III.
Tôi lần đầu nhìn thấy vợ mình, là trong tay một tên buôn trẻ.
Lại chả? Con bé mới níu áo thầy nó đòi ăn chè đây, xoay lưng đã nhào vào lòng một gã ất ơ gọi thầy.
Lần đó tôi mới chớm say, lại phải cảm, sáng vừa bung bét với ông cụ ở nhà một chập, thật chỉ muốn tìm chỗ phát tiết nỗi ấm ức trong lòng. Vừa hay, còn có thể tiện tay cứu luôn con bé trắng bông trắng bã đó.
Trút hết bực dọc lên thằng đó xong, tôi bế con bé quay về làng nó.
Kỳ tình, con bé rất xinh, mới tý tuổi thôi mà mắt lúng liếng đong đưa, má lúm đồng tiền cười duyên đáo để, chả trách thầy bu vừa rời mắt là bị bắt ngay.
Đến tôi là cậu ấm mâm rộng chiếu cao, bụng đầy một ao kinh thư đạo nghĩa, mà còn muốn cướp ngang đem về nuôi lấy hỷ, huống hồ cái phường du thủ du thực.
Lắc đầu, tôi nghĩ phụ mẫu nhà này phải đau đầu lắm, bèn nhân đó hái xoan dạy nó vài chiêu tự vệ của dân miền ngược. Làm phước phải làm cho trót, bu tôi luôn dạy thế. Con bé liên tục gật đầu, còn hái thêm những quả ấy cuốn vào lưng quần đũi, dáng điệu nghiêm túc hệt bà cụ non.
"Nhà cháu nhiều con gái lắm ạ," con nhóc cười toe giải thích. "Cháu sẽ làm cho mỗi đứa một túi."
"Bậy nào, độc đấy, bảo bu cháu làm mới được."
Chả hiểu thế nào mà con bé hiểu sai ý tôi, giương đôi mắt sóng sánh thu ba lên nói. "Ớ, u có thầy chăm rồi, chả ai dám bắt đâu ạ!"
Còn cháu thì chả ai chăm...
Vong ốp tai hay sao ấy, lúc đó đầu tôi lại bật lên câu nọ thay nó, còn chợt muốn nhói đau.
(Ốp: ám)
Khi tôi đưa con bé về đến, nhà nó cổng đã mở toang, hẳn là gia đình đã túa ra đi tìm hết cả. Chờ mãi chẳng thấy ai, lại ngại, tôi giấu nó vào buồng toan từ giã ra về. Có lẽ được cứu trong tình thế quá kinh sợ, con bé xem tôi như thần cứu thế, cứ níu lấy chân khóc la không thả. Mãi đến lúc tôi ngồi xuống cho nó sờ mặt, nó mới chịu nguôi nguôi.
Duyên nợ cả đời tôi, đều ra từ lần sờ mặt đó.
Hoá ra con bé không nhận được mặt người.
Đầu đã mơ màng đoán ra con nhỏ bị quỷ thần che mắt chi đây, chứ nhỏ giờ sách vở tôi đã ngâm cả bồ, nào đâu ra chứng bệnh quái tai như vậy...? Bé tí mà còn nhớ được ngõ lối về nhà, có phải thất tâm phong đâu chớ? Chỉ có nước là bàn tay quỷ thần thôi...!
(Thất tâm phong: điên)
Chẳng trách còn bé đã xinh như vậy, ngữ này các cụ hay nói, sinh ra là đã có cáo chồn theo đuôi.
(Nhà Nho hay tâm niệm con gái đẹp là có số hồ ly tinh nhập thể, sinh ra dụ cáo theo chân như Đát Kỷ, xác sớm muộn cũng bị quỷ yêu chiếm mất, hại lây người xung quanh.)
Thú thật lúc ấy tôi cũng rờn rợn, dỗ nó ngủ qua loa rồi lẻn bỏ đi một nước. Ra đến cổng gặp phải thằng Hậu thất thểu chạy về, mới vỡ ra đây là nhà thằng nhóc đồng học trong trường. Vì không muốn phạm tới quỷ ma, tôi kể vắn tắt rồi viện cớ không muốn người mang ơn nên nhờ cậu ta nhẹm đi việc mình cứu con bé. Cậu chàng vui quá, phần cảm kích phần vì tìm lại được em, rối rít chắp tay vái tạ tỏ lòng ưng thuận.
Cứ nghĩ làm thế sẽ cắt được bao nỗi dây dưa sau này, ngờ đâu, bản thân mới là cái đứa đi giăng đi cài dây mơ rễ má.
Tôi không sao thoát khỏi buồn thương vấn vương trong đôi mắt ấy.
"Cháu muốn khắc cốt ghi tâm gương mặt người ơn của mình..."
Một đứa gái thơ lại có thể sờ mặt tôi thốt lên cái câu nặng gánh hồng trần như thế, tôi xót.
Sau này vào trường, lòng cứ băn khoăn không biết số phận con bé hay cười đấy thế nào, tôi cố tình làm thân với anh của nó để tiện bề hỏi han. Thế là từ đó, cái thằng nhóc tài hoa nổi danh cao ngạo lại thành ra bạn đồng đạo của tôi.
Tôi sinh ra đã là cứu cánh của ông cụ nhà, từ nhỏ đến lớn lão rèn tôi còn hơn rèn sắt, gò ép tôi phải vào phép buôn cho bằng được dù tôi có muốn hay không. Lão bảo tôi chính là độc đinh (con trai duy nhất) của nhà này, nếu không gánh vác thì sẽ báo hại vợ lão nhọc thân sinh đẻ. Cho nên, ngày ấy sinh ra tên tục (nhũ danh, kiểu như nickname lúc nhỏ) của tôi chính là Gánh, ý là để tôi không ngừng nhắc nhở bản thân phải gánh cái cơ nghiệp quý hoá cùng sinh ý cả nguyên họ tộc.
Tôi căm cái tên đó vô cùng, thế nên từ dạo có tên tự (tên chính thức người trưởng thành hay dùng) bèn không cho ai gọi ra nhũ danh mình nữa. Trẻ con sinh ra mà đã bị ép vào khuôn, thường sẽ vô cớ hận thù cái khuôn đó. Tôi chịu đựng đến sáu tuổi thì bắt đầu nổi loạn, mặc cho thầy đánh thế nào cũng nhất định không mó tay vào bàn tính, còn rống la rằng mình chỉ muốn đến trường kinh thư để đỗ đạt công danh.
Bu tôi thế mà xót con, cùng năm đó liền nài lưng ra đẻ. Thầy tôi có một quãng giận đến không thèm nhìn mặt, phẩy tay gửi tôi đến nhà thầy đồ làng xa trọ học.
Thế là, mấy đứa em nhà tôi ra đời toàn phải mang vác các loại nhũ danh tội nợ như Ngừng, Thôi, Ngưng, Đoạn, Kết... Cơ mà, cái bụng bu tôi thế mà cũng bướng bò như tôi, một lòng một dạ chống đối ông cụ năm này qua năm khác.
Có được thêm hai đứa em trai, tôi thế là thoát nợ gánh nhà, cuối cùng có thể bình yên an hưởng cuộc sống tự tại của mình, hằng ngày giao du bạn bè ngâm thơ đối chữ, buồn thì ra phường chèo ngồi gõ phách giúp các ả xướng ca, lúc hăng có khi còn nhàn nhã lên non xuống cạn làm khách thiên hạ, cả một quãng dài cũng chả có việc gì thiết tha được quá nửa.
Cho đến năm đó, sang thăm thằng Hậu lại đụng phải con bé trắng bông trắng bã ngày nào, nay đã đeo tràng hạt đầy cổ đầy tay. Tôi thở phào thầm nghĩ, cuối cùng thì nhà nó cũng hay chuyện rồi.
"Suỵt, bác khẽ mồm thôi, của này cháu chôn cho bốn con hĩm nhà cháu sau này về nhà chồng đấy ạ."
Tôi tròn mắt nhìn mái đầu hai chỏm đen nhánh cắm cúi đào lỗ chôn của, vỗ quạt một cái rồi không đâu bật cười. Con bé không biết tôi cười giễu, nhe răng cười lại rồi tiếp tục hì hục đào lỗ, mồ hôi nhễ nhại nhưng vô cùng hăng hái.
"Cháu là gái lớn trong nhà, phải gánh vác bác ạ."
Tiếng cười của tôi nhỏ dần, rồi chìm vào thinh lặng.
Năm đó, con bé cũng chỉ lên sáu mà thôi.
Cái thằng tôi, lên sáu đã làm gì nhỉ?
À, lấy học chữ ra trốn gánh.
Chả biết nghĩ sao, tôi lại giắt quạt ra sau, ngồi xuống cùng đứa gái con cắm cúi đào lỗ.
"Nghe Cả cháu bảo, bác Hai trên trường giúp đỡ Cả cháu rất nhiều, thật là phúc đức quá. Cháu lên chùa luôn lắm, không bằng bác cho cháu biết cái tên, cháu lên đấy nhờ cầu phúc luôn cho bác nhé?"
Tôi không nói nổi nên lời, nhìn vào đôi mắt lóng lánh sao trời của đứa nhóc tì rất ra dáng bà tiên bà mẫu phổ độ chúng sinh, lòng đột nhiên trào lên cơ man lạ lẫm.
Là hổ, là thẹn, là một phen tự tôn vật vã.
Đàn ông vai ngang năm thước, lại chẳng bì đứa nhóc mới được chín gang. Con bé lo dọc lo ngang lo cả thân người ngoài họ; còn tôi, đến cái tên cũng không gánh nổi.
Lần đầu tiên trong đời, tôi buột miệng nói ra tên tục của mình.
"Tôi tên Gánh, cô Hai ạ."
Kể từ năm đó, tôi bớt đi những cuộc du ngoạn đó đây, vô thức đối với việc trong nhà cũng càng thêm để ý, lúc giúp u bảo ban đám em, khi thu tô các xóm cho thầy, chẳng lớn lao gì song cũng làm tôi bớt đi hổ thẹn. Đôi lúc, nhìn mấy đứa em vô tâm vô phế, tôi lại nhớ đến đứa trẻ chưa lớn tướng đã già tâm nhà thằng Hậu, đột nhiên thấy xót ở đâu đâu đầu chóp quả tim.
Có thể vì cái chỗ đau không nhìn thấu ấy, tôi năng đến nhà đấy hơn. Lúc thì xâu lòng lợn để chén chuyện đường xa cùng thầy con bé, khi lại dăm ba thi tập để cùng cậu anh trai ngắm cảnh ngâm thơ. Cũng may văn chương của tôi dù không xuất chúng như thằng đấy, cũng xem như con chữ bề bề, lại thêm hợp chuyện với chủ nhà vốn cũng một thời tay buôn nhà gạo, cái việc lui tới cũng thành nên đường lối lẽ thường.
Chỉ là, có lúc, giữa cha con nhà tằm, cũng chẳng biết nên xưng huynh gọi đệ với bên nào mới đúng.
Kết quả của việc giằng co này, là một phen rối rắm xưng hô của lũ con gái trong nhà. Nghĩ tôi vai anh thằng Hậu nên gọi là bác anh, lại nghe ông thầy chúng lúc vui kêu tôi là đệ thì tôn lên hàng cha chú. Cuối cùng chả biết thế nào, đứa thì nhao nhao xưng cháu, đứa lại kính cẩn thưa thầy, riêng con bé lại bác cháu ngọt xớt.
Tôi cũng chẳng câu nệ, vai anh vai bác gì thì đến thăm cũng phải đem quà vặt cho đám nhóc tì. Nhất là con bé, tôi lại càng ưu ái giành phần to hơn cả. Nghĩ lòng đứa gái này sinh ra chẳng sướng bằng con nhà người ta, tôi càng phải thương như con cháu ruột thịt trong nhà mới đúng.
Mãi đến tận cái ngày con bé thỏ thẻ đòi gả cho mình, cái chữ ruột thịt kia mới manh nha sứt sẹo, xoay mình trở thành mẩu thịt trong tim.
Tôi nghĩ, ừ nhỉ, bé tí đã nết người dung hậu đảm đang thế này, lớn lên hẳn sẽ thành một bậc hiền thê, lấy về sướng mà phải biết.
Chỉ là, cái phận quỷ bám ủ ê kia...
Tôi cứ giằng co giữa hai chữ hiền thê và cái căn kiếp xui rủi kia mãi, lòng không hề có chút phòng bị nuông chiều con bé. Đến một ngày giật mình nhìn lại, chợt nhận ra đã trễ quá rồi. Tôi nuông trẻ đã nuông ra dâu, không còn nước quay đầu.
Cái sự bất lực được sinh ra từ những lần trông thấy đứa gái con đứng dưới gốc xoan lặng lẽ buồn thương, song nhác thấy người qua đường là đổi mặt ngoác cười xun xoe chào hỏi. Để ý kỹ mới thấy, cô Hai tuy đon đả chăm cười, lúc chào hỏi lại chưa bao giờ gọi trước tên ai, dùng hết vồn vã nhiệt tình để lấp che khiếm khuyết.
Hay khi được hỏi cớ gì cứ trút hồi môn của mình chia hết cho đám nhỏ, lại cứ cười toe dối người, "lượt cháu cuối cơ!"
Cuối ở đây, sợ là cuối cuộc đời, vì cô Nợ nhà tơ không muốn trở thành gánh nặng nhọc nhằn người nên duyên chồng vợ.
Tí tuổi đầu mà đã biết giấu sầu vào dạ, tôi làm sao có thể không thương? Cứ nghĩ đứa nhỏ này ngày sau phụ mẫu mất đi phải lẻ loi đủ đường, không ai gánh đỡ mà cù bất cù bơ đến già chắc tôi xót chết...
Thời điểm con bé len lén sờ lấy mặt tôi sau cuộc rượu thơ ngủ quên trên chõng nhà nó, tôi biết, mình đã xong rồi.
Cuối cùng, cơ ngơi mà thiên hạ thấy đủ đầy sung túc kia, đã bắt đầu thiếu Nợ.
Biết là nông nỗi mấy khi
Duyên trao cho đứa nhóc tì chín gang.
"Cháu, con" nay chợt thành "nàng,"
Giời mà đánh cũng lá vàng rơi vai...
Biết là trời đánh thánh đâm, tôi cũng không muốn nhọc lòng xót nữa. Cháu em gì thì cũng phải là gánh nợ của tôi.
Ấy rồi năm tháng trôi qua, nông nỗi kia càng thêm sâu đậm. Đến độ biết rõ bao nhiêu tai hại phía sau căn kiếp của em, tôi vẫn nai lòng ra thương lấy thương để. Cái sự thương đủ đường ngã rẽ, như con, như cháu, như của báu mang hương đàn bà. Nào khi cõng em ra chợ mua quà, nào kiệu em ra ao bắt cá, khi rỗi học còn chạy sang dạy em viết chữ làm thơ. Bao mong mấy chờ đều dồn vào một ngày không xa có thể cưới em về nhà để bắt đầu gánh nợ.
Thế nhưng càng lớn, cái nợ kia dường như càng nặng mới sầu. Em dần đến cả cái tóc trên đầu tôi cũng không nhận ra được nữa. Tôi quyết định từ đấy sang nhà em chơi là đội hẳn cái nón lá Phương Đẩu, dù là thứ ấy ra khỏi trường chẳng đứa nào buồn đeo mang cả. Nhưng ít nhất, đấy có thể khiến em nhận liền ra tôi.
Thế rồi, đến độ đi đường tôi cũng sợ em bị người ta bắt, cứ mỗi chiều tối em một mình gùi tơ về nhà, tôi lại cất nón bám theo không nhả, mãi lúc cổng nhà em đóng hẳn mới cắm cúi băng núi về làng.
Cái thói theo đuôi con gái làng xa dần trở thành thú vui tao nhã. Có đôi lúc chẳng vì lẽ gì, tôi cũng cứ đứng đấy trộm nhìn em, nhìn đứa bé gái mà tôi bất chấp luân thường để đi thương mến, lòng biết trắng tương lai gì cũng sẽ khó vô cùng.
Muốn lấy được hiền thê, tôi cần phải làm được nhiều hơn thế.
Cái thằng sợ nặng tôi đây, phải học cách gánh thôi.
Thi hội năm đó, tôi bỏ, dù chúng bạn đã hết đường khuyên răn. Đối mặt với thầy học, tôi chỉ còn biết dập đầu tạ tội.
Công danh thì cũng rạng đấy, sáng đấy, nhưng lại chẳng sinh đủ số bạc vàng để tôi nuông chiều người con gái đó. Huống hồ thân em ma ám thế kia, sau này nhỡ gây ra tội vạ gì, có chồng lăn lộn chốn quan trường thì càng dễ vào tai thiên tử, đến lúc đó bị tưởng thành cáo chồn bắt đi thiêu mất thì tôi sống làm sao? Nên thôi, đường quan tôi chẳng tưởng tơ đến nữa.
Cái ngày tôi quay về nhà chắp tay quỳ xuống thề xin gánh việc, thầy tôi mừng đến rơi nước mắt.
Nhỏ thì nửa gánh cũng không,
Thương em trăm gánh như lông con mèo.
Em à phải nợ nó đeo,
Cho anh gánh kiếp cheo leo má hồng.
Gánh em ba vế, một dòng
"Nhất thê, nhất thế, nhất lòng thủy chung."
Từ dạo tiếp quản gia nghiệp đấy, tôi cũng chẳng còn rỗi không tò tò giữ của, liền đấy cắt cử thằng hầu bám riết theo em trông chừng.
Được vài tháng học buôn đầu óc khai thông, liền đổi luôn từ thằng thành ả.
Thầy đã dạy, lửa to còn có thể đốt rơm ẩm, làm người phải biết phòng trước tính sau, nhìn trước hết được hoạ căn mà bóp chết từ đầu.
Huống hồ, em càng ngày càng phổng phao trổ mã, tóc đen da trắng xuân sắc bắn tứ bề, ai mà chả muốn vớt đem về làm dâu làm vợ? Tôi tuyệt đối không thể lơ là cảnh giác.
Thế là, tôi đành đeo mang nghiệp ác mợ ạ. Cứ me có nhà nào đon đả manh nha biếu hồng biếu cốm, tôi liền cho người gần xa rỉ tai chọc bị.
"Thấy cô Hai Nợ nhà tằm mình đeo nào tràng hạt nào bùa túi chưa? Một tháng lên chùa mười bận có thừa, đối thầy đối vãi như bậc phụ mẫu. Có căn tu cả đấy! Phạm vào là phải tội với giời!"
Thế là cái lũ đấy cũng tự tránh đi, dâũ rằng chẳng rõ nguồn cơn nông nỗi, phần lớn họ sợ số em vương nợ với giời, dây vào phải tội với các bề trên.
Tin đồn cô Nợ nhà tơ căn tu thấm cốt cứ thế lan xa, vì chẳng dính đến tà ma nên thầy bu em cũng chả buồn đính chính. Không chừng họ tính cho em lên chùa tu thật.
Tôi mà để chuyện ấy xảy ra, chẳng là hổ mặt con nhà bá Phù gian manh xảo lược một vùng quá sao?
Đầu thu năm ấy, tôi nhờ bu mượn việc mua tơ dăm ngày nửa tháng đem cốm đem hồng sang biếu nhà em, bắt đầu mùa vụ sêu dâu về đẻ. U em là người bén nhạy, thấy vậy thì cũng mang máng con gái sinh ra có người muốn lấy, nhưng vì bu tôi chẳng lộ liễu thành lời, bà như biết mà cũng tảng lờ cho qua. Tôi ngầm mừng vui trong dạ, dù chẳng vẻ gì thiết tha, bà đối với việc tôi sang thăm cũng không đột nhiên mở lời ngăn cấm. Qua được ải của bà, tôi như đã thành công hơn nửa.
Chưa kịp hò hét ăn mừng cái nửa cáo thành, một lời của em đã khiến thân tôi chết lạnh.
"Bác chẳng từ chối lấy, giờ cháu đã phải đeo mang chồng già! May thế!"
Lấy đá đập chân, vung tay tự vả, chắc là cũng đau đến thế mà thôi.
Chờ em nẫu hết ruột gan,
Đến khi em lớn, em than tôi già!
Tự tôn bị giã thành cám, tôi thẫn thờ về nhà gặm nhấm vết thương. Dưỡng đến bong mài trổ da non rồi mới có gan ghé sang gạ tiếp.
Thầy tôi có dạy, muốn cho gái sắp chồng phải lòng cho chóng, cứ là đem áo nó khâu. Tôi ban đầu cho đó là trò không đâu, nhưng đến nỗi này không đâu cũng thành ra cứu cánh. Miễn là gạ được em, có là trò dại thằng già này cũng nguyện thử làm.
Thế là, người xưa lửa thử ra vàng, còn tôi thử ra một cái áo thọ.
(Xưa hay nhầm giữa đồng thau và vàng, nên các cụ hay dùng lửa để thử, đồng thường sẽ chảy trước vàng, thế nên hình tượng lửa thử vàng thường dùng ám chỉ con người trải bao gian nan thử thách của cuộc đời để thử ra tấm lòng kiên gan bền bỉ. Câu trên nôm na ý là, cậu Gánh gian nan dụ gái đủ đường cuối cùng dụ ra được gái đối mình như ông nội. :)))
Đến lúc này thì chẳng phải đá đập chân tay tự vả nữa, mà là vạn tiễn xuyên tâm.
Em à, em bị ma che mắt thôi, cớ gì cứ lấy tim tôi làm tâm mà bắn thế?!
_______________
Ờ... Tui chợt nhận ra càng ngày tui càng lậm cổ, câu từ và hình tượng sử dụng có hơi khó hiểu với giới trẻ thời nay, nên là chỗ nào giải thích được tui mở ngoặc hoặc xuống dòng cuối chương hết nha. Thật thì tui đem lồng vô truyện luôn cũng được, nhưng nó lại thành ra vô duyên lắm, nên thôi cứ giải nghĩa riêng cho lành. Hy vọng đọc nhiều các độc giả trẻ sẽ ngấm, dần dần quen thân thể loại này y như cổ trang Tàu ý, được thế tác giả tui sung sướng thành tựu vô cùng...!
Ở đoạn anh Gánh buột miệng tự giới thiệu tên mình với con bé Nợ, nó ẩn ý hơi hơi sâu xa: Với nhà Nho, nhũ danh đối với một người rất nhạy cảm, thường chỉ cho người thân trong nhà gọi mà thôi. (Nôm na là như cái quần chip ko phải ai cũng show xem được :)))))) Ở đây anh Gánh ngoài thấy nhạy cảm ra, còn thấy ghét :)), tự miệng giới thiệu như vậy nghĩa là nửa muốn làm thân, nửa đang từ từ chấp nhận số phận gồng gánh của mình.
Ngoài ra, lý do anh Gánh bảo mình thương em Nợ là trái luân thường, cũng chả vì chúng nó cách nhau 14 tuổi, mà do anh cũng xem như là bạn nhậu của thầy em rồi, vai cha chú mà tơ tưởng con bạn thì đừng nói hồi xưa, giờ nó chả chửi cho? :)))
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro