Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Chương 20

Những cuộc phiêu lưu mạo hiểm chưa từng thấy, không ai giải quyết tốt bằng hiệp sĩ trứ danh Đôn Kihôtê xứ Mantra

  - Thưa ngài, cánh đồng này chứng tỏ có một con suối hay một con sông nào chảy gần đây khiến cho cỏ mọc tốt tươi. Ta hãy đi tìm để uống cho dịu cơn khát khủng khiếp đang hành ta vì đúng là khát còn khổ hơn đói nhiều.

Đôn Kihôtê tán thành rồi hai thầy trò, người dắt ngựa, kẻ dắt lừa, lên đường sau khi đã chất những thức ăn còn lại lên lưng con lừa của Xantrô. Hai người đi ngược cánh đồng, mò mẫm trong đêm tối. Mới đi chừng hai trăm bước, bỗng nghe có tiếng nước réo ầm ầm như từ tên núi cao đổ xuống. Mừng quá, họ dừng lại nghe ngóng xem ở phía nào bỗng đâu lại có tiếng động khác làm cho hai người cụt hứng, đặc biệt là Xantrô vốn nhát gan: đó là những tiếng thình thịch đều đặn xen lẫn tiếng xích sắt nghiến vào nhau kèn kẹt hòa cùng tiếng thác đổ ào ào khiến bất cứ ai - trừ Đôn Kihôtê - nghe thấy cũng phải khiếp sợ. Lúc này, hai người vừa tới một đám cây to. Trời tối như mực, gió lướt qua lá cây tạo thành một âm thanh ghê rợn. Cảnh hoang vu, đêm tối, tiếng thác đổ, tiếng lá cây lào xào, tất cả gây nên một cảm giác rùng rợn, nhất là tiếng đập thình thịch vẫn tiếp tục, gió vẫn thổi và đêm vẫn kéo dài; đã thế, hai người lại không biết nơi đang đứng là đâu. Nhưng, với lòng dũng cảm sẵn có, Đôn Kihôtê nhảy phắt lên lưng con Rôxinantê, ôm khiên, nắm chặt ngọn giáo nói:

- Anh bạn Xantrô, anh phải biết rằng Chúa muốn ta sinh ra giữa thời đại thiết khí này để làm sống lại thời đại hoàng kim như người ta vẫn thường gọi. Ta sinh ra để hứng lấy những gian nguy, để lập nên những chiến công hiển hách, để có những hành động dũng cảm. Ta nhắc lại rằng ta sinh ra để làm sống lại tinh thần của các hiệp sĩ Bàn Tròn, của mười hai vị Đình thần nước Pháp và của chín Danh Nhân thế giới. Ta sinh ra để thiên hạ lãng quên những hiệp sĩ như Platir Tablantê, Ôlivantê, Tirantê, Phêbô, Bêlianix cùng tất cả đám hiệp sĩ giang hồ nổi tiếng thời xưa, và để cho những chiến công hiển hách nhất của họ bị lu mờ vì những chiến công vĩ đại và kỳ diệu của ta. Hỡi giám mã trung thành và tận tụy, hãy chú ý quan sát đêm tối, sự hoang vắng kỳ lạ, tiếng rì rầm của cây cối, tiếng thác chảy rùng rợn như thể từ trên rặng núi cao Luna đổ xuống, tiếng đập thình thịch không ngừng như xé tai, tất cả những cái đó tách riêng ra cũng đủ làm cho thần Chiến tranh phải sợ hãi kinh hoàng, nói chi tới những kẻ chưa từng gặp những tình huống như vậy bao giờ. Nhưng tất cả những cái đó thôi thúc, kích thích ta và khơi động tinh thần ta khiến ta muốn dấn thân vào cuộc mạo hiểm này dù khó khăn đến mấy. Thôi, hãy siết chặt đai ngựa cho ta rồi chờ ta tại đây ba ngày; quá hạn đó nếu không thấy ta quay lại thì hãy trở về quê giúp ta một việc: hãy đến Tôbôxô nói với nàng Đulxinêa không ai bì nổi của ta rằng hiệp sĩ của nàng đã chết vì muốn hành động sao cho xứng đáng là thủ hạ của nàng.

Nghe lời chủ nói, Xantrô khóc nức nở, đáp:

- Ngài ôi, tôi không hiểu vì sao ngài lại lao đầu vào cuộc mạo hiểm rùng rợn này. Đang lúc đêm tối không ai nhìn thấy, ta hãy tìm đường khác lánh nguy dù có phải chịu khát ba ngày liền, và vì không ai nhìn thấy nên càng không có ai bảo ta là những kẻ nhát gan được. Vả lại, tôi có nghe thấy Cha xứ làng ta mà ngài quen biết, nói rằng cứ bạo hổ bằng hà lắm thì mất mạng. Ta cũng chẳng nên thi gan với Thượng đế làm gì; nếu ngài cứ khăng khăng không chịu nghe, tôi e sẽ không thoát khỏi tai ương, trừ phi có phép màu. Nhờ Trời, ngài đã không bị tung lên quật xuống như tôi, rồi lại đánh thắng đám người khiêng xác chết mà không bị sứt mẻ gì. Nếu những lý lẽ của tôi không lay chuyển nổi trái tim sắt đá của ngài, xin hãy nghĩ rằng sau khi ngài đi khỏi nơi đây, tôi sẽ không sống nổi vì sợ hãi. Tôi đã xa làng xa nước, bỏ vợ bỏ con đi theo hầu ngài, những tưởng được hưởng chút bổng lộc gì. Nhưng ở đời tham thì thâm, cho nên bao nhiêu hy vọng của tôi đã tiêu tan; đang lúc tôi chứa chan hy vọng được làm chúa hòn đảo quái ác kia mà ngài đã bao lần hứa hẹn thì để trả công tôi, ngài bỏ tôi bơ vơ ở nơi khỉ ho cò gáy này. Lạy Chúa, xin ngài đừng làm khổ tôi như vậy. Còn nếu ngài cứ một mực giữ ý kiến của mình, ít ra xin hãy chờ tới sáng. Hồi còn đi chăn cừu, tôi có học cách xem sao; chỉ độ ba tiếng nữa là trời sáng vì nhìn chòm sao Tiểu hùng, ta có thể biết được bây giờ đã là nửa đêm.

- Làm sao anh nhìn thấy được chòm sao Tiểu hùng một khi bầu trời tối đen như mực không có một ngôi sao nào cả? Đôn Kihôtê hỏi.

- Trời tối thật, nhưng sự sợ hãi làm mắt con người ta sáng ra, nhìn được cả dưới mặt đất và trên trời; cho nên có thể chắc chắn là chẳng bao lâu nữa sẽ sáng.

- Dù sáng hay không sáng, dù bây giờ hay bao giờ, những giọt nước mắt và những lời cầu khẩn cũng không thể làm cho ta từ bỏ nhiệm vụ của một hiệp sĩ. Xantrô, chớ van nài làm chi; Chúa đã bảo ta đảm đương công việc nguy hiểm chưa từng thấy này, Người sẽ phù hộ cho ta và an ủi anh. Thôi, hãy siết chặt đai ngựa cho ta và chờ ta ở đây; ta sẽ trở lại sớm, một sống hai mái.

Thấy chủ vẫn quyết tâm, không lay chuyển trước nước mắt, lời can ngăn và cầu khẩn của mình, và vẫn nhất mực muốn ra đi ngay, Xantrô bèn dùng mưu để cố giữ chủ ở lại tới sáng. Trong lúc siết chặt đai ngựa, bác lẳng lặng lấy cái dây tròng lừa buộc chặt hai chân con Rôxinantê lại, thành thử khi Đôn Kihôtê thúc ngựa, con vật không sao đi được, chỉ nhảy lò cò tại chỗ. Thấy đã thành công, Xantrô nói với chủ:

- Tôi đã bảo mà! Trời kia mủi lòng trước những giọt nước mắt và những lời cầu khẩn của tôi, đã giữ chân con Rôxinantê lại. Nếu ngài còn cứ thách thức, trêu gan Người và cứ khăng khăng mãi thì sẽ làm cho thần May rủi nổi giận, khác nào húc đầu vào đá.

Đôn Kihôtê thất vọng lắm vì thấy càng thúc con ngựa càng đứng ì. Không biết mưu mô của Xantrô và tưởng rằng có một nguyên nhân nào khác, chàng đành nén lòng chờ trời sáng hoặc cho tới khi con ngựa đi được. Chàng nói với giám mã:

- Vì con Rôxinantê không đi được, ta sẽ chờ tới lúc rạng đông mặc dù ta mếu dở vì phải chờ lâu quá.

- Ngài không việc gì phải khóc mếu cả. Tôi sẽ kể chuyện hầu ngài tới sáng trừ phi ngài muốn xuống ngựa nghỉ lưng trên đám cỏ non kia theo tục lệ của những nhà hiệp sĩ giang hồ để lấy sức sáng mai còn dấn mình vào cuộc phiêu lưu mạo hiểm vô cùng khủng khiếp đang chờ ngài.

- Sao lại xuống ngựa? Sao lại nghỉ lưng? Ta đâu có như những anh chàng hiệp sĩ trốn tránh gian nguy. Anh đi mà ngủ vì anh sinh ra để ngủ, hay muốn làm gì thì tùy; còn ta sẽ làm theo ý ta.

- Xin ông chủ đừng nổi nóng, tôi không có ý trêu tức ngài đâu.

Nói rồi, bác bước lại gần Đôn Kihôtê, một tay nắm đầu yên ngựa, một tay nắm cuối yên, ôm lấy đùi trái của chủ không rời một bước; những tiếng đập thình thịch vẫn đều đều vang lên khiến bác sợ run. Đôn Kihôtê nhắc Xantrô kể chuyện cho vui như bác đã hứa, bác đáp là sẽ kể nếu như những tiếng động không làm cho bác quá sợ.

- Dù vậy, tôi cũng cố gắng kể hầu ngài một câu chuyện; nếu tôi kể được hết, không bị ai ngăn cản, chắc chắn đó là câu chuyện hay nhất; xin ngài chú ý nghe, tôi bắt đầu: câu chuyện kể lại rằng mọi người đều được hưởng điều hay, còn ai đi tìm điều dở sẽ gặp điều dở. Xin lưu ý ngài rằng người xưa thường mở đầu một chuyện kể bằng câu: "Ai đi tìm điều dở sẽ gặp điều dở", nhắc lại câu nói của Catôn thời La Mã. Câu nói thật là hợp với hoàn cảnh lúc này, như khuyên ngài chớ quàng đường rậm và hãy chọn đường quang mà đi vì không ai bắt ta phải dấn mình vào con đường đầy sợ hãi lo âu đó.

- Thôi, hãy kể tiếp, còn để mặc ta tự chọn lấy đường đi.

- Vậy thì tại một làng ở Extramađura có một người chăn dê, người chăn dê kể ở đây tên là Lôpê Ruix; anh chàng Lôpê Ruix này mê một cô gái chăn cừu tên là Tôralba, còn cô gái chăn cừu Tôralba lại là con một nhà chăn nuôi giàu có, và nhà chăn nuôi giàu có này...

- Nếu anh cứ kể theo cái kiểu ấy, lắp đi lắp lại điều định nói, thì đến hai ngày cũng chẳng xong. Hãy đi thẳng vào câu chuyện một cách thông minh, nếu không, thà đừng kể còn hơn.

- Ở quê tôi, người ta đều kể chuyện theo kiểu này cả và tôi không biết làm theo kiểu khác; ngài bắt tôi kể theo kiểu mới sẽ không hay đâu.

- Thôi được, tùy anh; số phận đã bắt ta phải nghe, anh cứ tiếp tục.

- Vậy thì, thưa ông chủ quý mến, như tôi đã kể, anh chàng chăn dê nọ mê cô chăn cừu Tôralba là một cô gái béo tròn béo trục, tính nết cục cằn, tướng đàn ông vì cô ta có bộ ria khá đặc biệt khiến tôi vẫn nhớ mồn một.

- Vậy ra anh ta quen cô ta ư?

- Tôi không quen, nhưng người kể với tôi nói rằng câu chuyện này hoàn toàn có thật, cho nên khi kể lại cho người khác, tôi có thể khẳng định và thề rằng tôi đã được nhìn thấy cô ta. Thế nhưng ngày qua tháng lại, con tạo trớ trêu đã biến tình yêu của anh chàng chăn dê thành sự căm ghét. Nguyên nhân là có những kẻ độc miệng phao tin rằng cô này tằng tịu lung tung, nay anh này mai anh khác, khiến anh chàng Lôpê đâm ghen, rồi từ ghen đến ghét, và để cho khuất mắt, anh ta định bụng sẽ đi thật xa để khỏi phải nhìn mặt cô nàng. Từ khi bị bỏ rơi, Tôralba đâm yêu Lôpê thật sự, còn hơn cả khi chàng yêu cô trước kia.

- Tính tình đàn bà vẫn như vậy, Đôn Kihôtê nói; họ ghét bỏ kẻ nào đeo đuổi họ và chạy theo những kẻ hắt hủi họ. Thôi, kể tiếp đi.

- Thế rồi để thực hiện ý định của mình, anh chàng Lôpê đánh đàn dê ra đi, qua miền đồng bằng Extramađura để sang vương quốc Bồ Đào Nha. Được tin đó, cô nàng Tôralba đuổi theo; cô ta đi bộ, chân đất, sau anh chàng một quãng xa, tay chống gậy, cổ đeo một cái túi hai ngăn trong đựng một mảnh gương, một cái lược gãy và một hộp phấn đánh mặt chẳng biết to nhỏ ra sao; nhưng cô ta mang gì, tôi cũng chẳng cần biết, chỉ xin kể tiếp rằng anh chàng Lôpê cùng đàn dê đi tới bờ sông Guađiana; về mùa này, nước sông lên to mấp mé bờ mà đò giang chẳng có, người lái cũng không, không sao sang được bên kia. Lôpê rất băn khoăn lo lắng vì thấy cô nàng Tôralba đã tới gần, sợ phải nghe những lời van xin và nhìn thấy những giọt nước mắt. Còn đang tìm kiếm, bỗng đâu thấy có một ông lái đò và một con đò bé tí tẹo chỉ chở nổi một người và một con dê; cực chẳng đã, Lôpê đành gọi và nhờ bác lái chở anh ta và cả ba trăm con dê sang sông. Bác lái đò nhận lời, xuống đò dắt theo một con dê chở sang bên kia, rồi quay trở lại chở con thứ hai, rồi lại quay trở lại chở con thứ ba... Xin ngài nhớ cho số con dê đã được chở sang sông, quên một con là hết chuyện, không thể nào kể tiếp được nữa. Nào, tôi kể tiếp: bến sông bên kia lắm bùn và trơn, thành thử con đò qua lại mất khá nhiều thời gian. Cứ thế, bác lái đò sang rồi lại về chở hết con này đến con khác.

- Thì cứ cho là đã chở hết đàn dê sang sông rồi đi. Nếu cứ kể lể từng chuyến đò sang sông rồi lại về sông thì đến sang năm cũng chưa đưa hết đàn dê sang.

- Bao nhiêu con sang sông rồi, thưa ngài? Xantrô hỏi.

- Ta nhớ thế quái nào được! Đôn Kihôtê đáp.

- Tôi đã dặn rằng phải đếm đủ số dê đã sang sông cơ mà. Thôi thế là hết chuyện, chả còn gì kể nữa.

- Sao lại thế? Chẳng lẽ tất cả câu chuyện chỉ xoay quanh số lượng con dê đã sang sông hay sao? Nói rộng ra, nếu thừa hay thiếu một con thì anh không kể tiếp được sao?

- Đúng vậy, không thể nào kể được; ngài cho biết bao nhiêu con dê đã qua sông và ngài trả lời là không biết, thế là tôi chẳng nhớ còn lại bao nhiêu con để kể nốt; thật ra, câu chuyện này rất hay.

- Thế là kết thúc câu chuyện rồi ư?
- Vâng, thế là kết thúc, cũng như cuộc đời của mẹ tôi vậy.

- Quả thật câu chuyện anh vừa kể là một trong những chuyện mới lạ trên đời không ai có thể nghĩ ra được, và cách kể chuyện nửa vời của anh cũng có một không hai mặc dù ta không trông mong gì hơn ở trí tuệ của anh. Ta cũng không lấy thế làm ngạc nhiên vì có lẽ những tiếng đập thình thịch liên hồi kia đã làm anh rối trí.

- Mọi việc đều có thể xảy ra, Xantrô đáp; chỉ biết rằng câu chuyện của tôi chẳng còn gì để kể nữa; nó kết thúc khi ta bắt đầu đếm nhầm số con dê sang sông.

- Muốn kết thúc ở chỗ nào cũng được; bây giờ ta hãy thử xem con Rôxinantê có nhúc nhích được hay không.

Nói rồi, Đôn Kihôtê lấy đùi thúc vào sườn con ngựa, nhưng vì bị buộc quá chặt, con vật cứ nhảy lò cò tại chỗ không sao tiến lên được.

Lúc này, không hiểu vì khí lạnh lúc sắp bình minh, hay vì Xantrô ăn phải thứ gì quá nhuận tràng, hoặc giả do thói quen tự nhiên (có lẽ lý do sau cùng đúng nhất), bỗng dưng bác giám mã muốn đi làm một việc mà không ai có thể làm thay được. Khốn nỗi sự sợ hãi đã nhập vào tâm khảm bác, khiến cho bác không dám rời chủ nửa bước; một mặt khác, bác cũng không thể không đáp ứng yêu cầu cấp bách của bản thân. Cuối cùng, bác đã giải quyết một cách êm thấm: bác rút tay phải đang nắm yên ngựa rồi rất nhẹ nhàng, cởi cái dải rút vẫn dùng để buộc quần và tụt quần xuống; xong rồi, bác cố vén cao áo sơ-mi, để hở đôi mông to tướng. Làm xong việc đó mà bác cho là khó nhất, bác tưởng đã thoát nạn, nào ngờ lại đẻ ra một việc còn khó hơn: số là trong khi giải quyết nhu cầu tự nhiên, phải làm sao không phát ra tiếng động để khỏi lộ; bác bèn nghiến chặt hai hàm răng, so vai rụt cổ, cố hết sức nín thở. Nhưng dù đã làm đủ mọi cách, chẳng may bác phát ra một tiếng nhỏ khác hẳn những tiếng đập thình thịch đã khiến bác kinh hồn bạt vía. Đôn Kihôtê nghe thấy bèn hỏi:

- Tiếng gì vậy, Xantrô?

- Dạ, tôi không rõ, chắc lại có chuyện gì mới đây. Vì rằng những chuyện hay chuyện dở đều bắt đầu từ những sự việc không nhỏ.

Nói rồi, bác tiếp tục công việc đang làm dở một cách trót lọt, không phát ra một tiếng nào nữa, và thế là bác đã trút hết được gánh nặng trong lòng. Nhưng Đôn Kihôtê đã thính tai lại thính cả mũi; đã thế Xantrô lại đứng sát nách, thành thử hơi từ dưới xông thẳng lên phía trên, vào đúng mũi chàng. Bất chợt ngửi thấy mùi, Đôn Kihôtê vội vàng lấy hai ngón tay bịt mũi rồi nói, giọng ồm ồm:

- Xantrô, hình như anh đang sợ lắm thì phải?

- Vâng ạ, nhưng sao lúc này hơn lúc nào hết, ngài nhận thấy rõ như vậy?

- À, vì rằng lúc này hơn lúc nào hết, người anh có mùi, mà không phải long diên hương.

- Đúng vậy, nhưng lỗi không phải ở tôi mà do ngài cả, vì ngài đã dẫn tôi đi không đúng lúc và không đúng chỗ.

Tay vẫn ôm mũi, Đôn Kihôtê bảo Xantrô:

- Anh bạn hãy tránh xa ra một chút. Từ nay về sau, phải giữ gìn thân thể sạch sẽ hơn và ăn ở với ta cho phải đạo; chỉ vì ta quá thân mật nên anh đâm ra nhờn.

- Chắc ngài nghĩ rằng tôi đã làm điều gì không phải... đối với bản thân tôi.

- Thôi, tốt hơn hết là đừng bàn tới chuyện đó nữa, Đôn Kihôtê đáp.

Trong khi thầy trò trao đổi ý kiến, đêm qua dần; thấy trời sắp sáng, Xantrô nhẹ nhàng cởi trói cho con Rôxinantê và thắt lại quần. Được tự do thoải mái, Rôxinantê giơ hai chân trước lên đá không khí (tôi không định nói xấu nhưng nó không thể nhảy chồm lên được vì thiểu lực). Thấy con ngựa cử động được, Đôn Kihôtê cho đó là điềm tốt báo hiệu đã tới giờ ra tay. Lúc này, trời sáng bạch soi rõ mọi vật xung quanh, và Đôn Kihôtê thấy mình đang đứng dưới một lùm cây dẻ to, cành lá um tùm; những tiếng thình thịch vẫn không ngớt nhưng chưa tìm ra nguyên nhân. Trước khi ra đi, chàng quay lại từ biệt Xantrô và dặn:

- Hãy chờ ta tại đây ba ngày, nếu quá hạn không thấy ta trở về có nghĩa là Chúa muốn cuộc đời ta kết liễu cùng với cuộc phiêu lưu mạo hiểm này. Hãy làm nhiệm vụ đã được giao phó và đến gặp nàng Đulxinêa. Về khoản tiền công, anh không phải lo vì ta đã làm di chúc từ khi ở nhà ra đi, trong đó có ghi một khoản cho anh, tính theo số ngày làm. Nhưng nếu Chúa phù hộ cho ta được vô sự sau cuộc phiêu lưu mạo hiểm này, anh có thể càng thêm chắc chắn được nhận hòn đảo mà ta đã hứa.

Nghe những lời nói lâm ly thống thiết của chủ, Xantrô lại òa lên khóc, và bác quyết định đi theo chủ tới cùng, cho tới khi kết thúc câu chuyện phiêu lưu này.

Những giọt nước mắt và quyết định đáng quý của Xantrô Panxa khiến tác giả truyện này kết luận rằng bác là một người tốt, một con chiên đạo gốc. Hành động của Xantrô khiến Đôn Kihôtê xúc động nhưng chưa đủ để lay chuyển lòng chàng. Nén tình cảm lại, chàng đi về phía có tiếng nước đổ và tiếng đập thình thịch; Xantrô bước theo sau, tay dắt con lừa, người bạn đường luôn luôn cùng bác chia sẻ ngọt bùi, đắng cay. Sau khi đi một quãng dài dưới vòm những cây dẻ, hai thầy trò tới một cánh đồng cỏ nhỏ hẹp, xung quanh có núi đá cao chót vót. Từ trên đỉnh núi có một thác nước đổ xuống; dưới chân núi có một vài túp nhà - nói đúng hơn, đó là những ngôi nhà đã đổ nát - từ trong đó phát ra những tiếng đập thình thịch liên hồi. Con Rôxinantê hoảng sợ ***g lên; vừa vỗ về con vật, Đôn Kihôtê vừa từ từ tiến lại gần những túp nhà, mồm ra sức cầu nguyện tình nương phù trợ cho trong những phút gian nguy này, ngoài ra cũng không quên cầu Chúa đừng bỏ rơi. Xantrô bám sát chủ, vừa đi vừa nghển cổ giương mắt cố nhìn qua bốn cẳng con Rôxinantê xem có cái gì ở trong những túp nhà khiến bác hồi hộp lo âu cả đêm. Hai người đi thêm một trăm bước nữa, quành một quả núi, và kia... nguyên nhân của những tiếng động khủng khiếp khiến hai người hồi hộp lo âu suốt cả đêm đã hiện ra trước mắt họ, rõ như ban ngày. Đó là (xin độc giả chớ thất vọng, buồn phiền) sáu cái chày nện dạ đang hoạt động và phát ra những tiếng đập thình thịch như đã tả ở trên.

Trước cảnh tượng đó, Đôn Kihôtê lặng người, xỉu đi. Xantrô nhìn chủ, thấy chàng gục đầu xuống ngực với một vẻ bối rối sượng sùng. Một lát sau, chàng ngửng mặt lên nhìn Xantrô thì thấy hai má bác bạnh ra, mồm có vẻ muốn phá lên cười; thấy vậy, mặc dù còn đang nẫu cả ruột, Đôn Kihôtê cũng không nhịn được cười: thấy chủ đã mở đầu, Xantrô cười phá lên và bốn lần bác phải lấy hai tay ấn vào mạng sườn để tự ghìm lại nhưng vẫn không được, khiến Đôn Kihôtê phát khùng, nhất là khi nghe thấy bác nhại lại: "Anh bạn Xantrô, anh phải biết rằng Chúa muốn ta sinh ra giữa thời đại thiết khí này để làm sống lại thời đại hoàng kim. Ta sinh ra để hứng lấy những gian nguy, để lập nên những chiến công hiển hách, để có những hành động dũng cảm..." Cứ như thế, Xantrô nhắc lại những lời nói của Đôn Kihôtê khi hai người lần đầu tiên nghe thấy những tiếng chày nện dạ.

Thấy Xantrô chế giễu mình, Đôn Kihôtê vừa thẹn vừa tức, giơ tay giáo phang cho bác hai đòn; cũng may Đôn Kihôtê chỉ đánh trúng vai chứ nếu vào đầu, chắc chắn chàng sẽ không phải trả tiền công cho Xantrô nữa; hoặc nếu có thì sẽ chỉ phải trả cho những người thừa kế của bác giám mã mà thôi. Thấy vì đùa mà bị đòn đau như vậy, sợ chủ tiếp tục, Xantrô vội nói với một vẻ rất cung kính:

- Xin ngài bớt giận làm lành, tôi xin thề có Chúa rằng tôi đùa thôi.

- Anh đùa nhưng ta không đùa, Đôn Kihôtê đáp. Này anh chàng hay bông phèng, hãy nghe ta hỏi: giả sử đây không phải là những cái chày mà là một cuộc phiêu lưu đầy mạo hiểm thật, thử hỏi ta có thiếu lòng dũng cảm để xông vào cuộc không? Có bắt buộc một hiệp sĩ như ta phải phân biệt được các âm thanh và biết tiếng chày nện dạ như thế nào không? Hơn nữa, thực ra ta có nhìn thấy cái chày nện dạ bao giờ; ta đâu thô lỗ như anh vốn sinh ra và lớn lên bên những cái chày đó. Thử biến sáu cái chày kia thành sáu tên khổng lồ và hãy dẫn chúng tới trước mặt ta, từng tên một hoặc cả bọn cũng được; nếu ta không đánh ngã được chúng, lúc đó hãy tha hồ mà chế giễu ta.

- Thôi, xin ngài nguôi giận, quả thực lúc nãy tôi đùa hơi nhả, ngài bỏ quá cho. Bây giờ ta đã làm lành với nhau rồi và tôi muốn thưa với ngài một điều: trong các cuộc phiêu lưu đã qua, Chúa đều phù hộ cho ngài được bình an vô sự, kể cả lần này; những nỗi lo âu của thầy trò ta - hay nói đúng hơn là nỗi lo âu của tôi vì tôi biết xưa nay ngài không hề run sợ - kể ra cũng nực cười và đáng kể lại lắm chứ?

- Ta đồng ý rằng việc vừa xảy ra thật đáng cười, nhưng không nên kể lại làm gì vì có những kẻ vô tri vô giác không đặt đúng vấn đề.

- Ít ra ngài cũng đã đặt đúng ngọn giáo vào đầu tôi; nhưng nhờ Chúa và nhờ tài tránh đòn của tôi, ngài chỉ phang được vào vai. Nhưng thôi, mọi việc đều có nguyên nhân cả và như người ta thường nói: "Yêu cho roi cho vọt". Mà thường sau khi nặng lời với gia nhân, các vị đại gia hay cho họ quà cáp. Tôi không hiểu các vị đó sẽ cho gì khi họ đánh đập gia nhân; chỉ biết cũng trong trường hợp ấy, các hiệp sĩ giang hồ cho giám mã của họ một hòn đảo hay một vương quốc trong đất liền.

- Mọi sự việc đều biến chuyển và những điều anh vừa nói có thể trở thành sự thật. Nhưng thôi, ta xin lỗi về hành động đã qua. Anh là một người biết điều và anh cũng hiểu rằng nhiều khi con người ta không tự kiềm chế được hành động của mình. Ta cũng muốn dặn anh từ nay về sau, phải bớt mồm bớt miệng đi; trong rất nhiều sách kiếm hiệp mà ta đã đọc, ta chưa hề thấy có giám mã nào nói năng với chủ bạo mồm bạo miệng như anh. Thực ra, cả hai chúng ta đều có lỗi: anh không kính trọng ta lắm, còn ta cũng không làm cho anh phải kính trọng hơn nữa. Ganđalin, bá tước đảo Phirmê, giám mã của Amađix nước Gôlơ, khi nói với chủ bao giờ cũng bỏ mũ cầm tay, đầu cúi xuống, người ngả về đằng trước theo kiểu Thổ Nhĩ Kỳ. Còn Gaxabal, giám mã của Đôn Galaor, rất ít nói; và để làm nổi bật đức tính ít lời của anh ta, trong suốt câu chuyện dài và có thật đó, chỉ thấy nhắc tới tên anh ta có một lần. Xantrô, anh cần suy nghĩ về những lời nói của ta và phải biết phân biệt giữa chủ và tớ, giữa gia chủ và gia nhân, giữa hiệp sĩ và giám mã. Từ nay trở đi, anh phải biết kính nể ta hơn, chớ sinh nhờn vì rằng nếu anh làm ta nổi giận bất kể trong trường hợp nào, phần thiệt vẫn thuộc về anh. Những phần thưởng đã hứa rồi đây sẽ về tay anh; và dù không có chăng nữa, ít ra anh cũng không thể mất được tiền công như ta đã nói.

- Tất cả những điều ngài nói đều hay cả, nhưng tôi cũng muốn được biết (phòng khi không có phần thưởng còn trông vào tiền công) tiền trả cho giám mã của một hiệp sĩ giang hồ thời trước là bao nhiêu và người ta có tính công tháng hay công nhật như trả công cho thợ nề không?

- Ta nghĩ rằng những giám mã đời xưa không nhận tiền công mà chỉ nhận phần thưởng thôi. Sở dĩ ta ghi một khoản tiền công cho anh trong di chúc để ở nhà là vì ta đề phòng những chuyện có thể xảy ra; ta cũng không biết trong thời đại đầy tai ương này, ta sẽ gặp phải những thử thách gì, và ta muốn lòng ta khỏi phải áy náy ở bên kia thế giới về những chuyện lặt vặt. Xantrô, anh phải biết rằng không có gì nguy hiểm bằng làm nghề hiệp sĩ này cả.

- Thật vậy, vì chỉ tiếng chày nện dạ cũng đã đủ làm cho một hiệp sĩ giang hồ dũng cảm như ngài mất ăn mất ngủ. Ngoài ra, ngài có thể tin tưởng từ nay tôi sẽ không mở mồm chế giễu ngài nữa mà chỉ để ca tụng ngài như một người chủ của tôi.

- Có như thế anh mới sống được trên trái đất này vì sau bố mẹ, con người ta cần phải biết kính trọng ông chủ của mình, coi cũng như bố mẹ vậy.  

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro