chuyện dạy học
hôm nay có nhiều chuyện vui vẻ hơn xảy ra và cũng sắp tròn nữa năm mình dạy học rồi nên nhè nhẹ ôn lại mấy kỉ niệm mình có trong khoảng thời gian gõ-đầu-không-ai-cả của mình.
chuyện là mình luôn lảm nhảm với mẹ mình là tính cách cục súc của mình không dạy được ai đâu nên đừng bắt mình đi làm giáo viên. nhưng số phận đưa đẩy và mình đã làm giáo viên, mỗi tội cho một đối tượng cực kì đặc biệt và một môn cũng vô cùng đặc biệt - dạy Tiếng Việt cho người nước ngoài. và thật lòng thì có lẽ đây là trải nghiệm thú vị nhất mình từng trải qua.
học sinh đầu tiên của mình là một quý ông người Anh. cực kì tốt tính. là giáo viên ESL. tiếng Việt là tờ giấy trắng. nói thật là hồi chân ướt chân ráo đi dạy, những bài đầu tiên đều rất dễ dàng, tua cực nhanh. được cái mình và anh này nói chuyện cực kì hợp gu. có lần mình than thở với ảnh về việc ghét debate kinh khủng và cả 2 bắt đầu nói đến mấy thứ kiểu một vấn đề có mấy mặt, theo cách nhìn của anh ấy thì có tận 3 mặt - 2 mặt của 2 bên tham dự và mặt thứ 3 của người bên ngoài nhìn vào. vấn đề của anh này là không nhớ được a ă â, o ô ơ, u ư, t và th, đặc biệt là e, ê. đến mức mình dặn là bất cứ lúc nào trên đường đèn đỏ phải nhớ ôn bài. hồi đó tâm huyết ngồi soạn hẳn một trang tongue twister để anh ấy luyện, ngồi vắt não xem tiếng Pháp (ngoại ngữ 2 của anh này) có âm nào gần với chữ e và ê. sau này quen hơn thì hơi bị xấu hổ là thay vì dạy tiếng Việt thì mình bắt đầu sa đà vào con đường truyền bá văn hóa Việt Nam và các vấn đề kiểu như ngôn ngữ có thể định hình tư duy thế nào, vấn đề phân biệt chủng tộc, chiến tranh Việt Nam, Brexit, trọng nam khinh nữ, điểm đến cuối tuần blabla =))) bệnh muôn đời của mình. được cái là anh này là giáo viên, cực kì dễ thương luôn. mình kể cho ảnh về 20/11 thế là ảnh đếm từng ngày đến 20/11. rồi sau 20/11, ảnh nhận được phong bì của phụ huynh, lóc cóc mang đến lớp hỏi mình chữ trên phong bì viết gì. rồi có lần, ảnh đi dạy bị học sinh không nghe lời, đến lớp kể lại rơm rớm nước mắt mà thấy thương. chuyện thú vị khác là ảnh tên viết tắt là BTS và học sinh bắt ảnh kí tên hoài =)))) 2 'cô trò' nói chuyện cực tâm đắc, có lẽ thời gian dạy tiếng Việt này là thời gian thư giãn nhất trong tuần của mình. hồi tháng 12, mình đã dụ ảnh xem bóng đá rồi đi bão =)))) và anh ấy và bạn cùng phòng đi bão thật, huhu dễ thương lắm. 2 người đi xe vòng vòng hết cả xăng, có cái cờ Việt Nam thì đánh mất nhưng không sao, ảnh được dân tặng hẳn 3 cái cờ cơ. giờ có lẽ ảnh đang chuẩn bị cho chuyến đi xuyên Đông Dương bằng xe đạp rồi. lúc ảnh gửi cho mình một tâm thư cực dài xin nghỉ học, thực sự mình buồn lắm, dù sao cũng là học sinh đầu tiên của mình mà.
học sinh hôm nay mình học là một chú người Pháp. lớn hơn cả mẹ mình, có hôn thê người Việt. đây là trường hợp khác vì đã tự học tiếng Việt khá lâu rồi nên mình chỉ cần chuốt lại phát âm, ngữ pháp cho tự nhiên thôi. vì là người Pháp tiếng Anh lại không quá khủng nên nhiều khi mình thành giáo viên tiếng Anh bất đắc dĩ cho chú ấy. hay nhất là chú học sinh đôi lúc nói câu vừa Anh vừa Pháp làm mình toát mồ hôi mới hiểu. sau đó thì nhẹ nhàng đọc sách báo. ca này khá khác ca kia. học sinh lớn tuổi hơn nên việc phân biệt các thanh điệu là cực kì khó khăn. chưa kể làm sao để chú ấy phân biệt được ng không phải đọc như gn của tiếng Pháp và không thêm vần h vô tội vạ vào trước từ khuyết phụ âm đầu hay đọc âm h thành âm câm. chính vì thế mà mình phải cực kì kiên nhẫn và chú ý. và vì trình độ cao nên mình bắt đầu phải giải thích mấy câu hỏi như cùng là only mà chỉ và duy nhất khác nhau chỗ nào; rủ và rủ nhau dùng có khác không; chậm và chầm chậm khác ở đâu... lần này không dùng được giáo trình mà mình hoàn toàn tự nghĩ ra ngữ liệu. ví dụ hôm cho chú ấy đọc Dế Mèn thì chú ấy sẽ hỏi vì sao Dế Mèn lại phải sống tự lập từ lúc lọt lòng; đọc về lễ Rước vua Cổ Loa chú ấy sẽ hỏi Cổ Loa ở đâu; đọc Sự tích hoa cúc trắng sẽ phải giải thích theo cách dễ hiểu nhất về chữ Hiếu; đọc tờ rơi quảng cáo thôi mà bắt đầu nói về chất và lượng trong triết học; duyên là gì. vào guồng rồi mình bắt đầu tăng cường PR đất nước mình như một thói quen =))) đó là vì sao lại là đồng bào, vì sao đất nước lại là đất và nước, quan hệ làng xóm ở Việt Nam ra sao, vì sao người Việt lại có tính cách như vậy, tên làng là thế nào. hay nhất là có lần chú học sinh bảo người Việt Nam sợ nước vì toàn gặp người sợ nước và mình lại phải ngồi giải thích dân tộc Việt gắn bó với nước ra sao, giỏi thủy chiến thế nào và tục xăm rồi dẫn cả Yết Kiêu rồi 50 con xuống biển. buồn cười nhất là vì học sinh làm ở công ty du lịch nên mỗi lần chú ấy đi đâu đều hỏi mình em đi chỗ này chưa. và đứa dân Việt Nam như mình lúc nào cũng lắc đầu dù nhiệt tình giới thiệu cho người ta. hay có lần chú ấy bảo thích Sài Gòn hơn Hà Nội vì Sài Gòn thấy trăng còn Hà Nội thì không. khác với học sinh đầu tiên, chú này cực kì thích các môn thể chơi bằng tay, lúc biết mình biết Osaka mừng như bắt được vàng. hôm sau mình dạy vài loại từ về thể thao thì lập tức chú hỏi thể dục và thể thao khác nhau chỗ nào, vì sao lại là giải nghệ mà không phải nghỉ hưu. nhưng buồn cười nhất là có một lần chú học sinh hỏi mình em có thích dừa không. tất nhiên, mình đáp là có ạ. rồi còn nước với cơm dừa. rồi chú ấy nói chuyện rất hăng say một hồi và mình nhận ra chú ấy muốn nói đến rượu =)))) hố nặng. hôm rồi chú ấy mang vở đến thì mình phát hiện chú ấy ghi mình là giáo sư =))) có lẽ là sự nhầm lẫn do từ professeur trong tiếng Pháp =))) vâng giáo sư tiếng Việt. thế là lại ngồi nửa tiếng phân biệt giáo sư và giáo viên.
dạy tiếng Việt tưởng dễ mà cực khó. vì tiếng Việt muốn dùng được tự nhiên thì thực ra chẳng có quy tắc nào cả. tiếng Việt bất quy tắc. nhiều lúc cũng chỉ biết nói câu đấy với học sinh. thực ra dạy tiếng Việt mình luôn tâm niệm chẳng phải để học sinh thành siêu sao mà phải khiến học sinh tự tin nói được, hiểu được văn hóa Việt, đối với học sinh ở thời gian ngắn thì phải tạo được ấn tượng thật tốt với người ta về người mình, nước mình. nghe đi dạy thì to tát nhưng thực ra cực kì vui vì như một buổi khai quật tiếng Việt vậy, lúc deadline căng thẳng nhất đi dạy như được cứu rỗi linh hồn. càng dạy lại càng vỡ ra nhiều thứ, càng khó tính với tiếng Việt của mình. đến mức mình có thể ngồi chữa cho con bạn từng chữ các và những, phân tích đến tận răng từ nào thừa từ nào thiếu. dạy tiếng nước mình lại phải nghĩ xem tiếng nước bạn có đặc điểm gì có thể liên hệ. suy cho cùng học ngôn ngữ chính là đặt mình vào tầng văn hóa nước đó ở cấp độ sâu hơn, vì thế cách duy nhất để học và yêu được một ngôn ngữ là đắm mình vào văn hóa đó. để dạy tiếng đã khó, dạy cho người ta yêu được tiếng mình như mình lại càng khó. nhưng càng dạy càng thấy yêu tiếng mình, nước mình. chỉ cần mình truyền được tình yêu chân thành nhất với tiếng mẹ đẻ thì có lẽ đó là thành công rồi.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro