Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

A1

- Đoạn sau thế nào nữa?... Đoạn sau thế nào nữa?...

- Đúng đấy. Hay chửa! Đoạn sau thế nào nữa? Cốt ở chỗ ấy đấy, con gái yêu quý của tôi!

Bà tham Buddenbrook cùng với mẹ chồng ngồi trên chiếc xôpha dài, sơn trắng, bọc gấm màu mỡ gà, chỗ tựa trang trí bằng một cái đầu sư tử mạ vàng. Bà đưa mắt nhìn chồng ngồi ở chiếc ghế bành bên cạnh, rồi gỡ bí cho đứa con gái nhỏ bé của mình ngồi trên đầu gối ông nội, trước cửa sổ.

- Tony! - Bà nhắc - "Ta tin rằng Thượng đế..." Antonie mới lên tám, người mảnh khảnh, mặc chiếc áo lụa mỏng óng ánh, cái đầu nhỏ xíu có mái tóc vàng rậm, hơi dịch ra khỏi mặt ông nội: đôi mắt xanh thẫm mơ màng nhìn vào trong nhà như cố suy nghĩ, tìm tòi. Con bé lặp lại: "Đoạn sau thế nào nữa à?" rồi chậm rãi đọc tiếp: "Ta tin rằng Thượng đế...". Bỗng mắt sáng hẳn lên, nó nhanh nhảu đọc hết câu ấy: "sáng tạo ra ta và muôn loài...". Bây giờ nó đọc trơn một mạch, không sót chữ nào, những câu hỏi và trả lời trong cuốn Sách bổn, nỗi vui sướng hiện rõ trên nét mặt. Sách ấy đã được Hội đồng thành phố sáng suốt phê chuẩn năm 1835, gần đây được sửa chữa lại và cho xuất bản. Nó nghĩ bụng: Mở đầu thông suốt rồi thì cứ như mùa đông cùng anh trai ngồi xe trượt tuyết, trượt từ trên núi Jerusalem xuống, muốn nghĩ gì cũng không nghĩ kịp, muốn dừng lại cũng không dừng được nữa. Nó đọc tiếp:

- ... "sáng tạo ra áo mũ, giày dép, thức ăn, thức uống, nhà cửa, vợ con, ruộng vườn, súc vật...".

Con bé đọc đến đây thì cụ Johann Buddenbrook bỗng cười to lên thành tiếng. Nhưng cụ cố nén lại. Thật ra cụ không thể nén được nữa rồi. Cụ lấy làm thích thú vì cuối cùng cụ đã tìm được dịp chế giễu cuốn Sách bổn. Biết đâu chẳng phải vì thế mà cụ mới đặt ra cho cô cháu một số câu hỏi? Cụ hỏi Tony có bao nhiêu ruộng vườn, bao nhiêu súc vật; một bì lúa mạch bao nhiêu tiền. Cụ chơi trò mua bán với cháu. Khuôn mặt cụ tròn trĩnh, hồng hào - (với khuôn mặt ấy, dù cụ muốn ra oai cũng không có vẻ gì là giận dữ) - khảm vào giữa làn tóc xoa phấn trắng như tuyết, phủ xuống cái cổ rộng bản của chiếc áo ngoài màu lông chuột, trông như cái bím. Tuy đã gần bảy mươi, cụ vẫn ăn mặc kiểu thanh niên, chỉ có giữa dãy khuy áo và cái túi to tướng là không đính đường kim tuyến mà thôi, còn quần thì xưa nay cụ chưa hề mặc quần ống rộng bao giờ cả. Cái cằm hai ngấn bành bạnh của cụ trên chiếc khăn quàng thêu hoa nền trắng, trông rất thoải mái.

Cụ cười, cả nhà cười theo, nhưng cũng chỉ là để tỏ lòng tôn kính người đứng đầu gia đình mà thôi. Cụ bà Antoinette Buddenbrook (vốn họ Duchamps) cũng cười hì hì, dáng điệu y hệt cụ ông. Cụ bà người đầy đặn, mái tóc dày xoăn tít, bạc trắng, xõa xuống tận tai, mặc bộ đồ màu xám kẻ sọc, không trang sức gì cả, trông đủ biết cụ vốn người chất phác, giản dị. Đôi bàn tay búp măng, trắng muốt của cụ cầm cái túi nhung đựng kim chỉ, đặt trên đầu gối. Càng về già, khuôn mặt cụ bà trông càng giống cụ ông. Quả là chuyện lạ lùng hiếm có. Chỉ nhìn hình dáng đôi mắt và trông con ngươi đen nháy, tinh anh của cụ, mới thấy được phần nào dòng máu Latinh trong người cụ. Tuy cụ sinh trưởng ở Hamburg, nhưng tổ tiên đằng nội lại gốc gác Pháp - Thụy Sĩ.

Bà tham Elisabeth Buddenbrook, người con dâu của cụ, họ Kröger, có cái cười có thể nói là thừa kế được truyền thống của những người trong họ Kröger, lúc đầu cười nấc lên một tiếng, sau đó ép cằm sát ngực. Cũng như hầu hết những người trong họ này, trông bà thật thanh nhã. Tuy không thể nói bà đẹp, nhưng giọng nói trong trẻo du dương, lúc bổng lúc trầm, và cử chỉ bình tĩnh, khoan thai, mềm mại của bà cũng làm cho mọi người ưa thích, tin cậy. Mái tóc màu nâu búi trên đầu, hai bên uốn thành vòng to xõa xuống che kín tai, rất hợp với nước da trắng mịn, điểm tàn hương. Mũi hơi dài một ít, miệng chúm chím, giữa môi dưới và cằm không lúm sâu xuống. Có lẽ đó là một đặc điểm trong năm giác quan của bà. Bà mặc áo cộc tay, bó sát người, nối liền với chiếc váy lụa hoa mỏng cũng bó sát người. Cái cổ đầy đặn đeo chuỗi kim cương óng ánh lộ ra ngoài, đẹp không chê vào đâu được.

Ông tham ngồi trên chiếc ghế bành, hơi ngả người ra phía trước, trông có vẻ sốt ruột. Ông mặc áo vét màu đỏ sẫm, ve to, ống tay trên rộng dưới hẹp, phía dưới cổ tay bó lại, và chiếc quần hẹp ống, vải ximi-li trắng, có những đường viền đen. Cằm ông bị cái cổ cồn dựng đứng giữ chặt. Ông thắt chiếc cà-vạt lụa, lòa xòa che lấp mất cái áo gi-lê hoa... Đôi mắt ông sâu, xanh thẫm và sáng quắc, y hệt mắt ông cụ, chỉ khác là hơi mơ mộng một chút mà thôi. Khuôn mặt ông sắc sảo hơn, nghiêm nghị hơn, mũi cao và quặp xuống. Phần nửa mặt ở phía sau bộ râu vàng xoăn tít cũng không được đầy đặn như cụ ông.

Cụ bà Buddenbrook đặt tay lên cánh tay con dâu, rồi nhìn vào ngực con dâu, cười khe khẽ, nói:

- Ba con thư... ờng như vậy đấy! Phải không Bethsy? - Chữ "thường", cụ bà kéo dài ra.

Bà tham làm thinh, chỉ xua xua tay, chiếc xuyến vàng đeo ở cổ tay khẽ kêu thành tiếng. Sau đó, theo thói quen, bà đưa tay vuốt nhè nhẹ từ khóe miệng lên thái dương, như đang muốn sửa lại những sợi tóc xõa xuống.

Lúc ấy, ông tham lại nói nửa đùa cợt, nửa trách móc:

- Ba! Ba lại đem thần thánh ra làm trò cười rồi!...

Họ đang ngồi trong phòng phong cảnh trên gác hai, một tòa nhà rộng lớn ở phố Meng. Tòa nhà ấy Công ty Johann Buddenbrook mới mua lại cách đây ít lâu, và gia đình họ cũng mới dọn về đây ở. Bốn xung quanh tường treo những tấm thảm len nặng chình chịch, nhưng không dính hẳn vào tường; giữa thảm và tường để một khoảng cách vừa phải; trên thảm dệt những bức tranh phong cảnh lớn, màu dịu, rất hợp với tấm thảm mỏng trải dưới đất. Tranh vẽ trên thảm là cảnh điền viên theo kiểu thế kỷ mười tám: nào là người hái nho vui vẻ, người nông dân cần cù, nào là cô gái chăn cừu đầu thắt nơ xanh đỏ, ôm chú cừu non trắng tinh vào lòng, ngồi bên dòng suối nước trong vắt, hoặc đang ôm một gã mục đồng bảnh trai. Phần lớn đều màu vàng xám của cảnh chiều tà cho hợp với màu cánh gián của những bộ bàn ghế đánh véc-ni và màu vàng phớt của những chiếc màn gấm treo trên hai khung cửa sổ.

Căn phòng khá rộng nên đồ đạc trông không nhiều lắm. Chiếc bàn tròn chân nhỏ, viền kim tuyến, không đặt trước xô-pha mà kê phía tường, đối diện với chiếc đàn phong cầm, trên mặt đàn có cái hộp đựng sáo. Ngoài những chiếc ghế lưng tựa khá cao bày cân đối dọc tường, chỉ có cái bàn may nho nhỏ đặt cạnh cửa sổ, và cái bàn chạm tinh xảo bày đồ cổ.

Phía tường đối diện cửa sổ là cửa ra vào, lắp kính, qua đó nhìn thấy một căn phòng rộng nhưng tối om, có cột tròn; bên trái là cái cửa lớn hai cánh, sơn trắng, thông sang phòng ăn. Ở chỗ lõm hình bán nguyệt trên bức tường kia, củi trong lò sưởi đang nổ lách tách sau cánh cửa song sắt.

Năm nay, trời rét sớm. Mới giữa tháng Mười thôi mà lá trên những cây bồ đề nhỏ xung quanh sân nhà thờ Sankt Marien ở phía trước đường cái, ngoài cửa sổ, đã úa vàng. Gió lạnh lùa qua nóc nhà kiểu gôtích và phía sau tường, kêu vo vo. Mưa phùn lạnh buốt rơi lã chã. Cụ bà Buddenbrook không chịu lạnh được nên các cửa đều hai lớp hết.

Theo thường lệ, cứ hai tuần một, cả nhà sum họp vào ngày thứ năm. Riêng thứ năm này, ngoài những người bà con ở trong thành phố, còn mời thêm mấy người bạn thân đến ăn cơm thường. Bấy giờ vào khoảng bốn giờ chiều, cả nhà đang ngồi trong cảnh màn chiều buông xuống, chờ khách.

Antony không để ông nội cắt đứt trò chơi trượt tuyết của nó, nhưng nó chỉ buồn rầu bĩu môi lại làm cho đôi môi đã vểnh lên càng cong tớn. Lúc này, xe trượt tuyết của nó đã xuống đến chân núi "Jerusalem", nhưng nó làm thế nào hãm lại được, đành phải trượt ra ngoài một đoạn khá xa...

- A-men! - Nó nói - Ông ơi, cháu còn biết những chuyện khác nữa cơ!

- Kia kìa! Nó còn biết chuyện khác nữa cơ đấy! - Ông cụ làm ra bộ tò mò, nói to - Bà có nghe thấy không? Nó còn biết chuyện khác nữa cơ! Thế nào, chả nhẽ không ai nói cho tôi biết hay sao?

- "Cái gì cháy, là chớp; cái gì không cháy, là sét" - Antonie nói một tiếng, gật đầu một cái.

Nói đến đó, nó bắt tréo tay lại, nhìn mọi người xung quanh đang cười ha hả, chắc chắn sẽ được cả nhà khen. Nhưng cụ Buddenbrook lại không hài lòng về cái thông minh vặt đó của đứa cháu gái. Cụ đòi biết bằng được ai đã dạy cho nó những điều ngu xuẩn như thế. Cuối cùng mới vỡ lẽ ra là chị Ida Jungmann, mới đưa từ Marienwerder về trông nom lũ trẻ, bày cho con bé. Ông tham không thể không lên tiếng bênh chị Ida một câu.

- Ba hơi nghiêm quá đấy! Cháu nó có làm ra vẻ thông minh đi nữa thì đã sao? Ở tuổi ấy, trẻ con lại không được phép có cách suy nghĩ của chúng nó về những chuyện ấy ư?

- Xin anh!... Nhưng mà là nói tầm bậy!Anh biết đấy, tôi không thích nhồi nhét vào đầu óc trẻ con những chuyện tầm bậy như thế! Thế nào? Sét đánh à? Hay lắm! Đánh thì cứ cho nó đánh đi, nhưng đừng để con mụ người Phổ ấy của anh làm tôi bực mình nữa!

Thì ra cụ Buddenbrook vốn không thích chị Ida Jungmann. Cụ không phải là người đầu óc hẹp hòi, cụ đã đi đây đi đó, đã từng trải nhiều: từ những năm 1813, cụ đã ngồi xe tứ mã xuống miền nam nước Đức tìm bột mì cho lính Phổ, bấy giờ cụ đi mua lương thực cho họ. Ngoài ra, cụ còn sang Amsterdam, và cả Paris nữa. Cụ là người tâm trí đã được mở mang; không phải cái gì ở ngoài cổng thành quê hương có những mái nhà tam giác của cụ là cụ bài bác. Nhưng trừ chuyện đi lại buôn bán làm ăn không kể, cụ muốn đặt cho mình một giới hạn nghiêm khắc hơn con trai, trong chuyện thù tạc xã giao. Cụ thường tỏ ra lạnh nhạt với "người nơi khác". Bởi vậy, hôm người con trai cụ đi chơi miền tây nước Phổ, đem theo chị Ida về, - năm ấy chị chưa quá hai mươi tuổi, - cụ đã làm ầm lên về cái lòng thương người của ông tham. Bấy giờ, cụ cáu, cụ toàn nói tiếng Pháp và tiếng địa phương miền Bắc nước Đức. Chị Ida là con một lão chủ quán; lão chết chưa được bao lâu thì những người họ Buddenbrook đến Marienwerder. Chị tỏ ra thông thạo công việc nội trợ và trông nom bé nhỏ. Lòng trung thành và quan niệm giai cấp của người Phổ trong đầu óc chị rất hợp với chức vụ của chị trong gia đình này. Quan niệm ấy là quan niệm của tầng lớp quý tộc, phân biệt rất rõ ranh giới giữa tầng lớp giàu sang và các tầng lớp khác, cũng như giữa những người khá giả và những kẻ đang sa sút. Nếu Tony chơi với bọn học sinh, con cái những nhà, theo con mắt chị, chỉ thuộc vào loại khá giả, thì chị không bằng lòng chút nào...

Giữa lúc đó, vừa vặn cô gái Phổ ấy từ ngoài cửa kính căn phòng lớn có cột tròn đi vào. Chị tầm vóc cao to, mặc bộ quần áo màu đen, đầu chải bóng mượt, mặt mũi trông thật thà, chất phác. Chị dắt Klothilde theo. Con bé gầy còm, mặc áo vải hoa, mái tóc màu tro rối rắm, trông thiểu não như gái già. Nó có họ hàng xa với nhà này, nhưng nghèo đói, vốn là con gái của cháu lão quản lý đồn điền ở Rostock, xấp xỉ tuổi Antonie, ngoan ngoãn, biết vâng lời, nên gia đình Buddenbrook đem về nuôi.

- Bẩm, xong cả rồi ạ! - chị Jungmann nói. Âm "r" chị nói không rõ, nghe cứ lí nhí trong cổ họng - Klothilde ở dưới bếp đỡ đần được nhiều việc lắm, Trina không phải làm gì cả...

Nghe giọng nói lơ lớ của chị Ida, bất giác cụ Buddenbrook bật cười, vội vàng đưa cái khăn quàng hoa lên che miệng. Ông tham vuốt má con bé nói:

- Cháu như thế tốt lắm. Tilda ạ! Làm việc và cầu nguyện thì phải như thế. Tony nhà này rồi sẽ phải học cháu đấy. Nó chỉ được cái lười và kiêu.

Tony cúi đầu, liếc nhìn ông nội; nó biết thế nào ông nội cũng bênh nó như thường lệ.

- Không nên thế! - Cụ nói - Ngẩng đầu lên chứ, Tony! Can đảm lên nào! Ai mà vừa lòng được tất cả mọi người. Người ta chẳng ai giống ai. Tilda ngoan đấy, nhưng cháu tôi cũng không kém gì nó. Ba nói thế có phải không, Bethsy?

Cụ hỏi ý kiến con dâu, vì bà tham thường cho ý kiến của cụ là phải, còn bà cụ Antoinette thì lại hay đứng về phía ông tham. Bà tham cư xử như vậy là do bà ăn ở khéo léo chứ chưa hẳn là phục ông cụ. Trong nhà này, cụ ông, cụ bà và hai vợ chồng ông tham cứ chằng qua chéo lại như vậy đấy!

- Ông thương cháu lắm! - Bà tham nói - Thế nào Tony cũng phải cố gắng trở thành một người phụ nữ khôn khéo, đảm đang - Rồi bà hỏi chị Ida - Lũ trẻ đi học chưa về sao?

Tony đang ngồi trên đầu gối ông nội, nhìn qua tấm kính ra ngoài cửa sổ, bỗng reo lên:

- Anh Tom và anh Christian đang đi ở phố Johannes về kia kìa! Cả cụ Hoffstede,... cả ông bác sĩ nữa...

Chuông nhà thờ Sankt Marien điểm binh-boong, binh-boong. Tiếng chuông rời rạc, không nhịp nhàng, làm mọi người không hiểu sao lại như vậy, nhưng nghe vẫn trang nghiêm vô cùng. Khi chuông lớn chuông bé thi nhau khua, vừa nhẹ nhàng, vừa trang trọng, báo đã đến bốn giờ, thì chuông ở dưới cổng cũng réo lên, vọng vào đường đi phía trong. Đúng là Tom và Christian đã về, dẫn theo tốp khách đầu tiên tới: nhà thơ Jean Jacques Hoffstede và bác sĩ Grabow, thầy thuốc chuyên chữa cho gia đình.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro