Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

art of the unknown

Có lần mình ngồi tìm nguồn để báo cáo về chủ đề nghệ thuật tình cờ lướt qua một video hoạ sĩ sáng tác bằng việc đổ, quăng, rải... những thùng màu trên mặt giấy, bên dưới phần bình luận là tranh cãi liệu đó có là nghệ thuật hay không. Nhiều người nói không vì anh không áp dụng một kĩ thuật cao siêu nào, nửa còn lại nói có vì thực sự họ cảm nhận được điều gì đó. Nhưng điều gì đó là gì? Với mình, đó là vẻ đẹp của nghệ thuật.

Tiếng Anh vay một cụm tiếng Pháp rất huyền diệu là je ne sais quoi - tôi không biết để tả cảm giác... không biết. Je ne sais quoi, cái đẹp, cái quyến rũ không nói được bằng lời, không gọi tên được bằng ngôn từ, bởi vẻ đẹp đó, nhanh hơn và tinh vi hơn cả lí trí, đã làm rung một sợi chỉ cảm xúc ở nơi sâu thẳm nhất trong tâm hồn ta rồi. Chính vì thế, với mình, cao nhất của nghệ thuật, là không biết, là nanashi (名無し), là ineffable, là chẳng gọi được tên, là chẳng thốt nên lời, khi ngôn từ bất lực. Chính vì không biết nên nó mới mang sứ mạng tương ứng: đem đến nhận thức trong vô thức.

Đọc một bài thơ, nghe một bài hát, ngắm một bức tranh, vốn không phải để tranh luận đúng sai. Nghệ thuật dạy ta rằng không có gì gò bó được trái tim. Cũng giống như tình yêu, nếu dùng cái đầu lạnh lùng để tìm một lí do cho những rung động của nghệ thuật, hoặc trong giây phút tuyệt vời ấy bạn còn đủ tỉnh táo để biết thì có lẽ với bạn, nghệ thuật ấy chưa đủ độ. Bạn thích một câu thơ, một giai điệu, một bức hoạ, trước tiên, chỉ là thích mà thôi. Trái tim và tâm hồn của ta đã đón nhận tác phẩm đó trước khi bộ não kịp đánh giá và cũng chẳng cần một lí lẽ nào. Chính vì thế, việc làm vất vả nhất là dùng lí lẽ để người ta thích một tác phẩm nghệ thuật. Mọi lí lẽ đều là xa lạ, nghệ thuật chỉ đến khi tự thân người thưởng thức cảm nhận được. Vì bao lí lẽ rồi cũng sẽ phai mờ, chỉ còn cái cảm giác không biết mơ hồ nhưng huyền diệu khiến người ta say đắm mà thôi.

Chút suy nghĩ khác: Bài này khá khó hiểu nhưng cụ thể về mặt giáo dục, theo mình, học nghệ thuật, văn, nhạc, hoạ hay thư pháp..., ở một mức độ phổ thông thì đặt nặng vấn đề kĩ thuật là rào cản người học thực sự cảm nhận nghệ thuật. Thay vào đó, dạy học sinh cách đón nhận tác phẩm với tâm thế rộng mở quan trọng hơn nhiều. Việc giúp người học tự tìm ra cái cảm giác je ne sais quoi đó mới là thứ khuyến khích họ tìm hiểu nghệ thuật, còn khả năng phê bình nghệ thuật chỉ là thứ yếu và tồn tại ở thiểu số. Đặc biệt, việc thi phân tích tác phẩm văn học là vô bổ vì hoàn toàn không đánh giá được sự phát triển tư duy mà nghệ thuật (ở đây là văn học) đem lại, các tác phẩm trong nhà trường nên đóng vai trò gợi mở niềm hứng thú đọc cho học sinh. Việc ép người học thích bài này bài nọ vì biện pháp này từ ngữ nọ càng dễ tách họ khỏi nghệ thuật. Thay vào đó, nên áp dụng phương thức khác để đánh giá quá trình hoàn thiện bản thân qua việc viết tự do, cụ thể hơn là viết luận, đề mở. Chỉ khi đó ta mới thấy được sự tự phản hồi của học sinh. Phân tích văn học kiểu rập khuôn chỉ cho phép ta thấy hiệu quả nhất thời, để học sinh tự phản hồi mới là cách tối ưu kiểm tra xem quá trình tự rèn luyện của họ đã đến mức độ nào. Đọc một bài thơ hay, nhiều khi ta không thấy được lợi ích nhãn tiền nhưng âm thầm một cách chẳng ai biết, nó đã góp phần làm tâm hồn thêm trong sáng, đó là điều kì diệu của nghệ thuật.

Tất nhiên, phân tích nghệ thuật vẫn cần thiết, nhưng thiết nghĩ việc đem nó ra thi thố nên để dành cho những bậc cao hơn, những hoàn cảnh đòi hỏi chuyên sâu hơn.

Cái khó của nghệ thuật cũng vì đôi khi nó chỉ có thể cảm chứ không thể biết nên khó có thể tồn tại trong xã hội thực dụng và chạy theo thời thế. Chính vì lẽ đó mà đến bậc phổ thông, âm nhạc, mĩ thuật không còn, STEM mới là chân lí. Nhưng nếu khoa học dạy ta tôn trọng chân lí thì nghệ thuật dạy ta dám khác biệt. Thiếu một vế nào cũng không xong.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro