Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Gào trăng trong núi

Gào trăng trong núi

Nguyên tác : Sangetsuki
Tác Giả: Nakajima Atsushi (1909-1943)
Người dịch : Nguyễn Nam Trân

Lời Người Dịch:

Nakajima Atsushi sinh năm 1909 ở Tokyo và qua đời năm 1943 cũng tại đây do suy tim, hậu quả của chứng suyển kinh niên. Vỏn vẹn trên ba mươi năm làm người, ông đã chứng kiến toàn chuyện bất hạnh trong đó có cảnh tổ quốc Nhật Bản nhảy vào chiến tranh Thái Bình Dương một năm trước khi ông tạ thế. Lúc nhỏ đau yếu mãi, rốt cục tốt nghiệp đại học, ông lao đao viø sinh kế. Sau khi dạy văn ở trường Nữ Trung Học Yokohama một thời gian, ông đành để vợ con ở Tokyo đi nhận chân thư ký ngoài đảo Saipan đổi gió chữa bệnh. Được ít lâu, ông lại từ chức trở về Tokyo, lao đầu viết và viết nhưng chẳng mấy lúc lên cơn suyển nặng rồi mất.

Văn chương ông phần lớn bắt nguồn từ cổ điển Trung Quốc, có lẽ vì xuất thân từ một gia điønh cựu nho. Thời trẻ, theo cha qua Triều Tiên, Mãn Châu, sau có dịp đó sinh sống và du lịch Trung Quốc, quần đảo Ogasawara, Saipan? nên hơi văn phảng phất hương vị trời xa xứ lạ. Ông thường lồng khung tác phẩm trong bối cảnh cổ xưa như thời Xuân Thu (với các nhân vật như Khổng Khâu, Tử Lộ, Vệ Trang Công, Thúc Tôn Báo). Hán (Lý Lăng, Tô Vũ, Tư Mã Thiên), Đường (Sa Ngộ Tịnh)... Ngoài Hàn Phi Tử, Vương Duy, Cao Thanh Khâu, Sử Ký, Tả Truyện?ông còn ham đọc các tác giả Âu Mỹ như Anatole France, Aldous Huxley, Robert Stevenson, O?Henry và Goethe nên lối hành văn của ông chính ra chịu nhiều ảnh hưởng Tây Phương.

Từ những đề tài cũ, ông chỉ giử lại những chi tiết làm mình xúc cảm rồi dàn dựng tài tình một thế giới hư cấu huyền ảo và qua đó, bày tỏ quan điểm về con người và cuộc sống.

Gào Trăng Trong Núi (Sangetsuki, Sơn Nguyệt Ký) mượn tích Nhân Hổ Truyện, một thiên truyền kỳ đời Đường do Lý Cảnh Lượng soạn, trích từ tác phẩm Cựu Tiểu Thuyết Ngô Tăng Kỳ biên. Tuy nhiên, chắc chắn thể nghiệm thân xác bị suyển hành hạ của Nakajima Atsushi cũng góp phần không nhỏ vào việc xây dựng tác phẩm. Qua nó, chúng ta thấy bóng dáng Hoá Thân (Metamorphose) (người biến thành sâu) của văn hào Tiệp gốc Do Thái Frank Kafka và những truyền thuyết về người hóa sói ở Âu Châu nhưng diễn ra trên một bình diện và mang một ý nghĩa khác.

Nguyên tác ra mắt độc giả năm 1941 trên tờ Bungakkai (Văn Học Giới) đã được nhà xuất bản Kadogawa in khổ bỏ túi từ 1968 và tái bản đến lần thứ 55 năm 2003.Văn ông thường được dùng làm tài liệu giáo khoa cho thanh thiếu niên Nhật.

................

Lý Trưng người Lũng Tây học rộng tài cao, cuối năm Thiên Bảo , tuy hãy trẻ mà đã tên đề bảng hổ, được bổ ngay chức Úy ở Giang Nam.Tính tình ngang bướng, chẳng coi ai hơn mình, không chịu nổi phận hèn kém nên chỉ ít lâu đã treo ấn về vườn. Nằm khểnh ở núi cũ, đóng cửa tuyệt giao người đời, mê mải làm thơ quên hết ngày giờ. Lý nghĩ thay vì ôm chức lại quèn suốt ngày quì gối trước bọn thượng quan nhơ bẩn, chi bằng theo đuổi nghiệp thơ để trăm năm sau danh thơm vẫn lưu truyền hậu thế. Tuy nhiên, tên tuổi nào có thấy đâu mà cái nghèo cứ bám miết làm Lý không khỏi bực bội. Từ đấy, mặt mày tiều tụy, gầy guộc xác ve. Ngoài cặp mắt với cái nhìn sắc cạnh riểu cợt, chẳng còn tìm đâu ra dấu vết phong thái trẻ trung, đôi má tròn căng của ông tân tiến sĩ ngày đăng khoa. Chỉ được vài năm, không kham nỗi cảnh túng quẫn, vì miếng cơm manh áo vợ con, đành khuất tiết, khăn gói về Đông nhận một chức quan nhỏ địa phương. Làm như thế một phần cũng vì đã tuyệt vọng về đường thi phú. Bè bạn đồng lứa ngày xưa ai nấy đều đã đường mây nhẹ cánh nhưng không nói cũng thừa biết, việc phải nhận mệnh lệnh từ lũ xưa kia Lý vẫn cho là lục tục tầm thường và không thèm để mắt tới là cực hình cho lòng tự ái của kẻ một thuở tài danh. Lý đâm ra tức tối nóng nảy, bắt đầu cảm thấy không kìm được triệu chứng cuồng khí đang bốc trong người. Cách đó một năm, khi có việc quan phải đi xa, đến chỗ trọ bên bờ sông Nhữ Thủy thì bệnh bỗng phát ra. Nửa đêm, mặt mày chợt biến dạng, Lý đứng trên giường gào hú những âm thanh lạ lùng không ai hiểu nổi rồi cứ nguyên như thế nhảy xổ xuống, chạy như ma đuổi vào trong đêm tối. Lý không bao giờ trở về nữa. Cho người kiếm khắp núi non rừng rú quanh vùng cũng chẳng đâu ra vết tích. Từ dạo ấy, không còn ai rõ hành tung.

Năm sau, có quan Giám Sát Ngự Sử người quận Trần tên gọi Viên Tham phụng mệnh xuống miền Lĩnh Nam, dọc đường ngủ đỗ đất Thương Ô. Sáng hôm sau, mới tờ mờ đất, quan đang sửa soạn lên đường thì kẻ lại coi nhà trạm cho biết đoạn đường sắp tới thường có hổ ra vồ người nên bộ hành phải đợi trời sáng rõ mới dám đi. Bây giờ hãy còn quá sớm, quan nên đợi thêm chốc nữa. Thế nhưng Viên Tham có lẽ cậy tùy tùng đông đảo, gạt phắt lời khuyên của dịch lại. Khi đoàn người đang nương theo bóng trăng tà đi ngang truông cỏ giửa rừng thì đúng như dự đoán, một con mãnh hổ chợt từ lùm cây phóng vọt ra. Hổ mới dợm chồm về phía Viên Tham thì thoắt cái đã quay ngoắt vào bụi rậm. Giữa lùm cây bỗng nghe có tiếng người thì thào lập đi lập lại " Suýt chút nữa xúc phạm đến cố nhân!". Giọng nói ấy Viên Tham có dịp nghe ở đâu rồi. Tuy đang kinh hãi nhưng trong đầu Viên Tham bỗng như có ánh chớp loé ra, sực nhớ mới kêu lên: "Tiếng nói kia có phải của bạn ta là chàng Lý Trưng không?" Viên Tham vốn đỗ Tiến Sĩ đồng khoa, là một người bạn thân trong số người hiếm hoi Lý xem là bạn. Có lẽ chỉ vì Viên tính khí ôn hoà, không xung khắc với cái kiêu căng ngạo mạn của Lý.

Bẵng một lúc, trong lùm cây không thấy ai đáp. Thế rồi nghe tiếng khóc thút thít nghẹn ngào vọng ra từng hồi. Một đỗi sau, mới có giọng trầm trầm trả lời: " Vẫn còn gọi tôi là Lý Trưng đất Lũng Tây được đấy!".

Viên Tham quên cả sợ, xuống ngựa tiến lại gần lùm cây, bồi hồi kể lể nổi nhớ nhung lâu ngày vắng bạn. Lại hỏi tại sao không chịu ra khỏi lùm để gặp nhau. Lúc ấy mới nghe giọng Lý Trưng trả lời cho biết ngày nay mình đã mang hình quái vật gớm ghiếc thì đâu dám bước ra chào cố nhân mà không khỏi thẹn. Hơn nữa, có chường mặt chỉ làm bạn cũ sinh lòng khiếp sợ và ghét bỏ thôi. Tuy nhiên hôm nay không hẹn mà gặp cố nhân giữa đường thì lòng mình vô cùng cảm khái quên mất tị hiềm. Thế thì cho dù một khoảnh khắc, chỉ xin đừng ghê tởm cái vỏ ngoài xấu xí kinh khiếp mà cho gã Lý Trưng ngày xưa được trò chuyện đôi lời .

Về sau Viên Tham nghĩ lại mới thấy lạ lùng nhưng thực tình lúc đó quan đã đối phó với tình huống dị thường này hết sức tự nhiên, không hề kinh động. Quan bèn truyền lệnh cho đội ngũ tùy tùng dừng chân lại và một mình đứng trước bụi rậm trò chuyện với cái tiếng người kia. Họ hết trao đổi về những lời đồn đãi ở kinh đô, tin tức bạn bè cũ, địa vị của Viên bây giờ rồi đến lượt Lý Trưng chúc mừng Viên Tham. Sau bao câu chuyện ân cần với giọng thân mật như thuở còn trai trẻ, Viên Tham mới hỏi Lý Trưng vì cớ gì để thân phải đến nước nầy. Trong bụi cỏ, tiếng người mới thuật hết ngọn ngành:

Cách đây độ một năm, trên đường đi xa, ban đêm lúc tôi ngủ ở quán trọ bên bờ Nhữ Thủy thì chợt thức giấc và nghe như ngoài cửa có ai gọi tên mình. Tôi mới nghe theo bước ra ngoài thì tiếng kêu từ trong bóng tối đôi lúc cứ tiếp tục vẫy gọi. Bất giác, tôi đuổi theo tiếng gọi ấy và sau một hồi chạy bất kể trời đất như trong cơn mơ, tôi đến tận bìa rừng. Thế rồi không biết tự lúc nào, hai bàn tay tôi đã cào lấy mặt đất và nương theo đó phóng đi. Tôi cảm thấy trong người dào dạt một nguồn sinh lực sung mãn giúp tôi trèo vượt đá ghềnh thoăn thoắt. Nhìn lại mới thấy chỗ từ ngón đến khuỷu tay, hình như lông lá đã bắt đầu mọc. Lúc trời sáng thêm một chút, đến chỗ dòng sông dưới thung lũng nhìn hình thù in trên mặt nước thì thấy mình đã hóa hổ rồi. Lúc đầu còn tưởng vì hoa mắt, sau lại ngỡ đang ở trong giấc chiêm bao. Bởi tôi từng có kinh nghiệm lúc đang ở trong giấc mộng lại thấy mình nằm mộng nữa kia. Đến khi cần phải hiểu đây không là mộng mị gì cả, tôi mới đâm ra thẩn thờ. Rồi khiếp sợ. Một sự sợ hãi sâu xa vì biết rằng bất cứ chuyện quái lạ đến đâu cũng có thể xãy ra. Thế nhưng cớ gì tai nạn lại nhằm đầu tôi đổ xuống. Không hiểu được. Hoàn toàn không hiểu nổi. Chắc số trời bắt tôi sống cái kiếp nầy mà không cần cho biết lý do, chỉ nên lẳng lặng chấp nhận định mệnh đã an bài. Tôi đã định hủy mình. Có điều lúc tôi chực chết đi cho yên bỗng có con thỏ chạy qua trước mặt. Nhân tính liền biến đâu mất. Khi cái thằng người trong tôi bừng mắt dậy thì mồm tôi đã dây đầy máu thỏ, bên cạnh lông thỏ rơi rụng vương vãi rồi. Đấy là kinh nghiệm làm hổ đầu tiên trong đời tôi. Còn nói chi biết bao điều tôi tiếp tục làm kể từ ngày ấy.

Duy có một đôi giờ trong ngày, tình cảm con người trở lại trong tôi. Khi ấy, tôi vẫn còn sử dụng được tiếng người và có khả năng suy nghĩ những điều khá phức tạp như xưa. Hãy còn nhớ làu làu nội dung sách vở kinh sử. Lúc đó tôi có dịp đem cái lòng con người để đánh giá hậu quả những hành vi tàn ngược tôi đã làm trong lốt hổ, rồi lúc nhìn lại số phận mình, tôi thấy không có gì đáng thẹn, đáng sợ và đáng tức hơn. Tuy nhiên theo thời gian, những giây phút trở về với bản tính con người càng ngày càng ngắn lại.

Tôi hãy còn lấy làm quái lạ tìm hiểu sao mình lại hóa hổ nhưng mấy lúc gần đây, có khi bất đồ tự hỏi cớ gì trước kia mình là người cơ nhỉ. Đó mới là điều đáng sợ. Mai mốt, cái phần tình cảm con người chắc sẽ bị tập quán thú vật chôn biến đi chăng? Khác nào nền móng cung điện cổ xưa bị vùi trong đất cát. Cứ như thế, một ngày khi quên hết cái quá khứ làm người rồi thì chỉ còn là một con hổ hung hăng, gặp cố nhân ở giữa đường nhận không ra, có vồ ăn thịt cũng chả cảm thấy hối hận. Thế thì người lẫn thú, cả hai trước kia là loài gì thế? Trước đó hãy còn nhớ gốc gác sau dần dần quên bẵng đi và cứ ngỡ hình thù hiện tại mang trên thân xác mới là cái ta xưa nay? Nhưng thôi, chuyện đó ra sao cũng được! Để mặc tình cảm con người sót lại trong lòng biến mất đi có khi giúp miønh sống hạnh phúc hơn. Dầu vậy cái phần con người trong ta nó lại không sợ gì hơn là rơi vào cảnh đó. Ôi, buồn làm sao, lo làm sao mà cũng xót xa làm sao mỗi lần cứ nghĩ đến khi mình sẽ quên đi có lúc đã làm người. Tình cảm này ai thấu cho ta. Chắc ai mà biết được ! Nếu có, phải là người sống cùng hoàn cảnh. À nầy, phải rồi! Trước khi tôi hoàn toàn hết còn là người, chỉ xin cố nhân giúp cho một chuyện.

Nãy giờ, cả Viên Tham lẫn đám tùy tùng đều nín thở, lắng tai nghe tiếng nói lạ lùng từ trong lùm cây vọng ra. Giọng ấy lại tiếp tục :

Không dám yêu cầu gì quá quắt. Lý tôi bình sinh làm thơ và những mong nhờ đó để chút danh lại trên đời. Nay sự nghiệp chưa thành mà số phận đã ra nông nỗi nầy. Xưa kia sáng tác được vài trăm bài vẫn chưa có dịp cho lưu hành ở đời. Bản thảo bây giờ cũng không nhớ để đâu. May là trong số đó vẫn còn thuộc lòng vài chục. Chỉ mong bác giúp ghi chép gìn giử hộ. Không phải muốn dựa vào đó để dương danh thi sĩ. Thơ tôi hay dở mặc lòng nhưng nó tượng trưng cho những gì một đời đeo đẵng đến nổi cửa nhà khánh tận, tính khí cuồng điên. Nếu không gửi gắm một chút lại đời sau thì chết đi khó lòng nhắm mắt.

Viên Tham bảo bộ hạ đem giấy bút rồi theo tiếng nói trong bụi mà ghi chép. Giọng Lý Trưng từ lùm cây vang ra sang sảng. Dài ngắn cả thảy trên ba mươi bài, văn thể cao nhã, ý nghĩa phiêu dật, chỉ đọc qua một lượt đã thấy bài nào cũng bộc lộ tài năng phi phàm của tác giả. Trong bụng không khỏi khen thầm nhưng Viên Tham mơ hồ cảm thấy tuy không có gì để nghi ngờ năng khiếu trời cho của Lý mà quái lạ, các tác phẩm coi như vượt hẳn người đời thế nầy xem ra hãy thiêu thiếu cái gì.

Sau khi đã để tuôn trào những vần thơ cũ, giọng của Lý Trưng đột nhiên đổi khác, như thể tự trào :

Đáng thẹn cho tôi, ngày nay đã mang cái lốt gớm ghiếc nầy rồi mà vẫn cứ muốn nhìn thi tập của mình bày trên án thư của khách phong lưu tài tử đất Trường An. Nằm dài trong hang đá mà còn mơ mộng chuyện đâu đâu. Cứ chế riễu tôi đi ! Thằng đàn ông đáng thương, nhà thơ thì không thành mà lại thành hổ (Viên Tham nghe và chợt nhớ cái tật thích tự trào của Lý Trưng ngày còn trẻ mà đau lòng cho bạn) . Được rồi, để bác có thêm dịp cười cợt, tôi xin ứng khẩu đọc mấy vần thơ nói lên cái tâm sự bây giờ của tôi. Nó là bằng cớ cho thấy trong xác hổ nầy vẫn còn có chút Lý Trưng :

Ngẫu nhân cuồng tật thành thù loại,
Tai hoạn tương nhưng bất khả đào.
Kim nhật trảo nha thùy cảm địch,
Đương thì danh tích cộng tương cao.
Ngã vi dị vật bồng mao hạ,
Quân dĩ thừa diêu khí thế hào.
Thử tịch khê sơn đối minh nguyệt,
Bất thành trường khiếu đãn thành hao.

(Nhỡ mắc bệnh cuồng mang xác lạ.
Tai họa bao vây, trốn thế nào?
Nanh vuốt ngày nay ai chẳng sợ,
Nhớ xưa danh tiếng một thời cao.
Tôi thân quái vật vùi truông cỏ,
Bác ngựa xe quan thế mạnh sao!
Đêm nay khe núi nhìn trăng sáng,
Muốn rống thê lương, thoắt nghẹn ngào)

Lúc đó, trăng tàn, ánh sáng tỏa bàng bạc, móc trắng thấm ướt mặt đất, gió lạnh len qua hàng cây báo hiệu ngày sắp rạng. Mọi người hầu như đã quen với không khí quái dị, chỉ than thầm cho cái thái độ khinh bạc của nhà thơ. Lý Trưng lại tiếp lời :

Tôi vừa thưa không biết cớ gì mình ra nông nỗi nầy nhưng suy đi nghĩ lại thì sự thể xãy ra không phải hoàn toàn vô cớ. Khi tôi còn là người, tôi lại cố kiếm cách lánh đời. Họ bảo tôi ngạo mạn, tự cao tự đại. Nhưng ai nào biết cho thái độ đó chỉ bắt nguồn từ tính nhút nhát của tôi. Dĩ nhiên, ngày xưa trong xóm ngoài làng, được xem như kẻ tài năng xuất chúng, tôi làm gì không khỏi tự kiêu. Nhưng phải nói cái tự kiêu đó xuất phát từ tính nhát nhúa mà thôi. Một đằng tôi muốn mượn văn chương để lưu danh với đời, một đằng lại ngại tìm thầy, kết bạn hòng trao đổi dùi mài thêm. Nói cách khác đi, cứ như là cao ngạo không muốn chung đụng với những kẻ lục tục thường tài. Nhưng điều đó cũng là do lòng tự tôn phát xuất từ nhát nhúa và e thẹn. Sợ làm hao phẩm chất châu ngọc của mình đi nên không gắng công khắc khổ rèn cập. Tin rằng mình đã có được phân nửa chất ngọc, không chịu xuống ngang hàng với hàng ngói vỡ gạch vụn. Rồi dần dần lìa bỏ cuộc đời, xa lánh loài người. Uất ức tủi hờn đã nuôi dưỡng cái lòng ngạo mạn và tính nhát nhúa ngày thêm to lớn.

Người ta ai cũng phải dạy cho thuần một con mãnh thú trong người. Bản sắc con thú như rập khuôn với tính tình của ta. Trong trường hợp tôi, con thú đó là lòng ngạo mạn do e thẹn sinh ra. Nó là tính hổ. Con hổ đó đã làm tôi đánh mất thân danh, làm khổ vợ con, làm tổn thương bè bạn. Tóm lại, bên ngoài thân xác biến dạng thế nào thì lòng tôi cũng biến chất theo thế ấy. Bây giờ nghĩ lại tôi thấy chính mình đã làm uổng phí cả chút tài mọn mình có. Cái câu răn đời thường thấy ở cửa miệng người ta là " cuộc đời nếu không làm gì cả thì thấy nó dài nhưng có chuyện làm lại rất ngắn " thường được đem ra mà đùa nhưng sự thực, cái mối lo lắng hèn nhát ngại mình " phô cho người ta thấy cái tài hãy còn non nớt " để rồi đâm ra bê trễ không chịu khắt khe với bản thân mới là tất cả cái dở của tôi. Có biết bao nhiêu người tài nghệ thua sút tôi xa nhưng họ một lòng một dạ trau giồi nên đã đường đường thành những nhà thơ. Giờ mang xác hổ rồi, tôi mới thấm thía điều đó. Mỗi lần nghĩ đến, tôi cảm thấy tâm can dày vò vì hối hận. Nhưng tôi hết còn sinh hoạt như người thường nữa rồi. Giả dụ giờ đây trong đầu tôi có nghĩ ra một bài thơ hay. Liệu có cách nào truyền đạt cho người khác biết không?

Hơn nữa đầu óc tôi mỗi ngày càng giống hổ thêm. Biết sao đây, hở trời! Bao tháng ngày bỏ phí hỏi tìm đâu ? Lần hồi tôi không chịu nổi nữa. Mỗi lúc như thế, tôi trèo lên mỏm đá trên đỉnh núi đằng kia, hướng về thung lũng hoang vu mà gầm. Tôi muốn đem nỗi buồn đang đốt cháy ruột gan thổ lộ cho ai kia được biết. Tối hôm qua, tôi lại lên chổ ấy ngước nhìn vầng trăng gào thét. Để một ai đó hiểu dùm nỗi thống khổ trong tôi. Tuy nhiên, muông thú nghe tiếng tôi gầm thì sợ hết vía, chỉ biết nằm bẹp dí. Cả núi rừng sương móc chung quanh chắc chỉ xem đó là tiếng rống của con hổ trong cơn giận dữ cuồng điên. Chồm lên không, phục xuống đất mà gào đi nữa, chẳng có lấy một người thấu được lòng. Cái thuở làm người cũng thế, có ma nào hiểu cho con tim nhạy cảm, dễ bị tổn thương của tôi đâu! Cái bộ lông đẫm ướt nầy, đâu chỉ vì thấm mỗi sương khuya.

Dần dà, màn đêm bốn bề rồi cũng vén lên. giữa mấy hàng cây vọng từ đâu đến âm hưởng tù và báo hiệu bình minh rúc nghe buồn bã.

Phải từ biệt mà thôi. Giọng Lý Trưng cho biết cái giờ bước vào vòng mê muội ( giờ phải trở về kiếp hổ) sắp điểm rồi. Thế nhưng trước khi chia tay xin nhờ cậy thêm điều nữa. Đó là chuyện vợ con. Gia điønh tôi còn ngụ ở quê cũ đất Khách Lược, đến nay họ vẫn không rõ những gì đã xãy đến cho tôi. Khi cố nhân từ miền Nam trở về, có thể nào nhắn hộ với họ là tôi đã chết rồi không ? Chuyện xãy ra hôm nay xin kín tiếng cho. Nói ra thì quá trơ trẽn nhưng xin thương xót lũ cô nhi mà lo toan để mai sau chúng nó không phải chết đói chết rét vệ đường thì ơn ấy không gì sâu dày hơn.

Nói vừa dứt lời, trong bụi rậm lại vang ra tiếng khóc thãm thiết. Viên Tham cũng mắt lệ lưng tròng xin nhận lời bạn phú thác. Nhưng giọng của Lý Trưng thoắt trở lại cái khẩu điệu tự trào khi nãy :

Đáng lẽ ra phải nói chuyện nhờ vả nầy trước tiên nhưng thuở làm người tôi chỉ nghĩ đến cái thi nghiệp chẳng ra gì của tôi thôi chứ có lo vợ con phải đói lạnh đâu. Viø chừng đó mà bị đọa xuống hàng cầm thú cũng nên !

Ngoài ra Lý còn nhắn thêm với Viên Tham khi từ phương Nam trở về xin chớ mượn con đường nầy nữa. Bởi vì lúc đó mình đã mê muội, không nhìn ra người cũ mà nhảy ra vồ cũng nên. Rồi sau khi giã biệt, đi đến chỗ gò cao cách đó chừng một trăm bước, nhớ quay mặt nhìn lại một lần cho. Để biết rõ hình dạng của tôi bây giờ. Không phải muốn khoe tư thế hùng dũng mà chỉ cho bác thấy hình thù xấu xa gớm ghiếc để mai sau qua chốn nầy, bạn dù có thương cũng ghê tởm không muốn tìm gặp nữa.

Họ Viên hướng về bụi rậm nói mấy câu thân ái để từ biệt rồi lên yên. Bên trong bụi lại văng vẳng tiếng khóc thê thiết không gì cầm lại được. Viên Tham bao lần ngoái về hướng bụi rậm rồi ra roi đi trong nước mắt.

Như lời Lý dặn, đoàn người ngựa lên tới gò cao mới quay lại, đảo mắt nhìn cái truông giữa rừng cây ban nãy. Tức thì một con hổ từ trong cỏ rậm phóng ra, leo lên đường cái và nhòm về hướng họ. Hổ ngẫng đầu lên nhìn vầng trăng giờ đây đã nhạt nhòa, gầm lên độ hai ba lần, xong quay mình lao vào bụi rậm rồi không thấy hình dáng đâu nữa.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro