cái giá của văn minh
Chuyện kể rằng, để chính thức tách ra khỏi mông muội và dã man, Homo Sapiens đã phải trả một cái giá tương xứng. Đó chính là sự tự do tuyệt đối của mình.
Từ khi bắt đầu hình thành cái gọi là nhà nước và xã hội của riêng mình, con người đã bắt đầu tự tay tạo nên cho mình ngày càng nhiều ràng buộc. Từ đó trở đi, chúng ta vĩnh viễn chỉ còn "tự do trong khuôn khổ" của những cái mang tên tình cảm, đạo đức, luân lí, pháp luật hay đức tin...
Đầu tiên, con người có lẽ là một trong những giống loài ủy mị nhất. Đó là những kẻ sẵn sàng nán lại vì một loài hoa vô danh, những kẻ có thể rơi lệ vì một thứ âm thanh xa lạ. Chúng ta có lẽ cũng dễ bị "thuần hóa" hơn cả. Chúng ta tin vào tình yêu định mệnh, chúng ta dễ dàng nâng niu những tình cảm khác: tình đồng chí, tình bạn, tình thầy trò, tình đồng nghiệp... Muốn hay không, ta bị những mối quan hệ xã hội chi phối. Hay một cách mềm mại hơn, bản năng của một động vật đã bị "thuần hóa" bởi cái đẹp, cái thiện. Một sự ràng buộc tự nguyện và hạnh phúc. Và thế là, con người tự hào đặt tên cho sự kìm hãm vô hình này bằng chữ "nhân". Chúng ta dùng tên của chính mình để gọi những điều thuộc về cái thiện: nhân tính, nhân bản, nhân văn, nhân đạo...
Sau đó, một cách chính thức hơn, và kém hân hoan hơn, để đảm bảo duy trì được tính thiện khác với các loài còn lại, loài người tạo ra một hệ thống các quy ước xã hội từ lỏng lẻo đến chặt chẽ để trói buộc bản thân và cộng đồng. Đó là cung cách, đạo đức, luân lí và pháp luật. Con người buộc mình phải từ bỏ việc hành động theo ý muốn, đói thì ăn, khát thì uống, thiếu thì cướp, không hài lòng thì gây gổ... thay vào đó là tuân theo những chuẩn mực, trách nhiệm và nghĩa vụ, sống như một giống loài khắc khổ nhất. Hàng rào ngăn con người và các loài khác, và tự do nguyên thủy ngày càng xây chắc.
Ở cấp cao nhất, linh hồn của con người cũng không còn tự do tuyệt đối. Chúng ta có thể tin vào một vị thánh, tin vào linh hồn, nghiệp báo... hay chỉ đơn giản là cảm giác sợ hãi, tội lỗi, nuối tiếc hay hối hận... Lúc này, chúng ta biết, mình đã hoàn thành việc trả giá. Cũng như đã biết mình đã tiến gần tới văn minh.
Kẻ vi phạm hay vượt khỏi vòng kiềm tỏa ấy, đi theo bản năng, cũng chính là bước ra khỏi thế giới văn minh, đánh mất phần "người" chỉ giữ lại phần "con" hoang dã nhất.
Càng tiến xa trong hành trình tự khai hóa, chúng ta càng tạo ra nhiều mối ràng buộc. Chúng ta học tập để giải phóng mình khỏi sự ngu dốt, tăm tối và sợ hãi, khỏi cái bất khả tri, khỏi giới hạn. Nhưng chiều ngược lại thì sao? Máy móc giải phóng sức lao động nhưng con người từ đó lại lệ thuộc vào máy móc. Công nghệ phá vỡ các giới hạn về tri giác nhưng có ai chắc chắn con người không trở nên ỷ lại công nghệ đó? Kỉ nguyên 4.0, AI hứa hẹn sẽ đập tan rào cản cuối cùng, cơ thể và trí tuệ con người - nhưng liệu nó có lấy đi quyền tự chủ loài người đang nắm giữ?
Mọi ước muốn đều chỉ xảy ra với một cái giá tương đương. Và để bứt lên khỏi những loài khác, chúng ta đã trả một cái giá, không thể nói là đắt, nhưng là tất yếu. Cái giá của sự giải phóng lại là sự mất tự do, ngược đời nhưng lại vô cùng hợp lí.
________________________
viết từ hồi mới học xong Lịch sử văn minh, vẫn còn hihigh =)))))
gần đây có chút mất lòng tin vào nhân loại, xuăt bản cho có tí gọi là sâu sắc
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro