mình muốn học những thứ này trong môn Sử
Dạo này có tranh cãi nổi lên xem nguyên nhân điểm Sử thấp đến từ đâu. Công bằng mà nói: xã hội, gia đình, thầy cô rồi mới đến học sinh.
Thứ nhất, môn Sử nói chung và các môn xã hội khác bị cái thói thực dụng đẩy vào chỗ nguy kịch. Nhà nhà người người học các môn STEM nhưng quên mất 4.0 không có nghĩa là loài người bỏ qua các môn xã hội. Rồi từ đó xã hội gây ra một cái định kiến kinh khủng: học xã hội là vì dốt tự nhiên, học Sử, Địa vì ngoài học gạo thì không đủ giỏi để học các môn khác. Từ đó, chả gia đình nào muốn con mình học Sử hết, bản thân bố mẹ cũng không có kiến thức và động lực để khuyến khích con học Sử. Các giáo viên Sử lại đều là kết quả của xu thế xã hội: không đủ trình độ và nhiệt huyết. Giáo viên Sử tự coi môn mình dạy là môn phụ, ít có động lực trau dồi và đổi mới. Giáo viên không đủ hiểu về sứ mệnh môn học tất không thể giúp học sinh đạt được mục tiêu môn học. Cuối cùng, học sinh không tìm được động lực và lí do học Sử nên hài lòng với một ngưỡng điểm đủ chuẩn thay vì quan tâm đến kiến thức mình cần nắm. Tất cả đều tạo nên một thế hệ mù Sử. Và thế hệ đó sau này sẽ phải chịu hậu quả của việc thiếu kiến thức trang bị về quá khứ.
Một trong nhưng hướng giải quyết là nhìn nhận lại trọng tâm môn học. Môn Sử không cần học sinh nhớ ngày tháng năm mà cần giúp học sinh có góc nhìn của bản thân về quá khứ và bắc cầu cho quá khứ đến với hiện tại, để học sinh có đủ kiến thức nền giải quyết các vấn đề được đặt ra. Chính vì thế, thay vì học theo vòng, mỗi cấp lại đi lại một vòng khá mất thời gian, chương trình nên trang bị đủ kiến thức cơ bản nhất về lịch sử Việt Nam cho bậc tiểu học. Để rồi với tư duy ở các bậc cao hơn, tạo điều kiện cho học sinh tự tìm tòi có hướng dẫn sâu hơn về lịch sử nước nhà và rộng hơn - mở ra lịch sử thế giới ở cấp 2 và bàn luận về các chủ đề lớn ở cấp 3. Một số thứ mình thực sự muốn thấy trong giờ Sử:
- Kết hợp liên môn: Không phải ngẫu nhiên mà Văn Sử bất phân. Mình thích cách SGK lớp 6 liên hệ thời đại đồ sắt và kĩ thuật làm vũ khí với Thánh Gióng và An Dương Vương. Ngoài ra, địa lí cũng cần được kết hợp khi học về lịch sử, đặc biệt là với lịch sử thế giới. Âm nhạc, phim ảnh và mỹ thuật cũng vậy.
- Lịch sử địa phương: Hiện tại có nhưng đa phần là hời hợt. Lịch sử địa phương nên giúp học sinh gắn quá khứ với những thứ xung quanh mình, biến những thứ xa lạ thành thân thuộc: cái đầm hoá ra chẳng phải cái đầm bình thường mà thời chống Pháp, bao nhiêu dân làng đã bị dìm xuống đó, cái núi hoá ra chẳng phải cái núi tầm thường mà hồi xưa từng là cái đấu đong quân của nghĩa quân Cần vương...
- Ấn Độ: Lịch sử Ấn Độ nên được quan tâm nhiều hơn hay chí ít thay đổi cách tiếp cận. Vì sao? Không phải ngẫu nhiên mà Đông Nam Á lại được coi là một Ấn Độ khác, hiểu được Ấn Độ tức là giải mã được một bộ phận lớn của văn hoá Việt Nam. Và khi khai thác đất nước này, cố nhiên phải đi sâu về tôn giáo. Một khi đã có cái nhìn tổng quan vể tôn giáo, kiến trúc, lịch sử, triết học, khoa học của không chỉ Ấn Độ mà cả các nước Đông Nam Á đều rất dễ dàng. Nếu hiểu được Hindu giáo thì những cuộc khởi nghĩa Xipay mới có ý nghĩa, tiến trình của Hindu và Phật giáo cũng vậy.
- Trung Quốc: Tương tự Ấn Độ, nằm trong không gian văn hoá Đông Á, Việt Nam cần cả Trung Quốc để định vị được bản thân. Tìm hiểu về Trung Quốc, Nho giáo phải là chủ chốt, từ đó cấu trúc nhà nước, khoa cử hay giáo dục đều mạch lạc. Nhật Bản hay Hàn Quốc đều có thể liên hệ dễ dàng.
- Đông Nam Á: Một sự thật là các nước bạn để chuẩn bị cho việc thành lập cộng đồng chung, việc giáo dục về các nước Asean được triển khai từ gần chục năm trước rồi, còn ở Việt Nam thì có lẽ vấn đề này ít được quan tâm. Là khu vực có tính độc đáo đa dạng cao nhưng cũng có sự tương đồng nhất định, học Đông Nam Á, học sinh mới nắm được đầy đủ cội rễ văn hoá dân tộc, cũng như nắm được tình hình khu vực.
- Các quốc gia cổ trên lãnh thổ Việt Nam hiện nay và tiến trình hoàn thiện lãnh thổ: Bên cạnh Âu Lạc, Chăm-pa hay Phù Nam cũng cần được tìm hiểu kĩ lưỡng, gắn với chủ quyền hiện tại khi vấn đề biên giới và quan hệ với Campuchia ngày càng phức tạp.
- Cách mạng công nghiệp: Tìm hiểu từ cuộc cách mạng đầu tiên đến cách mạng 4.0 hiện nay để rút ra được bài học trong thời đại mới về tâm thế, kiến thức và kĩ năng.
- Chiến tranh thế giới: Hiểu về nguyên nhân và hệ quả của 2 cuộc thế chiến để có cái nhìn sâu sắc về quan hệ ngoại giao giữa các nước và bài học trong chiến tranh. Các từ khoá như Do Thái, bom nguyên tử cần được nhấn mạnh.
- Kháng chiến chống Mĩ: Không phải bàn cãi, một cuộc chiến tranh đau thương và mang nhiều bài học về sự quyết tâm, đoàn kết, dứt khoát khi cần thiết. Đặc biệt, nên làm rõ hơn về tình hình đô thị miền Nam trước 1975. Ngoài ra, nên kết hợp tìm hiểu chính sách khác nhau của các đời tổng thống chính quyền Sài Gòn, phong trào sinh viên miền Nam, tình báo, biệt động Sài Gòn, địa đạo Củ Chi... qua phim ảnh, âm nhạc, sách báo.
- Chiến tranh lạnh: Hệ quả của việc chạy đua vũ trang.
- Chiến tranh biên giới phía Bắc và Tây Nam: Một trong những phần do lí do khách quan không thể chiếm thời lượng lớn hơn trong chương trình hiện thời nhưng làm rõ mỗi liên hệ của 2 cuộc chiến này, thành công và thất bại là rất quan trọng.
- Bao cấp, cải cách ruộng đất và Đổi mới: Học hỏi từ sai lầm và rút kinh nghiệm.
- Biển đảo: Với một quốc gia biển, giáo dục về biển đảo là quan trọng để thế hệ tương lai ý thức được chủ quyền dân tộc. Mình đề cử dùng phim tài liệu Biển Động làm học liệu, bộ phim năm lớp 9 ngồi vote hộc máu mà không được giải nào.
- Các chủ đề khác: Nghệ thuật ngoại giao và quân sự Việt Nam, Hồ Chí Minh, Các tôn giáo lớn trên thế giới, Phục hưng, Các nền văn minh cổ đại, Minh trị Duy tân, Các cuộc chiến bảo vệ chủ quyền, Các quốc gia có ảnh hưởng trên thế giới hiện đại, Nội chiến...
Mình vẫn bảo lưu quan điểm chẳng có lí do gì để ghét lịch sử cả, thứ người ta ghét chỉ là sự phản ánh của nó mà thôi. Mong thế hệ tương lai sẽ được xã hội và gia đình định hướng đúng đắn về lịch sử.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro