Chương 19
Kế hoạch xuất giá tốt đẹp của Trình Du Cẩn bị gián đoạn, sau khi trở về phòng, Liên Kiều hầu hạ nàng thay sang y phục thường ngày rồi hỏi: "Cô nương, người có muốn luyện chữ không?"
Nhắc đến chuyện này là Trình Du Cẩn lại bắt đầu thấy hận, nhưng nàng là một người vô cùng lý trí, gặp chuyện gì cũng chưa từng nổi giận bao giờ. Nàng chỉ quan tâm tới việc giải quyết vấn đề như thế nào, làm thế nào để tối đa hóa lợi ích của mình. Dù sao tối nay cũng không có cơ hội kết nối tình cảm với Từ Chi Tiễn nên nếu giờ nàng còn giận hờn thì chẳng phải là không thu hoạch được gì hay sao?
Còn không bằng cứ luyện chữ một lúc. Để có được một vị hôn phu tốt thì quan trọng là phải quăng lưới thật rộng và tập trung vào việc bắt cá, không được nơi lỏng chuyện Từ Chi Tiễn đang có mặt ở đây, nhưng vẫn phải chú tâm vào việc chuẩn bị lễ vật mừng thọ cho Hoàng đế, nói không chừng đều sẽ được đền đáp thì sao.
Trình Du Cẩn nói: "Chuẩn bị bút mực đi, lát nữa ta sẽ luyện chữ."
Liên Kiều nghe xong thì líu cả lưỡi, nay trời trưa sáng đại cô nương đã thức dậy, đầu tiên là đi thỉnh an Trình lão phu nhân, sau đó đến chỗ Cửu gia luyện chữ cả một ngày, đến tận tối mới về tới nhà mà cô nương vẫn muốn viết tiếp. Nghị lực nhiều đến thế này chắc các học tử chuẩn bị đi thi cũng phải thua kém vài phần.
Liên Kiều vô cùng khâm phục. Đỗ Nhược đã bày sẵn giấy Tuyên Thành, cho nước vào trong nghiên mực rồi im lặng lui ra ngoài.
Trình Du Cẩn không thích có người ở bên cạnh lúc mình đọc sách, đám nô tỳ cũng biết rõ nguyên tắc này của nàng nên tất cả đều im lặng lui ra ngoài. Từ khi còn nhỏ, Trình Du Cẩn đã sống một mình một viện. Lúc Khánh Phúc nuôi dưỡng nàng thì bà còn chưa sinh con, ngửi thấy mùi sữa trên người trẻ nhỏ là cảm thấy buồn nôn nên trong lòng đâm ra căm ghét, chờ đến khi Trình Du Cẩn lớn hơn một chút, có thể tự đi lại được thì bà vội vàng tống nàng ra ngoài. Nhưng mà như vậy cũng tốt, từ nhỏ Trình Du Cẩn đã tự mình cai quản đám nô tỳ và của cải riêng nên cũng trưởng thành hơn mấy cô nương khuê tú của nhà khác rất nhiều.
Viện của nàng không lớn như viện của Trình Nguyên Cảnh nhưng cái gì cần có đều có, gian chính quay lưng về phía Bắc, nhìn về phía Nam. Hai sương phòng nằm ở phía Tây và phía Đông, phía Nam là cửa chính, hai bên cửa là hai gian đảo ngược quay mặt về gian chính, tất cả các gian đều được thông với nhau bằng hành lang. Từ cổng vào gian chính lát một lối đi hình chữ thập bằng đá xanh, trong hoa viên trồng một cây hoa cổ rất cao, đến mùa xuân hoa nở vô cùng rực rỡ. Bốn góc viện đều có cửa hông, mở cửa ra sẽ tiến vào hậu viện sâu hun hút, khi đóng cửa lại sẽ trở về là một khối đồng nhất độc lập như ban đầu.
Gian chính trong viện của nàng cũng có năm gian phòng nhưng không rộng như của Trình lão phu nhân và Trình Nguyên Cảnh. Trình Du Cẩn bố trí căn phía Tây làm phòng ngủ, ngăn cách bằng một cánh cửa hình mặt trăng làm bằng gỗ, trên tấm vách bằng gỗ treo rất nhiều loại mành che với đủ màu sắc để che khuất tầm nhìn từ bên ngoài. Gian bên cạnh đặt một chiếc giường La Hán và ghế dựa làm từ gỗ lim được chạm trổ tinh xảo, là nơi để nàng tiếp đón những vị khách thân thiết. Gian chính giữa là chính đường, dùng để tiếp đãi khách khứa và là nơi để gia nhân trong nhà vái lạy mỗi dịp Tết đến. Phía đông là không gian riêng của Trình Du Cẩn, sâu bên trong là thư phòng, gian còn lại là nơi để nàng thêu thùa may vá.
Trình Du Cẩn đưa ra quy tắc trong viện, bà tử chuyên quét tước và nô tỳ cấp thấp chỉ được làm việc trong sân, nha hoàn nhị đẳng được phép vào chính phòng nhưng cũng chỉ được lau dọn ghế dựa ở chính diện rồi làm mấy việc tạp vụ, còn thư phòng và phòng ngủ của nàng chỉ có nha hoàn nhất đẳng thân cận với nàng mới được phép bước vào.
Trình Du Cẩn ngồi trước bàn một lúc thì đột nhiên nhớ ra hôm nay Trình Nguyên Cảnh cho mình một bình thuốc mỡ.
Nàng nhớ là lúc trưa nàng đã đưa cho Đỗ Nhược cất đi, không biết nàng ấy cất đâu rồi.
Trình Du Cẩn tìm kiếm ở Đa Bảo các một hồi thì quả nhiên tìm thấy bình thuốc bên trong một ngăn kéo nhỏ. Lúc đó vốn dĩ nàng chỉ nói đùa nhưng nào ngờ Trình Nguyên Cảnh lại coi là thật, chuẩn bị sẵn từ trước, lại còn là thuốc trị thương nữa chứ.
Thuốc trị thương không phải thứ cho bừa bãi được, phải được chuẩn bị sẵn từ trước. Trình Du Cẩn vừa hơi tò mò lại vừa không tin, người như Trình Nguyên Cảnh sẽ chuẩn bị sẵn thuốc trị thương cho người khác sao?
Trình Du Cẩn không có lòng tin lắm. Nàng mở bình thuốc ra rồi khẽ đưa lên mũi ngửi. Trình Du Cẩn vốn chuẩn bị sẵn tâm lý đề phòng rồi, nhưng nào ngờ ngửi một hơi đã khiến nàng mê muội.
Sao nàng lại thấy mùi thuốc này giống mùi thuốc trong bình mà lúc nãy Trình Mẫn đưa cho nàng? Vậy là Trình Du Cẩn lôi bình thuốc của Trình Mẫn ra rồi ngửi thử, bà ấy đường đường là một phu nhân công phủ, không lý nào lại đi lừa gạt nàng. Mà thuốc này rõ ràng là ngự dược trong cung do Thục Phi nương nương ban cho, sao lại giống với loại thuốc mà Trình Nguyên Cảnh mới đưa cho nàng?
Ngày hôm sau, Trình Du Cẩn lại đến học thư pháp như thường lệ. Nàng nhìn Trình Nguyên Cảnh bằng ánh mắt tràn đầy sự tìm tòi. Trình Nguyên Cảnh không nói gì nhiều mà Trình Du Cẩn cũng chưa từng nói mấy lời vô nghĩa, hai người ở trong phòng đến trưa, không quấy rầy nhau, ai làm việc người nấy.
Đáy lòng Trình Du Cẩn thoáng nghĩ, người này yên tĩnh kỷ luật, ở cạnh cảm lại cảm thấy rất thoải mái nhưng vừa đến tối nàng đã bắt đầu thấy không biết phải làm sao rồi.
Mới ở cạnh Trình Nguyên Cảnh vài ngày mà Trình Du Cẩn đã không còn chút thời giờ rảnh rỗi nào nữa. Hắn sẽ chậm rãi gọi "Trình Du Cẩn", sau đó nàng phải nhắm mắt quay về luyện chữ. Trình Mẫn ở Hầu phủ mấy ngày nay nhưng nàng hoàn toàn không tìm được cơ hội ở riêng với Từ Chi Tiễn.
Trình Du Cẩn vô cùng hoài nghi rằng Trình Nguyên Cảnh cố tình gây sự với mình, nhưng nàng lại nghĩ lại, thứ nhất, nàng không đắc tội với Trình Nguyên Cảnh. Thứ hai, nàng và hắn hoàn toàn không có xung đột lợi ích. Hắn sẽ không nhàm chán đến mức vô vị như vậy đấy chứ? Chắc vì hắn đang vội vàng chuẩn bị bức bình thêu mừng thọ nên mới đốc thúc nàng luyện chữ như vậy.
Có lẽ là do nàng lấy bụng tiểu nhân đo lòng quân tử rồi.
Hôm nay đám người Trình Du Mặc và Từ Chi Tiễn chơi đùa cùng nhau, còn Trình Du Cẩn thì rất tự giác đứng trước cổng đợi Trình Nguyên Cảnh.
Không cần gia nhân của hắn nhọc lòng gọi thì nàng đã đến rồi.
Từ Chi Tiễn chơi đùa một lúc mới phát hiện ra Trình Du Cẩn không có ở đó nên đứng cách một gian phòng mà gọi to: "Cẩn tỷ tỷ, tỷ định đi đâu thế?"
Trình Du Cẩn đã mặc xong áo khoác ngoài và đi giày da hươu, nàng nói: "Cũng không còn sớm nữa, ta phải về luyện chữ rồi."
"À." Từ Chi Tiễn ngơ ngác đáp một câu, lúc đó Trình Nguyên Cảnh đã đi trước rồi nên Trình Du Cẩn vội vàng cáo biệt Từ Chi Tiễn rồi đuổi theo Trình Nguyên Cảnh.
Từ Chi Tiễn thấy hai người một trước một sau rời đi, một lúc lâu sau mới gãi đầu rồi thì thầm: "Cẩn tỷ tỷ chăm chỉ thật đấy. Ngày mai ta phải đi rồi, còn tưởng đêm nay sẽ được nói chuyện riêng với Cẩn tỷ tỷ chứ."
Hôm sau, Trình Mẫn ngồi xe trở về Xương Quốc Công phủ, hạ nhân Quốc Công phủ tự mình đến tận cổng nghênh đón bà ấy. Trình Du Cẩn và tổ mẫu đứng sau cửa thuỳ hoa, lẳng lặng nhìn xe ngựa của Quốc Công phủ đi xa dần.
Có tiền có quyền tốt thật đấy, ngay cả xe ngựa trông cũng có khí thế hơn xe của Hầu phủ rất nhiều. Ý muốn gả vào nhà danh gia vọng tộc của Trình Du Cẩn càng trỗi dậy mạnh mẽ hơn. Xuất giá là đầu thai lại một lần nữa, nàng không thể chọn được phụ mẫu của mình nên chỉ có thể cố tìm một phu quân con nhà quyền quý. Nàng đã nếm trải đủ mùi vị ăn nhờ ở đậu rồi, kẻ nào cũng không thể ngăn cản nàng tiến đến một nơi cao sang hơn.
Cô thái thái đã hồi phủ, Trình lão phu nhân thì lưu luyến không nỡ nhưng tất cả những người còn lại trong Trình gia đều thở phào nhẹ nhõm. Cô thái thái ở đây khiến họ làm gì cũng phải cẩn trọng, cẩn thận nâng niu tiểu cô tử và hai đứa nhỏ của Từ gia. Nguyễn thị trở lại viện rồi ngồi sụp xuống trường kỷ mà thở hắt ra.
"Cuối cùng cũng đi rồi. Mấy ngày nay theo bà ấy đi qua đi lại khiến người ta mệt chết đi dược. Lão phu nhân cũng chỉ phải nói chuyện thôi, cảnh mẫu tử trò chuyện thật vui vẻ hạnh phúc, còn người vất vả chỉ có chúng ta."
Trình Du Mặc cũng ngồi lên trường kỷ rồi bóp vai cho Nguyễn thị: "Nương, người vất vả nhiều rồi, để nữ nhi xoa bóp gân cốt cho người."
Nguyễn thị bị hành động này của con gái làm cho cảm động, vành mắt thoáng cay cay: "Nữ nhi của nương lớn thật rồi, đã biết thương người, thật không uổng công nương nuôi nấng con."
Nha hoàn đứng bên cạnh thấy thế thì nói chêm vào: "Nữ nhi là chiếc áo bông ấm của mẫu thân mà, năm nay nhị cô nương cũng mười bốn rồi, sau này sẽ có nhiều thời gian để phụng dưỡng thái thái hơn."
Nguyễn thị gật đầu: "Đúng thế, sau này Mặc Nhi gả cho một nam nhân tốt, chẳng những có thể hiếu kính phụ mẫu mà còn có thể dìu dắt đệ đệ con, như này còn yên tâm hơn là nuôi nhi tử nhiều."
Trình Du Mặc nghe mẫu thân nói thế thì đỏ bừng mặt, nàng ta ngúng nguẩy làm nũng: "Nương, người ta đang đấm lưng cho nương mà nương lại nói thế. Sau này con sẽ không để ý đến người nữa đâu."
Nguyễn thị và nha hoàn bồi giá nghe thế thì cười rộ lên, Trình Du Mặc nghe họ cười thì đỏ bừng mặt, leo xuống khỏi trường kỷ rồi chạy ra ngoài. Nghe thấy tiếng cười bên trong ngày càng to hơn, nàng ta để gió bên ngoài thổi bớt nhiệt độ trên mặt. Mặc dù e thẹn là vậy, nhưng nàng ta không khỏi nghĩ ngợi đã một tháng rồi mà sao Trường Uyên ca ca còn chưa đến cầu thân?
Rõ ràng ngay từ đầu đã thống nhất là sau khi huỷ hôn với tỷ tỷ thì sẽ đến cưới nàng ta mà.
Mặc dù Trình Du Mặc rất tin tưởng Hoắc Trường Uyên, nhưng đến giờ thì nàng ta cũng thấy hơi lo lắng rồi. Tổ mẫu và mẫu thân đều đang lựa chọn người phù hợp cho nàng ta, nàng ta còn nghe Từ Niệm Xuân nói đã có người dò hỏi Hoắc gia về hôn sự của Hoắc Trường Uyên. Nếu không nhanh chóng ước hẹn thì chẳng phải nhân duyên của nàng ta và Hoắc Trường Uyên sẽ chỉ còn là chuyện của kiếp trước sao?
Trình Du Mặc thì ở đây nôn nóng không yên, nhưng tại Tĩnh Dũng Hầu phủ, Hoắc Tiết thị lại vừa ứng phó qua quýt với Hoắc Trường Uyên, vừa xem mặt nữ nhi ở phủ đệ khác.
Trên đời này cũng không phải chỉ có mỗi khuê nữ của Trình gia, người xứng với nhi tử của bà ta phải là cô nương ưu tú nhất. Trình Du Mặc không phải thiên kim hợp cách của Nghi Xuân Hầu phủ. Lão Hầu gia mà chết thì mọi chức tước đều sẽ thuộc về đại bá của của Trình Du Mặc chứ có liên quan gì đến gia đình nàng ta đâu? Hơn nữa, phụ thân của Trình Du Mặc cũng không phải quan lại cấp cao, tài cán thì bình thường, mà nàng ta lại còn làm ra loại chuyện như vậy để câu dẫn Trường Uyên, thế nên Hoắc Tiết thị không muốn rước Trình Du Mặc về làm con dâu của mình.
Thỉnh thoảng Hoắc Trường Uyên lại hỏi về chuyện hôn sự, Hoắc Tiết thị chỉ nói qua loa rồi thôi, nhưng bà ta đã sớm âm thầm chọn lựa người khác rồi.
Trình Du Cẩn không có tâm trí để ý đến Hoắc gia và chuyện của Trình Du Mặc, đối với nàng thì Hoắc Trường Uyên đã chết rồi. Trong mắt nàng đã có vị hôn phu kế tiếp, trên tay lại còn có nhiệm vụ thêu tấm bình phong. Nàng đã luyện chữ sao cho giống nét chữ của Trình Nguyên Cảnh liên tục nửa tháng, mãi đến ngày hôm nay, cuối cùng hắn cũng nói trông có vẻ giống rồi. Trình Du Cẩn sai nha hoàn đem bàn thêu của nàng ra ngoài, cũng sắp đến ngày dùng đến kim thêu rồi.
Chuẩn bị tấm bình phong này không phải chuyện đơn giản. Kỹ năng thêu thùa của Trình Du Cẩn rất tốt nhưng vẫn phải mất mấy ngày luyện tập để đảm bảo rằng nàng có thể sao chép hoàn toàn các nét chữ của Trình Nguyên Cảnh lên tấm bình phong, sau khi đảm bảo nàng mới bắt đầu đặt kim châm xuống.
Tấm bình phong mừng thọ Hoàng đế cũng không lớn mà chỉ là một món đồ trang trí nhỏ đặt trên bàn thôi. Trình Du Cẩn thêu một góc rồi đưa cho Trình Nguyên Cảnh xem thử, hắn thấy thế thì ngạc nhiên đến mức nhíu mày: "Ngươi tự thêu đấy à?"
"Đương nhiên rồi." Trình Du Cẩn hiểu tại sao Trình Nguyên Cảnh lại phản ứng như vậy. Chủ tử trong đại viện đích thân ra tay lắm lúc cũng chỉ là nói suông, thực tế đều là tỳ nữ trong viện làm giúp. Mà mấy chuyện dành cho khuê nữ này vừa nhàm chán vừa khó làm, mấy cô thiên kim danh gia vọng tộc không chịu được khổ cực, ngay cả vật phẩm ra mắt gia đình chồng cũng là do nha hoàn bối giá thêu cho, chủ tử chỉ tự động tay thêu hai đường thì cũng coi như là tự mình làm rồi.
Mà Trình lão Hầu gia cũng có ý như vậy. Thế nhưng Trình Du Cẩn lại đích thân thêu thùa, chẳng trách Trình Nguyên Cảnh lại kinh ngạc đến vậy.
Trình Du Cẩn cười nói: "Nếu ta đã đảm nhận trọng trách này thì chắc chắn ta sẽ cố gắng hết sức. Thuê tú nương bên ngoài cứ thấy không yên tâm, nên ta tự mình làm thì hơn."
Trình Nguyên Cảnh khẽ cười, nàng đúng là rất tự tin. Trình Nguyên Cảnh cho nàng một chút thể diện, hắn lật tấm bình phong nàng đã thêu ra nhìn qua, vốn không mấy để tâm vì Trình Du Cẩn mới bao nhiêu tuổi cơ chứ, thêm nữa nàng còn học lẫn lộn nhiều kỹ năng cùng một lúc, hầu như cái gì cũng phải học thử một lần, nên thử hỏi xem nàng thêu thùa có thể giỏi bao nhiêu?
Nhưng lúc ánh mắt Trình Nguyên Cảnh liếc đến vết thêu trên tấm bình phong thì vô cùng bất ngờ: "Thêu hai mặt?"
"Vâng." Trình Du Cẩn lại bổ sung thêm một câu: "Chính xác hơn thì là thêu hai mặt khác nhau."
Trình Nguyên Cảnh đã từng nghe qua về thủ pháp thêu hai mặt, người thêu phải thêu cả hai mặt cùng một lúc và không được để lại bất cứ vụn chỉ nào, thế nên mới được gọi là thêu hai mặt. Mà thêu hai mặt khác nhau còn đẳng cấp hơn, không những thêu hai mặt cùng một lúc mà hoạ tiết trên hai mặt còn không giống nhau.
Trình Nguyên Cảnh thực sự có cái nhìn khác về Trình Du Cẩn. Để thêu được tranh hai mặt, người thêu cũng phải mất đến cả chục năm để tỉ mỉ tính toán đường kim mũi chỉ thế nên thủ pháp thêu này thật sự rất khó, vì vậy mà sản phẩm thêu hai mặt trong thành thực sự có thể đếm được trên đầu ngón tay, phần lớn đều là cống phẩm tiến cung, rất ít khi lưu hành ở bên ngoài. Mà thêu hai mặt khác nhau thì lại càng khó, có thể nói đó là kỹ xảo thêu cao siêu nhất trong các loại kỳ xảo thêu, phải có thiên phú mới làm được, còn chăm chỉ luyện tập thêu thùa thì chưa chắc. Trình Du Cẩn tuổi còn nhỏ mà lại có thể thêu được hai mặt khác nhau, quả là không thể tin được.
Trình Nguyên Cảnh nhìn kỹ Trình Du Cẩn rồi nói: "Thảo nào."
Thảo nào nàng dám nói mình sẽ thêu được tấm bình phong đẹp nhất, thảo nào nàng dám cầm kim châm. Hoá ra là có vốn liếng để tự tin như vậy.
Trình Du Cẩn nghe hắn nói vậy thì bối rối: "Gì cơ?"
Trình Nguyên Cảnh chưa bao giờ lặp lại lời nói của mình đến hai lần. Hắn không trả lời câu hỏi của Trình Du Cẩn, chỉ đột nhiên thấy hiếu kỳ: "Sao ngươi lại biết thêu hai mặt?"
"Chắc Cửu thúc đã quên, thái ấp của ngoại tổ phụ ta nằm ở Giang Nam. Lúc mẫu thân được gả tới kinh thành, ngoại tổ phụ đã dày công chọn người bồi giá cho mẫu thân ta."
Trình Nguyên Cảnh cũng có ấn tượng với Ninh Vương, Ninh Vương ở Giang Nam vẫn cha truyền con nối bao năm qua, người mà ông ấy tìm để bồi giá cho nữ nhi của mình hẳn là thợ thêu giỏi nhất trong vùng. Thợ thêu giỏi nhất sử dụng tay nghề thêu thùa của mình để kiếm ăn, mà Trình Du Cẩn mới mười bốn tuổi đã học được những kỹ năng đó. Nhìn dáng vẻ này của nàng, e là tay nghề của nàng còn giỏi hơn sư phụ rất nhiều.
Trình Nguyên Cảnh hỏi: "Sao ta chưa từng nghe ai nói qua về chuyện ngươi biết thêu hai mặt?"
Với cái kiểu hay thích tính toán bày kế của Trình Du Cẩn thì nàng phải diễu võ giương oai cho mọi người đều biết mới phải.
"Không được đâu, nếu mọi người đều biết ta thêu được thì chẳng phải ai cũng sẽ đến tìm ta sao? Ta lại chẳng có mẫu thân để thay ta ngăn cản những chuyện này thì tại sao ta phải làm chuyện tổn hại cho mình có lợi cho người như thế chứ."
Trình Nguyên Cảnh nghe thế thì hơi sững lại rồi bật cười. Quả nhiên Trình Du Cẩn vẫn là Trình Du Cẩn, không phải nàng không toan tính mà là đã toan tính đến nơi đến chốn rồi.
Người như nàng, dù sau này có gả cho ai thì đều có thể sống tốt. Hắn đã thấy qua nhiều cống phẩm trong cung rồi mà còn kinh ngạc như thế, nếu vị hôn phu sau này của nàng thấy nàng có thể thêu được hai mặt thì chẳng phải sẽ vui mừng như nhặt được báu vật sao?
Không hiểu sao Trình Nguyên Cảnh lại nảy sinh cảm giác không thoải mái.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro