Ứng dụng Truyện Kiều vào đời sống
Đêm rồi tự nhiên bồi hồi nhớ Kiều. Rồi giật mình vì từng câu của Kiều đều đúng quá, giống như gặp cảnh ai cũng có thể thốt ra vậy, giống như thơ bật từ hồn mình ra vậy. Chẳng thế mà người xưa có thể thuộc làu làu. Rảnh rỗi ngồi liệt kê ra vài câu, mong người đọc qua có thể thêm thích Kiều.
Khi khen:
Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười
Thông minh vốn sẵn tính trời
(Pha nghề thi hoạ, đủ mùi ca ngâm)
Tả cảnh ngày hội:
Dập dìu tài tử giai nhân
Ngựa xe như nước áo quần như nêm
Khi chơi hội về:
Tà tà bóng ngả về tây
Chị em thơ thẩn dan tay ra về
Tả nấm mộ:
Sè sè nắm đất bên đường
Dàu dàu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh
Khi khấn bái:
Lầm rầm khấn khứa nhỏ to
Sụp ngồi dặt cỏ trước mồ bước ra
Khi chê người khác... ngang như cua =))
Quan rằng: Chị nói hay sao!
Một lời là một vận vào khó nghe
Nói về người tài quá cố: Thác là thể phách còn là tinh anh
Khi gặp crush: Tình trong như đã mặt ngoài còn e
Khi phải chia tay crush ra về:
Chập chờn cơn tỉnh cơn mê
Rốn ngồi chẳng tiện dứt về chỉn khôn
Than tiếc số phận/duyên phận:
Người mà đến thế thì thôi
Đời phồn hoa cũng là đời bỏ đi
Người đâu gặp gỡ làm chi
Trăm năm biết có duyên gì hay không?
Khi muốn giữ bạn lại:
Thềm hoa khách đã trở hài
Nàng còn cầm lại một hai tự tình
Phải nói Kim Trọng là một nhân vật mình không ưa (giới thiệu có vẻ quân tử nhưng nội tâm lại ngả ngớn vớ vẩn), nhưng đoạn tả tương tư cũng như chia tay dưới đây là một trong những đoạn "trúng" tâm lí của con người nhất.
Tả tương tư:
Sầu đong càng khắc càng đầy
Ba thu dọn lại một ngày dài ghê
Tuần trăng khuyết, đĩa dầu hao
Mặt mơ tưởng mặt lòng ngao ngán lòng
Mành Tương phất phất gió đàn
Hương gây mùi nhớ trà khan giọng tình
Tả ngôi nhà không để lọt đôi nào =)))
Thâm nghiêm kín cổng cao tường
Cạn dòng lá thắm dứt đường chim xanh
Giống sinh viên dọn nhà =)))
Lấy điều du học hỏi thuê
Túi đàn cặp sách đề huề dọn sang
Giữ chân bắt chuyện:
Bấy lâu mới được một ngày
Dừng chân gạn chút niềm tây gọi là
Nói chuyện với crush:
Sượng sùng giữ ý rụt rè
Kẻ nhìn rõ mặt người e cúi đầu
Đính ước:
Rằng: Trăm năm cũng từ đây
Của tin gọi một chút này làm ghi
Trốn cha mẹ đi hò hẹn =)))
Cửa ngoài vội rủ rèm che
Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình
Tâm hự:
Bây giờ tỏ mặt đôi ta
Biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao?
Tâm trạng: Ruột đau như cắt nước mắt đầm đìa =))
Khi tựa gối khi cúi đầu
Khi vò chín khúc khi chau đôi mày
Chia li:
Ngại ngùng một bước một xa
Một lời trân trọng châu sa mấy hàng
Buộc yên quảy gánh vội vàng
Mối sầu sẻ nửa, bước đường chia hai
Bị vu oan:
Một nhà hoảng hốt ngẩn ngơ
Tiếng oan dậy đất án ngờ loà mây
Xì tiền ra:
Một ngày lạ thói sai nha
Làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền
Đút lót:
Tính bàn lót đó luồn đây
Phải ba trăm lạng việc này mới xuôi
Tả đứa vô duyên: Ghế trên ngồi tót sỗ sàng
Mặc cả: Cò kè bớt một thêm hai
Quyết tử:
Thà rằng liều một thân con
Hoa dù rã cánh lá còn xanh cây
Tiền là tiên là phật:
Trong tay đã sẵn đồng tiền
Dầu lòng đổi trắng thay đen khó gì
Tả người bất tỉnh:
Cạn lời hồn ngất máu say
Một hơi lạnh ngắt đôi tay lạnh đồng
Thân gái dặm trường:
Canh khuya, thân gái dặm trường,
Phần e đường xá, phần thương dãi dầu
Tha phương:
Từ đây góc bể bên trời
Nắng mưa thui thủi quê người một thân
Tả ngoại hình =))))
Thoắt trông nhờn nhợt màu da
Ăn chi cao lớn đẫy đà làm sao
Chân lí part 1:
Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ
Đẹp đôi:
Thật là tài tử giai nhân
Châu Trần còn có Châu Trần nào hơn
Thúc Sinh thì không đang tin nhưng đoạn chia tay dưới đây cá nhân mình thấy là đoạn chia tay đặc sắc nhất trong Truyện Kiều. Câu nào câu nấy đều có thể coi là tuyệt cú.
Chia tay:
Chén đưa nhớ bữa hôm nay
Chén mừng xin đợi ngày rày năm sau
Chia tay tiếp:
Người lên ngựa kẻ chia bào
Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san
Dặm hồng bụi cuốn chinh an
Trông người đã khuất mấy ngàn dâu xanh
Người về chiếc bóng năm canh
Kẻ đi muôn dặm một mình xa xôi
Vầng trăng ai xẻ làm đôi
Nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường
Đoạn chia tay trên cũng có thể so với đoạn chia tay trong Chinh phụ ngâm nhỉ?
Khen người khôn khéo:
Ở ăn thì nết cũng hay
Nói điều ràng buộc thì tay cũng già
Miệng nam mô bụng một bồ dao găm:
Bề ngoài thơn thớt nói cười
Mà trong nham hiểm giết người không dao
Nói thêm, đây là đoạn tả Hoạn Thư, một nhân vật rất hiện đại và đặc sắc. Hoạn Thư rất khôn ngoan và sâu cay, đặc biệt, Hoạn Thư cũng là người khen Kiều nhiều lần nhất với mức độ khen rất cao.
Đao lòng:
Càng trông mặt càng ngẩn ngơ
Ruột tằm đôi đoạn như tơ rối bời
Đắng lòng: Trong gang tấc lại gấp mười quan san
Bạn bè ôn chuyện:
Cùng nhau kể lể sau xưa
Nói rồi lại nói lời chưa hết lời
Quyến luyến: Mặt trông tay chẳng nỡ rời
Tâm đầu ý hợp:
Nghe lời vừa ý gật đầu
Cười rằng: Tri kỉ trước sau mấy người
Biết nhìn người:
Khen cho đôi mắt tinh đời
Anh hùng đoán giữa trần ai mới già
Đẹp đôi tiếp =))
Hai bên ý hợp tâm đầu
Khi thân chẳng lọ là cầu mới thân
Hôn nhân lí tưởng:
Trai anh hùng gái thuyền quyên
Phỉ nguyền sánh phượng đẹp duyên cưỡi rồng
Tình cũ:
Tiếc thay chút nghĩa cũ càng
Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng
Chân lí part 2:
Đàn bà dễ có mấy tay
Đời xưa mấy mặt đời này mấy gan
Chân lí part 3:
Rằng: Tôi chút phận đàn bà
Ghen tuông thì cũng người ta thường tình
Hợp lí hợp tình:
Lòng riêng riêng những kính yêu
Chồng chung chưa dễ ai chiều cho ai
Khen khôn ngoan:
Khen cho: Thật đã nên rằng
Khôn ngoan đến mực nói năng phải lời
Như đã thấy, Hoạn Thư là nhân vật đến cuối cùng, thấu tình đạt lí và xứng với vai trò bà chủ gia đình hơn cả. Và cũng khẳng định lại, bao nhiêu lần Hoạn Thư khen Thúy Kiều, chưa một lần khen Thúy Kiều đẹp cả =))
Tham thì thâm, ừ đoạn này Kiều nhân đút lót nè: Lễ nhiều nói ngọt nghe lời dễ xiêu
Bất khuất:
Trơ như đá vững như đồng
Ai lay chẳng chuyển ai rung chẳng rời
Giữ thể diện:
Nghĩ mình phương diện quốc gia
Quan trên nhắm xuống người ta trông vào
Hoàn cảnh hậu Covid:
Đều là sa sút khó khăn
May thuê viết mướn kiếm ăn lần hồi
Vui như nối lại chiêm bao ngắt quãng:
Tưởng bây giờ, là bao giờ
Rõ ràng mở mắt còn ngờ chiêm bao
Zẩy lên:
Khi chén rượu khi cuộc cờ
Khi vui hoa nở khi chờ trăng lên
Chân lí part 4:
Có tài mà cậy có tài
Chữ tài liền với chữ tai một vần
Chân lí part 5:
Thiện căn ở tại lòng ta
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài
Ngoài ra, những đoạn đặc sắc trong Truyện Kiều là những đoạn tả cảnh bốn mùa:
Xuân:
Cỏ non xanh rợn chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa
Hạ:
Dưới trăng quyên đã gọi hè
Đầu tường lửa lựu lập loè đâm bông
Thu:
Long lanh đáy nước in trời
Thành xây khói biếc non phơi bóng vàng
Không phải ngẫu nhiên mấy lần sang Việt Nam, Bill Clinton, Joe Biden và Barack Obama đều mượn mấy câu Kiều:
Sen tàn cúc lại nở hoa,
Sầu dài ngày ngắn đông đà sang xuân.
(Đoạn thơ hiếm hoi nhắc đến mùa đông, mùa dường như bị "khuyết" trong mạch thời gian của Truyện Kiều)
Trời còn để có hôm nay,
Tan sương đầu ngõ, vén mây giữa trời.
Rằng: Trăm năm cũng từ đây,
Của tin gọi một chút này làm ghi
Ngoài ra, đề cử các bạn đọc các phần Kiều ở lầu Ngưng Bích, mấy lần Kiều đánh đàn, đều là những trường đoạn hay và nổi bật. Cá nhân thấy việc lựa chọn đoạn Trao duyên cho học sinh học khá khó hiểu, đoạn này kém đặc sắc và hấp dẫn hơn ti tỉ đoạn khác. Như kiểu chs chọn Rama chuộc tội trong cả bộ Ramayana để dạy vậy. 🤔 Về cơ bản 2 đoạn này đều có sự xung đột với tư tưởng hiện đại, học sinh kiểu 🙄 heo, nhân vật bị sao vậy???
Định viết một cách nghiêm túc nhưng lại bị bẻ lái. Đành kết một cách nghiêm túc vậy.
Chuyện kể rằng tại Italia, dưới chân bức tượng một thi hào có khắc dòng chữ đại ý thế này: Người sẽ chết nhưng nhân dân là bất tử. Người làm lay động trái tim nhân dân cũng sẽ được bất tử. Tôi cũng tin Nguyễn Du, và Truyện Kiều sẽ được bất tử.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro