CHƯƠNG 5
Đêm ấy, khi xe về đến West Egg, tôi đã tưởng nhà tôi bị cháy. Hai giờ đêm mà cả một vùng bán đảo rực sáng, ánh sáng hư ảo chan hoà các lùm cây và kéo thành các sợi lấp lánh dài trên các đường dây điện. Sau một khúc ngoặt, tôi nhận ra đó là toà biệt thự của Gatsby, đèn bật sáng trưng từ tầng thượng tới tầng hầm.
Thoạt tiên tôi tưởng lại có một cuộc vui mới, một buổi dạ hội điên loại đã biến thành trò "đi trốn, đi tìm" lấy cả toà nhà làm chỗ chơi. Nhưng không có một tiếng động nào. Chỉ có gió thổi xào xạc trên ngọn cây đu đưa các sợi dây điện làm cho ánh đèn lấp loé như thể toà nhà nhấp nháy mắt với bóng đêm. Trong khi chiếc tắc xi chở tôi rồ máy rời đi, tôi thấy Gatsby đi tạt ngang qua vườn nhà anh về phía tôi.
- Tôi nói:
- Nhà anh cứ như Hội chợ thế giới ấy.
- Thế ư? - Gatsby ngoảnh lại nhìn toà nhà với con mắt lơ đãng. - Tôi đi xem qua các gian phòng mà. Này, người anh em, ta đi Coney Island đi. Bằng xe tôi.
- Quá muộn rồi.
- Hay ta ra tắm một lát ở bể bơi. Cả mùa hè năm nay, tôi chưa dùng đến nó.
- Tôi phải đi ngủ anh ạ.
- Thôi vậy.
Gatsby nhìn tôi chờ đợi, nén lại vẻ nôn nóng. Sau một lúc, tôi lên tiếng:
- Cô Baker đã nói chuyện với tôi rồi. Ngày mai tôi sẽ gọi dây cho Daisy, mời cô ấy tới dự bữa trà tại nhà tôi.
-?Ồ, tốt lắm, - Gatsby nói với giọng hờ hững, - tôi quả không muốn làm phiền anh chút nào.
- Hôm nào tiện cho anh?
- Hôm nào tiện cho anh? - Gatsby nhanh nhảu sửa lại lời tôi. - Quả tôi không muốn làm phiền anh một chút nào.
- Ngày kia có được không?
Gatsby cân nhắc một lúc rồi giọng ngại ngần:
- Tôi muốn cho xén cỏ.
Hai chúng tôi cùng nhìn xuống bãi cỏ: bãi cỏ lởn chởm nhà tôi phân biệt hẳn bằng một đường rất rõ nét với thảm cỏ sẫm, bằng phẳng, được chăm sóc cẩn thận, trải dài bên phía nhà Gatsby. Hẳn Gatsby muốn nói về bãi cỏ nhà tôi.
- Còn một chuyện nhỏ nữa, - Gatsby lại ấp úng, ngập ngừng.
- Hay anh định lưu lại một vài ngày nữa? - Tôi hỏi.
- À, không phải về chuyện ấy. Ít ra ...- Gatsby lúng túng không biết mở đầu như thế nào. - Thế này, tôi nghĩ ...À này, người anh em, chắc anh kiếm không được nhiều tiền cho lắm phải không?
- Không nhiều lắm.
Câu trả lời ấy làm Gatsby có vẻ vững dạ. Anh nói tiếp, giọng vững vàng hơn.
- Tôi cũng nghĩ là không nhiều lắm. Tôi xin lỗi nếu tôi ... Anh biết đấy, tôi có một công việc kinh doanh phụ nho nhỏ, một thứ làm phụ thôi, anh hiểu chứ. Và tôi nghĩ nếu anh không kiếm được nhiều lắm ... Anh làm nghề chào bán chứng khoán, phải không, người anh em?
- Mới tập tành thôi.
- Thế thì có việc này khá hay đối với anh. Nó không chiếm mất nhiều thời gian của anh mà lại giúp anh có thể thu về khá nhiều tiền. Đây là một việc làm ăn tương đối kín đáo.
Đến bây giờ tôi nhận ra rằng nếu như ở vào tình huống khác thì câu chuyện này đã có thể là một trong những bước ngoặt đối với cuộc đời tôi. Nhưng vì đề nghị ấy được đưa ra không khéo léo và rõ ràng là để trả ơn cho một công việc mà tôi sẽ giúp Gatsby nên tôi không có cách nào khác là phải cắt ngang ngay ở đây.
- Tôi kín hết thời gian rồi. Tôi rất cảm ơn, nhưng không thể nhận thêm việc nào nữa.
- Không phải là làm việc với Wolfshiem đâu. - Rõ ràng Gatsby tưởng rằng tôi muốn thoái thác cái đầu mối được nêu lên hồi trưa, nhưng tôi phải bảo ngay là không phải. Gatsby chờ đợi một lúc nữa, mong tôi sẽ nói sang một chuyện khác nhưng tâm trí tôi đang quá bận không muốn trò chuyện gì nên anh đành phải về.
Buổi tối vừa trôi qua làm tôi cảm thấy đầu óc lâng lâng vui sướng. Hình như tôi đã chìm ngay vào một giấc ngủ say khi bước qua cổng chính nhà tôi. Vì vậy tôi không biết Gatsby có đi Coney Island không, hoặc anh đi "xem các gian phòng" mất bao nhiêu tiếng đồng hồ trong khi biệt thự của anh vẫn tràn trề ánh sáng. Sáng hôm sau, từ nơi làm việc tôi gọi điện thoại cho Daisy, mời nàng đến dùng trà.
- Đừng rủ Tom, - tôi nhắc
- Gì cơ?
- Đừng rủ Tom.
- Tom là ai nhỉ? - Daisy vặn lại với giọng ngây thơ.
Đúng hôm hẹn, trời mưa to. Khoảng mười một giờ sáng, một người thợ mặc áo mưa kéo một cái máy xén cỏ đến gõ cửa nhà tôi thưa rằng ông Gatsby sai anh ta đến xén cỏ nhà tôi. Thấy vậy tôi mới sực nhớ là đã quên dặn chị giúp việc người Phần Lan đến làm việc hôm nay. Tôi đành phải lái xe sang làng West Egg tìm chị ta qua những ngõ ngách lầy lội quét vôi trắng, đồng thời mua vài cái tách, một ít chanh và hoa.
Hoa là thừa, vì đến hai giờ chiều, cả vườn ươm bên nhà Gatsby được chuyển sang nhà tôi với không biết bao nhiêu là chậu và bình để cắm hoa. Một giờ sau có ai hấp tấp đẩy cánh cổng nhà tôi, rồi Gatsby trong bộ com-lê bằng nỉ trắng, sơ mi màu trắng bạc và ca-vát vàng, vội vã bước vào. Mặt anh tái mét và có những cuồng sẫm dưới đôi mắt mất ngủ.
Gatsby hỏi ngay:
- Tốt đẹp cả chứ?
- Cỏ xén đẹp lắm, nếu đó là điều anh muốn hỏi.
Cỏ nào nhỉ? - Gatsby ngơ ngác. - À, cỏ ngoài vườn.
Gatsby nhìn qua cửa sổ ra mảnh vườn, nhưng xét theo nét mặt anh, tôi cho rằng anh chẳng nhìn thấy gì cả. Gatsby nói chung chung:
Trong rất đẹp. Có tờ báo nói chắc chắn rằng đến bốn giờ thì trời tạnh. Hình như tờ " Nhật báo " thì phải. Anh đã có đủ mọi thứ cần thiết cho bữa trà chưa?
Tôi dẫn Gatsby vào gian bếp. Anh nhìn chị giúp việc của tôi với vẻ trách móc. Hai chúng tôi cùng xem xét tá bánh ngọt mua ở hiệu bánh về.
Có được không?
Được lắm, được lắm. Rất tốt, - rồi giọng thảng thốt của Gatsby nói thêm - ...người anh em ạ.
Đến khoảng ba giờ thì trời ngớt mưa và chuyển thành một làn sương bụi ẩm ướt, đây đó lơ lửng một vài giọt nước như hạt sương to. Gatsby dở xem một cuốn Kinh tế học của Clay với con mắt không thần sắc. Anh giật mình khi nghe thấy tiếng chân chị giúp việc làm rung sàn bếp, thỉnh thoảng lại vụng trộm nhìn qua những ô cửa kính mờ hơi sương như thể bên ngoài đang diễn ra một loạt các sự việc vô hình nhưng đáng ngại. Cuối cùng Gatsby đứng dậy, ấp úng bảo với tôi là anh đi về.
- Sao lại về?
- Không có ai đến dự bữa trà đâu. Quá muộn rồi. - Anh xem đồng hồ đeo tay như bận một việc gì cấp bách ở đâu. - Dù sao tôi không thể đợi suốt ngày.
- Đừng ngốc nghếch thế. Bây giờ mới là bốn giờ kém hai phút.
Gatsby lại ngồi xuống, vẻ thiểu não cứ như tôi bắp ép anh ngồi. Cùng lúc ấy có tiếng xe hơi lăn bánh vào lối đi trong vườn nhà tôi. Hai chúng tôi cùng bật dậy và tôi bước ra vườn, hơi bối rối.
Một chiếc xe hơi lớn mui trần đang tiến vào lối đi giữa hai cây đinh tử hương trụi là và rõ những hạt nước mưa lơng tơng. Chiếc xe dừng lại. Gương mặt Daisy dưới một chiếc mũ tam giác màu trứng sáo, nghẹo sang một bên, ở trong xe nhìn tôi với một nụ cười say sưa, tươi rói.
- Có đúng là anh sống ở đây không anh yêu quý?
Giọng nóii uốn lượn tức cười của nàng là một chủ âm nổi bật giữa tiếng mưa rơi đều đều. Tôi buộc phải lắng nghe một lúc những âm thanh lên bổng xuống trầm đó chỉ bằng riêng thính giác rồi sau mới hiểu được những lời nói. Một lọn tóc ướt vương xuống như một vệt sơn xanh quệt ngang má và bàn tay mà tôi cầm để đỡ nàng xuống xe đẫm những hạt sương lóng lánh.
Daisy nói rất nhỏ vào tại tôi:
- Anh yêu em ư, chứ sao em lại phải đến một mình?
- Đó là điều bí mật của lâu đài Rackrent. Em cho tài xế đi chơi độ một tiếng đi.
- Ferdie, một tiếng nữa lại đây. - Rồi bằng một giọng nho nhở, trầm trầm: - Tên hắn là Ferdie.
- Xăng có làm ảnh hưởng đến mũi hắn không?
- Em chắc là không, - giọng Daisy ngây thơ. - Tại sao?
Chúng tôi vào trong nhà. Tôi vô cùng kinh ngạc thấy phòng khách trống không. Tôi thốt lên:
- Thật là quái lạ!
- Cái gì quái lạ?
Daisy ngoảnh đầu lại vì có tiếng gõ cửa trịnh trọng nhè nhẹ ngoài cửa trước. Tôi ra mở cửa. Nhợt nhạt như một xác chết, Gatsby đứng sừng sững giữa một vũng nước, hai tay thọc sâu vào túi áo vét-tông như hai qủa tạ, trân trân nhìn vào mặt tôi với vẻ bi thảm.
Tay vẫn thọc trong túi áo, anh sải bước qua mặt tôi vào gian tiền sảnh, quay ngoắt một cái như đi trên dây rồi mất hút vào trong phòng khách. Cảnh tượng không có gì là ngộ nghĩnh, nghe rõ tiếng tim tôi đập thình thình. Tôi khép cửa lại, ngăn những hạt mưa đang đổ xuống mỗi lúc một mau hơn.
Trong nửa phút đồng hồ, không có tiếng động nào. Rồi tôi nghe thấy vọng từ trong phòng khách ra những âm thanh rì rầm nghẹn ngào và một khúc của chuỗi cười giòn tan, tiếp theo sau là giọng Daisy trong trẻo và giả tạo:
- Chắc chắc em vô cùng vui mừng được gặp lại anh.
Một lúc im lặng, dài kinh khủng. Không có việc gì mà làm ở gian tiền sảnh nên tôi vào phòng khách.
Tay vẫn đút trong túi. Gatsby đứng tựa người vào thành lò sưởi, điệu bộ cố ra vẻ hoàn toàn thoải mái, thậm chí là buồn tẻ nữa. Đầu anh ngả ra sau đến nỗi nó tì vào mặt một chiếc đồng hồ hỏng trên mặt lò sưởi và ở tư thế ấy, đôi mắt hốt hoảng của Gatsy nhìm đăm đăm xuống Daisy đang ngồi trên mép một chiếc ghế cứng, hơi sợ sệt nhưng vẫn duyên dáng.
- Chúng tôi quen nhau từ trước. - Gatsby lẩm bẩm.
Mắt anh liếc vội nhìn tôi, môi anh mấp máy hé mở định cười nhưng không cười nổi. May thay, chiếc đồng hồ bị đầu anh tì vào chọn đúng lúc đó nghiêng đi suýt đổ, Gatsby quay lại, hai tay run run vội đỡ lấy chiếc đồng hồ đặt vào chỗ cũ. Rồi anh ngồi xuống, người thẳng đuỗn, khuỷu tay tì lên đi văng, bàn tay đỡ lấy cằm, anh ấp úng:
- Tôi xin lỗi về cái đồng hồ ....
Mặt tôi bây giờ nóng bừng. Tôi không chọn nổi một câu thông thường nào trong số hàng nghìn câu chập chờn trong đầu. Tôi nói một câu ngốc nghếch:
- Đồng hồ cũ ấy mà.
Hình như lúc nãy cả mấy người chúng tôi đã tưởng nó rơi xuống đất vỡ tan.
- Em và ông Gatsby không gặp nhau đã nhiều năm nay. - Giọng Daisy rất bình thản.
- Đến tháng Một tới thì được năm năm.
Câu trả lời tắp lư như một cái máy của Gatsby lại làm cho chúng tôi lúng túng mất ít nhất thêm một phút nữa. Không biết xoay tính cách nào, tôi đề nghị họ vào bếp giúp tôi pha trà. Cả hai đã đứng dậy thì chị Phần Lan quái quỷ làm sao lại bê khay trà lên.
May mà nhờ lúc họ tíu tít bày bánh trái và tách đĩa, mọi người đã bình tâm lại một chút. Gatsby lùi vào một góc tối và trong khi Daisy nói chuyện với tôi, anh chăm chú nhìn hai chúng tôi, hết người này tới người kia với con mắt căng thẳng, khổ sở. Tuy vậy, mục đích không phải là đươc yên tĩnh, cho nên thấy có cơ hội đầu tiên là tôi xin lỗi đứng dậy. Nhưng Gatsby đã hoảng lên:
- Anh đi đâu đấy?
- Tôi trở lại ngay bây giờ.
- Tôi cần nói với anh một chuyện đã rồi anh hẵng đi.
Gatsby đi theo tôi vào bếp, ngơ ngác như người mất hồn. Anh đóng cửa bếp lại rồi khẽ thốt lên " Ôi, Trời!" một cách thiểu não.
- Sao thế?
- Một sai lầm kinh khủng. - Gatsby cứ lắc đầu mãi. - Một sai lầm kinh khủng, kinh khủng.
- Anh xúc động đấy mà, có sao đâu, - và may thay tôi nói thêm, - cả Daisy cũng xúc động.
- Nàng xúc động? - Gatsby nhắc lại vẻ không tin.
- Như anh thôi.
- Anh đừng nói to thế.
- Anh cứ như con nít ấy, - mất kiên nhẫn, tôi nói lớn. - Không những thế lại còn vô ý thức. Ai lại để Daisy ngồi một mình trong phòng.
Gatsby giơ tay lên chặn lời tôi, nhìn tôi với một vẻ trách móc mà tôi không thể nào quên, rồi thận trọng mở cửa trở lại gian phòng kia.
Tôi đi ra bằng cửa sau, - theo đúng lối Gatsby đã ra cách đây nửa giờ trước khi bồn chồn đi vòng quanh nhà - rồi chạy vội đến trú bên một thân cây lớn xù xì, vặn vẹo, tán lá dày kín tạo thành một cái mái che mưa. Trời lại mưa to và bãi cỏ mấp mô nhà tôi, đã được người thợ làm vườn của Gatsby xén rất đều, loang lổ những vũng nước và những bãi lầy ngầu bùn như mặt đất thời tiền sử. Đứng dưới gốc cây, không có cái gì khác để nhìn ngoài toà nhà to lớn của Gatsbty, và như Kabt đã ngắm cái tháp chuông nhà thờ của mình, tôi ngắm mãi toà nhà ấy trong nửa giờ đồng hồ. Một ông chủ nhà máy bia đã cho xây toà nhà này vào đầu thời kì thịnh hành các kiểu kiến trúc lịch sử, tức là cách đây khoảng một chục năm. Có câu chuyện kể rằng ông này đã xin chịu trả tiền thổ trạch cho tất cả các ngôi nhà lân cận trong vùng trong năm năm, nếu chủ các ngôi nhà ấy chịu lợp mái nhà mình bằng rơm. Có lẽ sự cự tuyệt của họ làm ông hết tha thiết với đồ án gây dựng lên một dòng họ, nên ông ta bước ngay sang một thời kì sa sút. Con cái ông ta đã bán nhà lúc vòng hoa tang còn treo ngoài cửa. Người Mỹ tuy sẵn sàng làm nông nô, thậm chí có thể nói là sốt sắng nữa, nhưng xưa nay họ vẫn bướng bỉnh không chịu làm nông dân. Nửa giờ sau trời lại nắng và chiếc xe của hiệu thực phẩm vòng vào đường xe chạy trong nhà Gatsby chở đến những thứ dùng trong bữa tối của gia nhân nhà anh, tôi biết chắc Gatsby sẽ không đụng đến một miếng nào. Một chị hầu phòng bắt đầu đi mở các cửa sổ ở tầng trên, hiện ra từng lúc cách quãng ở các ô cửa và đến cửa sổ gian chính giữa xây lồi ra ngoài, chị ta ngả người qua bậu cửa, trầm ngâm nhổ nước bọt xuống vườn. Đã đến lúc tôi trở vào nhà. Lúc trời còn mưa, tiếng mưa rơi nghe như tiếng thì thầm của họ trong nhà, thỉnh thoảng lại cao lên, to lên đôi chút trong những cơn xúc động. Nhưng nay không gian trở lại im lìm, tôi cảm thấy trong nhà lại im ắng nốt.
Tôi vào trong nhà sau khi đã làm đủ mọi thứ tiếng động có thể làm được trong gian bếp, suýt nữa thì làm lật nhào cả cái bếp lò, nhưng tôi tin rằng họ vẫn không nghe thấy gì hết. Hai người mỗi người ngồi một đầu đi văng, nhìn nhau như đang hỏi nhau hoặc sắp hỏi nhau một câu gì đó. Vẻ bối rối khi nãy không còn vương lại một chút nào. Gương mặt Daisy đầm đìa nước mắt. Thấy tôi vào, nàng vụt đứng dậy, lấy mùi soa chấm mắt trước một tấm gương. Nhưng ở Gatsby có một sự biến đổi quả làm tôi kinh ngạc. Anh rạng rỡ hẳn lên. Không có một lời nói hoặc một cử chỉ hân hoan nào, nhưng từ con người anh, một niềm vui sướng mới toả ra tràn ngập cả căn phòng bé nhỏ.
- Ồ! Gatsby nói y như chúng tôi không thấy mặt nhau hàng năm trời. Tôi đã tưởng anh ta sắp bắt tay tôi.
- Trời tạnh rồi.
- Thật à? - Khi Gatsby hiểu ra tôi nói gì, nhận ra ánh nắng lấp loáng reo vui trong gian phòng, anh nở một nụ cười như một nhà khí tượng học, như một người khách thân quen của ánh sáng say sưa thấy nó trở lại, và anh nhắc lại tin ấy với Daisy. - Em nghĩ sao? Trời tạnh rồi.
- Em sung sướng, Jay ạ! - Cổ nàng tràn đầy một vẻ đẹp đau đớn, sầu muộn, chỉ biểu lộ có niềm vui bất ngờ.
- Tôi muốn mời anh và Daisy sang bên tôi chơi. - Gatsby nói. - Tôi muốn dẫn Daisy đi xem nhà.
- Có thực sự anh muốn tôi sang cùng không?
- Thực chứ, người anh em.
Daisy lên gác rửa mặt (tôi ngượng người khi sực nhớ ra quá muộn đến những chiếc khăn mặt của tôi) trong khi tôi và Gatsby chờ ngoài vườn.
- Nhà tôi trông đẹp đấy chứ? - Gatsby hỏi tôi. - Anh xem toàn bộ mặt trước ngôi nhà đón ánh sáng kìa.
Tôi công nhận là toà nhà tuyệt đẹp.
Gatsby đưa mắt lướt nhìn toà biệt thự của mình, lướt qua từng chiếc cổng vòm, từng cái tháp chuông.
- Tôi mất ba năm mới kiếm được số tiền mua toà nhà này.
- Tôi tưởng tài sản của anh là được thừa hưởng?
- Đúng thế, - Gatsby không nghĩ nói ngay - nhưng tôi đã gần như mất sạch hồi đại loạn ... đại loạn chiến tranh.
Tôi chắc Gatsby không hiểu mình đang nói gì vì khi tôi hỏi về công việc làm ăn của anh thì Gatsby đáp " Đó là việc riêng của tôi", rồi sau mới nhận ra đấy không phải là một câu trả lời thích đáng. Anh sửa lại:
- À, tôi kinh doanh nhiều ngành. Thuốc men rồi dầu mỏ. Nhưng bây giờ tôi thôi cả hai ngành đấy rồi. - Gatsby nhìn tôi chăm chú hơn. - Phải chăng anh muốn nói anh đã suy nghĩ về công việc tôi đề xuất tối hôm nọ?
Tôi chưa kịp trả lời thì Daisy ở trong nhà ra, hai hàng khuy đồng trên áo lấp lánh ngoài nắng. Nàng reo lên, giơ tay trỏ:
- Toà nhà to lớn đằng kia à?
- Em có thích không?
- Em mê lắm, nhưng không hiểu sao anh ở đấy một mình được.
- Anh luôn giữ cho trong nhà lúc nào cũng đầy những con người thú vị, cả ngày lẫn đêm. Những người làm những công việc lí thú. Những nhân vật danh tiếng.
Chúng tôi không đi theo lối tắt men theo bờ vịnh mà vòng ra đường cái vào bằng cổng chính. Bằng những tiếng thì thào mê hồn, Daisy khen ngợi mọi sắc vẻ của toà kiến trúc đồ sộ như lâu đài của một lãnh chúa nổi trên nền trời, khen ngợi vẻ đẹp của khu vườn, mùi hương lấp lánh của hoa thuỷ tiên trường thọ, mùi hương xôm xốp của hoa sơn trà và hoa mận, mùi hương vàng nhạt của hoa kim ngân. Tôi có một cảm giác là lạ khi bước lên bậc thềm bằng đá cẩm thạch mà không thấy những tà áo sặc sỡ sột soạt ra vào và không nghe thấy âm thanh nào khác ngoài tiếng chim hót trên cành cây.
Vào trong nhà, khi chúng tôi đi dạo qua những phòng đàn bài trí theo kiểu thời Marie Antoinette ở Pháp, qua những phòng khác kiểu thời Phục hưng ở Anh, tôi cảm thấy như có những người khách đang nấp sau mỗi chiếc bàn, mỗi chiếc đi-văng đươc lệnh phải im hơi lặng tiếng chờ cho đến khi chúng tôi đi qua. Khi Gatsby khép cánh cửa "Thư viện trường cao đẳng Merton" lại, tôi dám cam đoan là đã nghe thấy ông khách Mắt cú bật lên một chuỗi cười ma quái.
Chúng tôi lên gác thăm các phòng ngủ bày biện theo thời xưa, bao bọc trong lụa hồng và lụa xám và tươi mát với những bông hoa mới hái; thăm các phòng trang điểm, phòng bi-a, phòng tắm với bồn tắm chìm; vô tình vào phải một phòng bên trong có một ông khách mặc quần áo ngủ, đầu rối bù, đang tập những động tác chữa bệnh gan trên sàn. Người khách ấy chính là Klipspringer - gã ở trọ. Sáng nay tôi vừa mới gặp gã đi lang thang ngoài bãi biển, bụng lép kẹp. Cuối cùng chúng tôi đến phần nhà Gatsby ở, gồm một phòng ngủ, một buồng tắm, một phòng làm việc trang trí kiểu Adam. Chúng tôi ngồi lại, uống một ly rượu Chartreuse mà Gatsby lấy ở tủ ly chìm trong tường ra.
Gatsby không một lúc nào rời mắt khỏi Daisy. Tôi có cảm tưởng anh đánh giá lại mọi thứ đồ đạc trong nhà tuỳ theo ấn tượng mà chúng gây ra trong đôi mắt yêu quý của nàng. Đôi khi Gatsby ngây người nhìn các tài sản của mình như thể hiện sự hiện diện kì diệu bằng xương thịt của người phụ nữ này đã làm chúng không còn vẻ là thực nữa. Một lần, Gatsby bước hụt chân suýt ngã ở cầu thang.
Phòng ngủ của Gatsby giản dị nhất trong các phòng ngủ, trừ một điều là trên bàn gương có một bộ đồ trang điểm bằng vàng khối mờ mờ. Daisy thích thú cầm cái bàn chải miết lên tóc. Thấy thế Gatsby ngồi xuống, lấy tay bưng mắt, miệng cười khúc khích.
- Thật là kì khôi, người anh em ạ. Tôi không ... khi tôi định ...
Có thể nhận thấy ngay Gatsby đã trải qua hai tâm trạng và bây giờ anh bước sang tâm trạng thứ ba. Sau cơn bối rối tiếp đến niềm vui sướng điên cuồng, mê muội, nay anh bị ngợp trong nỗi kinh ngạc sững sờ trước sự có mặt của Daisy. Ý nghĩ gặp lại nàng đã chiếm lĩnh đầu óc anh từ bao nhiêu năm nay, anh đã mơ tưởng đến giây phút ấy, có thể nói là nghiến răng chờ đợi với một sự căng thẳng không tưởng tượng nổi. Đến nỗi giờ đây, khi mơ ước trở thành hiện thực, anh như một cái đồng hồ lên dây quá chặt, không chạy được nữa.
Một phút sau, bình tâm lại, Gatsby mở cho chúng tôi xem hai cái tủ đồ sộ và tinh xảo, bên trong treo thành từng dãy những bộ com-lê, nhưng bộ đồ ngủ, những chiếc ca-vát và những xấp sơ-mi từng tá một xếp chồng lên nhau như những viên gạch.
- Tôi có một người bạn ở bên Anh nhận mua quần áo hộ tôi. Hàng năm, cứ vào mùa xuân và đầu mùa thu, người bạn ấy gửi cho tôi một đợt những thứ hàng chọn lọc.
Gatsby lấy một xấp áo sơ-mi rồi ném từng chiếc một ra trước mặt chúng tôi, nhưng chiếc sơ-mi bằng vải nõn mịn, bằng lụa dày, bằng nỉ mỏng, bị xô nếp khi được ném lên mặt bàn thành một đống hỗn độn màu sắc. Trong lúc chúng tôi ngắm nghía, anh lại mang ra thêm nhiều xấp khác - những chiếc áo kẻ sọc, kẻ hoa, kẻ ô màu san hô, màu thanh thiên, màu ngọc xám và màu da cam nhạt, thêu chữ lồng màu xanh hồ thuỷ - làm cho đống quần áo mềm mại xa hoa này mỗi lúc một cao hơn. Bất thần, thốt lên một tiếng không tự nhiên, Daisy gục đầu trên đống sơ-mi, nước mắt chứa chan.
- Ôi, những chiếc áo mới đẹp làm sao! - Nàng nức nở, giọng nghẹt lại trong những nếp vải dày. - Em buồn vì nghĩ mình chưa bao giờ được thấy những chiếc sơ-mi đẹp như thế này
Sau toà nhà, chúng tôi định ra thăm khu vườn, bể bơi, chiếc thuỷ phi cơ và những loài hoa nở giữa mùa hạ, nhưng bên ngoài cửa sổ nhà Gatsby trời lại mưa, vì vậy chúng tôi đứng thành hàng ngang nhìn ra mặt vịnh lăn tăn. Gatsby nói:
- Nếu không có sương mù thì ở đây có thể nhìn thấy nhà em bên kia vịnh. Chỗ nhà em lúc nào cũng có một đốm xanh lục, sáng suốt đêm ở đầu bến thuyền.
Daisy đột ngột lồng tay nàng qua cánh tay Gatsby, nhưng anh hình như còn đang đắm chìm trong những điều anh vừa mới nói. Có lẽ anh đã nhận ra rằng ý nghĩa lớn lao của đốm sáng này từ nay đã vĩnh viễn mất rồi. So với khoảng cách to lớn ngăn cách anh với Daisy thì cái đốm sáng kia có vẻ rất gần nàng, hầu như đụng chạm được tới nàng. Gần nhau như một vì sao gần mặt trăng. Bây giờ nó chỉ còn là đốm sáng xanh lè ở bến thuyền. Những vật làm anh mê say đã bớt đi mất một thứ.
Tôi vẫn đi vẩn vơ trong gian phòng, xem xét những đồ đạc lờ mờ trong bóng tối. Một bức ảnh lớn chụp một người mặc quần áo thuỷ thu du thuyền treo trên tường trước bàn giấy của Gatsby làm tôi chú ý.
- Ai đây?
- À, đấy là ông Dan Cody, người anh em ạ.
Tên nghe hơi quen quen.
- Ông ấy đã chết rồi, cách đây khá lâu. Ông ấy là người bạn thân thiết nhất của tôi.
Trên bàn có một bức ảnh nhỏ của Gatsby cũng mặc quần áo thuỷ thủ du thuyền, hình như chụp hồi anh mười tám tuổi. Trong ảnh, đầu Gatsby ngả ra đằng sau trong một dáng điệu như thách thức.
Daisy reo lên:
- Chao ôi, thích quá! Kiểu tóc bàn chải! Anh không bao giờ kể với em là anh để kiểu tóc bàn chải ... hoặc có một chiếc du thuyền.
Gatsby vội vàng nói:
- Em xem này. Đây là một lô những bức ảnh cắt về em.
Hai người đứng cạnh nhau xem đống ảnh. Tôi toan yêu cầu Gatsby cho xem các hộp ngọc của anh thì có chuông điện thoại. Gatsby cầm lấy máy nói:
- À ... được rồi, tôi không nói chuyện được bây giờ ... Tôi không nói chuyện được bây giờ mà, người anh em ạ ... Tôi đã bảo là một thị trấn ... Hắn phải hiểu một thị trấn là thế nào chứ ... Thôi được, hắn không còn ích gì cho ta nữa nếu hắn coi Detroit (1) là một thị trấn.
Gatsby bỏ máy xuống.
- Anh lại đây, nhanh lên! - Daisy đứng bên cửa sổ gọi.
Mưa vẫn rơi, nhưng trời đã rạng ở phía Tây và một dải mây hồng với những cuộn mây xốp nhẹ vàng óng lơ lửng trên mặt biển.
- Anh xem kìa. - Daisy thì thào, rồi một lát sau, nàng bảo. - Em chỉ muốn với lấy một dải mây màu hồng kia, đặt anh lên đó rồi đẩy đi khắp nơi.
Tôi tìm cách cáo lui nhưng họ không nghe. Có lẽ sự có mặt của tôi lại làm cho họ thấy được sự riêng biệt tự nhiên hơn.
- Tôi biết là ta nên làm gì bây giờ. - Gatsby nói. - Ta sẽ nghe Klipspringer chơi dương cầm.
Gatsby ra ngoài phòng, gọi to "Ewing". Vài phút sau anh trở lại, dẫn theo một gã trẻ tuổi, vẻ mòn mỏi, lúng túng, mắt đeo cặp kính đồi mồi, mái tóc nhàn nhạt thưa thớt trên đầu. Gã bây giờ đã chỉnh tề trong một cái "áo thể thao" cổ mở, giày cao su, quần vải thô bạc phếch.
- Chúng tôi có làm gián đoạn mất buổi tập của ông không? - Daisy hỏi một cách nhã nhạn.
Klipspringer ấp úng:
- Tôi đang ngủ ... Nghĩa là trước đó tôi ngủ. Rồi tôi dậy ...
- Klipspringer sẽ chơi đàn cho chúng ta nghe. - Gatsby cắt ngang lời gã. - Được chứ, người anh em?
- Tôi chơi không hay đâu. Tôi chơi không ra gì đâu. Tôi đã bỏ tập.
- Ta xuống nhà đi. - Gatsby ngắt lời gã. Anh bấm một nút điện. Các ô cửa sổ xam xám tan biến khi toà nhà chan hoà ánh sáng.
Trong phòng đàn, Gatsby bật một cây đèn đứng đặt bên cạnh chiếc dương cầm. Khi anh châm thuốc cho Daisy, que diêm anh cầm run run. Anh ngồi xuống cạnh Daisy trên một chiếc đi văng ở cuối gian phòng, chỗ đó không có ánh sáng nào khác ngoài ánh sáng ở hành lang hắt qua sàn gỗ bóng loáng.
Chơi xong bản "Tổ ấm tình yêu". Klipspringer xoay người trên ghế, đưa mắt tìm Gatsby trong bóng tối mờ mờ, vẻ thiểu não:
- Ông thấy đấy, tôi bỏ tập rồi mà. Tôi đã thưa với ông là tôi không chơi được. Tôi bỏ tập rồi mà.
Gatsby ra lệnh:
- Đừng nói nhiều. Chơi đi người anh em.
Từ sáng tinh mơ
Cho đến chiều ta
Ta say la đà.
Bên ngoài, gió thổi mạnh và tiếng sấm ì ầm xa xa ngoài Eo biển. Ở khu West Egg bây giờ các ánh đèn đã bật lên hết. Những chuyến tàu chạy bằng điện chở khách từ New York về đến các vùng ngoại ô lao nhanh giữa trời mưa. Đây là giờ phút diễn ra một sự biến đổi sâu sắc ở con người, và sự kích thích đã tràn ngập không gian.
Có một điều mà ta biết chắc
Có một điều không thể nào sai
Những người giàu lo kiếm tiền tài
Những người nghèo lo đẻ thêm nhóc
Và trong khi ấy
Giữa những lúc ấy ...
Khi bước lại để cáo từ, tôi thấy vẻ ngơ ngác đã trở lại trên mặt Gatsby như thể anh đã nảy sinh một thoáng hoài nghi về giá trị của niềm hạnh phúc hiện tại của anh. Gần năm năm trời! Ngay trong buổi chiều hôm nay, hẳn có những lúc Daisy đã không ngang tầm với những ước mơ của anh - không phải do lỗi ở nàng, mà do sức sống ghê gớm của cái ảo giác ở Gatsby. Cái ảo giác ấy đã cao hơn Daisy, cao hơn mọi thứ. Gatsby đã gieo mình vào ảo giác ấy với một niềm đắm say của kẻ sáng tạo, anh không ngừng làm cho nó đầy đặn thêm lên, điểm tô cho nó bằng tất cả những lông cánh rực rỡ lạc vào tay anh. Lửa hồng và gió mát nhiều đến đâu cũng không thể sánh được những gì mà con người có thể chất chứa trong trái tim trống trải của mình.
Thấy tôi nhìn, Gatsby rõ ràng sửa lại đôi chút dáng điệu của mình. Anh nắm lấy tay Daisy, và khi nàng thì thào một câu gì đó vào tai anh, anh quay sang nàng với một vẻ xao xuyến rõ rệt. Tôi cho rằng giọng nói ấy làm anh xúc động hơn tất cả với sự sôi nổi ấm áp, véo von trầm bổng của nó, bởi vì không có niềm mơ ước nào có thể cao hơn nó. Giọng nói ấy là một lời ca bất tử.
Họ đã quên mất tôi, nhưng Daisy vẫn ngước mắt lên chìa tay ra với tôi. Gatsby thì không biết gì đến tôi nữa. Tôi nhìn họ thêm một lần nữa, họ cũng nhìn lại tôi, vẻ xa vắng, đã bị sự sống mãnh liệt bên trong mình chiếm lĩnh hoàn toàn. Sau đấy, tôi ra khỏi phòng, bước xuống những bậc thềm bằng đá cẩm thạch, dấn mình vào trong mưa, để hai người ở lại đó bên nhau
Chú thích:
(1) Thành phố lớn ở miền Trung - Bắc Mỹ, có ngành công nghiệp xe hơi lớn.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro