Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

CHƯƠNG 2

Sang đầu tháng chín, vào một buổi chiều thứ bảy trời ơi đất hỡi, chẳng theo một lịch trình hẹn trước nào, Trang bất ngờ xuất hiện ở khu phố Chùa Láng và lôi tôi ra khỏi giấc ngủ một cách sỗ sàng. Lúc ấy là khoảng hai giờ chiều, sau ca trực sáng, tôi vừa chợp mắt được khoảng mười phút thì bị dựng dậy bởi tiếng chuông điện thoại liên hồi của cô.

"Trang à?" Tôi mệt mỏi nghe máy, đôi mắt vẫn nhắm tịt. "Có vụ gì vậy?"

"Anh đang làm gì đấy?" Giọng cô rú lên. "Sao nghe như ngái ngủ thế?"

"Thì đúng là đang ngủ trưa chứ sao. Em không ngủ trưa à?"

"Trời ơi, hai giờ chiều rồi mà còn ngủ trưa!?" Cô tặc tặc lưỡi lên giọng dạy đời. "Nhiều khi, em lo lắng không hiểu đất nước này rồi sẽ đi về đâu khi mà thanh niên trai tráng như anh ngủ lắm đến vậy, buổi trưa người ta chỉ chợp mắt nửa tiếng là quá lắm rồi!"

"Tôi mệt lắm cô ạ, ba đêm nay tôi phải trực liên tục, lao lực như vậy cũng coi như là có cống hiến cho đất nước rồi." Tôi làu bàu. "Thế có việc gì không để tôi còn ngủ tiếp nào?"

"Ơ kìa! Anh còn nhớ hay anh đã quên? Lần trước chúng ta có hẹn ngày thứ bảy sẽ lên hồ Tây uống café mà!"

"Cái ngày thứ bảy ấy đã trôi qua từ hai tuần trước rồi em ạ!"

"Uầyyy...." Cô cố tình kéo dài giọng ra. "Khi em nói ngày thứ bảy, thì có nghĩa là hôm ấy phải hội đủ một số điều kiện cho cuộc dạo chơi, có thời gian là một, tiền rủng rỉnh là hai, và quan trọng nhất... là phải có tâm trạng. Tuần trước âm u chết đi được, chơi bời gì. Hôm nay, chính hôm nay mới là một ngày thật sự phù hợp!""

"Quên thì nói đại là quên đi còn bày đặt..."

"Không hề. Này nhé, nếu như em không báo lại cho anh thì đó là vì thỉnh thoảng em lại muốn thử thách xem anh có thật sự là tri kỷ của em không thôi, còn từ quên không có trong từ điển của em, lúc nào em chả sống như sách thánh hiền đã dậy: Quân tử nhất ngôn, tứ mã nan truy!"

"Sách thánh hiền cơ à? Nó là quyển nào ấy em nhỉ?" Tôi chọc Trang, cô không nghiên cứu sâu xa về một nhà tư tưởng nào đâu, cứ hỏi thêm một chút là bế tắc ngay.

Đúng thế thật, Trang bắt đầu lúng túng: "Quyển... quyển nào á? Ừ, quyển nào nhỉ, chắc là... tứ thư ngũ kinh, hoặc là... luận ngữ, ôi, mà sách quái nào chả được. Quan trọng là anh có dậy ngay không hả, người bạn quân tử của anh đến cửa quán rồi đây này!"

"Ừ... ừm, thì dậy..." Tôi lồm cồm bò dậy, cả tuần lắm việc chưa ra khỏi quán cũng bắt đầu thấy bí bách, hơn nữa, Trang đã mò đến đây thì sẽ không bao giờ để tôi yên đâu, trừ khi tôi bị ốm liệt giường liệt chiếu.

Gấp chăn ga xong tôi đi xuống nhà, vừa đi vừa ngáp ngắn ngáp dài, ra khỏi cửa quán thì tôi thấy Trang đang nhảy lò cò cách đấy mấy mét, cô chơi trò ấy một mình, vẻ mặt tươi vui như học sinh cấp hai.

Nghe tiếng tôi gọi, Trang quay mặt lại với gương mặt rạng rỡ như mặt trời, hôm nay cô mặc quần bò với một chiếc áo thun đen, mặt trước áo có in hình Che Guevara đội mũ nồi đen với đôi mắt cương nghị nhìn về hướng xa xăm.

"Nhìn anh kìa." Trang bĩu môi khi lại gần tôi. "Đi chơi mà tóc tai bù xù thế à, có phải anh quên chải đầu không đấy?"

"Luộm thuộm tí cũng tốt chứ sao!" Tôi lấy tay cào cào qua mái tóc và bao biện. "Chỉn chu quá anh sợ người yêu mày hiểu nhầm."

"Xí! Luộm thuộm thế thảo nào chẳng ai thèm yêu." Trang nói, rồi chợt nhớ đến chuyện tôi bị người yêu cũ đá, cô bèn chuyển sang đề tài khác. "Ừ... ừm. Mà thôi, hình thức phiên phiến tí cũng được, giờ mình đi luôn cho sớm nhỉ?"

"Ừ. Chìa khóa xe đâu để anh chở?"

"Không có."

Tôi ngó nghiêng xung quanh một lượt nhưng không thấy chiếc xe máy hiệu Yamaha của cô đâu. "Thế em đi cái gì đến đây?" Tôi hỏi.

"Em đi taxi."

Tôi ngạc nhiên nhìn cô từ đầu xuống chân.

"Chả là..." Trang bắt đầu trả lời thủng thẳng. "Em vừa đọc truyện của một cựu du học sinh, trong ấy chị ấy kể là ở bên Pháp đi taxi khó lắm, không phải bình dân như nước mình..."

"Và thế là..." Tôi trố mắt nhìn cô. "Em bỏ xe máy ở nhà và đốt tiền taxi để tận hưởng cảm giác sành điệu kiểu Pháp?"

"Yes!"

"Anh đi ngủ tiếp đây." Tôi quay phắt người đi về quán.

"Ấy! ấy!" Trang chạy vội theo níu áo tôi lại. "Bình tĩnh. Trêu anh thế thôi. Em đâu thừa tiền đến mức ấy, chả là ban nãy con bạn cùng phòng lấy xe em đi mất rồi."

"Thế sao không để hôm khác?!"

"Không được! Ngày thu đẹp trời thế này mà ru rú ở nhà anh không thấy là quá uổng phí hay sao!?"

Ngày thu đẹp trời, chà, mãi mới thấy nó nói được một câu hợp với ý tôi.

"Thôi... được rồi. Thời tiết hôm nay đúng là tuyệt thật." Tôi gật gù. "Để anh mượn xe ở quán rồi mình đi."

Tôi và Trang chỉ cách nhau có hai tuổi mà suy nghĩ và sở thích của chúng tôi khác nhau rất nhiều, hầu hết những câu chuyện cô nói trên đường tôi không tham gia được gì cả, những đề tài cô đưa ra khó quá, nào như là âm nhạc Hàn Quốc, rồi truyện ngôn tình, truyện đam mỹ hay những bộ truyện tranh tôi chưa nghe tên bao giờ.

"Anh chỉ bám vào mấy bộ truyện kinh điển như Dragon Balls thì biết hết làm sao được." Trang phản ứng khi tôi bảo chưa bao giờ biết đến những bộ truyện tranh cô vừa liệt kê.

Ra đến đường Thanh Niên thì có một câu chuyện cô kể khiến tôi hào hứng hơn một tí, cơ bản vì nó là chủ đề sở trường của tôi: lịch sử. Chẳng là Trang tình cờ nhìn thấy chiếc biển ghi tên con đường chúng tôi đang đi, thế là cô nhớ ra chuyện về người ông nội của cô, đấy là từ khoảng những năm 1957, khi mà ông cô còn trẻ như chúng tôi bây giờ, ông lên Hà Nội học in ấn gì đó ở đường Nguyễn Thái Học và tham gia góp sức làm nên con đường Thanh niên này.

Sau khi con đường được hoàn thành, để ghi nhớ công sức và nhiệt tình tuổi trẻ của thế hệ ông cô, người ta đã lấy hai chữ Thanh niên để làm tên cho con đường.

"Chuyện nhỏ nhưng khá thú vị." Tôi gật gù. "Mà năm 1957 bằng tuổi mình thì bây giờ ông em cũng phải tầm 70 tuổi rồi ấy nhỉ?"

"Ừ, khoảng đấy, em cũng không nhớ rõ."

"Hôm rồi em kể là ông bị tai biến đấy đúng không?"

"Đúng rồi, hôm ấy bận gì mà chưa kể kỹ cho anh nghe nhỉ. Mấy năm trước ông em còn khỏe lắm, dạo này bắt đầu yếu đi nhiều. Hồi ấy ông vẫn còn tự leo được ba tầng cầu thang lên phòng em chơi. Sau trận tai biến vừa rồi thì giờ chỉ quanh quẩn ở tầng một được thôi." Cô nói, mặt buồn thiu. "Em còn nhớ hồi ấy mỗi lần lên phòng em, thấy ảnh thần tượng dán đầy tường là ông lại than thở, rồi so sánh, ông bảo thanh niên bây giờ chắc không bản lĩnh bằng thanh niên ngày xưa. Người già đúng là hay mắc bệnh lo nghĩ anh nhỉ."

"Thật ra ông cũng có lý đấy chứ, thấy những biểu hiện kích động như của bọn em thì ông không hoảng mới lạ."

"Kích động gì? Ý anh là gì?"

"Thì đấy, mỗi lần thần tượng đến Việt Nam là các cô lại ra sân bay la hét, xô đẩy, rồi khóc lóc thảm thiết, cứ làm như người thân mình chết không bằng."

"Và đấy là lý do để lo lắng về thanh niên?"

"Không phải sao? Anh thấy nó rất thiếu tự chủ."

"Uầy. Anh kiếm ngay chỗ đỗ xe trên vỉa hè đi, rồi em sẽ khai sáng cho anh." Cô nói.

Theo tay Trang chỉ, tôi phóng xe lên vỉa hè đường, phía mặt phải giáp với hồ Trúc Bạch, có vài xe đã dựng gần mặt hồ nên tôi đành dựng tạm dưới gốc cây phượng, rồi tôi và cô đi vài bước ra bồn hoa gần mặt hồ hóng gió.

"Bây giờ em hỏi anh này." Trang bắt đầu khai thị cho tôi.

"Vâng."

"Xã hội bây giờ so với thời ông em có phát triển hơn không?"

"Hơn nhiều."

"Một câu nữa. Theo anh mười năm nữa xã hội mình có phát triển hơn hôm nay không?"

"Anh nghĩ là có."

"Đấy, xã hội cứ ngày càng một phát triển, có nghĩa là thanh niên lúc nào cũng tiến bộ, lúc nào cũng đi về phía trước. Tại sao người ta cứ phải suốt ngày nâng cao quan điểm, bày tỏ lo nghĩ về thanh niên?"

"Ừ, cũng có lý." Tôi nói, sao tự dưng nó có thể lập luận hay thế được nhỉ.

"Cho nên những cái màn khóc lóc gào thét anh vừa bảo, nó chỉ là cảm xúc nhất thời, nó không đại diện cho cái gì cả, không chứng minh được cái gì về bọn em cả, đừng như thầy bói mù sờ voi anh biết chưa?"

"Ừ, anh thấy sáng suốt hơn rồi đấy." Tôi nói. "Nhưng anh xin phép được hỏi câu này được không."

"Đừng giấu dốt, cứ nói đi, em sẽ giác ngộ cho anh. Amen!" Trang khoanh tay hếch mặt lên trời, nhìn rất tự tin.

"Anh xin lỗi, nhưng có phải..." Tôi hỏi nhỏ nhẹ. "Cái triết lý vừa rồi em chôm được ở đâu không?"

"Sao..." Trang trợn tròn mắt nhìn tôi. "Sao anh lại cho rằng nó không phải là ý tưởng của em?"

"Mình chơi với nhau quá lâu rồi em ạ. Anh biết em ở tầm nào mà."

"Hứ." Trang bĩu môi một cái dài thườn thượt. "Vâng, báo cáo anh, đấy là câu nói của triết gia Socrate, hôm rồi trên lớp em mới nghe ông thầy giáo nói."

Tôi biết mà, Trang vốn là một nhà sưu tập danh ngôn, cô cứ đọc thấy câu gì hay hay là học thuộc nhanh lắm, sau đó gặp cơ hội nào phù hợp sẽ vận dụng vào ngay. Thật ra cô làm thế cũng không nhằm mục đích gì cả, chỉ là để cho vui thôi.

"Nói chuyện với anh chán chết, toàn bóc mẽ em thôi." Trang quay sang bên trái tỏ vẻ dỗi hờn.

"Thông cảm. Kỹ năng giả ngu của anh hơi kém."

Không chỉ quay mặt, giờ Trang còn xoay cả người sang bên trái, mắt cô tập trung nhìn chằm chằm vào cái gì đó ở phía xa.

"Không phải diễn quá đà thế đâu. Quay lại đây nói chuyện đi." Tôi hỏi.

"Vớ vẩn. Diễn gì mà diễn." Cô làu bàu. "Anh thấy gì kia không?"

"Thấy nhiều người đi dạo chứ thấy gì."

"Vớ vẩn. Tập trung hết thị lực đi. Kia kìa. Là bà bán bò bía đấy."

Đúng là cách chúng tôi khoảng chừng ba mươi mét có một bà bán bò bía rong đang đạp xe hướng lại gần. Nhưng bà ta vừa đi được thêm mười mét thì có khách hàng vẫy nên đã dừng xe lại.

"Không thể chờ đợi hạnh phúc một cách bị động được anh ạ." Trang siết chặt hai nắm đấm. "Đi, ra mua với em nhanh lên."

Nói rồi cô kéo tay tôi lôi đi xềnh xệch đến chỗ bà bán bò bía rong. Cô mua liền một lúc đến sáu cái. Trang là một con người vô cùng mâu thuẫn, lúc nào cô cũng sợ béo nhưng uống nước ngọt và ăn quà vặt lại rất tài.

"Nói cái này anh giữ bí mật giùm nhé, người yêu còn có lúc em chán, chứ đồ ăn em không chán bao giờ anh ạ!" Trang nói khi nhận túi bò bía từ bà bán hàng, khả năng lời tự thú ấy là đúng vì gương mặt cô lúc này nhìn rất rạng rỡ và hạnh phúc.

Tôi tranh trả tiền nhưng cô không đồng ý với lý do không ăn thì không phải trả. Thế là tôi cũng đòi ăn để được trả tiền.

Ăn thử rồi mới biết món bò bía này ngon thật, Trang không kềm lòng được cũng đúng thôi. Món này nhìn rất đơn giản, chỉ có một thanh kẹo màu hổ phách với ít dừa nạo sợi, thêm ít vừng đen rồi cuộn trong tấm bánh tráng, nhưng khi ăn vào mới thấy đó là cả một nghệ thuật ẩm thực, có đủ vị béo của dừa, thơm của vừng, ngọt của mạch nha kết hợp với nhau một cách rất tinh tế.

"Ngon, ngon." Trang vừa nhai rau ráu vừa nói. "Nhưng bữa ăn còn thiếu một tí âm nhạc hoặc kiến thức nữa mới trọn vẹn. Anh giai biết gì về nơi này không, chia sẻ cái xem nào?"

"Em trên thông thiên văn, dưới tường địa lý, còn gì không biết đâu mà phải hỏi?"

"Thôi, đừng chọc nhau nữa, ở đây em chỉ biết mỗi một thứ là bánh tôm thôi!"

"Đấy cũng là kiến thức mà..." Tôi nói. "Nhưng, thôi được, thích chuyện lịch sử hàn lâm tí thì chiều. Giờ anh đố em nhé, tại sao cái hồ trước mặt mình tên là Trúc Bạch có biết không?"

"Hỏi khó thế. Chắc ở đây có giống tre trúc nào đó đặc biệt à?"

"Tầm bậy. Chuyện thế này này... ngày xửa ngày xưa..." Tôi nói. "Hồ Tây và hồ Trúc Bạch này vốn là một, sau người ta đắp ra cái đường mình đang đứng đây này, để đi lại cho dễ. Ở góc hồ này, nguyên có một hành cung của chúa Trịnh, cung đó sau thành nơi an trí những cung nữ có tội hoặc về già. Họ trồng dâu chăn tằm và tự dệt lụa, thứ lụa trắng ngà, mềm, mỏng, cực đẹp, gọi là lụa Làng Trúc, và cái tên Trúc Bạch ra đời từ đấy, mảnh hồ Tây bị ngăn ra cũng mang luôn tên ấy, gọi là hồ Trúc Bạch. Sách sử cũng kể rằng vào thời ấy ở đây trồng rất nhiều hoa sen, thơm nức một vùng, làm rung động trái tim bao nhiêu thi nhân kẻ sĩ đấy."

"Chà chà, ra là vậy!" Trang nói. "Mà sao anh biết chuyện ấy thế?"

"Hồi trước có lần anh đi uống café với thằng bạn nhà ở gần đây thì được nghe nó kể thế." Tôi nói. "Mà này... em có thể nuốt hết rồi mới nói được không?"

"Ghớm, vừa ăn vừa nói mới hiệu suất chứ." Trang lườm tôi. "Mà sau bốn năm ở đây anh hiểu được bao nhiêu về Hà Nội này rồi?"

"Hiểu tí chút thôi, kiến thức thì vô hạn, biết thế nào là đủ hả em?"

"Cá nhân, quan điểm cá nhân đi. Anh nghĩ sao về thành phố này?"

"Thành phố này... cũng được." Tôi hơi đơ người một chút vì câu hỏi nghiêm túc của Trang. "Đây là một thành phố lớn và sôi động, rất hợp với người trẻ."

"Còn gì nữa không?"

"Thế thì lại phải kể chuyện này." Tôi nói. "Chẳng là... anh có một thằng bạn cùng quê cũng lên đây học, hôm rồi gặp nhau nói chuyện ra trường định đi đâu làm gì, nó tâm sự với anh là khi đã quen với không khí tấp nập ở đây rồi, mỗi khi về quê nhìn cảnh đồng ruộng là nó lại tự nhủ phải tìm cách trụ lại ở đây, thoát ly khỏi cuộc sống chậm chạp buồn tẻ ở quê nhà."

"Em hiểu. Vì mấy đứa bạn thân của em cũng có suy nghĩ ấy, em thì từ đầu đã xác định ra trường sẽ về tiếp quản tiệm vàng bạc của mẹ nên chả có ý kiến gì. Tất nhiên, em tự biết con người tài hoa như em mà về thì đó sẽ là một thiệt thòi lớn cho Hà Nội..." Trang nói và cười nhăn nhở với tôi.

"Về khoản ảo tưởng thì em là thủ khoa trường mình đấy. Anh nghĩ..."

Tôi đang định châm chích cô thêm vài câu thì có tiếng chuông điện thoại.

Trang rút điện thoại từ túi quần ra nghe, là con gái nhưng cô rất thích dùng sản phẩm của Blackberry.

"Đây rồi đây rồi." Trang nói. "Em đến mười lăm phút rồi, đang lòng vòng ăn quà vặt tí, chị ở đâu đấy?... À, ở bên kia đường à, em lại tưởng bên này, làm đứng chờ mãi. Chờ tí nhé, em sang ngay đây."

Sau khi tắt máy, Trang quay sang giải thích cho tôi là cô có hẹn gặp hai người bạn trong câu lạc bộ cát cát gì đó để bàn bạc về việc các anh trai sắp giải tán.

"Hôm trước em có nói qua rồi đúng không nhỉ, các anh ấy đang tạm ngừng hát vì những lý do thật vớ vẩn. Hơn bao giờ hết, đây chính là lúc Cassipoeia phải đoàn kết lại." Cô nói, như kiểu sắp làm cách mạng long trời lở đất vậy. "Bọn em sẽ cùng ký tên vào một bức tâm thư gửi cho các anh ấy, các anh ấy phải biết tình yêu của bọn em lớn đến thế nào, việc tan rã của các anh ấy sẽ làm hàng triệu trái tim trên quả địa cầu này tan nát, thế giới sẽ trở nên tệ hại hơn rất nhiều nếu không có các anh ấy!"

Trang còn nói lá thư này do chính tay cô chấp bút, nhờ tình yêu thần tượng mà cô đã học tiếng Hàn đến trình độ khá cao.

"Cả... cả thế giới cơ á?" Tôi lè lưỡi tỏ ra kinh hãi. "Vậy chắc bọn em phải cắt máu ở tay ra để điểm chỉ vào lá thư nữa ấy nhỉ?"

"Cái anh này. Nói gì mà ghê. Cắt máu để khủng bố người ta à?!" Trang giãy nảy lên, rồi vừa nhồm nhoàm nhai nốt mẩu bò bía cuối cùng cô vừa nói: "Biết là tình cảm của bọn em lớn lao và vĩ đại như Thái Bình Dương, nhưng cũng không thể làm như vậy được. Bởi vì sao..."

Sau khi nuốt ực một cái, cô bắt đầu xổ Nho với tôi: "Anh phải tìm hiểu kinh sách thánh hiền đi, ông danh nhân Khổng Phu Tử nói gì anh biết không? Thân thể này là cha mẹ ban cho ta, nên ta không được phép tự ý hủy hoại đâu anh biết không?"

"Thế đứa nào suốt ngày đòi đổi tên bố mẹ ban cho đấy?"

Chẳng là tên đầy đủ của cô là Vũ Thị Quỳnh Trang, nhưng cô rất ghét chữ Thị trong tên của mình, truyền thống ngày xưa con trai thì đệm là Văn, con gái đệm là Thị. Đã ít nhất sáu lần cô phàn nàn với tôi là chữ đệm ấy nghe rất quê mùa và cổ lỗ xĩ.

"Ờ tên thì...Cái đấy thì..." Trang ấp úng. "Mà anh toàn hỏi cắc cớ thôi. Anh tự mà đi tìm câu trả lời, giờ em đi tắt sang đường gặp các chị ấy, anh chịu khó đi vòng sang đường rồi dắt xe lên vỉa hè bên kia nhé."

Nghĩ đến việc sắp đối mặt thêm hai con người nữa cũng cuồng K-Pop thế này tôi thấy quá nản, nhưng chẳng lẽ có hai anh em đi với nhau tôi lại tách đoàn ra uống café một mình, mà nghe Trang nói là chỉ bàn về tâm thư gì đó thôi thì chắc cũng không mất nhiều thời gian, nghĩ vậy nên tôi phóng xe đi theo hướng về chùa Trấn Quốc để tìm chỗ quay đầu, sau đó lại phải leo lên lề và tìm chỗ trống giữa những bồn hoa để lách xe vào đoạn đường đi dạo phía trong, sát với hồ Tây.

Trang đang đứng nói chuyện với hai cô gái nữa, một cô gái hơi gầy, mặt nhìn cũng tạm được, mỗi tội hơi nhiều mụn trứng cá, cô này đang hớn hở tay bắt mặt mừng với Trang, còn một cô gái nữa thì tôi không nhìn rõ mặt vì hướng nhìn đang bị Trang che khuất.

Đúng như dự đoán của tôi, những con người cuồng K-Pop này khi mà gặp nhau thì ầm ĩ náo nhiệt như mở hội vậy, Trang và cô gái hơi gầy kia đang đi vào đề tài thần tượng rôm rả lắm, nhìn họ vô cùng thú vị, tâm đầu ý hợp, người tung kẻ hứng, ríu rít rộn ràng như chim.

Khi còn cách mấy cô gái ấy tầm khoảng năm bước chân, tôi dừng xe lại và đứng gãi đầu gãi tai tự hỏi mình có nên đi lại gần hơn nữa không. Trang đang đứng xoay lưng lại nên cũng không nhớ ra còn có bạn đi cùng mình.

Hai người bọn họ cứ thế nói chuyện về thần tượng một cách mải miết và đầy mê say, văn chương ào ào tuôn chảy như thác nước, tuồng như quên hết tất cả thế giới xung quanh.

Tôi thì cứ đừng tần ngần ra như thế, cho đến gần mười phút sau, khi cô gái đang bị che khuất kia phát hiện ra sự lúng túng khó xử của tôi, cô ấy liền khều tay Trang và kín đáo chỉ về hướng tôi.

"À, ừ nhỉ. Chết rồi." Trang nắm tay cô gái đang nói chuyện để ra hiệu tạm dừng. "Mải buôn chuyện quá em quên đấy. Lo nghĩ cho các anh ấy quá làm mình có triệu chứng bị Alzheimer rồi hay sao ấy các chị ạ. Để em giới thiệu anh bạn đi cùng em với các chị một chút nhé."

Rồi Trang quay lại vẫy tôi, động tác tay cô nhìn như tay con mèo phát tài ở cửa hàng ăn vẫy khách vậy. "Lại đây làm quen bạn mới một tí đi anh!" Cô nói.

Khi gọi tôi Trang quay người lại và đứng lệch sang bên phải, nhờ vậy tôi mới có dịp nhìn kỹ cô gái tinh ý đang bị cô che mất, cô gái thứ hai ấy đang đứng dựa nhẹ vào chiếc Vespa Lx màu trắng, hai tay khoanh hờ trước ngực, điệu bộ giống như một đóa hoa đang e ấp trước kỳ nở rộ, cô không để ý đến ánh mắt của tôi vì còn đang mải nhìn theo những cánh chim trời bay ở phía xa xa, gần cuối mặt bên kia của hồ Tây.

Bỗng nhiên, tôi cảm thấy ngờ ngợ là hình như mình đã từng gặp cô gái này ở đâu đó rồi, gương mặt cô nhìn rất quen, đặc biệt, đặc biệt là đôi mắt nai hiền dịu ấy, chắc chắn nó đã từng gây ra một ấn tượng rất mạnh với tôi trong dịp nào đó gần đây.

Cái ấn tượng này, cái cảm giác này, cảm giác khi ngắm những bông hoa lan trắng ở quê nhà, phải rồi, không thể quên được, đến chết cũng không thể quên được, tôi khẽ à lên một tiếng khi đã nhớ ra, đây chính là cô gái đi chiếc xe Lexus trắng mà tôi gặp ở cổng trường đại học hôm trước.

Sở dĩ tôi không nhận ra cô ngay là vì hôm nay đi chơi nên cách ăn mặc của cô hoàn toàn khác với lúc đi học, rất đẹp và thanh lịch, điểm thêm một chút điệu đà con gái. Đó là một chiếc đầm ôm màu trắng, vừa gợi cảm mà vẫn nhẹ nhàng trang nhã, đầm chấm gần đến đầu gối, cổ đầm tròn lịch sự và kín đáo. Gương mặt thanh tú và làn da trắng như tuyết của cô khi mặc với chiếc đầm này tạo cho người đối diện một ấn tượng về sự sang trọng và nữ tính, ngoài ra, cô biết khắc phục điểm yếu chiều cao của mình bằng cách đeo một đôi giày cao gót màu be gần giống màu da chân, nhìn rất tôn dáng vì nó tạo ra cảm giác liền với chân.

Nhưng điểm thu hút tôi nhất lúc này lại không phải là quần áo hay cách phối đồ, mà là nụ cười mỉm trên khuôn mặt của cô, ý tôi không phải là một nụ cười huyền ảo bí ẩn như nàng Mona Lisa, mà là một nụ cười duyên dáng, nhẹ nhàng và thư thái. Trong một khoảnh khắc tâm trí lóe sáng, tôi cảm thấy mình hiểu được toàn bộ ý nghĩa trong nụ cười ấy, đó là nụ cười của một con người đang mở rộng hết đôi cánh cửa tâm hồn để đón nhận và tận hưởng từng phút từng giây của sự sống.

Qua màn giới thiệu ngắn gọn của Trang, ba chúng tôi vui vẻ làm quen với nhau, cô gái sôi nổi kia tên là Ngân, còn cô gái mặc đầm trắng tên là Lan, hai người họ đều sinh năm 1988, đều là người Hà Nội và học cùng khóa với tôi ở trường xã hội nhân văn.

"Vậy ra bốn chúng ta đều là đồng môn, thế thì cũng không hoàn toàn là người lạ." Ngân quan sát tôi một chút rồi hỏi. "Bạn Kiên đây có phải là cậu bạn trai em thường hay kể không Trang?"

"No! no no!" Trang lắc lắc ngón trỏ phải. "Thật ra... anh ấy là anh trai em."

"Anh em mà chị thấy không giống nhau lắm nhỉ?" Lan nhận xét.

"À." Trang kiễng chân lên vòng tay quàng cổ tôi và tuyên bố chắc nịch: "Anh em kết nghĩa vườn đào chị ạ! Tuy bọn em không có cùng cha mẹ, không sinh cùng ngày cùng tháng cùng năm, nhưng nguyện sẽ chết cùng cùng ngày tháng cùng năm."

"Nhất trí thôi." Tôi lườm cô. "Nếu mình chết cùng lúc, nghĩa là anh đã được sống trên đời nhiều hơn em hai năm đấy, anh không thấy mình thua thiệt gì đâu, ra đi thanh thản hơn em là cái chắc."

"Xí! Nói nghĩa khí với anh chán chết, đúng là kẻ ham sống sợ chết."

"Vâng, anh lấy đâu ra lòng dũng cảm như ba tín đồ cát cát bọn em." Tôi chọc Trang.

"À, không phải đâu bạn ơi." Lan giải thích, chắc cô nghĩ tôi học cùng khóa thì cũng bằng tuổi cô. "Thật ra ở đây chỉ có hai người thần tượng K-Pop thôi, mình là tiện đường nên đi dạo cuối tuần với Ngân, cũng giống như bạn với em Trang ấy."

"Vậy à." Tôi mừng húm, nếu như Lan cũng nhảy cẫng lên khi nói về thần tượng như hai người kia thì tôi sẽ cảm thấy rất hụt hẫng, nhìn cô hoàn toàn không phù hợp với phong cách ấy. "Sao nãy em bảo có ba người mà Trang?"

"Thì đúng, bọn em còn hẹn chị trưởng nhóm nữa mà. Nhà chị ở ngay gần hồ Tây này, thế nên mới chọn chỗ này để gặp mặt cho tiện." Trang nói và quay sang hỏi Ngân. "Chị có gọi điện cho chị ấy chưa?"

"Ban nãy gọi em chị cũng gọi luôn cho chị ấy đấy." Ngân trả lời, rồi cô tóm tắt lại nội dung cuộc điện thoại ban nãy, chẳng là buổi trưa nay chị trưởng nhóm nhờ em trai chở đi chợ, lúc về sang đường thì bị một thằng nhóc đi xe máy, đã chưa đủ tuổi lái xe lại còn say rượu đâm phải, hai chị em họ văng ra đường, may là đi chậm nên chỉ bị thương ở phần mềm, giờ này cả hai đang tập tễnh ở nhà không ra được.

"Đen thật đấy. Xử lý thế nào nhỉ..." Trang đắn đo rồi nói. "Giờ thế này đi, có khi em với chị Ngân qua nhà chị ấy xem tình hình thế nào, tiện đưa thư luôn. Anh Kiên với chị Lan thì đứng đây chờ một tí, nhà bà ấy gần đây thôi, bọn em đi khoảng hai mươi phút rồi về."

Tôi và Lan hoàn toàn nhất trí với ý kiến của Trang, chúng tôi không quen chị bạn của cô, đến nhà cũng chẳng biết nói gì, tốt nhất là để ba người bọn họ nói chuyện với nhau cho tự nhiên.

Sau khi giúp Trang dắt xe máy từ vỉa hè xuống đường, tôi nhanh chóng quay trở lại với Lan, cô vẫn đứng ở vị trí ấy, vẫn dựa người vào chiếc xe Vespa và gương mặt vẫn đang hướng ra hồ Tây, chỉ có đôi mắt là trầm tư hơn ban nãy một chút.

Khi khoảng cách giữa chúng tôi chỉ còn chừng ba bước chân, một làn gió trên mặt hồ bất ngờ đổi chiều mang theo một mùi hương nước hoa rất lạ đến với tôi, thời gian chơi với Dũng đã đem lại cho tôi khá nhiều hiểu biết về nước hoa, tuy nhiên loại nước hoa tuyệt phẩm mà Lan đang dùng thì hôm nay là lần đầu tiên tôi được biết đến, nó có một chút nồng nàn gợi cảm của hoa hồng, hòa cùng một chút thanh tao của những cánh lan rừng, đâu đó còn thoang thoảng mùi hương nhẹ nhàng của hoa nhài. Thứ nước hoa đặc biệt này đảm bảo ai đã một lần ngửi qua thì cả đời sẽ không thể quên được.

Tuy nhiên, dù cho sự kết hợp giữa người và nước hoa là rất tuyệt diệu như vậy, nhưng tôi vẫn cảm thấy có điều gì đó chưa chạm đến điểm mười hoàn hảo ở đây, mới chỉ được chín điểm rưỡi mà thôi. Thẳng thắn mà nói, mùi nước hoa này rất nồng nàn quyến rũ, nhưng là theo phong cách của một người phụ nữ ngoài 30 tuổi, trẻ như Lan dùng nước hoa này, nói hợp thì cũng không sai, chỉ có điều là hơi khiên cưỡng.

Thấy tôi quay trở lại, Lan mỉm cười gật đầu chào tôi. Tôi dừng bước ở ngay trước đầu chiếc xe Vespa của cô và gật đầu đáp lễ. Sau đó, hơi nghiêng người dựa vào hàng lan can bên tay phải, tôi bắt đầu hỏi chuyện cô một cách rụt rè.

Lan đúng là một quý cô thật sự, không chỉ trong cách ăn mặc mà còn cả trong giao tiếp, cô trả lời những câu hỏi xã giao của tôi một cách rất đầy đủ và lịch sự, kèm theo ít nhiều sự dè chừng đối với một người bạn mới quen.

Tôi khá bất ngờ khi Lan giới thiệu là đang theo học khoa báo chí ở trường xã hội nhân văn, trông cô liễu yếu đào tơ thế này thì lấy đâu ra sức mà lăn lộn với nghề làm báo.

"Gần đây tớ cũng tiếp xúc với một vài anh chị trong làng báo. Theo tớ thấy thì nghề làm báo khá vất vả đấy." Tôi nói. "Cậu mà theo nghề ấy thì đầu tiên là phải đổi từ chiếc Vespa nhã nhặn này sang một chiếc xe nào đó bụi bặm hơn."

Lan tủm tỉm khi nghe lời nhận xét của tôi. "Cậu nói rất đúng, tớ hiểu ý cậu, nhưng trong nghề báo đâu chỉ có phóng viên, còn cả biên tập viên, phát thanh viên nữa mà, tớ có thể chọn một hướng đi nào đó phù hợp với mình. Hơn nữa, đây là chiếc xe tớ thích nhất, tớ sẽ cố hết sức để không phải đổi nó."

"Tớ nói vui vậy thôi." Tôi cười toe toét. "Tớ cũng thích báo chí và định theo nghề ấy đây, mặc dù nó không phải chuyên ngành tớ được đào tạo."

"Vậy là cậu đang học ngành gì?"

"Tớ học khoa sử."

"Khoa sử à?" Lan nói rồi nhíu mày. "Tớ không quen ai bên ấy, nhưng tớ nhớ ở khoa cậu có thầy giáo gì mà người thấp thấp gầy gầy nói chuyện rất uyên bác ấy, tớ có dịp tiếp xúc nói chuyện với thầy ấy một hai lần, thầy ấy có nhiều góc nhìn hay và độc đáo về lịch sử lắm."

"À. Tớ biết cậu nói ai rồi." Tôi nói. "Đấy là thầy Kế, một người rất dân dã và thanh niên tính, mà thầy ấy nói chuyện không hay mới là lạ ấy, đó là cây đa cây đề của ngành lịch sử nước ta mà. Trước đây hồi trẻ thầy ấy còn đi theo một trong tứ trụ ngành sử nước nhà là thầy Trần Quốc Vượng đấy."

"Nhiều học sinh bây giờ thấy chán ghét môn lịch sử. Nhưng tớ tin nếu các em ấy gặp được những giáo viên như thầy ấy thì có ngồi nghe nói chuyện lịch sử cả ngày cũng không chán. Tớ cũng thích tìm hiểu lịch sử lắm, chỉ là không biết bắt đầu từ đâu. Hôm nào có khi phải thỉnh giáo cậu một chút ấy."

"Rất sẵn sàng thôi. Cậu nói đúng, sử học không có gì là khô khan nếu chúng ta biết cách tiếp cận, tớ có thể giới thiệu với cậu những cuốn sách lịch sử cho người mới tìm hiểu, sáng thứ hai đi học tớ có thể cầm qua lớp cho cậu luôn."

Sự nhiệt tình thái quá của tôi làm cho Lan khá bất ngờ, cô ậm ừ một cách ngập ngừng rồi quay mặt nhìn ra hướng khác, ngay chính tôi cũng thấy mình vừa nói một câu quá sức vô duyên, tôi đã quên là hai đứa mới quen nhau chưa đến một tiếng đồng hồ.

Tôi lúng túng không biết phải chữa cháy thế nào, Lan thì khéo léo hơn, cô rút điện thoại Motorola L7 màu hồng trong túi ra kiểm tra tin nhắn, ngày ấy sinh viên dùng điện thoại như là tương đối có điều kiện, như tôi đây chắt chiu cả năm mới mua được cái máy "ghẻ" với màn hình hai màu đen trắng.

Không có việc gì làm, mà lấy điện thoại ra xem giống cô thì thật là buồn cười, tôi bèn đứng thẳng dậy và tách ra khỏi hàng rào lan can, rồi tôi bước lên ba bước nhìn theo hướng hai con người đặc biệt kia vừa đi. "Lúc đầu nghe Trang nói tớ lại tưởng cậu cũng trong nhóm cát cát gì đó cơ." Tôi nói với Lan. "Cậu nghĩ thế nào về âm nhạc Hàn Quốc?"

"Cậu nói gì cơ? Âm nhạc Hàn Quốc á?" Lan ngẩng mặt lên nhìn tôi.

"Ừ." Tôi gật đầu. "Cậu có hâm mộ ban nhạc nào không?"

"Tớ thì..." Cô nói tiếp sau vài phút suy nghĩ. "Tớ thì cho rằng mỗi dòng nhạc đều có một đối tượng người nghe nhất định, như âm nhạc của DBSK thì phù hợp với những người trẻ tuổi năng động đầy sức sống như Trang và Ngân, còn cá nhân tớ thì không thích âm nhạc Hàn Quốc lắm, diễn viên Hàn Quốc thì tớ có thích vài người, nhưng đấy chỉ đơn giản là sự ngưỡng mộ thôi, từ bé đến giờ tớ chưa có một thần tượng thật sự nào cả."

"Ừm."

"Còn cậu thì sao?"

"Tớ á?" Tôi nói. "Chỉ bàn riêng về lĩnh vực âm nhạc thì tớ cũng không thích ban nhạc Hàn Quốc nào cả, tớ thích nghe dòng nhạc cũ hơn, nhạc từ thập niên 60-70 ấy, vì thế Trang hay trêu tớ là ông cụ non."

"Vậy cậu cùng sở thích với tớ rồi. Tớ cũng thích nhạc cũ, nhất là những bản Pop-Ballad nhẹ nhàng một chút." Cô cười mỉm. "Nhưng chưa thấy ai bảo tớ giống bà cụ đâu nhé!"

"À, cậu đừng để ý chuyện nhỏ ấy." Tôi nhún vai. "Trang là một người đặc biệt, vì vậy ngôn từ của nó luôn luôn khác người. Nếu nó nói với tớ anh như ông cụ non ấy, điều ấy chỉ đơn giản là sao anh chậm thích nghi cái mới thế. Thỉnh thoảng trong khi hai đứa tranh luận, nó hay nói một câu dễ mất lòng là anh điên à Kiên, nhưng điều ấy đơn giản chỉ là anh hãy suy nghĩ lại xem Kiên ơi. Tiếp xúc lâu dần cậu sẽ quen với hệ thống ngôn ngữ quái dị của nó thôi."

Nghe tôi nói xong Lan liền bật cười, vừa che miệng lịch sự cô vừa nói: "Trời ạ! Hay thật đấy! Tớ chưa thấy ai có những suy nghĩ vừa thú vị vừa buồn cười như vậy."

"Ừm. Trang là một người bình thường nhưng không tầm thường. Nó có những ý tưởng độc đáo và một phong cách sống rất khác người. Bọn bạn thân của nó cũng thế. Nó có một nhóm bốn đứa bạn thân. Mỗi lần Tết đến, cả nhóm sẽ về nhà một đứa, ngồi uống rượu say xong rồi xúm lại và ôm nhau khóc lóc sướt mướt về những chuyện buồn trong năm, lại còn quy định ai cũng phải than vãn bằng tiếng Anh hoặc tiếng Hàn chứ không được nói tiếng Việt. Người vi phạm sẽ bị phạt rượu."

"Trời! Khác người vậy sao?" Lan mở to đôi mắt nai ngạc nhiên. "Cậu có trong nhóm đó không vậy?"

"À, nó mời tớ gia nhập mấy lần, nhưng trình độ ngoại ngữ có hạn nên tớ còn do dự."

"Chứ không phải mức độ lập dị của cậu có hạn hả?" Lan cười thích thú.

Chuyện về Trang thì tôi có cả một kho tàng, chỉ nhặt ra vài chuyện để nói cũng đủ khiến Lan thoải mái cười rồi. Tất nhiên tôi biết tránh những chuyện quá sức lập dị như việc vào những ngày nóng cao điểm của mùa hè Trang có thói quen rất hay là đóng chặt cửa và khỏa thân sinh hoạt trong phòng trọ. Chuyện này cũng là vô tình cô nói cho tôi biết thôi, nghe xong tôi mới hỏi em không sợ mấy thằng cùng xóm trọ rình mò nhìn lén à, Trang trả lời tỉnh bơ là bọn nó nhìn thấy nhưng có làm gì được đâu anh, haha, tự dưng cô ngửa mặt lên trời cười như vậy, thế lại hay anh ạ, cô nói tiếp, cho bọn nó chết thèm đi!?

Tôi chỉ biết giơ hai tay lên trời đầu hàng với những suy nghĩ có một không hai ấy của cô.

"Chà. Em ấy cá tính thật đấy!" Lan trầm trồ sau khi nghe tôi kể một vài câu chuyện tấu hài về Trang. "Tớ rất ngưỡng mộ những cô gái như vậy!"

"Cá tính gì đâu!? Tớ thấy kỳ quặc thì đúng hơn." Tôi nói. "Nhiều khi tớ thấy nó nên học về sáng tác nghệ thuật thì hợp hơn báo chí. Có một lần nó trượt môn gì ấy phải thi lại, thế là nó rủ tớ đi uống nước xả stress, rồi nó tuyên bố với tớ là sau này khi cuộc sống đã ổn định rồi, nó sẽ chất hết đống bằng cấp lên như chất đống củi ấy, và sau đó sẽ châm lửa đốt tưng bừng!"

"Trang dám làm việc ấy thật á?"

"Ôi, lại là một ý tưởng phá phách điên rồ ấy mà. Bằng cấp là thứ định danh cho chúng ta giữa cuộc đời này, tớ chẳng tin nó dám làm việc ấy đâu."

"Ừ, cậu nói đúng." Lan nói. "Nhưng dù sao, mấy chuyện cậu vừa kể cũng cho thấy em ấy có một đời sống tinh thần khá phong phú."

"Ừ, thật ra Trang là đứa tốt tính lắm, đã xem ai là bạn thì nó sẽ sống hết mình với người ấy, làm bạn với nó là một may mắn lớn của tớ đấy."

Lúc trước Lan tỏ ra khá thận trọng và dè dặt với tôi, nhưng ánh mắt cô lúc này cho thấy cô đã yên tâm về tôi hơn một chút.

"Cậu có vẻ hiểu rất rõ về Trang." Lan nói tiếp. "Chắc hai anh em cậu là đồng hương à?"

"À không." Tôi nói. "Bọn tớ mới quen nhau từ đại học. Trang là người Hải Dương, còn quê tớ ở huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Gia đình hai bên nội ngoại nhà tớ đều có gốc gác ở đấy."

"Thái Bình tớ có biết, nhưng chưa về Vũ Thư bao giờ." Lan nói. "Vậy là cậu ở trọ trên đây hay có người thân nào trên đây không?"

"Chị gái tớ lấy chồng trên đây, nhưng chị em không hợp tính nên tớ đi ra ngoài thuê trọ, bây giờ tớ đang ở khu chùa Láng, cậu ở đây chắc biết khu ấy."

"À. Khu ấy tớ biết khá rõ, tớ học thêm tiếng Anh ngay gần đấy mà. Khu đấy nhiều trường đại học nên cũng đông sinh viên thuê trọ lắm."

"Ừ. Tớ thuộc diện vừa trọ vừa làm, tớ trông quán điện tử ở đấy, tiện sinh hoạt ở quán luôn."

"Vừa học vừa làm, cậu cũng chịu khó nhỉ?"

"Tay làm hàm nhai thôi mà."

"Tớ đang học thêm IELTS vào buổi chiều thứ tư, sáng thứ bảy và sáng chủ nhật ở đấy, tớ học cũng sắp xong rồi." Lan mím môi nhẩm tính. "Chắc còn khoảng hai đến ba tháng nữa."

"Vậy lúc nào tiện đường mời cậu ghé qua quán chơi."

"Ừm, tớ rất cám ơn lời mời của cậu. Tớ không dám hứa trước, nhưng nếu chiều thứ tư này học xong sớm tớ sẽ ghé qua thăm quán."

"Ok. Nếu cậu dùng máy tớ sẽ tính giá ưu đãi cho người quen."

"À không không." Lan xua tay liên tục, tôi nói vui mà cô lại tưởng thật. "Tiện đường thì ghé qua thăm theo lời mời của cậu thôi, tớ chưa bao giờ chơi điện tử cả. Tớ thấy chơi điện tử rất mất thời gian, không hiểu sao con trai lại thích những trò ấy nhỉ?"

"Tớ thấy nhiều trò cũng hay mà." Tôi cười gượng.

"Ấy, tớ không có ý gì về công việc của cậu đâu nhé!" Lan nói. "Chỉ là tớ vẫn thấy hơi tiếc cho sự lãng phí thời gian của những người ấy một chút."

"Dù sao chơi điện tử còn lành mạnh chán cậu ạ." Tôi nói đùa. "So với đua xe, nghiện ngập, cờ bạc."

"Ừ, cũng đúng nhỉ..." Lan định nói thêm điều gì đó, nhưng chưa kịp mở lời thì Trang đã về đến nơi, cô đang đỗ xe dưới lòng đường và cất tiếng gọi í ới.

Đúng là một kẻ hời hợt và nông cạn, tôi nhìn Trang từ xa với ánh mắt hình viên đạn, đi thăm bạn bè bị tai nạn giao thông mà mới được một chốc một lát đã vội về ngay.

Chẳng còn cách nào khác, tôi đành cắn răng tạm dừng câu chuyện tuyệt vời này lại để giúp Lan dắt xe máy ra họp hội với Trang. Tôi cầm tay lái dắt xe đi phía trước còn Lan bước theo sau lưng tôi. Không hiểu sao việc ở gần cô gái này khiến người tôi cứ run lẩy bẩy lên như đang cởi trần vào giữa ngày mùa đông vậy, tôi không thể lý giải được chuyện quái quỷ gì đang xảy ra với mình lúc này, trái tim tôi đập liên hồi và tay chân trở nên vụng về quýnh quáng, cơ thể của tôi hình như không còn thuộc về tôi nữa.

Vừa gặp mặt là Trang đã kể chuyện bô lô ba la với chúng tôi về chị bạn của cô, tình hình là cô trưởng nhóm ấy vẫn ổn, vẫn tươi cười phớ lớ khi Trang đến thăm. Trang còn nói chính nhờ vào đức tin thuần khiết vô hạn mà những người cát cát gì đó bọn cô lúc nào cũng được ông trời che chở, gặp họa đến đâu cũng sớm được qua.

Đức tin ấy cũng khiến tôi cứng họng chẳng biết phải bình luận thế nào nữa.

Chỉ cần một mồi lửa được châm vào là đống lửa thần tượng sẽ bùng phát lên ngay, rất nhanh chóng Ngân cũng hào hứng lao vào hát bè với Trang khúc tráng ca về thần tượng, lúc này nhìn họ giống nhau đến phát khiếp, đôi mắt sáng lên đầy hứng khởi, miệng lưỡi thì ríu rít, cười cười nói nói, điệu bộ sung sướng viên mãn như vừa thi đỗ đại học thêm lần nữa vậy.

Tôi và Lan là hai kẻ đáng thương bị gạt ra rìa thế giới, chúng tôi chẳng biết phải làm gì ngoài việc kiên nhẫn đứng nghe chị em họ nói chuyện, thỉnh thoảng tôi và cô cũng tham gia được vài câu, ví dụ như chúng tôi hơi lo ngại rằng lá thư sẽ chỉ đến được tay của người quản lý nhóm nhạc. Nhưng Trang và Ngân bác bỏ nỗi lo xa ấy ngay lập tức, họ mang trong mình một niềm tin nội tâm rất lớn rằng thần tượng của họ sẽ đọc, không chỉ vậy, sẽ đọc rất kỹ càng và phản hồi rất sớm, bởi vì - như họ nói - lời lẽ trong thư thật sự rất lay động lòng người!

May cho tôi và Lan là đúng lúc ấy có một cuộc điện thoại gọi đến cho Ngân, hình như có ai đó đang gọi họ đi ăn. Nghe máy xong, Ngân quay sang trình bày với Trang vài câu, Trang nói nhất trí chia tay ở đây, việc chính cũng đã xong rồi, mà cô và tôi cũng phải đi tiếp bây giờ.

Trong lúc Trang và Ngân tươi cười chào nhau, tôi nhìn theo Lan với đôi mắt lưu luyến, nói chuyện với cô thật thú vị, giá như tôi còn được gặp lại cô, nhưng tôi cũng biết rằng việc ấy rất khó, cơ hội để chúng tôi gặp lại nhau thật sự quá mong manh.

Trước lúc ngồi lên yên sau, hình như Lan cảm nhận được phần nào suy nghĩ của tôi nên cô ngoái lại cười mỉm với tôi, tôi sung sướng gật đầu đáp lễ, nụ cười ấy đã truyền cho tôi một niềm tin cũng mãnh liệt như niềm tin vào thần tượng của Trang vậy, rằng không sớm thì muộn chúng tôi sẽ còn gặp lại nhau, theo cách này hoặc cách khác.

Sau khi hai người bạn mới quen khuất bóng, Trang quay sang khều tôi và chất vấn: "Này, anh giai, em vẫn để ý anh đấy nhé, em không biết anh ngơ ngẩn vì cô nào. Nhưng nghe em nói này, nhà bọn họ giàu lắm, chẳng tiểu thư nào cùng đẳng cấp với anh đâu!"

"Không cùng đâu..." Cô nhấn mạnh, vừa nói vừa lắc đầu chép miệng như người già hiểu đời lắm.

Tôi nắm chặt tay lái xe máy và nói cứng rắn: "Không, không có chuyện đó đâu, từ sau chuyện tình cảm trước đây, anh đã tự nhủ mình sẽ trải qua năm cuối đại học lặng lẽ, anh sẽ dành thời gian để suy ngẫm nhiều chuyện và sẽ không yêu ai nữa."

"Thế cái mặt anh đờ đẫn ra vì lý do gì vậy?" Cô nhìn tôi với đôi mắt ranh ma.

"À ừ thì..." Tôi viện bừa lý do nào đấy. "Đờ đẫn vì... mùi nước hoa ấy mà, lúc nãy đứng gần Lan em có ngửi thấy mùi nước hoa gì không?"

"Có chứ, em lạ gì, đấy là mùi đặc trưng của Chanel số 05 chứ mùi gì, siêu phẩm ấy quá nổi tiếng mà, có thể gọi là huyền thoại của hãng Chanel." Cô nói. "Nhưng mà em thấy chị Lan hẵng còn trẻ, dùng nước hoa ấy chưa phù hợp đâu."

"Ừ, anh cũng cảm thấy thế." Tôi nói.

"Thế giờ sao đây? Mình đi ăn thôi chứ nhỉ?"

"Ok." Tôi nói. "Chờ anh nổ máy đã."

Chiếc xe máy này rất cũ, nó đã cháy mất nút đề, mỗi lần nổ máy là phải đạp cần năm sáu phát, trong lúc tôi đang loay hoay đạp cần thì Trang quay sang hỏi: "À mà này, nhân chuyện nước hoa, anh có biết em thích dùng nước hoa gì không?"

"Gì vậy?"

"Em thuộc cung Nhân mã, mà con gái Nhân mã phải dùng loại nước hoa gì anh biết không?" Trang bắt đầu thao thao bất tuyệt. "Chọn nước hoa hợp với cung mạng là xu thế rất hay hiện nay, trong phong thủy, nếu biết cách kết hợp, nước hoa sẽ giúp giải tỏa căng thẳng, kích thích vận khí, mang tới năng lượng tích cực cho người sử dụng."

"Đối với cung Nhân Mã như em thì nên dùng một thứ mùi gợi lên sự năng động, có thể hơi bốc đồng một chút...Này, anh đi đâu đấy, em đã nói hết đâu..." Cô gọi với theo khi tôi đã phóng xe trước một đoạn, vừa nghe đến cung với sao là tôi thấy phát chán rồi.

"Này! Don't move! Dừng xe lại! Em đã nói xong đâu..."

"Đói lắm rồi cô gái Nhân mã ạ!" Vừa đi xe tà tà tôi vừa nói to: "Kiếm chỗ nào ăn nhanh cho tôi còn về làm..."

Sau lưng tôi là tiếng bước chân chạy bình bịch đuổi theo của Trang, kèm theo đó là tiếng la hét the thé của cô: "Nàyyy... ăn sớm tí cũng được, nhưng anh phải nghe em nói hết đã chứ!? Bất lịch sự quá đi mất!... Em có thể tiết lộ cho anh biết mà, thật ra nước hoa em thích dùng là...này...này..."

* * *

Mới sang đầu tuần tôi đã gặp hạn về tiền bạc với những vị khách hàng gian manh, đó là ba đứa sinh viên trọ ở gần quán điện tử, hai năm nay chúng vẫn thường ra quán chơi và lúc nào cũng thanh toán sòng phẳng, là khách quen nên tôi cũng không đề phòng, không ngờ tháng này bọn chúng chuyển nhà, mấy ngày trước khi đi chúng lấy lý do gia đình chưa gửi tiền để ăn chơi rồi ghi sổ nợ ở quán, tổng số tiền nợ lên tới hơn năm trăm nghìn đồng.

Đến sáng thứ hai không nhìn thấy mặt đứa nào, tôi sốt ruột đi qua xóm trọ hỏi thì chủ nhà cho biết hôm qua chúng đã chuyển đồ đạc đi hết rồi.

Ôm món nợ gần nửa triệu đồng trong đầu khiến cho tôi thao thức mất ngủ nguyên cả đêm thứ hai, sang ngày thứ ba, may có Đăng đến chơi động viên tôi mới thấy nguôi ngoai hơn một tí. Cậu ta đưa ít tiền bảo là giúp đỡ nhưng tôi từ chối, tôi bảo Đăng cứ giữ lấy để hôm nào anh em đi uống café, tôi muốn mình phải tự trả tiền để có thể khắc sâu trong lòng bài học về sự cả tin này.

Sang ngày thứ tư, tâm trí tôi lại trở nên sáng suốt lạ lùng, dù buổi sáng bận rộn đi học và đang có nhiều chuyện chán đời trong công việc, tôi vẫn nhớ rất rõ hôm nay là ngày Lan đi học tiếng Anh ở gần đây, cô còn nói nếu học xong sớm có thể sẽ ghé thăm quán, biết là khả năng ấy rất thấp nhưng tôi vẫn không nguôi hi vọng.

Cả buổi chiều tôi đi tới đi lui trong quán không biết bao nhiêu vòng, đến mức có người chơi thấy sốt ruột quá phải lên tiếng phàn nàn. Không hiểu sao cứ nghĩ đến Lan là tôi không còn là mình nữa, tôi không thể hiểu được chính mình nữa, thật sự từ trước tới nay tôi chưa từng mong ngóng một người con gái nào đến mức như vậy.

Cứ đi thì sẽ đến, cứ gõ thì cửa sẽ mở, lúc năm giờ kém điều kỳ diệu đã đến với tôi, Lan đã đến thăm quán đúng như lời cô nói, hôm nay cô mặc áo phông trắng với quần bò và đeo một ba lô da mini màu trắng sữa, vừa nhận ra tôi đang ngồi sau cánh cửa kính cô liền tươi cười giơ tay vẫy chào, những ngón tay thon nhỏ trắng muốt ấy làm tôi ngây người ra quên cả việc đáp lễ.

"Tớ có đến đường đột quá không?" Lan hỏi khi tôi đã tỉnh táo lại và đang mở cửa đón cô vào.

"Không... sao đâu. Hôm trước cậu có nói sẽ qua chơi rồi mà." Tôi nói lắp bắp. "Mà chỗ cậu học là ở đâu vậy?"

"Nhà cô giáo tiếng Anh của tớ ở ngay ngoài kia, gần đường Huỳnh Thúc Kháng ấy. Tớ ôn ở đấy hai năm nay rồi. Cô ấy giỏi lắm."

"Sao cậu không ra mấy trung tâm lớn học?"

"Có, tớ có học ở trung tâm, nhưng muốn chắc chắn thi đạt kết quả cao nên tớ mới theo học cô này, cô ấy dạy mẹo thi IELTS, nói thế nào nhỉ, tức là các thủ thuật để thi được điểm cao ấy."

"Tớ hiểu. Chắc cậu định đi du học à?"

"Ừ, gia đình muốn tớ ra nước ngoài du học luôn ngay sau khi tốt nghiệp đại học. Đến giờ tớ chỉ còn một nỗi lo lớn nhất là chứng chỉ tiếng Anh thôi." Lan nói liến thoắng không ngừng, đúng kiểu hai người bạn mới quen còn nhiều lạ lẫm với nhau.

Tôi kéo chiếc ghế nhựa gần đấy lại mời cô ngồi, tôi hỏi cô có ăn ổi hay cóc gì không để tôi gọi nhưng Lan bảo chiều muộn rồi, cô tranh thủ ngồi chơi một tí rồi sẽ về luôn.

"Cậu bình tĩnh đã nào. Mấy khi có dịp qua chỗ tớ chơi." Tôi nói và đi pha trà nhúng mời cô. Lan nói không cần phải cầu kỳ đun nước làm gì, tôi nói không ngại vì ở quán lúc nào cũng có sẵn hai ba phích nước sôi để úp mì cho khách.

Quán điện tử của chúng tôi là nơi lui tới của các thành phần lười biếng ham chơi, bình thường lúc nào quán cũng ngập ngụa trong mùi thuốc lá và tiếng chửi thề, hôm nay có một tiểu thư kiều diễm sang trọng bước chân vào khiến cho không khí cả quán như sáng bừng lên vậy.

"Ở trên tầng hai còn máy không hay chỉ có dưới này hả cậu?" Lan hỏi khi nhận cốc trà từ tay tôi.

"Có cậu ạ, trên ấy cũng nhiều máy gần bằng dưới này. Đến đên tớ sẽ cất hết xe máy của khách dưới này và lùa mọi người lên hết trên ấy."

"Lần trước cậu bảo cậu sinh hoạt luôn ở quán à?"

"Ừ, trên ấy có một gian nhỏ gần bốn mét vuông, anh chủ quán linh động cho tớ ở đấy."

"Anh chủ quán này người ở đâu hả cậu?"

"Nhà bố mẹ anh ấy ở gần đây, đó là một người rất năng động và nhiều sáng kiến, anh ấy tốt nghiệp kinh tế quốc dân ra, quán này là một thử nghiệm kinh doanh của anh ấy."

"Vậy là anh ấy và cậu thay nhau trông quán à?"

"Thời gian đầu thì vậy, nhưng một năm gần đây anh ấy bận học cao học và có dự định săn học bổng sang Nhật nên quán chỉ còn hoạt động cầm chừng, chắc qua hè này là đóng cửa thôi. Hiện nay có hai người trông quán là tớ và em họ anh ấy, nhưng nó làm là giúp anh thôi chứ không lấy lương như tớ."

Lan gật gù lắng nghe tôi nói, sau khi uống thêm một ngụm trà cô từ tốn đặt cốc nước xuống cạnh chiếc bàn phím sau lưng. "Việc trông quán này.." Cô nói tiếp. "Tớ thấy cũng không khó lắm đâu cậu nhỉ?"

"Việc tớ đang làm ấy hả?" Tôi nói. "Mấy đứa bạn tớ cũng nói như cậu, nhưng đấy là nhìn bề ngoài thôi, cũng mệt ra phết đấy."

"Chắc mệt nhất là ở việc phải thức khuya đúng không?"

"Cái đấy là một phần thôi. Chủ yếu là làm việc này giống như làm dâu trăm họ ấy cậu ạ, phải chiều đủ loại thành phần xã hội, già trẻ gái trai, sinh viên, người thất học, có đợt có cả thằng nghiện đến chơi nữa, tớ phải đuổi khéo mãi nó mới đi cho đấy, xong rồi thỉnh thoảng lại vớ phải những ca trớ trêu..."

"Trớ trêu như thế nào vậy?"

"Ừm thì... ví dụ như mới tuần trước này, tự dưng có một bà phụ nữ, mặt mày sáng láng không đến nỗi nào, chỉ hơi béo tí thôi, bước vào quán thuê máy rất đàng hoàng, thế mà một lúc sau đã thấy bật phim con heo lên xem rồi."

"Xem phim con heo ở nơi công cộng á? Mà lại là con gái nữa á?!" Lan tròn mắt ngạc nhiên.

"Ừ, thế mới có chuyện để nói, hôm đấy cả quán được một trận cười, còn tớ thì, trời ạ, dở khóc dở cười. Mà cũng lạ đời, bà này không biết chữ nhục viết thế nào hay hay ấy, tớ đây còn xấu hổ thay. Sau đó tớ phải dùng phần mềm quản lý để nói tế nhị với bà ấy, tớ bảo là chị ơi chị xem phim làm mọi người không dùng mạng được..."

Tôi nhấc cốc trà lên, làm một ngụm cho đỡ khô miệng rồi kể tiếp: "Thế mà vẫn trơ trơ ra nhé, người đâu mà lạ nhất quả đất, tớ tắt ứng dụng mấy lần thì bà ấy mở lại đúng từng đấy lần, cuối cùng điên quá, tắt luôn máy, bà ấy ngồi đờ ra, đến khoảng mười phút sau mới mò ra tính tiền rồi về, đúng là thua luôn..."

"Ôi trời ạ, đúng thật là trớ trêu!" Lan cười khoái chí.

Có người lắng nghe khiến tôi trở nên hào hứng: "Nói chuyện trớ trêu thì kể cả ngày có khi mới hết ấy, tớ đã tiếp đón đủ các loại khách khó chịu nhất trên đời ở quán này, nói đâu xa, ngay trước khi cậu đến này, có người đặt máy trước rồi, vậy mà thằng khách mới đến cứ đòi ngồi máy đó dùng cho bằng được, giải thích kiểu gì cũng không nghe, khổ thế cơ chứ lại, xong trước khi bỏ đi còn chửi tớ là coi thường khách hàng nữa..."

Lan che miệng cười khúc khích. Tôi thường tự nhủ là đàn ông thì ít than thở thôi, nhưng không hiểu sao gặp cô bạn này tôi lại có thể dốc bầu tâm sự ra một cách rất tự nhiên.

"Thế mới thấy." Lan nói. "Kiếm được đồng tiền thật không dễ dàng gì. Tớ ít đi làm thêm nên không va chạm nhiều như cậu. Thật ra, hồi năm thứ nhất tớ cũng có đi làm gia sư, nhưng sau này gia đình muốn tớ tập trung cho việc du học nên tớ cũng không theo việc ấy nữa."

"Ừm, đói thì đầu gối phải bò thôi. Làm nhiều cũng quen hết ấy mà, giờ lâu lâu không gặp những ca khó ở như thế tớ lại thấy cuộc sống hơi tẻ nhạt ấy chứ." Tôi nói và với tay lấy bao thuốc lá đã bóc dở ở chiếc bàn của mình.

"Cậu cũng hút thuốc à?" Lan hỏi tôi.

"Hả? Ừ, chắc cậu không thích mùi thuốc lá hả, thế để tớ mở cửa ra cho đỡ mùi." Tôi đứng dậy và đi kéo tấm cửa kính bên phải vào phía trong.

Khi trở về chỗ ngồi, tôi nhận ra Lan đang chăm chú nhìn mình với một đôi mắt rất khác lạ.

"Cậu hút thuốc lâu chưa?" Lan hỏi.

"Cũng... lâu lâu rồi." Tôi trả lời.

"Chắc hồi mới lớn cậu tập đú chứ gì?" Cô trêu tôi, giọng hơi giễu cợt còn ánh mắt thì thoáng chút coi thường.

"Sao cậu lại nghĩ vậy?" Mặc dù bị chạm tự ái, tôi vẫn cố gượng cười.

"Thì tớ nhớ lại hồi trung học ấy, buổi chiều học xong đi ra cổng trường, tớ hay nhìn thấy mấy đứa con trai cùng lớp ngồi lê la quán cóc phì phèo điếu thuốc như người lớn ấy. Nhìn ông không ra ông, thằng chẳng ra thằng, tớ đoán chắc cậu cũng vậy chứ gì!" Gương mặt cô bỗng dưng trở nên nghiêm khắc như cô giáo chủ nhiệm cấp ba của tôi vậy.

"Không phải vậy à?" Thấy tôi không nói gì cô bèn hỏi tiếp.

Tôi cảm thấy hơi chạnh lòng với thái độ của cô nhưng cũng chẳng thiết giải thích. "Ừ... ừm. Thôi, tùy cậu nghĩ thế nào cũng được." Tôi nói.

Vừa nói đến đấy thì Cường, cậu em họ anh chủ quán đến để trông giúp quán cho tôi đi ăn tối, đó là một thanh niên vô cùng to béo, cậu ta cao gần một mét tám và nặng gần một trăm kí lô, mỗi lần nhìn cậu ta cưỡi con xe máy Honda là tôi lại có cảm giác chiếc xe ấy sắp sửa bị bẹp dí dưới thân hình đồ sộ của cậu ta vậy.

"Chà, cậu và em ấy nhìn thật tương phản đấy!" Lan bình luận khi Cường còn đang loay hoay khóa càng.

"Ừ, cậu biết không, có lần nó chở tớ về cũng bằng con xe này đây, hôm ấy Trang đang ngáo ngơ chờ ở cửa quán, lúc xe đỗ trước mặt rồi mà nó vẫn hỏi có thấy anh Kiên đâu không, vì tớ đã bị cái thân hình lực lưỡng kia che khuất gần hết đấy."

"Quán điện tử này nhiều chuyện thú vị nhỉ!" Lan nói. "Giá như hôm nay tớ có nhiều thời gian để có thể tìm hiểu thêm."

"Cậu định về à? Vẫn còn sớm mà!?"

"Ừ, cậu thông cảm cho tớ nhé. Nhà tớ hôm nay đang có tí việc."

Lan nói cô sẽ ra đầu đường bắt xe buýt 09 lên hồ Gươm, nhà ông bà nội cô ở khu phố cổ nên cô ghé qua chơi một chút. Tôi ngỏ ý muốn được đi theo tiễn cô một đoạn, Lan vui vẻ đồng ý.

Trong lúc tôi bàn giao quán cho Cường thì gia đình Lan gọi điện cho cô, qua cách Lan trả lời vâng vâng dạ dạ tôi hiểu là gia đình này dành một sự quan tâm khá sát sao cho tiểu thư của họ.

"Gia đình tớ là vậy mà, đi đâu cũng phải báo cáo xin phép!" Lan than thở với tôi sau khi cúp máy. "Cậu xong rồi hả, vậy mình cùng đi ra bến xe nhé."

Chúng tôi lững thững đi bộ ra đầu đường Nguyễn Chí Thanh, tôi muốn nói chuyện nhưng chưa hiểu nhiều về cô nên không biết phải bắt đầu từ đâu cả.

Đến chân cầu vượt, chợt nghĩ đến cuộc điện thoại vừa rồi, tôi bèn thử khơi chuyện. Trời ạ, hỏi đúng tâm sự nên cô tuôn ra một tràng luôn:

"Để tớ kể cho cậu nghe... Trời ạ, gia đình tớ á, khắt khe phong kiến cực kỳ luôn, thời phổ thông có một lần lớp tớ tổ chức đi cắm trại, thế là mẹ tớ lên gặp cô giáo hỏi cụ thể lịch trình. Tối đến ăn cơm xong cả nhà ngồi chụm đầu xì xào to nhỏ xem có nên cho đi không. Sau khi thông qua xong thì sáng hôm sau mẹ tớ lên trường gặp cô giáo một lần nữa để gửi gắm đứa con cưng. Mà cậu biết không, hôm ấy bà nội tớ còn dậy sớm đòi đi cùng với mẹ tớ nữa chứ. Ôi trời ơi, cậu thấy kinh hoàng không, nghĩ lại thôi mà tớ vẫn thấy phát khiếp ấy!"

Tôi nhìn sang người bạn mới quen và tủm tỉm cười.

"Chắc thầy cô cũng choáng với nhà cậu lắm nhỉ?"

"Ôi, còn phải nói." Cô than vãn. "Họ thấy gia đình tớ đặt nhiều câu hỏi quá cũng choáng, sau đó tớ toàn được bố trí cùng phòng với các cô giáo và được ưu ái để mắt nhiều hơn các bạn."

Vừa đi trên cầu Lan vừa nói tiếp: "Lên đại học thì tớ đã lớn hơn nên gia đình cũng bớt khắt khe một chút, có chuyến du lịch nào do trường tổ chức thì tớ cũng được đi, nhưng nói chung là vẫn phải qua sàng lọc của gia đình..."

"Thôi thế cũng tốt, chung quy cũng là tình yêu gia đình dành cho cậu thôi, tớ nghĩ bố mẹ cậu sẽ thả cho cậu tự lập dần dần."

"Chuyện này thì... tớ cũng không chắc chắn lắm." Lan nói ngập ngừng.

Trong lúc chờ xe buýt Lan quay sang hỏi tôi đang đọc sách gì, cô đúng là một người tinh ý, vào quán một tí mà đã phát hiện ra hai cuốn sách tôi để cạnh bàn phím.

Khi nghe tôi giới thiệu đó là hai cuốn sách về Phật giáo, Lan hỏi ngay có phải tôi theo tôn giáo nào không.

"Không, nhà tớ không ai theo tôn giáo nào cả, tại gần đây tớ quan tâm chủ đề này nên tự tìm hiểu và trao đổi với bạn bè thôi."

"Còn trẻ thế mà đã tìm hiểu kinh Phật à?" Cô ngạc nhiên.

"Trẻ hay già thì có gì quan trọng đâu?" Tôi chất vấn lại.

Lan rất ham hiểu biết, cô nhờ tôi tóm tắt nội dung cuốn sách, nhưng tôi bảo mới đọc được vài chương nên cũng chưa lĩnh hội được gì nhiều.

Nói đến chuyện ấy cô bỗng đưa ra một đề xuất khiến tôi rất bất ngờ: "Này, sáng thứ bảy này học xong tớ có việc lên bờ hồ, hay hôm đấy cậu có rảnh không, bọn mình có thể cùng đi xem sách ở phố Đinh Lễ và trao đổi một chút về đề tài sách vở."

"Được! Được! Được quá chứ!" Tôi gật đầu lia lịa, trời ơi, tôi nằm mơ còn chẳng được chứ đừng nói là cô lại chủ động gợi ý thế này. "Cậu định đi bằng gì?" Tôi sốt sắng hỏi.

"Đi xe buýt thôi, tuyến 09 này này. Khoảng 9 giờ là tớ học xong rồi, cậu ra đây trước khoảng 10 phút, chờ tớ một tí rồi hai đứa mình cùng đi."

"Ok. Nhất trí thế nhé!"

Kể ra ông trời cũng khá công bằng đấy chứ, chắc là ông ấy đã biết mấy hôm trước tôi vừa phải gánh cái hạn lớn về tiền bạc nên đã thương tình mà bù đắp cho tôi bằng những niềm hạnh phúc và hân hoan nối tiếp nhau thế này.

* * *

Sáng thứ bảy, tôi thức dậy từ lúc năm giờ rưỡi sáng, lòng dạ cứ xốn xang khi nghĩ đến cuộc hẹn với Lan nên cả đêm qua tôi không thể ngủ thật sâu giấc được.

Dậy sớm thì có nhiều thời gian chăm chút ngoại hình hơn, sau khi dọn dẹp qua loa tầng một và mở cửa tiễn vài vị khách về, tôi tranh thủ đi tắm rửa cạo râu ria, sau đó đi úp mì ăn liền ăn, cuối cùng là dành nửa giờ đồng hồ để lựa ra bộ quần áo đem lại cho mình cảm giác tự tin nhất.

Buổi sáng nay theo lịch thì Cường trực thay nên tôi không có nhiều việc để làm, hơn nữa mặc đẹp vào rồi cũng ngại lao động, vì thế sau một hồi suy nghĩ tôi quyết định đi ra quán trà đá ở hồ chùa Láng ngồi uống nước giết thời gian. Lúc ấy mới gần bảy giờ rưỡi sáng.

Ngồi nói chuyện với chủ quán một lúc tôi chợt nhớ ra mình vẫn chưa xin được số của Lan, chẳng may hôm nay cô học xong sớm thì sao, có thể lúc ấy cô thấy ngại vào quán báo lại cho tôi nên sẽ về trước, nghĩ đến những khả năng ấy tôi vội đứng dậy trả tiền nước rồi đi ra điểm đón xe, tôi không muốn bỏ lỡ cuộc hẹn quan trọng này, cả hai lần trước chúng tôi chỉ gặp nhau được một chốc một lát thì đã phải chia tay rồi.

Sự chờ đợi không làm cho tôi thấy phiền hà chút nào, chỉ có đôi chân là hơi mỏi một chút, nhưng rồi, đến chín giờ hơn khi Lan xuất hiện thì tôi lại phục hồi hoàn toàn sức lực, bây giờ tôi có thể chạy việt dã thêm cả chục cây số nữa cũng không hề hấn gì.

Sáng nay Lan mặc áo thun quần bò nhìn rất trẻ trung năng động, chiếc áo thun cổ tròn tay ngắn ôm dáng rất đẹp, trên áo còn in hình một chiếc xe đạp cổ nhìn khá lạ mắt. Cô rất tươi tỉnh và chào hỏi tôi rất niềm nở.

Đứng chờ thêm vài phút nữa thì xe buýt 09 đến, tôi và cô cùng nhanh chóng lên xe.

Xe buýt 09 này tôi mới đi được hai lần, vì đây không phải tuyến buýt tiện đường đi học của tôi, còn Lan thì tỏ ra rất quen thuộc với tuyến xe này, cô chọn ngay hàng ghế ngay trên cửa sau của xe, cô nói đấy là chỗ ngồi ưa thích nhất của mình, cô ngồi bên trong sát cửa sổ còn tôi thì ngồi ngoài.

Lan có một thói quen khi lên xe, hôm ấy tôi nhìn thấy lần đầu nhưng sau này luôn thấy nó lặp lại mỗi khi cô vừa ngồi ấm chỗ, đó là việc buộc lại tóc, tôi không bao giờ hỏi lý do vì thấy câu hỏi ấy hơi vô duyên, nhưng tôi thích nhìn việc ấy, những động tác tay của cô lúc ấy rất khéo léo và mềm mại, giống như các bé gái khi chơi búp bê vậy, mọi thứ được thực hiện một cách nhẹ nhàng, cẩn thận và hướng đến sự hoàn mỹ.

"Cậu cũng có vẻ thích đi xe buýt?!" Tôi hỏi khi cô đã xong việc.

"Thật ra..." Lan nói, tay phải vẫn ướm ướm lên tóc xem đã đẹp hẳn chưa. "Tớ chỉ thích đi xe buýt 09 cậu ạ, tớ không thích sự xô bồ, những tuyến xe khác cậu biết đấy, đông không thở nổi. Chỉ có tuyến này không đông khách lắm, vì hướng lên bờ hồ của nó không tiện cho sinh viên đi học, mà tớ toàn đi cuối tuần nên càng ít người hơn."

"Đi xe buýt cũng vui." Cô nói tiếp. "Bình thường không có ai nói chuyện tớ toàn đeo tai nghe, vừa thư thả nghe nhạc vừa nhìn ngắm phố phường, hôm nào có tâm sự thì không ngắm phố xá mà ngồi suy tư nhiều chuyện, nói chung tớ thấy thời gian trên xe buýt cũng rất thi vị, giá trị ngang bằng một cuộc café ấy."

"Cậu nói hay thế. Hôm nay cậu dẫn đi tớ mới biết đấy, thường tớ toàn đi xe buýt đông nghẹt người nên không cảm nhận được việc ấy."

"Vậy à!? Thế tí nữa khi lên hồ Gươm tớ sẽ chia sẻ thêm với cậu những cảm nhận của tớ về nơi ấy để bọn mình có thể hiểu nhau hơn."

"Tớ rất chờ đợi ấy." Tôi nói. "Nhưng tớ hơi thắc mắc là sao cậu lại gõ mấy ngón tay lên thành ghế trước thế kia? Cậu muốn kiểm tra xem nó cứng không à?"

Lan hơi giật mình khi thói quen đã trở thành phản xạ của cô bị tôi để ý, cô ậm ờ một lúc rồi giải thích cho tôi biết là hồi bé cô có học piano, cũng chơi được vài bài đơn giản, nhưng sau đó vì nhiều lý do nên bỏ ngang, không hiểu vì sao giờ lên xe, mỗi khi có tâm sự hay trong lòng không yên là cô lại gõ ngón tay mô phỏng việc đánh piano, việc đó đã trở thành một cách giải tỏa cảm xúc rất riêng của Lan.

Để đỡ xấu hổ Lan bèn chuyển qua đề tài thần tượng. Lan hỏi tôi có lây bệnh thần tượng của Trang không, tôi nói có, nhưng thần tượng của tôi là người Việt, đó là cố ca sĩ Ngọc Lan, cô sinh năm 1956, quê ở Nha Trang, cô ở đỉnh cao sự nghiệp vào thập niên 80 khi chúng tôi mới ra đời, chỉ tiếc là hồng nhan bạc mệnh, bông hoa hương sắc vẹn toàn ấy phải tàn phai quá sớm, cô mất khi mới ngoài bốn mươi tuổi vì bệnh hiểm nghèo.

"Vậy là tớ cùng tên với thần tượng của cậu à?" Lan tủm tỉm.

Không chỉ giống cái tên đâu, cậu nhẹ nhàng, sang trọng và quý phái y như thần tượng của tớ nữa ấy, tôi định nói thế nhưng thấy giống nịnh đầm quá nên thôi.

Lan nói cô có nghe nói về thần tượng của tôi vài lần trước đây nhưng không biết cụ thể lắm, bởi vì thời cô ở đỉnh cao sự nghiệp chúng tôi còn bé tí và khi còn sống cô cũng nổi tiếng ở hải ngoại nhiều hơn ở trong nước.

Một lúc sau thì xe lên đến bờ hồ, vừa xuống xe Lan đã đưa ra một lời đề nghị, cô muốn rủ tôi đi bộ một vòng xung quanh hồ với cô, cô nói đó là thói quen của cô mỗi khi lên đây chơi. Lâu rồi tôi không tập thể dục nhưng chỉ đi bộ một vòng quanh hồ này thì tôi hoàn toàn làm được.

Đối với Lan hồ Gươm hình như là một nguồn cảm hứng sống gì đó rất đặc biệt, tôi thấy cô trở nên phấn khởi và sôi nổi gấp đôi bình thường. "Cậu có điều gì chưa biết về nơi này không, tớ sẽ làm hướng dẫn viên du lịch miễn phí cho cậu!" Cô nói. "Hồi cấp ba ấy, bọn tớ hay lên đây bắt chuyện với mấy vị khách Tây và giới thiệu du lịch miễn phí cho họ, thật ra mục đích chính của bọn tớ là để học nói tiếng Anh tốt hơn."

Tôi có đi ngang qua đây một vài lần nhưng chưa hiểu rõ nơi này lắm, cũng chỉ biết mỗi một câu chuyện đã trở thành huyền thoại, đó là vua Lê Thái Tổ, sau khi kiên cường đấu tranh giành lại độc lập cho đất nước, ông đã trả thanh gươm thiên mệnh cho rùa thần ở hồ này, đến nay nhiều người vẫn tin rằng hậu duệ của rùa thần vẫn ở đâu đó dưới hồ và đang trầm ngâm chứng kiến những đổi thay của đất nước.

Trong lúc bước đi chậm rãi bên nhau, Lan bắt đầu chỉ cho tôi từng chỗ một, cô nói về đền Ngọc Sơn, tháp Bút và cầu Thê Húc, cô nói cầu đấy là nơi có nhiều du khách thăm viếng nên được chăm chút khá cẩn thận. "Nếu cậu chịu khó để ý một tí, cậu sẽ phát hiện ra là nước sơn của cây cầu ấy lúc nào cũng tươi mới."

Bên kia là đầu đường Lò Sũ, Lan nói tiếp, cái tên ấy có từ rất lâu rồi, khu đấy chuyên bán các loại cặp và túi xách cho khách du lịch, rồi đường Đinh Tiên Hoàng là khu chuyên bán đồ cho khách du lịch, rồi cô còn kể tôi nghe chuyện về nhà hát múa rối Thăng Long...

Ngoài ra, có một chủ đề tôi thấy Lan tỏ ra khá thích thú, đó là chuyện về bến xe điện ở khu vực bờ hồ này, nó là do người Pháp xây từ thời bao cấp và hoạt động đến khoảng những năm 1990 thì dừng. Đại khái nó cũng giống như bến xe buýt bây giờ vậy, từ bến xe này những chuyến tàu điện sẽ tỏa đi khắp nơi về các cửa ô ngoại thành.

"Thật ra là..." Lan nói. "Tớ cũng chưa được đi xe điện bao giờ đâu, năm tớ bốn tuổi là dừng hoạt động rồi, tớ chỉ nhớ mang máng thôi, hình như tớ đã từng thấy nó hồi bé rồi. Thế hệ bố mẹ tớ thì vẫn còn đi, ông hay nói ấn tượng nhất là điều gì cậu biết không?"

Thấy tôi vừa cười vừa lắc đầu, cô giơ tay lên làm động tác lắc như lắc cái chuông: "Là cái tiếng leng keng lúc tàu dừng bến và xuất bến đấy, cả mẹ tớ cũng từng đi rồi, bà nói tàu điện là một thời quá khứ dịu dàng dễ thương của thế hệ bà."

Sau vài phút suy tư, Lan bắt đầu nói với giọng tự sự. "Tớ không biết nữa cậu ạ, có lẽ tớ là mẫu người hoài cổ, vì vậy, tớ chỉ nghe kể lại về tàu điện mà tớ cũng thấy thinh thích rồi nhé, có phải phụ nữ thường hay thế không nhỉ, nhưng không hiểu sao tớ thấy con người tớ hay sống với những hoài niệm lắm nhé! Tớ không hoàn toàn sống trong thực tại này như mọi người xung quanh đâu."

"Thế cũng tốt mà, tớ thấy những người hoài niệm đều là những người coi trọng tình cảm."

"Nhưng... tớ sợ không hợp với xã hội này." Cô vừa nói vừa lơ đãng nhìn hãng kem Bốn Mùa.

Thấy cô nhìn quán kem nên tôi hỏi xem cô có muốn ăn kem không, cô bảo thôi, để tí mua sách xong cô sẽ dẫn tôi đi ăn kem, cứ yên tâm, cô là thổ địa ở khu vực này mà.

Thấy cô đang nhiều cảm xúc tôi bèn thêm thắt vài câu cho vui: "Dù sao, xe điện là câu chuyện thuộc về quá khứ rồi. Còn trong hiện tại thì điều gì làm cho cậu thích nhất ở bờ hồ này?"

"Bây giờ á, bây giờ điều tớ thích nhất là những hàng cây xung quanh bờ hồ!!" Lan trả lời ngay, không do dự dù chỉ một giây.

"Ở đây nhiều cây lắm cậu ạ, cây lộc vừng này, cây si già này, cây hoa gạo, hàng liễu rủ này, hoa ban rồi cả bằng lăng nữa. Tất cả đều đẹp, mỗi cây mỗi vẻ cậu ạ!" Cô vừa nói vừa chỉ tay loạn xạ làm tôi nhìn theo không kịp.

Rồi bất chợt, Lan quay sang nhìn thẳng vào mắt tôi khiến tôi rất lúng túng. "Hồ Gươm mà mất đi những hàng cây này thì sẽ không còn là hồ Gươm nữa." Cô bắt đầu bộc bạch. "Cậu biết không, đôi khi đi dạo quanh bờ hồ một mình và nhìn ngắm những cây cổ thụ này, tớ cảm thấy dường như sự im lặng và trầm ngâm của chúng lại có nhiều ý nghĩa với tớ hơn những ồn ào của tha nhân xung quanh nhé!"

Tôi rất ngạc nhiên với lời tâm sự ấy của Lan, nhận xét ấy thật quá ấn tượng. Con người ta thường chỉ nghĩ đến bản thân và những lợi ích vật chất dễ thấy thôi, phải gắn bó, phải trân trọng, phải lãng mạn và yêu tự nhiên lắm người ta mới rút được ra một kết luận nhân văn và đậm chất thơ như vậy.

"Này." Lan tiếp tục hỏi tôi. "Nói tớ nghe đi, cậu thích mùa nào nhất trong năm?"

Tôi nói mỗi mùa có một cái hay riêng, Lan nói cô thích nhất là mùa thu.

"Đối với tớ, mùa thu là mùa của sự tinh tế." Cô nói. "Tớ yêu những làn gió heo may, yêu những chiếc lá vàng rụng, yêu bầu trời trong vắt tĩnh lặng của mùa thu. Không biết cậu thấy thế nào, còn đối với tớ mùa thu luôn mang lại một tâm trạng bồn chồn khó tả. Dường như đó là một điểm gặp gỡ kỳ diệu của cả quá khứ, hiện tại và tương lai. Cậu đã bao giờ thử nhặt một chiếc lá vàng mùa thu lên mân mê trên tay chưa?"

"Tớ chưa. Cậu thử rồi à?"

"Tớ làm rồi. Khi ấy tớ chợt cảm thấy hoài niệm về một thời tuổi thơ đã xa, cảm thấy trân trọng phút giây hiện tại, rồi lại thấy buồn man mác khi nghĩ về tương lai."

"Ừ, tớ sống ở đây mấy năm cũng thấy mùa thu Hà Nội có điều gì đó rất lạ." Tôi nói. "Văn nghệ sĩ sáng tác về mùa thu Hà Nội vừa nhiều lại vừa hay, đủ thấy mùa thu Hà Nội đem lại nhiều cảm xúc như thế nào."

"Ừ, buồn cười lắm, tháng trước con bạn tớ gọi điện từ Sài Gòn ra hỏi tình hình ngoài này thế nào, tớ bảo Hà Nội vào thu được mấy ngày rồi, nó cười sặc sụa rồi nói chả ai định nghĩa cái kiểu ấy cả?!"

"Ha ha." Tôi bật cười, tôi cũng chưa thấy ai định nghĩa lạ đời như thế bao giờ.

Trên đường đi xem sách, Lan hỏi tôi đã đọc sách viết về Hà Nội của những tác giả như Thạch Lam, Tô Hoài, Nguyễn Tuân chưa. Khi tôi nói chưa đọc, cô nháy mắt tinh nghịch và hứa hôm nào sẽ cho tôi mượn vài cuốn.

Sau nửa tiếng chọn sách trên phố Đinh Lễ, chúng tôi mỗi người cầm một túi nilon đựng sách đi thong dong hướng về cửa hàng kem Tràng Tiền. Vừa đi vừa thảo luận chuyện sách vở, cô khoe với tôi quyển Đại gia Gatsby: "Thấy dạo này mọi người hay nhắc đến quyển này nên tớ cũng lên mạng đọc qua, giờ mua bản giấy về để đọc kỹ hơn."

"Ơ. The Great Gatsby mà lại dịch là đại gia à, nghe không hợp lý lắm nhỉ. Tớ đọc cuốn ấy từ mấy năm trước, bản cũ tên là Gatsby vĩ đại cơ, từ trước đến nay cũng chỉ thấy người ta dịch như vậy, chắc họ mới tìm cách tiếp cận khác với tác phẩm, nhưng thế này tớ không thấy thuyết phục lắm."

"Cậu nói rõ hơn được không?"

Tôi giở cuốn sách ra, chỉ đoạn cuối cho Lan: "Muốn hiểu tại sao dịch là vĩ đại thì cậu phải đọc đoạn đám tang, ông bố Gatsby nói với tác giả rằng nếu con ông còn sống thì nó sẽ là một người vĩ đại."

"Ừ, tớ hiểu ý cậu rồi, Gatsby vĩ đại vì anh ta rất tài giỏi đúng không." Lan nói. "Anh ta từ một kẻ tay trắng trở thành một tỉ phú thì chắc chắn phải là một người vĩ đại rồi."

"Không, vẫn chưa đủ." Tôi trầm ngâm. "Bố Gatsby không hiểu gì nhiều về anh ta, đấy chỉ là lời nhận xét của người ngoài cuộc nhìn vào cơ ngơi anh ta, còn quan điểm của tác giả thể hiện ở nhân vật Nick mới quan trọng, tớ cảm thấy mình hiểu cách nhìn nhận của tác giả về Gatsby, giữa một thế giới đồng tiền lên ngôi, giữa những kẻ ích kỷ, vô trách nhiệm, kể cả cô gái anh ta yêu cũng là người như vậy, thế mà trong hoàn cảnh ấy vẫn có một người dám yêu một cách trong sáng, mãnh liệt và sẵn sàng chết cho người mình yêu như vậy, thì nhân cách ấy mới đúng là vĩ đại, vừa vĩ đại vừa hiếm hoi."

Lan chăm chú nghe tôi nói, lần trước thấy tôi hút thuốc cô trêu là tập đú làm tôi thấy bị chạm tự ái, lần này tôi muốn thể hiện chút kiến thức để cô hiểu về tôi nhiều hơn.

"Vậy là theo cậu Gatsby có những phẩm chất vĩ đại, nhưng nói anh ta là đại gia thì cũng đâu có gì sai?"

"Ừ, không sai, nhưng tớ không thấy thuyết phục lắm!"

Lan chăm chú nghe tôi nói, cô tỏ ra nghiêm túc và tập trung như thể đang trong giờ thảo luận ở lớp học vậy.

Đến lượt Lan xem cuốn sách tôi mới mua, quyển đầu tiên là tiểu thuyết Rừng Nauy của nhà văn người Nhật Murakami, tôi từng đọc trên mạng rồi, bây giờ mới có tiền mua bản giấy.

"Tớ cũng đọc cuốn này rồi, đọc theo phong trào thôi, thấy mọi người rộ lên tìm đọc thì mình cũng đọc, nhưng đọc xong thì chẳng hiểu gì cả." Cô nói. "Tớ thấy không khí buồn và ảm đạm lắm, con người chẳng có sức sống gì cả."

"Tớ hiểu, có lẽ vì bối cảnh hai nước khác nhau, cậu sống trong một xã hội đang phát triển đầy sức sống thế này, thì thấy bối cảnh trong truyện khó hiểu là phải." Tôi nói. "Hơn nữa, nhân vật chính tự lập rất sớm, những thanh niên còn sống phụ thuộc gia đình như các cậu thì khó đồng cảm lắm."

"Cậu nói như kiểu cậu hiểu nhân vật chính lắm ấy!?" Cô bĩu môi, lần đầu tiên tôi thấy cô thoát ra khỏi cung cách cư xử xã giao với tôi.

"Nói chung tớ đọc thấy rất thấm." Tôi nói. "Ngoài ra, đúng là tớ cũng phải chật vật tự kiếm tiền nuôi thân mà. Chị tớ có chu cấp một chút, nhưng chị ấy bận nên lúc nhớ lúc quên, cơ bản vẫn phải tự trông vào mình."

Sau đó Lan giở đến quyển thứ hai, đó là quyển Cái vô hạn trong lòng bàn tay của hai tác giả Trịnh Xuân Thuận và Matthieu Ricard, nói về khoa học, triết học và Phật giáo. Cô xem qua vài trang rồi nhăn mặt. "Trời trời. Sách gì khó đọc thế này. Cậu thích triết học à?"

"Không, cũng không khó đọc lắm đâu, nói về khoa học nhưng theo cách phổ thông đại chúng." Tôi nói. "Hơn nữa, triết học cũng hay mà, ai rồi chẳng có lúc phải hỏi mình đến từ đâu, mình sẽ đi về đâu, chết có phải là hết không."

"Vậy à..." Cô trả sách cho tôi và nói. "Tớ có đứa bạn thân, nó bảo với tớ triết gia là những người không bình thường, họ chỉ chuyên làm phức tạp hóa mọi vấn đề lên, ví dụ như quyển sách này này, rõ ràng nó là quyển sách, nhưng thật buồn cười khi triết gia lại bảo nó không phải là quyển sách."

"Tớ thì lại cho rằng triết gia là những người thông thái, việc muốn tìm ra bản chất thực tại của họ là việc có ý nghĩa rất lớn lao, thật sự thì sự tồn tại của chúng ta còn biết bao điều chưa giải thích được, cậu có nghĩ thế không?"

"Tớ thì... không tìm hiểu sâu nên không dám kết luận gì, tớ chỉ muốn sống một cuộc đời yên ả, rồi chết như tất cả những người khác trên đời này, tớ thấy việc suy tư kia không thực tế với tớ lắm, có lẽ tại trí óc tớ nữa, nói thật là tớ học môn triết kém lắm, tớ không hợp với những môn học lô gic hay những suy luận sâu xa, tớ thích những thứ thiên về cảm giác, nghệ thuật hơn."

"Ví dụ?"

"Nấu ăn chẳng hạn, tớ thích nấu ăn lắm nhé, hồi nhỏ tớ hay ước mơ được trở thành một đầu bếp giỏi, một bà chủ nhà hàng sang trọng, tớ muốn làm những món ăn ngon, tớ hay tìm tòi mấy cái đấy lắm."

"Trời ạ! Thế cậu vào học ở khoa báo chí làm cái quái gì vậy?"

"Thì... học theo ý bố mẹ tớ mà." Cô xịu mặt. "Bố mẹ tớ nghĩ là học hành phải thành ông nọ bà kia, phải ngồi văn phòng máy lạnh nhàn nhã chứ, còn lao động chân tay thì làm sao bố mẹ tớ đồng ý cho tớ học. Ôi, nếu tớ mà nói ra á, họ sẽ bảo nghề lao động chân tay thật là vất vả tầm thường."

"Sao cậu không thử thuyết phục bố mẹ? Làm công việc mình yêu thích mới phát triển được chứ."

"Nói thật sự là... bởi vì chính tớ cũng hoang mang không biết mọi việc sẽ thành ra thế nào, cái tương lai bố mẹ sắp đặt cho tớ cũng nhàn thân thật mà." Lan nói và cố gượng cười với tôi. "Tớ thấy sợ và không dám mạo hiểm cậu ạ!"

Khi chúng tôi đứng trước cửa hàng kem, tôi chợt hiểu tại sao Lan lại muốn ăn kem cuối cùng. Sau khi bỏ công sức cả tiếng đồng hồ ra cuốc bộ và chọn lọc sách vở cho ưng ý, việc ăn một que kem ngon ngọt mát lạnh thế này giống như tự thưởng cho mình một món quà vậy.

"Cậu biết cửa hàng kem Tràng Tiền này có lịch sử bao nhiêu năm rồi không?" Lan tiếp tục công việc hướng dẫn viên của mình.

"Để xem nào." Tôi bắt đầu động não. "À, à, ban nãy lúc vào cửa tớ nhớ là có nhìn thấy biển hiệu quán ghi là bắt đầu từ năm 1958."

"Đúng rồi." Lan gật đầu. "Có lần cô chú tớ từ Singapore về nước chơi, tớ dẫn thằng em họ ra đây ăn kem, nó bảo Singapore mới lập quốc từ năm 1965, thế mà cái quán kem ở đây còn lâu đời hơn đấy!"

Tôi gật gù ghi nhận thông tin thú vị này.

Chúng tôi cùng đi sâu vào trong xếp hàng. Hôm nay cuối tuần nên khá đông người đến mua kem, hai đứa phải kiên nhẫn đứng vào trong hàng người dài và nhích lên từng tí một. "Ăn kem Tràng Tiền như kiểu trở về thời bao cấp ấy cậu nhỉ?" Tôi phát biểu cảm tưởng.

"Sao cậu nghĩ vậy?" Lan quay lại hỏi tôi.

"Thì phải đứng xếp hàng dài chờ mua kem, mấy cô bán hàng thỉnh thoảng mệt quá cũng tỏ ra khó chịu, tớ nhớ có lần đi ngang qua còn thấy tiếng loa điều hành của mấy người bảo vệ nữa cơ."

"Ấy, đấy là thứ tạo lên thương hiệu kem Tràng Tiền đấy." Cô cười và nói, nghe nửa thật nửa đùa.

Chờ gần hai mươi phút thì đến lượt chúng tôi được mua hàng, Lan mua một que kem đậu xanh cho cô và một que kem dừa cho tôi. Chúng tôi đứng ra một góc vừa ăn vừa tán gẫu.

"Một tuần, tớ dạo qua bờ Hồ ít nhất một lần. Vì cũng tiện về thăm ông bà nội tớ nữa." Lan cắn nhỏ nhẹ từng miếng và nói. "Lần nào chuyến đi cũng bắt đầu bằng một vòng dạo bộ xung quanh Hồ Gươm, tiếp đến là đi xem sách, sau đó là đi ăn kem Tràng Tiền. Nói thật với cậu nhé, trừ mùa đông ra, còn lại lên đây chơi mà không ăn kem thì thấy chuyến đi chơi không trọn vẹn thế nào ấy."

"Không trọn vẹn là đúng rồi, kem ngon thế này cơ mà." Tôi nói. "Mà nhà ông bà cậu ở khu nào vậy?"

"Ở phố Hàng Đào cậu ạ, cậu đã được nghe câu ca dao về con phố ấy chưa: Ổi Quảng Bá, cá Hồ Tây/ Hàng Đào tơ lụa làm say lòng người" Cô nói. "Đó là một con phố có lịch sử lâu đời chuyên nghề nhuộm tơ lụa, nó có từ tận thời nhà Trần, đến thời nhà Lê thì trở nên rất sầm uất. Vào thời Pháp thuộc, phố mang tên là Rue de la Soie nghĩa là phố bán lụa. Đầu thế kỷ 20, cùng với quá trình Âu hóa thì dần dần vải Tây thắng thế, hàng truyền thống không cạnh tranh được nên cứ ngày càng vắng bóng. Đến bây giờ thì phố không còn bán vải nữa mà bán đủ loại hàng hóa, như quần áo, vàng bạc, đồ thủ công mỹ nghệ..."

"Hàng Đào tơ lụa làm say lòng người!" Tôi ngâm nga và tặc lưỡi. "Hèn chi cô gái Hàng Đào này ăn mặc rất có gu nhé!"

"Thật ra..." Lan cười tủm tỉm và nói. "Tớ không dám nhận là con gái phố cổ đâu, vì tớ không lớn lên ở đấy. Chỉ có ông bà nội tớ gắn bó với phổ cổ thôi, bố mẹ tớ và các bác, các cô các chú đều được ông bà cho vốn để ra ngoài lập nghiệp từ lâu rồi. Nói chung mọi người ra ngoài đều có những thành công nhất định, người thành đạt nhất là làm bác sĩ, nhiều tiền lắm cậu ạ, còn lại chủ yếu là đi buôn bán, bố tớ cũng nhờ quan hệ của ông anh là bác sĩ mà kinh doanh được mảng vật tư y tế, làm ăn cũng tốt lắm. Em trai tớ cũng đang được gia đình hướng theo nghề bác sĩ."

"Nhà cậu có hai chị em nhỉ?"

"Ừ, cậu em tớ đang học lớp mười một, nghịch như quỷ cậu ạ, mỗi lần đi họp phụ huynh bố mẹ tớ lại đau hết đầu với nó ấy."

"Mà sao thấy bác sĩ nhiều tiền thế sao bố mẹ cậu không hướng cậu vào như em trai cậu?"

"Bởi vì là...Bố mẹ tớ cho rằng con gái nên dành thời gian cho gia đình, kiếm việc gì đó nhẹ nhàng một chút là được, hơn nữa, bố mẹ cũng nghĩ là vài năm nữa tớ lấy anh người yêu bây giờ thì không phải lo nghĩ kinh tế mấy."

"Anh chàng người yêu chở cậu đến trường bằng xe Lexus đấy hả?" Tôi nói và thả que vào thùng rác ngay bên cạnh. Lan mới ăn được một nửa que kem.

"Đúng rồi đấy." Cô nói. "Anh ấy đang du học ở nước ngoài, đợt rồi anh ấy về chơi nên tiện đưa đón tớ đi học mấy hôm."

"Hai người yêu nhau lâu chưa?"

"Khá lâu rồi cậu ạ!" Cô nói. "Có thể nói bọn tớ là một cặp thanh mai trúc mã, hồi bé đã là hàng xóm của nhau, anh ấy chuyển nhà đi nhưng vẫn giữ liên lạc với tớ. Lên cấp ba học chung một trường nên có cơ hội thân thiết hơn, cứ thế lớn lên với nhau từng ngày từng ngày một. Đến một tối Valentine, anh ấy rủ tớ đi dạo và tặng một bó hồng để ngỏ lời muốn làm người yêu tớ, tớ cũng không suy nghĩ nhiều, tớ đồng ý, đồng ý như thể chuyện đương nhiên nó phải thế. Mọi người xung quanh ai cũng công nhận bọn tớ đẹp đôi, tớ tuy không phải thiên kim tiểu thư gì nhưng tự thấy mình cũng đủ công dung ngôn hạnh, còn anh ấy thì gia đình có điều kiện, bố mẹ anh ấy đều là người có vai vế trong xã hội, ngày tớ nhận lời làm bạn gái anh ấy, bố mẹ tớ vui lắm, mà nghĩ làm thông gia với những người như vậy thì có ai lại không vui chứ..."

Đang nói dở bỗng nhiên Lan ngừng lại, không hiểu sao cô lại tỏ ra khá ngượng ngùng, chắc là cô không muốn đi sâu vào chuyện gia đình người yêu với một người bạn quá mới mẻ như tôi.

Tôi nhìn Lan với ánh mắt chờ đợi nhưng cô không nói gì nữa. Cô lặng lẽ tập trung ăn nốt que kem.

Thật buồn cười là tôi và Lan vừa nói chuyện rất hăng say xong, nhưng giờ hai đứa lại không dám nhìn thẳng vào mắt nhau nữa, giữa chúng tôi bỗng có một khoảng trống ngại ngùng kỳ lạ, dường như chúng tôi đang mở lòng với nhau quá tự nhiên và dễ dàng, cả tôi và cô đều bất ngờ về điều này.

Khi ra khỏi quán kem, Lan nói tôi không cần đưa cô về đến tận nhà, cô sợ người thân và hàng xóm sẽ chất vấn về tôi. "Phải giải thích nhiều thì mệt lắm cậu ạ!" Lan nói. "Cậu cũng biết sự lo lắng thái quá của các bậc phụ huynh là một căn bệnh khó chữa mà."

"Ừm, tớ hiểu." Tôi nói khi chúng tôi chia tay ở ngã tư giao giữa phố Hàng Bè và phố Hàng Đào.

Trước khi đi Lan hỏi thêm tài khoản Yahoo của tôi để thỉnh thoảng hai đứa có thể tán gẫu với nhau trên mạng. Tôi đọc tên tài khoản Yahoo của mình cho cô, nhân tiện xin số điện thoại của cô ngay kẻo lại quên.

Thế hệ chúng tôi rất gắn bó với các ứng dụng của Yahoo, đặc biệt là ứng dụng trò chuyện trực tuyến với biểu tượng là khuôn mặt cười đứng cạnh chữ Y màu tím, chúng tôi hay gọi vui biểu tượng ấy là "Anh chàng cười khoác màu áo tím".

Sau khi chia tay, tôi đi bộ trở lại bến xe buýt cạnh bờ hồ ban nãy để đón xe về nhà.

Một ngày hết sức đặc biệt, tôi thầm nghĩ khi leo lên xe buýt số 09, chỉ đơn giản là một cuộc dạo bộ xung quanh hồ Gươm và bàn luận đôi ba câu chuyện nhân tình thế thái, nhưng nó đem lại cho tôi một cảm giác vô cùng thư thái và hạnh phúc, như thể nếu ông trời tạo điều kiện cho tôi đi với cô như thế, cứ đi mãi, đi mãi cả đời như thế cũng được.

Đến khoảng tám giờ tối hôm ấy, khi đang ngồi trực máy thì tôi nhận được lời mời kết bạn của Lan trên mạng.

Lan hỏi tôi thấy cuộc đi dạo sáng nay thế nào, tôi trả lời rất thích và hi vọng cuối tuần nào cũng được đi với cô như vậy.

"Cậu nghĩ vậy thật à!? Vậy cứ cuối tuần mình đi dạo với nhau nhé, vẫn thời gian ấy, địa điểm ấy, chuyến xe ấy." Lan nói. "Thêm một người bạn đồng hành tớ vui lắm, chỉ sợ đi được mấy hôm cậu sẽ thấy tẻ nhạt thôi."

"Không. Cậu yên tâm." Tôi gõ phím trả lời. "Không bao giờ có chuyện đó đâu."

Chúng tôi cùng nói thêm vài chuyện vụn vặt khác nữa, được cái học chung một trường nên có nhiều thứ để nói, chuyện các thầy cô, chuyện đám bạn bè, chuyện các khoa trong trường có đặc trưng gì. Trước khi kết thúc cuộc trò chuyện để Lan đi ngủ, tôi và cô cùng trao đổi địa chỉ trang cá nhân với nhau.

Suốt đêm hôm ấy tôi ngồi nghiền ngẫm không sót một bài viết nào trên trang của Lan cả, tôi bận rộn nên không viết được bài nào trên trang của mình, nhưng cô thì khá chăm chỉ viết, khi truy cập vào trang của cô tôi thấy cô đăng bài khá đều.

Lan viết về rất nhiều đề tài, như về bạn bè, lớp học, em trai cô, hay những bộ phim mới, những món ăn ngon... trong đó có một bài viết cách đây hai tuần làm tôi rất ấn tượng, vì cảm xúc cá nhân của cô thể hiện ở đấy đậm nét hơn so với các bài khác, nội dung của nó thế này:

"...Mình nhớ lúc còn bé, khi các bạn đều ước được sống trong những ngôi nhà cao tầng to rộng, thì mình lại chỉ thích ngôi nhà nhỏ của cô mình. Mình rất ngưỡng mộ gia đình cô ấy, họ sống trong một ngôi nhà vừa phải nhưng thật ấm cúng và tràn đầy tình yêu thương.

Mỗi khi lên ấy chơi và ăn cơm với gia đình họ xong, lúc ra về mình lại ước sau này cũng có được một mái ấm như thế.

Bây giờ cô đã xây nhà mới, to hơn và đẹp hơn, nhưng chẳng hiểu sao trong lòng mình chỉ thấy nhớ hoài căn nhà cũ đấy.

Có lẽ tính mình hợp với một cuộc sống nhẹ nhàng không tranh đua. Ước muốn của mình chỉ đơn giản là được làm những việc mình thích, được có một gia đình hạnh phúc, không cần quá giàu sang, chỉ cần một người chồng chung thủy trách nhiệm và những đứa con ngoan ngoãn là đủ mãn nguyện lắm rồi."

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro

Tags: #hànội