CHAPTER 1: GẶP NHAU NHƯ THẾ ĐÓ
Cậu bước vào đời tôi vào một ngày như bao ngày tẻ nhạt tôi đã và đang trải qua, kể từ khi những tia nắng ấm áp trong tim dần trở nên lụi tàn. Từng chi tiết in sâu nơi trí nhớ: sắc thái xám xịt phảng phất trên mặt hồ rộng mở, nơi bầu trời bao la, dù ảm đạm, kém phần vui tươi nhưng ít ra nó khiến tâm hồn ta thêm an tâm và yên ổn lạ thường. Khoảng lặng cho mọi suy nghĩ. Những cánh chim chao lượn hòa mình vào bản giao hưởng của riêng chúng, vài tán cây đoạn và cây keo bên lối đi dọc bờ hồ khẽ lay động như hưởng ứng cùng, âm thanh vẳng lại từ đằng xa, xa xôi và yên ả. Càng gần đến bến tàu, những âm thanh xưa người quên lãng nay nhẹ lớn dần lên, đó là tiếng động cơ tuabin của chiếc tàu hơi nước cũ kỹ vẫn cần mẫn đưa người dân ở hạ Nam hồ nước, cách nơi đây 40km, tới trung tâm thành phố lớn. Duy nhất đọng lại trong tôi là cảnh tượng xáo động có tổ chức cùng vẻ bồn chồn có chừng mực trên bến tàu sau mỗi lần chiếc tàu trắng xen vàng ấy cập bến đều đặn hằng ngày và đúng giờ. Từng hàng người ngồi chờ chuyến tàu của họ về bến vẫn say sưa với câu chuyện còn dang dở, vài người khác tìm mua bữa trưa ngon lành, những kẻ còn lại thì dáo dác ngắm nhìn quang cảnh như thể họ là những gã nông thôn chính hiệu hay có thể hiểu nôm na rằng, những con chiên ngoan đạo. Phía khác, dòng người bước lên tàu chen chúc vào dòng người xuống tàu trông như một bản hòa âm trật nhịp. Hai anh nhân viên giữ hành lý trong bộ đồng phục xanh lam pha đỏ, tôi như thấy lại cái viền trắng trên chiếc mũ vải thủy thủ của họ. Những người bán kẹo, cô gái hàng hoa, anh bán báo dạo và trên tất cả là những hồi còi kéo dài không ngớt nơi chiếc tàu chở khách. Cùng với âm thanh xưa cũ và quen thuộc, thứ âm thanh không quá chói tai, không quá trầm lặng ấy, những hồi còi mang trong mình mọi hoạt động, thói quen và trái tim của thành phố.
Giống như một chiếc đồng hồ công cộng đổ chuông trên quảng trường, tiếng còi của chiếc tàu hơi nước cũ kỹ ghi dấu bước đi của thời gian và những chuyển động nhịp nhàng của ngày. Tôi không bao giờ nghe lại chính xác âm thanh của hồi còi ấy. Nó khắc sâu vào tôi như tiếng vĩ lướt trên dây đàn violin đầu tiên mà bố tặng khi tôi mới chỉ là một đứa bé con. Vào một ngày mùa xuân đẹp trời, bầu trời xanh thẳm điểm vài gợn mây xám, những gợn mây vô hại. Chúng chắc hẳn chẳng tác động gì đến ngày làm việc của họ, cũng không che lấp được mặt trời phản chiếu lên những tấm đá bảng trên các mái nhà lấp lánh và làm những máng kim loại màu sữa ánh lên, những máng nước ấy chạy dọc theo các ngôi nhà cổ kính khuất trong khu phố lâu đời, nằm phía bên kia đường tàu điện. Bầu không khí thật êm dịu, không chút ẩm ướt, làn gió nhẹ từ trên núi mơn man thổi xuống xâm chiếm vạn vật, nơi người ta có thể thấy rõ những khúc uốn lượn, đám cây lãnh sam, và những đỉnh núi trắng xóa.
Khi thế giới sắc màu biến mất khỏi cuộc sống, thứ tình cảm phù phiếm và hư ảo của con người vỡ vụn thành từng mảng, từng mảng tựa như những cơn đau xé nát tim tôi, tôi hiểu mình đã thay đổi. Tình cảm trông thật nghèo nàn khi bị chấp vá. Thậm chí tôi không thể chịu đựng nổi giờ ăn trưa trong căng tin dành cho hội viên dàn nhạc ( gồm nhạc công, phụ tá, trợ lí đạo diễn, kỹ thuật viên). Tuy tôi vẫn có thể tiếp tục công việc với họ, đặt hộp đàn violin màu đen dưới chân, trên giá nhạc thứ ba hàng ba của cung vòng tròn quanh bục nơi nhạc trưởng đứng chỉ huy. Diễn tập, chơi lại, nghe, hòa âm, chỉnh sửa, lặp đi lặp lại một khuôn nhịp hay một đoạn bất kỳ nào đó, rồi ôn dợt ít nhất một lần trong các buổi diễn tập, biểu diễn liền mạch từ chương đầu đến tận chương cuối cùng, sau đó duyệt tổng thể thêm lần nữa. Mọi thứ diễn ra khá ổn, với tôi. Chúng giúp tôi quên đi. Nhưng khi quay về nhịp sống hằng ngày, bên ngoài phòng nhạc, bức tường cất dấu những buồn đau trong tôi dần sụp đổ, hoàn toàn sụp đổ. Tôi có thể hình dung hoặc tưởng tượng ra rằng các bạn đồng nghiệp đã biết hết thảy mọi chuyện, và giờ thì họ đang nhìn chằm chằm vào tôi, bàn tán và cười cợt cũng nên? Tôi tự cô lập chính mình. Vì thế, ngay khi rảnh rỗi, tôi liền trốn ra ngoài. Phòng hòa nhạc trong tòa nhà dành cho dàn nhạc nằm bên bờ hồ. Chỉ cần đi khoảng 100m là tới được đó.
Tôi thường ngồi trên băng ghế gần hồ nhất. Vẫn chiếc ghế đó, như thể tìm về khung cảnh của riêng mình, đưa tầm nhìn vào những chuyến tàu có động cơ tuabin đến từ Vitznau ấy, chặng đường cuối cùng trong hành trình chậm chạp của nó, có thể là phương thuốc cho sự yếu đuối nơi tôi. Tôi ngồi ở đầu phải băng ghế, đối diện mặt nước, thưởng thức một trái táo hay một quả chuối, đôi khi là những chiếc bánh quy vàng giòn, cùng chai nước khoáng nhỏ, đủ cho một bữa trưa nhẹ. Khi đó tầm 12 giờ rưỡi trưa, tôi biết mình có một giờ đồng hồ, hoặc hơn thế chút, trước khi phải quay lại phòng nhạc. Quãng thời gian được ở một mình, không phải suy nghĩ và tránh né mọi ánh mắt từ những người khác, tuyệt biết bao.
Một ngày đầu xuân đẹp trời, như mọi ngày bình thường trong năm, tôi tìm đến "chiếc ghế băng của mình", và nhận ra có ai đó đã ngồi vào đấy trước, không phải lên chỗ của tôi - vì tôi luôn ngồi ở cùng một đầu ghế, phía bên phải - mà vào đầu bên kia, phía bên trái, một bóng dáng xa lạ hiển hiện trước mắt. Điều đó thật sự khiến tôi khá đỗi ngạc nhiên và liệu có nên phát cáu với họ? Người nào đó đã xâm chiếm lãnh thổ bí mật của riêng tôi. Có lẽ cảm giác "quen với sự đơn độc" khiến tôi quyết định bỏ đi tìm chiếc ghế khác còn trống, nhưng một góc nhỏ khác trong tim tôi đang gào thét sự thất bại của chính mình, và cảm giác khi bị kẻ khác chiếm đoạt món đồ chơi mình yêu thích thật sự làm tôi khó chịu và không thể cất bước lên nổi.
Ngồi ở đấy, tôi như mở ra cánh cửa vô hình của một căn phòng vô hình, bên trong tôi tìm thấy một chút gọi là thanh thản, những gì yếu đuối, hổ thẹn, thất bại tạm biến mất. Chỉ vài giây sau khi ngồi xuống, đưa mắt nhìn chuyển động yên bình của làn nước yên bình nơi mặt hồ yên bình ấy, tôi có thể quên đi rằng trái tim mình đang tan vỡ, quên đi người làm tan vỡ trái tim tôi và chìm đắm trong thế giới hạnh phúc "tạm thời" do chính mình xây nên.
Khi lại gần băng ghế, tôi nhận ra bóng dáng mà từ xa tôi tưởng là của một người lớn lại gần với bóng dáng một thanh niên hơn. Càng tiến lại gần, bóng dáng ấy càng trẻ ra, giảm dần cả về chiều cao lẫn bề ngang. Một thằng nhóc con. Cơn tức tối chợt dịu dần, rồi mất hẳn. Tuy nhiên, vì muốn chứng tỏ sự xa cách giữa tôi với kẻ không mời mà đến, tôi ngồi xuống cố không nhìn nó, hướng ánh mắt về phía hồ nước. Trong một khắc, tôi có cảm tưởng, từ phía bên kia, nó không cử động và cũng như tôi, đang lẳng lặng ngắm nhìn mặt nước sẫm màu mênh mông. Hẳn cả hai người bọn tôi điều trông có vẻ tinh quái, bất động trong bầu không khí im lặng giả tạo, nhưng chuyện đó chỉ kéo dài vài giây. Sau đó, nó nhoài người về phía trước và cất cái giọng trong sáng, nhưng với vẻ trang trọng đáng ghét:
"Hi vọng việc tôi chiếm dụng nơi đây không phiền hà gì. Nhưng rõ ràng hôm nay tôi đến trước, rất tiếc vì "chỗ riêng của chị". Nó sẽ không ảnh hưởng chút gì chứ ?"
"Dĩ nhiên không, nhưng làm sao em biết được điều đó? Ý chị là..."- Liếc nhìn thằng bé, tôi hỏi.
Nó không trả lời, chỉ mỉm cười. Mất một lúc sau tôi mới hiểu ra rằng thằng bé không thích trả lời trực tiếp vào câu hỏi người ta đặt cho. Chúng tôi nhìn nhau, tôi một thiếu nữ, nó một thằng nhóc, hẳn mới 12 tuổi, không hơn - còn tôi 20.
"Chị chuẩn bị ăn trưa, và chị nghĩ em cũng thế." - Tôi cười nói.
Nó cười, cũng trong sáng y như giọng nói. Thêm lần nữa như để cho chính mình, nó lại cười và chìa ra một túi giấy nhỏ màu nâu, rồi lấy ra hai chiếc sandwich bọc giấy nhôm cẩn thẩn.
"Ngon miệng." - Thằng bé nói.
Điều đó khiến tôi buộc phải lôi từ túi xách tay ra một quả táo và mọi thứ làm nên bữa trưa đạm bạc của mình. Việc này giống như thể chính cậu nhóc ấy đã quyết định khoảng thời gian thảnh thơi của chúng tôi diễn ra như thế nào và chúng tôi sẽ cùng nhau chia sẻ nó, bên hồ nước.
Giờ tầm nhìn tôi đủ gần để quan sát kĩ thằng bé hơn. Khuôn mặt nó đăm chiêu, với cảm giác mâu thuẫn vừa ngây thơ vừa hiểu biết mà bọn trẻ con đôi khi vẫn giả vờ để trông được như người lớn, ít nhất là thế. Vầng trán rộng, đôi mắt xanh ngả vàng dưới cặp lông mày dày đen, gò má khá cao, chiếc mũi thẳng, bầu má phẳng phiu nhưng hễ khi cười thì nhăn lại khiến mỗi bên mặt dần dãn ra đánh tan sự nghiêm trang đầy giả tạo. Nụ cười làm bừng lên những tia sáng, tôi cam đoan. Nhìn nó, một dự cảm nhỏ xẹt qua tâm trí: Sau này nó chắc chắn là một anh chàng hư hỏng, với khuôn mặt dễ dàng quyến rũ bất kì cô nàng ngây thơ nào đó, chẳng cần tốn công thuyết phục hay khơi gợi sự tò mò cùng những mối quan tâm nơi họ và cả lời ngon ngọt nữa chứ. Quả thật lúc ấy, tôi chưa hề có năng khiếu nào trong việc tiên đoán tương lai của một người xa lạ. Chính cuộc sống đã dạy cho tôi biết đọc, biết lắng nghe ngôn ngữ của cơ thể, của nét mặt, và thấy được ở đó sự tin cậy, hoặc sự lừa phỉnh, hay chính sự thật. Còn lúc bấy giờ, tôi chủ yếu chỉ quan tâm đến việc làm sao chữa lành những nỗi đau cho mình. Ít ra, dù nhắm chặt đôi mắt nhưng tôi vẫn có thể mường tượng ra ngay khuôn mặt của cậu nhóc. Trí nhớ làm méo mó, phá hủy, rồi gầy dựng lại. Tôi không biết liệu vài năm sau, thậm chí chục năm nữa, hình dáng nó có giống với miêu tả của tôi bây giờ không nhỉ? Tôi nhớ rất rõ mình đã ngạc nhiên trước khuôn mặt ấy và điều đó đã cuốn đi gần hết cơn tức giận của tôi trước một kẻ không mời mà tới, kẻ đã khuấy động thời khắc tôi tách mình khỏi phần còn lại của thế giới này.
Một lúc sau, tôi tự nhủ cậu nhóc này chỉ tình cờ tới đây ngồi và chỉ ngồi một ngày thôi, rồi mai mình sẽ lại tìm được sự thanh bình và tĩnh lặng vốn có.
Dường như quá im lặng lúc này lại là một vấn đề. Nó vẫn phóng ánh nhìn về phía mặt hồ, nơi đoàn tàu sắp cập bến. Còn với tôi, im lặng đã quá đỗi quen thuộc nhưng hiện giờ tôi lại thấy khó chịu với nó, sự yên lặng đến bực mình. Tôi cũng chẳng hiểu tại sao mình như vậy? Chắc do những tia nắng cũng nên. Khẽ liếc sang trái, kiểu đồng phục màu xanh lơ cùng chiếc áo khoác có cúc kim loại trắng và chiếc quần vải cùng màu. Trông nó như một thủy thủ nhỏ, tôi không biết chàng thủy thủ trẻ nào vừa bất chợt cập bến từ con tàu nào nữa. Đôi chân nó gần chạm mặt đất, khẽ đung đưa, miệng ngâm nga câu hát nào đó, và kết thúc bữa ăn nhanh của mình và nói:
"Chị không buộc phải nói, nhưng sẽ thật bất lịch sự nếu không giới thiệu bản thân mình. Chào, Franz Xavier và mọi người thường gọi tôi là Franz."
Giọng điệu này, cách diễn đạt người lớn một cách thái quá làm tôi bật cười. Thằng bé đang diễn hài kịch à? Nó đang bắt chước ai vậy? Nhưng đồng thời, lần này, khi nhìn mặt nó, tôi thấy rõ đó không hẳn là một trò hề. Đó là cách nó nói, và tôi buộc phải tham gia trò chơi của nó:
"Tất nhiên, chị không nhất thiết phải trả lời nhưng chị chỉ muốn hỏi: Em làm gì ở đây? Không cần tới trường hay đâu đó à? Hoặc là ở nhà với bố mẹ chẳng hạn ?"
Nó không trả lời mà chỉ thay đổi ngữ điệu:
"Chị không cần phải xưng hô lịch sự với tôi. Nếu chị xưng hô thân mật, tôi cũng sẽ làm thế." - Nó nói.
"Được thôi, nhóc từ đâu tới ?" - Tôi nhoẻn miệng cười.
Rồi nó đưa tay chỉ về phía thành phố, ở bên kia cây cầu, và đứng dậy.
"Tôi nghĩ là đến giờ rồi. Người ta đang đợi tôi, có lẽ với chị cũng vậy."
"Không, chị chưa vội." - Tôi buông lơ cảnh giác với nó, nhưng nó vẫn không chịu xưng "em" mà chỉ là "tôi". Ổn thôi, ai thèm để tâm điều đó chứ.
"Uhm, nhưng tôi vẫn phải tạm biệt chị."
"Tạm biệt."
Nó đứng dậy, nghiêng đầu lịch sự chào tôi, sau đó vứt cái túi giấy đã vo tròn đến nhàu nhĩ vào thùng rác công cộng gần đó. Song nó bắt đầu chạy băng qua bờ kè tới đại lộ- nơi có đường tàu điện chạy qua và cuối cùng mất hút trên cầu, về phía những con hẻm của thành phố cổ, cái bóng dáng nhỏ bé xanh lơ và khó hiểu ấy.
Thường, sau khi ngồi xuống băng ghế, tôi cần một chút không gian để quên đi sự hiện diện của một kiểu rào chắn trong lòng ngực, phía bên trái. Thực ra, trong suốt thời gian tôi ngồi một mình bên hồ, rào chắn ấy chưa bao giờ biến mất hoàn toàn nhưng sau ngày hôm đó mọi chuyện không còn như cũ. Khi Franz đi rồi, tôi nhận thấy những cơn tò mò về sự xuất hiện bất ngờ của nó đã tạm lấn át nỗi buồn trong tôi, một liều thuốc xoa dịu hữu hiệu cho mọi cơn đau.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro