Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

why history?

Điểm thi Lịch sử gần đây thấp kỉ lục. Người ta nói rằng học sinh Việt Nam ghét lịch sử.

Thầy mình hỏi lí do ghét lịch sử thì đa phần mọi người đều nói vì cô dạy chán, vì sách viết chán... Nhưng thầy lại nói: Ô hay đấy là các anh chị ghét môn Sử chứ có phải lịch sử đâu? Ừ nhỉ, lí do người ta ghét lịch sử là gì mới được?

Thực ra đôi khi mình nghĩ đã là con người đều có một thiên hướng kì lạ với quá khứ. Con người sùng cổ, thích hoài niệm, thích đồ cổ rồi hoài cổ, cổ trang, retro hay vintage. Ai chẳng thích than vài câu hồi xưa? Không, người ta thích lịch sử mới đúng.

Lịch sử chẳng phải là những cuộc chiến, triều đại hay năm tháng khô khan. Lịch sử cũng chẳng phải của kẻ chiến thắng. Lịch sử đơn giản là chính nó, là hiện thực khách quan duy nhất. Lịch sử là mọi thứ nằm ở quá khứ, là thần thoại, là văn hiến, là biến động hay cũng chỉ là một người dân giản dị mà bình tâm nào đó.

Nhưng nước mắt chảy xuôi, sao ta phải ôm mãi về những thứ đã trôi qua? Một câu nói kinh điển mà mình tin mọi học sinh học văn đều được nghe của Gamzatov thế này: "Nếu anh bắn vào quá khứ một phát súng lục, tương lai sẽ bắn anh bằng một quả đại bác." Tương lai sẽ không dung thứ cho bất kì ai lãng quên quá khứ, quên nguồn cội và chẳng biết tri ân. Nhưng hơn thế nữa, quá khứ là bài học hiển hiện cho tất cả.

Lịch sử là ví dụ thực tiễn tường minh nhất cho mọi quy luật của triết học. Lịch sử luôn lặp lại. Như quy luật phát triển, mọi thứ đều đi lên theo hình xoắn ốc, nó tự lặp lại mọi giai đoạn của nó ở một mức độ cao hơn. Giống như mọi triều đại, mọi quốc gia đều cực thịnh tất suy. Kiến trúc thượng tầng và cơ sở hạ tầng vốn không phải thể tách rời.

Lịch sử là giả thiết có thật để con người nhận ra mọi quy luật. Nắm được quy luật, con người sẽ đưa mình ra khỏi vòng lặp của tạo hoá. "Kẻ nào không học từ lịch sử ắt sẽ lặp lại nó." Đôi khi mình hay đùa, nếu Ô Mã Nhi đã đọc về Ngô Quyền, hẳn nhiên vị tướng này sẽ không lao vào trận hoả công của nhà Trần. Hay nếu tướng Pháp quan tâm hơn tới người tiền nhiệm, trận Cầu Giấy đã chẳng xảy ra lần hai. Chúa Nguyễn nếu không trong phút chốc đọc về Tây Thi, liệu cơ đồ của ông còn được như vậy không? Trên đất Ấn, nếu đạo Hindu không nhận ra bài học về dung hoà với các tôn giáo khác để phục sinh Bà La Môn, liệu nó có lấy lại được vị trí độc tôn của mình không?

Nghiên cứu về lịch sử, thực chất người ta đang hướng tới tương lai. Tương lai cũng không nằm ngoài quy luật vận động, vì thế cách tối ưu để dự đoán và ứng phó tương lai là nhìn về quá khứ. Vì con người vốn là loài học từ quá khứ. Biết sai rồi mới biết sửa. Biết nỗi tủi nhục ngàn năm nô lệ mới học được bài học đắt giá nhất về cảnh giác. Chỉ nhìn vào hiện tại, chẳng ai thấy được đích đến của nó nhưng đặt nó vào một dòng chảy, rõ ràng nó đang tiến lên theo cách này hay cách khác.

Học lịch sử là để định vị bản thân. Vì con người chính là lịch sử. Con người bạn một giây trước đã là quá khứ, con người bạn hiện cũng đang trở thành quá khứ, con người bạn một giây tới sẽ trở thành quá khứ. Tất cả chúng biến ta thành một phần lịch sử. Chúng ta đang tồn tại, chúng ta đến từ đâu, chỉ khi ý thức được vị trí của mình trong lịch sử, người ta mới biết sống có trách nhiệm với bản thân. Vì lịch sử sẽ phán xét chúng ta. Quá khứ của một cá nhân góp phần tạo nên con người hiện tại và nhân dạng của người đó. Quá khứ của một dân tộc là cốt lõi bản sắc của dân tộc đó. Một dân tộc không có quá khứ là một dân tộc không có bản sắc.

Học về lịch sử cũng là để trân trọng hiện tại, để có cái nhìn nhân văn hơn với cuộc đời. Trên hành trình vạn dạm của nó, bánh xe lịch sử rẽ hướng bằng máu và nước mắt của người đi trước và tiến lên bằng sức lực của kẻ tiếp sau. Nhìn lại lịch sử, người ta mới biết trân trọng hoà bình, độc lập hay tự do.

Lời kết cho ai đã đọc đến dòng cuối cùng này. Lịch sử là điểm xuất phát và cũng là đích đến của loài người.


.
.
.
.
.
.
.
.
Nhân một chiều Hà Nội mưa và mình thay vì ôn bài lại ngồi cố viết ra một thứ gì đó. Muốn viết why math, why literature, why art nữa =))))

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro