gentoo 7
Gentoo Logo
[ << ] [ < ] [ Về đầu ] [ > ] [ >> ]
8. Cấu hình hệ thống
Nội dung:
* Thông tin hệ tập tin
* Thông tin mạng
* Thông tin hệ thống
8.a. Thông tin hệ tập tin
fstab là gì?
Trong Linux, mọi phân vùng được hệ thống sử dụng phải được liệt kê trong /etc/fstab. Tập tin này chứa những mountpoint của các phân vùng đó (vị trí của phân vùng đó trong cấu trúc hệ tập tin), mount các phân vùng đó vào như thế nào, với những tùy chọn đặc biệt gì (mount tự động hay không, người dùng bình thường có thể mount hay không, v.v..)
Tạo /etc/fstab
/etc/fstab dùng một cú pháp đặc biệt. Mỗi dòng bao gồm sáu trường, cách nhau bằng khoảng trắng (phím khoảng trắng hoặc tab, hoặc trộn lẫn với nhau). Mỗi trường có ý nghĩa riêng của nó:
* Trường đầu tiên cho biết phân vùng được sử dụng (đường dẫn đến tập tin device của phân vùng đó)
* Trường thứ hai cho biết mountpoint, nơi phân vùng đó được gắn vào hệ tập tin
* Trường thứ ba cho biết loại hệ tập tin của phân vùng
* Trường thứ tư cho biết tùy chọn mount được dùng bởi lệnh mount để gắn phân vùng vào hệ thống. Mỗi loại hệ tập tin có những tùy chọn mount riêng, bạn nên đọc man page của lệnh mount (man mount) để có danh sách đầy đủ. Các tùy chọn mount cách nhau bằng dấu phẩy.
* Trường thứ năm được dùng bởi lệnh dump để xác định xem phân vùng này có cần dump hay không. Thông thường bạn có thể để cho trường này là 0 (không).
* Trường thứ sáu được dùng bởi lệnh fsck để xác định thứ tự kiểm tra các phân vùng nếu hệ thống không được tắt một cách đúng đắn. Hệ thống tập tin gốc nên đặt giá trị là 1 trong khi phần còn lại nên đặt giá trị là 2 (hoặc 0 nếu không cần thiết kiểm tra phân vùng).
Tập tin /etc/fstab mặc định được Gentoo cung cấp không phải là tập tin fstab hợp lệ, vì thế hãy khởi động nano (hoặc trình soạn thảo yêu thích của bạn) và tạo /etc/fstab của bạn:
Mã 1.1: Mở /etc/fstab
# nano -w /etc/fstab
Hãy xem cách chúng tôi ghi tùy chọn cho phân vùng /boot. Đây chỉ là ví dụ, vì thế nếu kiến trúc máy tính của bạn không cần phân vùng /boot (như PPC), đừng sao chép nguyên văn.
Trong ví dụ phân vùng trên kiến trúc x86 mặc định, /boot gắn với /dev/hda1, là một hệ tập tin ext2, cần được kiểm tra mỗi khi khởi động. Vậy chúng tôi viết là:
Mã 1.2: Ví dụ về dòng /boot cho /etc/fstab
/dev/hda1 /boot ext2 defaults 1 2
Vài người dùng không muốn gắn /boot tự động để tăng độ an toàn của hệ thống. Những người này nên thay defaults thành noauto. Điều này có nghĩa là bạn cần phải mount phân vùng này bằng tay mỗi khi bạn cần dùng nó.
Để tăng cường hiệu năng, hầu hết người dùng sẽ muốn thêm tùy chọn noatime vào phần tùy chọn mount nhằm có một hệ thống nhanh hơn vì access time không được cập nhật (bạn thông thường cũng chẳng cần nó):
Mã 1.3: Dòng /boot cải tiến cho /etc/fstab
/dev/hda1 /boot ext2 defaults,noatime 1 2
Nếu chúng ta cứ tiếp tục, chúng ta sẽ kết thúc với ba dòng sau (cho /boot, / và phân vùng swap):
Mã 1.4: Nội dung /etc/fstab
/dev/hda1 /boot ext2 defaults,noatime 1 2
/dev/hda2 none swap sw 0 0
/dev/hda3 / ext3 noatime 0 1
Để hoàn tất, bạn nên thêm hai dòng cho /proc, tmpfs (bắt buộc) và cho ổ CD-ROM của bạn (và dĩ nhiên, nếu bạn còn những phân vùng hoặc ổ đĩa khác, bạn có thể thêm luôn):
Mã 1.5: /etc/fstab đầy đủ
/dev/hda1 /boot ext2 defaults,noatime 1 2
/dev/hda2 none swap sw 0 0
/dev/hda3 / ext3 noatime 0 1
none /proc proc defaults 0 0
none /dev/shm tmpfs nodev,nosuid,noexec 0 0
/dev/cdroms/cdrom0 /mnt/cdrom auto noauto,user 0 0
auto buộc mount đoán loại hệ tập tin được sử dụng (nên dùng cho những đĩa rời như CD-ROM vì chúng có thể sử dụng nhiều loại hệ tập tin khác nhau) và user cho phép người dùng bình thường (không phải root) có thể mount CD.
Giờ hãy dùng ví dụ trên để tạo tập tin /etc/fstab cho chính bạn. Nếu bạn dùng SPARC, bạn nên thêm dòng sau vào /etc/fstab của bạn:
Mã 1.6: Thêm hệ tập tin openprom vào /etc/fstab
none /proc/openprom openpromfs defaults 0 0
Hãy kiểm tra thật kỹ /etc/fstab, lưu lại, thoát và tiếp tục.
8.b. Thông tin mạng
Hostname, Domainname v.v..
Một trong những lựa chọn người dùng phải quyết định là đặt tên cho máy mình. Điều này dường như dễ dàng, nhưng rất nhiều người dùng gặp khó khăn trong việc tìm tên thích hợp cho máy của mình. Bạn nên biết rằng bất kỳ tên nào bạn chọn vẫn có thể được thay đổi sau này. Để đơn giản, bạn có thể chỉ cần gọi hệ thống bạn là tux và domain là homenetwork.
Chúng tôi dùng những giá trị này cho ví dụ kế tiếp. Trước hết ta đặt tên máy (hostname):
Mã 2.1: Đặt hostname
# nano -w /etc/conf.d/hostname
(Đặt biến HOSTNAME chứa tên máy của bạn)
HOSTNAME="tux"
Sau đó ta đặt domainname:
Mã 2.2: Đặt domainname
# nano -w /etc/conf.d/domainname
(Đặt DNSDOMAIN chứa domain name của bạn)
DNSDOMAIN="homenetwork"
Nếu bạn dùng NIS domain (nếu bạn không biết nó là gì, nghĩa là bạn không dùng nó), bạn cần định nghĩa nó luôn:
Mã 2.3: Đặt NIS domainname
# nano -w /etc/conf.d/domainname
(Đặt NISDNSDOMAIN chứa NIS domain name của bạn)
NISDNSDOMAIN="my-nisdomain"
Giờ thêm script domainname vào runlevel default:
Mã 2.4: Thêm domainname vào runlevel default
# rc-update add domainname default
Cài đặt mạng
Trước khi bạn có cảm giác "Hmm, hình như mình đã làm cái này rồi", bạn nên nhớ rằng mạng bạn cài đặt trong lúc bắt đầu cài đặt Gentoo là chỉ dành cho phần cài đặt. Ngay lúc này bạn sẽ cài đặt mạng thật sự cho hệ thống Gentoo của bạn.
Ghi chú: Thông tin chi tiết về mạng, bao gồm các chủ đề cao cấp như bonding, bridging, 802.1Q VLAN hoặc mạng không dây, được đề cập trong phần Cấu hình mạng Gentoo.
Mọi thông tin mạng được lưu trong /etc/conf.d/net. Nó dùng một cú pháp đơn giản tuy không dễ hiểu lắm nếu bạn không biết cách cài đặt mạng bằng tay. Đừng sợ, chúng tôi sẽ giải thích mọi thứ. Một ví dụ đầy đủ ghi chú sẽ đề cập đến nhiều cấu hình khác nhau nằm trong /etc/conf.d/net.example.
DHCP mặc định sẽ được dùng và không cần cấu hình gì nữa.
Nếu bạn cần cấu hình mạng, hoặc vì bạn cần các tùy chọn đặc biệt cho DHCP, hoặc vì bạn không dùng DHCP, hãy mở tập tin /etc/conf.d/net bằng trình soạn thảo yêu thích (nano được dùng trong ví dụ này):
Mã 2.5: Mở /etc/conf.d/net để soạn thảo
# nano -w /etc/conf.d/net
Bạn sẽ thấy những sau:
Mã 2.6: /etc/conf.d/net mặc định
# This blank configuration will automatically use DHCP for any net.*
# scripts in /etc/init.d. To create a more complete configuration,
# please review /etc/conf.d/net.example and save your configuration
# in /etc/conf.d/net (this file :]!).
Để đặt IP, netmask, gateway riêng, bạn cần đặt cả biến config_eth0 và routes_eth0:
Mã 2.7: Thiết lập thông tin IP cho eth0
config_eth0=( "192.168.0.2 netmask 255.255.255.0 brd 192.168.0.255" )
routes_eth0=( "default gw 192.168.0.1" )
Để dùng DHCP kèm theo các tùy chọn DHCP riêng, hãy định nghĩa config_eth0 và dhcp_eth0:
Mã 2.8: Dùng DHCP cho eth0
config_eth0=( "dhcp" )
dhcp_eth0="nodns nontp nonis"
Vui lòng đọc /etc/conf.d/net.example để có danh sách các tùy chọn.
Nếu bạn có nhiều hơn một network interface, hãy lặp lại các bước trên với config_eth1, config_eth2 ...
Lưu tập tin cấu hình và thoát trình soạn thảo để tiếp tục.
Tự động kích hoạt mạng lúc khởi động
Để kích hoạt network interface lúc khởi động, bạn cần thêm nó vào runlevel default. Nếu bạn có PCMCIA interface, bạn nên bỏ qua hành động này vì PCMCIA interface được kích hoạt bởi script khởi động PCMCIA.
Mã 2.9: Thêm net.eth0 vào runlevel default
# rc-update add net.eth0 default
Nếu bạn có vài network interface, bạn cần tạo các initscript thích hợp cho chúng như net.eth1, net.eth2 v.v... Bạn có thể dùng ln để làm:
Mã 2.10: Tạo initscript bổ sung
# cd /etc/init.d
# ln -s net.eth0 net.eth1
# rc-update add net.eth1 default
Ghi lại thông tin mạng
Giờ bạn cần thông tin cho Linux biết về mạng của bạn. Những định nghĩa trong trong /etc/hosts giúp chuyển tên máy thành địa chỉ IP cho các máy không thể được xử lý bằng nameserver. Ví dụ, nếu mạng nội bộ của bạn bao gồm ba máy tên jenny (192.168.0.5), benny (192.168.0.6) và tux (192.168.0.7 - máy này), bạn nên mở /etc/hosts và ghi lại những giá trị đó:
Mã 2.11: Mở /etc/hosts
# nano -w /etc/hosts
Mã 2.12: Điền thông tin mạng
127.0.0.1 localhost
192.168.0.5 jenny.homenetwork jenny
192.168.0.6 benny.homenetwork benny
192.168.0.7 tux.homenetwork tux
Nếu máy bạn là máy duy nhất (hoặc nameserver có thể xử lý tất cả tên máy), chỉ cần một dòng là đủ. Ví dụ, nếu bạn gọi máy mình là tux:
Mã 2.13: /etc/hosts cho PC chạy độc lập
127.0.0.1 localhost tux
Hãy lưu và thoát khỏi trình soạn thảo để tiếp tục.
Nếu bạn không có PCMCIA, bạn có thể tiếp tục với phần Thông tin hệ thống. Những người dùng PCMCIA nên đọc phần tiếp theo, liên quan đến PCMCIA.
Tuỳ chọn: Khởi động PCMCIA
Ghi chú: pcmcia-cs chỉ có cho các kiến trúc máy tính x86, amd64 và ppc.
Người dùng PCMCIA trước hết nên cài đặt gói pcmcia-cs, bao gồm những người dùng kernel 2.6 (ngay cả khi họ không dùng các driver PCMCIA trong gói này). Cần dùng USE="-X" để tránh cài đặt xorg-x11 vào lúc này:
Mã 2.14: Cài đặt pcmcia-cs
# USE="-X" emerge pcmcia-cs
Khi đã cài đặt pcmcia-cs, hãy thêm pcmcia vào runlevel default:
Mã 2.15: Thêm pcmcia vào runlevel default
# rc-update add pcmcia default
8.c. Thông tin hệ thống
Password Root
Trước tiên chúng ta cần đặt password root bằng cách gõ:
Mã 3.1: Đặt password root
# passwd
Nếu bạn muốn có thể đăng nhập root từ serial console, hãy thêm tts/0 vào /etc/securetty:
Mã 3.2: Thêm tts/0 vào /etc/securetty
# echo "tts/0" >> /etc/securetty
Thông tin hệ thống
Gentoo dùng /etc/rc.conf để lưu các thông tin cấu hình chung ở mức hệ thống. Hãy mở /etc/rc.conf và thưởng thức các ghi chú trong tập tin này :)
Mã 3.3: Mở /etc/rc.conf
# nano -w /etc/rc.conf
Sau khi hoàn tất cấu hình /etc/rc.conf, hãy lưu lại và thoát.
Như bạn thấy, tập tin này được ghi chú rất đầy đủ để giúp bạn đặt các biến môi trường cần thiết. Bạn có thể cấu hình hệ thống để dùng unicode và định nghĩa trình soạn thảo mặc định của bạn, cũng như display manager cho bạn (như gdm hoặc kdm).
Gentoo dùng /etc/conf.d/keymaps để xử lý cấu hình bàn phím. Hãy sửa lại để cấu hình bàn phím.
Mã 3.4: Mở /etc/conf.d/keymaps
# nano -w /etc/conf.d/keymaps
Cẩn thận với biến KEYMAP. Nếu bạn chọn sai KEYMAP, bạn sẽ gặp tình huống kỳ lạ với bàn phím của mình.
Ghi chú: Người dùng hệ thống SPARC dựa trên USB và các máy nhái SPARC có lẽ cần chọn i386 keymap (như "us") thay vì "sunkeymap". PPC dùng x86 keymap trên hầu hết hệ thống. Người dùng muốn có thể dùng ADB keymap khi khởi động cần phải cho phép gửi ADB trong kernel và đặt mac/ppc keymap trong /etc/conf.d/keymaps.
Khi bạn hoàn tất cấu hình /etc/conf.d/keymaps, hãy lưu lại và thoát.
Gentoo dùng /etc/conf.d/clock để đặt tùy chọn về đồng hồ. Hãy sửa nó theo ý bạn.
Mã 3.5: Mở /etc/conf.d/clock
# nano -w /etc/conf.d/clock
Nếu đồng hồ cứng không dùng UTC, bạn cần thêm CLOCK="local" vào tập tin này. Nếu không, bạn sẽ thấy vài nhịp bị lệch. Ngoài ra, Windows ngầm định hệ thống dùng giờ cục bộ, nên nếu bạn dùng khởi động kép, bạn nen đặt biến này cho đúng nếu không đồng hồ sẽ chạy sai.
Khi bạn hoàn tất cấu hình /etc/conf.d/clock, hãy lưu lại và thoát.
Nếu bạn không cài đặt Gentoo trên phần cứng IBM PPC64, bạn có thể tiếp tục với Cài đặt các công cụ hệ thống cần thiết.
Cấu hình console
Ghi chú: Phần sau chỉ áp dụng cho hệ thống IBM PPC64.
Nếu bạn chạy Gentoo trên IBM PPC64 và dùng virtual console, bạn phải bỏ chú thích cho dòng thích hợp trong /etc/inittab cho virtual console để có thể hiện dấu nhắc đăng nhập.
Mã 3.6: Bật hỗ trợ hvc hoặc hvsi trong /etc/inittab
hvc0:12345:respawn:/sbin/agetty -nl /bin/bashlogin 9600 hvc0
hvsi:12345:respawn:/sbin/agetty -nl /bin/bashlogin 19200 hvsi0
Bạn cũng nên kiểm tra lại /etc/securetty xem console có được liệt kê trong đó hay không.
Giờ bạn có thể tiếp tục với Cài đặt các công cụ hệ thống cần thiết.
[ << ] [ < ] [ Về đầu ] [ > ] [ >> ]
Tài liệu này sử dụng giấy phép Creative Commons - Attribution / Share Alike.
Bản in
View all
Cập nhật 15 Tháng hai 2006
The original version of this document was last updated February 11, 2009
Tóm tắt: Bạn cần hiệu chỉnh vài tập tin cấu hình quan trọng. Trong chương này, bạn sẽ có được cái nhìn tổng quan về những tập tin này và được hướng dẫn cách hiệu chỉnh.
Sven Vermeulen
Author
Roy Marples
Author
Daniel Robbins
Author
Chris Houser
Author
Jerry Alexandratos
Author
Seemant Kulleen
Gentoo x86 Developer
Tavis Ormandy
Gentoo Alpha Developer
Jason Huebel
Gentoo AMD64 Developer
Guy Martin
Gentoo HPPA developer
Pieter Van den Abeele
Gentoo PPC developer
Joe Kallar
Gentoo SPARC developer
John P. Davis
Editor
Pierre-Henri Jondot
Editor
Eric Stockbridge
Editor
Rajiv Manglani
Editor
Jungmin Seo
Editor
Stoyan Zhekov
Editor
Jared Hudson
Editor
Colin Morey
Editor
Jorge Paulo
Editor
Carl Anderson
Editor
Jon Portnoy
Editor
Zack Gilburd
Editor
Jack Morgan
Editor
Benny Chuang
Editor
Erwin
Editor
Joshua Kinard
Editor
Tobias Scherbaum
Editor
Xavier Neys
Editor
Grant Goodyear
Reviewer
Gerald J. Normandin Jr.
Reviewer
Donnie Berkholz
Reviewer
Ken Nowack
Reviewer
Lars Weiler
Contributor
Nguyễn Thái Ngọc Duy
Translator
Donate to support our development efforts.
Support OSL
Gentoo Centric Hosting: vr.org
Tek Alchemy
SevenL.net
Global Netoptex Inc.
Bytemark
Online Kredit Index
Copyright 2001-2009 Gentoo Foundation, Inc. Questions, Comments? Contact us.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro