IV. Kết
Đớn đau là thế, tôi cũng chẳng thể cuốn cái áo kia đem đút vào vò. Dẫu gì cũng là người tôi thương ra sức may cho, có bị chế là phường phải gió, tôi cũng phải mặc lên ra đường lượn quanh lấy mẽ.
"Ông bá mới vừa lên lão năm kia, cậu Hai đã muốn soán luôn ngôi thầy rồi ạ?"
("Ngôi" đây là ngôi thứ trong làng, đàn ông từ 50 thường được được lên ngôi lão.)
Thấy tôi non tuổi đã chòi mâm cao, áo lão mà cứ nghênh ngang mặc khoe khắp xóm, những câu chế đùa như thế nảy ra rất thường. Nhưng tôi mặc kệ, bởi từ dạo chăm mặc cái áo, em từ xa cũng có thể í ới gọi tên tôi.
Tối về vạch áo soi xem, không khó để nhận ra hoa văn chữ thọ trên áo quả có phần đặc thù hơn hàng gấm thiên hạ, chắc là... em vì muốn nhận riêng tôi mà dệt.
Nhìn người mà còn phải nương tấm áo, cô gái hàng tằm số khổ của tôi, cái việc tầm thường cớ đâu em phải thương tâm như vậy...?
Của nợ nhà tôi luôn tầm ngầm nặng mang như thế, tôi làm sao có thể không xót không thương?
Có lẽ, em cũng có phần thương tôi đấy nhỉ...?
Lần buôn xa ấy về, áo quần chưa thay, râu ria chưa cạo, tôi đã trở cơn nghiền ám ra chợ rình em. Nghe em nói với hai đứa song sinh mình nghía trúng thằng cụt hàng thịt, người đột nhiên rụng rời muốn ngất.
Cơn uất bố đời thiên hạ trỗi lên, tôi đã toan cầm dao đến nhà đá bay thằng ấy. Còn may đầu óc chưa đến nỗi bị gái chọc hư, giữa đường đã ngẫm ra nguồn cơn cơ sự.
Em thích thằng đó hẳn là vì nó có điểm hình thể đặc thù dễ nhìn nhận ra, chứ mấy năm nay dưới sự khống chế ngấm ngầm của tôi, em đã được thân thiết quá đà với ai mà sinh thương nhớ? Vả chăng, sinh thân đàn bà phải trọn tiết với chồng, em có nỗi sợ nhận nhầm đàn ông không có gì lạ. Cởi cái áo ra, thằng nào lại chẳng như thằng nào?
Huống hồ, đuổi thằng cụt chân đó đi, còn có thằng què tay tên bại liệt khác chõ vào. Tôi có là cháu của quan huyện, cũng nào có cái quyền to ngang giời, một lần tống hết người khuyết tật dị dạng khỏi châu?
Hoạ, là phải chặn từ đầu mới đúng.
Thế là từ đấy, tôi có thêm một vết sẹo bông dài ngoẵng trên tay.
Ông bác tôi nhờ vãi dầu bỏng ngày đó đã vừa nhăn vừa quở, thương ai đến mức tự hoại thế này, có ngày tôi sẽ bị giời đánh.
Ôi giời, thì cũng vài cái lá vàng rơi vai chứ mấy? Tôi sợ vào.
Cái tôi sợ, là người tôi thương chỉ có thể nương vào lớp áo. Ít nhất với tôi, em không cần nhọc tâm đủ đường. Thay cái lớp áo bằng lớp da để em dễ nhận ra thôi, thân tôi dư sức gánh.
Tháng bảy năm ấy, tôi đã chẳng còn kiên nhẫn ngồi chờ, bèn liều mạng đem sính lễ sang nhà em dạm hỏi. Biết là sang năm em chỉ mới ngấp nghé trăng non, thầy u em hẳn sẽ tìm đường chối đẩy. Nhưng ít nhiều thấy tôi đã ngỏ lời đấy, ông bà cũng sẽ nể tình cho chạm ngõ trước không chừng.
Nào ngờ, ông cụ nhà tơ thường ngày phởn phơ khoái ý với tôi, giờ đây lại quyết chí khăng khăng không gả.
"Cậu Gánh à," ông nghiêm túc nói. "Con Nợ nhà tôi cả đời này sẽ không gả cho bất kỳ ai."
Thấy tôi sững ra, ông thở dài hạ giọng.
"Có lẽ cậu cũng ngờ ngợ mắt nó có tà, nhưng có điều tôi chắc cậu chưa rõ tai hại phía sau. Các thầy đã đoán đời này nó bạc nợ cháu con, càng lớn sẽ càng tản vía, tầm hàng ba liền bị vong xéo trở điên trở dại. Đến lúc đó, việc mà vỡ ra, sợ làng sẽ còn hùa nhau đem giết, chứ có ai mà muốn chứa chấp ma quỷ gần bên...? Vợ chồng tôi đã tính rồi, giữ nó cạnh bên qua ngày, chờ phát dại sẽ đưa con lên rừng mà sống. Thế gian này ngoài phụ mẫu chúng tôi ra, sẽ chẳng còn ai nguyện cười gồng gánh nợ này. Tôi không thể an lòng giao nó cho bất cứ ai được cả."
"Cái duyên cái nợ này, xem như tôi thay nó hẹn cậu kiếp sau."
Kiếp sau ư? Kiếp sau lại có mấy nao hở giời...?
Ông đã nói đến thế, tôi chỉ đành thất thểu ra về. Đúng là tôi không ngờ căn kiếp kia của em sâu cay mức đó. Có phải vì vậy mà con người em lúc nào cũng sầu đông nhét dạ?
Không con không cháu, hồn vía không toàn.
Tôi cứ nghĩ mình phải cần một quãng thời gian mới có thể tiếp nhận. Đến chừng trông cái dáng thiếu nữ thẩn thơ ngâm hát trăm sầu giữa gió đêm hiu hắt, lòng bỗng đâu cuộn lên quyết tâm bất chấp.
Thương em mấy núi đã trèo, mấy sông đã lội, mấy đèo đã qua.
Giờ còn có nhúm vong ma, ám em ông chẳng hơn cha chúng mày?!
Chúng mày ám gì cũng được có mấy mươi năm, ông đây đã ra tay thì là cả kiếp.
Rồi để xem ngữ nào ám dai hơn ngữ nào...!
Ra Giêng là phải cưới thôi, chả lôi thôi chi nữa!
Thế là, thể theo lời nguyền không ngừng ngày đẻm vang dội trong đầu, tôi nghênh ngang bắt đầu tạo nghiệp.
Lò đã quạt ra lửa to, lại gặp trúng gió Đông là cô Bình kia nhờ vả, tôi liền một nước thành công thử ra được vàng.
Thấy em ôm rượu khóc rũ người trách tôi vô tâm vô phế, uổng em bấy lâu thương giấu thương chìm, thật thằng già tôi mừng muốn đứng tim, đã toan cong đít hò reo khắp chốn, cô Hai thương tôi, là tôi! Làng nước ạ...!
Cuối cùng, chỉ có thể cười trầm ôm em vào lòng hôn má hôn môi.
"Thế này... bác cháu mình có mang tội loạn luân không bác?" em say khước sờ sờ mặt tôi, mắt long lanh chân thành khẽ hỏi.
Đã muốn gõ đầu mắng cô ả là đứa dở đời, tôi với ả máu mủ gì mà luân với loạn? Ấy mà chưa kịp thành câu, ả đã vỗ vỗ ngực mình, phán ra một câu làm tôi quên luôn trời đất.
"Kệ đời, bác cứ trèo lên đây, loạn gì cháu gánh!"
Nói rồi giật luôn cái yếm ném phứt ra ngoài, đoạn bổ lên người tôi... ngủ mất.
Tôi nói gì cũng nương cửa thầy đồ khôn lớn, làm sao có thể nhân lúc này chiếm đoạt thân em? Quá lắm thì ban đầu tôi cũng chỉ định bày binh bố trận để em tưởng mình thất thân rồi cắn răng chịu gả.
Sự thể phát sinh đến đây thì đỡ hơn chút, ít nhất, em không cần cắn răng.
Ấy nhưng thân vẫn phải thất, nếu không ông lão nhà tơ còn lâu mới chịu nhún nhường gả em cho tôi.
Thế nên, tôi trở người lột sạch em, đắp áo mình lên rồi nhặt tràng hạt của em ra cửa chòi ngồi tụng cho tĩnh cái tâm.
Trăng lên thấy lạnh bèn chui vào chòi ôm em tụng tiếp.
Ừ thì nhịn ít nhịn nhiều chả là nhịn như nhau? Thế này ấm hơn.
Đại công cáo thành, ra Giêng năm ấy tôi đem võng tứ cống đến rước vợ về.
Thời điểm buột miệng thoát ra thề nguyện giàu hèn nhất thê, em vươn một tay sờ mặt tôi, mắt mơ màng ngấn lệ.
Tôi biết, đấy là em đang muốn "nhìn" rõ tôi đặng khắc cốt ghi tâm chi đây. Cô gái của tôi, chỉ có thể nhìn người thân cận bằng tay, bằng lòng.
Nhói lòng, tôi lại càng siết chặt tay em.
Lúc sau ngồi quỳ để làm lễ bái biệt song thân, khi cúi đầu đỡ tôi đứng lên, bu em lặng lẽ buông một câu, "u không nhìn lầm cậu."
Bao nỗi nặng sâu của đấng sinh thành, đều dồn vào năm từ nhẹ tênh đấy cả.
Tôi biết, tôi đang gánh trên vai không đơn giản là một người vợ, còn là tình thương trời biển của cặp phụ mẫu này. Manh áo quý trao tay còn sợ người làm rách, huống gì là khúc ruột dứt ruột đẻ ra.
Hoá ra, cái gọi là kiếp nợ hồng trần, lại bao hàm những điều thiêng liêng đến lạ.
Giờ mới hay trước đây tôi vẫn luôn trốn là đời đấy thôi. Nhân sinh ai chẳng gánh gồng? Gái lớn gánh chồng, đàn ông gánh vợ, kẻ chợ gánh hàng, tằm tang gánh cửi. Ai rồi thì chẳng thành nợ của ai?
Chỉ là mình tự hỏi lòng, liệu rằng có đáng?
Nếu gánh nợ là kiếp đáng đời, nợ em tôi gánh đáng đời làm trai.
Lấy vợ, phải lấy cô Hai mới đáng!
.
Đêm đó, tôi nghiến lấy em như cáo được gà, như bò được rạ, lần đầu tiên nếm trải cái gọi là khổ tận cam lai. Cuối cùng, lão già này cũng lấy được cô Hai rồi...!
Khổ vì những năm qua đau đáu mỗi mình con vợ trẻ người, tôi đối chuyện ổ hang cũng chẳng đào đâu ra kinh nghiệm mà trườn mà trải, thế là suốt cả tháng dài vô tình làm em đau ngất.
Ấy mà con vợ thích gánh nhà tôi lại cứ bập môi chịu trận mới đau!
Có ngày nó sụt sịt thổn thức xua tôi tiếp đi, đau thôi không chết đâu mà sợ, thằng già tôi đây mới vỡ ra trăm nỗi dở khóc dở cười.
Dở cười, là do... cô nàng sợ tôi chết sớm. Trách sao dăm bữa không yến lại sâm, tôi còn tưởng em chê tôi già, tẩm bổ để đêm hôm lên giường hăng cấy. Hoá ra là nghĩ tôi sắp gần trăm, giời ạ!
Dở khóc, là vì mấy nỗi dở cười ấy, lại toàn vì thương tôi.
"Lúc đó vừa hay em dại mất rồi, cậu chết em cũng chẳng biết đâu..."
Thiên tai tính toán của tôi, đã nép lòng nỉ non như thế đó. Em tính được đến cả khi mình phát dại thì tôi cũng chẳng còn đây để gánh nữa rồi, tài thật! Thì ra lấy tôi em đã tính hết rồi, dù rằng tính toàn sai cả.
Sao phải nhọc như thế em ơi...?
Đã thế, tôi làm sao có thể để em biết mình tính sai? Cái nết em thân lừa ưa nặng thế kia, có khi biết tôi thọ dài lại đâm ra khổ tâm lo sợ vẩn vơ cũng nên, đành cứ tiếp tục chịu già trong mắt em vậy.
Chỉ là, nghĩ đến cảnh em trở dại sau này chẳng nhìn ra tôi nữa... lại không đâu bật khóc.
Em hỏi tôi khóc gì, tôi chỉ còn biết ngậm cười than đau.
Làm sao tôi có thể nói em hay, tôi đau vì xót cho của nợ của mình...
Nhà này từ ngày tiếp quản, tôi đã sắp xếp đâu đấy rõ ràng. Thầy bu tôi đều nghĩ tôi học theo ông cậu làm quan nên bày đặt phép nhà chỉn chu đến từng manh áo cái mũ. Kỳ tình, họ đều không biết, tôi là đang trải ổ chờ em. Tôi không muốn con người tôi quý như vàng lại phải trơ trọi lạc hoang giữa một rừng người ngợm. Em không muốn tôi hay, không có nghĩa tôi có thể nhắm mắt làm ngơ trông em khổ sở. Đến cả cái nhà tơ tôi cũng dựng sẵn chờ em, còn đuổi đám con gái trong nhà đi tằm tang canh cửi. Không như thế, em về đây lại có thể hợp cạ cùng ai? Tôi năm tháng phải bôn ba bên ngoài, không phải lúc nào cũng có thể kề bên chăm sóc.
Rồi thì đám hĩm nhà tôi cũng phải lấy chồng, tôi lại sợ lũ chồng chúng nó có cùng tư tưởng lấy vợ phải lấy cô Hai mới đáng như tôi, thôi thì đã sẵn cô Hai làm mẫu đây rồi, cứ đẩy chúng đi học cho ra cái nết hiền thê dâu thảo.
Sau này, lại bị chính cái nết ấy quật cho tơi bời tim gan lòng mề.
Em muốn cưới thêm nàng lẽ cho tôi, giời ạ!
Tôi mắng em rất nhiều, ai đời tham con tham đến độ muốn lấy thêm vợ để đẻ cho chồng? Em chỉ cắm đầu nghe mà im thít, mãi đến khi đêm khuya thao thức mới trở mình ra sân than với cây xoan trụi lá trong sân, em có muốn đâu, nhưng vì tôi còn sống lâu thế kia, em đi rồi lấy ai bầu bạn...
Tôi lại nghẹn ngào cay mắt. Trách sao cây xoan nọ luôn là nơi em trút bầu tâm sự, bởi cũng như em, nó trĩu toàn trái sầu đâu đâu. Nhỏ sầu của cho em, lớn sầu giấu nhẹm để thầy u bớt xót, lấy chồng về lại sầu phận bạc chẳng dai nợ với chồng.
Con vợ của tôi ơi, lớn người có mấy nỗi mà cứ còng lưng gánh vác? Còn tôi thương em lâu như vậy, lại là cái thá gì? Lại chẳng bằng nổi cái cây để em tin cậy hay sao?
Em có biết, vì em mà đến đường lùi tôi cũng đã trải sẵn rồi? Thằng sáu thằng bảy bị tôi ép học buôn đến ngu người cũng là phòng khi về sau tôi phải cùng em lui về trên non sinh sống. Nhà cửa trên núi trên rừng cũng đã xây xong! Đến cả chui vào rừng rú sống với người điên tôi cũng đã tính một đời, em còn sợ cái của nợ nhà em tôi không gánh nổi? Tôi tên là gì em có biết không? Là Gánh đấy!
Còn tính đem tôi gán cho người khác? Em không biết, không biết cái chó chi cả!
À, mà em không biết đúng rồi. Tôi có nói ra đâu mà em biết.
Nhà cũng không có con chó nào...
Sầu đông mở lối sầu càng thêm đông, cây xoan đó ngày mai tôi sẽ chặt phăng cho rảnh nợ!
Quả nhiên, của nợ nhà tôi rảnh rồi liền thấy ngứa ngáy kiếm chuyện vơ vào. Đầu này tôi vừa bảo ra Thanh đây thôi, khuất mắt nó đã thảnh thơi ra chợ mua quà sêu vợ lẽ.
Tôi cáu lắm, nghiến răng nghiến lợi theo sau nó cả buổi, dọc đường chắc đã doạ sợ không ít người.
Tay lễ tay quà đến nhà con gái nhà người ta, nó đứng thẫn người hồi lâu nghĩ ngợi.
Lúc đó tôi nghĩ, nó mà bước vào, dám tôi cầm dao phang cả họ nhà nó.
Thể như đọc được cái loại ý nghĩ bố đời tội nghiệt của tôi, nó không vào nữa.
Tôi thở phào, đoạn lại theo sau nhìn lưng em nó rất lâu...
Em ơi xoan đã chặt rồi, sầu đâu mà gánh nhọc đời nữa em...?!
Có phải em đã thương tôi quá đỗi, mới không bước quá nổi cánh cổng hiền thê?
Thôi thì, sẵn cũng chỉ ngồi cách một gốc cây, hay là em cứ nghe thằng già tôi đây tiếp tục tỏ bày, tỏ cho rõ cái dạ sắt son, cái lòng héo hon chung thủy, cái gánh nợ ma quỷ tôi luôn tự hào là đáng mặt làm chồng?
Hoặc là, mình về nhà mình rồi hẵng tỏ tiếp, em nha?
(Hoàn 21/02/2021)
____________________
Thật ra sinh làm con người ai cũng phải gánh, chỉ tùy mình thấy đáng hay không mà thôi. Nên là cô Nợ gánh sầu, anh Gánh gánh Nợ, mà cũng vì dại gái nên gánh luôn cơ nghiệp trong nhà, hơi lý tưởng thê nô chả thằng nào ngoài kia làm nổi, nhưng vì tui thích thế. X"D
Dù cùng cảm hứng từ một bài hát, tui lại đặt khác đi tên truyện vì để tránh người ta đem so phần hai với phần một. Chịu thôi, tình đầu thì luôn là nhất nha mấy chế, nên đừng đem so làm chi cho tui đau lòng mề. Thế hệ nào thì cũng có thứ để ngẫm.
Thật ra sau mỗi câu chuyện tui viết, ngoài trai gái yêu thương nhăng nhít, vần vè khoe chơi chữ mù mịt và xôi thịt ngôn tình linh tinh thì tui cũng muốn thêm được cái gì đó đời đời để độc giả tui ngâm nga ngâm ngã ngẫm chơi. Nên là ca dao chế để ngâm nga nè, cách nhìn đời để ngẫm nè, có nhiêu quăng vô hết.
Hy vọng câu chuyện này sẽ khiến người có bệnh càng thêm hy vọng, người khoẻ mạnh càng thêm một đống yêu đời. ^^
P/S: truyện này tuy không sâu cay đáo để, tui lại rắp tâm chơi chữ còn nhiều hơn Thằng Huyện, Con Hầu; ai liệt kê được hết, tui lì xì ngoại nguyện hai trẻ sau này mần vui nha. 🤣🤣
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro