đường và đi
Thứ gì làm nên con đường? Người đi. Lỗ Tấn từng viết thế này: "Trên mặt đất vốn làm gì có đường, người ta đi mãi thành đường thôi." Quả thật, khởi thủy Trái Đất vạn nẻo nơi nào chẳng như nhau, mãi đến khi có người đặt bước chân đầu tiên mở lối, rồi người thứ hai theo dấu, rồi thứ ba thứ tư, dần dà mới thành đường. Cũng giống như lề thói, mới đầu làm gì có, từng người từng người học kẻ đi trước mới nên.
Thế nhưng vẫn có đường cụt. Nhưng đường cụt không có nghĩa là hết cách. Đường hay đạo, lối đi hay cách thức, tiếng Anh lại dùng chung từ way. Đường này cũng chỉ là một cách thức, sai lầm ta lại tìm cách khác. "Ở đâu có ý chí, ở đó có con đường." Trước Napoleon người ta nói không thể vượt Alps không phải vì không có đường mà vì không có ai tìm ra và bắt đầu con đường đó. Ngay cả không đến được điểm đích, con đường đó cũng sẽ dẫn bạn tới một nơi nào đó, tìm ra một thứ gì đó. Và chỉ thế cũng đủ hạnh phúc rồi. Bản thân hành trình đó chứ không phải đích đến mới là mục tiêu của bạn.
Đường cụt cũng được, đường đúng cũng được, miễn là ta không dậm chân tại chỗ. "Con đường vạn dặm nào cũng bắt đầu từ bước chân bé nhỏ đầu tiên." Một bước chân thôi cũng chắc chắn sẽ dẫn bạn đến đâu đó, biến bạn thành ai đó ở vị thế khác trước đó. Một bước đi với mục tiêu trong đầu mới dẫn đến nơi cần đến. Nhưng nếu không bước đi, bạn sẽ chẳng đến đâu cả, chẳng nhìn thấy thứ gì mới mẻ cả. Hay, bước đi mà chẳng rõ mục tiêu của bước đi đó, thì dù bước tới đâu cũng như nhau.
Giới trẻ giờ lại nói: "Trên mặt đất vốn đã có đường, con người đi mãi không còn đường nữa." Phải hay không, trước mặt ta khắp nơi đều là đường, chẳng qua ta bước ra sao mà thôi? Con đường người ta đã phá đi là tốt hay xấu? Chẳng ai chắc chắn. Chỉ biết, đã đi là có con đường mới sinh ra. Con đường ấy nếu có lầm lạc tất có thể sửa chữa. Chỉ sợ đường trước mắt, một bước cũng không rời. Chỉ mong, mỗi người đều có đủ dũng khí để trở thành những kẻ tiên phong. If not them, then who? If not now, then when?
Đi đường khó. Càng đi càng biết khó. Nhưng nhiều khi "Đường không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông." Khó khăn có hề chi với ý chí con người. Giống như không biết đắng sao biết ngọt, không biết đói sao biết no. Có biết "tẩu lộ nan" mới biết "vạn lí dư đồ cố miện gian".
Quy luật của vạn vật là chuyển động. Có chuyển động mới có biến đổi. Nếu bạn chỉ ngồi yên thì 5, 10 hay 15 năm, bạn cũng chẳng thay đổi về chất, vẫn là bạn ở đó, hôm nay. Không đến chỗ gập ghềnh thì cả cuộc đời cũng chỉ quẩn quanh trong vùng trũng. Không đi sẽ chẳng có con đường nào hết, không bắt đầu sẽ vĩnh viễn không biết cách thức. Xuất phát khác nhau, tốc độ khác nhau, bạn đồng hành khác nhau, hướng đi khác nhau sẽ cho kết quả khác nhau. Không phải ai xuất phát ở đường chạy số 1 cũng cán đích đầu tiên, không phải lúc nào loài rùa cũng đến sau, dù đi một mình có nhanh hơn nhưng đường đến đích chưa chắc đã thuận lợi hơn có người cùng tiến bước. Đích đến của bạn, chỉ mình bạn biết, chính là cách bạn đi. Chẳng sợ nhận sai đường, chỉ sợ không đủ dũng khí xuất phát, không đủ tỉnh táo để tìm đúng đường và kiên trì với con đường ấy.
Cảm vấn lộ tại hà phương
Lộ tại cước hạ
Xin hỏi đường đi nơi đâu?
Đường dưới chân ta
Hai câu cuối bài là từ nhạc phim Tây du kí, một nguồn cảm hứng khác để viết bài này. Phải nói đọc lời bài đấy rất hay nhé =)))
Nguồn cảm hứng khác cho bài này là từ đề thi môn Văn của Trung Quốc. Đề thi năm đó có dẫn 2 câu của Lỗ Tấn và của giới trẻ và yêu cầu thí sinh nêu cảm nghĩ về con đường và cách đi. Đề bài này đã ám ảnh mình nhiều năm rồi. Bài viết này không hẳn là dành cho đề bài trên nhưng cũng là một trong những cách lí giải của mình.
Không liên quan nhưng giờ mới hiểu cô Văn hồi xưa nhận xét là đúng, đam mê nlxh đặc biệt là phần phân tích bình luận vẫn chưa giảm, kiểu viết ngẫu hứng cũng vẫn thế không sửa nổi =))))
Tháng 9, một khởi đầu mới thuận lợi nhé
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro