của lực lượng sản xuất, thế giới đang bước vào nền kinh tế hậu công nghiệp, khu vực dịch vụ phát triển mạnh và tỷ trọng của nó trong GDP ở một số nước phát triển đã lớn hơn cả hai khu vực công nghiệp và nông nghiệp cộng lại. Trong số đó có rất nhiều hoạt động dịch vụ nảy sinh một cách tất yếu khách quan từ nền kinh tế hiện đại - nền kinh tế mà ở đó tri thức và thông tin trở thành một lực lượng vật chất, tham gia vào lực lượng sản xuất hiện đại. Trong điều kiện đó, không phải chỉ lao động ở khu vực sản xuất ra tư liệu sản xuất và tư liệu tiêu dùng, mà cả lao động ở khu vực sản xuất ra các dịch vụ, lao động quản lý cũng tạo ra giá trị mới, trong đó cũng có thời gian lao động cần thiết và thời gian lao động thặng dư. Lao động tạo ra giá trị mới trong các doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam rất phong phú và đa dạng. Không phải chỉ có lao động trong lĩnh vực sản xuất vật chất mới tạo ra giá trị, mà cả lao động sản xuất trong lĩnh vực phi vật chất cũng tạo ra giá trị mới. Không chỉ có lao động của công nhân trực tiếp sản xuất ra sản phẩm mới tạo ra giá trị, mà cả lao động nghiên cứu khoa học kỹ thuật, lao động quản lý doanh nghiệp cũng tạo ra giá trị mới.

Trước đây, do quá đề cao tính giai cấp, nên chúng ta đã phê phán phiến diện sự "ăn bám" của nhà tư bản, và cho rằng đó là loại người không lao động, nếu có lao động thì lao động của họ chẳng qua cũng chỉ là thứ "lao động bóc lột", không tạo ra giá trị. Trong khi đó chúng ta coi lao động của giám đốc doanh nghiệp quốc doanh là lao động tạo ra giá trị. Điều này là một sự tự mâu thuẫn. Trên thực tế, hầu hết các doanh nhân ở nước ta hiện nay đều vừa là chủ của doanh nghiệp tư nhân, vừa kiêm luôn công việc quản lý hoặc nghiên cứu. Do đó, lao động của họ cũng tạo ra giá trị mới cho xã hội. Như vậy, giá trị mới tạo ra có một phần là do sức lao động của người công nhân làm thuê, còn một phần là do sức lao động của chủ doanh nghiệp.

Lao động quản lý doanh nghiệp của chủ doanh nghiệp cũng giống như lao động của công nhân làm thuê, nó tạo ra giá trị và gia nhập vào sản phẩm. Điều đáng chú ý là: lao động quản lý là loại lao động phức tạp. Ngay từ thời xa xưa, khi nền kinh tế còn đang ở trình độ lạc hậu, ông cha ta đã có câu "một người lo bằng kho người làm". Ngày nay, khi nền kinh tế phát triển với nhiều mối quan hệ đan xen lẫn nhau, cạnh tranh gay gắt, lao động quản lý càng phức tạp hơn gấp nhiều lần. Vì vậy, nó tạo ra một lượng khá lớn giá trị mới cho từng doanh nghiệp nói riêng và cho xã hội nói chung.

Hơn nữa, phần lớn những chủ doanh nghiệp ở Việt Nam xuất thân từ những doanh nghiệp và cơ quan nhà nước, là cán bộ quân đội và trí thức, được sinh ra và trưởng thành trong chế độ mới. Họ đi theo Đảng, trực tiếp hoặc gián tiếp mang hết trí tuệ và sức lực của mình để phát triển doanh nghiệp, phát triển kinh tế, phục vụ sự nghiệp đổi mới của Đảng. Do đó, các chủ doanh nghiệp tư nhân ở nước ta hiện nay không phải là những nhà tư bản như cách hiểu truyền thống, chỉ biết "ngồi mát ăn bát vàng" bằng cách bóc lột giá trị thặng dư của người công nhân. Trái lại, họ thật sự cống hiến sức lực, tiền bạc của mình để phát triển doanh nghiệp, để làm giàu cho đất nước; cống hiến của họ đáng được trân trọng. Vì vậy, việc khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân ở nước ta là một chủ trương đúng đắn, phát huy được "sức người, sức của" của các tầng lớp nhân dân trong xã hội, nhất là tầng lớp các doanh nhân, có tri thức, có tâm huyết.

Thứ hai, vấn đề bóc lột giá trị thặng dư.

Như trên đã trình bày, nghiên cứu lý luận giá trị thặng dư cần đặt trong bối cảnh lịch sử nhất định, không nên máy móc quy kết tất cả những ai tham gia vào thụ hưởng phần giá trị tạo ra ngoài giá trị sức lao động của công nhân làm thuê đều là kẻ "bóc lột". Thực tế, trong nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận động theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng XHCN ở nước ta hiện nay, vấn đề thụ hưởng giá trị mới tạo ra không hoàn toàn giống như cách hiểu truyền thống nữa.

Thật vậy, lao động tham gia vào việc tạo ra giá trị trong các doanh nghiệp tư nhân bao gồm cả lao động trực tiếp của công nhân và lao động quản lý, nghiên cứu của người chủ doanh nghiệp. Nếu sử dụng công thức (c+v+m) ta thấy, người công nhân đóng góp sức lao động (một phần của v) mà không đóng góp vốn (c) nên chỉ được nhận tiền lương. Người chủ doanh nghiệp tư nhân có đóng góp sức lao động (một phần của v) và vốn (c) nên được nhận m. Như vậy, lợi nhuận mà chủ doanh nghiệp thu được không phải tất cả đều có nguồn gốc từ giá trị thặng dư của công nhân làm thuê tạo ra, mà trong số đó có hai phần: l) một phần liên quan đến lao động quản lý, phần này có cơ sở từ lao động quản lý tạo ra giá trị của người chủ doanh nghiệp và gia nhập vào giá trị sản phẩm; 2) một phần liên quan đến vai trò chủ sở hữu tư liệu sản xuất, phần này có cơ sở từ lao động không được trả công của công nhân làm thuê tạo ra. Rõ ràng, phần thu nhập thứ nhất là hoàn toàn chính đáng, bởi vì nó là giá trị do chính sức lao động của người chủ doanh nghiệp tạo ra. Vấn đề đặt ra là: liệu phần thu nhập thứ hai có hoàn toàn chính đáng không?

Để trả lời vấn đề này, trước hết cần khẳng định rằng, việc thụ hưởng giá trị thặng dư là một phạm trù kinh tế - xã hội, tính chất của chúng không hoàn toàn như nhau dưới các chế độ khác nhau, trong những điều kiện khác nhau. Trong mối quan hệ này, nó thể hiện quan hệ bóc lột giá trị thặng dư của người này đối với người khác; trong mối quan hệ khác, nó không phải là bóc lột. Điều đó là do quan hệ sản xuất thống trị và thượng tầng kiến trúc của chế độ nơi mà nó sinh tồn chi phối. Nếu giá trị thặng dư được sản xuất ra trong điều kiện của quan hệ sản xuất TBCN, tức là nó được chế độ tư bản "nuôi dưỡng", bảo vệ, chi phối, thì kinh tế tư nhân hoàn toàn do quy luật giá trị thặng dư chi phối. Trong trường hợp này, kinh tế tư nhân mang tính bóc lột và phần thu nhập dựa trên sự chiếm hữu tư nhân về tư liệu sản xuất của chủ doanh nghiệp là sự chiếm đoạt bất chính thành quả lao động của người khác.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp tư nhân ở nước ta lại khác. Tất cả đều được hình thành và phát triển trong điều kiện quan hệ sản xuất thống trị không phải là quan hệ sản xuất TBCN, mà là quan hệ sản xuất định hướng XHCN. Là sản phẩm của công cuộc đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo, kinh tế tư nhân không hoàn toàn do quy luật giá trị thặng dư chi phối, nên không thể mang tính chất TBCN như dưới xã hội tư bản.

Nếu xét từ khía cạnh xã hội, sự bóc lột là một việc làm phi đạo đức, bị xã hội lên án. Trong Đại từ điển tiếng Việt xuất bản năm 1998 do GS Nguyễn Như Ý chủ biên cho rằng: "bóc lột được xem là chiếm đoạt thành quả lao động của người khác bằng cách dựa vào quyền tư hữu về tư liệu sản xuất, cũng như địa vị, quyền thế chính trị". Như vậy, hành vi bóc lột là hành vi chiếm đoạt thành quả lao động của người khác dựa trên một quyền lực nào đó trái với những quy luật khách quan của xã hội đương đại hoặc trái với những quy định pháp lý, và đáng bị lên án. Nhưng, ở đây lại phải xem xét mức độ bóc lột. Theo nhiều chuyên gia kinh tế, nếu xét chung toàn bộ nền kinh tế thì ở nước ta không có sự chiếm đoạt quá mức của chủ doanh nghiệp tư nhân đối với công nhân làm thuê. Trong nhiều trường hợp, người lao động chấp nhận bị bóc lột ở mức nhất định, nhưng có việc làm và thu nhập tương đương mặt bằng chung của xã hội.

Hơn nữa, nền kinh tế của nước ta hiện nay mới ở trong thời kỳ quá độ, nên còn tồn tại nhiều hình thức sở hữu khác nhau. Do đó, chủ thể phân phối rất đa dạng, có nhiều nguyên tắc phân phối khác nhau, chứ không phải chỉ có một nguyên tắc phân phối theo lao động. Một điểm nữa là: trong nền kinh tế thị trường hiện nay ở nước ta, việc phân bổ các nguồn lực phải tuân theo cơ chế thị trường, nên việc phân phối thu nhập cũng phải chịu sự điều tiết của cơ chế thị trường. Vì vậy, trong thời kỳ quá độ lên CNXH - thời kỳ mà ở đó những người sản xuất tiểu nông còn chiếm tuyệt đại đa số dân cư, kinh tế tư bản tư nhân vẫn còn có vai trò quan trọng - như ở nước ta hiện nay, thì giá trị mới tạo ra không chỉ phân phối cho lao động tạo ra nó, mà trái lại, sẽ hợp đạo lý và chính đáng, nếu như giá trị mới đó được phân phối cho tất cả các yếu tố tạo điều kiện cho sức lao động phát huy tác dụng.

Tóm lại, trong nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường, định hướng XHCN của Việt Nam hiện nay, các doanh nghiệp tư nhân không hoàn toàn giống kinh tế tư bản tư nhân dưới chế độ TBCN và cũng không hoàn toàn chịu sự chi phối của quy luật giá trị thặng dư. Do đó, việc thừa nhận sự tiến bộ, hợp pháp của kinh tế tư nhân và khuyến khích nó phát triển là khuyến khích sản xuất ngày càng nhiều giá trị mới cho xã hội (làm giàu), khuyến khích sự phát triển của xã hội, chứ không phải là khuyến khích sự bóc lột. Đó là sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin trong điều kiện Việt Nam hiện nay. Sự khẳng định này đã góp phần xóa bỏ mặc cảm, tháo gỡ rào cản cho kinh tế tư nhân phát triển, thực hiện CNH, HĐH ở nước ta. Đương nhiên, kinh tế tư nhân - dù ở loại hình nào - cũng phải chấp hành nghiêm luật pháp, thực hiện đúng chính sách của Nhà nước, tôn trọng nhân phẩm của người lao động và tích cực tham gia các hoạt động nhân đạo, từ thiện.

[right][size=1][url=http://www.ngoinhachung.net/diendan/showthread.php?p=96186]Copyright © N2C : Ngôi Nhà Chung của Học sinh - Sinh viên - Posted by _[K]iD_[/url][/size][/right]

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro

Tags: #phẩm