Fidel cuoc doi dau 10 tong thong mi
Fidel cuộc đối đầu 10 đời Tổng Thống Mỹ và những âm mưu ám sát của CIA
Lời nói đầu
Tập sách dày hơn 600 trang mang tên Fidel Castro - Cuộc đối đầu mười đời Tổng thống Mỹ và những âm mưu ám sát của CIA vừa được công ty First News hoàn thành kịp nhân dịp kỷ niệm 45 năm ngày Quốc khánh Cuba 1-1-1959.
Cuộc đời cách mạng của Fidel Castro được thuật lại trong tập sách này là công việc tổng hợp tư liệu từ nhiều nguồn khác nhau mà ông Nguyễn Văn Phước - giám đốc công ty First News - đã lặn lội sang tận Lahabana để tìm ra rất nhiều tài liệu mật về cuộc đời của Fidel.
Tập sách viết theo lối biên niên, nhưng mỗi chương bắt đầu từ sự kiện cuối năm 1956 tại bờ biển Oriente nhóm 82 người trong đội quân Nổi dậy của Fidel vừa trở về từ Mexico đã bị quân của nhà nước Batista đánh tan tác. Bắt đầu từ sự kiện có tính chất định mệnh ấy, các chương sách thuật lại cuộc đời sóng gió của Fidel một cách tỉ mỉ và đầy ấn tượng.
Các tác giả đã chọn lọc chi tiết thật đắt giá và phản ánh trung thực cuộc đời của vị nguyên thủ Cuba kể từ khi cách mạng thành công đến nay.
Fidel Castro tại chiến trường Quảng Trị - VN tháng 9-1973. Ảnh tư liệu do First News sưu tầm được in trong phần phụ lục
Và, cứ qua từng trang sách, chân dung Fidel hiện lên đầy các góc cạnh: Thời ấu thơ với vết thương lòng khi bị bọn trẻ đồng trang lứa gọi là "thằng Do Thái", một cậu bé Fidel mê tập bắn súng, một thời trai trẻ với sự ngưỡng mộ đến mức thần tượng nhà cách mạng - vị anh hùng Cuba José Martí. Rồi Fidel rời xa gia đình để đi học tiểu học ở Santiago cho đến khi được nhận vào học tại khoa hùng biện của trường Belén. Đây là cửa ngõ để Fidel vào khoa luật của đại học Havana. Sau khi hoàn thành bậc đại học, cuộc đời cách mạng của Fidel Castro bắt đầu bằng việc tổ chức tấn công pháo đài Mondaca vào năm 1953.
Từ đó, Fidel nhận lấy sứ mệnh làm cách mạng ở Cuba, lật đổ chế độ độc tài Batista trong diễn biến chính trị hết sức phức tạp ở Cuba lúc ấy. Sáu năm gian khổ làm cách mạng, Fidel đã thành công, và ngày 8-1-1959 đánh dấu sự thắng lợi của phong trào cách mạng Cuba lật đổ Batista và cũng là thời điểm mà Fidel và chính phủ của ông phải tiếp tục đối đầu với các thế lự thù địch từ Mỹ và các nước đối lập. Điều này, trong điều kiện hiện nay, ngay cả đại tướng Mai Chí Thọ - trong lời viết đề tựa của mình cũng bày tỏ "nhân dân Việt Nam mong muốn và tin tưởng Cuba dưới sự lãnh đạo của Fidel sẽ vượt qua sóng gió và thử thách..."
Chính trong tập sách này, First News đã đưa ra nhiều tài liệu mật, nhưng thông tin bí ẩn về cuộc đời của Fidel. Đáng kể nhất là toàn bộ hồ sơ về những âm mưu của CIA ám sát Fidel (từ trước năm 1960 đến 1966), bài phỏng vấn tướng Fabián - cựu Cục trưởng cục an ninh quốc gia Cuba, các bài diễn văn gần nhất của Fidel chống sức ép của tổng thống Bush lên Cuba.
Đặc biệt, trong tập sách này, công ty First News đã đăng cả bức thư Che Guevara gửi giã biệt Fidel để tiếp tục lên đường làm cách mạng ở những phong trào du kích quan tại các nước châu Mỹ Latinh; bức thư Fidel gửi cho tổng thống Mỹ Roosvelt khi ông đang còn là cậu bé 12 tuổi; và rất nhiều hình ảnh tư liệu quý giá.
LAM ĐIỀN
Phần I
Con người FIDEL - Định mệnh và tài năng -
Chương 1
Toàn thân đẫm mồ hôi, bụi đất, phong trần, người thanh niên cao lớn trong bộ quân phục màu xanh ô liu bạc màu cẩn trọng trườn từng chút một bên trong cánh đồng mía rậm rạp cho đến khi hoàn toàn khuất hẳn bỏ lại phía sau những kẻ đang truy đuổi tìm kiếm.
Cặp mắt sáng, cương nghị sau chiếc kính gọng sừng trên khuôn mặt râu ria rậm rạp đã lâu không cạo luôn quan sát mọi phía và hai tay luôn nắm chặt khẩu súng trường có ống ngắm sẵn sàng nhả đạn - vật tùy thân sống còn duy nhất của ông vào lúc này.
Người thanh niên đó là một luật sư ba mươi tuổi tên gọi đầy đủ là Fidel Alejandro Castro Ruz, người có chủ trương triệt để nhất đối với cuộc cách mạng chính trị, xã hội đang làm rung chuyển đất nước Cuba. Vậy mà lúc này đây - ngay giữa trưa thứ năm, ngày 6 tháng chạp năm 1956, ông không những đang phải đối mặt với hiểm họa và cái chết, mà mọi ước mơ của ông gần như đang tan đi như bong bóng.
Đã nhiều năm qua, dân Cuba chỉ biết Fidel Castro qua hình ảnh một người đang mưu tính chuyện đội đá vá trời, một con người luôn gặp gian truân, đi từ thất bại này đến thử thách khác. Còn với thế giới bên ngoài, nhất là nước Mỹ láng giềng, ông chỉ là một kẻ khác thường, đơn độc trong vùng Caribê mà trong mắt của chính quyền Tổng thống Eisenhower thì không có gì phải đáng lưu tâm.
Sự làm ngơ của Mỹ cho thấy thái độ truyền thống của họ đối với đảo quốc gần nhất này. Mỹ gần như nghĩ mình đương nhiên là người bảo hộ ở khu vực Tây bán cầu: Washington không cần phải bận tâm đến nền chính trị và các chính trị gia ở Cuba vì các thống đốc của họ ở Havana luôn đủ khả năng để “dàn xếp” những chuyện lộn xộn như vậy. Còn vào cuối năm 1956, ai đó nói rằng chỉ vài năm nữa thôi, cậu bé trường tiểu học với bức thư gửi Tổng thống Mỹ ngày nào sẽ tiến hành cuộc cách mạng, lãnh đạo thành lập nhà nước Cộng Sản đầu tiên ở Châu Mỹ ngay sân sau của Mỹ thì ngay lập tức sẽ bị cười vào mũi và cho là chuyện không tưởng.
Khoảnh khắc trong cánh đồng mía của Fidel lúc ấy thật bi đát. Trước đó bốn ngày, Fidel và nhóm nghĩa quân ít ỏi đến không ngờ của ông sau chuyến vượt biển gian khổ từ Mexico đổ bộ lên bờ biển phía nam tỉnh Oriente, quê hương của ông ở Cuba, đã bị quân chính phủ vây chặt kín mít. Những người lính viễn chinh vừa kiệt sức vừa đói khát đã bị đánh cho tan tác và phải tháo chạy ngay trưa hôm trước trong cuộc chiến trên cạn đầu tiên của họ.
Mang trong mình dòng máu Tây Ban Nha kiên cường, Fidel chưa bao giờ nghĩ rằng ông và tám mươi mốt nghĩa quân trở về nước tiến hành đấu tranh lật đổ chế độ độc tài của tổng thống Fulgencio Batista Zaldivar lại phải buông vũ khí đầu hàng. Ngược lại, vốn có tầm nhìn rộng và lạc quan, ông luôn cảm thấy vững tin vào thắng lợi của mình dù trong bối cảnh cực kỳ bất lợi. Thực ra trong đầu ông đã mưu tính một cách chính xác những kế hoạch để đối phó với chính quyền độc tài.
Trong lần tiếp xúc sau cùng của tác giả – Tad Szulc, phóng viên tờ thời báo New York (Mỹ) – với Fidel Castro ở Havana khi ông sắp đón sinh nhật lần thứ sáu mươi, Fidel có vẻ hơi triết lý về cuộc đời. Giữa nhiều nhận thức mới mẻ khác, ông tin chắc rằng cách đây hơn một phần tư thế kỷ, định mệnh đã chọn ông và bắt ông phải vượt qua được mọi thử thách, gian truân thì mới được phép vươn đến đỉnh cao quyền lực.
Đây là một trong nhiều đề tài mà Fidel đề cập đến trong một tối đàm đạo về lịch sử và thân phận con người với người phóng viên này tại văn phòng ông ở Dinh Cách mạng. Fidel hoàn toàn thật lòng khi thừa nhận rằng trên thực tế có một số nhà lãnh đạo được trao cho sứ mệnh quyết định các vấn đề của nhân loại, và ông là một người như vậy.
Đoạn, ông chuyển qua đề tài lịch sử ưa thích của mình, ông nói rằng những nhà lãnh đạo ấy có thể dùng suy nghĩ chủ quan của họ tác động lên những điều kiện khách quan trong một quốc gia. Đối với Fidel đây là một điểm tuyệt đối quan trọng trong việc diễn giải “đúng đắn” cuộc cách mạng Cuba vì ông đã thành công trong việc chứng minh sự sai lầm trong các học thuyết cách mạng “cũ kỹ” khác ở Cuba. Những nhà cách mạng khác ở Cuba cho rằng cuộc cách mạng quần chúng ở Cuba mà Fidel luôn thuyết phục người khác là điều không thể vì các “điều kiện khách quan” cần thiết ở đây không hội đủ. Kết quả là những phe nổi dậy khác đã quay lưng lại với phong trào của những người cùng phía với Fidel chỉ đến khi họ thấy là thắng lợi của ông đang đến gần. Và một việc chưa có tiền lệ: các phong trào chống đối khác bị Fidel (người không thuộc đảng phái nào) hấp dẫn và chuyển sang hợp tác. Tự họ đã đặt mình vào trong tình huống không còn cách chọn lựa nào khác.
Thực ra, trong những ngày đầu tiên, những phong trào nổi dậy kỳ cựu không dễ dàng tiếp nhận quan điểm cho rằng “nhân cách một người có thể là một yếu tố khách quan” trong tình hình chính trị nhiều biến động, hoặc thậm chí tin rằng nhân cách của chỉ một người có thể phát động được một cuộc cách mạng toàn quốc. Chỉ Fidel và những người theo tư tưởng của ông mới tin vào những điều như thế.
Người ta cho rằng vào năm 1956, đảng Cộng sản Cuba – được biết chính thức dưới tên Đảng Xã hội Nhân dân và bị chính quyền Batista đặt ngoài vòng pháp luật sau cuộc đảo chính ngày 10 tháng 3 năm 1952 – đã chỉ chú trọng vào việc kiểm soát các thành phố mà quên đi sự hậu thuẫn cần thiết từ phía nông dân.
Fidel không đề nghị một cuộc cách mạng nông dân ở Cuba, nhưng trong trọng tâm chiến lược của mình, ông hình dung một cuộc chiến tranh du kích lan rộng nhờ vào sự yểm trợ của nông dân từ các tổ kháng chiến trên núi và rồi đúng lúc sẽ chiếm lấy cả đảo quốc – một quan niệm mà các phong trào khác đã không thể hiểu được. Kết quả là tháng 11/1956 các đảng “kỳ cựu” đã bí mật gởi phái viên đến Mexico để khuyên ông từ bỏ kế hoạch đã công khai trước dư luận về việc sẽ quay về Cuba trong năm đó với khẩu hiệu “tự do hay là chết”.
Cho đến lúc đó, cả Liên Xô và Mỹ đã không hiểu đầy đủ về cách thức hành động của Fidel: ông kiến tạo cuộc cách mạng của mình chủ yếu dựa trên cảm tính của lịch sử Cuba. Ông rút ra bài học từ nguồn gốc sâu xa trong các cuộc nổi dậy giữa thế kỷ mười chín chống lại ách thực dân Tây Ban Nha, và các chủ thuyết của họ về chủ nghĩa dân tộc, về cấp tiến và về sự công bằng xã hội. Cho dù cá nhân Fidel đi theo chủ nghĩa Marx từ bao giờ chăng nữa, ông cũng đã đợi hơn hai năm sau thắng lợi mới công khai xác định mình với chủ nghĩa xã hội; có thể đây là hành động mang tính chiến thuật, song điều này cũng thể hiện sự thừa nhận tình cảm của người Cuba đối với cuộc cách mạng Sierra Maestra.
Vị thánh chính trị được tôn kính nhất ở đất nước Cuba là José Martí, vị anh hùng dân tộc vĩ đại trong cuộc chiến giành độc lập và là một trong những nhà tư tưởng lỗi lạc nhất của châu Mỹ La tinh, và người còn lại là nhà triết học duy vật nổi tiếng Karl Marx. Chân dung của họ xuất hiện ở khắp mọi nơi. Tất nhiên, Martí – người luôn lên tiếng cảnh báo trước những tham vọng của Mỹ tại Cuba và vùng vịnh Caribê – chính là tấm gương sáng mà Fidel luôn noi theo. Trong các bài diễn văn, ông thường nhắc rằng chính sự ý thức về lịch sử và dân tộc của Cuba và chủ nghĩa Marx là những nền tảng thiết yếu khai sinh ra cuộc cách mạng vĩ đại này. Năm 1978, hai mươi năm sau thắng lợi, ông đã lưu ý nhân dân Cuba và thế giới rằng “chúng ta không chỉ là những người thừa hưởng những giá trị tinh hoa của chủ nghĩa Marx - Lenin, mà trên hết chính là những người theo chủ nghĩa dân tộc và yêu nước.”
Khi Fidel nắm giữ cương vị bí thư thứ nhất Đảng Cộng Sản Cuba kể từ năm 1965 (phải mất gần bảy năm Fidelismo, chủ nghĩa Fidel, mới phát triển Cuba thành một nhà nước xã hội chủ nghĩa), những khái niệm “khách quan” và “chủ quan” lúc đó mới mang một ý nghĩa rõ ràng đối với chủ nghĩa Marx - Lenin của đảo quốc này. Cá nhân ông cho rằng phương pháp tiếp cận chiến lược cách mạng của mình là một đóng góp thực tiễn vào chủ nghĩa Marx khoa học. Bởi ngoài tài trí ngoại hạng của ông, Fidel Castro là con người hành động để kiểm chứng mọi thứ.
Ở tuổi sáu mươi, râu và tóc đã ngả bạc, Fidel đang tìm một tầm nhìn hành động mới. Theo truyền thống José Martí, ông đang gánh thêm trách nhiệm của nhà lãnh đạo lục địa to lớn này: một chính khách lão thành của vùng châu Mỹ La tinh. Được biết thời gian đó ông đang nhắm đến các mục tiêu mới vì ông cảm thấy hài lòng với những gì mình đạt được trong việc tổ chức và nhận thức thể hiện qua vai trò một chủ tịch nước. Nếu vậy, lịch sử sẽ còn chứng kiến thêm nhiều sự kiện nữa. Cuộc cách mạng đã mang lại cho Cuba những điều kỳ diệu như xã hội bình đẳng, công bằng, ngành y tế cộng đồng tốt hơn, nền giáo dục tiến bộ và tài sản quốc gia được phân phối đồng đều. Và Fidel Castro hoàn toàn xứng đáng được cộng đồng trong và ngoài nước tín nhiệm với những thành tựu này. Tuy nhiên trong một giai đoạn, do bức xúc trong việc phải đưa ra các viễn cảnh phát triển mới của Cuba trong tình hình thực tế không thuận lợi và nhiều khó khăn chưa giải quyết được đã khiến ông mất một thời gian chiêm nghiệm một mô hình phát triển, xây dựng xã hội Cuba phù hợp với hoàn cảnh riêng.
Vào giữa thập niên 1980, Fidel bắt đầu dành thật nhiều thời gian vào các kế hoạch, dự định mới mới. Ông chuyên tâm giải quyết những vấn đề của bán cầu thông qua các cuộc họp đặc biệt cũng như trong hàng loạt những bài diễn thuyết, nói chuyện và phỏng vấn của ông. Qua các chiến dịch thông tin tuyên truyền, tâm trí nhân dân Cuba khi đó đầy ắp những huyền thoại và ký ức về Simón Bolívar, anh hùng cách mạng trong thế kỷ 19, “Nhà Giải phóng” đối với đa số dân tộc Nam Mỹ nhưng đã thất bại trong công cuộc thống nhất các quốc gia mới độc lập ấy. Điều này cho thấy sức hấp dẫn không thể cưỡng lại của lý tưởng Bolívar đối với Fidel. Trong một bài diễn văn đọc ở Havana, Fidel đã cất cao câu nói nổi tiếng của Bolívar: “Thống nhất, thống nhất… nếu không tình trạng vô chính phủ sẽ nuốt chửng lấy bạn.” Điều này một lần nữa cho thấy niềm tin sâu sắc của Fidel rằng một số nhân vật vĩ đại sẽ ảnh hưởng đến tiến trình lịch sử.
Niềm tin này đầu tiên đã dậy lên trong người Fidel Castro vào một ngày tháng chạp cách đây đã lâu trên cánh đồng mía ở tỉnh Oriente, dưới làn bom đạn. Nhiều năm sau, Fidel kể với một vị khách người Mỹ rằng những ngày đêm ẩn náu cùng hai chiến hữu trên cánh đồng mía xa xôi có tên là Alegría de Pío (Niềm Vui Thích của Pío) chính là “những giờ phút u ám nhất” trong cuộc đời sóng gió của ông. Ông nhận xét rằng chiếc bẫy phục kích của quân đội khi ấy còn “đau đớn hơn” cả lúc ông bị cầm tù năm 1953 khi cùng các đồng chí được vũ trang nghèo nàn đột kích trung tâm chỉ huy quân sự của Batista; cuộc phục kích trên cánh đồng mía ấy là điều mà “tôi không muốn nhắc lại chi tiết.” Nên nhớ, Fidel vốn không phải là người sợ phải nói đến thất bại.
Trên thực tế, chưa bao giờ ông công khai nói về sự kiện Alegría de Pío một cách chi tiết ngoài việc thú nhận “chúng tôi bị bất ngờ và bị đánh tan tác” bởi kẻ địch “có ưu thế rất lớn về quân số”. Có lần, trong khi chúng tôi đang uống rượu trước bữa ăn tối trong căn nhà nghỉ sau chuyến đi săn ở phía tây Cuba, Fidel vẽ phác khu bờ biển Oriente nơi quân nổi dậy viễn chinh đổ bộ – ông giải thích các vấn đề đáng sợ mà họ gặp phải khi đi trên biển, sau khi mô tả việc không được huấn luyện đầy đủ đáng ngạc nhiên về các vũ khí ở Mexico – nhưng ông không hồi tưởng về những ngày đầu tiên khi những chiến sĩ du kích đã lên bờ.
Dĩ nhiên, địa danh Alegría de Pío là bước ngoặt trong đời Fidel và cuộc cách mạng của ông. Lịch sử Cuba và thế giới chắc đã tiến hóa cách khác nếu người đàn ông này ít quyết tâm hơn và nhất là ít may mắn hơn. Vận may của Fidel luôn xuất hiện trở lại đúng lúc để giúp ông tồn tại.
Cho đến giờ, việc cảm nhận Fidel Castro là một con người bình thường thật không dễ dàng gì. Gương mặt rậm râu của ông có lẽ là một trong những diện mạo nổi tiếng nhất trong thế giới đương thời. Quan điểm chung của ông về đủ loại chủ đề dưới vòm trời này (từ thuốc chữa bệnh, đến việc nấu nướng đến chuyện hệ trọng quốc gia châu lục) đã được thể hiện trong hàng ngàn bài nói chuyện, phân tích, phát biểu của ông suốt những năm dài. Thiên tài hùng biện và khả năng diễn thuyết của ông là một trong những điều bí ẩn đầy khâm phục đối với mọi người và nhiều chính khách nổi tiếng trên thế giới. Ít ai khám phá ra rằng chính qua những lần diễn thuyết, hùng biện ứng khẩu hùng hồn, sắc sảo và đầy sức thuyết phục, chính Fidel khám phá ra nhiều điều quan trọng của chính mình và vấn đề, đối tượng đang đề cập và ngày một phát triển khả năng nhạy cảm đặc biệt và tư duy lôgic cực kỳ sâu sắc, bao quát chặt chẽ và thực tế. Với thói quen bí mật của một nhà mưu lược, Fidel là bậc thầy về sự giấu mình. Ông đã làm nản chí những ai muốn nghiên cứu sâu xa, tìm hiểu, khúc chiết về quá khứ của ông và lịch sử cách mạng – hoặc ít ra đối với những người muốn viết sách về ông.
Dù có tính cách hướng ngoại, nội tâm của Fidel lại rất sâu lắng. Khi mới tiếp xúc lần đầu, ông là một người trầm tĩnh đến lạ lùng. Ông muốn ủ kín quá khứ của mình, nhất là về thời tuổi trẻ và những gì đã qua. Fidel chọn lọc rất kỹ, khi phải tiết lộ những dữ kiện mà theo sự biện minh của ông, có thể khiến công chúng có cái nhìn khác về ông. Ông muốn kiểm soát cả những nét phác đại cương lẫn những đường cọ trong bất kỳ bức vẽ nào về Fidel Castro – hệt như bản thân ông đã từng kiểm soát mọi chuyện khác ở Cuba. Fidel, học trò của quá khứ và bậc thầy về chính trị, hiểu rõ tầm quan trọng chiến lược của việc kiểm soát lịch sử.
Gần đây, Castro, người được giáo dục trong niềm tin Ky-tô giáo và là người tự nhận mình theo chủ nghĩa Marx Lenin, đã dành nhiều thời gian bàn bạc và chỉ thị để công bố một cách hợp lý về mặt tri thức các giá trị chung giữa Thiên Chúa giáo và chủ nghĩa Marx trong việc thực hiện công bằng xã hội. Kể từ khi John Paul II được bầu làm Giáo Hoàng, Fidel thường ca ngợi ngài đã quan tâm đến người nghèo thuộc Thế Giới Thứ Ba (Cuba và Vatican không ngừng quan hệ ngoại giao và Fidel đã từng ăn tối riêng với đại diện Đức Giáo hoàng ở Havana). Người ta đã bàn đến cuộc gặp gỡ giữa hai người. Ngoài ra, cuộc tiếp xúc giữa Fidel với giới tu sĩ Cuba vào tháng hai năm 1986 là hội nghị Thiên Chúa giáo La Mã quan trọng nhất kể từ khi có cách mạng.
Fidel thường liên hệ chủ nghĩa xã hội với Thiên Chúa Giáo. Về mặt trí tuệ khi ông ca ngợi “học thuyết giải phóng” (phong trào công bằng xã hội hùng mạnh trong Giáo hội Thiên Chúa Giáo La Mã hiện đại ở Mỹ La Tinh) và về mặt thần bí khi ông suy ngẫm về bản chất của sự tử vì đạo. Năm 1985, trong một buổi đàm đạo rất lâu, Fidel đã nêu nhận xét với một tu sĩ dòng Dominic người Braxin rằng: ”Tôi chắc chắn rằng đài kỷ niệm, nơi an nghỉ của người liệt sĩ cách mạng hôm nay, cũng là nơi hôm qua một con người tử vì đạo đã nằm xuống. Ông nói thêm rằng, ở đâu không có “lòng vị tha”, ở đó sẽ không bao giờ có anh hùng, dù là chính trị hay tôn giáo.” Ông còn nói: “Trong một thời khác, nếu có tên gọi nào bị bọn phản động thù ghét hơn tên gọi Cộng Sản thì đó phải là Chúa Giê-su.” Với tình hình chính trị căng thẳng dễ bùng nổ trong khu vực Mỹ La tinh, và con đường mới mà giáo hội non trẻ ở đó chọn lựa thì Fidel đang mạnh dạn dấn thân vào chứ không phải chỉ lý thuyết suông. Điều này thích hợp với các ý niệm người hùng Bolívar mang tính chiến lược của ông, nhưng cũng làm xuất hiện chủ nghĩa thần bí và logic của một người hiểu biết về Thiên Chúa giáo.
Tình cảm mà Fidel dành cho con trai đầu lòng của mình là Fidelito (cậu bé lên 5 tuổi thì cha mẹ cậu ly dị) thật mạnh mẽ khác thường nếu chúng ta biết rằng ngay từ khi chào đời, người cha Fidel của cậu đã liên tiếp trải qua những giai đoạn gian truân, lưu lạc. Từ lúc bắt đầu mưu chuyện lớn (khi hành nghề luật sư, Fidel không bao giờ lấy tiền công của người nghèo), rồi tù chính trị, sống lưu vong như một du kích quân và cuối cùng trở thành một nguyên thủ quốc gia. Dù ở bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào, ông vẫn luôn cố tìm cách để được nhìn thấy Fidelito, đến mức ông nhờ người mang con trốn qua Mexico đến tận nơi nghĩa quân đang huấn luyện. Fidelito giờ đây đã là bác sĩ từng được đào tạo ở Liên Xô. Anh lập gia đình và là cha của hai đứa con và ngày càng xuất hiện nhiều trước công chúng. Anh chủ tọa các cuộc họp khoa học và dự những buổi lễ tiếp tân tại Dinh Cách Mạng trong vai trò tổng thư ký Ủy Ban Năng Lượng Cuba. Ở tuổi ba mươi lăm, trông anh giống hệt người cha khi còn trạc tuổi anh. Ở Havana, mọi người đều biết Fidel còn có ít nhất một người con trưởng thành khác nữa (và một đứa cháu) từ một cuộc tình lãng mạn.
Tuy nhiên, Fidel Castro vốn là người kín đáo và dân Cuba thường không bàn về đời tư của ông chủ yếu vì kính trọng ông. Ông không bao giờ tái hôn và kể từ khi Celia Sánchez, người bạn và chiến hữu tận tụy của Fidel qua đời vì bệnh ung thư năm 1980, không còn ai thay thế được bà trong lòng ông nữa. Lẽ đương nhiên, Celia là người phụ nữ quan trọng nhất – và rất có thể là người quan trọng nhất trong cuộc đời ông. Không người phụ nữ nào khác được nêu tên công khai bên cạnh tên Fidel kể từ khi Celia qua đời và có lẽ sẽ không bao giờ có nữa. Dẫu xung quanh ông luôn có nhiều người, song Fidel luôn có cảm giác một mình.
Fidel Castro là người con thứ năm trong số chín người con của ông Ángel Castro Y Argiz, một điền chủ ở Tây Ban Nha; hai người con đầu là con riêng của cha ông với người vợ đầu tiên. Fidel Castro và em trai Raúl, người được chỉ định kế vị ông làm nguyên thủ quốc gia và bí thư thứ nhất đảng Cộng Sản, rõ ràng có quan hệ chính trị và cá nhân rất đặc biệt với ông - họ san sẻ với nhau mọi kinh nghiệm cách mạng – nhưng những khi rảnh rỗi họ ít có thời gian dành cho nhau (Raúl có vợ con và là người rất hay lo lắng chăm sóc cho gia đình). Quan hệ của Fidel với người anh ruột Ramón và người chị cùng cha khác mẹ Lidia ít thân hơn. Một người anh khác mẹ cùng người chị và em gái ở Havana rất ít khi gặp ông. Ông còn một em gái từ lâu sống ở Mexico và đặc biệt cô em Juana sống cách biệt ở tận Miami thì luôn tìm cách công kích ông dù rằng trong cuộc chiến Sierra, Juana là người nhiệt thành ủng hộ ông.
Trong cuộc chiến tranh du kích, Castro đã cho đốt vùng đất trồng mía của gia đình để làm gương chống lại giới giàu có ở Cuba. Sau này, đất đai của gia đình Castro được nhà nước trưng thu trong cuộc cải cách ruộng đất của cách mạng. Mẹ và các anh chị em ông chuyển quyền sở hữu đất đai thừa kế sang cho nhà nước, mặc dù cụ bà Castro được giữ lại ngôi nhà cho đến khi bà mất vào năm 1963. (Cha Fidel qua đời năm 1956 và các con cụ được hưởng gia tài). Theo luật cải cách ruộng đất năm 1959 thì tư nhân chỉ sở hữu tối đa 960 mẫu đất nên một nửa diện tích đất trong số 1.920 mẫu đất của gia đình Castro đã được nhà nước thu hồi cùng với 24.000 mẫu mà gia đình ông đã thuê dài hạn từ khu đất trồng mía cạnh đó của người Mỹ. Tuy nhiên, ít lâu sau họ đã tự nguyện hiến 960 mẫu đất còn lại cho nhà nước.
Câu hỏi cơ bản liên quan đến Fidel Castro, cuộc cách mạng năm 1959, và việc Cuba trở thành một quốc gia theo chủ nghĩa Cộng sản về mặt tự nhiên có phải toàn bộ kinh nghiệm này là một quá trình logic phù hợp với lịch sử của Cuba không hay đây chỉ là một sai lầm chính trị khác thường chủ yếu phát sinh từ tính cách quá mạnh mẽ của Fidel. Fidel, người có lần đã đòi phải có “nhiều nhà cách mạng giống như Robespierre (*)” ở Cuba, luôn nhấn mạnh đến tính tất yếu lịch sử của các biến cố bên cạnh vai trò chủ quan mà ông đã thể hiện.
Mặc dù câu trả lời cuối cùng quá phức tạp đến mức khó lòng gói gọn trong một vài lời giải thích phiến diện nhưng vai trò cá nhân của Fidel trong việc khai phóng và dẫn dắt cuộc cách mạng chắc chắn không ai có thể phủ nhận được. Cho dù ông chiến đấu chỉ nhằm đạt đến quyền lực cá nhân, về điều này cần nhấn mạnh ở đây là không hề có, thì thực tế mà ai cũng thấy là, trong lịch sử hiện đại, không một nhà lãnh đạo cách mạng hoặc nguyên thủ quốc gia nào dám đem sinh mệnh cá nhân ra thử thách trước những hiểm nguy đến thế và dám trực tiếp dấn thân vào những toan tính, nổi dậy và cả trong những lần giáp chiến công khai như ông. Khi quân viễn chinh đổ bộ phía ngoài bờ biển ở tỉnh Oriente, họ phải vượt qua khu vực đầm lầy đan xen lẫn lộn với rừng đước trải rộng hơn một dặm mới đến được bờ biển đúng nghĩa, chiến trường Alegría de Pío. Những con đường rừng cao ngoằn ngoèo, hiểm trở ở Sierra Maestra gần như trở thành cơn ác mộng khủng khiếp nhất đối với bất kỳ viên chỉ huy quân sự nào. Fidel rất muốn giành thắng lợi trong cuộc chiến du kích lạ thường này đến mức ông bình thản chấp nhận và xốc tới, quyết gầy dựng quân đội cho các cuộc chiến sắp tới của ông.
Không một nhà lãnh đạo chính trị nào đang sở hữu trọn vẹn những năng lực trí tuệ của mình mà lại dám đi thuyền từ Mexico đến Cuba theo cách mà Fidel và những chiến hữu lòng đầy nhiệt huyết của ông đã thực hiện. Chiếc du thuyền của họ, mang theo nó tám mươi hai người, vốn được thiết kế chỉ để chở khoảng hơn một chục người, và không được dùng để chở các khí tài quân sự. Không một nhà lãnh đạo chính trị chẳng có chút xíu kinh nghiệm thực tế về quân sự nào lại có thể chịu đựng được suốt hai năm trời trong sự thiếu thốn lương thực, vũ khí và đạn dược ngay giữa lòng Sierra Maestra, rồi phải hành quân thường xuyên cùng với đội quân ngày một đông thêm của mình, ngược xuôi trên những nẻo đường bùn nhão và đá tảng, xuyên qua hết cánh rừng này đến cánh rừng khác. Mặc dù vậy, chưa đầy sáu tuần sau thảm họa ở Alegría de Pío, Fidel đã táo bạo tấn công một cánh quân của Batista. Đây là trận chiến thắng lợi đầu tiên của du kích quân.
Nhà lãnh đạo Lenin đang ở Zurich khi Cách mạng Nga nổ ra – ông không phải chịu sự rủi ro trong chiến đấu. Mao Trạch Đông kiểm soát những khu vực lãnh thổ rộng lớn và lãnh đạo những đạo quân lớn trong hầu hết các cuộc chiến chống lại quân Tưởng Giới Thạch và Nhật Bản, ông không phải trải qua giai đoạn ban đầu xây dựng các căn cứ Cộng sản và trong chiến dịch Trường Chinh năm 1934-1935, cá nhân ông cũng không thường xuyên hứng chịu những gian khổ như Fidel Castro phải đối mặt ở Cuba. Thống chế Tito của Nam Tư hoạt động tại Bộ Chỉ Huy được bảo vệ cẩn mật và sau này khi thực hiện các nhiệm vụ quân sự còn nhận được sự trợ giúp từ quân Anh và Mỹ.
Trường hợp chiến đấu như một du kích quân của Fidel Castro vì vậy là một yếu tố cực kỳ quan trọng trong việc thấu hiểu và xác định tính cách của ông ngày nay. Ông trân trọng chức danh Tổng Tư Lệnh và những lá nguyệt quế cấp bậc gắn trên quân phục của mình. Quân sự hóa toàn xã hội Cuba là khái niệm ra đời từ chính kinh nghiệm của ông. Fidel đã học được nhiều điều trong những giai đoạn khốc liệt nhất - cuộc khởi nghĩa ở thành thị, cuộc chiến ở Sierra, từ trong các điều kiện vây hãm đó đã tạo nên một tâm trạng luôn sẵn sàng ứng phó cho đảo quốc “tứ bề thọ địch” này – một hòn đảo mà ngày nay ít nhất phân nửa dân số đã được huấn luyện và tổ chức, luôn trong tình trạng chiến tranh, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ tổ quốc. Ông còn học được rằng để tồn tại, ông cần phải tuyệt đối kiên định và không khoan nhượng.
Con người Fidel - Định mệnh và tài năng -
Chương 2
Mối bận tâm nhất của Fidel Castro trong hôm thứ năm lạnh lẽo của tháng chạp năm 1956 là làm sao phá vỡ được thế bao vây và tái hợp những chiến binh tơi tả còn sống sót sau cuộc viễn chinh để đánh thắng quân đội Batista. Điều này đòi hỏi phải có một niềm tin bất biến, dựa trên bất kỳ chuẩn mực hợp lý nào, rằng ông có thể dẫn dắt sự nghiệp cách mạng vĩ đại này đến chỗ thành công.
Chế độ Batista có trong tay năm vạn quân với đại bác, xe bọc thép, không quân, hải quân, và một bộ máy cảnh sát và mật vụ cực kỳ nguy hiểm.
Ngoài ra, tổng thống Batista còn được Mỹ hoàn toàn hỗ trợ, kể cả việc sẵn sàng cung cấp các vũ khí. Xe tăng và pháo binh được chở thường xuyên từ các cảng Mỹ sang Cuba. Máy bay Batista có thể tiếp nhiên liệu, chất bom napal và chất nổ tại căn cứ hải quân Mỹ ở Guantánamo trên bờ biển Oriente. Ở Havana, một phái bộ quân sự Mỹ còn huấn luyện cho quân đội người Cuba. Tất cả điều này khẳng định một sự thật là Cuba là một đất thuộc địa của Mỹ, kể từ khi Tây Ban Nha mất đảo quốc này trong cuộc chiến năm 1898. Washington cũng không muốn và ngăn chặn mọi hoạt động nhằm thay đổi hiện trạng này.
Mỹ và CIA không làm sao hiểu được nguyên nhân dẫn đến hiện tượng Fidel Castro năm 1956. Mỹ đâu biết được gì nhiều gì hơn ngoài cuộc chiến giành độc lập cuối cùng của Cuba nổ ra vào năm 1895. Louis A. Perez. Jr,. một nhà sử học Cuba có đầu óc chống cộng đã mô tả cuộc nổi dậy như sau: “Đó là cuộc chiến du kích giải phóng dân tộc mong muốn làm biến đổi xã hội... (cuộc chiến du kích) bao hàm các yếu tố chống chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa chính trị cấp tiến, cải cách ruộng đất, bình đẳng sắc tộc và công bằng xã hội.” Bởi vậy, chính phủ Eisenhower nhất định hỗ trợ Batista. Phó tổng thống Richard Nixon đã thăm ông ta ở Havana không lâu trước khi Fidel đổ bộ xuống Oriente. Tuy nhiên, cả hỏa lực hùng hậu của Batista lẫn sự hỗ trợ hậu thuẫn của Mỹ không làm Fidel chùn bước. Với ông, chưa có đường đi thì phải vạch đường để đi, “thất bại là mẹ thành công”, những khó khăn, thử thách chỉ trui rèn, mài sắc thêm tinh thần và lòng dũng cảm của con người mà thôi.
Lần đó, trên cánh đồng mía, sau khi đã ẩn mình an toàn, Fidel Castro huýt sáo rất khẽ. Một bóng người trong bộ đồ lính xanh ô liu, lặng lẽ từ bụi cây bên kia lối đi hẹp trườn vào bụi mía - đó là Universo Sánchez Álvarez, một nông dân cao lớn, rắn rỏi ở phía bắc tỉnh Matanza, vệ sĩ của Fidel trong thời gian chuẩn bị xâm nhập từ Mexico. Universo cũng mang theo súng trường có ống ngắm như của Fidel, một lợi điểm dễ thấy trong hoàn cảnh khốn khó như hiện nay, nhưng chân lại không có giầy do đã bị mất khi phải tháo lui khỏi Alegría de Pió. Rồi một chiến sĩ thứ ba tìm đến nơi thảm lá mía trú ẩn này. Người này là Faustino Pérez Herrnández, một bác sĩ Havana dáng người mảnh khảnh và là một trong hai Tham Mưu Trưởng của quân nổi dậy. Faustino mang giày nhà binh nhưng đã đánh mất vũ khí – với Fidel thì đây là một bất lợi đáng sợ. Cả hai người mới đến đều ba mươi sáu tuổi, hơn Fidel sáu tuổi, song tuổi trung bình của quân nổi dậy là hai mươi bảy và hầu hết đều đã trưởng thành và biết suy xét. Như nhận định nhiều năm sau đó của Fidel: “Có lúc tôi là Tổng Chỉ Huy của chính tôi và hai người khác.”
Cả ba ẩn mình dưới đám lá và nằm ngửa sát cạnh nhau để có thể nói chuyện thì thào với nhau. Castro đằng hắng nhẹ và thì thầm một cách phấn khởi: ”Chúng ta đang chiến thắng… Thắng lợi sẽ thuộc về chúng ta!” Universo và Faustino không nói gì. Fidel Castro, Universo Sánchez và Faustino Pérez ngay vào thời điểm này là quân số của toàn bộ Đạo quân Nổi dậy, cánh chiến đấu trong Phong trào Ngày 26 Tháng 7 chống Batista của Fidel. Phong Trào đã lớn lên trong lòng thành thị Cuba kể từ năm 1953, khi Fidel khởi xướng và lãnh đạo cuộc đột kích khốc liệt vào trại lính Moncada ở Santiago, thuộc tỉnh Oriente. Rồi ông bị bắt. Suốt hai mươi mốt tháng trong ngục, Fidel luôn tự chuẩn bị một cuộc tấn công mới chống lại chính phủ độc tài. Giờ đây, ông đã quay về Cuba sau khi tự lưu vong sang Mexico lúc ra khỏi nhà tù để phát động cuộc chiến tranh du kích chống lại chế độ trong vùng Sierra Maestra núi non hiểm trở này.
Trên thực tế, Đạo quân Nổi dậy vẫn tiếp tục với quân số là ba người và hai khẩu súng trường trong 13 ngày – tính từ buổi chiều thảm họa ở Alegría de Pió – trong đó mất năm ngày đêm phải ẩn mình dưới các tán lá rậm trong cánh đồng mía – cho đến khi họ gặp lại Raúl Castro, người chỉ huy một trong ba trung đội viễn chinh đã hành quân đâu đó trong vùng núi với bốn đồng đội - tại nhà một nông dân ở Sierra.
Toán quân của Raúl có năm cây súng trường và đạn dược. Fidel phấn khởi vì “quân đội” của ông lúc này đã lên tới tám người với bảy cây súng đến mức ông tuyên bố với giọng hùng hồn nhất: “Giờ đây ta đã thắng cuộc chiến này rồi… số phận tên độc tài chỉ còn tính từng ngày thôi!” Bốn ngày sau, thêm bảy chiến binh khác, gồm Ernesto “Che” Guevara de la Serna - người anh hùng gốc Argentina của cuộc cách mạng Cuba, bị thương trong cuộc chiến ở Alegría de Pío và sau này hy sinh năm 1967 trong cuộc chiến tranh du kích ở Bolivia – tái nhập vào lực lượng của Castro. Fidel cảm thấy ngây ngất.
Trước đó, vào ngày thứ năm đầu tiên ở Cuba, Fidel, Faustino, và Universo, sau khi khẽ bàn với nhau, đã đi đến kết luận rằng ẩn thân dưới thảm lá mía này lâu chừng nào thì an toàn chừng ấy. Họ cần phải tránh đụng độ với các toán quân thuộc Trung đội 12 và 13 của Vệ binh Nông thôn. Bọn chúng được trang bị vũ khí hạng nặng, kể cả pháo binh, và đã bất ngờ phục kích nghĩa quân hôm trước và hiện giờ đang săn lùng các chiến sĩ còn sống sót.
Bấy giờ, nhà cầm quyền Batista đã loan tin rằng Fidel và Raúl Castro đã bị giết cùng với bốn mươi quân nổi dậy trong trận chiến ngày 5 tháng chạp (tin này lập tức được Hãng UPI (Mỹ) tung ra khắp thế giới). Tuy nhiên, đêm đó, các chỉ huy của trung đội Vệ binh đã gởi về cho cấp trên ở Havana một báo cáo mật, trong đó thú nhận “Ông Fidel Castro” có thể đã thoát thân. Batista hiểu rõ uy tín chính trị và tiếng tăm đội quân hiệu quả của ông ta đang bị đe dọa; bởi vậy, giá nào cũng phải tìm cho ra và giết chết Fidel ngay.
Do đó, không quân lập tức được gọi đến để giúp Vệ Binh rà soát. Giữa sáng ngày thứ năm, máy bay bay thấp phát hiện được ba nhóm quân nổi dậy nấp riêng lẻ dưới những tàn cây rậm trên một ngọn đồi ngay trên trận địa Alegría de Pio. Một trong ba nhóm đó là của Fidel Castro. Máy bay oanh tạc hạng nhẹ hai động cơ B-26 đã bỏ bom và bắn phá vào ngay nơi nghĩa quân ẩn náu qua đêm.
Trên đường bỏ chạy, Universo Sánchez là người đầu tiên gặp Fidel. Faustino Pérez tình cờ lọt vào chỗ nấp của hai người khoảng một giờ sau khi đêm xuống. Nghe thấy tiếng động, Fidel ra lệnh cho Universo bắn vào bóng người đó nếu thấy có vẻ giống kẻ địch. May mà khi ấy, Faustino đã lên tiếng, nếu không thì chắc Đạo quân Nổi dậy chỉ còn lại hai người. Nhưng Peréz lại mang đến một tin não lòng: Che Guevara có lẽ đã chết do bị thương rất nặng (nhưng thực ra Che chỉ bị thương nhẹ.)
Đảo qua nhiều vòng, các máy bay không nhìn thấy họ và cả ba người thấy rằng không thể ra chỗ trống trải mà chỉ còn cách ẩn mình vào các cánh đồng mía gần đó. Fidel dẫn đầu và họ lao về phía cánh đồng gần nhất trong khi máy bay vừa quần tụ lại trên trời. Những chiến binh làm như vậy nhiều lần cho đến khi đến được bụi cây nằm bên kia con đường phân cách với cánh đồng mía. Fidel cho rằng đây là nơi an toàn nhất của họ. Cả ba nằm ép bụng xuống đất và trườn tới bụi cây, thu gọn người lại dưới đám lá khô dày mọc sát mặt đất và nằm im.
Fidel tính rằng tối đến, bọn Vệ Binh Nông thôn và máy bay sẽ ngưng rà soát khu vực này để chuyển sang khu vực kế bên. Lúc đó, Faustino, Universo và ông sẽ có cơ hội ra khỏi đồng mía ngay trong đêm đó để di chuyển xuống chân đồi phía đông Sierra Maestra - nơi ông biết có những người nông dân thân thiện và các chiến binh của Phong Trào Ngày 26 Tháng 7 đang ở đó và họ sẽ bảo vệ và giúp đỡ nhóm của ông. Tuy nhiên, Faustino và Universo cản Fidel không nên đi ngay lúc này. Khi ông cứ khăng khăng lý lẽ của mình, Universo cáu tiết lên nói, “Mẹ kiếp! Fidel này, theo tinh thần dân chủ thì hai thắng một, vì vậy chúng ta ở lại đây thôi.”
Đúng lúc đó, cách chỗ nấp chừng vài trăm thước, họ nghe thấy tiếng quân lệnh hô to, tiếng kim khí lách cách từ các khẩu tiểu liên Thompson mà bọn lính chuyển chúng từ vai sang tay và chốc chốc lại nghe tiếng đạn bắn ra từ các khẩu súng tự động này. Cánh đồng mía ở hướng nam từ nơi họ đang ẩn nấp chợt sáng rực lửa, đủ sức nóng để xua bất cứ ai còn lẩn trốn ở đó phải chạy ra ngoài và rồi đám khói màu xanh lơ, dày đặc nhanh chóng lan khắp khu đất bằng. Trong sự tuyệt vọng, họ cố nín cơn ho đang dồn lên, sợ địch quân nghe thấy. Một chiếc B-26 đang gầm rú ngay trên cánh đồng đang bốc cháy sẵn sàng oanh kích.
Fidel và đồng đội thấy tình hình thật nguy hiểm. Ngoài việc bị kẹt cứng bên trong cánh đồng mía, họ còn phải chịu sự hành hạ của các cơn khát khô cổ và đói nữa. Hầu hết đồ dự trữ, trang thiết bị, kể cả lương thực, đều đã mất sạch khi chiếc du thuyền Granma của họ bị đắm vào sáng sớm ngày 2 tháng 12 cách bờ biển hàng trăm thước. Khi tám mươi hai người lính viễn chinh chậm chạp tiến vào đất liền, họ gặp được một vài nông dân và những người làm than trong vùng. Nghĩa quân được tiếp đón tử tế và được chia sẻ những món ăn đạm bạc. Tối ngày 4 tháng chạp, Fidel và các chiến hữu của ông dùng bữa ăn nóng cuối cùng và được dân địa phương bán cho xúc xích với bánh qui trước khi lên đường đi Alegría de Pío.
Chính cơn đói ngày hôm sau đã khiến nghĩa quân bị lộ trước bọn Vệ Binh. Sau khi dùng hết khẩu phần bánh qui và xúc xích, quân cách mạng bắt đầu bẻ mía trên đường đi mà ăn rồi bỏ xác mía xuống đất. Fidel cũng làm như vậy vì nước mía có nhiều năng lượng. Tuy nhiên, bọn Vệ Binh - đã lùng sục quân viễn chinh từ lúc họ vừa đổ bộ (không quân và hải quân Batista đã tìm ra ngay lập tức vị trí của chiếc Granma bị chìm phân nửa bên ngoài Los Cayuelos) – và phát hiện thấy xác mía bị vứt trên đường. Chúng lần theo và bao vây đoàn quân của Castro. Đây là hậu quả tai hại do thiếu kinh nghiệm du kích ở vùng đất lạ. Bài học này Fidel không thể nào quên.
Lúc này, Fidel cùng Faustino và Universo trở nên cẩn thận chỉ bẻ những cây mía mọc gần bên họ rồi gặm lấy nước để có chất dinh dưỡng. Tuy nhiên, họ phải ở lại cánh đồng mía suốt ba ngày đêm (và thêm hai ngày đêm nữa ở một cánh đồng mía xa hơn về hướng đông) vì lính của Batista không chịu bỏ đi. Miệng họ bắt đầu đau do gặm mía nhiều vì không có dao để xẻ nhỏ ra. Mỗi ngày vào lúc sáng sớm, họ liếm những giọt sương đọng lại trên lá để đỡ khát, nhưng những chiếc lá gai nhám cũng khiến cho miệng và lưỡi của họ bị cứa rát. Thỉnh thoảng, đến đêm trời đổ mưa nhưng chỉ đủ làm ẩm đất - và ba người bọn họ.
Một cực hình khác đối với họ, đặc biệt đối với bản tính hiếu động của Fidel, là sự bất động của họ. Ông quyết định là họ nên nằm ngửa cả ngày lẫn đêm để không làm lay động những khóm mía, tạo sự chú ý cho đám quân đang còn lùng sục bên ngoài và trên không. Đó là chưa kể đến việc tiêu tiểu của họ. Bên cạnh nỗi khó chịu về thể chất, họ còn chịu sự căng thẳng thần kinh do tình trạng bất động kéo dài.
Đêm đầu tiên ở cánh đồng mía, Fidel đặt dọc cây súng trên người, nòng súng ngay sát cổ và báng súng chạm vào chân. Ông tháo chốt an toàn, móc ngón tay vào cò súng, rồi khẽ nói với giọng nghiêm trọng, “Tôi sẽ không – không bao giờ - để lính của tên độc tài bạo ngược bắt sống trong khi tôi ngủ! Nếu chúng tìm thấy tôi, tôi chỉ cần bóp cò.”
Hai chiến hữu của ông nhìn nhau hoài nghi. “Fidel, anh điên rồi,” Universo Sánchez nói với ông pha chút khôi hài. “Tôi cũng không muốn bị bắt sống, nhưng hành động của anh đúng là tự sát. Các lô đất ở đây có nhiều cua lắm, anh biết mà, và một con cua có thể cướp cò súng của anh dễ như chơi đấy!” Fidel vốn không thích trái ý mình, chỉ thì thầm tra lời bằng giọng hờn dỗi: “Được thôi, vậy thì anh cứ làm những gì anh muốn. Tôi sẽ cứ nằm ngủ trong tư thế này.” Vậy là đêm nào ông cũng ngủ với tư thế như vậy dưới đám lá mía, với nòng súng kê sát cổ. Universo chọn tư thế ngủ với súng bồng trong tay, còn Faustino thì ngủ không có vũ khí.
Điều duy nhất mà Fidel không thể làm được là phải hoàn toàn câm nín. Chỉ vì ông không thể không nói chuyện. Không chỉ là cơn bức bách bình thường cần phải diễn thuyết về bất kỳ đề tài nào đó (ông không phải là người thích nói về những chuyện vụn vặt, hễ mở miệng nói là gần như ông chỉ đề cập đến những chuyện trọng đại). Bị “đóng đinh” trên đồng mía, ông bực dọc và nôn nóng nghĩ đến mọi chuyện sắp tới: vạch kế hoạch trốn thoát, vạch sẵn trong đầu việc tổ chức đạo quân du kích chiến, chuẩn bị ngày thắng lợi, định hình bộ khung cho những luật lệ và biện pháp cách mạng. Bằng giọng thì thào, có kiềm chế, ông nói suốt ngày đêm, không thực sự mong ai tiếp chuyện – gần như là một cuộc độc thoại hoặc một bài diễn thuyết thầm thì. Faustino Peréz, viên bác sĩ giỏi và có tư tưởng phóng khoáng, nhớ lại những bài phát biểu dưới đám lá của Fidel như sau:
“Bàn về chuyện đi tiếp đến Sierra Maestra, Fidel tin tưởng chúng tôi sẽ gặp lại đồng đội. Ông ấy nói rằng vào chiều hôm đó hoặc để qua sáng hôm sau, chúng tôi sẽ đi. Cá nhân tôi, lúc đó tôi lại nghĩ là có lẽ đó là lúc chúng tôi có thể thu xếp một cuộc ngừng bắn, có nghĩa là phải thoát ra khỏi nơi này, tìm cách tự tổ chức lại rồi tìm cách quay trở lại.
“Bản thân tôi thì nghĩ như vậy nhưng chưa kịp nói ra thì Fidel lại bắt đầu nói về việc tái hợp với đồng đội và tiến bước. Ông ấy cho rằng việc tái hợp với đồng đội là chuyện đương nhiên, và ông nói về các cuộc giao chiến nhỏ mà chúng tôi phải tiến hành để duy trì sự phát triển - không chỉ là sự tham gia của các người lính viễn chinh mà chúng tôi gặp lại mà còn của cả những nông dân muốn gia nhập cùng chúng tôi nữa. Tóm lại, những gì sẽ diễn ra sau đó thực sự đã được Fidel nhìn thấy rõ trong đầu rồi vào cái lúc mà chỉ có ba người chúng tôi và chưa biết gì về những người khác.
“Có thể nói là chúng tôi phải chụm đầu vào nhau để nói chuyện với nhau, và phải thì thào thật khẽ vì biết chắc bọn lính đang vây quanh chúng tôi đâu đó. Với giọng thì thào nhưng với tính sôi nổi cố hữu của mình, Fidel đã nói với chúng tôi các kế hoạch tương lai của ông. Lần đầu tiên tôi mới được nghe ông ấy nói nhiều về những chuyện khác, về ý nghĩa cuộc đời, về cuộc đấu tranh của chúng tôi, về lịch sử, về tất cả mọi thứ. Thú thật, chính ở nơi đó tôi mới hiểu hết về Fidel và niềm tin tưởng tuyệt đối của tôi vào ông bắt đầu hình thành. Vì ở đó, trong cánh đồng mía ấy, ông đã nói với tôi về ý nghĩa của sự vinh quang.
“Tôi nhớ lần đầu nghe ông ấy nhắc đến câu nói của José Martí, rằng “mọi vinh quang trên cõi đời đều nằm gọn trong nụ mầm của hạt bắp”. Tôi biết câu nói này của Martí, nhưng không dành cho trường hợp này, cũng không dành cho trường hợp mà Fidel đang nói đến lúc bấy giờ về cuộc đấu tranh mang ý nghĩa gì đối với cuộc cách mạng, về những ý nghĩa của cuộc đấu tranh này, những ý nghĩa mà cuộc sống mang lại cho cuộc cách mạng, và làm sao mà người ta lại không thể chiến đấu vì các tham vọng cá nhân, cũng không phải cho tham vọng của sự vinh quang… Ông ấy nói về sự cần thiết và sự thỏa mãn, cùng một lúc, mà một cuộc cách mạng có trong khi chiến đấu vì người khác, khi chiến đấu vì dân tộc, khi chiến đấu vì những con người thấp kém.
“Những ý tưởng mà tôi trình bày là những gì đã hấp dẫn tôi nhất [trong con người Fidel]. Nhưng ông ấy còn nói về nhiều chuyện khác nữa. Chẳng hạn như về việc tổ chức một quốc gia, về dân tộc Cuba, lịch sử, tương lai của Cuba. Và về việc cần phải làm một cuộc cách mạng, một cuộc cách mạng thật sự. Thời gian đó, chúng tôi không nói đến chủ nghĩa Marx và chủ nghĩa cộng sản mà về một cuộc cách mạng xã hội, cuộc cách mạng thật sự và về vai trò của chủ nghĩa đế quốc ở đất nước mình.
“Thú thật, cũng có lúc tôi tự nhủ, ‘Mà này các anh ơi, nếu chỉ có ba người chúng ta thì có nghĩa gì, làm sao có thể nói đến chuyện đấu tranh và thắng lợi sau này? Chắc Fidel điên rồi!’ Rồi chúng tôi trầm ngâm và lời giải thích của Fidel làm chúng tôi suy nghĩ rất nhiều về tầm quan trọng của mọi việc.
“Quí vị biết đấy, Fidel thực ra không tin là nhóm tám mươi hai lính viễn chính chúng tôi hoặc thậm chí toàn bộ Phong Trào 26 Tháng 7 được tổ chức trong cả nước sẽ dẫn dắt dân tộc này đến thắng lợi. Những người sẽ giành được thắng lợi, những người mà dân tộc Cuba cần sẽ là một tổ chức của những người tiên phong, làm con đường tỏa sáng, chỉ ra cách thức, thí dụ, dân tộc Cuba sẽ phải làm để giành lấy chiến thắng. Đây chính là điểm quan trọng mà Fidel bàn với chúng tôi, muốn rằng sẽ tìm thêm mười, mười lăm và năm mươi chiến binh nữa – đây là những gì ông muốn làm ở Sierra, dùng hành động của chúng tôi làm tấm gương, khơi sáng lên ngọn lửa yêu nước, vì đất nước này chắc chắn sẽ đứng lên trả lời bằng hành động đấu tranh theo cách riêng của mình. Đó sẽ là một cuộc đấu tranh quyết định, đều khắp và của quần chúng. Và đây chính là bài học lớn mà Fidel muốn rao giảng vào lúc đó: bài học về niềm tin, về chủ nghĩa lạc quan - và đồng thời cũng là bài học về chủ nghĩa hiện thực.
“Hiểu theo ý nghĩa đó, Fidel là người có niềm tin tuyệt đối. Thế nhưng, làm sao ta giải thích được niềm tin này, thực ra còn hơn cả niềm tin nữa, vì chúng ta biết là có niềm tin của những con người lý tưởng, niềm tin mù quáng và niềm tin không có cơ sở thực tế – nhưng niềm tin của ông ấy là hoàn toàn có cơ sở thực tế.”
Còn Universo Sánchez, người nông dân Matanzas nhớ lại bài hùng biện thì thầm dưới cánh đồng mía của Fidel như sau:
“Có đoạn, Fidel bắt đầu bàn về - dường như là để cho Faustino và tôi thêm chút can đảm – cách mạng và tương lai sẽ như thế nào. Ông nói đến các chương trình mang tính cách mạng, ông muốn lên tinh thần cho chúng tôi. Và chẳng lúc nào Fidel tự coi mình là kẻ thất trận cả. Với ông luôn luôn là việc tập hợp lại dân tộc mình. Cũng có lúc tôi có ý nghĩ là Fidel điên rồi. Tôi nhủ thầm “Chết thật, ông ấy sắp điên đến nơi rồi”. Quí vị sẽ nhìn thấy trên khẩu súng của tôi có khắc tên tôi trên đó, bằng đầu lưỡi lê vì tôi nghĩ là khi chúng giết tôi, gia đình tôi sẽ biết tôi đã chết rồi. Lúc đó, tôi không tin là mình có thể sống sót mà thoát khỏi Sierra Maestra, nên tôi mới khắc tên mình lên khẩu súng... Và rồi tôi nghĩ chắc Fidel bị điên, chứ làm sao chỉ với vài người như vậy mà ông có thể thắng được Batista? Fidel luôn dự đoán rồi có ngày Sierra sẽ rất đông chiến binh – và thời điểm đó sắp đến rồi. Còn tôi thì nhủ ‘Tệ thật, nhìn cái kiểu Fidel tiên với đoán kìa.’ Rồi tôi nghĩ đến cái chết và nghĩ xem mình sẽ chết như thế nào.’
Bản tính thích trò chuyện của Fidel là một huyền thoại mà thời điểm trong cánh đồng mía chỉ là một thí dụ nhỏ. Ông diễn thuyết mọi lúc mọi nơi. Năm 1985, có lần, sau khi thu băng buổi phỏng vấn của truyền hình với Fidel tại Dinh Cách Mạng ở Havana, người ta hỏi Raúl Castro là ông có theo dõi hết năm giờ nói chuyện trước ống kính của anh trai mình không.
Vốn là người có óc khôi hài, Raúl đáp: “ Ồ Chúa ơi, thôi đi… Kiếp này tôi nghe Fidel nói như vậy là đủ rồi. Quí vị biết không, hồi tôi bị nhốt chung một xà lim với Fidel, là nơi mà anh ấy bị biệt giam khoảng chừng một năm – đó là ở Đảo Thông hồi cuối năm 1954, khi chúng tôi thụ án tù vì tội tấn công trại lính Moncada - suốt mấy tuần anh ấy không để cho tôi ngủ. Suốt thời gian ở một mình, ngày cũng như đêm, anh ấy cứ nói mãi không thôi.”
Ngoài ra, khi trò chuyện với một người nào đó, Fidel Castro muốn người đối thoại phải chú tâm vào điều ông đang nói. Trong lúc đàm đạo, ông thường thích đứng hơn là ngồi - và lúc bị kích động bởi một ý tưởng hay một sự sỉ nhục mà ông tin là phải chịu ở trong một bối cảnh chính trị thế giới nào đó, ông có khuynh hướng tăng nhanh nhịp nói – và nếu vị khách nào đó tỏ vẻ lơ đãng thì có thể họ sẽ phải nhận được sự nhắc nhở bằng cái đẩy tay nhẹ vào ngực hay vào tay ngay lập tức!
Fidel cũng là một người biết lắng nghe tuyệt vời khi ông quan tâm đến đề tài hay chính bản thân người nói chuyện. Và ông cũng rất giỏi trong việc đặt câu hỏi. Các câu hỏi của ông thường nhanh chóng xoáy thẳng vào trọng tâm của vấn đề đang thảo luận. Trong lúc đàm luận, người ta thường cảm thấy rõ là ông rất muốn phát biểu, nhưng tính lịch sự và tò mò thường giúp ông kiềm chế – và Fidel sẽ im lặng rất lâu, nhâm nhi điếu xì gà, mồi lửa rồi lại dập đi (trước khi ông đột nhiên bỏ hút thuốc vào cuối năm 1985), hoặc lấy ngón tay xoắn xuýt bộ râu cằm và môi chề ra, một cử chỉ quen thuộc lúc ông đang tư lự.
Con người Fidel - Định mệnh và tài năng -
Chương 3
Sự kiện chỉ trong vòng hơn hai năm sau bi kịch xảy ra trên cánh đồng mía, cuộc chiến tranh cách mạng của Fidel ở Sierra Maestra và cuộc đấu tranh đô thị do Phong trào 26 tháng 7 và các tổ chức sinh viên vũ trang đánh đổ được chế độ Batista là một vấn đề lịch sử.
Một phần lịch sử của thế kỷ hai mươi cũng không kém quan trọng là Fidel Castro, chiến sĩ du kích kiên cường với bộ râu rậm, lãnh đạo đất nước Cuba đi suốt cuộc cách mạng xã hội vĩ đại kể từ khi Mao Trạch Đông gầy dựng chủ nghĩa cộng sản ở Trung Hoa hơn một thập kỷ trước, tạo ra một sự cải thiện chưa từng có đối với điều kiện sống của hàng triệu dân Cuba - sáu triệu người vào năm 1959 và hơn mười triệu vào năm 1986.
Dù đi theo chủ nghĩa Marx-Lenin hơi muộn, Castro đã biến Cuba thành nhà nước Cộng Sản đầu tiên (và duy nhất cho đến giờ) ở khu vực Tây Bán Cầu. Đảo quốc này đã liên minh chính trị, kinh tế và quân sự với Liên Xô. Ông đã kiên trì theo đuổi chính sách và vị thế đồng minh này, thách thức bảy đời tổng thống Mỹ liên tiếp (gần ba thập kỷ và người mới nhất thời điểm đó là Ronan Reagan), đánh bại mọi ý đồ xâm lăng được Mỹ hậu thuẫn.
Fidel Castro nắm quyền lâu hơn bất cứ vị nguyên thủ quốc gia tầm cỡ nào, ngoại trừ Chủ tịch Kim Nhật Thành của CHDCND Triều Tiên và Vua Hussein của Jordan (tính đến năm 1987. ND) (ở nước cộng sản Bulgaria, Todor Zhivkov cầm quyền từ năm 1954) và vẫn tiếp tục đóng một vai trò tích cực và ảnh hưởng lớn đến các vấn đề quốc tế. Sức khỏe của ông vẫn tuyệt vời và có lẽ, nếu không xảy ra những sự kiện bất ngờ, Fidel sẽ còn hiện diện trên trường quốc tế trong một thời gian rất lâu nữa trong cương vị một chính khách lão thành mà những hành động của ông cần phải được xem xét vô cùng nghiêm cẩn trong bối cảnh tình hình chính trị thế giới đang thay đổi. Dù cho sau này có chuyển giao bớt trách nhiệm điều hành các vấn đề nội trị hằng ngày ở Cuba cho các cộng sự thân tín, ông cũng sẽ không bao giờ từ bỏ quyết tâm nắm giữ vai trò tác động chủ lực trong việc đấu tranh và bàn luận về thân phận con người.
Người ta hay nói rằng Fidel đã đề cao tầm quan trọng của chính ông, và cho dù điều đó là đúng thì lý do là vì ông tin rằng đó là cách duy nhất để một nước nhỏ làm cho các siêu cường cũng như các quốc gia khác phải chú ý và tôn trọng mình đúng mực. Quả thật, đất nước Cuba của Fidel đã khiến Liên Xô phải quan tâm và viện trợ kinh tế mỗi năm bốn triệu Mỹ kim. So với các chương trình viện trợ nước ngoài của các siêu cường thì con số này là rất lớn đối với một quốc gia chỉ có mười triệu dân. Ngoài ra, còn phải kể đến các thiết bị quân sự tinh vi trị giá nửa tỷ Mỹ kim, từ các hệ thống điều khiển cho đến các chiến đấu cơ phản lực MiG-23. Riêng đối với Mỹ, sau hai mươi lăm năm vẫn nuôi ý tưởng loại bỏ Fidel, thì Cuba là cơn ác mộng thường trực khiến Washington phải mất ăn mất ngủ bởi những ảnh hưởng của đảo quốc này đối với châu Phi, Trung Mỹ, vùng Caribê và thậm chí cả Puerto Rico vốn là “của riêng” nước Mỹ.
Fidel biết cách xử sự đối với các kẻ thù lẫn các đồng minh của mình. Trong hơn một phần tư thế kỷ, ông vẫn kiên nhẫn duy trì thương lượng với Mỹ, tuy không liên tục, để giải quyết một số vấn đề bất đồng giữa hai nước. Và với Liên Xô, cũng trong ngần ấy năm, Fidel không ngớt bày tỏ quan điểm khác biệt, công khai hoặc kín đáo, với Liên Xô. Điều nghịch lý là Mỹ không đủ khả năng để dàn hòa với Castro vì như thế có nghĩa là nước này phải chấp nhận ông một cách trọn vẹn, và Liên Xô cũng không đủ can đảm để cắt đứt quan hệ với ông vì điều đó có nghĩa là họ đã thất bại một cách thảm hại trong cuộc tranh giành ảnh hưởng với Mỹ và Trung Quốc trong Thế Giới Thứ Ba.
Với hầu hết các quốc gia trong Thế Giới Thứ Ba, đã bầu ông làm chủ tịch Phong Trào Không Liên Kết nhiệm kỳ 1979-1983, Fidel Castro là anh hùng, không chỉ vì quân đội Cuba đang có mặt ở Angola và Ethiopia đã bảo vệ họ khỏi chủ nghĩa đế quốc và các cố vấn Cuba ở Nicaragua cũng với lý do tương tự như vậy. Thế Giới Thứ Ba xem Fidel là người bênh vực họ và đôi lúc còn là lương tri của họ nữa. Ông nghĩ rằng các dân tộc khác thuộc Thế Giới Thứ Ba xứng đáng có phẩm giá quốc gia và cá nhân mà cuộc cách mạng đã mang đến cho dân tộc Cuba.
Fidel luôn cho rằng “chủ nghĩa quốc tế” của Cuba không chỉ giới hạn trong phạm vi áng chừng hơn bốn mươi ngàn chí nguyện quân và cố vấn đang tham gia các cuộc chiến từ Angola, Ethiopia đến Nicaragua vì theo ông, tác động của mấy chục ngàn bác sĩ, y tá, giáo viên và kỹ thuật viên Cuba đang làm nhiệm vụ tại các quốc gia ở trên ba lục địa là lâu bền và cao cả hơn rất nhiều. Ông nói khoảng 1.500 bác sĩ Cuba được phân công sang các nước thuộc Thế Giới Thứ Ba. Bị cuốn hút với những gì ông xem là sự song hành giữa Cơ đốc giáo và chủ nghĩa Marx, ông hùng hồn lập luận: “Nếu nhà thờ có các nhà truyền giáo thì chúng ta có những tình nguyện viên quốc tế.” Fidel cẩn thận nhắc lại rằng sự tương quan Cơ đốc giáo-Marx do ông khởi xướng không phải là cao hứng nhất thời vì trong cuộc họp với những người lãnh đạo giáo hội ở Chile năm 1971 và các tu sĩ Jamaica năm 1977, ông đã đưa ra vấn đề “liên minh chiến lược” giữa hai lực lượng “để thay đổi xã hội trong các quốc gia chúng ta.” Fidel thể hiện sự trân trọng đối với phái đoàn giám mục Công Giáo La Mã Mỹ đến thăm Havana vào đầu năm 1985 – ông đã khiến các giám mục kinh ngạc vì hiểu biết của ông về giáo lý và các nghi thức tế lễ – và đã hội ý với các giám mục Cuba vào cuối năm đó, cuộc họp đầu tiên như vậy trong hai mươi sáu năm cách mạng.
Tóm lại, Fidel Castro là một hiện tượng hấp dẫn trong đời sống chính trị của thế kỷ 20: với thế giới phương Tây ngày càng u ám, tẻ nhạt, ông nổi lên như một gương mặt sinh động, lãng mạn, một kẻ “nổi loạn” khó nắm bắt, đầy thách đố và giàu sáng tạo, một người truyền dạy và thuyết giảng các tín điều mà ông ấp ủ hết sức lôi cuốn. Mặc dầu ở đất nước Cuba, Fidel rất được yêu thích và tôn sùng nhưng những kẻ đối đầu với ông lại nhìn ông dưới hình bóng của một nhà cai trị quỷ quyệt và nhẫn tâm, một kẻ phản bội lại tư tưởng dân chủ tự do mà ông đã dùng để tập hợp mọi người, là nguyên nhân đưa đến những thất bại về kinh tế ở Cuba...
Xét trên tư cách là một con người và là một chính khách thì tính chất phức tạp và tầm vóc của Fidel Castro quả thực có thể bao gồm tất cả những nhận định nói trên – một hiệp sĩ cứu nhân độ thế và là một nhà độc tài dưới con mắt của những phần tử phản động người Cuba. Bản thân ông cũng không màng đến những hành động vòng vèo nếu ông thấy rằng đó là “những điều chỉnh mang tính lịch sử”.
Để tìm cách mô tả chính xác chân dung của Fidel, một gợi ý có tính chất hơi liều lĩnh trong những hoàn cảnh thích hợp nhất, một yếu tố hết sức quan trọng đó là ông đã biết dựa vào sự mâu thuẫn và nghịch lý để vươn lên. Đối với Fidel đó là bài tập về trí tuệ vô cùng hấp dẫn để ông hóa giải một cách lôgic nhất khi phải đối đầu với những thách thức của các biến cố và cả trong các câu hỏi phỏng vấn lắt léo. Cho dù bản chất có mâu thuẫn thế nào đi nữa, bất cứ điều gì ông đã phát biểu công khai trước dư luận hơn một thập kỷ qua về chủ nghĩa Marx, về dân chủ, về Thiên Chúa Giáo, về Liên Xô và Mỹ, về tương lai của đường mía trong nền kinh tế Cuba (sản xuất ít đi hay nhiều hơn), về tiến bộ hiện thực trong cuộc Cách mạng (từ này ở Cuba luôn được viết hoa trong các bản in và trong các bài diễn văn) và về bất cứ đề tài nào nảy sinh từ óc tưởng tượng phong phú và trong trí nhớ kỳ lạ của ông. Bằng những tia sáng long lanh, láu lỉnh trong đôi mắt nâu của mình, Fidel đã cùng “trình diễn” những chương trình phỏng vấn tuyệt vời với những phóng viên truyền hình của Mỹ mà những gì đọng lại về ông mà những người này phát hiện được khiến nhiều người phải thèm muốn. Trong hầu hết mọi trường hợp, ông bao giờ cũng chiếm thế thượng phong, cả về lời ăn tiếng nói lẫn trí tuệ, và ông đã tận dụng những ưu điểm này một cách sảng khoái.
Vì Fidel điều hành chính phủ trong nước và các chính sách thế giới của Cuba chủ yếu bằng những bài diễn văn trước công chúng và qua vô vàn các cuộc phỏng vấn (các cuộc thương lượng và quyết định bí mật chỉ dành riêng cho những hoàn cảnh hết sức tế nhị) nên cũng đúng khi nói rằng không thể nào theo dõi đầy đủ những gì ông nói và đã nói vào lúc nào. Ngay cả bộ phận lịch sử của Hội Đồng Nhà Nước cũng không thể cung cấp con số chính xác về những bài phát biểu trước công chúng của Fidel kể từ ngày 1 tháng 1 năm 1959, khi ông trở thành “Nhà Lãnh Đạo Toàn Quyền”. Người ta đoán chừng có hơn 2.500 buổi (một số buổi kéo dài hơn năm giờ và lần kỷ lục vào năm 1959 dài tới chín giờ). Tuy nhiên, không phải lần diễn thuyết nào của ông cũng được đội viết tốc ký trong Hội Đồng Nhà Nước ghi lại, xuất bản và phát sóng. Cũng không thể chỉ ra rõ xuất xứ của các bài diễn văn mà Fidel đã phát biểu. Chẳng hạn, trong khoảng từ ngày 1 tháng 1 năm 1966 đến tháng mười năm 1984, chỉ riêng đề tài y tế và sức khỏe cộng đồng, ông đã diễn thuyết trước công chúng 130 bài rất dài.
Quả thực, cuộc cách mạng của Fidel Castro – hay ít ra là việc truyền bá tư tưởng cách mạng này cho nhân dân Cuba – có thể đã không thành công nếu không nhờ hệ thống truyền hình. Trên thực tế, ngay từ ngày đầu, Fidel đã lãnh đạo quần chúng thông qua truyền hình. Ông là người đầu tiên sử dụng kỹ thuật này với qui mô như thế trong kỹ năng thu phục nhân tâm, hoàn toàn khác với các cuộc vận động tranh cử chính trị. Ngoài khả năng giao kết tự nhiên của ông với người nghe và việc ông sử dụng mối đồng cảm cộng sinh bằng cách diễn thuyết trước các cử tọa đôn đến hằng triệu người trong những năm đầu cầm quyền thì truyền hình là phương tiện không thể thiếu để truyền tải gương mặt, giọng nói và thông điệp của Fidel vượt ra khỏi buổi diễn thuyết ở quảng trường để đến tận nhà của người dân Cuba. Về sau, truyền hình trở thành kênh thông tin thường xuyên giữa Castro và dân chúng.
So với tiêu chuẩn Mỹ La tinh và thậm chí tiêu chuẩn Mỹ, vào đầu năm 1959, khi lực lượng cách mạng lật đổ chế độ Batista, kỹ thuật truyền hình Cuba cũng được xem là khá tiên tiến và số lượng máy truyền hình ở đảo quốc này khá cao, đặc biệt là ở thành thị. Nhưng vấn đề quan trọng nhất đó là Fidel, mà quan niệm cách mạng của ông luôn luôn được xây dựng trên việc giao tiếp với quần chúng, hiểu ngay ra rằng ông và truyền hình cùng tồn tại là để dành cho nhau. Thật ra, Cuba vốn có truyền thống sử dụng đài phát thanh trong lãnh vực hoạt động chính trị và Fidel trong một số dịp giới hạn đã chứng tỏ sức thu hút của mình khi đứng trước một micro. Vào năm thứ hai và cuối cùng của cuộc kháng chiến, Fidel đã cho lập một đài phát thanh, lấy tên là Đài Tiếng Nói Nổi Dậy- đặt tại bộ chỉ huy của ông ở Sierra Maestra. Đài phát thanh này nhanh chóng chuyển thành khí cụ tuyên truyền tuyệt vời và phổ biến các mật lệnh hành quân. Ông thường trò chuyện với nhân dân Cuba thông qua đài phát thanh này.
Do vậy, quá trình chuyển qua truyền hình là điều tự nhiên và hình ảnh của Fidel xuất hiện một cách ấn tượng trước máy quay và tài diễn tả rất phong phú của ông sẽ làm nốt phần còn lại. Công cụ tuyên truyền này của Cuba được chuẩn bị kỹ lưỡng đến mức cả đất nước có thể được nghe Castro nói trực tiếp (luôn luôn trọn vẹn từ đầu đến cuối). Đôi khi, một số bài diễn văn còn được phát lại qua hai kênh quốc gia trong nhiều ngày. Thêm vào đó, mỗi lần Fidel xuất hiện trước công chúng thì đều được truyền hoặc trực tiếp trong các bản tin tường thuật đặc biệt hoặc như một phần của bản tin thời sự thường xuyên của đài truyền hình (tất nhiên, đài phát thanh cũng truyền đi giọng nói của Fidel).
Thật khó tin là Fidel, bề ngoài trông có vẻ thích nói chuyện trước công chúng, thật sự lại khó chế ngự được nỗi lo sợ ở thời điểm bắt đầu. Có lần, ông tâm sự với tạp chí Bohemia, “Thú thật là… tôi cảm thấy lo lắng khi nghĩ đến việc phải bước lên diễn đàn nói chuyện ở Quảng Trường Cách Mạng… Với tôi, điều đó hoàn toàn không dễ chút nào.” Hồi còn trẻ, ông thường phải thu hết can đảm để có thể đứng trước gương trong phòng mình tập phát biểu cho tới khi hài lòng và điều này đủ để khuyến khích ông theo đuổi nghề luật và chính trị. Gần như trong mọi trường hợp, Fidel thường mở đầu bài diễn văn bằng cách nói thấp giọng và có vẻ như do dự, chậm rãi - cho tới khi ông đột nhiên cảm thấy là mình đã giao kết được với khán thính giả. Kể từ giây phút đó trở đi, Fidel mới đích thực là mình, một nhà hùng biện vĩ đại. Cũng như Gladstone và Winston Churchill, ông là một trong số những nhà hùng biện tiếng tăm không bao giờ chế ngự được nỗi lo ngại lúc ban đầu.
Fidel rất say mê môn nghệ thuật hùng biện. Ông nhớ lại thời còn là học sinh trung học, trong các kỳ nghỉ hè ông đã kết bạn với một người học thức Tây Ban Nha ở Oriente. Người bạn này kể với ông là để vượt qua khó khăn khi phát biểu, diễn giả nổi tiếng Demosthenes thường đặt một hòn sỏi vào dưới lưỡi của mình. Từ câu chuyện này, Fidel kể tiếp là dạo còn học trung học, ông bắt đầu sưu tập các bài nói chuyện của những nhà hùng biện vĩ đại trước kia, nhưng sau đó ông mới thấy rằng ông không thích cách hùng biện của họ vì “quá hoa mỹ, khoa trương và phải lệ thuộc quá nhiều vào khả năng chơi chữ.” Hơn nữa, với tích cách luôn thực tế và tự chủ, ông cho rằng những nhà hùng biện Demosthenes và Cicero ngày nay chắc sẽ “gặp khó khăn lớn khi phải đối mặt với những thực tế cụ thể và phải giải thích về xã hội của họ.” Vậy nên Fidel thôi không tán dương nền dân chủ kiểu Athen khi ông hiểu rằng điều đó có nghĩa là “một nhóm rất nhỏ các nhà quí tộc gặp nhau tại những nơi công cộng để ra quyết định.” Diễn giả mà Fidel yêu thích hóa ra lại là Emilio Castelar, một chính khách Tây Ban Nha nổi tiếng và là nhà tư tưởng lỗi lạc, thủ lĩnh của nền Đệ Nhất Cộng Hòa yểu mệnh ở Tây Ban Nha vào năm 1873. Tuy nhiên, dù các bài diễn văn đọc trước nghị viện của ông ấy có tuyệt vời đến mấy thì “ngày nay ông cũng sẽ nhận lãnh những thất bại thảm hại trong bất kỳ nghị viện nào.” Cuối cùng, Fidel quyết định thực hành trái ngược hẳn với những gì mà mọi nhà hùng biện vĩ đại trong lịch sử đã làm, tạo ra cách nói sôi nổi mà như trò chuyện. Ngày nay khó có nhà lãnh đạo nào trên thế giới lại có thể tìm thấy niềm vui trong việc phân tích tỉ mỉ những bài diễn văn kinh điển, hoặc có khả năng tạo ra được sức sống riêng cho nó.
Cũng đã có những bài diễn văn “bí mật” của Fidel, không biết về số lượng, đọc trước Đảng Cộng Sản hoặc trước giới quân sự chỉ huy các lực lượng vũ trang, và những bài phát biểu tâm tình, không được xuất bản, trước các hội nghị, thí dụ như, Liên Đoàn Phụ Nữ Cuba hoặc Ủy Ban Phòng Vệ Cách Mạng. Ngoài ra, tất cả những nhà lãnh đạo cách mạng cao cấp nhất - những người ủng hộ Castro và cả những đảng viên Cộng sản “cựu” hoặc “tân” – đều góp phần vào việc hùng biện để tập họp toàn dân Cuba đi theo Cuba, để yêu cầu các nỗ lực mới…
Dân Cuba ngày nay vẫn còn quan tâm đến các buổi nói chuyện của Fidel. Trước tiên, con người và nghệ thuật hùng biện của ông vẫn còn rất hấp dẫn. Thứ hai, không một ai trong một xã hội được tổ chức chặt chẽ và nguyên tắc về mặt tư tưởng như Cuba lại muốn thiếu hiểu biết về những điều mà vị Chủ Tịch của mình nói. Việc thấm nhuần tư tưởng của Fidel quan trọng đến nỗi mà các quân nhân, công nhân hay sinh viên phải nghiên cứu những bài diễn văn của ông càng mau càng tốt để có thể giải thích với người khác. Nếu dùng đúng được lời lẽ, khẩu hiệu và quan điểm của ông về các vấn đề đối nội và đối ngoại thì hiệu quả rất cao.
Dù ở trong hay ngoài đất nước Cuba, không ai lại có thể biểu lộ thái độ thờ ơ đối với Fidel Castro. Người ta chỉ có thể bộc lộ một xúc cảm mạnh mẽ với ông, hoặc là yêu thương hoặc là đối nghịch ông, chứ không có thứ tình cảm trung dung khi nghĩ về ông. Bởi vậy, cái tên Fidel Castro dường như đã có một sức hút mãnh liệt, thu hết về phía nó mọi tính từ vừa tốt đẹp lẫn đối kháng.
Lẽ đương nhiên, Fidel từ lâu đã quá quen với những biểu hiện như vậy. Lần đầu tiên tôi chứng kiến cảnh Fidel nổi nóng và rất tức giận vì bị chỉ trích là vào đầu năm 1985, khi ông đọc một bài báo mô tả ông là con người “độc ác”, của một nhà báo Tây Ban Nha nổi tiếng vừa mới trải qua nhiều giờ phỏng vấn ông trước đó. “Làm sao mà ông ta lại nói là tôi độc ác cơ chứ?” Fidel nổi giận. Ông đi tới đi lui trong văn phòng mình một cách giận dữ. “Có phải ông ta đã từng nhìn thấy tôi thực hiện những hành động ác độc? Có phải ông ta đã từng nghe thấy tôi ra lệnh hành quyết ai đó?” Fidel cảm thấy bị thương tổn sâu sắc đối với thang giá trị đạo đức của cá nhân ông, và ông không dễ dàng bỏ qua đề tài này. Trên thực tế, vì “công lý cách mạng” ông cũng có ra lệnh hành quyết, nhưng ông phẫn nộ khi ai đó ám chỉ rằng ông đã làm điều này một cách bừa bãi.
Những chỉ trích về chính trị – hoặc mang tính thù địch – đều không được ông hoan nghênh. Sau lần bầu cử tổng thống ở Peru, Alan García (một chính trị gia tiếng tăm 36 tuổi theo đường lối trung tả, người được Fidel đánh giá là có thể trở thành một đối tác trẻ trong khu vực châu Mỹ La tinh), vào tháng 7/1985 dám chất vấn quan điểm của Fidel về thế giới, Fidel ngay lập tức có thái độ phản ứng một cách gay gắt. García chống lại quan điểm của Fidel cho rằng các quốc gia con nợ ở khu vực châu Mỹ La tinh nên cùng nhau từ chối trả những khoản nợ khổng lồ cho các ngân hàng Mỹ, đã đưa ra nhận xét rằng trong khi các định chế tài chính của phương Tây là “đế quốc” thì liên minh quân sự theo Hiệp ước Warsaw và khối kinh tế Comecon, thị trường chung của các quốc gia theo chủ nghĩa Cộng sản, mà Cuba là một thành viên vào năm 1972, có khác gì đâu. Trong lễ tuyên thệ nhậm chức tổng thống Peru của García, Fidel đã làm mọi người bất ngờ bằng một điện văn chúc mừng chính thức lạ thường. Trong đó ông liệt kê tất cả những căn bệnh của quốc gia Peru, từ nạn mù chữ cho đến tình trạng “nghèo khổ đủ kiểu,” và nghiêm chỉnh nói thêm rằng “nếu ông thực lòng quyết định tranh đấu một cách nghiêm túc, vững vàng và kiên trì chống lại bức tranh xã hội đầy tai ương theo kiểu Dante và giải phóng quốc gia mình, như lời hứa hẹn công khai của ông, ra khỏi sự thống trị và lệ thuộc của chủ nghĩa đế quốc, nguyên nhân duy nhất của tấn bi kịch này, có thể ông phải tính đến sự hỗ trợ của Cuba.” Có lẽ đó là bức điện văn chúc mừng có một không hai trong biên niên sử các lời sỉ nhục ngoại giao đương thời, và có thể điều không hẳn không liên quan là García chỉ đáng tuổi con trai lớn của Fidel; không một nhà lãnh đạo chín chắn nào lại ưa những người mới nổi. Về sau, chính phủ hai nước đã làm lành với nhau nhưng trước công luận Fidel tránh đề cập đến García.
Mức độ giận dữ, căm phẫn của Fidel là không có giới hạn, cả bên ngoài lẫn ngấm ngầm bên trong, và ông không do dự phát tiết nó một cách riêng tư lẫn công khai. Hồi còn ở Sierra Maestra, ông đã rất giận khi thấy một du kích đã vô tư xài phí chỉ một viên đạn (và ông đã dọa là sẽ phạt thật nặng) và thậm chí khi đã trở thành chủ tịch Cuba, khi biết những chuyện quan liêu ngớ ngẩn của thuộc cấp, ông đã nổi nóng tuôn ra một tràng những lời chửi rủa – toàn bằng tiếng Tây Ban Nha nặng nề nhất. Đây không phải là những điều bất thường sau hơn một phần tư thế kỷ cuộc cách mạng thành công. Các cộng sự lâu năm nhất của ông cũng phải sợ “cơn thịnh nộ của Fidel.”
Trên một bình diện khác, việc Fidel ra lệnh cho hơn một trăm ngàn người Cuba ở Mariel di cư sang Mỹ vào mùa xuân năm 1980 là hành động thể hiện cơn giận dữ của ông đối với tổng thống Jimmy Carter vì đã khuyến khích tạo ra làn sóng những người Cuba đổ xô trốn vào các tòa đại sứ nước ngoài ở Havana để xin tị nạn chính trị. Cảm xúc vẫn là một yếu tố mạnh mẽ can thiệp vào việc ra quyết định của Fidel. Ông đã đình hoãn hiệp định di dân đã ký với Mỹ vào năm 1985 vì chính quyền Reagan đã đưa vào hoạt động đài phát thanh thù địch với Cuba có tên là “Đài phát thanh Martí.” Fidel đã nói với những thân hữu của mình rằng ông vô cùng phẫn nộ khi thấy tên tuổi thiêng liêng của Martí được Mỹ lợi dụng mang ra sử dụng cho một hành động chống lại nhân dân và cuộc cách mạng Cuba; còn thực ra ông chẳng hề quan tâm đến những gì mà cái đài này phát ra.
Sự phẫn nộ của Fidel (và tâm trạng nóng nảy, im lặng lạ thường của ông – đôi lúc để thay cho các cơn giận) là một phần trong cá tính không khoan nhượng, hết sức ngay thẳng, kiên cường, liều lĩnh và kiêu hãnh của ông. Ông đòi hỏi những người xung quanh phải nhanh chóng hiểu những ý tưởng nảy sinh dù chỉ là nhỏ nhất của mình. Những ý tưởng đột xuất này, xảy ra khá thường xuyên, trải rộng trong phạm vi từ cao đẹp, như yêu cầu phải có ngay một tác phẩm văn học hiếm, cho đến những việc có vẻ khôi hài, như nhất định đòi một cố vấn hàng đầu tháp tùng theo ông phải cung cấp kích cỡ giầy nhà binh của Fidel cho một người bạn đã có nhã ý đề nghị là sẽ kiếm cho ông một đôi đặc biệt ở Texas.
Ít ai biết là Fidel Castro đã nhiều phen thập tử nhất sinh. Năm lên mười tuổi, ông bị viêm màng bụng (viêm phúc mạc) rất nguy kịch (bệnh này xảy ra sau khi bị viêm ruột thừa do vào thời đó chưa có các loại thuốc kháng sinh và penicillin). Đến giữa thập niên 1940, lúc là sinh viên ở Havana, giữa làn sóng băng đảng chính trị lúc đó, Castro luôn mang theo súng và đã bị người thuộc phe chính trị khác thanh toán. Trong cuộc xâm nhập sớm bị thất bại vào nước Cộng hòa Dominica, để thoát thân, từ trên con tàu đưa những người lính viễn chinh quay về, ông đã phải nhảy xuống biển để bơi đến Cuba vì sợ bị ám sát. Và chưa đầy một năm sau, Fidel lại có mặt ngay trong cuộc nổi dậy đẫm máu ở Bogotá, thủ đô của Colombia, nơi ông đến để giúp tổ chức một hội nghị sinh viên chống đế quốc.
Ngày 26 tháng 7 năm 1953, bấy giờ đã là nhà lãnh đạo chính trị, Fidel chỉ huy cuộc đột kích trại lính Moncada ở Santiago và đã thoát chết một cách kỳ diệu ít nhất hai lần - khi quân địch phản công và khi bị bắt trên miền núi mấy ngày sau đó. Tại tòa án và trong ngục, mỗi ngày Fidel đều tỏ thái độ thách thức nhà cầm quyền Batista khiến ai cũng nghĩ thế nào ông cũng sẽ bị thủ tiêu. Được ân xá hai năm sau đó, Fidel gần như đã buộc cảnh sát chế độ Batista ở Havana phải ám sát ông trước khi bỏ trốn qua Mexico, đồng thời tuyên bố rằng sẽ quay về nước đánh đuổi chế độ độc tài. Ở Mexico, Fidel bị cảnh sát liên bang nước này bắt và suýt bị đặc vụ Cuba giết (một mật thám xâm nhập vào tổ chức mật của Fidel ở thành phố Mexico). Chiếc du thuyền Granma đưa Fidel và quân viễn chinh về Cuba phải chở quá nhiều người đến mức nó thực sự bị chìm trong cơn bão khi đang vượt biển (chiếc thuyền dự định cặp bến ở Oriente nhưng không đúng nơi đã tính toán. Che Guevara mô tả rằng đây là cảnh “đắm tàu” chứ không phải là đổ bộ).
Chiến dịch Sierra Maestra của Fidel khởi đầu với thảm họa Alegría de Pío và cho đến khi giành được thắng lợi sau cùng, ông luôn khẳng định là ông đã thân chinh dẫn quân của mình trong mọi cuộc hành quân và tiến công. Sau khi cách mạng thành công, có khoảng hơn ba mươi âm mưu ám sát ông – hầu hết đều do Cục Tình Báo Trung Ương Mỹ (CIA) sắp đặt - và trong vụ xâm lược Vịnh Con Heo của CIA, Fidel đã có mặt ngoài trận địa cùng với quân đội chiến đấu cho tới khi kẻ địch buông súng đầu hàng. Mười tám tháng sau vụ này, trong thời gian khủng hoảng tên lửa, ông lại phải đối mặt với cuộc công kích chính thức của Mỹ. Trong chuyến viếng thăm Nga lần đầu vào năm 1963, Fidel thoát chết trong đường tơ kẽ tóc khi chiếc máy bay của Liên Xô chở ông chỉ suýt chút nữa là lao xuống đất ở Murmansk do sương mù quá dầy (chuyện này khi ấy không được công bố).
Fidel hình như còn muốn đùa với tử thần. Năm 1981, thay vì dùng máy bay để đến Mexico mật đàm với tổng thống nước này, ông quyết định đi qua cảng Cozúmel ở Mexico bằng tàu cao tốc để đích thân kiểm tra mức độ cảnh giác của Hải quân Mỹ ở Eo biển Yucatán. Hải quân Mỹ lúc ấy đang tuần tra trong Vịnh Mexico để ngăn cản tàu Cuba chở vũ khí đến Nicaragua và Fidel định thử xem họ có bắt được ông không. Sau khi thỏa óc mạo hiểm rồi, ông mới bay về. Chuyện này đã không được các cơ quan thông tấn Cuba đề cập đến. Quả thật, không biết viên chỉ huy trên tàu khu trục của Hải Quân Mỹ sẽ làm gì nếu phát hiện thấy Fidel đang có mặt trên một con tàu trang bị vũ khí hạng nặng và được hộ tống bởi hai tàu tuần dương mang tên lửa trên hải phận quốc tế giữa Mũi San Antonio ở phía tây Cuba và Cozúmel.
Ngoài ra, Fidel rất say mê thú vui bắt cá dưới biển sâu. Với khoảng gần một ký chì đeo quanh bụng để tăng sức nặng, ông thường ở sâu dưới nước hơn hai phút (như vậy là rất lâu vì không có bình dưỡng khí) ngoài vùng biển Caribê, dùng súng phóng lao bắn cá pargo và tôm hùm. Ông thường xuyên lái chiếc trực thăng riêng do Liên Xô chế tạo, ngay cả ban đêm, và ít ra là một lần, Fidel đã bị mất phương hướng trong khi điều khiển máy bay hai động cơ này giữa cơn giông bão ngoài khơi biển Oriente.
Cụ Ernesto Guevara Lynch, 80 tuổi, cha của Che Guevara, đã từng nhận xét, “Chắc là Fidel đã có hiệp ước với Chúa Trời hoặc với thần linh gì đó” vì không còn cách nào khác để giải thích cho cuộc đời may mắn kỳ lạ của Fidel. Ông cụ Ernesto có lẽ đã phần nào nói đúng về điều này.
Con người Fidel - Định mệnh và tài năng -
Chương 4
Fidel Castro thành công trong thời chiến lẫn thời bình, vì ngoài những phẩm chất lãnh đạo và ý chí sắt thép, ông còn biết cách để mọi người, những đồng chí chiến đấu bên cạnh ông, bạn bè và người thân thích, cũng như nhân dân Cuba, đều tâm phục khẩu phục, hết sức trung thành với ông sau khi cách mạng giành được thắng lợi.
Ba thập niên sau, các chiến hữu cách mạng đầu tiên của Fidel vẫn tuyệt đối trung thành với ông như thuở còn đầy nhiệt huyết của tuổi trẻ. Fidel đã tổ chức nhóm của mình như là một tổ chức quân sự kết hợp với tín ngưỡng, như tổ chức Hiệp Sĩ Bàn Tròn trong thời Thập Tự Chinh. Điều không tránh khỏi là quá trình phát triển của nhiều người không giống nhau và những dị biệt về hệ tư tưởng – đôi khi rất sâu sắc về chủ nghĩa cộng sản – đã nảy sinh giữa mọi người. Song điểm chung giữa họ là lòng trung thành dường như bất khả phân lìa đối với Fidel: nhà lãnh đạo lịch sử của họ. Đối với họ, Fidel không thể làm điều gì sai, nhưng tại sao lại như vậy?
Bertolt Brecht, kịch tác gia nổi tiếng, đảng viên cộng sản ở phần nước Đức theo chủ nghĩa cộng sản, có viết một vở kịch mang tên Galileo. Trong vở kịch này, một nhân vật đã kêu lên: “Bất hạnh thay cho đất nước nào không có anh hùng,” và nhân vật chính Galileo mới đáp lại, “Đất nước nào cần có anh hùng mới thật là bất hạnh.” Trong trường hợp của Cuba thì cả hai câu trên đều đúng: Đảo quốc này chưa bao giờ có một anh hùng chiến thắng (José Martí bị giết trước khi giành được độc lập), và lịch sử đau buồn của đất nước này đang khao khát có được một anh hùng. Rõ ràng, Fidel chính là lời đáp.
Và như Maximilien Robespierre, Fidel Castro nói bằng ngôn ngữ của Cách Mạng, ông là tiếng nói của những nguyên tắc cách mạng sâu sắc nhất thời đại của ông. Sự cam kết sống trọn vẹn với những lý tưởng này của Fidel đã được chứng minh đã khiến mọi người theo ông. Trong một quốc gia suy đồi dưới chế độ độc tài Batista, Fidel là hiện thân cho các giá trị cho sự lương thiện, cho tính hợp pháp chính trị và cho công bằng xã hội và mọi người được ông thuyết phục bởi tài hùng biện và bầu nhiệt huyết sẵn sàng chấp nhận hy sinh để chống lại chế độ độc tài thối nát này.
Ngoài quan điểm chính trị trong sáng, Fidel còn làm thức tỉnh được lòng trung thành rộng khắp trên cơ sở tương tác giữa người và người. Ông có khả năng truyền sự sôi nổi và có một sức lôi cuốn lạ lùng đến người khác. Khả năng thuyết phục của Fidel trên thế giới này ít có ai sánh bằng. Ông có thể là đã thuyết phục được nhiều nam nữ thuộc mọi tầng lớp và tính cách khác nhau tham gia hành động đấu tranh mà chỉ đến phút cuối mới biết rõ việc đó là gì (như trong cuộc đột kích trại lính Moncada và chuyến xâm nhập trên tàu Granma). Chính viên trung úy đã bắt được ông trên núi sau trận chiến Moncada đã bị tinh thần quả cảm, xả thân của Fidel cảm hóa và vài năm sau đã tham gia trong đoàn quân chiến thắng của ông. Với năng lực lạ thường đó, nhiều người Cuba, kể cả người ngoại quốc đã không thể nào nói tiếng “không” với ông.
Một nét đặc biệt khác nữa ở Fidel là tính quả cảm. Lòng dũng cảm của ông phi thường đến mức gần như không thể tin được. Có lần ở Sierra Maestra, tất cả cấp sĩ quan cùng ký tên vào một đơn thỉnh nguyện yêu cầu ông đừng tự phơi mình ra trước lửa đạn của kẻ địch vì trong mọi trận đánh lớn nhỏ ông đều muốn phải có mặt ngay tuyến đầu.
Điều quan trọng hơn cả là Fidel lúc nào cũng lo lắng đến nhu cầu cuộc sống cho những người đi theo ông. Ông không chịu nhận những người đã có vợ con (dù bản thân ông đã là chồng là cha) vào cuộc đột kích trại Moncada cũng như luôn hỏi thăm những khó khăn của từng chiến binh Sierra và gia đình họ. Ông giám sát kỹ việc cấp phát lương thực để chắc chắn rằng mọi người đều được chia đều (có lần ông trách Universo Sánchez vì đã không chia hết phần kẹo mà ông đã giao cho) và lập ra điều luật ngặt nghèo cho các du kích quân, bắt họ phải trả bằng tiền mặt cho nông dân mỗi khi mua từng cân gạo hay con gà.
Tấm lòng kiên trinh của nông dân đối với Fidel đã giúp ông sống sót trong cuộc cách mạng – bởi có những lần kẻ thù treo giải thưởng 100.000 Mỹ kim cho người nào báo tin cho biết chỗ ông ở – và lòng trung thành lại càng được củng cố hơn nữa khi du kích quân giúp nông dân thu hoạch mùa màng, mở trường học và trạm y tế đơn sơ cho trẻ em ở Sierra. Một linh mục, cha Guillermo Sardinas, tham gia và tự nguyện làm cha tuyên úy của quân du kích, đã dành nhiều thời gian rửa tội cho con em các gia đình nông dân ở Sierra, một hành động rất được nông dân cảm kích vì, theo lời Fidel, ở miền núi hẻo lánh này không có nhà thờ và cũng chẳng có cha xứ. Fidel nhớ lại, hồi đó nhiều gia đình “muốn tôi là cha đỡ đầu cho con của họ, ở Cuba điều này có nghĩa là trở thành người cha thứ hai, và cha Sardinas đã rửa tội cho rất nhiều em bé ở đó.” Fidel kể rằng “tôi có rất đông con đỡ đầu ở Sierra Maestra và trong số đó nhiều đứa đã trở thành sĩ quan quân đội hoặc tốt nghiệp đại học.”
Fidel tin rằng sự có mặt của cha Sardinas ở Sierra và việc rửa tội của cha đã “tạo ra thêm sự gắn bó giữa các gia đình với Cách Mạng, giữa các gia đình với nghĩa quân, đồng thời thắt chặt hơn mối quan hệ giữa người dân ở đây và ban lãnh đạo du kích.” Ông nghĩ rằng linh mục, mặc dù ủng hộ cách mạng, tránh không tuyên truyền chính trị, và công việc phụng sự của ông ấy đối với các nông dân “mang ý nghĩa tôn giáo nhiều hơn.” Tuy vậy, Fidel thừa nhận điều này “gián tiếp” giúp cho cách mạng. Fidel kể với một thầy dòng người Brasil rằng có một thời gian khi tham gia chiến đấu, ông đã đeo quanh cổ một vòng chuỗi có gắn thánh giá vì một bé gái ở Santiago đã gởi tặng ông kèm theo “một lời chúc tốt lành”; ông nói: “Nếu quí vị hỏi tôi rằng đây có phải là vấn đề đức tin hay không thì câu trả lời của tôi là ‘không’. Tôi sẽ không thành thực nếu bảo là tôi tin; tôi đeo vật này chẳng qua là để đáp lại tấm lòng của bé gái ấy thôi.
Rõ ràng Fidel hiểu được sự ủng hộ của nông dân cần thiết về mặt chính trị như thế nào. Và những người dân nghèo ở vùng Sierra Maestra, hai mươi lăm năm sau, khi kể lại chuyện chiến tranh, họ vẫn luôn coi du kích quân là những người bạn và những anh hùng chứ không chỉ đơn thuần là một lực lượng chính trị. Thực sự, lòng trung thành của họ đối với Fidel Castro đã vượt qua thử thách và lớn lên cùng với thời gian. Sau khi Mỹ xâm lược Grenada vào năm 1983, Fidel hầu như ngày nào cũng đến bệnh viện Havana thăm binh sĩ Cuba và các công nhân xây dựng bị thương trong cuộc chiến đấu bảo vệ hòn đảo nhỏ bé ở Caribê này. Ông mang đến tặng họ sách (trong đó có cuốn Chiến Tranh và Hòa Bình của Lev Tolstoy bằng tiếng Tây Ban Nha), băng video và chuyện trò rất nhiều với họ. Những cuộc thăm viếng này không được phổ biến song người ta kể cho nhau nghe vị Tổng Tư Lệnh rất lo lắng cho người của ông.
Armando Hart Dávalos, một trong những người đầu tiên tổ chức Phong trào 26 tháng 7 sau cuộc tấn công vào Moncada, kể rằng nhóm người mà Fidel bí mật gặp ở Havana bốn tuần trước khi đi Mexico vào giữa năm 1955 để chuẩn bị cho cuộc xâm nhập, “cho đến ngày nay hoặc vẫn còn ở lại với Cách Mạng hoặc đã hy sinh cho Cách Mạng. Cuộc họp này được tổ chức tại một căn nhà của hai phụ nữ lớn tuổi nằm ở cảng, có mục đích là bầu chọn Ban Lãnh Đạo Quốc Gia của Phong trào có nhiệm vụ lãnh đạo cuộc đấu tranh bí mật trong các thành phố ở Cuba nhằm hỗ trợ cho cuộc chiến du kích ở Sierra. Tuy nhiên, ít lâu sau, Hart bị cảnh sát Batista bắt và cầm tù cho đến khi cách mạng thắng lợi. Fidel bổ nhiệm ngay ông này làm Bộ Trưởng Giáo Dục (khi ấy Hart 29 tuổi, kém Fidel 4 tuổi) và qua nhiều thập niên, ông là một trong những cố vấn tin cậy nhất của Nhà Lãnh đạo Toàn Quyền này.
Là người theo đường lối chính trị ôn hòa, một đặc điểm của tổ chức 26 tháng 7 đấu tranh ở thành thị, Armando Hart (trước đó thuộc nhóm dân tộc trung hữu) đã không ngần ngại theo Catro chuyển sang chủ nghĩa cộng sản và hiện thời là Ủy viên Bộ Chính Trị kiêm Bộ Trưởng Văn Hóa.
Faustino Pérez, chiến hữu của Fidel trên cánh đồng mía Alegría de Pío, là một hiện thân khác của lòng trung thành với Fidel. Faustino đã tham gia Phong trào sau khi xảy ra sự kiện Moncada, (cùng khoảng thời gian với Hart, bắt đầu từ phái chống Batista theo đường lối ôn hòa) và cũng đã dự cuộc họp mật ở Havana trước khi Fidel trốn đi Mexico. Sau đó, Faustino theo ông đến Mexico, đổ bộ từ chiếc tàu Granma trong vai trò phó tư lệnh và cùng sống sót bên cạnh Fidel trong tháng đầu tiên ở Sierra, sau đó nhận lệnh đến Havana để thiết lập quan hệ giữa du kích quân và Phong trào ngày 26 tháng 7 ở thành thị.
Là lãnh tụ cao cấp ở nội thành, Faustino Pérez tham gia hoạch định cuộc tổng đình công thất bại thảm hại vào tháng 4 năm 1958, đánh dấu sự đổ vỡ từ nền tảng sự liên minh giữa hai phe thân và chống Cộng sản (và các phe phái ôn hòa khác) trong phong trào cách mạng.
Rất ít người ở Cuba, và ngoài đảo quốc này, biết rằng ngay từ đầu khi tiến hành tổ chức và chiến đấu ở Sierra, Fidel đã có sẵn trong đầu kế hoạch hủy bỏ trật tự xã hội cũ do Tây Ban Nha thiết lập và tiếp đó được Mỹ duy trì từ sau khi Cuba độc lập vào năm 1902. Nhìn ngược về quá khứ, một số sử gia và nhà bình luận cho rằng ý định thực sự của Fidel - gieo rắc tư tưởng “cứu rỗi người đời” cho những người đang bị áp bức– đã được phát biểu trong phiên tòa xét xử ông sau cuộc tấn công Moncada - và cố tình được giữ kín cho tới khi ông lên nắm quyền. Sau này, Fidel đã không thấy hối tiếc khi công khai nhìn nhận điều này, và giải thích rằng chỉ đơn giản là vì dân chúng lúc đó chưa sẵn sàng cho cuộc cách mạng “thật sự.” Sử gia người Mỹ James H. Billington, người đã nghiên cứu nhiều về các hiện tượng cách mạng, đã dùng thành tựu to lớn của Fidel làm ví dụ về cuộc cách mạng hiện đại. Ông viết: “Những cuộc nổi dậy trước đây - ngay cả khi được gọi là cách mạng - thường chỉ nhằm tìm lãnh tụ mới hơn là một trật tự xã hội mới. Như vậy chỉ là nổi dậy chứ không phải cách mạng, và cuộc Cách Mạng Pháp đã gợi cho Fidel nhìn ra ý nghĩa “chữ cách mạng trước đây chưa bao giờ liên quan đến việc tạo ra một chế độ hoàn toàn mới và con người quyết định toàn bộ.”
Để thay đổi chế độ, Fidel Castro cần phải có những đồng minh tin cẩn và kinh nghiệm; và chủ nghĩa Cộng Sản hiện ra trong đầu ông trong những tháng cuối cùng của cuộc khởi nghĩa toàn quốc, khi thời cơ chính trị đã chín mùi.
Khi đến phạm vi cần phải tái cấu trúc một cách chính xác hàng ngũ nội bộ của cách mạng, chắc chắn Fidel trở nên nghi ngờ Phong trào 26 tháng 7 đang hoạt động trong các thành phố. Đồng thời được Che Guevara khuyến khích trong các lá thư gửi cho ông ở Sierra, Fidel bắt đầu liên minh với những người Cộng Sản “cũ” và hình thành lớp người Cộng Sản “mới” của riêng ông. Chính Fidel sau này là người đầu tiên dùng chữ “những người Cộng Sản mới” một cách công khai. Cũng trong ý nghĩa đó, Fidel được biết là đã kết luận rằng trong số những chiến binh Sierra trung thành nhất, ít ai có đủ quá trình hoặc kinh nghiệm hoạt động trong lãnh vực quản trị hay chính trị để điều hành nhà nước tương lai hoặc dẫn dắt cách mạng. Do Fidel đã có sẵn kế hoạch sau thời kỳ quá độ, sẽ không để cho “giới tư sản” cấp tiến chỉ đạo các vấn đề dân sự nữa, ông quyết định xây dựng một đạo quân cách mạng hoàn toàn mới từ những barbudo – người rậm râu trong thành phần nghĩa quân mà phần lớn là những người thất học. Một vấn đề trở thành nguyên tắc là lực lượng vũ trang của Batista sẽ hoàn toàn bị triệt hạ (chỉ giữ lại một số ít những sĩ quan chuyên nghiệp sẵn sàng tham gia sự nghiệp cách mạng). Ông thận trọng như vậy là đúng vì trong vòng vài giờ sau khi nhà độc tài trốn khỏi Cuba vào ngày 1 tháng 1 năm 1959, ở Havana đã có một âm mưu thành lập một hội đồng quân sự với mục đích là ngăn cản Fidel lên nắm quyền. Theo Fidel, hủy bỏ hết quân đội cũ là điều kiện tiên quyết để lập nên chế độ mới.
Ở Cuba, những người Cộng Sản “cũ” lúc đó đang quản lý các nghiệp đoàn lao động, có ghế trong quốc hội, thâm nhập vào các trường đại học và xuất bản báo gần bốn mươi năm qua. Họ là chỗ dựa và kinh nghiệm cho ông. Điều đặc biệt thu hút sự chú ý của Fidel là ý thức kỷ luật và kỹ năng tổ chức của họ. Mặc dầu ông không thuộc những thành phần Cộng sản “cũ” này nhưng một vài bạn thân của ông hồi đại học thì có và điều này có lẽ đã tác động đến sự suy nghĩ của Fidel trong thời gian ông còn ở Sierra. Hơn thế nữa, ông thấy rằng lực lượng võ trang cách mạng mới ngay lúc đầu phải được những người Cộng Sản “cũ” quản lý và chuyển hóa thành cơ sở quyền lực chính cho những người Cộng Sản “mới”.
Xét trên việc những người Cộng Sản “cũ” đã chống đối và phê phán ông là “một kẻ phiêu lưu” sau sự kiện Moncada và thậm chí ngay cả khi ông đang chiến đấu trong vùng núi Sierra thì thật ngạc nhiên khi thấy rằng Fidel bất ngờ coi họ là những người cộng sự và những người thầy đáng tin cậy. Nhìn chung có thể thấy rằng quyết định mang tính lịch sử cho rằng cuộc cách mạng này sẽ đưa tới việc thành lập chủ nghĩa xã hội và sau đó là chủ nghĩa cộng sản ở Cuba rốt cuộc chỉ xuất hiện trong đầu Fidel vào cuối mùa xuân năm 1958 – có lẽ sau hàng loạt các buổi bàn luận chính trị tối quan trọng ở Sierra trong tháng năm và tháng sáu.
Nhiều học giả Cuba và các chuyên viên ở nước ngoài đã lập luận rằng Fidel Castro vốn đã là một người Cộng Sản kể từ cuộc tấn công Moncada hay trước đó rồi; hoặc một hoặc hai năm sau khi lên nắm quyền, ông đã bị sự thù địch của Mỹ nên buộc phải theo chủ nghĩa Cộng sản. Cả hai quan điểm này dường như vô giá trị trước những nghiên cứu, phân tích cẩn thận các tài liệu đang có cũng như khi đã nói chuyện sâu xa với những nhân vật Cuba quan trọng đã tham dự trực tiếp vào toàn bộ tiến trình cách mạng. Fidel luôn biết con đường mình đi và ông biết điều chỉnh chiến lược, chiến thuật tùy theo tình hình. Ông mơ sẽ có ngày cách mạng toàn thắng và tiến hành chủ nghĩa Cộng sản ở đảo quốc Cuba theo cách riêng của mình
Từ hồi còn sinh viên, Fidel đã cay đắng với Mỹ. Thời gian đó, ông hoạt động tích cực trong nhiều tổ chức chống đế quốc khác nhau ở Havana và càng căm giận hơn khi Mỹ đã dùng căn cứ hải quân ở Guantánamo, nằm ngay dưới Sierra để tiếp bom đạn cho máy bay Batista. Đây là một nhân tố cực kỳ quan trọng trong việc ông quyết định chọn con đường chủ nghĩa Cộng sản để thực hiện thành công các chương trình cách mạng rộng khắp của ông. Ngay từ đầu, Fidel chắc chắn đã hiểu rằng chọn lựa này sẽ khiến ông phải đối đầu với Washington và sớm muộn gì ông cũng cần Liên Xô trợ giúp và ủng hộ để bảo tồn cách mạng. Quả thật, người Nga – đang lúc bất hòa với Trung Quốc - đã đến giúp ông. Như vậy, từ Sierra, Fidel có thể đã biết trước và tạo ra mối quan hệ tay ba, Cuba - Liên Xô - Mỹ trước khi hai siêu cường này hiểu ra vấn đề.
Có người tin rằng đối với Mỹ, Fidel lúc nào cũng duy trì quan hệ tình cảm theo kiểu yêu và ghét, trong bụng thì lại mong Mỹ chấp nhận ông. Nếu nhìn với phương diện hết sức chủ quan thì chắc điều này đúng. Sở thích muốn kết giao cá nhân của ông với người Mỹ thuộc mọi giới, từ nghị sĩ, phóng viên cho tới các nhà sinh vật biển, tu sĩ, nhạc sĩ như nghệ sĩ bậc thầy về kèn trompet Dizzy Gillespie – có thể ủng hộ ý kiến này. Nhưng sở thích này không thể thay đổi thái độ chính trị cơ bản của Fidel. Bằng chứng rõ nhất là trong lá thư riêng gửi cho Celia Sánchez, người bạn thân nhất ở Sierra, đề ngày 5 tháng 6 năm 1958, ngay sau khi máy bay Batista dùng bom Mỹ đánh trúng vào quân nổi dậy, Fidel đã viết:
“Tôi thề rằng người Mỹ sẽ phải trả giá rất đắt cho những việc họ đang làm. Khi cuộc chiến này kết thúc, tôi sẽ khởi đầu một cuộc chiến lớn hơn để chống lại họ. Tôi hiểu rằng đây mới là số phận thực sự của mình.” Tất nhiên, nhận thức của Fidel rất đúng, mặc dù chính ông cũng không ngờ rằng ngày 10 tháng 3 năm 1959, chỉ hai tháng sau khi ông vào Havana, Hội Đồng An Ninh Quốc Gia (NSC) trong chính quyền Eisenhower đã thông qua kế hoạch đưa “một chính phủ khác lên nắm quyền ở Cuba.” Văn bản này vẫn còn nằm trong tủ hồ sơ mật của NSC. Chuyện này không được công luận biết đến - song lại là căn nguyên – trong tấn thảm kịch lớn giữa Mỹ với Cuba.
Trong khi đó, hậu quả tức thời từ sự thất bại của cuộc tổng đình công tháng tư là Fidel có thể thiết lập ảnh hưởng lên tất cả các phe phái cách mạng khác ở Cuba, và – quan trọng nhất - đặt Ban Lãnh Đạo Quốc Gia Phong Trào 26 Tháng 7 dưới sự kiểm soát của ông về mặt hoạt động và chính trị. Như vậy, giai đoạn cuối của cuộc chiến Sierra đã mang đến cho Fidel những gì mà Cuộc Trường Chinh ở Trung Hoa năm 1935 đã tạo cho Mao Trạch Đông: tuyên bố vai trò lãnh tụ số một tuyệt đối của ông so với các nhà lãnh đạo cách mạng trong nước. Điều không tránh khỏi là mối quan hệ với các cộng sự cách mạng của ông bắt đầu có sự thay đổi.
Vì vậy ở Havana, Faustino Pérez, người mà nhiều năm sau đã tâm sự với bạn bè mình rằng “dù đúng hay sai, tôi vẫn bị xem là người có tư tưởng hữu khuynh trong Phong Trào 26 Tháng 7,” bị thay thế bởi một chỉ huy khác do Fidel chọn, và được điều ra công tác ở vùng núi. Nhưng trong đầu Fidel không có ý nghĩ bỏ rơi Faustino. Bất chấp những lời Che Guevara kịch liệt chỉ trích Pérez (hai người này cuối cùng đã có một cuộc đối đầu gay gắt tại một phiên họp do Fidel tổ chức), Fidel bổ nhiệm ông đứng đầu bộ phận quản lý dân sự trong vùng được giải phóng này. Nơi dùng làm văn phòng của Faustino nằm trong khu tổng chỉ huy đặt ở La Plata, cách trạm chỉ huy xiêu vẹo ẩn khuất sau những tàng cây khoảng vài chục mét là nơi Fidel ở chung với Celia Sánchez và hai người thường xuyên tiếp xúc với nhau.
Fidel sống rất có tình nghĩa với những đồng đội cũ nên dù cho có bất đồng với ông, họ cũng cẩn thận để không tham gia vào các hành động bị ông coi là phản bội. Ông cũng có khái niệm riêng về lòng trung thành, sự phản bội và công lý. Fidel không thương xót nếu phát hiện ra mình đang bị những người tin cẩn phản bội. Tuy nhiên, ông lại thường bước ra ngoài các quan niệm này để cố cứu vãn tình đồng đội và tự nhủ rằng lòng trung thành của họ đối với mình chưa hết hẳn.
Trong trường hợp của Faustino Pérez, giữa Fidel và ông càng lúc càng có sự đi cùng hướng. Khi cách mạng chiến thắng, Pérez, cùng với Armando Hart và nhiều người khác lúc đó được coi là có tư tưởng ôn hòa, được bổ nhiệm làm bộ trưởng trong chính phủ cách mạng đầu tiên để thu hồi các tài sản bị lấy cắp. Thế nhưng không bao giờ Faustino được mời tham gia vào hàng ngũ những người thân cận, cùng Fidel bí mật chuẩn bị đảm nhận toàn bộ quyền hành cai quản Cuba và chuyển sang đường lối mới. Điều này chỉ xảy ra một giai đoạn ngắn ngủi trong năm 1959 lúc Cuba đang được điều hành bởi chính phủ “chính thức”, đứng đầu bởi Tổng thống Manuel Urrutia Lléo (người đã được Fidel, khi còn ở Sierra Maestra, chỉ định vào chức vụ tổng thống) và chính phủ thực tế nhưng giấu mặt đang bí mật thương thảo với những người Cộng sản “cũ” để cùng hợp tác giành lấy chính quyền cộng hòa nhân danh một cuộc cách mạng thực sự.
Sau cuộc khủng hoảng công khai đầu tiên về vấn đề chủ nghĩa cộng sản trong chế độ cách mạng nổ ra vào năm 1959 và sau tháng 10/1959 khi Fidel ra lệnh bắt Thiếu tá Huber Matos, một chỉ huy du kích nổi tiếng và không giấu diếm tư tưởng chống cộng của mình, vì tội mưu phản. Có hai bộ trưởng ôn hòa không đồng tình nên đã xin từ chức trong một cuộc họp nội các đầy sóng gió với Fidel vào ngày 26/11. Một người là Bộ Trưởng Công Trình Công Cộng Manuel Ray, một kỹ sư và là nhà lãnh đạo nội thành bí mật ở Havana (không phải “đồng đội” của Fidel), và sau đó ông ta nhanh chóng âm mưu chống lại Fidel và trốn khỏi Cuba. (Điều mỉa mai là Ray lại bị CIA đánh giá là quá “cấp tiến” nên nhóm chống đối Castro của ông ta không được tham dự vào vụ xâm chiếm Vịnh Con Heo năm 1961). Bộ Trưởng thứ hai là Faustino Pérez, song ông này từ chức mà không thốt lời phản đối. Trước công chúng, Pérez nói việc làm này không có liên quan gì tới chuyện Matos. Để đáp lại, Fidel đã đích thân bảo đảm sự an toàn cho ông như một biểu hiện lòng nghĩa hiệp với đồng đội cũ. Trong những năm tiếp theo, Pérez chiến đấu bên cạnh Fidel ở Vịnh Con Heo, giữ các chức vụ tầm thường trong chính phủ (năm 1969 ông giám sát việc xây dựng nhà máy thủy điện) và sau đó đã trở thành đảng viên Cộng sản khi Fidel tổ chức đảng thành “lực lượng lãnh đạo xã hội và nhà nước tối cao.”
Năm 1980, Faustino Pérez là ủy viên Ủy Ban Trung Ương Đảng, chủ tịch Ủy ban Quốc Hội và điều phối viên một tổ chức quần chúng trong hệ thống tự quản địa phương. Khi kể về những giai đoạn khó khăn trong hệ tư tưởng cách mạng, ngôn từ và dáng điệu của Faustino Pérez trông thư thái và bình thản, không hối tiếc cũng không trách cứ, một chứng cứ thầm lặng cho thấy là ông vẫn luôn lưu giữ lòng ngưỡng mộ và trung thành với Fidel Castro. Tuy không được các phương tiện truyền thông đại chúng chính thức ca ngợi là “anh hùng cách mạng” song Pérez là một nhân vật rất được kính trọng ở Cuba.
Tháng 7 năm 1960 ở Cuba xảy ra sự từ chức của Bộ trưởng Viễn thông Enrique Oltuski, một kỹ sư, một cựu điều phối viên cấp tỉnh trong Phong trào 26 tháng 7, và là thành viên trẻ nhất trong nội các. Ông là người cuối cùng theo đường lối hữu khuynh còn lại trong chính phủ và là người chống lại khuynh hướng Cộng sản thắng thế trong cuộc cách mạng (tuyệt đại đa số thành viên trong chính phủ đầu tiên là những người rất có kinh nghiệm, tài năng và tận tụy, tất cả đều có quá khứ chiến đấu chống lại chế độ Batista). Sau này ông phạm tội và bị giam giữ vài năm. Đến đầu thập niên 1980 ông được bổ nhiệm giữ chức Thứ trưởng Ngư nghiệp, tất nhiên là do Fidel tuyển chọn vì dù sao Fidel vẫn luôn là người biết trân trọng tài năng.
Universo Sánchez, một thành viên khác trong bộ ba trên đồng mía Alegría de Pío, không bận tâm về vấn đề tư tưởng khi cuộc cách mạng chuyển sang đường lối chủ nghĩa cộng sản. Kết thúc chiến tranh với chức thiếu tá – lúc đó là chức vụ cao nhất trong Quân Nổi Dậy, qua nhiều năm Universo đã tận tâm thực hiện các nhiệm vụ dân chính và quân đội khác nhau. Mặc dù không bao giờ đủ tiêu chuẩn vào nhóm chính trị nòng cốt của Fidel, sự nghiệp cách mạng của ông lúc gần bảy mươi tuổi là người đứng đầu các chương trình bảo vệ môi trường. Ông trở lại làm đảng viên Cộng Sản khi Fidel tái tổ chức lại đảng, và tất cả những đồng đội nào của Fidel tiếp tục con đường sự nghiệp cách mạng cũng đều trở thành đảng viên.
Đôi lúc, Fidel có thiện ý ân xá cho các tù nhân chống đối lại chế độ (như nhóm được ân xá năm 1984 vì nể tình Mục sư Jesse Jackson), nhưng ông không bao giờ xác định tiêu chuẩn nào để thả các tù nhân này. Thí dụ, ít nhất hai lần, Fidel đã dành con đường thoát cho những kẻ âm mưu ám sát ông. Đó cũng vì tình nghĩa với những cựu du kích đã từng đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến, hoặc vì khái niệm công lý của riêng ông. Fidel rất ít khi giải thích động cơ hành động của mình, trừ khi thật cần thiết. Hai câu chuyện sau đây trước giờ chưa hề được công bố.
Câu chuyện thứ nhất là về thiếu tá Humberto Sori-Marín, một luật sư công tác trong tòa án quân sự ở Sở Chỉ Huy Sierra, và đồng thời kiêm nhiệm việc hoạch định kinh tế cho tương lai. Trong thời chiến, Sori là người đã giúp thảo ra luật cải cách ruộng đất đầu tiên của cách mạng do Fidel ký ở miền núi vào ngày 10 tháng 10 năm 1958. Sau ngày chiến thắng, ông này trở thành Bộ trưởng Nông nghiệp. Cùng với Universo Sánchez, Sori là thành viên trong tòa án cách mạng đã kết án tử hình Jesús Sosa Blanco, một viên chức Batista phạm nhiều tội giết người, tại phiên đại xử tội phạm chiến tranh đầu tiên ở sân vận động Havana. Sori đã không được mời tham gia vào việc soạn thảo bộ luật cải cách ruộng đất sâu rộng hơn được Fidel ban hành ngày 17 tháng 5 năm 1959, và ông đã xung đột với Che Guevara, người đã tố cáo viên Bộ trưởng Nông nghiệp này thiếu quyết đoán. Đây là một phần trong cuộc đấu tranh ý thức hệ đầu tiên trong lực lượng cách mạng và thay vì tìm cách giải thích, Sori đã nộp đơn xin rút khỏi nội các. Fidel đã cố công ngăn cản, song ông này đã từ chức ngày 14 tháng 6 năm 1959.
Sang mùa hè, Sori bắt đầu âm mưu chống lại chế độ và trốn qua Mỹ. Đến năm 1960, với sự giúp sức của CIA, ông ta bí mật trở về liên kết với phiến quân ở miền trung du Escambray và tìm cách ám sát Fidel. Sori trúng đạn và bị bắt sau cuộc đọ súng với các nhân viên an ninh Cuba. Lúc đó, các em trai của Fidel là Raúl và Mariano (Raúl đã ở lại Cuba hỗ trợ cách mạng, còn Mariano ở Miami mới về) đã tìm cách gặp Fidel để xin tha chết cho Humberto. Fidel đề nghị Mariano đi với ông đến trại giam gặp Humberto (vì Raúl có thể đã không được Humberto tin tưởng), nhưng người em ở Miami từ chối, sợ bị phản ứng mạnh. Mariano sợ như vậy là đúng.
Theo lời một người chứng kiến được kể lại thì Fidel đã đến nhà giam gặp Humberto và bảo: ”Humberto à, anh đã phản bội chúng tôi, người khác mà làm như anh thì sẽ bị xử tử đó.” Fidel nói như vậy để mong Humberto hiểu ra mà xin khoan hồng vì trong lòng ông cũng đã chuẩn bị để chấp nhận tha thứ. Tuy nhiên, Sori đã phản ứng rất dữ dội và lăng mạ Fidel. Sau đó ông kia bị tuyên án xử bắn. Sori bị hành quyết ngày 20 tháng 4 năm 1961 trong khi Fidel đang dẫn quân dân đi đánh bại bọn xâm lược ở Vịnh Con Heo.
Một câu chuyện nữa là về Rolando Cubela Secades, một bác sĩ lãnh đạo lực lượng du kích Hội đồng Điều hành Sinh viên Cách mạng ở khu vực miền núi phía trung Cuba trong cuộc chiến chống Batista. Tuy vậy, năm 1963 Cubela đã được CIA chọn tham gia kế hoạch tối mật AM/LASH (đến cả tổng thống Kennedy cũng không được biết) để ám sát Fidel và lật đổ chính quyền. Cubela vốn được Fidel rất mực tin tưởng (bất chấp giữa Fidel và tổ chức của Cubela đã mâu thuẩn đến mức gần xảy ra xung đột vũ trang ngay trong tuần lễ đầu tiên sau khi cách mạng thành công) và vào giữa thập niên 1960, ông ta đã được cử làm đặc sứ Cuba tại UNESCO ở Paris.
Cuối năm 1963, Cubela được CIA tiếp xúc ở Paris và Madrid và báo cho biết rằng các vũ khí đặc biệt để ám sát Fidel đã được bí mật chuyển cho ông ta ở Havana - chuyện này đã được thỏa thuận trước đó. Tuy nhiên, mật vụ Cuba, một trong những tổ chức giỏi nhất thế giới, đã biết được âm mưu này. Khi Cubela từ Paris trở về Havana từ chuyến công cán thường lệ, Fidel mời ông ta tới Dinh Tổng Thống. Theo lời nhân chứng, Fidel hỏi Cubela: “Anh có chuyện gì đặc biệt định kể cho tôi nghe không?” nhưng viên bác sĩ này trả lời là không có gì. Ông ta bị bắt khi rời khỏi Dinh. Trước tòa ông khai rằng đã có kế hoạch “Hãy bắn Thủ tướng Fidel bằng loại súng trường cực mạnh có ống ngắm và sẽ nhận một trong những chức vụ cao cấp nhất trong chế độ phản cách mạng lập ra sau đó.” Giá như trước đó Cubela thú thật âm mưu với Fidel thì có thể ông ta đã tránh được phiên tòa này. Cubela bị kết án mười lăm năm tù – một bản án tương đối nhẹ so với luật án của Cuba bấy giờ, thường là tử hình, dù tính luôn việc có xét ân giảm. Hiện Cubela đang sống ở Tây Ban Nha.
Ngoài những tội danh phản bội và phản cách mạng, Fidel kín đáo thể hiện tình nghĩa với các đồng đội cũ và luôn bảo đảm cho họ có được cuộc sống thoải mái. Không ít lần, ông đã giúp cho những người có tuổi hoặc kém năng lực có được việc làm tốt vì ông nghĩ rằng họ cần cảm thấy được tôn trọng và hiểu rằng cách mạng mãi mãi biết ơn những công lao của họ. Điều này không gây ra điều tiếng gì vì hầu hết dân Cuba đều hiểu chuyện này.
Có lần, Fidel giáng chức một đồng đội đang nắm giữ một chức vụ quan trọng trong ngành công nghiệp vì phát hiện thấy vị Tổng Giám Đốc này - người đã cùng chiến đấu hồi ở Moncada -“ngủ tại văn phòng trong giờ làm việc và vẫn cứ say sưa rượu chè như thường lệ dù đã nhắc nhở nhiều lần.” Người bạn này vốn nghiện rượu, đã một lần bị thuyên chuyển công tác, Fidel biết vậy và lần này ông chỉ tình cờ tạt ngang ghé thăm xem bạn mình có thay đổi gì không.
Thậm chí ngay bên trong nội bộ những người thân cận với Fidel cũng có những dị biệt sâu sắc giữa các thành viên, thể hiện đều khắp trong công việc của họ, và rất “người”, từ bản chất của mối quan hệ trực tiếp của họ với Fidel và cá tính của riêng họ. Những yếu tố này xác định mối tương quan gắn bó quyền lực hiện nay bên trong đảo quốc Cuba như thường xảy ra ở những nơi khác, nhưng đặc biệt giữa những người Cuba với nhau, yếu tố cá nhân này mang một ý nghĩa quan trọng.
Theo sự nhấn mạnh của Armando Hart thì không một thành viên nào trong nhóm của Fidel Castro, những người đã quy tụ quanh ông trước khi ông đi Mexico năm 1955, từ bỏ lý tưởng. Những ai sống sót sau cuộc kháng chiến vẫn đứng bên ông khi nhà nước cách mạng Cuba theo đường lối xã hội chủ nghĩa ra đời. Như một bằng chứng, Hart là thành viên duy nhất của nội các hậu Batista – chính phủ “hữu hình” trong năm đầu tiên đã thảo ra bản hiến pháp dân chủ cho Cuba vào tháng hai năm 1959 - vẫn còn là bộ trưởng và rất thân với Fidel. Hầu hết các bộ trưởng khác đã chạy trốn khỏi Cuba và một số đã qua đời.
Ngoài Fidel, những tên tuổi cách mạng có tiếng tăm vượt ra khỏi ranh giới đảo quốc Cuba là Ernesto Che Guevara và Raúl Castro - mà đặc biệt là Che. Có lẽ cần phải nói thêm về giá trị tinh thần đặc biệt của Che đối với Fidel và nhân dân Cuba. Che là một người đồng chí, một người bạn đặc biệt của Fidel. Che không phải là người gốc Cuba mà là người Argentina, vốn là một bác sĩ xuất thân từ một gia đình thượng lưu, đã cùng sát cánh bên Fidel từ những ngày đầu gian khổ. Là một nhà chỉ huy quân sự xuất chúng, chính Che là người cầm quân mở mũi nhọn tấn công giải phóng thành phố Santa Clara của cuộc cách mạng Cuba. Sau đó Che đã từng giữ nhiều chức vụ quan trọng ở Cuba như bộ trưởng bộ ngân hàng, bộ trưởng bộ công nghiệp, là người đại diện của Fidel và Cuba tại hầu hết các hội nghị thượng đỉnh trên thế giới. Vốn thẳng tính, Che đã từng cực lực phê phán Liên Xô về thái độ không bình đẳng trong các nước xã hội chủ nghĩa bấy giờ và vụ khủng hoảng tên lửa tại Cuba. Cùng với Fidel, Che được người dân Cuba quí mến và thường được gọi bằng cái tên thân mật “Tư lệnh Che”. Và chính Che là một cái gai cực kỳ khó chịu trước mắt Mỹ. Gần đây chính FBI và CIA đã công bố hàng loại các hồ sơ mô tả các kế hoạch ám sát và chống lại sự ảnh hưởng của Che.
Guevara hy sinh năm 1967 lúc ông 39 tuổi khi đang lãnh đạo lực lượng du kích của riêng ông ở Bolivia chống lại chính quyền thân Mỹ ở đây, và ngay trước khi dấn thân vào sự nghiệp mà ông biết là muôn vàn khó khăn này, để tránh mọi hệ lụy gây ra từ hành động của mình, Che đã tự nguyện từ bỏ mọi ràng buộc liên quan đến Fidel và đất nước Cuba. (bản gốc bức thư giã biệt xúc động bằng tiếng Tây Ban Nha của Che gửi Fidel trước khi rời Cuba được đăng trong phần phụ lục). Cái chết của Che là một tổn thất tinh thần rất lớn đối Fidel. Trong buổi lễ tưởng niệm Che tại Quảng trường Cách Mạng, Fidel đã khóc và rất nhiều người đã không cầm được nước mắt. Che là con người sống có lý tưởng và không dừng lại trên con đường đã chọn cho dù chấp nhận những rủi ro lớn nhất có thể xảy ra. Sau cái chết của Che, chính quyền Mỹ và CIA thực sự vui mừng nhưng không ngờ chính cái chết đó đã khiến Che trở nên bất tử hơn bao giờ hết. Mãi sau này thi hài của Che mới được tìm thấy và đưa về Cuba. Điều lạ lùng là những người đã hành quyết Che lúc đó, kể cả nhân viên CIA Félix Rodriguez, đều đã chết sau đó vì nhiều nguyên do khác nhau và bất ngờ - được cho rằng như một sự quả báo.
Sự hy sinh cho lý tưởng cách mạng của Che, nhân vật có nét đẹp lãng mạn và quyến rũ lạ thường, có giá trị chính trị rất lớn đối với Cuba và sự nghiệp cách mạng thế giới. Theo lời cha của Guevara kể lại với bạn bè của ông thì Che và Fidel là hai người khá khác nhau, dù trên phương diện tri thức và chính trị họ là hai người bạn thân và thực sự bổ sung của nhau. Che là một trong số rất ít người ở Cuba có khả năng kích thích trí tuệ của Fidel. Những câu chuyện thời chiến giữa họ không còn ai lưu lại quả là một mất mát lớn (chỉ còn những lá thư và tin nhắn ở Sierra).
Vào bất cứ dịp nào, gương mặt Che trên bức tường khổng lồ, đối diện với tượng José Martí và Dinh Cách Mạng đồ sộ ở phía xa, vẫn như luôn đang nhìn xuống Quảng Trường Cách Mạng ở Havana. Không chỉ ở Cuba, Che đã là một biểu tượng anh hùng lãng mạn toàn cầu và là tấm gương của lòng dũng cảm không hề biết sợ, là sự động viên rất lớn cho cuộc đấu tranh chống áp bức của nhân dân trên toàn thế giới. Ở nhiều nước trên thế giới và ngay cả ở Mỹ, Anh, Pháp, Đức..., Che đã trở thành một huyền thoại có một không hai thời hiện đại như Spartacus hồi xưa. Tại Santa Clara, Fidel đã xây dựng một viện bảo tàng về Che với bức tượng đồng nguyên người trong bộ đồ quen thuộc hồi xưa, tay cầm súng và bế một em bé Cuba được điêu khắc như thật.
Cơ cấu quyền lực bên dưới Fidel Castro lúc đó và sự quan trọng tương đối của các nhân vật trong cơ cấu này thường ít được mọi người biết đến và hiểu rõ, ngay cả trong đất nước Cuba. Trước tiên đó là những đồng đội cũ. Trong số họ, Raúl Fidel là nhân vật số một. Ông đã luôn sát cánh bên anh trai mình kể từ trước sự kiện Moncada. Trách nhiệm đặc biệt của ông là lực lượng vũ trang. Ông là tham mưu trưởng quân đội, bộ trưởng quốc phòng và còn các chức vụ khác khi thay mặt Fidel trong mọi việc. Raúl cũng đã được Fidel chỉ định là người kế vị ông sau này và là bí thư thứ hai của đảng Cộng Sản Cuba. Ông đảm đương và cai quản phần lớn những công việc hàng ngày ở Cuba trong khi anh ông dành nhiều thời gian vào những mối bận tâm về tư tưởng và quốc tế. Với bộ ria mép được chau chuốt và gương mặt hơi bầu bĩnh, Raúl trông giống một người Tây Ban Nha giản dị, hài lòng với chính mình song ông rất được kính trọng vì tính cương quyết và năng lực. Một số ít người ngoại quốc trong thế giới không cộng sản đã tiếp xúc với Raúl thường thấy ông khá duyên dáng và thú vị.
Raúl chia sẻ việc lãnh đạo nhà nước (ông là Phó Chủ tịch thứ Nhất của Hội Đồng Bộ Trưởng) với Osmany Cienfuegos Gorriarán, ủy viên Bộ Chính Trị từ năm 1986, Phó Chủ tịch thâm niên của Hội đồng Bộ trưởng và là thư ký Ủy Ban Hành Pháp. Ông này là một trong những người có quyền lực nhất ở Cuba song ít được mọi người biết đến. Osmany Cienfuegos, là một kiến trúc sư được đào tạo qua trường lớp, mắt đeo kính trắng và để ria mép rậm, một đồng đội cũ không thuộc nhóm Fidel. Ông này không tham gia chiến đấu ở Sierra mà chỉ ủng hộ bằng các hoạt động ở Mexico. Tuy nhiên, ông là anh của viên chỉ huy cực kỳ nổi tiếng Camilo Cienfuegos, một đồng đội cũ của Fidel đã được ông chỉ định làm Tham Mưu Trưởng Quân Nổi Dậy hồi đầu năm 1959. Camilo Cienfuegos mất tích trong một tai nạn máy bay bí ẩn vào tháng 10 năm đó, vài ngày sau khi ông tuân lệnh Fidel đến Camaguey để bắt Huber Matos. Một tháng sau, Osmany Cienfuegos được cử làm bộ trưởng các công trình công cộng thay cho Manuel Ray đã từ chức vì vụ Matos. Camilo được tổ quốc ghi công như một anh hùng đã hy sinh vì cách mạng.
Thời sinh viên, Osmany thuộc Đoàn Thanh Niên Xã Hội Chủ Nghĩa (cũng như Raúl Castro), hiện nay là Đoàn Thanh Niên Cộng Sản và là người theo đường lối cộng sản cứng rắn. Osmany không được ưa thích lắm ở Cuba và ít khi xuất hiện trước công chúng. Ông thuộc loại người trầm lặng điển hình, một “nhân vật trong cuộc” khó hiểu, và là một biểu tượng cho thấy rằng điều kiện phải là người thuộc nhóm Fidel mới được cơ cấu vào vị trí quyền lực của đảo quốc đã không còn là yếu tố bắt buộc nữa. Tuy nhiên ông không thích tạo quan hệ cá nhân gần gũi với Fidel và cũng không có những cử chỉ khinh suất nào.
Cho tới năm 1986, viên chức cao cấp thứ nhì, sau Raúl Castro, là thiếu tá Ramiro Valdés Menéndez, lúc đó là Bộ trưởng Nội vụ, ủy viên Bộ Chính Trị kiêm phó chủ tịch Hội Đồng Nhà Nước và Hội Đồng Bộ Trưởng. Việc ông mất chức bộ trưởng – ông đã làm hai nhiệm kỳ trong cương vị này – và vị trí ủy viên Bộ Chính Trị là một sự kiện gây ngạc nhiên lớn. Trong Đại hội Đảng Cộng sản Cuba lần thứ 3 vào tháng hai năm 1986, Fidel Castro đã không đưa ra lời giải thích nào ngoại trừ việc tuyên bố rằng Bộ Chính Trị phải được “trẻ hóa”. Sau này Valdés – vẫn tiếp tục còn trong Ủy Ban Trung Ương Đảng – nhận một nhiệm vụ liên quan đến kỹ thuật. Valdés là lãnh đạo cao cấp duy nhất, ngoài Fidel Castro, thường xuyên mặc bộ quân phục màu xanh ô liu và vẫn giữ chòm râu nhọn có từ hồi còn ở Sierra khiến ông trông có vẻ hơi dữ. Raúl Castro thường xuất hiện trong bộ quần áo giản dị như áo gió bằng da màu đen khoác bên ngoài áo sơ mi và cà vạt. Valdés là một trong ba cựu binh cách mạng được trao danh hiệu Tư Lệnh Cách Mạng, một chức danh cao quý mà ngay cả Raúl Castro cũng không có. Hai người còn lại có chức danh này là Juan Almeida Bosque, một Tham Mưu trưởng người da đen và Guillermo García Frías, nông dân đầu tiên ở Sierra gia nhập quân nổi dậy tuy họ không có nhiều ảnh hưởng chính trị. (García cũng có thời làm ủy viên Bộ Chính Trị và giữ chức Bộ trưởng Giao thông nhưng do năng lực kém nên phải thay bằng người khác.)
Người kế nhiệm Valdés làm Bộ Trưởng Nội Vụ là Tướng José Abrahantes Fernández, người chỉ đạo Sở An Ninh Quốc Gia chịu trách nhiệm về an ninh chính trị, Lực Lượng Đặc Nhiệm (một lực lượng an ninh tinh nhuệ được quân sự hóa gồm khoảng 5.000 người với máy bay và thiết giáp), Cảnh Sát Quốc Gia, các cục tình báo hải ngoại nối kết với Sở An Ninh Quốc Gia, cùng với mạng lưới rộng lớn những quan sát và tình báo viên thuộc Ủy Ban Phòng Vệ Cách Mạng (CDR). Sở An Ninh Quốc Gia Cuba đã có những thành tích đáng nể trong việc đối phó với các kẻ thù của chế độ ở khắp mọi nơi. Họ dễ dàng thâm nhập vào cộng đồng người Cuba lưu vong ở Mỹ, Canada và Tây u. Tuy nhiên, bản thân Abrahantes, trợ lý của Valdés, lại không có quyền hành chính trị - ông thường là người đảm trách vấn đề an ninh cá nhân cho Fidel Castro.
Là một thành viên cách mạng, Valdés đã tham gia trong mọi hoạt động nổi dậy từ trận tấn công trại lính Moncada năm 1953 cho đến việc chỉ huy một cánh quân từ Sierra tiến chiếm vùng đất thấp vào mùa thu năm 1958 (ông là chỉ huy phó của Che Guevara thuộc Đội quân số 8 đã chiến thắng ở các tỉnh miền trung) và có nhiều ảnh hưởng đối với Fidel. Trong hàng ngũ lãnh đạo cấp cao ông là người thân Liên Xô nhất và rất gắn bó với các cơ quan tình báo của Liên Xô và Đông u, đặc biệt là sau năm 1968, khi Matxcơva có chủ trương tăng cường ưu thế của KGB (Cục Mật Vụ Liên Xô) vào Cuba.
Phần còn lại trong hệ thống quyền lực ở Cuba gồm những người khác đã theo Fidel từ đầu và những người đã tham gia cách mạng ở các giai đoạn tiếp theo. Một trong số những người ở tốp đầu là Pedro Miret Prieto, cựu sinh viên kỹ thuật đã huấn luyện quân nổi dậy sử dụng súng trong trận Moncada và luôn ở bên cạnh Fidel trong suốt cuộc tấn công này; sau đó, ông là một chỉ huy quân sự xuất sắc ở cả Sierra lẫn Vịnh Con Heo. Miret là người thấp bé, để ria mép nhưng chớ vội lầm với bề ngoài vui tính và trông có vẻ vô hại. Ông đã giữ chức phó chủ tịch Hội Đồng Bộ Trưởng đặc trách phát triển công nghiệp và là ủy viên Bộ Chính Trị. Đã từng là một trong những chiến sĩ cách mạng kiên cường nhất, Miret là một cố vấn hết sức tin cẩn trong giới thân cận với Fidel.
Cả Armando Hart và Tư lệnh Almeida đều thuộc giới này dù họ không phải là những người ra những quyết định quan trọng. Jesús Montané Oropesa, một kế toán viên đã từng tham gia chiến đấu ở Moncada và Sierra, ra khỏi Bộ Chính Trị tại Đại hội Đảng năm 1986 nhưng vẫn ở lại trong Ủy Ban Trung Ương Đảng và vẫn còn rất thân với Fidel.
Sergio Del Valle Jiménez là bác sĩ và là một du kích quân nổi tiếng dũng cảm ở Sierra và sau này là cấp chỉ huy quân sự hàng đầu, cũng thuộc nhóm tin cẩn của Fidel. Ông là bộ trưởng y tế, một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng trong các chính sách ưu tiên chăm sóc sức khỏe cộng đồng của Fidel cho đến tháng 12/1985, khi Fidel chuyển ông sang nhận một vai trò chính trị nhẹ nhàng khác không nằm trong Bộ Chính Trị. José Ramón Machado Ventura, một cựu bác sĩ du kích quân khác (Quân Nổi Dậy có rất nhiều bác sĩ tham gia chiến đấu, đầu tiên là Che Guevara và Faustino Peréz, những người có mặt trên con tàu Granma), đã trở thành người ủng hộ chính tư tưởng cộng sản mới và tác động rất lớn lên Fidel. Ông cũng là ủy viên Bộ Chính Trị.
Một chiến hữu lâu năm khác của Fidel là Jorge Risquet Valdés-Saldana. Trong Đại hội Đảng năm 1986 ông được bầu vào Bộ Chính Trị, ngoài chức vụ quan trọng mà ông đã nắm giữ trong mười năm là bí thư Ủy Ban Trung Ương. Tuy ít được mọi người biết đến, ông là nhân vật chính điều hành các hoạt động chính trị và quân sự của Fidel ở châu Phi cũng như là người thực thi các chính sách lao động ở trong nước.
Vílma Espín De Castro, vợ của Raúl Castro, người đã cùng sống với ông ở Sierra (họ kết hôn ở Santiago không lâu sau chiến thắng). Bà có chân trong Hội Đồng Nhà Nước và (kể từ tháng 2 năm 1986) trở thành ủy viên chính thức trong Bộ Chính Trị (là phụ nữ duy nhất trong cơ quan điều hành này). Là chủ tịch Liên Đoàn Phụ Nữ Cuba, Vílma Espín (cựu sinh viên kiến trúc Học viện Kỹ Thuật Massachusetts) nắm khá nhiều quyền lực chính trị. Bà là một phụ nữ duyên dáng nên thỉnh thoảng còn đảm nhận vai trò nữ chủ nhân trong những cuộc giao tế thân mật ở Dinh Cách Mạng, cùng đứng đón khách bên cạnh Fidel.
Ngoài nhóm chiến hữu kề cận cũ của Fidel, có hai người tuy gốc gác khác nhau nhưng lại rất có uy tín trong cơ cấu quyền lực của Fidel vì ông rất tôn trọng họ. Đó là Carlos Rafael Rodríguez Rodríguez và José Ramón Fernández Álvarez. Người trước là một tài năng về chính trị và trí tuệ trong số những người Cộng Sản “cũ”, còn người sau nguyên là cựu sĩ quan quân đội Batista, từng ở tù trong cuộc chiến Sierra vì đã âm mưu chống lại chế độ và nay đang làm việc cho Fidel trong các cương vị phó chủ tịch Hội Đồng Bộ Trưởng, Bộ Trưởng Giáo Dục và nhà hòa giải ngoại giao quốc tế.
Rodríguez, với chòm râu dê bạc trắng và phong thái của mình đã tạo cho ông dáng dấp của một hiền triết thời xa xưa, cho đến giờ được xem là nhà chính trị lão luyện nhất ở Cuba. Sự nghiệp của ông trải dài từ thập niên 1930, lúc Fidel vẫn còn là một đứa trẻ ở Oriente. Ông cụ chẳng những là người nhã nhặn, khôn ngoan và uyên bác mà còn là một nhà văn có bút lực dồi dào. Ông trở thành người cộng sự sáng giá nhất của Fidel, về cả hai phương diện chính trị và tri thức, kể từ sau cách mạng thành công năm 1959. Họ hết sức thân thiết và cùng nhau trò chuyện mỗi ngày. Rodríguez lớn hơn Fidel mười ba tuổi và là một trong rất ít người Cuba được phép xưng hô thân mật với Fidel Castro.
Với chức phó chủ tịch Hội Đồng Nhà Nước và Hội Đồng Bộ Trưởng cũng như là ủy viên Bộ Chính Trị, Rodríguez là nhân vật thứ ba trong bộ ba, cùng với Raúl Castro và Osmany Cienfuegos, tạo nên cấp quyền lực cao cấp nhất chỉ dưới mỗi Fidel Castro. Trách nhiệm chính của ông là về các chính sách ngoại giao và kinh tế. (Bộ trưởng Ngoại giao Isidoro Malmierca Peoli thi hành chính sách ngoại giao nhưng không phải là người hoạch định ra các chính sách này), và Fidel rất ít khi quyết định điều gì mà không tham vấn với ông cụ Rodríguez bảy mươi tuổi này.
Chính nhờ sự sáng suốt của Rodríguez mà việc hợp nhất giữa những người theo Fidel và đảng Cộng Sản mới thành hiện thực và đảng Cộng sản mới dưới sự lãnh đạo của Fidel mới giành được nhiều cảm tình trong cuốt thời kỳ còn ở Sierra và cả sau này nữa. Trong Thế Chiến Thứ II, ông là bộ trưởng trong nội các Batista. Khi những người Cộng sản chuyển sang thực hiện chính sách “mặt trận bình dân” Rodríguez là người đầu tiên trong ban lãnh đạo đảng Cộng Sản đang hoạt động bất hợp pháp trong giai đoạn khởi nghĩa hiểu rằng Fidel sẽ đánh đổ được Batista - và những người Cộng Sản tốt hơn nên tham gia.
Thậm chí sau khi cuộc tổng đình công thất bại vào tháng 4/1958, có người còn cho rằng tốt nhất, nếu giành được thắng lợi, Fidel cũng sẽ trở thành một Gamal Abdel Nasser của Ai Cập, tức là một người theo chủ nghĩa quốc gia cấp tiến và các phong trào vận động tiến lên xã hội chủ nghĩa cũng chỉ nằm trong suy nghĩ của những người Cộng sản hiện thời. Những người Cộng sản bảo thủ lúc ấy không hề nghĩ việc lên nắm quyền là kết quả tất yếu sau cuộc cách mạng lật đổ chế độ độc tài Batista và chính đầu óc tinh tường và uyển chuyển của Carlos Rafael Rodríguez mới nhìn thấy các khả năng mới.
Sau cuộc tổng đình công, đảng Cộng Sản cho phép các đảng viên tùy ý tham gia chiến đấu du kích và một số đã đi lên miền núi. Một số khác gia nhập vào ban tự trị mới phía đông bắc Sierra Maestra của Raúl Castro - có lẽ vì Raúl, không như Fidel, đã từng là đoàn viên Thanh Niên Cộng Sản ở trường đại học Havana. Tháng 6 năm 1958, Rodríguez đích thân lặn lội đến bộ chỉ huy Sierra Maestra, và Fidel, theo thói quen, đã bắt ông phải chờ đến mấy ngày sau mới cho phép gặp.
Không có tài liệu nào ghi chép lại các cuộc chuyện trò của họ, song Rodríguez đã ở lại Sierra qua tháng tám và khởi động đợt tấn công quyết định chống Batista, cho thấy rằng nền tảng cho một nước Cuba cộng sản tương lai đã được an bài từ đây. Fidel trước đó đã quyết định trên nguyên tắc sẽ đi theo tiến trình này, và các cuộc thảo luận với Rodríguez có thể chủ yếu chỉ tập trung vào các thể thức thành lập các cơ quan chính quyền mà Fidel sẽ kiểm soát. Những tháng tiếp theo sau đó, những người Cộng sản “cũ” tiến hành các cuộc hành quân du kích ở miền trung Cuba, tạo thuận lợi cho việc gia nhập vào cánh quân dưới sự chỉ huy của Che Guevara và Ramiro Valdés đang từ Sierra tiến xuống.
Nếu quả thực Rodríguez đã đóng một vai trò tối quan trọng trong việc tạo sự liên minh ban đầu giữa chủ nghĩa Cộng sản với Fidel – bao gồm các cuộc thương lượng bí mật tại căn nhà mà Fidel đang ẩn trốn ở ngoại ô Havana trong những tuần lễ đang giành được thắng lợi – thì cũng chính ông là người đã có công lớn để ngăn không cho liên minh này phải đổ vỡ. Năm 1962, trong lúc đảng Cộng sản còn trong giai đoạn hình thành tổ chức, Rodríguez đã sát cánh bên cạnh Fidel để dẹp tan một âm mưu nguy hiểm do một bộ phận những người Cộng sản theo đường lối cũ, được Liên Xô ủng hộ, muốn tranh giành ảnh hưởng với ông. Cuộc khủng hoảng trầm trọng đến mức Fidel phải biến mất trong vòng một tuần để chuẩn bị phản công. Đến năm 1968 lại xảy ra tình huống bất hòa trong nội bộ khi Fidel công khai phản đối Liên Xô về các chính sách hợp tác về quân sự, an ninh và kinh tế. Một lần nữa Rodríguez phải đứng ra làm người dàn xếp chính. Castro một lần nữa trấn áp những phần tử phản cách mạng trong đảng nhưng mặt khác cũng hòa dịu với Liên Xô. Sau đó, Carlos Rafael Rodríguez được giao nhiệm vụ đặc biệt về mọi quan hệ với Xô Viết.
Không như đa số các lãnh tụ cao cấp khác ở Cuba, Rodríguez thích nói chuyện văn học, nghệ thuật và bản thân ông cũng là tác giả của những quyển sách được nhiều người đọc, viết dưới dạng tiểu luận và hồi ký. Trước đây vốn đã từng giảng dạy tại đại học Havana và là chủ bút một thời, ông thích tham dự những buổi khai mạc phòng tranh, thích xuất hiện trong các buổi tiếp tân ngoại giao hay giao tế thú vị hoặc trong những bữa ăn tối thân quen, tao nhã – là nơi ông luôn nổi bật với vẻ lịch thiệp và dí dỏm. Ở Cuba thật khó tìm một nhà hoạt động chính trị nào khác có được tính cách sắc sảo và mê hoặc như Rodríguez dù trước đây hay bây giờ.
José Ramón Fernández Álvarez, phó chủ tịch và nhà hòa giải, là một nhà hoạt động chính trị cách mạng kiểu khác song cũng thuộc hàng sáng giá nhất và ngày càng quan trọng đối với Fidel Castro. Dáng người cao lớn, đĩnh đạc với mái tóc bạc, ông cũng là nhà cách mạng rất hấp dẫn đối với người nước ngoài. Fernández hơn Fidel vài tuổi, học cùng trường trung học với ông ở Santiago và cũng xuất thân từ miền quê Oriente. Tuy nhiên, họ gặp nhau lần đầu sau cuộc khởi nghĩa, lúc đó viên cựu sĩ quan đã được thả khỏi nhà tù Batista trên Đảo Thông (nay là Đảo Thanh Niên) – cũng là nhà tù mà Fidel bị giam giữ cách đó năm năm. Cũng có cha mẹ là người Tây Ban Nha, Fernández có tên thường gọi là “Gallego”, tuy cha mẹ ông này đến từ Astutias chứ không phải Galicia.
Fernández, lúc đó trong đầu không vướng bận một hệ tư tưởng nào, vốn là người lính chuyên nghiệp (tốt nghiệp trường pháo binh quân đội Mỹ ở Fort Sill, Oklahoma), đang lo cho cuộc sống dân sự của mình vì tên độc tài đáng ghét đã bị lật đổ. Ngày chế độ Batista sụp đổ, ông nắm lấy quyền chỉ huy quân đội trong ngục, rồi bàn giao lại ngay cho chính quyền Havana để đi tìm việc làm. Tuy nhiên, Fidel không lâu sau khi từ Oriente đến thủ đô, nghe kể lại câu chuyện về ông, dù đêm đã khuya cũng mời ông đến nói chuyện.
Quân Nổi Dậy bao gồm nhiều thành phần đang rất cần những sĩ quan chuyên nghiệp để mở rộng và hiện đại hóa. Do vậy, Fidel thuyết phục Fernández, viên sĩ quan “có bàn tay sạch” mặc lại quân phục, phớt lờ việc ông này vừa mới trở thành một quản lý nhà máy đường với mức lương hậu hĩnh. Suốt một giờ nói chuyện, Fernández vẫn từ chối. Cuối cùng Fidel la lên với giọng hờn dỗi: ”Thôi được Gallego… Hay lắm đấy... Anh cứ đi mà điều hành cái nhà máy đường của anh đi, còn tôi thì nghỉ hưu viết sách và thây kệ cuộc Cách mạng… Anh muốn như vậy chứ gì?” Nhà thuyết phục đại tài đã thắng. Suốt hai năm sau đó, Fenandez tái thiết Quân Nổi Dậy và mua vũ khí ở nước ngoài. Ông giúp mua lô súng trường tự động FAL từ Bỉ – loại vũ khí tốt nhất mà Cuba có cho đến khi Liên Xô trở thành nhà cung cấp vũ khí. Là tư lệnh chiến trường trong cuộc chiến Vịnh Con Heo, Fernández xứng đáng được tín nhiệm vì nhanh chóng giành được chiến thắng trên bộ trong khi Fidel lo phối hợp chiến lược chung.
Sau này, Fidel hay nhờ đến Fernández, người rất được ông yêu thích, mỗi khi ông gặp phải các vấn đề khó khăn: trong quân đội, trong các hoạt động lớn ở Bộ Giáo Dục, và gần đây nhất, trong việc thiết lập quan hệ ngoại giao và chính trị với các chính phủ thuộc châu Mỹ La tinh. Là người vừa có uy lực lại vừa hiệu quả, một sự kết hợp hiếm có, Fernández trở thành một trong những nhân tài quý giá của cách mạng (ông cũng đã dùng thì giờ rảnh rỗi của mình để học và tốt nghiệp Trường Đảng Cao Cấp ở Havana để trở thành một đảng viên cộng sản chân chính). Tại Đại Hội Đảng Cộng Sản năm 1986, ông được bầu làm ủy viên dự khuyết Bộ Chính Trị.
Trong khi cấu trúc quyền lực thượng tầng ở Cuba đã được điều phối rất hợp lý về phương diện quản lý toàn bộ đất nước thì những vấn đề cơ bản lại vẫn còn thuộc về khả năng điều hành ở các cấp dưới. Kết quả là tất cả mọi quyền hành và trách nhiệm vẫn tiếp tục tập trung vào trong tay Fidel. Một số người thấy sự sốt sắng quan tâm của Fidel đối với từng chi tiết, và tin rằng trong mọi vấn đề ông luôn là người biết nhiều hơn những người khác, đã liên kết lại, phần nào vô tình khiến đa số các nhà quản lý Cuba đã không có đủ can đảm để ra quyết định trong tầm hiểu biết của họ, sợ làm buồn lòng cấp trên và sợ trách nhiệm, do vậy, đã dẫn đến tình trạng các cán bộ hành chính liên kết lại để bảo vệ lẫn nhau. Ở Cuba lúc bấy giờ truyền tụng một câu chuyện đùa nghe chua chát là rốt cuộc Cuba đã có lưỡng đảng: đảng Cộng sản và đảng của giới quan liêu.
Tất nhiên, Fidel phản ứng giận dữ với mọi gợi ý cho rằng ông là một nhà lãnh đạo độc tài và rằng tất cả các quyết định ở Cuba đều phải xuất phát từ ông. Năm 1977 trong buổi phỏng vấn với một phóng viên Mỹ, ông nói rằng: “Tôi là người lãnh đạo, nhưng tôi xa lạ với thuật ngữ “quyền hành độc tôn” hoặc ‘quyền lực tuyệt đối.’ Tiếp đó ông nói, mặc dù: “quyền lực cá nhân của tôi rất lớn” trong thời chiến, gần như ngay sau đó, cách mạng chuyển sang “thiết lập một sự lãnh đạo tập thể… một nhóm lãnh đạo sẽ được chọn trong số những nhà lãnh đạo có khả năng nhất.”
Năm 1985, Fidel vẫn khẳng định tính tập thể trong sự lãnh đạo ở Cuba và trên thực tế tiến trình định chế hóa cuộc cách mạng đã hoàn tất. Ông nói, điều này đã đạt được bằng sự phê chuẩn cuộc trưng cầu dân ý về bản hiến pháp mới của Cuba (có hiệu lực vào năm 1976). Điều này đã tạo ra một cơ chế mới như “Quyền lực Nhân dân” hệ thống các chính quyền địa phương nằm trong tay Quốc Hội có nhiệm vụ biểu quyết các luật được đề nghị và theo lý thuyết sẽ giám sát việc thực thi các luật này.
Các phương tiện truyền thông chính thức đều mô tả Hội đồng Nhà Nước và Hội đồng Bộ Trưởng (Fidel là chủ tịch của cả hai Hội đồng này) như là những cơ quan ra quyết định ở đảo quốc cộng hòa này. Nhưng vào tháng 11 năm 1984, một Fidel bừng bừng lửa giận đứng trước Quốc Hội tố cáo những sai sót trong kế hoạch phát triển kinh tế của năm sau đó do Ban Kế hoạch Trung Ương soạn ra, và cả kế hoạch năm năm song hành của nó. Qua hôm sau ông lập ra “Nhóm Trung Ương” trong Hội đồng Bộ trưởng, đứng đầu là Osmany Cienfuegos, để phát triển ngay lập tức một kế hoạch mới cho năm 1985.
Chính Ủy ban Điều hành của Osmany Cienfuegos trong Hội đồng Bộ trưởng quản lý Cuba trên cơ sở từng ngày một, và Fidel không phải lúc nào cũng có thể tham dự các phiên họp được tổ chức ngay tòa nhà gần Dinh Cách Mạng. Carlos Rafael Rodríguez cảm thấy vào giữa năm 1985 Ủy ban Điều hành đã “giải thoát” Fidel khỏi những lo lắng các vấn đề hiện hành, giúp ông có nhiều thời gian hơn để tập trung vào các vấn đề to lớn toàn cầu. Rodríguez cho biết, chỉ riêng những quyết định ảnh hưởng đến các mối quan hệ giữa Cuba với Hoa Kỳ và các quốc gia thuộc châu Mỹ La tinh mới cần đến sự phê chuẩn của Fidel trước khi tiến hành thực hiện.
Tuy nhiên, trong cuộc sống thực tế, Fidel vẫn tiếp tục quan tâm đến mọi việc. Các bài diễn văn thường xuyên của ông là một minh chứng xác nhận rằng ông cùng chia sẻ với nhân dân Cuba tất cả các vấn đề ở đảo quốc này: Ông đề cập đến tất cả điều này trong những bài diễn văn nói về đức hạnh của những công việc lao động nặng nhọc và việc rất cần phải tiết kiệm tài nguyên. Có lần nhật báo Granma, cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Cộng Sản Cuba, phải chờ đến rạng sáng mới in được vì chờ Fidel đích thân biên tập lại bài diễn văn về chính sách dài mà ông đã phát biểu ngày hôm trước, hoặc một bài xã luận quan trọng bàn về chính sách (ông viết một số bài xã luận, trên trang nhất của báo này, văn phong của ông dễ nhận ra do sự sinh động và có tính công kích dữ dội.)
Phong cách lãnh đạo của Fidel theo cách của Fidel thực hiện là đối thoại trực tiếp, trưng cầu dân ý, báo cáo với nhân dân. Đó là những lời diễn thuyết hùng hồn thông báo các chính sách, tình hình mới và ngay cả những vấn đề trọng đại an ninh quốc gia hay những thực trạng xã hội chưa giải quyết được và đề nghị cách giải quyết. Điều này được thực hiện qua các bài diễn văn, nói chuyện truyền hình trực tiếp được đọc trước một lượng khán giả khổng lồ (Cũng theo phương pháp trưng cầu ý dân như thế này mà người dân Cuba từ năm 1959 đã thông qua việc tử hình những kẻ tra tấn dã man dân chúng của chế độ Batista, sự hiện diện quân sự ở Angola, việc cố gắng vượt qua hoàn cảnh kinh tế khó khăn và thậm chí cả việc chuyển thị trấn cảng Moa từ tỉnh Holguín đến Guantánamo, miền đông Cuba.) Điều khác với các bài diễn văn, hội nghị thường xảy ra ở các nước nặng bệnh quan liêu và hình thức khác là những vấn đề Fidel đưa ra thực tế, đầy đủ dữ liệu, đầy sức thuyết phục, và cuối cùng là tìm cách, biện pháp giải quyết vấn đề và làm khơi dậy bừng lên lòng quyết tâm của mọi người để cùng thực hiện, chứ không hề nói cho có nói, vừa mất thời giờ, vừa tạo nên sức ỳ và mất niềm tin vào chính quyền. Đối với Fidel, hứa và nói là phải làm chứ không nói hứa xuông. Những người được phân công hay tình nguyện đảm nhận cnôg việc phải bảo bảo đảm thực hiện triệt để và trực tiếp báo cáo tình hình thực hiện cho ông hay người có trách nhiệm kiểm tra.
Cách thức truyền thông tin, tham khảo ý dân này đã được Fidel sử dụng hiệu quả ngay từ khi ông lên nắm quyền ở Cuba. Ông gọi đây là “nền dân chủ trực tiếp,” thích hợp hơn với các cuộc bầu cử kiểu cũ, và đó luôn là thứ vũ khí chính trị mạnh mẽ nhất của ông trong mọi cuộc khủng hoảng – tìm kiếm sự giúp đỡ, ủng hộ từ quần chúng khi cho quần chúng biết thực trạng của vấn đề. Những tiếng reo hò “Viva Fidel! Fidel!” luôn vang lên rộn rã trong các cuộc tập hợp quần chúng khi tài diễn thuyết của ông đã gây được xúc động mạnh trong lòng các khán thính giả của mình. Sự đoàn kết cao và tin tưởng của người dân mọi tầng lớp quanh ông tạo nên sức mạnh, niềm tin vào Fidel và chính quyền Cuba.
Những tờ báo và tạp chí có số lượng phát hành lớn – cũng như những tập sách in ấn đặc biệt các cuộc phỏng vấn được Fidel dành cho các mạng lưới truyền thanh và truyền hình và các cơ quan xuất bản nước ngoài. Thường thì những bài phỏng vấn quan trọng đều được nhật báo Granma chuyển sang tiếng Tây Ban Nha và in thành một phần rời đặc biệt kèm theo báo và phát hành ở trong nước.
Con người Fidel - Định mệnh và tài năng -
Chương 5
Đời tư và hoạt động của Fidel Castro rất ít khi được công khai ở Cuba vì những lý do kín đáo và vì lý do an ninh. Chỉ những công việc chính thức Fidel thường làm mới được tường thuật trên báo chí, đài phát thanh và truyền hình. Ngay cả cách thức làm việc và những người tháp tùng sát bên ông gồm những ai cũng được giữ kín.
Ở Dinh Cách Mạng Fidel hết sức bận rộn và những nơi khác, với lịch trình làm việc thỉnh thoảng kéo dài cả ngày lẫn đêm, gần như lúc nào cũng có người bên cạnh. Tuy vậy, Fidel lại có vẻ rất cô đơn. Sau khi li dị, ông đã ở vậy suốt ba mươi năm. Bạn bè thân thiết và đồng đội của ông người thì qua đời người thì sống ở xa. Mirta, vợ cũ của Fidel, đã cố gắng trở thành bầu bạn với ông, song Fidel không bao giờ để bà tham dự vào các kế hoạch và hoài bão của mình. Người ta nói họ từng rất yêu nhau. Sau trận đột kích trại lính Moncada, bà đã đến ngục thăm ông liền lập tức và sau đó thư từ qua lại với nhau một thời gian. Thế nhưng đến năm 1954 Fidel quyết định ly dị với Mirta vì lý do chính trị: Bố mẹ và anh trai bà quá thân với Batista và bà cũng là viên chức ăn lương trong chính phủ này.
Fidel vốn rất kín đáo. Ông thường ít bộc bạch về những dự tính của mình, thế nhưng trong quá khứ ông đã từng có một vài người bạn rất thân thiết. Người quan trọng nhất trong số đó mà ở Cuba ai cũng biết là Celia Sánchez, con gái một bác sĩ ở nhà máy đường Oriente. Suốt hai mươi ba năm trước khi qua đời vì bệnh ung thư, Celia là người giúp đỡ và góp ý với Fidel một cách thật lòng mà không đòi hỏi gì ở ông, trong thời chiến lẫn trong thời bình. Trên thực tế, bà chính là lương tâm và hiện thân khác của ông. Ngoài ra, bên trong bà còn ẩn chứa một sức mạnh lớn lao.
Celia sống trong căn hộ tồi tàn và chật hẹp ở số 1007, một cao ốc nhỏ trên phố Mười Một, thuộc khu trung lưu quận Velado ở Havana. Ngôi nhà này là nơi ở và làm việc chính của bà và Fidel. Ông thường ngủ trong căn hộ giản dị này và Celia làm việc ở đó như một người trợ lý chính đồng thời cũng là người chuẩn bị các bữa ăn nóng trong căn bếp nhỏ xíu và chuyển đến cho ông mỗi khi đến giờ ăn trưa hoặc tối mà ông còn bận việc đâu đó ở Havana. Ngay cả khi bà mất năm 1980, căn hộ với những bức tranh ghép đá trên tường này vẫn là nhà của ông. Khu phố ấy nay vẫn còn được giữ gìn và cách ly bằng những sợi xích sắt và được binh lính thuộc lực lượng An Ninh Nhà Nước mang vũ khí đứng canh gác.
Celia lớn hơn Fidel năm tuổi và chưa từng kết hôn. Với Fidel, bà là “đệ nhất phu nhân” của Cuba, rất được mọi người trên đảo quốc này yêu mến và kính trọng. Sau khi qua đời, bà hầu như được Cách Mạng phong thánh. Nhiều trường học và bệnh viện mang tên bà. Với bên ngoài, Celia là người rất nhiệt thành, nhân ái và là một biểu tượng cách mạng của Cuba và đối với Fidel bà còn là người bạn đồng hành luôn bảo vệ Fidel thoát khỏi những áp lực quá lớn từ bên ngoài và từ chính bản thân ông. Có lẽ bà là người duy nhất ở Cuba dám nói thẳng với Fidel khi ông quyết định sai, mặc dù bà nói với người khác là “Fidel luôn luôn đúng.” Trong cuộc sống hàng ngày, Celia giúp Fidel được vững vàng, không cảm thấy phải rối bời vì công việc và luôn dành thời gian để giúp người dân Cuba trong những việc mà chỉ các viên chức cấp cao của chính phủ mới có thể giải quyết được, thiết kế một công viên giải trí và nhà hàng ở ngoại ô Havana, bảo quản cổ vật, bảo tàng và lập dự án truyền khẩu lịch sử cuộc cách mạng Cuba cho đến khi thắng lợi vào năm 1959.
Lúc mất, Celia đang là thư ký Hội Đồng Nhà Nước, với hàm bộ trưởng, và là ủy viên Trung Ương Đảng. Có điều lạ là rất nhiều phụ nữ giỏi giang, xuất thân từ nhiều thành phần khác nhau ở Cuba, kể cả giới thượng lưu ở Havana trước cách mạng, đã đứng ra dù chỉ đảm nhận những vai trò tầm thường để hết lòng giúp đỡ và hỗ trợ Fidel ngay từ những ngày đầu. Nhiều người còn hy sinh cả mạng sống của mình vì sự nghiệp của ông và cho đến ngày nay vẫn kiên trì bảo vệ tên tuổi và uy tín của ông, dù đã nhiều năm không gặp.
Bác sĩ René Vallejo, một nhà phẫu thuật lừng danh từng phục vụ trong Quân Đội Mỹ ở Châu u trong Thế Chiến Thứ II, đã gia nhập nghĩa quân Fidel ở Sierra, sau đó thành bác sĩ riêng và bạn đồng hành tâm đắc của ông. Cái chết của Vallejo, một trong những gương mặt đầu tiên có cảm tình nhất với cách mạng, sau khi lâm bệnh đột ngột vào năm 1969 lúc ông mới bốn mươi chín tuổi đã khiến cho Fidel Castro rất đỗi đau buồn. Cũng như Celia, bác sĩ Vallejo là người hoàn toàn không thể thay thế được trong cuộc đời của Fidel.
Về bằng hữu thân thiết, như đã nói ở trên, phải kể đến tình bạn không gì sánh bằng giữa Fidel và Che Guevara nhỏ hơn ông hai tuổi. Mặc dù Guevara, người mà Fidel gặp lần đầu tiên ở Mexico trong giai đoạn đang sắp đặt kế hoạch, có mặt trên con tàu Granma với tư cách là một bác sĩ (trong bảng danh sách ghi là “trung úy Ernesto Guevara, Trưởng ban Y tế”) nhưng chẳng mấy chốc Che đã trở thành một trong những tư lệnh chính của du kích quân. Do không có điện đài hoặc điện thoại, nên hầu hết thời gian chiến tranh ở miền núi, Fidel và các sĩ quan của ông thường truyền tin với nhau bằng thư tay qua giao liên (thường là phụ nữ). Những thư từ liên lạc này hầu hết vẫn còn được lưu giữ và qua đó cho thấy, dường như ngoài Celia ra, Fidel trao đổi thư từ với Che nhiều nhất.
Ở Sierra, họ là hai người duy nhất có năng lực trí tuệ ngang tầm nhau. Ngoài mệnh lệnh và báo cáo hành quân, họ còn trao đổi với nhau những câu chuyện về chính trị, minh họa những bước tiến về tư tưởng trong cuộc chiến du kích. Che nhấn mạnh đến thiên hướng cấp tiến của mình còn Fidel thì thực tế hơn về công tác chính trị của cuộc chiến. Trong thư, họ cũng tâm sự với nhau những câu chuyện riêng tư. Lúc bắt đầu cuộc tổng tiến công Batista vào tháng 5 năm 1958, Fidel đã viết cho Che: “Lâu quá mình không được nói chuyện với nhau, mà điều này lại rất cần.” Trong một bức thư khác, khi than phiền về việc thành phố không tiếp tế đạn dược như đã hứa, Fidel trả lời ngay trong dòng đầu tiên: “Chuyện này thực là tệ hại”. Khi thú nhận rằng Fidel đã đúng khi cảnh báo cho ông về việc địch sẽ tấn công, Che viết: “Y như nhiều lần trước, anh đã đúng. Bọn chúng chỉ còn cách chúng tôi trong gang tấc”.
Trong những năm đầu cách mạng, Fidel và Guevara không rời nhau. Họ không những là lãnh đạo cao cấp ở Havana đang bí mật đưa Cuba tiến lên chủ nghĩa xã hội mà còn là những người bạn không thể thiếu của nhau. Conchita Fernández, thư ký riêng của Fidel, người giúp Celia Sánchez trong thời kỳ đầu, nhớ rằng Fidel và Che gần như ngày nào cũng ăn trưa với nhau, cùng chia nhau bữa ăn nóng mà Celia Sánchez gửi từ nhà đến.
Bên cạnh, Chomy, là người phải cáng đáng nhiều việc nhất ở Cuba. Lúc gặp Fidel ở Sierra, Chomy là một thầy thuốc và sau khi cách mạng thành công ông là hiệu trưởng danh dự của trường Đại Học Havana một thời gian. Ông được gọi về dinh thay cho Celia và sau này được bầu vào Ủy Ban Trung Ương Đảng Cộng Sản Cuba.
Chomy có văn phòng riêng ở tầng trệt của dinh. Tuy nhiên, ông luôn có mặt mỗi khi Fidel cần và tham dự hầu hết các buổi họp chính thức cũng như gặp gỡ khách ngoại quốc, thường là kéo dài tới tận sáng sớm hôm sau. Mỗi lần Fidel nghĩ ra một sáng kiến mới nào hoặc có thắc mắc và yêu cầu gì – rất thường xuyên - là Chomy ghi chép lại, và sau đó chuyển đúng lệnh đến các viên chức có liên quan. Chỉ khi nào Fidel ngủ thì Chomy, với sáu nhân viên của ông, mới rảnh rỗi để làm việc của mình. Ông chịu trách nhiệm tổ chức và sắp xếp chương trình làm việc của lãnh tụ, và chỉ đạo Ban Lịch Sử Hội Đồng. Ông còn là người chống đối kịch liệt nhất việc ấn hành các tài liệu lịch sử hệ trọng liên quan đến Fidel và cuộc cách mạng đồng thời là người bảo quản tư liệu rất kỹ lưỡng.
Người đứng đầu “Nhóm Hỗ Trợ và Điều Phối” ở dinh là Bộ trưởng Chính phủ José A. Naranjo Morales, biệt danh “Pepín”, đã tham gia chiến đấu cùng với các du kích quân trong Ban Sinh Viên Cách mạng và sau đó trở thành thủ hiến tỉnh Havana. Naranjo là viên chức chính phủ đa năng. Ông lo những công việc chính trị không quan trọng cho Fidel và điều phối việc chuẩn bị các nghiên cứu tình hình và tin tức cho Fidel về mọi đề tài có thể nghĩ ra. Nhóm Hỗ Trợ này - gồm mười nam, mười nữ, được tuyển chọn rất kỹ, có quyền tự do vượt qua mọi lằn ranh quan cách trong đảng và chính phủ, được trang bị các máy điện toán tân tiến nhất - và được gọi không chính thức là “nhân viên của Fidel.” Những nhân viên tương đối còn trẻ này được chuẩn bị để sau này đề bạt vào các vị trí hành chính quan trọng. Người mới được cử điều hành mạng lưới truyền thanh và truyền hình nhà nước được tuyển từ những nhân viên này sau khi Fidel chỉ trích dữ dội (và rất đúng) chất lượng tồi tệ của truyền hình Cuba trong một buổi trò chuyện thân mật không ghi lại với các người lãnh đạo Liên đoàn Phụ nữ Cuba vào đầu năm 1985.
Tuy nhiên, những nhân vật thú vị nhất sống gần Fidel lại là những người ít khi lộ diện và họ đều thuộc Sở An Ninh Quôc Gia. Tướng José Abrahantes Fernández, người thay Ramiro Valdés làm bộ trưởng nội vụ năm 1985, vẫn còn chịu trách nhiệm trực tiếp an ninh cho Fidel, Lực Lượng Đặc Nhiệm trong Sở An ninh của ông là Nhóm Cận Vệ được tuyển chọn cẩn thận để bảo vệ Fidel và chế độ lúc lâm nguy. Các phân đội Đặc Nhiệm được tổ chức bên cạnh lực lượng an ninh mặc đồng phục giống như KGB của Liên Xô. Abrahantes, dù là bộ trưởng, nhưng vai trò chính trị khá hạn chế, trong khi hai nhân vật sau có liên quan đến Sở An Ninh từ lâu đã có vai trò quá mức quan trọng trong lãnh vực chính sách đối ngoại.
Một người là José Luis Padrón González, chức vụ của ông là chủ tịch Viện Du Lịch Quốc Gia (điều hành tất cả các khách sạn ở Cuba) kiêm phái viên mật và nhà thương thuyết quốc tế cho Fidel, qua mặt cả Bộ Ngoại Giao. Là cựu đại tá trong Sở An Ninh Quôc Gia (ở Cuba có nhiều viên chức liên quan tới Sở An ninh hơn ta tưởng), Padrón thuộc thế hệ cách mạng mới, dường như được chuẩn bị để đảm nhiệm quyền hành lãnh đạo cấp cao. Fidel đã có ấn tượng lần đầu với Padrón khi ông này giúp thu xếp để quân Cuba có thể tham gia các hoạt động quân sự ở Angola vào năm 1975 - ông được Sở An Ninh cử sang Luanda để giúp Phong Trào Nhân Dân Giải Phóng Angola (MPLA) không phải sụp đổ trong cuộc nội chiến sau khi giành được độc lập từ tay thực dân Bồ Đào Nha. Và kể từ đó, Padrón đã trở thành một nhân vật “bên trong” quan trọng.
Qua nhiều năm, Padrón (với sự trợ giúp của Tony de la Guardia, một đại tá khác thuộc Sở An ninh) đã bí mật gặp các viên chức cao cấp Bộ Ngoại Giao Mỹ ở Miami, New York, Washington, Atlanta và Cuernavaca, Mexico, để tìm kiếm các khả năng hòa hợp giữa hai nước. Chính Padrón đã bí mật thương thảo trong một thời gian dài và chỉ báo cáo với Fidel để cho ra đời hiệp ước năm 1979. Trong đó là các điều khoản Mỹ đồng ý nhận hàng ngàn tù nhân chính trị Cuba và những người Cuba lưu vong ở Mỹ được phép về thăm quê. Tuy nhiên, đầu năm 1986, Padrón đã hoàn toàn lui vào bóng tối, không còn thấy ông vào dinh và công việc của ông đã được giao lại cho người khác.
Một nhân vật nổi bật khác trong ngành An Ninh là Tư Lệnh Manuel Pinẽiro Losada, từ lâu được dân Cuba gọi là “Barba Roja” (tức ông râu đỏ, nhưng bây giờ râu đã bạc). Pinẽiro, Ủy viên Trung Ương Đảng Cộng Sản Cuba, là trưởng ban châu Mỹ, và với cương vị như thế ông là người điều phối chính tất cả các hoạt động của Cuba ở khu vực bán cầu này, từ Nicaragua, El Salvador đến Panama, Peru, Argentina và Mỹ.
Với cao vọng của Fidel muốn trở thành giới lãnh đạo châu Mỹ La tinh, vị trí của Pinẽiro mang một ý nghĩa hết sức quan trọng. Bài báo của ông đăng trong ấn bản đặc biệt Thu 1982 của tạp chí về tư tưởng của Đảng Cộng Sản Cuba, tờ Cuba Socialista, về “Khủng Hoảng của Chủ Nghĩa Đế Quốc Hiện Nay và Quá Trình Cách Mạng ở Mỹ La tinh và Caribê” đưa ra các gợi ý có cân nhắc về việc phát động “các cuộc cách mạng chống đế quốc, quần chúng và dân chủ,” nhấn mạnh nhiều đến các đơn vị Cộng sản với các đảng chính trị và tổ chức cánh tả khác. Tất nhiên, đây chính là bài học của cuộc cách mạng Cuba dưới sự chỉ đạo của Fidel và các đồng chí của ông, trong số đó Pineiro là người năng nổ nhất.
Pinẽiro bắt đầu chống Mỹ (vợ đầu của ông là người Mỹ) hồi đầu thập niên 1950 lúc ông theo học ở Đại học Colombia, New York. Ông từng cảm thấy bị sỉ nhục và trở nên cấp tiến vì thất bại trước “bọn con nít nhà giàu Nam Mỹ” trong các cuộc tranh cử vào chức chủ tịch hội sinh viên. Trở lại Havana, ông ở trong nhóm hoạt động ngầm chống Batista. Căn hộ ông ở là nơi chứa vũ khí trước khi cuộc tấn công đẫm máu của quân cách mạng non trẻ vào dinh tổng thống thất bại năm 1957. Sau đó, Pinẽiro gia nhập nhóm của Raúl Castro ở Sierra và cuối cùng làm chỉ huy quân sự ở Santiago.
Lúc Ramiro Valdés, chỉ huy phó của Che Guevara, trở thành người đứng đầu Phân Khu G-2 (an ninh và tình báo) của Quân Nổi Dậy, Pinẽiro được chỉ định làm nhân vật số hai của cơ quan này. Năm 1959, theo lệnh Fidel, ông chủ tọa phiên tòa xét xử lại các phi công của chế độ Batista và kết án rất nghiêm khắc sau khi họ đã được một tòa án khác tha bổng. Sau này, ông lên nắm quyền Phân Khu G-2. Ông là cảnh sát chính trị cao cấp của Cuba, dưới quyền Valdés, cho tới năm 1968 và phải ra khỏi vị trí này khi Sở An Ninh được tổ chức lại theo kiểu Liên Xô. Sau đó, Fidel giao cho ông phụ trách các vấn đề về châu Mỹ La tinh.
Năm 1972, Fidel đi công du ở châu Phi, Đông u và Liên Xô trong hơn hai tháng, Pinẽiro có mặt trong nhóm tháp tùng với tư cách là thành viên cao cấp và tên ông xuất hiện gần đầu danh sách đoàn Cuba trong tất cả các thông cáo chung ký với các chính phủ nước ngoài. Hiếm khi nào Pinẽiro vắng mặt trong các buổi tiệc xã giao ở Dinh Cách Mạng (ông thường đứng gần Fidel cùng với một nhóm quan chức cao cấp khác), và cũng thường thấy ông ngồi uống rượu giữa đêm với bạn bè trong văn phòng của Chomy ở tầng dưới. Và tất nhiên là ông thường xuyên ra vào phòng làm việc của Fidel ở lầu ba.
Antonio Nunẽz Jiménez, nhà địa lý, thám hiểm, sử học, một đảng viên Cộng Sản nhiệt thành và là thứ trưởng Bộ văn Hóa cũng được phép gặp Fidel vì ông đang đảm nhận việc viết một bộ sách tiểu sử gồm nhiều quyển về Fidel Castro. Nunẽz Jiménez (con gái ông kết hôn với José Luis Padrón, đã được đề cập bên trên) được coi là bạn đồng hành của Fidel trong hầu hết các chuyến công tác ở Cuba cũng như trong các kỳ nghỉ, nhưng lại không được chọn vào nhóm làm việc trong dinh. Cuối cùng còn phải kể đến Jorge Enrique Mendoza, chủ bút tờ Granma, cố vấn về tuyên truyền và ý thức hệ rất gần gũi với Fidel. Mendoza là một người Cộng Sản kiên định, cứng rắn và khó tính, quen Fidel từ khi ở Sierra, làm phát thanh viên Đài Truyền Thanh Nổi Dậy khi cuộc chiến bước vào giai đoạn cuối.
Fidel rất thích thú và cảm thấy cần thiết khi được sống trong tình thân hữu, giữa những người tâm đầu ý hợp về cá tính cũng như về tư tưởng mà không tìm cách gây ảnh hưởng chính trị với mình. Ông có rất nhiều bạn bè là người ngoại quốc. Trên hết là Gabriel García Márquez, nhà văn có bộ râu mép rậm người Colombia, đoạt giải Nobel Văn chương năm 1982. Márquez hiện là tiểu thuyết gia vĩ đại nhất châu Mỹ La tinh và cũng là người rất nể phục Fidel - điều này đã được ông thể hiện trước đây qua tùy bút “Anh Trai Fidel Của Tôi,” dựa trên cuộc nói chuyện của Fidel với cô em gái Emma. Tình bạn giữa Fidel và García Márquez khắng khít đến nỗi mỗi lần nhà văn Colombia này đến thăm Fidel là hai người thường sáp vào nhau trò chuyện liên tục, kéo dài từ tám tới mười tiếng đồng hồ, và rồi lại tiếp tục như vậy trong nhiều ngày đêm. Hồi năm 1984, cựu Tổng Thống Colombia Alfonso Lopéz Michelsen, được García Márquez mời cùng đi thăm Cuba. Tại đây ông có nhiều dịp cùng ngồi với hai người này. Ông kể rằng ngoài những chuyện khác, nhà văn này còn “giới thiệu cả những quyển sách” cho Fidel đọc nữa. Lopéz Michelsen nói tiếp: “Fidel say mê đọc sách một cách kỳ lạ. Gabito (gọi tắt từ tên của García Márquez) đem đến cho Fidel năm cuốn sách và lưu lại đây mười ngày. Đến ngày ông ấy về, Fidel bình luận cho Gabito về từng cuốn một. Những quyển sách này đâu hẳn là quá cần thiết phải đọc. Chúng chỉ là những sách có nội dung nhẹ nhàng dành cho các chính khách đọc để thư giãn thôi.”
Fidel rất thích được kết bạn với những người sáng tạo để trao đổi cảm xúc của ông với họ. Fidel rất được lòng giới trí thức. Trong số hàng trăm vị khách loại này của ông, từ các nhà tư tưởng lớn cho tới các diễn viên Brazil nổi tiếng trong các bộ phim truyền hình nhiều tập, là các triết gia Pháp Jean-Paul Sartre và Simon de Beauvoir, nhà sử học Mỹ Arthur M. Schlesinger, Jr., tiểu thuyết gia Anh Graham Greene, diễn viên Anh Alec Guinness mà sau chiến thắng năm 1959 đã cùng với Noel Coward bay sang Cuba vài tuần để quay phim “Người Đàn Ông Của Chúng Ta ở Havana”, và diễn viên Mỹ Jack Lemmon.
Nhà thơ Liên Xô Yevgeny Yevtushenko gặp Fidel ở Havana vào những ngày đầu cuộc cách mạng (ông thực sự đã học tiếng Tân Ban Nha trước đó), và ấn tượng của ông về những người cách mạng Cuba rất mạnh mẽ. Trong tự truyện của mình Yevtushenko kể lại câu chuyện hai chiến sĩ cách mạng Cuba, cả hai đều là họa sĩ nhưng một người theo trường phái hiện thực và người kia theo trường phái trừu tượng, tranh luận kịch liệt với nhau trong lúc chờ lệnh tấn công dinh Batista, và sau đó “tiếp tục chiến đấu cho sự tự do của tổ quốc mình và cả hai cùng hy sinh.” Yevtushenko thuật lại câu chuyện này khi Liên Xô ở trong thời kỳ hậu Stalin và đang phê phán chủ nghĩa giáo điều. Ông muốn dùng cuộc cách mạng ở Cuba như một thí dụ để nói lên những tự do mới.
Tiếp xúc với giới nghệ sĩ và trí thức là một trong những niềm vui lớn và là nguồn hứng khởi của Fidel. Ở bình diện khác, ông cũng bày tỏ sự quan tâm muốn hội kiến với Henry Kissinger (ông này cũng tò mò muốn biết về Fidel) cũng như David Rockefeller, và năm 1982, ông đã thích thú khi được mật nghị với Trung tướng Vernon A. Walters, cựu phó giám đốc Cục Tình Báo Trung Ương và là đại sứ lưu động được Tổng Thống Reagan cử sang Havana.
Thực sự là lòng ngưỡng phục xung quanh Fidel tiếp tục lan rộng. Đây là vấn đề rất bức xúc đối với ông, và Fidel luôn tỏ ra giận dữ phản bác những ý kiến như vậy và nhấn mạnh rằng quyết định đầu tiên của cách mạng là cấm đặt tên đường phố cho những lãnh tụ cách mạng đang còn sống hoặc dựng tượng đài cho họ.
Có thể thấy điều này đã được tuân thủ nghiêm ngặt ở Cuba. Người ta chỉ thấy tên của những anh hùng liệt sĩ như Che Guevara, Camilo Cienfuegos, Célia Sánchez, và những người khác được đặt tên cho trường học, bệnh viện, nhà máy… (đặc biệt có tên tuổi liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi và tượng của Chủ tịch Hồ Chí Minh của Việt Nam). Trên các đường phố và xa lộ cũng rất hiếm khi thấy chân dung của Fidel xuất hiện trên các tranh cổ động chính trị lớn.
Tuy nhiên, sự ngưỡng mộ về ông lại được các phương tiện truyền thông đại chúng đề cao. Tất cả những tước hiệu của ông – Tổng Tư Lệnh, chủ tịch Hội đồng Nhà nước, chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Cuba – đều được nhắc đến mỗi khi đề cập đến ông trong các ấn phẩm hoặc trên sóng vô tuyến, đôi khi cả trên mỗi đoạn văn. Trong các bài xã luận hoặc các bài phát biểu thường ngợi ca ông là người “dẫn dắt đất nước Cuba”, và trong Hiến pháp Cuba năm 1976 ghi nhận rằng quyết định “đưa Cách Mạng đến thắng lợi... dưới sự lãnh đạo của Fidel Castro.”
Mỗi lần Fidel xuất hiện trước công chúng - dù đó là những công việc thường xuyên - được in trang trọng trên trang nhất của các báo và là tin tức hàng đầu trong bản tin truyền hình tối hôm đó. Hầu như tất cả các bài diễn văn của ông đều được phát hành toàn văn, đôi khi dưới hình thức những phụ trương đặc biệt…
Lịch sử ghi nhận rằng sở dĩ Napoleon thành công trong việc trị vì nước Pháp là vì ông duy trì được toàn bộ nhóm tướng lãnh trung thành nhưng bộc trực của mình. Với Fidel, cái chết đã cướp mất khỏi tay ông những người bạn thân chí cốt, tài giỏi. Việc quân sự hóa dần xã hội Cuba, bắt đầu lại vào đầu thập niên 1980, lại càng nhấn mạnh hơn vai trò Tổng Tư Lệnh của Fidel Castro, và các khẩu hiệu, được vẽ trên tường hoặc lặp lại không ngừng trong những bài phát biểu gần như mỗi ngày qua radio và truyền hình, “Tổng Tư Lệnh! Ngài Hãy Ra Lệnh Đi!” và “Tổng Tư Lệnh! Đội Hậu Bị Đã Sẵn Sàng!”. Câu nói đầy thách thức “Ở Đây Không Có Kẻ Qui Hàng!” nổi tiếng của Juan Almeida Bosque trong giai đoạn bị bao vây ở khu ruộng mía Alegría de Pío cũng được làm sống lại.
Cũng không lạ gì khi nhân dân Cuba thường nghĩ rằng họ đang sống trong một đất nước bị vây hãm, thường xuyên đương đầu với nguy cơ bị Mỹ tấn công vũ trang. Các cuộc động binh thường xuyên của Mỹ qua hành động xâm lược Vịnh Con Heo, can thiệp quân sự vào Cộng hòa Dominica năm 1965, cuộc xâm lược Grenada năm 1983, hoạt động “chống” Nicaragua của CIA và lời cảnh cáo đều đặn sẽ đánh vào “cội nguồn” của mọi vụ “lộn xộn” ở Trung Mỹ – ý nói Cuba, đặc biệt gần đây là việc Mỹ lợi dụng việc Cuba xử mạnh tay những kẻ cố tình tổ chức cướp tàu, máy bay qua My để gây bất ổn cho Cuba - đã khiến Fidel có đủ lý do coi việc phòng thủ quốc gia là nhiệm vụ hàng đầu của Cuba. Điều tất yếu không tránh khỏi là hiện tượng này đã đặt đảo quốc Cuba luôn ở trong tình trạng khẩn cấp và giới lãnh đạo quân sự ở Cuba phải là người có quyền hành tuyệt đối.
Fidel tiếp cận nhiều nguồn thông tin và dữ liệu. Fidel thường rút ra những kết luận rất chính xác là nhờ vào bản năng chính trị siêu việt của ông. Thành ngữ ông ưa thích là câu “Chúng ta hãy phân tích điều đó đi,” và ông trở nên hoạt bát hẳn lên khi bước vào quá trình phân tích một đề tài nào đó, trong nhiều giờ liền, trước các vị khách hoặc nhân viên của mình.
Sự khát khao thông tin của Fidel thật khủng khiếp. Mỗi ngày ông đọc tất cả các báo và tạp chí xuất bản ở Cuba và còn liên tục suốt ngày đêm nhận được những bản điện tín gởi đến từ các hãng thông tấn u Mỹ và từ hãng thông tấn Prensa Latina của Cuba, đọc lướt qua thật nhanh và để riêng sang một bên những tin ông quan tâm. Ăng ten đĩa ở Dinh Tổng Thống không ngừng đón bắt tin tức truyền thanh và truyền hình phát đi từ Mỹ; kể từ năm 1985, nhà nước mỗi năm bỏ ra nửa triệu Mỹ kim để mua dịch vụ tài chánh được điện toán hóa mở rộng của Reuter, hãng thông tấn Anh. (Mỹ cấm giao thương với Cuba nên không mua được dịch vụ đó của Mỹ).
Fidel cũng thường xem qua các thông điệp hàng ngày và báo cáo từ các tòa đại sứ Cuba ở nước ngoài gửi về. Ông đều đặn nhận được những mẩu báo, các đặc san, các bài tường thuật và sách. Một số được dịch sẵn hoặc đã tóm lược, số còn lại hoàn toàn là nguyên tác (Fidel viết tiếng Anh giỏi nhưng ông ít nói). Mùa hè năm 1985, ông đọc và gần như thuộc lòng tài liệu nghiên cứu về thủ tục bảo hộ mậu dịch của Mỹ do phòng thương mại Nhật soạn ra. Fidel quan tâm sâu rộng nhiều lĩnh vực đến nỗi hầu như đề tài nào cũng có thể thu hút và kích thích ông tìm hiểu thêm, nhất là liên quan đến vấn đề phát triển kinh tế, nông nghiệp, y tế cộng đồng và giáo dục.
Fidel có khả năng và cảm thấy thú vị là tự mình suy diễn những kết luận bất ngờ từ các dữ liệu mà ông có, chủ yếu biến chúng thành một luận điểm dễ gây xúc động. Có lần nói về khoản nợ nước ngoài khổng lồ của châu Mỹ La tinh, Fidel thông báo với cử tọa rằng, bằng giấy và bút, ông đã tính được rằng mỗi công dân ở khu vực này không chỉ phải mắc nợ bao nhiêu mà số nợ đó còn tương ứng bao nhiêu đối với một mẫu đất canh tác nữa. Các con số thống kê lạ lùng này thường gây ấn tượng cho người nghe và Fidel còn tính được quốc gia Caribê cần xuất khẩu bao nhiêu cân đường để có thể nhập về một máy kéo từ “các nhà tư bản,” nhấn mạnh rằng chi phí dùng để mua xe kéo tương ứng với việc xuất khẩu đường mía ngày càng tăng lên rất nhiều. Cách nói đó rất dễ hiểu đối với dân Mỹ La tinh vì các số liệu thống kê về cán cân thanh toán rất trừu tượng đối với hằng triệu dân nghèo ở khu vực bán cầu này và là một chính sách đối ngoại rất hiệu quả đối với Cuba.
Khi Fidel vắng mặt ở Havana, điều này là thường xuyên, trực thăng mỗi ngày hai lần chuyển tới cho ông các ấn phẩm, bản tin điện của các hãng thông tấn, báo cáo ngoại giao và mọi thứ khác giúp ông luôn được cập nhật đủ thông tin. Ngay cả những kỳ nghỉ vài ngày ở xa tận Caribê, ông cũng vẫn theo thói quen nghiền ngẫm hết tất cả các tài liệu này.
Có lần, lúc nói chuyện với một người bạn ở Washington tới, Fidel tò mò về công việc cập nhật thông tin ở Nhà Trắng, muốn biết là Tổng thống Reagan được cung cấp bao nhiêu thông tin và thường xuyên tới mức nào. Khi người bạn đáp rằng các Tổng thống Mỹ thường chỉ được cung cấp thông tin mỗi ngày một lần, và cũng chỉ là buổi thuyết trình khá ngắn gọn về tin tình báo và chính sách ngoại giao, Fidel không bình luận gì song ông có vẻ ngạc nhiên.
Những khách ngoại quốc (chủ yếu là từ Mỹ) - Fidel gặp nhiều đến mức ngạc nhiên cả về số lượng lẫn thời gian tiếp khách - thường bị ông hỏi hết chuyện nọ sang chuyện kia. Khi một nhà kinh doanh dầu hỏa ở Texas, trở thành triệu phú nhờ tự lập, tháp tùng một dân biểu Texas, bạn Fidel, đến ăn tối tại nơi câu cá của Fidel trên hòn đảo nằm ngay phía nam Vịnh Con Heo, ông này đã được Fidel hỏi han chi tiết về câu chuyện làm giàu của mình và về việc khoan dầu ngoài khơi. Một dân biểu Arkansas đi với một nhà môi giới gạo thành đạt được ông gạn hỏi về kỹ thuật trồng trọt vì Cuba vẫn còn là nước phải nhập khẩu gạo và đang muốn tăng sản lượng gạo nội địa lên. Một người Mỹ khác cũng được hỏi về các chính sách thuế của Reagan (và Fidel đã nói với ông ta là thuế doanh thu sẽ dễ được dân Mỹ chấp nhận hơn là thuế đánh vào mức thu nhập cao). Một ký giả vừa thăm Mexico tới thì được hỏi về chuyện xóa bỏ việc trồng cây thuốc phiện (Cuba cấm các loại ma túy nhưng Fidel nhìn nhận rằng trong chiến tranh ông vẫn cho phép một số nông dân Sierra trồng cần sa vì đó là nguồn thu nhập duy nhất của họ - bây giờ đã bị cấm hẳn). Một phi công Texas thì được Fidel nhờ chỉ giúp loại máy bay phản lực cá nhân nào là tốt nhất.
Người Mỹ chắc phải kinh ngạc vì tính thân mật của Fidel. Khi nhà triệu phú dầu hỏa Texas nói trên (cũng để râu) mới từ trực thăng quân sự đặt chân xuống nơi câu cá vào tối khuya, ông ta suýt nữa va vào một bóng người rậm râu, cao lớn trong chiếc áo len, áo gió, nón đi biển và giày thể thao toàn màu xanh đậm. Người đàn ông mặc đồ xanh lên tiếng “Chào mừng ông đến Cayo Piedra” và khi người bạn dân biểu bắt đầu thủ tục giới thiệu nhà doanh nghiệp này, Fidel nói ngay, “Chúng tôi vừa mới gặp nhau. Chúng tôi va phải nhau nhưng nhờ bộ râu của nhau nên chúng tôi mới không đau.”
Fidel thích tiếp xúc với nhiều người, đặc biệt là người Mỹ. Chỉ trong thời gian sáu tháng, ông liên tiếp gặp một đoàn giám mục Thiên Chúa Giáo La Mã Mỹ, khoảng một chục dân biểu, con gái của Robert F. Kennedy và Nelson Rockefeller (vào những dịp riêng biệt), sáu nhà xuất bản sách, hai thông tín viên truyền hình (và đoàn làm phim), các phóng viên từ các tờ báo hàng đầu tại Mỹ, một viên chức ngoại giao cấp trung và đã từng bày tỏ ý kiến thù địch với Cuba (người này đã tưởng Fidel sẽ không tiếp ông trong chuyến công tác của mình), một nhạc sĩ nhạc Jazz nổi tiếng, một số nhà doanh nghiệp và nhiều nhà sinh học biển.
Cũng thời gian này, ông tiếp các tổng thống Algeria và Ecuador, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, nhiều bộ trưởng nội các từ khắp thế giới, các lãnh tụ thuộc các tổ chức chính trị, lao động, báo chí của châu Mỹ La tinh (đến Cuba để dự các hội nghị về kinh tế bán cầu, với sự tham dự của Fidel trong các phiên họp kéo dài cả ngày) và các nhà doanh nghiệp Mexico và Nhật muốn giao thương với Cuba.
Với trí nhớ phi thường, Fidel dường như tiếp thu và nhớ hết mọi điều ông đọc, nghe và thấy trong nửa thế kỷ qua. Trí nhớ của Fidel làm việc còn hơn cả memoria technica (bộ nhớ nhân tạo) – thuật ngữ mà người La Mã đã đặt tên cho kỹ thuật ghi nhớ của các nhà hùng biện cổ xưa vì ông có khả năng diễn thuyết biến hóa theo các chủ đề trước cử tọa mà không bao giờ quên các dữ kiện và con số. Hồi còn là sinh viên luật, Fidel đã hoàn tất chương trình hai năm cuối chỉ trong một năm miệt mài học ngày đêm và khi đã thuộc nằm lòng ông đã hủy hết mọi tài liệu đã thuộc lòng để buộc mình phải dựa vào trí nhớ.
Là người ham đọc sách, công việc chủ yếu của Fidel trong gần hai năm bị giam giữ là đọc sách, Fidel đã tích lũy các kiến thức và trở nên uyên bác đến mức kinh ngạc. Trong lúc câu chuyện đã bớt căng thẳng hoặc trong các bài diễn văn ứng khẩu, ông dễ dàng tuôn ra các dẫn chứng, từ những luật lệ mơ hồ của La Mã về việc hoãn trả nợ cho tới lời phê bình của Victor Hugo về Louis Bonaparte, tức “Napoleon con,” từ các truyền thuyết về sự chinh phục Tây Ban Nha cho đến việc trích dẫn các câu nói của Abraham Lincoln và José Martí, từ một đoạn văn bị quên lãng của Lenin cho tới một câu thơ của Curzio Malaparte. Trong một lệnh chiến trường được viết tay khi còn chiến đấu ở Sierra, có lần ông chua vào một câu bằng tiếng La tinh để đốc thúc một giải pháp manu militari (* bằng sức mạnh) trong một tình huống nguy hiểm cận kề.
Hiện tại, Fidel vẫn làm việc với tốc độ chóng mặt dù ông nói rằng ông đang giảm bớt đi. Ở trong hay ngoài nước, Fidel đều tuân thủ giờ giấc làm việc rất nghiêm ngặt. Ông thường tỏ ra bức xúc, khó chịu và miễn cưỡng với những lịch trình không thể biết trước. Thái độ tôn trọng giờ giấc này chỉ được ông nhân nhượng ở những việc mang tính chất công - nhưng gần đây ông lại bắt đầu áp dụng đúng theo tính cách của mình. Fidel nổi tiếng rất đúng giờ. Tại Đại Hội Đảng Cộng Sản Cuba vào tháng hai năm 1986, Fidel đã phê bình các đại biểu đến dự cuộc họp lúc 9 giờ sáng trễ vài phút, lớn tiếng trách rằng là đảng viên mà không thể đi họp đúng giờ thì làm sao có thể điều hành được đất nước.
Fidel dường như ngủ rất ít. Ngay cả những lúc trong hoàn cảnh tốt đẹp nhất, ông cũng không đi ngủ trước ba bốn giờ sáng. Thế nhưng sáng hôm sau, tại hội nghị quốc tế hay buổi tiếp tân, trông ông vẫn thoải mái và tươi tỉnh. Hồi còn ở Havana, Fidel có thể ngủ ở căn hộ phố Mười Một, trong buồng ngủ nhỏ sau phòng làm việc của ông ở tầng ba Dinh Cách Mạng, tại căn biệt thự mới và rất riêng tư của ông ở ngoại ô phía tây Havana, hoặc ở bất cứ nơi nào như nhà của bạn bè.
Vào năm đầu tiên của cách mạng, Fidel sử dụng tầng thứ hai mươi ba khách sạn Havana Libre tại trung tâm La Habana (trước đây là khách sạn Havana Hilton) làm nơi ở và làm việc ngoài những nơi khác như căn hộ của Celia Sánchez trên phố Mười Một, ngôi nhà thoáng mát nằm trên ngọn đồi trông ra biển ở làng chài Cojímar, cách thành phố năm dặm về phía đông, và căn nhà cạnh nhà hát Charlie Chaplin (giờ là Carlos Marx) ở khu dân cư Miramar. Bởi vậy, dạo đó mọi người, có khi cả Celia Sánchez, khó biết được Fidel chính xác đang ở đâu. Và sau đó là các văn phòng nổi tiếng tại tòa nhà Viện Cải Cách Ruộng Đất Quốc Gia (INRA). Conchita Fernández, thư ký cũ của ông, nhớ là Fidel lúc nào cũng vội vã di chuyển từ nơi này qua nơi khác trong và ngoài Havana bằng đoàn xe Oldsmobiles (sau này được thay bằng xe Mercedes-Benz màu đen) có cảnh sát mang súng bảo vệ, mang theo bên người chiếc cặp đựng các giấy tờ, báo cáo và ghi chú. Ông thường làm việc trong lúc xe chạy, nghiên cứu tài liệu hay đọc cho Conchita viết thư hay một vài ý tưởng. Bà nhớ lại, “Ông không bao giờ nghỉ ngơi ở bất cứ đâu, kể cả trong xe.”
Conchita nhớ là có vài lần vào tám giờ sáng Fidel đã đến văn phòng của mình ở INRA, “và sau đó ông lại đi đâu đó trong ba bốn ngày, buổi sáng không thấy ông ghé vào, cả chiều tối cũng vậy”. Có lần Fidel bảo Conchita, “Tôi sẽ nghỉ ngơi trên trường kỷ vài giờ, cô nhớ đánh thức tôi dậy vào những giờ này, giờ này nhé,” tuy nhiên, chỉ mười phút sau đã thấy ông quay lại văn phòng để đọc thư.
Hai mươi lăm năm sau, cuộc sống Fidel đã ngăn nắp và thanh lịch hơn, có nhiều phương tiện hơn song thái độ và cách cư xử của ông không thay đổi nhiều. Ông có trực thăng Liên Xô hạng sang, có bọc một lớp gỗ bên trong, cũng như một đoàn xe limousine Mercedes-Benz (ông thường di chuyển trong ba xe gồm ba chiếc, trong đó hai chiếc chở lực lượng cận vệ), song ông vẫn rất mê đi trên những phương tiện giống như xe jeep. Fidel thích tự mình lái chiếc Gazik của Liên Xô khi về vùng quê và được chở đi trong chiếc xe này khi đi ở ngoại ô Havana, nhắc ông nhớ đến Sierra, thời kỳ mà ông thường kể là “thời gian hạnh phúc nhất” đời mình. Thỉnh thoảng, ông chuyển từ chiếc Gazik sang limousine hoặc ngược lại (tất cả các xe này đều có xe vũ trang đi theo). Trong những lần như vậy, ông dường như không tỏ vẻ lo lắng về an ninh, có lúc ông còn ngừng lại khi gặp đèn đỏ nữa mặc dù xe của ông được quyền qua.
Là nguyên thủ quốc gia, Fidel hưởng cuộc sống tiện nghi đầy đủ và ưu đãi, tuy nhiên vẫn ở mức độ khiêm tốn nhất so với nguyên thủ ở các quốc gia khác, kể cả các quốc gia xã hội chủ nghĩa khác. Việc phô trương sự sang trọng lịch thiệp nhất được dành cho những buổi tiếp tân các vị khách quí ở tầng trệt của dinh. Hàng ngàn khách được mời dự trong một khu vực rộng mênh mông, được trang trí bằng cây xanh và các cây dương xỉ hiếm mang về từ Sierra Maestra. Theo thông lệ, Fidel đi cùng các vị khách danh dự để ông giới thiệu họ với bạn bè ông. Các loại thịt, cá, tôm hảo hạng được thết đãi cùng với rượu rum Cuba lâu năm (Isla de Tesoro) và đôi khi cũng có rượu whisky Chivas Regal của Êcốt. Trong một nước vẫn còn thiếu lương thực thì đãi tiệc như vậy là rất sang trọng. Tuy nhiên, chúng không như những buổi yến tiệc của các nguyên thủ khác - được chiêu đãi với cá caviar và rượu sâm banh - và thường kết thúc sớm mà không có ai quá chén.
Những dịp như vậy, cũng như trong các hội nghị lớn hoặc các kỳ họp Quốc Hội, Fidel chọn bộ đồng phục chính thức màu nâu của Tổng Tư Lệnh, với hàm hiệu là một ngôi sao duy nhất trên nền hình thoi màu đỏ đen cùng nhành nguyệt quế. Áo sơ mi thì màu trắng và cà vạt màu đen. Những dịp khác, ông thích mặc bộ quân phục màu xanh ô liu bằng vải dày và được may cắt rất khéo. Bộ quân phục khá nặng dù cổ không cài khuy và Fidel mặc áo chẽn bên trong chiếc áo khoác có dây kéo phía trước này. Để được thoải mái trong bộ quân phục này, ông cho mở hệ thống máy điều hòa trong dinh lạnh đến mức mà các trợ lý nào chỉ mặc guayabera - áo sơ mi thể thao theo kiểu Cuba – sẽ cảm thấy lạnh cóng.
Thỉnh thoảng Fidel chọn bộ quân phục dã chiến màu xanh ô liu, đội nón kết lên trên mái tóc tém gọn ngay cả khi đang ngồi trong văn phòng hay ở nhà bạn bè. Những lần như vậy chân ông lúc nào cũng xỏ đôi giày nhà binh màu đen.
Vì truyền thuyết Sierra Maestra và sự trân trọng dành cho bộ quân phục xanh ô liu, hình ảnh về Fidel vẫn luôn là hình ảnh của người lính du kích không màng đến chuyện ăn mặc. Tuy vậy, ông không phải là người hoàn toàn thờ ơ với cách ăn mặc của mình. Hồi còn là lãnh đạo sinh viên và là nhà chính trị mới tập tễnh bước chân vào chính trường bằng việc tham gia vào các cuộc bầu cử, Fidel thích mặc những bộ quần áo sẫm màu và thắt cà vạt khi mặc loại áo guayabera mà đa số nam giới Cuba hay mặc. Ông đã bước ra khỏi nhà tù trở về Havana trong trang phục này, và rồi cũng mặc chúng khi sống lưu vong ở Mexico cũng như khi hoạch định chuyến viễn trình cho chiếc Granma. Những tấm ảnh chụp ở giai đoạn này cho thấy Fidel trông cao ráo và lịch thiệp, với chiếc khăn tay ló ra khỏi túi áo khoác và một bộ ria mép thẳng tắp như được vẽ bằng bút chì. Với thế giới, ông trông như một công tử con nhà triệu phú (mặc dù khi ra khỏi tù ông chỉ có duy nhất một bộ đồ). Ông biết rằng hình ảnh đó sẽ có tác động về mặt chính trị hơn hình ảnh một thanh niên trẻ trung trong bộ quần áo bình thường. Trong tấm ảnh chụp với Fidelito, con trai ông, vài giờ trước cuộc đột kích ở Moncada năm 1953, trông ông bảnh bao và sang hơn. Bộ quân phục hành quân ngày nay hoàn toàn phù hợp với những ý đồ ăn mặc trước cách mạng của Fidel.
Vốn bị cận thị khá nặng, nên dù không thích, Fidel vẫn phải cần đến chiếc kính gọng sừng mỗi khi ông muốn nhìn rõ hơn. Ông vẫn luôn đeo kính hồi còn ở Sierra và trong cuộc chiến Vịnh Con Heo và một trong những tấm bích chương in ra lúc đó là hình Fidel trên mặt trận đầu đội mũ bê rê và mắt đeo kính. Là một thiện xạ siêu hạng, Fidel thường đeo kính khi bắn và đã chế ra một hệ thống giúp hai mắt vẫn mở thay vì phải nheo một mắt khi ngắm bắn như các xạ thủ khác, vì khi đeo kính ông bắn chính xác hơn.
Fidel Castro là một người cẩn thận và cầu toàn. Ông thường bỏ ra nhiều giờ để sửa lỗi và biên tập các diễn văn và bài viết của mình để cho câu từ hoàn hảo theo văn phong tiếng Tây Ban Nha. Thỉnh thoảng, ông làm công việc này trong khi xe đang chạy rất nhanh, khiến cho các thư ký của ông khi đọc bản thảo cũng khó đoán ra dù họ đã quen với nét chữ của Fidel. Gallego Fernández, vị phó chủ tịch, nhớ lại lần Fidel thảo một bức thư gửi một nguyên thủ quốc gia nước ngoài ngay trong chiếc limousine của ông. Tài xế được lệnh cho xe chạy loanh quanh đến bốn tiếng đồng hồ cho tới khi ông soạn xong bức công văn tỉ mỉ đó vì ông không muốn bị mất tập trung nếu phải ngưng lại để đi lên văn phòng.
Fidel vẫn thường ứng khẩu phát biểu nhiều bài diễn văn, nhưng ông thừa nhận rằng đối với những bài diễn văn tối quan trọng ông phải viết ra giấy trước, chẳng hạn như bài phát biểu tại Liên Hiệp Quốc ở New York năm 1979 và hội nghị thượng đỉnh Phong Trào Không Liên Kết ở New Delhi năm 1983. Những bài diễn văn ngẫu hứng của Fidel thường hay hơn nhiều, song bản tánh cầu toàn đôi lúc đã trỗi lên trong con người ông. Như lần uống rượu vào buổi trưa ở nhà một người bạn ở Havana, khi nhìn thấy chai rượu được khui ra và đậy nắp hơi lệch, ông cảm thấy khó chịu và cuối cùng phải đưa tay với lấy chai rượu vặn lại cho ngay mới thấy yên lòng.
Những lần hiếm hoi Fidel có vẻ thực sự thư giãn là lúc ông ở cùng với vài người bạn tại Cayo Piedra - một hòn đảo núi lửa nhỏ ở Caribê, cách bờ biển Cuba mười dặm về hướng nam, nơi gần với thiên nhiên. Ông đã bay bằng trực thăng đến đây để chơi môn thể thao ưa thích là săn bắt cá dưới nước. Dạo trước nơi đây là địa điểm đặt ngọn hải đăng, có một căn nhà bốn gian đơn sơ của người gác hải đăng, với hàng hiên và giàn cây leo hình vòng cung. Sau đó, nơi này thành nhà của Fidel. Khách được ở trong gian nhà khách hiện đại phía bên kia đảo (có bộ sưu tập các tác phẩm của José Martí, nhưng không có sách của Marx hay Lenin) và các bữa ăn đều được dọn ra trên chiếc phà neo chặt vào bến. Cayo Piedra có một hồ bơi mà sáng nào Fidel cũng ra đó bơi rất lâu. Một bãi đáp trực thăng là tiện nghi tối cần thiết ở đây.
Hầu như cả ngày họ đi săn bắt cá ngoài khơi trên một trong hai chiếc xuồng máy lớn (luôn có hai xuồng tên lửa hải quân đi theo hộ tống) và Fidel trong bộ đồ lặn lặn sâu dưới nước với cây súng phóng lao. Là thợ lặn cừ khôi, ông mời Jacques-Yves Cousteau, nhà thám hiểm đại dương nổi tiếng của Pháp, cùng bơi ra khỏi Cayo Piedra trong thời gian vị khách người Pháp này ở Cuba nghiên cứu đời sống biển. Sau mỗi lần lặn, bác sĩ của Fidel nhỏ thuốc mắt và mũi cho ông. Vào bữa tối, họ dùng món súp rùa tươi (được nuôi ở xa bờ), rồi đến món cá đút lò và tôm hùm do chính Fidel đâm được.
Các bữa ăn của Fidel đều tương tự nhau - ở Cayo Piedra, tại ngôi nhà ven biển trên Đảo Thanh Niên nơi ông thỉnh thoảng cũng ra câu cá, hoặc ở khu quân sự phía tây Cuba, nơi ông khoác lên người bộ quần áo ngụy trang – được ông gọi là bộ đồ “lính đánh thuê” – để săn vịt trời trên khu đầm rộng bát ngát được phủ một phần bởi rừng và đước. Trước hết là uống rượu cocktail và nói chuyện phiếm - thường là về cuộc đi săn hay bắt cá trong ngày – và đôi lúc cũng có những câu chuyện nghiêm chỉnh, kế đến ăn tối theo từng nhóm nhỏ, đôi khi kéo dài tới quá nửa đêm. Đây là một trong những khung cảnh ưa thích của Fidel để tạo niềm hứng khởi trong trò chuyện. Lúc đó ông diễn giải rất sinh động cuộc cách mạng Cuba với các vị khách nước ngoài, làm say mê cả các dân biểu cánh hữu của đảng Cộng Hòa Mỹ đến thăm đảo quốc này. Fidel thường trả lời phỏng vấn trong phòng làm việc của ông, một căn phòng chữ L trống trải với các kệ sách kê phía sau bàn làm việc. Ông thường ngồi trên ghế bành đặt bên dưới bức tranh tường theo phong cách hiện đại Cuba để nói chuyện. Trên một bức tường khác, chân dung Camilo Cienfuegos đang nhìn xuống. Bàn làm việc của Fidel được bày biện ngăn nắp hợp lý gồm một máy thu thanh bán dẫn lớn (các máy điện thoại để trên chiếc bàn nhỏ kê sát bàn làm việc), băng cassette, các chồng hồ sơ, một hũ đựng loại kẹo ông thích và cho tới cuối năm 1985, còn có những hộp xì gà dài ngắn đủ cỡ. Dạo sau này ông thích hút xì gà loại ngắn nhưng đột nhiên vào khoảng tháng mười năm 1985, ông quyết định bỏ hút thuốc. Fidel tuyên bố điều này trong cuộc phỏng vấn trước Giáng Sinh trên truyền hình Brazil. Câu chuyện này trở thành đề tài hấp dẫn đến mức sau đó chúng xuất hiện trên các bản tin truyền hình từ Mỹ tới Nhật và được in nổi bật trên báo chí khắp thế giới. Ông tuyên bố: “Đã từ lâu tôi rút ra kết luận rằng sự hy sinh cuối cùng mà tôi làm vì sức khỏe cộng đồng là bỏ hút thuốc; tôi thực sự cũng không nhớ nhiều đến việc này.” Để chứng minh cho sức mạnh ý chí của mình – và cũng là vì sức khỏe bản thân - dù đã bắt đầu hút thuốc từ năm mười lăm tuổi, khi còn học trung học, có cơ sở để tin rằng Fidel sẽ quyết tâm thực hiện ý nguyện này. Ông giải thích: “Nếu có ai bắt tôi bỏ thuốc chắc tôi sẽ khổ sở lắm … nhưng vì tôi tự buộc mình phải ngưng hút thuốc, không được hứa hẹn này nọ, thì lại được.”
Nhiều năm trước, Fidel đã khơi màn một chiến dịch chống thuốc lá lớn để thuyết phục dân Cuba rằng thuốc lá, sản vật đã khiến đảo quốc này nổi tiếng, rất có hại cho sức khỏe của họ. Truyền hình, truyền thanh, biểu ngữ, bích chương, và báo chí đều được huy động cho chiến dịch này (ví dụ cảnh các phụ nữ mang thai xuất hiện trên truyền hình phát biểu hút thuốc có thể ảnh hưởng tới bào thai) và giá thuốc lá được tăng lên gần hai Mỹ kim một gói. Bất cứ ai xa cách Cuba lâu ngày khi quay về lại đều lấy làm ngạc nhiên khi thấy Cuba không còn là một quốc gia ghiền thuốc lá nữa. “Hy sinh cuối cùng” của chính Fidel là vũ khí tối hậu trong chiến dịch này và cho thấy rằng việc gì ông đã hứa thì ông sẽ làm.
Nếu Fidel đã tự xóa bỏ đi hình ảnh thân quen của riêng ông vốn gắn liền với điếu xì gà thì ông đã tuyên bố rất rõ ràng là biểu tượng bộ râu sẽ vẫn còn. Cũng như trước đây, Fidel giải thích, như đã từng giải thích trong quá khứ, rằng ông và đồng đội đã để râu ở Sierra chỉ vì việc cạo râu gặp nhiều phiền toái. Dần dà, hình ảnh những người rậm râu được tôn kính và Fidel nhận ra rằng “bộ râu đã trở thành biểu tượng của du kích.” Tuy vậy, ông cũng lưu ý rằng để râu “cũng có lợi về mặt thực tiễn” vì “nếu phải dành ra mười lăm phút một ngày để cạo thì một năm tốn mất năm ngàn phút cho việc cạo râu” – và thời gian này được dùng để đọc sách hay tập thể dục thì tốt hơn. Ba mươi năm sau nữa ý nghĩ về một Fidel không có bộ râu quả thực rất phi lý về mặt chính trị. Bộ râu thực sự đã trở thành một nhân dạng riêng và biểu tượng của chính Fidel.
Cũng có đôi lúc, Fidel kể chuyện về các chuyến công du nước ngoài và dân tộc ông đã gặp ở từng lục địa. Mỹ là đất nước mà ông biết nhiều nhất. Hồi còn trẻ, ông đã đến đây ba lần: lần thứ nhất khi ông đi hưởng tuần trăng mật vào năm 1948, lần thứ hai xảy ra một năm sau đó khi ông phải trốn vì những lời đe dọa thanh toán ông từ nạn bè phái chính trị ở Havana và cuối cùng vào năm 1955 ông đến đây để gây quỹ cho cuộc cách mạng ông định khởi sự ở Cuba từ Mexico. Tháng tư năm 1959, Fidel trở lại Mỹ trong tư cách người đứng đầu phong trào nổi dậy thắng lợi (ông gặp Phó Tổng thống Richard Nixon và đã làm say mê khách khứa tại tòa đại sứ Cuba ở Washington, khi ông diễn thuyết kêu gọi họ “hãy giúp tôi giúp đất nước tôi”) và thêm hai lần khác để đọc các bài diễn văn nảy lửa trước Liên Hiệp Quốc.
Dạo còn là lãnh tụ sinh viên, Fidel đã đi vòng quanh Panama, Colombia và Venezuela. Ngay sau cách mạng thành công, lúc đã là Lãnh tụ Toàn năng, ông đã đi thăm hầu hết các quốc gia Nam Mỹ. Năm 1971, ông đến thăm người bạn là Salvador Allende Gossens, tổng thống theo chủ nghĩa Marx của Chilê, khuyên ông này đừng thù địch với Mỹ. Sang đến thập niên 1980, ông nhiều lần sang nước Nicaragua cách mạng để cố vấn về phong trào Sandinistas mà ông đã giúp giành thắng lợi và tiếp tục hỗ trợ.
Fidel đã thăm Liên Xô gần một chục lần (không phải tất cả các chuyến đi đều được công bố), hai lần qua Đông u và ba lần đến thăm Việt Nam. Lần đầu từ ngày 12/9 đến 19/9/1973, ông đã không ngại nguy hiểm vào tận Quảng Trị thăm đồng bào chiến sĩ Việt nam, lần thứ hai vào tháng 11/1995. Trong chuyến viếng thăm lần thứ hai năm 2002 và ông đã có cuộc trò chuyện thú vị với sinh viên Việt Nam. Ông chưa ghé thăm Trung Quốc vì Cuba ủng hộ Liên Xô trong thời gian hai nước Trung-Xô thù địch với nhau (ông cũng đã chỉ trích Mao Trạch Đông khi tự cho phép mình “trở thành Thượng Đế” và chỉ nhẹ nhàng phê phán Liên Xô “trong thời kỳ Stalin, ở đây đã phát triển tệ sùng bái cá nhân và xảy ra việc lạm dụng quyền hành”.)
Fidel là nguyên thủ một quốc gia Cộng sản trên thế giới đã đi thăm nhiều nước nhất, cũng đã đến châu Phi nhiều lần, chủ yếu là Algeria, nước mà sau cách mạng thành công, Cuba đã ủng hộ nền độc lập của họ, rồi tới Angola và Ethiopia, nơi mà giữa thập niên 1970, Fidel đã gởi quân đến chiến đấu. Ông đã thăm Ấn Độ, nhưng lần duy nhất ông đặt chân lên phần đất thuộc Tây u chỉ là một giờ quá cảnh ở phi trường Madrid.
Với tất cả ràng buộc về bổn phận và trách nhiệm, Fidel vẫn cố gắng là một con người tự do, hành động theo sự thôi thúc của tình thế và làm chuyện bất ngờ. Quyết định tham dự lễ nhậm chức của tổng thống Nicaragua, Daniel Ortega Saavedra, (người được ông bảo trợ để tiến hành cuộc cách mạng, tháng 1 năm 1985), được ông đưa ra vào phút chót khi ông biết rằng không có vị nguyên thủ nào đến dự. Tại Managua, điều không tránh khỏi là ông trở nên nổi trội hơn so với tổng thống Ortega có dáng người thấp bé và thiếu sức thu hút nhưng ông đã xử sự rất khéo léo. Vào năm 1985, lúc đoàn đại biểu thanh niên Cuba lên tàu đi Liên Xô, Fidel đã dẫn toàn thể Quốc Hội Cuba gồm 399 dân biểu đến bến cảng Havana (tuần đó Quốc Hội có phiên họp thường niên được tổ chức hai năm một lần) để tiễn chân các bạn trẻ.
Theo qui định thì người giữ chức Tổng Tư Lệnh không còn phải tham dự các buổi tiếp tân ngoại giao (trừ ở tòa đại sứ Liên Xô, một khu dinh thự khổng lồ có kiến trúc hiện đại nằm trên biển thuộc khu phía trên ở Havana), song Fidel có thể bất ngờ xuất hiện vào bữa ăn tối ở tư dinh đại sứ, khi thì được mời, khi thì tự đến. Tòa đại sứ đầu tiên mà Fidel viếng thăm là của Brasil năm 1959 và bất kể đi đâu, ông cũng mang theo bên người khẩu súng trường (và để lại ngoài cửa).
Có một tối, ông bất ngờ xuất hiện ở tòa đại sứ Pháp và lưu lại cho tới 4 giờ sáng, chuyện trò với các nghị sĩ Pháp đang ở thăm Cuba. Ngày hôm sau, Fidel gởi đến tặng một thùng rượu Whisky Êcốt của Cuba. Fidel còn định sản xuất pho mát loại Camembert và pâté de fois gras (một loại patê làm từ gan ngỗng và thêm chất béo vào) ở Cuba và vị tư lệnh nhiệt tình này cũng đã trở thành một chuyên gia về lý thuyết trong việc nuôi ngỗng bằng cách ép ăn. Ông nổi tiếng là người luôn muốn tìm hiểu về các ngón nghề bí truyền.
Tuy là nhà cách mạng và du kích quân song Fidel không phải là người khổ hạnh. Ông vẫn thích rượu Chivas Regal và pâte. Ngoài ra, Fidel rất mê thức ăn ngon và thích nấu nướng. Vào tháng 5 năm 1958, giữa lúc xuất phát cuộc tấn công vĩ đại chống chính quyền độc tài Batista, ông đã gởi mấy dòng than thở cho Celia Sánchez ở trụ sở Sierra rằng: “Anh không có thuốc lá, không có rượu, không có gì hết. Còn chai rượu vang đỏ của Tây Ban Nha để trong tủ lạnh nhà Bismarck, giờ đâu rồi?” Trong thời gian lưu vong ở Mexico, ông và một người bạn đã mừng rỡ giơ cao món trứng cá caviar khi quân cách mạng đang thiếu thốn bất ngờ nhận được số hàng cứu trợ từ nước ngoài.
Hồi còn trẻ, Fidel rất quan tâm đến ẩm thực, và món mì ống của Ý luôn là một trong những món ông ưa thích. Manuel Moreno Frajilans, nhà sử học hàng đầu Cuba, bạn của Fidel vào cuối thập niên 1940, khi ông còn là sinh viên, nhớ lại Fidel đã thường xuyên ghé thăm gia đình ông để bàn việc chính trị và dùng bữa. Một dịp, Fidel đến vừa lúc cô hầu gái đang chiên chuối lá. Ngửi thấy mùi, ông chạy ngay xuống bếp nói với cô gái: “Để tôi chỉ cô cách chiên nhé!” Khi nghe vợ của Moreno Frajuilans, một kiến trúc sư, hỏi: “Chú nghĩ cái gì chú cũng biết sao?” Fidel trả lời, “Gần như cái gì cũng biết.”
Dạo ở tù trên Đảo Thông (sau cách mạng đổi tên thành Đảo Thanh Niên), trong phòng biệt giam, Fidel vẫn kiên trì tìm cách nấu mì ống trên cái bếp điện nhỏ. Thỉnh thoảng, khi dẫn khách đi tham quan nhà tù này, ông không bao giờ quên kể phải nấu bao lâu thì mì ống mới có thể ăn được. Em gái Emma của ông nói hồi ở Sierra, Fidel vẫn hay nấu mì ống cho đồng đội ăn. Conchita Fernández kể Fidel thường ăn tối trong nhà bếp Khách Sạn Havana Tự Do (tại đây ông cũng đã trả lời các cuộc phỏng vấn kéo dài cả đêm) và thường chỉ các đầu bếp cách chuẩn bị món cá chỉ vàng sao cho ngon. Ông còn có cách riêng để nấu món sườn cừu, vịt chưng cách thủy và rất mê món chả cá nướng với thịt nạc. Lúc ăn tối bình dân ở quê với các bạn thân, ông hay chuẩn bị món cá và rau trộn, thường kèm với rượu vang trắng Bulgaria và rượu vang đỏ Algeria.
Fidel cũng có ý kiến rất sôi nổi về mặt tri thức trong thể thao. Ông chơi giỏi gần như cầu thủ chuyên nghiệp cả hai môn bóng rổ và bóng chày. Có lần, ông đã giải thích rất hiểu biết với một vị khách về lý do tại sao bóng rổ được coi là môn thể thao của nam giới thích suy tư. Theo Fidel, bóng rổ đòi hỏi phải hoạch định chiến lược, chiến thuật cũng như tốc độ và sự nhanh nhẹn - có lợi cho người tham gia cuộc chiến du kích - còn bóng chày không cần phải như vậy. (Câu chuyện này được công bố khi Fidel cực lực phản đối lời đồn ở một tờ báo nước ngoài cho rằng đã từng có lần ông mong được chơi cho các đội bóng chày lớn ở Mỹ.)
Người ta thường đem ra so sánh hai nhân vật nổi tiếng trong thế giới Cộng Sản là Fidel và vị thống chế quá cố của Nam Tư là Josip Broz Tito. Cả hai đều là lãnh đạo du kích quân và chống lại các hình thức phát xít, cả hai cùng theo chủ nghĩa Marx vì công bằng xã hội và có những khát vọng trên trường quốc tế. Tuy nhiên, họ khác nhau nhiều hơn là giống nhau. Tito là người Cộng Sản tuyên thệ, đã từ lâu chịu sự chi phối của Đảng Cộng Sản Quốc tế, trước cả lúc Đức tiến hành xâm lăng và tạo ra đội quân du kích của Đảng Cộng Sản – trong khi Fidel (cho dù tư tưởng Cộng Sản đã ngự sẵn trong tâm trí ông trước khi ông phát động cuộc khởi nghĩa) chắc chắn lúc đầu đã không là một đảng viên trung kiên của phong trào Cộng sản chịu sự chi phối của Liên Xô. Và mặc dầu không một ai có đóng góp lớn lao nào cho tư tưởng Marx nhưng Fidel có chiều sâu tri thức hơn hẳn Tito - điều này có thể thấy trong các bài viết và diễn văn của Fidel trước và sau cách mạng. Thật khó so sánh lòng can đảm của Tito khi đối mặt với Quốc Xã và sau đó là Stalin với lòng can đảm của Fidel khi đối mặt với Batista và Mỹ; các bối cảnh cực kỳ khác nhau. Cả hai nhà lãnh đạo này giải quyết các vấn đề hiện đại hóa đất nước theo cách riêng. Tito không chống nổi cám dỗ của hình thức phù phiếm bên ngoài, làm nổi bật vai trò thống chế của mình bằng những bộ trang phục trắng viền vàng, đi du thuyền riêng và ẩn mình trên đảo Brioni sang trọng. Còn Fidel, với xu hướng đam mê của riêng mình, về cơ bản, vẫn luôn là nhà lãnh đạo du kích cho tới lúc này.
Có thể vì những điểm dị biệt như vậy nên cả hai từ lâu đã có những mối bất đồng với nhau. Cụ thể là những bất đồng khi Tito, trong những năm cuối đời, nắm giữ chức Chủ tịch Phong trào Không liên kết và Fidel kế nhiệm ở nhiệm kỳ sau vào năm 1979.
Tính cách của Fidel Castro thật là phức tạp, nên không loại trừ khả năng ông có thể thay đổi tiến trình trong tương lai nếu ông tin điều đó có lợi cho đất nước Cuba, cho cuộc cách mạng và đúng với lòng ông. Lẽ tự nhiên, ba mối quan tâm này vẫn chan hòa với nhau. Và mọi người thấy rõ rằng vận mệnh của ông cũng được quyết định bằng chính khả năng quản lý này của ông trên hòn đảo đang chịu nhiều thách thức này.
Phần I I: Thời trai trẻ (1926 - 1952) - Chương 6
Hơn ba mươi năm sau ngày José Martí, “Ông Tổ” của nền độc lập Cuba, hy sinh trong trận chiến chống quân Tây Ban Nha vào năm 1895, Fidel Alejandro Castro Ruz lúc ấy mới chào đời tại một nông trang ở tỉnh Oriente, cách trận địa Dos Ríos hai mươi lăm dặm. Về lịch sử thì khoảng thời gian ba thập niên thật ngắn ngủi, chỉ tương đương với quá trình cách mạng của Fidel. Song ngay từ thời thơ ấu, cuộc đời Fidel đã gắn liền với các cuộc đấu tranh và biểu tượng quá khứ của Cuba.
Martí, vị anh hùng yêu nước và nhà tư tưởng vĩ đại nhất của đảo quốc này, là một tấm gương mẫu mực đối với Fidel, và khi cùng với đội quân nổi dậy của mình đổ bộ vào bờ biển Cuba để đánh đuổi chế độ độc tài, Fidel đã hoàn thành qui tắc của Martí. Ngày 29 tháng giêng năm 1895, Martí, nhà lãnh đạo Đảng Cách Mạng Cuba, đã phát động cuộc chiến giành độc lập quyết định từ tổng hành dinh của mình ở New York và hai tháng sau, ông vào bờ biển Oriente trên chiếc thuyền chèo để cùng du kích quân chiến đấu chống lại người Tây Ban Nha. Chỉ ít tuần sau khi về nước, ông đã hy sinh trên lưng con bạch mã. Vị anh hùng đề xướng cuộc cách mạng, một con người mảnh khảnh mang vẻ mặt sầu muộn với chòm râu dê và bộ ria cá chốt, sức khỏe lại thường xuyên sa sút, qua đời khi mới bốn mươi hai tuổi.
Vì vậy cũng rất tự nhiên khi Fidel tìm kiếm những gì có thể đã gắn bó cuộc đời mình với vị anh hùng Martí này. Ngay sau khi cách mạng thành công, ông đã thực hiện chuyến hành hương đến địa danh Playitas, bãi biển đổ quân lịch sử vào ngày 2 tháng 4 năm 1895. Chuyến hành hương này được quay thành một bộ phim tài liệu màu dài một tiếng, được trình chiếu trong rạp và trên truyền hình, cho thấy một Fidel rất ấn tượng trong bộ đồ chiến trận, đứng lẻ loi trên dải cát trắng có hình móng ngựa, cất giọng kể câu chuyện về sự hy sinh của Martí. Kế đó, ống kính máy quay phim theo chân ông đến một căn nhà đơn sơ, nghe ông hỏi chuyện nhân chứng duy nhất còn sống, một ông cụ 90 tuổi có dáng người khỏe mạnh, về tất cả những gì ông cụ còn nhớ về biến cố xúc động đó.
Có rất nhiều điểm tương đồng giữa năm 1855 và 1956 cũng như những điểm bắt nguồn về chính trị, tri thức và tình cảm giữa Fidel và Martí… Martí sau bao cố gắng lật đổ ách cai trị của Tây Ban Nha, đã kết luận rằng cuộc cách mạng ở Cuba chỉ có thể thành công bằng chiến tranh du kích mở rộng; đó cũng là kết luận của Fidel sau khi ông thất bại trong lần đột kích trại lính Moncada vào năm 1953. Martí hiểu là một khi đứng ra lãnh đạo cuộc cách mạng ông phải chấp nhận những hiểm nguy khôn lường cho bản thân. Trước ngày hy sinh Martí viết cho một người bạn: “mỗi ngày khi dâng hiến đời tôi cho tổ quốc và cho bổn phận là tôi biết mình đang đối diện với sự nguy hiểm”; còn Fidel tuyên thệ trước lúc lên đường xâm nhập Cuba rằng “chúng ta sẽ tự do hoặc chết cho tổ quốc.” Cả hai đều sớm có kinh nghiệm chính trị. Năm mười bảy tuổi Martí đã bị thực dân Tây Ban Nha cầm tù vì đã chống lại chế độ. Ông bị kết án lao động khổ sai và lưu đày. Riêng Fidel thì chưa đầy hai mươi mốt tuổi đã định hình tư tưởng nổi loạn chính trị khi đang học ở đại học Havana. Những nguyên tắc căn bản đã thúc đẩy cả hai con người này. Nhiều năm sau đó Fidel đã nhận xét: “ý thức danh dự cá nhân đều có trong hầu hết những người Tây Ban Nha.” Đây chính là dòng máu lưu truyền trong những đứa con nổi loạn của đất nước Tây Ban Nha.
Nhà thơ bi thương này tin rằng cho dù ông có phải hy sinh thì cuộc cách mạng giải phóng cũng sẽ thắng lợi (một số nhà viết tiểu sử khẳng định rằng Martí cố tình đi tìm cái chết để tạo hào quang cho sự hy sinh của mình trong cuộc chiến giành độc lập), và ở điểm này những sự kiện diễn ra đã chứng minh là ông đã đúng. Fidel đã nhiều dịp cho thấy – đáng chú ý là sự kiện Moncada và Alegría de Pío – là ông cũng sẵn sàng chết vì chính nghĩa, nhưng phong thái thể hiện của ông chủ yếu phát xuất từ tính khí cũng như niềm tin của ông rằng các lãnh tụ cách mạng phải dẫn dắt người của mình. Những người con của đất nước Tây Ban Nha, cả Martí lẫn Fidel đều đại diện cho dòng dõi lãng mạn và bí ẩn Iberia (*) kết hợp với yếu tố chủ nghĩa dân tộc mạnh mẽ của Tân Thế Giới. Hơn nữa, cả hai đều hiểu vấn đề thực sự của Cuba là phải thực hiện một cuộc cách mạng xã hội sâu sắc, chứ không chỉ thay đổi hiện trạng chính trị. Martí đã biết rõ cảnh bần cùng ở nước mình và Mỹ La tinh, nên chủ trương chia đất cho dân cày (nhưng không lấy đất từ người khác và phân phối tài sản quốc gia hợp lý. Theo ông: “nước nào chỉ có một số người giàu không phải là nước giàu; nước giàu là nước trong đó mỗi người dân đều có được chút ít của cải.”
Martí viết rằng chính phủ có bổn phận phải cung cấp cho người dân một nền giáo dục cần thiết bởi “biết đọc là biết đi.” Một trong những nhiệm vụ cách mạng lớn mà Fidel thực hiện đầu tiên sau năm 1959 là chiến dịch xóa mù chữ cấp tốc trên khắp đảo quốc. Tuy nhiên Martí chống lại việc biến đổi xã hội tận gốc rễ và ông tin vào “chủ nghĩa xã hội thận trọng” để không sa vào chủ nghĩa cực đoan.
Xuất hiện trong một bối cảnh chính trị Cuba nhiều thập niên sau đó và trong một thế giới hoàn toàn thay đổi, tính triệt để trong việc thay đổi xã hội của Fidel, việc từ chối bầu cử trực tiếp của ông – yếu tố cơ bản trong đời sống chính trị mà Martí khẩn thiết kêu đòi trong thế kỷ thứ 19 – dường như là những điểm khác nhau nổi bật nhất trong cương lĩnh chính trị về cách mạng của họ. Điểm khác nhau về ý thức hệ này được giải thích là bắt nguồn từ sự cấu thành tâm lý và tính cách nổi trội của họ. Martí, một nhà thơ trữ tình yêu nước, một nhà văn chính luận, tin vào một chính phủ cai trị dân sự được sự đồng lòng của người bị trị. Fidel là một nhà lãnh đạo quân sự Tây Ban Nha thuần túy, phân tích hợp lý rằng một cuộc cách mạng thực sự là điều không thể thông qua hệ thống bầu cử và sự chuyên chính là một công cụ cần thiết để thực hiện cuộc cách mạng này. Trong một bài diễn văn đọc vào giữa thập niên 1960, ông tuyên bố rằng sở dĩ Carlos Manuel de Céspedes, một địa chủ giàu có lãnh đạo cuộc khởi nghĩa yêu nước đầu tiên vào năm 1868 và José Martí không là những người theo chủ nghĩa Marx-Lenin chỉ “vì trong thời đại mà họ đang sống và trong những điều kiện lịch sử mà cuộc đấu tranh cao thượng của họ phát triển thì họ không thể nào.” Kế đó ông nói tiếp một câu và ngay lập tức câu này trở thành một khẩu hiệu chính thức: “Chúng ta ở vào lúc đó, cũng sẽ giống như họ - và họ nếu ở vào thời điểm như bây giờ, cũng sẽ giống chúng ta”. Fidel hiểu rằng nếu thiếu nền độc lập và thiếu nền tảng của Martí, không một hệ thống chính trị nào sẽ được nhân dân Cuba chấp nhận.
Dù phương tiện để đạt tới mục đích giữa Martí và Fidel có khác nhau, Fidel vẫn là người thật sự kế thừa trực tiếp tư tưởng chính trị và triết lý của Martí. Đó là các quan điểm về thuyết cấp tiến, cải cách ruộng đất, bình đẳng sắc tộc và công bằng xã hội. Fidel và Martí cùng chung nỗi lo và nghi ngại nước Mỹ cùng ý định của Mỹ đối với Cuba. Quốc gia Bắc Mỹ này đã thèm muốn sáp nhập hoặc thậm chí mua Cuba (như đã mua tiểu bang Louisiana từ người Pháp) ngay từ những ngày đầu của thế kỷ trước. Năm 1833, một lãnh sự của Mỹ ở Havana đã viết: “Khi thời gian chín mùi, Cuba, Tây Ban Nha và chúng tôi sẽ chung một ý thức, không cần phải bàn cãi, làm cách mạng hay tiến hành chiến tranh gì - chắc chắn Cuba sẽ được nhập vào nước Mỹ.”
Martí đã từng bị thực dân Tây Ban Nha lưu đày nhiều năm ở Mỹ. Ông đã rất sợ sau cuộc chiến giành độc lập, Mỹ sẽ nắm lấy đảo quốc này từ tay người Tây Ban Nha. Trong bức thư viết một ngày trước khi mất, Martí nói rằng ông chiến đấu chống lại người Tây Ban Nha, giành độc lập cho Cuba để cản trở Mỹ bành trướng lãnh thổ sang các quốc gia thuộc quần đảo Antilles ở phía nam Florida. Ông viết rằng thời gian lưu đày ở Mỹ ông đang sống “trong lòng quỷ dữ” và ông lo ngại “chủ nghĩa đế quốc kinh tế” của Mỹ khi nhận xét rằng “sự miệt thị của một quốc gia láng giềng đáng sợ không hề biết đến chúng ta là nguy cơ tồi tệ nhất đối với châu Mỹ chúng ta.”
Dĩ nhiên, Fidel Castro từ lâu đã thấm nhuần tất cả những tình cảm này trước khi trải qua những kinh nghiệm thực tế và xung đột với “nước láng giềng đáng sợ” này.
Thời đại của José Martí trùng hợp với thời gian xuất hiện thuyết Định mệnh Bành Trướng của Mỹ (*). Thậm chí trước cuộc đấu tranh giành độc lập của Martí hai mươi năm, sự hiện diện kinh tế của Mỹ ở Cuba đã khá nặng nề. Thương mại giữa Cuba với Mỹ lớn hơn với Tây Ban Nha gấp sáu lần và Martí nhận ra rằng sự gần gũi tự nhiên về địa lý và kinh tế chắc chắn sẽ dẫn đảo quốc tới nguy cơ chịu sự thống trị hoàn toàn của Mỹ về chính trị.
José Antonio Saco, một triết gia và là một nhà yêu nước vĩ đại đầu tiên của Cuba, đã lên tiếng cảnh giới vào năm 1847 rằng Cuba: “quan trọng đến mức chỉ chiếm hữu được quốc gia này thôi cũng đã rất đáng giá cho một cuộc chiến tranh… việc chiếm hữu sẽ giúp cho uy quyền của Mỹ lớn mạnh hơn rất nhiều. Khi ấy, Anh và Pháp không những thấy rằng khả năng tồn tại các thuộc địa của họ ở châu Mỹ đang bị đe dọa mà ngay cả ảnh hưởng thế lực của họ đối với các nơi khác trên thế giới cũng trở nên suy yếu.”
Tuy Mỹ chưa bao giờ chính thức tuyên bố thôn tính Cuba, song nỗi sợ của các nhà yêu nước thuộc thế kỷ mười chín cũng là điều dễ hiểu. Năm 1898, Mỹ đã tuyên chiến với Tây Ban Nha, sau khi chiến hạm Maine của Mỹ vô cớ nổ tung ở cảng Havana. Sự kiện này thật thích hợp để tạo ra một “cái cớ gây chiến” cho một cuộc xung đột công khai với Madrid – dẫu sao trong thâm tâm Mỹ cũng đang hậm hực họ lắm rồi. Lúc Theodore Roosevelt cùng lính biệt động của ông tấn công Đồi San Juan ở Santiago và quân Mỹ đổ bộ vào bờ biển Cuba, quân Tây Ban Nha sức tàn lực kiệt đã nhanh chóng thất trận (do suốt ba năm qua, họ đã phải vất vả chiến đấu chống lại nghĩa quân Cuba). Cuối năm đó, Mỹ và Tây Ban Nha ký hiệp định hòa bình Paris, chuyển quyền kiểm soát Cuba cho Washington. Đồng thời, Mỹ cũng thâu tóm trong tay Puerto Rico, Philippin và đảo Guam.
Cuộc đấu tranh giành độc lập của nhân dân Cuba đã bắt đầu từ năm 1868, khi Carlos Manuel de Céspedes, một điền chủ ở Oriente có bằng tiến sĩ luật Đại học Madrid, đọc Lời Hiệu Triệu Yara – bản tuyên ngôn tự do phát đi từ tỉnh Yara do lực lượng nổi dậy của ông chiếm được – tuyên bố phát động cuộc chiến tranh cách mạng chống lại chính quyền thực dân Tây Ban Nha “thối nát và mục ruỗng”. Một hội đồng quân sự cách mạng, và kế đó là chính quyền tỉnh được thành lập. Một hiến pháp được soạn thảo và một quốc hội được thành lập có quyền phủ quyết các quyết định của tổng thống. Nhưng lực lượng nổi dậy, dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Céspedes, lãnh tụ quốc hội Ignacio Agramonte và tư lệnh quân đội Tướng Máximo Gómez và Tướng Antonio Maceo không thể đánh đuổi được thực dân Tây Ban Nha ra khỏi đảo quốc. Nguyên nhân là vì lực lượng Cuba đã không đồng lòng với nhau trong việc lập kế hoạch và tiến hành cuộc chiến giải phóng: Céspedes cách chức vị tướng sinh trưởng ở nước Cộng hòa Dominic, Gómez, sau đó đến lượt ông bị hạ bệ và cuối cùng bị quân Tây Ban Nha giết năm 1874. Tướng Gómez được phục hồi chức vụ, và rồi lại bị cách chức. Cuộc chiến giành độc lập đầu tiên, sau mười năm, đã chấm dứt khi hai bên ký Hòa Ước Zanjón. Vị tướng da đen Maceo vẫn tiếp tục cầm súng chiến đấu thêm một năm nữa. Một thời gian ngắn sau đó, Maceo cùng với Tướng Calixto García phát động một cuộc chiến, được biết với cái tên “Cuộc Chiến Nhỏ” kéo dài suốt năm 1880, và một lần nữa phải chịu sự thất bại. Cuộc đấu tranh vì độc lập cuối cùng là của Martí và Tướng Gómez xảy ra vào năm 1895 – và Mỹ can thiệp trục xuất người Tây Ban Nha ra khỏi Tân Thế Giới vào năm 1898. Đối với chàng sinh viên sử học Fidel Castro, những phân hóa gây ra từ các cuộc chiến tranh giành độc lập càng nhấn mạnh thêm sự cần thiết phải đoàn kết lực lượng cách mạng, tập trung sự lãnh đạo vào tay một người, và vì mục đích giải phóng Cuba thoát khỏi sự kiểm soát của người Mỹ.
Khi Cuba rõ ràng chịu sự chiếm đóng của quân Mỹ, đảo quốc này đang trong tình trạng tan hoang sau các cuộc chiến tranh kéo dài suốt ba mươi năm qua. Cuộc đấu tranh giành độc lập nghe có vẻ hão huyền khi nền kinh tế Cuba phụ thuộc toàn bộ vào quốc gia láng giềng phương bắc, thậm chí hệ thống giáo dục cũng hoàn toàn bị Mỹ hóa đến nỗi văn hóa và ngôn ngữ của đất nước bị lãng quên. Như đã xảy ra với cư dân ở Puerto Rico, Mỹ có ý định một ngày nào đó sẽ biến dân Cuba thành những người Mỹ tốt bụng. Không thể tránh khỏi là việc chiếm đóng trong bốn năm này đã thiết lập những cơ sở để biến đất nước Cuba tối thiểu cũng trở thành một đất nước trên thực tế được Mỹ bảo hộ ở khu vực Caribê trong sáu mươi năm nữa.
Địa vị bảo hộ này được nhào nặn ra bằng cách cưỡng bức đưa vào trong hiến pháp Cuba một điều khoản gọi là Tu Chính Án Platt. Đây là khúc dạo đầu để xin Mỹ “ban ơn” cho Cuba được độc lập, đồng thời thông qua việc ép buộc thực thi các cuộc dàn xếp về đầu tư và giao thương cho phép Mỹ quan tâm đến việc điều hành hoàn toàn tự do Cuba. Tu Chính Án này do Nghị Sĩ Mỹ Orville H. Platt thảo ra nằm trong luật phân bố ngân sách của Quân đội Mỹ, cho tổng thống Mỹ quyền “để lại quyền cai quản” Cuba cho chính nhân dân đất nước này, với điều kiện là hiến pháp Cuba phải thừa nhận rằng “Hoa Kỳ có thể sử dụng quyền can thiệp đối với việc gìn giữ nền độc lập của Cuba, quyền duy trì một chính phủ đối với việc bảo vệ sinh mạng, tài sản và tự do cá nhân…” Nhân dân Cuba, được cho quyền chọn lựa hoặc chấp nhận Tu Chính Án Platt trong hiến pháp của họ hoặc có thể phải muôn đời chịu sự chiếm đóng của quân Mỹ, đã lao vào một cuộc tranh luận sôi nổi để rồi cuối cùng cúi đầu chấp nhận.
Ngày 20 tháng 5 năm 1902, Cuba, thuộc địa cuối cùng ở châu Mỹ tuyên bố là một quốc gia cộng hòa độc lập - một nền độc lập giả tạo như viên tổng quản cuối cùng Leonard Wood đã viết trong thư gửi tổng thống Mỹ William McKinley: “tất nhiên, chỉ có một ít hoặc không có sự độc lập nào ở Cuba dưới Tu Chính Án Platt cả.” Một năm sau, nghị sĩ Chauncey Depew tuyên bố: “Một ngày không xa nữa, Cuba sẽ giống hệt Mỹ về hiến pháp, luật pháp và các quyền tự do... sẽ có từ năm đến sáu triệu người được giáo dục về lối sống Mỹ và xứng đáng với mọi quyền công dân Mỹ. Khi đó, với đề xuất từ phía Cuba, chúng ta có thể đón mừng thêm một ngôi sao khác in trên lá cờ Mỹ quốc.”
Tuy nhiên, ngày đó đã không bao giờ đến; thay vào đó, sự bất ổn chính trị trong nước liên tục diễn ra trong thời gian Mỹ chiếm đóng quân sự lần thứ hai từ năm 1906 đến năm 1909, khi hải quân Mỹ đổ bộ vào Cuba để bảo vệ quyền lợi Mỹ và công dân Mỹ năm 1910, và một lần đổ quân khác vào năm 1917 để thuyết phục Cuba tham gia Thế Chiến Thứ Nhất. Với lý do bảo vệ tài sản người Mỹ ở Oriente trước sự bạo động và phá hoại của người lao động, hải quân Mỹ lưu lại Cuba cho đến năm 1923 – ba năm trước ngày Fidel chào đời. Suốt giai đoạn này, chính phủ Mỹ đã rất miệt thị người dân Cuba. Lúc đó cũng hơi ngạc nhiên là nền cộng hòa son trẻ lại trưởng thành trong sự mặc cảm tự ti đến tê liệt và tư tưởng chống Mỹ mà sau này thế hệ Fidel trở thành những người kế tục.
Dù Tu Chính Án Platt được tổng thống Franklin D. Roosevelt hủy bỏ vào năm 1934 theo chính sách mới “Láng giềng Tốt” đối với khu vực châu Mỹ La tinh thì thòng lọng kinh tế và chính trị của Mỹ tròng vào Cuba vẫn không biến mất cho tới cuộc cách mạng vĩ đại của Fidel. Việc lật đổ chế độ độc tài Batista năm 1959 đã cho phép Fidel và những người rậm râu của ông thực sự giành được độc lập cho Cuba - nền độc lập mà sáu mươi bốn năm trước, José Martí đã vì nó mà hy sinh và đã bị người Mỹ từ chối vào năm 1898 và năm 1902. Tuy nhiên tầm vóc lịch sử của cuộc cách mạng này vượt quá tầm hiểu biết của người Mỹ, cùng với sự nhận thức ra rằng dân tộc Cuba đã phải sống nhục nhã bấy nhiêu năm tháng trong cái mà Fidel gọi là “nền cộng hòa giả hiệu”.
Là một khu vực chăn nuôi gia súc và trồng mía rộng lớn, nông trang Manacas nằm ngay thành phố Birán, thuộc vùng Mayarí bên bờ biển bắc Oriente. Nông trang này nằm cách Vịnh Nipe hai mươi lăm dặm về hướng nam và cũng với khoảng cách gần bằng như vậy về hướng đông là Dos Ríos, nơi mà José Martí đã hy sinh trong trận phục kích của quân đội Tây Ban Nha năm 1895.
Chính tại Manacas này, Fidel Alejandro Castro Ruz đã ra đời ngày 13 tháng 8 năm 1926. Và đến tuổi chuẩn bị cắp sách đến trường, Fidel đã thuộc lòng các truyền thuyết về Martí. Đó là một phần sinh hoạt của mọi trẻ em Cuba, nhất là ở tỉnh Oriente kiêu hãnh và đã từng nổi loạn này. Truyền thống cách mạng ở nơi Fidel ra đời một lần nữa lại được đề cao hơn khi em trai ông là Raúl Castro, lãnh đạo Đội quân Nổi dậy từ Sierra Maestra tới Sierra Cristal ở phía đông bắc để lập Mặt Trận Thứ Hai cho du kích quân, phải hành quân ngang qua nhà họ ở Birán vào tháng 4 năm 1958. Raúl đặt nặng việc đề cập đến sự kiện này trong bản báo cáo dài gửi Fidel nói về diễn tiến các cuộc hành quân của ông trong khu vực Mayarí. Người em trai út này có lẽ là người quan tâm tới gia đình nhất trong đại gia đình nhà Fidel.
Đứng đầu đại gia đình này là Ángel Castro Y Argiz, một di dân đến từ làng Áncara, gần tỉnh Lugo, phía tây bắc vùng Galicia của Tây Ban Nha. Khi đến Cuba, Ángel chỉ là đứa trẻ mười ba tuổi mồ côi, nghèo khổ. Sinh vào khoảng 1874, Ángel trải qua thời thơ ấu với người chú trong ngôi làng hoang vắng, nghèo nhất Galicia. Trước cuộc chiến tranh giành độc lập cuối cùng ở Cuba, Ángel mới bảy tám tuổi. Do bị đối xử ngày càng tồi tệ ở quê nhà, Ángel rời bỏ Tây Ban Nha tới ở với người chú khác đang sinh sống tại đảo quốc Caribê xa xôi. Ít nhất cũng có một lần Fidel đã kể rằng cha ông là lính Tây Ban Nha được đưa đến Cuba khi cuộc chiến giành độc lập ở đây nổ ra vào năm 1895; và sau chiến tranh ông được lệnh hồi hương, nhưng vì yêu hòn đảo này nên đã di cư đến đây dù không một xu dính túi trong những năm đầu của thế kỷ 20. Lời giải thích này mơ hồ, và có lẽ thiếu chính xác vì hai cô em gái của Fidel nhìn nhận là chưa bao giờ nghe kể về những kinh nghiệm chiến tranh của cha mình.
Điều đáng ngạc nhiên là Fidel Castro dường như (và cũng tự thừa nhận) là mình biết rất ít về thân thế cha mình, đây hẳn là một cách bày tỏ thẳng thắn hoặc ngấm ngầm cho thấy vai trò của cha ông không tác động nhiều đến ông. Trong cuộc phỏng vấn năm 1985 với một thầy tu dòng Dominica người Brazil, Fidel nhìn nhận: “Tôi không biết gì nhiều về những năm đầu của cha mình, vì lúc có dịp để hỏi thì tôi lại không cảm thấy tò mò như bây giờ…” Ở một nơi khác trong cuộc phỏng vấn, Fidel tự nhận xét rằng dù cha ông có tư tưởng “điền chủ”, song ông cụ vẫn là người “vô cùng đáng kính” vì ông không bao giờ từ chối giúp đỡ người khác. So với những lời dành cho mẹ nồng ấm và yêu thương thì nhận xét của ông về cha mình có vẻ gượng gạo và xa cách.
Chú của ông Ángel Castro làm chủ lò gạch ở tỉnh Santa Clara thuộc miền trung Cuba và ông Ángel được đưa vào đó làm (vì không có thời gian hoặc cơ hội được đi học). Tuy nhiên, khoảng năm năm sau, chàng trai Ángel chán lò gạch của ông chú và bỏ đi tự lập. Cậu đi về hướng đông, có lẽ phần lớn là đi bộ, và vì những lý do gì đó mà gia đình không còn nhớ nữa, cậu chọn vùng Mayarí ở Oriente để thử vận may. Hẳn cậu đã đến nơi này khi chế độ Tây Ban Nha sắp kết thúc và thời Mỹ sắp bắt đầu. Ángel không bao giờ kể nhiều về hồi trẻ. Ông cụ mất năm 1956, thọ tám mươi hai tuổi và quá khứ cụ cũng rơi vào quên lãng.
Mayarí là vùng đất màu mỡ, lý tưởng để trồng mía, thuốc lá và nuôi gia súc. Thị trấn chính cũng mang tên Mayarí, nằm bên bờ sông cùng tên. Bãi biển và các ngư dân đánh cá ở Vịnh Nipe ở cách đó chỉ bốn dặm đường. Ít lâu sau khi chàng trai trẻ Ángel Castro đến Mayarí, thị trấn im lìm với những ngôi nhà gỗ có từ thế kỷ mười chín, đã biến thành trung tâm thương mại với các hoạt động nhộn nhịp do vốn của Mỹ đổ vào.
Khi cuộc chiến tranh giành độc lập nổ ra ở nhiều nơi và cuộc chiến Mỹ - Tây Ban Nha kết thúc, đất nước bị tàn phá này mở rộng cửa cho các nhà đầu tư Mỹ, được bảo đảm an toàn bởi lính Mỹ chiếm đóng. Trên khắp Cuba, số tiền đầu tư đã tăng gấp ba lần trong tám năm, từ 50 triệu Mỹ kim vào năm 1898 lên tới 160 triệu vào năm 1906, chủ yếu trong lãnh vực đất đai. Và tỉnh Oriente trù phú là nơi được các nhà tư bản Mỹ chú ý hơn cả.
Phát biểu bằng một giọng vô cùng căm phẫn về tình hình kinh tế trong thời gian gọi là “độc lập” này, Fidel Castro nhận xét trong bài diễn văn kỷ niệm vào năm 1968, một thế kỷ sau cuộc khởi nghĩa đầu tiên chống lại ách cai trị Tây Ban Nha: “người nào đó tên Preston năm 1901 đã mua 75.000 héc ta đất trong Vịnh Nipe với giá 400.000 đô la, có nghĩa là, đất này có giá chưa tới sáu đô la một héc ta.” Ông nói thêm: “các khu rừng phủ kín các loại gỗ quí đã bị đốt trụi trong các lò nấu đường, đáng giá gấp nhiều lần, rất rất nhiều lần so với tổng số tiền này… chúng đến đất nước này với những đồng đô la rủng rẻng trong túi, đất nước đã bị bần cùng hóa bởi ba mươi năm chiến tranh, để mua những mảnh đất tốt tươi nhất với giá chưa tới sáu đô la một héc ta.” Khi cách mạng ban hành lệnh quốc hữu hóa vào năm 1959, tài sản của Preston và Boston trong công ty United Fruit ở Mayarí vẫn là những bất động sản và nhà máy đường chủ yếu do nước ngoài làm chủ ở Cuba.
Năm 1926, lúc Fidel chào đời, giới tư bản Mỹ đã đầu tư vào đây hơn 1,6 tỉ đô la. Khi giá đường thế giới sụt giảm một cách khủng khiếp vào năm 1920 (sau khi giá đường tăng vọt lên gấp 10 lần vào những năm trước), lợi tức của Mỹ có thể hoặc đã trở về tình trạng rẻ rúng. Các ngân hàng nước ngoài kiểm soát 80 phần trăm sản lượng mía; các công ty Mỹ hoàn toàn chiếm lĩnh trong lãnh vực đường sắt, nhà máy điện, điện thoại và lượng tiền của dân Cuba gửi vào các ngân hàng Mỹ trên đảo tăng vọt từ 20% năm 1920 lên 69% vào năm 1921, vì hầu hết ngân hàng do người Cuba làm chủ biến mất do không thể cạnh tranh với quyền lực chính trị và nguồn tiền dồi dào của các chủ ngân hàng Mỹ.
Tổng thống Cuba năm 1926 là Gerardo Machado y Morales, một bạn hàng lớn thân Mỹ (Washington đã ép buộc ông ta phải từ chức một năm sau khi ông trở thành một nhà độc tài bạo ngược, dẫn đến việc dân Cuba nổi dậy chống lại ông ta đe dọa tình hình kinh tế ổn định ở đảo quốc này). Ông ta cũng tham nhũng thối nát như tổng thống tiền nhiệm, cai trị “nền cộng hòa giả hiệu” bằng cách câu kết với các “giai cấp giàu có” trong xã hội Cuba.
Tuy vậy, thế hệ mới ở Cuba đã bắt đầu phát triển tinh thần dân tộc chống Mỹ mới. Dân chúng Cuba không chỉ đau khổ bởi Tu Chính Án Platt và sự bá quyền kinh tế của Mỹ mà còn chứng kiến sự can thiệp quân sự của Mỹ vào Mexico và Nicaragua nữa. Đảng Cộng Sản Cuba đã được bí mật thành lập trước khi Fidel Castro ra đời. Đảo quốc này bắt đầu dậy sóng.
Vùng Mayarí, nơi Fidel lớn lên, có lẽ là nơi Mỹ hiện diện và kiểm soát nhiều hơn bất cứ nơi nào khác ở Cuba. Công ty United Fruit, một công ty khổng lồ đặt trụ sở ở Boston và hoạt động trong khắp khu vực châu Mỹ La tinh, có nhiều dinh cơ đặc biệt ở Mayarí dành cho các nhân viên người Mỹ (và một số ít người Cuba), bệnh viện, trường học (dạy con em của các thành phần giàu có trong ngành sản xuất đường), các cửa hàng đầy ắp hàng hóa Mỹ, bưu điện và sau này có cả hồ bơi và một câu lạc bộ polo. Ngoài lực lượng Vệ binh Nông thôn, cảnh sát Cuba được Mỹ huấn luyện, công ty này còn được sự bảo vệ bởi chính đội cảnh sát vũ trang của nó để bảo đảm trật tự và để ngăn chặn những kẻ gây rối người Cuba.
Công ty này còn có uy quyền chính trị lớn lao ở Cuba, thậm chí còn lớn hơn các công ty và ngân hàng Mỹ khác. Việc mua đồn điền mía có diện tích khá lớn đầu tiên ở Cuba được tiến hành bởi nhà đầu tư Mỹ ở Boston tên là E. F. Atkins vào năm 1882 (nhà máy đường đầu tiên thuộc quyền sở hữu của Mỹ là năm 1818). Theo chân Atkins là công ty Boston Fruit, khởi thủy kinh doanh chuối, đến năm 1898 đổi tên thành United Fruit khi công ty bắt đầu mua được nhiều đồn điền mía khổng lồ. United Fruit và các công ty khác chi phối hoàn toàn nhiều nhà chính trị Cuba có uy tín (hoặc trả lương cho họ). Người đại diện cho công ty Đường Cuba-Mỹ, do một dân biểu Texas thành lập vào đầu thế kỷ 20, tại đảo quốc này lại chính là Mario G. Menocal, tổng thống Cuba được Mỹ đưa lên từ năm 1912 đến 1920. Công ty United Fruit đã được chính phủ cách mạng của Tổng thống Ramón Grau San Martín cứu không bị quốc hữu hóa một nửa số đất cho thuê vào năm 1934 khi Bộ Trưởng Nông Nghiệp Carlos Hevia, bất đồng ý kiến với các bộ trưởng khác, can ngăn tổng thống Grau đừng làm như vậy. Hevia, sau này có một nhiệm kỳ tổng thống ngắn ngủi, tiến hành việc bảo vệ công ty United Fruit khi đứng ra làm người thương lượng giữa chính phủ của ông và đại sứ Mỹ ở Havana. United Fruit là một công ty bất khả xâm phạm: liên tiếp các đời chính phủ ở Cuba thay nhau bảo vệ nó khỏi tình trạng người lao động gây rối, đóng thuế cao, hoặc bất kỳ sự can thiệp nào vào những đặc quyền của nó cho đến khi cách mạng thành công. Công ty này cũng sở hữu các đồn điền trái cây cho thuê rộng mênh mông, chủ yếu là chuối, ở gần hết các quốc gia Trung Mỹ là những nơi công ty này cũng có thế lực chính trị mạnh như vậy. Năm 1954, United Fruit đã bắt tay với CIA để lật đổ chế độ cánh tả của Đại tá Jacobo Arbenz Guzmán ở Guatemala, sau khi sự thống trị kinh tế của công ty bị chính quyền bản địa đe dọa.
Ở Cuba hết tốp này đến tốp khác, một năm hàng ngàn thợ cắt mía và công nhân nhà máy đường phải sống cùng gia đình trong những túp lều rách nát suốt bốn tháng mùa thu hoạch, thường chỉ để nhận không tới một Mỹ kim một ngày (đôi lúc chỉ được 40 hoặc 45 xu, không nuôi ăn). Trong những tháng còn lại trong năm – “thời gian chết” đầy hung hiểm ở Cuba – khi không có việc làm, những người nông dân cố gắng sống cầm hơi. Tình cảnh xã hội này đã in sâu trong trí Fidel Castro ngay từ thời thơ ấu và trỗi dậy trong tâm thức chính trị của ông lúc trưởng thành.
Lúc ông Ángel Castro mới đến Mayarí, thỉnh thoảng Công ty United Fruit cũng cần nhân công làm trên tuyến đường ray mới mà họ đã xây dựng giữa các nhà máy với cảng Antilla trên Vịnh Nipe. Ông đã làm ở đây một thời gian ngắn, sắp đặt các đường ray, một công việc như nhiều công việc lao động phổ thông khác, để sinh sống. Có lẽ đến năm hai mươi lăm tuổi, ông quyết định bắt đầu công việc kinh doanh riêng. Ngược xuôi khắp thị trấn Mayarí ông làm nghề bán hàng rong cho những thợ xẻ gỗ và công nhân cắt mía.
Oriente là một vùng quê xinh đẹp, cảnh trí đơn sơ, mộc mạc nhưng hấp dẫn với những cụm cây cọ vươn cao kiêu hãnh giữa những cánh đồng mía và thảm cỏ xanh ngắt. Còn phải kể đến những cánh rừng sâu hun hút, trải rộng vươn về phía các dãy núi dốc ở hướng nam. Những con sông ở đây ngày đêm lầm lũi, không khi nào quên mang nước về tưới cho các cánh đồng. Khi chiến tranh chấm dứt và đồng vốn tư bản Mỹ đổ vào, những cột ống khói của các nhà máy đường mới liên tiếp mọc lên trên khắp Orienta, hiện sừng sững trên đường chân trời. Ngày càng xuất hiện nhiều trâu bò thả rong trên các đồng cỏ và những người nông dân, đầu đội mũ rơm, chễm chệ trên lưng các chú ngựa bé nhỏ để canh chừng chúng.
Công việc kinh doanh ban đầu của Ángel Castro là bán nước chanh. Mỗi sáng, ông chất lên chiếc xe lừa kéo những chiếc thùng to và nhiều ly vại và đánh xe qua các cánh đồng và khu rừng ở Mayarí để bán cho những ai đang khát. Với chút tiền lời ít ỏi, ông bắt đầu mua sỉ nhiều loại hàng hóa khác nhau, rồi chở đi bán cho các nông trang ở vùng quê. Fidel nhớ lại, lúc đó ông Ángel thuê một toán nhân công địa phương và hợp đồng đốn cây cho những người khai khẩn những cánh đồng trồng mía mới và cung cấp củi đốt cho các nhà máy đường lớn. Hẳn ông cũng đã hợp đồng với một công ty đường Mỹ. Là dân Tây Ban Nha di cư, rất nghèo nhưng lại đầy quyết tâm, Ángel Castro đã không ngừng làm lụng để kiếm tiền, chắt chiu dành dụm và mày mò học chữ.
Có lẽ vào khoảng năm 1910, lúc bước vào tuổi ba mươi lăm, ông Ángel bắt đầu thuê đất của Công ty United Fruit trong khu vực Birán, cách thị trấn Mayarí ba mươi sáu cây số về hướng tây nam, đem số tiền kiếm được từ việc kinh doanh đường mía chuyển sang việc sở hữu những mảnh đất nhỏ. Sau đó, ông Ángel chuyển sang trồng mía bán cho các nhà máy của công ty này, một việc mà United Fruit khuyến khích để bắt các tiểu nông phải phụ thuộc vào nó. Ông bắt đầu thuê công nhân và dần dà trở thành Ngài (Don) Ángel Castro, một điền chủ ngày càng giàu có ở Oriente.
Thời gian này, ông Ángel Castro kết hôn với người vợ đầu tiên là bà María Argota. Không thông tin nào về bà còn lưu lại ngoài nghề nghiệp trước đó của bà là giáo viên tiểu học ở Mayarí. Họ có với nhau hai người con là Pedro Emilio và Lidia (sinh năm 1915). Năm 1985 cả hai vẫn sống ở Havana và thỉnh thoảng Fidel, em cùng cha khác mẹ ghé thăm. Lidia khi còn rất trẻ đã bỏ nhà theo một sĩ quan quân đội nhưng vài năm sau thì trở thành góa bụa. Bà đã dành phần đời còn lại giúp Fidel rất nhiều trong giai đoạn bí mật, tù đày và cuộc chiến ở Sierra. Còn Pedro Emilio là nhà chính trị không tên tuổi trước cuộc đảo chính của Batista vào năm 1952, và rồi đã chuyển sang lãnh vực chính của ông: nghiên cứu Hy Lạp và La tinh.
Có điều gì đó còn bí ẩn về Phu nhân Castro đầu tiên và về hoàn cảnh dẫn đến cuộc hôn nhân thứ hai của ông Ángel Castro. Tất cả những thông tin công khai nói về gia đình của Fidel đều rất sơ sài nhưng đều xác nhận là bà María Argota de Castro qua đời không lâu sau khi sinh người con thứ hai. Tuy nhiên, Juana Castro, em gái Fidel lại quả quyết là cha mình hoặc đã ly dị hoặc đã bỏ người vợ đầu, và bà này sống cho đến khi cách mạng thành công mới mất.
Vợ thứ hai của ông Ángel Castro, mẹ ruột của Fidel và sáu anh chị em khác, bà Lina Ruz González, là một phụ nữ trẻ hơn điền chủ Birán hai mươi lăm tuổi, chào đời tại Pinar del Río, một tỉnh cực tây của Cuba. Theo lời kể của cô con gái Emma thì bà là “một người Cuba lâu đời,” hiểu theo ý này thì bà không phải là thế hệ di dân Tây Ban Nha đầu tiên. Juana nói rằng mẹ mình xuất thân từ “một gia đình bình dân,” nhưng không biết khi nào và vì lý do gì đã đến sống ở Oriente. Theo những thông tin mới được công bố thì bà Lina là người giúp việc, phụ trách nấu ăn, trong gia đình Castro khi bà María Argota de Castro còn là bà chủ ở đây.
Theo lời kể của Fidel thì thân sinh của bà Lina cùng các con đã “đi xe kéo cả ngàn cây số” từ Pinar del Río đến Oriente vào hồi đầu thế kỷ 20. Cả hai ông bà nghèo vô cùng và cha Lina cùng với hai anh trai kiếm sống bằng cách đánh xe bò chở mía từ cánh đồng tới nhà máy. Không biết chuyện gì xảy ra với ông ngoại Ruz, song Fidel chỉ nhớ là bà ngoại ông sống ở một nơi khác cách căn nhà Birán một cây số và sau cách mạng năm 1959, cụ đã đến Havana sống với Lina.
Fidel, có rất nhiều kỷ niệm về mẹ, thường kể là hồi nhỏ bà “thực sự mù chữ” và chỉ khi trưởng thành, bà mới bắt đầu tự học chữ. Cả bà ngoại và mẹ ông đều rất sùng đạo và “lòng sùng đạo này xuất phát từ truyền thống gia đình.” Do ở Birán không có nhà thờ cũng không có linh mục, mẹ Fidel thường cầu nguyện ở nhà. Trong cuộc chiến Sierra, cả hai người phụ nữ này đã không ngớt cầu nguyện với Chúa và Thánh Thần để Fidel và Raúl được bình an. Ngày cách mạng thắng lợi, bà Lina - đầu trùm khăn đen, đã quỳ trước bệ thờ ở giáo đường Santiago để tạ ơn Chúa đã cho các con trai bà sống sót và thắng lợi. Fidel nhớ lại mỗi lần bà ngoại và mẹ ông nói cho ông nghe về những lời khấn hứa và lòng tin, ông kính cẩn chú ý lắng nghe. “Dù thế giới quan của tôi khác hẳn, tôi không bao giờ bàn những vấn đề đó với các cụ, vì tôi thấy bà và mẹ tôi tìm thấy trong tôn giáo và tín ngưỡng của hai người sức mạnh, nguồn động viên và sự an ủi. Việc chúng tôi còn sống sau cuộc chiến chắc chắn đã làm hai cụ thêm tin tưởng hơn.” Về cha mình, Fidel nói: “Tôi thấy ông hay lo những chuyện khác như chính trị, chuyện phải vật lộn với miếng ăn hàng ngày… Gần như không bao giờ nghe cha tôi nói gì tới tôn giáo. Có lẽ ông cụ không mấy tin vào tôn giáo. Cha tôi là như vậy.” Có vẻ như Fidel cảm thấy buồn khi cha mình không cùng với mẹ mình khấn hứa, cầu nguyện cho sự an nguy của ông.
Nhiều nhà văn nước ngoài cho rằng ba người con đầu của ông bà Ángel và Lina là Ángela, Ramón và Fidel đã ra đời ngoài giá thú trong thời gian Lina làm hầu gái hoặc đầu bếp trong nhà. Cả ba người đều giữ im lặng về câu chuyện này. Rất có thể người vợ đầu vì vậy đã quyết định ra khỏi nhà và sau đó gia đình cũng để bà đi vào quên lãng (dù Pedro Emilio và Lidia có đến sống chung với bà ở nơi nào đó một thời gian).
Dẫu sao, sau khi Fidel ra đời, Ángel Castro và Lina đã làm lễ kết hôn tại nhà thờ dưới sự chứng kiến của linh mục Enrique Pérez Serantes, bạn chú rể, và nhiều năm sau này khi trở thành giám mục, chính ông đã đứng ra làm trung gian để cứu Fidel khỏi tay bọn lính Batista. Ángela, Ramón và Fidel sau đó được làm lễ rửa tội, lấy họ cha là Castro Ruz. Dẫu có những lời đồn đãi không tốt về nguồn gốc của Fidel nhưng xã hội Cuba vốn bao dung nên hầu như ông không gặp lời đàm tiếu hoặc rắc rối nào.
Vào thời gian Ángel Castro kết hôn lần đầu, căn nhà hai tầng với những trụ bằng gỗ đang xây dở trên đỉnh đồi của nông trang Brián. Căn nhà khá rộng có các cửa sổ phòng ngủ hướng về dãy núi phía nam, còn gia súc và trại bò sữa ở bên dưới tòa nhà. Năm 1899, khi Ángel mới đến, làng Birán chính thức có chừng 530 cư dân và khi lũ trẻ nhà Castro ra đời thì dân số trong làng đang tăng nhanh. Thị trấn Marcané gần đó phần nào có tiếng tăm vì có cả trường học và một bác sĩ. Tất cả khu này đều nằm trong phạm vi của “đế chế” Công ty United Fruit.
Fidel cho rằng cha ông xây nhà trên các trụ gỗ và bên dưới được dành làm chuồng trại để nuôi gia súc vì đây là kiểu kiến trúc thường thấy của các điền chủ giàu có ở Galicia. Ángel Castro, vốn ra đời trong ngôi nhà trệt, làm bằng đá đơn sơ ở Tây Ban Nha, rất muốn hưởng sự sung túc do chính tay ông gầy dựng nhờ cần cù làm việc nơi xứ lạ. Fidel còn lưu giữ một tấm ảnh chụp ngôi nhà ở Galicia mà ông thường đưa cho khách xem để cho thấy thuở ban đầu đơn sơ của gia đình.
Hồi Fidel còn nhỏ, ngôi nhà Brián được nới rộng để tạo thêm một văn phòng cho cha ông và sau đó một chuồng bò được cất lên cách tòa nhà chính khoảng một trăm thước, tiếp theo là một lò mổ nhỏ và một xưởng sửa chữa. Từ hồi đó, Ángel Castro đã cho xây một cửa hiệu và một tiệm làm bánh. Cuối cùng, chỉ còn có bưu điện và ngôi trường quê nhỏ ở Birán là không thuộc sở hữu của cha ông. Gần nhà ông là một sân đá gà. Vào mỗi chủ nhật trong mùa thu hoạch nơi đây đều tổ chức các trận đá gà. Fidel kể: “Nhiều người nghèo đã đặt cược số tiền ít ỏi kiếm được vào đó; nếu thua thì họ trắng tay; còn nếu thắng, họ liền mua rượu và mở tiệc.”
Nông trang Manacas của gia đình Fidel nhanh chóng lên tới con số 26.000 mẫu (1.920 mẫu là của riêng cha ông, số còn lại được cha ông thuê vĩnh viễn) gồm khoảng 300 gia đình sinh sống và làm việc ở đó. Đa số là công nhân cắt mía Haiti nghèo khổ được đưa tới Cuba từ đảo Hispaniola, qua eo biển, để làm việc trên các cánh đồng mía. Mía của nông trang này được bán cho nhà máy Miranda của Công ty United Fruit gần đó. Ngoài ra, Don Ángel còn trồng cây ăn trái, nuôi gia súc và sở hữu các cánh rừng ở Pinares de Mayarí, nơi đây nhà máy cưa của ông sẽ chế biến thành gỗ để bán với số lượng lớn. Ông còn sở hữu một mỏ nicken (khu Vịnh Nipe là nơi có nhiều mỏ nicken và các loại khoáng sản khác).
Ángel Castro cảm thấy hứng thú trong vai trò người đứng đầu một gia đình Cuba gốc Tây Ban Nha có sản nghiệp. Ông có dáng người bệ vệ, cao hơn một thước tám và trên đầu luôn đội chiếc nón rộng vành để che đi cái đầu hoàn toàn trọc lóc – do chính tay vợ hoặc con gái ông dùng tông đơ để hớt cho đến khi không còn tóc và bóng láng. Mãi đến tuổi bốn mươi, ông mới để râu song sau đó cũng cạo đi.
Don Ángel là người lúc nào cũng cần cù làm lụng ngay cả khi đã trở nên giàu có. Ngày nào ông cũng dậy thật sớm, tự tay mang bữa sáng đến cho thợ cắt mía và những người gieo trồng trên đồng. Vào đêm Giáng Sinh và các ngày lễ lớn khác, ông thường ngồi ở chiếc bàn ngoài trời trước cửa nhà kho, giáp với khu nhà chính, để phát phiếu mời công nhân đi dự tiệc xem như là quà tặng của ông chủ. Dẫu Ángel Castro là người từ tâm nhưng các con ông vẫn nhớ ông còn là người cực kỳ nóng tính và hay nổi giận bất ngờ – những tính khí mà ông đã di truyền trọn vẹn cho con trai Fidel của mình.
Thời trai trẻ của Fidel -
Chương 7
Đã có rất nhiều tranh cãi về các chi tiết chung quanh cuộc đời Fidel, ngay cả năm sinh chính xác của ông. Đã có lúc xảy ra những bất đồng kéo dài nhiều năm về việc ông sinh năm 1926 hay 1927, (nếu căn cứ theo bức thư gửi Tổng thống Mỹ Roosvelt năm 1940 khi còn là cậu bé 12 tuổi thì lại là năm 1928).
Bản thân vị Tổng Tư Lệnh cam đoan năm 1926 là đúng - có lần, ông đã nói vui là ông thật sự ước gì mình đã sinh trễ một năm để “tôi có thể trở thành người đứng đầu chính phủ trẻ hơn, ba mươi mốt chứ không phải ba mươi hai tuổi, khi cuộc Cách Mạng của chúng tôi thắng lợi.” Ngay cả báo chí Liên Xô vào năm 1963 cũng đã in sai năm sinh của ông trong một bài viết dài về tiểu sử của ông, và khi báo chí Cuba in lại cũng đã không sửa lại lỗi sai này. Câu chuyện nhầm lẫn này phát xuất từ sự thay đổi trong hồ sơ nhập học của ông khi Fidel bị trễ học mất ba tháng vì biến chứng do mổ ruột thừa. Fidel chào đời lúc 2 giờ sáng ngày 13 tháng 8, nặng bốn cân rưỡi và tên ông được đặt theo tên của Fidel Pino Santos - một chính trị gia rất giàu có ở Oriente, bạn của cha ông. Thoạt tiên, lúc ban đầu chưa có cái tên lót Alejandro, song khi viết các bài báo chống Batista sau cuộc đảo chính năm 1952, ông đã dùng Alejandro làm bút danh của mình. Tên này còn được dùng làm bí danh khi đấu tranh bí mật và khi chiến đấu du kích ở Sierra.
Fidel có vẻ như muốn tạo ấn tượng mạnh và bí ẩn về hoàn cảnh chào đời của ông. Ông nói với một thầy tu dòng Dominica người Brazil là “Tôi sinh ra đã là du kích, vì ra đời vào ban đêm, khoảng hai giờ sáng… Có thể đêm đã ảnh hưởng tới tinh thần du kích của tôi, trong hoạt động cách mạng.” Cũng theo ý nghĩa ấy, ông nhấn mạnh đến sự quan trọng của con số 26, đúng theo cung cách truyền thống mê tín và tâm linh của người Cuba. Năm sinh của ông là 1926, ông cho biết ông hai mươi sáu tuổi lúc mưu đồ chống Batista năm 1952 (ông còn chú thích năm mươi hai là gấp đôi của hai mươi sáu). Ngày tấn công trại lính Moncada do Fidel chọn là ngày 26 tháng 7 năm 1953 và phong trào cách mạng của ông cũng mang tên Phong Trào Ngày 26 Tháng 7. Con tàu Granma đổ bộ vào Cuba năm 1956 (ít nhất cũng có con số 6). Bạn bè Fidel nói ông thường chọn ngày 26 trong tháng để quyết định và hành động những việc quan trọng, thí dụ như năm 1962, ông chọn đúng ngày 26 tháng 3 để phát biểu một bài diễn văn quyết định có ý nghĩa triệt hạ những phần tử phản động chống lại ông vào ngày ông xuất hiện sau thời gian tự cách ly (ông hoàn toàn vắng bóng trước công chúng trong một tháng). Fidel có lần cũng đã nói: “Có thể có những bí ẩn nào đó quanh con số 26.”
Ngay chính cái tên của nhà lãnh đạo cách mạng tương lai này cũng rất hợp về phương diện tiên tri và chính trị: chữ Fidel theo tiếng La tinh có nghĩa là “trung thành” và có một âm ngân vang chắc nịch. Trong một đất nước mà người lãnh đạo nổi tiếng luôn được nhân dân biết đến và gọi thân mật bằng tên thì khi tất cả cùng reo hò thì thật khó có cái tên nào nghe nhịp nhàng hơn tên Fidel. Chỉ với cái tên Fidel, ông cũng đã có được điểm xuất phát vượt trội khác thường hơn các đối thủ chính trị khác trên đảo quốc này.
Bản thân Fidel cũng cảm thấy tự hào về tên của mình: “Tôi hoàn toàn hợp với tên của tôi, vì lòng trung thành và vì niềm tin… Ai đó còn cần đến niềm tin tôn giáo; nhưng tôi đã luôn là người của niềm tin, của sự tin cậy và lạc quan.” Fidel còn chú ý ngày 24 tháng 4 là ngày thánh của ông - thánh San Fidel – và ông nói rằng đó là ngày “vị thánh của tôi”, vì có một vị thánh tên là San Fidel; trước kia, có một vị thánh khác, tôi muốn quí vị hiểu điều này.”
Ông giải thích, tuy mình được đặt tên theo nhà triệu phú Fidel Pino Santos song ông này thật ra không phải là cha đỡ đầu của ông. Đến năm lên sáu, Fidel mới được đặt tên thánh vì cả linh mục chịu trách nhiệm vùng này lẫn nhà chính trị quá bận rộn Fidel Pino Santos đã không thể đến Brián cùng một lúc được. Câu hỏi về việc cha mẹ ông đã kết hôn với nhau chưa khi ông chào đời đã không được đề cập trong phần nhắc về tuổi thơ của ông, và ông trả lời ông được đặt tên thánh là vì “cha mẹ tôi có thể chờ sáu năm để đặt tên thánh cho tôi, nhưng không thể chờ sáu năm để đặt tên cho tôi.”
Fidel kể rằng vì khi còn bé ông không có tên thánh nên bọn trẻ ở Brián gọi ông là “thằng Do Thái”. Mặc dầu lúc đó ông không hiểu “thằng Do Thái” mang ý nghĩa gì, ông cũng hiểu là từ đó mang một nghĩa xấu vì ông không được làm phép rửa tội. Ở Oriente có một loài chim mỏ đen gọi là Judío (có nghĩa là Jew: Do Thái) và đã có lúc Fidel nghĩ rằng vì lý do gì đó lũ trẻ đã gọi ông là loài chim này. Với ký ức chọn lọc của ông, thật thú vị khi thấy ông nhớ rất rõ vết thương lòng vì đã là đứa trẻ không được đặt tên thánh. Cuối cùng ông cũng được làm lễ rửa tội tại nhà thờ Santiago, nơi ông đang sống và đi học lúc đó. Cha mẹ đỡ đầu của ông là ông Luis Hibbert, lãnh sự ở Haiti, và vợ ông này là bà Belén Feliú, cả hai là người da trắng lai da đen. Bà Belén là chị của cô giáo dạy piano cho ông hồi tiểu học. Không ai chắc chắn là bố mẹ đỡ đầu của ông có hiện diện trong ngày ông được rửa tội hay không nữa.
Thời thơ ấu của Fidel có vẻ rất êm đềm và hạnh phúc, và chắc chắn là được hưởng những ưu đãi như con cái của những điền chủ giàu có thời đó. Bọn trẻ nhà Fidel được cha mẹ thương yêu, dù Ángel Castro vốn nóng tánh và lũ trẻ lại rất nghịch ngợm. Dù tuổi tác cách biệt, song bảy đứa con của bà Lina rất thân nhau. Theo lời Juana Castro, con gái thứ năm của gia đình, thì Raúl là con cưng rất được mẹ thương yêu (và cô cũng rất thương người anh này), bởi tính nết “dịu dàng và tình cảm.” Và Fidel có lẽ là đứa con quả quyết, năng nổ nhất nhà và luôn biết cách đạt được ý mình. Khó mà nói rằng ý thức nổi loạn của ông là do tuổi thơ ông đã không được quan tâm nhiều hoặc sống trong một môi trường gia đình luôn hằn học với ông.
Quyển album gia đình còn lưu lại một bức ảnh chụp ông lúc lên ba tuổi. Trông ông có vẻ nghiêm nghị trong bộ quần áo trẻ em nhã nhặn: một chiếc quần soọc và cái áo khoác có cổ tròn lớn, mái tóc ông được chải cẩn thận, rẽ ngôi phải và trên tay ông đang cầm một quyển sách, đôi mắt nâu của ông mở lớn nhìn thẳng vào người chụp. Ở tấm hình khác, Fidel đang ngồi trên một bức tường, giữa chị Ángela và anh Rámon đang đứng trên nền đất. Ngồi cao và ở giữa hai anh chị, ông trở thành tâm điểm của bức ảnh.
Lên bốn tuổi, Fidel vào trường tiểu học công lập ở Marcané nơi Ángela và Ramón đang theo học. Cậu bé đã được học đọc và viết khi chưa đầy năm tuổi và tiếp tục học ở đây sau khi đã năm tuổi. Ngôi trường “nhà trẻ” này có khoảng từ mười lăm cho đến hai mươi học sinh. Và rồi, cha mẹ Fidel quyết định chuyển cậu đến Santiago, thủ phủ của Oriente, để theo học hai anh em nhà Marist vốn rất nghiêm khắc. Theo lời Fidel thì chẳng qua cha mẹ ông đã phải chào thua tánh nghịch ngợm của ông ở trường Marcané. Dường như ngay từ thuở nhỏ, Fidel đã tỏ ra có tính cách và phản kháng trước mọi hành động độc đoán, mặc dầu cậu bé lại biết nghe lời trước những cử chỉ dịu dàng và quan tâm. Khi không được làm theo ý mình, cậu phản ứng rất dữ dội với mọi người, kể cả cha mẹ hay thầy cô.
Giây phút sung sướng nhất của cậu bé Fidel lúc đó là được chơi ngoài trời, leo đồi, bơi trên sông Birán và cưỡi ngựa. Lớn hơn một chút, Fidel hay đi săn, mang theo cây súng cùng bốn chú chó. Cậu là vận động viên bẩm sinh. Niềm say mê hoạt động thể lực của Fidel ngay từ thuở nhỏ – khi còn sống ở nông trang và sau này trong những chuyến về nhà nghỉ hè khi đang học ở Santiago và Havana – đã giúp ông nhiều trong cuộc sống gian nan, khổ cực của một du kích quân sau này ở Sierra.
Fidel còn học bắn súng bằng khẩu súng trường shotgun và thích được bắn gần như vào mọi mục tiêu trong tầm nhắm của mình. Theo đoạn viết ngắn về thời trẻ trong phần tiểu sử của ông đăng trong tạp chí Revolución thì chàng trai Fidel thích tập nhắm bắn vào lũ gà trong trang trại “và nếu có em gái nào dọa mách mẹ, Fidel sẽ thuyết phục các em gái cùng bắn để khỏi ai mách mẹ được nữa.” Trong bất cứ việc gì ông làm, theo tiểu sử đăng trong Revolución, chơi đùa, bơi lội, học tập hay làm việc – “không bao giờ ông chịu thua mà lúc nào cũng nghĩ ra cách nào đó để thắng cho bằng được.” Cũng trong tiểu sử này thì Fidel “thường xuyên thay đổi vị trí các vật dụng, chẳng hạn như ở bàn ăn “cậu sắp xếp các ly uống rượu theo hàng ngàn tổ hợp khác nhau,” cho thấy bản năng hiếu động, chóng chán, mô phạm và cầu toàn từ thời trẻ của ông.
Các em gái ông nhớ là có lần Fidel tổ chức đội bóng chày ở Birán nên được cha mua cho gậy, găng và các vật dụng cần thiết khác (bóng chày là môn thể thao quốc gia của Cuba). Fidel thích được chơi ở vị trí của cầu thủ ném bóng nhất mặc dầu ông giao bóng tuy rất nhanh nhưng thường ít kiểm soát nên thiếu chính xác. Khi thấy đội mình bị thua, cậu lập tức dừng trận đấu lại và nghỉ chơi, đi về nhà. Chắc Fidel đã lây tính cách này của cha mình. Trò chơi Don Ángel ưa thích là domino (Fidel giờ cũng thích chơi cờ này). Đêm nào ông cũng chơi với nhân viên hoặc với vợ, song nếu có cãi cọ hay bị thua là ông cầm lấy bàn cờ ném xuống hiên, sau đó bỏ chơi cả tuần lễ.
Năm 1959, trong một cuộc phỏng vấn rất hiếm hoi mang tính tự sự với tổng biên tập Carlos Franqui của tờ Revolución, Fidel tiết lộ khá nhiều về cá tính phức tạp của mình. Ông kể về thời gian học ở trường Birán, “Tôi nhớ là khi đó tôi rất ngỗ ngược… Cứ mỗi lần không đồng ý điều gì đó với cô giáo, hoặc khi tôi nổi khùng, là tôi cãi lại cô và ngay lập tức bỏ ra khỏi lớp, rồi cứ thế cắm đầu cắm cổ mà chạy… Một hôm, vừa mới cãi lại cô xong, tôi vụt chạy ra dãy hành lang phía sau thì bị vấp một hộp nước ổi, rồi ngã xấp lên trên miếng ván có cắm một cây đinh. Lúc té, cây đinh đâm vào lưỡi tôi. Khi tôi về tới nhà, mẹ tôi bảo: ‘Chúa phạt con vì tội đã cãi lại cô đó.’ Tôi hoàn toàn tin là như vậy thật.” Trong lúc nói về mình trong giai đoạn từ bốn đến sáu tuổi, Fidel thừa nhận “tôi học hết thầy giáo này tới cô giáo khác, với mỗi người là tôi có thái độ khác nhau. Thầy cô nào đối xử tốt và mang cho chúng tôi đồ chơi, tôi tỏ ra ngoan ngoãn, còn nếu dùng áp lực, đòn roi và hình phạt, thì tôi cư xử khác hẳn.”
Hành vi của Fidel thường được các thầy cô bỏ qua vì cha cậu là người giàu có và có ảnh hưởng trong vùng. Fidel nhớ lại: “Hồi nhỏ mọi người thường chú ý nhiều tới tôi, chiều chuộng và đối xử với tôi khác với những đứa trẻ cùng lứa. Ông nhận xét: “Những đứa trẻ kia đi chân đất còn chúng tôi mang giày; chúng thường bị đói, còn ở nhà tôi, bao giờ tới giờ ăn cũng phải ép chúng tôi ăn.”
Ông không chắc chắn là việc ông chuyển lên học ở Santiago có phải “vì tôi đã gây quá nhiều chuyện phiền toái ở nhà hoặc cô giáo đã thuyết phục gia đình là nên gửi tôi đi học ở xa” hay không nữa. Dù lý do gì thì khi lên năm hoặc sáu tuổi (ông không nhớ chính xác là tuổi nào) Fidel đã cùng chị Ángela đón xe lửa đi Santiago, rời khỏi Oriente để đi về phía nam để bắt đầu một thời kỳ mới trong cuộc đời ông. Ông nhớ lại cảm giác bỡ ngỡ trước “những phi thường” của một thành phố lớn – nhà ga với các vòm cung bằng gỗ, khung cảnh náo nhiệt và cả con người thành thị” và nhớ là tối hôm đó họ ở nhà ông bà Hibbert, chị của cô giáo ở Birán, những người không lâu sau đó trở thành cha mẹ đỡ đầu của Fidel.
Theo lời kể của Fidel cho Carlos Franqui vào năm 1959 về những năm tháng thơ dại, ông được gởi đến Santiago để theo học tại trường La Salle của hai anh em nhà Marist giàu có. Nhưng khi trả lời một cuộc phỏng vấn khác vào năm 1985, câu chuyện này đã hoàn toàn khác đi. Lần này, Fidel nói rằng trong hai năm đầu tiên ở Santiago khi sống với ông bà Hibbert, cha mẹ đỡ đầu của ông, ông đã không đi học ở trường mà mẹ đỡ đầu đã dạy ông học ở nhà và chỉ gói gọn ở việc học thuộc lòng bốn phép tính số học từ trang bìa sau của một quyển sổ tay (ông nói ông thuộc chúng như cháo đến mức lúc bấy giờ ông có thể cộng, trừ, nhân, chia nhanh “như máy tính”) và trong nhà ông bà Hibbert không có cuốn sách nào để rèn chữ và chính tả cả.
Về điểm này thật khó hiểu nguyên nhân vì sao mà ông bà Castro lại để cho tình trạng như vậy diễn ra với con trai mình, và một điều lạ khác nữa là, theo lời Fidel, cả năm sau cha mẹ ông mới nhận ra là ông đã bị đối xử tệ bạc như vậy. Sau này có dịp nhìn lại, Fidel cảm thấy rất bực bội khi gặp phải tình huống như thể cha mẹ mình và ông bà Hibbert đã bí mật sắp xếp với nhau như vậy. Ông đã dùng các câu sau khi nói về thời gian đó: “Khi cha mẹ tôi đưa tôi đến Santiago tôi còn rất nhỏ và tôi phải chịu sự thiếu thốn và phải làm việc rất nhiều…,” và một năm sau, “Cha mẹ tôi một lần nữa lại gửi tôi đến căn nhà ở Santiago.” Ở đây, Fidel cho biết: “Tôi bị bỏ đói và bị đối xử bất công,” và hai năm đó thật phí phạm vì “sống cực khổ, phải làm việc và bị hành hạ.” Ông tiếp tục phàn nàn “Tôi bị gia đình này bóc lột, dù cha mẹ tôi đã trả tiền cho việc chúng tôi ở đó.”
Tới năm thứ ba ở Santiago, Fidel mới bắt đầu vào học lớp một ngoại trú ở trường La Salle và phải học bù cho những năm lãng phí. Ông tiếp tục sống ở nhà ông bà Hibbert và trở về nhà ăn trưa (“lúc đó, tôi không còn bị bỏ đói nữa”) và rất thích thú vì “có thầy cô, lớp học, bạn bè để chơi đùa và nhiều hoạt động khác mà tôi không hề có như khi phải học một mình với những phép tính số học từ bìa một cuốn sổ tay.”
Tuy nhiên, Fidel lại nhanh chóng cảm thấy buồn vì cứ thứ năm và chủ nhật, học trò nội trú được dẫn đi biển chơi hoặc đi dạo bên ngoài còn cậu thì không được tham gia vì là học sinh ngoại trú nên cậu thấy đời mình sao mà “quá buồn tẻ”. Cậu bắt đầu thấy không ưa ông bà Hibbert. Như lời ông kể, tuy mới năm hoặc sáu tuổi ông đã có ý nghĩ phải nắm lấy vấn đề trong đôi tay mình, và “bắt đầu hành động nổi loạn đầu tiên của tôi”. Cậu bé áp dụng điều gì đó tựa như “chiến thuật du kích” để buộc cha mẹ đỡ đầu cho cậu vào học nội trú. Một ngày nọ, khi ông Hibbert “phát vào mông tôi” vì một lỗi nào đó, Fidel lập tức “nổi loạn, rủa xả mọi người, không thèm nghe lời nào hết, la hét và nói tất cả những từ bị cấm nói.” Fidel kể: “Tôi xử sự gớm ghiếc tới mức họ lập tức đưa ngay tôi tới trường và ghi tên cho tôi vào học nội trú; với tôi đó là một chiến thắng lớn lao.” Fidel là học trò nội trú thứ ba mươi; có hai trăm đứa trẻ khác học ngoại trú. Việc này làm cha mẹ cậu mỗi tháng phải trả ba mươi Mỹ kim.
Tại trường La Salle, các nam sinh phải tuân thủ chặt chẽ quy định mặc quần áo nghiêm chỉnh và đeo cà vạt. Có một bức ảnh chụp tập thể học sinh lớp hai của trường này với Fidel ngồi ở hàng đầu, cà vạt hơi xốc xếch và nét mặt trông có vẻ khinh thị. Khi lục lại ký ức của mình, ông không cảm thấy có gì “đau khổ” khi phải xa gia đình vào lứa tuổi đó cả - rõ ràng là cậu bé hài lòng vì được tự lo cho mình. Ông kể tiếp: “ngay trong kỳ nghỉ đầu tiên, chúng tôi được nghỉ hè ba tháng; tôi không cho là có điều gì đó vui sướng hơn việc này; chúng tôi đi săn bằng giàn ná, cỡi ngựa, bơi lội trong sông suối và hoàn toàn tự do trong suốt ba tháng này.” Không hề có một chữ nào nhắc nhở về gia đình.
Lúc Fidel học xong lớp ba, Ramón và Raúl cũng tới La Salle học. Ba đứa trẻ được sắp cho học chung trong một lớp học đặc biệt – điều này nghe có vẻ phi lý vì Rámon mười tuổi, Fidel tám tuổi và Raúl bốn tuổi. Fidel giải thích rằng vì gia đình họ giàu có.
Thời gian học nội trú ở trường Marist được “tô điểm” bằng những trận đánh nhau vì quyền lợi của cậu bé; và Fidel phá lệ, vẽ chân dung mình như một cậu bé thích bạo động và bướng bỉnh. Ông kể có lần, sau khi cãi nhau lúc đi chơi thuyền, Fidel đã đánh đứa bạn cùng lớp, vốn là học trò cưng của vị linh mục dạy học. Tối hôm đó, đang trong buổi lễ trang nghiêm ở giáo đường, linh mục này đã gọi Fidel ra hỏi về đầu đuôi câu chuyện, không đợi giải thích, ông ấy “tát thẳng vào mặt làm tôi choáng váng… Tôi gượng lại, ông ấy lại tát thêm một cái nữa vào má bên kia... Lúc ông ấy cho tôi đi thì tôi hoàn toàn bàng hoàng và cảm thấy đau đớn vì bị sỉ nhục.” Fidel tiếp tục: “Lần khác… chúng tôi đang bước đi thành hàng một, ông ta lại đánh tôi, lần này thì đánh vào đầu. Sau đó, tôi tự nhủ sẽ không để chuyện này xảy ra nữa. Ngày nọ, chúng tôi đang chơi bóng. Đứa nào đứng đầu hàng thể nào cũng có được vị trí tốt nhất và trong lúc tôi đang cãi nhau giành vị trí đầu hàng với một đứa bạn thì ông linh mục từ phía sau tiến về phía tôi và đánh lên đầu tôi. Lần này, tôi phản ứng lại dữ tợn, ngay lúc đó và tại đó, ném mẩu bánh mì vào đầu ông ta, rồi lao vào đấm đá và cắn ông ta. Tôi không nghĩ là tôi có thể làm ông linh mục kia đau đớn nhưng hành động bộc phát liều lĩnh đó đã trở thành một biến cố lịch sử của trường này.”
Với những gì mà Fidel gọi là “một khoảnh khắc quyết định trong đời tôi”, Ángel Castro quyết định sau lớp bốn, đến kỳ nghỉ hè, ông sẽ không cho các cậu con trai của mình quay lại trường nữa. Ông bố không những nhận được giấy báo của trường La Salle nói rằng ba con trai ông không những không chịu học hành và “là ba kẻ đầu gấu, ương bướng nhất đã từng theo học ở đây” (Fidel nói rằng “báo cáo của trường không trung thực vậy mà ở nhà mọi người lại tin vào điều đó”) mà ông còn phát hiện ra rằng lũ con ông còn thêm tội dối trá khi chép thẳng lời giải trong quyển sách bài giải toán chúng mang từ trường về vào trong các bài toán mà ông thầy ở nông trang đã giao cho chúng làm.
Ramón Castro vui mừng được thôi học vì cậu thích đời sống ở Birán với những cánh đồng, thú vật và máy móc hơn. Cậu bé Raúl thì không có khả năng tự bào chữa nên “phải khăn gói lên đường đến một trường quân sự do một thầy giáo làng, là trung sĩ quân đội, điều hành và cũng là người cho cậu nếm mùi cực khổ.” Riêng Fidel thì quyết định phải trở lại trường học. “Tôi nhớ là đã tới gặp mẹ tôi và giải thích lý do tại sao tôi muốn được học tiếp; sẽ thật bất công nếu không cho tôi tiếp tục học. Tôi nài nỉ bà và nói tôi muốn đến trường, và nếu không cho, tôi sẽ nổi lửa đốt nhà… Vậy là cha mẹ tôi quyết định đưa tôi đi học lại. Không biết ông bà vì sợ hay là tội nghiệp cho tôi, nhưng dù sao mẹ cũng đã bênh vực tôi.”
Fidel mau chóng hiểu ra rằng sự ngoan cường đến cùng, nhất định không nhượng bộ là thứ vũ khí mạnh mẽ. Đây có lẽ là bài học quan trọng nhất cậu rút ra từ những năm còn trẻ khi ở nông trang và tại các trường học ở Santiago. Bấy giờ, sau khi hăm he để được đi học lại, Fidel ghi danh vào học lớp năm của trường nam sinh Dolores, một trường học tốt hơn và có yêu cầu cao hơn nhiều, nằm ngay trung tâm thành phố. Ở đây, năm lên chín tuổi, cậu bé Fidel bắt đầu thụ huấn giáo lý của dòng Tên – một trong những ảnh hưởng quan trọng nhất trong đời cậu. Fidel nhận xét về trường Dolores “là trường học đặt ra các chuẩn mực rất cao. Khó khăn lắm tôi mới theo kịp những bạn học khác”.
Và một lần nữa Fidel lại phải học ngoại trú. Cậu ở với gia đình một nhà buôn mà cậu chẳng thích chút nào. Chị Ángela, đang theo học trường nữ Santiago, là người bạn duy nhất trong căn nhà đáng ghét đó. Mỗi tuần, Fidel nhận được hai mươi xu tiêu vặt từ Birán gửi đến. Cậu tiêu mười xu cho việc xem phim vào ngày chủ nhật, năm xu ăn kem sau khi xem phim xong và năm xu còn lại mua truyện tranh “Con Én” ra vào thứ năm hằng tuần. Tuy nhiên khoản tiền ít ỏi này sẽ bị cắt nếu cậu không đạt điểm cao nhất. Fidel kể: “Bởi vậy, tôi quyết định phải có cách để bảo vệ quyền lợi của mình.”
Cậu vờ nói với thầy giáo rằng mình bị mất học bạ đã ghi điểm và được thầy cho quyển khác. Fidel kể: “Từ lúc đó, tôi ghi điểm rất cao vào học bạ mới rồi mang về nhà cho cha mẹ ký tên. Còn quyển kia có điểm thật thì tôi tự ký tên và nộp lại cho trường.” Khi đó, dường như cậu đang tu dưỡng tâm tính để trở nên ngoan hiền hơn nên không có ai nghi ngờ gì hết. Một bức hình chụp cậu đang hé miệng cười, ngồi trên băng ghế gỗ tại bàn ăn dài của nhà trường. Cậu mặc đồng phục trường Delores, quần dài trắng, áo ngoài màu xanh đen, sơ mi bên trong và cổ thắt cà vạt, và lưng đeo một thắt lưng trắng; những thầy tu dòng Tên thích trường học mang bầu không khí nhà binh nên thậm chí còn có một ban nhạc, như trong một tấm ảnh khác, người ta nhìn thấy Fidel đang tiến bước dưới quốc kỳ Cuba và cờ hiệu của trường Delores.
Khi được mười tuổi, Fidel bị đau ruột thừa, phải nằm lì ở bệnh viện Colonia Espanola ở Santiago mất ba tháng vì vết mổ không chịu lành. Tuy vậy, như thường lệ, cậu lại biết tận dụng thời gian. Fidel nhớ lại: “Tôi thực tập lấy một mình, và kết bạn với những bệnh nhân khác. Tôi kể lại điều này để cho thấy là tôi có khiếu quan hệ với người khác; tôi có thiên hướng của một chính trị gia. Khi không đọc truyện tranh, tôi dành thời gian ghé thăm các bệnh nhân khác… Có người nói sau này tôi có thể làm bác sĩ được vì tôi thường chơi với mấy con thằn lằn và dao cạo Gillette. Tôi bị ám ảnh về ca mổ mà tôi đã trải qua… Các điều kiên và biện pháp vệ sinh lúc đó rất kém nên vết thương của tôi không chịu khép miệng và tôi phải nằm viện ba tháng trời. Sau đó tôi thử ‘giải phẫu’ mấy con thằn lằn – tất nhiên là chúng không sống được. Sau đó tôi thích xem cách lũ kiến khiêng xác con thằn lằn đi, cách hàng trăm con kiến cùng làm việc chung với nhau để khiêng được con thằn lằn và mang nó về tổ.”
Bệnh tật làm Fidel lỡ mất ý định học vượt lớp ở trường mà một cô giáo da đen đã khuyến khích cậu làm. Cô giáo này đã dạy cho chị Fidel và thấy cậu bé rất có tiềm năng. Fidel nói rằng chưa bao giờ ông được “thầy cô hoặc người hướng dẫn nào giúp đỡ” trong vấn đề nổi loạn hồi trẻ khi tính cách ông đang hình thành, nhưng “cô giáo da đen ở Santiago đó quả thực gần đúng với nghĩa là ‘thầy’ tôi. Cô là “người đầu tiên mà tôi quen biết đã khích lệ tôi, cho tôi một mục tiêu và truyền cho tôi lòng hăng hái học vào giai đoạn đầu đời của mình.”
Trở lại nhà người giám hộ, lúc này Fidel đã lên lớp sáu và ngày càng hận cách đối xử ở đây. Chỉ vì một nguyên do làm cho cậu bé giận là cứ mỗi lần đi học về là cậu bị nhốt trong phòng hàng giờ liền để học “giữa lúc đứa trẻ nào cũng chỉ muốn… không phải làm gì cả, nghe radio hoặc đi ra ngoài chơi.” Nhưng cậu cũng không thèm học và thay vào đó, để cho trí tưởng tượng “bay bổng đến những địa điểm và sự kiện lịch sử, và đến với các cuộc chiến tranh.” Fidel nói ông thích môn lịch sử “nhiều lắm, nhất là những câu chuyện về các trận đánh… Tôi thậm chí còn bày trận ra chơi nữa.” Những giờ bị nhốt trong phòng, với ông “là một hình thức luyện tập quân sự… Tôi lấy ra thật nhiều giấy vụn và vo chúng thành những viên nhỏ, sắp xếp chúng trên miếng bìa, rồi đặt một chướng ngại vật để coi bao nhiêu viên giấy vượt qua được và bao nhiêu không. Cũng có mất mát, thương vong. Tôi chơi trò chơi chiến tranh như vậy mỗi lần suốt mấy giờ liền.” Khi không chịu nổi sự tù tùng trong căn nhà người giám hộ này nữa, Fidel cất tiếng rủa xả mọi người trong gia đình này “quỷ tha ma bắt hết các người đi,” là y như rằng chiều hôm đó cậu trở thành “học sinh nội trú” của trường Dolores ngay lập tức. Fidel không cho biết là cha mẹ ông có ý kiến gì về chuyện đó không, nhưng luôn nhấn mạnh “Tôi phải tự nghĩ cách thoát khỏi tình huống mà tôi thấy khó chịu,” và kể ra những trận ẩu đả khi còn học ở trường La Salle và lần xung đột ở Brián về việc tiếp tục đi học.
Fidel, khi đó vừa tròm trèm mười một tuổi, nói rằng “từ đó trở đi quyết định chỉ nghe theo ý mình và phải tự lo liệu lấy vấn đề của mình chứ không xin lời khuyên của ai hết… Tôi chơi đá banh, bóng chày, jai alai - bóng ném kiểu Nam Mỹ - và các môn thể thao khác. Tất cả năng lượng trong người tôi đã dồn cho các môn chơi đó.” Ông giải thích: “Bản thân tôi phải chịu thiệt thòi vì thiếu những nhận thức sơ đẳng nhất về việc giảng dạy và về tâm lý giáo dục trẻ em,” thế nhưng, “Tôi không oán trách cha mẹ tôi, ông bà vốn đã không được hưởng nền giáo dục đúng mực; họ giao phó anh em chúng tôi cho người khác vì tin rằng những người này sẽ đối xử tốt với chúng tôi, nhưng thực tế không phải vậy.” Có vẻ như ông không thông cảm với quan điểm này của cha mẹ mình nhưng tiếp tục nhận sự trợ giúp từ gia đình cho đến lúc chuẩn bị lên tàu Granma vào năm 1956. Cô em Juana của Fidel tin rằng Fidel kính trọng cha, song hai người đàn ông cùng mang dòng máu Tây Ban Nha kiêu hãnh và bướng bỉnh này không hề biểu lộ tình cảm ấm áp đối với nhau. Sự xung khắc chính đầu tiên giữa hai cha con là lần cậu bé Fidel chín tuổi hăm đốt nhà nếu không được đi học. Năm mười ba tuổi, lúc ông bố đi thanh toán tiền học phí cho trường Delores, “ông con”, đang nghỉ hè ở nhà, không những đã dám lái chiếc xe kéo của nông trang mà còn tìm cách tổ chức công nhân đường chống lại Don Ángel. Tới năm mười tám tuổi, Fidel, đang học đại học tại trường Dòng Tên đắt tiền ở Havana, đã thường xuyên đấu tranh với cha về “chủ nghĩa tư bản” của gia đình, trách cha mình là đã “lợi dụng” công nhân “bằng những lời hứa ảo.”
Họ hàng của gia đình Castro kể lại rằng khi Fidel chỉ trích cha mình trong việc quản lý gia sản tồi, ông đồng thời cũng đòi xem xét sổ sách kế toán và phản đối việc gia đình cho một nông dân kéo dài khoản nợ 6.000 peso. Khi Fidel ngồi tù sau sự kiện Moncada, cha ông (vừa mới thanh toán xong học phí đại học cho ông) hằng tháng vẫn gửi tiền chu cấp cho con dâu Mirta, vợ của Fidel, và cháu nội Fidelito. Theo Juana Castro, trong thời gian bảy tuần ở Havana sau khi được chính quyền độc tài ân xá và đang chuẩn bị đi Mexico làm cách mạng, Fidel đã không dành thời gian ghé thăm nhà; Raúl, được thả cùng lúc, đã tìm cách về thăm nông trang khoảng một tuần lễ. Lần cuối cùng Fidel gặp cha là đầu năm 1953, trước trận Moncada. Khi Don Ángel bị bệnh mất vào tháng mười năm 1956, Fidel đang ở Mexico.
Năm Fidel lên lớp sáu ở trường Dolores, người cha một lần nữa đã thay đổi ý định giáo dục các con mình. Ramón và Raúl lại được ông gửi đi học cùng với Fidel. Một ngày chủ nhật, theo lời Raúl kể lại, khi được ra chơi ngoài bãi biển Siboney, gần Santiago, thầy dòng chịu trách nhiệm dẫn học sinh đi đã phạt hai học sinh trong đoàn không cho xuống biển bơi. Biết chuyện, Fidel tới gặp thầy dòng này và hỏi, “Thưa cha, nếu con nhảy từ tấm ván cao mười thước xuống dưới nước, cha có cho các bạn đó đi bơi được không?” Thầy dòng trả lời: “Con ơi, cao lắm đó… Con sẽ không dám đâu!” Fidel lặp lại yêu cầu đó và thầy dòng chấp thuận: “Thôi được, cha đồng ý, nếu con dám nhảy xuống.” Fidel đã thu hết can đảm và lao xuống nước, xóa lệnh cấm bơi cho hai người bạn - song cũng để chứng tỏ với bản thân rằng cậu luôn có khả năng chiến thắng được nỗi sợ.
Raúl, vốn ghét đi học, nhớ lại: “Đối với tôi, đó là nhà tù. Trường học với tôi có nghĩa là cầu nguyện, là đeo cà vạt và sợ Chúa. Tuy nhiên, điều khiến tôi sợ chết khiếp đi được là cầu nguyện. Chúng tôi phải cầu nguyện suốt ngày, từ sáng tới tối. Nhưng Fidel thì khác. Anh ấy chế ngự được hoàn cảnh. Chuyện gì anh ấy cũng thành công. Trong thể thao, trong học hành. Và ngày nào, anh ấy cũng đánh nhau. Tánh Fidel rất dễ nổi nóng và sinh sự. Anh ấy tìm những đứa to nhất, khỏe nhất để thách thức, và khi mà bị thua, hôm sau thế nào anh cũng bắt đầu lại từ đầu. Không bao giờ anh ấy chịu bỏ cuộc.” Một lần nữa, mục đích của Fidel là tôi luyện lòng can đảm của mình.
Juan Rovira, bạn học của Fidel ở trường Belén (giờ đang sống ở Miami), kể rằng Fidel là một mẫu người hùng thể thao và là một học sinh có trí nhớ lạ thường. Rovira nói: “Mọi người ai cũng thấy phấn kích với Fidel khi có trận đấu bóng chày với đội của trường La Salle, hoặc khi thi điền kinh, vì cậu ấy chạy rất nhanh và phẩm chất thể thao của cậu ấy thật tuyệt vời. Cậu ấy xuất sắc trong mọi môn thể thao, và vì vậy cậu ấy rất được mọi người quí mến. Nói về việc học, tuy Fidel không nổi bật lắm, nhưng tới kỳ thi Fidel học miệt mài. Học sinh nội trú được phép dậy sớm vào bốn giờ sáng để học và cậu ấy có trí nhớ thật phi thường. Khi làm bài thi, cậu viết ra giấy chính xác những gì đã đọc, cứ y như đang chép lại từ sách ra, nhưng thật ra thì mọi điều cậu học đều đã được khắc ghi vào trong bộ nhớ. Fidel đạt điểm cao nhờ trí nhớ kỳ lạ đó.”
Lần đầu Fidel biết đến núi non là khi ông sống ở Dolores. Trong những chuyến tham quan dã ngoại, học sinh được xe buýt trường đưa đi leo núi, khi thì El Cobre, lúc thì Gran Piedra hoặc có khi còn tới tận chân đồi Sierra Maestra. Fidel kể: “Tôi cũng thích đi dọc theo các con sông lúc triều lên, băng qua đó, ngao du một lúc rồi mới quay về. Xe buýt bao giờ cũng phải nán lại đợi tôi… Tôi không tưởng tượng được là có ngày các dãy núi lại đóng một vai trò quan trọng như vậy trong đời mình!”
Năm mười lăm tuổi, Fidel tốt nghiệp trường Dolores (theo Fidel, năm đó “Tôi là một học sinh giỏi nhất trường”). Ở kỳ thi cuối khóa, khi được yêu cầu nêu tên một loài bò sát, cậu trả lời “rắn majá” (một loài rắn lớn, không độc ở Cuba) và khi được yêu cầu nêu thêm một tên khác, cậu đáp “rắn majá khác.”
Lòng quyết tâm hơn người và nổi trội của Fidel thật vô bờ bến. Hồi ở Santiago, đài phát thanh tài trợ một cuộc thi thơ ca do các bậc phụ huynh bình chọn. Tuy ngưỡng mộ José Martí, một nhà thơ vĩ đại của đất nước Cuba, Fidel lại hoàn toàn không có khiếu về thi ca, thế nhưng ông cũng gửi nhiều bài đến dự thi. Fidel nhìn nhận: “trong cuộc thi, mấy bài thơ của tôi không phải là những bài hay nhất, nhưng tôi đã kết bạn với tất cả bọn trẻ, và qua đây một lần nữa tôi lại thấy có lẽ trong tôi đã sẵn có thiên hướng về chính trị… Hầu như đứa trẻ nào cũng đòi cha mẹ chúng bầu cho tôi. Vậy là thư bầu chọn được gửi tới, đại loại ghi thế này: ”Bài thơ viết về các bà mẹ của bạn Elpidio rất hay và cảm động, nhưng chúng tôi bầu cho bạn Fidel…”
Sau khi cách mạng thắng lợi, Fidel Castro thường nói ý thức xã hội của ông đã ra đời dưới mái trường quê ở Marcané và nông trang Birán nơi ông đã học và chơi với lũ trẻ nghèo. Điều này được chứng minh trong lá thư dài ông viết từ nhà tù gửi cho người bạn gái của ông vào ngày 24/1/1954, nơi ông đang thụ án vì cuộc tấn công Moncada, có đoạn: “Các bạn học của tôi, con trai của những nông dân nghèo, đi chân đất đến trường, và, rất thường, phải mặc những bộ quần áo tàn tạ. Họ rất nghèo. Họ phải học hành trong hoàn cảnh nghèo khó ngay từ chữ cái vỡ lòng, rồi sớm bỏ học dù trí óc họ đủ thông minh lĩnh hội. Từ đó, đời họ chìm xuống tận đáy xã hội và trong bể tuyệt vọng của sự dốt nát và bần cùng - không một ai trong số họ thoát khỏi thảm họa tất yếu đó. Ngày nay, con cái của họ tiếp bước số phận đó, oằn vai gánh nặng thuyết định mệnh xã hội. Tôi thì ngược lại, có thể học, tôi vẫn tiếp tục học… Hai mươi năm sau, vẫn không có gì thay đổi… Có lẽ đã như vậy kể từ khi có nền Cộng hòa và sẽ vẫn như thế nếu không có ai thật sự làm gì để thay đổi… Lĩnh vực kỹ thuật và tổ chức giáo dục sẽ không đi tới đâu nếu không có ai cải tổ lại tình trạng kinh tế quốc gia từ trên xuống dưới… vì đó là cội rễ của bi kịch… Phải thú nhận rằng, với sự giúp đỡ của nhà nước, một thanh niên chạm tay đến được một trình độ kỹ thuật hấp dẫn, cho dù tới đó anh ta cũng sẽ bị nhận chìm với mảnh bằng của mình, như một chiếc thuyền giấy, trong những khe hẹp đáng sợ của tình trạng xã hội và kinh tế hiện thời của chúng ta…”
Trong cuộc phỏng vấn mang tính tự thuật với Carlos Franqui năm 1959, Fidel lưu ý rằng: “tất cả tình cảnh xảy ra quanh đời sống và tuổi thơ tôi, mọi thứ tôi nhìn thấy, hẳn đã được sắp xếp hợp lý để cho rằng tôi sẽ phát triển thói quen, ý tưởng và tình cảm tự nhiên đối với tầng lớp xã hội có đặc quyền nào đó và động cơ ích kỷ, rồi trở nên dửng dưng trước những vấn đề của người khác.” Ông nói tiếp, “Tuy vậy, một trong những tình cảnh đó cũng đã giúp chúng tôi phát triển một tinh thần nhân bản nào đó. Đó chính là tất cả bạn bè chúng tôi, những người bạn đồng hành, đều là con cái các nông dân địa phương.”
Chính nhờ bối cảnh tương tự như vậy mà Fidel Castro được tiếp xúc với các giáo lý Dòng Tên, đầu tiên là ở Santiago, và sau đó là ở Havana. Sau những trải nghiệm đầu tiên với các trường Dòng Tên, ông kết luận: “Những người giảng dạy ở đây được chuẩn bị tốt hơn ở những trường khác… có tinh thần kỷ luật… việc tạo ra thói quen kỷ luật và học tập ở đây rất hay. Tôi không phản đối lối sống đó, dù hơi khắc khổ. Tôi nghĩ nhờ vậy mà Dòng Tên thường sản sinh ra những người có tính cách.”
Fidel không hề biết rằng, rất đông những cậu bé Cuba, sau này trở thành những đồng đội cách mạng thân nhất của ông, cùng lúc đó đang theo học tại các trường Dòng Tên ở Santiago, Havana và những thành phố khác. Đối với Fidel, lúc này ông đã được mười sáu tuổi và đã sẵn sàng cho sự thay đổi lớn lao sắp đến với đời mình.
Thời trai trẻ của Fidel -
Chương 8
Một buổi sáng tháng mười năm 1941, đầu gối Fidel Castro run lẩy bẩy, người mướt mồ hôi vì thần kinh căng thẳng. Cậu đang đứng trước cha José Rubinos, giám đốc Học Viện Văn Chương Avellaneda để phát biểu thuộc lòng bài diễn văn dài mười phút - sẽ đánh dấu sự khai sinh ra đời sống chính trị chuyên nghiệp của cậu sau này.
Nếu cha José Rubinos hài lòng với bài diễn văn mà cha yêu cầu này thì cậu sẽ được thu nhận vào học viện, theo học khoa hùng biện ở trường Belén – trường dự bị trung học Dòng Tên độc nhất ở Havana mà cha Fidel gửi cậu tới sau bốn năm học ở Dolores. Tới tháng tám, Fidel bước sang tuổi mười sáu và trong kỳ nghỉ hè ở Birán, cậu đã thuyết phục cha mẹ cho mình theo học ở Belén vì cậu cho rằng trường này dạy giỏi nhất nước cho dù đó còn là “trung tâm thanh thế nhất cho giới đại quý tộc và và tư sản Cuba.” Fidel luôn biết điều gì tốt cho mình.
Được học ở Havana và bỏ lại sau lưng tỉnh lỵ Oriente là bước đi vững vàng nhất hướng tới một sự nghiệp đầy kiêu hãnh và Fidel là người đầu tiên trong gia đình được tạo cho cơ hội như thế. Đáng nói hơn cả, Belén là cửa ngõ vào đại học, bước đi kế tiếp mà Fidel đã đặt ra. Đối với cậu thiếu niên lóng ngóng và mộc mạc đến từ miền quê sống bằng nghề mía thì thủ đô nhộn nhịp, nơi thế giới quần hội và nhiều cảm xúc nằm bên bờ biển Bắc, ẩn chứa biết bao ý tưởng và kinh nghiệm là cả một thế giới mới choáng ngợp. Đó là lần đầu tiên Fidel đến Havana. Từ Santiago ông đi xe lửa đến đây mang theo “nhiều tiền để mua trang phục, vật dụng… để đóng học phí, mua sách vở… và để tiêu pha cho những việc khác.” Tiền học phí và nội trú mỗi tháng tốn năm mươi Mỹ kim. Số tiền mà theo Fidel thì “rất rẻ” vào thời ấy, so với đời sống tiện nghi dồi dào ở Belén, nhưng lại ngoài tầm với đối với con em của một giáo viên, lương tháng chỉ có bảy mươi lăm Mỹ kim.
Fidel không quen biết ai ở Havana, song ngay từ đầu cậu đã quyết tâm phải sớm gây ấn tượng và vượt qua mọi trở ngại. Một bạn học của Fidel ở Belén và sau này ở Đại học Havana là José Ignacío Rasco nhớ lại khi ở Học viện Avellaneda, Fidel “tuyệt vọng vì sợ nếu run quá, mình sẽ không qua nổi kỳ thi tối quan trọng này.” Cuối cùng, Fidel cũng làm hài lòng cha Rubinos và được nhận vào học viện. Không ai nhớ lúc đó Fidel đã nói gì song lần kiểm tra đó (tùy chọn chứ không bắt buộc) lại là một thắng lợi nữa cho cậu. Ở Cuba, người nào muốn thành công trong chính trị người ấy phải giỏi nói chuyện trước công chúng và ở tuổi mười sáu, Fidel đã bị cuốn hút bởi sự tinh xảo, mưu trí và mê hoặc của chính trị và quyền lực, dù hiểu biết của cậu còn rất sơ sài.
Fidel ngày nay được công nhận là một trong những nhà hùng biện kiệt xuất trong thời của ông, song tính rụt rè của thời niên thiếu chưa bao giờ rời xa ông. Người bạn Rasco cũng kể lại là trước lúc phát biểu trước công chúng lần đầu tiên khi đã là sinh viên đại học, năm năm sau cuộc thi hồi hộp ở Avellaneda, Fidel đã bỏ ra một tuần ở nhà Rasco để viết và học thuộc bài diễn văn, sau đó đứng trước gương thực tập. Một lần nữa, tính nhút nhát trở thành vấn đề lớn của chàng sinh viên Fidel, và một lần nữa, Fidel lại vượt qua được. Năm 1985, Fidel đã thú thật trên tờ Bohemia ở Havana rằng ông khổ sở với nỗi sợ phải đối diện khán giả - độc giả trong nước đón nhận tin này với sự hoài nghi còn ngoài nước thì cười nhạo - song đây không phải là chuyện bịa. Có lẽ bản tính Fidel là người rụt rè và luôn có một khoảng thời gian ngắn giọng ông có vẻ ngập ngừng mỗi khi ông bắt đầu nói. Tuy nhiên, khi ông trở nên thích thú với đề tài thì vẻ rụt rè tự nhiên biến mất cho dù ông có phải đứng hàng giờ trước micro hay ống kính đi nữa.
Bên trong Fidel Castro, lòng kiên trì gây sửng sốt lại đi kèm với tính rụt rè. Rasco nhấn mạnh về việc hồi học đại học Fidel có khả năng tập trung rất cao và có trí nhớ lạ lùng và những năng lực này đã giúp ông nhiều trong việc học. Do thường xuyên bị phân tâm bởi nhiều vấn đề thú vị khác, Fidel trở nên sa sút trong học tập nhưng rồi sau đó ông lại vượt lên trở lại. Năm cuối ở Belén, Fidel bị lưu ban vì trong học kỳ đầu tiên, môn Luận lý và Pháp văn của ông không đủ điểm nên, nếu theo đúng trình tự, ông sẽ không được dự kỳ thi tốt nghiệp đặc biệt trước các giám khảo do Bộ Giáo Dục cử xuống (vì trường Bélen là trường tư thục nên luật pháp yêu cầu các học sinh phải được Bộ trưởng chứng nhận ngoài những qui định tốt nghiệp bình thường của trường). Trước tình thế này, Fidel xin với giáo sư chủ nhiệm, cha Larruces, rằng nếu cậu đạt 100 điểm (điểm tuyệt đối) môn Pháp văn và luận lý ở học kỳ hai thì thầy sẽ cho phép cậu được dự kỳ thi của Bộ. Cha đã chấp nhận điều kiện này và tất nhiên Fidel thắng cuộc.
Trí nhớ của Fidel kỳ lạ tới nỗi có lần một bạn học hỏi đùa: “Này Fidel, trang bốn mươi ba trong quyển xã hội học nói gì vậy nhỉ?” và Fidel đọc không vấp váp, và nếu từ ở cuối trang được tách ra bằng gạch nối thì cậu cũng nói ra được cả chi tiết đó.
Lòng kiên trì và quyết tâm của Fidel cũng được thể hiện trong hoạt động thể lực. Fidel có quyết tâm trở thành cầu thủ giao bóng chày giỏi nhất trường Belén nhưng vì thường đau cơ trong những lần ném bóng nên thỉnh thoảng Fidel phải tập ném bóng đến tận tám giờ tối trong sân thể thao của trường. Rất lâu sau khi cầu thủ bắt bóng mệt và về nghỉ, Fidel vẫn tiếp tục một mình ném bóng vào tường. Theo lời Rasco, một lần khi nghe Fidel khoe rằng có thể làm được bất cứ điều gì nếu muốn và khi bị một học sinh tên Cabella thách thức, Fidel cá rằng mình có thể tung người trên xe đạp vào bức tường gạch với đầu va vào tường. Không ngạc nhiên là Fidel xỉu ngay sau khi va vào tường và phải mất ba ngày vào nằm trong phòng y tế trường.
Suốt bốn năm ở Belén, Fidel là vận động viên nổi bật. Một phần do cậu vốn thích thể thao và một phần là do cậu đã đề ra nguyên tắc là phải thật sự xuất sắc về mọi phương diện. Tuy vậy, theo nhiều bạn học thời đó, Fidel chơi đơn độc nhiều hơn là chơi đồng đội. Đó là tính cách tự nhiên của cậu.
Fidel là ngôi sao môn điền kinh, quán quân môn bóng bàn, cầu thủ giao bóng chày và, như lời ông giải thích, “tư tưởng gia” trong bóng rổ – một đội trưởng trên thực tế. Enrique Ovares, một người rất gần gũi với Fidel ở trường đại học vì cùng tham gia trong nhiều hoạt động chính trị với ông, kể rằng đội bóng rổ trường Belén “nổi tiếng vì những gì Fidel chạm tay vào cũng đều trở nên nổi tiếng.” Ovares là một kiến trúc sư hiện đang sống lưu vong tại Florida (sau năm 1960 bị tù bảy năm vì âm mưu phản cách mạng) nhớ rằng Fidel siêng tới nỗi “buổi tập nào cậu ta cũng đi, và nếu được yêu cầu ném bóng năm mươi lần vào rổ thì cậu ta ném tới một trăm lần.”
Chính Fidel cũng hãnh diện kể: “Từ lúc vào trường, tôi trở nên nổi bật trong môn bóng rổ, bóng đá, bóng chày, điền kinh và hầu hết những môn thể thao khác.” Sau chuyến đi dã ngoại đầu tiên với đội Hướng Đạo Sinh, ông bắt đầu yêu thích những chuyến đi chơi núi và duy trì đến mãi về sau, “thầy cho là tôi đặc biệt và tiếp tục khuyến khích tôi cho đến một ngày được bầu làm huynh trưởng Hướng Đạo của trường, ‘tướng quân thám hiểm’, như cả đội gọi tôi.” Fidel đã tổ chức và chỉ huy chuyến viễn thám, leo lên đỉnh núi Guajaibón cao nhất ở phía tây Cuba, mất năm ngày thay vì chỉ có ba theo như dự tính ban đầu vì quá hiểm trở, khiến các thầy Dòng Tên phải hốt hoảng vì sợ rằng Fidel và đội của ông đã gặp phải tai nạn. Fidel kể: “Lúc đó, tôi không biết là tôi đang tự chuẩn bị cho cuộc đấu tranh cách mạng, bấy giờ tôi cũng không nghĩ đến điều đó nữa.”
Trong xã hội Cuba vào thập niên 1940, những gia đình giàu có, bảo thủ về mặt chính trị và những gia đình có sản nghiệp – như các kiều dân Tây Ban Nha – mới mong gửi con vào học ở trường Dòng Tên. Không hẳn vì họ là con chiên ngoan đạo mà chỉ vì đây là những cơ sở giáo dục tốt nhất. Học trường Dòng lúc ấy cũng là ấn chứng cho địa vị cao sang và quí tộc của người theo học; các cô gái con “nhà nề nếp” thì đi học ở các trường nữ tu như Sacred Heart hay Ursuline Sisters.
Các bậc cha mẹ sung túc nhưng thuộc thành phần tư sản cấp tiến thích cho con học trường tư, không mang tính chất tôn giáo và con trai thì cho vào học ở học viện quân sự. Còn con của giới trung lưu và thậm chí cả các gia đình khấm khá thì học trường công gọi là instituto hay trường kỹ thuật hoặc hướng nghiệp. Nông dân và những dân nghèo thực sự hiếm khi dám mơ cao, chỉ cho con trai (con gái lại càng ít) học trường địa phương. Bởi vậy, giai tầng trong xã hội đã được phân chia ngay từ thời thơ ấu và trẻ con thuộc mọi giai tầng biết ngay vị trí của chúng trong xã hội. Đối với gia đình Fidel, có của ăn của để, thì trình tự hợp lý của các cậu con trai là trước tiên vào học trường Dolores ở Santiago, sau đó là vào trường Bélen ở Havana (Ramón, con trai lớn của ông bà Ángel và Lina, sau khi nghỉ học ở Delores đã quay về nông trại, nơi mà cậu rất thích, và lập gia đình năm 19 tuổi; Raúl được giữ ở Dolores chờ đến lúc để vào học ở Bélen; Ángela, cô con gái lớn nhất trong nhà, được gởi vào học trường nữ tu Ursuline Sisters ở Havana và tiếp theo sau đó là Juana).
Tuy nhiên, Fidel Castro luôn tránh gây cảm tưởng cậu thuộc gia đình trưởng giả hay tư sản thượng lưu dù gia đình cậu giàu có là do tích lũy mà nên. Fidel thấy các trường “đặc quyền” như Belén, học trò được chia làm hai nhóm, “không hoàn toàn dựa trên tiền, mặc dầu đó là điều cơ bản, mà theo thứ hạng xã hội, dinh cơ và truyền thống.”
Ông nhận xét rằng gia đình Fidel tuy có đủ tài sản để hưởng một địa vị cao hơn trong xã hội, song họ không bao giờ làm vậy vì họ sống ở nơi thôn dã: “Chúng tôi ở đó giữa mọi người, giữa những người công nhân bình dị… nơi mà gia súc được nuôi ngay bên dưới nhà, nào bò, lợn, gà và tất tần tật. Tôi không phải là cháu chắt của điền chủ. Có khi cháu chắt của điền chủ, tuy tiền không còn nữa, nhưng họ vẫn còn vương lại đầy đủ sắc thái văn hóa của giai cấp có uy quyền và trưởng giả. Cha mẹ tôi từng là nông dân rất nghèo nhờ chắt chiu dành dụm mà trở nên giàu có, rồi học theo nếp sống của người giàu, của điền chủ… Tôi nghĩ nếu như tôi mà là cháu chắt của điền chủ, biết đâu tôi lại chẳng tiếp nhận nếp sống, tinh thần, và ý thức của giai cấp đó. Đó là điều bất hạnh của tôi vì tôi sẽ không có cơ may thoát khỏi hệ tư tưởng tư sản.”
Xứng đáng với tầm vóc một ngôi trường hàng đầu, nơi đào tạo nhiều thành phần ưu tú cho Cuba, trường Belén tọa lạc trong tòa nhà uy nghi, xây vào thập niên 1930 trên khu đất rộng trong khu vực dân cư thuộc quận Alturas de Belén, gần đại lộ Năm Mươi Lăm ở Havana. Từ khu phố chật chội ở Old Havana trước đây, trường đã dời về tòa nhà mới có đủ chỗ ở tiện nghi cho hai trăm học trò nội trú (trong tổng số một ngàn học sinh theo học) với nhiều sân bóng chày, bóng rổ, một đường chạy hình bầu dục và cả hồ bơi. Sau cách mạng, Belén đổi thành Viện Kỹ Thuật Quân Sự, trung tâm kỹ thuật ngang tầm đại học cho các lực lượng vũ trang. (Căn phòng của Fidel ở trước đây được giữ lại nguyên vẹn dưới sự chăm sóc của Bảo tàng Cách mạng và dùng làm nơi tham quan).
Kỷ luật ở trường rất nghiêm, dù vậy Fidel không gặp khó khăn gì. Học trò mặc đồng phục, được gọi dậy vào 6.30 sáng để làm lễ lúc 7 giờ, sau đó thì dùng điểm tâm và lên lớp. Fidel được giao trách nhiệm trực ở phòng đọc chính, nơi để học trò vào học bài từ bữa ăn tối cho tới giờ đi ngủ. Công việc của cậu là tắt đèn và đóng hết các cửa sau khi hết giờ học nhưng Fidel thường ở lại một mình hàng giờ để học bài thi.
Fidel kể rằng ông làm bạn với “rất nhiều” học sinh và rằng “không cần biết và cũng không cần cố sức, tôi bắt đầu nổi tiếng trong đám bạn là một nhà thể thao, vận động viên, nhà thám hiểm, người leo núi và là một người, sau rốt, đạt điểm cao.” Ông kể thêm “có lẽ trong khoảng thời gian đó, một số phẩm chất chính trị tiềm tàng trong vô thức dần hiện ra” bên trong ông. Quả đúng là các phẩm chất này phải tiềm ẩn trong vô thức vì ở trường Fidel không bao giờ đề cập đến chính trị hoặc lôi cuốn ai khác và cũng chưa từng có người bạn học Bélen nào tham gia trong các hoạt động chính trị sau này của Fidel.
Mỗi dịp cuối tuần, Fidel và các học sinh nội trú khác được phép ra ngoài nếu có họ hàng thân thích ở Havana hay được bạn bè mời tới nhà chơi. Dù nổi tiếng về thể thao nhưng Fidel cũng ít khi nhận được lời mời như thế. Cha cậu được coi là khá giàu, song với xã hội có đầu óc phân biệt giai cấp như Cuba thì điều đó cũng không thể đương nhiên chấp nhận cậu bước vào hàng ngũ người giàu lâu đời ở Havana được. Chưa nói, sau lưng thỉnh thoảng người ta còn gọi Fidel là guajiro - nông dân. Enrique Ovares nhớ lại lần đầu tiên gặp Fidel vào dịp cuối tuần ở nhà Carlos Remedios, một cầu thủ bóng rổ ở Belén, có cha là một chính trị gia uy quyền và là dân biểu. Tuy vậy, sự thân tình của cả hai cũng chỉ dừng lại ở “tình đồng đội”. Ovares, người biết Fidel và các bạn học khác của ông trong thời trẻ, đã có những nhận xét: “Tôi nghĩ điều tai hại nhất mà cha mẹ Fidel đã gây ra cho cậu ấy là đưa cậu vào học chung trường với lũ trẻ con nhà giàu trong khi Fidel không thực sự giàu có… và hơn thế nữa, không có địa vị xã hội. Với người chín chắn như Fidel, khi từ giai đoạn thiếu niên sang trưởng thành, tôi nghĩ điều này đã ảnh hưởng tới Fidel.”
Ông nhớ là Fulgencio Batista, dù là Tổng thống Cuba, cũng không thể trở thành thành viên bầu chọn của Câu lạc bộ Du thuyền Biltmore ở Havana: mỗi lần tên ông này được nêu lên đều bị từ chối. Đây là nhận xét đau buồn về thái độ ứng xử của giới đặc quyền đặc lợi ở Cuba vào thời đó. Fidel không nói về những năm tháng đó như cách nói của Ovares, nhưng chắc ông cũng khó bình tâm trong tình hình xã hội như vậy. Cũng theo Ovares: “Chúng tôi thường thích đi dự tiệc nhưng cậu ấy thì không. Fidel rất hướng nội.” Một bạn cùng học nội trú tên Juan Rovira nhớ Fidel là người “hơi khó tánh... cậu ấy không cởi mở lắm, hay thay đổi, lúc mọi việc tốt đẹp thì vui vẻ và chuyện xảy ra xấu thì ưu uất.”
Năm thứ ba học ở Belén, Fidel, lúc ấy mười tám tuổi, được tuyên dương là “vận động viên học đường xuất sắc” của Cuba, nhưng trong lớp cậu chỉ tập trung vào những môn mình thích như tiếng Tây Ban Nha, lịch sử, địa lý và nông nghiệp (chắc đó là lý do khiến cậu yếu kém trong môn Pháp văn và luận lý). Điều thú vị là Fidel cũng thích môn thánh sử vì “nội dung hoang đường… Với đầu óc của trẻ nhỏ và tuổi mới lớn thì quả thật diệu kỳ khi biết được tất cả mọi chuyện đã xảy ra từ khi thế giới tạo lập cho tới cơn đại hồng thủy.”
Fidel cũng bị Thánh Kinh cuốn hút: những câu chuyện về Moses, chuyện băng qua Biển Đỏ, Vùng Đất Hứa và tất cả các cuộc chiến tranh và trận chiến. Fidel kể: “Tôi cho rằng chỉ khi học thánh sử tôi mới biết về chiến tranh. Tôi khá quan tâm tới võ thuật… nó cuốn hút tôi một cách lạ kỳ, từ chuyện Joshua phá thành Jericho… đến chuyện Samson, với sức mạnh của thần Hercule, đã dùng tay không để làm sập ngôi đền… Tất cả những tích này, ta có thể tìm thấy trong Kinh Cựu Ước, Jonas, con cá voi đã nuốt chửng anh ta, sự trừng phạt thành Babylon, nhà Tiên tri Daniel, chúng đều là những câu chuyện diệu kỳ.” Tiếp đó ông nói đến Kinh Tân Ước, “toàn bộ đoạn kể về cái chết và đóng đinh của Chúa Giê-su... đã tác động mạnh đến trẻ em và thanh niên.”
Thời gian học nội trú của Fidel Castro ở Belén - từ mùa thu 1941 tới mùa xuân 1945 – kéo dài cả Thế Chiến Thứ Hai và trùng với nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của Batista ở Cuba. Sau bảy năm ẩn mình phía sau nắm giữ quyền lực ở Cuba trong chức vụ chỉ huy quân sự quốc gia, Batista, viên cựu trung sĩ lục quân, giờ đây đã xuất hiện nghiễm nhiên thành một nhà lãnh đạo dân chủ.
Sự nghiệp chính trị của Batista bắt đầu vào ngày 4 tháng 9 năm 1933 khi ông lãnh đạo cuộc đảo chính của các hạ sĩ quan để hợp thức hóa vai trò lực lượng vũ trang như là phán quan bảo thủ trong nền chính trị Cuba, dù lúc đầu ông ta tự coi mình là một chế độ cấp tiến.
Cuộc khủng hoảng thập niên 1930 bắt nguồn từ việc Tổng Thống Machado, lúc đầu được Mỹ hỗ trợ, toan tính kéo dài nhiệm kỳ tổng thống bốn năm thành năm năm. Được bầu chọn lần đầu tiên vào năm 1926, Machado tổ chức bầu cử giả hai năm sau đó, với ứng cử viên duy nhất là chính ông, và nhận nhiệm kỳ mới từ năm 1929 đến 1935. Thủ đoạn của Machado gây nên làn sóng phản đối. Những sinh viên có chí hướng cách mạng, đảng Cộng Sản trẻ và các lãnh đạo chính trị truyền thống ôn hòa đã đoàn kết lại. Suốt năm năm, Cuba liên tục sống trong bất ổn và bạo động sâu sắc. Mỹ phớt lờ tình trạng nhiễu loạn này một cách sung sướng cho đến giây phút cuối tuy rằng Tu chính án Platt vẫn còn hiệu lực và Washington có thể giương cao ngọn cờ chính nghĩa để can thiệp một cách hợp pháp. Nhưng miễn là quyền lợi kinh tế của Mỹ chưa bị đe dọa còn không họ chẳng quan tâm đến chuyện sống chết của ai.
Khởi sự truyền thống mà Fidel Castro sẽ làm trỗi dậy một phần tư thế kỷ sau, các sinh viên cách mạng và những nhà chuyên môn trẻ cùng với các lãnh đạo công nông tạo thành lực lượng xung kích trong phong trào chống chế độ độc tài. Từ trường đại học xuất hiện Ban Chỉ Đạo Sinh Viên, sau này tái sinh trong cuộc cách mạng Fidel, và những quân nhân trẻ ngày ấy nổi tiếng là “Thế Hệ 1930,” là những thành phần có ý thức dân tộc và công lý xã hội sâu sắc. Cuộc đấu tranh chống Machado đã sản sinh ra các anh hùng và sĩ tử. Tháng giêng năm 1929, Julio Antonio Mella, một lãnh đạo sinh viên và tổng bí thư đảng Cộng Sản Cuba bất hợp pháp, bị người của chế độ độc tài ám sát ở Mexico; tháng 9 năm 1930, cảnh sát giết chết Trưởng Ban Chỉ Đạo Sinh Viên, Rafael Trejo, trong một cuộc tuần hành chống Machado trên đường phố. Từ đó trở đi, đất nước Cuba rơi vào tình trạng bạo động thường xuyên.
Chỉ đến năm 1933, khi giới doanh nghiệp và đầu tư Mỹ bắt đầu lo lắng về tình hình kinh tế Cuba và quyền lợi của họ ở đó thì chính phủ Mỹ mới bừng tỉnh và để ý tới cuộc khủng hoảng trên đảo quốc. Tổng Thống Franklin D. Roosevelt gửi Benjamin Sumner Welles, một nhà ngoại giao hàng đầu ở châu Mỹ La tinh, để làm trung gian giữa chế độ Machado và các nhóm đối lập. Tuy vậy, lãnh đạo Thế Hệ 1930 phản đối lại nỗ lực chậm trễ này của Welles. Ban Chỉ Đạo và các liên minh nhìn thấy cuộc đấu tranh chống Machado là cơ hội giành độc lập “thật sự” cho Cuba, thoát khỏi ảnh hưởng của Mỹ, và để thực hiện tư tưởng tự do và công lý của Martí. Như vậy, Martí là mẫu mực và anh hùng của cách mạng trong Thập niên 1930, một sự kiện quan trọng cho việc giải thích lịch sử Cuba sau này.
Machado bị buộc từ chức ngày 12 tháng 8 năm 1933, một mặt dưới áp lực của cuộc tổng đình công cách mạng và mặt khác do yêu cầu của Mỹ. Theo lời khuyên của Welles, các đảng chính trị truyền thống và quân đội cùng trao quyền tổng thống cho Carlos Manuel de Céspedes - cha ông này năm 1868 đã lãnh đạo cuộc chiến độc lập đầu tiên. Tuy nhiên, Ban Chỉ Đạo Sinh Viên và các nhóm cấp tiến khác không chỉ hài lòng với việc Machado ra đi mà đòi phải cách mạng toàn diện. Đây là lúc viên trung sĩ viết tốc ký Fulgencio Batista vào cuộc, và tham gia chính trường Cuba. Đêm 4 tháng 9, các hạ sĩ quan do Batista dẫn đầu nổi dậy chống ban chỉ huy quân đội, giành chính quyền để trao lại cho ủy ban dân sự gồm năm thành viên do Ban Chỉ Đạo Sinh Viên chỉ định. Céspedes tại vị được ba tuần.
Tổng thống mới là Tiến sĩ Ramón Grau San Martín, một giáo sư sinh lý học, người đã trở thành thần tượng của sinh viên sau khi chế độ Machado bắt ông cùng với các giáo sư đại học khác năm 1931 vì tội làm loạn. Grau thiếu kinh nghiệm điều hành và chính trị, song ông ta hòa hợp với làn sóng dân tộc và cấp tiến đang dâng lên trong thanh niên Cuba. Theo sử gia người Cuba Jaime Suchlicki, trong những ngày dậy men đó “Với Grau, Thế hệ 1930 đã được đặt thẳng vào vị trí quyền lực” và “các sinh viên đang nắm vận mệnh đất nước Cuba trong tay.” Linh hồn dẫn đường trong cuộc cách mạng này là Antonio Guiteras, bộ trưởng nội vụ mới 25 tuổi, người đã thúc đẩy cuộc cải cách xã hội và kinh tế, đồng thời thủ tiêu Tu chính án Platt.
Tuy nhiên, tình hình này nhìn chung không phải là những gì mà Mỹ muốn và một lần nữa dân Cuba nhớ lại lời nói của Martí rằng Cuba là nạn nhân của “định mệnh lịch sử” - ý nói không có gì trên đảo quốc có thể xảy ra nếu không có được sự “ban phước” của Mỹ. Sự việc này liên quan đến công cuộc cải cách của Grau. Mỹ ngầm tiếp xúc với Fulgencio Batista và các tư lệnh quân sự của ông ta để thúc đẩy việc lật đổ Grau. Washington không bao giờ nhìn nhận chính phủ của Grau. Đầu tháng giêng năm 1934, ba mươi tàu chiến Mỹ bao vây Cuba, gởi đi tín hiệu rất rõ ràng: những điều vô lý ở Cuba là không thể chấp nhận - và hải quân đã sẵn sàng đổ bộ. Ngày 14 tháng giêng, quân Batista lật đổ Grau và Carlos Mendieta trở thành tổng thống lâm thời, được Mỹ nhìn nhận ngay. Cuộc cách mạng của Grau sống được một trăm ngày và kể từ đó Cuba bị cai trị liên tiếp bởi năm tổng thống bù nhìn do Batista giật dây - cho tới khi ông ta sẵn sàng ứng cử chức tổng thống vào năm 1940. Hai năm sau ngày Grau bị lật đổ, Antonio Guiteras bị cảnh sát giết lúc đang trốn khỏi Cuba sau khi thất bại trong việc phát động một cuộc cách mạng mới. Cùng với lãnh đạo đảng Cộng Sản Julio Antonio Mella, Guiteras đã làm cho Thế Hệ năm 1930 trở thành biểu tượng cho thế hệ của những thanh niên như Fidel. Còn Batista tượng trưng cho những điều xấu xa trong quá khứ.
Nhiệm kỳ tổng thống của Batista là giai đoạn quan trọng ở Cuba. Tuy nhiên, trước lúc tốt nghiệp trường Belén và chuẩn bị bước sang tuổi mười chín, Fidel vẫn là chàng trai hoàn toàn thờ ơ với chính trị. Hồi còn thiếu niên, Fidel từng gửi thư cho Tổng Thống Franklin D. Roosevelt chúc mừng ông nhân dịp ông tái đắc cử vào năm 1940, bày tỏ quan điểm ủng hộ dân chủ và chống phát xít của cậu. Fidel chỉ hy vọng thư trả lời có chữ ký của tổng thống, song cậu chỉ nhận được bức thư cảm ơn của Bộ Ngoại Giao Mỹ.
Fidel đã thường xuyên nhắc đi nhắc lại rằng tình cảm công lý xã hội đã có từ hồi ông còn nhỏ, lúc sống giữa những người nông dân nghèo ở Birán, song lại không có cơ hội phát triển trong môi trường của các trường Dòng Tên. Thật ra, Belén là một trung tâm tri thức chuẩn bị cho các lãnh đạo cánh hữu tương lai thì đúng hơn. Hầu hết các giáo sư ở đây là các thầy dòng Tây Ban Nha theo phái cực hữu, đến Cuba sau năm 1939 khi cuộc Nội Chiến Tây Ban Nha kết thúc với thắng lợi thuộc về phe theo chủ nghĩa dân tộc của Franco. Họ thường đại diện cho khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa Tây Ban Nha chống Mỹ, không tha thứ cũng không quên rằng Mỹ đã giật đảo quốc khỏi tay họ năm 1898. Và tất nhiên là chủ nghĩa dân tộc cánh hữu, cánh tả và chủ nghĩa dân túy thường không rõ nét.
Cho đến bấy giờ, người thiên về đường lối quân sự nhất trong các quan điểm này là cha Alberto de Castro, một người Tây Ban Nha trẻ dạy xã hội học và lịch sử, và chắc chắn là thầy giáo có ảnh hưởng nhiều nhất ở trường Belén. Cha đề xuất thuyết Hispanidad, trong đó coi ảnh hưởng lịch sử Tây Ban Nha trọng hơn ảnh hưởng chính trị, văn hóa và tư tưởng và hùng hồn thuyết giảng với các học sinh là nền độc lập Mỹ La tinh thất bại vì không có cải cách xã hội và vì các giá trị Anglo-Saxon đã đánh bật ảnh hưởng văn hóa Tây Ban Nha. Ông cũng đã lập ra một hội học sinh nhỏ tên là Convivio để truyền bá tư tưởng của mình, song không có gì tiến triển.
Juan Rovira nhớ Cha Alberto còn dự đoán châu Mỹ sẽ là nơi diễn ra các thế chiến trong tương lai, rằng sẽ không tránh khỏi chiến tranh giữa Mỹ và Mỹ La Tinh, bởi vậy mọi quốc gia nhỏ bé ở Trung Mỹ, và Caribê nên kết hợp với Nam Mỹ để đối phó với mối đe dọa từ phương bắc. Rovira nói thầy dòng này có “vẻ mặt rất diễn cảm” và là “một diễn giả tuyệt vời.”
Không rõ lời giảng của Cha Alberto có ảnh hưởng gì tới Fidel Castro không, song Fidel cũng nghĩ về Mỹ và Mỹ La tinh như vậy đồng thời cũng kết luận rằng nền dân chủ tự do đã “suy tàn”.
Bản thân Fidel cũng có nói sơ về tính chất chính trị ở trường Belén ngoài việc chỉ nêu nhận xét là tư tưởng của các thầy dạy đều “hữu khuynh, thân Franco, phản động” và lúc đó ở Cuba không có cha Dòng Tên “cánh tả” nào. Ông nhớ rằng ở trường Belén chủ nghĩa cộng sản được xem là “một điều rất tệ”. Ngoài ra ông hoàn toàn không tham gia hoạt động chính trị gì. Fidel nói với Frei Betto rằng ông “lưu tâm” đến triết thuyết hữu khuynh của các giáo sư tuy “tôi không thắc mắc nhiều; tôi chỉ chú trọng đến thể thao… tôi cố học cho thật giỏi.”
Song song đó, ở Belén còn có tư tưởng của các nhóm theo khuynh hướng xã hội Thiên Chúa Giáo tự do (lúc bấy giờ được gọi là những người Dân chủ Thiên Chúa Giáo) và họ đã cất công để lôi kéo Fidel Castro, lúc đó vẫn thờ ơ với chính trị. José Ignácio Rasco, người đã phát động rộng khắp phong trào Dân chủ Thiên Chúa Giáo ở Cuba vào thập niên 1950, luôn tin rằng việc Fidel tránh xa các nhóm như thế đồng nghĩa với việc ông vẫn giữ bên mình đức tin Thiên Chúa Giáo La Mã. Rasco nghĩ rằng Fidel đã bất ngờ mất đức tin khi theo học đại học và trở thành người vô thần.
Lập luận của Rasco thật ngây thơ, và người ta phải tin Fidel khi ông nói rằng ông chưa hề có đức tin tôn giáo và rằng ở trường học “họ không thể tiêm nhiễm vào đầu óc tôi những giá trị như thế.” Do vậy, hoàn toàn có thể tin được khi Fidel tuyên bố rằng “sau này, tôi có một loại giá trị khác: một niềm tin chính trị, một đức tin chính trị rằng tôi phải hình thành riêng thông qua kinh nghiệm, lý trí và tình cảm của chính tôi… Thật không vui khi cả đời tôi, tôi phải là thầy dạy của chính tôi “và nói rằng ông hẳn đã rất biết ơn nếu có một người thầy về chính trị” và “những tư tưởng cách mạng” khi ông còn ở tuổi niên thiếu.
Các bạn học của Fidel tin rằng ngay từ đầu, các thầy Dòng Tên đã để ý thấy rằng họ có thể đào tạo Fidel thành một nhà lãnh đạo để nắm giữ vai trò quan trọng trong chính trường Cuba. Cha Rubinos, viện trưởng được coi là “linh hồn” của Belén, coi Fidel là học trò thông minh nhất trường, vận động viên ưu tú và người đứng đầu về các hoạt động ngoài trời. Cuối cùng, các thầy Dòng Tên thôi không tìm cách nhào nặn cậu nữa; Fidel biết ơn sự truyền dạy tri thức song lại coi thường nỗ lực muốn kéo cậu vào cùng phe của họ.
Hai mươi năm trước, các thầy Dòng Tên đã áp dụng cách đó đối với Eduardo “Eddy” Chibás, con trai một triệu phú ở Oriente, và là một học trò vô cùng hứa hẹn của trường Dolores và Belén. Thay vì theo họ, Chibás đóng vai trò cách mạng trong chính trường Cuba, trước tiên là chống lại chế độ độc tài Machado, và sau đó là các tổng thống bù nhìn thối nát do Batista dựng lên trong thập niên 1930 và tình trạng gần như thuộc địa của Cuba. Khi Fidel Castro tới Belén, Eddy Chibás đã là nhà chính trị đối lập nổi tiếng và trong lịch sử đảo quốc trẻ trung này là nhân vật gần nhất có thể so sánh với José Martí bất khuất, can trường. Những năm sau này, Chibás trở thành người cố vấn và bảo trợ chính trị cho Fidel - và Fidel là người kế thừa xứng đáng của Chibás. Hiểu theo một cách nào đó, Belén đã là trường học của những nhà lãnh đạo lớn ở Cuba.
Dù đảo quốc này có thích thú với giai đoạn đầu tiên của nền dân chủ tượng trưng trên mọi mặt, các quyền lợi kinh tế được ban phát và tình trạng thối nát ở Cuba vẫn tồn tại. Đất nước này vẫn không dám động tới nước Mỹ và các nhà đầu tư Mỹ. Tu chính án Platt được hạn chế sau khi chế độ Grau sụp đổ năm 1934, song “đế quốc” Mỹ, như Martí đã gọi, vẫn chưa từ bỏ tiếng nói quyết định trong các vấn đề ở Cuba.
Có thể nói trong thời kỳ đầu, Fulgencio Batista là một tổng thống hợp hiến, cai trị với sự ủng hộ của quân đội, lực lượng bảo thủ và những phần tử cánh tả khác: một liên minh chưa từng thấy. Cũng có bầu cử quốc hội, đại diện cho mọi thành phần. Cũng có báo chí tự do. Các cuộc bầu cử năm 1940 được đánh giá là hoàn toàn trong sạch và nhân dân Cuba hy vọng rằng cuối cùng một kỷ nguyên mới sẽ ló dạng trên đảo quốc này. Chính Batista đã đề nghị bầu cử tự do, muốn trở thành tổng thống thật sự sau bảy năm điều hành Cuba trong bóng tối từ Trại Columbia, Tổng hành dinh quân đội ở Havana. Không nghi ngờ gì nữa, cuộc đấu tranh cho sự sống còn của nền dân chủ trên thế giới, cho dù nước Mỹ vẫn chưa chính thức tham chiến, lại đóng một vai trò quan trọng trong việc Batista quyết định hành động một cách dân chủ.
Để đắc cử, Batista đã phải vượt qua Ramón Grau San Martín, cựu tổng thống bị đảo chính năm 1934. Nhưng lần này vai trò lại đảo ngược. Grau không còn là vị giáo sư có đầu óc cấp tiến như trong quá khứ nữa, thay vào đó lại quay về với mô típ tổng thống và chính trị gia cổ điển của Cuba, những nhân vật mà sự quan tâm gần như chỉ là vẻ ngoài xa hoa, phù phiếm và sự giàu có. Trong khi đó Batista thì ngược lại. Khi ứng cử, ông ta biết chọn cho mình hình ảnh một người có tư tưởng kinh tế và xã hội tiến bộ, chiếm được lòng các cử tri cánh tả đã từng bỏ phiếu cho Grau trước kia. Cùng lúc đó viên cựu trung sĩ này đã lặng lẽ trở thành người giàu sụ.
Việc chọn Batista vào chức vụ tổng thống diễn ra sau khi bản dự thảo hiến pháp mới được soạn thảo vào đầu năm 1940. Quốc hội lập hiến đã khai sinh ra bản dự thảo này đã được bầu chọn một cách tự do dưới hình thức bỏ phiếu có lẽ xảy ra lần đầu tiên trong lịch sử của nền cộng hòa. Bản hiến pháp này có thể được coi là tiến bộ đáng kể so với các chuẩn mực Cuba và châu Mỹ La tinh thời gian đó, gồm các điều khoản cấm sở hữu các điền trang lớn và do đó mở cửa để cải cách nông nghiệp, lập ra các điều khoản an sinh xã hội mới và giới hạn chức vụ tổng thống dựa trên việc bầu cử dân chủ với nhiệm kỳ là bốn năm.
Cách ứng xử của Đảng Cộng sản Cuba tại buổi giao thời này cực kỳ quan trọng không chỉ về phương diện lịch sử mà liên quan cả đến sự phát triển lực lượng cách mạng trong tương lai và các mối quan hệ phức tạp của Fidel Castro với tổ chức của những người Cộng sản nữa. Trên thực tế, các hạt giống Cộng sản Cuba đã được gieo trồng năm 1940 khi Fidel hãy còn đang học ở Dolores, Santiago và những nhân vật mà ông liên minh sau cuộc cách mạng 1959 lúc ấy đã là những nhà chính trị và tổ chức lão luyện.
Chủ nghĩa cộng sản đã bắt rễ sâu trên mảnh đất Cuba. Năm 1920, một số người thán phục cuộc Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917 đã lập ra một tổ chức có tên Cộng hòa Cộng sản Xô Viết Cuba. Nhưng có vẻ như đây chỉ là một hành động để bày tỏ thiện chí. Năm 1922 một Hiệp hội Cộng sản ra đời ở Havana, người sáng lập là Carlos Balino, một nhân vật xuất sắc trong lịch sử Cuba và lúc đó đã bảy mươi bốn tuổi. Balino, bạn của José Martí trong Đảng Cách mạng Cuba ở New York, là sáng lập viên Đảng Công nhân XHCN năm 1904 và có lẽ là người cộng sản Cuba đầu tiên chủ trương sử dụng vũ lực để đấu tranh.
Các “Hiệp hội Cộng sản” khác lần lượt được thành lập trên khắp Cuba. Đến tháng 8/1925, Balino và một số người của ông kêu gọi tổ chức hội nghị khai sinh ra Đảng Cộng sản Cuba. Đảng Cộng sản được thành lập bởi 17 đại biểu trong đó có Balino, Julio Antonio Mella (một lãnh tụ sinh viên) và Fábio (Abraham) Grobart, một thợ may học việc người Ba Lan mới hơn 20 tuổi và đã phải trốn đến Cuba ba năm trước do là đảng viên Cộng sản đang bị truy bắt ở quê nhà. Anh này chỉ nói được tiếng Yiddish (*). Năm 1986, Grobart, vẫn còn khỏe mạnh trong lứa tuổi 80, là đảng viên sáng lập Đảng Cộng sản duy nhất còn sống, một chính trị gia cực kỳ sáng suốt, một nhân chứng sống về lịch sử và truyền thuyết về Đảng Cộng sản Cuba. Tại Đại hội Đảng lần thứ ba tổ chức vào tháng 2 năm 1986, Grobart đã xúc động đến rơi lệ khi được Fidel Castro trao tặng huân chương nhân kỷ niệm sáu mươi năm ngày thành lập Đảng Cộng sản. Chính Grobart là người đã giới thiệu Fidel Castro với các đại biểu khác.
Mặc dầu hoạt động bất hợp pháp, đảng Cộng sản Cuba là một tổ chức nổi tiếng về tính kỷ luật và uy tín. Thế lực của đảng vượt trội so với số lượng đảng viên. Trí thức, nghệ sĩ, và các nhà lãnh tụ lao động tạo thành xương sống của đảng, đã tạo cơ sở để những người Cộng sản có thể nắm giữ những chức vụ then chốt trong đời sống cả nước. Rubén Martínez Villena, một trong những nhà thơ có nhiều ảnh hưởng của Cuba trong thế kỷ 20, là lãnh tụ đảng vào thuở ban mai. Cái chết trẻ do bạo bệnh của ông đã khiến cả nước Cuba thương tiếc. Trong số những chiến sĩ và cảm tình viên của đảng còn có họa sĩ tài ba, Wilfredo Lam; nhà thơ kiêm nhà văn Nicolás Guillén (năm 1986, tuy đã ngoài 80, ông vẫn là chủ tịch Hiệp hội Nhà văn Cuba), Alejo Carpentier (nhà văn Cuba lỗi lạc qua đời sau cách mạng), Juan Marinello (chủ tịch đảng vào những năm 1940 và là Ủy viên Bộ Chính trị trong thập niên 1970), Emilio Roig de Leushenring; và các kinh tế gia hàng đầu Jacinto Torras và Raúl Cepero Bonilla.
Các nhà lãnh đạo Cộng sản, không phải lúc nào cũng tỏ rõ lập trường chính trị của mình, đã chi phối các nghiệp đoàn lao động uy tín ở Cuba kể từ đầu thập niên 1930, tổ chức các cuộc đình công chính trị và tác động ảnh hưởng đáng kể lên nền kinh tế. Sau Đại hội Đảng Cộng sản Quốc tế lần thứ bảy, đảng Cộng sản Cuba thông qua chính sách hợp tác với các đảng phái không cộng sản trong việc tổ chức “mặt trận bình dân.” Ở Cuba, điều này có nghĩa là hợp tác với Fulgencio Batista.
Đến đầu năm 1938, trước tiên những người Cộng sản thành lập Đảng Liên Hiệp Cách mạng (PUR) để làm bình phong cho một số hoạt động của mình trong lúc đảng vốn bị coi là bất hợp pháp trước kia vẫn tiếp tục các hoạt động riêng. Và sau đó, PUR giúp tổ chức ra Khối Cách mạng Bình dân (BRP) cùng với các đảng đối lập khác hợp sức chống lại cựu tổng thống Grau trong cuộc tranh cử tổng thống, đồng thời ủng hộ Batista trong cuộc bầu cử năm 1940, do những hứa hẹn “tiến bộ” của ứng cử viên này.
Trước đó, chính phủ của tổng thống Federico Laredo Brú (bù nhìn của Batista) nhận thấy sức mạnh của những người Cộng sản trong các nghiệp đoàn lao động, đã thực hiện một động tác vuốt ve chính trị, vội vàng quay sang ủng hộ bằng cách cho phép đảng Cộng sản được hoạt động hợp pháp vào tháng 9/1938, kết thúc quãng thời gian 13 năm kiên trì hoạt động bất hợp pháp của đảng này. Những người Cộng sản làm việc bên cạnh Batista, tiếp tục củng cố quyền lực cho mình. Tháng giêng năm 1939, họ sáp nhập PUR vào đảng Cộng sản thực thụ để trở thành Đảng Liên minh Cách Mạng Cộng sản (PURC) và lập ra Liên đoàn Công nhân Cuba, đại diện cho nửa triệu công nhân, dưới sự lãnh đạo của những người Cộng sản.
Khi nhân dân Cuba bỏ phiếu bầu Quốc hội Lập hiến năm 1940, đảng Cộng sản chỉ mới có 90.000 đảng viên và chỉ có thể giữ được sáu ghế trong Quốc hội. Tuy nhiên các dân biểu lập hiến của đảng Cộng sản thành công trong việc thu hút được rất nhiều chú ý bằng cách đệ trình bản thảo hiến pháp riêng của họ nhấn mạnh cuộc đấu tranh chống “chủ nghĩa đế quốc”, mặc dầu không bao giờ mong rằng các lời đề nghị này sẽ được chấp nhận, đồng thời thuyết phục quốc hội cho phép truyền thanh trực tiếp phiên họp phát biểu của mình. Do đó, đảng Cộng sản có được cơ hội nói lên quan điểm của đảng với thính giả cả nước. Thêm một bài học khác mà Fidel không thể quên.
Trong lần bầu cử tổng thống, những người Cộng sản say sưa với chiến thắng của Batista và ăn mừng chiến thắng riêng của họ với việc giành được 10 ghế trong Viện Dân Biểu, 80 ghế ủy viên hội đồng lập pháp thành phố trên toàn đảo quốc và ghế thị trưởng thị trấn Manzanillo ở Oriente – lần đầu tiên Cuba có một thị trưởng thuộc đảng Cộng sản. Đảng biện minh cho việc ủng hộ Batista bằng cách nhấn mạnh tầm quan trọng việc cam kết của ông ta đối với bản hiến pháp cấp tiến và các chương trình xây dựng trường học, bệnh viện và đường xá.
Batista tất nhiên rất hoan nghênh sự ủng hộ của những người Cộng sản vì uy tín của đảng này trong các nghiệp đoàn có tổ chức. Liên minh này càng trở nên tốt đẹp hơn khi Phát xít Đức xâm chiếm Liên Xô vào năm 1941 và người Nga trở thành đồng minh, chiến đấu bên cạnh các nước phương Tây. Batista thiết lập quan hệ ngoại giao với Matxcơva và trao cho Juan Marinello, chủ tịch đảng, một ghế trong nội các. Sau đó Carlos Rafael Rodríguez, một nhà trí thức quan trọng trong đảng, hiện đang là cố vấn thân cận nhất của Fidel, đảm nhận vị trí này trong nội các.
Theo đường lối chỉ đạo chung, năm 1944 đảng Cộng sản tiếp tục duy trì sự hợp tác chiến thuật. Khi nhiệm kỳ tổng thống của Batista chấm dứt và thái độ “chống Cộng” dâng cao, đảng đã đổi tên thành Đảng Xã hội chủ nghĩa Bình dân (PSP). Mặc dầu năm 1944 đảng này giành được gấp đôi số phiếu bầu so với năm 1940, việc này cũng không thể ngăn được việc Ramón Grau được bầu vào chức vụ tổng thống. Tuy nhiên Marinello được bầu vào Thượng viện và đảng vẫn nắm quyền kiểm soát liên đoàn lao động thông qua chức chủ tịch liên đoàn của Lázaro Pena, thuộc ban lãnh đạo PSP. Nhưng sau năm 1944, nhìn chung, những người Cộng sản Cuba phải hứng chịu những sức ép nặng nề ngày một gia tăng.
Như một phần trong nỗ lực chiến tranh, Cuba dưới thời Batista đã thuận giao các căn cứ quân sự cho Mỹ, trong đó có căn cứ hải quân lớn Guantánamo ở Oriente, một lần nữa tái xác nhận tầm quan trọng chiến lược của đảo quốc này ở Tây Bán Cầu. Batista cũng đồng ý bán toàn bộ vụ mía năm 1941 cho Mỹ với giá thấp mạt hạng, chưa tới sáu xu mỹ một ký. Cũng như bao nhiêu chính sách vô tâm của Mỹ đối với Cuba, đây lại là một hành động lợi dụng đất nước nhỏ bé này và một lần nữa lại tạo thêm lý do để oán hờn dâng cao trong thế hệ mới ở Cuba. Chẳng hạn như ở trường Đại Học Havana, “Liên Đoàn Chống Đế Quốc” đã ra đời ngay cả trước khi chiến tranh kết thúc, không vì một hành động riêng biệt nào của Mỹ mà dựa trên các nguyên tắc chung.
Quan hệ kinh tế giữa hai quốc gia được qui định bởi Hiệp định Thương mại Song phương năm 1934, tạo điều kiện cho Mỹ kiểm soát cả thị trường bán đảo. Thỏa thuận này ra đời để đổi lấy việc chính quyền Roosevelt bãi bỏ Tu chính án Platt năm 1902 vốn đã gây nhiều lúng túng cho phía Mỹ. Cả hai động thái này bắt nguồn trực tiếp từ việc Batista làm đảo chính lật đổ chính quyền cấp tiến Grau đầu tiên đang gây cho Mỹ nhiều lo sợ, nhưng với những người Cuba hiểu biết thì đất nước Cuba vẫn phải sống trong “tinh thần mặc cảm tự ti của Platt”. Điều này có nghĩa là Washington vẫn tiếp tục làm những gì họ thích làm ở Cuba. Người Cuba mang trong đầu quan niệm “định mệnh đã an bài” khiến họ không bao giờ có thể hành động theo ý mình ở ngay trên quê hương nếu Mỹ không đồng ý. Lịch sử và Fidel Castro rồi đây sẽ xóa bỏ “định mệnh” này chỉ trong một lần một.
Phạm vi ý thức đối với tất cả các sức ép chính trị đang diễn ra xung quanh đã tác động lên Fidel Castro ở tuổi trưởng thành, đang hoàn tất việc học với các thầy Dòng Tên ở Belén trong những năm chiến tranh, như thế nào là không rõ ràng. Trong hồ sơ của ông và cả trong hồi ức của những thầy dạy cũ và các bạn đồng môn cũng không có điều gì gợi ý cho thấy là Fidel cũng có đôi chút tìm hiểu về đất nước Cuba và nền chính trị thế giới. Trên thực tế, Fidel sau này có nói là ông mù tịt về chính trị trước khi bước chân vào đại học. Thế nhưng một người cùng thời ông lại nhận xét: “Fidel nhạy bén tuyệt vời về chính trị”. Và rất có thể những biến cố xảy ra trong thời gian Fidel ở Belén không thể nào không làm xao động “bản chất chính trị” trong con người ông.
Dù sao, Belén đã dành cho Fidel một lời chia tay khác thường. Cha Francisco Barbeito, thầy dạy và huấn luyện viên bóng rổ, viết trong cuốn kỷ yếu của trường: “Fidel luôn luôn vượt trội trong mọi môn học liên quan tới văn chương. Em là một học sinh xuất sắc [nằm trong nhóm mười học sinh giỏi nhất của lớp ra trường], một giáo sinh [thường xuyên tham dự các buổi cầu nguyện và những hoạt động tôn giáo] và là một vận động viên đích thực, luôn bảo vệ sắc cờ của trường với lòng kiêu hãnh và dũng cảm. Em biết cách giành được sự ngưỡng mộ và cảm tình của mọi người. Fidel sẽ theo nghề luật và chúng tôi hoàn toàn chắc chắn rằng em sẽ viết nên những trang vàng rực rỡ cho quyển sách cuộc đời em. Em có những phẩm chất tuyệt vời… Em có sẵn những đức tính và chỉ chờ thời gian để tỏa sáng.”
Ngày tốt nghiệp, Fidel không phải là học sinh hạng nhất song người ta nhớ khi lên nhận bằng, cậu đã được các bạn học hoan hô nồng nhiệt nhất. Cuộc đời Fidel Castro sẽ thăng tiến từ hết cuộc hoan nghênh này đến cuộc hoan nghênh khác như vậy.
Thời trai trẻ của Fidel -
Chương 9
Nếu mãi đến khi vào đại học Fidel Castro mới tìm hiểu về chính trị thì quả thật ông đã tiếp thu thật nhanh. Tháng 10 năm 1945, Fidel ghi danh vào trường luật ở Đại Học Havana (các sinh viên thời đó được nhận vào học thẳng trong các khoa mà họ muốn ra trường với tấm bằng chuyên môn của khoa đó) và gần như ngay lập tức lao vào chính trị.
Kỳ nghỉ hè ở Birán, ông đã được mười chín tuổi và hầu như hoàn toàn ngu ngơ về chính trị, song môi trường dữ dội ở đại học đã buộc ông phải tích cực dự vào.
Tình hình chính trị ở đại học Havana phản ánh tình trạng chung ở Cuba, dù không tránh khỏi sự cuồng nhiệt và hung hăng do lòng đam mê của tuổi trẻ và sự vận động của các nhà chính trị chuyên nghiệp. Bác sĩ Ramón Grau San Martín, người đứng đầu hội đồng chấp chính cấp tiến (yểu tử vào năm 1933-1934), được bầu làm tổng thống vào năm 1944 khi ra ứng cử đại diện cho đảng đối lập Auténtico (đảng này tự nhận theo lý tưởng José Martí), chủ yếu vì Batista muốn để ông đắc cử. Trong bầu không khí dân chủ hậu chiến, Batista không chọn cách dựng người kế tục ủng hộ giới quân sự nữa mà lui về Daytona Beach, Florida vừa tạo dựng tài sản riêng vừa ngó chừng tình hình chính trị Cuba. Grau, ngày càng chuyển nhanh sang cánh hữu và quên đi lời hứa cải cách xã hội, mặc cho chế độ của ông ngày càng lún sâu hơn vào thối nát và hỗn loạn.
Tham nhũng và sự đối đầu chính trị nảy lửa dẫn đến tình trạng bạo động tràn lan khắp đảo quốc mà Grau không thể hoặc không muốn ổn định. Trường đại học Havana biến thành trận địa giữa các băng đảng vũ trang, quay trở lại bối cảnh các “nhóm hành động” chống Machado của thập niên 1930. Giới sinh viên có ý thức chính trị không thể tránh xa các cuộc xung đột này. Ở Cuba, trường đại học là bệ phóng để trở thành các nhà chính trị chuyên nghiệp trong nước. Tuy vậy, thật khó nhận ra sự khác biệt giữa các cương lĩnh hoặc ý thức hệ của các phe phái đang quẩn quanh “ngọn đồi” đại học ở giữa thủ đô Havana và bên các chiếu nghỉ rộng của cầu thang dẫn xuống các khoa – “bậc thang” nổi tiếng, nơi thường diễn ra hầu hết các cuộc tập họp chính trị.
Trong hoàn cảnh đó, Fidel Castro, tân sinh viên luật, có nhiều cơ hội lựa chọn để gắn bó giữa những phe phái hấp dẫn về ý thức hệ hay chỉ đơn thuần có lợi về mặt chính trị thôi. Có nhiều lý do để tin rằng ban đầu chàng sinh viên Fidel cũng ít nhiều lần rảo quanh quan sát, đánh giá và trong một thời gian cố gắng giữ ‘trung lập’, tránh không để bị ngộ nhận là người của riêng phe nào. Bản năng lảng tránh của Fidel sẽ cho phép ông giữ được sự tự do hành động càng lâu càng tốt.
Với bầu không khí sục sôi, sát phạt trong trường đại học như vậy thì chuyện thay ngựa giữa dòng, nay vầy mai khác rất dễ dàng xảy ra. Chỉ những đảng viên Cộng Sản, những người tuyên thệ là thành viên của Đảng Xã Hội Chủ nghĩa Bình dân (PSP) hay Thanh Niên Xã Hội Chủ nghĩa xã hội (JS) là còn kiên định và kỷ luật khi đối mặt với các cuộc công kích ngày một gia tăng của chính quyền Grau đối với đảng.
Fidel không là đảng viên của đảng Cộng sản, và thật khó tái hiện lại chính xác chân dung chính trị của ông trong thời gian học đại học dựa trên những hoạt động khác nhau, các vị trí và những mối quan hệ cá nhân cùng tình bạn đa dạng của ông. Chủ yếu, người ta chỉ biết rằng thời gian đầu ông tìm cách tạo tiếng tăm, và gây ấn tượng càng nhanh càng tốt. Tuy không nói gì nhiều về quãng thời gian ở trường đại học nhưng một lần, ngay sau khi cách mạng thắng lợi, Fidel ghé thăm một bạn học cũ và đã mô tả Đại học Havana vào thời kỳ đó còn nguy hiểm hơn cả ở Sierra Maestra. Như hầu hết các sinh viên hoạt động lúc đó, Fidel không bao giờ dám đi đâu mà không mang theo súng bên người.
Từ ngày đầu vào trường, mọi người đánh giá Fidel là một thanh niên nghiêm nghị và nồng nhiệt. Ông cao hơn một thước tám, vóc người vạm vỡ, tính tình sôi nổi và rất quyết liệt. Dù nét mặt còn non trẻ, ông có cách xuất hiện khiến mọi người khó có thể quên được. Trong khi hầu hết sinh viên mặc guayabera, áo sơ mi thể thao ngắn tay, mỏng thì Fidel thường cố tình mặc bộ len sậm màu và thắt nơ trông thanh lịch, quý phái như thể muốn tách mình ra khỏi đám đông. Năm 1959 ông có kể lại rằng giữa những đợt thanh toán kiểu găngstơ: “Tôi là [Don] Quixote của trường đại học, luôn luôn là mục tiêu của những trận đòn dùi cui và họng súng.”
Ngoài việc biết tạo tính cách nổi bật, chính Fidel Castro là người hết sức hấp dẫn, thu hút đối với cả nam lẫn nữ. Với khuôn mặt trông nghiêng mang nét đẹp của người Hy Lạp, dáng đi quý phái của người Tây Ban Nha, đôi mắt nâu và ánh nhìn như xoáy thẳng vào người đối diện, cộng với tính gan dạ trong các cuộc hỗn chiến ở đại học và tài thuyết phục, Fidel đã nhanh chóng được nhiều người ái mộ. Thêm vào đó, tài năng trong thể thao của ông, đặc biệt trong môn nhảy cao và chạy 400 mét, làm cho Fidel càng nổi tiếng trong trường. Giờ đây, Fidel chỉ còn cần phải tự chứng tỏ mình là người tham gia tích cực trong lĩnh vực chính trị ở trường và trở nên nổi tiếng không chỉ bó hẹp bên các “bậc thang” sinh viên ở Havana. Cũng như ở Belén, tại trường đại học, quá khứ xuất thân không được xét đến nên điều này đã rộng đường cho phép Fidel thi thố hết tài năng của mình.
Đại học Havana dạo đó gồm mười ba khoa, dạy từ luật đến y khoa và kiến trúc, và mỗi khoa hàng năm đều bầu ra một chủ tịch khoa. Liên Đoàn Sinh Viên Đại Học (FEU) đóng một vai trò quan trọng trong hoạt động chính trị của sinh viên và có ảnh hưởng lớn đến nền chính trị Cuba. Chủ Tịch FEU và các thành viên lãnh đạo khác được chủ tịch mười ba khoa bầu ra. Chủ tịch của từng khoa được các đại diện của mỗi cấp lớp bầu ra (khoa luật học 4 năm nên có 4 cấp lớp, khoa kiến trúc học 6 năm nên có 6 cấp lớp…), và đại diện các cấp lớp được đại diện mỗi khóa bầu và đại diện mỗi khóa do tập thể sinh viên trong khóa bầu chọn. Về cơ bản đây là một thủ tục rất dân chủ, tiến hành từ dưới lên trên, nhưng vì tính chất đại diện quan trọng, tất cả những cuộc bình bầu lại là một phần của quá trình chính trị lớn hơn ở Cuba mà qua đó mọi người từ chính phủ cho tới các đảng phái, phe nhóm đều muốn gây ảnh hưởng bằng phiếu bầu, tiền bạc và cả cơ bắp nữa.
Do trường đại học được quyền tự trị và tự quản - cảnh sát hoặc quân đội cũng không được bước vào khuôn viên trường – “ngọn đồi thiêng” nằm giữa lòng Havana này là nơi trú ẩn an toàn đối với các chính trị gia, các thành viên găngstơ chính trị của đủ mọi tín điều. Ngay cả những bọn xấu đội lốt sinh viên cũng có thể tung hoành giữa sân trường đại học được. Sinh viên nào không ở trong ban lãnh đạo FEU hay thuộc liên đoàn sinh viên thì rất có thể người này thuộc các nhóm găngstơ hoặc các đảng phái chính trị chính thống. Tiếng súng nổ thỉnh thoảng vang lên trong khuôn viên trường và những chuyện đánh đập dã man là chuyện xảy ra như cơm bữa do các đơn vị cảnh sát mượn lý do này lý do nọ, thường là lấy cớ có bắn nhau, để ra tay can thiệp. Trên thực tế gần như không thể biết được hoàn toàn đích xác nhân thân chính trị của ai đó, và điều này đặc biệt đúng với Fidel Castro khi ông đang phải cật lực tìm đường đi qua cánh rừng chính trị ở trường đại học và ở Havana.
Fidel tranh đấu rất nhiều để được bầu vào FEU, song lần duy nhất ông thành công là năm 1945, khi đó Fidel được chọn làm đại diện một trong những khóa đầu của trường luật, không lâu sau khi nhập học. Đây là vị trí thấp nhất trong cấu trúc FEU, và có vẻ như ông đã không thể nào gom được đủ phiếu bầu cho chức chủ tịch khoa luật. Nếu được thì Fidel đã có cơ may làm thành viên ban điều hành liên đoàn và mở đường cho chức chủ tịch FEU. Sinh viên năm đó được bầu làm chủ tịch khoa luật là Baudilio Castellanos, một bạn thời thơ ấu của Fidel ở Birán và tới tận bây giờ.
Câu trả lời nghe hợp lý nhất cho việc Fidel không được bầu vào một cương vị quan trọng nào trong trường đại học là vì ông không hòa nhập được với các tổ chức sinh viên hoặc chính trị nào; và ngược lại. Trong một bài diễn văn đọc sau cách mạng, Fidel nhìn nhận là ở trường đại học “tính mạnh mẽ và thái độ dứt khoát phải nổi bật đã khiến tôi phải chiến đấu” và “tính khẳng khái trong tôi cũng đã dễ đẩy tôi vào sự xung đột với xung quanh, với các quan chức thối nát, với tình trạng nhũng lạm và hệ thống bè phái, băng đảng đang ngự trị trong môi trường đại học.” Quan điểm này của ông đã được bạn bè và những người cùng thời trong các phe phái chính trị chia sẻ. Tính cách độc lập không gì kềm chế được trong thời gian học đại học cho thấy rằng niềm đam mê độc lập vốn dĩ của Fidel đã không bao giờ nguội lạnh và cho đến tận ngày nay Fidel vẫn luôn là chính mình.
Enrique Ovares, người giữ chức chủ tịch khoa kiến trúc trong năm năm và đảm nhận ba nhiệm kỳ chủ tịch FEU, kể: “Fidel có thể sẽ chẳng bao giờ được bầu làm chủ tịch khoa luật vì anh ấy không chịu ép mình hợp tác với những người khác.” Trong cuộc phỏng vấn dài năm 1984, Ovares cho biết, nhìn thoáng qua thì dường như “khó giải thích” là tại sao Fidel lại không thể thắng cử. “Lúc đó, đúng là Fidel đã dành ra nhiều tâm huyết, phẩm chất lãnh đạo đã được bộc lộ và có chính kiến dù hơi phóng túng… Anh ấy chưa hiểu rõ mình muốn gì, nhưng lại tự bày tỏ về mình rất tốt và được nhiều người theo. Anh ấy không nhận được đủ sự ủng hộ để trở thành một lãnh tụ sinh viên vì có lẽ các tổ chức thấy rằng Fidel là con người hoàn toàn độc lập và rất khó mà kiểm soát được anh.”
Alfredo Guevara, một trong những gương mặt gợi được nhiều sự chú ý trong chính trường Cuba và là một trong những người tin cẩn nhất của Fidel trong suốt 40 năm kết bạn, cũng xác nhận về cá tính độc lập này của Fidel. Alfredo Guevara (không có họ hàng gì với Che Guevara người Argentina), vào khoảng năm 1986 là Đại sứ Cuba ở UNESCO, Paris, đã kể khá nhiều về thời gian học chung đại học với Fidel.
Guevara vào đại học cùng thời gian với Fidel, song lại ghi danh học khoa triết học và văn chương vì ông và hai người bạn nữa – Lionel Soto Prieto và Mario García Inchaústegui - đến trường với ý định khác thường là “chiếm lĩnh FEU.” Guevara và Soto là những thanh niên có nguồn gốc xuất thân khiêm tốn (cha Guevara là kỹ sư đầu máy xe lửa ở Havana) và đã tốt nghiệp trung học từ một trường công lập nơi cả hai điều hành một hội học sinh có tư tưởng vô chính phủ. Nhưng khi vào đại học họ bắt đầu có tư tưởng “xã hội chủ nghĩa” và chẳng bao lâu trở thành đoàn viên Thanh Niên Cộng Sản (JC).
Guevara chọn khoa triết vì ở đó nữ sinh viên thường chiếm đa số, và nếu vậy thì chức chủ tịch chắc chắn sẽ lọt vào tay anh ta và đây là một phần của kế hoạch đã được Guevara sắp đặt sẵn. Khoa luật ở sát bên khoa triết nên gần như ngay lập tức anh nghe nói bên đó có một sinh viên đang gây được chú ý tên Fidel Castro. Khi qua khoa luật, lần đầu tiên Guevara thấy Fidel đang đứng nói chuyện với một số sinh viên vây quanh anh ở hành lang. Quan tâm của Guevara là vấn đề “giới lãnh đạo” nên anh bước tới tự giới thiệu với Fidel, người đã gây ấn tượng sâu đậm nơi anh. Guevara nói: “Khi ấy, tôi có thành kiến với Fidel vì tôi từ trường công ra, là sinh viên nghèo ở Havana, còn anh ta học ở trường dòng… với các linh mục Thiên Chúa Giáo. Dưới mắt tôi vào thời đó, một trường dòng và một người có niềm tin tôn giáo đều như nhau…” Dù vậy, Guevara vẫn kết luận rằng Fidel là “một núi lửa,” và “anh ta có thể cản đường nhóm Cộng sản của Guevara, do đó chúng tôi phải chinh phục hoặc chế ngự anh ta. Tôi có cảm giác như đã tìm thấy một anh chàng sẽ thành một nhân vật xuất chúng như José Martí hoặc là một tay găngstơ chính trị ghê gớm nhất vì anh ta thuộc loại người hành động… và tôi lại muốn chinh phục anh ấy. Nhưng vấn đề là cứ mỗi lần chúng tôi cố gắng tổ chức các buổi họp chính trị theo cách mà chúng tôi vẫn làm ở trường trung học: một người đứng lên phát biểu, kế đó là người khác và người khác nữa, để chúng tôi có thể điều khiển được buổi họp cho đến lúc kết thúc. Nhưng mà Fidel, chẳng thu xếp gì trước với chúng tôi và chúng tôi cũng không biết gì về anh ta, lại cứ tự động lên phát biểu sau khi mọi chuyện đã được tổ chức đâu vào đấy. Anh ta làm đảo lộn mọi chuyện.”
Có thể vì vậy mà nhóm của Guevara đã không ủng hộ Fidel. Trong cuộc bầu cử FEU năm 1947, chính Guevara là người đã hơn phiếu khi cùng ra tranh chức vụ thư ký liên đoàn với Fidel, lúc ấy đứng chung liên danh với phía Thiên Chúa Giáo mong đánh bại phía Ovares. Hơn nữa, Guevara cũng nhìn nhận là có một thời gian anh không chắc Fidel có là “người theo chủ nghĩa xã hội” không nữa. “Tôi biết anh ta trung thực, là người có tinh thần dân tộc, chống đế quốc, có đầu óc cách mạng và cấp tiến, nhưng tôi không chắc là anh ta sẽ đi theo chủ nghĩa xã hội đến cùng.”
Có thể Guevara đã đánh giá sơ sài về Fidel và có thể những người Cộng sản lúc ấy đã từ chối ủng hộ ông, song điều này không ngăn hai người kết bạn với nhau. Ở Cuba, cũng như ở nhiều quốc gia thuộc châu Mỹ La tinh khác, sự khác biệt sâu sắc về quan điểm chính trị không gây cản trở cho các mối quan hệ thân thiện. Dẫu sao, đại học Havana vẫn là một nơi bé nhỏ, và các sinh viên nổi trội thường có khuynh hướng tìm đến nhau cho dù ý thức hệ họ có khác nhau. Theo Enrique Ovares, thập niên 1940 “là thời của lòng oán ghét chủ nghĩa phát xít Đức và phát xít Tây Ban Nha, và ít nhiều thì tất cả các lãnh tụ chính trị Cuba đều thuộc về cánh tả… Thời gian ấy, có tư tưởng cánh tả là một chuyện hợp lý và bình thường, ngoại trừ lứa tuổi các chàng trai đang học đại học. Tại đây đầy rẫy những ý tưởng và người ta tin rằng tất cả những lý thuyết được đề xuất bởi các người mang tư tưởng xã hội chủ nghĩa và những người Cộng sản đều có thể đạt được…”
Tình bạn thắm thiết nảy nở giữa Guevara và Fidel. Họ cùng tham gia vào hàng loạt những cuộc đối đầu chính trị ở đại học. Năm 1959, Alfredo Guevara là một nhân tố bí mật, giúp Fidel nắm trọn quyền kiểm soát chính quyền cách mạng mới, khi ấy vẫn còn nhiều người mang tư tưởng chính trị độc lập, và rồi đưa đất nước Cuba chuyển sang chủ nghĩa cộng sản. Sau khi cách mạng giành được thắng lợi năm 1959, Fidel đã trọng dụng những người bạn Cộng sản hồi đại học, giao cho họ các trách nhiệm quan trọng dù rằng họ không tham gia trong cuộc chiến đấu cách mạng do Fidel lĩnh xướng.
Tin vào khả năng tổ chức của những người bạn đại học, Fidel tuyển dụng họ, thoạt tiên trong bí mật, để chuyển đảo quốc Cuba sang chủ nghĩa cộng sản một khi ông đã có những quyết định cơ bản.
Cùng lúc đó Alfredo Guevara ngay lập tức được đưa vào nhóm những người tin cậy của Fidel. Lionel Soto, Rául Valdés Vivó và Flavio Bravo tổ chức ở Havana một trường dạy chủ nghĩa Marx cho giới lãnh đạo Cộng sản mới vừa xuất hiện trong cuộc cách mạng, một cơ chế chuyển tiếp tối quan trọng. Năm 1986, Lionel Soto được bầu vào Ban Bí thư đảng Cộng sản, một vị trí then chốt, Flavio Bravo Pardo là chủ tịch Quốc hội và là ủy viên Hội đồng Nhà nước và Valdés Vivó là ủy viên Ủy ban Trung ương Đảng. Alfredo Guevara đi đi lại lại giữa Havana và Paris, có quyền gặp Fidel và Raúl Castro bất kỳ lúc nào. Tuy nhiên không một ai trong số họ là người vạch ra tư tưởng cho chế độ: đây là lãnh vực của Fidel.
Có những chứng cứ để tin rằng Fidel chuyển sang chủ nghĩa Marx theo cách riêng và theo thời điểm riêng của ông. Ông cho biết đã làm quen với tư tưởng Marx, Engels và Lenin từ năm thứ ba đại học, nghĩa là vào năm 1948 hoặc 1949, và trước tiên là một “người Cộng sản không tưởng.” Ông nói: “Nếu Ulysses bị mê hoặc bởi tiếng hát của nàng tiên cá thì tôi bị mê hoặc bởi tính chân xác không thể tranh cãi được của văn chương Mácxít.” Ông công nhận là ông bảo trợ cho nhà sách của đảng Cộng sản nằm trên đường Carlos III ở Havana (ngày nay là đường Avenida Salvador Allende), và cũng có lẽ, ông đã đọc hoặc mượn tài liệu Marx tại nhà Alfredo Guevara ở Old Havana.
Alfredo Guevara đã đúng khi nhấn mạnh rằng Fidel là con người hành động và ông sẽ có nhiều cơ hội khi bước ra ngoài khuôn khổ chính trị chật hẹp và câu thúc ở đại học. Mặc cho mọi cố gắng trong trường, cuối cùng người ta vẫn nhận thấy rằng Fidel là một người đơn độc về chính trị, một vai trò hợp với cá tính của ông và về sau sẽ trở thành một dấu ấn riêng của ông, cũng như sức mạnh của ông trên đấu trường chính trị rộng lớn hơn ở Cuba.
Trong đời sống chính trị ở Havana tồn tại những thực tế đáng sợ, trong và ngoài khuôn viên đại học, đó là hai băng đảng lớn mạnh có nguồn gốc phát sinh từ tình trạng bạo động thời chế độ độc tài Machado vào đầu thập niên 1930. Đó là Phong Trào Cách Mạng Xã Hội Chủ Nghĩa (MSR), do Rolando Masferrer, một cựu binh nội chiến Tây Ban Nha thuộc phe Cộng Hòa, lập ra năm 1945 và Liên Minh Khởi Nghĩa Cách Mạng (UIR) của Emilio Tró, cựu binh trong cả hai cuộc nội chiến Tây Ban Nha lẫn Thế Chiến Thứ Hai. Điều duy nhất mà hai phe này giống nhau là tham vọng quyền lực và gây được ảnh hưởng chính trị (và kinh tế). Vì lý do đó, họ trở thành những kẻ thù tự nhiên của nhau và thường xuyên bắn giết lẫn nhau. Phe nào cũng chống lại chính quyền của tổng thống Grau, còn Grau - không sẵn lòng hoặc không có khả năng triệt hạ chủ nghĩa băng nhóm chính trị này – thích dùng chiến thuật tranh thủ thời cơ và đôi lúc tìm cách mua chuộc hai tổ chức này. Tất nhiên thủ đoạn này không có tác dụng.
MSR tự xưng là đại diện cho “chủ nghĩa xã hội cách mạng” chống Cộng Sản, chống chủ nghĩa đế quốc Mỹ và đảng Auténtico của Grau. Một mục tiêu khác đã được tuyên bố rõ ràng của tổ chức này là lật đổ chế độ độc tài khát máu của Rafael Leónidas Trujillo Molina ở đất nước Cộng hòa Dominique. Lập trường chống Trujillo đã giành được cho MSR một sự kính trọng nào đó, thu hút được sự ủng hộ của những người như nhà văn Juan Bosch, sau này trở thành tổng thống Cộng hòa Dominique năm 1926 sau khi Trujillo bị ám sát. Tuy nhiên, về căn bản, MSR là nơi tụ hội của những tay súng, phần lớn quyền lực của họ tập trung ở trường đại học, là nơi mà Manolo Castro, một sinh viên kỹ thuật và bạn của Masferrer làm chủ tịch FEU trong năm năm. Còn mục tiêu chính thức của UIR là loại bỏ khỏi đường phố Havana “những cuộc ám sát”, nghĩa là loại bỏ MSR.
Mâu thuẫn lớn giữa hai tổ chức này bùng nổ sớm năm 1947 khi tổng thống Grau đã làm một điều ngớ ngẩn là chỉ định Emilio Tró của UIR và Mario Salabarría của MSR làm thiếu tá lực lượng Cảnh Sát Quốc Gia trong một nỗ lực tuyệt vọng để vô hiệu hóa các băng đảng. Tró cũng được cử làm người điều hành Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia, còn Salabarría được nắm chức Trưởng ban Thanh Tra Cảnh Sát Quốc Gia. Hành động của Grau chẳng khác nào xúi giục chiến tranh giữa các bộ phận cảnh sát. Grau còn đưa Manolo Castro vào làm Giám Đốc Thể Thao Quốc Gia. Chức vụ này khiến Manolo không thể chạy đua vào cuộc tái bầu chọn làm chủ tịch FEU thêm một kỳ nữa năm 1947, mở đường cho liên đoàn lao vào cuộc đấu tranh tìm người kế nhiệm mà MSR và UIR tất nhiên là phải nhảy vào cuộc.
Cuộc chiến giữa MSR và UIR ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi và số phận chính trị của Fidel Castro. Bởi để sống còn, cả về sinh mạng chính trị lẫn sinh mạng bản thân, Fidel phải đi dây giữa hai băng đảng này. Đây là kinh nghiệm đấu tranh nội bộ đầu tiên của Fidel và ngay lập tức ông tỏ ra có tài che dấu lập trường thật của mình mà bắt tay với cả hai bên, một thái độ hành xử mà những người ngưỡng phục ông gọi đó là một công việc của “thiên tài chính trị.”
Dịp để Fidel thể hiện con người chính trị đầu tiên của mình ngoài khuôn viên đại học xảy ra vào mùa xuân năm 1946, khi ông sắp bước sang tuổi hai mươi. Đó là lần họp ở nhà Carlos Miguel de Céspedes, chính trị gia cánh hữu có các mối quan hệ với chế độ độc tài Machado và là cháu nội của nhà lãnh đạo giành độc lập năm 1868. Carlos Miguel đang tranh chức thị trưởng Havana và mong được Liên Đoàn Sinh Viên ủng hộ nên muốn mời riêng Manolo Castro, khi ấy là chủ tịch FEU, đến nhà để thương lượng về việc này. Thế nhưng, Manolo đòi dẫn theo ba người bạn cùng trường, trong đó có Fidel Castro, người mấy tuần trước đã dẫn đầu đám sinh viên khoa luật tấn công một nhóm thanh niên được mô tả là “Quốc Xã Phát Xít” đang tìm cách tổ chức một cuộc mít tinh trong khuôn viên trường.
Theo một bài báo đăng trong tạp chí Bohemia, số tháng 6/1946, Céspedes trước tiên đã phác họa các kế hoạch tranh cử của mình và xin góp ý. Khi tới lượt Fidel, ông nhập đề bằng cách nói rằng ông ủng hộ ứng cử viên này – điều này khiến phía chủ nhân bật cười - song phải có ba điều kiện. Fidel ngừng lại một lúc theo thói quen cố hữu của mình, rồi nói rằng, điều kiện thứ nhất là phải cải tử hoàn sinh tất cả các lãnh đạo cách mạng trẻ đã bị chính phủ cánh hữu sát hại, kể cả lãnh tụ đồng sáng lập đảng Cộng sản là Julio Antonio Mella; thứ hai, Céspedes và các bạn bè của ông phải trả lại cho ngân khố quốc gia tất cả tiền bạc họ đã “lấy cắp của nhân dân”; và thứ ba, phải quay ngược lịch sử lại một thế kỷ. Fidel tuyên bố một cách hùng hồn rằng “nếu đáp ứng được cả ba điều kiện này, tôi sẽ lập tức tự bán mình làm nô lệ cho chế độ thực dân mà các ông muốn tạo ra ở Cuba.” Nói xong, Fidel lập tức đứng lên và bước ra khỏi tòa nhà. Giai đoạn ít người được biết này phần nào là cột mốc đáng nhớ trong quá trình hình thành tư tưởng của Fidel. Chủ nghĩa dân tộc Cuba mạnh mẽ, cảm nhận của ông về việc Cuba bị phản bội – bởi tất cả không trừ một ai - kể từ các cuộc chiến giành độc lập và sự phản kháng dữ dội chống lại hành động người giàu “bóc lột” người nghèo đã không ngừng là các đề tài cơ bản của Fidel trong suốt bốn mươi năm sau
Ở trường đại học, cũng như hầu hết các sinh viên khác, Fidel gia nhập Hội Chống Đế Quốc và Ủy Ban FEU Ủng hộ Nền Độc Lập Puerto Rico. Trong bối cảnh tinh thần dân tộc đang xuất hiện giữa giới trẻ Cuba trong và sau chiến tranh cùng sự gia tăng đồng thời lòng oán hận Mỹ đã có từ năm 1898, cũng không lấy gì làm ngạc nhiên khi thấy Fidel tham gia trong các tổ chức chính trị như thế.
Fidel đánh dấu ngày ông tròn một năm đặt chân vào đại học bằng buổi ra mắt trước đám đông trong vai trò của một diễn giả vào ngày 27 tháng 11 năm 1946. Ông đã học năm thứ hai khoa luật, vừa bước sang tuổi hai mươi, và đủ tiếng tăm để xuất hiện ngay trên trang nhất các báo ra ngày hôm sau. Cơ hội giúp ông bày tỏ lòng yêu nước là dịp lễ tưởng niệm lần thứ bảy mươi lăm, ngày tám sinh viên y khoa đấu tranh vì độc lập bị chính quyền thực dân Tây Ban Nha hành quyết do các hoạt động ủng hộ phong trào giành độc lập của họ. Theo truyền thống, buổi lễ do trường đại học Havana đứng ra tổ chức và diễn ra trước đài tưởng niệm các sĩ tử ở nghĩa trang Colón, thuộc quận Nuevo Velado.
Tất nhiên, nội dung chính bài phát biểu của Fidel là để tưởng niệm các sinh viên y khoa, nhưng ngay sau đó ông đã tuôn ra những lời đả kích chống chính phủ Grau, tố cáo âm mưu bất hợp hiến của tổng thống nhằm tìm cách tái đắc cử vào năm 1948, buộc tội chế độ bóc lột và hô hào nhân dân Cuba nhận thức được vấn đề và đứng lên chống lại những kẻ đã bỏ mặc họ đói khát.
Đây là bài diễn văn mà Fidel đã cẩn thận tập dợt trước ở nhà một người bạn học, José Ignácio Raco; và rõ ràng đã gây được ấn tượng sâu sắc, nhất là đoạn ông công kích “sự dung túng của tổng thống để mặc cho các bộ trưởng lấy cắp quỹ chung và để các băng đảng xâm nhập vào các cơ quan quan trọng của chính phủ.” Với giọng hùng hồn mà nhiều năm sau rất quen thuộc với dân Cuba, Fidel tuyên bố: “Nếu Machado cùng Batista đã ám sát và ngược đãi những người tốt và những nhà cách mạng chính trực thì chính bác sĩ Grau là người đã thủ tiêu mọi hy vọng của nhân dân Cuba, tự biến mình thành nỗi sỉ nhục cho dân tộc.”
Fidel đã thành công dựa trên công thức soạn diễn văn của các nhà dân túy vĩ đại ở Cuba và ông sẽ không bao giờ rời bỏ điều này. Dù là người nói cuối cùng trong buổi lễ kéo dài, bài phát biểu của Fidel đã được trích dẫn trong bài báo chính, đoạn thứ tư, trước cả các diễn giả chính trị nổi tiếng hơn nhiều, đăng trên trang nhất tờ El Mundo. Các tờ báo, nhắc đến ông với cái tên Fidel de Castro, mà không nói ông đại diện cho ai – mà lẽ ra phải nêu tên khoa luật ở đây. Nhưng điều này thực sự không thành vấn đề vì trên thực tế, một ngôi sao mới đã xuất hiện trên bầu trời chính trị rối ren ở Cuba. Và theo luật ông vẫn chưa đủ tuổi trưởng thành.
Thời trai trẻ của Fidel -
Chương 10
Đối với Fidel Castro, năm 1947 là năm ông chính thức bước vào con đường chính trường, là năm ông nhiệt tình dấn thân vào sự nghiệp chính trị và cũng là năm ông đón nhận vô vàn rủi ro cho bản thân và những cuộc phiêu lưu chính trị lãng mạn.
Sau bài diễn văn đọc ở nghĩa trang vào tháng mười một, Fidel là một trong ba mươi bốn người đã ký tên vào bản tuyên bố chống lại cuộc tái bầu cử của tổng thống Grau của Liên Đoàn Sinh Viên Đại Học (FEU) phát động, mà ông đã giúp soạn thảo với tư cách đại diện của khoa luật.
Bản tuyên bố ra ngày 20 tháng giêng năm 1947, mang sắc thái đặc thù của Fidel (mặc dầu các bạn ông cũng đều là những người có tài diễn thuyết không kém gì ông), khẳng định rằng “ý tưởng tái đắc cử, việc kéo dài thời gian cầm quyền, hoặc ngay cả việc áp đặt các ứng cử viên chỉ có thể nảy sinh trong tư tưởng bệnh hoạn của những kẻ phản bội, cơ hội và kẻ có bản chất dối trá.” Bản tuyên bố cam kết “đấu tranh chống lại việc tái đắc cử của TT Grau cho dù có phải trả giá bằng chính sinh mạng của chúng ta - chúng ta thà chết đứng còn hơn sống quỳ”. Theo nhận xét của nhiều học giả Cuba thì Fidel thường dùng khẩu hiệu liên quan đến chuyện sinh tử như vậy, nguyên là khẩu khí của nhà lãnh đạo cách mạng Mexico Emiliano Zapata.
Lúc này Fidel bắt đầu xuất hiện trước công chúng nhiều hơn, sẵn sàng đối đầu và có nhiều ý tưởng. Sau đó ít lâu, ông cùng một nhóm sinh viên luật đã tổ chức chuyến đi đến Đảo Thông, để thám sát nhà tù mới. Tuy được xây dựng theo nguyên mẫu nhà tù bang Illinois, nơi đây nổi tiếng là “trại giam kiểu mẫu” ở Cuba nhưng Fidel thấy rằng thức ăn ở đây quá tệ, tù nhân bị đối xử tàn bạo và bắt đầu xảy ra hiện tượng bất phục tùng đối với cai ngục. Trở về Havana, ông công khai chê bai chế độ nhà tù trên báo chí. Điều trớ trêu, “nhà lao kiểu mẫu” ở Đảo Thông này lại chính là nơi bảy năm sau, Batista đã giam giữ Fidel cùng các đồng đội của ông.
Từ buổi đầu tham gia chính trị, Fidel đã biết, để thành công, ông phải hoạt động đồng thời trên nhiều cấp độ. Người ta thấy ông làm chính trị trong và ngoài đại học, từ FEU cho tới các phe phái “cách mạng” – và ông học được giá trị của các cuộc đối đầu khi được kiểm soát chặt chẽ. Mùa xuân năm 1947, Fidel quyết định len lỏi vào giới chính trị truyền thống.
Cơ hội đã đến khi Thượng Nghị Sĩ Eduardo “Eddy” Chibás, tiếng nói của lực lượng đối lập chống lại TT Grau và ủng hộ những người dân Cuba bình thường chống lại tình trạng tham nhũng của chính quyền và việc bóc lột của người giàu, xúc tiến thành lập đảng riêng. Chibás, với khẩu hiệu đấu tranh nổi tiếng “Đồng Tiền Ô Nhục”, được coi là vị tổng thống tương lai, đồng thời là nhà lãnh đạo Cuba lý tưởng và chân thực nhất, kể từ thời José Martí. Ông được bầu vào nghị viện, năm ba mươi bảy tuổi và giờ đây, khi đứng ra lập Đảng Nhân Dân Cuba (PPC), ông vừa được bốn mươi. Ông rút khỏi đảng Auténtico khi Grau quyết định tìm cách để được tái đắc cử.
Fidel, đã biết danh Chibás từ dạo còn học ở Belén, lúc này đã đủ uy tín chính trị để sánh vai cùng một trăm nhân vật chính trị ưu tú khác được mời tham dự cuộc họp lịch sử ngày 15 tháng 5 năm 1947, nhân dịp đảng PPC chính thức ra đời. Tài liệu ghi chép lại cho biết rằng dự buổi họp này gồm sáu thượng nghị sĩ, mười nghị sĩ, nhiều thị trưởng, các nhà chính trị kinh nghiệm, các nhà hàn lâm cùng các doanh nhân và kỹ nghệ gia.
Fidel Castro, vẫn chưa đến tuổi hai mươi mốt, là lãnh tụ sinh viên duy nhất được mời đến trụ sở Phân bộ Thanh niên của đảng Auténtico vào buổi chiều Chibás tuyên bố rời khỏi đảng này. Sẽ quá lời khi nói rằng Fidel là một trong những người sáng lập đảng PPC, nhưng quả thực ông đã có mặt tại buổi lễ ra mắt tổ chức này và sự gắn bó giữa ông và Chibás trở thành vô giá trong nhiều năm sau. Đảng PPC nhanh chóng được mọi người biết là đảng Ortodoxo vì đại diện cho đường lối chính thống, trung thành với nguyên tắc José Martí, một ý niệm rất hợp với số phận của Fidel và suy nghĩ của riêng ông về Cuba.
Điều mà Fidel đạt được khi tham gia đảng Ortodoxo là bản thân ông có dịp theo đuổi hoài bão chính trị lâu dài thông qua đường lối chính trị được nhiều người chấp nhận và có được vị trí tận dụng cơ may này. Là người của đảng Ortodoxo và hoạt động trong Phân bộ Thanh Niên Ortodoxo, Fidel cam kết dành trọn thời gian cho chính trị và dấn thân vào mọi biến chuyển và xung động lúc ấy.
Hoàn toàn không có sự mâu thuẫn nào giữa việc Fidel quyết định hoạt động chính trị bên trong một đảng mới và những gì thuộc về năng khiếu cách mạng cùng bước tiến hóa tư tưởng theo chủ nghĩa Marx. Dù còn trẻ, Fidel cũng đã đủ nhận thức và định hướng chính trị để biếr rằng cách mạng không phải chuyện một sớm một chiều mà cần có bối cảnh phù hợp. Rõ ràng, ông không ngờ và thấy trước rằng năm năm sau, Fulgencio Batista đã đảo chính và điều này tạo ra môi trường cách mạng cho ông. Lúc đó, Fidel nghĩ là ông có thể tuyên truyền tư tưởng cách mạng xã hội thông qua phương tiện truyền thông, thông qua chiếc ghế đại biểu quốc hội mà ông nhắm đến. Còn nếu có điều kiện làm cách mạng nào khác chợt đến, như đã thường xảy ra ở Cuba, ông sẽ ngay lập tức là người cách mạng tiên phong.
Dù ở trong đảng Ortodoxo, Fidel vẫn giữ hình ảnh và các nguyên tắc của riêng mình. Chibás và đảng mới không chỉ là phe đối lập mạnh nhất Cuba, mà còn đưa ra những quan điểm cánh tả “tiến bộ” về xã hội và tự do, hơn hẳn những chính trị gia bảo thủ trong đảng Auténtico của TT Grau. Bản thân Chibás là nhân vật lãng mạn, kiểu cách và đam mê - một người đàn ông có thể thách kẻ khác đấu kiếm nếu cảm thấy bị sỉ nhục. Hầu như tất cả người dân Cuba đều ngưng mọi việc để chờ lắng nghe những bài diễn văn nảy lửa của Eddy Chibás phát đi trên đài truyền thanh vào chiều chủ nhật hàng tuần.
Năm 1947, Fidel đã khiến cho dân Cuba có cảm giác ông là người xứng đáng kế thừa sự nghiệp chính trị của Chibás. Ông đã vận động cật lực trong cuộc tranh cử tổng thống thất bại của Chibás năm 1948. Dư luận cho rằng chính Fidel đã cảnh báo với Chibás là giới trẻ sẽ từ bỏ ông nếu ông cứ tiếp tục tìm cách liên minh với giới chủ đất giàu có ở Oriente. Với Chibás, Fidel đã đủ uy tín để ông phải lên tiếng trả lời tại một diễn đàn công cộng ở Santiago: “Không đâu, đồng chí Fidel Castro, đồng chí có thể xua tan những nghi ngờ của mình… Chibás sẽ không đủ khả năng để đánh lừa ý nguyện của quần chúng… Ngày nào mà Chibás nhận thấy không còn được dân chúng yêu mến nữa, cũng sẽ là ngày mà ông ta sẽ bắn vào tim mình mà tự sát.”
Về phương diện riêng tư, như những chứng cứ trong các cuộc phỏng vấn và tài liệu ghi chép lại cho thấy, giữa Chibás và Fidel cũng có mối bất hòa. Chibás sợ rằng cuối cùng ông sẽ phải đối đầu với Fidel; trong khi Fidel lại thấy vị nghị sĩ này là trở ngại cho bước đường thăng tiến tương lai. Rául Chibás, em trai của Eddy, người lên nắm vai trò thủ lĩnh đảng Ortodoxo không lâu sau khi Eddy tự sát chết vào năm 1951, nói rằng ngay từ đầu trong đảng mới đã có người không đồng ý chấp nhận Fidel gia nhập đảng. Rául Chibás sau này đã chiến đấu cùng Fidel tại Sierra và đã cùng Fidel soạn thảo bản cương lĩnh kháng chiến đầu tiên cho cả nước.
Thời gian đầu, Fidel xem Raúl Chibás như người dìu dắt và bảo trợ ông, nhất là khi ông quyết định ứng cử vào quốc hội năm 1952 để mở rộng vị thế của mình trước công chúng. Về phía Chibás, ông này nhanh chóng nhận ra giá trị chính trị của Fidel và nghĩ rằng mình còn kiểm soát được Fidel. Với Fidel, việc liên minh với Chibás và Ortodoxos chắc chắn là vô cùng quan trọng, và ngoại trừ xung đột xảy ra trong chiến dịch vận động tranh cử tổng thống năm 1948, Fidel chấp nhận sự lãnh đạo của nghị sĩ này. Ortodoxos là đảng chính trị duy nhất mà Fidel gia nhập trước cách mạng cho dù có những bất đồng về quan điểm và duy trì cho tới tận năm 1956, ngay trước chuyến hải trình trên chiếc Granma trở về Cuba để phát động cuộc chiến tranh du kích. Đến lúc ấy, ông đã có Phong Trào Ngày 26 Tháng 7 của mình.
Trong cuộc nói chuyện hết sức chân thành vào năm 1981 với nhà văn người Columbia, Fidel nói rằng mặc dù trong ông đã “hình thành tư tưởng Marx - Lenin,” ông vẫn không gia nhập đảng Cộng sản mà lại thích hoạt động trong tổ chức của riêng ông hơn. Ông giải thích “Tôi có những suy nghĩ riêng đối với đảng Cộng sản, nhưng vì tôi hiểu đảng Cộng sản đang trong giai đoạn bị cô lập và việc đứng trong hàng ngũ đảng lúc ấy thật khó để tôi thúc đẩy nhanh kế hoạch cách mạng mà tôi đã ấp ủ… tôi phải chọn lựa giữa sự thôi thúc trở thành một chiến sĩ Cộng sản có kỷ luật hay là lập ra một tổ chức cách mạng có thể hành động phù hợp với điều kiện của đất nước Cuba”.
Mùa xuân năm 1947, Fidel Castro đã thật sự trở thành nhà chính trị, có khả năng hoạt động ở mọi cấp độ và đang chuẩn bị bước vào những cuộc phiêu lưu bất ngờ.
Năm 1947, Fidel Castro hoàn toàn tập trung vào lĩnh vực chính trị và cách mạng đến mức ông không còn thời gian dành cho việc học hành hay tiêu khiển, dù rất ít, giữa cuộc sống hoa lệ của Havana, với những quán rượu, nhà hàng, sòng bạc, nhà hát, hộp đêm và bãi biển, luôn tỏ ý gọi mời các sinh viên đang theo học ở đây.
Với các kỳ thi cuối năm thứ nhất của khoa luật tổ chức vào mùa xuân năm 1946 Fidel đã dễ dàng vượt qua, nhưng sang năm 1947, do quá đắm mình vào nhiều hoạt động ngoại khóa nên ông phải bỏ cả kỳ thi cuối năm hai. Theo lời ông, năm thứ ba và tư, ông chỉ đến lớp như một sinh viên dự thính, không thi cử gì cả, và điều này đã ảnh hưởng tới vị trí đại diện khoa luật của ông trong FEU.
Sự chú tâm chỉ riêng vào lãnh vực chính trị của Fidel cũng làm ảnh hưởng đến cuộc sống xã hội và đời sống riêng tư của ông. Không bao giờ ông ra ngoài vào buổi tối hay các dịp cuối tuần, trừ khi để dự các cuộc họp chính trị, thăm các sinh viên đồng chí hướng hoặc gặp ai đó mà ông muốn thuyết phục. Vừa mới gia nhập đảng Ortodoxo, Fidel đã bắt đầu lôi kéo người ủng hộ ông trong Phân bộ Thanh Niên, thông qua một nhóm có tên gọi là Hành Động Cấp Tiến Chính Thống (ARO). Nhóm này dưới sự ảnh hưởng của Fidel, chủ trương tiến hành lật đổ chính quyền hiện thời bằng cuộc cách mạng thay vì bằng bầu cử. ARO và tập thể những người bạn trẻ của Fidel chính là phôi thai của phong trào Fidel: Ông luôn lập sẵn kế hoạch cho mọi tình huống bất ngờ có thể xảy ra.
Về cuộc sống giao tiếp với bên ngoài, đây chỉ là vấn đề thuộc về thời giờ và sự thích thú chứ không phải vì chuyện tiền bạc (Fidel được gia đình trợ cấp đầy đủ bao gồm cả việc tiêu khiển). Theo lời Max Lesnick, bạn học đại học của Fidel, cũng là trưởng Phân bộ Thanh Niên của Ortodoxo, thì chẳng bao giờ ông ta thấy Fidel xuất hiện tại các buổi ăn uống hoặc khiêu vũ do sinh viên thủ đô chiêu đãi. “Chưa bao giờ tôi nhìn thấy Fidel khiêu vũ, và những người tôi biết cũng không ai nhìn thấy anh ấy khiêu vũ.” Điều này rất lạ ở Havana vì trong thập niên 1940 giới trẻ cũng dành nhiều thì giờ cho khiêu vũ, âm nhạc như đã dành cho chuyện chính trị. Lesnick còn cho biết là Fidel trở nên vụng về và nhút nhát trước phụ nữ. Có lần, Max và Fidel đang ở trụ sở đảng Ortodoxo trên phố Prado ở Havana thì có “ba cô gái rất xinh xắn, ăn mặc rất đẹp” bước vào hỏi chuyện. Fidel vốn rất nổi tiếng trong giới nữ sinh viên, song lại “xử sự một cách thẹn thùng đến khó tin.” Lesnick kể: “Anh chàng này có đủ dũng khí để bàn luận với thanh niên, cụ già, chính trị gia hoặc sinh viên thế mà lại đâm ra sượng sùng trước các cô gái.”
Ở trường đại học, Fidel không có bạn gái, trừ Mirta Díaz-Balart, nữ sinh viên triết ông quen hồi còn ở Oriente và đã kết hôn năm 1948. Fidel say mê chính trị và không bao giờ chịu bỏ một buổi họp nào để dẫn bạn gái đi chơi.
Tối đến, Fidel dùng bữa và đàm đạo với các bạn chính trị ở nhà họ hoặc các nhà trọ. Một trong những nhà trọ quen thuộc của giới sinh viên năm 1947 nằm trên đường “I” ở Velado, gần trường đại học. Bà chủ nhà trọ này là La Gallega, một người Cộng hòa trốn khỏi Tây Ban Nha hồi nội chiến và là “bộ óc chính trị đằng sau Liên đoàn Sinh viên.” Fidel thường lại đây cùng Alfredo Guevara và ngồi ở bàn ăn nói chuyện chính trị và cười đùa đến khuya. Fidel gần như lúc nào cũng mặc bộ đồ sậm màu với cà vạt đeo lỏng, ngậm xì gà và thỉnh thoảng nghịch cây súng ngắn anh thường mang theo bên người. Một tối, Fidel lấy súng ra chơi trò tháo và nạp đạn với mũi súng hướng lên trên. Khi một người ở trọ, từng phục vụ trong Không Quân Hoàng Gia hồi chiến tranh, nhìn thấy mới nói với anh là khi lên đạn nên chĩa mũi súng xuống đất để tránh những tai nạn đáng tiếc (“Trong quân đội, làm như bạn là bị nhốt vào cát sô ngay,” người cựu quân nhân này nói với anh), Fidel lẳng lặng bỏ súng trở vào túi. Kinh nghiệm sử dụng vũ khí của ông sẽ đến chẳng bao lâu nữa.
Sang cuối mùa xuân và đầu mùa hè năm 1947, bạo động tiếp tục gia tăng ở Havana, nhất là giữa hai đảng MSR và UIR. Tháng bảy, Enrique Ovares được MSR và đảng Cộng Sản ủng hộ bầu vào chức vụ chủ tịch FEU (thay Manolo Castro, tân Giám đốc Thể thao Quốc gia), đánh bại liên danh trong đó Fidel ứng cử vào chức Tổng Thư Ký Liên Đoàn. Thấy UIR ủng hộ Fidel, ban lãnh đạo MSR kết luận ngay rằng ông là kẻ thù của họ. Từ lúc ấy, Fidel nghĩ MSR đang chuẩn bị âm mưu ám sát mình. Để ứng phó với nguy cơ này, ông đã công khai tấn công các băng đảng chính trị.
Fidel viết bài lên án các băng đảng trên tờ báo sinh viên, Saeta (Mũi Tên) mà ông cùng vài người bạn Cộng Sản lập ra năm 1946. Đó là tờ báo phổ thông đầu tiên in bài xã luận của Fidel. Ông còn diễn thuyết công kích tại buổi khai mạc Hội Nghị Cử Tri Đại Học ngày 16 tháng 7. Trong diễn đàn đại học, Fidel cũng là người đằng sau đốc thúc cuộc tranh đấu cho Trường Đại học Havana có được hiến chương bảo đảm quyền tự do riêng và hiện đại hóa phương pháp giáo dục. Ông đã cùng với các hiệu trưởng danh dự, nhiều trưởng khoa và chủ tịch FEU lên phát biểu tại hội trường của trường trước 891 đại diện. Đó là bài diễn văn chính trị trọn vẹn đầu tiên của Fidel (dài và trịnh trọng hơn lần ở nghĩa trang hồi tháng mười một). Đây cũng là lần đầu tiên hình ảnh của ông xuất hiện trên các báo Havana có chú thích.
Toàn văn bài phát biểu này nay không còn nữa, nhưng qua các trích dẫn trên các báo Cuba thời đó chúng ta vẫn dễ dàng nhận ra giọng văn hùng hồn không thể nhầm lẫn của ông. Mở đầu diễn văn, Fidel tỏ lòng tưởng nhớ các sinh viên đã hy sinh để bảo vệ “phong trào những người tiến bộ ở đại học.” Những lời ca ngợi các tử sĩ là cách hiệu quả nhất để gợi sự cảm xúc của cử tọa, đồng thời là cách để chuẩn bị trước cho những thông điệp thật sự sắp được bày tỏ tiếp theo sau.
Fidel tố cáo “những nhà lãnh đạo giả dối” – ám chỉ Fulgencio Batista và Tổng Thống Grau - những năm gần đây đã đưa sinh viên đến chỗ “lãnh đạm và bi quan.” Trường đại học, theo Fidel, không phải là nơi “ý tưởng được rao bán như hàng hóa,” cũng không phải là “môi trường của những người hèn nhát.” Đoạn, Fidel nhắc tới các băng đảng, nhất là MSR. Ông hô hào sinh viên “lột mặt nạ những con buôn hưởng lợi từ máu các anh hùng liệt sĩ” và thậm chí ông còn mua thù chuốc oán hơn nữa bằng cách mô tả chính phủ Grau “là kẻ bạo chúa đã chà đạp lên phẩm giá dân tộc.” Đây là cấu trúc tiêu biểu trong một bài diễn văn của Fidel, và cũng của các nhà giỏi hùng biện khác: lay động và chuyển hóa cảm xúc của cử tọa, đánh vào óc tưởng tượng của đám đông bằng những hình ảnh ấn tượng, đầy thuyết phục và củng cố quyền năng tuyệt đối của diễn giả để buộc những lời lẽ và ý nghĩ của mình được người nghe chấp nhận và làm theo. Qua nhiều thập niên, Fidel vẫn giữ kỹ thuật cơ bản, vì tính hiệu quả của nó. Sau bài phát biểu ở hội trường đại học, Fidel được hoan hô nhiệt liệt và khả năng diễn thuyết của ông giờ đây đã được khẳng định. Ông nói chuyện với sinh viên và các nhà chính trị bất cứ thời gian và địa điểm nào thuận tiện. Max Lesnick nói: “Fidel là người duy nhất có thể ngay lập tức vận động được năm mươi người theo mình và khi không gặp được sinh viên nào ở trường thì anh tìm người ủng hộ ở ngoài đường phố.”
Kể từ những ngày đầu tiên trở thành chính trị gia trong trường đại học, Fidel đã chọn Martí làm đồng minh tạo nguồn cảm hứng và lịch sử và cho mãi tận bây giờ. Lúc còn là sinh viên, qua đài phát thanh, ông thu lại các bài diễn văn của Martí và nghe để mài dũa văn phong của mình. Ông thuộc làu các câu nói của Martí, dù rất nhiều (toàn bộ các trước tác của Martí được xuất bản ở Cuba hiện nay lên tới 19 quyển) đến mức có thể nói ông là người duy nhất nhớ cũng như biết áp dụng lời của Martí vào lúc thích hợp nhất. Ở Cuba ngày nay, Martí được coi là nhà tiên tri và lời nói của ông là khuôn vàng thước ngọc và Fidel cũng đang đạt tới tầm cỡ đó với từng câu nói hoặc viết được phổ biến rộng rãi trong quần chúng.
Lúc bấy giờ, chính phủ Grau và MSR cùng đi đến kết luận là hết chịu nổi Fidel Castro khi ông ngày càng công khai phê bình chỉ trích gay gắt chính quyền lẫn đồng minh của họ. Do không thể hợp tác hay đút lót Fidel, họ ra tối hậu thư cho ông: phải từ bỏ lập trường chống chính phủ và băng đảng, hoặc phải ra khỏi trường. Lời cảnh báo này được chuyển đến từ Mario Salabarría, cộng sự tin cẩn nhất của Rolando Masferrer, người sáng lập MSR và đã được TT Grau cử làm Trưởng Mật vụ từ đầu năm 1947. Salabarría vốn là một sát thủ có tiếng và Fidel, thường nhắc đến người này với cái tên “chủ nhân của thủ đô”, sợ rằng ông không chỉ bị tống ra khỏi trường đại học mà thôi.
Fidel quyết định một mình ra bãi biển gần Havana để cân nhắc tình hình và quyết định xem phải làm gì trước lời đe dọa. Sau này, Fidel nhớ lại: “Đó là giây phút quyết định tối quan trọng. Tôi như quay cuồng trong cơn lốc mâu thuẫn. Một mình trên bãi biển, tôi nhìn ra biển và suy tính. Nếu tôi quay về trường đại học thì sẽ gặp nguy hiểm… Còn nếu không về, tức là tôi phải nhượng bộ trước lời đe dọa, thú nhận trước những kẻ sát nhân là tôi thua, phải từ bỏ lý tưởng và hoài bão của mình. Thế rồi tôi quyết định quay lại, tôi quay về - với vũ trang.”
Đó là một trong những bước ngoặc quan trọng đầu tiên trong đời Fidel. Ông biết nếu đầu hàng, sự nghiệp chính trị và lãnh đạo cách mạng mà ông đã quyết định theo đuổi sẽ chấm hết ngay lập tức. Trong một đất nước mà những phẩm chất nam nhi như lòng can đảm rất được xem trọng thì kẻ hèn nhát không thể trở thành nhân vật lãnh đạo. Bản chất Fidel là vậy như toàn bộ cuộc đời ông đã cho thấy. Ông luôn chấp nhận thử thách và liều lĩnh. Đó là nguyên tắc sống của ông. Tuy rằng cũng chính bản chất hướng nội này ông luôn tự tách riêng mình ra khi xảy ra khủng hoảng và đơn độc cho ra những quyết định lớn. Sau này cũng vậy, mỗi khi gặp chuyện khó giải quyết, Fidel lại ẩn mình để rồi sau đó xuất hiện với một tinh thần mạnh mẽ hơn và mới mẻ hơn, sẵn sàng cho cuộc chiến. Hơn nữa, Fidel khám phá thấy rằng biến mất khỏi tầm mắt mọi người cũng có ý nghĩa quan trọng của nó: làm cho kẻ thù bị hụt hẫng, trở nên băn khoăn không biết ông đang ở đâu và ông sẽ ra tay như thế nào đây.
Fidel Castro không bao giờ chịu ra đi mà bỏ lại nguyên hiện trạng như cũ, và ngay khi xuất hiện từ cuộc đối đầu với Salabarría, ông đã tình nguyện vào cuộc phiêu lưu kế tiếp: xâm nhập nước Cộng Hòa Dominica để lật đổ chế độ độc tài Trujillo. Cuộc viễn chinh này được những người lưu vong nước này tổ chức, đứng đầu là nhà triệu phú Juan Rodríguez García cùng nhà văn Juan Bosch, tổng thống Dominica tương lai, với sự hỗ trợ và tài trợ từ các viên chức cao cấp trong chính phủ Grau và đảng MSR. Nhìn chung, đây là sự kết hợp giữa lòng tham kinh tế, chính trị và chủ nghĩa cơ hội được xúc tác bởi chủ nghĩa lý tưởng đáng trân trọng thường thấy ở khu vực Caribê dạo đó.
Để tuyển được những thanh niên Cuba có lý tưởng cho cuộc xâm nhập này, các nhà tổ chức phải quay sang trường Đại học Havana, nơi MSR đang có uy thế và luôn tìm cách khoác lên mình vẻ lý tưởng và cách mạng. Trên thực tế, điều này có nghĩa là Masferrer, Salabarría và Manolo Castro sẽ phụ trách việc tuyển mộ. Nếu Fidel muốn tham gia chuyến xâm nhập mạo hiểm đến Dominica, ông phải được các lãnh đạo MSR chấp nhận và được bảo đảm rằng các sát thủ của họ sẽ không ám sát ông ở trại huấn luyện. Fidel vẫn còn tin rằng MSR sẽ phái người để trừ khử ông. Vì vậy, ông cần đình chiến, hoặc ký một giao kết với kẻ thù của mình.
Fidel rất muốn tham gia cuộc xâm nhập này vì theo ông, đó vừa thuộc về vấn đề danh dự cách mạng lẫn uy tín chính trị mà ông hằng ao ước. Giúp lật đổ chế độ Trujillo bị thù ghét sẽ là niềm vinh dự cho một lãnh đạo trẻ như Fidel. Theo sự xác nhận của người bạn cùng thời Max Lesnick, đa số sinh viên thế hệ đó đều mong muốn chống lại Trujillo và việc Fidel tình nguyện tham gia cũng không có gì lạ.
Đầu tháng bảy, Fidel vẫn còn một số kỳ thi kiểm tra để kết thúc năm học thứ ba ở khoa luật, nhưng khi hay tin về kế hoạch Dominica, ông nói: “Tôi cho rằng nhiệm vụ đầu tiên của tôi… là phải ghi danh trở thành một chiến sĩ viễn chinh và tôi đã làm thế.” Điều này ngầm giải thích cho biết tại sao ông đã không dự thi được và vì vậy vừa mất tư cách sinh viên chính quy cùng chức chủ tịch khoa luật mới được bầu.
Fidel kể lại rằng, trong thời gian này ông là chủ tịch Ủy ban vì Nền Dân Chủ Cộng Hòa Dominica của trường đại học và dù không ở trong nhóm tổ chức cuộc viễn chinh nhưng ông thân với các lãnh đạo lưu vong Dominica và có bổn phận đi chung thuyền với họ. Thế nhưng ông đã không kể về những rắc rối ông gặp phải khi được phép tham gia lực lượng chống Trujillo.
Theo Enrique Ovares, chủ tịch mới của FEU kiêm chức tư lệnh trong ban tổ chức cuộc viễn chinh, thì chính ông đã thương lượng với các thủ lĩnh MSR để Fidel được tham gia. Ovares và Fidel là bạn hồi trung học, dù họ khác quan điểm chính trị và Ovares lại là bạn của Manolo Castro (cựu chủ tịch FEU và là thành phần lãnh đạo đảng MSR), nên đã nhờ người này bảo đảm tính mạng cho Fidel. Vì Manolo Castro là một trong những người hỗ trợ chính cuộc xâm nhập này cùng với Bộ trưởng Giáo dục lừng danh vì tham nhũng, José M. Alemán, và Tổng Tham mưu trưởng, tướng Genovero Pérez Dámera (hai người sau nhìn thấy mối lợi và quyền lực ở nước Cộng hòa Dominica sau khi lật đổ chế độ Trujillo) nên Fidel có được sự bảo đảm này. Cuối tháng bảy, Fidel được phái tới tỉnh Holguín, phía bắc Oriente để được huấn luyện quân sự căn bản đầu tiên tại học viện bách khoa ở đây. Ngày 29 tháng 7, Fidel và đồng đội được đưa tới cảng Antilla ở Vịnh Nipe và chuyển sang bốn chiếc thuyền để đi Cayo Confites, một đảo nhỏ ở mạn bắc bờ biển tỉnh Camaguey, sát Oriente.
Quân viễn chinh gồm 1.200 người, đã ở Cayo Confites suốt năm mươi chín ngày dưới cái nắng thiêu đốt và muỗi chích ngày đêm chỉ để luyện tập thêm quân sự vì ban chỉ huy chiến dịch vẫn chưa có quyết định tiến hành. Fidel được nhận chức trung úy, chỉ huy một toán quân, sau đó lên chức chỉ huy đại đội thì nhận được lệnh từ Havana vào cuối tháng chín, nói rằng toàn bộ chiến dịch hủy bỏ. Không ai biết chính xác điều gì đã xảy ra. Fidel thì cho rằng “do mâu thuẫn giữa cánh chính trị và cánh quân đội” nên kế hoạch buộc phải hủy bỏ. Nhưng có những bằng chứng cho thấy là có sự can thiệp của giới chính trị quốc tế và ngay tại Cuba để giải tán đoàn quân viễn chinh này.
Không lâu sau, Emilio Tró Rivera, thủ lĩnh UIR, nhóm hành động chính trị mà Fidel có quan hệ mật thiết, bị sát thủ MSR giết ở Havana vào ngày 15 tháng 9. Một làn sóng bạo lực mới lại dâng lên ở thủ đô. Tró nguyên là giám đốc học viện Cảnh sát Quốc gia, đã có lần bị thuộc cấp của người đứng đầu cảnh sát mật vụ Salabarría, mưu sát hụt vào ngày 2 tháng 9 trước đó. Do người của UIR đã giết chết một cảnh sát viên của phía MSR vào ngày 12 tháng 9 nên Salabarría ký lệnh bắt Tró. Ba ngày sau, nhân viên của Salabarría phát hiện Tró đang dùng cơm tối tại nhà một cảnh sát trưởng ở ngoại ô. Sau ba giờ chạm súng khiến nhiều người đi đường thiệt mạng, Tró bị giết chết, người lỗ chỗ vết đạn. Theo báo chí Cuba, trong nhiệm kỳ 1944-1948 của TT Grau, ở Cuba đã xảy ra tổng cộng 64 cuộc ám sát chính trị và một trăm vụ mưu sát.
Tin chính thức từ chính quyền đưa ra, không đáng tin lắm, cho rằng cái chết của Tró liên quan đến việc hủy bỏ chuyến xâm nhập Dominica. Trong buổi họp báo ngày 29 tháng 9, phát ngôn viên quân đội giải thích rằng trong lúc điều tra về cái chết của Tró, các nhà điều tra quân đội đã khám phá ra manh mối dẫn đến nông trại América gần Havana, của Bộ trưởng Giáo dục Alemán, và phát hiện ra “một số lượng lớn không ngờ” vũ khí, đạn dược cùng những tài liệu về chiến dịch Dominica. Từ đó, quân đội biết được trụ sở quân viễn chinh đặt tại khách sạn Sevilla, trên phố Prado ở Havana, gần dinh tổng thống. Với chứng cớ trong tay, chính phủ đã hành động để ngăn cản cuộc xâm nhập đó.
Vì công việc chuẩn bị cho chuyến xâm nhập này đã được phổ biến rộng rãi ngay từ đầu và ai cũng biết là có bộ trưởng Giáo dục và tướng Tổng tham mưu trưởng đứng đằng sau vụ này nên lý do gán ghép do chính quyền đưa ra là không đúng. Sự thật dường như là Trujillo than phiền với Washington về việc xâm nhập này và Mỹ đã lặng lẽ thuyết phục TT Grau phải dừng cuộc xâm nhập này lại. Vào thời đó, Mỹ thường hay áp dụng ảnh hưởng của mình vào nội tình các quốc gia vùng Caribê. Sau khi quân đội và hải quân Cuba vây bắt gần hết số quân viễn chinh rồi, Bộ Ngoại giao Cuba lúc ấy mới lên tiếng bày tỏ sự hài lòng vì đã xóa sổ được một “mối đe dọa hòa bình”.
Lúc Tró bị giết, Fidel đang ở Cayo Confites và có lẽ ông không hay biết gì về chuyện này. Theo ông, khi nhận được lệnh hủy bỏ chiến dịch, một số người bỏ về, song toán quân của ông vẫn lên tàu đi. Khi còn hai mươi bốn giờ nữa mới đến bờ thì họ bị đơn vị hải quân Cuba chặn bắt.
Rất có thể hải quân Cuba đã lên tàu này và ra lệnh quay về, nhưng Fidel đã trốn thoát. “Tôi không để cho mình phải bị bắt, hơn nữa, đây còn là vấn đề danh dự: thật hổ thẹn vì chưa làm được gì mà đã bị bắt.” Bởi vậy, khi chiếc tàu nhỏ Caridad, với biệt danh Fantasma (Bóng Ma) đi trở lại hướng tây, Fidel đã nhảy từ trên boong xuống biển, trước cảng cá Gibara ở Oriente. Ông bơi theo hướng tây nam khoảng tám chín dặm, giữa vùng nước nổi tiếng nhiều cá mập, để tới Saetía, ở cửa Vịnh Nipe.
Enrique Ovares chắc chắn là Fidel đã bơi vào bờ, song theo ông việc Fidel nhảy xuống biển là vì lý do khác. Ovares nghi Masferrer và người của đảng MSR có mặt trên cùng chiếc tàu với Fidel và Fidel sợ họ sẽ tìm cách giết mình. Bởi vậy, Fidel quyết định cách tốt nhất để toàn mạng là bơi vào bờ. Ovares cho rằng Fidel làm thế là đúng: “Tôi có thể bảo đảm sinh mạng cho Fidel khi còn ở trại, song sau khi cuộc xâm chiếm bị hủy bỏ thì bảo đảm này không còn nữa.”
Từ Saetía, Fidel vội vã đi tiếp tới Havana (không rõ là ông có ghé qua nhà ở Brían để nghỉ ngơi và thay quần áo hay không) để trở lại trường đại học và đấu trường chính trị của ông. Ông nói rằng mình đã bỏ phí ba tháng – 8, 9 và 10 – ở Cayo Confites, và một lần nữa lại bỏ lỡ kỳ thi cuối khóa. Khi đã đến Havana rồi, Fidel tới ngay nhà cô em gái Juana – ông không còn nơi nào khác để trú thân - và lập tức lao vào cuộc giáp chiến ở Havana. Ông bước qua tuổi hai mươi mốt, độ tuổi chín chắn, ở trên hòn đảo nhỏ ở Caribê, hoang vắng và chán nản, nên giờ đây ông khao khát được hành động.
Fidel không để phí thời gian. Sau khi bơi từ tàu đến Saetía rạng sáng ngày 28 tháng 9, qua ngày 30 tháng 9, ông đã kịp bước lên diễn đàn để phát biểu chống chính phủ ở trường đại học. Nhân kỷ niệm ngày một sinh viên bị giết dưới chế độ độc tài Machado, Fidel đổ trách nhiệm cho chính phủ Grau là đã phản bội sự nghiệp giải phóng Dominica và một lần nữa thúc giục tổng thống từ chức. Từ nhỏ, Fidel đã học được rằng tấn công liên tục là con đường duy nhất để chiến thắng - ngay cả khi ông chưa xác định được đích cuối cùng – và giờ đây ông áp dụng nguyên tắc của một trong những anh hùng của Cách mạng Pháp, Danton, là hành động “với sự táo bạo, luôn luôn táo bạo…” Sự táo bạo đã trở thành tính cách nổi bật và vượt trội nhất trong con người của Fidel Castro.
Việc tham gia tích cực vào chính trị đã ảnh hưởng tới việc học hành nề nếp nên để không bị rớt trong các kỳ thi cuối khóa, Fidel không chính thức ghi danh học tiếp năm thứ ba khoa luật mà đăng ký học dự thính cho hai năm cuối. Bất chấp những thay đổi vị thế sinh viên và chính trị, Fidel tuyên bố rằng “vào một lúc nào đó, không phải nhọc công kiếm tìm, tôi cũng trở thành tâm điểm cuộc đấu tranh chống nhà cầm quyền Grau.”
Lột xác từ kinh nghiệm ở Cayo Confites, Fidel luôn tìm dịp công kích chế độ và những kẻ đại diện chính cho nó và Havana thường xuyên biến thành một đấu trường suốt những tháng cuối cùng của năm 1947. Tại cuộc biểu tình ngày 30 tháng 9, mục tiêu chính của Fidel là Bộ Trưởng Giáo Dục Alemán vì vai trò của ông này trong chiến dịch Cayo Confites cũng như những hành vi thối nát và những thủ hạ độc ác của ông này. Trong thượng viện, phe đối lập đệ trình bản kiến nghị khiển trách ông ta. Alemán đáp trả bằng cách cho người của mình tổ chức cuộc tuần hành biểu thị “lòng trung kiên” vào ngày 9 tháng 10, nhưng hỗn chiến đã xảy ra và Carlos Martínez Junco, một học sinh trung học, đã bị vệ sĩ của Alemán bắn chết.
Cái chết của cậu học trò gần như gây nên cuộc nổi loạn, nhất là khi Alemán tiếp tục kế hoạch, cho tổ chức cuộc họp tự ca ngợi mình trước dinh tổng thống và TT Grau đã “ngờ nghệch” bước ra ban công lên tiếng khen ngợi viên bộ trưởng giáo dục của mình. Trong vòng vài giờ, hàng ngàn sinh viên, với Fidel Castro đi đầu, khiêng quan tài của Carlos Martínez Junco, tiến bước tới dinh, miệng hò hét yêu cầu Grau và Alemán từ chức, tay nắm chặt vung vẫy hướng về ban công khi đi ngang qua nơi này.
Lúc đoàn sinh viên tới khu cầu thang lớn trong trường, Fidel đã xúc động diễn thuyết trước mọi người. Ông gán trách nhiệm cho TT Grau về cái chết của học sinh này: “kẻ tội đồ đã làm cho nước mắt tuôn rơi và đau khổ dâng trào không ai khác hơn chính là TT Grau.” Cũng cần lưu ý rằng sang ngày hôm sau, 9 tháng 10, cả nước Cuba sẽ diễn ra lễ kỷ niệm cuộc chiến giành độc lập đầu tiên (1868) và Fidel đã tố cáo Grau mừng ngày lễ này “cùng với những kẻ phạm tội trong chính quyền… yến tiệc linh đình bên đèn hoa rực rỡ và rượu sâm banh ê hề thì những sinh viên lại không thể ăn mừng được ngày này vì chúng ta còn phải đến đây, lo việc tẩm liệm, chôn cất một người bạn của chúng ta, người đã bị những kẻ côn đồ mới giết chết…”
Một cuộc tổng đình công bốn mươi tám giờ của sinh viên, được nghiệp đoàn lao động hỗ trợ cùng tham gia, đòi Alemán từ chức và các cuộc biểu tình diễn ra suốt mấy tuần với Fidel Castro lúc nào cũng có mặt. Người ta nhìn thấy ông, nghe ông nói và đi theo ông. Thượng Nghị Sĩ Chibás, thủ lĩnh đảng Ortodoxo, quyết định nhường vai trò lãnh đạo việc biểu tình trên đường phố lại cho Fidel, còn ông thì vận động thượng viện chấp thuận kiến nghị chống lại Alemán. Trong bản phát thanh hàng tuần ngày 12 tháng 10, Chibás đả kích những kẻ sát nhân của chế độ. Bấy giờ, người ta thấy rõ Chibás và người thanh niên hai mươi mốt tuổi Fidel là những lãnh tụ đối lập quan trọng nhất Cuba, mỗi người tập trung vào công chúng của mình.
Chuyện tất yếu phải đến: MSR và cảnh sát bắt đầu đi lùng giết Fidel. Salabarría đã bị quân đội bắt sau vụ Cayo Confites (người ta tìm thấy 10 tờ 1.000 USD bên trong giày của ông ta), song Rolando Masferrer vẫn kiểm soát chặt chẽ băng đảng của ông ta. Họ nhiều lần phục kích Fidel ở trường đại học song lần nào ông cũng thoát. Một lần, Evaristo Venéreo, trung úy cảnh sát ở trường, tìm cách tước vũ khí của Fidel. Ông liền chĩa súng vào tên cảnh sát, điềm tĩnh nói, “Nếu anh muốn thì cứ cầm đầu súng mà giằng lấy.” Sau đó, Fidel rất ngạc nhiên khi Venéreo thách ông đấu súng tay đôi ở một góc vắng trong sân thể thao đại học. Ông nhận lời ngay vì danh dự, nhưng đã cẩn thận dẫn theo một nhóm bạn có vũ trang. Thật may cho Fidel, tên trung úy đã sắp sẵn đám cảnh sát ở khán đài để phục kích ông. Chúng bị phát hiện nên cùng với Venéreo bỏ chạy, giữa tiếng cười chế nhạo của nhóm sinh viên. Fidel sau này nhớ lại: “Đó là phép lạ tôi vẫn còn sống khi ra khỏi nơi đó.”
Óc tưởng tượng cuồng nhiệt cũng là một phần thuộc về bản lĩnh chính trị của Fidel – như ông sẽ chứng tỏ cho cả nước thấy vào những ngày đầu của tháng 11 khi những ngày xáo động của tháng 10 vừa mới lắng xuống. Trong đầu ông nảy ra kế hoạch lãnh đạo cuộc nổi dậy của quần chúng để lật đổ TT Grau: có lẽ là một mong ước hơi sớm nhưng cũng đã thành công trong việc tạo được tiếng tăm vang dội khắp nước. Qua đó, một lần nữa Fidel đã cho thấy biệt tài khêu gợi lịch sử Cuba để gây cảm hứng cho quần chúng khi ông mưu tính chuyện đảo chính này. Lần này, “linh vật” được ông chọn là quả chuông La Demajagua, có giá trị lịch sử đối với dân tộc Cuba tương đương như Quả Chuông Tự Do đối với dân tộc Mỹ, mà ngày trước Carlos Manuel de Céspedes đã đánh vang tại dinh cơ của ông có tên là Demajagua, gần cảng Manzanillo ở Oriente, để đánh dấu phát súng mở màn cuộc chiến độc lập năm 1868. Nhiều thập niên sau, quả chuông này đã được ủy nhiệm trao cho Manzanillo giữ gìn, xem như bảo vật linh thiêng của quốc gia.
Thật ra, chính chính phủ Grau là người đầu tiên nghĩ đến quả chuông Demajagua với mục đích kết hợp giữa yếu tố lịch sử và chính trị với nhau, một hiện tượng phổ biến ở Cuba. Theo ý của TT Grau, ông muốn mang quả chuông này đến Havana để đánh lên vào năm sau nhân lễ kỷ niệm 80 năm tiếng chuông được đánh vang. Trong đầu TT Grau vẫn luôn nghĩ đến việc tái cử năm 1948 và cho là chuông sẽ điểm điều tốt lành cho ông ta.
Không ngờ, hội đồng thành phố Manzanillo không những đã không cho đưa chuông đi Havana mà còn đuổi phái viên của Grau về. Có lẽ vì Manzanillo vốn có truyền thống chính trị cấp tiến, dựa trên giới công nhân nhà máy đường trong vùng và các công nhân kỹ nghệ ở tỉnh và thành phố này cũng là trung tâm chống đối TT Grau. Manzanillo là thành phố đầu tiên bầu thị trưởng thuộc đảng Cộng sản vào năm 1940, đó là Francisco “Paquito” Rosales, người mà sau này đã bị mật vụ của Batista sát hại vào năm 1958.
Biết được tin Manzanillo khước từ không cho TT Grau mượn chuông, Fidel Castro mới nảy ra sáng kiến sẽ nhờ sinh viên Đại học Havana mang chuông đến thủ đô - Fidel tin là hội đồng thành phố ở đây sẽ đồng ý – và rồi sẽ tổ chức một cuộc mít tinh quần chúng ngay nơi chuông được đánh vang, sau đó cả đám đông sẽ kéo đến dinh tổng thống để yêu cầu Grau từ chức.
Fidel trình bày ý kiến của mình với các bạn ông, Alfredo Guevara và Lionel Soto, và tin chắc sẽ lật đổ được Grau. Cuối cùng, Chủ Tịch FEU Enrique Ovares được nghe nói lại (điều này cần thiết vì theo kịch bản của Fidel, khuôn viên đại học sẽ đóng một vai trò quan trọng) và ông ta cũng thích ý tưởng này.
Ovares phê chuẩn kế hoạch do Fidel và Alfredo Guevara đưa ra, nhắm đến việc đương đầu với chính quyền và đồng ý theo họ đến Manzanillo nhưng sau đó họ quyết định là Lionel Soto sẽ di thay cho Guevara. Max Lesnick nhớ lại là một số lãnh tụ đảng phái, trong đó có Nghị Sĩ Chibás, đã đóng góp được khoảng 300 đô la để trang trải chi phí cho chuyến đi.
Trong khi Fidel, Lionel Soto và Enrique Ovares đón xe lửa tới Manzanillo vào ngày 1 tháng 11 thì Alfredo Guevara ở Havana lo tìm mua vũ khí để trang bị cho sinh viên nổi dậy, phòng khi có đối đầu với quân chính phủ. Guevara nhớ là đã có cuộc tiếp xúc đầu tiên với trùm băng đảng là Jesús Gonzáles Cartas, người được mệnh danh là “Kẻ Xa Lạ”. Khi tiếp khách, “Kẻ Xa Lạ” ngồi trên một cái ngai, chung quanh toàn cờ là cờ, và người ngập tràn ánh sáng được phản chiếu vào. “Kẻ Xa Lạ” hứa là sẽ bán vũ khí cho Guevara nhưng thực sự anh ta đã không giữ lời; sinh viên, theo Guevara, có được vũ khí là từ các nguồn khác. Ở Havana vào thập niên 1940, việc mua vũ khí cũng không quá khó khăn miễn là tìm được đúng người.
Để có được hiệu quả tối đa về mặt chính trị, Fidel và đồng đội loan tin họ đang mang quả chuông tôn kính về Havana và hàng ngàn sinh viên ra đứng chờ chuyến xe lửa đến Havana vào ngày 5 tháng 11 (hai người dân Manzanillo sẽ tháp tùng theo quả chuông để trông chừng báu vật này). Một chiếc xe mui trần chở chiếc chuông nặng ba trăm cân Anh từ nhà ga đến trường đại học trong cuộc diễu hành hân hoan kéo dài hơn hai tiếng rưỡi đồng hồ. Ngày nay còn lưu lại một bức ảnh chụp chàng trai Fidel Castro, trông rất trẻ trung, mặc trang phục sọc sậm màu và thắt cà vạt hoa, tay phải vòng ôm lấy quả chuông, còn tay trái của anh cầm chắc chân ngọn nến lễ.
Tại trường đại học, Fidel đứng diễn thuyết trước đám đông reo hò trên chiếc xe mui trần, tuyên bố rằng những nhà yêu nước Manzanillo đã từ chối trao biểu tượng của nền độc lập Cuba cho “những tên bù nhìn chỉ biết nghe lệnh ngoại bang,” nhưng “những người giải phóng của ngày hôm qua đã tin tưởng vào giới trẻ sinh viên hôm nay, tiếp bước họ đấu tranh cho độc lập.” Quả chuông được cất vào Phòng Trưng Bày Anh hùng Liệt sĩ cạnh văn phòng hiệu trưởng trường Havana, trong khi sinh viên ở lại trường suốt đêm để bàn chuyện biểu tình lớn chống TT Grau ngày hôm sau. Sáng ra, khi cửa phòng hiệu trưởng mở, sinh viên mới phát hiện chiếc chuông đã bị bí mật chuyển đi. Cảnh sát, bao vây quanh trường đại học cả đêm (cùng với một trăm tay súng MSR), đã chối rằng không biết có vụ trộm.
Theo lời kể của Enrique Ovares, sáng sớm hôm đó, Fidel, Alfredo và nhiều lãnh tụ sinh viên khác tới nhà Ovares báo tin chiếc chuông đã biến mất. Ovares nói với tư cách chủ tịch FEU, là sẽ viết thư tố cáo hiệu trưởng vì chính ông này phải chịu trách nhiệm về di vật Demajagua (vị hiệu trưởng già này sau đó đã thách đấu với Ovares vì ông ta thấy bị sỉ nhục). Fidel chạy vội tới đài phát thanh buộc tội chế độ đã lấy cắp chuông trong lúc hàng ngàn sinh viên bắt đầu tụ về trường đại học. Khoảng giữa trưa, Fidel có mặt ở trường, chụp lấy mico hét lớn: “Cứ để bọn đê tiện lại đây, chúng ta sẽ tố cáo vụ trộm cắp này,” đoạn ông dẫn hàng ngàn sinh viên tới đồn cảnh sát gần nhất để kiện.
Đầu giờ chiều, khi Fidel quay lại nhà Ovares, nhiều sĩ quan cảnh sát bị ông nêu đích danh là tội phạm trên đài phát thanh đã bồng súng bám theo ông. Fidel vào nhà, trong khi Ovares và mẹ anh này thuyết phục cảnh sát đi nơi khác. Tối đến, đám đông mít tinh ở trường (bất chấp lệnh bãi trường trong 72 tiếng đồng hồ của hiệu trưởng để phòng ngừa rối loạn) và Fidel nhân dịp đó đã công kích Tổng Thống Grau dữ dội. Ông lên án ông ta không giữ lời hứa khôi phục “phẩm giá dân tộc,” và cảnh báo rằng giới sinh viên bị lừa dối trắng trợn đang có mặt ở đây để tuyên bố rằng “một quốc gia non trẻ sẽ không bao giờ đầu hàng.”
Trong một đoạn, sẽ trở thành đề tài được Fidel khai thác trong nhiều năm sau, ông nói về “cuộc cách mạng bị phản bội”, cuộc cách mạng dân tộc mà TT Grau đã hứa hẹn, vì nông dân vẫn không có đất cày và “sự giàu có của quốc gia nằm trong tay ngoại bang”. Và rồi ông chuyển sang những lập luận sẽ trở thành một khám phá và là vũ khí đặc thù của Fidel: sức mạnh của các con số thống kê. Ông đã nắm rất vững nhu cầu đối với sinh hoạt của từng gia đình, trí nhớ thiên bẩm của ông đã cung cấp phương tiện để ông chuyển toàn bộ những hiểu biết của mình đến người nghe. Lúc ấy, ông nói rằng trong khoảng ba năm cầm quyền, chính phủ Grau đã được giao 256 triệu peso (một peso tương đương một đô la Mỹ), nhưng y tế cộng đồng chỉ được 14 triệu peso và các công trình công cộng 112 triệu peso, trong khi quốc phòng, tức các lực lượng vũ trang, được cấp tới 116 triệu peso. Fidel luôn bị ám ảnh với nhu cầu đầu tư to lớn cho nền y tế cộng đồng và điều này đã được thể hiện khi ông lên cầm quyền, nhưng đây là lần đầu tiên ông công khai nêu vấn đề này ra.
Sự quan ngại lớn khác của Fidel là mối đe dọa của “chủ nghĩa quân phiệt” và ông cảnh báo với sinh viên về quyền hạn đang gia tăng của giới quân đội – sớm hơn năm năm trước ngày đảo chánh của Batista. Một trong những biệt tài của Fidel là khả năng, vừa thuộc về bản năng vừa thuộc về óc phân tích - tiên đoán những động thái tương lai của kẻ thù. Ông đã chứng tỏ cho thấy vào buổi tối tháng 11 năm 1947 hôm đó. Cùng lúc, Fidel thúc giục sinh viên trở thành các chiến sĩ trong mặt trận đoàn kết dân tộc “để giành lấy nền độc lập thật sự, sự giải phóng kinh tế, chủ quyền chính trị, tự do chính trị… một cuộc giải phóng dân tộc hoàn toàn.”
Một số học giả nghiên cứu về cuộc cách mạng của Fidel coi bài diễn văn ngày 6 tháng 11 ở trường đại học là thời điểm Fidel trở thành một nhà tư tưởng chính trị trưởng thành và là bài công kích chặt chẽ đầu tiên của ông vào hiện trạng xã hội Cuba đứng trên lập trường của cánh tả. Riêng bản thân Fidel thì thừa nhận rằng thời gian đó quá trình tiến hóa chuyển sang chủ nghĩa Marx của ông vẫn còn đang phát triển. Dẫu sao, chính ở giao điểm này, Fidel đã hình thành phong cách chính trị đặc biệt mà ông sẽ tiếp tục duy trì cho đến mãi sau này.
Nhiều ngày sau vụ náo loạn ở Havana, quả chuông Demajagua được một phe phái vô danh nào đó đưa tới cho Tổng Thống Grau và lập tức được gửi trả về Manzanillo. Sự kiện kết thúc ở đó, song chàng trai Fidel Castro đã đạt được một danh tiếng mới: một ngôi sao chính trị đang tỏa sáng, nhiều hứa hẹn nhất của đảo quốc Cuba. Bước sang năm mới, con đường thăng tiến ngày càng được nhiều người bàn đến vẫn tiếp tục.
Thời trai trẻ của Fidel -
Chương 11
Đối với Fidel Castro, năm 1948 là năm ngột ngạt cả về chính trị lẫn cuộc sống riêng tư. Ông đang dần khẳng định được tên tuổi trong chính trường, tham gia nhiều hoạt động và có thêm những trách nhiệm mới.
Quanh ông, xã hội và chính trị Cuba đang mục nát và tan rã. Xã hội ngày càng phân cực. Đảo quốc sống trong bầu không khí cách mạng kể từ khi cuộc khởi nghĩa chống chế độ độc tài Machado bùng nổ vào tháng 9 năm 1930.
Cuba bên ngoài tô vẽ cho mình sự dân chủ, pháp chế xã hội tiên tiến và bộ máy chính trị xã hội tiến bộ theo thể thức lập hiến của năm 1940. Thật ra, tâm trạng thất vọng trước một đất nước bị phân chia sâu sắc giữa một bên là thiểu số giàu sụ và một bên đa số giới công nông nghèo cùng cực đã tạo ra một tình huống đặc biệt khiến việc cai trị trở nên rất khó khăn. Giai cấp trung lưu thành thị quá nhỏ và phân tán không thể tạo thành trung tâm chính trị thuần nhất.
Tổng Thống Grau bỏ mặc bạo hành chính trị và tham nhũng ở mức độ qui mô lớn, lảng tránh không chỉ việc lãnh đạo quốc gia mà cả trách nhiệm giữ gìn luật pháp và trật tự hàng ngày. Ông ta lại chồng chất thêm oán hận và phân hóa khi có quyết định bất hợp hiến tìm cách tái đắc cử nhiệm kỳ thứ hai của mình. Việc xuất hiện một thế hệ mới, được đại diện bởi thành phần lãnh đạo và các cấp thấp hơn trong trường Đại học Havana (thậm chí ở cả trường trung học), đã trực tiếp thách thức cho hiện trạng suy đồi và đây là điều kiện thật hoàn hảo đối với một người có đầu óc làm cuộc cách mạng thật sự ở Cuba như Fidel Castro.
Các quốc gia châu Mỹ La tinh thời hậu chiến cũng đang chịu nhiều áp lực tương tự. Ở Argentina năm 1945, Juan D. Perón lên nắm quyền để phát động phong trào dân tộc theo đường lối dân túy dưới chiêu bài công lý xã hội, khai sinh ra chế độ độc tài kiểu phát xít và quân phiệt nhưng đồng thời vẫn giữ cho mình vai trò một thần tượng của quần chúng. Năm 1948 ở Peru, quân đội đã đập tan cuộc nổi dậy của phong trào APRA theo đường lối xã hội và dân tộc, một trong vài phong trào cách mạng hoàn toàn có nguồn gốc Mỹ La tinh. Cũng năm đó ở Venezuela, nước Nam Mỹ chịu nhiều ảnh hưởng của Caribê, chế độ bạo tàn sụp đổ và được thay bằng chính phủ cấp tiến dân chủ xã hội. Quốc gia láng giềng Colombia lại đang có nội chiến.
Ở Cuba tình hình căng thẳng về chính trị và xã hội được nhấn mạnh và phóng đại bởi diện tích nhỏ bé của đảo quốc này, và cách mạng đã được bàn đến vào năm 1948 như một lối thoát để giải quyết sự khủng hoảng căn cơ của đất nước. Quan hệ rắc rối và thiếu lành mạnh với Mỹ khiến Cuba muốn tìm lại bản sắc của mình. Đã nhiều năm, chủ nghĩa băng đảng được thả lỏng nên sinh sôi dưới lớp vỏ bọc “cách mạng,” biến chữ cách mạng thành vô nghĩa. Tuy vậy, năm 1948, các cuộc cách mạng dở dang và nền độc lập nửa vời đã thành đề tài bàn luận cho phát ngôn viên của các dòng tư tưởng chính.
Fidel Castro bấy giờ đã say mê cách mạng và không ngừng bàn bạc với bạn bè. Ông sớm nhận ra rằng tiếp cận và kiểm soát truyền thông là rất quan trọng. Ngay khi còn ở đại học, Fidel đã tập trung vào phương tiện truyền thông, vốn đã phát triển cao ở Cuba. Ông không bỏ qua cơ hội nào để gây chú ý càng nhiều càng tốt.
Ngày 22 tháng giêng năm 1948, một lãnh đạo liên đoàn công nhân đường, cộng sản và dân biểu da đen, Jesús Menéndez bị một đại úy quân đội bắn chết ở Manzanillo. Công chúng bị sốc trước tin này bởi đa số dân Cuba đều biết Menéndez. Mười ngàn người đã đến viếng quan tài, trong đó có Fidel Castro. Ở nghĩa trang, Fidel đã giận dữ nói với một nhà báo, “Anh nghĩ sao nếu tôi leo lên mộ để kêu gọi mọi người kéo tới dinh tổng thống?”
Hai tuần sau, sinh viên biểu tình ở trung tâm Havana phản đối cảnh sát đã tàn bạo với sinh viên tại Guantánamo ở Oriente. Cảnh sát tấn công và đuổi theo sinh viên tới trường đại học. Sau đó, viên cảnh sát trưởng khu vực, José Caramés, tự động chạy lên thang lầu với khẩu súng ngắn trong tay. Trước khi ra khỏi khu đại học, ông ta còn dùng súng đánh một sinh viên đang bị khập khiễng và suýt nữa đã đối đầu dữ dội với đám sinh viên có vũ trang.
Hôm sau, Fidel Castro kêu gọi biểu tình phản đối vụ viên cảnh sát vi phạm quyền tự quản của đại học. Một nhóm sinh viên lắp súng máy ở khu cầu thang đại học phòng khi bọn cảnh sát xâm nhập nữa. Trong khi đó, Fidel cùng một bạn học dẫn đầu đoàn biểu tình xuống phố, tay cầm cờ và băng vải ghi “Chúng Tôi Phản Đối Vi Phạm Quyền Tự Quản Của Đại Học!” Vừa hát quốc ca sinh viên, họ vừa đi tới hàng rào cảnh sát ở ngã tư, hét lớn, “Tống cổ Caramés đi! Đả đảo Grau! Đồ sát nhân!”
Cảnh sát chống bạo động cầm dùi cui bước tới đám đông và Fidel nằm trong số bị đập trước tiên. Hôm sau, báo chí đăng tin Fidel bị thương (lần đầu tiên lên đầu đề báo), bị đập vào đầu khá nặng và đã được đưa đi bệnh viện chụp X-quang. Thật ra, Fidel bị thương không đến nỗi nào và ông không muốn ở lại bệnh viện. Lần đầu tiên, Fidel đã đổ máu vì cách mạng và ông lại càng nổi tiếng hơn. Cảnh sát sau đó đã thả những sinh viên bị bắt, riêng Caramés bị đình chỉ để chờ thanh tra. Đó là một ngày thành công của Fidel.
Ngày 22 tháng 2, mười ngày sau vụ việc ở trường đại học, một vụ ám sát nghiêm trọng xảy ra ở Havana. Nạn nhân là Manolo Castro, giám đốc thể thao quốc gia và là sáng lập viên của đảng MSR. Ông này bị ám sát trước cửa một rạp hát. Manolo là nhân vật chính trị rất quan trọng và mấy tuần trước đã nhiều lần bị dọa giết.
Không ai biết được kẻ sát nhân. Theo giả thuyết đầu tiên thì thủ phạm là Emilio Tró, chỉ huy đảng thù địch UIR đồng thời là trưởng Viện Cảnh Sát Quốc Gia. Tuy nhiên, MSR lại buộc tội Fidel Castro vì thấy trước đây ông có quan hệ với UIR. Fidel đã không còn quan hệ gì với họ, sau khi vào đảng Ortodoxo. Tuy nhiên, Rolando Masferrer, lãnh đạo MSR, nhất định quy cho Fidel bởi ông là đối thủ chính trị nguy hiểm nhất của ông ta.
Vài tuần trước khi Manolo chết, tờ báo Tiempo en Cuba của Masferrer tình cờ đưa tin Fidel có liên kết với các băng đảng đại học. Hôm xảy ra vụ ám sát, cháu trai của Masferrer công khai buộc tội Fidel. Ba ngày sau, lúc 11 giờ trưa, Fidel cùng ba lãnh đạo sinh viên khác bị cảnh sát bắt ngay trong xe hơi ở một đại lộ gần bờ biển Havana để thanh tra về cái chết của Manolo.
Bốn lãnh đạo sinh viên khi ấy tức giận bác bỏ lời cáo buộc mình có liên quan tới vụ ám sát. Cảnh sát lúc đó đưa ra bài báo của tờ Tiempo de Cuba viết về liên hệ của họ với các băng đảng trong trường. Fidel lập tức đưa ra bằng chứng rằng trưa hôm có vụ ám sát, ông đang ở quán cà phê El Dorado với vài người bạn, rồi sau đó nghỉ đêm ở Khách Sạn Plaza. Hôm sau, đọc thấy tên mình trên báo, ông đã đến ngay đồn cảnh sát gần nhất để đưa bằng chứng ngoại phạm, song viên sĩ quan phụ trách đã bảo Fidel về vì không có lệnh bắt ông.
Điểm vừa nêu rất quan trọng, bởi mấy năm nay có nhiều bài báo nói rằng chính phủ Cuba muốn tìm cách bắt Fidel. Vụ bắt bớ trong xe hôm đó là sáng kiến của một sĩ quan cảnh sát. Bốn người được đưa đi thử chất paraffin xem gần đây họ có dùng vũ khí không. Đến 2 giờ trưa, viên thanh tra ra lệnh thả cho họ tự do có điều kiện. Fidel đã tổ chức họp báo ngay tại đồn cảnh sát.
Ông công kích: “Masferrer muốn tranh quyền lãnh đạo ở đại học để phục vụ lợi ích riêng. Chúng tôi đã không để cho ông ta làm như vậy, dù có bị ép buộc bằng vũ lực. Masferrer muốn lấy Manolo ra làm cớ chống lại chúng tôi. Nói cách khác, ông ta muốn hưởng lợi từ cái chết của bạn mình. Nếu biết trước chuyện này, chúng tôi đã ngăn cản.” Cựu chủ tịch FEU, Enrique Ovares cũng biện minh cho Fidel. Ovares nói: “Fidel hoàn toàn không có liên quan gì đến cái chết của Manolo Castro. Tôi không có lý do gì để nói dối các anh. Nếu các anh muốn tấn công Fidel thì hãy tấn công anh ta bằng sự thật. Fidel từng làm nhiều chuyện động trời. Nhưng sao lại phải bịa chuyện như vậy? Tôi thấy thương hại cho những kẻ viết các bài báo đó về Fidel. Nếu có đủ sự thật để chống anh ta thì sao lại phải nói dối chứ?”
Dù Fidel vô tội, vẫn không có gì bảo đảm Masferrer và đồng bọn không tìm cách giết ông. Fidel cảm thấy nên đi lánh mặt một thời gian. Chị Lidia, Alfredo Guevara và Mario García giúp Fidel tìm cách ẩn mình. Tuy nhiên, cũng như bao lần, một kế hoạch mới bỗng khiến Fidel chú ý và cũng là dịp để ông rời khỏi Cuba một thời gian. Đây hóa ra lại là cuộc phiêu lưu lớn nhất của Fidel cho tới lúc này.
Đó là việc thành lập hội sinh viên Mỹ La tinh chống đế quốc do chính phủ Perón của Argentina khởi xướng. Fidel cảm thấy thật phấn khởi. Tháng tư, tại thủ đô Bogotá của Colombia, sẽ có buổi họp chuẩn bị cho các lãnh đạo sinh viên ở bán cầu. Đầu năm 1948, Thượng nghị sĩ Diego Molinari cùng vài viên chức đã đến Havana gặp các lãnh đạo sinh viên Cuba để nhờ giúp tổ chức hội, do Argentina tài trợ.
Cả ban lãnh đạo sinh viên đều hứng thú trước đề nghị của Argentina. Fidel Castro, với tư cách sinh viên luật Havana, đã phối hợp kế hoạch hội nghị với phái viên của Perón, Ernesto Guevara de la Serna, sau này là “Che” của cách mạng Cuba. Ernesto năm đó mới mười chín tuổi, sinh viên năm thứ hai của trường Đại Học Y Khoa Buenos Aires, đang ủng hộ Perón.
Hội nghị này sẽ diễn ra cùng lúc với hội nghị bộ trưởng ngoại giao Tây Bán Cầu, do Mỹ triệu tập, để củng cố hệ thống chi phối ở Mỹ La tinh. Trong khi đó, hội nghị sinh viên sẽ bàn về nguyên tắc chống đế quốc.
Fidel Castro chợt nảy ra ý sẽ nhân dịp này, tạo cuộc đối đầu với Mỹ và Tổ Chức Các Quốc Gia Châu Mỹ ở thủ đô Bogotá. Đối với nhà cách mạng Caribê hai mươi mốt tuổi, chưa được biết đến bên ngoài Cuba, thì như vậy thật là tham vọng. Tuy nhiên, Fidel chưa bao giờ thấy ý tưởng nào lại không thể thực hiện được. Ông không hề hay biết sẽ có cuộc bùng nổ thảm khốc vì một sự cố trùng hợp bất ngờ xảy ra ở Bogotá. Dù sao, sự nghiệp chính trị của Fidel vốn được xây trên các sự cố lịch sử ngẫu nhiên, dọn đường cho ông tiến tới thành công.
Có bốn người được cử đi Bogotá dự hội nghị là Enrique Ovares, Alfredo Guevara, tổng thư ký FEU Rafael del Pino và Fidel. Họ chia làm hai và đi riêng, Fidel đi cùng Rafael. Ban tổ chức hội nghị Cuba có chín thành viên, với Fidel dĩ nhiên là phát ngôn viên. Ba tuần sau vụ ám sát Manolo, Fidel xuất bản bài sơ lược về kế hoạch hội nghị. Ông viết: “Chúng tôi mong hành động này sẽ mở màn cho một phong trào được ủng hộ khắp Mỹ La tinh, nhất là sinh viên sẽ đoàn kết lại dưới lá cờ đấu tranh chống đế quốc.” Fidel thông báo buổi chuẩn bị cho hội nghị sẽ được tổ chức ở Bogotá vào đầu tháng tư, cùng lúc với hội nghị bộ trưởng Liên Châu Mỹ. Ông luôn là nhà chiến lược khi nêu ra sáng kiến rằng nhân dịp này, sinh viên nên khởi xướng một làn sóng phản đối để mở đường cho việc thực hiện các cáo buộc chống lại đế quốc.
Ngày 19 tháng 3, Fidel lái xe tới Phi Trường Rancho Boyetros (nay là Phi Trường José Martí) để đón máy bay đi Caracas, chặng dừng đầu tiên trên đường đi Colombia. Tuy nhiên, chưa lên máy bay, Fidel đã bị cảnh sát chặn lại vì cho rằng ông đang cố vi phạm “quyền tự do có điều kiện” bốn tuần trước. Fidel lập tức nói với viên sĩ quan là ông đang thực hiện nghĩa vụ “hữu nghị” giữa sinh viên các nước Mỹ La tinh và công kích nhà cầm quyền đã ra kế hoạch ám sát ông ở Havana. Viên sĩ quan sau đó đành để cho Fidel đi. Tuy vậy, Fidel đã nói với các nhà báo rằng họ đã cố tình cản trở các hoạt động của sinh viên. Hôm sau, Fidel sang Venezuela và lại thu hút những đám đông mới.
Chuyến đi nước ngoài đầu tiên của Fidel mang sắc thái của một cuộc phiêu lưu. Ở Caracas, Fidel và Rafael đã gặp gỡ giới sinh viên để đề nghị họ cử đại diện tới hội nghị Bogotá. Sau đó, hai người đến thăm các chủ bút báo nhà nước, rồi gọi điện hỏi thăm Rómulo Gallégos, vị tổng thống mới của Venezuela, cũng là nhà thơ và tiểu thuyết gia nổi tiếng. Chế độ độc tài ở nước này đã bị cuộc cách mạng do giới trí thức trẻ và sĩ quan phe trung tả lật đổ. Từ đây, họ đến Panama giữa lúc có cuộc biểu tình chống Mỹ đã kiểm soát Khu Kênh Đào. Fidel cũng ghé thăm một sinh viên Panama bị thương do bạo loạn và sinh viên ở Panama cũng đồng ý gửi đại diện đến Bogotá.
Dù ở xa, Fidel vẫn dõi theo tình hình chính trị ở Cuba. Cuộc bầu cử tổng thống sẽ diễn ra vào ngày 1 tháng 6, trong đó Fidel là thành viên đảng Ortodoxo ủng hộ Thượng Nghị Sĩ Eddy Chibás.
Fidel cùng Rafael đến Bogotá ngày 31 tháng 3. Họ lưu lại một khách sạn nhỏ ba tầng Claridge dưới phố. Hôm sau, Ovares cùng Alfredo bay từ Havana qua và ở tại một nhà trọ rẻ tiền hơn tại San José, gần Cladridge. Ngày 1 tháng 4, những sinh viên Cuba đã họp với các đại diện sinh viên Colombia, Mexico, Venezuela và Guatamala ở trường để bàn việc chuẩn bị hội nghị. Ovares được cử làm chủ tịch vì ông là chủ tịch FEU ở Cuba, nước chủ nhà của hội nghị Bogotá. Fidel làm phái viên tới gặp Jorge Eliécer Gaitán, nhà lãnh đạo nổi tiếng của đảng Tự Do Colombia, để mời ông dự hội nghị sinh viên.
Họ đồng lòng sẽ lên án hội nghị các bộ trưởng ngoại giao châu Mỹ ở Bogotá vào ngày 3 tháng 4. Sinh viên lúc này bắt đầu quấy nhiễu các bộ trưởng ngoại giao và chẳng mấy chốc, Fidel đã bị cảnh sát Colombia bắt. Tối hôm đó, ông đã cùng một người bạn Cuba và một sinh viên Colombia rải truyền đơn chống đế quốc ở nhà hát Bogotá, giữa lúc có buổi liên hoan ca nhạc cho quan khách. Họ bị bắt ở khách sạn, đưa tới văn phòng tối tăm trong tòa nhà bẩn thỉu và bị thám tử thẩm tra. Fidel lúc này đã tìm cách nói khéo cho họ thoát khỏi tình thế đó. Ông giải thích với thanh tra các sáng kiến và lý tưởng của hội nghị chống đế quốc. Nhờ tài thuyết phục của Fidel nên chỉ vài giờ sau, họ được thả về. Thoát khỏi tình huống ngặt nghèo, bằng lời lẽ khôn ngoan là một nghệ thuật mà Fidel đã thành thạo từ nhỏ.
Ngày 7 tháng 4, Fidel cùng Rafael tới thăm Jorge Gaitán. Hai người được các sinh viên thuộc đảng Tự Do Colombia đưa tới văn phòng làm việc của ông. Vào thời điểm đó, Colombia đã trải qua hai năm nội chiến giữa các đảng Tự Do và Bảo Thủ truyền thống. Hàng ngàn người đã bỏ mạng ở các làng mạc, thị thành. Năm 1948, tổng thống Colombia Mariano Ospina Peréz là người của đảng Bảo Thủ. Đất nước đang trên bờ vực xung đột và tàn sát lẫn nhau giữa các phe phái chính trị.
Vài ngày trước khi có hội nghị bộ trưởng ngoại giao ở thủ đô dễ kích động của Colombia, Gaitán đã dẫn dắt 100.000 người trong Cuộc Tuần Hành Lặng Lẽ phản đối cảnh sát tàn bạo và diễn thuyết Vì Hòa Bình. Lúc gặp nhau, Gaitán cho Fidel và Rafael nội dung bài diễn văn, vừa giải thích cuộc khủng hoảng chính trị Colombia cho họ nghe. Ông đồng ý kết thúc hội nghị sinh viên bằng cuộc mít tinh và sẽ nói chuyện với các đại diện.
Hôm sau, Fidel đi đến tòa án Bogotá để quan sát Gaitán làm luật sư, bảo vệ một trung úy cảnh sát bị buộc tội giết một nhà chính trị bảo thủ. Đây là vụ án nóng bỏng ở Colombia và diễn biến được truyền qua đài phát thanh. Ông thấy Gaitán thật xuất sắc trong phòng xử án. Sau này, Fidel kể lại: “Gaitán là diễn giả xuất chúng. Lời lẽ của ông ấy thật chính xác và hùng hồn. Ông chứng tỏ mình là một trong những nhân vật chống chính phủ bảo thủ tiến bộ nhất nước.” Gaitán mời Fidel tới gặp lại ông vào thứ sáu, ngày 9 tháng 4. Với Fidel đã trưởng thành về chính trị thì việc gặp Gaitán rất quan trọng. Một lần nữa, sự việc lại có lợi cho Fidel.
Thời gian này, Fidel còn có một cuộc gặp gỡ kỳ lạ khác ở Bogotá. Alfredo nhớ tại cuộc họp với sinh viên ở Trường Đại Học Quốc Gia, Alfredo và Fidel được giới thiệu với một thanh niên tên Camilo Torres. Lúc đó, Torres không có ý nghĩa gì đối với người Cuba. Tuy nhiên, đây chính là nhà cách mạng Colombia đầu tiên trở thành linh mục Thiên Chúa Giáo La Mã và sau đó là chỉ huy quân du kích nổi tiếng đã nhiều năm chiến đấu chống lại quân đội ở Andes. Cha Torres bị giết vào thập niên 1960. Sau này, ông được phong thánh của các sĩ tử và anh hùng cách mạng Mỹ La tinh.
Fidel có hẹn với Gaitán lúc hai giờ trưa ngày 9 tháng 4. Ông ăn trưa ở khách sạn, sau đó ra đường đi bộ tới văn phòng Gaitán. Bỗng nhiên, ông thấy dân chúng hốt hoảng chạy túa đi từ mọi hướng, gương mặt đầy vẻ hoảng loạn. Họ la lớn: “Chúng giết Gaitán rồi! Chúng đã giết Gaitán!” Người người đều hết sức căm phẫn, xúc động thông báo cho nhau nghe chuyện vừa xảy ra.
Gaitán vừa bị bắn chết trên lề đường trước cửa tòa nhà nơi ông làm việc. Dù kẻ ám sát ông tên Juan Roa đã lập tức bị đám đông xử ngay, Bogotá và Colombia vẫn bùng nổ như núi lửa cách mạng. Sự hiện diện của hội nghị các bộ trưởng ngoại giao châu Mỹ lúc này khiến người ta thêm nghi ngờ vụ ám sát được sắp đặt để kích thích cách mạng và giáng một đòn mạnh vào Tổ Chức Các Quốc Gia Châu Mỹ. Fidel đã chứng kiến và tham gia vào trận hỗn chiến trên đường phố Bogotá nên biết đó chỉ là cuộc bùng nổ ngẫu nhiên.
Đây thật sự là thử thách đầu tiên, tác động mạnh đến suy nghĩ và kế hoạch tương lai của nhà cách mạng Fidel. Cho tới lúc này, đối với ông, đó chính là sự kiện quan trọng nhất, một kinh nghiệm lớn và cơ hội quan sát, học hỏi cuộc cách mạng lan rộng. Hình ảnh một người đàn ông trong công viên đang điên cuồng dùng tay không, cố đập nát chiếc máy đánh chữ khi hay tin Gaitán chết đã đọng lại trong tâm trí Fidel.
Ông quyết định đi tới Tòa Nhà Quốc Hội, nơi đang tổ chức hội nghị bộ trưởng. Càng lúc ông càng thấy nhiều người đang đập vỡ cửa sổ và mọi thứ. Sau này, Fidel kể lại: “Lúc đó, tôi bắt đầu lo vì tôi biết cách mạng là thế nào và điều gì không nên xảy ra. Tôi thấy cuộc biểu tình hỗn loạn. Thật không biết các lãnh đạo đảng Tự Do lúc đó đang làm gì mà lại để như vậy.”
Fidel thấy tòa nhà quốc hội bị đám đông giận dữ ập vào. Người cầm dùi cui, kẻ mang vũ khí và đồ đạc văn phòng bị mang qua cửa sổ ra quảng trường. Ông đi cùng Rafael đến nhà trọ gặp Ovares và Guevara. Từ đây, một đám đông lớn đang đổ xuống các đại lộ chính về hướng đồn cảnh sát. Chính giây phút đó, Fidel trong trang phục quần tây, áo sơ mi với cà vạt và áo khoác da đã quyết định tham gia cuộc cách mạng Colombia.
Fidel kể: “Tôi gia nhập hàng trên của đám đông. Thấy cuộc cách mạng bùng nổ nên tôi quyết định tham gia. Tôi biết dân chúng bị đàn áp, người ta nổi dậy là đúng và cái chết của Gaitán quả là một tội ác lớn.” Ở đồn, cảnh sát chĩa súng vào đám đông nhưng không bắn, mà nhiều người trong số họ còn gia nhập đám đông nổi loạn. Sau khi vào đồn cảnh sát, vũ khí duy nhất Fidel tìm được là cây súng hơi cay ngắn, vậy là ông vớ theo cùng với hai ba chục băng đạn hơi cay. “Tôi không có súng nhưng ít nhất có cái gì đó bắn được, một cây súng ngắn nòng lớn. Tôi mặc đồ không hợp với chiến tranh, nhưng sau đó đã tìm thấy một chiếc nón không có lưỡi trai và đội vào. Tôi leo vào tầng hai, vào phòng các sĩ quan. Ở đó tôi kiếm quần áo, tìm thêm vũ khí và mang thêm đôi giày binh. Bỗng một sĩ quan chạy vào và tôi không thể quên được trong cơn hỗn loạn, ông ta kêu lên, ‘Ồ, đừng lấy giày của tôi chớ, đừng có lấy giày của tôi…’ ”
Ngoài sân, Fidel gặp phải một sĩ quan đang cố tổ chức đội cảnh sát, ông bèn đổi cây súng hơi cay lấy súng trường và đạn của anh ta. Đoạn, ông thay nón bằng mũ bê rê, rồi mặc áo khoác cảnh sát vào. Bấy giờ, đám đông vũ trang, trong đó có cả lính lẫn cảnh sát, đổ về như thác lũ, với Fidel đi đầu. Nhiều xe hơi chở sinh viên chạy qua và có tin một nhóm sinh viên đã chiếm được một đài phát thanh trong thành phố. Một đài phát thanh khác cũng đang bị tấn công. Fidel dẫn một nhóm tới giúp những sinh viên đang bị bao vây, song sự hỗn loạn, hỏa lực và bạo động tràn ngập tới nỗi ông không sao làm gì được. Có cả những người đã uống nhiều rượu đến cầm theo vài chai rượu rum nữa.
Không rõ lúc đó quân đội có gia nhập cuộc nổi dậy không, song bỗng ông gặp phải một đoàn quân trước Bộ Chiến Tranh. Fidel kể: “Tôi cũng bị cơn sốt cách mạng chế ngự và cố thu hút đám đông lớn nhất cho phong trào cách mạng. Tôi nhảy lên băng ghế, hô hào lính gia nhập cách mạng. Mọi người lắng nghe, không ai làm gì hết và tôi cứ cầm súng mà hô hào.”
Từ Bộ Chiến Tranh, Fidel và nhiều đồng đội đi trở lại đài phát thanh (khi ấy, cái bóp, gồm toàn bộ tiền bạc của Fidel, đã bị mất cắp). Bỗng họ bị hỏa lực dồn dập bắn tới nên cố nấp sau mấy băng ghế. Không tới được đài phát thanh hay Trường Đại Học Quốc Gia, Fidel tìm cách cùng các sinh viên chiếm lấy đồn cảnh sát gần đó. “Tôi thấy chỉ mình tôi có súng nên phải là người chiếm đồn cảnh sát. Như vậy thật tự sát, nhưng cũng may là đồn đã được chiếm trước đó và họ thân thiện đón chúng tôi.” Sau đó, Fidel và vài sinh viên tìm đường đến đồn cảnh sát khác bấy giờ đã ở trong tay cách mạng. Song ông không còn xu nào để uống cà phê.
Đó là đồn của Đơn Vị Thứ Năm với chừng bốn trăm cảnh sát và công dân vũ trang. Tuy nhiên, việc tổ chức phòng thủ ở đồn thật lộn xộn và ông được phân nhiệm vụ trên tầng hai. Fidel rất lo khi thấy dân chúng vẫn còn cướp đồ trên đường phố Bogotá. Người ta đông như kiến, vác lên lưng nào là tủ lạnh, nào là đàn dương cầm. Họ mang đi tất cả những gì có thể. Toàn cảnh nói lên thực tế thiếu chuẩn bị chính trị, thiếu tổ chức, văn hóa và dân chúng đã quá nghèo khổ.
Thấy lực lượng nổi dậy vẫn ở lì trong đồn cảnh sát, Fidel bảo với đơn vị trưởng và các sĩ quan nên đi đánh, nếu ở trong đồn mãi sẽ bị thua. Ông kể cho họ nghe kinh nghiệm quân sự ở Cuba để thúc giục các cảnh sát trưởng đưa lực lượng xuống phố, tấn công vào các cơ sở của chính phủ. Họ nghe Fidel nói, song đã không có ai hành động.
Fidel nảy ra vài ý tưởng quân sự đã học về các tình huống cách mạng, trong đó có các phong trào Cách Mạng Pháp và kinh nghiệm ở Cuba. Ông thấy đợi cho quân chính phủ tới đánh rồi mới chống trả thì thật là điên rồ. Khi nhìn thấy cảnh sát phe nổi dậy đánh đập cảnh sát theo phe chính phủ mà họ bắt được, ông lại cảm thấy không chịu nổi.
Bất chợt, Fidel nghĩ không biết mình đang làm gì trong cái “bẫy chuột” này, ngớ ngẩn đợi địch tấn công thay vì đi tấn công địch. Ông tự hỏi mình có nên ở lại đồn không, song quyết định ở lại vì nghĩ: “Dân ở đây cũng như dân Cuba - họ cũng là những người bị đàn áp, bóc lột. Thủ lĩnh của họ bị ám sát nên họ nổi dậy là đúng. Bởi vậy, nếu có chết thì mình cũng phải ở lại.”
Cuối cùng, Fidel thuyết phục cảnh sát trưởng phân cho tám người tuần tra ngọn đồi phía sau lưng đồn, sợ quân đội sẽ tấn công từ đó. Sáng chủ nhật, 11 tháng 4, có tin chính phủ và phe đối lập Tự Do đã đi tới thỏa thuận. Trong vòng vài giờ, hiệp ước đã thảo xong và chính phủ yêu cầu những người nổi dậy hạ vũ khí. Fidel nhận ra thoả thuận hòa bình là lừa dối dân chúng, vì sau khi người nổi dậy từ bỏ vũ khí, quân chính phủ đã đi lùng sục những nhà cách mạng ở khắp thành phố.
Fidel trở ra đường thì thấy Ovares và Guevara ở nhà trọ không tham gia nổi dậy. Anh gặp ông chủ nhà là người của phe Bảo Thủ. Ông này kể toàn những điều khủng khiếp về Gaitán và phe Tự Do. Fidel không cầm lòng được nên phản bác ông ta và bênh vực cho phe Tự Do. Khi ấy chỉ còn nửa tiếng nữa là tới giờ giới nghiêm vào 6 giờ tối, ông chủ nhà đã đuổi hết những người Cuba ra khỏi đường. Họ đành phải đi tìm một khách sạn ở dưới phố.
Ở đây, họ tình cờ gặp một nhà ngoại giao Argentina quen và nhờ ông ta đưa giúp tới tòa đại sứ Cuba (xe ngoại giao được miễn lệnh giới nghiêm). Những sinh viên Cuba được đón tiếp tử tế vì người ở đây đã nghe nói về họ. Đến ngày 13 tháng 4, họ được đưa về Havana bằng máy bay chở bò của Cuba.
Không có bài học nào là thừa cho Fidel. Kinh nghiệm ở Bogotá đã khiến Fidel cố gắng giáo dục chính trị, lương tâm cho dân Cuba để đảm bảo cách mạng thắng lợi, tránh tình trạng hỗn loạn, cướp bóc và mất trật tự như đã diễn ra ở Colombia.
Tuy nhiên, vụ bạo động ở Bogotá đã hủy hoại việc tổ chức hội nghị sinh viên và cả người Cuba lẫn người Argentina đều không khôi phục lại kế hoạch đó nữa.
Trang nhất các báo ở Havana đều đưa tin Fidel Castro và các đồng sự Cuba vừa trở về từ Bogotá. Dù những bài tường thuật có ý kiến trái ngược nhau về các hoạt động của Fidel ở Colombia và buộc tội ông nằm trong âm mưu Cộng Sản, hình ảnh Fidel vẫn được nâng lên đáng kể. Ở tuổi hai mươi mốt, trong mắt đa số dân Cuba, ông đã là một nhân vật chính trị quốc gia và quốc tế. Một lần nữa trong cuộc đời, ông lại gặp may khi tình cờ tham gia vào cuộc nội chiến ở Colombia.
Trở lại Cuba, Fidel lập tức lao mình vào chiến dịch bầu cử tổng thống lúc này đang ở giai đoạn kết. Dù hướng theo chủ nghĩa Marx, ông vẫn ủng hộ mạnh mẽ ứng cử viên Thượng Nghị Sĩ Chibás, bởi ông thấy đảng Ortodoxo là giải pháp tốt nhất cho cuộc khủng hoảng Cuba. Ông vẫn chưa muốn dứt khỏi nền chính trị truyền thống.
Tháng năm, Fidel bỏ ra nhiều tuần đi vận động với Chibás, chủ yếu ở tỉnh Oriente quê anh. Báo chí trong nước tường thuật Fidel có mặt cùng với các thị trưởng và nghị sĩ Ortodoxo. Tuy vận động cho Chibás, song Fidel vẫn cẩn thận giữ tiếng của mình và thường thẳng thắn nói về các vấn đề xã hội. Thêm một kinh nghiệm chính trị lớn nữa cho chàng trai trẻ Fidel.
Ngày 31 tháng 5, có cuộc tranh tài quyết định giữa chủ nghĩa lý tưởng Chibás và quyền lợi của các ứng cử viên trong chính phủ Grau trước kỳ bầu cử. Có thể Chibás là lương tâm của giới trẻ Cuba, song ngày 1 tháng 6, ông đã bị thua phiếu Carlos Prío Socarrás, bộ trưởng lao động. Về nhì là Ricardo Nunez Pertuondo của đảng Tự Do, một người bảo thủ. Chibás chỉ đứng trên ứng cử viên Cộng Sản Juan Marinello.
Sau thất bại này, Fidel quay sang những mối quan tâm chính trị lâu dài hơn, trong đó có nhóm ARO cấp tiến của ông trong đảng Ortodoxo. Tuy nhiên, chuyện bất ngờ thường xảy ra trong cuộc đời Fidel và chưa đầy một tuần sau, ông lại bị lôi kéo vào một vụ rắc rối mới.
Ngày 6 tháng 6, bỗng nhiên một hạ sĩ cảnh sát tên Oscar Fernández Caral bị bắn trước cửa nhà Fidel. Trước khi chết, anh ta nhận Fidel là kẻ ám sát mình. Ngoài ra, còn có thêm một nhân chứng vô danh. Fidel đã đọc báo thấy những lời cáo buộc như vậy. Lần này, ông biết các băng đảng đại học và bạn bè chúng trong giới cảnh sát đang tìm cách diệt ông. Trước sự phản đối dữ dội của Fidel, kẻ làm nhân chứng giả đã rút lại lời buộc tội và thú nhận với các phóng viên rằng anh ta đã được cảnh sát cho tiền để khai tên Fidel. Tuy nhiên, sang đầu tháng bảy, đối thủ vẫn cố khơi lại vụ này. Trước tòa, Fidel tố cáo các băng đảng và nói ông không muốn bị rơi vào âm mưu của chúng, trong khi ông hoàn toàn vô can. Fidel bảo thẩm phán rằng nếu ông bị bắt thì một số cảnh sát sẽ tận dụng dịp này để hạ sát ông. Chuyện này sau đó cũng qua đi.
Đầu tháng chín, Fidel về Birán nghỉ ít ngày để thăm cha mẹ rồi quay lại Havana học tiếp. Fidel đang chuẩn bị nghiên cứu thêm về chủ nghĩa Marx và chủ nghĩa xã hội. Tuy nhiên, ngày 8 tháng 9, chính phủ Grau cho phép xe buýt Havana tăng giá cước. Ngay hôm sau, các lãnh đạo Cộng Sản và sinh viên là những người đầu tiên xuống đường biểu tình và diễn thuyết.
Trưa ngày 9 tháng 9, FEU và giới sinh viên vào cuộc. Họ giữ tám xe buýt, trang trí lên đó cờ Cuba và lái tới khuôn viên trường. Fidel dĩ nhiên cũng tham gia cuộc đối đầu. Sáng hôm sau, xe buýt ở khuôn viên đại học biến mất và vụ này bất chợt kết thúc. Cước phí xe buýt trở lại như trước.
Tổng thống Prío nhậm chức ngày 10 tháng 10 năm 1948, mở đầu một giai đoạn còn thối nát hơn cả thời Grau nắm quyền. Tuy vậy, Fidel cũng lờ chuyện này đi được một thời gian. Hai hôm sau, ngày 12 tháng 10, Fidel kết hôn với Mirta Díaz-Balart, cô sinh viên khoa triết xinh xắn với mái tóc đen, vốn là em gái của bạn học Rafael, mà ông đã quen nhiều năm trước.
Gia đình Díaz-Balart cũng ở Oriente và hôn lễ đã diễn ra tại nhà cô dâu ở Banes, không xa Birán. Gia đình Díaz-Balart giàu có với nhiều quan hệ chính trị lớn ở Santiago và Havana. Trừ Rafael, gia đình cô dâu không mấy hứng thú với chuyện Mirta kết hôn với anh chàng Fidel hai mươi hai tuổi. Họ không tán đồng quan điểm chính trị của Fidel và nhất là nguồn gốc gia đình ông.
Ít ai kể về cuộc hôn nhân mà năm năm sau đã tan vỡ vì chính trị. Nhiều người nói Mirta yêu Fidel tha thiết. Theo lời bạn bè thì bà là người phụ nữ duy nhất Fidel quan tâm, bởi ông chỉ dành thời gian cho học hành và chính trị. Tuy vậy, không rõ tại sao họ lại kết hôn lúc hãy còn quá trẻ, nhất là khi Fidel đang học trường luật và thời gian đã dành hết cho chính trị và những giấc mơ cách mạng. Có sự trùng hợp ngẫu nhiên giữa cuộc đời Fidel Castro và José Martí. Cả hai đều kết hôn rất sớm; Martí không bao giờ có thời gian cho vợ và gia đình. Fidel cũng không có thời gian cho gia đình, dù ông dành rất nhiều tình thương cho con trai.
Fidel và Mirta đi Mỹ hưởng tuần trăng mật. Họ ở lại đây vài tuần và có một thời gian lưu lại New York. Dịp này, Fidel cũng đã mua nhiều sách của Marx và Engels.
Thời trai trẻ của Fidel -
Chương 12
Fidel Castro bấy giờ đã dành trọn tâm huyết cho sự nghiệp chính trị và nghề nghiệp. Ông nhận thấy không nên lao vào hoạt động quá nhiều hướng mà phải tập trung vào công tác đảng và học luật. Tuy vậy, ông vẫn bận tâm về tư tưởng.
Lúc này, Fidel đã có cuộc sống gia đình. Nhà của hai vợ chồng là một căn phòng trong khách sạn nhỏ, rẻ tiền ở số 1218 phố San Lázaro, cách trường đại học một khu nhà. Ở đây tiện cho Fidel hơn. Mirta vẫn theo học ở khoa triết và gặp gỡ gia đình, bè bạn song ít khi có Fidel đi cùng. Khi nào không học hay làm chính trị trong trường là ông tới trụ sở đảng Ortodoxo để gặp các nhà chính trị đối lập ở số 109 Paseo de Prado, đại lộ dễ thương nối Phố Malecón với Tòa Nhà Quốc Hội. Fidel luôn vun đắp quan hệ với các nhân vật trong đảng Ortodoxo để mở rộng cử tri vì ông đang định chạy đua vào Quốc Hội. Thời gian còn lại trong ngày, ông họp hành, thỉnh thoảng tham gia vào các cuộc nổi loạn chọn lọc và đọc rất nhiều sách.
Fidel và Mirta sống ở khách sạn được một năm vì không đủ tiền để thuê một ngôi nhà hay căn hộ riêng. Mỗi tháng, cha của Fidel ở Birán gửi tám mươi peso trợ cấp, vừa đủ trả tiền phòng, ăn uống và các khoản chi tiêu khác. Ông không đi làm nên không có thêm khoản tiền nào khác. Gia đình Mirta khá giàu, song Fidel kiêu hãnh không muốn nhờ vào gia đình vợ và Mirta cũng chiều theo ý chồng. Bà đã quen sống tiện nghi, giờ lại bất kể phải ở trong phòng trọ với Fidel - tình yêu đã bù đắp cho sự thiếu thốn và vắng mặt của ông. Thời gian sắp tới, Mirta còn phải chịu nhiều hy sinh hơn nữa.
Năm thứ tư ở trường luật, Fidel đạt điểm cao môn luật lao động và vừa đủ điểm đậu môn tài sản và bất động sản – ông chỉ học giỏi những môn mà mình thích.
Ở Havana, bạo động chính trị vẫn diễn ra và thường có mặt Fidel Castro. Hãng xe buýt Havana lại đòi tăng cước và ngày 20 tháng giêng, chính phủ Prío đã chấp thuận. Trong cuộc họp ở trường đại học FEU, có nhiều ý kiến trái ngược nhau về chuyện có nên cho sinh viên đấu tranh chống lại việc xe buýt tăng cước. Ban đấu tranh của FEU thì thuận còn phía lãnh đạo lại chống, sợ cảnh sát xâm nhập khuôn viên đại học. Phe ủng hộ đấu tranh, do Fidel dẫn đầu, đòi phải tiến lên vì uy tín FEU. Ngày 24 tháng giêng, hàng ngàn sinh viên tụ tập ở trường, chuẩn bị tuần hành xuống phố. Tuy nhiên, xe tuần tra của cảnh sát đã bao vây trường và cảnh sát bắn vào sinh viên. Fidel dẫn đầu đám đông sinh viên, đáp trả lại cảnh sát bằng đá và cà chua. Ủy ban sinh viên in năm mươi ngàn truyền đơn (theo ý Fidel) kêu gọi dân Havana tẩy chay xe buýt.
Tháng 3 năm 1949, có một chuyện xảy ra ở Havana khiến dân Cuba không bao giờ quên và càng cay đắng với Mỹ. Cảm giác chống Mỹ từ đó lại càng tăng.
Một buổi tối ngày 11 tháng 3, đám hải quân Mỹ say rượu đã xúc phạm tượng José Martí ở Công Viên Trung Tâm Havana. Ít nhất một tên đã tiểu tiện dưới chân tượng và tên khác ngồi lên đầu tượng. Martí rất được tôn kính ở Cuba nên dân chúng giận dữ đổ dồn về phía công viên, trong khi bọn thủy thủ được cảnh sát bảo vệ kịp thời và đưa về đồn. Sau đó, Tùy Viên Hải Quân Mỹ và Ban Tuần Tra Bờ Biển đã kịp đến đồn để đưa bọn thủy thủ về tàu. Nhà cầm quyền Cuba đã không có động tĩnh gì.
Vụ này lan truyền khắp Havana và sinh viên do Fidel Castro dẫn đầu đã phản ứng ngay. Fidel cùng một số sinh viên tự nhận là lính gác danh dự, canh gác tượng Martí suốt đêm như cử chỉ yêu nước đồng thời lập kế hoạch biểu tình chống Mỹ ngày hôm sau. Ngày 12 tháng 3, sinh viên, do Fidel và bạn bè chỉ huy, phản đối trước tòa đại sứ Mỹ.
Đại sứ Mỹ ở Havana, ông Robert Butler, hiểu rõ tính nghiêm trọng của sự việc, nên vội đứng ra nói chuyện với sinh viên và thay mặt Hải Quân Mỹ xin lỗi nhân dân Cuba. Vừa khi đó, cảnh sát chống bạo động do cảnh sát trưởng mới, Thiếu tá José Caramés, cầm đầu đến nơi và tấn công sinh viên tàn bạo. Fidel cũng bị đánh đập. Caramés muốn chứng tỏ với Mỹ rằng nhà cầm quyền Cuba bảo vệ tốt tòa đại sứ Mỹ, song chính ông Butler lại bị bất ngờ vì cách dùng vũ lực như vậy của cảnh sát Cuba.
Thời gian này, Fidel đang vận động tranh cử vào quốc hội. Ông diễn thuyết về công lý xã hội và tính chân thật trong chính trị trên đài phát thanh COCO vài lần mỗi tháng. Fidel cũng ở bên cạnh Eddy Chibás, người dù bị thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống vẫn rất được nhân dân yêu mến và định chạy đua lại vào năm 1952. Tháng năm, Chibás ra bản tường trình về việc Batista làm giàu trong thời gian ông ta làm tổng thống, khiến cả nước rất quan tâm. Fidel biết Thượng Nghị Sĩ là nhà chính trị xuất chúng và chiến dịch “Tính Chân Thật” của ông ngày càng tác động tới chính quyền thối nát của Tổng Thống Prío. Người ta tin chắc cuối cùng, Chibás sẽ thắng cử và Fidel thường quan sát ông để học hỏi các kỹ thuật cho sau này.
Mặt khác, ông hăng hái tham gia Ủy Ban Đại Học Đấu Tranh Chống Phân Biệt Chủng Tộc. Ở một nước vốn phân biệt chủng tộc như Cuba, ít ai ủng hộ việc bình đẳng sắc tộc. Fidel luôn chống lại nạn phân biệt chủng tộc. Ông thấy phong trào cách mạng của mình không thể nào phát triển mà không có dân Cuba da màu ủng hộ. Thực tế đã chứng tỏ ông đúng. Tuy nhiên, dù cố gắng, Fidel cũng phải đợi đến một phần tư thế kỷ sau cách mạng mới xóa được bản năng phân biệt trong lòng người Cuba da trắng. Là xã hội đa chủng tộc, Cuba giống Brazil nhất trong khu vực Mỹ La tinh. Tuy vậy, dù cả hai nước đều có luật chống phân biệt chủng tộc nghiêm khắc, nhìn chung người da trắng vẫn có cảm giác mình cao cấp hơn. Điều này biểu hiện ở những nhận xét thông thường, lời nói đùa và loáng thoáng trong thái độ xã hội ở đảo quốc.
Ngày 1 tháng 9 năm 1949, Fidel Castro đã được làm cha khi bé Fidel Castro Díaz-Balart, tức Fidelito chào đời. Thời gian này, cha mẹ cậu bé vẫn còn ở trong khách sạn. Phải nhiều tháng sau, gia đình Fidel mới chuyển được đến căn hộ nhỏ khiêm tốn trên phố Thứ Ba ở quận khá giả Vedado, cách Malecón và biển một tòa nhà. Bên kia đường là đồn cảnh sát. Nhà mới của Fidel không được tiện nghi cho lắm vì ông vẫn phải dựa vào trợ cấp của cha mình. Sau giờ học, Fidel quá bận việc chính trị không thể đi làm và Mirta đã phải chắt chiu từng đồng peso trong chi tiêu. Mọi đồ đạc đơn giản trong nhà đều phải mua trả góp.
Thời gian này, Fidel đã thuyết phục cha mẹ cho em trai Raúl được đi Havana. Raúl học ở trường Belén kém tới nỗi Don Ángel bắt anh về nhà làm việc với anh cả Ramón ở nông trang. Fidel thấy Raúl rất thông minh (nỗi khổ của Raúl là anh ghét kỷ luật và việc cầu nguyện liên tục ở Belén) nên cần phải cho Raúl một cơ hội khác. Cuối năm 1949, Raúl trở lại Havana, hy vọng năm sau vào đại học. Đây là bước đi quan trọng cho tương lai cuộc cách mạng Fidel.
Càng ngày, chế độ Prío càng thối nát và các băng đảng trong nước càng hoạt động mạnh; bạo lực gia tăng trong và ngoài trường đại học. Fidel cũng bị đe dọa nhiều lần. Cuối cùng vào tháng chín, Eddy Chibás lên đài phát thanh, buộc tội đảng Auténtico thối nát đã khiến các băng đảng chính trị bắn nhau ngoài phố Havana.
Tới nước này, Prío bèn giải quyết vấn đề bạo lực bằng “hiệp ước băng đảng,” tức mua hết các băng đảng. Prío muốn thương lượng trả tiền cho các phe chính để họ giảm bớt bạo lực. Ngoài ra, sẽ không có băng đảng nào bị buộc tội hay bị bắt nữa.
Động thái này không khác nào chuyển nhà nước Cuba vào tay các băng đảng. Lúc bấy giờ, được các đảng chính trị đối lập chính ủng hộ, sinh viên đã phát động kế hoạch công khai tố cáo hiệp ước mật của Prío. Trong khi đó, Ban Thanh Niên đảng Ortodoxo và nhánh Thanh Niên Xã Hội của đảng Cộng Sản đồng tổ chức Ủy Ban 30 Tháng 9 mang tên Rafael Trejo, sinh viên đầu tiên bị chế độ độc tài Machado giết vào đúng ngày này năm 1930.
Fidel không được vào Ủy Ban vì ông từng có quan hệ với UIR. Các lãnh đạo của ủy ban sinh viên mới là Max Lesnick, Trưởng Ban Thanh Niên đảng Ortodoxo quốc gia và Alfredo Guevara, chủ tịch khoa triết và là đại diện sinh viên của Đảng Thanh Niên Xã Hội Cộng Sản. Fidel lập tức tìm cách nói chuyện với Lesnick để được mời vào Ủy Ban 30 Tháng 9.
Lesnick đồng ý và Fidel gặp anh này cùng Alfredo Guevara ở nhà Lesnick trên phố Morro. Ở đây, Max Lesnick và Alfredo nói theo quy định thành viên không được mang vũ khí khi đến trường đại học, phải tố cáo tên và kể rõ các vị trí chính thức của những người nằm trong “hiệp ước băng đảng.” Fidel đồng ý ký vào văn bản thỏa thuận và còn nhận cả trách nhiệm nguy hiểm là đứng ra tố cáo băng đảng nằm trong “hiệp ước Prío” trước FEU.
Cuối tháng mười một, giữa cuộc họp gồm mười ba chủ tịch các trường thành viên của Đại Học Havana và khoảng năm trăm sinh viên ở Phòng Tưởng Niệm Sĩ Tử, Fidel đã bước lên diễn đàn và tố cáo. Ông nêu tên các băng đảng, cảnh sát, lãnh đạo sinh viên hưởng lợi từ “hiệp ước băng đảng” bí mật của Prío. Với bạn bè quen biết trong giới chính trị, ông đã lấy được các thông tin này không mấy khó khăn. Tuy biết đang mạo hiểm mạng sống của chính mình, Fidel lại thấy rằng nhờ đó, ông sẽ được thanh minh mãi mãi trước mọi lời buộc tội ông theo băng đảng và vì vậy, tầm vóc chính trị của ông sẽ tăng. Một hành động dũng cảm có cân nhắc. Tác động bài nói của Fidel thật kinh khủng. Quả nhiên, Fidel vừa nói xong thì xe hơi chở quân vũ trang đã dàn quanh trường đại học.
Fidel và tướng panama Omar Torijios tại Santiago, Cuba ngày 12/01/1976
Theo lời Max Lesnick kể lại, vấn đề khó nhất lúc bấy giờ là đưa được Fidel ra khỏi đó an toàn. “Tôi có chiếc xe hơi đỏ mui trần nên nói sẽ tự mình lái xe đưa Fidel ra. Khi ấy đã bảy giờ tối. Tôi làm như vậy không phải vì can đảm, mà nghĩ rằng nếu họ thấy Fidel ngồi trong xe mui trần cạnh tôi thì các băng đảng sẽ không dám bắn, vì tấn công xe của lãnh đạo đảng Ortodoxo sẽ bị nhiều tai tiếng.”
Lesnick đưa Fidel đến căn hộ của mình ở phố Morro, để Fidel ở lại đó mười lăm ngày vì nếu Fidel mà ra đường lúc này là sẽ bị giết ngay. Các báo Havana có đăng rõ bài diễn văn của Fidel và ông trở thành tâm điểm của sự chú ý. Không rõ Mirta đang ở nhà có biết nơi chồng mình đang ẩn náu và các kế hoạch của ông không. Fidel vốn không bao giờ bàn chuyện hoạt động chính trị với vợ.
Fidel nghe theo lời khuyên của bạn bè rằng ông nên rời Cuba một thời gian, đợi đến khi tình hình dịu bớt hãy trở về. Ông quyết định sẽ đi New York vài tháng. Thời gian chuẩn bị cho chuyến đi, Fidel ở nhà Lesnick đọc sách, nghe đài và trò chuyện.
Giữa tháng chạp, Lesnick và một người bạn tên Alfredo Chino lái xe đưa Fidel tới nhà ga Havana. Ở đó, ông và Chino lên xe lửa đi thành phố Matanzas, đoạn chuyển qua xe lửa khác đi Oriente để về nhà anh ở Birán. Fidel xin cha được đủ tiền để đi Mỹ. Ông bay đi Miami, rồi New York và lưu lại đó hơn ba tháng tại ngôi nhà số 155 phố West Eighty-Second. Fidel lúc này có nhiều cơ hội đọc sách, suy nghĩ và viết lách. Ông còn cải thiện được vốn tiếng Anh nữa.
Vào tháng 9 năm 1949, tức ba tháng trước khi Fidel đi lánh nạn, phe Cộng Sản của Mao Trạch Đông đã thắng trong cuộc nội chiến dai dẳng với phe Dân Tộc do Mỹ hỗ trợ. Nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa được thành lập. Đó là một cột mốc trong lịch sử các cuộc cách mạng hiện đại, có tư tưởng và chiến tranh du kích mà Fidel quan tâm.
Fidel đã quyết định phải tốt nghiệp trường luật trong năm 1950. Bởi vậy, suốt mùa xuân đến mùa hè, ông đã ngày đêm sống với sách vở. Ông không đến lớp mà ở nhà chuẩn bị thi cử. Fidel đọc ngấu nghiến, ngốn tất cả kiến thức của hai năm chỉ trong vòng sáu tháng. Ý chí và trí nhớ siêu đẳng đã giúp ông rất nhiều. Bạn bè ngạc nhiên thấy Fidel đột nhiên tách hẳn mọi hoạt động chính trị và sợ ông bị lãng quên. Fidel biết sẽ không như vậy. Dù có ít thời gian cho gia đình, ông rất yêu thương Fidelito. Ngay khi từ New York trở về, ông đã chụp hình cậu bé để gửi về cho ông bà nội, ngoại ở Birán và Banes. Em trai Raúl đang ở Havana, sắp vào đại học và cô em út Emma trên đường đi học trường tư ở Thụy Sĩ có ghé qua thành phố thăm anh trai.
Cuối cùng vào tháng 9 năm 1950, Fidel Castro tốt nghiệp trường Đại học Havana với bằng Luật, Khoa Học Xã Hội và Luật Ngoại Giao - hệ thống giáo dục ở Cuba cho phép sinh viên được học để lấy một lúc nhiều bằng. Trong thời gian học vội theo thời khóa biểu riêng, Fidel đã hoàn tất bốn mươi tám trên năm mươi khóa học, một kỷ lục về thời gian chưa có ai vượt qua. Vì thiếu môn, Fidel không đủ điều kiện được học bổng đi học nước ngoài như ông hằng mong muốn. Tuy vậy, Fidel đã quá bận rộn với thực tế chính trị nên không theo đuổi chuyện này nữa. Ông quyết định giã từ trường lớp, để dành thời gian cho chính trị và nghề luật.
Tốt nghiệp xong, quan hệ giữa Fidel với đảng Ortodoxo vẫn còn chặt chẽ, tuy tư tưởng ông đã tiến bộ hơn. Fidel thấy đảng này biết xoáy vào những bất đồng và bức xúc của quần chúng Cuba về nạn thất nghiệp, đời sống, giáo dục và y tế. Là lãnh đạo thanh niên của đảng Ortodoxo, Fidel không vội bàn về chủ nghĩa xã hội mà vận động chống lại bất công, nghèo khổ, thất nghiệp, giá thuế cao, lương thấp, đất cày cho nông dân và chế độ chính trị mục ruỗng.
Tháng 6 năm 1950, trong khi học để hoàn tất chương trình đại học, ít lâu sau cuộc chiến tranh Triều Tiên, Fidel đã ký Bản Kêu Gọi Hòa Bình Stockholm. Ở Cuba, bản kêu gọi được Ủy Ban Thanh Niên Cuba Vì Hòa Bình tài trợ và văn bản với tất cả các chữ ký được in trong tạp chí Cộng Sản định kỳ Mella. Tháng mười một, Fidel xuất bản một bài viết trong tờ nhật báo Alerta kêu gọi độc lập cho Puerto Rico và hô hào sinh viên Cuba đoàn kết chống lại “thế lực bạo ngược” ở châu Mỹ.
Sau khi tốt nghiệp trường luật vào tháng 9 năm 1950, Fidel Castro quyết định hành nghề ngay, chủ yếu là những vụ kiện của người nghèo. Ông làm theo ý thức chính trị, gắn với lòng tin nghề nghiệp và hoài bão cách mạng của mình. Lẽ ra, nếu Fidel cộng tác với những hãng luật và giới luật sư có ảnh hưởng thì sẽ có nhiều lợi nhuận. Điều này không có gì khó vì ông là rể nhà Díaz-Balart. Tuy vậy, Fidel đã theo con đường khác.
Ông chọn cộng sự là hai bạn học: Jorge Aspiazo Nunez de Villavicencio, trước là tài xế xe buýt, hơn Fidel chín tuổi và Rafael Resende Viges cùng tuổi, con nhà nghèo.
Văn phòng của họ gồm phòng khách và phòng làm việc nhỏ trên tầng hai của một tòa nhà cũ kỹ ở số 57, đường Tejadillo, thuộc khu phố cổ Havana. Đây là khu ngân hàng và thương mại thủ đô nằm trên các con đường hẹp, cùng với một quảng trường nhỏ, ở gần cảng, theo lối kiến trúc thời thực dân. Nơi này đặt hầu hết các văn phòng luật. Tòa nhà Rosario mà Fidel và các cộng sự thuê hầu như đều thuộc sở hữu các hãng luật.
Giá thuê hàng tháng là 60 Mỹ kim. Ông chủ nhà José Alvárez yêu cầu họ trả trước một tháng cộng với một tháng tiền thế chân, tổng cộng là 120 Mỹ kim. Tuy nhiên, ba luật sư trẻ gom lại chỉ được 80 Mỹ kim và thuyết phục Alvárez đồng ý cho họ đóng ở mức đó. Họ còn mượn được một ít đồ đạc, trong đó có bàn làm việc, một chiếc ghế và mua thêm chiếc máy chữ trả góp.
Nhà độc tài Batista và tổng thống Mỹ Eisenhower tại hội nghị các nguyên thủ quốc gia ở panama
Vụ đầu tiên, họ làm cho chủ hãng bán sỉ gỗ tên Madereras Gancedo, một di dân Tây Ban Nha giàu có, chuyên bán hàng cho các xưởng mộc địa phương. Fidel thỏa thuận là hãng Gancedo sẽ cung cấp gỗ miễn phí cho các luật sư làm đồ đạc văn phòng, đổi lại họ sẽ thu nợ quá hạn của thợ mộc về cho ông ta.
Tuy nhiên, cách đòi nợ của Fidel rất đặc biệt. Ông mời những thợ mộc thiếu nợ Gancedo tới văn phòng và bảo họ cho ông danh sách những người nợ họ tiền công. Sau đó, các luật sư dành thời gian đi thu tiền giúp cho thợ mộc, khi thu được Fidel gọi cho khách hàng và nói đã có tiền cho họ. Có lần, một thợ mộc đang cần tiền, song đến hạn phải trả nợ, đã đưa cho Fidel hai mươi Mỹ kim nhờ ông trả giúp cho nhà buôn gỗ. Fidel đã lập tức đưa tiền lại cho anh ta và bảo: “Thôi, anh cứ giữ lấy, bây giờ anh đang cần tiền, còn khách hàng của chúng tôi thì chưa cần.”
Một lần khác, Fidel cùng Aspiazo tới nhà một trong những thợ mộc nghèo nhất ở quận Lawton để gom tiền, song anh này đi vắng. Vợ anh thợ mộc bấy giờ đang mang thai mời họ ngồi đợi, đoạn bước vào bếp pha cà phê để mời. Khi ấy, Fidel bảo cộng sự cho ông mượn năm peso, đoạn để tờ giấy bạc lên bàn dưới chiếc đĩa. Lúc chị vợ mời họ cà phê, Fidel bảo chị rằng họ đừng lo lắng về món nợ với Gancedo và bao giờ rảnh thì hãy ghé văn phòng của ông.
Fidel làm dịch vụ miễn phí cho hầu hết dân chúng quanh vùng. Khách hàng của ông là giới tiểu thương trong chợ, nông dân quanh Havana bị đuổi khỏi nông trại, giới sinh viên tham gia bạo động và mọi công nhân có vấn đề với luật pháp. Trong ba năm cộng tác với nhau (đến năm 1953, Fidel bận đi dẫn dắt cuộc tấn công trại lính Moncada), họ kiếm được 4.800 peso cho vỏn vẹn hai vụ, một vụ 3.000 peso và vụ thứ hai 1.800 peso. Họ còn kiện công ty điện thoại của Mỹ ở Cuba để đòi giảm giá cước đăng ký cho dân chúng. Tuy nhiên, đến lúc thắng kiện thì Fidel đang ở trong tù.
Dù cho nghề nghiệp hay bản thân, Fidel đều coi thường tiền bạc và thật ra, ông không bao giờ có nhiều tiền. Ông thường nuôi gia đình bằng tiền trợ cấp gửi từ Birán. Theo bạn bè kể lại thì hễ khi nào có tiền là Fidel lại giúp đỡ bạn bè hoặc người quen.
Ngày tốt nghiệp trường luật, Fidel nhận được quà của cha là một chiếc xe hơi Pontiac mui kín mới toanh. Ít lâu sau, có một người bạn mượn xe của ông để ra ngoại thành chơi. Cuối cùng, chiếc Pontiac gặp nạn và người bạn bị thương nặng. Khi hay tin tai nạn, Fidel chạy vội tới bệnh viện thì gặp cha của người bạn, một nhà chính trị bảo thủ giàu có và quyền lực. Ông này nói để ông hoàn tiền chiếc xe lại cho nhưng Fidel đáp, “Bác không nên như vậy. Con trai bác đang nguy kịch mà nghĩ tới chiếc xe làm gì? Bác khỏi phải trả gì hết mà hãy lo cho anh ấy.” Ba năm sau, nhà chính trị này đã can thiệp với bạn ông ta là Fulgencio Batista để Fidel được đối xử tử tế trong ngục. Hình như có lần ông còn cứu Fidel khỏi bị bọn canh ngục ám sát nữa.
Có lần, một người bạn cũ tên Baudilio Castellanos từ Oriente tới Havana chơi, Fidel mời bạn về nhà dùng bữa trưa. Lúc Castellanos mới tới, Fidel bảo bạn cùng ông ra chợ. Tới nơi, Fidel đi từ hàng này qua hàng khác chọn gạo, khoai và vài thứ khác mà không phải trả tiền. Castellanos thắc mắc thì Fidel nói: “Ồ, ở đây tôi không phải trả tiền bao giờ. Khách hàng của tôi đó, họ trả phí cho tôi bằng thức ăn.” Đoạn, họ lái xe về nhà và Fidel xuống bếp nấu ăn.
Mirta đôi khi đã rất khổ sở vì tính vô tư với tiền bạc của Fidel. Một ngày nọ, trong khi Fidel vắng mặt ở Havana, Jorge Aspiazo nhận được điện thoại của Mirta gọi anh này đến nhà ngay. Tới nơi, Aspiazo thấy nhà cửa trống hoác và không còn đồ đạc gì nữa, Mirta thì ngồi dưới đất ôm Fidelito mà khóc. Cô kể cho anh ta nghe là cửa hàng bán đồ trả góp đã lấy đồ lại hết, kể cả chiếc giường cũi của em bé vì Fidel chưa trả tiền góp. Aspiazo, sẵn có đủ tiền, đã mua lại đồ đạc khác cho họ. Hôm sau, Fidel về đến nhà nhìn quanh căn hộ và rất ngạc nhiên. Tuy vậy, cuối cùng, ông đành nhận sự giúp đỡ của Aspiazo.
Ít lâu sau, đã có dịp để Fidel tự làm luật sư biện hộ cho chính mình ở tòa án. Đó là một kinh nghiệm quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của ông. Khi ấy là ngày 12 tháng 11 năm 1950, ông bị bắt ở thành phố cảng phía nam Cienfuegos vì đã tham gia biểu tình chống chính phủ. Sau một năm vắng bóng, Fidel đã trở lại với công chúng.
Fidel vẫn giữ quan hệ với trường đại học, dù đã ra làm việc. Ông theo dõi những khóa học ưa thích và giữ liên lạc với FEU. Thật ra, lúc bắt Fidel, chính quyền Cienfuegos tưởng ông là chủ tịch khoa Khoa Học Xã Hội ở Đại học Havana. Fidel tham gia cuộc đối đầu với chính phủ Prío vì muốn xuất hiện lại trên trường chính trị. Lúc này, tên ông lại lên báo.
Fidel không hề bị quên lãng. Tiếng tăm “bảo vệ công chúng” của Fidel đã lan rộng và người ta vẫn hỏi thăm về ông. Tuy vậy, ông vẫn muốn tham gia các sự kiện lớn như vụ ở Cienfuegos. Học sinh trung học ở đó kêu gọi “đình công liên tục” để phản đối Bộ Trưởng Giáo Dục Aureliano Sánchez Arango và Bộ Trưởng Nội Vụ Lomberto Díaz đã cấm các tổ chức và hiệp hội hoạt động. Fidel thấy đây là việc đáng để đấu tranh.
Ông và một sinh viên luật Havana tên Enrique Benavides Santos bị lính bắt trước khi định diễn thuyết ở buổi mít tinh sinh viên. Hai người bị đưa vào tù và bị đánh bằng báng súng. Bốn giờ sau, sinh viên, quân đội và cảnh sát ẩu đả với nhau ngoài phố.
Từ Cienfuegos, đêm đó Fidel và Benavides bị đưa vào thị trấn Santa Clara và nhốt vào ngục. Tuy nhiên, Thượng Nghị Sĩ Chibás đã đến đài phát thanh quốc gia và lên án vụ bắt bớ. Sáng ra, cuộc biểu tình bùng nổ trước nhà tù. Hai người sau đó được thả “có điều kiện,” song trước khi về Havana, Fidel đã cho ra bài tố cáo “những đao phủ giết dân” trên các báo Cuba.
Giữa tháng mười hai, Fidel và Benavides quay về Santa Clara để hầu tòa vì bị buộc tội gây mất trật tự ở Cienfuegos. Tòa án rất ngạc nhiên khi Fidel nói mình là luật sư và muốn tự bào chữa. Cần phải có áo choàng đen luật sư với mũ đen và phi phải đóng năm peso phí mới được nói trước tòa. Cử tọa khi ấy đóng góp tiền và Fidel bước lên bục. Vì thấy tấn công là cách phòng thủ tốt nhất, Fidel đã tố cáo chính phủ “bóp nghẹt tự do” của Cuba, rằng chế độ và quân đội phải bị ra tòa, chứ không phải ông và Benavides. Sau khi nghe Fidel nói xong, thẩm phán tuyên bố họ trắng án. Thắng lợi này khiến Fidel nhớ mãi.
Fidel ngày càng được công chúng biết đến qua báo đài. Chủ bút tờ Alerta (cũng là cựu bộ trưởng nội các của Prío) Ramón Vasconcelos, bấy giờ là bạn Fidel, đã dành hẳn những trang báo cho các bài viết nảy lửa của Fidel. Tháng 6 năm 1951, Fidel viết một bài dài nói về quyền lợi công nhân, trong đó nhắc đến vụ chín trăm nhân công bị công ty đóng hộp sa thải sai luật và chuyện nông dân bị tước đất. Ông kết luận mục tiêu của quốc gia là phải “lo công lý cho tầng lớp công nông Cuba.” Fidel còn thường xuyên nói chuyện trên Đài Tiếng Nói Antilles, liên tục công kích chính phủ Prío mục ruỗng và bất công trong xã hội Cuba.
Năm 1951, Tổng thống Prío định nghe theo Mỹ gửi quân sang tham chiến ở Triều Tiên. Quân đội được huấn luyện ở trại Managua gần Havana để đưa đi. Fidel đã ký Hiệp Ước Hòa Bình Stockholm và Raúl công kích Mỹ về vụ này trên báo Cộng Sản Saeta. Fidel vẫn giữ thái độ cân bằng giữa đảng Ortodoxo ông cần và Cộng Sản mà ông bị hấp dẫn về tư tưởng. Fidel ký bài tuyên bố “Quyền Dân Chủ và Tự Do,” do ủy ban đại học thảo và in trên tờ Saeta, lên án chính phủ Prío đàn áp sinh viên và vi phạm quyền tự do báo chí. Dù Prío là tổng thống được bầu và Cuba được coi là dân chủ, song chính phủ của ông ta thối nát và độc đoán. Bởi vậy, các đảng Ortodoxo và Cộng Sản cùng hợp lại để công kích. Từ đó, Fidel dễ vận động hơn và ông cứ viết trên tờ Saeta cho sinh viên để nuôi dưỡng cử tri cho đảng Ortodoxo. Trong chính trường Cuba, Chibás và Fidel rất đồng điệu.
Tối chủ nhật ngày 5 tháng 8 năm 1951, giữa chương trình truyền thanh hàng tuần của mình, Thượng Nghị Sĩ Chibás bất ngờ dùng súng tự bắn vào bụng tự tử trước công chúng. Mười một ngày sau, ông mất. Sự kiện này đã làm xoay chuyển hướng đi của lịch sử.
Không ai hiểu rõ lý do đã khiến Chibás tự tử ở tuổi bốn mươi ba. Ông tự bắn bằng súng lục đặc biệt cỡ 38, trong cuối diễn văn kêu gọi dân Cuba tỉnh giấc nhân danh độc lập kinh tế, tự do chính trị và công lý xã hội. Trên đường đến bệnh viện, ông thều thào, “Tôi chết vì cách mạng… vì Cuba…”
Tuy nhiên, điều này không giải thích được gì. Thượng nghị sĩ là người đầy nhiệt huyết và rất được lòng công chúng. Ông là ứng cử viên hàng đầu trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1952 và có cuộc sống gia đình hạnh phúc. Ba mươi bốn năm sau, em trai Raúl Chibás đồng thời là cộng sự thân nhất của ông cho rằng Chibás bị thất vọng vì không đưa ra được bằng chứng cho thấy Bộ Trưởng Giáo Dục Aureliano Bánchez Arango mục ruỗng và lấy của công làm tài sản riêng, như ông đã hứa với công chúng. Thượng nghị sĩ đã tố cáo vụ này hơn một tháng qua trên đài và đã gây cơn sốt chính trị ở Cuba. Tới ngày phải trưng ra bằng chứng, cả nước hồi hộp chờ đợi song thật bất ngờ, ông không nói đến chuyện này mà lại dùng súng tự sát. Hình như nhóm nghị sĩ hứa gửi văn bản làm bằng chứng cho Chibás đã phản bội ông vào phút cuối vì lý do chính trị hoặc do bị mua chuộc. Suốt cuộc đời chính trị đã thuyết giảng về lòng chân thành và sự thật, Chibás không thể đối mặt với thực tế là ông thất hứa với dân. Fidel Castro cũng nhận định như vậy.
Cái chết của Chibás làm thay đổi tình hình chính trị. Ứng cử viên tổng thống đầy năng lực, người gần với lương tâm Cuba nhất đã không còn. Quan trọng hơn nữa, cái chết của Chibás đã dẫn tới cuộc đảo chính của Batista một năm sau. Nhiều người cho rằng nếu Chibás còn sống, Batista sẽ không đảo chính vì thượng nghị sĩ là chỉ huy phong trào đối lập hùng mạnh, có thể loại bỏ được chế độ độc tài. Batista cũng là ứng cử viên cho cuộc bầu cử năm 1952 và thường bị Chibás công kích. Ông ta đã rất e ngại Chibás.
Đối với Fidel, cái chết của Chibás có nhiều ý nghĩa. Dù chưa biết Batista sẽ đảo chính, song ông hiểu hơn bất cứ nhà chính trị nào ở Cuba rằng cán cân đã thay đổi và bầu không khí bấp bênh có thể dẫn tới tình huống cách mạng mà ông mong muốn.
Với đảng Ortodoxo, Fidel còn quá trẻ không mong gì thay thế Chibás làm lãnh đạo cao nhất. Ông cũng chưa bao giờ muốn như vậy. Tuy nhiên, thiếu Chibás, các đảng viên Ortodoxo trẻ độc lập có thể bị hút theo hướng cách mạng của ông. Không có ai trong đảng có thể thay thế Thượng Nghị Sĩ tác động tới họ nữa.
Trong mười một ngày đêm Chibás nằm hấp hối, Fidel đã luôn túc trực ngoài cửa phòng 321, Trung Tâm Phẫu Thuật Y Tế Havana. Khi thi thể Chibás được quàn tại Hội Trường Danh Dự ở trường đại học, Fidel đã đứng bên quan tài làm lính canh danh dự suốt hai mươi bốn tiếng trước đám tang.
Raúl Chibás và Fidel cùng nhiều sinh viên khác đã đấu tranh để thi thể Chibás được đặt ở trường đại học thay vì Tòa Nhà Quốc Hội nơi ông làm Thượng Nghị Sĩ. Họ lý luận rằng sự nghiệp chính trị của ông đã bắt đầu ở trường đại học, còn Tòa Nhà Quốc Hội được coi là biểu tượng thối nát mà Thượng Nghị Sĩ luôn tố cáo. Fidel đã nói với các phóng viên rằng để Chibás ở đây tốt hơn vì bọn suy đồi không thể tới trường đại học để báng bổ những kỷ niệm về ông.
Thượng Nghị Sĩ được mai táng ngày hôm sau, 17 tháng 8, tại nghĩa trang Colón ở Havana. Theo lời Max Lesnick, Fidel có ý tưởng cho đám rước hướng qua dinh tổng thống rồi đặt thi thể Chibás vào ghế tổng thống, tượng trưng cho sự tôn vinh Chibás, trước khi mai táng. Suýt chút nữa Fidel đã thuyết phục được Đại Úy Rose Rávelo đưa đám rước tới dinh. Tuy nhiên, lý trí cuối cùng thắng thế, viên sĩ quan thấy chuyện này có thể kích động quần chúng nổi dậy, mà đây chắc là điều mà Fidel đang nghĩ tới. Fidel là người không bao giờ thiếu sáng kiến.
Chưa đầy một tháng sau ngày Chibás mất, Fidel tham gia buộc tội hai sĩ quan cảnh sát, thiếu tá Rafael Casals Fernández và trung úy Rafael Salas Canizares trước tòa án tội phạm Havana. Hai người này đã giết chết một công nhân, đảng viên Ortodoxo trong cuộc bạo loạn ngày chủ nhật, 18 tháng 2, lúc đám đông đấu tranh để đưa Chibás tới đài phát thanh. Viên trung úy cũng can dự vào vụ dùng bạo lực với sinh viên trong sự cố hải quân Mỹ xúc phạm tượng Martí năm 1949. Vụ này gây nhiều chú ý và chính phủ cố chuyển qua luật pháp quân sự mà không xong. Cuối cùng, các sĩ quan không được trắng án. Họ phải đóng 5.000 peso tiền bảo lãnh để được “tự do có điều kiện.”
Ít lâu sau khi Chibás mất, đã xảy ra một tình tiết chính trị lạ lùng, liên quan đến Fulgencio Batista và Fidel Castro. Batista kết thúc nhiệm kỳ tổng thống năm 1944 và đến năm 1950 đã từ Florida trở lại chính trường Cuba vì ông ta lại muốn làm tổng thống.
Batista lập Đảng Hành Động Nhất Thể (PAU) với mục tiêu chính là đưa mình trở lại chức tổng thống và bắt đầu mua sự ủng hộ. Batista muốn gặp Fidel vì đã nghe nói nhiều về ông, kể cả chuyện ông công kích ông ta. Cuộc gặp do anh rể Fidel là Rafael Díaz-Balart và vài người từng quen biết Fidel sắp xếp. Fidel được đưa tới khu nhà sang trọng Kuquine của Batista, không xa Havana và được đón tiếp trang trọng. Trong văn phòng riêng, có treo bức chân dung lớn của Batista trong trang phục trung sĩ cùng với tượng bán thân của những nhân vật lịch sử, một điện thoại bằng vàng, viễn vọng kính Napoleon dùng ở Saint Helena và hai cây súng ngắn của hoàng đế ở Austerlitz.
Theo một nguồn tin thì Batista chỉ nói chuyện chung chung, dò xét Fidel và tránh chuyện chính trị. Nguồn khác lại kể rằng họ nói chuyện chính trị và Fidel bảo Batista rằng ông sẽ ủng hộ Batista nếu ông ta đảo chính lật đổ Prío. Nếu thật như vậy thì Fidel đã thử lòng ông ta. Batista đột nhiên sợ Fidel biết được phần nào và đang dò la các kế hoạch của mình. Theo lý luận của Fidel, rất có thể Batista sẽ cố đảo chính, nhất là khi chế độ Prío đang sụp đổ và Chibás đã không còn. Bởi vậy, ông đang tìm hiểu để biết rõ hơn. Tới đây, Batista đột ngột kết thúc cuộc gặp. Ông ta không hề biết rằng về sau, chính người thanh niên ấy sẽ gây ra cho mình biết bao phiền phức.
Fidel lúc này lao vào công kích cả Prío lẫn Batista, đồng thời tăng cường nỗ lực chạy đua vào Hạ Viện cho cuộc bầu cử tháng 6 năm 1952 với tư cách là ứng viên đảng Ortodoxo. Roberto Agramonte, một nhà chính trị truyền thống xuất thân từ gia đình có tiếng về chính trị, đã thay Chibás làm ứng cử viên tổng thống của đảng Ortodoxo.
Cuối năm 1951, Fidel ra sức thực hiện ba nhiệm vụ chính trị riêng biệt song có liên quan với nhau: thứ nhất là đại diện cho hàng ngàn dân nghèo ở Havana, nhà cửa họ sắp bị chính phủ Prío san bằng để xây quảng trường dân sự; thứ hai là điều tra những hành động sai trái của tổng thống và thứ ba là vận động tích cực để trở thành dân biểu ở một vài quận ở Havana trong cuộc bầu cử quốc hội. Ông cũng thường gặp em trai Raúl, vốn đang ở trường đại học và ngày càng tích cực trong chính trị. Raúl chưa chính thức tham gia đảng Cộng Sản Thanh Niên Xã Hội, song cũng đã rất thân với đảng này.
Khu vực chính phủ muốn san bằng ở Havana là quận La Pelusa rộng bốn mươi tám mẫu, một khu ổ chuột cùng khổ. Để bảo vệ dân ở đây, Fidel trấn an và hướng dẫn họ nên nói gì với các thanh tra nhà nước ở cuộc mít tinh dưới phố. Sau đó, ông đến tòa án yêu cầu Bộ Công Trình Công Cộng đền bù cho các gia đình. Cuối cùng, bộ đồng ý trả cho mỗi hộ năm mươi peso tiền đền bù. Tuy nhiên, tiền chưa kịp trả thì ít lâu sau, Batista đã lật đổ Prío và hủy bỏ giao ước. Ông ta đuổi dân ra khỏi khu đất và cho xây quảng trường dân sự. Ngày nay, nơi đây thành Quảng Trường Cách Mạng Castro.
Để điều tra kỹ về Prío, Fidel đã vận động các cộng sự luật sư của ông lẫn bạn bè trong Ban Thanh Niên Đảng Ortodoxo. Từ tháng 9 năm 1951 tới tháng giêng năm 1952, Fidel và đồng sự đã có được các bằng chứng ấn tượng chống lại tổng thống. Ông đã học được bài học của Chibás là tố cáo mà không có chứng cớ là vô giá trị và tự hại mình. Ngày 28 tháng giêng năm 1952, nhân sinh nhật José Martí, Fidel đã trao bản cáo trạng cho Tòa Án Hành Chính, tóm gọn thành năm tội danh. Mỗi cáo buộc đều bắt đầu bằng cụm từ “TÔI TỐ CÁO Tổng Thống Cộng Hòa.” Các tội danh bao gồm Prío nhận hối lộ để ân xá cho một người bạn ở tù vì tội quấy nhiễu trẻ em và cho ông kia làm chủ các nông trang tổng thống; vi phạm luật lao động buộc công nhân làm ca mười hai tiếng dưới quyền quản đốc quân sự; lăng mạ lực lượng vũ trang khi bắt lính đi lao động, buộc họ phục vụ và làm việc như nô lệ; làm nạn thất nghiệp gia tăng khi thay thế công nhân ăn lương bằng lính lao động bắt buộc và phản bội lợi ích quốc gia khi bán nông sản với giá thấp hơn thị trường.
Bản tố cáo chi tiết, với đầy đủ tên tuổi và số liệu, đã được xuất bản nguyên vẹn ngày hôm sau trên tờ Alerta, dưới tựa đề TÔI TỐ CÁO (Fidel lấy tên Émile Zola) và phát thanh trên Đài Tiếng Nói Antilles. Trong đó, có mô tả Prío đã xây dựng các dinh thự hào nhoáng, hồ bơi, phi trường và hàng loạt những khu sang trọng “đồng thời chiếm dụng một loạt nông trang và hầu hết đất đai giá trị nhất Havana.”
Không dừng ở đó, Fidel đã cho ra bản tố cáo Prío thứ hai vào ngày 19 tháng 2 năm 1952. Lần này, ông buộc tội tổng thống đã trả mười tám ngàn peso mỗi tháng cho các băng đảng chính trị và đưa 2.000 người trong băng đảng vào làm việc trong nhà nước, theo “hiệp ước băng đảng” do Prío khởi xướng. Fidel cũng lên án trong vòng bốn năm, đất đai của Prío đã tăng từ 160 lên 1.944 mẫu. Tất cả những tiết lộ này làm dân Cuba bàng hoàng. Theo lời Jorge Aspiazo, luật sư cộng sự của Fidel, thì bạn bè đều sợ rằng Fidel sẽ không tồn tại được quá một tuần.
Fidel khuấy động các tổ chức chính trị Cuba đến nỗi đảng Ortodoxo cũng ngại để ông làm ứng viên, nhất là bây giờ khi Chibás dũng mãnh đã mất. Để an toàn, Roberto Agramonte, ứng viên tổng thống của đảng, đã xóa tên Fidel khỏi danh sách ứng cử viên của đảng Ortodoxo. Agramonte đã đánh giá thấp quyết tâm của Fidel. Họ không biết rằng ông luôn biết tìm tòi sáng tạo để đạt được mục tiêu.
Fidel lúc này vận động để thành ứng viên quốc hội trong hội đồng đảng địa phương ở vài quận tại Havana. Năm 1951, quận nghèo Cayo Hueso ở Havana, nơi Fidel bắt đầu chiến dịch vận động từng nhà, là quận đầu tiên chọn ông. Kế đến là quận ngoại thành Santiago de Las Vegas, nơi Fidel đã điều tra về Prío. Jorge Aspiazo kể rằng cư dân La Pelusa (nơi Fidel đã đấu tranh vì quyền lợi các chủ hộ có nhà bị san bằng) đã đóng góp bạc cắc, bỏ vào những chiếc hộp để ngoài góc phố để gom tiền thuê xe buýt đi Santiago de Las Vegas dự cuộc mít tinh của Fidel và ủng hộ ông. Fidel có cách gợi lòng trung thành và biết ơn của người khác.
Bấy giờ đã là ứng cử viên, Fidel lao vào vận động chính trị chớp nhoáng bằng nhiều kỹ thuật mới mẻ. Tháng 12 năm 1951, ông khai trương chương trình mới trên Đài Tiếng Nói Không Trung, trong vòng hai tháng đã thu hút năm mươi ngàn thính giả. Theo lời Max Lesnick, Fidel đã thực hiện một chiến dịch khác lạ. Ông xin được quyền gửi thư miễn cước với danh sách 100.000 tên người nhận. Fidel cho ghi tên người nhận là mọi thành viên trong đảng Ortodoxo trên 100,000 bì thư, đoạn gửi đi thông điệp bằng mực xanh có ký tên ông. Lesnick nói: “Điều này chưa bao giờ xảy ra ở Cuba trước đây, các nhà chính trị thường chỉ đi tới buổi mít tinh để diễn thuyết.” Raúl Chibás, bản thân cũng là ứng viên thượng nghị sĩ kể: “Fidel có nhóm riêng, tổ chức riêng trong đảng.” Đó là nhóm Hành Động Cấp Tiến Ortodoxo (ARO), những thanh niên nổi dậy đi đầu trong phong trào cách mạng của ông. Conchita Fernández, thư ký của Eddy và Raúl Chibás, cũng ứng cử vào quốc hội từ Havana, nhớ lại Fidel thường xuất hiện cuối buổi mít tinh của cô để lên tiếng ủng hộ. Ngày bản tố cáo chống Prío xuất bản, Fidel xuất hiện ở quận San Antonio de Río Blanco, vừa lúc một đám người nhỏ đang giải tán sau khi nghe Conchita nói. Ông hô to gọi mọi người quay lại vừa vẫy vẫy bản sao tờ Alerta với bài viết và những hình ảnh các trang trại của Prío. Chỉ trong vòng năm phút, công viên đã đầy những người bị thu hút tới nghe Fidel nói. Conchita đã biết Fidel từ dạo ông còn là lãnh đạo sinh viên năm 1947 và luôn ái mộ ông (sau cách mạng năm 1959, cô trở thành thư ký của Fidel). Cô kể rằng đám đông hoan hô Fidel cuồng nhiệt vì ông dám nói lên sự thật, bất kể điều đó có thể làm ông bị bắn hay bị hại. Thế là huyền thoại Fidel đã ra đời. Ông chính là ứng cử viên trẻ đã diễn thuyết tới bốn lần ở bốn nơi khác nhau chỉ trong một đêm.
Đầu năm 1952, người ta đoán chắc Fidel sẽ được bầu vào Hạ Viện với số phiếu của giai cấp vô sản thành thị và nông thôn Havana. Max Lesnick không hề nghi ngờ chiến thắng này vì Fidel có ảnh hưởng tới giới trẻ trong đảng, những đảng viên chân chính và người lao động.
Tuy vậy, cuộc bầu cử đã không diễn ra vì cuộc đảo chính của Batista. Đa số dân Cuba đều tin rằng nếu không, Fidel cũng sẽ làm nghị sĩ bốn năm cho tới 1956, rồi chạy đua vào thượng viện, sau đó ứng cử tổng thống cho nhiệm kỳ 1960 hay 1964. Thực tế, Cuba đã bị mất đi nhà lãnh đạo chính trị nghiêm túc Chibás và Fidel ngày càng được công chúng mến mộ, nên chuyện này cũng hợp lý. Nếu vậy, hình như ông có số phận phải cai trị Cuba, dù bằng cách nào chăng nữa, Fidel cũng sẽ bước lên ngôi vị tối cao.
Trong cuộc phỏng vấn năm 1965 với một vị khách Mỹ, Fidel nói: “Ngay cả trước khi có cuộc đảo chính của Batista, tôi đã có ý nghĩ phải thay đổi cơ cấu của chính quyền. Tôi định bắt đầu từ quốc hội, sẽ tạo cơ sở cách mạng và gợi cho công chúng tham gia vì lợi ích của chính họ.” Nói về tình hình năm 1952, Fidel thêm: “Về mọi phương diện, tôi vẫn chưa phải là người theo chủ nghĩa Marx và chưa coi mình là Cộng Sản. Một khi vào quốc hội, tôi sẽ cho ra một chương trình gồm các biện pháp cần thiết. Tôi biết nhất định phải nắm chính quyền bằng cách mạng.” Fidel đã nhận ra vấn đề của Cuba không thể giải quyết bằng quốc hội mà phải “phá bỏ thể chế” đúng thời điểm và tiến hành nắm lấy chính quyền.
Năm 1985, Fidel đã nói: “Ngay cả trước cuộc đảo chính Batista, tôi đã có khái niệm cách mạng và ý tưởng giành một ghế trong quốc hội, rồi sang giai đoạn hai là giành chính quyền cách mạng.” Ông còn nhắc đến triết lý căn bản của mình là để làm cách mạng, phải giành chính quyền trước đã. Khái niệm này sau khi cách mạng thắng lợi năm 1959, dân Cuba mới hiểu.
Tháng 2 năm 1952, Fidel càng tin chắc Batista đang chuẩn bị đảo chính. Raúl Chibás nhớ lại khoảng thời gian đó có gặp Fidel dưới cầu thang nhà Roberto Agramonte ở Havana. Fidel bỗng hỏi: “Anh có hay tin gì về âm mưu đảo chính của Batista không?” Raúl Chibás đáp là không. Raúl khi đó nghĩ Fidel có người trong quân đội và chiến dịch nên mới biết được âm mưu này. Tuần tiếp theo gặp lại nhau, Raúl thấy Fidel càng chắc chắn sắp có đảo chính.
Có người kể Fidel đã tìm cách dò la động tĩnh của sĩ quan quân đội và dân sự ra vào quanh khu nhà Kuquine của Batista. Ông đã nấp bên ngoài và chụp ảnh xe ra vào. Tuy nhiên, khi ấy đã quá trễ, không thể can thiệp được nữa. Theo nguồn tin khác thì Tổng thống Prío nhận được thư của một phụ nữ ở Oriente báo sắp có âm mưu quân sự. Tuy nhiên, khi Tham Mưu Trưởng quân đội yêu cầu trưởng ban thanh tra theo dõi, viên sĩ quan này lại báo là không có gì cả. Hóa ra, viên sĩ quan tình báo quân sự đã là người của Batista.
Rạng sáng ngày 10 tháng 3 năm 1952, Fulgencio Batista cùng các sĩ quan ngang nhiên bước vào Quân Trại Columbia ở Havana. Ông ta được các tư lệnh quân đội chào đón nồng nhiệt. Cuộc đảo chính không gặp phải một kháng cự nào và Carlos Prío Socarrás đã bị hất ra khỏi ghế tổng thống. Thật là lẹ làng, lặng lẽ, không đổ máu, kỹ lưỡng và ma mãnh. Hôm sau, Batista tự xưng là quốc trưởng và chuyển vào dinh thự mà cách đó tám năm, ông ta đã bước ra với tư cách tổng thống lập hiến.
Phần III:
Cuộc chiến (1952 - 1958) -
Chương 13
Ra đời ngay trong bối cảnh chính biến Batista, cách mạng Cuba do Fidel Castro khởi xướng và dẫn dắt đã giành trọn độc lập và giờ đây gầy dựng cho đảo quốc một chế độ chính trị, kinh tế, xã hội hoàn toàn mới mẻ ở châu Mỹ.
Chính chế độ độc tài mới đến vô tình đã làm phát sinh ra các điều kiện chính trị khiến cho cuộc cách mạng không khoan nhượng và tầm vóc lớn lao đến thế giành được thắng lợi.
Kể từ thời cựu độc tài Machado hai mươi năm về trước thì Batista là thời dân chúng căm ghét nhất, bởi vậy nhân dân càng đoàn kết chặt chẽ hơn và trở thành động lực chính cho cách mạng. Bên cạnh yếu tố khách quan do Batista mang lại, cuộc cách mạng vĩ đại này có thể chuyển mình còn nhờ vào tài lãnh đạo của Fidel Castro, chàng luật sư Havana hai mươi lăm tuổi, có tài diễn thuyết, óc kiên định và hết lòng vì chính nghĩa. Nhìn lại các sự kiện trong thời gian 1952 đến cuối 1958, lúc quân du kích giành được chính quyền, mới thấy Batista đã mở cửa sẵn cho cuộc cách mạng lịch sử, để Castro đĩnh đạc bước vào thực hiện cuộc chiến dài sáu năm.
Tuy vậy, đánh đuổi Batista chỉ mới là mục tiêu chiến thuật đầu tiên trong suy nghĩ của Fidel Castro. Còn mục tiêu chiến lược, chỉ được ông tiết lộ sau thành công của bước 1, là làm cách mạng xã hội đưa Cuba theo chủ nghĩa Marx-Lenin.
Castro là người Cuba duy nhất lúc đó có tầm nhìn lịch sử và biết mình đi đâu, về đâu. Nhìn lại gần bốn mươi năm tuổi đời, phân tích các quan điểm và ý tưởng của ông từ thuở trai trẻ đến khi trưởng thành, nghe bạn bè đồng đội của ông kể và quan sát sự chuyển mình của xã hội Cuba mới thấy rõ tầm nhìn hiếm thấy của ông trong lịch sử. Fidel thường xuyên tranh cãi về nguyên nhân và bản chất của các sự kiện trong quá khứ đồng thời phân tích vai trò của mình nếu ở trong các trường hợp đó, để sau này vận dụng vào từng hoàn cảnh thích hợp. Hơn thế nữa, các ghi chép cho thấy Fidel luôn kiên trì hoạt động cách mạng. Ông thường nói về cuộc cách mạng xã hội và chuẩn bị rất lâu trước khi cuộc chính biến Batista nổ ra. Loại bỏ Batista chưa phải là mục tiêu trọn đời của Castro.
Sau mười sáu tháng nhà độc tài Batista cầm quyền, chàng trai Castro mở màn thách thức bằng cuộc đột kích vào quân trại Moncada ở Santiago cùng lúc với đồn Bayamo ở Oriente trong một phong trào không tên của quân nổi dậy. Fidel đích thân cầm quân ở Moncada. Ông suýt chết, rồi thách thức Batista ở tòa án và bị cầm tù một năm rưỡi. Ở đây ông vừa lặng lẽ hoạch định bước tiếp theo vừa ngấu nghiến hàng trăm quyển sách chính trị, lịch sử, triết học, kinh tế và văn chương. Nhà tù thật sự là trường học để ông nghiên cứu nhân văn và đột nhiên biến thành cơ may chính trị bởi cả nước có chiến dịch xin ân xá cho ông và đồng đội - chuyện này khiến Fidel còn nổi tiếng hơn cả bản thân vụ đột kích; ông là người luôn biết cách xoay chuyển tình thế theo chiều hướng có lợi cho mình.
Trong lịch sử cách mạng Cuba, cuộc tấn công Moncada năm 1953 được đánh giá ngang với trận chiến giành độc lập đầu tiên năm 1868 và cuộc nổi dậy chống Tây Ban Nha của José Martí năm 1895, cả hai đều thất bại. Song Moncada là nền tảng của lịch sử Cuba hiện đại còn bài thuyết trình của Fidel ở tòa án dùng biện hộ cho cuộc đột kích “Lịch Sử Sẽ Minh Xét Tôi” vừa được xem như tuyên ngôn độc lập, vừa là tuyên ngôn cuộc cách mạng vĩ đại. Bài này cũng được trích dẫn nhiều nhất ở Cuba; theo thời gian, khi càng diễn giải và phân tích ta càng hiểu rõ thêm tư tưởng và tình cảm của Fidel Castro.
Dưới chế độ độc tài của “Quốc Vương Đường”, dân Cuba gọi như vậy vì đường là sản phẩm chính của quốc gia, với nền kinh tế bất ổn cùng nạn thất nghiệp tràn lan, tình cảnh xã hội thời Batista khiến sớm muộn gì cũng sẽ có bùng nổ. Trong khi ở thủ đô khách sạn Havana Hilton và sòng bạc sang trọng được xây lên dành cho du khách và giới kinh doanh Mỹ giàu có thì năm 1952 trung bình một tá điền chỉ có được 108 ngày công với mức lương một Mỹ kim một ngày (và không có gì ăn) còn năm 1955 thì chỉ còn 64 ngày công. Thời gian còn lại chẳng có gì để làm. Công lý xã hội đòi hỏi phải có một lãnh đạo như Castro. Người ta nghe thấy điều này từ bài diễn thuyết Moncada và nó vẫn còn là minh chứng hùng hồn cho mỗi hành động cách mạng tiếp theo sau thắng lợi.
Fidel Castro bắt đầu tổ chức phong trào (sau này là Phong Trào 26 tháng Bảy với cờ đỏ đen và bài ca hùng tráng) và lên kế hoạch cho cuộc cách mạng hầu như chỉ vài phút sau khi hay tin Fulgencio Batista cùng các viên chức của y đã chiếm đóng quân trại Columbia tại Havana để hạ bệ tổng thống Carlos Prío Socarrás vào lúc rạng sáng thứ hai, ngày 10 tháng 3 năm 1952. Thực quyền ở Cuba lúc này lại nằm tại Columbia, Batista do không có cơ hội được bầu vào nhiệm kỳ mới mặc dù y đã phấn đấu để được chọn làm nghị sĩ nên quyết định giành lấy ở đấy. Cuộc tổng tuyển cử được định vào ngày 1 tháng Sáu và Fidel là ứng cử viên vào Hạ Viện đại diện cho công nhân nghèo thủ đô, song cuộc chính biến đã làm gián đoạn cuộc bầu cử. Tuy nhiên, Fidel vốn chẳng hề tin vào “nền dân chủ tư bản tự do” cho nên ông vui mừng vì sự việc chuyển biến như vậy, mặc dù ông lên án dữ dội Batista đã “tàn bạo cướp quyền.” Fidel nhận ra là nếu được bầu vào quốc hội đi nữa thì khát vọng cách mạng và sự nghiệp chính trị của ông vẫn hạn chế trong một nhà nước theo kiểu đại diện như thế này. Năm 1974 Fidel tuyên bố ý ông là bỏ “lối tổ chức” kiểu này và giành chính quyền vào “thời điểm chín muồi”. Ông đã can đảm bộc lộ ý đồ giành ghế trong quốc hội làm chỗ đứng cho cách mạng. Thế là cuộc đảo chính Batista trở thành món quà trời ban cho Fidel, nghiêm túc và hứa hẹn đặt ông vào sự nghiệp cách mạng. Fidel biết phương pháp làm việc và ứng biến. Kể từ ngày đầu chế độ mới, ông chuyên tâm mưu đồ, hoạch định, vận động, khuyến dụ, đánh nhử, tấn công đồng thời tạo ra phong trào cách mạng theo cách độc đáo nhưng rất hệ thống và sáng suốt. Ông không hề sơ sót điều gì.
Giai đoạn chuẩn bị này thật kịch tính, nguy hiểm và phiêu lưu. Với thói quen thách thức, Fidel là mẫu nhà lãnh đạo “thuần khiết” của thế hệ mới Cuba. Ông hoạt động ở hai mức song song: mức âm mưu vô hình hoạt động trong vòng bí mật và mức hữu hình công khai chống đối Batista trên đường phố hoặc tại tòa án mỗi khi có dịp. Hai hình thức này hỗ trợ cho nhau, bởi lẽ hình ảnh Fidel trước công chúng sẽ giúp chiêu mộ thêm lực lượng cho cách mạng, nhất là cho hoạt động bí mật.
Melba Hernández, nữ luật sư lớn hơn Fidel bảy tuổi và là một trong hai phụ nữ từng tham gia cuộc đột kích Moncada kể về ảnh hưởng của Fidel, “Tôi thấy ai cũng có nhiều ấn tượng từ lúc bắt tay Fidel. Cá tính anh mạnh lắm. Khi bắt tay chàng thanh niên này, tôi cảm thấy rất an tâm, tựa như mình đã tìm thấy lối đi vậy. Khi anh nói, tôi chỉ còn biết lắng nghe… Fidel nói giọng rất trầm, bước tới bước lui rồi đến gần ta như để nói với ta một bí mật và ta bỗng thấy mình như được chia sẻ bí mật đó vậy…”
Mọi người, dù nam hay nữ, được Fidel cẩn thận tuyển chọn đều bị ông lôi cuốn và bằng mọi giá tự nguyện làm theo hướng dẫn của ông để có thể nhanh chóng tổ chức Phong Trào. Pedro Miret Prieto, khi ấy còn là sinh viên kỹ thuật ở Santiago (trước cũng học chung trường nam La Salle với Fidel nhưng hồi đó họ không biết nhau) và là huấn luyện viên cho chiến binh Moncada, kể chẳng bao giờ quên được lần đầu tiên gặp Fidel - sáu tháng sau cuộc chính biến Batista. Giờ ông này đã là thành viên Bộ Chính Trị và là một trong những cộng sự thân tín nhất của Fidel. Miret kể ông quyết định theo Fidel vì nhận ra rằng ngoài Fidel ra các nhà chính trị khác chẳng làm gì để chống Batista hết. Câu chuyện này thường được các nhà cách mạng nhắc đi nhắc lại khi nhớ về lần đầu gặp Fidel hồi trẻ, một kỷ niệm không thể nào quên được.
Song, Fidel cũng phải chứng tỏ mình là lãnh đạo hàng đầu chống Batista để cho các ứng viên tiềm năng biết tiếng mà chấp nhận gặp ông. Mặc dù ông trở nên nổi tiếng trong giới trẻ Cuba có óc chính trị qua cuộc mạo hiểm Bogotá, vai trò lãnh đạo sinh viên nổi bật, chiến dịch tranh cử vào quốc hội và các cuộc nói chuyện trên đài phát thanh nhưng Fidel nhắm tới cử tọa rộng rãi hơn. Chuyện Ramiro Valdés Menéndez, vẫn là bộ trưởng nội vụ cho tới năm 1986, tham gia Phong Trào là một ví dụ điển hình cho phương pháp làm việc của Fidel. Sinh ra trong một gia đình nghèo ở Artemisa, thị trấn thuộc Havana với truyền thống cấp tiến và vô chính phủ, lúc cuộc đảo chính Batista nổ ra, Valdés được hai mươi mốt tuổi, ít học và đang làm phụ xe. Tuy nhiên, anh này lại thích chính trị và nhờ một người bạn thuộc đoàn thanh niên của Đảng Ortodoxo (Đảng Chính Thống), Valdés sắp xếp để gặp Fidel vì đã nghe ông phát biểu trên đài và bây giờ muốn xem thử ông có phải là lãnh đạo đáng để mình đi theo không.
Họ gặp nhau ở Havana trong cái nóng tháng bảy ở trụ sở Đảng Chính Thống. Valdés nhớ lại lúc đó “Fidel mặc bộ đồ mùa đông màu xanh đậm kẻ sọc quen thuộc,… rồi chúng tôi nói chuyện… thế rồi tôi gia nhập Phong Trào.” Valdés được giao nhiệm vụ phát triển tổ chức chi bộ bí mật có mười thành viên ở Artemisa – mỗi người phải tuyển thêm vào chi bộ mười thành viên nữa và cứ thế nhân rộng ra, theo cơ cấu phân chia bảo mật của Fidel. Sau này, ông đã cùng đi Moncada, vào tù, đi Mexico, ở Sierra và làm việc trong nhà nước cách mạng với Fidel. Những người khác cũng kể đã gặp Fidel như vậy. Thời gian này, quân nổi dậy của Fidel được tặng danh hiệu “Thế Hệ Trăm Năm”- thế hệ mở đầu cách mạng nhân kỷ niệm sinh nhật lần thứ 100 của Martí. Đây cũng là điểm son tuyệt vời trong huyền thoại Fidel.
Fidel không khó khăn gì trong việc lãnh đạo các thành viên và cảm tình viên đảng chính thống bởi đâu còn ai đáng tin cậy như ông ở Cuba thách thức được Batista. Đâu có ai cố gắng chống lại chính biến Batista ngày 10 tháng Ba. Tổng thống Prío bỏ nước ra đi (sau khi từ chối cung cấp vũ trang cho những sinh viên sẵn sàng bảo vệ chính thể lập hiến), còn các lãnh đạo chính trị truyền thống cũng lưu vong hay tỏ ra bất lực và sợ sệt. Một lưu ý thú vị là thoạt tiên, Fidel định cùng nhóm của ông hỗ trợ các lãnh đạo cũ giàu có, bất kể họ dùng biện pháp gì, để chống lại Batista khi họ hứa sẽ có tiền bạc, vũ trang và hành động hỗ trợ từ nước ngoài. Song Fidel và bạn bè ông vỡ mộng và bực bội vì họ liên tục thất hứa. Một vài nhà lý tưởng ở Cuba thử hiệp lực nhưng rồi bị cảnh sát mật vụ tóm ngay. Cuối cùng, quá chán ngán giới “tư bản tự do”, Fidel quyết định hành động độc lập. Sau này ông nói, “nếu không một ai trong số các nhà lãnh đạo này cho thấy họ có khả năng hoặc nhận thức đầy đủ mức độ nghiêm túc của mục tiêu hay phương cách lật đổ Batista thì cuối cùng tôi đành phải tự vạch ra lối đi cho riêng mình.”
Cũng như các chính đảng truyền thống khác, những người Cộng sản Cuba với đường lối tổ chức chặt chẽ đã thu hẹp phạm vi hoạt động sau cuộc đảo chính Batista. Vào thập niên 1940, họ gần như thỏa hiệp với Batista để bảo toàn một số vị trí then chốt trong liên đoàn lao động, hoặc ít nhất là giữ thái độ trung lập. Đến thập niên 1950, các đảng Cộng sản dưới sự dẫn dắt của Moscow còn ít đối đầu và mạo hiểm hơn người ta nghĩ tới. Hơn nữa, Batista có lẽ cũng đang đắc ý nên tạm hòa hoãn với cộng sản, cho phép phát hành nhật báo Cộng sản Ngày nay ngay cả sau khi Đảng Xã Hội Bình Dân bị chính thức coi là bất hợp pháp.
Dù gì đi chăng nữa, Fidel cũng không mặn mà lắm với ý tưởng liên minh cùng đảng Cộng sản vào lúc này. Trong cuộc đối thoại năm 1981, Fidel đã thẳng thắn “… Một khi đã lên kế hoạch làm cách mạng đồng thời có khuôn mẫu theo chủ nghĩa Marx-Lenin thì tôi tự lập ra một tổ chức của riêng mình và hoạt động trong tổ chức đó chứ không gia nhập vào đảng Cộng sản.” Tuy nhiên, tự mình tổ chức phong trào cách mạng, từ con số không, thật sự là một nỗ lực quá nhiều tham vọng đến mức gần như kỳ quặc và ngạo mạn. Chỉ có chiếc Chevrolet cũ kỹ màu nâu sậm để di chuyển từ nơi trú ẩn này đến nơi trú ẩn khác lòng vòng nội ô hoặc vùng ven của Havana, Fidel đã thành công cả trong việc tạo ra lực lượng nòng cốt cho cách mạng và phát triển thành phong trào vũ trang. Dường như ông chưa bao giờ nghĩ rằng phong trào sẽ thất bại. Bên cạnh đó, khác với Lenin, Mao Trạch Đông và Hồ Chí Minh, ông không cho rằng việc không được sự hậu thuẫn của một tổ chức nào đó là một bất lợi. “Không hợp lý ư?”, ông nói một cách chắc chắn. Trong lúc Lenin, người Fidel xem là bậc thầy dẫn dắt hệ tư tưởng cho mình, vạch ra mưu đồ cách mạng khi được an toàn ở Zurich thì chàng luật sư trẻ tuổi người Cuba này làm điều đó đương lúc phải lẩn tránh sự theo dõi của bọn cảnh sát chìm thuộc chế độ độc tài ở quê nhà.
Mỉa mai thay, phản ứng của Hoa Kỳ đối với cuộc đảo chính Batista lại xoay quanh một vấn đề chẳng hề liên quan - chủ nghĩa Cộng sản. Ngày 24 tháng 3, tức hai tuần sau vụ Batista, Bộ Trưởng Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ Dean Acheson đã viết một thư báo bí mật cho Tổng thống Truman với nội dung “trong khi Batista nắm giữ cương vị Tổng thống Cuba thập niên 40 thừa nhận vị thế áp đảo của Cộng sản trong Liên đoàn Công nhân thì tình hình thế giới, xét theo khía cạnh quốc tế hóa chủ nghĩa cộng sản, đã hoàn toàn thay đổi kể từ thời điểm đó, và chúng ta không có lý do gì để tin rằng Batista không tích cực chống cộng.” Kết luận này, cộng với chuyện cho đến ngày 1 tháng 4 chính quyền ở hầu hết các nước châu Mỹ La tinh đã công nhận chế độ Batista (mà người đầu tiên là nhà độc tài Trujillo ở nước Cộng Hòa Dominica), khiến Hoa Kỳ cũng phải chấp nhận Batista. Vào thời đó, nhiều nước châu Mỹ La tinh theo chế độ độc tài và dân chủ không phải là vấn đề được chính phủ các nước khu vực Tây bán cầu coi trọng, kể cả Washington. Chỉ đến tháng 12 trước đó, Truman đã biểu lộ niềm tin của mình rằng Cuba đã đáp ứng được các mục tiêu dân chủ của Hoa Kỳ. Hơn nữa, Hoa Kỳ cũng không dám mạo hiểm gây hại cho mối quan hệ kinh tế đặc biệt với Cuba vào lúc nền kinh tế của đảo quốc này đang gặp khó khăn và các khoản lợi nhuận khổng lồ của Hoa Kỳ bắt đầu chịu tổn thất.
Cuối cùng, ngài Đại sứ Willard L. Beaulac, một nhà ngoại giao với danh tiếng lẫy lừng, thông báo với Bộ Ngoại Giao rằng Hoa Kỳ có khả năng công nhận Batista trong trường hợp chính quyền mới này không gặp phải bất kỳ sự phản kháng đáng kể nào. Cả ngài đại sứ Mỹ và nhà lãnh đạo cách mạng mới nổi dậy đều tán thành kết luận cho rằng ở Cuba không có phe đối lập nào xuất hiện; đây có lẽ là lần duy nhất mà Fidel và Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đồng quan điểm. Tuy nhiên, Bộ Ngoại Giao có thể đã quên đi vai trò tiên phong của các sinh viên cách mạng trong sự kiện lật đổ nhà độc tài Machado hai thập niên trước đó, không có biểu hiện nào cho thấy đại sứ quán Hoa Kỳ và Bộ Ngoại Giao biết đến thế hệ 1930 hoặc thế hệ Fidel Castro - ông có thể nổi tiếng ở Artemisa (một thành phố phía Tây Cuba), nhưng chẳng hề được biết đến ở Washington.
Cho tới năm 1952, nhóm nòng cốt của Phong Trào Fidel Castro chỉ có chừng tám hay mười người nhưng sau đó số người gia nhập tăng lên rất nhanh. Hạt nhân của nhóm là những đảng viên và cảm tình viên của đảng Chính Thống. Phong trào không có sự tham gia của các đảng viên cộng sản thuộc đảng Xã Hội Bình Dân là do Fidel ngay từ đầu đã không chịu gia nhập đảng Cộng sản mà tự lập một tổ chức riêng cho mình, hơn nữa bản thân những người cộng sản này lại ngần ngại không chịu theo sự lãnh đạo của ông. Thực chất, ngay từ sau vụ đảo chính Batista, các đảng viên Cộng sản đã thử dùng Alfredo Guevara gây ảnh hưởng để lèo lái chiến thuật và hành vi của Fidel Castro theo ý họ nhưng bị ông dứt khoát từ chối. Trong một cuộc phỏng vấn tại Havana năm 1985, Guevara thuật lại rằng theo chỉ thị của Thanh Niên Xã Hội Chủ Nghĩa (một tổ chức thanh niên của đảng Cộng sản), ông đã liên lạc với Fidel ngay khi có thể – vì Fidel đã bắt đầu ẩn náu từ buổi sáng xảy ra cuộc đảo chính – nhằm giục Fidel quay lại trường đại học với tư cách sinh viên để trở thành “nhân vật lớn ở trường đại học”. Ý của đảng Cộng sản là thực hiện phong trào chống Batista theo quan điểm của mình, với mũi nhọn trong chiến thuật là Fidel và cánh sinh viên. Guevara cũng hiểu rằng Liên đoàn Sinh viên Đại học đã vượt ngoài tầm kiểm soát của đảng Cộng sản và họ sẽ gặp khó khăn trong việc khôi phục vai trò lãnh đạo của mình đối với lực lượng này.
Theo lời Guevara, “thoạt tiên Fidel nhận lời đề nghị nhưng sau đấy anh ta không làm và biến mất.” Ông ta cho biết lý do Fidel từ chối không đi theo đảng Cộng sản là vì họ có ý định thực hiện “chiến tranh nhân dân”, tức là hiệp nhất đấu tranh chính trị chống lại chế độ độc tài, còn “Fidel muốn hành động trực tiếp, có nghĩa là toàn dân nổi dậy khởi nghĩa.” Guevara còn nói thêm rằng vào cuộc gặp kế tiếp, ông ta đã biết Fidel đã có được một đài phát thanh bí mật và đang chuẩn bị cho cuộc đột kích Moncada.
Fidel không chịu theo sự lãnh đạo của đảng Cộng sản vì ông đánh giá thấp tiềm năng chính trị của tổ chức này. Song, điều đó không có nghĩa ông tránh tiếp xúc hoặc cùng họ và các nhóm khác tham gia vào các cuộc biểu tình công khai phản đối Batista. Đảng viên Cộng Sản duy nhất tham gia Phong trào của Fidel Castro là em trai ông, người chính thức gia nhập tổ chức Thanh Niên Xã Hội Chủ Nghĩa hồi tháng 6 năm 1953. Tuy nhiên, do không nằm trong “ban tham mưu” của Phong trào nên Raúl không được dự phần vạch chính sách hoặc ra các quyết định mang tính bí mật. Cả Fidel lẫn Raúl đều khẳng định rằng Raúl biết được quân trại Moncada sẽ là mục tiêu tấn công chỉ vài giờ trước khi xuất phát, và chỉ đóng vai trò một “chiến sĩ bình thường” trong hàng ngũ (ngoài Raúl, Luciano González Camejo, một công nhân thuộc hàng trung niên, là đảng viên Cộng Sản duy nhất khác tham gia cuộc tấn công Moncada, nhưng ông ta tham gia phong trào khá muộn). Raúl cống hiến hết sức lực của mình cho các cuộc biểu tình sinh viên tổ chức bởi Hội đồng 10 tháng Giêng, thuộc đảng Cộng Sản, và luôn là người cầm quốc kỳ Cuba đi hàng đầu.
Fidel nhất định tránh xa trường đại học thậm chí trước khi gặp Guevara, và khi hay tin về cuộc đảo chính khoảng 5 giờ sáng hôm đó, ông đã bắt đầu giấu mình trong sáu ngày. Trái với những bản tin được đưa ra, Fidel không nằm trong đám đông sinh viên biểu tình vào buổi sáng hôm ấy (tuy Raúl đã có mặt ở đó) vì ông nghĩ rằng còn nhiều việc quan trọng về mặt chính trị cần làm hơn là chỉ hét vang, “Batista phải chết!”
Cuối năm trước, Fidel và gia đình đã chuyển từ căn hộ nhỏ ở phố Thứ Ba sang căn hộ lớn hơn trên tầng hai tòa nhà số 1511 phố Hai Mươi Ba, cùng khu với Vedado nhưng không sang bằng. Giá thuê nhà cũng vậy, và Fidel lại túng quẫn như trước lúc có đảo chính. Một tối nọ, (trong thời gian Fidel đang lẩn trốn bọn cảnh binh mật Batista), ông và Pedro Trigo, một công nhân dệt cũng là thành viên đầu tiên của Phong Trào, về đến căn hộ của Fidel ở phố Hai Mươi Ba thì thấy cả căn hộ tối thui, căn hộ bị cắt điện vì họ chưa thanh toán hóa đơn. Lúc ấy, cậu bé Fidelito ba tuổi bị viêm họng và sốt cao, vậy là Fidel chỉ còn cách lo đưa con đến bệnh viện Calixto García cho một bác sĩ quen khám. Ông mượn Pedro Trigo năm peso đưa cho Mirta để mua đồ cho Fidelito. Thật ra Fidel cũng có một trăm peso trong túi song tiền này ông vừa gom góp được để mua vũ khí và ông thấy không nên dùng tiền chung cho việc riêng. Sau đó, bạn bè Fidel đòi trả tiền thuê nhà và các tiện nghi điện nước cho ông.
Một lần khác, Castro tới văn phòng đảng Ortodoxo, ông đậu xe trước cửa nhưng đến khi ra thì chẳng thấy xe đâu. Hóa ra, công ty tài chánh chuyên bán xe cũ đã tịch thu vì ông chưa trả tiền. Hôm đó là ngày tăm tối nhất đối với Fidel. Mất xe rồi, ông bèn đi bộ qua quán cà phê mà ông vẫn thường lui tới uống cà phê và hút xì gà. Ông nói với chủ quán bán chịu cho bữa ăn trưa nhưng chủ quán từ chối vì ông đã nợ năm peso rồi nên ông ta không muốn cho nợ thêm. Fidel đành đi bộ về nhà cách đó ba dặm. Lúc băng qua công viên trung tâm, ông đứng lại nhìn các tựa báo vì không còn đến năm xu để mua tờ nào nữa; gã bán báo thì hét vào mặt ông “Này đi đi, đi đi chớ, đừng có đứng đây…” Về đến nhà ông ủ rũ nằm gục xuống giường, đoạn ngủ thiếp đi. Theo lời bạn bè kể, trưa hôm đó tỉnh dậy, Fidel hết buồn nản và lại tràn đầy tinh thần đấu tranh. Sau này nhắc lại chuyện đó, Fidel hay bật cười và nhớ lại những người bạn đã gánh trách nhiệm lo trả tiền nhà cửa cho ông. Ông nói “Họ còn cho tôi những thứ cần thiết để tôi ăn nữa.” Và rằng ông là “đảng viên duy nhất trong phong trào được trả lương.”
Tuy nhiên, không ai còn nhớ các câu chuyện về vợ ông là bà Mirta. Cho tới lúc ly dị năm 1955, bà đã âm thầm chịu đựng bao nhọc nhằn và chuyện Fidel thường xuyên vắng nhà. Rồi sau chính biến, tình cảnh còn nan giải hơn khi anh bà là Rafael Díaz-Balart được giao làm phó bộ trưởng nội vụ trong nhà nước Batista. Ngoài các trách nhiệm chính trị, bộ này còn lo về trật tự công cộng và mật vụ. Vậy là lúc này anh em rể lại trở nên thù nghịch với nhau.
Đêm có chính biến Fidel ngủ ở nhà, nhưng sáng sớm hôm sau ông trốn qua nhà chị gái Lidia cách đó năm căn phố. Ở nhà ông chỉ còn lại Mirta, Fidelito và em trai Raúl ở chung với họ. Fidel đã tính đúng; giữa sáng hôm đó mật vụ tới nhà tìm mấy anh em Castro (nhưng cũng hụt luôn Raúl vì anh này đã đi biểu tình ở đại học).
Thường thì mỗi ngày cứ đầu giờ trưa, Fidel đều xuất hiện trên đài phát thanh nói chuyện chính trị chừng mười lăm phút. Song vào ngày tiếp quản quân sự, ông biết mọi công việc trên đài đều bị đình chỉ nên ông sẽ bị bắt liền nếu lên phòng thu. Dù sao, Fidel cũng muốn kịp thời có đủ thông tin và bạn bè ông đều muốn giúp. Trong đó có René Rodríguez, vừa nghe Mirta báo Fidel đang ở nhà chị gái, anh ta liền sang bên đó ngay. Fidel nhờ Rodríguez ghé trường đại học dò chừng để báo cho ông biết tình hình phong trào sinh viên.
Rodríguez tới trường dẫn chủ tịch Phong Trào Sinh Viên (FEU) Alvaro Barba về tham luận với Fidel ở nhà Lidia. Đoạn, Rodríguez sang nhà Roberto Agramonte, ứng viên chủ tịch đảng Chính Thống để thăm dò tinh thần các lãnh đạo. Lúc Rodríguez báo là Agramonte và các đồng nghiệp của ông ta chống Batista rất thụ động và họ không có thông điệp hay mệnh lệnh hành quân nào cho ông và đảng thanh niên, Fidel nổi giận, hét rằng các lãnh đạo Ortodoxo hèn nhát quá. Đêm đó, Fidel biết ở nhà Lidia hết an toàn nên chuyển qua khách sạn Andino, chỗ trọ quen ở dưới phố. Sáng ngày 11 tháng 3, Rodrígue sắp xếp đi với Fidel tới nhà Eva Jiménez, một quân nhân đảng thanh niên Ortodoxo ở khu trung lưu Almendares. Eva đã mua đủ thức ăn cho nhiều ngày và cho cô hầu gái nghỉ một tuần. Fidel đeo kính đen, ít khi nào ông dùng tới (ông bị cận thị phải đeo kính trắng), và hai người đón xe buýt tới chỗ Eva. Fidel có tờ năm peso của Lidia cho nhưng tài xế không có tiền thối, cuối cùng một người lạ trên xe buýt trả dùm luôn 16 xu tiền xe.
Hôm đó, Fidel không biết còn có một mái nhà an toàn khác cho ông. Đó là một căn hộ sang trọng nơi Natalia “Naty’’ Revuelta sống ở Vedado cùng chồng, một bác sĩ tim mạch hàng đầu ở Havana. Naty là một phụ nữ tóc vàng quyến rũ thuộc gia đình giàu có, từng học ở Mỹ và Pháp, thích cách mạng, thân đảng Ortodoxo và đã nghe nói nhiều về Fidel Castro. Bà có gửi một số chìa khóa nhà cho vài nhà lãnh đạo đảng Ortodoxo để họ có chỗ trốn tránh bọn cảnh sát mật vụ, trong đó nhấn mạnh là phải để riêng một chìa cho Fidel Castro. Tuy nhiên, giữa thời buổi lộn xộn, phải khá lâu sau Fidel mới nhận được chìa khóa căn nhà. Sau này Naty Revuelta là một trong những phụ nữ xinh đẹp và thông minh đã đóng vai trò quan trọng trong cuộc đời và sự nghiệp của Fidel.
Fidel ở lại nhà Eva Jiménez hai ngày đêm. Tại chiếc bàn nhà bếp, ông thảo đi thảo lại bản tuyên ngôn phê phán việc Batista lên nắm quyền dưới tựa đề “Đấy Không Phải Cách Mạng, Mà Là Bùng Nổ!” Bản tuyên ngôn được viết dưới danh nghĩa cá nhân chỉ trích gắt gao Batista được hoàn tất vào ngày 13 tháng 3. Sau đó, Fidel gởi cho Rodríguéz và Eva Jiménez mang đến tòa báo Alerta nhờ in song ông chủ bút không đồng ý đăng vì cho rằng phe chống Batista “thiếu thực tế và chỉ mơ mộng viển vông”. Bởi lúc đó đã có lệnh kiểm duyệt báo chí nên người của Fidel cũng không liên hệ với báo nào khác nữa.
Tuy nhiên, Fidel đã quyết tâm lưu hành bản tuyên ngôn nên ông bảo Rodríguéz tìm đến một người bạn ở dưới phố Havana có máy Roneo. Raúl Castro cùng Antonio Lopéz Fernández, còn gọi là Nico là một công nhân Fidel quen biết hồi chiến dịch tranh cử vừa rồi, đã cho in năm trăm bản tuyên ngôn để phân phát trên các đường phố trong thời gian ngắn nhất.
Cơ hội đến vào ngày Chủ nhật 16 tháng 3, nhân cuộc gặp mặt định kỳ hàng tháng với các lãnh đạo đảng Ortodoxo quanh mộ Eddy Chibás, tại nghĩa trang Colón. Lãnh đạo đảng Ortodoxo phát biểu quá nhạt nhẽo nên Fidel không kiềm được nóng giận. Ông giơ tay phải lên và hét to “Nếu Batista nắm quyền bằng vũ lực thì hắn ta phải bị lật đổ bằng vũ lực!” Khi thấy cảnh sát lăm le đi tới, bạn bè Fidel vây quanh để bảo vệ ông (tờ Alerta, trước đó từ chối in tuyên ngôn của ông, đã tường thuật cơn giận của Fidel ở nghĩa trang và bình luận rằng lời lẽ của ông “được đám đông hưởng ứng… đông đảo thành viên trong đảng đều đồng tình với anh”.
Cuối cùng tại nghĩa trang, họ cũng đã phân phát được bản tuyên ngôn với những lời lẽ như “trên thế gian này không có gì cay đắng hơn cảnh con người lúc đi ngủ thì tự do nhưng khi tỉnh dậy đã là nô lệ,” “chống lại sự đàn áp mới là nguồn hạnh phúc vô biên,” và “tổ quốc bị đàn áp nhưng sẽ có ngày tự do trở lại.” Fidel kết thúc bằng đoạn trích dẫn quốc ca Cuba “Sống trong xiềng xích là đắm chìm trong nhục nhã. Chết cho tổ quốc mới là sống thật!”.
Bấy giờ, Fidel hiểu là ông đã tuyên chiến với chế độ độc tài Batista, một ý niệm dễ khiến người ta liên tưởng đến cảnh Đôn Kisốt tuyên chiến với Cối Xay Gió. Trong bản tuyên ngôn, ông giục “dân Cuba hãy can đảm hy sinh và đánh trả.” Nhìn lại các sự kiện này vào hai mươi năm sau, Fidel bảo với Lionel Martin rằng ông đã khởi sự chiến dịch của mình “hơi giống kiểu du kích, bởi một người hoạt động chính trị cũng phải là một chiến sĩ du kích…” Khi vào trận, Fidel bao giờ cũng cứng rắn. Ngày 24 tháng 3, một tuần sau cuộc tập hợp ở nghĩa trang Colón, ông đóng vai trò luật sư công tố đệ trình tòa án hiến pháp Havana bản cáo trạng lên án tướng Batista đã vi phạm “hiến pháp nhà nước” bằng cuộc đảo chính quân sự. Ông liệt kê ra các hình phạt theo luật định rồi kết luận “tội lỗi của Fulgencio Batista đáng bị xử hơn 100 năm tù.”
Fidel làm như vậy không phải với mục đích gây chú ý (tờ Alerta đã tường thuật về vụ việc này ngay ngày hôm sau) hay để tòa án xử Batista theo ý ông, mà nhằm tạo nguyên tắc cơ bản cho cuộc cách mạng sau này. Nói một cách cụ thể, Fidel đưa ra lý lẽ “với hàng loạt những tội ác phản loạn trắng trợn mà Batista không bị xử phạt thì sau này làm sao tòa án xử công dân Cuba nổi dậy chống lại chế độ phi pháp được?”, tức là cuộc cách mạng của ông là một hành động hợp pháp chống lại chế độ phi pháp. Điều này sẽ giúp hợp pháp hóa nhà nước cách mạng mà Fidel lập ra năm 1959. Đối với dân Mỹ La tinh vốn rất coi trọng tính hợp pháp thì nước cờ này đóng vai trò rất quan trọng trong chiến lược cách mạng của Fidel Castro.
Sau vụ chính biến Batista, Fidel bỏ nghề luật nhưng văn phòng luật của ông còn tiếp tục hoạt động và theo các vụ chống chế độ độc tài dưới sự hướng dẫn của ông. Jorge Aspiazo, đồng sự cũ của ông, kể lại rằng Fidel bảo kiện ba bộ trưởng nội các Batista tội biển thủ Quỹ Trợ Cấp Thất Nghiệp Nhà Nước bằng cách đưa danh sách tên giả ra, “sa thải” rồi gom tiền. Vụ án này lên tới Tòa Án Tối Cao nhưng sau đó bị bác bỏ.
Fidel vẫn tiếp tục công kích Batista. Trên tờ báo La Palabra ra ngày 6 tháng Tư (mới phát hành được số đầu tiên thì bị nhà nước bắt đóng cửa) xuất hiện bài công kích Batista dữ dội của Fidel với lời cảnh báo đầy chất thơ “hạt giống cuộc nổi dậy đã được gieo trong mọi trái tim” và “dù đối mặt với hiểm nguy, chủ nghĩa anh hùng vẫn mạnh thêm nhờ thắm đầy máu đỏ.” Fidel hiểu rằng cách mạng phải vừa có tính hùng hồn vừa lãng mạn.
Trên mặt trận bí mật Fidel cũng bận rộn không kém. Từ nơi ẩn náu và các văn phòng đảng Ortodoxo (nhà nước vẫn cho các đảng phái chính trị hoạt động dù quốc hội đã đóng cửa và xóa luôn bầu cử), Fidel tổ chức hàng trăm cuộc họp và phỏng vấn với các thành viên triển vọng cho Phong Trào trong khoảng thời gian sau cuộc đảo chính tháng ba tới tháng năm. Đêm đến, ông thường lái xe về miền quê để gặp các đảng viên Ortodoxo người địa phương ngoài đồng.
Xét theo khía cạnh lịch sử, Phong Trào của Fidel có gốc từ đảng Ortodoxo. Đây một chính đảng cấp tiến và cải lương nhưng thiết yếu trong hoàn cảnh này do Thượng nghị sĩ Chibás lập năm 1947, vốn thu hút đông đảo dân Cuba trung lưu và lao động, kể cả công nhân ở nhà máy đường và nông dân ở vùng núi. Trong khi đó, đảng Cộng sản, thay vì thâm nhập vào giai cấp lẽ ra thuộc về mình, lại dựa vào tầng lớp trí thức, sinh viên và lãnh đạo các hội liên hiệp.
Fidel đã suy nghĩ thực tế khi từ chối về trường đại học lãnh đạo sinh viên chống lại Batista theo lời đề nghị của đảng Cộng sản. Đảng viên trẻ tuổi của đảng Ortodoxo (thậm chí cả những người trung niên) xuất thân thấp kém còn có đầu óc cách mạng hơn các đảng viên Cộng sản, họ không ưa hệ tư tưởng của đảng Cộng Sản và rất ngưỡng mộ Fidel. Fidel đã dành nhiều năm mở rộng quan hệ, đặc biệt trong Ban Thanh Niên và Nhóm Hành Động Cấp Tiến đảng Chính Thống do ông tổ chức, nhất là trong tiến trình chuẩn bị cho chiến dịch tranh cử vào quốc hội, mặc cho thái độ ác cảm của những vị lãnh đạo cao niên thuộc đảng này. Ngày 10 tháng 3 năm 1952, lúc xảy ra chính biến Batista và Fidel quyết định đấu tranh “độc lập”, ông đã có sẵn mạng lưới cách mạng tiềm năng. Vấn đề bấy giờ là làm sao chuyển nó thành công cụ để đấu tranh.
Giải pháp đột nhiên xuất hiện tại cuộc tụ tập ở nghĩa trang Colón khi Fidel được giới thiệu với Abel Santamaría, anh chàng kế toán hai mươi bốn tuổi thuộc văn phòng giao dịch Pontiac ở Havana. (Dường như các nghĩa trang là nơi hay diễn ra các sự kiện chính trị Cuba. Lễ kỷ niệm các anh hùng, từ Céspedes cho đến Martí, là dịp để biểu tình mà cảnh sát dù dưới chế độ nào cũng không dám giải tán. Mặc dù sau năm 1959, Fidel vẫn đến Colón để đọc tuyên ngôn nhưng truyền thống này giờ đây không còn tồn tại). Cuộc gặp đặc biệt này xảy ra trong thời gian nhà nước Batista cấm tổ chức lễ Lao Động tháng Năm, và nhân ngày 1 tháng 5 này nhiều quân nhân phe đối lập đã đến viếng mộ sĩ tử Carlos Rodríguez, bị cảnh sát giết dưới thời tổng thống Prío. Ở nghĩa trang, Fidel được Jesús Montané Oropesa, kế toán viên của hãng General Motors mà ông đã gặp trước vụ đảo chính không lâu, giới thiệu với Santamaría. Tháng ba trở đi, Montané, Santamaría và vài người bạn đã tìm cách đấu tranh chống Batista.
Cuộc gặp gỡ ngày 1 tháng 5 giữa Fidel và Santamaría, một thanh niên cao ráo tóc vàng đến từ tỉnh Las Villas, trở nên bước ngoặc cho Phong Trào. Hai người vừa gặp đã nhanh chóng kết thân với nhau. Thứ nhất, họ cùng có gốc gác từ làng quê: Abel sinh ra ở nhà máy đường Constancia và làm việc ở đây cho đến năm 19 tuổi mới lên Havana, còn Fidel thì sinh ra ở cánh đồng mía miền Oriente. Mối quan hệ của họ chẳng hề bị ảnh hưởng bởi chuyện Fidel xuất thân từ một gia đình địa chủ còn Abel thuộc giai cấp công nhân. Bên cạnh đó, Abel cùng Montané đều là thành viên đảng Ortodoxo. Ngoài ra, Abel sống cùng người chị Haydée (còn gọi là Yéyé) trong một căn hộ gần nhà Fidel nên anh ta thường lui tới nhà Santamaría trò chuyện rất lâu. Do vậy, hai người rất thân thiết với nhau, Fidel là trưởng Phong Trào còn Abel là phó. Chính Abel dù không nổi trội bằng nhưng với cái đầu lạnh đã góp phần quan trọng giúp Fidel định hình Phong Trào.
Những tháng tiếp theo, Phong Trào lớn mạnh dần. Montané rủ thêm người bạn cũng là kế toán tên Boris Luís Santa Coloma; Melba Hernández, luật sư trong đảng Ortodoxo và bạn cô, Elda Pérez, cũng tham gia. Melba dẫn thêm Raúl Gómez García, giáo viên và nhà thơ hai mươi ba tuổi; còn Fidel rủ bạn là Pedro Trigo và Nico López. Đến giữa năm thì thành nhóm tin cẩn của Phong Trào.
Ngay từ đầu, mọi người đều tán thành vai trò thủ lĩnh của Fidel và ông lãnh đạo Phong Trào y như tổ chức quân sự. Melba Hernández, người thân cận nhất với Fidel và nhà Santamaría suốt giai đoạn chuẩn bị, nhớ lại giống như “ở trong quân ngũ hai mươi bốn trên hai mươi bốn” vậy, cuộc sống hết sức kỷ luật khiến quan hệ giữa các thành viên cũng phải khác hẳn.
Melba (ngày nay nổi tiếng là nữ anh hùng và ở tuổi bảy mươi vẫn còn hoạt động chính trị tích cực) kể Fidel đặt ra một số yêu cầu cho mọi người. Thứ nhất, theo lời bà đó là “thù ghét chế độ đàn áp, không thừa nhận xã hội sống nhờ mục ruỗng và quyết định chống lại chế độ đó.” Muốn vậy, phải hết sức gò mình theo khuôn phép, bà nhớ lại “và bởi vì đây là một phong trào hoạt động bí mật cho nên phải có kỷ luật cứng rắn, hết sức nghiêm ngặt và kín đáo, thận trọng tối đa, và còn thái độ trong quân ngũ… đó là cách chúng ta đang được đào luyện, và quân nhân nào vi phạm một trong các điều lệ này sẽ bị khai trừ.” “Khi Phong Trào lớn mạnh, các nhóm thanh niên gia nhập vào Phong Trào họp mặt định kỳ vào mỗi Chủ Nhật. Cứ như một kỳ kiểm tra vậy. Chẳng hạn, họ sẽ được lệnh triệu tập vào buổi chiều đúng 5 giờ 05 phút. Ai không đến đúng giờ sẽ bị chúng tôi đưa ra phân tích, khiển trách hoặc bắt phạt hoặc nặng nhất là khai trừ. Hình phạt đối với mọi sự bất cẩn, dù nhỏ, cũng đều là khai trừ khỏi phong trào.”
Melba Heznández nói thêm, Ban Tham Mưu Phong Trào gồm Fidel Castro, Abel Santamaría, Haydée Santamaría và Melba Hernández mỗi tuần họp một lần để bàn phương hướng hoạt động và hành vi của tất cả thành viên. Fidel và Abel hội ý thường xuyên với ủy ban quân sự và ủy ban chính trị nhưng chỉ Fidel và Abel có quyền tuyển người và ra quyết định về chiến lược và chiến thuật. Phong Trào được tổ chức thành chi bộ gồm mười tới mười lăm người, nhận lệnh từ ban tham mưu hoặc các ủy ban chính trị và quân sự tùy theo tầm quan trọng. Phong Trào Fidel cấu trúc theo chiều dọc và hoàn toàn không có chức năng hoặc cơ quan chính trị, khác với các chính đảng khác. Mô hình này là do Fidel nghĩ ra nhằm phục vụ cho mục tiêu giành thắng lợi trong chiến đấu và tránh xa chính trường.
Dù cho quan điểm chính trị trong tư tưởng của Fidel có như thế nào, ông vẫn nhất quyết tránh chuyện đồng nhất hệ tư tưởng của Phong Trào với chủ nghĩa Marx-Lenin. Melba kể lại, “khi ấy, trong hàng ngũ của chúng tôi chưa ai nói về chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa xã hội hay chủ nghĩa Marx-Lenin như một ý thức hệ, nhưng chúng tôi đã bàn với nhau, ngày Cách Mạng nắm quyền, tất cả nhà cửa đất đai của bọn trưởng giả sẽ thuộc về dân thường và trẻ em – những người chúng tôi đang chiến đấu vì họ. Cũng chẳng ai nói đến chuyện bóc lột sức lao động, chúng tôi chỉ bàn về lương bổng cho công nhân, nạn đối xử tàn tệ đối với công, nông dân.” Bà nói rằng “bằng cách sử dụng ngôn từ gần gũi và dễ tiếp nhận, chúng tôi đã ám chỉ những gì mình đang làm.” Bên cạnh đó, Fidel và Abel rất coi trọng phụ nữ trong đấu tranh cách mạng.
Trong một cuộc phỏng vấn hồi năm 1977 với báo Cộng sản, thuộc đảng Cộng Sản Xô Viết, Fidel phát biểu, “suốt thời kỳ đó, tôi vẫn giữ liên lạc với những đảng viên Cộng sản với mục tiêu của riêng họ,” nhưng “không ai có thể bảo họ tin vào những gì chúng tôi đang làm.” Ông nhận định rằng “một đảng phái được đào luyện theo những kế hoạch và quan điểm truyền thống” sẽ khó mà đặt lòng tin vào Phong Trào. Hơn nữa, theo lời ông thì ở Cuba người ta có thể sử dụng bạo lực để đấu tranh cách mạng nhưng một chính đảng đã mang danh Cộng sản thì không bao giờ. Phân tích này cũng phù hợp với cách đánh giá của Fidel đối với đảng Cộng sản hồi năm 1952 dù cho đây cũng có thể giải thích cho việc Fidel từ chối kết hợp với chính đảng này trong quá trình chuẩn bị cho cách mạng cũng như việc đảng Cộng sản ngần ngại giúp đỡ đội quân Fidelistas mãi đến gần cuối cuộc chiến.
Mario Mencía, nhà sử học cách mạng Cuba đã viết, dù Fidel có tổ chức hệ thống theo kiểu Marx từ hồi còn sinh viên, “ông đã kiên quyết tránh nói đến điều này trong các tuyên ngôn.” Mencía nhận thấy rằng tuy Fidel từ đầu đã định hướng tiến lên chủ nghĩa xã hội, nhưng noi theo lời dạy của José Martí, ông giấu kín mục tiêu trong lòng vì sợ “nói trước bước không qua.” Lần duy nhất Fidel làm trái nguyên tắc này, theo lời Mencía, là trong một bài báo khoảng giữa năm 1952 lên án Batista là “con chó theo đuôi chủ nghĩa đế quốc” và đồng minh của “các khoản lợi nhuận khổng lồ của Cuba và ngoại quốc”.
Kỷ luật nội bộ còn nghiêm khắc hơn sau khi Pedro Miret, sinh viên kỹ thuật và là chuyên gia vũ trang, gặp Fidel và đồng ý huấn luyện quân sự cho các thành viên Phong Trào. Melba Hernández nhớ lại, công việc nặng nề nhất của các nhà lãnh đạo là giám sát cá nhân mỗi thành viên. Hàng tuần, Fidel và Santamaría đều kiểm điểm hành vi, kể cả cuộc sống riêng, của từng người một trong suốt bảy ngày qua. Bên cạnh đó, họ cũng áp dụng quan điểm của Marx trong việc đảm bảo kỷ luật quân đội là cho các thành viên tiến hành tự kiểm.
Jesús Montané, thuộc nhóm cách mạng tin cẩn đầu tiên, nhớ lại “chúng tôi tuyệt đối không được uống rượu”, ai có thói quen uống rượu “không thể làm quân nhân được”, và cuộc đời cách mạng phải khắc khổ và đạo đức.” Có lần Fidel cho một thành viên rất quan trọng tạm nghỉ Phong Trào cho đến chừng nào bỏ hẳn rượu mới được quay lại. Sau đấy, anh kia đã bỏ rượu và trở lại cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp Cách Mạng.
Các trụ sở chính của Phong Trào là nhà Santamaría ở phố Thứ Hai Mươi Lăm và phố “O” ở Vedado (nay là đền thờ quốc gia), ngoài ra còn nhà người chị Lidia của Fidel cách đó ba căn, nhà bố mẹ Melba Hernández (rất ủng hộ cách mạng) ở phố Jovellar. Bên cạnh đó còn có một văn phòng ở phố Consulado, gần đại lộ MaleCón cạnh bãi biển, của một thành viên làm việc trong doanh nghiệp lớn – đây là nơi ngụy trang tốt nhất.
Như thường lệ, Fidel coi tuyên truyền là bước quan trọng hàng đầu. Trước lúc gặp Fidel, Santamaría và Montané xuất bản không thường xuyên tờ báo in ronéo mang tên “Son Los Mismos” (“Họ Cũng Thế”) để công kích Batista, ý nói chế độ hiện tại cũng tệ như chế độ trước thôi. Nhưng khi Fidel vào cuộc, ông đề nghị đổi thành “Người Kết Án” rồi cùng với Abel và nhà thơ trẻ Raúl Gómez García biên tập. Tờ báo “Họ Cũng Thế” ra kèm theo thêm vài tuần nữa rồi ngưng hẳn. Ở trường đại học, đảng Cộng sản cũng có ấn phẩm riêng tên Mella, trước Fidel cũng hay viết cho tờ này và về sau thỉnh thoảng cũng có gửi bài đăng.
Các ấn phẩm này được in bằng máy quay ronéo cũ kỹ mà Abel và Montané mua với giá bảy mươi lăm peso. Để tránh bị cảnh binh phát hiện, máy được một tài xế taxi quen người Tây Ban Nha chuyển chỗ liên tục. Sau này Montané kể lại, hầu như lúc nào chiếc máy này cũng nằm trong thùng xe đậu trước quán rượu Detroit trên phố Hai Mươi Lăm.
Fidel lúc này lại muốn lên đài nói. Vài ngày sau khi gặp Santamarías, ông bảo Abel và Montané đi Colón cách Havana 150 dặm để gặp một bác sĩ tên Mario Munoz Monroy do một đảng viên giới thiệu. Vị bác sĩ bốn mươi mốt tuổi này là phi công hạng nhẹ kiêm quản lý đài phát thanh địa phương, rất nhiệt thành với cách mạng sẵn sàng theo Fidel. Fidel nhờ ông này cho hai máy phát thanh thông báo tuần sau sẽ có biểu tình chống chế độ ở đại học. Fidel cần tới hai máy phát để phòng ngừa trường hợp một máy bị trục trặc. Ngày 20 tháng Năm, ông bác sĩ tích cực đã cho máy phát thanh đúng giờ thông báo cuộc biểu tình “Làn Sóng Tự Do của Phong Trào Kháng Chiến và Giải Phóng Quốc Gia” trên băng tần bốn mươi mét.
Dù buổi phát thanh được rất ít người nghe nhưng tờ “Họ Cũng Thế” cũng đã thông báo sự hiện diện của đài phát thanh bí mật. Fidel cho rằng các loại hình tuyên truyền hỗ trợ cho nhau; đài phát thanh của bác sĩ Munoz là tiền thân của Đài Tiếng Nói Nổi Dậy tại Sierra vào sáu năm sau.
Phe chống Batista cũng thành hình ngày 20 tháng 5 năm 1952 trong Phong Trào Cách Mạng Quốc Gia (MNR) của Rafael García Bárcena, giáo sư tâm lý, xã hội, triết học ở trường Đại Học Havana và trường Cao Đẳng Chiến Tranh Quốc Gia. Giáo sư García Bárcena đã cùng Eddy Chibás lập ra đảng Chính Thống năm 1947, cho đến năm 1952 ông thu hút giới trẻ trung lưu chống Batista như Armando Hart, Faustino Pérez và Juan Manuel Márquez vào MNR. Tất cả những người đó sau này đều gia nhập Phong Trào Castro. Ở Santiago, các thành viên mới của MNR gồm có Frank País, sau thành anh hùng chiến trận, và Vilma Espín, hiện là vợ Raúl Castro.
Fidel giữ thái độ thờ ơ với MNR - ông không tin dân tự do trung lưu dựa vào các chính biến quân sự để giành quyền – cũng như với Ban Hành Động do một chính trị gia tên Justo Carrillo lập hồi tháng Bảy mà tập trung vào Phong Trào của mình. Lúc đó Pedro Miret đang bận huấn luyện nhóm MNR sử dụng vũ khí ở đại học và chưa gặp Fidel còn Justo Carrillo thì đang cố len lỏi vào các nhóm sĩ quan trẻ.
Ngày 16 tháng Tám diễn ra cuộc mít tinh ở nghĩa trang nhân ngày giỗ đầu của Nghị sĩ Chibás. Fidel và các đồng sự in mười ngàn bản tờ Người Lên Án để phân phát ở đó và dưới phố Havana. Fidel đã viết hai bài nảy lửa ký tên Alejandro chỉ trích đảng Ortodoxo nhát gan, “phong trào phải mang tính cách mạng chứ không phải là chính trị”, còn bài kia lên án Batista là “kẻ bạo ngược xấu xa.” Với lời lẽ chính trị đanh thép nhất, Fidel báo cho nhà độc tài biết rằng “những con chó liếm vết thương của ông hàng ngày sẽ không thể nào giấu được mùi tanh tưởi bốc lên từ đấy” và “khi lịch sử được chép lại… ông sẽ chỉ được nhắc đến như một loại dịch họa mà thôi…”
Tuy nhiên, số phận tờ báo này chấm dứt ở đây. Ngay trước cuộc mít tinh ở nghĩa trang, mật vụ đã tìm ra chiếc máy quay ronéo ở nhà một đảng viên, liền đập nát rồi gom hết phân nửa số tờ báo còn lại. Lúc họ tới nghĩa trang thì Abel Santamaría, Elda Pérez và Melba Hernández bị bắt. Chỉ có Fidel và Haydée Santamaría thoát được. Edla và Melba được thả trong ngày bèn tìm Fidel thông báo tin tức về các đồng đội đã bị ở tù.
Hôm sau, Fidel và Melba tới ngục Castillo del Principe trong vai luật sư để tìm cách giành tự do cho Santamaría và González. Trên đường đi Fidel nói “mình mua gì mang vào cho họ nhé”, song trong túi ông chỉ còn có một peso nên chỉ mua được thuốc lá và diêm. Tới ngục, họ bất ngờ khi gặp hầu hết đồng đội bị câu lưu. Bấy giờ Fidel nhận ra là trong Phong Trào có kẻ phản bội nên hôm trước họ mới bị cảnh sát tổ chức và bắt được như vậy.
Fidel tranh luận cả ngày để đồng đội ông được thả và dành mấy ngày sau tìm “kẻ phản bội” nhưng không ra. Bận rộn như vậy nên ông vẫn chưa thể đến bệnh viện thăm Fidelito khi ấy đang phải phẫu thuật gấp, mãi mấy ngày sau ông mới gặp lại con ở nhà. Sau vụ bố ráp vài ngày, Cục Tình Báo Quân Sự cũng tìm thấy một trong hai máy phát thanh của họ.
Tuy vậy, khó khăn không làm Fidel nản chí. Vài ngày sau, tất cả đồng đội Fidel được thả và đầu tháng chín, ông họp kín các thành viên mới của Phong Trào ở khu phố cổ Havana. Ông nói với họ, “Tất cả những ai tham gia Phong Trào đều chỉ là quân nhân như nhau; bất kỳ địa vị hay đặc quyền có được từ hồi ở đảng Ortodoxo không liên quan gì ở đây. Cuộc chiến sẽ chẳng dễ dàng và con đường phía trước sẽ rất dài và gian truân. Chúng ta sẽ tiến hành đấu tranh vũ trang lật đổ chính quyền.”
Hôm sau, Fidel và Abel bị xe tuần của cảnh sát bắt trên phố Vedado. Ở đồn, họ và xe bị lục soát nhưng do cảnh sát không tìm thấy gì nên họ được thả. Đây là lần đầu Fidel bị bắt khi đang dẫn dắt Phong Trào và ông thấy từ nay phải cẩn thận hơn mới được.
Ngày 27 tháng Mười Một là lễ kỷ niệm tám mươi mốt năm ngày bọn Tây Ban Nha hành quyết tám sinh viên y khoa theo chủ nghĩa dân tộc, Fidel và các đồng đội sinh viên lại có dịp mít tinh chống Batista ở trường đại học. Họ đem theo máy phát thanh để phát cuộc biểu tình song bị cảnh sát cắt điện.
Thêm một vụ thất vọng nữa đã đánh dấu giai đoạn đầu hoạt động của Phong Trào cách mạng kết thúc. Tuy nhiên, buổi tối đó không trôi đi vô ích. Trong khuôn viên đại học, Fidel được bạn ông là Jorge Valls giới thiệu với Naty Revuelta, cô vợ giàu có và xinh đẹp của một bác sĩ tim mạch, người phụ nữ đồng cảm với cách mạng mà tháng ba qua đã cố gửi cho ông chìa khóa nhà mình để ông trốn tránh bọn cảnh sát. Một mối quan hệ tốt đẹp đã bắt đầu từ đây.
Cuộc chiến -
Chương 14
Kỷ niệm sinh nhật lần thứ một trăm của José Martí ngày 28 tháng Giêng 1953 là dịp tốt cho Fidel Castro hành động cách mạng. Mặc dù chương trình huấn luyện quân sự chỉ mới có đà phát triển từ những tháng cuối năm 1952 và Fidel đã hết sức cẩn thận khi lộ diện nhưng buổi lễ mừng sinh nhật vị anh hùng José Marti là dịp không thể bỏ qua.
Phong Trào đang ở giai đoạn hai: hoạch định và chuẩn bị hành động. Lúc này, Fidel không trực tiếp ra mặt ơ các buổi huấn luyện nữa, kể cả các buổi tập bí mật ở sân trường đại học do Pedro Miret tổ chức cho tân binh. Hầu hết các thành viên mới không biết Fidel là lãnh đạo; nhưng Fidel thì biết từng người một và những gì họ làm.
Trên cơ bản, Fidel hiểu ông và các chiến binh không nên gây chú ý nếu không cần thiết. Khác với hồi tháng 11 năm trước, họ kín đáo hơn và tránh các cuộc huyên náo ở đại học trong suốt khoảng thời gian từ tháng 12 cho đến đầu tháng giêng 1953. Mặt khác, Fidel là người tận tụy với quần chúng, ông hiểu nếu người ta nhận thấy ông vắng mặt thì cũng có hại cho sự nghiệp chính trị. Do vậy, Fidel phải hết sức cẩn trọng, thăm dò và suy xét từng hành động.
Ngày 13 tháng Giêng, Fidel dự buổi họp lãnh đạo đảng Ortodoxo ở Havana lắng nghe ý định liên minh các chính đảng chống Batista. Tuy nhiên, buổi họp cuối cùng chẳng đi tới đâu. Các nhân vật chủ chốt thuộc đảng Ortodoxo bỏ ra về nhằm bày tỏ sự phản đối trước viễn cảnh chính đảng của họ sẽ không được còn độc lập nữa hoặc lo ngại liên minh sẽ đi về đâu sau cuộc đảo chính, chưa kể thái độ sợ sệt đối với chế độ độc tài. Fidel cũng bỏ về trong giận dữ, ông đã hét lên “Hãy ra khỏi nơi đây… Các người không thể nào dựa vào những chính trị gia này để làm cách mạng được đâu.” Ấy là lần cuối cùng Fidel quan hệ với giới chính trị truyền thống Cuba.
Cùng lúc đó, đảng Cộng sản và các sinh viên theo cánh tả cực đoan hợp lại định dựng tượng Julio Antonio Mella, một lãnh đạo sinh viên và đồng sáng lập đảng Cộng sản Cuba bị ám sát ở Mexico năm 1928, nhằm tuyên dương công trạng của ông và phong ông làm anh hùng dân tộc. Họ đặt tượng ngoài trường học như một dấu hiệu cho biết khu vực này là bất khả xâm phạm.
Nhóm này do Alfredo Guevara đứng đầu, vào ngày 10 tháng giêng bức tượng Mella được khánh thành. Fidel cương quyết không tham dự buổi lễ khánh thành bức tượng vì một số lý do chiến thuật, nhưng Raúl em trai Fidel lại có mặt ở đấy. Đối với Raúl, dù Fidel nhất định không cho tham gia Phong Trào nhưng ông vẫn cung cấp một phần thông tin về tiến triển của Phong Trào cho em mình. Fidel không bận tâm đến chuyện Raúl tham gia Cộng sản, ông nghĩ để em trai làm cầu nối giữa đảng và Phong Trào cũng tốt.
Sáng ngày 15 tháng giêng, sinh viên thấy bức tượng bán thân Mella bằng đá cẩm thạch trắng bị sơn đen, ai nấy đều tức giận. Trưa đến hàng ngàn sinh viên xuống đường ở phố Havana, treo hình nộm Batista rồi đánh nhau với cảnh sát. Đây là cuộc nổi loạn lớn nhất kể từ khi Batista nắm quyền, và giữa chiều, đám thanh niên đổ xuống dinh tổng thống. Cảnh sát đáp trả bằng đạn và hơi cay, và một sinh viên hai mươi mốt tuổi tên Rubén Batista Rubio bị thương nặng.
Sau khi trời tối, một nhóm sinh viên trong đó có Alfredo Guevara và Raúl Castro quay về trường nhóm lại và đợi cảnh sát tấn công. Ba mươi sinh viên khác đang tụ lại thành hàng rào bảo vệ tượng Mella thì bị bắt tới đồn cảnh sát. Tại đồn cảnh sát quận Ba vào giữa khuya, bỗng một sinh viên tên Quintín Pino thấy có bóng người quen quen bước vào khu vực cảnh sát, anh này bèn la lên với bạn bè “Này, Fidel đến kìa…” Bấy giờ Fidel xuất hiện trong vai trò luật sư, xin cho ba mươi sinh viên được thả trước rạng sáng. Xét theo khía cạnh chính trị, bênh vực kiểu này còn giá trị hơn ném đá vào bọn cảnh sát nữa.
Các cuộc nổi loạn của sinh viên tiếp tục cho tới tuần lễ kỷ niệm Martí, dịp này chế độ Batista và các phe đối lập tranh nhau tưởng niệm vị anh hùng này. Nhà nước tổ chức lễ tiệc ở dinh tổng thống ngày 25 tháng giêng và liên hoan phía trước trụ sở Quốc Hội (đây là nơi làm việc của Quốc Hội trước cuộc đảo chính) đêm 27 tháng giêng.
Các cuộc chống đối lễ tiệc này liên tục diễn ra ở khắp các nhóm, từ Liên Đoàn Sinh Viên (FEU), đảng Chính Thống, Thanh Niên Cộng Sản cho đến Mặt Trận Nữ Công Dân Kỷ Niệm Trăm Năm Martí. FEU tổ chức Hội Nghị Martí về Bảo Vệ Quyền Thanh Niên, Raúl Castro nằm trong ủy ban sáng lập. Hội nghị lập ra một ủy ban thường trực gồm 15 phó chủ tịch, trong đó có Flavio Bravo vốn là chủ tịch hội Thanh niên Xã Hội Chủ Nghĩa (đồng thời giữ vị trí chính thức trong ban tổ chức đảng Cộng Sản). Raúl Castro thì làm thư ký thường trực, chuyên trách công tác tuyên truyền. Tuy Fidel Castro không hề dự phần vào hội nghị đó nhưng vẫn không hề thờ ơ trước những rắc rối sau này của nó.
Tối hôm có hội nghị, cảnh sát ập vào một ngôi nhà ở ngoại ô Havana trong đó hai mươi phụ nữ thuộc Mặt Trận Công Dân đang chuẩn bị truyền đơn lên án chế độ đã thu thêm thuế để chi vào lễ lạc để hôm sau phân phát. Các phụ nữ bị đẩy vào xe cảnh sát đưa tới trụ sở thẩm tra, họ hò hát vang trong xe. Khi đến đầu cầu bắc qua sông Almendares tình cờ có một chiếc xe chở ba người nhận ra giọng họ chạy ngang qua. Ba người đó đều là luật sư thuộc Phong Trào mật, gồm có Fidel Castro, Aramís Taboada và Alfredo “El Chino” Esquível.
Fidel bảo “mình quay lại đi theo họ nhé”, rồi cả ba cho xe chạy theo sau xe cảnh sát. Fidel tự nhận là đại diện trước luật pháp của nhóm phụ nữ. Sau này một phụ nữ kể lại “anh ấy đợi tới rạng sáng khi người cuối cùng trong chúng tôi ra khỏi sở cảnh sát rồi mới về.” Song cử chỉ cách mạng lớn nhất của Fidel Castro chưa phải là vậy. Ông và Phong Trào còn phải diễu quân tưởng niệm một trăm năm Martí vào tối hôm sau nữa.
Quân đội Phong Trào Cách mạng bắt đầu thành hình ở trường đại học và vùng quê vào đầu mùa thu năm ngoái lúc Fidel quyết định hành động độc lập và gặp Pedro Miret, người nhận lời đào tạo cho các thành viên phong trào khả năng chiến đấu. Thoạt tiên, Miret cùng một số người khác ở trường đại học đứng ra huấn luyện cách sử dụng vũ khí ở dưới tầng hầm các tòa nhà, nhưng do phải đảm bảo yên lặng nên họ hầu như không được nổ súng, chỉ trừ một số trường hợp ngoại lệ ở sân thể thao. Vì vậy, Miret tập trung hướng dẫn họ cách cầm súng, thao tác tháo lắp súng và động tác trườn khi mang vũ khí. Lúc Miret huấn luyện lớp quân tình nguyện đầu tiên, ông chỉ có một súng máy Halcón cũ, một súng trường M-1, một súng trường Springfield, một súng trường Mendoza của Tây Ban Nha, hai súng bắn đạn ria Winchester, cùng một ít súng lục.
Hoạt động của Miret hoàn toàn thay đổi sau khi ông gặp Fidel ngày 10 tháng chín năm 1952. Fidel đã nghe nói về Miret, và bảo một người bạn công nhân của mình là Nico đến nhờ Miret đảm nhận phần huấn luyện quân sự. Miret, khi ấy là sinh viên năm tư đã chán ngán các tổ chức chính trị cũ, sau khi gặp Fidel đã dành hẳn toàn bộ tâm huyết cho Phong Trào. Thành viên đầu tiên của ủy ban quân sự Phong Trào được lập ra không lâu sau đấy gồm Abel Santamaria, Miret, José Luís Tasende - công nhân trong một nhà máy sản xuất tủ lạnh – cùng một nông dân trại gà tên Ernesto Tizol và Renato Guitart – một thanh niên quê ở Santiago nơi anh phụ lo việc buôn bán trong cửa hàng nhỏ của cha mình.
Hầu hết thành viên đều là công nhân nghèo từ Havana và những khu vực lân cận. Mỗi Chủ Nhật, họ đều đặn đến trường đại học để học cách lắp ráp và sử dụng vũ khí, mà theo lời của Miret là ngay cả bắn thử họ cũng không được phép, và lăn lê bò toài trên đất cát và dưới ánh nắng như thiêu đốt. Đa phần trong số đó đều chưa từng học tiểu học, nói chi đến đại học, và họ phải cố gắng vượt qua mặc cảm tự ti khi gặp gỡ các sinh viên tại đấy.
Họ đến trường đại học theo từng chi bộ có giờ giấc riêng. Họ tới trường trung học Havana để nhận mật hiệu cho ngày hôm đó trước, sau đó qua kiểm tra danh tính rồi mới được vào chỗ tập.
An ninh của phong trào bảo mật đến nỗi người ở chi bộ khác nhau cũng không được trò chuyện với nhau hay được biết tên họ của nhau. Fidel không những tránh mặt ở các buổi huấn luyện mà còn giấu quan hệ với Miret. Khi cần trao đổi thì người trong ủy ban quân sự thông tin dùm. Miret cũng không bao giờ đi tới những nơi có thể gặp phải Fidel, Abel hay những nhân vật quan trọng khác của Phong Trào. Armando Hart, sau này là một trong những đồng chí thân tín nhất của Fidel và thành viên Bộ Chính Trị, nhớ lại lần đầu tiên gặp Fidel tại các trụ sở Phong Trào ở Havana ông đã được Fidel hỏi về tình hình huấn luyện quân sự ở trường đại học. Mãi mấy tháng sau ông vẫn không hiểu sao mà Fidel biết được việc này vì ông không hề thấy Miret, người mời ông tham gia huấn luyện quân sự, có liên lạc gì với Fidel.
Giữa năm 1952, Fidel phải đi xe bốn mươi cây số suốt mười bốn tháng để liên hệ với các cá nhân và hội nhóm ở khắp Cuba nhằm chuẩn bị cho cuộc tấn công của cách mạng. Chỉ trong vòng ba bốn tháng, khoảng 1.400 tới 1.500 người đã được Miret huấn luyện, chia ra làm 150 chi bộ. Tuy nhiên vì lúc này thiếu vũ khí, nên phải chọn chiến binh từ hai mươi lăm chi bộ ở các tỉnh Havana và Pinar del Río cho cuộc tấn công trại Moncada. Chỉ có các thành viên trong cùng chi bộ mới biết nhau nên có lần ở Artemisa, có hai công nhân trẻ là bạn thân đến khi sắp vào trận đột kích Moncada mới biết mình tham gia cùng Phong Trào nhưng khác chi bộ.
Artemisa, với giai cấp lao động và truyền thống phi chính phủ của mình, là một trong những mảnh đất tốt nhất để Fidel chiêu mộ lực lượng cho Phong trào. Vùng đất này đã cống hiến cho phong trào 250 dân quân tình nguyện và một số tay súng thiện xạ, trong số đó có Ramiro Valdés, sau này trở thành bộ trưởng Bộ Nội Vụ của chính phủ. Vùng nông thôn phụ cận Artemisa, cũng như trong tỉnh Havana, trở thành thao trường khi Pedro Miret quyết định cần phải tập trận thêm cho lực lượng Phong trào hồi đầu năm 1953.
Cùng giúp Miret huấn luyện quân nổi dậy có cựu chiến binh Quân Đội Mỹ từ cuộc chiến Triều Tiên tên Isaac Santos được gọi là “giáo sư Harriman.” Chính Fidel đã tìm thấy Harriman ở nhà một người bạn, được biết ông này là chuyên gia về chiến thuật đánh giáp lá cà và đang dạy cho nhóm chống Batista khác. Harriman hướng dẫn các chiến binh của Fidel cách dùng la bàn để định hướng. Tuy nhiên sau này quân nổi dậy nghi ông ta là tình báo Mỹ nên trước trận Moncada ông đã bị loại.
Tháng giêng năm 1953, nhân kỷ niệm một trăm năm ngày sinh của Martí, Fidel Castro đã có được đội quân nổi dậy ra trò, thế là ông quyết định trình làng. Để cạnh tranh với buổi lễ của Batista ở Quốc Hội ngày 27 tháng Giêng, các tổ chức sinh viên, ban thanh niên, mặt trận nữ công dân, các nhóm trung học và công nhân trẻ tổ chức buổi rước đuốc lớn diễu hành qua Havana và Fidel muốn biểu trương lực lượng với cả nước ở đây.
Đội quân năm trăm người vừa diễu hành theo nghi thức quân sự sau lưng Fidel Castro, vừa hét vang “Cách Mạng!… Cách Mạng!… Cách Mạng!…” Những ngọn đuốc bừng cháy họ cầm trên tay có đầu nhọn ở đỉnh có thể dùng làm vũ khí phòng trường hợp cảnh sát tấn công. Đuốc này họ đã làm suốt buổi sáng ở bệnh viện Calixto García và ở sân vận động của trường đại học. Trưa hôm đó, họ tổ chức thành đơn vị. Tối đến, Fidel điều khiển đội ngũ và cùng diễu hành với hàng ngàn ngọn đuốc. Đi sau ông là em trai Raúl Castro và hai phụ nữ sáng lập Phong Trào Melba và Haydée, cùng hầu hết ban lãnh đạo.
Có lẽ vì lúc đó nhiều thượng khách ngoại quốc hiện diện ở Havana nên chính phủ không can thiệp vào cuộc diễu hành; cảnh sát không hề ngăn cản và cũng lờ đi bài hát “Cách Mạng” và “Tự Do”, vậy là bạo động không xảy ra. Sáng hôm sau, đúng ngày lễ kỷ niệm Martí, hàng ngàn sinh viên lại diễu hành qua đường phố Havana và Fidel tiếp tục dẫn đầu các đơn vị lão luyện của ông tham gia. Lúc ấy, cả đám đông dân chúng đang đứng xem lẫn chính phủ đều không hề biết đoàn quân rất kỷ luật đi thành hai toán sau Fidel là ở dưới quyền ông, trong một phong trào có tổ chức và đã qua huấn luyện quân sự.
Nhiều người khi nhìn lại sự kiện này cho rằng Fidel và các cộng sự của mình thật sự liều lĩnh khi tham gia cuộc diễu hành Martí với một đội ngũ đông đảo như vậy vì chính phủ và cảnh sát có thể dễ dàng nhận ra đây là một tổ chức cách mạng và sẽ tiến hành đàn áp. Như thế, bao nhiêu công sức bảo mật cho tổ chức hàng mấy tháng liền sẽ bị lãng phí. Tuy nhiên, Fidel đã tính trước việc chính phủ Batista không biết Phong Trào đang tồn tại nên chẳng để ý gì đến Fidel và các bạn ông trong đám diễu hành. Khi được hỏi về sự việc này, Pedro Miret nói “chúng tôi dám chắc rằng không người nào trong tổ chức biết rõ mình đang hoạt động với những ai (trừ những người cùng chi bộ với mình),” và vào lúc ấy nhà nước chỉ thấy các chính đảng truyền thống là kẻ thù “chúng tôi chẳng là gì cả đối với họ, chúng tôi không tồn tại.” Bên cạnh đó, Miret còn thêm rằng các mưu sĩ trong Phong Trào đánh giá thấp khả năng của chính quyền.
Fidel xuất hiện trước công chúng suốt tháng hai trong khi cùng các đồng sự tin cẩn tích cực chuẩn bị các mục tiêu hành động cách mạng. Ngày 8 tháng 2, tuần báo Bohemia đăng bài của Fidel tố cáo vụ việc cảnh sát phá hủy xưởng của điêu khắc gia Manuel Fidalgo ở Havana cùng sự mất tích đáng ngờ của ông sau khi cảnh sát đột nhập. Trong số tác phẩm bị hủy ở xưởng này có tượng bán thân của Martí khắc dòng chữ “Cho đất nước Cuba đau thương” (trích lời Martí) và các mặt nạ của Thượng Nghị sĩ Chibás. Fidalgo đã bán hầu hết tác phẩm để gây quỹ cho Phong Trào Fidel. Bài báo này có kèm theo các hình do nhiếp ảnh gia Fernando Chenard chụp, (đảng viên Cộng Sản gia nhập vào Phong Trào sau này).
Ngày 13 tháng 2, Rubén Batista Rubio, người thanh niên bị cảnh sát bắn trong vụ tượng Mella tháng trước, chết ở bệnh viện Havana dấy lên làn sóng chống đối. Fidel ở bên giường anh mỗi ngày và đã dẫn đầu ba mươi ngàn người trong lễ tang lặng lẽ từ trường đại học đến nghĩa trang ngày 14 tháng 2. Sau khi chôn cất, bạo loạn nổ ra khắp Havana, xe hơi bị đốt cháy và cảnh sát bắn vào sinh viên. Ngày kế tiếp, mật vụ buộc Fidel Castro tội “gây rối công cộng” trong vai lãnh đạo thanh niên đảng Chính Thống. Chính phủ dần dà bỏ vụ này không đem ra xử nữa.
Tháng Hai và Ba, có thêm nhiều vụ lộn xộn ở Havana nữa, trong đó có vài vụ vào lễ kỷ niệm một năm Batista nắm quyền song Fidel và phong trào của ông chỉ lo tập trung chuẩn bị về mặt quân sự. Một nhà sử học cách mạng Cuba cho rằng sau sự kiện ngày 14 tháng 2, Fidel đã thay đổi chiến thuật. Năm đầu thì ông tranh thủ mọi cơ hội để công khai thách thức chế độ Batista. Tuy nhiên sang năm thứ hai, Fidel thay đổi chính sách để tránh tất cả mọi trường hợp ảnh hưởng đến mục tiêu hành động trực tiếp. Theo lời của Mencía, ông biết cách điều chỉnh các giai đoạn của phong trào tùy theo tình hình.
Vì vậy, Fidel vẫn tỏ ra trung lập lúc có một nhóm chống Batista khác cố lật đổ chế độ bằng một cuộc chính biến dân sự - quân sự. Năm trước, Rafael García, giáo sư đại học có liên hệ với các sĩ quan trẻ, tổ chức Phong trào cách mạng dân tộc (MNR). Thành viên tham gia đa phần là sinh viên trung lưu trí thức và viên chức, nên phong trào này chưa có được đường lối lý tưởng rõ ràng. Bên cạnh đó, nó còn lôi kéo được một số luật sư, bác sĩ và viên chức trẻ, nhưng sau này họ lại chuyển qua Phong trào 26 tháng 7 của Fidel. Garcia Bárcena dự tính dẫn đầu một nhóm năm mươi người trang bị súng ngắn, dao dài và dao găm đánh chiếm trại lính Columbia ở Havana với sự trợ sức từ bên trong của các sĩ quan thuộc MNR. Sau đấy, vị giáo sư tin rằng một cuộc nổi dậy rộng khắp sẽ tiếp nối và chế độ Batista sẽ sụp đổ. Phải nói rằng, khó mà tin tưởng vào một kế hoạch chỉ dựa trên cuộc tấn công cầm chắc thất bại do một nhóm dân thường dưới sự chỉ huy của một nhóm nhỏ sĩ quan tiến hành nhắm vào một cơ sở quân sự lớn nhất Cuba.
Fidel biết phong trào của giáo sư Rafael định thực hiện vào ngày 4 tháng Ba rồi hoãn đến ngày 5 tháng Tư nhưng ông thấy quá phiêu lưu. Tuy nhiên ông nhận thấy ý định tổ chức quân đội đánh các đồn và lật đổ Batista trong vòng 24 tiếng là quá phiêu lưu và khó thành công. Cho nên, khi giáo sư Rafael phác thảo kế hoạch và yêu cầu Fidel hỗ trợ, ông cũng trình bày thẳng thắn ý kiến của mình.
Rồi thì, Rafael chẳng những không nghe lời ông mà còn cho rằng Fidel phản đối vì ganh tỵ. Fidel bảo ông sẵn sàng phân tích kế hoạch với ông ta, nhưng nếu có đủ người và vũ khí thì ông sẽ cân nhắc tham gia. Ông cũng khuyên ban lãnh đạo phong trào này không nên bàn kế hoạch với bất cứ chính trị gia nào trên đảo quốc nữa. García tảng lờ lời khuyên này. Sau đó, Fidel nhận định rằng “đây là phong trào được tuyên truyền rộng rãi nhất trong lịch sử Cuba” và lẽ đương nhiên không thể nào bảo mật, cho nên ông đã không tham gia.
Ngoài ra, giữa hai nhà lãnh đạo còn tồn tại sự bất đồng lý tưởng sâu sắc xoay quanh đề tài đấu tranh giai cấp. Vị giáo sư cực lực phản đối trong khi Fidel Castro, với tư cách là một người theo chủ nghĩa Marx, lại hết lòng ủng hộ và ông cũng chẳng hề nhượng bộ một nhà lãnh đạo “mang tư tưởng trưởng giả” như thế. Bên cạnh đó, Fidel muốn giải giáp quân đội hiện tại khi Batista bị lật đổ nhưng García Bárcena lại muốn liên minh với lực lượng quân đội này. Cuối cùng phong trào của García do có người trong nội bộ phản nên sáng ngày 5 tháng Tư, cảnh sát đã ập vào căn nhà ở Havana nơi García và nhóm của ông ta đang chuẩn bị kế hoạch hành động.
Bảy mươi người bị bắt và mười bốn người bị xử ở phiên tòa kéo dài gần hai tháng, còn García bị lãnh án hai năm tù. Có thêm các vụ bạo loạn nữa trên phố Havana và các đường phố khác nhưng tướng Batista tỏ ra hài lòng vì mối nguy hiểm duy nhất cho chế độ của y đã được tháo gỡ.
Cũng thế, Batista chẳng hề nao núng khi nhận được bản “Hiệp ước Montreal” do lãnh đạo của một bộ phận các chính đảng truyền thống trong nước ký tại một khách sạn ở Canada vào ngày 2 tháng Sáu, kêu gọi lật đổ Batista và trở lại với mô hình nhà nước lập hiến. Hiệp ước này tuy không thể gây nên bất kỳ cuộc nổi dậy vũ trang nào chống lại Batista, nhưng lãnh đạo bên trong Phong trào lại lo lắng rằng nguồn quỹ do kiều bào Cuba quyên góp để mua sắm vũ trang sẽ rơi vào tay các chính đảng truyền thống chứ không đến được với các Fidelista. Theo một nguồn tin đã được phát hành rộng rãi, Fidel nhận vai trò điều phối viên của phong trào nổi dậy vũ trang do tổ chức Montreal tài trợ. Fidel sẽ phải chịu sự điều hành của Juan Manuel Márquez, một chính trị gia của đảng Ortodoxo ở Havana, một vai trò hoàn toàn khác hẳn tính cách của Fidel. Tuy nhiên, sau này Márquez trở thành một trong những cộng sự thân tín nhất của Fidel (và là một trong những người đầu tiên hy sinh sau khi chiếc Granma cặp bờ hồi năm 1956).
Những nhà cách mạng Cuba thuộc các liên minh và khuynh hướng khác biệt ở trong cũng như ngoài nước dành toàn bộ sự quan tâm cho tình hình chính trị trong nước nên hầu như thờ ơ với các sự kiện trên thế giới. Mặc dù sinh viên Cuba có lên tiếng phản đối Mỹ gây chiến tranh Triều Tiên năm 1950-1951 (Fidel là một trong những người chỉ trích mạnh mẽ nhất các chính sách của Mỹ) nhưng họ dường như không còn quan tâm đến nó trong thời điểm hiện tại bởi đã có thỏa thuận đình chiến. Vào ngày 5 tháng 3 năm 1953 khi Josef Stalin mất tại điện Kremlin, về phía đảng viên Cộng sản “cũ” hoặc các Mác-xít trẻ tuổi như Fidel Castro ở Cuba cũng chẳng có phản ứng nào.
Vào thời điểm này, Mỹ chỉ lo ủng hộ Batista sửa lại luật bầu cử để cho Cộng Sản, dù dưới bất cứ vỏ bọc nào, cũng bị loại ra khỏi các cuộc bầu cử tương lai. Nhưng Washington đã không nhân cơ hội này yêu cầu Batista định ngày bầu cử, vì cho là chế độ Havana đang vững vàng. Không ai biết đến sự hiện diện của Fidel Castro và phong trào của ông.
Đầu tuần lễ Phục sinh, Fidel Castro đi Oriente, có ghé qua Santiago và vài nơi khác. Chuyến đi này có vẻ giống như kỳ nghỉ thông thường của một luật sư Havana về thăm nhà ở Oriente - chẳng ai ngờ Fidel đang thăm dò khu vực này để tấn công vũ trang Batista. Thật ra, Fidel chọn tuần lễ đặc biệt này mà đi vì ông biết García định thực hiện kế hoạch của ông ta vào chủ nhật Phục Sinh nên ông muốn cả ban lãnh đạo phong trào của mình nên cùng rời khỏi Havana. Abel và Haydée Santamaría dẫn Melba Hernández về quê của họ ở Las Villas còn Jesús Montané thăm cha mẹ ở đảo Thông (Isle of Pines).
Cuối năm 1952, Fidel có ý tưởng đánh chiếm căn cứ quân sự khi Miret đã huấn luyện xong giai đoạn đầu. Giữa tháng giêng và tháng 3 năm 1953, họ quyết định chọn Moncada thuộc tỉnh Santiago, quân trại lớn thứ nhì Cuba, làm mục tiêu tấn công. Trên đường băng qua thành phố Pinar del Río trong một chuyến đi chiêu mộ thêm lực lượng cuối năm 1952, Fidel chỉ tay về phía các doanh trại và quay sang hỏi cộng sự José Suárez Blanco, “Anh nghĩ sao về chỗ này?” Suárez hiểu ngay ngụ ý trong câu hỏi, nhưng cũng biết rất rõ lực lượng Phong trào còn hạn chế nên trả lời, “Chẳng ai có thể vào trong đó được đâu.”
Cái khó là họ còn thiếu vũ khí và Phong trào cũng không có quỹ để mua. Fidel còn không có đủ tiền để nuôi chính ông và gia đình nữa mà chủ yếu nhờ vào sự trợ cấp của bạn bè trong phong trào. Trước tình thế tổ chức sẽ chẳng có được một nguồn tài chính thực sự nào và cũng không có triển vọng nhận được sự hỗ trợ từ nước ngoài, Fidel kết luận tổ chức sẽ không mua mà phải giành lấy vũ khí. Trong một cuộc nói chuyện để động viên tinh thần đồng đội vào những tuần đầu năm 1953, Fidel kết luận: “Nhưng nhiều nơi có đến hơn năm mươi khẩu M-1; nhiều nơi có tận một nghìn khẩu súng trường đã được tra dầu và bảo quản kỹ lưỡng… chúng ta chẳng cần phải gom góp để mua chúng, chẳng cần vô dầu hay làm bất cứ điều gì, chỉ cần đoạt lấy chúng…”
Fidel tự tin đưa ra kế hoạch liều lĩnh này. Tấn công Moncada ở Santiago có hai mục đích: lấy vũ khí hiện đại và giành căn cứ quân sự để phát triển cách mạng trên khắp đảo quốc. Fidel bảo đồng đội rằng trong các cuộc chiến giành độc lập, quân du kích Cuba đã lấy vũ khí sau khi đột kích các pháo đài Tây Ban Nha. Cuộc nổi dậy ở Bogotá năm 1948 cũng vậy, đám đông đã giành lấy vũ khí từ những đồn cảnh sát họ tấn công.
Quyển Kỷ yếu chiến tranh Cuba của Tướng José Miró Argenter – một trong những tài liệu Fidel dày công nghiên cứu - có nói lúc ba chiếc tàu chở vũ khí Cuba bị Mỹ tịch thu, José Martí không sợ vì ông có thể cướp vũ khí của bọn Tây Ban Nha. Fidel cũng nhớ Ernest Hemingway có kể các du kích cộng hòa Tây Ban Nha đã chiến đấu với quân theo chủ nghĩa dân tộc vũ trang và giành lấy vũ khí của họ. Trong các cuộc tiếp xúc với khách đến từ Hoa Kỳ sau này, Fidel thừa nhận rằng ông học được cách tiến hành chiến tranh du kích từ tác phẩm Chuông quyện hồn ai của Hemingway (một điều lạ là dù vậy, trong suốt thời gian dài Hemingway lưu lại ở ngoại vi Havana, Fidel chẳng hề cố gắng tạo mối quan hệ với ông). Ngoài ra, Fidel còn tìm đọc thêm các tác phẩm về các chiến dịch quân đội Xô Viết trong Thế Chiến Thứ Hai.
Trong một bài nói chuyện năm 1966, Fidel lý giải các khía cạnh quân sự trong chiến lược Moncada của mình như sau: “Chúng tôi không định đánh bại chế độ độc tài Batista hay đánh bại quân đội của hắn chỉ với một số ít người. Nhưng chúng tôi nghĩ rằng lực lượng ít ỏi này có thể giành lấy số vũ khí đầu tiên để trang bị cho mọi người; chúng tôi biết rằng quân số của mình lúc bấy giờ không đủ để thắng chế độ đó, nhưng chí ít có khả năng khơi dậy sức mạnh to lớn tiềm ẩn trong nhân dân đủ để lật đổ chế độ này.”
Tuy nhiên cuộc tập kích Moncada bị thất bại do một số nguyên nhân mà Fidel cho là “tình cờ”. Ông chưa bao giờ nhìn nhận rằng quan điểm và kế hoạch của mình có sai sót. Hơn nữa, chẳng ai biết được liệu cuộc Cách mạng vĩ đại có thực sự tiến được những bước dài sau khi chiếm được các quân trại. Đây là vấn đề cơ bản liên quan đến giá trị chiến lược cách mạng ban đầu của Fidel. Rõ ràng Fidel tin rằng những điều kiện thuận lợi đã tồn tại sẵn ở Cuba cho nên sự kiện Moncada có thể khích động một cuộc nổi dậy rộng lớn trên toàn quốc, nhưng khi nhìn lại quá khứ thì nhận định này không hẳn chính xác. Bên cạnh đó, việc liệu ó bị đánh đuổi bởi một số nhóm lực lượng vũ trang ngay cả khi Moncada đã sụp đổ vẫn còn chưa chắc chắn, do vậy Fidel buộc phải chiến đấu để sống còn trước binh lực của chế độ độc tài Batista vốn hùng mạnh hơn. Tuy vậy, thật nghịch lý là thất bại của ông trong vụ đột kích này cộng với lập trường kiên định của ông sau đó đã tạo nên một làn sóng Cách mạng khắp đảo quốc khi Phong trào 26 tháng 7 ra đời. Khi ông khai chiến ở Sierra vào 3 năm sau, điều kiện Cách mạng đã chín muồi. Phát biểu chung rất lâu sau sự kiện này, Fidel tuyên bố rằng “thật sai lầm khi cho rằng nhận thức (Cách mạng) xuất hiện trước rồi mới tới đấu tranh”. Trái lại, ông nói “đấu tranh sẽ mang lại sự thúc đẩy nâng cao nhận thức Cách mạng”. Điều này đặc biệt hiệu quả đối với trường hợp của Fidel cả trong và sau cuộc chiến Sierra, và trong bối cảnh chiến lược có sự thay đổi, tuy nhiên nó cũng có thể thất bại nếu như Fidel và đồng đội của mình bị kẹt trong Moncada với lực lượng ít ỏi trong khi ý thức Cách mạng trong quần chúng nhân dân chưa đủ mạnh. Chiến thuật của Fidel hoàn toàn đi ngược lại lý thuyết Marx-Lenin, chính vì thế mà trong một thời gian dài các đảng viên Cộng Sản từ chối hậu thuẫn cho Phong trào, và cuối cùng ông đã chiến thắng nhờ vào hàng loạt ván bài khó tin và sự tự tin khó ai bì kịp.
Tại phiên tòa xử mình sau vụ tấn công vào Moncada, Fidel lý giải nguyên nhân ông hy vọng thực hiện vụ đột kích một cách bất ngờ và không gây đổ máu một phần là vì ông nghĩ rằng chính quyền chẳng hề ngờ rằng Moncada sẽ bị tấn công; theo truyền thống, các cuộc đảo chính thường nhằm vào Trại Columbia ở Havana hơn. Khi được hỏi anh dự định làm gì nếu chiếm được Moncada, Fidel trả lời “Chúng tôi chỉ dựa vào nỗ lực bản thân và sự ủng hộ của toàn thể nhân dân Cuba mà chúng tôi hy vọng có được nếu thông tin bằng vô tuyến truyền thanh… Nhân dân sẽ hưởng ứng mạnh mẽ nếu chúng tôi liên hệ được với họ. Kế hoạch của chúng tôi là chiếm Moncada rồi phát sóng bài diễn văn cuối cùng của (Nghị sĩ) Chibás ra khắp toàn bộ các đài trong thành phố. Chúng tôi sẽ đọc chương trình Cách mạng của mình cho nhân dân Cuba; tuyên ngôn về các nguyên tắc của Phong trào cảm động nhiều thế hệ Cuba. Đến lúc ấy, lãnh đạo của tất cả các nhóm đối lập sẽ quay sang ủng hộ chúng tôi và tham gia Phong trào. Nhờ vào sự đoàn kết nhất trí của toàn thể nhân dân, chúng tôi sẽ lật đổ được chế độ này…”
Raúl Castro sau này nói “Fidel đã kết luận rằng bộ máy nhỏ bé ban đầu là việc chiếm đóng pháo đài Moncada… khi đến tay chúng tôi, nó sẽ được ráp thành một cỗ máy to lớn, rất có thể là cuộc chiến đấu với quy mô toàn quốc bằng thứ vũ khí mà chúng tôi lẽ ra lấy được bởi luật lệ và phương pháp cùng chương trình mà chúng tôi cũng đã có thể tuyên bố.”
Lúc này, Fidel Castro cho gấp rút huấn luyện quân. Giữa tháng tám 1952 và tháng giêng 1953, chủ yếu là tuyển dụng và tổ chức Phong trào. Nơi huấn luyện được chuyển về vùng quê để có thể dễ dàng tập trận.
Các Fidelistas huấn luyện bất cứ nơi nào có thể. Họ sử dụng trang trại nhỏ nơi Pedro Trigo (một trong những thành viên đầu tiên của Phong trào) sống cùng vợ ở ngoại ô phía Đông Nam của Calabazar, và trang trại này thuộc quyền sở hữu của một người bạn khác ở Catalina de Guines, cách Havana không xa. Tổng cộng có ít nhất mười lăm chỗ huấn luyện và thường xuyên thay đổi cho an toàn. Quân thường đi thành từng nhóm nhỏ bằng xe buýt, dừng lại ở các chốt khác nhau rồi theo hướng dẫn để đi đến chốt cuối cùng.
Oscar Alcalde có phòng thí nghiệm và làm thanh tra bán thời gian trong bộ Tài Chánh vừa tham gia Câu Lạc Bộ Săn Bắn Cerro. Ông thường đưa các đảng viên Phong Trào vào đây tập bắn súng ngắn (nhưng không bao giờ đưa cùng một thành viên vào câu lạc bộ hai lần). Alcalde phải trả ba mươi đến bốn mươi peso tiền đạn và cho tiền nhân viên trong câu lạc bộ để tránh rắc rối. Các đảng viên được chọn tham gia trận Moncada (mặc dù họ không hề được báo trước mục tiêu tấn công) đã thực hiện các bài tập bắn súng sau cùng tại câu lạc bộ này. Họ còn phải qua các bài tập thực hành các tình huống khẩn cấp, và các sĩ quan quân đội sẽ căn cứ vào đó để loại ra những người không đủ sức cho cuộc tấn công sắp tới.
Tuy Fidel rất hiếm khi đến dự các buổi tập nhưng hễ ông đến thì thường quan sát hết sức tỉ mỉ. Có lần đang tập thì một bộ phận nhỏ trong khẩu súng bị rơi mất. Thế là dù trời tối và đang mưa, Fidel vẫn cố sức dò tìm trong đám cỏ cao rồi cuối cùng cũng tìm thấy mẩu lò xo nhỏ, đoạn quay sang người chiến binh, ông nói “Kiên trì thì sẽ chiến thắng.”
Fidel hiểu rất rõ tầm quan trọng của từng món vũ khí trong kho vũ khí khiêm tốn và cũ kỹ của Phong trào, đồng thời kiểm soát kỹ lưỡng việc sử dụng từng viên đạn cũng như từng khẩu súng trường. Các vũ khí hiện đại không chỉ đắt tiền mà còn rất khó kiếm. Một lần, Pedro Miret và Oscar Alcalde, người giữ kho, suýt rơi vô bẫy của bọn cảnh sát mật khi họ đi mua mười khẩu súng tiểu liên Thompson từ một người tự nhận là người tị nạn thuộc Cộng hòa Tây Ban Nha, nhưng hóa ra là một tay mật vụ quân đội. Việc liên lạc được thực hiện thông qua người thứ ba, nhưng nhờ Phong trào được bảo vệ hết sức cẩn mật nên phía cảnh sát không thể nào lần ra được đâu mới là người thực sự định mua số vũ khí đó; Miret và Alcalde kịp trốn thoát khi họ nhận ra mình đang bị một nhóm cảnh sát mặc thường phục áo thun xanh thể thao bao vây tại địa điểm giao dịch.
Miret cho biết ủy ban quân sự cuối cùng quyết định trang bị cho Fidelistas các khẩu súng trường thể thao cỡ 22 và súng săn tương đối rẻ tiền và dễ kiếm. Nói cho cùng, chính là yếu tố bất ngờ chứ không phải sức mạnh hỏa lực sẽ giúp họ chiến thắng. Cuối cùng, kho đạn dược của họ có được súng săn cỡ 44 hiệu Winchester, súng săn tự động Remington, và vài khẩu súng trường bán tự động cỡ 22 hiệu Browning – thêm một khẩu M-1, Springfield và một khẩu tiểu liên Tây Ban Nha mà Miret tích lũy được từ trước. Ernesto Tizol do có một trại gà nên lãnh phần mua súng săn vì như thế sẽ ít bị nghi ngờ. Trong các trường hợp khác, thành viên Phong trào giả mạo các mẫu đơn đặt hàng của các cơ sở kinh doanh mà họ có bạn bè làm việc ở đó. Fidel nhận được một khẩu súng lục Luger mua với giá 80 peso, và ông mang nó theo khi tấn công Moncada. Tại Santiago, Renato Guitart có thể mua một số súng săn và súng trường, cùng năm ngàn viên đạn.
Mối bận tâm thường trực của phong trào lúc bấy giờ là gây quỹ để mua vũ khí, đạn dược, lương thực và những thứ cần thiết để trang bị cho quân đội nhỏ. Nhiều đảng viên Phong Trào và gia đình họ cũng cần hỗ trợ vì họ quá bận rộn với việc cách mạng nên không đi làm được. Theo lời của Fidel tại phiên tòa xử ông sau này, cá nhân các tình nguyện viên mà hầu hết hy sinh trong cuộc đột kích vào Moncada hoặc bị cảnh sát hay quân đội chính phủ giết đã quyên góp được 16.480 peso. Tổng cộng, suốt thời gian tồn tại trước sự kiện Moncada, Phong Trào gom góp được nhiều nhất là khoảng bốn mươi nghìn peso, một con số quá khiêm tốn đến mức các ủy viên công tố không chịu tin.
Phong trào có được một ít tiền do bán các tác phẩm của nhà điêu khắc Fidalgo (ông này tái xuất hiện cuối tháng Năm khi nỗ lực trốn cảnh sát đi New York thất bại) và phần đóng góp rất nhiều của các đảng viên trong và ngoài Phong Trào từ những nguồn khác nhau, như tiền thôi việc, tiền cầm cố nông trại, bán đồ đạc, xe cộ và tiền tiết kiệm.
Naty cũng tham gia với nhóm phụ nữ trong Phong trào, làm việc bất kể giờ giấc để may đồng phục bằng vải mua rẻ của hiệu tạp hóa gần đó. Họ làm nón lính và đính các sọc trên tay áo sĩ quan. Fidel cho chiến binh mặc quân phục Cuba để giấu mình cho tới phút chót. Ông cho mua hai hay ba trăm bộ đồ lính Havana. Song tới cuối tháng Sáu, họ chỉ mua được một trăm bộ nên Phong trào phải may thêm. Theo thói quen, họ không hề bỏ sót bất cứ một cơ hội hay chi tiết nào hết.
Ngày 3 tháng Tư, Fidel Castro đến Oriente để tham khảo ý kiến Pedro Celestino Aguilera, một nha sĩ là lãnh đạo các chi bộ ở đông Cuba. Pedro cho biết tình hình chính trị trong vùng và nhấn mạnh rằng phe chống đối chế độ độc tài Batista đang lan rộng. Đến khi chia tay, Fidel hứa sẽ giữ liên lạc nhưng vẫn không hề đá động đến những gì ông đang hoạch định ở Oriente.
Sau khi chọn Moncada làm mục tiêu tấn công dựa trên những thông tin có được từ các cuộc liên hệ ở Santiago và những kết luận do mình tự rút ra, Fidel gửi phái viên mật đi nghiên cứu kỹ vùng này. Người thì đi Santiago quan sát thể thức thay phiên gác và giờ giấc ở pháo đài, kẻ thì theo ông quan sát từng chi tiết khu vực nhỏ gần dinh và các doanh trại và các đường phố dẫn tới đó.
Chuyến đi này, Fidel cho mua một nông trại nhỏ trên đường đi giữa Santiago và bãi biển Siboney nơi Fidel hay tới hồi còn trung học. Ông và hai đồng sự là Guitart và Tizol bỏ cả ngày xem xét con đường đó rồi đồng lòng chọn một nông trại. Fidel thấy rằng nông trại này là địa điểm tập trung quân tốt trước cuộc tấn công và nơi lui quân khi cần kíp. Nông trại cách khu thị tứ của Santiago và Moncada khoảng mười dặm, và cách vùng đồi Sierra Maestra khoảng bảy hoặc tám dặm. Trong trường hợp gặp nguy cấp ở Moncada, Fidel tính sẽ cho rút quân theo ngả núi Gran Piedra gần đấy, nơi mà ông biết rõ từ nhỏ. Họ nói với chủ trại là định mua để nuôi gà và làm nhà nghỉ gần biển. Ngần ngừ một lúc người chủ mới chịu bán cho họ.
Tháng Sáu, Abel Santamaría đi nông trại Siboney chuẩn bị nhận chuyến vũ khí bí mật. Trước khi Abel đi Fidel dặn nếu có chuyện gì xảy đến với anh thì Abel sẽ thay anh điều khiển Phong Trào. Những người khác thì Fidel cắt đặt mua đồ đạc và tủ lạnh cho nông trại, thuê nệm cho những người đến sau và thuê phòng ở các khách sạn, nhà trọ ở Santiago và Palma Soriano. Fidel định cùng một lúc tấn công các trại lính ở Bayamo trên các nẻo phía tây đến Sierra Maestra. Sau đó, ông đến Charco Redondo liên hệ với các thợ mỏ. Charco Redondo ở ngoại vi Bayamo sẽ là khu vực hỗ trợ cho cuộc tấn công các doanh trại. Kế hoạch đang gần thành hiện thực.
Trên đường về Havana, Fidel nghỉ đêm tại nông trại Birán để thăm cha mẹ và mượn anh trai Ramón 140 peso mà không nói là để cho Phong Trào. Đó là lần cuối cùng Fidel gặp cha. Hai năm sau, ông quá bận không thể về thăm cụ Don Ángel trước khi đi Mexico và ông cụ đã mất trước khi Fidel chiến thắng trở về.
Cuộc chiến -
Chương 15
Cuộc phiêu lưu vĩ đại của Fidel Castro, sau mười bốn tháng mưu tính và chuẩn bị, cuối cùng đã thành hiện thực vào tối thứ Sáu ngày 24 tháng Bảy năm 1953, trong tiết trời mùa hè nóng ẩm ở Havana. Sau khi sắp xếp mọi sự, dặn dò những người ở lại và tạm biệt vài người thân nhất, Fidel bước vào chiếc xe Buick xanh đời 52 vừa thuê cho chuyến đi dài tới Oriente và sẵn sàng đối mặt với số phận.
Fidel, Abel Santamaría và ủy ban quân sự Phong Trào đã chọn sáng sớm Chủ Nhật 26 tháng Bảy để tấn công Moncada và Bayamo. Chỉ có sáu người trong tổ chức biết chính xác thời gian và địa điểm hành động. Hồi tháng Năm, ngay trước lúc Fidel đi Santiago, toàn bộ kế hoạch chiến đấu đã được xem xét lại lần nữa. Fidel, Pedro Miret, José Luis Tasende, và Ernesto Tizol, là bốn thành viên trong ủy ban quân sự còn lưu lại Havana, đã rà soát từng chi tiết trong chiến dịch.
Vài tuần trước khi đi Oriente, Fidel mỗi tối ngủ ở các nhà khác nhau và ít khi về lại căn nhà của mình trên phố Nicanor del Compo Avenue ở Nuevo Vedado để đề phòng bất trắc. Các phong trào của ông trong thành phố cũng tránh tiến hành theo bất kỳ thông lệ nào. Ngày thứ Sáu cuối cùng, ông chuyển từ chiếc Dodge đen sang dùng xe Buick xanh (mướn sáng hôm đó với giá năm mươi Mỹ kim để “đi nghỉ cuối tuần ở Bãi Biển Varadero”) với tài xế là một thành viên trẻ da đen đến từ Oriente. Anh ta tên Teodulio Mitchel, vừa được giao nhiệm vụ chở Fidel đi Santiago vào tối hôm trước dù Fidel chỉ mới gặp anh ta cách đó một tuần. Mitchel từng đi lính và trong năm vừa qua anh làm tài xế lái xe tải ở quê nhà Palma Soriano. Chính tại nơi đây, anh được nha sĩ Aguilera tuyển mộ vào chi bộ Phong trào. Do Fidel cần một tài xế thông thạo vùng đất này đồng thời quen thuộc đối với người dân địa phương nên Aguilera đã gửi Mitchel đến Havana gặp Fidel, và họ nhanh chóng kết thân với nhau. Trong ít nhất bốn mươi tám giờ sắp tới, Fidel sẽ giao sinh mạng của mình vào tay Mitchel. Bằng bản năng của mình, Fidel biết rằng đây chính là người ông có thể tin tưởng.
Những tuần tiếp theo, Fidel gửi dần nhóm nòng cốt tới Oriente, đầu tiên là Abel Santamaría. Đến tuần cuối thì di chuyển phần lớn lực lượng theo cá nhân hay từng nhóm nhỏ bằng xe lửa, xe buýt và xe hơi. Hai phụ nữ duy nhất là Haydée và Melba thì đi bằng xe lửa, họ giấu súng trường trong thùng hoa và vali. Những chuyến vũ khí đạn dược lớn hơn và đồng phục đã được gửi tới trại Siboney vào tháng Sáu và tháng Bảy bằng nhiều phương tiện khác nhau. Đợt vũ khí cuối cùng được mua ở Santiago hai ngày trước khi bắt đầu tấn công.
Raúl Castro vắng mặt trong suốt quá trình chuẩn bị cho cuộc tấn công. Quan hệ khá thân thiết với các đảng viên Cộng sản ở trường đại học (dù chưa trở thành đảng viên) và nhất là với chủ tịch đảng Thanh Niên Xã Hội Chủ Nghĩa là Lionel Soto, Raúl với tư cách là thành viên đoàn đại biểu Cuba đã lên đường đi Vienna (nước Áo) dự Liên Hoan Thanh Niên và Sinh Viên Thế Giới lần thứ Tư do đảng Cộng Sản tài trợ hồi tháng Hai. Sau đấy, anh đi Bucharest, lưu lại Rumani một tháng, rồi tiếp tục cuộc hành trình tìm hiểu Đông u Cộng Sản bằng chuyến viếng thăm Budapest và Prague, “tham quan các nhà máy”, sau đó đi Paris và ở đấy 9 ngày. Raúl về nhà bằng đường biển, đặt chân đến Havana vào ngày 6 tháng Sáu. Sau chuyến đi châu u này, Raúl chính thức gia nhập đảng Cộng sản.
Chính vì lý do này mà Raúl gần như không giữ một vai trò nào trong quá trình xây dựng và định hình phong trào cách mạng. Anh kể lại, sau khi nhận lệnh rời khỏi Havana ngay vào ngày 24 tháng Bảy mà không biết rõ đích đến là đâu nên không thể nào báo tin cho đảng Thanh Niên Xã Hội. “Rất có thể tôi đã phạm lỗi khi không thông tin cho họ,” anh nói. “Chắc chắn là tôi đã phạm lỗi, tuy nhiên tôi gia nhập đảng chỉ mới một tháng rưỡi, và tôi không cảm thấy phải chịu sự ràng buộc (với tổ chức này).” Tuy nhiên, Raúl suýt chút nữa đã bỏ lỡ trận Moncada.
Vừa về đến Havana đầu tháng Sáu, Raúl liền bị bắt với tội danh mang các truyền đơn kêu gọi lật đổ chính phủ, cùng với hai người Guatemala mà anh vừa kết bạn trên đường đi (một thành viên khác cùng đi trên tàu là công dân Xô Viết nhưng không được phép xuống tàu ở Havana, người sau này Raúl gọi là “người bạn Xô Viết đầu tiên của tôi”). Những người Guatemala được phóng thích sau khi có sự can thiệp của các nhà ngoại giao Guatemala, và họ bị trục xuất về nước. Chỉ mình Raúl còn bị giam trong tù.
Melba Hernández đến nhà tù Castillo del Principe với tư cách luật sư bào chữa để tìm cách giải thoát cho Raúl. Theo lời của Melba, khi gặp Raúl cô nhận thấy anh ta rất “phấn khích” về chuyến đi châu u. Cảnh sát tịch thu quyển nhật ký của anh và tên sếp cảnh sát phụ trách điều tra nói với Melba rằng trong đó Raúl ghi “thế giới xã hội chủ nghĩa quả là một thiên đường.” Melba không thể nào xin họ thả Raúl vì anh đã bị khép vô tội “gây rối loạn nơi công cộng” và phải ra hầu tòa. Ngày hôm sau, Fidel xin được phía quan tòa cho Raúl được phép tại ngoại. Nhờ đó mà Raúl mới có thể tham gia được vụ tập kích.
Raúl không thể tham gia đợt huấn luyện quân sự nào trong khoảng thời gian ít ỏi trước trận Moncada, nhưng anh tỏ ra nghi ngại khả năng thành công của bất cứ hành động vũ trang nào mà Phong trào thực hiện bởi lẽ anh nghĩ nhóm này vẫn còn khá nhỏ. Có thể anh chịu ảnh hưởng quan điểm của đảng Cộng Sản đối với các âm mưu nổi dậy, nhưng khi được người bạn José Luis Tasende hỏi liệu anh có tham gia nếu Phong trào ra tay hành động, Raúl trả lời, “Vâng, tôi sẽ đi… Trong Phong trào có anh trai và người bạn thân nhất của tôi là anh Miret, Juan Almeida…” Robert Merle, một sử gia người Pháp đã viết rất nhiều về Moncada, tin rằng “đến thời khắc quyết định chính tình thân đã chiến thắng sự trung thành với lý tưởng.”
Khi ấy Raúl đang ở cùng với Pedro Miret. Tasende đến và bảo anh, “Chúng ta sẽ đi chuyến xe lửa tối nay.” Chiều hôm đó, Raúl đến chỗ Tasende để nhận số vũ khí cần chuyển rồi đi thẳng ra ga. Mười sáu Fidelistas khác theo mệnh lệnh của Tasende cũng đi trên chuyến xe đó, nhưng họ vờ như không hề quen biết nhau. Tasende đến ngồi kế Raúl và đưa cho anh vé. Nhìn thấy nơi đến là Santiago, Raúl hỏi “Moncada à?”, Tasende trả lời khẽ “Ừ.” Họ đến Santiago chiều hôm sau.
Nhờ tài sắp xếp hợp lý của Fidel, khoảng 120 đến 130 người đã đi từ Havana và tỉnh Pinar del Río đến Oriente trong thời gian 23 và 25 tháng Bảy. Ngoài xe lửa và xe buýt, mười lăm xe hơi thuê của các hãng du lịch cũng được dùng cho việc triển khai lực lượng này, mỗi chiếc do một người quan trọng điều khiển. Mỗi chuyến khởi hành đều tuân theo thời gian biểu chính xác bao gồm cả các chặng nghỉ và thời gian đến. Đa số quân tình nguyện không biết mình đi đâu cho tới khi đến nơi và kỷ luật rất chặt chẽ, không có ai được hỏi hay trò chuyện gì trên đường đi.
Fidel Castro luôn quan tâm kỹ đến đời sống riêng và quyền lợi của đồng đội trong Phong trào. Melba kể lại trước khi đi Oriente, Fidel bỗng nhận thấy Gildo, một đảng viên tích cực của Phong Trào đã đính hôn nhiều năm với một cô gái tên Paquita quen từ nhỏ, và trong tình huống xấu nhất rất có thể anh sẽ hy sinh mà vẫn chưa được cưới cô. “Thế là Fidel nhanh chóng tổ chức ở Havana một lễ cưới tươm tất cho Gildo và Paquita, có đầy đủ mọi thứ mà một cô gái mơ ước trong ngày trọng đại này - từ người làm chứng, đến khăn voan và trang điểm cho cô dâu. Họ cũng được hưởng tuần trăng mật. Rồi Gildo ngã xuống trong chiến trận, anh đã không về nữa.” Đây không phải là trường hợp duy nhất. Ba năm sau ở Mexico, Fidel cũng đứng ra tác hợp cho hai đồng đội của mình là Arturo Chaumont, một chiến binh được chọn tham gia cuộc viễn chinh Granma, và Odilia Pino để phòng trường hợp anh có thể sẽ không trở về. Melba kể lại rằng, khi ấy cả hai người vẫn chưa có ý định sẽ kết hôn nhưng Fidel cứ nhất mực “chúng ta phải tổ chức lễ cưới cho họ”. Đồng đội của Fidel bắt đầu than phiền rằng ông can thiệp quá sâu vào đời sống riêng của họ, nhưng Melba thuật lại Fidel tiến hành kế hoạch này y như một “chiến dịch quân sự” để ép Arturo và Odilia đến bên bàn thờ. Cuối cùng, Fidel cũng thuyết phục được họ, và số tiền ông kiếm được không chỉ đủ cho lễ cưới mà còn cho tuần trăng mật ở Acapulco và một món tiền mừng đám cưới từ Phong trào. Ba tháng sau, Arturo Chaumont bị quân Batista bắt và cũng không trở về nữa. Melba Hernández kể: “Fidel luôn bận tâm lo nghĩ làm sao để mang lại hạnh phúc cho bạn bè mình…”
Mặc dù nhiệm vụ cụ thể không được bàn đến suốt nhiều tháng chuẩn bị ròng rã nhưng quân tình nguyện tham gia đông đến mức không có đủ vũ khí trang bị cho họ. Cuối cùng, Fidel và ủy ban quân sự quyết định cho 135 quân tiến công Moncada và 30 quân ở Bayamo, và các chi bộ trưởng được lệnh chọn ra những người tốt nhất cho đủ số. Quân tình nguyện chỉ nhận được chỉ thị mang theo quần áo vì sẽ phải vắng mặt dài ngày.
Thứ Tư trước ngày tấn công, Fidel cùng với nhà thơ Raúl Gómez thảo Tuyên Ngôn Moncada để tung ra cả nước khi quân nổi dậy tấn công Santiago và Bayamo. Cuối ngày hôm đó, Fidel tới nhà Naty Revuelta ở Vedado nhờ cô đánh máy lại bản thảo và sao ra làm nhiều bản, một phần được ông đem đi Santiago, một phần để Naty phân phát cho các lãnh đạo chính trị và chủ bút chính ở Havana khi ông chiếm được đồn Moncada.
Naty, người phụ nữ tóc vàng mắt xanh đã dành phần lớn đời mình cho sự nghiệp của Fidel, cũng đã chọn mua các bài hát cách mạng để phát trên các đài Santiago khi chiến thắng, gồm quốc ca Cuba, các bài ca độc lập, bản Polonaise khải hoàn cung La trưởng của Chopin và bản giao hưởng Eroica của Beethoven. m vang của lòng yêu nước và cách mạng, giai điệu làm sôi sục lòng người, diễn văn từ biệt của Chibás, lời kêu gọi lập lực lượng nhân dân vũ trang và bản Tuyên Ngôn sẽ được dùng để khích động dân chúng nổi dậy chống Batista. Đầu tiên, bản Tuyên Ngôn do “Cách mạng Cuba” ký tên gợi nhớ đến José Martí khi buộc tội Batista với “cuộc đảo chính quỷ quyệt” đem đến “tội ác nhuốm màu máu, sự hèn hạ, lòng tham vô đáy để vơ vét không thương tiếc tài sản quốc gia” đã hủy hoại cuộc “cách mạng đích thực” do José Martí khởi xướng và được các thế hệ sau tiếp nối. Kế đến, bản Tuyên Ngôn công bố rằng “đứng trước tình hình hỗn loạn mà đất nước đang lâm vào, trước sự áp chế của tên bạo chúa này cùng những lợi ích xấu xa của những kẻ ủng hộ hắn, thanh niên Cuba – những người yêu tự do và nhân phẩm con người – đã đứng lên với thái độ chống đối không khoan nhượng nhằm xóa bỏ hiệp ước xuẩn ngốc do sự sụp đổ của quá khứ và dối trá của hiện tại lập ra.”
Trong bản Tuyên Ngôn, Fidel đưa ra cho Cuba chương trình chín điểm, trong đó điểm đầu tiên trình bày “Cách mạng hoàn toàn không hề chịu sự ràng buộc của ngoại quốc”. Sự ưu tiên này thể hiện tinh thần chủ nghĩa dân tộc của ông (nếu không muốn nói là tinh thần chống Mỹ), nhưng đó cũng là chủ nghĩa dân tộc của thế hệ mà Fidel đang sống mà học thuyết Marx không đề cập đến. Bản Tuyên Ngôn còn kêu gọi “công bằng xã hội” và “tôn trọng công nhân và sinh viên,” nhưng những từ ngữ này đã được các chính trị gia Cuba sử dụng từ nửa thế kỷ qua. Về vấn đề đại biểu dân chủ (tức các cuộc bầu cử dân chủ), Fidel tuyên bố “Cách mạng hoàn toàn tôn trọng Hiến pháp năm 1940,” mà Batista đã vi phạm với vụ đảo chính năm 1952. Nói cách khác, khó có thể cho rằng bản Tuyên Ngôn Moncada là lời kêu gọi nhân dân vùng lên, và khi nhìn lại người ta thậm chí tự hỏi liệu nó có đủ sức thổi bùng ngọn lửa đấu tranh trong cả nước.
Dù sao đi nữa, Fidel luôn tin chắc rằng ông và nhà thơ trẻ đã viết được một đoản văn hùng hồn, và một trong những việc quan trọng ông cần làm trong ngày cuối ở Havana là đến nhà Naty Revuelta để lấy các bản sao của Tuyên ngôn. Sáng ra Fidel đi họp với các lãnh đạo Phong Trào tại nhà Santamarías và Melba Hernández. Đoạn ông ra ngoại ô đón hai trung đội trưởng và ra sân bay đón một chi đội trưởng, sau đó đến Santiago de Las Vegas cũng với cùng mục đích. Về Havana, Castro qua nhà Santamaría lấy thêm vũ trang rồi nhà chị Lidia gửi chỉ thị cho nhóm từ Artemisa đến. Ông cũng ghé trụ sở cảnh sát vờ hỏi thăm về một “thân chủ” để dò xem họ có nghi ngờ gì không.
Cứ vậy, ông làm việc liên tục bốn mươi tám giờ không ăn, không ngủ cũng không ngơi nghỉ. Đêm đến, Fidel vội vã ra sân bay để liên hệ với một chuyên viên vô tuyến hàng không mà ông định nhờ đến Santiago giúp đỡ. Trên đường, ông và Mitchel bị một cảnh sát tuần tra giao thông chặn lại do chiếc Buick xanh của họ chạy vượt đèn đỏ. May mắn là họ chỉ phải nộp phạt ngay tại đó sau khi Fidel giải thích rằng họ đang đi ra sân bay để đón người nhà. Giả sử viên cảnh sát giao thông đó quyết định đưa họ về đồn (chuyện này thường xuyên xảy ra đối với các vụ vi phạm giao thông tương tự) thì cuộc cách mạng của Fidel rất có thể bị đình trệ. Dường như lúc nào ông cũng như đang sống bên bờ vực của sự may rủi.
Về tới thành phố, ông bảo tài xế Mitchel để ông lên lầu và “hôn con… vì chỉ Chúa mới biết liệu tôi có thể làm được việc này nữa hay không”. Tuy nhiên, ông không hề hé răng cho vợ biết về kế hoạch của cách mạng hay lý do tại sao ông lại hôn từ biệt con trai. Hành trang ông mang theo chỉ có chiếc áo khoác trắng và tuyển tập các tác phẩm của Lenin.
Chặng dừng cuối cùng là nhà Naty trên phố Mười Một ở Vedado để lấy các bản Tuyên Ngôn và băng các bài hát cô mua cho quân cách mạng phát từ Santiago. Trong hoàn cảnh đó, Naty là người duy nhất không nằm trong ban lãnh đạo cao cấp của Phong trào biết trước vụ tấn công Moncada: cô không chỉ lo mua băng nhạc và đánh máy bản Tuyên Ngôn, mà Fidel còn bảo cô chuyển các bản sao cho lãnh đạo đảng Chính thống, trong đó có Raúl Chibás, em trai cố Nghị sĩ Eddy Chibás cùng ba nhà xuất bản tuần và nhật báo vào sáng sớm Chủ Nhật ngày 26 tháng Bảy. Rồi Fidel chào tạm biệt Naty.
Tối hôm đó, Fidel và Mitchel đi từ Havana tới Oriente khá trễ. Tới Colón, họ ghé nhà bác sĩ Mario Munoz, ông này đang chuẩn bị đi Santiago tham gia đội quân đột kích. Ăn sáng xong, họ dừng lại ở Santa Clara để ghé qua tiệm kính vì Fidel bỏ quên kính cận ở nhà Melba tại Havana.
Tối thứ Bảy ngày 25 tháng Bảy khoảng sáu giờ, Fidel đi đến quán Gran Casino để nói chuyện với hai mươi lăm người sắp tấn công quân trại rạng sáng hôm sau. Trước đó họ đã đến bằng xe hơi và xe lửa và Fidel rà soát lại với họ các tình tiết kế hoạch tác chiến. Sau khi rời Bayamo lúc 10 giờ tối, họ gặp một cảnh sát xét giấy tờ và lục soát xe, Mitchel lúc này mới có dịp chứng tỏ tầm quan trọng của mình. Mitchel nhận ra viên cảnh sát là một người bạn cùng quê liền gọi tên anh ta. Viên cảnh sát nói “Ủa, anh đó hả Mitchel? Thôi anh đi đi.”
Đến nửa khuya, Fidel và Mitchel tới Santiago đương lúc lễ hội Carnival hàng năm diễn ra tưng bừng tại Oriente. Ở Cuba, lễ Carnival rơi vào tháng Bảy và Santiago luôn nhộn nhịp với âm nhạc và các điệu nhảy vui nhộn trên đường phố suốt từ ngày thứ Sáu cho đến đêm Chủ Nhật. Fidel chọn thời điểm tấn công là vào sáng sớm Chủ Nhật, ngày 26 tháng Bảy vì hầu hết bọn quan lính sẽ nghỉ phép cuối tuần và canh phòng sẽ lỏng lẻo bớt.
Hai người ra phố uống cà phê, đoạn đi xe xuống Siboney. Nông trại lúc bấy giờ tối om và do Jesús Montané đứng chốt canh. Hiện có 118 quân nổi dậy cộng thêm Melba và Haydée có mặt trong nông trại. Hầu hết đến từ Havana qua Santiago trưa hôm đó và đều mệt mỏi vì trời nóng và thiếu ngủ. Melba và Haydée đã chuẩn bị cơm gà cho đoàn quân và đang ủi 120 quân phục ở trong căn phòng duy nhất sáng đèn.
Abel Santamaría báo với Fidel mọi sự đã sẵn sàng, và lúc hai giờ sáng Fidel nhất định trở lại Santiago làm nhiệm vụ chót: tìm Luis Conte Aguero, một phát thanh viên nổi tiếng kiêm nhà chính trị thuộc đảng Ortodoxo ở Oriente. Fidel muốn tìm Conte để nói về cuộc đột kích và thuyết phục anh ta hợp tác phát thanh với cách mạng. Abel đi với Fidel trong khi những người còn lại nghỉ ngơi. Chiều hôm đó, họ lấy vũ khí được giấu trong chiếc giếng cạn ở nông trại lên còn xe hơi thì giấu trong mấy trại gà. Khi đến nơi, Fidel thất vọng khi biết Conte đang ở Havana và họ về lại Siboney lúc 3 giờ sáng. Suốt bốn đêm liên tiếp không ngủ nhưng Fidel vẫn sung sức và tỉnh táo. Sau đấy có thêm một vài người đến nữa, cuối cùng quân số đến đủ 131 người kể cả bác sĩ Munoz, Melba và Haydée và Fidel.
Lúc này, Abel lại đòi dẫn đầu nhóm quân chính thay cho Fidel. Theo kế hoạch thì Fidel sẽ tấn công pháo đài trong khi Lester Rodríquez qua tòa án bên kia đường còn Abel chiếm lấy bệnh viện gần đó. Fidel muốn Abel ở bệnh viện vì nơi đó có vẻ an toàn nhất, để phòng khi lỡ Fidel bị giết thì Abel sẽ thay ông lãnh đạo Phong Trào. Song Abel khẩn khoản với Fidel “Đừng có như José Martí liều mình không cần thiết.” Fidel đáp “Tôi phải là người dẫn đâu các chiến binh mới được.” Cuối cùng Fidel ra lệnh “Thôi, đã quyết định rồi: Anh sẽ đi tới bệnh viện.”
Sau đấy, Fidel còn phải tranh cãi với cả Melba và Haydée nữa. Hai cô này đều muốn tham gia tấn công song Fidel nói, “Không được, các cô đã làm việc cật lực lắm rồi. Các cô phải ở lại nông trại.” Lúc đó bác sĩ Mumoz giải quyết cho hai cô này đi theo ông và Abel đến chiếm bệnh viện. Đây là bệnh viện dân sự không có lính canh, Melba và Haydée sẽ giúp ông với vai trò y tá.
Bốn giờ sáng, Fidel họp quân lại trong căn nhà tối để tóm lại kế hoạch tấn công; chỉ đến lúc này họ mới biết phải tấn công trại Moncada. Khi ấy bỗng một người lỡ tay bắn một phát súng trường làm mọi người bị một phen hoảng kinh vì sợ bị phát giác, nhưng may mắn là ở khu đó không ai nghe thấy. Giải thích xong chiến dịch mà Fidel cho là chỉ kéo dài không tới 10 phút, ông nói: “Vài giờ tới đây các bạn sẽ thắng hoặc thua nhưng dù kết quả thế nào thì phong trào vẫn thắng lợi. Nếu ngày mai thắng thì những hoài bão của Martí sẽ thành hiện thực sớm hơn. Còn ngược lại hành động của chúng ta sẽ làm gương cho dân chúng Cuba, từ đó sẽ có những thanh niên sẵn sàng chết cho Cuba. Họ sẽ dựng lại cờ và tiến lên… Các bạn đều biết kế hoạch của chúng ta rất nguy hiểm nên chúng ta phải làm thật tự nguyện. Vẫn còn thời gian để quyết định… Ai đã quyết định rồi thì hãy tiến lên. Nên nhớ là không được giết người trừ khi không còn cách nào khác.” .
Một người hỏi Fidel nếu bắt được tù nhân rồi thì làm gì với họ, Fidel đáp “ Đối xử với họ thật nhân đạo, đừng lăng mạ họ. Và nhớ rằng bạn phải xem cuộc sống của người không có vũ khí hết sức thiêng liêng đối với mình.” Đột nhiên, một trong số bốn sinh viên đại học trong nhóm bảo rằng họ quyết định không tham gia vì họ nghĩ rằng binh lực bên phe mình chưa đủ sức để hoàn thành nhiệm vụ này. Nổi giận pha lẫn với khinh bỉ, Fidel ra lệnh nhốt các sinh viên này trong phòng tắm và cắt đặt người canh phòng. Sau đó, chuyên viên truyền thanh đến từ phi trường Havana cũng thông báo là sẽ không tham gia vào các “hành động bất hợp pháp”; anh ta cũng bị nhốt vô phòng tắm chung với bốn sinh viên kia. Lúc bấy giờ, Fidel có được 123 người cộng thêm hai phụ nữ để bắt đầu cuộc cách mạng.
Theo lời Fidel, khi ông bắt đầu với chiến dịch Moncada, “chỉ có một nhóm nhỏ những người có tinh thần trách nhiệm và kỷ luật tốt nhất, những người đã có sẵn nền tảng chủ nghĩa Marx,” và chính ông đã dấn thân trong bối cảnh này với “lực lượng nòng cốt” như thế. Nhớ lại các sự kiện này trong các cuộc trò chuyện năm 1985, Fidel nhấn mạnh “những phẩm chất chúng tôi yêu cầu từ phía đồng đội của mình, trước nhất, là lòng yêu nước, tinh thần cách mạng, sự nghiêm túc, danh dự, khuynh hướng đấu tranh… và sự hòa hợp giữa mục tiêu và nguy cơ của… cuộc đấu tranh vũ trang chống Batista.”
Định nghĩa của Fidel về cấu trúc hệ tư tưởng của các nghĩa quân Moncada hoàn toàn đồng nhất với những gì mà các thành viên đầu tiên tham gia Phong trào hồi tưởng lại. Tức là, trong suốt thời gian chuẩn bị cho cuộc tấn công vào Moncada, cương lĩnh chính trị của Phong trào chủ yếu đi theo truyền thống của Martí. Điều này đã được nguồn gốc chính trị của nhóm nghĩa quân Moncada xác minh. Theo lời nhà sử học của cách mạng là Mario Mencía, trong số 148 người tham gia các hoạt động ở Moncada và Bayamo chỉ có hai đảng viên Cộng sản: Raúl Castro, vừa mới gia nhập đảng sáu tuần trước và chẳng có ảnh hưởng gì đến các quyết định của Phong trào, cùng anh công nhân nhà máy đường Luciano González Camejo. Bên ngoài đảng, chỉ có Fidel và một thành viên trong ban lãnh đạo Phong trào biết được quan điểm của Raúl. Fidel và Abel Santamaría tự coi mình là môn đồ trung thành của chủ nghĩa Marx, nhưng phần đông các thành viên còn lại chỉ hiểu được quan điểm công bằng xã hội ở mức độ khiêm tốn dựa trên kinh nghiệm của người dân Cuba.
Như Fidel đã liên tục nhấn mạnh, ông tuyển mộ các thành viên Phong trào từ những người thuộc giai cấp lao động đi theo đảng Ortodoxo của Nghị sĩ Chibás, một tổ chức đứng lên bênh vực công bằng xã hội, luật lệ phúc lợi xã hội vì phần lớn dân nghèo Cuba và vì chủ nghĩa dân tộc phi Cộng sản. Fidel cũng có thể đã cho rằng một khi chứng kiến tiến trình thắng lợi của cách mạng, những nông dân và công nhân đảng Chính thống này sẽ được thúc đẩy đến với chủ nghĩa xã hội, từ bỏ sự hoài nghi vốn có đối với những gì gắn với chủ nghĩa Marx. Ông thường quy ác cảm đối với chủ nghĩa cộng sản này cho “sự tuyên truyền chủ nghĩa đế quốc” trong cuộc chiến tranh lạnh, như theo ghi chép thì đó là do trong lịch sử đảng Cộng sản Cuba không có khả năng thu hút quần chúng. Mặt khác, khi Chibás lập ra đảng Ortodoxo, hàng trăm ngàn công nhân trước đây thường thờ ơ với các hoạt động chính trị lại đổ xô gia nhập có thể chỉ vì sức thu hút mạnh mẽ của bản thân ông.
Dù sao “quân đội” Fidelistas cũng mang nguồn gốc giai cấp lao động. Chỉ những người lãnh đạo là thuộc tầng lớp trí thức. Bốn người trong số họ đã tốt nghiệp đại học: Fidel Castro và Melba Hernández là luật sư, Mario Munoz là bác sĩ còn Pedro Celestino Aguilera là nha sĩ. Nhà thơ Raúl Gómez García, Pedro Miret, Raúl Castro, Lester Rodríguez, và Abelardo Crespo đều từng là sinh viên đại học. Phần đông thành viên của Phong trào chỉ mới học tiểu học, và nhiều người còn chưa được đến trường. Mặc dù không có bằng đại học nhưng năm thành viên Phong trào đã làm nhân viên kế toán cho nhà nước – trong đó có Abel Santamaría và Jesús Montané – hai nhân vật hàng đầu trong đội ngũ nghĩa quân. Chưa đến hai mươi người kiếm được trên hai trăm peso mỗi tháng. Nhóm đông nhất là công nhân xây dựng (thợ mộc, thợ sơn, thợ hồ, v.v.), rồi tới nông dân, đầu bếp và bồi bàn, nhân viên văn phòng, tài xế, thợ giày, thợ máy, thợ làm bánh, người giao sữa, người giao nước đá, bán hàng rong và người làm ăn riêng (kinh doanh du lịch chẳng hạn). Ngoài ra còn có rất nhiều thanh niên thất nghiệp trong hàng ngũ cách mạng. Chiến binh cao tuổi nhất trong Phong trào là Manuel Rojo Pérez, một nông dân 51 tuổi. Fidel mô tả đồng đội hồi chiến dịch Moncada của mình một cách chính xác trong một bài diễn văn năm 1965 như sau: “chúng tôi có khả năng hiểu được một số nguyên lý cơ bản của học thuyết Marx – sự thực là xã hội bị phân chia thành hai tầng lớp: bóc lột và bị bóc lột… Nhiệm vụ trước mắt – chiến đấu với nguồn lực ít ỏi chống lại binh lực hùng mạnh đã san bằng đất nước này - chiếm hầu hết mọi sự quan tâm của chúng tôi.”
Tháng Mười Hai năm 1961, khi thông báo cho cả thế giới biết sự trung thành của mình đối với chủ nghĩa Marx-Lenin, Fidel cho biết ông đã được hỏi liệu tại thời điểm tấn công Moncada ông có nghĩ giống như vậy không. Fidel nói thêm, “Ngày ấy tôi suy nghĩ cũng tương tự như bây giờ. Đó là sự thật.” Và trong bài diễn văn nhân kỷ niệm trận Moncada hồi năm 1965, ông nhấn mạnh “trong số các quyển sách của chúng tôi bị họ lấy đi (sau trận Moncada) có sách của Martí và Lenin”.
Năm 1975, Fidel phát biểu “lực lượng nòng cốt trong ban lãnh đạo Phong trào của chúng tôi… đã dành một phần thời gian để nghiên cứu Marx, Engels và Lenin,” và đặc biệt là các tác phẩm Tuyên ngôn đảng Cộng sản của Marx và Engels, Nhà nước và Cách mạng của Lenin, và Karl Marx: Câu chuyện cuộc đời của Mehring. (Những người chỉ trích Fidel thường vịn vào chuyện Fidel trả lời - trong một cuộc phỏng vấn ngắn không lâu sau cuộc cách mạng - rằng trước trận Moncada ông chỉ mới đọc hết 370 trang trong quyển Tư bản của Karl Marx như là một minh chứng cho thấy sự thiếu sót trong hệ tư tưởng của Fidel, nhưng đây không phải là một luận cứ nghiêm túc). Melba Hernández, người thân cận với Fidel và chị em nhà Santamaría nhất trong suốt giai đoạn hoạt động bí mật trước trận Moncada, kể lại “chính Fidel đã hướng Abel vào việc tìm đọc và nghiên cứu chủ nghĩa Marx-Lenin… Cần phải nói rõ là chính Fidel đã giúp định hình về mặt hệ tư tưởng cho Abel Santamaría.” Trong suốt một năm, Melba thấy họ cùng nhau đọc sách mỗi ngày đến mấy lần.
Trước khi mất (năm 1980), Haydée Santamaría hồi tưởng lại những kỷ niệm về cậu em trai Abel, người đã hy sinh tại trận Moncada. Abel đã được Fidel khuyến khích tìm hiểu sâu hơn về chủ nghĩa Marx khi họ đang tổ chức phong trào cách mạng. Nhưng Haydée còn nói thêm, ngay cả khi có nguy cơ bị xem là “phi chính trị” Abel vẫn nhất mực từ chối tham gia đảng Cộng sản bởi lẽ anh biết mình sẽ không thể được tự do chính trị mà anh có được khi ở trong đảng Ortodoxo. Sau trận Moncada, tại nông trại El Siboney quân đội tìm thấy tập đầu tiên trong bộ sách gồm hai quyển là một trong các tác phẩm của Lenin được dịch sang tiếng Tây Ban Nha. Trên trang bìa có ký tên Abel; chế độ Bastista đã sử dụng nó làm bằng cớ cho rằng cuộc tấn công này là âm mưu của đảng Cộng sản, và báo chí đăng hình một sĩ quan quân đội ở nông trại, tay phải cầm khẩu súng trường còn tay trái ngạo nghễ giơ quyển sách Lenin mà hắn lấy được.
Từ năm 1961 đến 1985, Fidel luôn mô tả một cách nhất quán bản thân, bạn bè, và sự tiến triển về mặt hệ tư tưởng của Phong trào. Riêng trong trường hợp của mình, ông nhấn mạnh đến từng bước phát triển trong hệ tư tưởng của mình cả trong suy nghĩ lẫn biểu hiện bên ngoài. Nguyên tắc của ông là tiến từng bước, một cách khôn khéo và có tính toán. Tại Moncada, Fidel mong muốn được xem như người bảo vệ nền dân chủ của Cuba và xã hội khỏi sự hủy hoại của chế độ thống trị Batista. Tiếp theo đó, ông lựa chọn công khai tán thành chủ nghĩa Marx – Lenin. Những người chỉ trích cho rằng ông đang lừa dối; còn bản thân Fidel lại thấy mình xứng đáng được tán thưởng bởi chiến lược cách mạng thông minh này, và ông luôn dựa trên luận điểm “lịch sử chứng minh” của Martí và Marx – có nghĩa là yêu cầu lịch sử sẽ bào chữa cho phương tiện. Trong suốt cuộc nổi dậy, Fidel chưa hề công khai phê phán các đảng viên Cộng sản ngay cả khi họ từ chối giúp đỡ ông.
Nhìn lại chặng đường vừa qua của lực lượng Fidel, có thể thấy rõ Fidel đã tổ chức một phong trào cách mạng dù với mục đích là đánh đuổi Batista nhưng ngay từ bên trong đã thiếu tính dân chủ. Nhìn từ bên ngoài, Phong trào chỉ do một số ít cá nhân lãnh đạo (Fidel và Abel Santamaría, sau này thì chỉ còn một mình Fidel do Abel hy sinh ở Moncada) với niềm tin vững chắc là chương trình quân sự cần phải hoàn tất trước khi chương trình chính trị được mở ra
Trong những năm lãnh đạo phong trào, Fidel còn cho thấy một khía cạnh khác thể hiện tính nhất quán trong hành vi chính trị của mình: Một khi đã đặt chủ nghĩa Marx-Lenin làm học thuyết chính thức của Cuba, Fidel thu nhận các đảng viên Cộng sản, những người vốn là bạn đồng môn từ thời sinh viên dù họ chưa từng tham gia bất cứ hoạt động cách mạng nào của ông, và thường xuyên thăng cấp cho họ. Điều này đã khiến không ít chiến binh Fidelistas kỳ cựu bất mãn. Từ mạng lưới Cộng sản ở trường đại học có Lionel Soto, người đã dẫn Raúl đi Đông u và nhiều năm làm Đại sứ Cuba ở Liên Xô, và tại Kỳ họp thứ Ba của Đảng Cộng Sản năm 1986 được chọn làm bí thư cho Ban chấp hành trung ương. Ngoài ra còn có Flavio Bravo Pardo, từng làm tổng thư ký cho đảng Thanh niên Xã hội chủ nghĩa, là thành viên của Ủy ban trung ương và chủ tịch của Quốc Hội; Alfredo Guevara, người bạn đảng viên Cộng sản đầu tiên của Fidel, thường xuyên tới lui giữa Havana và Paris như một “đại sứ văn hóa”, rất thân thiết với Fidel và Raúl. Hầu hết những người thuộc hàng ngũ cựu đảng viên Cộng sản – các nhà lãnh đạo đồng thời là ánh sáng đưa đường trước và sau thời Batista – đều giữ trọng trách trong Bộ chính trị và Ủy ban trung ương cho tới khi tuổi tác và sức khỏe của họ còn cho phép. Tại Kỳ họp lần thứ Ba năm 1986, chính Fábio Grobart, lúc bấy giờ đã được bát tuần và là đồng sáng lập đảng Cộng Sản Cuba hồi năm 1925 duy nhất còn sống, đã chính thức giới thiệu Fidel với các đại biểu.
Lúc phác họa kế hoạch tấn công Moncada, Fidel Castro đã bảo với quân tình nguyện rằng yếu tố bất ngờ rất quan trọng, do đó phải tấn công thật nhanh gọn. Ông cố nén lòng để không phải giải thích những gì sẽ xảy ra sau đó. Ở phiên xư, ông chỉ nói chắc chắn dân Cuba sẽ nổi lên ủng hộ ông và thủ tiêu chế độ độc tài. Fidel đã không chia sẻ khái niệm chiến lược của ông với kẻ thù bởi khi ấy ông đã bắt đầu nghĩ về giai đoạn tiếp theo của cách mạng. Rõ ràng, các kế hoạch của ông cực kỳ tham vọng.
Pedro Miret, thành viên ban quân sự của phong trào đã nói ở Havana vào năm 1985 rằng mục tiêu cuộc đột kích Moncada là để “cô lập vùng Oriente, vốn rất dễ dàng bị cô lập”. Thông tin liên lạc thời bấy giờ giữa Havana và các căn cứ quân sự địa phương không được quan tâm phát triển đầy đủ cho tới sau vụ tấn công vào Moncada. Fidel, nhà chiến lược bẩm sinh chưa từng học về quân sự, lý luận rằng để củng cố quân đội cho đến khi tới Santiago rồi cố gắng chiếm Moncada và thành phố, cần phải đi từ Holguín, một thành phố phía bắc Oriente, xuống xa lộ trung tâm nơi có sẵn ít nhất một quân đoàn. Tuy nhiên, xa lộ đường núi dẫn qua Bayamo nên phải cố giữ các đồn Bayamo đồng thời chiếm Moncada. Sau đó quân cách mạng sẽ cho nổ cây cầu bắc qua sông Couto chảy qua Bayamo để cắt hẳn xa lộ nối Holguín với Santiago. Về mặt lý thuyết, ít nhất phía nam tỉnh Oriente sẽ do quân nổi dậy chiếm đóng biến thành “khu vực tự do”, quan điểm này Fidel đã lặp lại khi khởi động cuộc chiến tranh Sierra cuối năm 1956.
Như đã nói, Fidel dự đoán rằng ông sẽ được ủng hộ rộng rãi sau khi chiếm Moncada ở Oriente, vốn có bề dày lịch sử nổi dậy, nơi đã khởi đầu những cuộc chiến giành độc lập của Cuba và ông hy vọng lực lượng dân quân có vũ trang sẽ nổi dậy giúp sức cho cách mạng. Hơn nữa, Santiago nằm giữa bờ biển Caribê và vùng núi, chỉ có một ngõ vào chính từ đất liền, nên cũng dễ bảo vệ. Theo tài liệu nghiên cứu chiến dịch Moncada do Bộ phận Lịch sử thuộc Ban đường lối chính trị của lực lượng vũ trang cách mạng công bố vào năm 1983, chiến lược Fidel đưa ra là “vùng lên nổi dậy, kêu gọi tổng đình công và dành thời gian vận động quần chúng cả nước đứng lên đấu tranh.” Santiago là trung tâm quân sự lớn thứ nhì Cuba, nằm ở đầu kia đảo quốc so với Havana, khiến cho kế hoạch càng thêm hấp dẫn bởi rất khó chuyển quân chính phủ tới đó. Sau khi lấy vũ khí từ các doanh trại ở Bayamo và Moncada, Fidel sẽ bỏ các tòa nhà để tránh bị tấn công từ trên không vì ở hai nơi đều không có súng phòng không.
Nếu chế độ Batista không sụp đổ ngay, quân Fidel sẽ tiến hành các “cuộc chiến bất thường” ở vùng núi và ruộng đồng giống như các chiến binh độc lập đã làm hồi thế kỷ mười chín. Ở gần núi, nếu mâu thuẫn kéo dài sẽ dễ chuyển thành chiến tranh du kích. Công trình nghiên cứu chính thức kết luận rằng kế hoạch của Fidel thật là tuyệt hảo, song “yếu điểm của nó là toàn bộ phần còn lại của kế hoạch đều chỉ dựa vào một hành động duy nhất”. Nếu không chiếm được các doanh trại thì “coi như cả kế hoạch thất bại”. Tuy nhiên, nghiên cứu cũng bổ sung “đây là phương án khả thi duy nhất của quân nổi dậy” và “họ buộc phải làm theo”.
Phần kết luận này nhận định rằng Fidel Castro sẵn sàng chịu rủi ro bởi đó là tính cách và bản chất của ông. Fidel cũng tin quân của ông sẽ thắng. Trong đêm tối ở El Siboney, chỉ vài phút trước 5 giờ sáng ngày 26 tháng Bảy, những thanh niên Cuba cùng nhau khẽ hát quốc ca. Họ đã sẵn sàng tiến bước.
Cuộc chiến - Chương 16
Trại Moncada ở Santiago, gồm các dãy nhà và cánh đồng hình chữ nhật không đều nhau trải rộng trên diện tích 6 hecta. Thoạt tiên, nơi đây được người Tây Ban Nha xây dựng làm pháo đài và được tái xây dựng sau vụ hỏa hoạn năm 1938. Pháo đài mang tên tướng Guillermo Moncada của Quân Giải Phóng trong cuộc chiến giành độc lập. Từ khi nước Cộng hòa Cuba ra đời, nơi này giữ vai trò là cơ sở chủ yếu bảo vệ an ninh trong nước, bởi lẽ hầu như không thể nào từ bên ngoài tấn công vào Santiago.
Vào thời điểm đột kích rạng sáng ngày 26 tháng bảy năm 1953, Moncada là sở chỉ huy Quân Đoàn Bộ Binh 1, còn được biết đến với tên gọi Quân đoàn Maceo (Tướng Antonio Maceo là người hùng của cuộc chiến giành độc lập khi trước), gồm có 402 người, trong đó hết 288 là binh nhì. Cũng có hai mươi sáu vệ binh địa phương túc trực ở đó. Theo Fidel tính thì vào đêm lễ hội, các trại sẽ có quân số ít hơn phân nửa, kể cả những người lỡ dịp nghỉ phép và nhiều người ngủ li bì hay say xỉn. Để tấn công trại Moncada, Fidel sẽ dẫn theo bảy mươi chín người, số quân còn lại sẽ được phân bổ vào các mục tiêu lân cận và một nhóm quân khác được triển khai về tỉnh Bayamo. Kế hoạch của ông được lên theo cái cách một là thành công hai là thất bại hoàn toàn, cho dù có thêm người hay không.
Trại Moncada được chia thành hai phần chính. Phần phía đông là bãi tập bắn còn khu phía tây là pháo đài chính mục tiêu của nghĩa quân. Khu vực này gồm những tòa nhà đồn trú với các bức tường dày, cao hai tầng nằm ở mạn đông. Cổng chính vào pháo đài được đặt ở đây, và dọc theo các cổng ở các khu nhà chiếm hết nửa mạn nam và bắc. Nửa còn lại của mạn nam và bắc cùng toàn bộ chiều dài của sườn phía tây đều có tường rào vây quanh. Bên trong khuôn viên pháo đài, sân tập nằm ở phía tây bắc còn các câu lạc bộ dành cho sĩ quan và binh nhì nằm ở tây nam.
Có thể vào trong pháo đài qua cổng chính rồi tới tòa nhà chỉ huy có chốt canh, nhưng tấn công trực diện như vậy hết sức liều lĩnh và kém khôn ngoan. Cũng có cổng ở phía tây và phía đông nhưng quá xa trung tâm pháo đài. Do vậy Fidel chọn cổng số 3 ở phía đông nam pháo đài ngay phía nam cổng tòa nhà trụ sở. Các xe sẽ vào sân theo lối này và quân nổi dậy ở trong sân sẽ ập vào bất thần chiếm trại.
Để thêm an toàn, Fidel đã quyết định chiếm Dinh Công Lý (Tòa án Santiago) cao ba tầng cách đó một căn phố về phía nam để yểm trợ hỏa lực cho sân trong. Khoảng giữa pháo đài và tòa án chỉ có các căn nhà nhỏ của sĩ quan thuộc quân đoàn và bên ngoài quân đoàn. Bệnh viện quân y ở gần tòa án song Fidel cho rằng ở vị trí đó bắn không tốt. Tuy nhiên, ông ra lệnh chiếm bệnh viện công dân Saturnino Lora, tòa nhà hai tầng trông xuống bức tường phía tây của doanh trại, và có thể từ bên kia đường bắn qua.
Fidel đã nghiên cứu sơ đồ và an ninh của quân trại Moncada nhiều tháng liền và kết luận nghĩa quân sẽ ập vào qua cổng số 3, tước vũ khí bọn lính canh rồi mở cổng trại cho các xe vào sân. Sau đó, nghĩa quân sẽ chạy lên lầu, tước vũ khí bọn lính đang ngủ (chỉ giết nếu chúng dùng vũ khí chống cự), làm chủ máy phát thanh của pháo đài rồi tỏa ra khắp trại Moncada với vũ khí vừa chiếm được. Đây là toàn bộ kế hoạch và Fidel không hề thấy có chút sơ hở nào; quân trinh sát của ông còn biết được giờ giấc chính xác đội tuần tra gồm hai người đi qua cổng số 3 trong suốt ca gác đêm vòng quanh pháo đài. Nghĩa quân dự tính rằng bình minh hôm đó đội tuần tra cũng sẽ làm việc đúng y lịch trình này.
***
Lúc 4:45 sáng, mười sáu xe chở Fidel Castro cùng một trăm hai mươi ba nghĩa quân, kể cả Haydée Santamaría và Melba Hernández, bắt đầu xuất phát từ Silboney. Chiếc xe đầu tiên hiệu Pontiac 1950 do Abel Santamaría lái; đội quân lãnh nhiệm vụ tước vũ khí lính canh đi trong xe thứ tư là một chiếc Mercury 1950, và Fidel lái chiếc Buick 1953 đi ở hàng thứ năm. Các xe sẽ được chỉ địa điểm tấn công trên đường đi Santiago vì trên xa lộ dễ tổ chức xe cộ hơn bên trong khoảng sân tối om ở nông trại.
Tất cả nghĩa quân đều mặc quân phục Cuba (còn Haydée và Melba mặc quần dài và áo kiểu thông thường). Nghĩa quân và quân chính phủ chỉ khác nhau ở vũ khí. Nếu như lính trong quân đoàn Maceo mang những khẩu súng trường Springfield đời mới cỡ nòng 30 hiện đại thì vũ khí của lực lượng nghĩa quân chỉ là các khẩu súng săn, súng trường thể thao bán tự động cỡ nòng 22, một ít khẩu súng trường Winchester nòng đã bị cưa gần hết, mỗi một cây M-1 và súng tiểu liên Browning. Có thể nói họ đáng thương hay hết sức can đảm, những nghĩa quân này đã được huấn luyện cách sử dụng vũ khí của mình một cách tuyệt vời.
Để tránh bị phát giác sớm, quân nổi dậy không mang theo giấy tờ gì hết. Fidel và một nhóm trông lớn tuổi hơn mặc đồ trung sĩ có sọc trên tay áo (nhiều người trong lực lượng quân đột kích Moncada chỉ vừa mới qua hai mươi tuổi; Raúl Castro được 22 tuổi nhưng trông trẻ hơn nhiều). Mục đích của họ khi mặc quân phục có cấp bậc cao là để lính của Batista trong đồn nể sợ không dám tra hỏi: chính Batista đích thân lãnh đạo nhóm các sĩ quan nổi dậy hồi năm 1930 và giành được quyền hành trên lãnh thổ Cuba, cho nên đây là cấp bậc rất được nể trọng. Fidel đã cạo râu trước ngày đột kích để không ai nhận ra được mình.
Có vẻ như chính phủ không hề hay biết trước cuộc nổi dậy này. Đêm hôm Fidel đến Siboney, ông rất tức vì nghe nói thứ sáu ngày 24 nhân lễ hội, trưởng ban quân sự quận Oriente đã lệnh mở cửa trại Moncada cho công chúng vào chơi. Ông luôn lầm bầm giận dữ “lỡ mất dịp may rồi!” Nếu biết trước vậy, ông đã cho quân thâm nhập vào trại Moncada thì chiếm pháo đài sẽ dễ dàng hơn biết bao.
Giữa mùa hè, cả Cuba thật lặng lẽ. Tướng Batista từ mấy ngày qua đã lên chiếc du thuyền Marta II của mình để đến khu nghỉ mát sang trọng thuộc vùng biển Varadero. Gần quê nhà Batista là Barnes thuộc Oriente (không xa quê nhà Birán của Fidel lắm), 150 nông dân bị bọn phòng vệ địa phương bắt vì cư ngụ trái phép trong các căn nhà trên lãnh địa nhà máy đường Santa Lucia, câu chuyện này cũng đã được đăng trên tạp chí Alerta hôm Chủ Nhật, ngày 26 tháng bảy, khi quân đội Fidelistas tấn công Moncada.
Tuy vậy, mọi việc bắt đầu không như mong đợi. Chiếc xe thứ ba rời Siboney là một chiếc Chevrolet 1948 màu đen do Mario Dalmau lái, chở năm người trong đó có chỉ huy Raúl Castro. (Đến phút cuối, Fidel cho em trai chỉ huy một trong ba chi đội nhỏ tấn công vào Moncada). Trên đường tới mục tiêu Dinh Công Lý, họ đi nhầm đường rồi cuối cùng đến tòa án trễ mất vài phút, lúc đó trận đánh đã bắt đầu rồi.
Chiếc xe thứ sáu chở Boris Luis Santa Coloma (hôn phu của Haydée và là thành viên trong ủy ban dân sự của Phong trào) cùng bảy chiến binh khác bị xẹp bánh lúc vừa rời nông trại. Boris cùng ba người phải chuyển qua xe khác, còn những người kia bị bỏ lại cùng với chiếc xe vì không đủ chỗ. Bấy giờ chỉ còn lại 113 chiến binh và mười lăm chiếc xe.
Bốn sinh viên, vài giờ trước đó đã quyết định không tham gia vào trận đánh, được lệnh của Fidel cho rời nông trại vào phút cuối để về nhà nhưng lại trái lệnh ông nhập vào đoàn xe lúc tối trời. Khi tới Santiago, họ rẽ trái ra xa lộ trung tâm đi về hướng Havana khiến chiếc xe sau trong đó có tám người tưởng đó là đường tới Moncada nên đi theo. Khi tài xế nhận ra mình lầm thì họ đã qua khỏi Santiago khá xa và đã quá trễ không còn chiến đấu gì được nữa. Vậy là khi tới nơi quân đột kích chỉ còn lại 111 người kể cả Fidel và mười bốn xe.
Họ cũng bị hoãn vì đoàn xe phải dừng lại trên cầu hẹp bắc qua sông Sanjuan để nhường chỗ cho chiếc xe jeep chở hai thợ săn đi ra vùng quê. Fidel cũng phải ngừng xe trước ngã rẽ vào doanh trại cho một chiếc xe khác trong đoàn nghĩa quân lách lên trước.
Cuộc tấn công vào trại Moncada bị trễ hơn dự tính vài phút khi chiếc xe biệt kích thắng ở cổng số 3 để vào sân mở đường cho Fidel và đoàn xe còn lại. Đội quân biệt kích hành động ngay. Nguyên tắc điều hành Phong trào là các thủ lĩnh phải đích thân dẫn đầu các hành động vũ trang cho nên nhóm tám người đầu tiên gồm có hai thành viên ủy ban quân sự, Renato Guitart và José Luis Tasende; một thành viên ủy ban dân sự, Jesús Montané; ba chi bộ trưởng xuất sắc nhất, Ramiro Valdés, Pedro Marrero, và José Suárez; cùng hai tay súng thiện xạ Carmelo Noa và Flores Betancourt (anh trai của người này nằm trong cánh quân đi Bayamo).
Theo kế hoạch, Guitart sẽ lên giọng hét ba lính canh ở cổng, “Tránh đường, ngài Tư lệnh đang đến!” và bọn lính khi trông thấy các đường sọc quân hàm trung sĩ của anh sẽ đứng nghiêm. Montané, Valdés, và Suárez giành lấy súng trường Springfield từ tay lính canh đang đứng sững, còn bốn người khác dỡ xích sắt để mở cổng cho các xe khác tiến vào. Tiếp đó, họ chạy lên lầu chiếm máy phát thanh Moncada để ngăn bọn lính trong trại bắt liên lạc với Havana và Holguín.
Fidel, trang bị súng lục Luger cỡ lớn, cho xe chạy chậm lại khi đi ngang qua bệnh viện quân y, cách cổng số 3 một trăm năm mươi thước, để ông và sáu đồng đội quyết định xem phải làm gì với hai lính tuần tra có mang súng tiểu liên vừa mới xuất hiện trước mặt họ và đang theo dõi sự việc diễn ra ở cổng. Rất có thể đội tuần tra đi sớm hoặc nghĩa quân hành động đã quá trễ so với kế hoạch. Một trung sĩ thật trong đồn cũng từ đâu chợt xuất hiện nghi ngờ theo dõi tình hình. Do những sự cố ngoài ý muốn vừa rồi mà nghĩa quân đã thua cuộc chiến Moncada ngay chính thời điểm đó, vì khi bình minh vừa ló dạng thì lợi thế về yếu tố bất ngờ của họ không còn nữa.
Sau này Fidel kể lại với một nhà sử học Pháp vào năm 1962 rằng “Khi ấy trong đầu tôi mang hai ý nghĩ: Họ có tiểu liên nên tôi sợ họ bắn vào đồng đội đang tước vũ khí bọn lính canh. Mặt khác tôi sợ tiếng súng sẽ cảnh báo cả trại. Tôi nghĩ nên bất ngờ tấn công và bắt họ làm con tin chắc dễ hơn vì họ quay lưng về phía tôi…”
Tất cả diễn ra chỉ trong vòng mấy phút, Fidel lái xe chậm lại, lên đạn khẩu Luger, cẩn thận mở cửa xe bên hông rồi thình lình phóng xe về phía họ. Họ quay lại chĩa súng về phía ông. Bánh trước chiếc xe đụng vào lề đường và tắt máy. Tên trung sĩ nhổm người chĩa súng vào Fidel song hắn bị súng trường của quân nổi dậy phía sau xe Fidel bắn hạ. Fidel và Miret lúc này nấp đàng sau chiếc Buick và bị bọn lính chĩa súng bắn từ cửa sổ quân y viện. Đạn bay vèo trượt qua mặt ông. Ngay lúc đo, chuông báo động réo inh ỏi khắp trại.
Trong vòng nửa giờ, chỉ có Ramiro Valdés, Jesús Montané, và José Suárez vào được trong pháo đài và uy hiếp được năm mươi lính đang ngủ trên võng bên trong sân. Tuy nhiên, bọn lính có súng trường và súng ngắn bắt đầu xuất hiện từ khắp trại và nhắm bắn vào ba người. Cả ba tách ra tìm cách chạy ra khỏi tòa nhà rồi cuối cùng thoát ra đường sau khi bắn hạ thêm vài tên lính nữa.
Lúc này bọn lính bắn ào ạt vào đoàn quân Fidelistas đang tháo lui bị kẹt lại trên con đường rộng 6 thước giữa cổng số 3 và đại lộ Garzon phía sau họ; đó là con đường ngắn ngang qua quân y viện mà xe đột kích đã chọn để lao vào cổng Moncada. Hỏa lực phát ra từ trên nóc và cửa sổ đồn, từ quân y viện và súng cối cỡ nòng 30 trên đỉnh tháp với tầm bắn 180 thước. Nghĩa quân Fidalistas trở thành đích ngắm lý tưởng của khẩu súng cối này hoàn toàn bất ngờ trước sự xuất hiện của nó (cùng với một khẩu súng máy cỡ nòng 50 khác trên nóc câu lạc bộ cho sĩ quan quân đội đã vô hiệu cánh quân nhỏ do Raúl Castro dẫn đầu ở Dinh Công Lý).
Renato Guitart thuộc ban quân sự, người đã sắp xếp hầu hết kế hoạch ở thành phố Santiago quê anh, bị giết trước cổng số 3 cùng với Pedro Marrero, Carmelo Noa, và Flores Betancourt. Đó là những thương vong đầu tiên trong cuộc cách mạng của Fidel Castro.
Fidel biết mình thua trận chiến Moncada ngay khi xe ông bị kẹt ngoài pháo đài và chuông báo động reo vang. Tuy nhiên, ông vẫn cố nhóm quân lại để tấn công lần thứ hai. Ông đứng giữa đường lẫn trong ánh sáng lờ mờ của rạng đông và khói súng dày đặc hét lệnh và khích lệ quân tiến lên. Song anh em nghĩa quân chẳng thể nghe hay hiểu được ông và tinh thần tấn công nhanh chóng tiêu tan. Để làm gương Fidel leo trở vào chiếc Buick cố nổ máy nhưng vô hiệu. Một lần nữa ông cố vẫy súng gom quân lại. Hầu hết đội quân Fidelistas đang nấp phía sau hàng rào trước nhà gỗ bên kia đường, ghìm chặt người xuống trước hỏa lực từ trại Moncada.
Fidel vẫn đứng tại chỗ. Ông nhắm bắn hai tên lính đang chỉnh súng cối trên nóc pháo đài và bọn lính đang vào vị trí để bắn. Đồng đội của ông la lớn “Fidel! Fidel ra khỏi đó đi! Ra khỏi đó đi!…” song ông không để ý gì tới tiếng kêu của họ cũng như loạt đạn chung quanh mình.
Pedro Miret, lúc bấy giờ là chuyên viên quân sự chính của Phong trào (sau Fidel), tin rằng không tài nào nhóm quân lại được bởi vì “mọi người gặp phải tình huống nằm ngoài dự tính”. Nhớ lại về trận đánh, anh cho biết kế hoạch đòi hỏi toàn bộ số xe hơi phải vào sân ngay sau xe của Fidel để Fidel dẫn đầu toán quân chạy lên tầng trên chiếm phòng chỉ huy Moncada, rồi những người khác sẽ tỏa ra khắp quân trại. Nhưng khi việc này thất bại, Fidel hầu như chẳng làm được gì nhiều trong lúc “vội cố gắng tổ chức mọi thứ trong cơn mưa đạn”. Theo ý Miret, “giây phút quyết định” chính là cuộc chạm trán bất ngờ với đội tuần tra. Ngay sau khi nghĩa quân bị đẩy lùi, Fidel cố sức triển khai tuyến phòng thủ để bọc lót cho cuộc rút quân, và “tổ chức lại quân”. Nhưng Miret nói thêm, “Nói thì dễ hơn làm bởi vì rất nhiều người trong chúng tôi chưa bao giờ nghe tiếng súng thật, và nhất là chưa từng nghe tiếng nổ hết sức ấn tượng của khẩu súng máy cỡ nòng 50.”
Cuối cùng, Fidel “quyết định rời khỏi đấy” với càng nhiều quân càng tốt, và hai người lạc nhau. Miret bị thương trong quân y viện, bị đánh rồi bỏ đó cho chết. Tuy nhiên, anh được một bác sĩ cứu và chăm sóc, sau đó suýt bị tình báo của quân đội Batista ám sát. Cuối cùng, Miret bị đem ra tòa xư. Trong tù, anh mới gặp lại Fidel.
Trong lúc đó, Fidel hết sức tức giận với bản thân bởi ông nhận thấy mình đã phạm phải sai lầm chết người khi quyết định tấn công đội tuần tra của quân trại. Kết quả của hàng loạt tiếng súng do cuộc đụng độ tạo ra làm còi báo động réo inh ỏi toàn trại, đặt dấu chấm hết cho cơ may của ông tại Moncada. Nhiều đồng đội đã chết hay bị thương nên Fidel khó lòng nghĩ tới cuộc tấn công mới vào lúc này. Trong một bức thư gửi cho người bạn từ nhà tù vào ngày 31 tháng mười hai năm 1953, Fidel viết “trong năm 1953, thời điểm hạnh phúc nhất đối với cuộc đời tôi là khi tôi lao mình vào cuộc chiến – chính vào giờ phút đó tôi phải đối mặt với tình thế hết sức bất lợi mà hậu quả phải gánh chịu trong trường hợp thất bại sẽ là vô số điều phỉ báng, vu khống, bội ơn, không thấu hiểu và ganh ghét.”
Thấy tất cả nghĩa quân còn sống sót đã ra khỏi Moncada, Fidel mới chịu ngồi vào chiếc xe cuối cùng để ra khỏi nơi đó cùng với sáu người, trong đó có một người bị thương nặng ở đùi. Song khi xe vừa nổ máy, Fidel thấy một đồng đội vừa chạy vừa tránh đạn bắn ra từ pháo đài phía sau. Ông ra lệnh cho xe dừng lại rồi bước ra nhường chỗ cho anh ta, rồi vừa tháo lui vừa bắn vào các trại. Tới đại lộ Garzon ngay phía sau quân y viện và thoát khỏi tầm bắn trực tiếp, một chiếc xe de từ cổng số 3 ra đón được Fidel cùng với ba đồng đội nữa.
Ý nghĩ đầu tiên đến với Fidel lúc đó là có thể cuộc tấn công ở Bayamo thành công, vậy thì ông nên cố gia nhập quân ở đó. Song ông cũng quyết định năm người trong xe sẽ bắt đầu bằng cách chiếm chốt canh nhỏ của bọn vệ binh nông thôn ở El Caney cách Santiago vài dặm về phía bắc. Nếu bại, họ sẽ lên núi tiếp tục đấu tranh và El Caney sẽ là nơi tốt nhất để tái hợp.
Tuy nhiên, người tài xế vốn không thông thạo vùng Santiago lắm, có lẽ đã hiểu nhầm ý của Fidel hay cũng có thể không muốn đi El Caney nên rẽ sang hướng đông về El Siboney. Trên đường họ gặp bốn nghĩa quân đi chung xe với Boris Luis Santa Coloma bị bỏ lại hồi mờ sáng (vì xe bị xẹp bánh). Fidel thôi không đòi đi El Caney nữa, đã ngoắc một chiếc xe chạy ngang qua để nhờ họ chở giúp bốn nghĩa quân về El Siboney. Thời gian kể từ khi Fidel rời khỏi nông trại lên đường đi chinh phục Moncada – và cả Cuba – cho tới lúc bấy giờ chưa đến ba tiếng đồng hồ.
Ở Havana, từ 5 giờ sáng Naty đã theo lời dặn của Fidel Castro mang bản tuyên ngôn Moncada đến gửi các nhà lãnh đạo chính trị và tòa báo. Vài người không có ở nhà, số khác thì không hoan nghênh. Tới một nhà xuất bản thì chủ bút cho người ra gặp Naty nói họ vừa nghe tin quân đột kích thất bại ở Santiago và từ chối tiếp cô. Đến lúc này, Naty biết rằng nếu cô bị Cơ quan tình báo quân đội bắt được cùng với số tài liệu cách mạng này trong túi xách tay thì chắc chắn cô sẽ gặp rắc rối to.
***
Từ ban công của Dinh Công Lý, Raúl Castro và người của mình dù mục kích rõ ràng toàn bộ diễn biến ở trước cổng số 3 nhưng họ cũng không giúp được gì nhiều. Nhóm của Raúl đóng ở một vị trí tuyệt vời về mặt chiến thuật, tuy nhiên hỏa lực trong tay họ không đủ mạnh để bắn bọc hậu cho Fidel và ban công tòa án cũng nhanh chóng rơi vào tầm ngắm của các khẩu súng cối. Trông thấy nhóm Fidel đang rút lui và các loạt đạn ngớt dần, Raúl cho rằng mình đã hoàn thành nhiệm vụ hỗ trợ và quyết định nhanh chóng rời khỏi Dinh Công Lý trước khi nơi đây bị bao vây. Họ chạm trán năm cảnh sát có vũ trang ở tầng dưới, nhưng đã tước được súng của chúng, nhanh chóng lên chiếc xe do Mario Dalmau lái và thoát đi trong cơn mưa đạn. Chỉ riêng Lester Rodríguez đi bộ về nhà cha mẹ vì nhà anh ta ở Santiago. Những người còn lại đi cùng Raúl ra bờ biển.
Trong khi Abel Santamaría ở bệnh viện dân sự, nằm bên kia đường đối diện với tường phía tây của trại Moncada, không biết chuyện gì xảy ra ở cổng số 3 và cũng chưa biết được Fidel đang rút quân. Nhưng lính từ trong doanh trại bắt đầu bắn rát và bao vây bệnh viện. Nghĩ rằng cầm cự chiến đấu càng lâu càng tốt sẽ giúp được nhóm của Fidel nên Abel quyết định cắm quân ở lại bệnh viện cho tới viên đạn cuối cùng. Anh ta nói với chị gái Haydée và Melba “chúng ta thua rồi”, bảo họ tìm cách trốn thoát và rằng họ sẽ có cơ may sống sót vì là phụ nữ. Abel còn nói thêm, “Các chị đừng liều lĩnh… Phải có người sống sót để kể lại những chuyện đã xảy ra ở đây.”
Nhưng Haydée và Melba thậm chí chẳng tìm cách thoát khỏi đấy. Trận đấu súng ngừng lúc 8 giờ sáng, khi đội quân của Abel hết đạn, và bọn lính cũng ngừng bắn. Nhưng một tiếng đồng hồ sau quân chính phủ mới dám tiến vào bệnh viện, và hai người phụ nữ dành trọn thời gian đó chăm sóc những đứa trẻ sơ sinh đang khóc thét trong khoa phụ sản. Cùng lúc đó, các y tá khác cho nghĩa quân mặc đồ bệnh nhân để che mắt bọn lính.
Nhưng rủi thay có một chủ bút ở Moncada tình cờ tới đó chữa bệnh biết được bèn điểm chỉ. Ngoại trừ Haydée và Melba, toàn bộ cánh quân tấn công bệnh viện, kể cả Abel, bác sĩ Mario Munoz, nhà thơ Raúl Gómez và Boris Luis Santa, chồng sắp cưới của Haydeé, đều bị tra tấn dã man rồi bị giết chết.
Cách Santiago gần chín mươi dặm về phía tây bắc, cánh quân tấn công Bayamo chưa dầy mười lăm phút đã tan tành. Hai mươi bảy người được lệnh hành quân đến đấy, nhưng chỉ có hai mươi hai người thật sự tham gia tấn công vào trại lính. Dưới sự lãnh đạo của Raúl Martínez Arará, một thành viên từ buổi ban đầu của Phong trào, cánh quân này được chia thành ba đội, tập kích doanh trại từ phía sau bởi vì đây là phía duy nhất chỉ có hàng rào kẽm gai bao quanh thay vì là các bức tường gạch.
Lúc 5:15 sáng, khi trời còn tối, nghĩa quân băng qua khoảng đất trống giữa đường lộ và hàng rào kẽm gai. Nhưng họ bàng hoàng nhận ra rằng cánh cổng rào, ban ngày thường để mở, đến đêm thì lại bị khóa lại. Đương lúc cố leo qua hàng rào, nghĩa quân ngã lên những chiếc thùng trống chất đầy trên mặt đất làm đánh động bọn lính. Nấp sau bụi cây, các Fidelista dùng những khẩu súng trường thể thao và súng săn bắn vào doanh trại, trong khi bọn lính đáp trả bằng súng máy – thế là mọi sự kết thúc.
Raúl Martínez Arará ra lệnh rút lui, và đoàn quân lao nhanh ra xe hoặc chạy bộ xuống phố. Mười hai nghĩa quân hy sinh trong trận Bayamo (kể cả người anh trai Mario Martínez Arará của thủ lĩnh Raúl). Mười người thoát được gồm thủ lĩnh Raúl Martínez Arará, người bạn của Fidel là Nico López, nhà thơ người da đen Agustín Díaz Cartaya – nhà thơ này nhiều tuần trước đó đã sáng tác bản hành khúc cách mạng mà về sau trở nên nổi tiếng với tên gọi “Hành khúc 26 tháng Bảy” – và tài xế xe tải Teodulio Mitchel là người đã đưa Fidel từ Havana đến El Siboney sáu giờ trước đó.
Trưa Chủ Nhật 26 tháng bảy, hai mươi quân kiệt lực về đến nông trại Siboney, trong đó có ba người bị thương. Giữa buổi chiều thêm hai mươi người nữa xuất hiện vừa lúc Fidel Castro chuẩn bị lên núi tái thiết chiến tranh du kích ở Gran Piedra Sierra, dãy núi xéo với biển Đông Bắc Santiago. Dãy núi này nằm cách Santiago khoảng mười dặm, với đỉnh cao nhất là Gran Piedra cao trên 900 thước.
Mười tám quân tình nguyện đi theo Fidel gồm có Jesús Montané; tay hòm chìa khóa của Phong trào Oscar Alcalde; José Suárez và Israel Tápanes, người đã chiến đấu ở cổng số 3; Juan Almeida, người thợ học việc ở lò gạch đã đi làm từ năm mười bảy tuổi sau này trở thành một trong những thủ lĩnh quân du kích kỳ cựu; và chàng nghĩa quân trẻ tuổi Reinaldo Benítez bị thương ở chân. Một bà lão da đen gửi đứa cháu trai của mình theo để dẫn đường cho nhóm Fidel, hôm sau họ lên đến làng Sevilla Arriba.
Fidel nhìn xuống vịnh Santiago ở bên dưới, giơ tay lên tuyên bố với nhóm của mình, “Hỡi các bạn, chúng ta thua trong trận chiến này, nhưng chúng ta sẽ trở lại.”
Lên cao hơn nữa, họ gặp một căn lều song gã nông dân da đen ở đây không chịu bán gà cho Fidel. Tuy nhiên, anh ta dẫn họ tới nhà ông anh mình cách đó một quãng và anh chàng kia giết lợn mời họ dùng. Fidel nói với người này chuyện nông dân bị chủ đất đàn áp. Đoạn Fidel cho anh ta cây súng lục và nói,” Chúng mà tới làm phiền anh thì sử dụng cái này… đừng tin ai hết. Hãy bảo vệ tài sản của mình.”
Tới nhà một nông dân khác, Fidel nghe tướng Batista phát biểu trên đài về sự kiện ngày 26 tháng bảy. Trưa hôm đó, y vội vã từ chuyến nghỉ mát trở về Havana và dựng trụ sở hoạt động ở Trại Columbia. Hội Đồng Bộ Trưởng phát đi tình trạng khẩn cấp ở Cuba và tạm ngưng hiệu lực của điều khoản trong điều luật về nhà tù quy định lính gác phải chịu trách nhiệm đối với mạng sống của tù nhân.
Dường như hành động này nhằm hợp thức hóa cho quyết định giết tất cả nghĩa quân Fidel bị quân đội chính phủ bắt giữ bên trong và ngoài Santiago - ngay cả trên giường bệnh - do Batista và tướng Francisco Tabernilla, Tổng tham mưu quân đội, đưa ra. Hơn bốn ngày kể từ 26 tháng bảy đã có sáu mươi mốt người bị giết – kể cả Abel Santamaría và Boris Luis Santa Coloma, hai người đều bị tra tấn dã man trước khi chết, nhà thơ Raúl Gómez García, José Luis Tasende thuộc ủy ban quân sự, và bác sĩ Munoz. Nội trong bảy mươi hai giờ, Fidel đã mất đi những người bạn tốt nhất. Tuy chỉ có tám người bị chết trong khi giao tranh nhưng tổng cộng có sáu mươi chín nghĩa quân thiệt mạng và năm người bị thương sau biến cố Moncada. Bởi lẽ theo như Fidel chỉ ra sau này, chính phủ không muốn một tù nhân nào sống sót cả.
Số thương vong về phía quân đội chính phủ và cảnh sát là bốn mươi sáu, trong đó có chín quân chết trong giao tranh. Nhưng chính phủ nhân đó làm ra vẻ chiến thắng của họ vẻ vang lắm. Ở tòa án Santiago, đại tá Chaviano (kẻ co rúm người trốn dưới gầm bàn trong suốt trận đánh) lại thổi phồng lực lượng nổi dậy lên thành bốn năm trăm người “trang bị vũ khí tối tân nhất” nhằm lật đổ chính quyền. Hắn còn bịa đặt thêm rằng quân nổi dậy đã dùng dao “rạch bụng ba bệnh nhân” trong quân y viện, và dùng súng trường tự động Remington bắn trả lại quân chính phủ.
Bastista cũng như Chaviano còn lên tiếng cho rằng cuộc tấn công này đã được sắp đặt, tổ chức, tài trợ và vũ trang bởi những nhóm phản động lưu vong ở nước ngoài, chủ yếu là bởi cựu tổng thống Carlos Prío bị lật đổ trong cuộc đảo chính tháng 3 năm 1952. Đây sẽ là cái cớ để hợp thức hóa chính sách đàn áp và việc thông qua luật quân sự sau này. Có lẽ tên độc tài này chưa bao giờ mường tượng được cuộc nổi dậy như Moncada lại do một chuyên gia phá bĩnh trẻ tuổi ở trường đại học Havana cùng một nhóm người không có một xu dính túi làm nên. Lắng nghe những lời cáo buộc này trên đài phát thanh, Fidel Castro nói, “Hắn gán cho chúng ta mọi điều dối trá và bắt chúng ta phải sống với nó.”
Quân chính phủ ngăn không cho giới báo chí tới gần các đồn trại trưa hôm xảy ra vụ đột kích, song một phóng viên đã chụp được cảnh tù binh bị tra tấn tới chết nằm la liệt. Marta Rojas, nữ phóng viên gan dạ đó làm việc cho tuần báo Bohemia, đã lén đưa các bức ảnh vừa chụp được về Havana ngay trong đêm đó. Năm hôm sau, bức ảnh khủng khiếp này xuất hiện trên báo làm cả nước xúc động và đồng cảm với quân nổi dậy.
Ngày 28 tháng Bảy, trong lúc Fidel cùng nhóm của ông lên vùng núi Gran Piedra, các dân biểu đã họp lại ở Santiago dưới sự chủ trì của đức Tổng giám mục Pérez Serantes nhằm tìm cách ngăn chặn các cuộc hành quyết. Dân chúng khắp thành phố nghe nói tù binh nổi dậy bị bắt là giết hết nên các dân biểu bèn xin Tổng giám mục thuyết phục đại tá Chaviano đảm bảo tính mạng cho các tù binh mới. Cả đức Tổng giám mục lẫn viên đại tá đều biết rõ Fidel đang lẩn trốn ở vùng núi. Với sự can thiệp của Đức Cha Pérez Serantes, hai bên đã đi đến thỏa thuận đảm bảo rằng Fidel sẽ không bị giết hại. Hơn nữa, Tổng giám mục đã công bố rộng rãi văn bản mang tên “Máu đổ như thế đã đủ!” tóm lược hiệp ước mới với quân chính phủ.
Nhờ lời tuyên bố của đức tổng giám mục, thêm ba mươi hai quân cuœa Fidel ra khỏi chỗ trốn và đầu hàng. Họ bị nhốt ở trại giam Santiago và không bị hành hạ nữa. Trước đó Melba và Haydée bị chuyển từ Moncada về ngục sáng sớm ngày 28 tháng Bảy. Trên chuyến xe jeep, Haydée bị một tên lính dí mẩu xì gà còn cháy đỏ lên cánh tay. Tuy nhiên đến cuối tuần đó, ngay cả các lãnh đạo quân Fidel gồm bác sĩ Aguilera và Ernesto Tizol ra hàng cũng được bảo an toàn.
Tuy nhiên, hai kẻ nổi dậy mà chế độ Batista đang cần tìm nhất là Fidel và Raúl Castro lại không ra đầu hàng. Chính phủ ráo riết truy lùng họ còn vị giám mục thì ngày càng lo lắng hơn cho số phận của hai anh em này. Ngài không mấy tin tưởng vào lời hứa của đại tá Chaviano và người của hắn do vậy ngài đã đi Manzanillo, một thành phố gần Bayamo, để đích thân hộ tống một tù nhân Fidalistas bị bắt ở đấy. Thứ Tư ngày 29 tháng Bảy, Raúl Castro bị bắt ở rào chắn gần quận San Luis khi trên đường trở về nhà cha mẹ mình ở Birán. Anh đã trốn thoát khỏi Dinh Công Lý bằng xe hơi, nhưng lại thấy rằng đi bộ sẽ an toàn hơn. Vì thế, trong hai ngày hai đêm anh đi hết quãng đường từ phía nam đến bắc tỉnh Oriente. Bọn Phòng vệ địa phương chặn Raúl lại vì anh không mang theo giấy tờ tùy thân, khi bị tra hỏi, anh đã khai mình tên là Ramón González. Viên trung úy sau đó đã hỏi một thương nhân ở trong vùng về danh tánh thật của Raúl, vì ở vùng quê nhỏ Oriente hầu như ai cũng biết nhau, nên ông này trả lời: “Đây là Raúl, con trai của ngài Ángel và là em của Fidel Castro”. Raúl đã bị chuyển đến Santiago và Moncada ngay chiều hôm đó. Viên đại tá Chaviano giam Raúl vào ngục nhưng không giết vì sợ đụng chạm tới nhà thờ. Trong ngục anh đã gặp lại rất nhiều đồng đội của mình.
Ngày thứ Tư và thứ Năm thật tồi tệ cho Fidel. Nhóm của ông trông thật thảm hại. Rainaldo Benítez hầu như không bước đi nổi vì vết thương ở chân còn Jesús Montané phải hết sức khó khăn mới bắt kịp mọi người. Tiết trời hè nóng ngột ngạt mà họ chẳng có gì để ăn. Đến thứ Sáu ngày 31 tháng Bảy, Fidel cho tách nhóm. Năm người, kể cả Montané và Rainaldo, vòng lại Santiago nhưng đã bị bắt trên đường đi. Fidel cùng mười ba người khác quyết định ở lại Sierra. Thật sự, ông đã định ra bờ biển rồi di chuyển về phía đông Sierra Maestra.
Trong khi đó tổng giám mục Pérez Serantes vì lo cho số phận của Fidel và các chiến binh nên đã lên xe đi tìm. Cảnh tượng một vị linh mục luống tuổi, mặc bộ áo thầy tu màu đen cổ đeo sợi dây chuyền mặt thánh giá, trên các con đường rừng xích đạo nóng ẩm cứ chốc chốc ngừng lại gọi to tên của quân nổi dậy thật lạ lùng.
Tối hôm thứ Sáu, Fidel và đồng đội dừng lại ở căn lều tranh bên lưng đồi nghỉ qua đêm. Họ di chuyển rất chậm về phía nam để ra bờ biển, nhưng dường như hành trình này không thể kéo dài. Chịu không nổi đói mệt nên năm người nữa rời bỏ Fidel. May thay, họ gặp một nông dân đang ở phía sau căn lều. Anh ta bèn dẫn đoàn người đang rã rời vì đói và mệt đến nông trại của ông chủ mình cách đó hai giờ đi bộ để xin thêm thức ăn. Đến nơi, Fidel nhận ra chủ trại là một người quen cũ và qua đó biết được tin đức tổng giám mục đang nỗ lực tìm kiếm ông. Vì thế, Fidel quyết định ngoại trừ ông, Oscar Alcalde và Jóse Suárez tiếp tục băng qua Sierra Maestra, còn những người khác trong đoàn sẽ ra hàng. Đêm đó, ba người quay lại căn lều bên sườn núi để nghỉ đêm.
Rạng sáng thứ Bảy ngày 1 tháng Tám, một toán Vệ Binh Nông dẫn đầu là trung úy Pedro Manuel Sarría tìm thấy Fidel và đồng đội của ông, liền nã đạn vô trong căn lều tranh. Quân chính phủ được tin mật báo rằng Fidel đang ở trong vùng nên Sarría được lệnh dẫn quân lục soát vùng Mamprivá rộng mênh mông, kể cả nông trại trên núi này, để tìm bắt ông. Bọn lính tiếp tục bắn rát khiến nhóm nghĩa quân phải bỏ chạy ra ngoài, nhưng Sarría ra lệnh, “Ngừng bắn!... Tôi muốn bắt sống bọn chúng.” Một tên lính mắng Fidel là “tên sát nhân” vì đã giết binh lính ở Moncada, nhưng Fidel khi ấy lăm lăm khẩu súng trường tự động trên tay và mắt tóe lửa thét lại “Các người mới là đồ sát nhân… chính các người đã giết những tù binh tay không tấc sắt… các người đang phục vụ cho một tên bạo chúa!” Một hạ sĩ quay sang Sarría la lên “Trung úy, chúng ta sẽ giết chúng!” Sarría giơ tay lên ngăn bọn lính lại và hét lên, “Không! Đừng giết. Tôi lệnh các anh không được giết! Ở đây tôi là chỉ huy… Các anh không thể giết chết suy nghĩ… Các anh không thể giết chết suy nghĩ đâu!”
Cuối cùng bọn lính dịu đi và trói tay các tù binh lại. Khi ấy, Fidel không biết anh và Sarría đã từng gặp nhau ở đại học Havana nên nhất định khai tên anh là Rafael González. Ánh nắng ở Sierra làm da anh đen sạm và hy vọng rằng viên trung úy sẽ tin lời mình, đặc biệt khi anh nghe đài thông báo tin anh đã chết.
Khi ra tới đường rồi, Castro nói nhỏ với anh ta, “Tôi đúng là người mà anh nghĩ đó, mà sao anh không giết tôi để được thăng chức, có lẽ là lên chức đại úy?...” Sarría đáp, “Tôi không phải loại người đó.” Fidel nói, “Nhưng nếu anh tha cho tôi, họ sẽ giết anh đó.” Viên trung úy da đen nói khẽ, “Cứ để họ giết tôi. Chỉ có đạo lý mách bảo cho mình biết phải làm gì…”
Cũng may cho Fidel là mấy hôm đó, Trung úy Luis Santiago Gamboa Alarcon được giao nhiệm vụ lùng bắt nghĩa quân bị bệnh cúm phải nằm lại Moncada dưỡng bệnh trong khi Đội 11 lên đường. Gamboa là một kẻ rất cứng rắn, trung thành với chế độ đồng thời biết được đại tá Chaviano rất muốn tiêu diệt lãnh đạo quân nổi loạn nên chắc chắn sẽ không ngần ngại giết Fidel nếu như bắt được anh. Sau này, trong trận Sierra, Gamboa được thăng cấp lên hàm đại úy sau khi hành quyết sáu nông dân bị nghi ngờ là đã giúp đỡ cách mạng. Đến tháng Giêng năm 1959, hắn là một trong những sĩ quan đầu tiên của Batista bị cách mạng xử bắn sau một phiên tòa ngắn. Do đêm đó Gamboa bị bệnh nên trung úy Sarría nắm quyền chỉ huy toán lính. Vào ngày diễn ra cuộc đột kích Mocada, bên trong doanh trại Sarría đã can thiệp ngăn chặn vụ hành quyết hai tù binh. Nhiều năm sau, viên trung úy này kể lại với một ký giả ở Havana rằng cứu Fidel chẳng phải do thông cảm với ông ta mà vì “ông ta là con người… Tôi yêu thích binh nghiệp, nhưng tôi không cho phép bất cứ tội ác nào được diễn ra dưới quyền của mình.”
Sarría còn thể hiện sự can đảm của mình trong việc cương quyết kiểm soát thuộc cấp của mình vào thời khắc hiểm nghèo khi Fidel, Oscar Alcalde, và José Suárez bị bắt. Toàn bộ quân lính thuộc lực lượng Phòng Vệ Địa Phương đều là người da đen, Sarría cũng thế, còn ba tù binh lại là người da trắng. Giữa muôn vàn mối quan hệ quyền lực phức tạp ở Cuba, binh lính người da màu được xem như cùng phe với Batista – bản thân hắn mang hai dòng máu da đen và da trắng. Đối với họ, người da trắng có vũ trang tự động bị coi là thành phần phản động và phải bị giết. Với những đặc quyền trong quân đội của mình, những binh lính da đen này không phải chịu sự phân biệt chủng tộc và Batista là người hùng của họ. Vì thế, khi xua ba nghĩa quân này ra khỏi chỗ nấp, bọn lính lập tức hò hét “Chúng nó da trắng… chúng phải chết,” và trung úy Sarría phải vận dụng hết quyền hạn để ngăn chặn “vụ sát nhân vì nguyên nhân chủng tộc”.
Hơn nữa, Sarría là thành viên hội Tam điểm khá phổ biến ở Cuba và anh em thuộc các chi nhánh bí mật của hội có mối quan hệ khá gắn bó với nhau. Bằng linh cảm, Oscar Alcalde nói với viên trung úy rằng mình thuộc hội Tam điểm và hỏi liệu trung úy Sarría có phải là hội viên hay không. Khi Sarría gật đầu, Alcalde nói “Là anh em hội Tam điểm, và bởi vì anh đã cứu mạng chúng tôi cho nên tôi sẽ cho anh biết chỗ cất giấu vũ khí – chúng được giấu bên dưới các bụi cây cách căn lều khoảng chín thước.” Việc tìm thấy số vũ khí được cất giấu này – gồm tám khẩu súng trường và ba khẩu súng lục – sẽ tăng uy tín của Sarría trước mặt đám lính.
Phần Fidel, ông không ngừng tự trách mình vì đã phạm phải một “sai lầm khủng khiếp”, theo lời ông nói sau này, là đã ngủ lại trong lều. Theo quy luật, các toán quân sẽ lùng sục các căn lều, trại và nhà ở, nhưng “ngủ dưới một mái nhà thật là một cám dỗ khó cưỡng lại vì ngoài trời đang mưa và đất thì ẩm ướt.” Đoàn người đã mệt rã rời sau sáu ngày sáu đêm sống nhờ trái cây rừng và ngủ trên núi. Fidel kể “chúng tôi đã ngủ say sưa” cho đến khi đột ngột bị đánh thức bởi các loạt đạn. Kể từ đấy, Fidel nhớ lại là suốt hai năm ở trên núi Sierra Maestra, “ngay cả khi mưa như trút nước, chúng tôi luôn ngủ trên võng giăng giữa hai cây, hoặc cuộn mình trong chăn trên nền đất.”
Lúc toán quân của Sarria dẫn độ tù binh ra gần đến đường đi Siboney, đột nhiên họ nghe tiếng súng nổ. Tên lính dẫn đường trông thấy năm nghĩa quân, trong đó có chàng trai da đen Juan Almeida, nấp trong đám cỏ và bắn về phía bọn họ.
Lần này nhờ có đức Tổng giám mục Perez Serantes can thiệp. Hôm ấy, đương lúc Tổng Giám Mục đi tìm họ thì thấy một đám lính định bắn năm người thuộc quân Fidel, ông liền chạy đến đứng giữa can ngăn. Bọn lính giận dữ lăng mạ và định bắn ông. Sarría đã kịp thời trấn áp bọn lính để cứu nguy cho giám mục. Sarría ra lệnh cho chiếc xe tải chở Fidel, Alcalde, Suarez cùng năm tù binh mới đi Santiago và để Castro ngồi giữa anh ta và tài xế. Đức tổng giám mục, chưa biết những chuyện đã xảy ra trong mấy giờ qua, bước đến “Những tù binh này được đặt dưới sự bảo vệ của tôi. Tôi đã đảm bảo cho họ.” Viên trung úy đáp lại, “Thưa Đức Cha, ngài nên nói điều đó với đại tá Chaviano, chứ không phải tôi.” Fidel do lo ngại những lời này sẽ cho đức tổng giám mục biết rằng anh đã đầu hàng nên đột ngột chen ngang, “Tôi chẳng dính líu gì với Đức Cha cả; tôi đã bị bắt và chính viên trung úy này đây đã bắt tôi.” Về khía cạnh chính trị, anh muốn tránh ấn tượng mình là một hàng binh.
Ở Santiago, quân đội hay tin Castro và bảy người nữa bị bắt, thế là xe tải của họ bị một xe đầy lính theo lệnh thiếu tá André Pérez, thay mặt cho đại tá Chaviano, chặn lại. Tên thiếu tá nói, “Tôi tới để nhận tù binh.” Sarría đáp, “Không, đây là tù nhân của tôi. Tôi đang đưa họ đi Moncada.” Tên thiếu tá đề nghị Sarría giữ các tù binh khác, giao Castro lại cho hắn. Hai người tranh luận một lúc, Sarría biết nếu giao lại cho Pérez thể nào Fidel cũng bị giết. Song khi đó xe jeep của đức tổng giám mục trờ tới nên tên thiếu tá không cố đòi nữa.
Thay vì vậy, hắn yêu cầu trung úy đưa tù binh đi ngục Santiago thay vì đi Moncada để tránh cho anh này được tiếng là tự mình bắt được Fidel Castro. Sarría thấy như vậy cũng hay vì nếu đi Moncada, Fidel sẽ rơi vào tay Chaviano, Perez Chaumont, và đại úy Manuel Lavastida là Cục trưởng Cục tình báo quân sự (MIS) ở Santiago. Chính MIS và đầu não của nó – đại tá Manuel Ugalde Carillo – đã ra lệnh tra tấn rồi giết hết tù binh thuộc nghĩa quân Fidel.
Tuy nhiên, ở nhà ngục thành phố, đại tá Chaviano đã chờ sẵn Fidel nên Sarría đành giao lại tù binh. Song một khi đã vào tới ngục, dưới mắt công chúng, Fidel đã được bảo vệ. Phần Sarría thì vẫn ở trong quân đội nhưng năm 1957 bị tòa án binh xử vì tội không chịu đánh quân nổi dậy ở Sierra Maestra rồi bị quản thúc cho tới khi cách mạng thắng lợi. Sarría được phong hàm đại úy trong quân đội mới của Fidel và được coi là Anh Hùng Cách Mạng. Khi Sarría mất ở tuổi bảy mươi hai tại Havana, Fidel đã dự tang lễ long trọng và Pedro Miret đọc diễn văn tưởng niệm sẽ mãi mang ơn đại úy Sarría vì đã cứu mạng Fidel và đồng đội của anh.
Từ lúc đến ngục Santiago, Fidel Castro lập tức nổi tiếng. Ông vẫn cư xử tự tin với óc hài hước và thái độ thách thức. Lúc đại tá Chaviano gặp ông ở ngục, hắn đã cho chụp hình cả nhóm. Fidel đứng dưới chân dung José Martí, mặc quần sậm, áo thể thao trắng ngắn tay, cao lớn bên cạnh Chaviano, Pérez Chaumont và thiếu tá Rafael Morales Alváres. Khi ấy, trông ông giống một vị khách danh dự.
Fidel được mời lên gặp Chaviano, tay không bị trói và cuộc nói chuyện y như Fidel diễn thuyết hơn là thẩm vấn. Fidel bảo ông chịu trách nhiệm về vụ nổi dậy và kể lại chi tiết toàn bộ kế hoạch tổ chức cuộc nổi dậy.
Thay vì chỉ “nhận tội”, Fidel cố tình mô tả tỉ mỉ cách thức cùng lý do ông tổ chức Phong Trào, nhấn mạnh rằng nếu cuộc tấn công Moncada thành công, dân Oriente sẽ nổi lên ủng hộ. Chaviano cho phép báo chí phỏng vấn và viết bài tóm tắt câu chuyện của Fidel. Hắn còn cho họp báo để thảo luận cuộc “thẩm vấn” với Fidel. Báo chí toàn quốc đều tường thuật lời nói của Fidel; thất bại Moncada giờ lại chuyển thành mầm mống cho thắng lợi tương lai.
Thật không hiểu sao Chaviano lại yêu cầu Fidel kể lại chuyện nổi dậy trên đài phát thanh cho cả nước nghe. Chaviano lý giải làm như vậy để dân chúng thấy nổi dậy bị quân đội nghiền nát đáng sợ đến thế nào. Fidel thì rất vui mừng. Mười năm sau Fidel nói với nhà sử học Pháp Robert Merle thế này, “Hãy tưởng tượng những người này dại dột đến mức nào! Họ đã yêu cầu tôi cầm micro bảo vệ quan điểm của tôi trước họ… như vậy tội lỗi của họ đã bị phơi bày! Rõ ràng, khi tôi cầm lấy micro là lúc giai đoạn hai của cách mạng bắt đầu.” Trong buổi phát thanh trên đài CMKR, Fidel tuyên bố, “Chúng tôi đến là để phục hưng Cuba.”
Phong trào quả là đã chịu mất mát lớn. Ba trong sáu thành viên ban quân sự, trong đó có Abel Santamaría, và hơn một trăm quân bị giết. Song nhiều nhân vật chủ chốt còn sống như Raúl Castro, Jesús Montané, Haydée và Melba, đều gặp lại Fidel trong ngục Santiago. Lúc này, ông mới biết họ còn sống và thấy Raúl chỉ huy nhóm quân trong ngục. Bấy giờ, Fidel lại là thủ lĩnh, ông chào và khen ngợi từng người một.
Khi ấy, đức Tổng giám mục Pérez có gọi điện cho Mirta ở Havana để báo cho biết chồng bà vẫn khỏe. Có lẽ sau sáu năm chung sống bà mới có được tin tức về các hoạt động của chồng, và bà tỏ ra rất biết ơn về cuộc gọi đó. Mirta rất lo cho Fidel khi hay tin cuộc tấn công sớm thất bại ở Moncada và muốn liên lạc với ông. Anh trai bà, Rafael Díaz, bấy giờ là bộ trưởng nội vụ trong nội các Batista, đã đi Santiago ngay sau sự kiện 26 tháng Bảy nhưng cũng chẳng giúp Fidel và Mirta nối liên lạc với nhau. Ông bà Castro ở Birán cũng được tin các con trai an toàn và được đối xử tốt. Naty Revuelta ở Havana cũng hay tin.
Sau ngày Fidel bị bắt, Chủ Nhật ngày 2 tháng tám, tổng thống Batista bay tới Santiago để nắm tình hình ở trại Moncada, nhận báo cáo của Chaviano và các viên chức, gắn huân chương Danh Dự lên cờ của Quân Đoàn Maceo ở trại Moncada và chào các đoàn quân diễu hành trong trại. Trong khi đó, hầu hết dân Santiago đều đi dự lễ tưởng niệm những người đã chết do Tổng giám mục Pérez Serantes làm ở nhà thờ. Hàng ngàn người chen chúc trong nhà thờ để nghe bài ca cầu hồn và lúc bước ra, họ hôn chiếc nhẫn trên tay tổng giám mục. Ông cũng được nhân dân xem là một anh hùng ở Santiago.
Cũng trong hôm đó, Fidel Castro và tất cả tù binh Moncada được chuyển qua Ngục Boniato cách Santiago năm dặm về hướng bắc chờ xét xử. Melba và Haydée ngồi phía sau chiếc Buick màu xanh lá còn Fidel ngồi phía trước. Các tù binh khác di chuyển bằng chiếc xe tải cảnh sát.
Mười hai ngày sau, là sinh nhật thứ hai mươi bảy của Fidel Castro trong ngục Boniato, song ông quá bận tính bước tiếp theo để chống Batista nên chẳng màng tới sinh nhật nữa. Ông vừa chuẩn bị để tự bảo vệ mình trước tòa vừa định cho ra nhanh bản tường thuật các sự kiện ở Moncada, đồng thời xác định đây là Phong Trào hoạt động độc lập với các đảng khác. Trước đó, chính phủ tưởng đảng Ortodoxo và Cộng sản chủ mưu cuộc nổi dậy nên cho tìm bắt các lãnh đạo hai đảng này khi đó đang tình cờ có mặt ở Santiago để dự lễ hội.
Những tên tuổi mới mà sau này rất nổi tiếng, cũng bắt đầu có liên quan đến Phong Trào của Fidel. Đó là Manuel Urrutia Lleó, chánh án của “tòa án mùa hè” Santiago và là chủ tịch cách mạng Cuba tương lai, vào ngày 27 tháng bảy đã cho điều tra nhận dạng các nạn nhân trong vụ Moncada. Kế đó là đại diện của Hội Luật Sư Quốc Gia, Humberto Sori-Marín, người đã đến thăm Fidel trong ngục để bàn cách bảo vệ anh. Sau này Sorí-Marín trở thành thẩm phán bảo vệ nghĩa quân và là tác giả của luật cải cách ruộng đất kiêm bộ trưởng nông nghiệp dưới thời Fidel.
Fidel làm việc ngày đêm (và lại để râu), có Raúl và Pedro Miret giúp sức, lo chuẩn bị tư tưởng và giáo dục cho tù binh nổi dậy với sách vở xin từ bên ngoài. Thư từ khắp Cuba được gửi đến ngục Boniato, có cả thư của Naty Revuelta từ Havana. Lina Castro - mẹ của Fidel và Raúl cùng chị gái Lidia cũng như Mirta, vợ Fidel đều đã đến ngục thăm họ.
Fidel Castro đang lên tinh thần. Ông lại đấu tranh, đầu óc đầy kế hoạch, mưu toan và cáo trạng. Thảm họa Moncada đã được gác lại, nếu không muốn nói là quên đi - đối với ông đó không phải là thất bại lớn. Chính qua thất bại này mà giờ đây, Fidel đang xây dựng cuộc tấn công vĩ đại kế tiếp.
Cuộc chiến -
Chương 17
Ở ngục Boniato, Fidel Castro là tù nhân mang số 4914, Vụ kiện 37-053, chờ đợi ngày ra trước Tòa án lâm thời Santiago về tội danh tham gia vào cuộc tấn công quân trại Moncada hôm 26 tháng 7, 1953. Sau khi tòa tuyên án, ông sẽ trở thành Tù nhân mang số 3859, nhưng chắc chắn ông sẽ không phải là một tù nhân vô danh, tên tuổi bị che khuất bởi các dãy số vô hồn.
Thật ra, chính ở đây Fidel mới bắt đầu nổi tiếng khắp Cuba, thu hút sự đồng cảm của cả nước (và là đối tượng mà Batista hết sức căm giận), đồng thời được công nhận là lãnh đạo của phe chống độc tài.
Chế độ Batista vẫn không hiểu họ đang có gì trong tay ở ngục Boniato. Về mặt chính trị, lúc đứng sau song sắt được công chúng luôn chú ý thì tù nhân này còn nguy hiểm hơn so với khi âm thầm mưu tính cách mạng mấy tuần trước. Batista còn không biết Fidel Castro đang chuẩn bị tận dụng ưu thế trong tình hình mới, ông không ngừng động não để vạch ra chiến thuật, vận động và chiến lược để mở rộng đấu tranh.
Trong nhà ngục trên đồi, Fidel bị giam riêng ở tầng một còn các tù nhân Moncada khác bị nhốt chung ở khu kế bên. Hai khu cách nhau một hành lang nên Fidel cùng đồng đội không thể nói chuyện hay nhìn thấy nhau, tuy bị cô lập khỏi nhóm nhưng sau đó Fidel cũng nhanh chóng tìm được cách liên lạc với đồng đội trong suốt năm mươi mốt ngày đợi phiên xử diễn ra.
Theo Điều 148, Luật Bảo Vệ Xã Hội thì lãnh đạo nổi dậy có vũ trang chống lại chính phủ sẽ bị kết án từ năm đến hai mươi năm tù. Do vậy, chiến lược của Fidel có hai mục tiêu: thứ nhất, là tìm cách chứng tỏ được đa số người của ông không phải là lãnh đạo nổi dậy để cho họ được xử trắng án; thứ hai, lợi dụng phiên xử làm diễn đàn buộc tội Batista và quân đội y đã thiết lập chế độ độc tài ở Cuba và đã tàn sát các tù nhân không vũ trang sau khi cuộc tấn công thất bại.
Fidel biết thế nào mình cũng bị kết tội và tuyên án nên ông nghĩ cách tận dụng phiên xử sao cho có lợi cho Phong Trào nhất. Trước tiên, Fidel thu thập thông tin chi tiết của mọi chiến binh nổi dậy trước, trong và ngay sau cuộc tấn công. Thật sự, trong ngục chỉ có bảy mươi lăm tù nhân thuộc Phong Trào; phần còn lại là lãnh đạo các chính đảng, có cả lãnh đạo đảng Cộng sản bị bắt ngay sau cuộc đột kích. Fidel mất liên lạc với gần như toàn bộ đội quân của mình khi bắt đầu trận đánh ở Santiago, và chỉ tới khi vô tù ông mới gặp được những người còn sống sót (trừ những đồng đội cùng đi Gran Piedra với ông). Để tạo dựng nền tảng cho cuộc chiến ở tòa án, ông cần càng nhiều thông tin càng tốt.
Theo Pedro Miret nhớ lại, anh và Raúl Castro lãnh phần hỏi chuyện từng tù nhân Moncada trong nhóm của mình, “nhờ nghe từng người kể lại những gì họ đã làm mà chúng tôi biết được rất nhiều về các sự kiện này.” Bằng cách này, Miret nói, “chúng tôi có thể thu thập được khối lượng lớn thông tin để chuyển cho Fidel...” Suốt bảy tuần trong ngục Boniato, Fidel góp nhặt từng mẩu tin tức từ các tù nhân thì thầm truyền miệng khi đi ngang qua xà lim của ông, từ những lính canh thân thiện hay qua các mẩu giấy được ném vô xà lim của ông. Nhờ trí nhớ kỳ lạ, Fidel sắp xếp trong đầu hồ sơ bảy mươi lăm thành viên Phong Trào để tổng hợp thành bài với những thông tin mới nhất để nói chuyện trước tòa. Vì là anh hùng của cả những tội phạm (không phải là quân nổi dậy) trong ngục Boniato, ông được họ hỗ trợ, giúp đỡ và bảo vệ. Tội phạm cũng trở thành những người đưa tin cho cách mạng.
Có dữ liệu trong tay rồi, Fidel dự tính xem bao nhiêu người có khả năng trắng án nhất. Ông quyết định nhóm lãnh đạo tin cẩn, kể cả ông sẽi khai đã tham gia tấn công còn toàn bộ những người khác có thể chối được vì không ai biết họ và chính phủ cũng không có chứng cứ gì và họ chỉ bị bắt vì bị nghi vấn là có tham gia mà thôi.
Fidel là người quyết định ai nên nhận tội, ai không. Mỗi tù nhân Phong trào được chọn đều nhận được lời đề nghị của Fidel. Tuy nhiên, điều này “hoàn toàn không phải là ép buộc, càng không phải là lệnh.” Các tù nhân được tự do làm theo ý mình, nhưng tất cả đều theo lời khuyên của Fidel. Ông muốn có càng nhiều người trắng án càng tốt để giúp tái thiết Phong Trào. Trên thực tế, công tố viên lẫn quan tòa đều không gây khó dễ trong việc Fidel nói ai vô tội và họ cứ theo đó mà quyết. Một phiên tòa thật lạ lùng, trong đó bị cáo lại là người chỉ cho tòa nên tuyên án những ai.
Miret và Raúl Castro dành thời gian còn lại trong ngục lập một thư viện nhỏ cho các tù nhân, sách có được nhờ bên ngoài gửi vào. Họ cũng lập ra lớp học dạy những môn như lịch sử, ngôn ngữ, vật lý và toán nhằm giúp mọi người đoàn kết, có kỷ luật và không tủi thân hay buồn nản để chuẩn bị tâm lý tốt nhất cho phiên xử. Fidel rất chú trọng tới sức khỏe, tinh thần lành mạnh và kỷ luật, đồng thời tận dụng mọi cơ hội để giáo dục mọi người trong đội quân của mình. Quân Fidel vốn là tổ chức quân sự có kỷ luật nên ai cũng vui vẻ tham gia vào “trường học” trong ngục này.
Bản thân Fidel cũng tận dụng thời gian này để đọc rất nhiều. Ở trong tù Boniato được ba tuần, ông gửi thư về cho Mirta vợ ông để nhờ bà gửi thêm sách, như triết học, tiểu thuyết và các tác phẩm của Shakespeare. Fidel đã kể trong thư gửi cho anh trai Ramón thế này: “Em đọc và học nhiều lắm. Lạ thay, thì giờ trôi qua rất nhanh, em đọc cả ngày mà chẳng buồn đi lại nữa.”
Fidel tỏ ra quan tâm đến gia đình nhiều hơn trước. Ông thư từ qua lại với Mirta thường xuyên cho tới khi chia tay với bà một năm sau đó. Trong thư ông tỏ ra lo lắng cho phúc lợi và tương lai của Fidelito. Tuy vậy, đó không phải thư tình - cuối thư chỉ ghi “ Hôn con và em.” Trong một bức thư từ ngục Boniato, ông viết, “Anh không biết hiện giờ em đang ở Oriente hay Havana… anh ít nhận được tin em quá - chỉ biết em ở Santiago sau khi anh bị quản thúc, anh có nhận được quần áo em mang đến cho anh… Anh vẫn khỏe. Em biết không, song sắt nhà tù không làm anh mất tinh thần, nản chí hay thiếu quyết tâm đâu… Hãy bình tĩnh và can đảm nhé. Trước hết, chúng ta phải nghĩ đến Fidelito. Anh muốn con đi học ở trường em đã chọn. Chừng nào em đến thăm anh nhớ dẫn con theo. Chắc thế nào họ cũng cho anh gặp con.”
Fidel viết thư cho anh trai Ramón và kể rằng Mirta nói khi bé Fidelito được đi nghỉ một tuần ở nhà ông bà cậu bé đã tỏ ra “rất thích thú vật và đồng quê. Hồi đầu tháng, nó được bốn tuổi… Mirta muốn cho nó đi học ở trường tư.” Hai tuần sau, ông lại viết “Mirta đã cho Fidelito vào học ở trường mẫu giáo nói tiếng Anh gần bên kia đường. Cô ấy cũng gửi cho em vài tấm ảnh, em thấy mấy tháng gần đây nó lớn lên rất nhiều.”
Fidel cũng muốn cha mẹ ông hiểu tình hình của ông nữa. Trong thư gửi cho Ramón, ông viết, “Cần phải cho cha mẹ biết nhà tù không khủng khiếp và nhục nhã như cha mẹ nói. Điều đó chỉ đúng khi người ta làm những việc tự bôi nhọ mình thôi. Nếu động cơ cao đẹp thì nhà tù trở thành nơi rất vinh hạnh.” Trong thư khác ông kể cha đã gửi điện hỏi Fidel và Raúl có cần thêm quần áo gì nữa không và ông trả lời là Mirta đã gửi cho hai anh em tất cả những thứ cần thiết rồi. Fidel định sẽ viết thư cho cha mẹ hôm đó để nói ”Ba mẹ có biết con bị giam là vì đã làm bổn phận của mình không?” Đoạn ông cảm ơn anh trai đã gửi xì gà cho mình rồi xin thêm “vì gói cũ gần hết rồi, Ramón à, em còn phải tặng thuốc cho những người đã giúp mình nữa…”
Phiên xử Fidel Castro và đồng đội mở vào ngày thứ Hai, 21 tháng 9 năm 1953, ở Tòa Án Santiago, tòa nhà mà chi đội Raúl đã đột nhập ngày nổi dậy, nằm ngang trại Moncada. Phiên xử trước Tòa Án Lâm Thời Santiago gồm ba thẩm phán, kiểu tòa án chính trị mà án tuyên rồi thì không được quyền khiếu nại. Chánh án hôm đó là Adolfo Nieto Pineito-Osorio, và công tố viên là Francisco Mendieta Hechavarría, cả hai người đều là những luật gia đáng kính.
Đây là phiên xử tập thể gồm 122 bị cáo do 22 luật sư đại diện, 6 bác sĩ pháp y, vài chục thân nhân, bạn bè và khoảng một trăm lính bồng súng đứng xung quanh. Thời tiết thì nóng bức mà các cửa đều được đóng kín để đảm bảo an ninh. Dù lệnh kiểm duyệt báo chí của chính phủ vẫn còn hiệu lực khi ban bố tình trạng khẩn cấp từ ngày 26 tháng 7, cả nước đều biết Fidel Castro đang bị xử. Sáu phóng viên tuần báo Bohemia ở Havana được phép vào dự nhưng không được đưa tin lên báo (tuy vậy sự có mặt của họ sau này sẽ rất có ích cho Fidel cũng như giúp thuật lại lịch sử).
Vài giờ trước khi phiên xử bắt đầu, các đơn vị thiết giáp và cả ngàn lính vũ trang chặn hết các ngả đường từ ngục đến tòa án. Tù nhân được đưa đến cổng sau bằng xe buýt. Fidel Castro được đưa đi riêng bằng xe jeep có lính canh rất kỹ. Ông mặc bộ vét cũ may bằng vải sợi có sọc xanh, áo sơ mi trắng, cà vạt in đỏ, giày và vớ đen. Râu mép được tỉa cẩn thận và tóc chải gọn. Tất cả tù nhân, đều bị còng, được đưa tới thư viện tòa án. Đây là nơi họ có cơ hội đầu tiên trao đổi ngắn với luật sư kể từ lúc bị bắt.
Lúc các tù nhân bước vào thì trong phòng rộ lên tiếng xầm xì, “Fidel đó! Anh ta đó!”…” và chánh án phải gõ búa xuống bàn yêu cầu giữ im lặng. Trước khi ngồi xuống, Fidel đưa hai cách tay bị cùm về phía các thẩm phán nói dõng dạc: ”Thưa ngài Chánh án… Tôi muốn ngài xem lại điều này… Có gì bảo đảm cho sự công bằng ở phiên tòa này không? Ngay cả tội phạm hình sự tồi tệ nhất cũng đâu có bị cùm trong tòa án được gọi là công lý như vầy… Ngài không thể xử những người đang bị còng như thế này được…”
Fidel đã tấn công ngay, song ngài chánh án lại chiều theo ý Fidel. Ông ta cho hoãn phiên tòa cho tới khi các tù nhân được tháo còng ra hết và cảnh cáo trưởng nhóm lính dẫn tù lần sau không được đưa tù nhân bị cùm tay vào tòa án của ông. Fidel dễ dàng thắng ván đầu, phiên tòa bỗng có không khí mới. Có vẻ như ba thẩm phán đồng cảm với các bị cáo và công tố chỉ làm đúng bổn phận của mình. Cuối cùng, Fidel và đồng đội, ngoài việc tự bảo vệ mình, còn có dịp để buộc tội chế độ nữa. Một viên đại úy sau đó đã nói với một luật sư rằng chính phủ đã thua trong vụ này: Dân chúng và cả thẩm phán đều ủng hộ bị cáo.
Điều khiến Fidel và đồng đội rất hài lòng với diễn biến ở tòa là Batista hình như không hiểu những ẩn ý chính trị tác động đến ba thẩm phán; Batista không hề ép họ phải kiểm soát hành vi của quân nổi dậy. Đồng thời, bản thân tòa án cũng muốn thoát khỏi sự can thiệp của nhà nước. Tòa án vẫn giữ lập trường này cho tới giai đoạn đỉnh điểm của cuộc chiến Sierra, và thậm chí đến lúc ấy Batista cũng không tài nào khống chế được họ.
Fidel muốn cho thấy Phong Trào tấn công trại Moncada là hợp pháp, lý luận rằng quân nổi dậy có quyền lật đổ Batista vì y đã đảo chính quân sự để cướp quyền nên đã vi phạm hiến pháp. Fidel thẳng thắn nói nếu có quyền, ông sẽ luận tội Batista trước tòa án đặc biệt Havana ngay sau chính biến và tuyên án y một trăm năm tù. Fidel không chống chế cho hành động nổi dậy mà còn xác nhận và kiêu hãnh chứng minh hành động như vậy là đúng nữa. Tới cuối ngày đầu tiên, trước Tòa Án Lâm Thời Santiago, bị cáo đã trở thành nguyên cáo.
Thế rồi Fidel tiếp tục trong vai trò kép trước các thẩm phán. Vai trò thứ nhất là của bị cáo căm phẫn thuyết trình về cách mạng và chính trị khi trả lời công tố viên. Khi được hỏi ông có tham gia các cuộc tấn công ở Moncada và Bayamo không. Fidel trả lời ngay là có. Với câu hỏi tiếp theo những bị cáo khác có tham gia không, ông nói, “Cũng như tôi, những thanh niên yêu nước đều mong muốn đất nước mình được tự do. Nếu nói họ phạm tội thì đó là tội cầu mong cho đất nước mình những điều tốt đẹp nhất… chẳng phải đó là điều họ được dạy ở trường hay sao?”
Vai trò thứ hai của Fidel còn thành công hơn nữa khi ông tự làm luật sư bào chữa cho chính mình vì ông cũng là một luật sư. Chánh án không thể từ chối vì ông đã từng cho phép hai lãnh đạo chính trị khác làm thế rồi. Vậy là Fidel có dịp xét ngược lại chính những kẻ đã buộc tội ông, trong đó có tư lệnh Moncada, đại tá Chaviano và lăng mạ chế độ độc tài. Để được nhận lãnh vai trò luật sư này, ông phải đóng năm peso và mặc áo choàng đen như các luật sư khác (phải thử nhiều áo khác nhau vì không có cái nào lớn cỡ ông), rồi cởi ra khi trở lại ghế bị cáo. Trên bàn luật sư, ông để Bộ Luật Bảo Vệ Xã Hội và một tuyển tập các tác phẩm của Martí.
Fidel càng gây ấn tượng thêm hơn khi được hỏi ai là “tác giả tinh thần” của cuộc tấn công các đồn ngày 26 tháng 7 - câu hỏi căn bản ở tòa bởi vì theo luật, ngoài việc xét xử các lãnh đạo của cuộc đột kích, “tác giả tinh thần,” tức người gợi cảm hứng cho cuộc tấn công, cũng quan trọng như lãnh đạo trực tiếp vậy. Fidel đã bình tĩnh trả lời: “Tác giả tinh thần duy nhất của cuộc cách mạng này là José Martí, nhà lãnh đạo các nền độc lập của chúng ta.” Bấy giờ, ông đã biến diễn biến trong tòa án Santiago thành phiên tòa lịch sử.
Lúc công tố viên hỏi từng bị cáo có tham gia vào cuộc đột kích không, họ đều trả lời có, đoạn kể lại chuyện lính Batista đối xử tàn bạo với các nghĩa quân, tra tấn dã man rồi giết họ. Luật sư bào chữa cho bốn mươi sáu quân nổi dậy, kể cả Raúl Castro, và các chiến binh đều hỏi và trả lời theo chiến lược chung của Fidel như đã thỏa thuận trước đó. Từng bị cáo một làm cả phòng xử án bàng hoàng với những câu chuyện khủng khiếp về việc quân chính phủ đã đánh đập, tra tấn, nhục mạ và giết tù nhân nổi dậy. Thế là tòa án đã cho khám nghiệm tử thi ba mươi bốn nạn nhân được tìm thấy ở các đồn trại. Những cái xác không còn ra hình thù gì nữa, đầy vết tích cho thấy đã bị đánh đập dã man, được lưu lại trong hồ sơ Vụ án 37-053, là chứng cứ làm sụt giảm nghiêm trọng hình ảnh của chính phủ.
Sau hàng loạt lời khai của đồng đội chứng thực sự tàn bạo của quân đội Batista đối với tù binh, trong vai trò luật sư, Fidel xin tòa án tách vụ án Moncada ra để xử riêng và phải xét xử các sĩ quan của Batista tội “tra tấn và giết người”. Fidel Castro thật ngạc nhiên khi tòa chấp nhận ngay. Vậy là bây giờ Fidel vừa là bị cáo vừa là nguyên cáo.
***
Sau năm ngày xét xử, chế độ Batista nhận ra rằng tình hình đã vượt ra khỏi tầm kiểm soát của họ và không được để Fidel trong phòng xử án nữa. Vai trò kép của ông đã hủy hoại hình ảnh chính phủ và tòa án lâm thời cũng không thể kềm chế ông được. Không mong đợi đối đầu trực tiếp trước tòa, Fidel quyết định để cho quân đội chính phủ tùy nghi hành động; một chương mới hết sức ngoạn mục mở ra trong màn kịch cuộc đời của Fidel.
Ngày thứ bảy 26 tháng 9, phiên tòa họp lại mà không có mặt Fidel. Bọn chúng bịa ra lý do ông bị “khủng hoảng tinh thần” nên không tới được. Tuy nhiên, lúc phiên tòa bắt đầu thì bỗng có giọng một phụ nữ la lên “Fidel không hề bị bệnh!” Đó là Melba và cô đứng dậy khỏi hàng ghế bị cáo, tháo khăn trùm đầu và lấy trong đó ra một bức thư đưa cho các thẩm phán, và nói “đây là thư của Fidel Castro.” Đoạn cô quay trở lại chỗ ngồi nói nhỏ với Haydée, “bây giờ chúng không thể giết anh ấy được nữa…”Fidel và bạn bè ông đã giáng cho kẻ thù thêm một đòn đau nữa.
Trước đó ít lâu, Fidel và bạn bè đã biết chính phủ có âm mưu giết ông trong ngục. Ông nghi chúng bỏ thuốc độc vào thức ăn nên suốt mấy tuần, ông chỉ ăn những gì gia đình, bạn bè và đồng đội gởi tới hay mua của những tù nhân khác. Ông cũng không hút xì gà của nhà tù nữa. Chẳng biết chính phủ Batista có định giết Fidel thật không song dường như viên giám sát quân sự ở ngục do không chịu tuân lệnh đầu độc ông nên chỉ ít lâu sau khi Fidel đến Boniato, viên trung úy này đã bị chuyển đi (sau này anh ta trở thành đại úy trong quân nổi dậy và là đội trưởng đội bảo vệ Fidel). Fidel cũng rất giỏi trong việc tiên đoán các hiểm nguy. Fidel nghi ngờ không sai vì tối ngày 25 tháng 9, ông hay tin mình sẽ không được đến tòa ngày hôm sau, ông đã viết bức thư khẩn gởi lên tòa ngay và bức thư, viết trên tờ giấy xé từ một tạp chí, đã được các tù nhân bí mật chuyển đến tay của Melba để cô giấu vào búi tóc.
Trong thư gởi cho tòa, Fidel, với tư cách luật sư, nói rằng người ta đang làm mọi cách để ngăn ông có mặt trước tòa vì sợ ông vạch trần những gian dối quanh sự kiện 26 tháng Bảy và “cuộc tàn sát khủng khiếp nhất trong lịch sử Cuba.” Ông xác định mình không bị bệnh và tòa án đã bị lừa dối và phàn nàn đã bị giam giữ bất hợp pháp trong năm mươi bảy ngày “không được nhìn thấy mặt trời, không được trò chuyện với ai hay gặp gia đình.” Fidel báo với tòa rằng ông biết người ta đang định quy cho ông tội vượt ngục để giết ông hoặc ông sẽ bị đầu độc và cho biết rằng có hai phụ nữ (Melba và Haydée) cũng đang gặp nguy hiểm vì “họ đã chứng kiến cuộc tàn sát ngày 26 tháng Bảy”.
Tiếp đó, Fidel xin được trưởng khoa trường Y Santiago khám sức khỏe ngay và gửi các bản sao bức thư của anh lên Tòa tối cao và Đoàn luật sư Cuba. Anh còn chỉ định Melba Hernandez làm đại diện hợp pháp của mình trước tòa.
Ba thẩm phán đồng ý và hai bác sĩ giỏi đã thực hiện việc này trước sự phản đối của tư lệnh quân đội. Kết quả là Fidel hoàn toàn khỏe mạnh. Với báo cáo của bác sĩ, tòa yêu cầu ông trở lại phiên xử. Tuy nhiên, bọn bảo vệ ngục Boniato làm dữ không cho Fidel đi nên các thẩm phán đành thôi. Các bị cáo khác sẽ tiếp tục được xử bình thường còn Fidel sẽ được xử riêng sau. Fidel không được đặt chân vào Dinh Công Lý nữa. Ở Boniato, ông được chuyển vào xà lim ở tầng trệt cách xa đồng đội. Melba và Haydée cũng bị nhốt riêng trong một xà lim tăm tối tách biệt với đồng đội.
Đồng đội của Fidel bắt đầu lo ông vẫn còn là mục tiêu ám sát nên ở phiên tòa ngày 28 tháng Chín, Raúl Castro đã đứng dậy nói lớn: “Tôi lo ngại cho tính mạng của anh tôi! Họ đã có âm mưu giết Fidel. Tôi đề nghị các vị hãy hoãn phiên tòa này lại bởi vì chúng tôi có mặt ở Boniato thì còn bảo vệ được anh ấy…” Quan tòa yêu cầu Raúl ngồi xuống và giữ im lặng song viên chánh án cũng tuyên bố rằng hai ngày trước, lúc nhận được thư của Fidel thì tòa “đã thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ bị cáo rồi.” Đây là điều Raúl muốn nghe. Song hôm sau anh lại đứng lên nói “nếu họ giết Fidel, họ sẽ phải tổ chức thêm một cuộc tàn sát ở đó và tiêu diệt tất cả chúng tôi.”
Phiên tòa kéo dài thêm một tuần nữa với sự có mặt của các chứng nhân là sĩ quan quân đội và các y tá bệnh viện. Lời khai của họ hoàn toàn lật ngược cáo buộc của tư lệnh của Moncada là đại tá Chaviano đưa ra từ trước cho rằng phiến quân đã sử dụng “vũ khí hiện đại,” thủ pháo, dao dài và dao găm chặt đầu binh lính trong trại và giết hại bệnh nhân trong bệnh viện quân y và bệnh viện dân sự. Cuối cùng vào ngày 5 tháng 10, công tố viên Mendieta Hechavarría thông báo trước sẽ không công nhận các cáo buộc đối với toàn bộ lãnh đạo các chính đảng khác, và quân Fidel không có chứng cứ xác thực cho thấy họ có liên quan với cuộc nổi dậy; phiên tòa kết luận theo như chiến lược cơ bản mà Fidel đã vạch ra.
Bấy giờ chỉ còn hai mươi chín người cần phải xử. Trong bài tóm tắt của mình, công tố viên khen họ “hành động trong vinh dự, đã rất thành thật và can đảm thú nhận và có thái độ đúng mực.” Cũng lạ là công tố viên đã xin lỗi vì phải phạt tù họ theo điều luật 148. Ngày 6 tháng 10, chánh án tuyên bố: Raúl Castro, Pedro Miret, và hai người nữa trong nhóm lãnh đạo hàng đầu bị mười ba năm tù. Hai mươi người khác mười năm và ba người ba năm. Melba và Haydée bị bảy tháng quản thúc trong nhà tù nữ ở Guanajay phía tây Havana. Như vậy, theo luật cho các lãnh đạo thì tối đa là hai mươi năm tù và tối thiểu một năm, thì mức án này không nặng.
Số phận của Fidel Castro trong xà lim ở ngục Boniato vẫn chưa được định đoạt. Chính phủ và tòa án chưa quyết định ngày xử ông trong khi các tù nhân đã được xét xử phải rời Boniato để tới điểm đến cuối, do vậy họ lại bắt đầu lo sợ Fidel có thể gặp nguy hiểm. Hai mươi sáu tù nhân bị đưa đến nhà tù ở Đảo Thông, nằm ngoài khơi phía nam Cuba, còn Melba và Haydée tiếp tục đi Havana trên đường đến Guanajay. Lẽ ra, theo tuyên án của tòa, hai mươi sáu người này sẽ bị giam ở pháo đài La Cabana ở Havana, nhưng chính quyền lại quyết định khác đi; đày quân nổi loạn ra tận đảo Thông như thế sẽ an toàn hơn.
Ngày 16 tháng 10, phiên tòa xử Fidel Castro kéo dài bốn giờ và ông bị kết án mười lăm năm tù. Phiên tòa diễn ra trong một căn phòng nhỏ tại trường y tá ở bệnh viện dân sự Saturnino Lora, nơi cánh quân của Abel chiếm đóng hôm 26 tháng Bảy. Có điều lạ là bài văn tự bào chữa của Fidel Castro khi ra đã nổi tiếng ngay với tựa đề “Lịch Sử Sẽ Minh Xét Tôi,” cho đến ngày nay vẫn là văn kiện căn bản của cách mạng Cuba, được xem như thánh kinh của phong trào nổi dậy
Ông được xử trong bệnh viện để cho khớp với lời bịa đặt là ông bị bệnh nên không thể dự được phiên xử ở tòa án công lý. Để tăng thêm độ tin cậy, họ cho xử một quân nổi dậy bị thương và một tù nhân khác cùng lúc với ông. Fidel còn nhận xét “thi hành công lý trong phòng bệnh viện có lính cầm súng đứng canh là quá dở bởi vì dân chúng sẽ cho rằng công lý của chúng ta bị bệnh.”
Khi ấy Fidel đã bị biệt giam hết bảy mươi lăm ngày và bị sụt cân rất nhiều song trông ông vẫn khỏe. Khi được hỏi ông có tham gia cuộc tấn công Moncada không, Fidel trả lời “xác nhận có.” Công tố viên hỏi có phải mục đích là lật đổ chính quyền không, Fidel trả lời “chẳng còn mục đích nào khác.” Đoạn đại tá Chaviano và các viên chức khác lặp lại những cáo buộc trước đó. Một lần nữa, Fidel xin phép tự là luật sư cho mình và ông được cho mượn một cái áo choàng đen, tuy kích cỡ xem ra quá nhỏ so với khổ người ông. Trong vai trò luật sư, Fidel chất vấn thiếu tá Perez Chaumont, phó tư lệnh Moncada, và buộc hắn chịu trách nhiệm về việc thêm hai thành viên của Phong trào đã bị lực lượng Vệ Binh Nông Thôn giết hại. Ông tố cáo chúng đã giết quân nổi dậy bị bắt chứ không cho làm tù binh. Rồi phiên tòa kết thúc.
Công tố viên Mendieta Hechavarría yêu cầu tòa án áp dụng hình phạt tối đa cho Fidel Castro, lãnh đạo chính của cuộc nổi dậy theo Luật Bảo Vệ Xã Hội là hai mươi sáu năm tù, lời yêu cầu này chỉ được vị công tố nói trong có đúng hai phút. Fidel ngước nhìn lên và nói: “Hai phút là quá ngắn cho quyết định nhốt một người suốt một phần tư thế kỷ”. Thế rồi Fidel yêu cầu được nói lời biện hộ và viên chánh án cho phép. Fidel đứng sau một cái bàn nhỏ với một sổ ghi chú, một bộ luật và quyển sách trích dẫn lời nói của Martí.
Fidel nói suốt hai giờ bài nói mà ông đã nghiền ngẫm trong xà lim với tất cả tình tiết, lập luận được trình bày rõ ràng, mạch lạc, thuyết phục bằng một trí nhớ và tài hùng biện tuyệt vời. Mở đầu với giọng trầm, chậm rãi, ông nói về “tính bất hợp pháp quanh việc phiên tòa này và thuyết nổi dậy chống lại kẻ tàn bạo là hợp pháp. Đoạn ông nhắc lại lịch sử phong trào, lý do thất bại ở Moncada, tố cáo việc chính phủ đã cho tra tấn dã man và giết hại đồng đội của ông, nhấn mạnh sự thối nát của chính quyền ở Cuba và sự đối xử bất công với lính trong quân đội (ngay từ đầu Fidel luôn tìm cách thu hút nhóm quân “lương thiện” về phía ông). Rồi ông nói tới cương lĩnh chính trị của phong trào, các điều kiện kinh tế xã hội tồi tệ ở Cuba và luật cách mạng mà quân nổi dậy sẽ làm nếu họ thắng ở Moncada, tức trở lại hiến pháp năm 1940, cải cách ruộng đất, lấy lại tài nguyên bị đánh cắp, cải cách giáo dục, chia lợi tức cho công nhân và các chính sách nhà ở cho dân chúng.
Ông nói, “Tôi mang trong tim thuyết của Martí và trong đầu tư tưởng cao thượng của tất cả những người đã bảo vệ tự do cho dân. Chúng tôi đã nổi dậy chống lại thế lực bất hợp pháp đang tập trung trong tay mình quyền lập pháp và điều hành đất nước… Tôi biết rằng tôi sẽ phải im lặng trong nhiều năm. Tôi biết họ sẽ cố che dấu sự thật bằng nhiều cách. Tôi biết rằng sẽ có âm mưu đưa tôi vào quên lãng. Nhưng giọng nói của tôi sẽ không bao giờ bị dìm hẳn; bởi vì khi tôi cảm thấy đơn độc nhất thì sức mạnh trong lồng ngực sẽ tụ hội và cho tim tôi sự ấm áp mà những tâm hồn hèn nhát từ chối tôi.”
Fidel cũng dẫn chứng các cuộc nổi dậy chống lại thế lực bạo tàn ở Anh, Pháp, Mỹ và các nước phương Tây từ thế kỷ 17 đến đầu thế kỷ 20. Ông cũng nhắc tới anh hùng dân tộc Martí và khẳng định tinh thần đấu tranh giành tự do, độc lập của người anh hùng dân tộc này vẫn còn sống mãi trong lòng nhân dân Cuba. Sau đó, ông kết luận: “Còn đối với tôi cũng như bao người khác, tôi biết rằng ngục tù sẽ cực khổ, đầy rẫy những mối đe dọa, sự tàn nhẫn và hèn nhát, nhưng tôi không sợ nó cũng như tôi không sợ cơn thịnh nộ của tên tàn bạo đã cướp đi cuộc sống của bảy mươi người anh em tôi. Hãy kết án tôi đi, không sao cả. Lịch sử sẽ minh xét tôi!”
Fidel nói xong thì ba thẩm phán và công tố viên thì thầm hội ý vài phút trong căn phòng đầy ắp người. Ông chánh án yêu cầu “bị cáo, ông Castro Ruz” đứng dậy rồi tuyên bố: “Theo yêu cầu của công tố viên, tòa tuyên án anh mười lăm năm tù… Phiên tòa kết thúc.” Ra khỏi phòng rồi, Fidel quay sang hỏi nữ phóng viên trẻ Marta Rojas đi gần đó, “Cô có nắm được hết các chi tiết không? Có ghi chú được hết không?” Khi Castro ra khỏi bệnh viện với bọn lính canh thì dân chúng ngoài đường đều vỗ tay hoan hô ông.
Sau sự kiện này, Fidel được tuần báo Bohemia bình chọn là một trong mười hai nhân vật nổi bật nhất trong năm 1953, bên cạnh quốc vương Iran, võ sĩ quyền anh Kid Gavilan, Tổng thống Costa Rica José Figueres, Nữ hoàng Anh Elizabeth (lên ngôi năm 1953), và người đứng đầu Ủy ban an ninh nhà nước Liên Xô (KGB) Lavrenti Beria (bị bắn sau khi Stalin mất). Ngay cả trước khi chuyển từ Santiago ra Đảo Thông, Fidel còn suy tính đến những bước hành động kế tiếp nhằm chống lại Batista. Chưa bao giờ ông nghĩ rằng có thể phải ở đằng sau song sắt nhà tù những mười lăm năm.
Trong lúc này, Tổng tư lệnh Batista tuyên bố sẽ tổ chức bầu cử tổng thống ở Cuba vào ngày 1 tháng 11 năm 1954. Về phía chính quyền Eisenhower, Arthur Gardner – một chuyên gia tài chính và người rất ngưỡng mộ Batista – được cử làm đại sứ Hoa Kỳ ở Havana.
Cuộc chiến -
Chương 18
Quân đội nổi dậy của Fidel Castro đã ra đời trong nhà ngục nam trên Đảo Thông, nơi ông và hai mươi lăm đồng đội bị chế độ Batista giam hết một năm bảy tháng. Trong nhóm này có mười bốn người (kể cả Fidel) đã lên chiếc Granma từ Mexico đến Oriente cuối năm 1956 để khởi động cuộc chiến Sierra Maestra. Cho tới năm 1986 thì ba trong số các tù nhân trên Đảo Thông, dẫn đầu là Raúl Castro, vẫn là cộng sự thân tín nhất của Fidel.
Đối với Phong trào của Fidel, các cuộc đột kích Moncada và Bayamo là những đợt thử lửa đầu tiên cho đội quân gồm những người giàu lý tưởng cách mạng nhưng thiếu kinh nghiệm quân sự, lại không được trang bị đầy đủ vũ khí và thông tin chuẩn xác về quân địch. Xét theo khía cạnh chính trị và tư tưởng, quân nổi dậy thuộc phong trào 26 tháng Bảy còn khá non nớt và chưa nhận thức rõ ràng mục tiêu lâu dài của mình. Nhận định này bao gồm luôn cả Fidel và các cộng sự chính của ông, mặc dù tại phiên tòa xử mình ông có nói Phong trào đã lên kế hoạch đưa ra “điều luật cách mạng” sẽ được áp dụng bởi một chính phủ mới. Đây là chính phủ ông hy vọng sẽ được thành lập nhờ làn sóng nổi dậy trên cả nước được khích động bởi thắng lợi ở Moncada. Bên cạnh đó, các động lực và lòng nhiệt thành đối với chuœ nghĩa Marx của Fidel dường như ít có dây mơ rễ má với mục tiêu tấn công các quân trại. Trên hết, Phong trào khi ấy vẫn chưa được người dân Cuba biết đến rộng rãi.
Phiên tòa Moncada, nơi Phong trào Fidel được đông đảo công chúng biết đến, cộng với kinh nghiệm trong tù là bước ngoặc trong lịch sử cách mạng đối với Fidel và đồng đội. Số phận các tù nhân trên Đảo Thông đã thành vấn đề quốc gia - càng đồng cảm với họ, người ta càng xem thường chế độ Batista. Fidel biết tận dụng tình hình này để lập tổ chức chính trị từ xà lim. Ông hiểu phải tập trung quyền lãnh đạo và tuyên truyền khéo léo để phong trào phát triển. Trong thư gửi cho một người bạn từ Đảo Thông, ông viết “Công cụ tuyên truyền và tổ chức phải mạnh để mọi thủ đoạn chống lại Phong trào đều thất bại.” Fidel làm theo nguyên tắc này ở trong ngục, khi lưu vong, trong cuộc chiến Sierra và giờ phút thắng lợi. Song Fidel cũng biết giá trị của đạo đức trong chính trị – ông học được điều này từ thiên tài quân sự người Phổ Karl Von Clausewitz. Ông muốn Phong Trào có ưu điểm đạo đức kết hợp với thiên hướng yêu nước, lịch sử và dân tộc chủ nghĩa để thời cơ đến thì sẽ thắng được quyền lực kinh tế và vật chất trong tay Batista.
Phiên tòa và nhà tù trở thành lò rèn cho Fidel tôi luyện bản thân và đồng đội. Theo ông, họ sẽ trở thành lãnh đạo tin cẩn của cách mạng. Nhờ giáo dục chính trị và kỷ luật, ngục Batista trở thành điều kiện lý tưởng để mài dũa Quân Đội Nổi Dậy trong tương lai. Fidel đã tính đến chuyện phải tổ chức quân đội cho lực lượng nổi dậy. Ông kết luận cách mạng muốn thành công thì phải có quân đội riêng khát khao làm cách mạng. Đồng thời ông bác bỏ giải pháp chính trị Cuba là thay đổi chính phủ nhờ vào sự hỗ trợ của quân đội hiện tại. Mối bận tâm hàng đầu của Fidel trong lúc đọc, viết, và suy tư trong tù – và khi ông điều động việc chuẩn bị thành lập lực lượng “tiên phong” lãnh đạo của mình – là tiêu diệt lực lượng vũ trang Cuba và thay thế bằng Quân đội nổi dậy. Nhìn lại quá khứ, ông công nhận mặc dù việc cầm tù rất khắc nghiệt và dễ gây nản lòng nhưng nó lại tạo điều kiện cho ông và Phong trào xây dựng được cơ cấu cách mạng. Nếu không có kinh nghiệm nhà tù, cuộc cách mạng Fidel có thể sẽ chẳng bao giờ có bước tiến nhảy vọt.
Hai mươi bốn tù nhân thuộc quân nổi dậy đến phi trường Nueva Gerona, Đảo Thông, ngày 13 tháng 10, còn Melba Hernández và Haydée Santamaría tiếp tục chuyến bay đi Havana đến trại giam nữ. Khi ấy, Fidel vẫn còn chờ đợi phiên xử của mình. Chỉ có một người trong số hai mươi bốn tù nhân nam này thông thạo Đảo Thông là Jesús Montané, thành viên ủy ban dân sự của Phong trào, vì anh được sinh ra ở đây và cha mẹ anh hiện vẫn đang sống ở Nueva Gerona.
Trại giam trên hòn đảo Thông này được xây dựng hồi năm 1931 dưới chế độ độc tài Machado. Với sức chứa 5000 người, đây được xem như Siberia nhiệt đới của Cuba dành cho tù nhân chính trị. Nhà tù này có bốn tòa nhà dạng tròn cao năm tầng, mỗi tòa nhà có thể nhốt 930 phạm nhân và nhiều tòa nhà lớn. Một trong số đó là bệnh viện nơi giam giữ các phạm nhân thuộc Phong trào. Tất cả cùng ở trong một hội trường rộng hình chữ nhật thuộc khu khám chữa bệnh phía Nam mang tên Tòa Nhà số 1. Nhìn chung, điều kiện sinh hoạt của các phạm nhân không đến nỗi quá tệ vì nhà nước còn e ngại phản ứng của công luận.
Khi quân nổi dậy tới nhà tù mới, không ai có tin tức gì của Fidel nên sợ ông bị giết hay gửi đi nhà tù khác. Tuy vậy tinh thần mọi người vẫn cao. Pedro Miret, chuyên gia vũ khí, tạm thời làm chỉ huy nhóm tổ chức lại mọi thứ với sự trợ sức của Raúl và Israel Tápanes. Họ gom số sách có sẵn thành một thư viện lấy tên nhà thơ trẻ Raúl Gómez García (đã hi sinh trong trận Moncada) và thường xuyên họp lại dưới sự chủ trì của Miret. Có thể nói đây là khởi đầu của lớp học trong tù cho quân nổi dậy. Ngoài ra, các phạm nhân còn quyết định tự đưa ra kỷ luật hàng ngày gắt gao hơn cả nội quy trại giam. Nhờ đó, theo lời Miret, “Đối với chính quyền, chúng tôi là những tù nhân khá trật tự, nên họ để yên cho chúng tôi. Họ ỷ y đến mức không nhận ra được chúng tôi đang học những gì. Và họ kính nể chúng tôi, tách chúng tôi ra khỏi khu vực chính để không ai khác thấy được chúng tôi.”
Ngày 17 tháng 10, Fidel Castro vui mừng gặp lại đồng đội trên Đảo Thông. Đêm đó, ông trò chuyện cùng mọi người và thuật lại toàn bộ sự kiện vừa xảy ra ở Santiago, kể cả bài nói chuyện “Lịch sử” của ông tại phiên tòa. Ông lại được bầu làm chỉ huy nhóm và đời sống trong ngục lại tích cực. Ngoài thư viện, giờ đã có hơn năm trăm quyển sách (trong đó có một trăm quyển của Fidel), họ tổ chức “trường đại học” trong ngục mang tên Abel Santamaría dạy triết học, lịch sử thế giới, kinh tế chính trị, toán học và ngôn ngữ. Bàn học là bàn gỗ họ hay dùng bữa và cũng có một tấm bảng nhỏ nữa. Mỗi ngày có năm giờ học vào các buổi sáng, trưa và tối. Fidel dạy môn triết học và lịch sử thế giới cách ngày và môn nói chuyện trước công chúng hai lần một tuần, còn Pedro Miret dạy lịch sử cổ đại (học tới giữa thời kỳ trung cổ thì họ được ân xá), và Montané dạy tiếng Anh. Về sau Montané viết rằng “từ đầu Fidel đã bảo chúng tôi nhà tù là chiến trận và chúng ta phải rút ra nhiều kinh nghiệm, giúp tiếp tục cuộc đấu tranh khi chúng ta được thả.”
Fidel còn đọc sách cho cả nhóm nghe (từ cuộc tấn công ban sơ của Napoleon Bonaparte ở Hugomont cho tới chuyện José Martí kiện Cộng Hòa Tây Ban Nha để đòi tự do cho Cuba) rồi thức đến gần nửa đêm để đọc thêm sách của Karl Marx và Rolland. Fidel và Miret cũng gửi thư cho bà con bè bạn hay người quen để xin sách. Một người bạn còn giúp đưa thư của Miret lên tuần báo Bohemia xin hỗ trợ sách nữa; nhờ lệnh kiểm duyệt báo chí đã được tháo bỏ nên bức thư này đã góp phần gia tăng sự chú ý về mặt chính trị đối với các tù nhân. Theo Miret, thư viện của họ hiện có bốn tuyển tập tác phẩm của Martí, hầu hết các tác phẩm quan trọng về Cách mạng Pháp cùng bộ sưu tập đầy đủ sách của Lenin, Marx và Engels – cho thấy việc giáo dục tư tưởng cho đội quân Fidel đã có định hướng rõ rệt. Trong thư gửi cho một người bạn, Fidel viết “Quả là một ngôi trường lạ lùng… ở đây, tôi có thể hoàn thiện thế giới quan và ý nghĩa cuộc đời của mình.”
Tháng 12, Fidel Castro lại công kích. Trong bức thư dài gửi cho bạn ông là Luis Conte Aguero, một phát thanh viên, Fidel kể lại vụ tàn sát quân nổi dậy ở Moncada và hỏi, “Tại sao không có ai can đảm lên án những hành động tra tấn và ám sát điên rồ và tàn nhẫn như vậy? Người sống phải có trách nhiệm đó chứ. Nếu không thì vết nhơ này sẽ không bao giờ xóa được.” Tuy vậy, Fidel cũng nói với bạn ôngh là do ông đã tố cáo ở phiên xử Santiago, tòa án đã chấp nhận ba tội trạng của Batista và ba viên chỉ huy cao cấp “đã ra lệnh giết các tù binh.” Ông kể thêm là tòa án ở Nueva Gerona trên Đảo Thông, nơi có quyền pháp lý đối với ông lúc này cũng đã chấp nhận cáo trạng. Cũng lạ là ở Cuba, một thủ lĩnh quân nổi dậy đang ở tù vì chống chế độ lại kiện được tổng thống mà anh ta muốn lật đổ về tội sát nhân; nhiều tòa án Cuba vẫn lắng nghe cáo trạng mãi tới lúc Fidel sắp được ân xá.
Fidel muốn đảng Ortodoxo ủng hộ khi ông chuẩn bị Quân Đội Nổi Dậy. Ông còn muốn bức thư gửi cho Luis Conte Aguero được xuất bản như “Tuyên Ngôn Quốc Gia” với tựa đề “Thông Điệp gửi tới Cuba Đau Thương” - bản tuyên ngôn đó được đưa cho vợ ông, Mirta, để bà đưa cho tờ báo Đại Học Havana in. Bà cũng đã làm tất cả những gì có thể để giúp chồng trong chính trị. Tuy nhiên, rất lâu sau bản tuyên ngôn này mới được in thành một tập sách nhỏ.
Fidel lúc này say sưa khám phá tri thức. Ông bắt đầu say mê Napoleon III, nên tìm đọc các tác phẩm của Victor Hugo và Karl Marx về đề tài này. Cuối năm 1953, nhà ngục đúng là trường đại học của ông. Fidel đọc nhiều tác phẩm văn học của Thackeray, Ivan Turgenev, A.J. Cronin, Somerset Maugham, Dostoevski… Qua các nhận định của Fidel về việc nghiên cứu lịch sử, văn học, khoa học và chính trị, ta có thể thấy ông luôn chọn lọc đối chiếu những gì đọc được với vốn hiểu biết của bản thân (hoặc cả định kiến) nhằm đảm bảo các quyết định của mình không đi ngược lại với tiến trình lịch sử hoặc bị lịch sử đào thải. Nhờ hiểu biết rõ ràng lịch sử quá khứ nên Fidel có thể tiên đoán khá chắc chắc lịch sử tương lai và xác định được vai trò dành sẵn cho mình.
Trong thời điểm này, ông phải đối mặt với tình hình phức tạp của chính trường Cuba. Tháng 1 năm 1954, Ramón Grau San Martín’s tuyên bố sẽ ra tranh cử chức tổng thống với Batista trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 như đã hứa. Điều này khiến Fidel hết sức khó chịu: Ông có cảm giác chẳng một chính trị gia có trách nhiệm nào sẽ đề cao các cuộc bầu cử của Batista bằng cách ra tranh cử. Hơn nữa, bản thân Fidel hết sức coi khinh đường lối chính trị theo kiểu găngxtơ của Grau suốt nhiệm kỳ 1944 - 1948. Tuy nhiên, điều khiến cho ông sửng sốt nhất là đảng Cộng sản lại quay sang ủng hộ Grau (kẻ thẳng tay đàn áp đảng Cộng sản trong nhiệm kỳ tổng thống của hắn) chống lại Batista (kẻ được các đảng viên Cộng sản ủng hộ năm 1940 nhưng năm 1952 lại đặt tổ chức này ngoài vòng pháp luật). Dù vậy, Fidel vẫn kìm nén không công khai chỉ trích các đảng viên Cộng sản.
Trong tù, Fidel luôn công khai chống đối Batista. Ngày thứ Bảy 12 tháng 2 năm 1954, Batista đến ngục để khánh thành nhà máy điện mới. Hay tin này, Fidel nhóm quân lại và cùng nhau hát lớn bài hát Phong Trào Cách Mạng do Agustín Díaz Cartaya, một nhạc sĩ da đen trẻ, sáng tác trước khi tấn công các quân trại ít lâu, đầu tiên nó có tựa là “Hành Khúc Tự Do”. Sau cuộc đột kích Moncada và Bayamo, Díaz Cartaya đã viết thêm một phiên khúc nói về “sự hy sinh của các chiến binh ở Oriente” và đổi tên bài hát thành “Hành khúc 26 tháng Bảy”. Bài hát trở thành nhạc khúc hào hùng của cách mạng, cho đến nay vẫn được trỗi lên trong các cuộc diễu binh và là nhạc nền chính trên sóng quốc tế của đài Phát Thanh Havana.
Khi ấy, hai mươi sáu tù nhân, kể cả Fidel, tập họp ngay bên dưới cửa sổ bệnh viện, cất tiếng hát vang. Mới đầu Batista tưởng đó là bài hát tưởng niệm đồng đội nhưng khi hiểu ra lời hát y giận dữ rời khỏi ngục. Sáng hôm sau, bọn lính dời bốn lãnh đạo quân Fidel tới xà lim nhỏ nhốt riêng từng người suốt hai tuần. Riêng Fidel bị nhốt vào xà lim gần cửa bệnh viện và ở đó suốt mười bốn tháng (Raúl bị nhốt chung xà lim với ông sáu tháng cuối cùng) thì được thả. Họ không được đọc thư, báo, nghe đài và một thời gian bị cấm gặp khách tới thăm. Mặc dù Fidel vẫn tìm được cách liên lạc với đồng đội và chỉ đạo Phong Trào từ xà lim biệt giam nhưng ông không thể trực tiếp liên hệ với họ. Ông cũng không thể tiếp tục dạy các “lớp học hệ tư tưởng” trước khi nó phải ngưng do đội quân Fidel đang bận rộn mưu tính để hỗ trợ Fidel trong nỗ lực tổ chức và tuyên truyền cho Phong trào. Khoảng thời gian này ông sống trong điều kiện hết sức thiếu thốn vì dù có nhà tắm và vệ sinh, tủ sách và lò sưởi nhỏ nhưng trong phòng rất tối. Ban ngày, chỉ có một tia sáng yếu ớt chiếu qua song cửa sổ nhỏ tít ở trên cao xuống xà lim còn tối đến ông phải đọc sách bằng đèn dầu. Những khi có mưa bão, xà lim thường bị ngập và Fidel phải bỏ sách vào vali để khỏi bị ướt.
Ngày 20 tháng 2 năm 1954, Melba và Haydée được thả sau năm tháng bị giam ở Guanajay. Đối với Fidel, đây là sự kiện hết sức quan trọng: Melba, vốn là luật sư giỏi và thuộc nhóm tổ chức tấn công Moncada, giờ trở thành nhân vật tín cẩn ở ngoài giúp ông tái thiết Phong Trào. Ban lãnh đạo Phong trào ngày đầu giờ chỉ còn lại Melba được tự do, những người khác vẫn còn ở trong tù hoặc đã chết. Thời gian ở tù giúp tôi luyện thêm bản lĩnh đấu tranh của Melba. Vừa ra khỏi trại giam, bà đã nói ngay với phóng viên các báo đài Havana đang chờ sẵn (lệnh kiểm duyệt báo chí được tạm ngừng vì Batista đang trong giai đoạn vận động tranh cử tổng thống), “Chúng tôi tự nguyện tham gia trận chiến Moncada vì tình yêu tự do, và sẵn sàng hy sinh mạng sống cho nó.” Ngoài ra, Mirta, người chị Lidia của Fidel và Naty Revuelta cũng tăng cường hoạt động hỗ trợ cho Phong trào. Trong lịch sử cách mạng Cuba và thành công của Fidel, phụ nữ đóng vai trò rất quan trọng.
Mirta và Fidelito nhiều lần được cho phép vào thăm Fidel. Họ thường nhân các dịp này trao đổi thông tin hoạt động để thiết lập mạng lưới cách mạng. Bên cạnh đó, Mirta còn hỗ trợ đắc lực công tác tuyên truyền cho Phong trào. Trong thư gửi cho Melba, Fidel nhắc “không phút nào được lơ là tuyên truyền vì đó là linh hồn của cách mạng. Mirta sẽ nói cho cô biết về tập sách nhỏ rất quan trọng vì trong đó có nội dung tư tưởng và các cáo trạng lớn nên cô phải hết sức chú ý.” Fidel còn thúc giục Melba duy trì kênh liên lạc mà ông đã thiết lập với Mirta.
Mạng lưới thông tin trong ngục và bên ngoài của Fidel hoạt động hoàn hảo. Hầu hết những thông điệp mật ông đều viết bằng nước chanh ép trên những dòng chữ trong các thư ông viết cho bà con, bè bạn ở Havana bởi vậy qua được hết các quy trình kiểm duyệt. Khi giấy được hơ nóng lên thì chữ viết bằng nước chanh sẽ nổi lên sắc nâu. Ông cũng nhận được những lá thư như vậy và thức ăn gửi ở ngoài vào. Lính coi ngục cũng không bao giờ thắc mắc chuyện Fidel thích dùng chanh. Fidel kể ông còn viết những dòng chữ rất nhỏ trên giấy rồi nhét dưới đáy hộp diêm chuyền qua lại cho đồng đội nên bọn coi ngục không hay. Họ cũng thường chơi banh làm bằng giẻ rách ngoài hành lang và thỉnh thoảng vờ làm rớt banh lên nóc nhà. Sau đó, một tù nhân xin lính canh cho phép leo lên lấy trái banh và ném nó qua bên kia bức tường cho Fidel. Thông điệp được giấu bên trong trái banh và Fidel cho vào trong trái banh ném lại cho đồng đội. Thỉnh thoảng, ông ném các vật khác, chẳng hạn như cái lon, qua cho đồng đội. Miret và Raúl còn tìm trong tự điển Larousse để học cách nói chuyện bằng ký hiệu tay như của người câm để trao đổi với Fidel.
Có khi họ còn dùng cả thức ăn để chuyển thông tin nữa. Tù nhân thỉnh thoảng nấu thức ăn và nhờ lính gác chuyển qua xà lim cho Fidel. Lần nọ, viên lính canh biết chuyện song Fidel thuyết phục được anh ta giúp chuyển thông tin dùm cho họ. Ông thường cho thông tin vào khoai tán nhuyễn nhưng thông tin dài hơn thì cho vào điếu xì gà là tốt nhất. Họ học cách mở điếu xì gà ra rồi cuốn lại để cho thông điệp vào giữa – đây là số xì gà do người nhà gửi vào. Để tránh bị phát hiện, họ thường chuyển ba bốn điếu một lần và Fidel mở tất cả các điếu thuốc ra để tìm tờ giấy. Để chuyển thông điệp ra ngoài, họ nhét mẩu giấy ghi tin nhắn vào đầu điếu thuốc ngậm trong miệng. Họ sẽ canh lúc giụi tắt thuốc để lửa không lan tới tờ giấy ghi thông tin, rồi khi gặp được người thân, họ ôm chầm lấy nhau để nhân đó chuyển điếu thuốc qua cho người kia. Họ cũng thường giấu thông điệp dưới vỏ hộp diêm bằng gỗ và chuyền cho nhau.
Fidel đã dành nhiều tháng trời để nhớ và ghi lại toàn bộ diễn văn “Lịch Sử Sẽ Minh Xét Tôi” bằng chữ rất nhỏ để chuyển ra khỏi ngục thông qua những cách đó. Đến tháng Sáu ông mới hoàn tất phần việc của mình. Sau đó, phải mất hết ba tháng để chuyển toàn bộ số tài liệu dài tới năm mươi bốn trang sách ra ngoài. Mirta và Melba có nhiệm vụ ghi lại và cho xuất bản.
Melba, Lidia và Haydée trước hết ủi các lá thư để các chữ viết nổi lên rồi đánh máy lại. Sau đó, họ gom hết các trang, đóng lại. Theo chỉ dẫn của Fidel, họ phải phân phát ít nhất 100.000 bản trong vòng bốn tháng cho tất cả phóng viên, luật sư, bác sĩ, giáo viên và các nhóm ngành nghề khác trên khắp đảo quốc. Fidel nhấn mạnh cần phải thực hiện việc này vì “văn bản đó chứa đựng chương trình hành động, hệ tư tưởng của chúng ta, không có những điều đó thì chẳng thể trông đợi việc gì lớn lao cả”. Fidel đã viết trong thư rằng “nhiệm vụ trước mắt của chúng ta… không phải là tổ chức các chi bộ cách mạng để xây dựng lực lượng - rất có thể đấy lại là một sai lầm tai hại - mà là vận động quần chúng theo ta, truyền bá tư tưởng và giành sự ủng hộ của quần chúng.” Tuy nhiên, do thiếu tiền và cần phải in bí mật nên họ chỉ in được trên 27.500 bản. Đến cuối năm họ mới phân phát hết tất cả các bản in.
Ngoài ra, Fidel còn nhờ Melba đi Mexico liên hệ với các đảng viên Phong Trào lưu vong, tập hợp lại để hỗ trợ phong trào cách mạng. Fidel lo ngại rằng các phe đối lập khác, nhất là bè cánh của tổng thống đã bị truất phế Carlos Prío với thế mạnh về mặt kinh tế, có thể thành công và lôi kéo được những người khác. Như thế sẽ làm tiêu tan ước muốn quy tụ nhân dân Cuba về một mối ủng hộ cho phong trào cách mạng ông đề ra. Vì vậy, nhiệm vụ của Melba ở Mexico là thuyết phục bạn bè Fidel không theo Prío. Sang tháng Năm, Batista ân xá cho một số tù nhân chính trị theo hiệp định Montreal 1953, trừ “những ai đã tham gia vào cuộc tấn công trại Moncada,” và Fidel cảm thấy tình thế thật nan giải.
Mùa xuân 1954, có hai sự kiện cách mạng xảy ra trên thế giới gây ấn tượng cho Fidel. Tháng 5, thực dân Pháp ở Đông Dương sụp đổ với chiến thắng Điện Biên Phủ của Đảng Cộng Sản Việt Nam. Tháng 6, quân cánh hữu do Cục Tình Báo Trung Ương (CIA) và công ty Liên Hiệp Trái Cây tổ chức và tài trợ xâm nhập Guatemala lật đổ chế độ cánh tả của tổng thống Jacobo Arbanz. Việc CIA nhúng tay vô Guatemala gây tác động mạnh lên Fidel, khẳng định toàn bộ những cảnh báo của Martí và chứng thực học thuyết “định mệnh lịch sử” nêu rõ không có chuyện gì xảy ra trong khu vực này mà không được sự cho phép của Mỹ.
Một tối tháng 7 năm 1954, Fidel Castro bị sốc mạnh. Khi đang nghe tin tức trên đài thì ông được biết Bộ Nội Vụ đã sa thải Mirta vợ ông. Trước đó bà đã không hề nói cho ông biết là bà làm việc trong bộ hay đã nhận lương của bộ dù anh trai Rafael của Mirta (từng là bạn học đại học của Fidel) là bộ phó nội vụ dưới chế độ Batista. Fidel tin là vợ mình hoàn toàn trung thành với ông, bất kể gia đình bà có liên hệ với chính phủ. Vì vậy, nghe xong, Fidel không tin là Mirta đã nhận tiền của bộ. Tối hôm đó, ông viết dthư nói với Mirta là phải buộc họ xem lại hành động bôi nhọ của bộ nội vụ, chắc ai đó đã giả mạo chữ ký của Mirta để lấy tiền.
Cha mẹ Mirta đều đã mất song bà và Fidelito được gia đình Fidel và nhiều bạn bè giàu có của Fidel đùm bọc. Ông thấy không có lý do nào để bà phản bội ông và trong lá thư gửi cho Luis Conte Aguero tối hôm ấy, ông viết đó là “âm mưu chống lại tôi, là việc làm tồi tệ, hèn hạ, bỉ ổi và không thể tha thứ được,” rằng Mirta rất thông minh không thể nào “bị gia đình lôi kéo, chịu nhận lương chính phủ dù cho tình hình tài chính có khó khăn đến mấy… cô ấy đã bị vu khống một cách đáng thương.” Fidel nhờ bạn bè hỏi Rafael anh trai Mirta để biết rõ sự thật, nhưng người ông giận nhất là Bộ Trưởng Nội Vụ Hermida, ông viết “chỉ có kẻ đê hèn như Hermida, đang ở giai đoạn cuối của sự suy đồi” mới quay sang hành động “hạ tiện, thiếu dũng khí như vậy.” Ông bảo mình đang “giận đến không suy nghĩ được nữa. Thanh thế của vợ tôi và danh dự của tôi với cách mạng đã bị bôi nhọ. Thà họ để cho tôi chết một ngàn lần còn hơn là để tôi chịu đựng sự xúc phạm này!”
Song Fidel đã lầm. Bốn ngày sau, chị Lidia báo cho ông biết Mirta đúng là đã nhận lương của Bộ Nội Vụ và bây giờ Mirta đang xin ly dị. Không có thêm chi tiết nào về chuyện này nữa. Năm sau đó, Mirta lấy một nhà chính trị thuộc đảng Ortodoxo tên là Emilio Nunez Blanco rồi sống rất kín đáo. Cho đến bây giờ, Fidel không còn nhắc đến chuyện này nữa. Mirta bỏ đi Mỹ với Fidelito ngay sau khi chia tay chồng và có lẽ họ không gặp lại nhau nữa (kể từ cách mạng bà đã sống ở Tây Ban Nha và bây giờ mỗi năm bà vẫn lặng lẽ trở về Cuba để thăm con cháu). Fidel cũng đồng ý ly dị khi biết sự thật. Ông viết mấy dòng gửi chị Lidia: “Chị đừng lo cho em. Chị biết không, em có trái tim bằng thép nên vẫn sẽ vững vàng cho tới ngày cuối của đời em.”
Ngày 26 tháng 7, kỷ niệm một năm vụ Moncada, bỗng Bộ Trưởng Nội Vụ Hermida cùng hai bộ trưởng nội các đến ngục thăm Fidel và tỏ vẻ hòa hảo khiến ông rất ngạc nhiên. Tuy nhiên, cùng ngày ở Havana, cảnh sát hung hãn giải tán lễ kỷ niệm ở trường đại học do Melba và Haydée (theo lệnh Fidel) tổ chức. Khi gặp Hermida, Fidel thừa nhận họ khác biệt nhau về chính trị và khi Fidel chỉ trích chuyện liên quan tới Mirta thì ông bộ trưởng chê anh trai Rafael của Mirta là “kẻ vô trách nhiệm.” Bấy giờ, về chính trị Fidel được chính phủ coi trọng đến nỗi ba bộ trưởng phải đích thân xin lỗi ông. Hermida khen nịnh là ở Cuba không ai có uy tín chính trị rõ rệt bằng Fidel và bảo “Anh đừng có nóng vội. Tôi cũng từng bị ở tù năm 1931 và 1932 nữa mà.”
Tuy vậy, Fidel vẫn thấy cõi lòng tan nát. Rafael Díaz công khai tố cáo Hermida đã đi thăm ngục buộc ông ta phải từ chức, song điều này chẳng an ủi được Fidel. Ông viết cho Conte Aguero ông nói, “Tôi sống vì còn nhiệm vụ phải làm. Với những đau buồn tôi phải chịu trong năm qua thì tôi thấy chết đi còn dễ chịu hơn nhiều. Tôi coi trọng Phong Trào 26 tháng Bảy hơn bản thân mình và chừng nào biết mình không còn có ích cho sự nghiệp nữa, tôi sẽ không ngần ngại từ bỏ cuộc sống, nhất là bây giờ tôi chẳng còn gì riêng tư để mà lo lắng nữa.”
Trong cuộc tranh luận giữa các luật sư trước phiên tòa ly dị, điều kiện trước tiên Fidel yêu cầu là đưa Fidelito, lúc bấy giờ năm tuổi, về Cuba và cho đi học ở trường do ông chọn. Trong thư gửi cho chị Lidia, Fidel viết “em chẳng dám nghĩ đến cảnh con trai mình sẽ sống chung mái nhà với những kẻ thù kinh tởm nhất của em… muốn đưa thằng bé đi, họ sẽ phải giết em trước… Em gần như phát điên lên khi nghĩ đến điều này.” Sau khi ra tù, Fidel vẫn nhất định đòi quyền nuôi con và cuộc tranh giành vẫn tiếp tục kéo dài mấy năm trời cho tới khi Fidel thắng kiện.
Lúc này, Fidel đã trở thành tù nhân chính trị nổi tiếng nhất Cuba và xà lim biệt lập là nấc thang đưa ông bước lên vị trí tôn vinh và vai trò lãnh đạo cao nhất. Đầu tháng 6, tờ Bohemia cho ra bài phỏng vấn Fidel với bảy tấm ảnh ông ở xà lim và thư viện nhà tù. Đó là lần đầu ông xuất hiện trước đông đảo công chúng cả nước mà không nhắc gì đến tội lỗi Batista hay các kế hoạch cách mạng. Việc Hermida thăm ông trên Đảo Thông gây nên xáo trộn lớn về Fidel trong nội các Batista và bấy giờ, thái độ chính phủ đối với ông cũng đã dịu bớt.
Đến tháng 8, Raúl được nhốt chung xà lim với Fidel, vậy là Fidel thôi không còn bị biệt giam nữa (dù vẫn cách ly với các đồng đội khác) và đã có người nghe để nghe ông nói. Xà lim được nới rộng, có hành lang, có người lau chùi, giặt giũ, nhiều nước, điện, ánh sáng, thức ăn, “tất cả đều miễn phí và không phải trả tiền thuê.” Ông đánh giá tình hình chính trị: “Giờ của chúng ta đã đến. Trước đây chỉ có một nhóm chúng ta, còn bây giờ ta tham gia với quần chúng. Chiến thuật của ta sẽ khác. Không còn những quan điểm hay động cơ chỉ gói gọn trong phạm vi một nhóm. Bây giờ tôi sẽ cống hiến cả con người và linh hồn cho sự nghiệp. Tôi sẽ bắt đầu cuộc sống mới, quyết tâm vượt qua mọi chướng ngại và nếu cần thì đấu tranh bao nhiêu lần cũng được. Tôi nhìn thấy đường đi và đích đến của chúng ta rõ hơn bao giờ hết. Tôi đã không phí thời gian trong ngục vì đã học, quan sát, phân tích, hoạch định và huấn luyện con người. Tôi biết điều tốt đẹp nhất của Cuba ở đâu và cách tìm ra nó rồi. Lúc bắt đầu thì tôi chỉ có một mình còn bây giờ chúng ta có thật nhiều người.”
Fidel tính tạo phong trào quốc gia thay thế cho các hoạt động bí mật như đã thực hiện trước vụ Moncada tuy nhiên cũng dự báo trước sẽ có trường hợp nảy sinh nhiều quyền lợi và quan điểm khác nhau. Ông tin vào tình đoàn kết cách mạng dưới sự lãnh đạo của ông. Bước đầu tiên, các tù nhân ngày 26 tháng Bảy phải ra khỏi ngục đã. Bởi theo ông, “một đội ngũ gồm những nhân vật chủ chốt có kỷ luật hoàn hảo… sẽ hết sức có quí giá đối với công tác huấn luyện lực lượng nòng cốt cho phong trào nổi dậy hay tổ chức dân sự”. Bên cạnh đó, “rõ ràng phong trào dân sự và chính trị vĩ đại phải có đủ sức mạnh cần thiết để chiến thắng bằng các biện pháp hòa bình hay cách mạng; nếu không nó sẽ tiềm ẩn nguy cơ bị nuốt chửng”.
Fidel Castro vừa mới bước qua tuổi hai mươi tám và dù vẫn còn trong ngục, ông có thể sẽ là lãnh đạo chính của quốc gia. Tháng Mười, cựu tổng thống Grau, ứng cử viên cho cuộc bầu cử tổng thống, đang nói chuyện trước cuộc mít tinh ở Santiago thì đám đông bắt đầu hò reo tên Fidel. Grau trả lời rằng nếu được bầu, ông ta sẽ ân xá hết tù nhân, kể cả những tù nhân trong vụ Moncada. Chẳng bao lâu, Grau nhận thấy không thắng được bộ máy Batista nên rút ra khỏi cuộc đua. Tuy nhiên, bấy giờ chuyện ân xá cho tù nhân trên Đảo Thông đã thành chiến dịch trong cả nước và Batista biết y không thể tảng lờ mãi được.
Tháng 11 năm 1954, vì không có ai cạnh tranh nên Batista được bầu làm Tổng thống “theo Hiến Pháp”, sự kiện này khiến cả Cuba u buồn. Phía Mỹ, do không nhận thấy được những nguy cơ chực chờ trong chính sự Cuba hay khả năng bùng nổ cách mạng, nên vội vã ủng hộ tên độc tài Batista. Tháng 2 năm 1955, Tổng thống Mỹ Richard Nixon qua Havana dự chiêu đãi chúc mừng Batista. Tiếp đó là giám đốc CIA Allen W. Dulles, “tác giả” của vụ can thiệp vào Guatemala. Cả hai người đều không hề biết đến Fidel, và chẳng bao lâu sau người lãnh đạo nghĩa quân tài giỏi này đã khiến Dulles phải trả giá bằng cả sự nghiệp của mình.
Năm 1955, chiến dịch kêu gọi ân xá được Hội Các Bà Mẹ Tù Nhân khởi động rồi mau chóng chuyển thành Ban n Xá Các Tù Nhân Chính Trị của Thân Nhân.
Batista cảm thấy rõ áp lực đòi ân xá cho nhóm Fidel ngày một tăng song y cũng lo các hoạt động cách tả trong nước nên chấp nhận lời khuyên của Mỹ, lập cục tình báo đặc biệt để chống cộng sản. Ngày Batista nhậm chức tổng thống, một nhóm lớn những nhà lãnh đạo chính trị, chủ biên và trí thức ký “Thỉnh Cầu Của Công Chúng” đòi “tự do cho các tù nhân chính trị và bảo đảm cho những người lưu vong được trở về.” Ngày 10 tháng 3 nhân kỷ niệm ba năm chính biến, dự thảo ân xá được trình lên hai viện của quốc hội Cuba và chính phủ tuyên bố sẽ cứu xét nếu nhóm Fidel hứa sẽ không nổi dậy nữa.
Fidel trả lời bằng văn bản với chữ ký của các tù nhân phản đối điều kiện đó. Ông viết nếu họ muốn làm nhóm của ông mất thể diện trước công chúng hoặc kiếm cớ để giữ họ trong tù, ông cũng không màng tới chuyện ân xá làm gì, và khẳng định rằng chính chế độ độc tài đã phạm tội với dân và bắt họ làm con tin. Họ cần tự do như mọi công dân song không ai có thể bắt họ thỏa hiệp một cách không xứng đáng và đổi danh dự để lấy tự do.
Fidel đã học được là không bao giờ thỏa hiệp với ai hay chính phủ nào hết và bấy giờ ông biết mình đang thắng thế nên kiên nhẫn để đợi ân xá. Tháng 4, biểu tình xảy ra trên khắp Havana và các thành phố khác. Báo chí cũng tố cáo chế độ đã cố giam giữ chiến binh Moncada trong ngục. Chính phủ tức giận bèn biệt giam Fidel trong ba mươi ngày vì đã gửi cho tờ Bohemia văn bản về chuyện ân xá có điều kiện - báo chí hiện đang nhắm vào việc này để tấn công chính phủ. Batista đành chấp nhận những điều kiện của Fidel để ngăn ngừa bạo động và làm tình hình dịu xuống.
Ngày 3 tháng 5, Quốc Hội chấp thuận dự thảo ân xá và Batista ký vào ngày 6/5 “nhân dịp ngày Lễ của Mẹ.” Ngày 15 tháng 5 năm 1955, chưa đầy hai năm sau cuộc đột kích Moncada, Fidel Castro và tất cả đồng đội được thả khỏi ngục Đảo Thông. Xe chở Fidel về nhà đồng đội Jesús Montané rồi tới khách sạn Đảo Thông, ở đó ông tổ chức họp báo. Như ông đã nói, việc tuyên truyền không nên ngưng nghỉ.
Tối đó, họ lên tàu vào đất liền và khi đến nơi lúc 5:00 giờ sáng thì trên bờ đã có khoảng ba trăm người ủng hộ đang chờ để chào đón họ. Ở trên tàu, Fidel gặp mặt lại đồng đội sau mười lăm tháng bị nhốt riêng. Họ bàn chuyện biến Phong Trào 26 tháng Bảy thành tổ chức cách mạng quần chúng. Fidel còn dành thời gian thảo ra “Tuyên Ngôn Nhân Dân Cuba của Fidel Castro và Các Chiến Sĩ”, tuyên bố cuộc chiến của họ mới bắt đầu.
Văn bản này được đăng trên nhật báo La Calle ở Havana sáng ngày các nghĩa quân từ Batabanó trở về nhà ga thủ đô. Xe lửa vừa đến nơi thì đám đông ồ lên hát quốc ca, còn Fidel thì được những người hâm mộ khiêng trên vai ra đường. Ông tuyên bố với báo chí rằng sẽ ở trong nước để chủ động về mặt chính trị đối với đảng Ortodoxo. Đấy là một phần trong chiến lược ngắn hạn của ông. Bấy giờ đảng Ortodoxo đang được tổ chức tốt và đã theo ông, tạo nền tảng cho việc xây dựng Phong trào 26 tháng Bảy. Ngoài ra, Fidel cũng không gây thù địch với quân đội khi trở lại chính trường; ông không chỉ khẳng định “tôi không phải là kẻ thù của quân đội mà chỉ là đối thủ,” mà còn lên tiếng khen ngợi sĩ quan quân đội đã làm tốt nhiệm vụ đảm bảo an ninh cho nhà tù ở Đảo Thông.
Fidel lên kế hoạch tập hợp các nhà hoạt động trẻ và những tù nhân đã được ân xá lại để chống Batista. Trong số này, có hai người sẽ sớm đóng vai trò quan trọng với phong trào là luật sư Armando Hart Dávalos, và thầy thuốc Faustino Pérez Hernández.
Mặc dù Fidel, khi vừa ra khỏi tù, tuyên bố sẽ cống hiến sức lực cho đảng Ortodoxo nhưng ông thừa biết Batista sẽ không chịu đựng được kiểu chống đối của ông và đấu tranh vũ trang là lựa chọn duy nhất. Ông cũng nói thế với những người theo mình và họ âm thầm bắt tay tổ chức Phong trào 26 tháng Bảy. Đồng thời, Fidel bắt đầu chiến dịch công khai mà ông biết chắc sẽ khiến Batista không thể nào chịu nổi ông. Fidel cho biết, ông cùng đồng đội sẽ đóng vai “vật hi sinh” để thử xem Batista có giữ lời hứa đảm bảo an toàn cho các nhóm đối lập hay không. Ông còn nói thêm, “tôi sẽ trở thành nạn nhân đầu tiên của sự hèn nhát nếu không có những đảm bảo này” và rằng “tôi được biết những hành động gây hấn đang được vạch ra nhằm chống lại tôi và đồng đội.”
Trong khi đó, bạo động lại bùng nổ ở Havana với hàng loạt các vụ ám sát, đánh bom, nổ súng và ẩu đả. Sinh viên đánh nhau với cảnh sát của Batista. Fidel hết viết bài đăng báo rồi lại lên đài tố cáo chế độ. Ông không bỏ lỡ bất cứ một cơ hội nào để nhắc về vụ thảm sát các du kích quân hồi 26 tháng Bảy. Fidel chuyển về ở tại nhà Lidia và tiếp tục hoạt động không ngừng như để bù vào thời gian trong ngục. Ông diễn thuyết, viết báo, gặp gỡ những người đi theo mình. Armando Hart và Faustino Pérez, cựu thành viên của Phong trào cách mạng quốc gia (MNR) giữ vai trò chiêu mộ các nhà hoạt động của MNR về cho Phong trào 26 tháng Bảy.
Ngày càng lo cho sự an toàn của anh nên Raúl, Nico López và Jesús Montané dọn về ở chung trong căn hộ của Lidia để bảo vệ Fidel. Sau đó, Fidel quyết định không nên ngủ liên tiếp hai đêm ở cùng một nơi nữa, nên cứ liên tục chuyển qua lại nhà bạn bè. Ông vẫn không ngừng công kích Batista trên báo.
Sự kiện Juan Manuel Márquez, lãnh đạo của một phe đối lập, bị đàn áp thẳng tay và Jorge Agostini, cựu sĩ quan hải quân vừa trở về sau khi lưu vong, bị giết hại mở màn cuộc chiến công khai giữa Batista và lực lượng đối nghịch do Fidel lãnh đạo. Fidel tố cáo chính phủ ám hại Agostini và bảy vụ đánh bom trong thành phố Havana chỉ trong một đêm là do người của Batista thực hiện. Chính quyền chống trả lại bằng cách kết tội Raúl Castro đã đặt bom trong một nhà hát, và Fidel kiện trong một phiên tòa ở Havana là chính phủ đang lên kế hoạch ám sát ông và em trai mình. Ông còn kêu gọi một cuộc đình công để ủng hộ công nhân hỏa xa bị cắt giảm lương. Ngày 15 tháng 6, chính phủ cấm tòa báo La Calle đăng bất cứ một bài viết nào của Fidel nhằm buộcFidel phải im tiếng.
Ngày 17 tháng 6, Fidel bảo em trai Raúl đến đại sứ quán Mexico ở Havana để xin tị nạn chính trị nhằm phòng nguy cơ Raúl bị đưa ra xét xử hay ám sát. Ngày 24 tháng 6, Raúl, thành viên đầu tiên của quân nổi dậy Fidel, lên đường đi Mexico. Tuy nhiên, trước khi rời khỏi Cuba, đêm 12 tháng 6, Raúl cũng kịp tham dự cuộc họp kín thành lập Ban Chỉ Đạo Quốc gia của Phong trào 26 tháng Bảy tại một căn nhà cũ gần cảng Havana. Khi ấy, Fidel cũng biết mình cần phải sớm rời khỏi Cuba cho nên cảm thấy cần thiết phải xây dựng xong một tổ chức hoạt động hiệu quả để hỗ trợ cho cuộc nổi dậy. Mười một thành viên của Ban Chỉ Đạo Quốc gia này gồm Fidel Castro, Pedro Miret, Jesús Montané, Melba Hernández, Haydée Santamaría, José Suárez Blanco, Pedro Celestino Aguilera, Nico López, Armando Hart, Faustino Pérez, và Luis Bonito.
Ngày 6 tháng 7, Fidel chuẩn bị rời Cuba với visa du lịch, mang theo nhiều sách hơn quần áo. Chiều ngày 7 tháng 7, sau khi chào từ giã chị Lidia, em gái Emma và con trai Fidelito, ông đáp chuyến bay đi Mexico, để lại thông điệp trên tờ Bohemia: “Tôi rời Cuba vì mọi cánh cửa đấu tranh cho hòa bình đã khép lại với tôi. Sau sáu tuần ra khỏi ngục, tôi thấy rõ hơn bao giờ hết chế độ độc tài có ý định tại quyền thêm hai mươi năm nữa và ngụy trang bằng nhiều cách, cai trị bằng khủng bố và tội ác, lờ đi nỗi bức xúc của dân Cuba. Là người theo Martí, tôi biết đã đến lúc giành quyền chứ không xin nữa, đấu tranh chứ không yêu cầu. Tôi sẽ sống trong vùng Caribê. Với những chuyến đi thế này, con người chỉ sẽ trở về để hành quyết chế độ độc tài dưới chân mình.”
Cuộc chiến -
Chương 19
Fidel Castro sang Mexico để tổ chức và huấn luyện quân nổi dậy Cuba cho chiến tranh du kích ở Sierra Maestra. Quân du kích dự định sẽ đánh bại các lực lượng vũ trang Cuba, lật đổ Batista và lập chính phủ cách mạng trên đảo quốc. Khi đặt chân tới Mexico, trong tay Fidel chỉ có một ít bạn bè, tính kiên trì vô hạn và tài thuyết phục tuyệt vời để đạt được mục tiêu này.
Ngay khi đến thành phố Mexico ông đã lên kế hoạch tìm gặp những nhân vật có sức ảnh hưởng đang sống ở đây có thể hỗ trợ cho cách mạng. Vừa đến nơi, Fidel đã dò ra ngay Alberto Bayo, cựu viên chức gốc Cuba và chuyên gia chiến tranh du kích quân đội Cộng hòa trong cuộc nội chiến Tây Ban Nha. Ông nhớ lại “Fidel Castro ngồi trước mặt tôi, hét với tôi ngay trong nhà tôi, khoa tay múa chân rất dữ y như chúng tôi đang gây gổ vậy. ‘Anh là người Cuba vậy anh nhất định phải có bổn phận giúp chúng tôi mới được!.’
Bayo kể lại trong quyển sách hướng dẫn huấn luyện nhóm quân viễn chinh Fidel về cuộc gặp giữa hai người thế này: “Anh chàng này nói với tôi anh ta định đổ bộ vào Cuba đánh bại Batista bằng toán quân mà anh ta chưa có trên chiếc tàu mà anh ta chưa có tiền mua. Ngay lúc nói chuyện với tôi, anh ta chẳng có một quân nào, một đồng cũng chẳng có nữa… Có buồn cười không chứ? Trò con nít chắc? Đoạn anh ta hỏi tôi ‘có hứa dạy chiến thuật du kích cho đội quân tương lai của anh ta không khi anh ta đã tuyển mộ được người và thu được tiền để nuôi quân ăn mặc, vũ trang rồi mua thuyền chở sang Cuba.’ Tôi nghĩ, chà anh chàng này muốn ‘tay không mà dời núi’ đây. Nhưng nói cho anh ta vừa lòng thì có hại gì đâu? Nghĩ vậy, tôi nói ‘được rồi Fidel, tôi hứa sẽ chỉ dẫn cho quân của anh khi cần.’ Fidel Castro thêm, ‘Này anh, tôi sẽ đi Mỹ kiếm người và tiền, trong vòng bảy tám tháng nữa sẽ có. Cuối năm tôi sẽ quay lại gặp anh và mình sẽ bàn cách thức huấn luyện quân sự nhé… Chúng tôi bắt tay nhau và tôi thấy chuyện này thật không tưởng.”
Dù thiếu phương tiện vật chất, Fidel lại có kế hoạch chiến đấu khá tỉ mỉ trong đầu thậm chí trước khi rời Havana. Pedro Miret, người rất thân cận với Fidel suốt thời gian này, cho biết Fidel quyết định đi Mexico vì định cho quân đổ bộ vào Oriente. Miret giải thích họ nảy sinh ý muốn đi Sierra từ sau trận Moncada và rằng ý định tổ chức chiến tranh du kích trên núi liên quan đến “các hoạt động quần chúng” ở những nơi khác trên đất nước Cuba. Bởi lẽ một trong các bài học anh rút ra được từ thất bại ở Moncada là “không có các hoạt động được đông đảo quần chúng ủng hộ thì không thể nào có cơ hội chiến thắng.”
Theo lời Miret, anh ta và Fidel đã thu hẹp phạm vi đổ bộ trong khu vực khoảng giữa Niquero thuộc bờ biển phía Tây của tỉnh Oriente và cảng Pilón trên bờ biển Nam. Trước khi Fidel rời khỏi Cuba, họ đã xác định được địa điểm đổ bộ cụ thể, và Miret nhanh chóng hoàn chỉnh kế hoạch. Miret đã qua bán đảo Oriente hồi tháng chín, nghiên cứu vùng này, các bãi biển và sóng dọc theo bờ biển cùng với Frank País, một điều phối viên khu vực cho Phong Trào 26 tháng Bảy ở Santiago và Celia Sánchez, con gái một bác sĩ tỉnh Media Luna, sau này thành đồng đội và cộng sự thân tín của Fidel ở Sierra. Đoạn Miret bay về Cuba tiếp tục tổ chức phong trào 26 tháng Bảy trong nước, rồi bắt đầu chuẩn bị kế hoạch cho quân đổ bộ vào năm sau. Tới đầu năm 1957 thì anh này bay trở lại Mexico để cập nhật thông tin phát triển Phong trào với Fidel.
Phong trào lúc này vẫn còn ở quy mô nhỏ và hoạt động trong bí mật, các thành viên tiềm năng được Ban Chỉ Đạo Quôc Gia của Fidel lựa chọn kỹ. Mọi việc từ tuyển dụng, gây quỹ tuyên truyền và chuẩn bị cung ứng cho cuộc chiến du kích trong núi được giao cho các thành viên Phong Trào và các điều phối viên ở cấp tỉnh, thành và quốc gia. Đảng Ortodoxo ở thời điểm này lại là cơ sở chính trị lớn cho sự nghiệp cách mạng của Fidel. Đảng Cộng sản lúc này vẫn chưa quan tâm đến phong trào của Fidel. Họ muốn ông ở lại Cuba cùng họ thành lập mặt trận chính trị thống nhất chống lại Cuba. Tuy nhiên Fidel trả lời rằng cần phải gầy dựng phong trào quần chúng trực tiếp đối đầu với kẻ địch và ông đi là để chuẩn bị cơ sở cho cách mạng.
Hai anh em Castro kỷ niệm hai năm vụ đột kích Moncada giữa thành phố Mexico. Trong suốt thời gian này, Fidel nỗ lực mở rộng mối quan hệ với những người Mexico có sức ảnh hưởng, những người châu Mỹ La tinh ly hương có tư tưởng cấp tiến và người tị nạn Cuba. Ông hoạt động cách mạng không ngừng nghỉ: hội họp, vạch kế hoạch và mưu tính, đọc và viết, kiếm tiền và chiêu mộ thêm người, theo dõi tình hình chính sự ở Cuba và định hình Phong trào 26 tháng Bảy.
Thời gian đầu ở thành phố Mexico, Fidel thuê một căn phòng nhỏ trong khách sạn rẻ tiền dưới phố. Ông đọc và viết ở đây còn ăn uống thì ở nhà người bạn tên María Antonia González gốc Cuba có chồng là một đô vật người Mexico ở khu phố cổ nội thành. Có thể nói căn hộ của María Antonia là chỗ trú chân, căn bếp và trụ sở của người Cuba tị nạn chính trị ở Mexico. Mỗi tháng, Fidel nhận được tám mươi Mỹ kim từ Cuba còn Raúl được bốn mươi.
Đến đây được một tuần, Fidel bí mật gửi thư kể với Faustino Pérez rằng ông đang nghiên cứu quá trình cách mạng Mexico của tướng Lázaro Cárdenas. Ông viết “chương trình cách mạng toàn tập” định gửi về Cuba phân phát. Để có tiền in bài này, ông phải đem cầm áo khoác ở cửa hiệu cầm đồ nhà nước với lãi suất thấp.
Fidel còn bị cúm, song dù sốt cao, ông vẫn tiếp tục viết các chương trình cho Cuba để áp dụng sau khi Batista bại trận. Bản “Tuyên Ngôn Số 1 gửi tới Nhân Dân Cuba” do Fidel viết đề ngày 8 tháng Tám 1955 có mười lăm điểm còn cấp tiến hơn bài “Lịch Sử Sẽ Minh Xét Tôi!” cách đó hai năm mà ông định gửi về đúng dịp giỗ lần thứ tư Eddy Chibás nhằm ngày 16 tháng 8. Tính biểu tượng rất quan trọng đối với Fidel nên Bản Tuyên Ngôn được mở đầu với lời trích dẫn của Martí và Tướng Antonio Maceo. Fidel cho người in ra ít nhất năm chục ngàn bản đem phát trong buổi lễ tại mộ Chibás ở nghĩa trang Havana. Ở Mexico thì in ra hai ngàn bản.
Nội dung bản Tuyên ngôn, vẫn duy trì tinh thần Moncada, kêu gọi nhân dân làm cách mạng, tấn công chống lại bọn tội phạm làm ô danh quốc gia và chế độ đi ngược lại với số phận và mong muốn chủ quyền của nhân dân. Phong Trào cách mạng mở ra cho mọi dân Cuba tham gia vì tự do dân chủ, công bằng xã hội… với những con số và kế hoạch hành động cụ thể như cải cách đất đai, chia lợi tức, cải cách giáo dục, chương trình nhà ở, chống phân biệt đối xử… sẽ được thực hiện sau khi cách mạng thắng lợi. Bản tuyên ngôn cho thấy dường như Fidel đang đi theo chủ nghĩa Marx-Lenin và chống chủ nghĩa đế quốc.
Fidel Castro gặp Che Ernesto Guevara lần đầu tiên tại nhà María Antonia ở thành phố Mexico hồi năm 1955. Có điều lạ là Fidel và Guevara bắt đầu hoạt động cách mạng chỉ cách nhau có hai tuần. Vào năm 1953, lúc Fidel chuẩn bị xong cuộc đột kích Moncada thì Che Guevara vừa rời Buenos Aires đi Bolivia trong hành trình cách mạng đầu tiên để “đấu tranh cho tự do của châu Mỹ.” Che nhỏ hơn Fidel hai tuổi, vừa tốt nghiệp trường đại học Y khoa Buenos Aires ngày 11 tháng Tư năm 1953 nhưng lại thấy thích cách mạng hơn theo nghề thầy thuốc. Tự cho mình là một người theo chủ nghĩa Marx nhưng chưa bao giờ chính thức gia nhập đảng Cộng sản Argentina, anh đã cùng một người bạn đi khắp Nam Mỹ gần cả năm để tìm hiểu thực trạng thuộc địa trên lục địa này trước khi trở về học tiếp để thi tốt nghiệp.
Ngày Fidel tấn công Moncada, Che đang ở La Paz, thủ đô Bolivia và hẳn đã đọc thấy sự kiện này trên báo. Tuy nhiên anh không đến ngay Cuba mà đi qua một số nước Nam Mỹ, trong đó có Guatemala, nơi anh chứng kiến cuộc nổi dậy lật đổ chính phủ cánh tả của Tổng thống Arbenz. Sau đấy, anh đến Mexico năm 1955. Một đêm lạnh lẽo, anh đã gặp Fidel Castro, người mà anh đã nghe nói qua hệ thống thông tin cách mạng Nam Mỹ. Kể từ đó, định mệnh cách mạng của họ đã kết hợp với nhau.
Trước đây, Guevara có quen với Nico López, một trung úy tin cẩn của Fidel đã chạy thoát trong trận chiến Bayamo vào cuối năm 1953. Anh còn gặp gỡ thêm một số quân Fidel lưu vong khác và được biết thêm nhiều điều về các cuộc nổi dậy ở Moncada và Bayamo. Guevara rất hứng thú khi nghe kể về Fidel. Đến Mexico năm 1954, anh gặp lại Nico và được biết tin Fidel sẽ qua Mexico sau khi ra khỏi tù ở Cuba.
Cho tới năm 1955, Guevara làm bác sĩ chuyên khoa dị ứng trong bệnh viện Mexico và giảng miễn phí cho Trường Đại Học Quốc Gia tự quản. Tiền lương ở bệnh viện quá ít ỏi nên anh buộc phải làm thêm phóng viên cho Thông Tấn Xã La tinh. Cũng trong năm đó, anh đã kết hôn với Hilda, cô gái anh quen ở Guatemala. Nhìn bên ngoài, Guevara có dáng vẻ gọn gàng tươm tất của một trí thức châu Mỹ La tinh trẻ tuổi. Anh tuy trông khá trầm lặng, nhưng lại có lối nói chuyện châm biếm tinh tế, kiến thức rộng và viết văn thơ rất hay. Anh rất giỏi tiếng Pháp nhưng tiếng Anh thì hơi yếu.
Guevara theo chủ nghĩa Marx-Lenin và nghiên cứu rất kỹ học thuyết này. Nhiều năm sau, Fidel nhớ lại lúc họ gặp nhau lần đầu Fidel nói “cậu ấy có tư tưởng Marx và là người cách mạng cấp tiến hơn tôi.” Trong người Guevara tiềm tàng lý tưởng sâu sắc, không hề có chủ nghĩa cơ hội trong chính trị và cống hiến say mê cho sự nghiệp cách mạng. Ông thuộc tuýp nhà cách mạng lãng mạn.
Khi đến Mexico cuối tháng Sáu 1955, Raúl Castro được Nico Lopez mời đi gặp Guevara trước. Họ kết bạn ngay, ngày nào cũng gặp nhau và Raúl giới thiệu Che với những người theo cánh tả Mỹ La tinh lưu vong ở Mexico. Theo lời vợ Che kể lại thì Raúl có “ý tưởng Cộng Sản, rất thích Liên Xô… Nói chuyện với Raúl rất thú vị. Anh ấy vui vẻ, cởi mở, tự tin, ý tưởng rõ ràng và có khả năng phân tích tổng hợp rất cao nên rất hợp với Ernesto.”
Chừng nửa tháng sau, Raúl sắp xếp cho Fidel gặp Guevara. Họ nhanh chóng kết thân, nói chuyện với nhau cả mười tiếng từ tối cho tới sáng hôm sau. Câu chuyện của họ không chỉ dừng lại ở cách mạng Cuba, mà còn về Mỹ La tinh và các vấn đề quốc tế. Hilda kể lại là khi về đến nhà, Ernesto kể Fidel là “lãnh đạo chính trị lớn có phong cách mới, khiêm tốn, biết mình đang đi đâu và hết sức kiên cường. Nếu có người nào thật sự hay ở Cuba kể từ thời Martí thì đó chính là Fidel Castro. Anh ấy sẽ làm cách mạng. Tụi anh rất hợp ý với nhau… Anh muốn giúp một người như vậy lắm.”
Sau này, Guevara viết về chuyện gặp Fidel : “Tôi gặp anh ấy trong một đêm lạnh lẽo ở Mexico và tôi nhớ chúng tôi đã bàn về chính trị quốc tế. Chỉ trong vài giờ buổi tối và rạng sáng mà tôi đã trở thành một người của quân viễn chinh tương lai.” Trong thư gửi cho cha ở Buenos Aires, Guevara ghi: “Cách đây ít lâu… có một lãnh đạo trẻ Cuba mời con tham gia phong trào giải phóng vũ trang cho dân tộc anh ấy và con đã nhận lời.”
Còn Fidel thì nhớ lại: “Che là người Argentina có tinh thần Mỹ La tinh và trái tim cách mạng... Anh chàng Che trẻ tuổi rất tò mò và quan tâm đến những điều xảy ra ở Mỹ La tinh… Khi ấy anh mang tên Ernesto Guevara, nhưng người Argentina thường xưng hô với nhau là Che, nên nhân dân Cuba từ đấy cũng gọi anh là Che… cái tên sau này rất nổi tiếng và trở thành một biểu tượng… Chỉ trong mấy phút, Che đã tham gia vào nhóm nhỏ quân Cuba đang lo tổ chức giai đoạn đấu tranh mới.”
Sau lần gặp đầu tiên, Fidel và Che mỗi tuần gặp nhau hai ba lần. Đôi lúc Che mời thêm một số người bạn Puerto Rico lưu vong đến cùng. Câu chuyện của họ thường xoay quanh tình hình chính sự các nước châu Mỹ La tinh và lý tưởng cách mạng. Ấn tượng của Hilda về Fidel là: “rất trắng, cao lớn nhưng không mập, tóc đen nhánh và quăn, có râu mép còn cử chỉ thì lanh lợi, tự tin. Trông anh ấy giống du khách tư bản hơn là nhà lãnh đạo, nhưng lúc anh ấy nói chuyện thì mắt ánh lên sự đam mê và tin tưởng vào Cách Mạng… Anh ấy có sức hút và cá tính của một lãnh đạo lớn cùng với vẻ giản dị tự nhiên đáng nể.”
Ngày 18 tháng 8 năm đó, Che và Hilda làm đám cưới với sự hiện diện của Raúl, Jesús Montané (vừa từ Cuba sang cùng Fidel hoạt động bí mật) và bạn thân nhất của cô dâu là nữ thi sĩ người Venezuela Lucila Velásquez. Fidel lúc đầu tính tham dự lễ cưới với vai trò người làm chứng nhưng vì lý do an ninh nên chỉ đến dự được ở buổi tiệc tổ chức sau đấy - ông lo ngại bọn mật thám của Batista, FBI và cảnh sát Mexico đang theo dõi nhất cử nhất động của mình.
Với Ban lãnh đạo Phong trào mới lập ở Mexico, Fidel Castro bắt tay vào thực hiện hàng loạt hoạt động mới: đưa thêm người qua Mexico huấn luyện, gửi mệnh lệnh về cho Ban Chỉ Đạo Quốc Gia và chuẩn bị đi Mỹ một chuyến để gây quỹ. Jesús Montané, Melba Hernández vừa từ Havana đến để cùng Guevara và Raúl điều phối các hoạt động ở Mexico trong khi Fidel đi vắng.
Ở Cuba, Pedro Miret ráo riết chuẩn bị cho cuộc xâm nhập. Một phần nhiệm vụ của anh, bên cạnh chuyến đi Mexico vừa qua, là chọn người đưa sang Mexico để gia nhập quân đội. Anh tổ chức lại lực lượng trong nước vì có nhiều người trong đảng Chính thống chuyển qua, gom tiền mua và giấu vũ khí. Trong đó, nhiệm vụ đưa người sang Mexico đòi hỏi phải thực hiện có hệ thống và kỹ lưỡng. Anh còn phải lo phần chu cấp cho họ… Quân Nổi Dậy Mới của Fidel đã lớn lên như vậy.
Fidel liên tục gửi các chỉ dẫn về Cuba. Hai tuần sau khi gửi bản “Tuyên ngôn số 1”, ông tiếp tục gửi thư cho Ban Chỉ Đạo Quốc Gia nói về cơ cấu và chức năng của Phong trào mới. Fidel nhấn mạnh vai trò của công tác tuyên truyền, an ninh và bảo mật. Một mặt Phong trào phải đẩy mạnh tuyên truyền tư tưởng và cương lĩnh cách mạng để góp phần chuyển biến những công dân đầy nhiệt huyết thành chiến sĩ cách mạng. Mặt khác, phải đảm bảo bí mật cho công tác thu mua, vận chuyển và cất giấu vũ khí. Fidel còn nhắc nhở tăng cường truyền bá tư tưởng cách mạng cho giai cấp công nhân.
Theo lời Fidel, Phong trào mới sẽ có “một đường lối tập trung kiểm soát mọi mối liên hệ chính yếu, nhưng một tổ chức phi tập trung của quần chúng, hành động tùy theo nhiệm vụ cụ thể”. Theo cách này, ông hy vọng rằng việc dần dần thay thế các lãnh đạo nổi tiếng nhất của Phong trào trong nước sẽ không khiến hoạt động bị đứt đoạn. Điểm khác biệt chính trong chiến lược giữa Phong Trào mới với Moncada là cuộc chiến trước nổi dậy chớp nhoáng, dựa vào thành thị, còn giai đoạn mới phải kéo dài ở nông thôn lẫn thành thị. Hiện tại, ý tưởng về cuộc chiến trường kỳ chiếm hết tâm trí Fidel.
Trong một bài nói chuyện với Mặt trận Nữ Công Dân Kỷ Niệm Trăm Năm Marti, Fidel nhấn mạnh cách mạng cần phải được tổ chức sao cho nếu có chuyện gì bất thần xảy ra thì Phong trào cũng không đi chệch hướng. Ông nhận thấy chiến lược cách mạng còn phức tạp hơn chiến lược chiến tranh nhiều. Sau khi suy xét kỹ càng, Fidel kết luận rằng một chiến dịch du kích được chỉ đạo tốt và giàu tính sáng tạo sẽ có nhiều cơ hội chiến thắng quân đội theo cơ cấu truyền thống; đây là chìa khóa cho ông quyết định tổ chức đội quân viễn chinh. Các nhóm chính trị phải đóng vai trò khác nhau trong cuộc cách mạng tùy theo đặc tính xã hội và kinh nghiệm.
Đơn vị đặc nhiệm trong nước sẽ được hướng dẫn kỹ thuật phá hoại hiện đại để hành động hỗ trợ cuộc xâm nhập. Tám mươi phần trăm nguồn quỹ thu được sẽ dùng để mua vũ khí còn hai mươi phần trăm để tổ chức và tuyên truyền. Ai cũng có thể tham gia cách mạng mà không cần phải biết dùng súng. Fidel cũng kêu gọi các nhà hoạt động Phong Trào ở Cuba hỗ trợ tài chính, còn ông thì đi một vòng nước Mỹ diễn thuyết và gây quỹ.
Ngày 30 tháng 10 năm 1955, trước tám trăm người Cuba ly hương trong phòng họp lớn trên phố Năm Mươi Hai và Đại Lộ số Tám ở New York, Fidel Castro đã phát biểu rằng khoœang cuối năm 1956 ông sẽ về chiếm lại Cuba. Ông xác định rõ ngày tấn công là để phong trào lớn lên trong lòng Cuba thấy mục tiêu rõ ràng chứ không hứa hẹn mơ hồ, đồng thời đánh vào tâm lý Batista và chính phủ của ông ta. Ông nói “Tôi xin cho các bạn biết là năm 1956, chúng ta hoặc sẽ thắng hoặc sẽ tử vì đạo!.. Chế độ không định hướng được các hoạt động của chúng ta… Chúng ta đã phát triển cách làm việc và tổ chức vững chắc… Công cụ phản gián của chúng ta hoạt động tốt hơn gián điệp của chúng. Chừng nào gián điệp của chúng báo cho nhà nước biết, chúng ta đã có ngay thông tin ở đây rồi. Mọi cơ quan thông tin và gián điệp của Batista đều bị chúng ta theo dõi rất kỹ.”
Diễn văn ở New York là điểm nổi bật trong chuyến đi Mỹ bảy tuần của Castro để gây quỹ cho Phong Trào và lập “Các Câu Lạc Bộ Yêu Nước” của dân Cuba sống ở Mỹ để ủng hộ cách mạng. Bất cứ nơi nào Fidel đi là ông đem theo biểu tượng lẫn tinh thần Martí và Chibás để vận động kiều bào. Sau khi diễn thuyết hùng hồn trước tượng José Martí ở thành phố Mexico, Fidel đi Mỹ bằng visa du lịch (cũng khá dễ vì Washington không xem ông là thành phần nguy hiểm, còn nhà nước Batista không hề biết ông định đi nên chẳng yêu cầu từ chối visa). Chặng dừng đầu tiên là Philadelphia, rồi ông diễn thuyết trước các nhóm người Cuba ở Thành Phố Union, New Jersey, Bridgeport, Connecticut trước khi đến New York. Fidel muốn gây ấn tượng với dân Cuba ở Mỹ vì chính quyền Mỹ chẳng để ý gì. Cũng có lần, xe chở ông tới cuộc mít tinh bị cảnh sát chặn lại nhưng chỉ là kiểm tra chiếu lệ vì lý do an ninh rồi cho qua. Mọi việc diễn ra rất êm xuôi. Trong bộ đồ xanh đen cũ, Fidel diễn thuyết rất say sưa và đến cuối buổi họp thì cử tọa đóng góp tiền đầy các chiếc nón cao bồi để trên bàn.
Ngày 20 tháng 11, Fidel nói chuyện trước một ngàn người Cuba ở Nhà Hát Flagler ở Miami. Sau cuộc mít tinh ở New York, ông cũng dành ra ba tuần nói chuyện riêng và thương lượng với những nhà lãnh đạo Cuba xa xứ và gặp bạn bè cũ. Visa du lịch của ông hết hạn nhưng Sở Di Trú và Nhập Tịch New York tự động gia hạn. Ở đây, ông cũng gặp lại chị Lidia dẫn theo Fidelito đi cùng với María Antonia từ Mexico qua. Ông kết thúc chuyến đi với các buổi diễn thuyết ở Tampa và Key West, nơi có cộng đồng Cuba truyền thống, rồi sau đó dừng lại mười ngày ở Key West để nghỉ ngơi và viết lách tại nhà trọ ở Đại Lộ Truman.
Chuyến đi Mỹ khá thành công. Tiền thu được dùng để in mười ngàn quyển sách Lời Cách Mạng còn dư được chín ngàn Mỹ kim. Ông còn lập ra các Câu Lạc Bộ Yêu Nước và Câu Lạc Bộ 26 tháng Bảy ở các thành phố ông đi qua. Fidel có ý tưởng để mỗi người Cuba thất nghiệp ở nước ngoài ủng hộ một Mỹ kim một tuần, còn những ai có việc làm thì một ngày lương một tháng. Ông cũng nghĩ mỗi thành viên câu lạc bộ nên đóng hai Mỹ kim một tuần. Fidel lúc nào cũng lo lắng sẽ không đủ tiền lo cho cách mạng, song lúc vào cuộc chiến ở Sierra thì quỹ thu được ở Miami đã dùng mua được các đợt vũ khí. Tờ Bohemia ở Havana có viết các bài tường thuật dài và đồng cảm về những diễn văn ở Miami và New York của ông. Từ Nassau ở Bahamas, Fidel cũng cho ra đời bản “Tuyên Ngôn Số 2 của Phong Trào 26 tháng Bảy gửi tới Nhân Dân Cuba” trong đó kể lại chuyến đi bảy tuần tốt đẹp. Cuối bài ông nói, “đất nước chỉ còn con đường cách mạng.”
Fidel trở lại Mexico để tiếp tục xây dựng đội quân viễn chinh. Gần sáu tháng kể từ khi rời Cuba, ông đã tạo ra tổ chức ở Mexico, Cuba và Mỹ, còn năm 1956 sẽ dành để chuẩn bị quân sự.
Tuy nhiên, ở tận Mexico Castro còn phải đối phó với chuyện các nhà chính trị Cuba thấy ông nổi lên là nhà lãnh đạo chính của phe đối lập nên sinh sự. Tờ Bohemia có bài viết nói về những lo sợ của các nhà chính trị trước sự nổi bật của Fidel, có minh họa hình Fidel và Batista như hai đối thủ chính. Hai tuần sau, Miguel Hernández Bauzá, một nhà bình luận chính trị viết một bài trên tờ Bohemia tựa là “Đất Mẹ Không Thuộc Về Castro,” công kích ông gay gắt. Hernández nói nếu Fidel nắm quyền ở Cuba, ông sẽ trở thành “người chế ra tiêu chuẩn tinh thần, đạo đức và công dân… những ai không theo anh ta sẽ bị xử là vô đạo đức.”
Fidel bèn đáp lại trên báo Bohemia rằng “cách đây bốn năm, không ai để tâm tới con người tôi… tôi vẫn mờ nhạt giữa những nhân vật tầm cỡ bàn về số phận đất nước… còn bây giờ thật lạ là ai cũng nổi lên chống lại tôi.” Song đó không phải do ông từ bỏ lý tưởng mà vì “họ biết sự nổi dậy của tôi không thể mua bằng tiền bạc hay địa vị.” Fidel rất tức giận song ông cũng nhận ra rằng cuối cùng ai cũng chú ý tới ông, người ta sợ ông. Và đó là hướng mà ông phải đi tiếp.
Trong nước, căng thẳng và bạo động gia tăng vào nửa cuối năm 1955, làm nóng lên khí thế cách mạng. Ở đại học Havana, một nhóm sinh viên lập Ban Chỉ Đạo Cách Mạng (BCĐCM) đấu tranh vũ trang thành thị chống Batista. Ban này suýt kẹt vào âm mưu chiếm dinh Tổng Thống để giết Batista do cựu tổng thống Prío bày ra. Phía cựu tổng thống Prío đã chuyển vũ khí sang Havana trước để sẵn sàng cho cuộc tấn công và thuyết phục BCĐCM tham gia. Tuy nhiên, ngày 4 và 5 tháng 8, cảnh sát phát hiện ra kho vũ khí bí mật này, thế là kế hoạch thất bại. Nhóm sinh viên này cũng bị bắt giam hết một tháng.
Khoảng cuối tháng 11 đến đầu tháng 12, sinh viên đánh nhau với cảnh sát. Đến ngày 5 tháng Mười Hai, hàng trăm phụ nữ thuộc Mặt trận Nữ Công Dân kỷ niệm Trăm Năm Marti, một tổ chức liên minh với Phong trào 26 tháng Bảy, xô xát với cảnh sát ngay giữa thành phố trong một cuộc diễu hành. Nhiều phụ nữ đã bị chúng đánh và bị bắt giam. Ngày 7 tháng 12, cảnh sát bắn vào đám đông sinh viên và công nhân đang biểu tình phản đối Batista. Ngày 23 tháng 12, gần một phần tư triệu công nhân nhà máy đường đình công đòi tăng lương. Ngay lập tức họ có được sự ủng hộ của Phong trào 26 tháng Bảy, BCĐCM của sinh viên và đảng Cộng sản. Cùng lúc đó, mười ngàn tờ rơi có khẩu hiệu “Năm 1956, chúng ta sẽ trở về hoặc sẽ tử vì đạo” và dấu hiệu “MR 26-7” (Phong Trào 26-7) xuất hiện bằng mực đỏ và đen trên tường ở khắp nơi.
Ở Mexico, Fidel ngưng cuộc họp với Che Guevara và Raúl Castro một lúc để mừng Giáng Sinh với bạn bè đồng đội và ăn các món ăn truyền thống Cuba. Tan tiệc, Fidel lại nói chuyện cả đêm về các dự án phát triển và kinh tế mà ông dự định sẽ thực hiện ở Cuba sau khi thắng lợi. Hilda Guevara nhớ lại “Fidel nói hết sức tự nhiên, tràn đầy niềm tin làm chúng tôi có cảm tưởng như mình đang ở Cuba trong cuộc xây dựng.” Đoạn Fidel và Che nói cần phải quốc hữu hóa tài nguyên thiên nhiên và các nguồn tài sản chính. Fidel bảo họ “Đúng vậy, năm 1956, chúng ta sẽ trở về…”
Cuộc chiến -
Chương 20
Đầu năm 1956, nhờ vào tiền đóng góp của các thành viên và tổ chức mang qua Mexico nên quân Fidel Castro bắt tay vào huấn luyện cho cuộc xâm nhập. Giữa tháng Giêng, hơn bốn mươi người từ Cuba và Mỹ qua Mexico gia nhập đội quân nổi dậy.
Kể cả Fidel, Raúl, Che và nhóm cũ thì tổng cộng đã được sáu mươi chiến binh cộng với một nhóm ủng hộ viên, chủ yếu là phụ nữ và nhiều bè bạn ở Mexico. Họ thuê sáu nhà trọ, mỗi nơi chứa được mười người rồi sau đó thuê thêm vài căn nữa. Fidelito đã qua Mexico với cô Lidia, được ở nhà một cặp vợ chồng giàu có người Mexico gốc Cuba và Fidel thường đến thăm con.
Nhà María Antonia trở thành trung tâm liên lạc, nơi những người mới đến làm thủ tục gia nhập tổ chức. An ninh và kỷ luật ở các khu nhà rất chặt chẽ: không ai được kể về các hoạt động của mình, nhà nào cũng có người chỉ huy, khi đi tập không ai được cho biết nơi ở của mình và giờ giấc đi lại, ăn uống cũng được ấn định rõ, vì Fidel biết ở Mexico đầy rẫy những điệp viên Batista đang tìm cách phá hủy Phong Trào.
Giữa tháng Giêng, Fidel đã gom đủ tiền và người, ông bèn báo cho Tướng Bayo, chuyên gia du kích Tây Ban Nha (người mà Fidel đã gặp trước đây và nhờ ông này trợ giúp việc đào tạo), là ông ta đã có thể bắt đầu huấn luyện được rồi. Bayo đến từng nhà trọ để huấn luyện cho các du kích quân nên là người thứ hai sau Fidel biết các chỗ họ ở, nếu có ai hỏi thì Bayo giả vờ nói mình là thầy dạy Anh văn.
Fidel và Bayo chú trọng rèn luyện thể lực cho chiến binh để họ có thể chịu đựng được việc phải hành quân suốt cả ngày đêm qua những nơi nguy hiểm nhất trong thời tiết xấu nhất, ngủ dưới đất, đi nhiều ngày, ăn uống thiếu thốn, nhịn đói nhịn khát và phải biết chịu đựng sự mệt mỏi. Trước hết họ tập đi bộ rất lâu trên đường phố, chèo thuyền, đánh tay không, chơi bóng rổ và bóng đá để thêm lanh lợi. Ngoài ra còn vừa tập leo núi vừa vác ba lô. Tập luyện trong đêm cũng rất quan trọng. Che cùng tham gia tập luyện với họ. Sau đó, họ tập bắn súng, cách xem bản đồ và la bàn, cách đào hầm, kết nối liên lạc và học văn hóa quân sự. Fidel chỉ thỉnh thoảng tới xem xét việc tập luyện vì ông bận tổ chức chung, liên hệ và gây quỹ. Người duy nhất cùng làm việc với Fidel là Che. Có hôm, Fidel dành cả ngày quan sát các chiến binh của mình luyện tập. Tập xong, mọi người đều có vẻ rất mệt. Khi đó, Fidel cho họp cả nhóm lại, buồn bã nói rằng cuộc đấu tranh phía trước còn rất dài, nếu họ dễ bị kiệt sức như vậy thì không thể trụ được, và ông rất buồn vì Che là người Argentina, là người ngoại quốc, thế mà vẫn tập không biết mệt để tham gia cho cuộc cách mạng của chúng ta trong khi chúng ta là người Cuba lại như vậy… Ông nói với vẻ u buồn đến nỗi sau đó ai cũng cố gắng không tỏ ra mệt nữa.
Các đồng sự thân nhất nhận thấy Fidel chỉ lo cho cách mạng, song thỉnh thoảng ông cũng rất cố gắng tỏ ra vui vẻ với mọi người và hình như vài tháng trước khi lên đường đi xâm nhập, ông có yêu một phụ nữ trẻ. Fidel là người vừa kiên nhẫn lại vừa bất nhẫn: kiên nhẫn khi biết chọn đúng thời điểm lịch sử mà hành động, còn bất nhẫn khi không muốn phí phút nào của phong trào cách mạng. Bạn bè rất hiểu tánh khí và tâm trạng của ông. Một sáng nọ, lúc 5:00 giờ bỗng nhiên ông chạy vào phòng họ ngủ nói lớn, “Như vậy không được đâu!… Mình đến đây để làm cách mạng, chứ đâu phải để ngủ tới chín giờ sáng!” (thật ra chưa có ai ngủ tới 9 giờ sáng bao giờ) - bởi Fidel nóng lòng muốn có thêm một hai giờ làm việc và ông muốn hành động ngay. Từ đó trở đi, họ dậy sớm hơn để tập luyện.
Song chỉ vài ngày sau, nhân lễ Valentine ông muốn đến nhà để chúc mừng Melba, ông chuẩn bị bữa sáng rồi rủ các bạn xuống phố. Cũng như trong quân sự, ông lên kế hoạch rất kỹ rồi nói với Melba và Montané “mình có mười sáu peso Mexico (chừng 1,20 Mỹ kim). Bây giờ có một người bạn tên Lucy mới từ Havana tới. Vậy mình mời cô ấy đi ăn uống hay xem phim, mỗi người bốn peso. Hôm nay là ngày của cô đó, cô quyết định nhé.” Melba chọn đi xem phim, bộ phim họ định xem của Hollywood nói về các cuộc chiến ở Ấn Độ. Họ đến đón Lucy, Melba nghĩ cô gái này thật xinh đẹp và theo lời Melba thì “Fidel cũng có vẻ thích cô ấy.” Nửa đường, họ gặp Rayes, anh này được chỉ định theo bảo vệ Fidel. Do anh này phải đi theo nên họ thiếu tiền mua vé xem phim. Rồi khi đi ngang qua cửa hàng trái cây họ thấy đói bụng nhưng lại không có tiền để mua. Cuối cùng Lucy nói “Các bạn đừng ngại tôi có tiền đây, để tôi mời nhé.” Fidel dứt khoát từ chối nhưng rốt cuộc đành nói là mượn vậy. Họ ăn trái cây, xem phim và tối hôm đó thật vui. Ngay khi có tiền Fidel liền mang đến trả lại cho Lucy. Họ rất mến nhau nhưng quan hệ giữa họ không đi xa hơn.
Vấn đề của Fidel với phụ nữ là ông muốn họ cũng phải say mê chính trị và cách mạng giống như ông. Chẳng hạn như lần nọ, Melba, Jesús Montané và Raúl Castro thuyết phục Fidel đi chơi với hai phụ nữ trẻ Mexico rất hay giúp đỡ họ chuẩn bị cuộc xâm nhập. Fidel có vẻ mến họ và Raúl nói “Anh Fidel à, mình không nói chuyện về chính trị đâu nhé, phải chú ý đến mấy cô một chút và tỏ ra vui vẻ nếu không thì chán lắm, vậy anh phải nhớ là không được bàn về chính trị đó nhé.” Fidel vui vẻ gật đầu và có vẻ chú ý đến một cô. Ba cặp đi chơi là Melba và Montané, Raúl và một cô tên Piedad còn Fidel với cô gái tên Alfonsina González đến câu lạc bộ đêm thành phố Mexico. Bấy giờ, hai cặp Raúl và Montané khiêu vũ còn Fidel vẫn ngồi ở bàn. Melba nhớ lại lúc họ quay trở lại chỗ ngồi thì thấy Fidel đang giảng chính trị với Alfonsina. Họ đá vào chân ông ở dưới gầm bàn, thế là ông vội chuyển sang đề tài khác, thế nhưng được một lát ông lại nói sang chuyện chính trị nữa.
Melba kể Fidel quen biết người phụ nữ nào nhưng “sau đó nhận ra cô đó không quan tâm tới mục tiêu của anh là quan hệ sẽ nhạt đi. Melba cho rằng Fidel hứng thú hơn khi có phụ nữ, anh luôn “cần có phụ nữ vì rất tin tưởng họ nhưng với anh “trong người phụ nữ thì tri thức là điều quan trọng nhất.”
Theo Teresa Casuso, một tiểu thuyết gia Cuba, bạn ở Mexico và sau đó là nhà ngoại giao của ông thì Fidel đã từng yêu một cô gái tuyệt đẹp mười tám tuổi từ Havana tới tên Lilia ở trọ nhà bà. Lilia rất tao nhã và được giáo dục theo phái tự do, thẳng tánh và ngây thơ. Giữa năm 1956, Fidel thường tới thăm Teresa Casuso xin bà cho để nhờ vũ khí, đạn dược trong nhà kho biệt thự của bà và hay nán lại chờ Lilia về. Thời gian trôi qua, tình yêu nảy nở giữa Lilia và Fidel. Fidel theo đuổi cô với tình cảm dạt dào trẻ trung và mãnh liệt làm cô gái vừa ngại ngùng vừa thích thú… vẻ vui thích, sự điềm tĩnh cộng với vẻ đẹp tuyệt mỹ và phẩm chất thanh tao, trung thực của cô khiến ông ngây ngất. Fidel không chịu được khi người ta không rung động trước ông.” Fidel đã cầu hôn Lilia và được cô nhận lời. Thế là ông xin phép cha mẹ Lilia và cũng được họ chấp thuận. Song đính hôn được gần một tháng thì việc chuẩn bị cho cuộc đột nhập tăng tốc và dần dà Fidel không có thời gian dành cho Lilia. Cuối cùng Lilia quyết định cưới người yêu cũ của cô. Lúc Lilia báo cho Fidel biết quyết định của cô, Fidel vốn hết sức kiêu hãnh bảo cô hãy kết hôn với anh chàng kia vì anh ta hợp với cô hơn. Sau này, khi ráp súng ở nhà Casuso, Fidel đã nói với bà rằng cách mạng mới là “vợ sắp cưới xinh đẹp của tôi.”
Đầu năm 1956, Cục Tình Báo Quân Sự Havana tuyên bố đã khám phá ra âm mưu lật đổ chính phủ do Fidel Castro điều khiển từ nước ngoài. Nhiều thành viên Phong Trào bị bắt. Đại tá Orlando Piedra, Cục trưởng điều tra Cảnh Sát Quốc Gia được cử sang Mexico tìm hiểu âm mưu. Theo lời bạn bè thì Batista cũng ra lệnh giết Fidel. Hai kẻ giết thuê, được giao cho hai chục ngàn Mỹ kim, giả làm cảnh sát Mexico định sẽ bắt Fidel trên đường, đưa ra khỏi thành phố giết rồi thủ tiêu, sau đó sẽ gửi thư cho María Antonia nói rằng Fidel có việc đột xuất phải rời Mexico nên đừng lo lắng gì cho ông. Theo tin mà Fidel nhận được thì vụ này do tùy viên hải quân Cuba ở thành phố Mexico chỉ đạo nhưng không thành vì quân nổi dậy đã được báo trước (có cảm tình viên trong cảnh sát mật Batista) và tuyên bố cho công chúng biết. Kế hoạch thứ hai chống lại Fidel là thông qua nhà cầm quyền Mexico.
Lúc này, Fidel đã quyết định ra khỏi đảng Ortodoxo, tuyên bố Phong Trào 26 tháng Bảy là phe duy nhất chống nhà cầm quyền Batista, tổ chức cách mạng của tầng lớp hạ lưu.
Giữa mùa xuân 1956, Fidel bảo tướng Bayo tìm thuê một trại chăn nuôi thích hợp cho việc tổ chức quân đội nhỏ. Họ tìm được một nơi ở Santa Rosa rộng chín mươi sáu mét vuông có đồng và núi. Trại rộng, có tường đá cao bao quanh với bốn tháp chống cướp, trông giống lâu đài xưa, đủ để hơn năm chục người sống thoaœi mái.
Fidel giao cho Bayo trả khoảng 240 Mỹ kim tiền thuê một tháng song ông chủ đất muốn bán hẳn với giá 240.000 Mỹ kim. Bayo thương lượng nhiều ngày và thuyết phục người chủ này là ông đang tiếp xúc trước cho một triệu phú Trung Mỹ muốn mua nhưng phải để ông đưa người tới sửa sang và sơn lại Santa Rosa mới được. Ông kia đồng ý và cho họ ở với giá 8 Mỹ kim một tháng trong khi chờ sửa chữa. Đó là thời gian họ cần trại này. Vậy là Bayo giúp Fidel đỡ tốn 232 Mỹ kim một tháng.
Quân nổi dậy tới đó tập luyện ngày đêm. Che Guevara làm tham mưu trưởng dưới quyền Bayo. Họ tạo ra các điều kiện giống như ở Sierra, dựng lều trong núi, chở đồ ăn thức uống bằng lừa, vũ khí nhờ thương gia quen ở thành phố Mexico hay phái viên ở Mỹ mua hộ, đồng phục và túi ngủ may ở nhà kho của người bán vũ khí. Fidel rất vui mừng thấy quân du kích tiến bộ.
Tuy nhiên, tới gần cuối giai đoạn luyện tập thì có chuyện nghiêm trọng xảy ra. Ngày nọ, có một chiến binh tên Calixto Morales Hernández, trước làm giáo viên ở quê, tự nhiên vô kỷ luật không chịu hành quân nữa mà ngồi xuống nghỉ ngơi hút thuốc, lờ đi như không nghe lệnh tập trung. Fidel được báo cho biết thái độ thách thức của Calixto qua điện thoại. Ông tức tốc đến cùng với Raúl và Gustavo Arcos rồi lập phiên xử. Fidel yêu cầu Calixto giải thích thì Calixto khăng khăng nói hành quân mười ba tiếng là không cần thiết và anh ta không tham gia nữa. Fidel nói ông phải có hình phạt cho tội vi phạm kỷ luật này để làm gương vì không có kỷ luật thì cách mạng không thể thành công được. Mới đầu ông định ra án tử song sau đó Fidel quyết định đuổi anh ta khỏi phong trào và nhốt lại (có người canh gác cho đến khi quân nổi dậy rời Mexico). Calixto chỉ nghe mà im lặng. Theo Bayo kể lại thì sau đó Calixto tự nguyện xin được cắt gỗ, lau bếp, dọn bàn và làm mọi việc trong trại. Để cho hai người canh gác có thì giờ tập luyện, anh ta đã xin phép cùng hành quân với họ mười bốn, mười lăm tiếng một ngày và không nói nửa lời. Cuối cùng Fidel cho Calixto được hành quân mà không có người canh nữa. Một tối nọ, Bayo hỏi Calixto sao lúc đầu lại nổi loạn song anh này chỉ xin được đấu tranh và chết ở Cuba. Anh ta được dành cho đi trên chiếc Granma, rồi đấu tranh ở Sierra Maestra. Sau này khi đã thắng Batista, tình cờ gặp lại Calixto ở Havana, Bayo hỏi bây giờ anh có thể cho biết lý do tại sao đã bất hợp tác ở trại huấn luyện trước kia được không. Anh ta kéo lưng quần xuống và Bayo trông thấy phía dưới lưng của anh ta quấn đầy những dải băng. Calixto nói, “anh thấy đó, tôi bị thoái hóa xương nên không đi bộ lâu được bởi vì khi tôi mệt thì sẽ rất đau nhức không thể đi tiếp được. Nếu lúc đó tôi nói thật thì tôi sợ đồng đội trong trại sẽ loại tôi ra”. Sau thắng lợi, Fidel cho anh ta làm thủ lĩnh quân sự tỉnh Las Villas.
Tối ngày 20 tháng 6 năm 1956, cảnh sát Mexico vây bắt Fidel Castro trên đường, khi đó ông có mang theo vũ khí. Ông rút súng ra nhưng không thể bắn vì cảnh sát dùng hai đồng đội của ông mà họ bắt được trước đó để che chắn. Fidel bị tước vũ khí và đẩy vào xe cảnh sát cùng với hai đồng đội và bị đưa tới nhà tù bộ nội vụ. Đêm hôm đó, cảnh sát vây bắt thêm mười hai quân nổi dậy cùng với bạn bè của họ. Cảnh sát liên bang tịch thu vũ trang và tài liệu nên biết được trại Santa Rosa và chuẩn bị đột kích. Fidel đòi đi với cảnh sát để tránh xung đột dẫn đến đổ máu. Tới nơi Fidel giục đồng đội đầu hàng trong hòa bình. Mười một người bị bắt trong đó có Che Guevara song hầu hết vũ khí và đạn dược đã được chuyển sang thành phố Mexico ngày hôm trước. Fidel và hai mươi bảy người theo ông bị nhốt, trong số ban lãnh đạo của phong trào chỉ còn Raúl Castro là thoát. Tưởng như cuộc cách mạng của Fidel sắp kết thúc đến nơi còn Batista thì thành công khi cho chính quyền Mexico đè bẹp Phong Trào, sau đó Havana yêu cầu được dẫn độ tù nhân.
Họ biết chắc trong tổ chức có người phản vì cảnh sát Mexico biết hết chỗ họ ở và các bạn bè ở Mexico. Điều cần thiết lúc bấy giờ là phải làm sao cho Fidel và đồng đội được tự do nếu không sẽ bị đưa về Cuba. Raúl Castro và một đồng đội tức tốc thuê hai luật sư có uy tín để bảo vệ các tù nhân. Đầu tháng 7, một quan tòa tuyên bố thả họ ra song bộ nội vụ không đồng ý. Tuy nhiên, một thẩm phán yêu cầu ngưng trục xuất họ. Universo, được phép Fidel, cố hối lộ một quan chức cao cấp Mexico 25.000 Mỹ kim để họ thả cả nhóm ra nhưng không được. Tuy vậy, sau đó chính quyền Mexico bắt đầu thả tù nhân ra chỉ còn lại Fidel, Che Guevara và Calixto vẫn phải ở lại vì tội “cư trú quá hạn”. Đến nước này, các luật sư bèn tìm cách liên hệ với cựu tổng thống Lázaro Cárdenes, cựu cách mạng, và ông hứa sẽ nói chuyện với tổng thống Ruíz Cortines nên chưa đầy một tháng ở tù, Fidel được thả. Một tuần sau thì tới lượt Che và Calixto. Fidel đã gọi điện cho Cárdenes để cảm ơn.
Fidel tái tổ chức phong trào với hầu hết chiến sĩ và vũ khí được chuyển về bờ biển phía đông nam vịnh Mexico. Fidel ở lại thành phố Mexico với một tiểu đoàn. Sau này, Che Guevara viết lại rằng cảnh sát Mexico được Batista trả tiền đã phạm phải sai lầm ngớ ngẩn là đã không giết Fidel sau khi bắt được ông. Khi chỉ còn có Guevara và Calixto trong ngục, Che đã giục Fidel là đừng để cách mạng đợi ông bởi vì không biết Che còn phải ở tù bao lâu nữa song Fidel chỉ trả lời, “Tôi không bỏ anh đâu.” Đối với Che, cử chỉ này là biểu hiện của tình bạn và Che đã nhận xét về Fidel, “thái độ thân tình của Fidel đối với những người mà anh trân trọng khiến thu hút người khác lại quanh anh… nguyên tắc đoàn kết cộng với tình thân đã gắn quân nổi dậy thành một khối bền chặt...”
Fidel Castro bước sang tuổi ba mươi vào ngày 13 tháng 8. Ông vẫn say sưa với cách mạng và hoạch định cuộc xâm nhập để bù cho khỏang thời gian bị mất đi trong nhà tù và mất mát ở Santa Rosa. Thêm bốn mươi người được tuyển kỹ đã từ Cuba và Mỹ đến, trong đó có mười cựu binh Moncada. Fidel thấy đã đến lúc phải đoàn kết các phong trào cách mạng trong và ngoài Cuba lại. Ở Havana, trong khi Batista đang cố thuyết phục phe đối lập tham gia bầu cử quốc hội tháng 11 năm 1957 thì lời kêu gọi đoàn kết của Fidel trở thành đề tài bàn luận chính trị. Ông đã thay đổi chiến thuật bởi ông thấy giờ đây, chỉ còn cuộc đấu tranh là quan trọng. Trong khi đó, chế độ Batista cũng tìm cách làm nản chí Fidel bằng những cáo buộc ông nhận tiền mua vũ khí từ nhà độc tài cánh hữu cộng hòa Donimica rồi cùng bàn kế hoạch xâm chiếm Cuba. Fidel thấy thật là ngớ ngẩn và cũng phản bác lại trên báo chí về sự vu khống trắng trợn của tên độc tài. Lúc này, Fidel đã trở thành đề tài thảo luận và bút chiến trên báo chí Cuba và ông thật hài lòng. Việc tuyên truyền có lợi cho sự nghiệp của ông.
Tuy nhiên, sự nghiệp này đang cần có quỹ để thành công và Fidel đã tích cực vận động các nhóm chống lại Batista với khẩu hiệu đoàn kết cách mạng. Bạn bè của Fidel bảo ông nên ngầm sắp xếp với Carlos Prío, cựu tổng thống triệu phú Cuba để có tiền cho Phong Trào 26 tháng Bảy. Một người bạn mới của Fidel, vợ góa của nhà thơ nổi tiếng Tây Ban Nha, là bạn của Prío. Theo yêu cầu của Fidel, bà đã bay sang Miami nói chuyện với Prío và sắp xếp cho Prío gặp Fidel để xin hỗ trợ. Prío đã giúp chi phí cho nghĩa quân trong hai năm viễn chinh và mua các đợt vũ khí.
Cuối mùa xuân, Fidel đọc thấy trong quyển catalogue vũ khí có hình một chiếc tàu được bán ở Dover, Delaware có trang bị ngư lôi và súng thần công tốc độ cao và dễ điều khiển. Bạn của Fidel là El Cuate liên hệ để mua với giá hai mươi ngàn Mỹ kim, trả trước mười ngàn giữa tháng 6, phần còn lại định trả sau đó vài tuần. Tuy nhiên, Fidel đã bị bắt và bạn ông cũng bị cảnh sát gom trên đường về Mexico. Tới tháng 8, người của Fidel qua Delaware đưa thêm mười ngàn Mỹ kim nữa để lấy tàu song lại không xin được giấy phép xuất khẩu của chính quyền Mỹ và vì lý do không rõ, gã chủ tàu không chịu trả lại tiền. Cách mạng bây giờ mất hai chục ngàn Mỹ kim quý giá (do Prío hỗ trợ để mua tàu) và không có tàu để kịp về Cuba theo kế hoạch.
Cuối tháng chín, Fidel và El Cuate đi đến vùng đồi trên cảng Tuxpán trên bờ Vịnh giữa Tampico và Veracruz để thử súng trong điều kiện địa hình tương tự như Sierra ở Cuba. El Cuate bảo Fidel là anh ta muốn đi xuống bờ sông Tuxpán để xem chiếc du thuyền anh ta đang định mua. Song khi Fidel thấy chiếc thuyền đó, ông bảo, “Tôi sẽ đi Cuba bằng chiếc thuyền này…” El Cuate nói chiếc thuyền trắng nhỏ nên e là sẽ không đi viễn chinh được. Nhưng Fidel đáp, “Nếu anh để nó cho tôi, tôi sẽ dùng nó để về Cuba… và El Cuate đồng ý. Sau này ông ta kể “Thật không thể nói không với Fidel được…”
Đó là chiếc Granma, trước đây là của một người Mỹ sống ở Mexico. Chiếc thuyền gỗ dài trên mười một mét, được làm năm 1943, có thể chở được hai mươi lăm người gồm hai động cơ diesel, thùng nhiên liệu chứa được chừng tám ngàn lít. Chiếc thuyền đã từng bị đắm trong bão năm 1953, chìm xuống nước một thời gian nên phải sửa sang lại nhiều mới đi được. Họ mua với giá mười bảy ngàn Mỹ kim và Fidel cho sửa thuyền ngay.
Có thuyền rồi, Fidel hết sức lạc quan song ông vẫn theo dõi tình hình chính trị. Fidel muốn giữ lời hứa quay về Cuba năm 1956 và sau lần bị bắt hồi tháng 6 thì ở lại Mexico lâu thêm là khá liều. Cảnh sát Mexico sau đó lại tấn công họ thêm lần nữa. Một số vũ khí bị tịch thu còn Pedro Miret và Teresa Casuso bị bắt. Nếu ông không đi sớm thì sẽ mất hết cả người lẫn vũ khí. Ông hy vọng khi đến nơi, họ sẽ thấy đất nước đứng lên.
Cùng ngày, Fidel Castro hay tin cha ông, Don Ángel đã qua đời ở Birán vào ngày 21 tháng 10. Không ai kể lại Fidel đã phản ứng như thế nào trước tin này.
Ngày 19 tháng 11, tướng Francisco Tabernilla, chỉ huy trưởng Quân Đội, nói với báo chí Havana là “sẽ không có đổ bộ như Fidel Castro tuyên bố bởi vì về kỹ thuật, một nhóm không có kỷ luật và kinh nghiệm quân sự lẫn phương tiện chiến đấu mà đổ bộ thì chắc chắn phải thất bại.” Tuy vậy, tàu chiến và máy bay lúc đó cũng tuần tra dọc theo bờ biển từ Pinar del Río phía tây cho đến Oriente phía đông, còn quân đội và Vệ Binh Địa Phương thì luôn đề phòng, luôn cảnh giác.
Fidel Castro thấy phải quyết định đi ngay song ông còn phải chờ chiếc Granma đang được sửa vội vàng. Mấy ngày sau, khi hai thành viên quân nổi dậy đào ngũ ở trại huấn luyện Abasolo gần biên giới Mỹ thì ông biết không thể chờ thêm được nữa. Ngày 23 tháng 11, ông đi xem xét việc chất vũ trang, đạn dược, lương thực lên tàu trong khi chỉ huy các trại ra lệnh đưa người ra bờ sông Tuxpán. Họ lên xe buýt và xe hơi giữa cơn mưa như trút.
Trong chiếc áo choàng đen và bộ đồ len xậm màu, Fidel đứng dưới mưa ngoài bến canh chừng cho tám mươi mốt người lên chiếc du thuyền màu trắng. Do trời mưa bão nên cảng Tuxpán bị đóng song El Cuate thuyết phục người bạn là quản lý cảng cho anh được “làm bữa tiệc nhỏ trên thuyền.” Khi ấy Universo Sánchez hỏi, “Chừng nào mình ra tàu thật? Thuyền mẹ ở đâu?” Lúc 1:30 sáng ngày 25 tháng 11, chiếc Granma khởi động không đèn dọc theo con sông, về hướng tây ra biển hướng về đảo quốc Cuba. El Cuate lái xe chạy dọc theo đường sông cho tới khi con thuyền ra tới biển và biến mất trong bóng tối.
Cuộc chiến
- Chương 21
Chuyến vượt biển của chiếc Granma từ Tuxpán (bờ biển Mexico) đi Oriente quả là cơn ác mộng, kéo dài bảy ngày bốn giờ thay vì năm ngày đêm như Fidel Castro dự tính. Thời tiết xấu kinh khủng, gió mạnh và chiếc thuyền vốn được đóng chỉ để chở hai mươi lăm người nay phải chứa đến tám mươi hai người (Fidel đã phải để lại năm mươi người vì không còn chỗ trống nào để có thể nhét thêm) trong khi nhóm chỉ có ba thủy thủ chuyên nghiệp.
Vì thế họ phải lèo lái con tàu hết sức khổ sở và không thể đi nhanh được. Chính vì sự chậm trễ này mà mới sinh ra thảm trạng không đáng có trên bờ.
Nói kế hoạch của Fidel mạo hiểm là vì số người đi trên chiếc Granma quá nhiều, nhưng không có nghĩa quyết định này bất hợp lý. Nếu thời tiết tốt, có thể họ cũng đến được gần đúng giờ và tuyến đường họ định sẵn 1.235 dặm khá chiến lược. Họ sẽ cho chiếc du thuyền đi thẳng về hướng đông: từ Tuxpán đến cửa vịnh Mexico ngay mỏm bán đảo Yacatán; sau đấy băng qua giữa mỏm bán đảo và đỉnh cực tây của Cuba (đây là khu vực rất nguy hiểm bởi Hải quân Cuba và lực lượng tuần tra Không quân có thể dễ dàng phát hiện ra chiếc Granma); rồi thẳng xuống phía nam cách các bờ biển phía Nam Cuba một khoảng an toàn; và đến bờ tây tỉnh Oriente bên dưới Niquero. Nguy cơ bị bắt ở vịnh Mexico rất thấp vì trên thực tế nơi đây quá xa đối với hải quân và không quân của Batista. Một khi ra đến biển Carribe, Fidel tận dụng kế nghi binh bằng cách dong thuyền ra cách xa phía đông bờ biển Cuba cho đến khi trông thấy Oriente thì tăng tốc đến đấy. Thuyền và máy bay tuần tra của Batista sẽ không đi xa về phía nam đến thế.
Thời tiết quá tệ, tàu phải vượt sóng lớn, trong khi chở quá nặng, máy móc không ổn định và tay lái yếu. Fidel không thể trì hoãn giờ khởi hành bởi ông lo ngại nhà nước Mexico sẽ bất thần bố ráp đội quân viễn chinh khiến toàn bộ kế hoạch bị tiêu tan. Vì thế, ông phải khởi hành ngay và chấp nhận đánh cược với số phận. Fidel đã đánh điện tín cho Frank Pais ở Santiago, Ban Chỉ Đạo Cách Mạng của Sinh viên ở Havana và tổ chức bí mật ở Santa Clara, ngầm thông báo về cuộc khởi hành và dự tính đến nơi ngày 30 tháng 11.
Tuy nhiên, thời tiết xấu cũng ảnh hưởng đến các hoạt động theo dõi quân nổi dậy của chính quyền Batista. Chính phủ cho là Fidel có họa là điên mới đi Cuba vào lúc này, còn cục tình báo thì có trong tay danh sách các con tàu ở cảng Mexico mà quân nổi dậy có thể định dùng để xâm nhập vào Cuba, trong đó có chiếc Granma. Đầu tháng 11, không lực bắt đầu bí mật tuần tra phía nam và bắc bờ biển Oriente, nhưng chỉ theo dõi 20 dặm hướng Nam trong khi Fidel đi về hướng nam những 170 dặm. Những ngày cuối tháng, thời tiết xấu che mắt cả hoạt động trên không lẫn trên biển của Batista. Lực lượng trên đất liền cũng được triển khai.
Còn với quân viễn chinh thì tình caœnh khủng khiếp bắt đầu khi họ đến Vịnh Mexico vì có bão biển. Hầu hết đều lập tức bị say sóng, nôn mửa dữ dội... chỉ có hai trong số ba thủy thủ và bốn năm người khác như Fidel, Che và Faustino còn chống chọi được. Chiếc tàu bị nước rò vào trong khi đó máy bơm lại bị hư, mọi người phải dùng xô vừa tát nước vừa tìm cách bít lại lỗ rò.
Sang ngày thứ ba, thời tiết có khá hơn, Fidel ra lệnh chỉnh đốn đội ngũ trên tàu và bắt đầu tập bắn. Tàu chạy ngoằn ngoèo do thời tiết xấu và một động cơ đã bị hư. Đội quân viễn chinh bị chậm trễ so với kế hoạch. Mọi người thấy đỡ hơn và Fidel biết không thể về Cuba trong năm ngày được. Số lương thực họ mang theo không đủ dùng trong bảy ngày. Đến hai ngày cuối thì chẳng còn gì. Đến ngày 29 tháng 11, họ trông thấy hai chiếc tàu đánh cá, nhưng khi Fidel chuẩn bị súng sẵn sàng cho cuộc chạm trán thì những ngư dân đó biến mất.
Rạng sáng thứ sáu ngày 30 tháng 11, đoàn quân viễn chinh đến đảo Great Cayman, tức họ đã đi được khoảng ba phần tư đường. Khi ấy ở Santiago Frank País cùng các nhóm vũ trang Phong Trào 26 Tháng Bảy tưởng Fidel sẽ đến bờ như dự tính nên País ra lệnh nổi dậy để tương ứng với việc đổ bộ theo như kế hoạch đã định với Fidel. 7 giờ sáng hôm đó, nhóm nổi dậy gồm hai mươi tám người nổ súng tấn công các trụ sở Cảnh sát. Song do chênh lệch lực lượng quá lớn, quân chính phủ có đến bốn trăm quân đã qua huấn luyện chống chiến tranh du kích, nên cuối cùng quân nổi dậy đã bị tổn thất nặng nề. Ba thành viên chủ chốt và chín nghĩa quân bị cảnh sát giết. Chẳng những cuộc nổi dậy thất bại mà chính phủ qua đấy còn biết Fidel sắp sửa đổ bộ ở đâu đó. Ở Havana và các nơi khác trên đảo quốc, Phong Trào và Ban Chỉ Huy Sinh Viên Cách Mạng thiếu phương tiện hành động vũ trang. Fidel nghe được tin này qua radio và rất căm phẫn, ông nói, “Ước gì tôi có thể bay được…”
Trên bãi biển giữa Niquero và Pilón, rạng sáng các thành viên Phong Trào 26 tháng Bảy với năm xe tải trống chờ đợi Fidel trong vô vọng. Theo kế hoạch thì các xe này sẽ chở quân viễn chinh đến Niquero và Media Luna để cướp vũ khí bọn vệ binh rồi cùng đi Sierra Maestra khởi động chiến tranh du kích. Các nông dân ủng hộ Phong trào cũng đã chuẩn bị nhà cửa để tiếp đón nghĩa quân Fidel. Nhưng do Fidel không đổ bộ theo kế hoạch, Phong trào quyết định dời cuộc tiếp đón đến ngày 1 tháng 12. Như vậy, lực lượng Granma sẽ phải tự xoay sở khi đến nơi.
Ngày đầu tháng 12, chiếc du thuyền trắng tiến vào bờ biển Oriente trong đêm tối mịt mùng. Fidel bảo các nghĩa quân thay đồng phục màu xanh oliu và phân phát vũ khí. Khi đến gần bờ biển thì thuyền trưởng Pino nhận ra hải đồ của anh ta sai nên bị lạc đường. Sáng sớm ra, chiếc thuyền bị lún bùn do thủy triều xuống khi còn cách bờ nam chỗ Fidel muốn đổ bộ một dặm. Tất cả được lệnh nhảy xuống nước, bỏ lại tất cả trang thiết bị nặng chỉ đem theo vũ khí cá nhân. Fidel và đoàn người của mình phải lội hơn cả trăm thước vào bờ. Raúl Castro và Che Guevara đi sau cùng, cố vớt vát vài vật dụng.
Tới bờ, họ mới nhận ra mình đang ở trong đầm đước, nước cao tới đầu gối, thậm chí còn tới cổ. Rễ cây mọc tua tủa cản đường, những chiếc lá sắc như dao quệt vào mặt và muỗi bay chi chít từng đám như muốn nuốt sống họ. Đội quân trông thật thảm hại: quần áo và giày đều sũng nước, vũ khí đều bị ướt, vật dụng bị mất. Ban Tham Mưu gồm Fidel (giữ vai trò Tổng Tư Lệnh), Juan Manuel Marquéz và Fautino Pérez (cả hai đều mang hàm đại úy) dẫn đầu mọi người chật vật băng qua rừng đước. Phải mất hai giờ họ mới tới được chỗ đất cứng. Đoàn quân, sau một tuần lênh đênh trên biển và chuyến băng rừng, hết thảy đều mệt nhoài, ngã lăn ra đất nghỉ ngơi.
Dẫu sao, Fidel Castro đã giữ đúng lời hứa trở lại Cuba vào cuối năm 1956 và giờ đây ông đã sẵn sàng khai chiến với Batista.
Cuộc chiến hai mươi lăm tháng đã khởi đầu như vậy. Fidel Castro phải rất lạc quan và có niềm tin mãnh liệt mới nghĩ là quân viễn chinh còn sống chứ đừng nói chi đến thắng lợi. Buổi trưa hôm đó, họ có rất ít vũ khí, không có gì ăn và mất liên lạc với Phong Trào trên bờ trong khi chính phủ Batista có hơn bốn chục ngàn quân đội, hải quân, không quân cộng với Vệ Binh địa phương và Cảnh Sát Quốc Gia. Chúng còn có xe tăng và pháo binh, trước đó Mỹ còn giúp Batista huấn luyện không quân nữa. Hoa Kỳ tiếp tục hỗ trợ cho chính quyền Batista, làm ngơ sự thật là các thế lực chống đối đang tăng cường hoạt động từng ngày, và một đoàn quân cách mạng sắp sửa đổ bộ lên đảo quốc này.
Tuy vậy, Batista đã sẵn sàng chờ Fidel. Chưa đầy hai giờ sau khi các nghĩa quân vào bờ, chỉ huy quân sự của Batista đã biết Fidel về đến Cuba. Chiếc sà lan chở cát Jibarita và một chiếc thuyền khác phát hiện Granma đang lún bùn ở Los Cayuelos lập tức báo cho hải quân biết. Chỉ huy Vệ Binh ở Manzanillo, sáng hôm ấy nhận được tin báo có một nhóm người không rõ lai lịch vừa đổ bộ lên đất liền, đã cử ngay một toán tuần tra ra bãi biển nhưng không tìm thấy quân Fidel. Viên chỉ huy cũng nghe nông dân trong vùng nói có thấy chừng hai trăm quân vũ trang do Fidel Castro chỉ huy đi qua.
Chính Fidel đã xưng tên với các nông dân. Người đầu tiên họ gặp là một thợ đốt than tên Ángel Pérez Rosabal, ít học sống một mình ở vùng quê nghèo nàn và hẻo lánh. Dù chưa nghe nói đến tên Fidel Castro và Phong trào của ông nhưng Rosabal cũng mời Fidel và đồng đội vào trong lều dùng bữa. Đương lúc ấy chợt họ nghe thấy tiếng bom nổ ở bãi biển, Fidel liền cho mọi người di chuyển ngay đến khu đồi gần đó theo hướng dẫn của Rosabal. Các vụ nổ đó là do tàu tuần tra và máy bay của không quân dội bom vào khu rừng đước sau khi phát hiện ra chiếc Granma, và Fidel sợ cuộc không kích sẽ chuyển hướng đến các căn lều trên bãi biển. Nhiều khả năng một nông dân trong vùng nghe Fidel xưng tên với Rosabal nên chạy đi báo cho Vệ binh địa phương. Chiều hôm đó, Rosabal trở về căn lều của mình để lại đoàn quân trên đồi.
Đêm đầu tiên, quân Fidel nghỉ lại trên đồi. Trong khi đó, chính phủ tuyên bố thắng lợi hoàn toàn. Tư lệnh Pedro Rodríguez nói với báo chí là máy bay quân sự đã “oanh tạc và bỏ bom quân viễn chinh, tiêu diệt hết bốn mươi người đứng đầu Phong Trào 26 tháng Bảy… trong đó có Fidel Castro.” Y còn nói quân đội đã gom xác Fidel, Raúl Castro cùng với những người khác được nhận dạng nhờ giấy tờ tùy thân, đã chôn tạm trong hố cạn rồi sẽ cho tàu hải quân chở về Havana sau. Tin này được Francis McCarthy, chủ nhiệm hãng thông tấn United tung ra khắp thế giới. Thoạt tiên trong và ngoài nước đều tưởng thật, nhưng sau này chính phủ Batista phải trả giá khá đắt vì vội tin vào những thông tin sai lệch này (Fidel không bao giờ tha thứ cho McCarthy vì chưa gì đã tung tin là ông chết; khi quân Fidel thắng ông này phải rời khỏi Cuba).
Sierra Maestra là một khối núi nằm ở bờ biển phía nam tỉnh Oriente, kéo dài khoảng tám mươi dặm từ tây sang đông và ba mươi dặm trải từ bắc xuống nam. Sườn núi cao khoảng 1000 m còn đỉnh cao nhất mang tên Pico Turquino khoảng gần 2000 m. Địa thế Sierra Maestra rất hiểm trở, lúc bấy giờ, nơi đây gần như cô lập với đất nước, không có đường nhựa còn đường đất thường không đi được vì mưa nhiều nên rất sình lầy và dễ lún. Mặc dù đi qua núi hết sức khó khăn nhưng là nơi lý tưởng cho chiến tranh du kích. Họ đi bộ về hướng đông, một bên là đồng mía và một bên là núi, để thẳng tới Sierra Maestra.
Việc Fidel vực dậy từ thất bại thảm hại, tái lập nhóm, đấu tranh, thắng vài đơn vị Batista rồi Quân Nổi Dậy cuối cùng thắng lợi là do sự hỗ trợ tuyệt vời của nông dân vùng Sierra Maestra. Nếu không nhờ họ, Fidel chắc không thể sống sót sau những tuần đầu trong núi, cũng không thể tổ chức được quân du kích. Ban đầu, các gia đình nông dân đã che giấu và bảo vệ cho đội quân nổi dậy, thiếu vũ khí và cả lương thực. Họ đã giúp nghĩa quân lấy thức ăn, vũ khí, đạn dược cùng mọi vật dụng cần thiết khác và cuối cùng là cung cấp nhân lực cho du kích quân. Không phải cuộc cách mạng nông dân đã giành chính quyền cho Fidel nhưng nếu không có nông dân thì sẽ không có cách mạng. Hơn nữa, chính Fidel đã biết cách tạo nên tính đoàn kết và hy sinh trong nông dân, mặc dù điều này đe dọa đến cuộc sống của họ.
Câu chuyện giữa các chiến binh của Fidel và nông dân vùng Sierra Maestra bắt đầu bằng thảm họa ở Alegría de Pío vào thứ tư ngày 5 tháng 12 khi quân viễn chinh tới Cuba được bốn ngày - họ bị bọn vệ binh phục kích, phân tán và tiêu diệt gần hết. Cả ngày hôm đó, họ được Tato Vega, con trai một nông dân, dẫn đường đi bộ về hướng đông. Đêm đến, đoàn quân dừng chân, nghỉ chân và ăn tối ở một khoảng rừng trống trên một ngọn đồi tên La Trocha. Đoạn Tato bỏ đi, bảo rằng phải về nhà, nhưng thực chất là đi báo cho các đơn vị vệ binh biết sự có mặt của quân nổi dậy. Đây là lần hiếm hoi họ bị phản và dẫn đến thảm họa.
Sáng ngày 5 tháng 12, họ đến Alegría de Pío, hoàn toàn kiệt sức sau ba ngày hai đêm lội bộ. Fidel cho mọi người hạ trại ở vùng đồi thấp chạy ra đồng mía. Khi đưa ra quyết định này, Fidel đã phạm phải hai sai lầm lớn. Thứ nhất là đã chọn vị trí không được cây cối che phủ để nghỉ ngơi. Tuy nhiên, do đoàn người quá đỗi mệt mỏi nên Fidel ngần ngại bảo họ đi thêm lên khu đồi gần đó. Thứ hai là triển khai quân canh gác quá gần trại lính nên khi bị tấn công thì trở tay không kịp. Fidel cũng quên để ý dấu xác mía họ nhai và bỏ lại trên đường đi, khiến Tato dẫn bọn Vệ Binh dễ dàng theo chân đoàn quân. Chiều hôm đó lúc 4:30, họ bị cả trăm tên vệ binh bao vây và nhả súng xối xả. Quân cách mạng nhanh chóng bị tan rã.
Fidel vừa bắn trả vừa ra lệnh cho nghĩa quân rút lui trong trật tự, hy vọng họ trốn được trong đồng mía và tái hợp. Song đã quá trễ và mỗi người mạnh ai nấy chạy. Che bị bắn vào bả vai và tưởng mình sẽ chết đến nơi. Che viết trong nhật ký “Tôi chợt nghĩ đến cách chết tốt nhất. Tôi nhớ lại chuyện Jack London trong đó vai chính dựa vào thân cây chuẩn bị kết thúc cuộc đời trong danh dự, khi biết rằng anh ta sẽ chịu chết cóng trên vùng đất băng giá Alaska”. Thật ra vết thương của Che không nặng lắm và anh thoát hiểm, rồi di chuyển về hướng đông với bốn đồng đội. Fidel, Faustino và Universo trưa đó lại rơi vào cuộc phiêu lưu dưới đám lá mía. Nhiều người đã phải kéo Fidel ra khỏi trận địa đó.
Quân nổi dậy bị tổn thất nặng nề. Ba người bị giết trong trận địa trưa hôm đó và nhiều người khác hy sinh sau đó khi quân Batista thiêu cháy các cánh đồng mía. Bảy mươi chín người còn lại bị phân tán thành hai mươi sáu nhóm khác nhau, có nhóm chỉ có một người. Một trong số đó là Juan Manuel Márquez, thủ lĩnh thứ hai, bị quân chính phủ bắt và giết hại. Jesús Montané bị bắt và giải về nhà tù Havana. Hai mươi mốt người bị bắt và bị hành quyết ngay trong ngày hôm đó, hai mươi hai người khác bị bắt, và mười chín người bị mất tích; một vài người trốn được về nhà, đầu hàng hoặc mất tích. Chỉ còn lại có mười sáu người và phân tán để theo đuổi cuộc chiến, trong số đó ngoài Fidel và Che còn có Raúl, Faustino Pérez, Juan Almeida, Ramiro Valdés và Camilo Cienfuegos, nhưng nhiều ngày sau họ mới gặp lại nhau. Những ngày nằm ở đồng mía với hai đồng đội, Fidel đã ngày đêm thì thầm cách thức và thời gian tái hợp để trở lại chiến đấu. Faustino nhớ lại, “Những ngày đó Fidel đã dạy chúng tôi bài học lớn về lòng tin, tinh thần lạc quan và tính thực tế.” Song những điều đó không giúp Fidel nhiều bằng những nông dân ở Sierra Maestra.
Sau vụ ở Algría de Pío, chính phủ Batista và cả người thân, bạn bè và đồng đội đều tưởng Fidel Castro đã chết và quân viễn chinh tan nát hết, chỉ còn chưa biết chừng nào tìm được xác thôi. Bởi vậy quân đội chính phủ rút hết chỉ còn chừa lại bọn vệ binh. Mẹ Fidel và Raúl, bà Lina Ruz de Castro nói với báo Holguín rằng “nếu họ cho tôi lên núi Niquero, tôi sẽ đưa chúng xuống với tôi… Tôi cũng đau buồn như mẹ của các chiến binh, nhưng nếu Fidel và Raúl quyết định chết, tôi mong chúng chết trong danh dự… Tôi khóc các con tôi, và cũng như các bà mẹ của đồng đội các con tôi, tôi sẽ ôm lấy chúng, những đứa con đã chết trong trận chiến đau đớn này.”
Ba tuần trôi qua vẫn không có tin tức gì về số phận của Fidel. Một phóng viên viết trên tờ Bohemia là Fidelito đã về với mẹ là Mirta (chồng mới của bà là con trai của đại diện Cuba ở Liên Hiệp Quốc) và bé Fidelitocứ hỏi, “Cha đâu rồi?” Hai cô Lilia và Emma của Fidelito đã giao cháu lại cho Mirta.
Suốt tháng 12, báo chí Cuba vẫn không biết chắc về số phận Fidel song có ý cho rằng ông còn sống và chuẩn bị tái xuất. Câu chuyện về cuộc hành trình trên chiếc Granma được hai quân nổi dậy bị quân chính phủ bắt kể lại chi tiết trên báo. Cuối tháng, tờ Holguín tường thuật là Fidel, Raúl và bốn mươi người đang dựng trại ở phía nam đỉnh núi Turquino thuộc Sierra Maestra, tin này do một nông dân bị bắt tên là Crescencio Pérez kể lại. Thật ra, ngày 16 tháng 12, Fidel, Faustino và Universo đã đến được nông trại Cinco Palmas của Romón “Mongo” Pérez ở Purial de Vicana trên sông Vicana, cách Alegría de Pío ba mươi lăm dặm về phía đông nam. Mongo Pérez là anh của Crescencio Pérez, một trong hai thành viên chủ chốt của tổ chức nông dân bí mật hỗ trợ cho Phong trào 26 tháng Bảy. Một thành viên khác nữa là Guillermo García Frías. Kế hoạch ban đầu là chọn nông trại của Mongo làm trụ sở cách mạng đầu tiên ở Sierra Maestra, nơi đây cách Turquino những bảy mươi lăm dặm về phía tây tính theo đường chim bay. Người nông dân bị bắt và khai báo tin tức về nhóm Fidel không phải là Crescencio Pérez mà là Sergio Pérez, con trai của ông, khi anh đang cùng một nhóm mười bốn quân nổi dậy chạy ra bờ biển phía nam Alegría de Pío. Sáu người thuộc nhóm quân nổi dậy này bị bắt, tra tấn và bị hành quyết. Fidel đương nhiên không hay biết tin trên báo, song điều này cho thấy họ còn sống, nhờ đó tránh cho phong trào trong nước sụp đổ còn chính phủ thì mù mờ không biết hiện ông đang trốn ở đâu.
Ngày 10 tháng 12, năm ngày sau thảm chiến, Fidel và hai đồng đội ra khỏi chỗ trốn trên đồng mía và nhờ có nông dân giúp đỡ, họ đi mất năm ngày mới tới được nông trại Mongo. Họ đi theo bản năng, có sao trời dẫn đường hết hai dặm rưỡi trong đêm, về hướng đông bắc. Khi Sierra Maestra vẫn còn ở phiá xa, Fidel trông thấy mái nhà tranh dưới sườn đồi. Họ quan sát trước rồi mới tới liên hệ. Ba người theo dõi căn nhà dưới cơn mưa tầm tã suốt cả đêm và gần hết ngày hôm sau; họ vừa đói vừa khát và Universo đang bị đau chân do phải đi chân không suốt quãng đường vừa qua. Khi Fidel đã chắc chắn đây chỉ là một hộ nông dân bình thường và chung quanh không có binh lính, ông mới bảo Fustino tiến vào ngôi nhà. Khi ấy đã bốn giờ chiều ngày 12 tháng 12, hơn mười sáu giờ sau khi họ đến được La Conveniencia.
Căn nhà đó là của hai vợ chồng nông dân trồng cà phê. Faustino vào trước xin thức ăn rồi sau đó Fidel và Universo mới bước vào. Chủ nhà đãi họ thịt lợn, vậy là ba chiến binh được ăn thịt với rau và lần đầu tiên sau bảy ngày họ mới được uống nước thỏa thích. Trưa hôm đó họ bàn cách vào Sierra Maestra. Họ được con trai vợ chồng người nông dân dẫn đường, vượt sông trèo núi tới Sierra Maestra.
Đi suốt đêm qua tám dặm đường rừng nữa, Fidel và đồng đội tới nhà hai anh em nông dân thuộc mạng lưới Phong Trào 26 tháng Bảy. Cuối cùng, họ liên lạc được với tổ chức. Sau khi nghỉ ngơi và dùng bữa, cả ba tiếp tục đi qua núi tới nhà một người bạn tên Guillermo García, cũng thuộc Phong Trào, đã đợi họ lên bờ hôm trước. Cũng hôm đó, chừng hai mươi nông dân trẻ đến xin phục vụ Quân Nổi Dậy và Fidel hứa sẽ nhận họ chừng nào ông tổ chức quân đội. Điều quan trọng với Fidel lúc này là tới được nông trại của Mongo Pérez, vẫn còn xa ở đông bắc, để tìm đồng đội xây dựng lại lực lượng. Ông nhờ Guillermo dẫn đường giúp.
Guillermo không chỉ là nông dân đầu tiên gia nhập Quân Nổi Dậy mà còn trở thành một trong những chỉ huy cao cấp và sau này là thành viên chính trong chính quyền Fidel. Guillermo còn là một nhân vật rất thú vị của Phong trào. Nhờ có anh mà Fidel được nông dân miền núi hỗ trợ rất nhiều. Theo lời Guillermo kể lại thì lúc gặp anh ta, Fidel và hai đồng đội đã rã rời vì đói mệt, “nhưng Fidel vẫn rất phong độ. Anh hỏi chuyện tổ chức, chương trình, cách tổ chức nông dân, cách gom vũ khí cho Sierra, cần bao nhiêu súng, y như anh có quân đội rồi vậy. Vậy là tôi quyết định gắn bó với anh.” Đã bốn mươi tám giờ không ngủ song Fidel vẫn nói chuyện suốt đêm. Ông muốn biết hết tin tức về các phong trào, tình cảm dân chúng trong vùng và ai đáng tin cậy, ai không.
Hôm sau, Guillermo và hai người bạn dẫn Fidel, Faustino và Universo tới nông trại Mongo. Dọc đường họ dừng lại nhà nông dân dùng bữa, canh chừng bọn tuần tra và đi theo lối an toàn nhất. 7 giờ sáng Chủ Nhật ngày 16 tháng 12 họ đến được nông trại Mongo. Vậy là đúng hai tuần sau khi lên bờ Fidel đã an toàn và lại có cơ hội tiến hành cuộc chiến.
Ở nông trại Mongo, Fidel dựng lều giữa đồng mía ăn uống và nghỉ ngơi. Ông định đợi thêm vài ngày để đồng đội tới rồi đi tiếp, bởi qua mạng thông tin nông dân, ông biết họ vẫn còn ở đâu đây. Vài ngày sau, Raúl và bốn người nữa tìm được Fidel. Họ ôm nhau mừng rỡ trên đồng mía. Fidel hỏi Raúl, “Em đem theo được mấy khẩu súng?” Raúl đáp, “Năm…” Fidel la lên: “Anh có hai nữa là bảy! Mình thắng rồi!” Hôm sau, thêm Calixto đến nữa nhưng không có vũ khí. Quân nổi dậy hiện có chín người và bảy khẩu súng trường.
Fidel lập tức bảo Mongo đi Manzanillo ở bờ biển phiá tây bắc tỉnh Oriente, rồi qua Santiago báo cho các lãnh đạo Phong Trào biết quân du kích còn sống và khỏe mạnh. Ông còn giao cho Mongo danh sách những thứ cần thiết như thức ăn, vũ khí, vật tư và nhân lực. Raúl ghi lại trong nhật ký của mình như sau, các nông dân “được tổ chức khá tốt, và chúng tôi đang hoàn thiện tổ chức này, đặc biệt trong mạng lưới thông tin và tình báo… bất kỳ nhất cử nhất động nào trong khu vực cũng đều được báo cho chúng tôi ngay.”
Trong khi đó ở nông trại khác còn có một nhóm quân nổi dậy gồm tám người, kể cả Che Guevara, Juan Almeida, Ramiro Valdés và Camilo Cienfuegos - toàn là những chỉ huy cách mạng tương lai. Họ được chủ nhà tiếp đãi rất tử tế. Sáng hôm sau, họ chia thành hai nhóm lên đường theo hướng đông bắc đến gặp Fidel vì được chủ nhà báo tin Fidel vẫn còn sống và đang đợi họ. Trừ Che Guevara và Almeida mang theo súng tiểu liên của mình còn các chiến binh khác đều để lại súng ở nông trại. Hay tin bọn lính đã đánh hơi được họ, Che, Almeida cùng hai chiến binh nữa chuyển qua nhà một mục sư nguyên là nông dân đồng mía cách đó vài dặm. Không xa chỗ của Che lắm, tại một nông trại khác, Camilo Cienfuegos được giấu trong cái giếng cạn. Che vẫn còn bị đau vai do vết thương trước đây và tất cả đều mệt lả khi đến nhà em dâu của vị mục sư. Guillermo sau đó đã gặp lại và đưa họ về nông trại Mongo. Che đến nơi trong cơn hen suyễn nhưng anh vượt qua được.
Quả thật nông dân đã làm mọi cách để giúp quân du kích của Fidel. Một thương nhân ở Sierra tên Argeo González giải thích rằng mọi nông dân đều giúp họ vì biết họ đấu tranh chống chế độ tàn bạo. Nông dân không có lối thoát nếu không có cách mạng. Castro được nông dân tin tưởng vì giúp họ chứ không xử tệ với họ. Mỗi lần bọn vệ binh tới nhà dân miền núi thì lấy bánh lấy gà ăn, thấy con gái cũng lấy đi, còn quân nổi dậy thì khác hẳn, họ tôn trọng mọi thứ. Hễ ai làm sai thì Castro phạt ngay. Chẳng bao lâu những nông dân nữ là những người đầu tiên muốn tham gia nhóm Fidel để giúp ông. Quân nổi dậy bảo nông dân rằng sau cách mạng đất đai sẽ thuộc về họ, những người đang làm việc trên đó. Universo nhớ lại Fidel có lần đã nhất định đòi trả mười peso cho con gà chỉ đáng giá có năm peso.
Mario Sariol, một thương nhân Sierra trở thành sĩ quan mật quân nổi dậy, nhớ lại khi gặp Fidel ở cánh đồng cà phê đầu năm 1957, Fidel đã ôm anh khi anh xin được chuẩn bị thức ăn cho quân nổi dậy. Khi ấy râu Fidel bắt đầu mọc dài ra. Sariol kể nông dân đều có cảm giác phải bảo vệ quân Fidel. Lúc Sariol hết tiền mua thức ăn cho họ ở tỉnh Las Mercedes thì một thương nhân địa phương bảo anh ta, “Mario, đừng để cho họ đói ngày nào hết. Cần gì thì cứ tới đây mà lấy nhé.” Ông ấy không bao giờ nhận tiền và sau đó Fidel bảo ông ta phải chú ý nguồn lương thực để đảm bảo có đủ ăn cho cả nông dân lẫn quân nổi dậy. Một tình nguyện viên nông dân tích cực tên Sergio Casanova đã bị Fidel trả về khi biết ông ta chỉ có sáu con gà và thu nhập thì thỉnh thoảng làm việc mới có. Fidel bảo ông ta: “Anh không đi với chúng tôi được. Ai sẽ chăm sóc gia đình anh đây?” Nhớ lại những ngày đó, Casanova nói, “Đối với tôi, Fidel là một vị thánh.”
Ở nông trại của Mongo Pérez tại Purial de Vicana, Fidel Castro cho quân nghỉ ngơi đầy đủ nhưng đồng thời bắt mọi người luôn cảnh giác cao độ và ở tư thế sẵn sàng tác chiến. Sau khi Che cùng nhóm của mình đến nơi được một ngày, cả toán quân đang nằm nghỉ ngơi trên đồi bỗng nghe Fidel la lên, “Chúng ta bị bọn lính bao vây rồi! Mọi người vào vị trí chiến đấu!” Các chiến binh phản ứng ngay lập tức, họ nhanh chóng nằm rạp xuống đất hay nấp sau các thân cây, vũ khí sẵn sàng, nhưng không có chuyện gì xảy ra. Không ai động đậy. Khi ấy, Fidel mới mỉm cười và bảo rằng đấy chỉ là báo động giả, một bài tập luyện mà thôi.
Lúc này, Quân Nổi Dậy có hai mươi người kể cả Fidel cùng mười lăm người trong đội quân viễn chinh trên tàu Granma và bốn nông dân mới gia nhập – Guillermo García, Crecendio Pérez cùng con trai Ignacio Pérez, và Manuel Fajardo. Số nông dân tình nguyện tham gia phong trào đều được sàng lọc kỹ lưỡng và phải do những người thân quen với ban lãnh đạo phong trào giới thiệu, nhằm tránh trường hợp mật thám của Batista trà trộn vào. Giai đoạn ấy, Fidel quyết định “không đấu tranh” cho đến khi lực lượng được tổ chức tương đối ổn định.
Vấn đề lớn nhất đối với Fidel là vũ khí vì họ chỉ có mười hai khẩu súng cho hai mươi người. Chính những người nông dân Sierra đã góp công lớn giúp ông giải quyết bài toán khó này. Sáng 22 tháng Mười Hai, nhiều nông dân, theo lời Mongo, đến trang trại mang theo một khẩu tiểu liên Thompson và tám khẩu súng trường. Ngày 23 tháng Mười Hai, thêm một người đàn ông và hai phụ nữ nữa từ Manzanillo mang thêm đạn và thuốc nổ do Phong trào 26 tháng Bảy gửi đến.
Đỡ lo về vũ khí rồi, Fidel quay sang vấn đề chính trị. Ông cử Faustino Pérez đến Manzanillo, Santiago và Havana vừa để báo cho Chỉ Huy Phong Trào Quốc Gia 26 Tháng Bảy biết tình hình quân nổi dậy ở Sierra Maestra vừa đưa nhà báo, nếu nước ngoài càng tốt, lên núi để cho thế giới hay Fidel vẫn khỏe và đang đấu tranh. Trong suy nghĩ của Fidel, đấu tranh vũ trang và tuyên truyền phải đi đôi với nhau. Phải đến một năm rưỡi sau, Faustino mới về lại được Sierra Maestra.
Đến Giáng Sinh, Fidel thấy chỗ cũ không còn an toàn nữa mà phải đi sâu hơn vào Sierra Maestra. Trước khi đi, Fidel thảo bức thư cảm ơn, tất cả mọi người đều ký tên, gửi cho Mongo Pérez. Đó là văn bản đầu tiên Fidel viết trong cuộc chiến Sierra. Ông nóng lòng muốn tiến hành các hoạt động quân sự. Sau khi rời nông trại Mongo, quân nổi dậy tập đột kích vào một căn lều dựng bằng bùn, băng qua băng lại sông Vicana mười tám lần trong đêm. Rồi Fidel di chuyển theo hướng đông nam về bờ biển Caribê tới vùng núi cao Sierra. Cuối tháng Mười Hai họ gặp lại thêm ba quân viễn chinh nữa do nông dân đưa đến. Họ mang một súng trường, báo và tạp chí cho Fidel. Qua đó ông biết được José Miró Cardona, chủ tịch Hội Luật Sư Cuba và Elena Mederos, thành viên tự do của Hội Thân Hữu Cộng Hòa, đã gặp thủ tướng của Batista để yêu cầu đối xử nhân bản và tử tế với tù nhân nổi dậy Fidel trong trận Alegría de Pío. Fidel ghi nhớ cái tên này để mời gia nhập chính phủ cách mạng.
Ngày 29 tháng 12, một phụ nữ tên Eugenia Vardecia giấu một số thuốc nổ, đạn và lựu đạn bắt kịp và xin gia nhập với đoàn quân Fidel trên đồi. Bạn cùng đi của cô còn đem theo sách địa lý và lịch sử Cuba để dạy các nông dân gia nhập Quân Nổi Dậy. Calixto, vốn là giáo viên, nhận nhiệm vụ truyền thụ học vấn cho nông dân – một nhân tố quan trọng trong quá trình xây dựng quân đội mới. Quân nổi dậy giờ đã có hai mươi chín người cùng đón giao thừa trên sườn đồi phủ đầy cây cối.
Đầu năm 1957, Fidel cho quân di chuyển về dãy núi Caracas ở trung tâm Sierra Maestra. Ông nói, “nếu chúng ta đến đó thì dù Batista hay ai cũng không đánh bại mình được.” Họ hành quân theo hướng đông nam vì Fidel nhận thấy lên Sierra Maestra từ hướng nam dễ dàng và đỡ cực nhọc hơn dù quãng đường đi có xa hơn. Bên cạnh đó, Fidel cũng định bắt một nhóm lính nhỏ đóng quân ở bờ biển để lấy thêm vũ khí. Cuộc hành quân từ ngọn Tatequieto trên dãy Sierra Maestra đến bờ biển mất mười một ngày. Có thêm nông dân gia nhập và bây giờ họ được ba mươi ba người. Khi họ dừng lại hai ngày ở nông trại của một nông dân tin cẩn trong làng ở phía nam đỉnh núi Caracas, đang dùng bữa thì bỗng được tin quân Batista đã biết họ có mặt ở đó. Thế là Fidel ra lệnh đi ngay trong đêm. Fidel đã quyết tâm tấn công quân lính ở La Plata trên bờ biển nên ông dẫn theo những người tin cẩn nhất. Nhà cầm quyền Batista nghi trên núi sẽ tấn công xuống, vậy là mấy hôm sau, chúng bắt mười một nông dân địa phương rồi giết.
Ngày 14 tháng Giêng, nhóm quân Fidel đến bờ sông Magdalena, phía tây của La Plata. Sau đấy họ lên một mỏm đá cao nhìn xuống phía dòng sông La Plata, trông thấy bọn lính mặc đồng phục ở bên dưới quanh các trại lính và nhà của gã quản đốc một công ty sở hữu đất ở khu đó.
Ở Havana, Tổng Tư Lệnh Batista tuyên bố Mỹ đã bán cho họ mười sáu máy bay ném bom B26 mới. Batista vẫn nghi về cuộc cách mạng của Fidel song bây giờ y biết Fidel vẫn còn sống đâu đó ở Oriente nên thận trọng hiện đại hóa và tăng cường lực lượng vũ trang. Cùng ngày ở La Plata, Fidel Castro đang chuẩn bị tấn công lính của Batista. Toán quân nhỏ trên bãi biển gồm có năm vệ binh và năm thủy thủ do tên trung sĩ chỉ huy. Fidel quyết tâm phải thắng trận này.
Ông dẫn theo hai mươi sáu người, tính ra lần này quân du kích đông hơn. Fidel cùng với vài chiến binh di chuyển tới địa điểm cách trại lính ba trăm thước, chờ người đi ngang qua để hỏi thăm về tình hình của bọn lính ở bên dưới. Fidel và quân du kích đón được một nông dân, hỏi thăm và hay rằng gã quản đốc công ty đất đai tên Chicho Osorio, mà nông dân địa phương sợ và ghét, trên đường về nhà sắp đi ngang qua đó. Chẳng mấy chốc họ thấy gã Osorio, năm mươi tuổi, ngồi trên lưng con lừa màu vàng đi tới, tay cầm chai rượu brandy, đang say xỉn thì bị quân Fidel bắt và tịch thu cây súng ngắn. Fidel tự giới thiệu mình là trung tá quân đội, hắn bèn lảm nhảm nói nếu hắn mà tìm thấy Fidel là sẽ giết ngay, đoạn khai ra tên những nông dân trong vùng hợp tác với quân đội Batista và những nông dân bị tình nghi giúp quân nổi dậy. Hắn thêm: “Anh có thấy đôi giày tôi đang mang không? Của đứa theo Fidel Castro mới bị tôi giết ở quanh đây đó…” Che Guavara viết rằng bấy giờ gã này đã tự ký vào bản án tử hình của chính hắn.
Osorio bị trói tay ra sau lưng và rạng sáng hôm sau, Fidel bảo hắn dẫn quân của ông tới mấy trại lính, giả vờ rằng trung tá muốn làm cho bọn lính uể oải ngạc nhiên. Gã quản đốc vẫn còn xỉn hớn hở đồng ý. Vừa lúc đó, có một tên lính cưỡi ngựa chạy qua kéo theo phía sau năm nông dân bị cột bằng dây da, thế là Osorio tự hào nói tên đó là bạn hắn. Quân nổi dậy chia làm bốn nhóm: Fidel, Che và bốn chiến binh khác triển khai bên phải mục tiêu còn các nhóm khác thì vây quanh đó. Lúc hai giờ rưỡi sáng, nhóm quân Fidel bắt đầu nhả đạn vào bọn lính. Cùng lúc tên Osorio bị xử tử.
Trận đánh kết thúc chóng vánh. Hai tên lính bị giết, năm tên bị thương, một trốn được và ba bị bắt làm tù binh. Các trại lính và đồn kho bị đốt cháy, vũ khí đạn dược bị tịch thu. Đây là lần đầu tiên kể từ vụ Alegría de Pío, quân Fidel có nhiều vũ khí hơn số người. Đó là thắng lợi đầu tiên không có mất mát nên Fidel cùng đồng đội tỏ ra rộng lượng. Che chữa trị cho mấy tên lính bị thương, còn Fidel thì bảo với tù binh: “Tôi khen các anh. Các anh đã cư xử như những người đàn ông. Các anh được tự do. Hãy tự săn sóc vết thương và lúc nào muốn thì các anh cứ việc đi đi.” Quân nổi dậy để lại thuốc cho kẻ thù bị thương, đoạn trở lại Sierra Maestra. Ở La Plata, Fidel đã định ra chính sách đối với kẻ thù mà ông áp dụng cho cả cuộc chiến sau này: tù binh luôn được thả về, còn kẻ phản bội và bóc lột sẽ bị xử tử không thương tiếc.
La Plata chính là cột mốc quân sự và tâm lý trong cuộc chiến du kích của Fidel. Một nhà sử học nghiên cứu về giai đoạn ở Sierra Maestra đã nói rằng “Fidel từ đó đã áp dụng phương thức này cho cả cuộc chiến: ngoài các đợt vũ khí nhận được từ bên ngoài Sierra, quân du kích phải dựa vào vũ khí và vật dụng lấy được của kẻ thù.” Rạng sáng hôm đó, đúng hai giờ sau cuộc tấn công, Fidel Castro ra lệnh cho toán quân chiến thắng quay trở lại Sierra Maestra. Mục tiêu kế tiếp của ông là dãy núi Palma Mocha. Sau này Fidel nhìn nhận, “chúng tôi đã thắng trận lần đầu tiên giữa lúc chẳng ai tin là chúng tôi còn sống.”
Cuộc chiến -
Chương 22
Hai tuần sau chiến thắng ở La Plata, máy bay ném bom B-26 và máy bay chiến đấu P-47 của lính Batista đột kích quân trại của Fidel ngay giữa lòng Sierra Maestra. May mắn lắm họ mới thoát chết (bom nổ ngay trên bếp lò lớn nơi họ đang nấu bữa ăn sáng), song nghĩa quân lại bị phân tán lần nữa. Đến ngày thứ ba sau vụ oanh tạc trên sườn núi Caracas, Fidel mới tái hợp được lực lượng đã được chia làm ba do ông, Raúl và Che dẫn dắt.
Qua đó, Raúl và Che đã nổi lên là lãnh đạo chính của quân nổi dậy dưới quyền Fidel. Trong hai tháng kể từ chuyến đổ bộ từ tàu Granma, Raúl và Che dễ dàng vượt xa các đồng đội khác như Ramiro Valdés, Camilo Cienfuegos và Universo Sánchez về tài chỉ huy. Raúl cũng như Che đều có học vấn cao, tinh tế và trưởng thành về mặt chính trị hơn những người khác. Về tư tưởng, Raúl đã từng là đảng viên Cộng Sản gần bốn năm, còn Che lớn hơn ba tuổi đã tỏ rõ mình là môn đồ của chủ nghĩa Marx-Lenin.
Cả hai thân với Fidel theo cách khác nhau: Raúl thì qua cá nhân và chính trị còn Che thì nhờ tính uyên thâm, châm biếm và nhạy bén. Dù Che không bao giờ vượt qua hẳn mặc cảm là người nước ngoài, song anh là lương tâm của cách mạng Cuba hoặc chí ít anh đã cố để được như vậy. Khác với Raúl, anh không phải là nhà chính trị thực tế. Anh không ngần ngại va chạm với Fidel về vấn đề tư tưởng trong cuộc chiến ở Sierra. Có thể Che ngây thơ, song anh là người lý tưởng chân thật và trong sáng nhất của cách mạng. Bề ngoài, quan hệ của Che với Raúl không nồng nhiệt như với Fidel song dù sao họ vẫn thân nhau. Che dạy Raúl tiếng Pháp nhiều tháng trời ở Sierra và không bao giờ cạnh tranh với Raúl trong quan hệ với Fidel.
Sống và chiến đấu ở bên nhau thì quan hệ, tính cách, ưu cũng như khuyết điểm của mọi người dễ bộc lộ hơn trong những hoàn cảnh khác. Điều ấy rất đúng trong cuộc chiến du kích gian khó và nguy hiểm này. Sau hai tháng thì Fidel, Raúl và Che đều hiểu rõ vai trò lịch sử của mình, thể hiện trong hành động, niềm tin, hành vi cá nhân, các cuộc đối thoại, thư từ và trong trường hợp của Raúl và Che là những trang nhật ký chiến dịch. Biết được Fidel, Raúl và Che ở Sierra Maestra tức là đã hiểu con người của họ về sau lúc nắm quyền. Khác với bản chất của cuộc cách mạng, con người họ không bao giờ thực sự thay đổi.
Sau hai tháng ở Cuba, vụ dội bom ngày 30 tháng Giêng năm 1957 là lần thứ ba quân nổi dậy suýt bị tiêu diệt. Lần đầu tiên là vụ đắm tàu Granma, kế đến là cuộc thảm sát ở Alegría de Pío. Sở dĩ lính Batista đột kích trên sườn núi vì có một kẻ phản bội tên Eutimio Guerra chỉ điểm. Quân du kích đã từng ở nhà Eutimio để chuẩn bị cuộc đột kích La Plata và hắn cũng đã từng dẫn đường cho họ vào núi mấy tuần. Fidel, với giác quan thứ sáu thường cảm nhận được nguy hiểm cùng kẻ nội gián, cũng như Raúl, vốn rất quen thuộc với các âm mưu gián điệp và phản gián, lần này lại đều không thể nhìn thấu con người Eutimio. Điều đó đã dẫn đến một trong những lần thất bại nặng nề của chiến tranh du kích. Một tuần trước, quân Batista đã cố bao vây và tiêu diệt quân nổi dậy, song Fidel đã mai phục giết được năm tên lính. Đây là lần đầu tiên, ông chạm trán với trung úy Ángel Sánchez Mosquera, có lẽ là chỉ huy chiến trận giỏi nhất quân đội Batista, người này cho tới cuối cuộc chiến, vẫn là báo ứng của Fidel.
Eutimio người mảnh khảnh, khoảng ba mươi tuổi, luôn tươi cười, được coi trọng trong vai trò người dẫn đường và hỗ trợ cách mạng. Hôm đó, Fidel cho phép anh ta ghé về thăm nhà ở El Mulato, phía tây bắc chỗ quân nổi dậy đang nghỉ ngơi. Fidel còn cho anh ta tiền nữa. Tuy vậy, trên đường trở lại, anh ta bị lính của Sánchez Mosquera tóm và buộc anh ta phản bội lại quân nổi dậy nếu không sẽ bị giết. Chẳng những thế, Eutimio còn được hứa cho mười ngàn peso, một chức lớn trong quân đội và một nông trại nếu anh ta ám sát được Fidel hoặc chỉ điểm chỗ ở của quân du kích để quân đội Batista tiêu diệt. Tất nhiên, anh ta bằng lòng và được bọn lính chỉ dẫn cách hành động rồi năm ngày sau thì được thả đi. Lúc này, quân Fidel đang di chuyển về hướng tây dãy núi Caracas để sắp tới họp với các lãnh đạo Phong Trào 26 tháng Bảy từ thành thị đến. Hai ngày sau, Eutimio gặp lại quân nổi dậy ở rừng cà phê. Quân du kích không nghi ngờ gì và nồng nhiệt chào đón anh ta. Ertimio ta bịa rằng đã phải vượt qua một trận địa trên đường đi, thấy nhà cháy nên vội vã quay lại báo cho Fidel biết bọn lính đang ở vùng lân cận. Anh ta còn mang kẹo về cho họ nữa.
Nghe vậy, Fidel quyết định di chuyển trong đêm, lên cao rặng núi Caracas và ở lại đó. Đêm lạnh, khi đi ngủ, Fidel bèn đắp chung mền với Eutimio. Hắn để cây súng và hai quả lựu đạn dưới mền đoạn hỏi Fidel về vị trí quân du kích canh gác ở chung quanh. Theo bản năng, Fidel trả lời lảng tránh. Eutimio tất nhiên không có gan bắn Fidel lúc đó và ở đấy, do vậy hắn nghĩ nên để cho bọn lính làm. Sáng hôm sau, 28 tháng Giêng, Eutimio lại giả vờ đi tìm thức ăn và kiếm một vài du kích bị lạc nhóm. Đoạn, hắn đi thẳng tới chỗ bọn lính để báo cáo tình hình quân nổi dậy. Đương lúc đó, Fidel bỗng quyết định chuyển quân lên cao hơn ba trăm thước trên núi, xa khỏi khu vực đặt bếp ở hẻm núi - trực giác của ông một lần nữa đã cứu đồng đội.
Theo tính toán của Fidel thì đặt trại trên đỉnh Caracas sẽ khỏi bị bao vây vì đường núi dốc và khó trèo, rồi ông phái bốn người đi Manzanillo báo tin thêm về cuộc họp với các lãnh đạo Phong Trào. Quân đội nổi dậy trên núi lúc bấy giờ có hai mươi lăm chiến binh, mười bảy người trong số đó thuộc đội quân viễn chinh trên chiếc Granma. Fidel cũng nói chuyện với đoàn quân của mình về những mối nguy hiểm mà họ có thể gặp phải khi đánh mất kỷ luật và nhuệ khí, đồng thời cảnh cáo rằng “ba tội sẽ bị xử tội chết là không phục tùng mệnh lệnh, đào ngũ và lạm quyền.” Khi ấy, Eutimio đến Macho, phía nam núi Caracas để bàn với quân lính cách tiêu diệt Fidel và quân du kích. Biết rõ vị trí của nhóm quân Fidel, biết chỗ rồi, tư lệnh địch quyết định tấn công từ trên không, còn Eutimio được xe jeep chở ra cảng Pilón để hôm sau cho lên máy bay chỉ điểm trại du kích.
Buổi sáng cuối tháng Giêng, không lực Batista tấn công vào trại và quân nổi dậy phải chia làm ba nhóm chạy ra khỏi nơi đó. Trưa hôm sau, nhóm Raúl và hai ngày sau thì nhóm Che tái hợp lại với nhóm Fidel. Sau đó, Fidel được biết ba nhóm lính đang di chuyển về phía dãy Caracas, ông bèn ra lệnh cho quân đi về hướng tây. Giữa rừng núi trùng điệp, các nhóm quân khó lòng nghe hoặc thấy nhau nên nhờ giỏi định hướng và biết rõ vùng này, Fidel đã tránh được bọn lính. Tuy nhiên, tình hình quân du kích thật thảm hại - họ vừa phải chống chọi với cái đói cồn cào và những cơn khát cháy cổ, vừ phải đối phó với bệnh tật, nguy hiểm nhất là bệnh sốt rét rừng.
Cuối ngày hôm đó, Eutimio lại xuất hiện trong bộ đồ mới và mang tới năm mươi hộp sữa đặc cho quân du kích đang nghỉ ngơi trong một nông trại. Hắn lại được quân du lích chào đón. Fidel chia quân ra làm hai để đi về hướng tây, một nhóm đi trước ngay trong đêm, còn nhóm Fidel, kể cả Eutimio, thì hôm sau mới đi. Lúc này, Eutimio xin gặp một mình Fidel trong rừng cà phê để tính ra tay hành sự song do có Universo đi theo nên hắn mất can đảm. Cuối cùng, Fidel sinh nghi vì Eutimio thường hay bỏ đi đột ngột, lấy được thức ăn dễ dàng và hay gạn hỏi đủ điều. Lúc bấy giờ nhiều thành viên Phong Trào ở Manzanillo và Santiago đã biết được các sĩ quan quân địch hay nhắc đến tên Eutimio nhưng do Fidel không biết điều này nên ông muốn có thêm chứng cứ rồi mới hành động.
Một ngày đầu tháng 2, máy bay Batista bỏ bom oanh tạc dãy núi Caracas lần nữa và Eutimio gợi ý bảo Fidel nên dựng trại quanh hẻm núi. Fidel đồng ý cho quân dựng trại gần hẻm núi. Tuy nhiên, hôm sau máy bay quay lại nữa và bỏ bom. Eutimio hốt hoảng đùa, “Tôi đâu có bảo chúng ném bom ở đây đâu,” lúc này Fidel bắt đầu hiểu ông đang có trong tay một kẻ phản bội. Trời hôm ấy mưa rất lớn nên ở hẻm núi nước đổ xuống nhiều hơn ở ngoài. Eutimio lại trở về sau chuyến đi bí ẩn và tình nguyện gác ở ngõ vào hẻm núi. Rõ ràng, hắn muốn dụ họ vào đó nhưng mưa quá lớn nên quân du kích không vào. Bấy giờ quân đội Batista đến rất gần nhóm du kích. Sáng thứ Bảy 9 tháng Hai, Eutimio đã ra ngoài với lý do tìm thêm thức ăn, Raúl ghi lại trong nhật ký của mình như sau “hành vi của Eutimio khiến cho Fidel rất chú ý.” Khi ấy, Universo Sánchez chạy vào báo tin một đoàn quân chính phủ đang tiến đến gần họ.
Bấy giờ, quân địch đã đến rất gần quân du kích. Sau đó, Fidel nghe một nông dân kể lại đã trông thấy Eutimio ở dưới đó ban sáng. Vậy là ông biết chắc Eutimio đã phản mình. Ông dẫn quân ra khỏi hẻm núi, lên đỉnh Espinosa và trông xuống vùng đó. Bỗng một số du kích thấy Eutimio chạy phía trước, sau lưng hắn là đám lính đang nhả súng vào quân Fidel. Một du kích nông dân bị giết.
Hỏa lực địch tiếp tục tấn công suốt mấy giờ và quân nổi dậy lại chia làm ba nhóm, lui về ngọn núi kế tiếp. Fidel và Raúl dẫn một nhóm gồm năm người rút lui dưới làn đạn bắn rát. Che, Juan Almeida và mười người nữa chạy theo hướng khác lên núi. Một lần nữa quân du kích bị phân tán, nhưng họ không để bị vây bắt. Dù một du kích quân hy sinh, nhưng nỗ lực của quân chính phủ trên núi vấp phải thất bại lớn. Theo kế hoạch định trước, tất cả các nhóm quân sẽ tụ họp lại trên ngọn núi Lomón kế bên, còn quân chính phủ thì cho máy bay oanh tạc khu rừng cả đêm đó. Tối đến, quân Fidel tập hợp lại và chỉ còn có mười tám chiến binh vì vài người đi làm nhiệm vụ cho Fidel, vài nông dân chịu không nổi đã bỏ về nhà. Bốn ngày sau , Fidel Castro tới nông trại ở tây nam Sierra Maestra, chẳng bao lâu lịch sử cách mạng đã sang trang ở đây. Họ vẫn chưa quên Eutimio.
Tới nông trại của hai vợ chồng nông dân, họ gặp Ban Lãnh Đạo Phong Trào Quốc Gia rồi chuẩn bị để phỏng vấn với biên tập viên tờ New York Times. Họ tạo ấn tượng tốt và Fidel chứng tỏ ông là lãnh đạo đích thực của cách mạng. Dù chế độ Batista vừa quyết định ám sát Fidel song bây giờ ông cảm thấy tự tin vì đã làm chủ được tình thế.
Tháng thứ ba kể từ lúc lên bờ, Fidel đã gặp phải những tai họa khôn lường: đắm tàu ở bìa rừng đước, thảm bại ở Alegrío de Pío, ba lần quân bị tan tác, bị phản bội, và giờ đây là cuộc tấn công không ngừng nghỉ của toàn bộ binh lực hùng mạnh của Batista vào đội quân ít ỏi của ông. Tuy nhiên, những điều này không hề bẻ gãy quyết tâm chiến đấu của ông hay sự sẵn lòng trợ giúp của những người ủng hộ phong trào nổi dậy. Ở giai đoạn tiếp theo, Fidel dựa vào sức thu hút và trí tưởng tượng của mình để giữ cho tinh thần nghĩa quân luôn cao và mở rộng chiến tranh du kích.
Mới đầu, những nông dân ở đây có vẻ sợ quân nổi dậy song cách cư xử của họ khiến cho nông dân cảm thấy tin tưởng hơn. Họ xử tội những chủ đất và vệ binh đàn áp nông dân, giúp thu hoạch cà phê. Fidel luôn nói chuyện với cấp dưới, giải thích, lắng nghe và hỏi ý kiến họ về mọi việc. Theo lời Guillermo thì sau mỗi đợt hành quân, Fidel đều phân tích mọi chuyện xảy ra hôm ấy, các vấn đề của kẻ thù và của ta, đoạn đánh giá địa hình họ đang ở. Bởi vậy, ai cũng biết được chuyện gì đang xảy ra và hết sức kính trọng Fidel. Lúc có ai bệnh, hay cảm thấy khó chịu, ông tỏ ra hết sức lo lắng, luôn hỏi han “Anh thấy thế nào? Anh ngủ có được không? Thức ăn hôm qua được không?”, ông lo lắng cho từng người. Fidel còn biết cách lắng nghe nông dân và nói chuyện với họ. Đối với ông, cơ bản là mỗi nông dân, dù già hay trẻ, cũng phải hiểu lý do đấu tranh cách mạng.
Tới cuối tháng Hai thì quân du kích ai cũng có râu và tóc mọc dài, quần áo thì bị sờn và rách hết, đầu đội đủ loại nón của lính hoặc nông dân. Vẻ bề ngoài khó coi cộng với mùi khó chịu của họ khiến cho ai mới gặp đều thấy hoảng sợ. Do sống trong điều kiện khắc nghiệt của chiến tranh nên họ nói chuyện với nhau hết sức thô lỗ, tuy nhiên trước mặt phụ nữ, họ vẫn cố gắng để ý đến lời ăn tiếng nói.
Sáng sớm ngày 16 tháng 2, Fidel đã gặp người phụ nữ sau này trở nên một phần quan trọng nhất trong đời ông. Celia Sánchez Manduley, ba mươi sáu tuổi, độc thân, cực kỳ thông minh và giàu nghị lực. Với mái tóc sậm màu, không đẹp nhưng quyến rũ, Celia đã cống hiến hết mình cho lý tưởng Phong Trào 26 tháng Bảy. Là một trong năm con gái của bác sĩ Manuel Sánchez Silveira, Celia sống ở Manzanillo và Pilón ở phía tây nam tỉnh này. Từ nhỏ, cô đã quen với các chính trị gia, giới nông dân và dấn sâu vào chính trị. Sau cuộc chính biến 1952, Celia có đến Havana gặp các lãnh đạo đảng Chính thống, song đã không gặp Fidel Castro.
Khi Fidel lưu vong ở Mexico giữa năm 1955, sau khi ông ra tù và đang bàn tính chuyện xâm nhập Cuba thì Celia đã liên hệ chặt chẽ với Phong Trào còn non trẻ. Sau đó, cô đã đến ban lãnh đạo Phong Trào xin tham gia vào kế hoạch xâm nhập của Fidel song họ muốn cô ở lại Manzanillo để tổ chức hỗ trợ quân viễn chinh sắp đến.
Ở Oriente, Celia cùng Frank País tổ chức mạng lưới nông dân để đón chiếc Granma đưa quân viễn chinh về Sierra và họ đã đợi suốt bốn mươi tám giờ. Sau sự việc ở Alegría de Pío, là thành viên mới của Ban Chỉ Đạo Phong Trào Quốc Gia, Celia đã tổ chức mạng lưới hỗ trợ du kích thành thị đầu tiên ở Manzanillo và gửi vũ khí, đạn dược, lương thực, vật dụng và người tình nguyện tới vùng núi qua mạng liên lạc nông dân. Tuy không nhiều lắm, song với Fidel lúc bấy giờ, mỗi viên đạn đều đáng giá. Chính Celia cũng là người đón Faustino Pérez khi anh này trở về từ Sierra hôm Giáng Sinh để báo cho thế giới biết Fidel vẫn còn sống và đang chiến đấu rồi giúp đưa Faustino đi tiếp tới Santiago và Havana. Celia cũng là người chuẩn bị cuộc họp cho Fidel với Ban Chỉ Huy Quốc Gia và sắp xếp cuộc phỏng vấn với tờ New York Times. Cô biến Manzanillo thành trung tâm hậu cần của quân nổi dậy, ngay dưới mũi cảnh sát Batista, Cục Tình Báo Quân Sự và quân đội. Celia là người cuối cùng trong số những phụ nữ mà định mệnh luôn sắp xếp để xuất hiện vào những giờ phút quan trọng trong đời Fidel.
Hôm ấy, khoảng nửa đêm Celia và Frank País được một du kích dẫn đường tới Sierra. Rạng sáng, họ tới đúng lúc Fidel và đồng đội vừa đi hành quân cả đêm về. Fidel và Celia gặp nhau lúc 5 giờ sáng giữa đồng cỏ cách nông trại vài trăm thước. Fidel đã gặp Frank hai lần ở Mexico còn Celia còn là nhân vật ẩn. Hai người không kể lại về lần gặp đầu tiên ấy, song ấn tượng ban đầu chắc là rất sâu sắc. Buổi gặp gỡ trên đồng cỏ đã đánh dấu sự ra đời của hai mươi ba năm liên kết cho tới khi bà mất.
Raúl cũng ra đồng gặp Celia và Frank rồi bốn người vừa nói chuyện và bàn bạc vừa đợi các lãnh đạo Phong Trào và phóng viên Mỹ cho đến tối. Fidel kể lại cho Celia và Frank chi tiết tất cả những gì xảy đến với quân nổi dậy từ lúc họ rời khỏi Mexico. Celia và Frank báo cáo lại cuộc nổi dậy thất bại ở Santiago, tiến trình mở rộng Phong trào cùng những tin đồn về việc Eutimio Guerra bị quân chính phủ mua chuộc. Fidel nhấn mạnh quân du kích hiện cần gấp tân binh, vũ khí và đạn dược từ thành phố chuyển đến. Họ còn cùng nhau lên kế hoạch biến Manzanillo thành trạm trung chuyển trên đường đến Sierra Maestra dưới sự chỉ đạo của Celia, và nông trại của Epifanio Díaz thành một kênh chuyển tiếp lên núi. Nông trại này mang tên Los Chorros, được chọn làm địa điểm gặp mặt vì gia đình Díaz rất đáng tin cậy – hai người con trong gia đình là thành viên Phong trào – và Fidel cho rằng nông trại này sẽ là cửa ngõ tuyệt vời để bước vào trận địa chiến tranh du kích.
Rạng sáng hôm sau, phái viên của báo New York Times là Herbert L. Matthews mới đến được điểm hẹn sau hành trình vất vả trên đường núi. Khi ấy, Matthews hoàn toàn không biết được du kích quân chỉ còn mười tám người và Los Chorros là doanh trại duy nhất của họ. Fidel đã khéo léo tạo ra ấn tượng lực lượng của mình đông hơn nhiều và đóng trong nhiều nông trại nằm xung quanh. Matthews nhận xét rằng Fidel đã “không cho quân chính phủ xâm nhập nổi Sierra Maestra trong khi thanh niên từ khắp nơi của Oriente lại có thể đến… được chào đón, vũ trang và bắt đầu hàng loạt cuộc đột kích hoặc phản công trong chiến tranh du kích này.” Ông còn kết luận: “Nhìn chung Tư lệnh Batista khó có hy vọng đàn áp nổi cuộc khởi nghĩa của Fidel. Hy vọng duy nhất của ông ta là dồn toàn bộ binh lực đột ngột tấn công chàng thủ lĩnh trẻ tuổi này và quét sạch đội quân của anh ta. Tuy nhiên, điều này khó có thể xảy ra.”
Ngay sau khi Matthews rời khỏi trại để đi Manzanillo, Fidel liền họp với các lãnh đạo Phong Trào. Trong suốt bốn giờ liền, cuộc họp xoay quanh vấn đề chiêu mộ thêm một lực lượng vũ trang ở các thành phố thuộc tỉnh Oriente cho quân du kích trên núi. Fidel đặt nặng vai trò hỗ trợ của Phong trào đối với du kích quân. Cũng trong cuộc họp này, lần đầu tiên Fidel đề cập đến mức độ ưu tiên khác nhau dành cho lực lượng ở Sierra và thành thị. Chính sự phân biệt này đã làm leo thang cuộc cạnh tranh quyền lực giữa vai trò lãnh đạo trong Phong trào, khiến cho Phong trào 26 tháng Bảy sau năm 1959 bị tan rã và củng cố quyền lãnh đạo của các đảng viên Cộng sản mới ở Cuba do Fidel Castro đứng đầu. Nói theo cách này, đấu tranh chính trị trên vận mệnh tương lai của phong trào đã bắt đầu sau khi quân Fidel đổ bộ vào Cuba được hai tháng rưỡi, trong khi sức mạnh của họ chỉ giới hạn ở con số mười tám người.
Trong cuộc họp, Faustino Pérez, đứng cả về hai nhóm Sierra và thành thị, đề nghị lập một “mặt trận thứ hai” của chiến tranh du kích ở Escambray Sierra, trung tâm tỉnh Las Villas, nhằm làm giảm sức ép lên lực lượng của Fidel. Faustino cho rằng quân đội vũ trang Phong trào 26 tháng Bảy, tương ứng với Quân Đội Nổi Dậy ở Oriente, và anh lập luận số vũ khí dễ tìm hơn ở Havana sẽ có thể sử dụng hiệu quả ở Escambray. Mặc dù Fidel không mấy bị thuyết phục bởi đề nghị này vì ông nghĩ việc quan trọng cần làm tại thời điểm này là dồn mọi nguồn lực có được cho hạt nhân của du kích quân hiện tại” nhưng ông vẫn chấp nhận. Che Guevara không tham dự cuộc họp vì anh không nằm trong ban lãnh đạo (và còn vì anh là người nước ngoài), cũng đã nhận định như sau: “Phong trào ở Sierra và thành phố thực tế là hai nhóm tách biệt, với chiến thuật và chiến lược riêng.” Anh còn thêm rằng “vài tháng sau vẫn chưa có dấu hiệu khác biệt trầm trọng đến nỗi đe dọa tính thống nhất trong Phong trào, nhưng rõ ràng chúng tôi có những quan niệm khác nhau.”
Fidel nhấn mạnh tầm quan trọng của phụ nữ trong cuộc đấu tranh cách mạng và tuyên bố ông sẽ thảo ra một bản tuyên ngôn “Lời Kêu Gọi Gửi Đến Nhân Dân Cuba” kêu gọi cả nước ủng hộ cách mạng để Ban Chỉ Huy đem xuống núi phát cho dân Cuba. Ông đã học được ở Martí và Lenin cách dùng tuyên truyền để vận động nguồn lực cho phong trào. Vẫn như mọi khi, Fidel không phí thì giờ mà lại lao vào công việc quân sự, chính trị và tuyên truyền cách mạng. Dù vậy, ông vẫn kịp chỉ cho Celia cách dùng cây súng trường có viễn vọng kính của ông. Thật tuyệt vời là cuối cùng ông đã gặp được một phụ nữ vừa hiểu và chia sẻ các khái niệm chính trị, triết lý lại vừa là chuyên gia về vũ khí. Họ có vẻ rất hợp nhau.
Chiều hôm ấy Fidel ra lệnh hành quyết tên phản bội Eutimio Guerra. Thật không ngờ, hắn lại xuất hiện ở nông trại nơi quân Fidel đang họp với hy vọng giăng một cái bẫy khác cho Fidel. Hắn không biết mình đã bị phát giác. Trong khi đang quan sát khu vực nông trại, Eutimio gặp một người bà con thuộc quân nổi dậy và một nghĩa quân. Người bà con này biết được chuyện Eutimio bị tình nghi nên vội vã tìm Fidel báo tin, để người kia ở lại canh chừng hắn. Fidel không hề ngạc nhiên trước tin này, liền cho Juan Almeida dẫn một toán quân đến bắt hắn và đưa về trại. Quân nổi dậy ban đầu định yêu cầu Eutimio làm “tay trong” chống lại quân chính phủ nhưng hắn từ chối. Sau đấy, Fidel thẩm vấn một hồi lâu (Raúl nhận xét rằng họ có thể khai thác được nhiều thông tin hơn nếu tra tấn hắn, tuy nhiên “chúng tôi không áp dụng cách này ngay cả với những người tồi tệ như thế.”) Lúc bảy giờ tối, Eutimio Guerra bị xử bắn.
Fidel dành ba ngày tiếp theo ở nông trại để thảo ra bản tuyên ngôn “Lời kêu gọi gửi đến nhân dân Cuba” để kịp phân phát khắp đảo quốc vào khoảng thời gian mà các bài báo của Matthews được đăng trên New York Times. Fidel tính rằng bài báo của Matthews sẽ khẳng định sự thật ông vẫn còn sống – bản thân nó đã là một tin giật gân - kế đến bản tuyên ngôn ký tên ông được lưu hành khắp nơi sẽ củng cố thêm bội phần sự chân thật. Đây cũng là văn bản chính thức đầu tiên của Phong trào 26 tháng Bảy được phát hành từ Sierra Maestra, một lần nữa khẳng định sự thật Fidel Castro đã giữ vai trò tổng tư lệnh của cuộc cách mạng.
Các lãnh đạo Phong Trào mang thêm báo chí tới nên Fidel biết được tình hình ở các nơi khác, trong đó có tin Mỹ hỗ trợ xe tăng, máy bay chiến đấu cùng vũ khí đạn dược cho Batista. Một tuần sau, bài báo của Matthews xuất hiện trên tờ Times và đăng làm ba kỳ. Đoạn hay nhất của bài viết như sau: “Fidel Castro, lãnh đạo thanh niên Cuba nổi dậy vẫn còn sống, đang đấu tranh mãnh liệt và thắng lợi trong vùng Sierra Maestra hiểm trở, khó lòng xâm nhập được… Quân đội Batista có mặt quanh khu vực song họ phải đối mặt với kẻ thù nguy hiểm và khó chịu nhất…” Ở đoạn nói về Fidel, Matthews viết: “Cá tính của người này thật là mạnh mẽ. Quân du kích tỏ ra rất kính phục anh ấy. Vậy mới biết tại sao anh ấy đã đi vào trí tưởng tượng của thanh niên khắp đảo quốc Cuba. Con người này học thức, vô cùng tận tụy, có lý tưởng, dũng cảm và có phẩm chất lãnh đạo đặc biệt.”
Bài báo gây tiếng vang lớn. Do lệnh kiểm duyệt ở Cuba khi ấy đã bị hủy bỏ nên báo chí trong nước đua nhau in lại, lập tức đưa Fidel lên hàng anh hùng. Chính phủ Batista tự làm cho tình thế thêm tồi tệ khi Bộ Trưởng Quốc Phòng Santiago Verdeja ra bài phát biểu với phần cuối ghi “Chuyện này chỉ là tưởng tượng. Matthew làm gì có phỏng vấn Fidel Castro và nếu Fidel Castro còn sống thì phải có ảnh Matthews chụp với Fidel chứ.” Tất nhiên tờ Times có tấm ảnh đó và họ liền cho đăng ngay vào ngày hôm sau. Chuyến viếng thăm và bài viết của Matthews lcó tác động lớn đến sự nghiệp cách mạng của Fidel.
Đối với Quân Nổi Dậy, ba tháng tiếp theo là thời kỳ mở rộng, chuẩn bị với vô vàn khó khăn gian khổ. Với một nhóm cách mạng khác ở Havana, đây là thời gian bi thảm. Còn với Batista, đây là giai đoạn bế tắc. Quân chính phủ không tài nào tiêu diệt được du kích quân, cũng như cảnh sát trong thành phố chẳng thể nào đập tan các tổ chức bí mật ngầm hỗ trợ, tuyên truyền cho chiến binh ở Sierra. Về phía Batista, quân nổi dậy còn tồn tại ngày nào thì ngày đó chế độ độc tài của hắn còn gặp nguy hiểm. Trong một cuộc nói chuyện với quân du kích, Fidel phát biểu như sau: “Ba lần chúng ta suýt bị tiêu diệt… kẻ thù đe dọa chúng ta ở khắp mọi nơi trong lúc từ chối chấp nhận sự hiện hữu của chúng ta ở đây… Chúng ta chỉ có mười hai khẩu súng trường và bốn mươi băng đạn, nhưng chúng ta đã giữ đúng lời hứa với nhân dân Cuba… Chúng ta đã trở về Cuba và có mặt ở đây!...”
Sau khi gặp Fidel, Frank País hứa sẽ đưa một nhóm quân tình nguyện lên cho ông. Một ngày tháng năm, năm mươi tám người do đại úy Jorge Sotús dẫn đầu được đưa từ Santiago và Manzanillo lên, trễ hơn ba tuần so với lịch trình và chỉ ba mươi người trong số đó có vũ khí. Bấy giờ quân nổi dậy đã có tám mươi hai người, bằng với lúc mới về đến Cuba trên chiếc Granma. Nhóm quân cuối cùng này được Celia bí mật tổ chức đưa lên.
Trong khi đó, Fidel nghe được trên đài phát thanh là Ban Chỉ Đạo Cách Mạng Sinh Viên (BCĐCM) định tấn công dinh tổng thống ở Havana. Vụ này thất bại và ba mươi lăm người bị giết, lãnh đạo bị bắn chết và nhiều người nữa bị bắt tra tấn và giết hại. Phong trào này là của giai cấp trung lưu Cuba dẫn dắt. Fidel có nghe Faustino nói lại trước đó là BCĐCM có mời Phong Trào 26 Tháng Bảy tham gia nhưng Faustino từ chối. Bản thân Fidel hoàn toàn không tán thành cách hành động của DR. Trong cuộc trả lời phỏng vấn của phóng viên Mỹ trên đài phát thanh một tháng sau, ông nói, “như vậy là đổ máu vô ích. Sinh mạng của tên độc tài không phải điều ta cần. Tôi chống lại chủ nghĩa khủng bố.” Fidel không bao giờ đồng tình với việc ám sát trong chính trị. Hai mươi năm sau, bàn về vụ ám sát tổng thống John F. Kennedy, Fidel trở lại đề tài này và nói, “chúng tôi không bao giờ đồng tình với việc ám sát các lãnh đạo. Chúng tôi đấu tranh chống lại Batista trong hai mươi lăm tháng, nhưng không tìm cách giết Batista. Có lẽ giết Batista còn dễ hơn đột kích Moncada, nhưng chúng tôi không nghĩ là loại bỏ lãnh đạo là loại bỏ được chế độ vì chúng tôi chỉ chống lại chế độ. Chúng tôi đấu tranh chống tư tưởng phản động, chứ không chống lại con người.”
Lúc này, Fidel đang luyện cho quân du kích thành lực lượng chiến đấu hiệu quả, dạy cho các tân binh các bí quyết chiến đấu bất thường, cho họ làm quen dần với những cuộc hành quân khó khăn và cuộc sống gian khổ. Họ vẫn sống du cư, hầu như ngày nào cũng dời trại, đi cả đêm, có khi mấy ngày không ngủ. Thiếu lương thực nên theo Che kể thì họ đã buộc phải giết ngựa để lấy thịt ăn.
Sau thành công qua bài viết của Matthews trên tờ Times, Fidel muốn gặp thêm phóng viên Mỹ. Cuối tháng Tư, có hai phóng viên Hãng Truyền Hình Columbia CBS được Celia dẫn lên núi Turquino gặp Fidel. Họ phỏng vấn anh trước tượng bán thân của Martí mà Celia và cha cô dựng ở đó nhiều năm trước. Sau đó, Celia cùng đoàn CBS trở về Santiago, lúc đó Matthews lại đến Cuba nữa. Fidel nhờ Celia thông tin thêm cho Matthews về các hoạt động của quân nổi dậy.
Cuối tháng Năm, Fidel lại đưa quân đi đánh ở Uvero, ở đó quân nổi dậy di chuyển sang tận phía đông để đánh bọn lính ở bờ biển Caribê vì Fidel hay tin sẽ có chuyến hàng vũ khí hiện đại từ Santiago tới đó. Quân Fidel lúc bấy giờ đã lên tới một trăm hai mươi người và có thêm vũ khí. Trận chiến Uvero cực kỳ khó khăn và tốn kém: Trong số tám mươi quân tham gia, có sáu người bị giết và chín bị thương; trong năm mươi ba quân địch thì mười bốn bị giết, mười chín bị thương và mười bốn bị bắt làm tù binh. Có thể nói đây là cuộc chạm trán đẫm máu nhất từ sau vụ Alegría de Pío, kéo dài gần ba giờ, và lần này quân du kích thắng. Họ thu được hai súng máy với bốn mươi sáu khẩu súng trường. Fidel Castro tuyên bố “như vậy, cuộc chiến ở Sierra Maestra đã sang trang.” Lính của Batista bị thương cũng đều được Che chăm sóc rồi “cho bác sĩ của họ chữa trị, thế là quân chính phủ có thể đến đưa lính của mình về bệnh viện.”
Celia là người phụ nữ đầu tiên cùng tham gia trận Uvero với quân nổi dậy. Sau đó, cô đi Manzanillo bốn tháng để điều phối việc đưa người, vũ trang và vật dụng tới Sierra. Ít lâu sau khi cô đi, Fidel đã viết cho cô, “Norma à (bí danh của Celia), thời gian cô ở đây, chúng tôi đã có nhiều kỷ niệm vui và khi cô đi rồi, ai cũng cảm thấy trống vắng. Khi có phụ nữ tới đây, dù với khẩu súng trong tay, những người của chúng tôi vẫn tự nhiên trở nên gọn gàng hơn, tử tế, lịch sự và can đảm hơn.” Khi nghe báo cáo nhầm là Celia đã bị bắt giữ, Fidel viết thư có chữ ký của Raúl, Che và những chiến binh hàng đầu gửi cho Norma rằng, “cô và David (tức Frank País) là trụ cột của chúng ta. Nếu cả hai khỏe thì mọi việc đều tốt và êm đẹp…” Che Guevara thì viết, Celia “là sợi dây liên lạc nổi tiếng và an toàn của chúng tôi… cô bị giam giữ là chúng tôi bị cô lập.” Không có Celia, chắc lịch sử Cuba đã khác. Frank País bị cảnh sát Batista giết ở Santiago vào cuối tháng 7. Đây là một mất mát lớn cho phong trào bởi País không chỉ là lãnh đạo chính của phong trào ở Oriente mà còn là người có đầu óc chính trị tốt nhất, có lẽ chỉ sau Fidel Castro ở Cuba.
Đến tháng Bảy quân số du kích đã lên tới 200 người và địa bàn hoạt động của họ cũng được mở rộng thêm. Che Guevara được Fidel phong hàm thiếu tá di chuyển về hướng đông nam với quân đoàn riêng, đánh các toán lính nhỏ của Batista để lấy thêm vũ khí do Mỹ hỗ trợ thêm cho Cuba vì sức mạnh của Fidel ngày càng gia tăng. Đến cuối năm đó, Fidel nhận thêm một vị khách thường trực là Celia Sánchez, cô đang bị cảnh sát lùng bắt gắt gao nên phải bỏ hoạt động ở Manzanillo để lên Sierra. Celia đã ở đó với Fidel cho tới ngày cách mạng thắng lợi.
Cuộc chiến -
Chương 23
Đầu năm 1958, quân nổi dậy của Fidel tăng đều. Quân nổi dậy ngày càng lo “cải cách ruộng đất trên qui mô nhỏ” trao cho dân trong nội bộ “Lãnh Thổ Tự Do” ở Sierra Maestra cũng như giúp việc ở nông trại, bảo vệ các gia đình nông dân khỏi bọn chủ đất và vệ binh, áp dụng “công lý cách mạng” đối với bọn cướp đoạt và bóc lột, mở trường học và viện xá. Họ đã trở thành bạn của dân.
Với trách nhiệm cách mạng xã hội, nông dân đã đáp lại, hết lòng ủng hộ quân nổi dậy, nhờ vậy mà Fidel mới còn sống trong những tháng đầu ở Cuba. Thoạt tiên, nông dân giúp ông theo bản năng, sau đó là vì cảm phục cách cư xử của quân nổi dậy. Sự ủng hộ này càng quan trọng khi cuộc chiến du kích bước vào giai đoạn mới trong năm 1958. Nông dân đem thức ăn cho quân nổi dậy, giúp họ lấy vũ khí, xây kho chứa vũ khí và cất đồ (mà không lấy tiền), làm thành mạng lưới thông tin khi quân đội Batista xâm nhập vùng núi và thông tin liên lạc giữa Fidel với các lãnh đạo Phong Trào, trong đó nhiều thông tín viên là phụ nữ. Nông dân cũng là nguồn tuyển dụng chính của Quân Nổi Dậy - họ biết đường đi lối vào, kiên cường, tin tưởng vào đường lối của Fidel và dễ hòa nhập với quân du kích hơn các tình nguyện viên từ thành thị. Lúc này, Fidel cần những chiến binh tích cực để mở rộng cuộc chiến.
Tháng Ba năm 1958, Raúl Castro đưa sáu mươi lăm người đến Sierra Cristal, dọc theo bờ biển phía bắc tỉnh Oriente, để lập mặt trận mới. Họ định lập ra “khu vực tự do” ở Oriente để chuyển cuộc chiến về phương bắc và tăng sức ép với quân Batista. Mặt trận thứ hai này được Fidel đặt tên là Frank País, để tưởng nhớ anh, và lực lượng của Raúl là “Quân Đoàn 6” để tạo cảm giác là Quân Nổi Dậy có nhiều đơn vị. Cùng lúc đó, Juan Almeida được phái đi lập ”Mặt Trận Thứ Ba” với quân đoàn khác ở phía đông Sierra Maestra, phía tây bắc Santiago. Tháng Tư, Camilo Cienfuegos di chuyển về phương bắc, hướng tới Bayamo để khuấy nhiễu quân Batista ở đó. Guevara với “Quân Đoàn 4” đã hoạt động ở trung tâm Sierra Maestra từ tháng Tám năm 1957. Đến giữa mùa xuân năm 1958 thì Quân Nổi Dậy đã nắm giữ hoặc điều khiển hầu hết vùng núi Oriente. Chiến lược của Fidel là thoát ra khỏi những thành lũy mà quân nổi dậy đã đi chuyển lòng vòng suốt một năm qua và chiếm thêm lãnh thổ của kẻ thù. Tuy vậy, Fidel vẫn thận trọng nói với Che rằng chỉ tấn công khi các đơn vị khác trong quân nổi dậy sẵn sàng hỗ trợ.
Dần dà, quân du kích trở thành lực lượng có kỷ cương và được trang bị tốt hơn. Sang tháng 4, Fidel có chiếc xe jeep Toyota mới và quân nổi dậy đã chiếm được thêm lãnh thổ đủ để ông lái xe chứ không còn phải đi bộ trong vòng mười, mười lăm dặm nữa - hầu hết những lối đi trong núi đều đi xe được và bây giờ Fidel còn kiểm soát vài con đường nữa. Cứ hai ba ngày, họ lại di chuyển từ chỗ này qua chỗ khác vì lý do an ninh - Fidel vẫn rất thận trọng. Sợ máy bay dò ra, ban đêm họ di chuyển không đèn, Fidel và Celia cầm đèn lồng theo để dùng khi cần thiết. Cuối tháng tư và đầu tháng 5, Fidel bỏ thời gian kiểm tra lực lượng để chuẩn bị tấn công kẻ thù trên diện rộng. Ông cho xây công sự ở lối vào Sierra Maestra để nếu có mất một phần lãnh thổ thì chừng nào còn chế ngự được phần chính của dãy núi, họ vẫn sẽ thắng.
Khắp nơi tinh thần lên rất cao. Trong vùng núi thuộc khu vực của Guevara, quân nổi dậy lập ra bệnh xá cho những người bị thương nặng, nơi này ẩn kín trong rừng cây lá nên từ trên cao nhìn xuống sẽ không thấy được, song hơi cực cho bệnh nhân vì không khí quá ẩm. Một bệnh xá khác cũng được dựng trên sườn phía tây Sierra Maestra cùng với các trạm xá rải rác khắp khu du kích. Thuốc men thường xuyên được đem từ miền dưới lên. Một đài phát thanh sóng thấp được lập ở vùng thuộc Guevara hồi tháng Hai nhưng chỉ một số gia đình trong vùng và đội tuần tra nghe được. Guevara còn chế ra các thiết bị gây nổ như M-26 và dựng một lò mổ để mổ xẻ các con thú rừng bắt được cùng với một xưởng làm xì gà nhỏ.
Tinh thần nâng lên nhờ kỷ luật chặt chẽ cộng với cấp lãnh đạo luôn nêu gương. Fidel, Raúl, Che và vài anh em khác luôn đi tiên phong, không bao giờ để cho quân phải liều thân. Guevara chỉ ngồi xuống ăn khi thấy quân du kích có đủ phần ăn y như mình. Universo nhớ đã dùng chung phần cơm gà trên dĩa với Fidel, khi cả hai ăn xong phân nửa phần mình, còn lại một miếng thịt thì không ai chịu ăn hết. Guevara nhớ thứ duy nhất không bao giờ thiếu là cà phê, bởi họ luôn xin được ở chòi của nông dân. Che Guevara thường xuyên viết bài và nhật ký với sự quan sát nhạy bén, nên hiếm khi bỏ sót chi tiết nào về cuộc chiến ở Sierra.
Đối với Fidel bây giờ cần có tổng tấn công, trong đó kêu gọi đoàn kết cách mạng. Faustino Pérez, lúc này là đại diện của Ban Chỉ Huy Phong Trào Quốc Gia ở Havana, đầu tháng Ba trở lại Sierra họp với Fidel và các thành viên khác, đã cùng ký bản “Toàn Quốc Kháng Chiến Chống Chế Độ Bạo Tàn” kêu gọi tổng tấn công. Bản Tuyên Ngôn cũng xác định Phong Trào đã chọn Manuel Urrutia Lleó làm người đứng đầu chính phủ lâm thời sẽ được thành lập sau khi Batista đổ, với sứ mệnh chuẩn bị bầu cử quốc gia.
Urrutia năm mươi tám tuổi, là chánh án Tòa Thượng Thẩm Oriente, đã từng bỏ phiếu bất đồng khi hai đồng nghiệp của ông kết tội quân viễn chinh trên chiếc Granma và những nhà hoạt động Phong Trào bị bắt trong cuộc nổi dậy thất bại ở Santiago hồi tháng 11 năm 1956. (Phán quyết buộc quân nổi dậy lãnh án tám năm tù). Urrutia sau đó đã viết rằng đối với ông, các bị cáo là “mẫu mực của nhân phẩm và lòng yêu nước” và ông bất đồng với án phạt vì “trong điều 40 Hiến Pháp Cuba vào thập niên 1940 có nói đến ‘quyền thiêng liêng chống kẻ áp bức’” Urrutia cũng là người đồng cảm với Phong Trào 26 tháng Bảy.
Lúc Fidel mới có ý định về chính phủ lâm thời, ông nghĩ tới Raúl Chibás và Felipe Pazos, những người cùng ký bản Tuyên Ngôn tháng Bảy năm 1957, làm ứng cử viên chủ tịch. Tuy nhiên, Chibás từ chối còn Pazos thì Fidel thấy quá dấn sâu vào chính trị truyền thống. Sau đó, ông nghĩ tới Urrutia và tới tháng Mười Một ông cử phái viên tới Santiago trao cho ông này quyền chủ tịch đại diện cho Phong Trào. Urutia đồng ý, từ chức quan tòa và đi Mỹ vào cuối tháng mười hai để đợi ngày được gọi về nhận trách nhiệm “dẫn dắt đất nước đi tới dân chủ, tự do và một chế độ công bằng” theo như Bản Tuyên Ngôn khi Batista bị lật đổ.
Bản Tuyên Ngôn “Toàn Quốc Kháng Chiến” nói rằng ngày 1 tháng 4, tất cả xe cộ trên xa lộ và đường cái phải ngưng lưu thông và xe nào chạy sẽ bị bắn. Sau ngày đó, sẽ cấm đóng thuế ở Cuba – ai đóng sẽ bị coi là “không yêu nước và chống cách mạng.” Lúc này Quân Nổi Dậy có không quá ba trăm người nhưng Fidel vẫn tuyên bố “từ phút này trở đi, cả nước phải đấu tranh chống chế độ bạo tàn, cả nước nhất định tự do hoặc tàn lụi!”
Ngày 9 tháng 4 đã định là ngày tổng tấn công. Các đại diện Phong Trào được lệnh tăng cường các hoạt động bí mật và Quân Nổi Dậy sẵn sàng phối hợp. Cuối tháng ba, quân Fidel được tăng cường một máy bay hai động cơ C-47 từ Costa Rica đến với vũ khí và đạn dược cùng với hai viên chức quan trọng là Pedro Miret, cố vấn quân sự chính và Huber Matos, người đã tổ chức chuyến bay và đưa thư của Fidel cho tổng thống Costa Rica.
Tuy nhiên, cuộc tấn công thảm bại vì tổ chức kém, nhất là ở Havana, các nhóm phối hợp không tốt, định thời gian sai, dân chúng đáp ứng và tham gia không đủ. Chính phủ tăng cường thêm bảy ngàn quân và sẵn sàng để đè bẹp cuộc tấn công. Hôm đó, ít nhất một trăm người Cuba bị cảnh sát giết và nhiều trăm người bị bắt. Tổng Tư Lệnh Batista kết luận rằng thời cuộc đã thay đổi và sau khi bại trận hoàn toàn, quân nổi dậy ở Sierra Maestra sẽ bị quân đội dẹp tan.
Lúc bấy giờ, chính Batista quyết định tổng chiến. Cuối năm 1957, quân đội Batista tấn công để cô lập Sierra Maestra với bên ngoài. Họ định bao vây Sierra và từ từ thắt chặt vòng vây lại, rồi đánh đòn cuối cùng vào trụ sở Fidel ở La Plata ngay trung tâm Sierra Maestra. Quân Batista có mười ngàn lính với pháo binh, trực thăng, máy bay và hải quân bao vây tứ phía.
Quân đoàn 1 của Fidel Fidel có 280 quân vũ trang, rồi sau đó tăng cường thêm vài chục người từ “Mặt Trận Thứ Ba.” Batista đông quân và hỏa lực hơn song Fidel đã biến núi thành pháo đài mà ông có thể bảo vệ với ít quân hơn, vì mọi người đã quen thuộc từng hóc hẻm trong rừng và từng nhà nông dân với các ngõ ngách. Cả hai bên đều biết đây là trận chiến quyết định và Fidel thấy đây là cuộc mạo hiểm. Ông chuẩn bị nhường lãnh thổ tới một mức nhất định, bảo vệ trụ sở La Plata rồi phản công bằng cách mai phục và chiến đấu đến cùng.
Cuộc tấn công của Batista kéo dài bảy mươi sáu ngày thì bị quân Fidel đẩy lùi. Nhiều lần quân nổi dậy suýt thua do nhiều vị trí và làng mạc quanh La Plata bị chiếm, song Fidel liều mọi cách ngăn quân Batista xâm nhập những chóp núi quan trọng, ở đó quân du kích có thể triển khai bắn xuống để đẩy lui kẻ thù. Fidel, khi đi xe jeep khi thì đi bộ, di chuyển từ điểm này qua điểm nọ cùng Celia và một trợ lý nữa. Fidel cũng lần đầu tiên áp dụng chiến tranh tâm lý. Ông cho lắp loa phóng thanh hát vang quốc ca, những bài ca yêu nước và những lời hô hào cách mạng đển làm đoàn quân Batista đang đuối sức mất nhuệ khí. Rồi cuộc tấn công cũng kết thúc.
Có điều thú vị là Fidel đã cư xử theo tinh thần mã thượng với vài sĩ quan chính trong quân đội Batista. Lúc bắt đầu cuộc tấn công, tướng Eulogio, chỉ huy trưởng khu vực trong quân đội Batista có gửi một thông điệp yêu cầu Fidel đầu hàng. ông phúc đáp ngay, “Tôi tôn trọng anh. Tôi trân trọng anh là đối thủ. Tôi cảm kích những tình cảm cao thượng của anh với chúng tôi, dù sao cũng là đồng hương chứ không phải kẻ thù của nhau, vì chúng tôi không chiến đấu chống lại quân vũ trang mà chống lại chế độ độc tài. Chắc khi nào xong cuộc chiến, nếu chúng tôi còn sống, tôi sẽ lại viết thư nói rõ cho anh biết ý tôi và cho anh biết tôi nghĩ sao về anh, về quân đội anh và chúng ta có thể làm việc vì lợi ích của Cuba…”
Đầu tháng 7, quân nổi dậy đẩy lùi cuộc tấn công của Batista, Fidel đánh bại một đạo quân do thiếu tá José Quevedo cầm đầu, đổ dọc theo bờ biển để ập vào Sierra từ thượng nguồn sông La Plata. Quân đội chính phủ đã đầu hàng quân nổi dậy ở trận El Jigue, và Fidel đã viết thư cho viên thiếu tá, vốn cùng là sinh viên trường luật hồi ở Havana rằng “tôi không bao giờ nghĩ là có ngày, chúng ta lại chiến đấu chống lại nhau, dù thật ra tình cảm của chúng ta với tổ quốc đâu có gì khác nhau. Tôi trách cứ hành động của quân đội nói chung, nhưng tay tôi hoặc đồng đội tôi không bao giờ vấy máu hay xử tệ với tù binh hết. Tôi viết những dòng này trong lúc cấp bách không phải để yêu cầu anh gì cả mà chỉ để chào và chân thành chúc anh may mắn.” Năm ngày sau, Fidel gởi cho Quevedo một thông điệp khác rằng, “quân của anh đã bị bao vây, họ không có hy vọng nào được cứu thoát. Trong tình cảnh này, tôi cho anh được đầu hàng trong danh dự. Tất cả người của anh sẽ được đối xử tử tế và tôn trọng. Các sĩ quan sẽ được giữ vũ khí.” Tuy nhiên, Quevedo vẫn tiếp tục chiến đấu. Sau đó, Fidel phái người tới yêu cầu anh ta đầu hàng để bảo toàn mạng của cả hai phía. Hai ngày sau, Quevedo đầu hàng, quân nổi dậy nhận 220 tù binh, Fidel nhắn Guevara chuẩn bị bữa ăn trưa cho các tù binh trước khi thả họ. Ba ngày sau, tù binh được chuyển giao cho hội chữ thập đỏ quốc tế và Che Guevara ngồi trên lưng con lừa nhỏ đến nơi để quan sát. Fidel lại băng qua núi để chiến đấu ở Santo Domingo.
Ngày 12 tháng 8, Fidel và Che lại có mặt ở Las Mercedes để quan sát việc chuyển giao khoảng 100 tù nhân của một đơn vị Batista khác cho hội chữ thập đỏ. Họ gặp viên đại tá quân đội đại diện cho phía bên kia ở đây, mọi người dùng cà phê và nói chuyện thân mật. Viên đại tá nói ông ta nghĩ cuối cùng quân nổi dậy sẽ thắng, “nhưng các anh sẽ nhận một đất nước Cuba đã bị tàn phá.” Khi ấy, Fidel chú ý tới chiếc trực thăng của viên đại tá đậu bên ngoài, viên sĩ quan mời họ bay thử với ông ta. Fidel cùng với Che, Celia cùng với một đại úy quân nổi dậy bay phía trên Sierra chừng 15 phút. Lần đầu tiên, Fidel đi máy bay trực thăng còn các phụ tá thì hết sức lo lắng cho sự an toàn của ông. Tuy nhiên, bản tinh của Fidel là như vậy. Rời Las Mercedes, Fidel trở về hoạch định cuộc phản công và đó là đợt tấn công cuối cùng trong cuộc chiến. Celia luôn ở bên cạnh ông. Lần duy nhất họ rời nhau là khi Fidel nhờ cô giải quyết vài việc của quân nổi dậy ở La Plata trong khi ông tham gia vào một trận đánh đột ngột. Túi áo của Celia luôn đầy ắp những giấy tờ tài liệu của Fidel và quân nổi dậy - cô y như một văn phòng di động.
Batista thua trong “cuộc tấn công mùa hè” với gần 1.000 lính chết lẫn bị thương, cộng với 400 tù binh mà quân nổi dậy cứ bắt rồi lại thả. Fidel thu được 500 vũ khí hiện đại, trong đó có hai xe tăng. Với 321 quân, họ đã đẩy lùi được cuộc tấn công quy mô của Batista. Lúc này, các nhà chính trị và quan chức cao cấp ở Havana đều đoán rằng chế độ này sẽ không kéo dài lâu. Fidel cho phát trên Đài Phát Thanh Nổi dậy (mà họ đã lập ra trước đó) khắp Cuba từng chi tiết của thắng lợi.
Cuối tháng sáu, Raúl Castro có chiến lược bắt cóc bốn mươi chín công dân Mỹ ở phía đông Oriente để buộc không quân Batista ngừng ném bom các đơn vị của anh ở “Mặt Trận Thứ Hai” và các gia đình nông dân ở quanh đó. Anh đã không hỏi ý Fidel vì thấy máy bay Batista không chỉ đổ nhiên liệu mà còn lấy thêm bom ở Guantánamo nữa.
Lực lượng của Raúl bị dội bom không ngừng, các cuộc tấn công hỏa tiễn và oanh tạc liên tục diễn ra giữa lúc họ sắp hết đạn nên buộc phải làm như vậy. Tổng lãnh sự Mỹ khi ấy là Park Wollam đi từ Santiago lên Sierra để thương lượng việc thả con tin với Raúl và ông này được Raúl đưa cho xem các mảnh bom Mỹ và những tấm ảnh chụp ở Guantánamo. Trước đó, các con tin cũng được dẫn đi xem các thiệt hại do bom và những nạn nhân bị cháy xém vì bom napal. Ông lãnh sự và những người Mỹ được đối xử tử tế rồi được thả ra sau đó. Trong thời gian này, quân địch ngưng không kích quân nổi dậy, còn Raúl thì có thời gian chuẩn bị và tổ chức lại quân du kích. Trước sự kiện này, Fidel xác định ủng hộ hành động của em trai, điều này càng cho thấy vai trò lãnh đạo cuộc chiến của ông.
Fidel, ngày càng cư xử như một lãnh đạo đất nước, vào tháng Bảy đã giải quyết rất khéo léo một sự việc xảy ra sau đó với Mỹ. Lúc Batista rút lui quân canh phòng ống dẫn nước từ lãnh thổ Cuba tới căn cứ hải quân Guantánamo (thuộc lãnh hải của Cuba), Hải Quân Mỹ lãnh lấy trách nhiệm khu này nên quân nổi dậy phản đối ngay vì thấy đó là hành động can thiệp của Mỹ. Phái viên quân nổi dậy đi Santiago thương lượng với Mỹ và phản đối đề nghị khu vực ống dẫn nước là “khu vực trung lập.” Lúc này, Fidel ra bản tuyên bố chính thức, “Sự có mặt của quân đội Mỹ là bất hợp pháp và là xâm lược lãnh thổ Cuba, nhưng chúng tôi sẵn sàng bảo đảm sẽ không can dự đến việc cung cấp nước vì chúng tôi không chống lại chuyện đó…” Thông điệp này vừa cương quyết vừa ôn hòa, và ngôn từ của Fidel khéo léo nói lên rằng ông không muốn tranh cãi với Mỹ, song ông cũng không nhượng bộ nếu chủ quyền Cuba bị xâm phạm. Chính sách của ông đối với Mỹ về sau vẫn luôn là như vậy.
Cùng lúc đó, Fidel Castro cũng chú trọng đến tính đoàn kết và ôn hòa. Đài phát thanh Nổi dậy phát từ vùng núi “Bản Tuyên Ngôn Đoàn Kết của Sierra Maestra”, hay Hiệp Ước Caracas. Hiệp ước này càng làm tăng thêm hình ảnh lãnh đạo quốc gia của ông không có gì phải bàn cãi và tất cả những người ký vào “bản tuyên ngôn đoàn kết” đều là những nhà chính trị ôn hòa và ngầm công nhận điều này.
Bản tuyên ngôn không phải chương trình cách mạng mà là hiệp ước “tạo nên liên minh dân sự, cách mạng gồm mọi thành phần ở Cuba theo chiến lược chung để đánh bại chế độ độc tài bằng các phương tiện khởi nghĩa vũ trang và huy động toàn bộ công nhân viên chức mọi thành phần, tham gia vào cuộc tổng tấn công trên mặt trận công dân. Còn trên mặt trận quân sự thì sẽ phối hợp hành động cả nước. Về tương lai thì có hai điểm: lập chính quyền tạm thời để tạo ra các quyền hiến pháp và dân chủ; lập cương lĩnh nhà nước tối thiểu để phạt những ai phạm tội, vì quyền lợi công nhân, hoàn tất hiệp ước quốc tế, trật tự công cộng, tự do, hòa bình và tiến bộ chính trị, xã hội, kinh tế của dân Cuba.” Bản tuyên ngôn cũng yêu cầu Mỹ “ngừng hỗ trợ quân sự và các hình thức trợ giúp khác cho nhà độc tài.”
Giữa tháng 9, Fidel Castro lãnh đạo “quân đoàn 1, mang tên José Martí, ra khỏi vùng núi để khởi động cuộc tấn công chiếm phần lớn tỉnh Oriente, rồi bao vây Santiago buộc quân địch đầu hàng. Quân của Raúl ở phía đông bủa ra tấn công quân Batista từ phía sau. Bấy giờ Fidel đã có động lực quân sự và tài nguyên mà trước đây ông thiếu: các chủ đất, các nhà công nghiệp, doanh nghiệp cũng đóng góp cho Phong Trào Ngày 26 Tháng Bảy. Đầu tháng Chạp, quân đoàn của Fidel thắng trong trận chiến gay go ở tỉnh Guisa, mở đường vào trung tâm Oriente. Cùng ngày, Manuel Urrutia đã bí mật đáp máy bay xuống cánh đồng ở ngoại ô phía tây Sierra Maestra, sẵn sàng trở thành chủ tịch lâm thời của Cuba. Ông này bay từ Caracas, đem về một đợt vũ khí đạn dược của tổng thống lâm thời Venezuela hỗ trợ quân nổi dậy.
Từ Guisa, Fidel thừa thắng chiếm luôn các tỉnh Baire, Jiguaní, Maffo và Contramestre vừa ra tuyên ngôn, tối hậu thư trên Đài Phát Thanh Nổi dậy mỗi ngày. Ngày 20 tháng Chạp, tỉnh Palma Soriano, phía tây bắc Santiago thất thủ. Batista bắt đầu chuẩn bị chạy trốn khỏi Cuba. Dân chúng Havana, thành thị lẫn nông thôn đâu đâu cũng công khai chống lại y và ủng hộ quân kháng chiến. Con tàu chế độ độc tài đang chìm dần. Ở Havana, các viên chức cao cấp bí mật cử người liên hệ với đại diện của Fidel đề nghị giảng hòa bằng cách thay Batista bằng ban hành chính quân dân sự trong đó có tướng Eulogio Cantillo, người mà Fidel đã trao đổi thư trong cuộc tấn công mùa hè. Ban này được Mỹ ủng hộ. Fidel đã lường trước chuyện này và gửi lại thông điệp ngắn: “Phản đối các điều kiện. Hãy sắp xếp cho tôi gặp riêng Cantillo.”
Fidel và Cantillo gặp nhau gần Palma Soriano ngày 28 tháng Chạp và ông phản đối chuyện ủy ban hành chính, nói chính quyền phải về tay cách mạng. Santiago đã bị bao vây và Cantillo đồng ý sẽ dẫn đầu cuộc nổi loạn, trao quân của ông ta cho Fidel vô điều kiện. Khi ấy, Celia và các lãnh đạo khác cũng có mặt cùng với thiếu tá Quevedo, tư lệnh quân đội Batista đầu hàng hồi tháng Bảy được Fidel đưa về Quân Nổi Dậy. Tuy nhiên, sau đó Cantillo thất hứa, báo cho Batista biết chuyện Ban Hành Chính và dành thời gian cho Batista kịp rời nước đi Cộng Hòa Dominica cùng gia đình và các cộng sự thân tín sau nửa đêm Giao Thừa. Hành động cuối cùng của ông ta là chỉ định Tướng Cantillo làm chỉ huy các lực lượng vũ trang.
Sáng đó ở thủ đô, Cantillo lập Ban Hành Chính do thẩm phán tòa án tối cao Carlos M. Piedra làm chủ tịch, Fidel phải hành động ngay. ông nói trên Đài Phát Thanh Nổi dậy, ra tối hậu thư cho quân đội ở Santiago đầu hàng trước 6 giờ chiều, nếu không sẽ tấn công. Đoạn ông ra bản tuyên ngôn toàn quốc, tố cáo Ban Hành Chính là “những kẻ tòng phạm của chế độ bạo tàn” và kêu gọi tổng tấn công ngày hôm sau. Ông ra lệnh cho Camilo Cienfuegos và Che Guevara hành quân tới chiếm Havana, trại Columbia và pháo đài La Cabana.
Ở Havana, Ban Hành Chính sụp đổ trước khi trời tối. Cả thành phố vui mừng hát hò tới khuya, không có bạo động hay trả thù gì cả. Nhân dân Cuba đã nhớ lời kêu gọi của Fidel qua truyền thanh không tự tay thi hành công lý.
Ngày 2 tháng Giêng, Fidel Castro và đoàn hộ tống vào Santiago trong niềm vui bùng vỡ. Ông chiếm lấy các trại Moncada tượng trưng, nơi đã khởi động cách mạng ngày 26 tháng Bảy năm 1953. Fidel thông báo Manuel Urrutia được cử làm chủ tịch lâm thời Cuba, tuyên bố Santiago là thủ đô lâm thời và tối hôm đó đã đọc diễn văn đầu tiên với tư cách nhà lãnh đạo cách mạng thắng lợi trước đám đông cuồng nhiệt vui mừng. Ông nói về tương lai sắp đến, “Giờ đã đến lúc bắt đầu Cách Mạng. Cuộc Cách Mạng sẽ không dễ dàng, sẽ còn khó khăn và gian khó. Lần này, Cuba đã may mắn. Cách Mạng sẽ nắm quyền. Lần đầu tiên, nước cộng hòa sẽ hoàn toàn tự do và dân chúng sẽ có được những gì chúng ta xứng đáng được hưởng. Nhân dân Cuba đã thắng trong cuộc chiến này!…”
Phần IV : Cuộc cách mạng (1959-1963) - Chương 24
Trong hòa bình cũng như chiến tranh, Fidel vẫn là bậc thầy chiến lược, chiến thuật và luôn biết hành động kịp thời. Nhìn lại những sự việc trong năm đầu cách mạng mới thấy rõ ông biết đích xác việc mình làm, ứng biến thận trọng và chẳng hề bỏ lỡ cơ hội nào. Ông thấy cần phải tuyên truyền để vận động quần chúng bằng phương tiện truyền hình đã khá phát triển ở Cuba lúc bấy giờ.
Trên chiếc xe tăng tiến vào Havana, Fidel được dân chúng chào đón nồng nhiệt, từng bước đi của ông được phát trên truyền hình khắp đảo quốc. Bộ râu nổi tiếng, điếu xì gà trên môi và bộ đồng phục xanh ô liu là biểu tượng của cá tính Fidel Castro được mọi người nhìn thấy và nhớ mãi. Nhích từng bước một qua đám đông dày đặc, chốc chốc ông ngừng lại để chào và ôm những người quen, hô to khẩu hiệu, nói vài lời hoặc thậm chí còn diễn thuyết.
Cuộc tiến quân kéo dài tới năm ngày và Fidel phải liều lĩnh lắm mới ở trên đường suốt thời gian đó, ông tin là những sĩ quan tin cẩn khắp đảo quốc sẽ đảm bảo an toàn được cho mình. Hơn nữa, ông cũng không muốn lỡ dịp quan hệ với quần chúng chỉ vì lý do an ninh. Celia Sánchez thì lo về thông tin và liên lạc với những người cần thiết cho ông, Fidel muốn họp riêng với những người ông định giao cho nhiệm vụ chính.
Ở Cotorro, cổng vào Havana, cuối cùng Fidel cũng gặp lại được con trai Fidelito sau hơn hai năm xa cách. Fidelito bấy giờ đã chín tuổi, được người thân dắt ra gặp cha. Mẹ cậu, Mirta không phản đối cuộc đoàn tụ và đã không giữ được cậu bé. Ít lâu sau, Castro đưa con ra khỏi trường tư và cho vào học trường công nội trú để gặp con càng thường xuyên càng tốt. Chẳng bao lâu, Mirta cùng chồng sau cuaœ bà đã đi Tây Ban Nha và định cư ơœ đó.
Đầu tuần, Urrutia đã vào được trong dinh khi Quân Nổi Dậy thuyết phục Ban Chỉ Huy Du Kích Sinh Viên đối lập rời tòa nhà, song đám sinh viên vũ trang vẫn còn chiếm trường đại học và không chịu giao nộp vũ khí.
Fidel đến trại Columbia để đọc diễn văn chiến thắng trước hàng chục ngàn người Cuba đã chờ đợi từ nhiều giờ qua. Ông nói về trách nhiệm mà Quân Nổi Dậy phaœi gánh vác để cách mạng thành công, chú trọng tới đoàn kết cách mạng và sau đó về việc Ban Chỉ Huy Du Kích Sinh Viên vẫn còn đang nắm giữ vũ khí. Quay sang Camilo Cienfuegos, chỉ huy trưởng và là nhân vật đóng vai trò nổi bật thứ nhì của cách mạng, Fidel hỏi, “Những gì tôi đang làm là đúng phải không, Camilo?” và Cienfuegos đáp giữa tiếng hò reo của đám đông, “Anh đang làm đúng, Fidel!” Một khẩu hiệu mới vừa ra đời.
Fidel hạ giọng tuyên bố ông muốn hoœi dân chúng vài câu và muốn mọi người đồng thanh trả lời, cách này ông gọi là “dân chủ trực tiếp”. Ông hỏi: “Tại sao lại giấu vũ khí ở nhiều nơi trong thủ đô? Tại sao phaœi cất giấu vũ khí vào lúc này? Cất vũ khí để làm gì? Để đấu tranh chống lại ai? Chống lại chính quyền cách mạng được toàn dân ủng hộ sao?”(đám đông hô lớn: KHÔNG ĐƯỢC!) “Chánh án Urrutia dẫn dắt nền cộng hòa có như Batista không?” ([đám đông hô lớn: KHÔNG!) “Vũ khí để làm gì? Ở đây còn chế độ độc tài nữa không?” (đám đông hô lớn: KHÔNG CÒN!) “Các bạn có chống lại nhà nước tự do tôn trọng quyền công dân không?” (đám đông hô lớn: KHÔNG!) “Có cần cất giấu vũ khí không khi các cuộc bầu cử sẽ diễn ra trong thời gian sớm nhất?” ([đám đông hô lớn: KHÔNG CẦN!) Cất giấu vũ khí để làm gì? Để hăm dọa Chủ Tịch của nền cộng hòa sao? Vũ khí để làm gì? Các bạn biết không, cách đây hai ngày, có một tổ chức đã đến căn cứ quân sự, lấy đi năm trăm vũ khí, sáu súng tiểu liên và tám mươi ngàn viên đạn!” [đám đông hô lớn: CHÚNG TA HÃY ĐI TÌM HỌ!]
“Vũ khí để làm gì?” trở thành thành ngữ cách mạng mới nhất và tối hôm đó nhóm du kích sinh viên sau khi xem Fidel nói chuyện trên truyền hình, đã tự nguyện giao nộp vũ khí cho quân nổi dậy, kết thúc cuộc khủng hoảng mà không có đổ máu. Chẳng bao lâu sau, chính các lãnh đạo du kích sinh viên tham gia làm việc trong Ban An Ninh của Fidel khi ông đưa chủ nghĩa xã hội vào Cuba. Ở trại Colombia, Castro hỏi ý đám đông xem ông có nên chấp nhận lời chính phủ lâm thời yêu cầu ông làm tổng tư lệnh và tái tổ chức các lực lượng vũ trang không, đám đông đồng thanh nói “Có!” Sau đó, ông ra thông báo trong cả nước rằng những binh lính tử tế, không cướp bóc hay giết người, có quyền được tiếp tục phục vụ trong quân đội. Ông kết thúc bài diễn văn như thế này: “Đối với chúng tôi, nguyên tắc là quan trọng nhất và chúng tôi không chiến đấu vì tham vọng. Tôi tin mọi người thấy điều đó!”
Fidel vừa dứt lời thì ánh đèn chiếu vào hình ảnh một đôi chim bồ câu trắng bỗng từ đâu bay đến đậu trên vai ông. Caœnh tượng đẹp và đáng kinh ngạc ấy khiến đám đông đồng thanh hô lớn, “FIDEL! FIDEL! FIDEL!” giữa tia sáng bình minh vừa ló dạng. Chim bồ câu trong huyền thoại Cuba tượng trưng cho cuộc sống và bây giờ Fidel đã được dân chúng bảo vệ. Sự tôn sùng Fidel Castro đã trở thành một hiện tượng ở Cuba sau thắng lợi của cuộc cách mạng, ông đã làm rung động trái tim và tâm hồn của dân chúng. Tạp chí Bohemia có đăng hình nhà lãnh đạo ba mươi mốt tuổi với vầng hào quang quanh đầu. Trên suốt con đường từ Oriente tới Havana, giữa Santiago và Bayamo, những phụ nữ đứng tuổi chốc chốc lại ôm hôn ông.
Cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa được ngầm thực hiện và lúc mới đến Havana, Fidel Castro cũng đã thương thuyết với những người cộng sản cũ. Trong tháng đầu, Fidel đã diễn thuyết ít nhất mười hai lần trước những lượng người đông đaœo, trong đó có những bài nói về chính sách cuaœ cách mạng đối với tình hình đất nước lúc này. Ông tổ chức năm cuộc họp báo cho phóng viên ngoại quốc và hai lần diễn thuyết dài trên truyền hình. Cuối tháng giêng, ông bay đi Venezuela để cảm ơn chính quyền nước này đã uœng hộ cuộc cách mạng bằng việc gởi cho vũ khí, ngoài ra, còn ghé thăm các tỉnh nơi đã từng đi qua và nói với dân chúng về cải cách ruộng đất. Đến đầu tháng hai, ông tuyên bố chính phủ cách mạng quyết định công nhận Che Guevara là công dân Cuba để tỏ lòng biết ơn và là bước hợp thức hóa cho phép Che giữ các chức vụ ở Cuba.
Fidel cũng họp với cộng sự và ban lãnh đạo cộng sản để bàn việc hợp nhất thành sức mạnh Marx-Lenin, những cộng sản tài năng tốt nhất nên tham gia điều khiển đất nước để chuyển sang thời kỳ quá độ và đảng cộng sản cũ nên nhập vào đảng mới của ông.
Đầu tiên, Fidel và đaœng Cộng sản quyết định lập những trường chuyên dạy chủ nghĩa Marx-Lenin cho quân cách mạng để chuẩn bị chuyển qua chế độ cộng sản trên đảo quốc. Ai tốt nghiệp trường này sẽ là lãnh đạo cách mạng tương lai. Đến cuối năm 1961, hơn ba mươi ngàn người được đào tạo ở các trường này, trong đó nhóm ưu tú gồm năm mươi ba nhà lãnh đạo trẻ đầy hứa hẹn. Đến tháng ba, Fidel Castro tới trường chọn ra hai mươi viên chức trẻ cho vào Đảng Cách Mạng Xã Hội Đoàn Kết Cuba.
Nhóm tin cẩn này, trong đó đứng đầu là Antonio Nunez Jiménez và các thành viên gồm Che Guevara, Alfredo Guevara, Vílma Espín, Oscar Piono Santos và Segundo Ceballos lo về chính sách căn bản cho Fidel: thảo ra luật cải cách ruộng đất mới, luật cách mạng do Fidel gợi ý để ông chuyển cho các bộ trưởng luật cách mạng là Dorticós xem qua. Nunez Juménez biết Fidel hồi còn ở đại học Havana, đã gia nhập quân đoàn của Che Guevara ở Las Villas trong cuộc tấn công mùa thu năm 1958, sau đó làm đại úy Quân Nổi Dậy coi ở pháo đài La Cabanã. Che Guevara thấy Nunez rất hứng thú với chủ nghĩa Marx-Lenin nên giới thiệu với Fidel và trơœ thành người tin cẩn cuœa Fidel. Nunez còn là nhà địa lý, địa chất và sử học rất am hiểu các vấn đề ở Cuba - đúng là người Fidel cần cho giai đoạn chuyển tiếp.
Alfredo Guevara là người bạn cộng sản của Fidel hồi còn đại học, cùng ông tham gia nổi dậy năm 1948 ở Bogotá và bị cảnh sát Batista tra tấn ở Havana trong năm cuối chiến tranh. Sau đó, ông đi Mexico, về tới Matanzas thì được Fidel và chị Lidia gọi tới. Khi ấy, Alfredo Guevara đã là nhà làm phim đang định bắt đầu công nghiệp sản xuất phim cách mạng, song Fidel nói là cần ông làm các nhiệm vụ khác. Vílma Espín là một phụ nũ trẻ học thức ở Santiago đã gia nhập “Mặt Trận Thứ Hai” của Raúl Castro năm 1958, sau đó kết hôn với Raúl vào tháng giêng năm 1959 ở Oriente. Raúl lúc này vẫn còn bận với quân đội ở Santiago nên thường qua lại giữa hai thành phố. Oscar Piono Santos là nhà kinh tế Cộng Sản, còn Segundo Ceballos, nhà báo đứng tuổi chuyên về các vấn đề ruộng đất, là cố vấn. Pedro Miret là trợ lý quân sự còn Celia Sánchez là trợ lý chính của Fidel. Họ thường họp ở nhà Che Guevara ở bãi biển Tarará, Che lúc này đang hồi phục sức khỏe vì hai năm bị suyễn và sốt rét ở Sierra đã làm anh yếu đi nhiều.
Ngày 13 tháng 2, sau khi bàn bạc với Chủ Tịch Urrutia, Fidel được bổ nhiệm làm thủ tướng thay cho José Miró Cardona đã từ chức. Từ đó, Fidel thường tới dự những buổi họp nội các ở phủ chủ tịch. Che Guevara đã hồi phục hẳn. Giai đoạn đầu của Cách Mạng Cuba vừa hoàn tất và họ đang chuẩn bị những bước tiếp theo.
Cuộc cách mạng (1959-1963) -
Chương 25
Tuy nhiên, đất nước Cuba lúc này phaœi đối phó với một tình hình khá căng thẳng, đó là quan hệ thù nghịch với Mỹ, quốc gia chỉ cách họ có chín mươi dặm. Fidel Castro sợ cuộc cách mạng của mình sẽ bị Mỹ cướp khỏi Cuba như nền độc lập đã bị cướp đi cuối cuộc chiến Tây Ban Nha - Mỹ năm 1898.
Mỹ cố tìm cách loại bỏ Fidel, sau khi ông chuyển cuộc cách mạng thành chống Mỹ và theo Cộng sản. Ngay cả trước khi chính phủ Eisenhower biết chuyện ở Cuba, họ vẫn nhất quyết tìm cách loại bỏ Fidel để thay bằng nhà nước khác. Người Cuba không chiếm hay quốc hữu hóa tài sản của Mỹ trên đảo quốc, nên Mỹ không có lý do gì để phàn nàn. Thật ra, bề ngoài Mỹ tỏ ra thân thiện với Fidel. Đầu tháng giêng, Mỹ là nước thứ hai trên thế giới (sau Venezuela) công nhận chính phủ cách mạng. Mỹ cử đại sứ mới tới Cuba gặp Fidel vào tháng ba và nói chuyện thân mật. Hôm sau, Fidel nói chuyện trên đài truyền hình và tỏ ý muốn sang thăm Mỹ vào tháng sau với tư cách khách mời của một tòa báo Mỹ. Tháng ba năm 1960, chính phủ Mỹ quyết định tăng cường các hoạt động chống lại Fidel, CIA bắt đầu vũ trang cho một nhóm phiến quân chống Fidel ở vùng núi thuộc miền trung Cuba. Nhóm này chủ yếu là lính cũ của Batista và giới điền chủ giàu có song sau đó bị CIA bỏ.
Mùa xuân năm 1959, lúc Fidel Castro chuẩn bị đi Mỹ thì quan hệ hai bên đã căng thẳng. Chiến dịch chống Cuba đã bắt đầu trong chính phủ Mỹ, quốc hội, truyền thông và những hoạt động này không thoát khỏi tầm mắt của Fidel. Tháng ba, Fidel quyết định hoạt động để dân chúng Mỹ nhìn khác đi về cuộc cách mạng Cuba. Ông đã nhận lời mời của hội các chủ bút Mỹ nói chuyện trước cuộc họp thường niên của họ ở Washington và khởi động “chiến dịch sự thật” vì quyền lợi của báo giới Mỹ, có vẻ như Fidel nhận được nhiều cảm tình cuœa người Mỹ.
Chuyến thăm Mỹ giữa tháng tư của Fidel, chủ yếu là quan hệ quần chúng và làm cho dân Bắc Mỹ hiểu về chủ nghĩa dân tộc Mỹ La tinh. Ở Mỹ, Castro được xem như thần tượng và ông biết nói những chuyện người Mỹ muốn nghe. Ông cũng được mời tới Nhà Trắng dùng bữa với đại diện thư ký chính phủ và nói chuyện hơn hai giờ với phó tổng thống Nixon, sau đó ăn trưa ở câu lạc bộ báo chí quốc gia, trả lời các câu hỏi của nhà báo, phỏng vấn trên truyền hình, viếng thăm các nghị sĩ, tổ chức chiêu đãi ở tòa đại sứ Cuba nơi ông ở. Lúc rảnh rỗi, Fidel đi thăm các đài tưởng niệm Lincoln và Jefferson, rồi đi loanh quanh những khu đất quanh nhà của Washington. Ở New York, Castro đến Liên Hiệp Quốc, nói chuyện với đám đông ba chục ngàn người ở công viên trung tâm, với các nhà xuất bản, giới kinh doanh và tài chính. Ông đã gây được ấn tượng tuyệt vời trong lòng người dân Mỹ. Từ New York, Castro đi xe lửa xuống Boston, nói chuyện ở trường đại học Harvard, rồi đi Montreal và từ đây đi ngay tới Buenos Aires dự hội nghị kinh tế Liên Mỹ.
Sau Bắc Mỹ, Fidel Castro quyết định đi Nam Mỹ để khẳng định độc lập cuœa Cuba với Mỹ và vai trò của ông đối với cách mạng Mỹ La tinh, rằng Cuba sẵn sàng giúp đỡ cho người Mỹ La tinh lưu vong muốn lật đổ chế độ độc tài trong nước được sống và làm việc ơœ Cuba. Fidel ở Nam Mỹ mười ngày, một thắng lợi nữa của riêng ông và cách mạng. Ông thu hút đông đảo mọi người, họ hoan hô cuồng nhiệt và lôi cuốn sự chú ý của các lãnh đạo địa phương. Ở Tây Ban Nha, ông được Thủ Tướng Eric Williams chào đón. Ở Sao Paulo, Fidel tuyên bố “hoài bão của chúng tôi giống như của toàn dân Nam Mỹ,” đoạn bay đến thủ đô tương lai của Brazil, tiếp kiến tổng thống Juscelino Kubitschek. Qua Buenos Aires, ông gặp tổng thống Arturo Frondizi. Ở Montevideo, ông được chính phủ Uruquay chào đón và nói chuyện trước cuộc mít tinh lớn ngoài phố. Sau đó, ông trở lại Brazil gặp lại tổng thống nước này, nói chuyện trong buổi mít tinh rồi dự hội nghị kinh tế ở Buenos Aires.
Bất cứ nơi đâu Fidel đến, ông cũng đều hòa vào đám đông và luôn là mục tiêu dễ ám sát. Tuy vậy, công chúng không có ý muốn chống lại ông. Ở New York, khi được cho xem bài viết có tựa đề “âm mưu ám sát”, Fidel cười nói, “Tôi không có gì phaœi lo lắng. Đến lúc phải chết thì tôi sẽ chết, chứ không đòi sống thêm ngày nào hết.”
Fidel trở về Havana vào đầu tháng năm và hôm sau, ông khởi đầu giai đoạn mới của cách mạng Cuba. Fidel luôn cảm thấy phải tiếp xúc với quần chúng, nên ông tổ chức buổi mít tinh với sự tham dự cuœa hàng chục ngàn người tại Quảng Trường Cách Mạng và cam kết, “Cách mạng không bao giờ từ bỏ những nguyên tắc nhân bản và công lý xã hội ở Cuba.” Đến giữa tháng năm thì luật cải cách ruộng đất được cả nội các ký. Viện Cải Cách Ruộng Đất Quốc Gia được lập để làm nhiệm vụ quan trọng nhất của chính phủ cách mạng.
Cuối mùa xuân 1959 là giai đoạn nguy hiểm cho cách mạng trong và ngoài nước. Tuy vậy, ông vẫn nhắc nhở đồng đội rằng phải làm cách mạng cẩn thận và từ từ. Trong nước, Fidel và cách mạng vẫn được công chúng ủng hộ, song Fidel cảm thấy có những dấu hiệu bất ổn ở đâu đó. Ông không chắc Phong Trào 26 tháng Bảy vẫn trung thành, đặc biệt là “cánh hữu tư bản”, có những người toœ ý muốn đòi chức vụ và quyền lợi, đã khiến cho Fidel giận dữ.
Về mặt đối ngoại, Fidel ngày càng sợ Mỹ can thiệp, đặc biệt sau khi ký Luật Cải Cách Ruộng Đất. Mỹ nhất quyết ngăn cản các nước khác bán vũ khí cho Cuba.
Ngay sau chiến thắng, Fidel cho hiện đại hóa Quân Nổi Dậy bởi ông tin đó là công cụ chính của chính quyền cách mạng, nên không cần lớn lắm song phải chuyên nghiệp và được vũ trang kỹ để khi có sự cố thì có thể hành động ngay. Cuối cùng, ông thấy nên chuẩn bị lực lượng quân dân vũ trang trên cả nước vì ngại có nguy cơ phản cách mạng và lo sợ Mỹ tấn công. Fidel nói với một triệu dân Cuba tại cuộc mít tinh ở dinh chủ tịch rằng nếu “chúng ta không mua được máy bay, chúng ta sẽ đánh dưới đất. Chúng ta sẽ huấn luyện cho công nông dân. Nếu người Anh không bán vũ khí cho chúng ta thì chúng ta sẽ mua ở nơi nào có người bán. Nếu quân đội không có đuœ tiền mua máy bay chiến đấu thì toàn dân sẽ cùng nhau đóng góp mà mua…”
Đợt vũ khí đầu tiên từ Tiệp Khắc và Liên Xô bắt đầu đến Cuba vào cuối năm 1960, vài tháng sau khi quan hệ kinh tế Mỹ-Cuba tan vỡ.
Năm 1959, ngoài Mỹ ra, Fidel còn sợ bị kẻ thù tấn công từ Cộng Hòa Dominica. Trujillo, người của Batista đã lập nên một tổ chức “đội quân ngoại quốc” gồm những lính đánh thuê Caribê, những người Cuba chống đối Fidel, các cựu binh Phát Xít Xanh Tây Ban Nha, Đức và người Croatia cánh hữu. Trujillo cho tình báo liên lạc với hai viên chỉ huy Quân Nổi Dậy mà y cho là sẵn sàng phản bội Fidel. Một người là lính đánh thuê Mỹ tên William Morgan và người kia là Eloy Gutiérrez, đã từng cùng anh trai là Carlos tham gia cuộc tấn công của Ban Chỉ Huy Cách Mạng Sinh Viên vào dinh Batista năm 1957. Trujillo có lẽ đã giao cho họ một triệu Mỹ kim để phát động quân phiến loạn nổi dậy ở vùng núi Escambray, sau đó sẽ được nhóm Cuba lưu vong và đội quân Dominica của y vào bờ giúp sức. Trujillo không ngờ là hai người này đã báo cho Fidel biết âm mưu trên và cuộc trao đổi mua bán này đã bị người Cuba ghi âm lại. Fidel gài bẫy và tóm gọn chúng.
Ở Havana, Fidel có văn phòng trong khách sạn, ngôi nhà bên bờ biển Cojíma và nhà Celia Sánchez trên phố Mười Một, ngoài ra còn có một nhà khác dành riêng cho ông ở cạnh nhà hát Chaplin ở Miramar. Ông cũng có cơ sở chỉ huy quân sự mật ở khu phố Velado. Dù Fidel thường xuyên qua lại giữa những nơi này, ông chẳng lúc nào ngơi nghỉ. Thỉnh thoảng, ông tới sân vận động vào chiều tối để chơi bóng chày trong chốc lát, hoặc đi ăn kem nói chuyện với mấy ông chủ tiệm cà phê, hay ghé qua buổi tiếp tân của đại sứ quán ngoại quốc. Có khi ông đến quân trại Oriente vài ngày, chuyện trò với quân đội, đọc sách và viết lách. Vào những ngày mưa dầm dề, Castro thích chơi cờ hay đôminô và chẳng tỏ vẻ gì nóng vội. Celia thường đi cùng ông, và Castro có vẻ thích có đồng đội và cận vệ đi cùng. Fidelito có ghé thăm cha ở nhà Cojíma, song do cậu ở nội trú nên không gặp cha thường xuyên lắm. Mùa xuân năm 1959, Fidelito bị tai nạn xe hơi gần Matanzas, rách lá lách và phải mất mấy giờ người ta mới tìm thấy Fidel để đưa ông tới bệnh viện với con trai.
Fidel Castro ưa tìm tòi những điều mới lạ nên ông đã khám phá và thám hiểm Vịnh Con Heo hai năm trước khi người Mỹ nghĩ tới chuyện này. Khi CIA quyết định gây bất ngờ ở đầm lầy lớn ở phía nam, họ không biết Fidel đã rành rọt Ciégana de Zapata như lòng bàn tay nên ông đã thắng không khó lắm. Đây là sự trùng hợp ngẫu nhiên trong lịch sử. Vùng đầm lầy Ciégana de Zapata thật bao la, hầu như không có dân cư, trải dài dọc theo bờ biển phía nam Havana và tỉnh Matanzas, lãnh địa của cát lầy, thợ than, cá sấu và muỗi. Sau khi chinh phục Sierra Maestra, chắc đó là nơi thách thức duy nhất còn lại ở Cuba, bởi nơi đây còn hoang sơ và hiểm trơœ hơn caœ vùng núi Sierra nên Fidel càng bị lôi cuốn. Thế là tháng ba năm 1959, ông bắt đầu đến khu này thường xuyên hơn. Ít nhất hai lần, ông đã suýt mất mạng giữa đầm lầy bao la quái ác.
Cách Fidel tiếp cận Ciénaga là cách tiếp cận hăng hái, phóng khoáng và thực tế với các dự án phát triển kinh tế xã hội. Ông có ý tưởng đưa hệ thống thoát nước vào để biến 480.000 mẫu phía tây Ciénaga thành vựa lúa bao la, để các gia đình thợ than phát đạt nhờ trồng lúa và mở rộng du lịch, kênh đào, đường xá và các khu nghỉ mát. Tuy nhiên, vì thiếu tài nguyên, kỹ thuật mà hai mươi lăm năm sau những kế hoạch tham vọng nhất của cách mạng đã phai lạt, chỉ cứu được cá sấu và lợn biển mà thôi.
Trong lần đầu đến đầm lầy, chiếc tàu chở ông, Celia và hai người bạn bỗng bị chìm và chỉ có ông nhanh nhẹn nhảy được lên bờ. Khi những người kia tới được bờ thì thấy Fidel đang thư giãn đọc quyển Quá Khứ Xa Xôi của Giovanni Papini mà tình cờ ông có trong túi áo. Mấy ngày sau còn nguy hiểm hơn. Thoạt đầu, phi công lái chiếc trực thăng của Fidel, Thiếu tá Pedro Luis Diaz Lanz - Chỉ Huy Trưởng Không Quân, nói với ông là nhiên liệu không đủ để đi vòng quanh Ciénaga. Anh ta để ba người ở lại Playa Girón, đoạn đi về nhà máy đường ở hướng bắc lấy thêm xăng, hứa vài giờ nữa sẽ quay lại. Ba người ở trên bãi biển tập bắn mãi mà vẫn không thấy Diaz Lanz quay lại, họ đành phải ngủ lại trong lều đánh cá. Sáng ra, ba người đành đi bộ gần mười lăm dặm ra trạm lính để gọi điện về nhà máy đường mới biết chiếc trực thăng vẫn chưa đến đó. Castro gọi máy bay tìm kiếm từ Havana đến, rồi leo vào chiếc máy bay hạng nhẹ với một phi công và cất cánh trong mưa tìm Diaz. Một giờ sau, ông thấy có chiếc máy bay trực thăng bị rơi nhưng không có dấu hiệu người sống sót. Trong khi đó, Raúl Castro, Che Guevara và các viên chức cao cấp khác đến trong chiếc máy bay riêng của Fidel, chiếc Sierra Maestra từ Havana có hai trực thăng đi theo. Fidel leo lên một chiếc, bão vẫn dữ dội và bốn chiếc máy bay nhẹ, một trong số đó có Raúl, đi phía sau. Khi máy bay của Fidel đáp xuống gần chiếc máy bay bị nạn, thì máy bay của Raúl biến mất trong màn mưa. Cuối ngày hôm đó, Fidel tìm thấy và cứu Diaz Lanz ở đầu kia đầm lầy, trong khi Raúl vẫn biệt tăm. Sáng hôm sau, máy bay Raúl được tìm thấy lún dưới bùn gần bãi biển. Raúl và hai viên phi công bị lạc trong đầm lầy, song được đội tìm kiếm cứu thoát và đưa lên tàu bay hải quân trên bãi biển.
Các chuyến phiêu lưu cùng những cạm bẫy ở Ciénaga không làm Fidel nản chí. Đầm lầy đã trơœ thành dự án được ông lưu tâm và thường được Fidel nhắc đến trong những lần nói chuyện trước công chúng. Sau lễ Giáng Sinh, ông cho dựng một văn phòng nhỏ với vách bằng nhôm, vừa để ở vừa làm việc, ở Laguna del Tesoro ngay giữa Ciénaga. Có dạo, đây là nơi trú ẩn ưa thích và là chỗ tiếp các vị khách quý của Fidel.
Tháng 7 năm 1959, Chủ Tịch lâm thời Urrutia bỗng đổi thái độ. Giữa mùa xuân, ông này tránh né những buổi họp nội các do Fidel chủ trì và cứ trì hoãn việc ký luật. Sau đó, ông này còn bắt đầu phát biểu chống lại đaœng Cộng saœn, Fidel thấy như vậy là toœ thái độ chống cách mạng. Giữa tháng 7, đài phát thanh và truyền hình Cuba thông báo Fidel từ chức thủ tướng (vẫn giữ chức Tổng Tư Lệnh) vì Urrutia đã cản trở luật cách mạng và những chính sách khác của chính phủ. Hai ngày sau, nội các triệu cuộc họp ở dinh chủ tịch. Tối đó, Fidel lên truyền hình nói chuyện suốt hai giờ giải thích ông từ chức là do thái độ của Chủ Tịch Urrutia. Ông chỉ trích Urrutia đã đơm đặt dèm pha Cộng Sản ở Cuba và tự ý sắm sửa nhà với giá ba bốn chục ngàn Mỹ kim.
Dân chúng đã tụ tập đòi Urrutia từ chức và ông chủ tịch đã ký đơn này giữa lúc Fidel vẫn còn nói chuyện trên truyền hình. Các bộ trưởng chấp nhận đơn từ chức và đưa Osvaldo Dorticós, bộ trưởng chuyên thảo luật cách mạng lên làm chủ tịch mới. Mấy hôm sau, công nhân nhà máy dệt tổ chức mít tinh ở sân vận động và các liên đoàn lao động đình công cả giờ đồng hồ để đòi Fidel phục chức. Ba hôm sau, Castro nói chuyện trước một triệu người ủng hộ ông ở Quảng Trường Cách Mạng, đồng ý trở lại làm thủ tướng.
Ba ngày sau khi Mỹ công nhận nhà nước cách mạng ơœ Cuba thì Fidel phaœi giaœi quyết đến vấn đề Liên Xô. Năm 1952, chính quyền Batista đã ngưng quan hệ với Moscow và từ lúc đó cho đến thời điểm này chưa có bên nào đề nghị nối lại.
Một ngày giữa tháng 10, Camilo Cienfuegos tiếp chuyện với một phóng viên hãng thông tấn TASS tên Aleksandre Alexeiev tới Cuba muốn xin gặp Fidel. Ký giả Liên Xô trong bộ đồ đen và cà vạt xám được hai người lính dẫn đường. Đến nơi, thấy Fidel và bạn ông Nunez Jiménez trong bộ đồ xanh ô liu, Alexeiev chào và trao cho Fidel một gói quà gói trong giấy báo Moscow, trong đó có một chai rượu vodka, vài hộp trứng cá đen và một album ảnh về Moscow. Anh phóng viên người Nga nói dân chúng Liên Xô vô cùng ngưỡng mộ Fidel Castro và cuộc cách mạng Cuba. Chính phủ Xô Viết và đảng Cộng sản rất trân trọng việc ông làm vì sự tiến bộ xã hội của Cuba. Castro vui vẻ traœ lời anh ta rằng chính phủ Cuba sẵn sàng giao thương với Liên Xô vào thời điểm thích hợp.
Họ cùng trò chuyện trong chốc lát, sau đấy một viên chức mang bánh vào và cả ba dùng. Fidel quay sang Nunez nhận xét, “Trứng cá và rượu vodka ngon quá! Nunez à, tôi thấy lập quan hệ thương mại với Liên Xô là rất đúng đắn phải không nào?“
Alekseiev nói, “Như vậy thì hay quá, đó là tái lập quan hệ về kinh tế, nhưng còn về điều quan trọng nhất là quan hệ ngoại giao thì sao, thưa ngài?” Fidel đáp, “À! Tôi hiểu tại sao ông lại ăn mặc trịnh trọng như vậy rồi. Để xem, chúng tôi cần đợi có điều kiện thích hợp. Ông có nhớ Lenin đã từng nói muốn một chính sách hay tư tưởng mới được chấp nhận thì cần thuyết phục quần chúng cùng tham gia vào không? Chúng tôi sẽ làm như vậy. Ý tưởng hội chợ thương mại anh vừa đề nghị ban nãy tuyệt lắm. Đó là dịp để cho dân Cuba thấy Liên Xô đã tiến bộ như thế nào. Tới bây giờ mà người ta vẫn còn nói những điều không hay về Liên Xô và chúng tôi sẽ làm cho người ta hiểu đúng về đất nước cuœa các anh. Mình bắt đầu bằng hội chợ và chuyến viếng thăm của phó thuœ tướng Mikoyan được không? Mình đã bắt đầu với trứng cá và vodka rồi đây này.” Ba người chạm ly và Castro nói, “Bây giờ, điều cơ bản là quan hệ ngoại giao, song quan trọng nhất là dân Cuba và dân Nga đã là bạn.”
Trong vòng ba tháng, Mikoyan đã đến Havana để khởi đầu quan hệ sâu rộng với Cuba. Aleksandr Alexeiev sau này thành đại sứ Liên Xô thứ hai đến Cuba.
Cuối tháng 10 năm 1959, cách mạng Cuba mất đi một vị lãnh đạo quan trọng. Trong một chuyến bay, chiếc máy bay nhoœ chơœ Camilo Cienfuegos đã mất tích không để lại dấu vết. Người ta vẫn chưa xác định được đây là tai nạn hay một âm mưu phá hoại. Đích thân Fidel tham gia tìm kiếm và tiến hành những chuyến bay cứu hộ. Camilo đã là một người bạn chiến đấu rất đặc biệt đối với Che trong cuộc chiến chiếm vùng Occidente ơœ phía tây. Giaœn dị, sống hết mình, không ham muốn gì hơn là được tham dự ơœ những nơi sôi động nhất, Camilo là một đối trọng cuœa phần tư duy cuœa Che. Tuy vậy, cũng như Che, Camilo sống hồn nhiên và vui thú như một đứa treœ khác không bao giờ lớn hẳn. Sau hai tuần tập trung tìm kiếm, mọi người đi đến quyết định chiếc máy bay đã thật sự mất tích. Đó là một mất mát lớn với Fidel và chính phuœ cách mạng ơœ Cuba.
Cuộc cách mạng (1959-1963) -
Chương 26
Quan hệ giữa Cuba và Liên Xô càng thân thiện thì quan hệ Cuba với Mỹ ngày càng căng thẳng hơn. Fidel đã quốc hữu hóa các nhà máy, đất đai của Mỹ ở Cuba, còn chính quyền Eisenhower thì loại Cuba khỏi hạn ngạch chính trên thị trường đường ưu tiên của Mỹ. Bên cạnh đó, Mỹ còn quyết định huấn luyện và trang bị cho lực lượng người Cuba lưu vong để trơœ về xâm chiếm Cuba và cho Mafia Mỹ thay CIA ám sát Fidel Castro.
Năm 1960, nhân kỷ niệm hai mươi lăm năm ngày ra đời Liên Hiệp Quốc có nguyên thủ các nước tham dự, Fidel và Khrushchev đã xuất hiện như những ngôi sao. Khrushchev đến Khách sạn Theresa thăm Fidel để công khai mối liên kết của họ. Trước đó ít lâu, Phó Thủ Tướng Thứ Nhất Mikoyan đã tới Havana gặp Fidel và Che Guevara, lúc này đaœm nhận vai trò Chủ Tịch Ngân Hàng Quốc Gia, nhân khai mạc triển lãm Văn Hóa, Khoa Học Kỹ Thuật Xô Viết ở Cuba. Tháng 2, liên minh Cuba-Liên Xô ra thông cáo rằng muốn có hòa bình thế giới thì mỗi quốc gia phải được tự do quyết định con đường xã hội, kinh tế và chính trị của mình” - một cam kết đầu tiên bảo vệ cách mạng Cuba của chính quyền Xô Viết. Trong đó, còn bàn về khôi phục quan hệ ngoại giao Cuba-Liên Xô. Ngày 8 tháng 5 đã khôi phục quan hệ ở cấp đại sứ. Mikoyan còn thông báo với Fidel là vũ khí cuœa Liên Xô sẽ được họ đưa sang Cuba trong thời gian sớm nhất. Quả thật, vũ khí đã được đưa tới vào cuối năm đó. Về thương mại thì người Nga đồng ý mua đường của Cuba.
Đầu tháng 3, có một vụ nổ tàu ở cảng Havana làm tiêu tan cơ hội hòa giải cuối cùng giữa Fidel Castro và Mỹ. Chiếc tàu La Coubre chở bảy mươi tấn đạn và chất nổ, phần hàng Bỉ còn thiếu Cuba từ năm ngoái, từ Antwerp tới. Lần nổ thứ nhất lúc 5 giờ chiều, làm chết và bị thương nhiều thủy thủ và công nhân bốc dỡ, còn lần thứ hai chừng một giờ sau, làm chết và bị thương các binh lính, quân nhân và đội cứu hỏa Cuba. Tám mươi mốt người tử vong. Fidel đến nơi điều khiển hoạt động giải cứu, và kết tội Mỹ phá hoại. Vụ này làm dân chúng Cuba càng đoàn kết hơn quanh Fidel, khi ông bắt đầu phải đối mặt với các vấn đề chính trị nội bộ và những hành động gây ảnh hưởng đến uy tín của mình. Ngày hôm sau tại buổi tang lễ ở nghĩa trang Colón, Fidel diễn thuyết vô cùng xúc động, tuyên bố rằng, “hôm nay tôi càng thấy dân tộc ta mạnh hơn bao giờ hết, cuộc cách mạng của chúng ta vững chắc và bất bại hơn bao giờ hết” và cam kết, “Cuba sẽ không bao giờ hèn nhát, Cuba sẽ không bao giờ lùi bước, không ai có thể cản trở được Cách mạng…. Cách mạng sẽ tiến bước đến thắng lợi!” Ông kết thúc diễn văn bằng khẩu hiệu “Vì Tổ quốc hay là Chết, Chúng Ta Sẽ Chiến Thắng!” Kể từ hôm đó, bài diễn văn cách mạng nào ở Cuba cũng kết thúc với khẩu hiệu này và dân chúng hô to lặp lại càng lúc càng hăng.
Đối với đa số dân Cuba, vụ nổ tàu này càng cho thấy rõ Mỹ quyết tâm dẹp bỏ cách mạng. Họ thấy bi kịch này do kẻ thù cách mạng gây ra vì sợ họ có vũ khí để phòng thủ.
Quả thật, chính sách mới của Mỹ lúc này là lật đổ Fidel bằng mọi phương tiện, “Chương Trình Hành Động Ngầm Chống Chế Độ Castro” do CIA và nhóm đặc biệt của Nhà Trắng phát triển từ tháng 3.
Giữa lúc quan hệ với Mỹ gần như tan vỡ và liên minh với Liên Xô ngày càng được thắt chặt hơn, tháng 9, Fidel Castro bay đi New York để nói chuyện trước Liên Hiệp Quốc và gặp Tổng bí thư đaœng Cộng saœn Xô Viết Nikita Kruschev ngay trên đất Mỹ. Ông hứng thú với cớ sự mỉa mai này và cảm thấy rất mạnh mẽ và tự tin vì đã vượt qua cuộc đối mặt lớn với Mỹ và củng cố được ưu thế ở quê nhà. Những việc đã qua cho thấy rõ Fidel biết đích xác công việc, cách thức và thời điểm để hành động, từng bước đều hợp lý và ứng biến thật khéo léo.
Nikita Kruschev có ý định gặp Fidel Castro ngay cả trước khi ông đi New York. Khi vị chủ tịch sáu mươi sáu tuổi được vị thủ tướng ba mươi bốn tuổi chào đón tại khách sạn Theresa ở Harlem thì đó là một trong những cuộc gặp gỡ ngoại giao khó đoán nhất những năm hậu chiến. Khrushchev kể lại: “Ông ta gây ấn tượng sâu sắc cho tôi. Castro rất cao lớn, để râu và gương mặt vừa vui vẻ vừa cứng cỏi. Mắt ông ấy nhìn bạn bè lại hiền từ. Chúng tôi chào và ôm nhau. Tôi nói ‘ôm’ là từ chuyên dùng nhưng cứ xét chiều cao của tôi với Castro thì ông ta phải cúi xuống và phủ hết cả người tôi. Tôi thì to ngang còn ông ta cũng không gầy, nhất là ở vào tuổi đó.” Hai người lên phòng Fidel ở tầng chín và nói chuyện hai mươi hai phút thông qua phiên dịch.
Sau khi về, Khrushchev nói với các phóng viên là ông “rất hài lòng về buổi nói chuyện với Castro.” Fidel còn gặp Khrushchev một lần nữa ở trụ sở Xô Viết trên đại lộ Park khoảng bốn tiếng rưỡi, bàn về việc Moscow hỗ trợ quân sự cho Cuba. Ở Hội Nghị, Fidel phát biểu lâu tới bốn tiếng rưỡi, trong đó lên án Mỹ gây hấn với Cuba. Cuối tháng 9, Castro về nước trong sự chào đón nồng nhiệt của 150.000 dân. Ông đã đạt được điều mình muốn ở New York – đó là sự chú ý cuœa công chúng và khai thông với Nikita Khrushchev về các hình thức trợ giúp cho Cuba.
Trở về nước, Fidel Castro lập tức nhận ra có quá nhiều chuyện xảy ra liên quan đến Mỹ. Chính quyền Eisenhower nhất định loại trừ cuộc cách mạng của ông. Ngày 18 tháng 10, đại sứ Mỹ Bonsal được triệu hồi về nước để “hội ý lâu dài”, song ông này biết nhiệm vụ của mình ở Cuba đã hết. Hôm sau, chính quyền Mỹ cấm hàng Mỹ xuất khẩu sang Cuba trừ thức ăn phi trợ cấp, thuốc tây và dụng cụ y tế. Cuộc cấm vận này kéo dài kể từ đó, tuy không xóa bỏ được cách mạng song lại gây khó khăn cho kinh tế Cuba, khiến Cuba phải dựa hẳn vào Liên Xô.
Tình hình an ninh trong nước có nhiều nguy cơ song cũng do Mỹ gây ra để loại bỏ Fidel. Tháng chín, Fidel phải chấp nhận thực tế là phaœi tìm cách đối phó với các nhóm phiến quân ở vùng núi Escambray. Nhóm này được CIA cung cấp vật tư từ trên không, nhưng hầu hết đều bị quân Cách mạng và nhân trong vùng gom được.
Vừa về nước, Fidel đã đứng ra chỉ huy chiến dịch dẹp quân phiến loạn. Với kinh nghiệm du kích có sẵn, cứ bốn mươi hay năm mươi thước là Fidel bố trí một người dọc theo đường núi, trong chiến hào và cho mang thức ăn đến cho họ mỗi ngày ba lần. Như vậy, lối vào vùng núi được chặn hết để các đơn vị khác tiến vào đồi dò dấu vết quân phiến loạn. Mỗi nhóm quân phiến loạn đều không quá hai mươi người, di chuyển từ chỗ này qua chỗ khác và chúng không bao giờ hợp lại thành nhóm lớn. Tổng cộng, chúng có tới năm ngàn người song trong một đợt tấn công, có khoảng năm trăm tên bị bắt. Tới năm 1965, tức hơn năm năm sau, thì băng cuối cùng ở Escambray bị dẹp tan. Trong đoàn quân dẹp loạn của Fidel, có hơn sáu ngàn quân nhân được huấn luyện trong hai mươi mốt ngày rồi đưa ra trận. Đoàn quân nhân này cũng chính là lực lượng bảo vệ Cuba ở Vịnh Con Heo.
Vũ khí lợi hại khác của Fidel là cục tình báo do Ramino Valdés và Manuel Pineiro “Râu Đỏ” chỉ huy. Đội quân này đã thâm nhập một cách tài tình vào hàng ngũ quân phiến loạn và các nhóm chống cách mạng, trong đó có caœ tổ chức CIA. Fidel nói có lúc con số các tổ chức phản cách mạng lên đến ba trăm, do Mỹ hỗ trợ và “chúng tôi biết rõ họ còn hơn chính baœn thân họ nữa. Cuối cùng thì người của chúng tôi còn là sếp của đa số các tổ chức phản cách mạng nữa.” Theo Fidel, hồ sơ an ninh của ông hoàn hảo đến độ hồi năm 1962, lúc một kẻ âm mưu phaœn Cách mạng bị bắt thì chính phủ đã biết mọi chuyện anh ta làm, đã gặp gỡ ai từ năm 1960 và caœ trước đó.
Tuy nhiên, Fidel thấy an ninh như vậy còn chưa đủ nên sau khi đi New York về, ông bèn lập ra Các Ủy Ban Phòng Vệ Cách Mạng (CDR) với nhiệm vụ báo cho cảnh sát và Cục An Ninh biết thông tin về những kẻ lạ mặt xuất hiện trong khu mình ở (có CDR ở từng khu phố và mỗi nhà máy, nông trại), và caœ những ai phê bình chế độ,... Đến năm 1986 thì có tám mươi phần trăm dân tham gia CDR, một hệ thống an ninh đặc biệt và rộng khắp chưa từng có. Tuy nhiên, ngày nay CDR còn lo caœ việc chủng ngừa cho trẻ em và những việc hỗ trợ cộng đồng khác.
Cuộc cách mạng (1959-1963) -
Chương 27
Fidel Castro và John F. Kennedy là người cùng thế hệ. Cả hai đều mang trong mình một trí tuệ phi thường và có tầm nhìn lịch sử bao quát. Họ chưa từng gặp nhau song vẫn thu hút nhau vì là đối thủ và lãnh tụ cao cấp cuœa đất nước mình. Các cuộc thảo luận riêng với từng người đã cho thấy điều đó.
Người này cũng đặc biệt quan tâm đến mọi điều liên quan đến người kia, họ tôn trọng tri thức của nhau. Về lịch sử, họ có tác động lớn tới nhau và với đất nước mình: Fidel đẩy Kennedy vào bi kịch Vịnh Con Heo và khởi xướng các chương trình Liên Minh Tiến Bộ với Mỹ La Tinh, còn Kennedy, vẫn khiến Fidel e ngại sau vụ việc ở Vịnh Con Heo, dẫn tới chuyện Cuba phaœi yêu cầu Liên Xô bảo đảm quân sự và lắp vũ khí hạt nhân trên đảo quốc, gây ra khủng hoảng tên lửa năm 1962, làm thế giới suýt phaœi đối đầu với chiến tranh hạt nhân.
Theo nghĩa này, Fidel và Kennedy có chung số phận. Tới tận hôm nay, Fidel vẫn tin là nếu Kennedy còn sống, sớm muộn gì, họ cũng sẽ giải quyết khéo léo mâu thuẫn cơ bản giữa Cuba và Mỹ. Bản thân Fidel cũng là mục tiêu ám sát, cái chết của Kennedy là điều bất hạnh lớn và ông hay nói tới chuyện này. Liệu Kennedy có muốn hòa giải để cho Fidel tại vị không - các nhà sử học Mỹ có những ý kiến khác nhau về chuyện này.
Nhưng rõ ràng Fidel là đã đóng vai trò trung tâm trong lịch sử nhiệm kỳ của Kennedy và Kennedy và các chính sách của ông ta đã dẫn Fidel tới cách cư xử khác nhau với Mỹ và Liên Xô. Cuối cùng, Fidel cũng là vấn đề buộc hai siêu cường phải nghĩ lại và xem lại các chiến lược hạt nhân căn bản của họ. Nói cách khác, lịch sử cách mạng Cuba trong thập niên 1960 phần lớn là chuyện tác động qua lại giữa Fidel Castro và John F. Kennedy.
Castro chọn năm 1961 là “Năm Giáo Dục” công khai học thuyết Marx-Lenin, đây cũng là năm chính quyền Kennedy, kế thừa Eisenhower, tiến hành kế hoạch xâm lược ngầm để loại boœ Fidel.
Eisenhower cắt đứt quan hệ ngoại giao với Cuba hồi tháng giêng. Giờ đây Mỹ tự do theo đuổi mọi hướng hành động để có thể loại bỏ được Fidel. Lúc John Kennedy đang làm lễ nhậm chức ở Washington thì dân Cuba lưu vong vẫn được huấn luyện để xâm lược ở các doông trại mật của CIA ở Guantemala. Fidel đã nhân kỷ niệm chiến thắng hàng năm để báo cho dân chúng hiểm họa “đế quốc” vẫn còn và duyệt binh ở Havana với vũ khí mới của Liên Xô, Czech và Bỉ. Ông thường tự nhủ, hiểm họa bên ngoài, nhất là thực tế gian khó hàng ngày là để giữ cho tinh thần cách mạng luôn mạnh mẽ.
Trong năm 1960, Fidel đã ưu tiên dạy chữ cho dân (40% trong sáu triệu dân mù chữ) cùng lúc lo cho kinh tế và quốc phòng. Bởi vậy, tuần lễ đầu năm 1961, ngay giao thừa, ông đã ăn tối với mười ngàn giáo viên tiểu học ở Trại Columbia tại Havana, nay chuyển thành trường học, để khởi động chiến dịch dạy chữ quốc ngữ và thông báo “đế quốc” sắp gây hấn.
Bước vào giai đoạn đối đầu Mỹ – Cuba, Fidel cảm thấy tự tin ông sẽ bảo vệ được Cuba chống lại bất cứ cuộc tấn công nào do Mỹ hỗ trợ, ông nghi Kennedy sẽ cho lính Mỹ vào Cuba tham chiến cùng lính lưu vong. Ở Washington, CIA đốc thúc tổng thống mới đừng trì hoãn cuộc xâm lăng vì sợ phi công Cuba đuœ thời gian học lái máy bay trực thăng MiG mà Liên Xô sắp cung cấp, ở Czechoslovakia. Fidel cũng nghi quân phiến loạn ở Escambray có thể nghe lời CIA giúp sức cho cuộc xâm lăng của lính lưu vong, nên đầu tháng ba ông lên núi để theo dõi tình hình. Mỹ lúc này cũng cấm công dân nước mình qua Cuba du lịch.
Đầu tháng 3, chính quyền Kennedy tuyên bố kế hoạch cấm vận hàng hóa Cuba. Sau đó, Kennedy cấm bán nông sản của Mỹ cho Cuba và các tuần tiếp theo, Kennedy và Fidel thực hiện một loạt những hoạt động ảnh hưởng tới hai nước, đôi khi theo cách thức mâu thuẫn nhau.
Tổng thống Kennedy đã hùng hồn mời Mỹ La tinh gia nhập “Liên Minh Tiến Bộ” với Mỹ để cải thiện đời sống dân chúng và giúp kinh tế phát triển, hứa dành hai mươi lăm tỉ Mỹ kim trong một thập niên đóng góp cho mục tiêu này. Kennedy toœ veœ hứng khởi với Liên Minh Tiến Bộ còn hơn cả các kế hoạch cho Vịnh Con Heo. Tuy vậy, cả hai việc này đều bắt nguồn từ cách mạng Cuba, một là ngăn cách mạng nổi dậy ở nơi khác trong Mỹ La tinh và hai là dẹp bỏ cách mạng. Họ hứa hẹn Liên Minh sẽ xây dựng tương lai sáng lạn của Mỹ La Tinh trên tro tàn của cách mạng Cuba. Nhiều năm trước, Mỹ đã gạt bỏ ngoài tai mọi lời kêu gọi của Mỹ La tinh về chương trình phát triển kinh tế trên diện rộng, vậy mà giờ đây dưới thời vị tổng thống trẻ, Mỹ lại làm y hệt điều mà Fidel đã đề nghị ở Buenos Aires cách đó hai năm. Tuy nhiên, họ đã đánh giá thấp vị trí của cách mạng Cuba ở bán cầu.
Nhiều năm sau, khi bàn về Liên Minh này, Fidel Castro nhìn nhận có mối liên hệ trực tiếp giữa cuộc cách mạng của ông và sáng kiến này cuœa Kennedy. Liên Minh có mục đích y như giai đoạn đầu của cách mạng Cuba: khái niệm cải cách ruộng đất, công bằng xã hội, phân phối tốt hơn tài sản quốc gia, cải cách thuế, v.v. Fidel thấy Liên Minh là “chiến lược thông minh” song là nỗ lực vô vọng vì Mỹ La tinh không có cơ sở để cải cách thật sự. Theo ông, chỉ có thể tiếp cận các điều kiện ở Mỹ La tinh bằng hai cách: cải cách xã hội hoặc “đàn áp chính trị” và theo nghĩa này thì Liên Minh là “ý tưởng chính trị khôn ngoan,” dù cải cách cũng không đủ đáp ứng nhu cầu. Cơ bản thì Liên Minh là để tránh cách mạng.
Fidel cũng có ấn tượng với ý tưởng lập Quân Đoàn Hòa Bình dù như vậy theo ông vẫn chưa đủ. Ông thấy đó là phiên bản “chủ nghĩa quốc tế” của Mỹ, tức trực tiếp liên quan vào quá trình phát triển của nước khác thông qua các nhóm hay cá nhân trợ giúp. Theo một cách nào đó thì việc Cuba bổ nhiệm hàng ngàn bác sĩ, y tá, giáo viên và kỹ thuật viên sang châu Phi và Nicaragua là mô phỏng trên diện rộng Đội Quân Hòa Bình của Kennedy: Cả Kennedy và Fidel đều hiểu cần thiết phải lập liên hệ trực tiếp ở Thế Giới Thứ Ba để tạo ảnh hưởng. Biết vậy, nên dù Cuba còn thiếu tài nguyên nhưng mùa xuân năm 1960, Fidel vẫn cho gửi một tàu chở thuốc men, thực phẩm và quần áo sang cho nạn nhân sóng thần ở Chile. Cũng năm đó, Fidel đã cho phe cánh tả ơœ Guyana vay năm triệu Mỹ kim.
Cuộc tấn công sắp xảy ra không có gì lạ với Fidel và cục tình báo rất hiệu quả của ông. Fidel đã quyết tâm chuẩn bị tâm lý cho cả nước khi có tấn công. Mạng lưới an ninh và tình báo của ông làm việc rất hoàn hảo. Bộ trưởng Nội Vụ lúc đó là Ramiro Valdés, người đã lập ra cục an ninh, nói tình báo Cuba còn nắm rõ từng bước kế hoạch chuẩn bị xâm lăng cuœa Mỹ từ Miami tới Guatemala nữa. Dựa trên thông tin từ Miami, Trung Mỹ và trong nước, Cục An Ninh Quốc Gia từ đầu tháng 4 đã bắt tay vào vây bắt những kẻ bị tình nghi có liên kết với CIA hay các hành động phá hoại và hoạt động mật chống chính phủ.
Gần giữa tháng 4, Tổng thống Kennedy nói trong cuộc họp báo ở Washington là quân Mỹ không nên tham gia vào cuộc chiến ở Cuba. Fidel đã lường trước chuyện này. Ông nhận định lời nói của Kennedy có nghĩa là sắp có xâm lăng nhưng là cuộc chiến của dân Cuba lưu vong. Trước cuộc tấn công, Fidel đã có chiến lược cho nhiều khả năng khác nhau, trong khi CIA và các cố vấn Lầu Năm Góc chưa biết họ sẽ gặp chuyện gì. Một lần nữa, Fidel lại “may mắn vì bị đánh giá thấp”.
Fidel cho triển khai và cơ động lực lượng theo các đơn vị chiến thuật. Ông có 25.000 quân vũ trang được huấn luyện kỹ cộng với 200.000 dân quân chia làm các quân đoàn và đóng ở các vùng chiến lược khắp cả nước. Quân đội chia làm ba vùng chiến thuật ở đông, tây và trung với ba tư lệnh là Raúl Castro, Che Guevara và Juan Almeida. Fidel là tổng tư lệnh phối hợp mọi hoạt động từ trụ sở bí mật ở Havana, dù ông cũng di chuyển từ chỗ này qua chỗ khác nếu cần. Trước cuộc tấn công hai tuần, Fidel cũng đã đi xem xét các nơi ở Ciénaga, Vịnh Con Heo nơi kẻ thù có thể đổ quân vào. Lúc này, đạo quân xâm lăng đã đi tàu từ Puerto Cabezas ở Nicaragua có Hải Quân Mỹ hộ tống. Cuộc đổ bộ được định vào trước nửa đêm ngày 17 tháng 4.
Ngày 15 tháng 5, tám chiếc máy bay hạng nhẹ B-26 đi thành từng đôi bỏ bom vào các căn cứ không quân Cuba nhằm phá hủy không lực cuœa quân đội Cuba để dọn đường trên không cho cuộc xâm lăng hai ngày sau, bom đã rơi trúng một số khu dân cư đông đúc. Sau khi bỏ bom, chúng không biết có vô hiệu hóa được không lực cuœa Cuba không, cũng không biết Fidel dự định làm gì để đối phó lại cuộc xâm lăng. Song dù có không kích hay không thì cuộc xâm lăng cũng thất bại bởi Fidel đã có vũ khí bí mật và những bất ngờ dành cho đối thủ.
Trong vòng năm giờ, quân xâm lược đầu tiên gồm 1.500 lính đổ vào Vịnh Con Heo. Fidel biết Vịnh Con Heo là khu vực chính nên ông đã cho khởi động chiến lược bất ngờ dưới đất và trên không từ trước, giờ đây vũ khí bí mật đang chờ quân xâm lược đến để hành động.
Trước hết, Fidel gọi điện cho đại úy José Ramón, Gallego Fernández ở trụ sở trường quân sự Managua, nam Havana bảo ông này tới Vịnh Con Heo ngay, cùng với đội quân dân ưu tú 870 người ở Matanzas, và nắm quyền chỉ huy toàn khu vực đó cùng với đơn vị dân quân 339 từ Cienfuegos đang đóng ở khắp đầm lầy rộng lớn. Fidel không biết quân xâm lăng đông cỡ nào, song bằng mọi giá không được để địa bàn đổ bộ đủ rộng để quân lưu vong có thể lập chính quyền lâm thời và xin thế giới công nhận. Ý định của CIA đúng là như vậy. Trong khi Fernández đang đi xe jeep về hướng nam thì Fidel ra lệnh cho các đơn vị pháo binh từ Managua và Havana di chuyển gấp đến chiến địa và cho xe tăng T-34 Liên Xô tới đó.
Từ Punto Uno, Fidel gọi điện cho căn cứ không quân ở San Antonio de Los Banos, chỗ hôm trước máy bay B-26 của địch đã tấn công. Sẵn sàng xuất kích trên đường băng là hai chiếc Sea Fury, hai chiếc B-26 và hai máy bay phản lực T-33. T-33 chính là vũ khí mật của Fidel trong chiến lược trên không sáng tạo của ông. Hai chiếc Sea Furys trang bị tên lửa sẽ tập trung tấn công đội quân xâm lăng gồm tám chiếc tàu sao cho chìm càng nhanh càng tốt, trong khi ba chiếc T-33 (nhưng một chiếc đã bị phá hủy hôm trước) sẽ vô hiệu hóa không lực địch. CIA và Lầu Năm Góc tưởng không lực nhỏ bé của không quân Cuba bị phá hủy hết vì đợt không kích rồi, nên tàu của họ không thèm trang bị vũ khí đối không. Mỹ không biết hai máy bay phản lực của Fidel có trang bị mỗi chiếc hai súng máy cỡ 50. Do vậy, hai chiếc T-33 có khả năng hoạt động và tốc độ hơn hẳn những chiếc B-26 ì ạch của địch từ sáng sớm đã bay đi bay lại chiến đấu giữa Nicaragua và Vịnh Pigs. Vậy là mấy chiếc phản lực nhỏ lại đóng vai trò lớn trong chiến thắng của Fidel, ngăn đội tàu cuœa Mỹ nhận được sự hỗ trợ từ trên không để cho hai chiếc Sea Fury thoải mái truy đuổi.
Fidel lệnh cho các phi công tìm diệt các tàu chở vũ khí, đạn dược, thực phẩm và đồ dự trữ, để sau đó cô lập những chiếc tàu ở nơi đổ bộ rồi đè bẹp. Ông không muốn quân lưu vong lên được vùng đất cao ở các đầm lầy Zapata, cách xa nơi đổ bộ rồi kiểm soát ba xa lộ nối Vịnh Con Heo với đất liền ở phía đông và bắc, vì ơœ vị trí đó chúng sẽ được tiếp tế từ ngoài biển và không thể nào đánh bật ra được nữa. Fidel đã đoán đúng kế hoạch của địch và theo đó mà hành động.
Lúc 4:30 sáng, Fidel gọi căn cứ không quân và yêu cầu phi công lái chiếc Sea Fury là Enrique Carreras đi đánh đắm mấy con tàu. Carreras điều khiển chiếc Sea Fury có tên lửa và đại bác 20 mm, theo sau là chiếc Sea Fury kia và một chiếc B-26. Tới Vịnh Con Heo, Carreras thấy tàu địch đang đi vào vịnh và chiếc tàu lớn chở hàng đang đến Playa Larga. Lượt đầu, ông bắn hụt, nhưng lượt thứ hai thì tên lửa trúng tàu chở hàng và vài giây sau chiếc Sea Fury thứ hai cũng bắn trúng. Tới 6:30 sáng, chiếc tàu này mắc cạn cách điểm đến năm dặm về hướng nam và quân địch không thể lên bờ để chiến đấu được. Một chiếc tàu chỉ huy khác của CIA cũng bị súng máy trên chiếc Sea Fury bắn hỏng nên bỏ chạy ra biển. Sau đó, Carreras quay về tiếp thêm vũ khí và nhiên liệu rồi trở lại bắn trúng và làm đắm chiếc tàu chở hàng khác. Trước tình hình đó, các tàu xâm lăng khác quay ra khỏi vịnh, bỏ lại 1.350 người kẹt lại trên bãi. Chỉ sau tám giờ, trận chiến trên Vịnh Con Heo chỉ nhờ vào hai chiếc Sea Fury mà thắng. Chiếc Sea Fury do Carreras lái bị chiếc B-26 địch bắn trúng một động cơ, nhưng rồi cũng quay lại được San Antonio để sửa chữa. Hai chiếc T-33 thì đối phó và bắn hạ được bốn chiếc B-26 của địch ngay hôm đó. Fidel bị mất hai chiếc Sea Fury (trừ chiếc cuœa Carreras lái) và hai chiếc B-26 song vũ khí bí mật của ông đã hoàn thành nhiệm vụ.
Về phần Fernández thì lúc 8 giờ sáng, đoàn quân của ông này đã tới nhà máy đường Úc ngoài đầm lầy Zapata và Fidel ra lệnh cho Fernández nắm giữ làng Palpite, một trong hai điểm đổ bộ cuœa quân địch cách phía bắc Playa Larga ba dặm. Fernández đến vừa kịp lúc bắt được các đơn vị quân nhảy dù. Nhóm lính dù khác thì lạc vào vùng của quân đoàn Cienfuegos.
Chiến sự còn diễn ra thêm hai ngày nữa giữa lính trên tàu và đoàn quân hậu tập. Tới ngày 19 tháng tư thì thắng lợi hoàn toàn thuộc về quân đội cuœa Fidel. Kennedy có cho các máy bay phản lực Mỹ giúp bảo vệ những kẻ di tản từ bãi Girón song cũng không làm được gì.
Hôm sau, Fidel ra bãi Girón xem xét và nói chuyện với tù binh. Những tù binh mới đầu sợ bị hành quyết, nhưng họ rất ngạc nhiên vì được đối xử hoàn toàn tử tế và nhân đạo. Phải mất nhiều ngày mới gom hết những tàn dư của đoàn tàu. Cuối cùng 1.189 tù nhân, gồm cả ban chỉ huy cao cấp, được đưa về Havana và giam giữ ở Bệnh Viện Hải Quân gần pháo đài La Cabana. Fidel mất 161 người trong cuộc chiến và đội tàu mất 107 lính.
Thắng lợi ở Vịnh Con Heo đã định hướng cho quan hệ tương lai của Cuba với Mỹ và Liên Xô. Cách mạng Cuba chiến thắng vì chiến lược của Fidel hơn hẳn của CIA, tinh thần cách mạng cao cộng với yếu tố bất ngờ cùng sự chuẩn bị thấu đáo, Che Guevara là người đứng đầu Ban Huấn Luyện Các Lực Lượng Vũ Trang Cách Mạng, lo việc tổ chức và huấn luyện dân quân còn Fernández chỉ huy các trường sĩ quan dân quân đã tập hợp được hơn 200.000 nam nữ chiến sĩ cho cuộc chiến. Ngoài ra, cuộc chiến Vịnh Con Heo mang lại tinh thần đoàn kết mới cho nhân dân Cuba. Qua cuộc chiến này, Fidel còn được dân chúng ủng hộ nhiều hơn chiến thắng hồi năm 1959.
Fidel biết trong thập niên 1960, CIA đã nhiều lần cố tìm cách ám sát ông song ông lại không bao giờ tin việc làm này là do Tổng Thống Kennedy chỉ định. Ngày 23 tháng 11, năm 1963 khi tổng thống Kennedy bị ám sát ở Dallas thì ông đang họp với một chủ bút tạp chí Pháp là Jean Daniel ở Cuba, người này đã đem đến cho ông thông điệp của tổng thống Mỹ. Theo lời Fidel thì Kennedy đã bảo Daniel qua Havana hỏi ý ông xem về chuyện “bàn bạc và đối thoại với Mỹ để tìm cách vượt qua căng thẳng lớn hiện tại.” Trong khi ông và Daniel đang nói chuyện này thì đài phát thông báo tin tổng thống từ trần. Vì lẽ đó, ông có cảm tưởng Kennedy đang nghĩ tới chuyện đặt quan hệ lại với Cuba.
Fidel cũng xem bài nói chuyện của tổng thống Kennedy hồi mùa xuân năm 1963 ở trường Đại Học Washington, đề nghị thương lượng kiểm soát vũ khí hạt nhân với Liên Xô, là một “diễn văn hòa bình.” Ông cho là Kennedy đã kế thừa chiến dịch Girón của Eisenhower và Kennedy là người đầy lý tưởng, có mục tiêu, trẻ trung và hăng hái song thiếu kinh nghiệm chính trị, dù rất thông minh, khôn ngoan, cẩn thận và có tính cách. Ông cảm thấy rất đau lòng và bị sốc khi hay tin Kennedy mất.
Và Fidel Castro đã luôn nhớ tới John Kennedy không chỉ vì sự việc ở Vịnh Con Heo mà còn vì cuộc khủng hoảng tên lửa vào năm sau đó.
Cuộc cách mạng (1959-1963) -
Chương 28
Vào năm 1962, vụ khủng hoảng tên lửa là đỉnh điểm của sự thù địch căng thẳng kéo dài ngày càng tăng giữa Mỹ đối với Cuba tiếp theo sau cuộc cách mạng Cuba năm 1959. Trước khi xảy ra cuộc cách mạng, Mỹ đã có can thiệp và tham vọng lớn đến các họat động kinh tế và chính trị của Cuba nhưng chính quyền Fidel không chấp nhận ảnh hưởng của Mỹ.
Fidel cũng làm cho Mỹ lo ngại vì ông ra lệnh tịch thu các tài sản thuộc về những người Cuba giàu có đã bỏ chạy ra nước ngoài để thực hiện chính sách hỗ trợ người nghèo và nhân dân lao động ở Cuba. Nhiều tài sản này thuộc quyền sở hữu của những công ty Mỹ trước kia. Vì e ngại rằng Fidel sẽ thiết lập một chế độ xã hội chủ nghĩa tại Cuba, Mỹ gây áp lực kinh tế và năm 1960 ra lệnh cấm vận trong quan hệ mua bán giữa Cuba và Mỹ. Fidel không chịu thua các sức ép kinh tế này. Cuba lúc đó thiết lập các quan hệ thân hơn với chính quyền Xô Viết. Cùng lúc đó, Liên Xô và Mỹ cũng đang trong thời kỳ chiến tranh lạnh – một cuộc chiến ngầm về kinh tế, quân sự và ngoại giao giữa các quốc gia XHCN và tư bản.
Quân đội Cuba đã đập tan cuộc đổ bộ Vịnh Con Heo xâm lược Cuba - do Mỹ huấn luyện và vũ trang cho những người Cuba lưu vong chống lại Cuba - đã củng cố sự bền vững của chính quyền cách mạng. Hầu hết người dân Cuba đều không thích sự can thiệp của Mỹ và đoàn kết lại với Fidel, và ông chính thức tuyên bố Cuba trở thành quốc gia XHCN.
Sau thất bại ở sự kiện Vịnh Con Heo, Mỹ với những sự kích động đã đã quyết tâm trả thù Cuba - đồng thời ngăn chặn Cuba đang đi theo con đường XHCN - với nhiều hình thức mà sau cùng sẽ là một cuộc tấn công quân sự xâm lược Cuba qui mô lớn cho chính Mỹ thực hiện. Một chiến dịch mang tầm chiến lược mà Mỹ tiến hành được biết với mật danh Mangosta (Con Cầy). Giữa tháng 5/1962 khi chiến dịch Mỹ đã đi nược nửa chặng đường, khả năng Mỹ tấn công Cuba gần kề, Sau cuộc thảo luận với Fidel - Tổng bí thư Liên Xô lúc đó là Nikita Khrushchev, cũng đã biết trước ý định của Mỹ sắp tấn công Cuba, cam kết sẽ bí mật cung cấp cho Cuba những loại tên lửa có thể mang đầu đạn hạt nhân có thể tự vệ cuộc tấn công của Mỹ. Fidel và Cuba yêu cầu phía Maxcơva là việc lắp đặt tên lửa này để tự vệ này phải được giữ bí mật để gây yếu tố bất ngờ khi bị Mỹ tấn công.
Vào tháng 10, có 14 máy bay do thám của Mỹ đã phát hiện tên lửa đạn đạo đầu tiên. Đến ngày 16 tháng 10, cơ quan tình báo trình lên Kennedy những tấm không ảnh cho thấy các căn cứ đầu đạn hạt nhân đang được xây dựng ở Cuba. Theo các tấm ảnh này hiện tại Cuba có hai loại tên lửa: tên lửa đạn đạo tầm trung (medium-range ballistic missiles – MRBM) có tầm bắn 1100 hải lý (khoảng 2.000 km) và tên lửa tầm cao có thể tấn công mục tiêu ở khoảng cách khỏang 2200 hải lý (4100 km). Những tên lửa này đặt tất cả các thành phố lớn của Mỹ trong tầm bắn đầu đạn hạt nhân, kể cả các thành phố Los Angeles, Chicago và New York. Kennedy cũng thấy rõ các bằng chứng cho thấy Cuba đã có máy bay ném bom có khả năng mang bom hạt nhân. Kennedy tuyên bố với Liên Xô rằng “vấn đề nghiêm trọng nhất có thể xảy ra”.
Kennedy hiện phải đối phó với một tình huống có khả năng mang đến những hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, Mỹ không có sự chọn lựa rõ ràng nào để quyết định hành động chống lại Cuba và Liên Xô. Kennedy biết rằng cuộc tấn công vào những căn cứ hạt nhân của Liên Xô trên đất Cuba có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh hạt nhân toàn diện. Theo Kennedy, tình trạng tiến thoái lưỡng nan thật nghiêm trọng. Kennedy tập hợp nhóm cố vấn của mình, gồm các quan chức về an ninh quốc gia và những người mà ông coi trọng nhận xét của họ. Vào ngày 16 tháng 10, ngày đầu tiên của cuộc khủng hoảng, Kennedy và hầu hết các cố vấn của mình thống nhất rằng một cuộc tấn công bất ngờ bằng không quân vào Cuba – và tiếp theo có thể là một cuộc bao vây hoặc cấm vận – là giải pháp duy nhất hợp lý.
Tuy nhiên, vào ngày 18 tháng 10, cựu Đại sứ Mỹ tại Liên Xô Llewellyn Thompson đề nghị rằng Kennedy nên công bố tình trạng bao vây trước khi cho lệnh không kích. Các cố vấn của Kennedy đều ủng hộ việc bao vây, nhưng không phải tất cả đều có cùng lý do. Một nhóm cho rằng bao vây là hình thức tối ưu. Trừ khi nào Khrushchev công bố rằng ông ta sẽ cho rút hết các tên lửa ra khỏi Cuba, việc bao vây sẽ được tiếp theo bằng một hình thức quân sự nào đó. Nhóm khác lại cho rằng bao vây là sự mở đầu của việc thương thuyết. Đồng thời, lực lượng quân sự Mỹ bắt đầu đưa quân đội và vũ khí vào vị trí cần thiết để sẵn sàng xâm lược Cuba.
Trước khi Kennedy công khai tuyên bố tình trạng bao vây, ông ta muốn chuẩn bị những người lãnh đạo quân sự và quốc hội. Vào ngày 19 tháng 10, tại phòng họp nội các, ông tiếp Joint Chiefs of Staff, nhóm cố vấn quân sự của tổng thống. Nhóm cố vấn này chọn phương án tấn công bằng máy bay ném bom, sau đó sẽ tiến hành xâm lược quân sự, nhưng Kennedy không chấp nhận đề nghị của họ, cho rằng một cuộc tấn công quân sự như vậy sẽ dẫn đến một cuộc chiến tranh hạt nhân.
Sau cuộc gặp với các nhà lãnh đạo quốc hội, Kennedy xuất hiện trên các chương trình truyền thanh và truyền hình, công bố vụ khám phá các đầu đạn hạt nhân. Ông ta yêu cầu Khrushchev rút lui các đầu đạn và nói rằng bước đầu tiên ông ta sẽ tiến hành một khu vực bao vây hải quân xung quanh Cuba, và trong khu vực này các lực lượng hải quân Mỹ sẽ ngăn chặn và kiểm tra tất cả tàu bè qua lại để ngăn ngừa việc chuyên chở vũ khí. Kennedy cảnh cáo rằng nếu Khrushchev cho bắn các đầu đạn từ Cuba, hậu quả sẽ là “Liên Xô sẽ lãnh đủ một đòn trả đũa khốc liệt”.
Vì công pháp quốc tế coi rằng việc bao vây là hành động chiến tranh, Kennedy và các cố vấn của ông ta quyết định coi việc bao vây này chỉ là hành vi cô lập với lập luận “bao vây để kiểm dịch”.
Những ngày đầu tiên sau bài diễn văn của Kennedy hết sức căng thẳng vì Kennedy đang chờ xem liệu những tàu Liên Xô có tuân thủ việc bao vây hay vẫn muốn gây ra một sự đối đầu quân sự trên biển. Trong những ngày căng thẳng đó, các tàu của Liên Xô trên đường đến Cuba tránh đi qua khu vực cô lập, và Khrushchev cùng với Kennedy thường xuyên trao đổi trên các kênh ngoại giao. Hành động cẩn trọng này đã góp phần trì hoãn sự đối đầu giữa hải quân Mỹ và tàu vận tải Liên Xô hoặc các tàu chiến hộ tống.
Vào ngày 26 tháng 10, Khrushchev gửi một bức điện mã hóa đến Kennedy, ngỏ ý rút lui các đầu đạn hạt nhân từ Cuba về. Đổi lại, phía Liên Xô yêu cầu Mỹ cam kết không xâm lược Cuba. Thật ra thì chính Kennedy cũng đã nói tới điều này trong cuộc họp với Ngọai trưởng Liên Xô lúc đó là Andrey Gromyko trước đó một tuần. Trước khi Kennedy và các cố vấn của mình kịp có phản ứng gì thì Khrushchev đã có một bài diễn văn công khai, trong đó ông ta liên kết sự rút lui các đầu đạn hạt nhân từ Cuba với việc tháo bỏ các lọai vũ khí “tương tự” của Mỹ ỡ Thổ Nhĩ Kỳ, dọc theo biên giới Liên Xô. Khrushchev có thể đã được khuyến khích có thêm yêu cầu này qua việc hải quân Mỹ cho phép một số tàu Liên Xô đi qua khu vực bao vây.
Trong khi đó, Mỹ đối đầu với những vấn đề khó khăn hơn trong việc duy trì cuộc bao vây và theo dõi các đầu đạn Liên Xô, vì các đầu đạn này được ngụy trang và di chuyển ngay sau bài diễn văn của Kennedy. Các máy bay do thám tầm thấp của Mỹ gặp phải sự chống trả của phòng không, và ngày 27 tháng 10, Cuba đã bắn rơi một máy bay U-2 của Mỹ đang do thám vùng trời, viên phi công thiệt mạng. Chính quyền Kennedy tranh luận vấn đề có nên trả đũa bằng cách tiêu diệt một số cơ sở phòng không của Cuba hay không. Nhưng khả năng trả đũa này có thể gây thiệt mạng một số chuyên viên cố vấn Liên Xô đang làm việc tại đó, và dẫn đến nguy cơ leo thang chiến tranh.
Kennedy cảm nhận được rằng người Mỹ sẽ ủng hộ việc tháo dỡ các đầu đạn hạt nhân ở Thổ Nhĩ Kỳ nhưng ông ta không muốn tỏ ra nhượng bộ trước yêu cầu của Khrushchev. Sau cùng, Kennedy quyết định rằng bài phát biểu của ông ta chỉ nhắc đến việc tháo dỡ các đầu đạn để đối lấy cam kết không xâm lược Cuba.
Tuy nhiên, đồng thời Kennedy dự định cam kết riêng với Khrushchev là ông ta sẽ tháo dỡ các đầu đạn ở Thổ Nhĩ Kỳ. Anh trai của tổng thống, Tổng chưởng lý Robert Kennedy, đã đến gặp riêng đại sứ Liên Xô là Anatoly Dobrynin ở tòa đại sứ Liên Xô ở Washington DC, để truyền đạt đề nghị cam kết của tổng thống và các điều khoản kèm theo. Robert Kennedy nói với Dobrynin rằng nếu Liên Xô tiết lộ rằng các đầu đạn ở Thổ Nhĩ Kỳ nằm trong phần thương lượng giữa hai bên thì các đầu đạn này sẽ không bị tháo dỡ. Ông ta cũng cảnh báo với Liên Xô rằng thời gian không còn nữa và Mỹ sẽ buộc phải tấn công Cuba.
Vào ngày 28 tháng 10, sự căng thẳng giảm dần. Trong một thông báo trên radio phát đi tòan thế giới, Khrushchev cho biết ông đã ra lệnh tháo dỡ các vũ khí “tấn công” khỏi Cuba để đổi lấy cam kết không tấn công Cuba từ phía Mỹ. Ông cũng kêu gọi thanh sát viên Liên Hiệp Quốc giám sát quá trình này. Kennedy tin rằng Khrushchev thật sự sẽ nghiêm túc, nhưng các cố vấn của Kennedy cũng vẫn còn lo lắng về các dự định của Liên Xô. Nhưng một vấn đề khác nảy sinh khi Fidel không cho phép Liên Hiệp Quốc giám sát quá trình tháo dỡ. Sau cùng các bên cũng đạt được thỏa thuận: các máy bay ném bom sẽ được dời đi trong vòng 30 ngày, còn các đầu đạn và những lọai vũ khí “tấn công” khác sẽ được mang đi công khai để những máy bay thám thính của Mỹ có thể quan sát được việc tháo dỡ này.
Trong những năm sau cuộc khủng hoảng này, cả hai bên Liên Xô và Mỹ cũng đã công bố một số tài liệu liên quan đến sự kiện quan trọng này; kể cả những cuộc họp của các bên liên quan, trong đó có cả một số quan chức Liên Xô, từ những cuộn băng bí mật ghi âm những cuộc họp kín của Kennedy và các cố vấn.
Những dữ kiện sau này được đưa ra ánh sáng cho thấy rằng một cuộc tấn công xâm lược Cuba của Mỹ sẽ gặp phải sự đối kháng ngoài sức tưởng tượng so với những gì Mỹ dự đoán. Chính phủ Mỹ không hề biết quân đội Liên Xô đã được trang bị đầy đủ vũ khí hạt nhân sẵn sàng cho cuộc chiến với Mỹ và Cuba đã chuẩn bị lực lượng phòng không hiện đại. Phía Mỹ cũng sai lầm khi nhận định lúc đó chỉ có vào khoảng vài ngàn quân Liên Xô ở Cuba, nhưng thực sự lúc đó quân đội Liên Xô đã có mặt ở Cuba lên trên 40.000 quân với đầy đủ vũ khí. Bất cứ cuộc tấn công xâm lược nào từ Mỹ sẽ gặp phải sự đối kháng mạnh mẽ ngay từ Cuba.
Cuộc khủng hoảng tên lửa ở Cuba thật sự là một giai đoạn cực kỳ nguy hiểm, có khả năng dẫn tới chiến tranh hạt nhân toàn cầu. Tổng thống Kenedy sau đó đã bị chỉ trích dữ dội vì thất bại trong cuộc xâm lược Vịnh Con Heo, vì điều đó đã giúp cho mối quan hệ Cuba - Liên Xô trong khối XHCN trở nên khắng khít.
Cuộc khủng hoảng dẫn đến tình trạng căng thẳng tạm thời trong quan hệ giữa Cuba và Liên Xô. Theo những tài liệu mới nhất từ Cuba, sự thật là theo kế hoạch và đề nghị ban đầu, Fidel, Che Guevara và ban lãnh đạo Cuba đưa ra với Liên Xô là trước khả năng tấn công xâm lược của Mỹ, muốn Liên Xô đưa ra một tuyên bố - là bất cứ cuộc tấn công xâm lược nào từ Mỹ vào Cuba hay một nước thành viên của khối XHCN khác đồng nghĩa với việc tấn tấn công khối XHCN mà đứng đầu là Liên Xô, theo tinh thần quốc tế vô sản. Nhưng sau đó phía Liên Xô đã không xem xét kỹ đề nghị này mà hội ý với Cuba quyết định bí mật triển khai các tên lửa ở Cuba, cũng như Mỹ đã triển khai tên lửa trên các nước đồng minh khác - để chuẩn bị đối đầu tự vệ với cuộc tấn công sắp tới của Mỹ. Matxcơva đã mắc một sai lầm nghiêm trọng là không quyết tâm bảo mật tới cùng - như đã cam kết với Cuba - và không cho bắn hạ các máy bay do thám của Mỹ trong đợt xâm phạm vùng trời Cuba đầu tiên, để phía Mỹ biết được kế hoạch này. Chính sự phát hiện trước này đã cho Mỹ một lợi thế lớn và một sự chuẩn bị ngôn luận. Nếu việc lắp đạt được bảo mật, khi Mỹ thực hiện chiến dịch mật danh Mangosta, tấn công xâm lược Cuba, thì quyền tự vệ từ Cuba là hoàn toàn chính đáng. Còn lúc khi phát hiện trước, Mỹ lập luận là Liên Xô chuẩn bị tấn công Mỹ từ Cuba, và chiếm ưu thế về chuẩn bị cũng như dư luận. Ngay cả sự việc thỏa thuận giữa Mỹ và Liên Xô. Fidel cho rằng Cuba đã bị xem thường khi phía Cuba không được tham khảo ý kiến trong các cuộc thương lượng về số phận của các tên lửa được chuyển đi. Fidel muốn Mỹ trực tiếp cùng đối thoại với Cuba để bảo đảm một tương lại ổn định lâu dài với năm yêu cầu hợp lý mà Fidel đã phản đối Mỹ từ trước: không can thiệp vào công việc nội bộ, ngăn cản thương mại và phát triển kinh tế của Cuba cũng như xâm lược Cuba, trao trả đảo Guantanamo mà Mỹ đã chiếm đóng của Cuba (mà nay là nơi giam giữ các tội phạm khủng bố)... Sự kiện này cho thấy lập trường không nhất quán của Maxcơva. Tuy nhiên, sau đó quan hệ giữa hai bên cũng dần dần được cải thiện.
Vụ khủng hoảng tên lửa là những ngày “Vinh quang và đáng buồn” mà trong bức thư giã biệt Che gửi Fidel sau này đã nhắc lại. Sau đó sự thù địch của Mỹ đối với Cuba càng tăng. Qua sự việc này càng thể hiện tư tưởng chống Fidel và Cuba không hề ngơi nghỉ trong suốt các đời tổng thống Mỹ, trước và sau khi Cách mạng Cuba thành công, và tiếp tục những năm tháng sau này. Sau đó vì Mỹ đang sa lầy ở cuộc chiến tranh xâm lược Việt nam, phong trào phản đối cuộc chiến tranh phi nghĩa ở Việt nam cùng dư luận trong và ngoài nước ngày một tăng khiến Mỹ không thể cùng lúc đồng thời tiến hành tấn công xâm lược Cuba.
Mùa xuân năm 1963, Fidel chuẩn bị viếng thăm Liên Xô lần đầu tiên. Cuối tháng giêng, Khrushchev đọc diễn văn ở Moscow tuyên bố rằng nếu đế quốc nào tấn công Cuba hay nước xã hội chủ nghĩa nào thì có nghĩa là sẽ khởi đầu Chiến Tranh Thế Giới Thứ Ba. Ngày 26 tháng tư, Fidel và rất đông viên chức đến sân bay Murmansk. Trong bốn mươi ngày ở Liên Xô, Fidel đã thăm mười bốn thành phố, từ Trung Á đến Siberia, từ Ukraine tới Georgia, và từ Moscow tới Leningrad, xem Hạm Đội Phương Bắc và căn cứ tên lửa, nói chuyện nhiều lần tại sân vận động, nhà máy, chiến trường và quảng trường thành phố, xem duyệt binh Tháng Năm từ Bức Tường Điện Kremlin, nhận danh hiệu Anh Hùng Liên Xô, Huân Chương Lenin và Huân Chương Sao Vàng, xem diễn ballet ở Moscow và hòa nhạc ngoài trời, thảo luận nhiều giờ với Khrushchev. Hai người nói chuyện trước đông đảo dân chúng ở Quảng Trường Đỏ. Chuyến đi rất thành công. Chẳng có người ngoại quốc nào được đón tiếp long trọng như vậy kể từ Cuộc Chiến Yêu Nước Vĩ Đại, các đám đông và khán giả truyền hình bị người chiến binh du kích lãng mạn từ vùng núi Cuba xa xôi lôi cuốn và họ rất ngưỡng mộ khi gặp ông.
Sau năm năm cách mạng, Fidel Castro đã xác định được vai trò lãnh đạo ở Cuba và đất nước đang đi theo chủ nghĩa cộng sản. Ông tiếp tục được cả nước ủng hộ khi chiến thắng tuyệt đối ở Vịnh Con Heo và không bị hủy hoại từ cuộc khủng hoảng tên lửa tháng 10. Lúc quân lưu vong xâm lăng, dân Cuba đã tập hợp quanh lá cờ đất nước và lãnh đạo tối cao của họ, trong hiểm nguy năm 1962, khi máy bay chiến đấu Mỹ gầm rú khắp bầu trời, những súng phòng không đồng loạt giáng trả.
Trên hết, Fidel biết cách nuôi dưỡng lòng tin của dân tộc và mang lại hy vọng trong gian khổ và hy sinh. Khi cơn bão Flora hung hãn nhất thế kỷ san bằng và khiến đảo quốc ngập lụt năm 1963, Fidel Castro đã có mặt khắp nơi, vẫn luôn ở tuyến trên, chỉ huy các hoạt động cứu hộ, tận dụng các cơ hội, dẫn dắt và lên tinh thần. Dù được Liên Xô trợ giúp nhiều, nền kinh tế vẫn ở dưới mức thấp. Fidel luôn nhắc nhở nhân dân Cuba cố gắng tự lực lao động để chính Cuba sớm ổn định và phát triển. Người dân Cuba nhận thức được họ được giáo dục, có thực phẩm, nhà ở, được cách mạng quan tâm và bảo vệ - trong lịch sử, dân Cuba trước đây chưa bao giờ được như vậy. Bởi vậy họ trung thành với cách mạng, biết ơn tổng tư lệnh và sẵn sàng loại bỏ những phần tử phản cách mạng, tuần tra ở thành thị và nông trang cả đêm.
Cuối năm 1963, khi Fidel nói với dân chúng Cuba rằng không chỉ sản xuất lượng đường trong nước tăng trở lại mà thu hoạch dự kiến cho năm 1970 sẽ là 10 triệu tấn (sản lượng năm 1963 là 3,8 triệu tấn và kỷ lục mọi thời là 6,7 triệu tấn), dân chúng đều tin vào đánh giá của ông. Như vậy cũng có nghĩa là sinh viên và dân thành thị sẽ tình nguyện giúp nông dân làm việc vào các kỳ nghỉ cuối tuần.
Sau đó đất nước Cuba đã đi vào thời kỳ ổn định. Fidel biết đích xác đang dẫn dắt dân tộc đi tới đâu, dù cũng như ở Sierra Maestra, con đường đi lên sẽ rất chông gai. Họ đã vượt qua cuộc xâm lăng ở Vịnh Con Heo và khủng hoảng tên lửa, chính phủ cách mạng đã tạm thời thoát khỏi hiểm họa bên ngoài.
Dù là nguyên thủ quốc gia những Fidel vẫn luôn bình dị, làm việc không ngơi nghỉ, hăng hái chinh phục và sắc bén. Celia Sánchez đã làm cho các hoạt động của Fidel ngăn nắp hơn, nhưng không nhiều lắm bởi ông không thích thời khóa biểu và ghét việc hành chánh. Fidelito giờ đã mười sáu tuổi và đang chuẩn bị vào đại học. Tháng tám năm 1963, mẹ Fidel, bà Lina Ruz de Fidel đã qua đời tại nhà ở Birán và rất đông người đến dự tang lễ. Tại đây, Fidel đã diễn thuyết trước đám đông tụ họp ở phố chính tại Birán.
Hai thập kỷ kế tiếp, Fidel Castro vẫn giữ nhịp sống cách mạng mà ông đã mang đến Cuba. Fidel tiếp tục cải cách và thực hiện sứ mạng quốc tế ở các nước thuộc Thế Giới Thứ Ba, giúp cách mạng khắp nơi và đưa quân đội, bác sĩ, kỹ sư đến các nước để giúp đỡ họ.
Phần V: Trở thành tư lệnh -Thuyền trưởng trước giông bão (1964-1986) - Chương 29
Cái chết của Che Guevara ở giữa rừng Bolivia ngày 6 tháng 10 năm 1967 là một trong những sự kiện quan trọng trong lịch sử cách mạng Cuba ở thập niên 1960. Bên ngoài những bí ẩn chưa sáng tỏ quanh chuyện Che sống và chết ở Bolivia, sự ra đi của Che có ảnh hưởng sâu xa tới việc phát triển các chính sách trong nước và quốc tế của Fidel Castro. Che là một trí tuệ và tinh thần độc lập trong tổ chức chính quyền cuœa Fidel.
Lý do Che Guevara rời khỏi Cuba đã được ông ghi trong thư thế này, “có những vùng đất khác trên thế giới cần đến nỗ lực khiêm tốn cuœa tôi,” và ông xin từ bỏ mọi chức vụ ở Cuba cũng như quyền công dân ở Cuba. Tháng 10 năm 1965, Fidel đã đọc thư của Che tại hội nghị uœy ban Trung ương đaœng Cộng saœn Cuba khiến mọi người đều xúc động. Khi ấy trông ông thật buồn. Trong thư Che có đoạn “tôi cảm thấy mình đã hoàn thành nhiệm vụ vốn ràng buộc tôi với Cách Mạng Cuba ở đất nước này. Giờ tôi xin tạm biệt anh cùng nhân dân cuœa anh mà giờ đây cũng đã là của tôi.” Có lẽ Che, bấy giờ là bộ trưởng công nghiệp, đã cảm thấy muốn thưœ thách ơœ những chiến trường mới sau khi cách mạng Cuba đã ổn định.
Guevara rời Cuba ngày 20 tháng 4 năm 1965 đến Bolivia gầy dựng lực lượng cách mãng giúp họ giaœi phóng dân tộc như cuộc cách mạng ơœ Cuba. Lần cuối cùng mọi người thấy Che ở Cuba là là ngày 15 tháng 3 khi được Fidel và Chủ Tịch Dorticós đón ở sân bay sau chuyến đi Châu Phi và Châu Á.
Nhiệm vụ ở Bolivia cuœa Che còn nguy hiểm hơn caœ lúc đổ bộ từ chiếc Granma một thập kỷ trước, song Fidel cũng đồng tình với chuyện này bởi ít nhất ông đã gửi quân vào đội du kích của Che, trang bị và hỗ trợ tài chánh cho cuộc viễn chinh và giữ liên lạc vô tuyến với Guevara cho đến những ngày cuối cùng.
Ngày 9 tháng 10, Fidel hay tin Che Guevara bị bắt và bị bọn biệt kích Bolivia hành hình. Ông rất đau buồn và tuyên bố quốc tang trên caœ nước. “Nếu tôi phaœi traœi qua những giờ phút sau cùng cuœa mình ơœ một phương trời xa lạ, những suy nghĩ cuối cùng cuœa tôi sẽ dành cho nhân dân cuœa đất nước này, và đặc biệt là dành cho anh” (thư tạm biệt cuœa Che). Những lời nói này đã mãi lưu lại trong lòng Fidel cũng như trong lòng toàn dân Cuba. Hình aœnh và áp phích về Che ngày nay được đặt ơœ những nơi trang trọng nhất. Anh đã trơœ thành biểu tượng cuœa cách mạng Cuba.
Trong quá trình xây dựng xã hội mới, Fidel đã gặp phải không ít khó khăn. Fidel muốn áp dụng kết hợp chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản vì theo ông, cách thức của cộng sản là mỗi người cho theo khả năng và nhận theo nhu cầu còn cách thức xã hội chủ nghĩa là mỗi người cho theo khả năng và nhận theo công việc. Fidel định nghĩa Chủ Nghĩa Marx Lenin của Cuba như thế này: “Lương phải được trả theo công việc và khả năng nhưng giáo dục thì miễn phí.”
Đối với Fidel và Cuba, năm 1968 là thời gian khó khăn nhất kể từ khi cách mạng thành công: Những thách thức còn lớn và phức tạp hơn caœ cuộc xâm lăng ơœ Vịnh Con Heo và khuœng hoaœng tên lửa bởi vấn đề liên quan tới cốt lõi chính quyền cách mạng. Tuy nhiên chính quyền Johnson không hề hay biết về những vấn đề nhạy caœm trong chính phuœ Fidel lúc bấy giờ. Có lẽ họ đã bị phân tâm vì cuộc tấn công Tết Mậu Thân ở Việt Nam và hậu quả cuœa vụ này hơn là lo chú ý tới đảo quốc nhỏ ở Caribê, vốn không phải là hiểm họa sắp đến đối với Mỹ.
Để tưởng nhớ Che Guevara, Fidel chọn năm 1968 là “Năm Anh Hùng,” và để vượt qua giai đoạn khó khăn này, Fidel đã phải hết sức mạnh mẽ. Mọi chuyện đều quá tệ hại: Kinh tế đang trên bờ vực thẳm, sản lượng ở mọi ngành đều sụt giảm. Cơn bão Inez tàn khốc và vụ đại hạn năm 1968 đã khiến tình hình càng xấu thêm.
Cuối tháng ba năm 1968, nhân kỷ niệm ngày sinh viên tấn công dinh Batista, Fidel tuyên bố làm cách mạng cơ bản ở Cuba, Fidel quốc hữu hóa thành phần kinh tế tư nhân và vận động nhân lực Cuba tham gia sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là dự án về saœn lượng đường ông đã định cho năm 1970.
Sau đó ông nói chuyện rất lâu trước hàng trăm ngàn người ở trường đại học Havana về những điểm mốc của cách mạng. Trong đó, ông đưa ra hàng loạt các số liệu về sản lượng sữa và số hàng nhập khẩu, cùng các lãnh vực khác như nông nghiệp, ngư nghiệp, dân số, hệ thống giáo dục và thể thao... Thông điệp kinh tế này nêu bật những gì cách mạng đã đạt được, đoạn quay sang chê trách nạn ăn không ngồi rồi, ăn bám và bóc lột vẫn còn trong nước.
Năm 1968, Fidel đã phaœi làm mọi cách để ngăn nền kinh tế Cuba khoœi sụp đổ vì tình trạng thiếu dầu. Ông biết nếu Liên Xô không tăng cường trợ giúp thì kế hoạch phát triển kinh tế sẽ không thể nào thực thi được. Cuối cùng, để cứu vãn cho tình hình trong nước ông đành phải ngưng việc hô hào đấu trông cách mạng trong Thế Giới Thứ Ba lại một thời gian.
Trở thành tư lệnh -Thuyền trưởng trước giông bão -
Chương 30
Điều thu hút sự chú tâm cuœa Fidel trong những tháng cuối năm 1968 là lễ kyœ niệm 100 năm ngày Cuba lần đầu nổi dậy khơœi nghĩa giành độc lập, nền kinh tế và tình hình chính trị trong nước lúc bấy giờ.
Tháng 10 năm 1968, ông bay tới Oriente để đọc diễn văn kỷ niệm một trăm năm ngày lần đầu Cuba nổi dậy chống thực dân Tây Ban Nha. Ông nói về Martí cùng các ông hùng trong những cuộc đấu tranh cho tự do và về những nỗ lực mà nhân dân Cuba đã làm được cho nền kinh tế đất nước. Giữa tiếng reo hò tán thưởng của công chúng, ông tự hào kể hai hôm trước Cuba đã trồng 33.230 mẫu mía khắp đảo quốc chỉ trong một ngày để kỷ niệm ngày độc lập và tưởng nhớ Che Guevara. Fidel muốn năm 1970 họ phải thu hoạch đường đạt mức kỷ lục để kỷ niệm “một trăm năm cuộc chiến” và ông đã gợi lòng yêu nước để mọi người cố gắng hết mình.
Ông gọi năm 1969 là “Năm Nỗ Lực Quyết Định” và cho thay đổi cách thức thu hoạch bắt đầu từ tháng bảy năm 1969 và kết thúc vào cuối năm 1970. Cắt mía đã trơœ thành hoạt động chính của kinh tế Cuba năm 1969. Công nhân, sinh viên, già, trẻ được phân công cắt mía trong ngày thường và cả ngày nghỉ nữa. Quân đội cũng tham gia cùng với nhân dân, còn Fidel và các lãnh đạo cao cấp cũng cắt mía một số ngày để làm gương cho cả nước. Việc thu hoạch kéo dài 334 ngày. Cũng may là năm 1969 mưa thuận gió hòa.
Fidel là người vốn lạc quan, không bao giờ nản chí khi gặp thất bại. Ngoài việc muốn đạt kỷ lục về sản lượng đường năm 1970, nhân kỷ niệm mười năm ngày chiến thắng, ông còn cam kết tổng lượng nông sản Cuba sẽ tăng từ 15% mỗi năm trong mười hai năm tới, mức tăng cao nhất trong lịch sử thế giới. Fidel nói để đạt mục tiêu này, Cuba phải nhập khẩu 8.000 máy kéo mỗi năm và nhập liên tục trong vòng mười năm, huấn luyện cho 80.000 người điều khiển máy kéo và huấn kuyện kỹ năng cơ khí cho 180.000 công nhân nông trường. Tuy nhiên, về khoaœn nhập khẩu Cuba chỉ biết dựa vào Liên Xô và các nước Cộng Sản khác.
Quan hệ kinh tế Cuba và Liên Xô chủ yếu dựa trên việc đổi đường Cuba để lấy dầu, máy móc, thiết bị, hàng công nghiệp và những gì mà nền kinh tế hiện đại cần (vũ khí là hàng viện trợ). Dù Moscow tính giá đường cao hơn thị trường thế giới thì Cuba cũng vẫn còn nợ lại họ mười triệu tấn năm 1969 vì mấy năm trước mùa màng quá kém. Song quan hệ kinh tế giữa hai nước đã cải thiện và họ còn bàn bạc thêm thỏa thuận thương mại mới.
Năm 1970 được gọi là “Năm Mười Triệu Tấn,” dù thời tiết tốt và cả nước cố hết sức, Cuba chỉ đạt được 8,5 triệu tấn - tuy là mức cao nhất từ năm 1965 nhưng vẫn không đủ cho chi phí kinh tế xã hội ở Cuba.
Năm 1971, Fidel cực kỳ bận rộn với các quan hệ quốc tế. Đảo quốc ngày càng thân với Liên Xô. Tháng mười một, Fidel bay thẳng tới Santiago, Chile thăm ba tuần. Quá thích thú vì mười hai năm rồi mới được quay lại Mỹ La tinh, ông đi từ nam ra bắc thăm nhà máy, trường học, tham gia diễn thuyết và dự phỏng vấn. Trên đường về, Fidel dừng lại ở Lima gặp các lãnh đạo quân sự Peru, rồi đến Guayaquil, Ecuador chuyện trò với tổng thống nước này. Ở cả ba nước bên bờ Thái Bình Dương, Fidel đều nhận được hoan nghênh nồng nhiệt vì đã đề nghị thaœo luận vấn đề giới hạn vùng đánh bắt trên biển để bảo vệ ngư nghiệp. Về đến Havana, Fidel được dân chúng chào đón như vị anh hùng vừa chiến thắng từ mặt trận trơœ về.
Nhiều năm sau, nhớ lại chuyến đi Nam Mỹ, Fidel nói ông biết CIA đã có âm mưu ám sát mình ở Chile, Peru và Ecuador, rằng kẻ định ám sát ông đã giả danh là phóng viên Venezuela. Y lấy vũ khí từ đại sứ quán Mỹ ở La Paz, Bolivia, gồm súng trường có viễn vọng kính, súng liên thông và máy quay phim có giấu súng: “Y đứng ngay trước mặt tôi, nhưng đã không bắn.”
Tháng ba năm 1972, Fidel Castro đi công du hai tháng. Nước đầu tiên là Liên Xô sau tám năm kể từ lần viếng thăm trước. Ở đây, Cuba gia nhập Hội Đồng Tương Trợ Kinh Tế (CMEA), thị trường chung Cộng Sản Comecon, hòa nhập vào hệ thống kinh tế Cộng Sản toàn cầu, trong đó có Liên Xô, sáu nước Châu u Cộng Sản, Mông Cổ và Việt Nam.
Trong thập niên 1970, Fidel lo tháo gỡ việc Mỹ áp đặt, cô lập chính trị ngoại giao với Cuba. Ông đi thăm hữu nghị Chile, Peru và Ecuador. Argentina, Colombia và Venezuela đã nối lại quan hệ ngoại giao với Cuba. Ông phát triển quan hệ với Panama, Jamaica, Barbaros, Bahamas, Trinidad và Tobago ở Trung Mỹ và Caribê. Dần dà, Fidel trở lại các tổ chức Mỹ La tinh như Ủy Ban Kinh Tế Liên Hiệp Quốc của Mỹ La Tinh vào đầu thập niên 1960, Tổ Chức Các Quốc Gia châu Mỹ chuẩn bị dỡ bỏ cấm vận thương mại và ngoại giao với Cuba. Cuối cùng, Cuba đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức SELA, cộng đồng kinh tế khu vực mới. Đảo quốc Cuba đã không còn bị bỏ rơi nữa.
Lúc này, Fidel bắt đầu mở rộng quan hệ với châu Phi với những chuyến thăm Guinea, Sierra Leone và Algeria. Đó là chuyến đi đầu tiên của ông. Cuba có liên hệ nhiều đến châu Phi từ những ngày đầu cách mạng, đã uœng hộ sự nghiệp giành độc lập của Algeria từ năm 1959, gửi hàng hỗ trợ quân sự và thuốc men cho Mặt Trận Giải Phóng Quốc Gia (FLN) chống Pháp năm 1960, rồi gửi quân sang giúp nước Algeria mới độc lập trong cuộc chiến biên giới với Marocco năm 1963. Trong thập niên 1960, quân đội Cuba cũng đã sang làm nhiệm vụ ở Algeria, Ghana, Congo, Guina, rồi đến Somalia và Tanzania. Sau khi Fidel đến thăm Sierra Leon về, ông đã gửi quân sang giúp huấn luyện dân quân cho nước này.
Cùng với Che Guevara, ông tin rằng châu Phi sẽ thay đổi theo chiều hướng cách mạng trong tương lai, với Cuba là nước bảo trợ và dẫn dắt. Bởi gần đây, hầu hết các nước châu Phi đã giành được độc lập, Fidel thấy có nhiều tiềm năng cách mạng ơœ đây. Những nhà dân tộc chủ nghĩa, nhất là cánh tả, rất thích Cuba, bởi ở Cuba có dân tộc gốc Phi với nhiều truyền thống. Cuba có thể thay thế vị trí Mỹ hay Liên Xô đối với họ và là quốc gia đàn anh ở Thế Giới Thứ Ba đã làm cách mạng thắng lợi.
Khi đặt chân đến châu Phi Fidel caœm thấy các chính phủ và phong trào ơœ đây dường như đã có quan hệ với Cuba từ lâu lắm rồi. Họ chào đón ông hết sức nồng nhiệt.
Ở Conakry, Guinea, ông gặp tổng thống Ahmed Sekou Touré vốn là đồng minh cách mạng, đã nói với đám đông chào đón Castro, “Cuba là ngọn đèn ở Mỹ La tinh.” Họ nói về chuyện Cuba hỗ trợ cho phong trào du kích chống lại thực dân Bồ Đào Nha và Nam Mỹ. Qua Sierra Leon, Fidel ở lại một ngày nói chuyện với Tổng Thống Siaka Probyn Stevens, một nhà chính trị khá ôn hòa. Ở Algeria mười ngày, Fidel được trở lại không khí cách mạng đầm ấm tại đất nước mà Cuba đã giúp đỡ trong cuộc chiến giành độc lập. Fidel lập quan hệ tốt với chủ tịch mới là Houari Boumedienne. Là nước cách mạng xã hội chủ nghĩa, Algeria là liên minh lâu đời và tốt nhất, cũng như cầu nối chính giữa châu Phi với thế giới Ả Rập. Đây cũng là trung tâm cách mạng ở châu Phi. Tại đây, Fidel nói chuyện nhiều về cách mạng và các cuộc đấu tranh chống thực dân. Vả lại, Boumedienne còn là lãnh đạo chính của Phong Trào Không Liên Kết mà Fidel rất quan tâm.
Từ Algeria, Fidel đi thẳng qua Sofia, Bulgaria. Lần đầu tiên, ông tiếp xúc trực tiếp với nước Cộng Sản châu u không phaœi là Liên Xô. Tại Bulgaria và khắp các nước Đông u, dân chúng nồng nhiệt chào đón ông trên đường phố và quảng trường phố cổ. Fidel Castro là một huyền thoại, không kiểu cách và khác hẳn các lãnh đạo Cộng Sản truyền thống. Về phần mình, Fidel bị Bulgaria cuốn hút bởi nét văn hóa cổ điển được thiết kế mới theo kiểu chuœ nghĩa Marx.
Ở Sofia, tiếp ông là Todor Zhivkov, lãnh đạo Bulgaria tại vị lâu hơn bất cứ nhà cộng sản nào ở u Châu. Ông cùng chơi bóng rổ, xem diễn tập quân sự và được tặng súng tiểu liên AK-47 và một khẩu súng ngắn cổ của Bulgaria - bộ sưu tập vũ khí cuœa Fidel tăng dần khi ông công du qua các nước.
Từ Sofia, vị lãnh đạo Cuba bay tới Bucharest gặp Chủ Tịch Nicholae Ceausescu, cũng là bậc thầy cộng sản về nghệ thuật tồn tại, song rất độc lập trong chính sách ngoại giao. Ở Budapest, Hungary, ông lại góp nhặt thêm nhiều kinh nghiệm tinh tế về chuœ nghĩa cộng saœn. Fidel thấy đất nước này khá thịnh vượng do cải cách kinh tế thị trường. Czechoslovakia đã tìm cách mô phỏng và mở rộng cải cách kiểu này. Dưới quyền Janos Kadar, từ khi nổi dậy, văn hóa và chính trị trong hệ thống Cộng Sản cuœa đất nước này tương đối thoáng.
Rồi ông đến Ba Lan, một bộ mặt khác của cộng sản Châu u. Đất nước này không theo Liên Xô, mà đề cao chủ nghĩa dân tộc, nhà thờ Công Giáo ấn tượng và mang đậm nét văn hóa Tây u. Vẫn còn những ký ức chiến tranh phát xít, song đảng Cộng Sản ở đây lại đi chệch hướng nên dù nền giáo dục, y tế cộng đồng và mức sống cao, bạo động vẫn luôn xảy ra. Lúc Fidel đến Warsaw, đất nước đang ở giai đoạn bình lặng hiếm hoi. Ba Lan là nước Cộng Sản cho phép đảng chính trị đối lập trong nước tồn tại với đời sống văn hóa sinh động và phong phú. Đương nhiên, đảng đối lập không được tiếp xúc với Fidel nên ông cũng không thấy gì khác hơn chủ nghĩa xã hội. Như mọi khi, Fidel lại rực sáng với phong cách đặc biệt. Một tối nọ, ông đi dạo trong Quảng Trường Cổ Warsaw rồi dừng bước chuyện trò với một người bán hoa và ghé qua một câu lạc bộ đêm, ở đó ông hứa với mấy người chủ trẻ là sẽ gửi cho họ một con cá sấu nhồi bông từ đầm lầy Zapata ở Cuba, họ thích lắm. Tối hôm đó, có bản tin của cục điện báo Mỹ gửi từ Warsaw nói Fidel bị lên cơn đau tim, Fidel giận dữ biết rằng đó chỉ là mánh khóe của CIA để gây bất ổn ở Cuba.
Rồi Fidel qua Đông Berlin gặp lãnh đạo Đông Đức Erich Honecker. Đất nước Cộng Sản, ở sát cạnh thế giới phương Tây, này thật thịnh vượng. Ông được dẫn tới Cổng Brandenburg chắn ngang giữa thành phố Berlin và Bức Tường Berlin. Fidel đã dắt các em thiếu nhi đi bộ trên phố ở Merseburg. Sau này ông nói Đông Đức là nước ông khâm phục nhất vì cũng như Cuba, nước này nằm cạnh kẻ thù nhưng vẫn giữ được nền độc lập tự chuœ và phát triển hùng mạnh.
Ở Tiệp Khắc, ông được tổng bí thư đảng Cộng Sản Gustav Husak chào đón và tặng huân chương Sư Tử Trắng. Trường Đại Học uy tín Charles, nơi tinh thần giải phóng Prague ra đời giữa những nhà triết học, đã trao cho ông bằng tiến sĩ danh dự Khoa Học Pháp Lý. Fidel Castro, nhà triết học cách mạng, trong áo choàng và mũ đen, nhân dịp này đã diễn thuyết trước cử tọa về lịch sử tư tưởng Phong Trào Castro.
Cuối cùng, Fidel tới Moscow lần thứ ba, và ơœ thăm hai tuần. Ông được trao huân chương Lenin. Ngoài việc gặp gỡ với ban lãnh đạo Kremlin, Fidel còn hội đàm với Bộ Trưởng Quốc Phòng Grechko và Tổng Tham Mưu về tầm quan trọng cuœa việc liên kết quân sự Cuba-Liên Xô. Ông thăm bốn thành phố cuœa Liên Xô, nhà máy sản xuất máy bay và các nông trường, cảm thấy thoải mái như ở quê nhà. Sau đó ông lên đường trơœ về nước.
Fidel tiếp tục bận rộn với quan hệ quốc tế trong năm 1972 và hầu hết 1973. Tháng 12 năm 1972, Fidel lại qua Moscow một tuần giúp làm Lễ Kỷ Niệm lần thứ năm mươi ngày thành lập Liên Xô. Trong tuần đó, ông đi đến thỏa thuận năm điểm chính về hỗ trợ kinh tế kỹ thuật với Nga: hoãn nợ, tăng cường thương mại song phương, hỗ trợ tín dụng, nâng giá đường và kền lên cao hơn trước. Fidel rất trân trọng tình hữu nghị này.
Sau chuyến đi đầu tiên tới châu Phi mùa xuân năm 1972, tháng 12 trên đường đi Moscow, ông ghé qua Morocco gặp Vua Hassan. Tháng chín 1973, Fidel dự Hội Nghị Phong Trào Không Liên Kết ở Algiers, ở đây ông quen với hầu hết các lãnh đạo Thế Giới Thứ Ba, thiết lập một số quan hệ mới và để lại ấn tượng rất tốt.
Rồi Fidel bay tới thuœ đô Hà Nội (9/1973) bị bom Mỹ tàn phá, trong chuyến viếng thăm Việt Nam đầu tiên. Fidel có tình cảm và mối liên hệ đặc biệt với Việt Nam, vốn cũng là nạn nhân của Mỹ đã kiên cường chống lại cuộc xâm lược của đế quốc này. Các hiệp ước hòa bình của Việt Nam được ký hồi tháng giêng và Mỹ giờ đã ra khỏi cuộc chiến. Đây cũng là lần đầu tiên ông tới châu Á, song Fidel không có ý định đi Trung Quốc, vốn đang có xích mích với các nước bạn Liên Xô và Việt Nam.
Fidel Castro cũng được Liên Xô hết sức tôn trọng và công nhận vị trí quốc tế của ông, bởi vậy cuối tháng giêng năm 1974, Leonid Brezhnev đã đến thăm Havana. Chưa bao giờ có một lãnh đạo tối cao Liên Xô thăm Mỹ La tinh và chuyến đi này đến Cuba là rất đặc biệt.
Brezhnev ở thăm Fidel một tuần, đến viếng các trại Moncada năm xưa (giờ đã là trường học). Sau đó, Brezhnev và Fidel đã nói chuyện trước một triệu dân Cuba tại buổi mít tinh ở Quảng Trường Cách Mạng dưới chân tượng José Martí. Ông tuyên bố Brezhnev là phát ngôn của Kremlin tại Phong Trào Không Liên Kết và Liên Xô là nước ngăn cản bọn tư bản phát động các cuộc phiêu lưu quân sự, chia cắt thế giới, xâm lược các nước sở hữu dầu hỏa và các nguyên liệu khác.
Tháng 4 năm 1974, bước ngoặc lớn trong lịch sử các nước Thế Giới Thứ Ba đã mơœ ra, châu Phi và các phong trào cách mạng đã lật đổ được chế độ độc tài Bồ Đào Nha, tuyên bố kết thúc chiến tranh và hứa trả lại độc lập càng sớm càng tốt cho Angola, Mozambique, Guinea-Bissau và Đảo Cape Verde. Cuộc chiến quan trọng nhất là ở Angola vào tháng giêng năm 1975, chính phủ quân sự và ba toán quân nổi dậy ký thỏa thuận Alvor trao traœ độc lập lại cho Angola vào tháng mười một.
Fidel Castro đã tích cực ủng hộ Phong Trào Đấu Tranh Giải Phóng Angola, bởi vậy lúc này Cuba có ảnh hưởng lớn đến các sự kiện ở Angola. Cuba chính là lực lượng bên ngoài quan trọng nhất trong chính trị quân sự Châu Phi, trước hết là Angola rồi tới Etiopia. Fidel Castro giờ được coi là lãnh đạo quốc tế, kêu gọi đóng góp ở Châu Phi và Trung Mỹ, lo đề ra các chính sách kinh tế của Thế Giới Thứ Ba với các nước công nghiệp và tất nhiên trở thành nỗi ám ảnh khó chịu hơn bao giờ hết đối với Mỹ. Cùng lúc đó, Fidel đang đứng trước ngưỡng cửa chính thức chuyển nhà nước Cuba qua thể chế Cộng Sản.
Trở thành tư lệnh -Thuyền trưởng trước giông bão -
Chương 32
Khi phong trào Giaœi phóng ơœ Angola thành công - nhờ sự giúp sức cuœa Cuba - thì chính quyền Ford caœm thấy đã đến lúc cần phaœi cải thiện quan hệ với Fidel Castro. Ý tưởng này là của Bộ Trưởng Ngoại Giao Henry Kissinger. Kissinger đã thương lượng thành công với Trung Quốc trong cuộc chiến tranh Việt Nam và thấy có thể thiết lập đối thoại với Fidel.
Quan hệ giữa Mỹ và Liên Xô đã bớt căng thẳng nên có vẻ đây là nhân tố thuận lợi để tiếp cận với Cuba. Ngoài ra Kissinger có lý do để nghĩ rằng Fidel sẽ quan tâm. Điều mà vị bộ trươœng ngoại giao này không đoán được là Cuba đã can dự khá sâu vào Angola.
Trước khi hành động, Bộ Ngoại Giao đã tiến hành một loạt những cuộc nói chuyện mật với các nhà ngoại giao Cuba ở Liên Hiệp Quốc để đánh giá phản ứng của Havana xem đối thoại liệu có khả quan không. Fidel vốn linh động trong quan hệ với Mỹ đã cho nối lại việc dân Cuba di cư vào lục địa trong năm 1965 và 1973. Bây giờ, Kissinger muốn biết nhà lãnh đạo Cuba sẽ có phaœn ứng như thế nào. Tháng 5, ông ta chấp thuận kế hoạch thăm dò, qua đó Fidel biết được Mỹ đang định dỡ bỏ cấm vận từng phần với Cuba và ngưng cho máy bay do thám đảo quốc này.
Cuối tháng 7, tại hội nghị Tổ Chức Các Quốc Gia Châu Mỹ (OAS), ở San José, Costa Rica, Mỹ và nhiều thành viên đã xóa bỏ cấm vận kinh tế chính trị với Cuba. Đó là kết quả các cuộc đối thoại mật với các phái viên ngoại giao Cuba, cả hai bên đồng ý về nguyên tắc sẽ không có điều kiện tiên quyết trước khi thương thuyết. Phái viên của Cuba, Ramón Sánchez-Parodi đã báo với Trợ Lý Bộ Trưởng Ngoại Giao Mỹ rằng Fidel không yêu cầu Mỹ bỏ cấm vận kinh tế trước khi đàm phán, cho thấy thế của ông đã thay đổi rất nhiều. Thư ký Rogers nói với người Cuba rằng số phận của căn cứ hải quân ở Guantánamo cũng cần thương thuyết nữa.
Tháng 8, Fidel trả cho hãng hàng không Southern Airway 2 tỉ Mỹ kim tiền chuộc máy bay do thám chính phủ Cuba đã lấy trước đó ba năm, chính phủ Mỹ thấy đây là dấu hiệu khả quan cho mối quan hệ mới. Mười ngày sau, bộ ngoại giao tuyên bố các công ty Mỹ ở nước ngoài được phép vào thiết lập mối quan hệ làm ăn với Cuba sau mười hai năm cấm vận. Cuối tháng 9, Rogers tuyên bố rằng Mỹ chuẩn bị cải thiện quan hệ với Cuba và tiến hành đối thoại. Nhưng rồi cả nỗ lực này cũng vô phương. Quân đội Cuba hiện diện nhiều ở Angola nên Kissinger đã lên tiếng chỉ trích. Ở Havana, Fidel còn chọn lúc này để tài trợ Hội Nghị Chủ Quyền Puerto Rico, kêu gọi Puerto Rico giành độc lập dù biết rõ chuyện này sẽ chọc tức Mỹ.
Cuối tháng 11, kế hoạch ngoại giao sụp đổ và mối thù xưa trở lại. Phía Mỹ nói Cuba đã làm tan vỡ kế hoạch đàm phán ban đầu mà không giải thích rõ. Người ta ngờ rằng Fidel cảm thấy không thể đàm phán toàn diện với Washington giữa lúc cuộc chiến ở Angola vẫn còn nóng bỏng. Fidel không giải thích hành động này của ông, ngay cả với những cộng sự thân thiết nhất.
Cột mốc lớn đầu tiên trong cuộc cách mạng của Fidel Castro là chiến thắng năm 1959 và thành lập đảng Cộng Sản mới vào năm 1965 ở Cuba. Cột mốc thứ nhì là thể chế hóa Cách Mạng, ra hiến pháp mới ngày 24 tháng 2 năm 1976. Trong mười bảy năm qua, Luật Căn Bản, được chính phủ cách mạng đầu tiên thảo ra, và hàng ngàn luật lệ đã lập thành khung pháp lý của nhà nước Cuba.
Tuy vậy, luật phải được chỉnh, sửa và hệ thống hóa lại. Bởi vậy, tháng 10 năm 1974, Blas Roca, tổng bí thư đảng Cộng Sản Cũ và thành viên Bộ Chính Trị đảng mới, được bổ nhiệm làm chủ tịch ủy ban lo việc soạn thảo hiến pháp mới. Sáu tháng sau bộ luận hoàn thành và được hàng triệu người Cuba trong các tổ chức đảng và quân sự, các liên đoàn lao động, các nhóm thông niên, phụ nữ mang ra bàn bạc.
Đổi mới trong việc thảo ra hiến pháp là tạo ra hình thức tự quản địa phương gọi là “Quyền Phổ Thông” (kiểu này không có ở các nước Cộng Sản khác) do Quốc Hội có trách nhiệm lập pháp, tức cơ quan nhà nước tối cao, đứng đầu. Các địa phương cử đại diện vào Quốc Hội.
Hiến pháp xác định Cuba là “nước xã hội chủ nghĩa của công nông dân và mọi tầng lớp trí thức,” và đảng Cộng Sản là “lực lượng lãnh đạo cao nhất của nhà nước và xã hội, tổ chức và hướng dẫn quần chúng theo con đường chủ nghĩa xã hội và hướng về xã hội Cộng Sản.” Trước hết là hoan nghênh José Martí đã “dẫn dắt chúng ta đến thắng lợi cách mạng của nhân dân,” sau đó là Fidel Castro lãnh đạo “cuộc cách mạng thắng lợi” tiến về phía trước…
Trong hiến pháp, Fidel được bổ nhiệm làm Lãnh Đạo Trọn Đời. Quốc Hội bầu ra ba mươi mốt Hội Đồng Nhà Nước với Fidel Castro là chủ tịch. Là chủ tịch hội đồng, Fidel trở thành “người đứng đầu nhà nước và chính phủ,” tức là Chủ Tịch Cuba, chủ tịch Hội Đồng Bộ Trưởng kiêm bí thư thứ nhất đảng Cộng Sản và Tổng Tư Lệnh quân đội. Dorticós được chuyển xuống chức bộ trưởng.
Thập niên giữa năm 1976 và năm 1986, Fidel Castro mừng sinh nhật lần thứ sáu mươi và kỷ niệm hai mươi bảy năm cách mạng, ông lo hoạt động ngoại giao và tăng cường tổ chức kinh tế Cuba, cải thiện chất lượng cuộc sống cuœa mười triệu dân trên đảo quốc, sau khi đã đáp ứng được các nhu cầu cơ bản về y tế và giáo dục cho mọi người. Về quan hệ quốc tế, Fidel gặt hái được nhiều thành công hơn thất bại, vẫn thách thức, được thế giới chấp nhận và tôn trọng. Thất bại của Fidel là chưa mở rộng được ảnh hưởng của Cuba ở phía đông Caribê như ông vẫn mong và trung đội Cuba thua Mỹ ở Grenada. Quan hệ với chính phuœ Mỹ cũng có những điều không như ý.
Thời điểm tuyệt vời của Fidel trên trường quốc tế là khi ông được bầu làm chủ tịch Phong Trào Không Liên Kết 1979-1982, chính thức lãnh đạo Thế Giới Thứ Ba mà ông hằng mong muốn. Fidel đăng cai hội nghị thượng đỉnh Phong Trào Không Liên Kết ở Havana vào tháng 9 năm 1979, có chín mươi hai nguyên thủ quốc gia hoặc đại diện tham dự - ông luôn là nhân vật nổi bật. Ở đâu mọi việc cũng đều diễn ra theo ý ông. Tháng 3 năm 1979, chế độ thân Cuba được thành lập trên đảo quốc nhỏ bé Grenada ở phía đông Caribê. Giờ đây, Cuba đã có đồng minh cách mạng ở Trung Mỹ và vành đai Caribê, không xa nước Venezuela chiến lược.
Tháng 10, Fidel Castro trở lại New York lần đầu tiên sau mười chín năm để nói chuyện tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc với tư cách chủ tịch Phong Trào Không Liên Kết. Điều này khiến ông cảm thấy rất tự hào. Năm 1960, ông đã phải trú trong một khách sạn ở Harlem còn bây giờ ông đường hoàng ở ba ngày tại New York trong một tòa nhà trung tâm mười hai tầng của phái đoàn Cuba ở Liên Hiệp Quốc mà Cuba mua với giá 2,1 triệu Mỹ kim. Số viên chức mà Phái đoàn Cuba thuê nhiều thứ ba, chỉ sau Mỹ và Liên Xô. Trong diễn văn kéo dài hai giờ ở Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, Fidel với tư cách người phát ngôn của Thế Giới Thứ Ba, đã yêu cầu Mỹ và các nước tư bản giàu có trợ giúp cho các nước kém phát triển 300 tỉ Mỹ kim trong mười năm. Ông nói, “nếu không có tài nguyên để phát triển thì sẽ không có hòa bình và tương lai sẽ rất tối tăm.” Số phận của Thế Giới Thứ Ba, trong đó có món nợ khổng lồ đối với các nước công nghiệp, là trọng tâm chính sách đối ngoại của Fidel trong thập niên 80. Ông nói chuyện này ở cuộc họp thượng đỉnh của Phong Trào Không Liên Kết năm 1982 ở New Delhi và trong cuộc công kích chống nợ ở Havana năm 1985.
Chủ nghĩa quốc tế Fidel lúc này tập trung mạnh vào vấn đề kinh tế. Mặt khác ông còn can thiệp quân sự vào các cuộc đối đầu cách mạng khắp toàn cầu, trước hết là Angola năm 1975, rồi đến Ethiopia năm 1978. Về chính sách với Thế Giới Thứ Ba, Fidel và người Nga hoàn toàn đồng điệu.
Fidel luôn công khai ủng hộ phong trào ở Nicaragua, hỗ trợ tối đa cố vấn quân sự và kỹ thuật viên dân sự. Ông cũng giúp quân du kích cánh tả ở El Salvador, song ông biết Cuba không thể bảo vệ hai nước Trung Mỹ khỏi cuộc tấn công trực tiếp của Mỹ. Ông tin rằng mâu thuẫn cũng có thể được giaœi quyết thông qua chính trị. Tuy nhiên, ông cũng biết trong cuộc khủng hoảng toàn diện, Mỹ sẽ cố gắng tiêu diệt ông. Ông càng lo hơn khi chính quyền Reagan mới đe dọa “đánh vào nguồn” của những biến động Trung Mỹ, tức Cuba, và bằng cách xâm lược Grenada vào năm 1983.
Trong quan điểm về Thế Giới Thứ Ba của Fidel, bác sĩ và giáo viên cũng quan trọng như quân đội. Ông tự hào Cuba là nước đang phát triển duy nhất thiện chí và sẵn sàng giúp nước khác. Thế hệ mới Cuba có tinh thần quốc tế hơn bao giờ hết. Ông nói, “Sau khi cách mạng Nicaragua thắng lợi, khi chúng tôi kêu gọi thì có tới hai mươi chín ngàn giáo viên tình nguyện… Lúc đầu, chúng tôi không có đủ bác sĩ trong nước còn hôm nay, chúng tôi có hơn mười lăm ngàn bác sĩ làm việc ở hơn hai mươi lăm nước ở Thế Giới Thứ Ba và sẽ còn nhiều hơn nữa vì hàng năm, chúng tôi có hơn hai ngàn bác sĩ mới ra trường. Đó là văn hóa mới, đạo đức mới… Thật kỳ diệu! Cứ tới trường đại học là có một trăm phần trăm tình nguyện viên làm bất cứ nhiệm vụ nào. Lúc chúng tôi cần tình nguyện viên đi Angola, ba trăm ngàn người đáp ứng. Cần tình nguyện viên đi Ethiopia, thì có hơn cả ba trăm ngàn người xin đi. Hiện giờ, có hàng trăm ngàn người Cuba đi làm sứ mệnh quốc tế. Người ta thắc mắc tại sao có hai ngàn giáo viên Cuba ở Nicaragua, vậy chứ ai sẽ làm cái việc mà người Cuba làm ở đó? Có bao nhiêu người ở Mỹ La tinh sẵn sàng đi tới nơi giáo viên Cuba đi, để sống với những gia đình nghèo nhất, ăn những thức ăn mà các gia đình nghèo nhất ăn, và dạy học ở đó? Ong không thể tìm thấy những người như vậy… Chúng tôi có nhiều người sẵn sàng đi bất cứ nơi nào trên thế giới là bác sĩ, giáo viên, kỹ thuật viên và công nhân hơn cả Quân Đoàn Hòa Bình của Mỹ và mọi nhà thờ cộng lại - trong khi đất nước chúng tôi chỉ có mười triệu dân thôi.”
Kể từ năm 1985, Fidel dành nhiều thời gian hơn để giaœi quyết vấn đề nợ của Thế Giới Thứ Ba với các ngân hàng và các nước công nghiệp. Ông nói các nước nghèo không trả nổi nợ, mà nếu phải trả lúc này thì nền kinh tế cuœa họ sẽ sụp đổ và hậu quả kéo theo sẽ rất kinh khủng. Năm 1986, Mỹ La tinh nợ trên 350 tỉ Mỹ kim (hầu hết là nợ ngân hàng Mỹ) và Thế Giới Thứ Ba nợ tổng cộng gần 750 tỉ Mỹ kim. Ở các buổi nói chuyện, phỏng vấn, hội nghị ở Havana, Fidel đả kích chủ nghĩa đế quốc thông qua đề tài nợ, song cũng tạo tác động tích cực để kêu gọi quốc tế chú ý đến vấn đề nghiêm trọng này. Fidel luôn nắm bắt thông tin về sự phát triển của Mỹ La tinh và cảnh báo các nước công nghiệp phương bắc rằng khuœng hoaœng sẽ nổ ra nếu họ không nhất quyết đánh vào cội rễ các vấn đề ở Tây bán cầu. Năm 1961, tổng thống Kennedy nhận thấy điều này nên đã phát động Liên Minh Tiến Bộ. Cuối thập niên 1980, chính phủ các nước phát triển giàu có cũng chịu chú ý đến vấn đề này.
Ở tuổi sáu mươi, Fidel Castro là ai? Theo nghĩa gần nhất thì ông quả là một nhà lãnh đạo tài năng và vẫn rất được lòng dân (thậm chí rất được yêu mến nữa) trong một đất nước dễ động lòng mà ông dẫn dắt hơn một phần tư thế kỷ để có vị trí quan trọng trong các vấn đề quốc tế và đang hướng đến cuộc sống chuẩn mực. Bản thân đã là ông nội, ông muốn thấy trẻ em Cuba sạch sẽ, khỏe mạnh và có giáo dục. Mục tiêu quốc gia trong năm 1985 là mọi người Cuba đều được học tới lớp chín, khác hẳn thế hệ trước. Không có nước nào có tỉ lệ bác sĩ trên dân số cao hơn Cuba hay có tuổi thọ lúc sinh ra cao hơn Cuba. Đối với bất cứ xã hội nào, dù kém phát triển hay đã phát triển, thành tựu này vẫn tuyệt vời.
Song Fidel còn phải giải quyết nhiều vấn đề kinh tế nữa. Ông vẫn như đang tìm kiếm điều gì đó, còn cân nhắc về quá khứ và tương lai. Không biết thế hệ mai sau sẽ nói gì về ông. Như có lần ông đã nói: “Đừng sợ những quan tòa tưởng tượng có mặt ở đây… Hãy sợ những vị quan tòa đáng sợ hơn nhiều, những quan tòa của hậu thế, các thế hệ tương lai, những người rồi đây sẽ chịu trách nhiệm phán quyết cuối cùng!”
Hồ sơ các âm mưu ám sát Fidel Castro của CIA và
phụ Lục
Bản báo cáo mật về các âm mưu ám sát Fidel của cục tình báo Trung ương Mỹ ( CIA)
Phỏng vấn tướng Fabian Escalanle, cựu cục trưởng cục an ninh quốc gia Cuba
Sự thật về những âm mưu ám sát Fidel của CIA
Công bố chi tiết bản báo cáo mật về các âm mưu ám sát Fidel của CIA
Các bài diễn văn gần đây nhất của Fidel phản đối dự gia tăng sức é của tổng thống Bush chống Cuba
Nguyên bản bức thư giã biệt của CHE gửi Fidel
Oliver Stone:"Fidel - một người sáng suốt, biết lẽ phải nhất trên trái đất này"
Phỏng vấn Fidel của đạo diễn Oliver Stone - người thực hiện bộ phim" Comandante"(vị tư lệnh) và " looking for Fiel" ( Hy vọng về Fidel )
Về phiên tòa tai tiếng xét xử năm chiến sỉ chống khủng bố người Cuba tại Miami,Mỹ
Các hình ảnh tư liệu về Fidel Castro
Bản báo cáo mật về các âm mưu ám sát Fidel của cục tình báo Trung Ương Mỹ
Cục Tình Báo Trung Ương Mỹ (CIA) đã chính thức công bố nhiều hồ sơ mật về các kế hoạch chống và mưu sát lãnh tụ Cuba Fidel Castro trong thời gian từ 1960 (một năm khi Cách mạng Cuba thành công) đến năm 1967. (Các hồ sơ mật của Chính quyền Mỹ sẽ được công bố sau 30 đến 40 năm tùy vào mức độ quan trọng).
Riêng đối với Fidel và Cuba thì chính sách của chính quyền Mỹ qua nhiều đời tổng thống Mỹ khồng hề thay đổi sự thù địch - nên đúng ra tập hồ sơ này sẽ không bao giờ được công bố nếu như Cục Điều Tra Liên Bang Mỹ (FBI) không tình cờ phát hiện ra một số nhân vật trong giới xã hội đen, các băng nhóm Mafia và Cuba lưu vong có những hoạt động mờ ám, có thể bị ngành tư pháp Mỹ bắt và truy tố. Điều khó xử là những nhân vật trên lại được CIA sử dụng trong việc chống đối Fidel và Cuba, do đó Bộ Tư Pháp Mỹ mới cần biết thêm, và một bản hồ sơ mật này bất đắc dĩ mới được trình lên Bộ Tư Pháp. “TUYỆT MẬT - CHỈ ĐƯỢC ĐỌC” (TOP SECRET - READ OMLY) là ghi chú nổi bật trên tập hồ sơ tình báo này. Tuy tập hồ sơ trước khi CIA gửi qua đã bị bôi đen rất nhiều chỗ (các danh tách và chi tiết nhận dạng các người thực hiện ám sát) nhưng đã tiết lộ rất nhiều âm mưu ám hại, ám sát bằng rất nhiều hình thức, từ mức độ, qui mô cho đến sự tinh vi trong đó ngoài thành phần người Mỹ, người Cuba lưu vong còn có cả các tập đoàn mafia kinh doanh casino sòng bạc, xã hội đen.
Bản báo cáo được đánh máy lại theo đúng như tài liệu gốc. Tất cả những lỗi chính tả, dấu chấm câu, ghi chú và gạch dưới đều theo đúng như nguyên bản, kể cả những chỗ bị kiểm duyệt bôi đen. Tất cả những “chú giải” được thêm vào giữa trong khắp tài liệu đều do chính các tác giả của bản báo cáo CIA này thực hiện.
Trước phần công bố bản báo cáo năm 1967 của Tổng Thanh tra CIA là phần phỏng vấn Tướng Fabián Escalante, nguyên Trưởng Ban Phản Gián của Cuba. Escalante là người có thẩm quyền cao nhất về các hoạt động bí mật của CIA chống lại Cuba và các vụ ám sát chủ tịch Fidel Castro.
Sự thật những âm mưu ám sát Fidel của CIA
* Phỏng vấn Trung Tướng Fabián Escalande, cựu Cục Trưởng Cục An Ninh Quốc Gia Cuba
Tôi đã đọc bản báo cáo của Tổng Thanh Tra CIA về những âm mưu ám sát chủ tịch Fidel Castro, được viết năm 1967 và chỉ mới được công bố gần đây. Phải thú thật, lần đầu tiên khi cầm bản báo cáo này trong tay, tôi hơi hoài nghi vì nghĩ rằng tài liệu này sẽ khá khô khan.
Tuy vậy, có hai điểm của bản báo cáo này đã lập tức gây được sự chú ý của tôi: đề tài hấp dẫn và văn phong của nó, vì càng đọc tôi càng thấy nó giống như một cuốn tiểu thuyết gián điệp. Song khác với tiểu thuyết, nó miêu tả một sự thật thô bạo.
Bản báo cáo lạnh lùng nói về các kế hoạch tội ác được vạch ra để chống lại vị nguyên thủ của một quốc gia láng giềng - Cuba - và các nỗ lực ám sát khác đã được tiến hành tại những nơi khác nhau trên thế giới cũng đã thu hút tâm trí tôi. Việc mà bản báo cáo ấy được soạn theo yêu cầu của Richard Helms, bấy giờ là Giám Đốc Cục Tình Báo Trung Ương (người được bổ nhiệm giữ trọng trách đó chưa đầy một năm) cho thấy rằng trong các hồ sơ của ông ta không hề có một tài liệu bằng chứng nào về “những hành động bí mật” đã nêu ra trong báo cáo. Thật ra, Helms đã tiếp tục những âm mưu ám sát đó cho đến ngày bị thay thế vào tháng 2 năm 1973.
Các tác giả không chút ngượng ngùng khi thú nhận họ chẳng những đã cố ám sát mà còn sử dụng cả Mafia (trong báo cáo được gọi thẳng là “những kẻ du côn” hoặc “bọn côn đồ”), và những phần tử phản cách mạng người Cuba, dưới sự phối hợp chặt chẽ với các quan chức trong chính phủ Mỹ.
Tài liệu được CIA đánh dấu là “TUYỆT MẬT – CHỈ ĐƯỢC ĐỌC”” này hiện đang được công khai sau 27 năm kể từ ngày được lên kế hoạch. Nguyên thủy nó được làm ra nhằm trả lời cho cuộc điều tra của ký giả Mỹ Drew Pearson về các âm mưu ám sát. Báo cáo ghi chú rằng vào ngày 7 tháng 3 năm 1967, Pearson “đề cập tới một bản tường trình của CIA vào năm 1963 về kế hoạch ám sát Fidel Castro. Pearson còn biết được thông tin, cho tới nay chưa được công bố, rằng kết quả là Bộ Ngoại Giao Mỹ đã có cuộc họp để bàn thảo về kế hoạch ám sát Fidel và đã có một toán điệp viên thực sự đã đổ bộ vào Cuba mang theo những viên thuốc độc dùng cho công tác ám sát này. Trên thực tế có cơ sở [để tin] cho từng dữ kiện trong ba bản báo cáo đó.”
Bản báo cáo cũng thú nhận rằng vào ngày 22 tháng 11 năm 1963, Rolando Cubela, nhân viên CIA AM/LASH, đã được trao một ống tiêm dưới dạng cây viết dùng để ám sát Fidel: “Rất có thể ngay vào thời điểm Tổng Thống Kennedy bị bắn, một viên chức CIA đã gặp điệp viên CIA người Cuba tại Paris và trao cho anh ta dụng cụ ám sát Fidel.”
Vì việc này và các chi tiết khác trong báo cáo khiến tôi quyết định phải tìm gặp một nhân vật nổi tiếng trong ban An Ninh Quốc Gia Cuba, người gần đây đã tiết lộ một số thông tin trong hồ sơ mật của Cuba liên quan đến những dây mơ rễ má giữa các kế hoạch ám sát Fidel Castro và các âm mưu mà cuối cùng, bằng cách dùng bộ máy được tạo ra trong chiến dịch ZR/RIFLE, kết liễu mạng sống của Tổng Thống Kennedy.
Trung Tướng Fabián Escalante Font nguyên là thành viên trong một đơn vị thuộc Bộ Nội Vụ Cuba có nhiệm vụ chống lại các kế hoạch của CIA, và sau này ông trở thành người đứng đầu Cục An Ninh QG Cuba. Hiện nay ông đang nghiên cứu sâu xa vào các đề tài này để soạn một cuốn sách viết về các nỗ lực ám sát chính đối với Fidel Castro, dựa trên các tài liệu mật của cơ quan An ninh QG Cuba.
Mặc dù tóc đã ngả bạc, Escalante trông vẫn còn trẻ. Dáng người cao, gầy, với phong thái đôi chút bí ẩn và kín đáo, rất hợp với vai trò chỉ huy gián điệp, ông có một trí nhớ phi thường về các sự kiện, danh tánh và ngày tháng – chắc chắn là nhờ vào quá trình trui rèn trong những năm tháng làm công tác đánh giá các báo cáo từ mọi nguồn rải rác khác nhau mà ông phải kết nối lại như một trò chơi ráp hình nhằm phát hiện xem kẻ thù phương Bắc thực sự đang làm gì. Khác hẳn cá tính lạnh lùng, khi được đề nghị ông đã say sưa kể lại từng chiến dịch mà mình đã tham gia.
Cuộc đối thoại dưới đây đã được thực hiện trong một căn nhà ở thủ đô Havana, Cuba vào một buổi sáng nóng bức.
Hỏi: Trong cả cuộc điều tra của Thượng Viện Mỹ năm 1975 và bản báo cáo mới giải mật gần đây của Tổng Thanh Tra CIA đều công nhận chỉ có tất cả tám âm mưu ám sát Fidel Castro. Song theo các nhà điều tra, đa số những âm mưu đó chưa bao giờ được thực hiện. Ông bình luận ra sao về điều này?
Tướng Fabián Escalante: Năm 1975 Ủy Ban Thượng Viện Mỹ chủ trì cuộc điều tra về những âm mưu ám sát Fidel Castro đã xem xét các hoạt động bất ngờ bị phơi bày vào cuối thập niên 1960. Năm 1966 và 1967, báo chí Mỹ đưa tin về thành viên tổ chức Mafia John Rosselli, nói rằng y đã tiến hành các hoạt động nhằm lật đổ chính phủ Cuba bằng cách ám sát Fidel Castro vào đầu thập niên đó. Một kế hoạch khác trong âm mưu này đã được huỵch toẹt trong chừng mực nào đó điệp vụ AM/LASH, liên quan đến Rolando Cubela Secades, tư lệnh phiến quân đã bị bắt tại Cuba năm 1966 vì đã tham gia trong các kế hoạch ám sát Fidel. Phiên xử cho thấy hắn có quan hệ mật thiết với Cục Tình báo Trung Ương Mỹ. Nên nhớ rằng, vào ngày 22 tháng 11 năm 1963 – đúng ngày John Kennedy bị ám sát - cũng chính Rolando Cubela là người đã được trao cây viết-ống tiêm thuốc độc dùng để giết Fidel Castro.
Sự trùng hợp về thời gian này đã khiến các nhà điều tra phải nêu thắc mắc là tại sao CIA lại giao cho nhân viên AM/LASH một vật được dùng để trong một cuộc mưu sát khác – giết chết Fidel.
Vậy là, vào giữa thập niên 1960, có hai âm mưu chính để loại trừ Fidel Castro đã được mang ra ánh sáng – kế hoạch Mafia, sau này được gọi là âm mưu thuốc độc và âm mưu CIA liên quan đến Cubela (AM/LASH), cũng như một kế hoạch ám sát Fidel trước đây của CIA trong chuyến viếng thăm LHQ của Fidel vào tháng 9 năm 1960. Dịp đó, một nhân viên CIA đã đề nghị một đại úy cảnh sát Mỹ, người chỉ huy toán bảo vệ Fidel, là giết chết lãnh đạo Cuba bằng một điếu xì gà có chứa thuốc nổ. Đó là ba âm mưu chính đã được biết đến vào lúc đó.
Sau này, còn có các âm mưu khác như tẩm độc dược vào bộ đồ lặn, đặt một vỏ sò chứa thuốc nổ ở bờ biển, tẩm chất độc hóa học vào xì gà để gây rối loạn thần kinh tạm thời và phun ma túy LSD vào phòng thu hình để làm cho Fidel cười mãi không thôi. Một kế hoạch khác vạch ra năm 1960 tại New York là bỏ muối thallium vào giày của Fidel để làm ông rụng hết râu – bộ râu vốn là đặc điểm lôi cuốn của nhà du kích huyền thoại.
Cần lưu ý là các âm mưu này được tiết lộ là do hệ lụy từ vụ tai tiếng Watergate và do hình ảnh bị hoen ố của CIA Mỹ. Thật ra, cuộc điều tra năm 1975 của Thượng Viện Mỹ chỉ phân tích sơ sài các âm mưu ám sát Fidel Castro của CIA. Nếu đọc kỹ bản báo cáo của Thượng Viện và bản báo cáo của Tổng Thanh Tra, sẽ thấy là họ đang cố làm cho độc giả tin rằng đa số các kế hoạch đó hoặc không được thực hiện hoặc đã bị bỏ dở nửa chừng. Thật ra không phải vậy và tôi có thể chứng minh được.
Hỏi: Như vậy đó không phải là các kế hoạch trừu tượng mà được xem là phải thực hiện, hoặc ít nhất là đã cất công để thực hiện phải không?
Tướng Fabián Escalante: Đúng vậy, người ta đã cố làm. Nhiều kế hoạch đã đến giai đoạn thực hiện, các đơn vị An Ninh Cuba đã phá vỡ một số kế hoạch, một số khác bị thất bại một cách ngẫu nhiên hoặc do có sai sót.
m mưu đầu tiên nhằm ám sát Fidel diễn ra trước lúc cách mạng giành được thắng lợi. Một kế hoạch nổi tiếng năm 1958 liên quan đến Eutimio Rojas, kẻ phản bội bị Batista mua chuộc để giết Fidel lúc ông đang ngủ trong lều ở Sierra Maestra. Tuy nhiên, đến phút quyết định, Rojas sợ quá không dám ra tay.
Một công dân Mỹ đã mưu tính thực hiện cuộc ám sát được vạch ra đầu tiên sau cuộc cách mạng năm 1959. Chuyện xảy ra ngày 2 tháng 2 năm 1959, khi Allan Robert Nye đến một điểm gần Havana trong một chiếc máy bay nhỏ. Trước đó Nye đã tiếp xúc với một số tên tuổi lớn trong tổ chức gây tội ác – các thành viên trong Nghiệp Đoàn Cờ Bạc có nhiều tài sản ở Cuba như sòng bạc, khách sạn lớn… Y định ám sát Fidel Castro gần Dinh Tổng Thống cũ. Trang bị một súng trường mạnh với ống ngắm từ xa, Nye ở khách sạn gần Dinh Tổng Thống chờ Fidel Castro đến văn phòng làm việc - thời điểm đó văn phòng của ông ở trong Dinh này; Nye đã bị bắt trước khi hắn kịp bóp cò.
Vào tháng sau, ngày 26 tháng 3 năm 1959, Rolando Masferrer Rojas, cựu thủ lĩnh đội quân tử thần của Batista, lúc đó đang ở Mỹ và liên lạc với CIA, đã đề nghị một vụ mưu sát Fidel khác, cũng tại địa điểm gần Dinh Tổng Thống. Cả CIA lẫn Nghiệp Đoàn Cờ Bạc ở Havana đều chấp thuận.
Điểm nổi bật nhất của mọi âm mưu ám sát nhắm vào Fidel Castro, sau khi cách mạng giành được thắng lợi năm 1959, là chúng đều được CIA tích cực hậu thuẫn và có sự đồng lõa của Chính Phủ Mỹ.
Có hai chứng cớ cho thấy như vậy. Thứ nhất là vào đầu tháng chạp năm 1959, Đại tá J.C.King, người phụ trách Ban Tây Bán Cầu của CIA, đã gửi báo cáo lên cho cấp trên là Allen Dulles nói rằng nếu muốn lật đổ cách mạng Cuba thì phải giết chết Fidel Castro. Ông ta đề nghị là nên xem tiến trình này là một hành động chính thức. Đó là một phần tài liệu được giải mật trong cuộc điều tra năm 1975 của Thượng Viện Mỹ. Và bản báo cáo này được đánh dấu là điểm bắt đầu một khuôn khổ pháp lý cho các kế hoạch ám sát Fidel của CIA. Nó đã được người đứng đầu Ban Tây Bán cầu soạn thảo và Allen Dulles, Giám đốc CIA, chuẩn y.
Chứng cứ thứ hai cho thấy sự đồng lõa trong những kế hoạch như thế giữa CIA và chính phủ Mỹ là vai trò của Tòa Đại Sứ Mỹ ở Havana. Ban An Ninh Cuba đã nghiên cứu một vụ rất quan trọng gọi là Vụ Opera. Vào thời gian đó quan hệ Mỹ – Cuba chưa tan vỡ. Mỹ vẫn duy trì sự có mặt của mình qua đại sứ quán ở Havana, với Philip Bonsal là Đại Sứ và James Noel là Trưởng trạm CIA tại đó. Khoảng 20 điệp viên CIA làm việc ở đây, kể cả Thiếu tá Robert Van Horn, một trong số các tùy viên quân sự. Van Horn liên kết với một tổ chức phản cách mạng đang hình thành ở Havana và Miami có tên gọi là lực lượng Dân Quân Công Nhân Chống Cộng (MAO). Một điệp viên CIA có tên là Geraldine Shapman đứng đầu tổ chức này, được liên kết với một số nhóm phản cách mạng ở Miami, bao gồm nhóm của Rolando Masferer Rojas. Tháng chạp năm 1959, nhóm này đề nghị với nhân viên CIA Robert Van Horn rằng nên bố trí phục kích giết Fidel Castro trong lúc ông đến thăm nhà tư lệnh Ramiro Valdés ở Miramar. Kế hoạch này được xem xét và gửi đến CIA để quyết định và Lois C.Herber, công dân Mỹ, phụ trách địa phận Trung Mỹ và Caribê của CIA, đã đến Cuba vào tháng giêng và tháng 2 năm 1960 để gặp những kẻ âm mưu đồng thời xem kế hoạch tiến triển ra sao.
Lúc đó, chúng tôi có hai điệp viên nằm trong trung tâm CIA của Đại sứ quán: đồng chí Luis Tacornal, được biết dưới cái tên Fausto và José Veiga Pena, hiện nay là trung tá Bộ Nội Vụ. Họ đã gặp cả Van Horn, Herber và cả một bộ phận trước đây thuộc nhóm biệt kích sẽ đảm nhận công việc ám sát. Chúng tôi ở vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Nếu Fidel không đến nhà tư lệnh Ramiro Valdés thì những kẻ âm mưu sẽ sinh nghi, còn chúng tôi thì lại muốn chiến dịch kéo dài đủ để có thể biết được kế hoạch của CIA như thế nào. Bởi vậy, người của chúng tôi đã đề nghị với CIA là trước tiên nên tìm cách ám sát Tư lệnh Abelardo Colomé Ibarra – một trong những người chỉ huy G-2 [Bộ An Ninh Quốc Gia Cuba] lúc đó và hiện nay là Bộ Trưởng Bộ Nội Vụ, còn việc ám sát Fidel thì chờ cho đến khi thời cơ thích hợp đến hãy ra tay.
Đề nghị này được CIA chấp thuận. Phía chúng tôi vạch ra kế hoạch để cuộc giao tranh diễn ra tại góc ngã tư đường First và B, và tại đây phía địch phục kích sẽ tấn công bằng đạn mã tử. Điều này chúng tôi thực hiện được bằng cách cho điệp viên của mình đánh tráo đạn của chúng. Nhóm của Geraldine Shapman đã giấu điệp viên của chúng tôi tại nhiều địa điểm khác nhau, và việc tấn công Fidel được hoãn lại cho đến tháng 11 năm 1960, tới lúc đó các phần tử của nhóm này đã bị bắt và kế hoạch của chúng bị bại lộ.
Tôi kể vụ đó vì nó xảy ra hồi cuối năm 1959 và đầu năm 1960 – sau ngày Đại tá King đệ trình báo cáo của ông ta - và vì chúng tôi đã có bằng chứng không thể chối cãi được về sự dính líu giữa Đại Sứ Quán Mỹ và nhân viên CIA ở Havana, ngà đã nhận lệnh của một chỉ huy cao cấp CIA. Chính sĩ quan cao cấp này là người đã đến gặp những kẻ âm mưu (trong đó có người của chúng tôi).
Bởi vậy, tôi mới nói họ đã bắt đầu tìm cách ám sát Fidel trước tháng chạp năm 1960 (thời điểm nêu ra trong báo cáo năm 1967). Trên thực tế thì các kế hoạch ám sát Fidel đã xuất hiện từ hơn 35 năm trước.
Hỏi: Tuy nhiên, các nhà điều tra của Mỹ nói rằng những chuyện này xảy ra cách đây đã lâu và bây giờ CIA không chấp nhận những hành động đó nữa. Ông có cho rằng CIA vẫn còn muốn ám sát Fidel?
Tướng Fabián Escalante: Có một điều quan trọng chúng ta nên nhớ. Tất cả các kế hoạch ám sát Tổng Tư Lệnh Fidel Castro đều có liên quan mật thiết với quyền lợi của Mỹ – và tất nhiên, liên quan đến cả sự ám ảnh của CIA về việc muốn lật đổ cách mạng Cuba, như quí vị biết, điều này vẫn còn sống động lắm. Tôi có thể cho nhiều thí dụ về điều này, và tôi không cần phải nêu ra các dẫn chứng đã có trong bản báo cáo của Tổng Thanh Tra. Tuy vậy, có một thí dụ khác chứng tỏ việc vạch kế hoạch ám sát Fidel có sự liên kết chặt chẽ với việc lật đổ cách mạng Cuba. Kế hoạch này được lập cho năm 1962, trong bối cảnh chiến dịch Con Cầy (Mongoose), một trong những chiến dịch lớn nhất của chính phủ Mỹ chống lại Cuba. Đây không chỉ là chiến dịch của CIA mà hơn thế nữa, nó được toàn thể chính phủ Mỹ hậu thuẫn, như một phần của kế hoạch phong tỏa kinh tế đã áp đặt lên đất nước chúng tôi và các thành viên thuộc tổ chức các Quốc Gia Châu Mỹ, ngoại lệ đáng kính trọng duy nhất là Mexico, bị buộc phải nghe Mỹ chấm dứt quan hệ với Cuba. Chiến dịch Con Cầy cũng liên quan đến một kế hoạch gọi là Chiến dịch Botín, bao gồm chiến tranh tâm lý chiến, sử dụng các trạm phát thanh kích động lật đổ (giống như những trạm hiện đang phát thanh chống lại Cuba) và truyền đơn. Truyền đơn được rải xuống bờ biển Cuba đựng trong các túi nhựa có bỏ thêm rơm để nổi được trên mặt nước, trong đó còn có cả kẹo xinh gum nữa.
Các truyền đơn này kêu gọi dân chúng ám sát Fidel Castro và các nhà lãnh đạo Cuba khác với một loạt tiền thưởng khác nhau: 150.000 Mỹ kim nếu giết được Fidel Castro, 120.000 Mỹ kim nếu giết Raúl Castro hay Che Guevara và 100.000 Mỹ kim nếu giết Tổng thống nước Cộng Hòa Cuba. Còn có cả một danh sách tiền thưởng dành cho các viên chức Cuba khác nữa. Hãy tưởng tượng mà xem: hàng ngàn tờ truyền đơn đã được gởi cho nhân dân Cuba, kêu gọi họ ám sát các lãnh đạo của họ với số tiền thưởng cụ thể! Tôi thấy thí dụ này chứng tỏ CIA sẵn sàng tiến xa và cố công để ám sát Fidel Castro tới mức nào trong thời gian đó.
Hỏi: Ông nói rằng theo không chỉ có có tám vụ mưu sát theo như bản báo cáo của Tổng Thanh Tra, và rằng chúng hoàn toàn khác hẳn nhau, bao gồm không chỉ sử dụng các điệp viên mà còn cả việc tích cực khuyến khích và xúi giục dân chúng tự nghĩ ra cách ám sát Fidel, có thể nói như vậy. Chiến dịch gửi kèm theo kẹo xinh gum cũng khá ranh mãnh, nếu không muốn nói là đáng hổ thẹn. Ông có cho rằng họ vẫn đang cố nghĩ ra các kế hoạch mưu sát Fidel nữa không?
Tướng Fabián Escalante: Tất nhiên là có. Thật ra, tôi vừa dành nhiều thời gian nghiên cứu hồ sơ của Bộ Nội Vụ về các âm mưu chống Fidel trong 35 năm vừa qua. Chúng tôi có tài liệu về 612 vụ, nhưng tôi nghĩ còn nhiều hơn nữa, vì trong những năm đầu cách mạng, Bộ An Ninh Quốc Gia vẫn còn rất mới mẻ nên không có nhiều kinh nghiệm trong việc tổ chức. Có nhiều trường hợp các đơn vị An ninh của chúng tôi đã phá vỡ được nhiều âm mưu thực hiện nhưng chúng đã không được ghi chép lại hết.
Có tất cả 612 âm mưu đã xảy ra trong giai đoạn 1959-1993. Tất nhiên, không phải âm mưu nào cũng có chất lượng như nhau. Các cấp độ lên kế hoạch của họ cũng không giống nhau. Điều kiện thay đổi ở cả Cuba lẫn ở Mỹ, vì thế các kế hoạch cũng phải khác. Quá trình phác thảo và tiến hành thực hiện 612 âm mưu đó khác hẳn nhau. Thập niên 1970 trở về trước, hoàn cảnh để kẻ phạm tội thực hiện kế hoạch thật dễ dàng. Có căn cứ ở đây lẫn ở Mỹ giúp họ có thể chuyển người, vũ khí và tiền bạc cần thiết. Sang thập niên 1980 thì mọi việc đối với chúng trở nên khó hơn nhiều.
Chúng tôi có thể chỉ ra một số kế hoạch ám sát được vạch ra sau bản báo cáo của Tổng Thanh Tra. Thí dụ, CIA định cho nhóm Antonio Veciana ám sát Fidel Castro giữa lúc ông đang thăm Chile, Ecuador và Peru năm 1971. Vào năm 1976, CIA thảo ra âm mưu ám sát Fidel trong lúc ông khởi hành đi Angola để dự buổi lễ ngày 11 tháng 11, mừng ngày thành lập chính phủ quốc gia đầu tiên tại nước này. Đến đây, tôi xin nói về hai âm mưu tương đối mới. Cũng không cần nói rõ ra là cũng còn những âm mưu khác vào cuối thập niên 1970 và trong suốt thập niên 1980. Chẳng hạn, CIA và bọn phản cách mạng Cuba ở Miami đã định ám sát Fidel khi ông đến Venezuela để tham dự lễ nhậm chức Tổng Thống năm 1989, nhưng bị thất bại vì các biện pháp an ninh chặt chẽ của chúng tôi và vì có sự trợ giúp của nhà chức trách Venezuela. Hơn nữa, còn do khung cảnh ở đó không thích hợp để kẻ sát nhân có thể tiếp cận Fidel.
Chúng tôi đã biết trước nhiều kế hoạch khác định thực hiện ở Cuba mà chúng tôi có thể vô hiệu hóa hay chặn đứng từ trong trứng nước.
Hỏi: Ông có nghĩ điều quan trọng là những tài liệu đó đã được giải mật? Trước đây, Cuba là nước duy nhất phơi bày những chuyện này. Giờ đây những tài liệu đó đã được giải mật, có thể do áp lực đặt nặng lên một số cơ quan công quyền ở Mỹ, ông có thấy tiết lộ này bổ trợ cho những điều mà Cuba đã lên tiếng suốt bao nhiêu năm qua không?
Tướng Fabián Escalante: Có, tôi thấy như vậy. Điều quan trọng là những tài liệu này đã được giải mật, vì chúng cho thấy rằng CIA không những muốn ám sát Fidel Castro, mà còn thiết lập một cơ chế vào đầu năm 1961 để ám sát các lãnh tụ chính trị nước ngoài chống lại các chính sách của Mỹ.
Tôi thấy nhiều hiện tượng chính trị đã xuất hiện tại Mỹ trong 35 năm qua đều có liên hệ đến quá trình này – đến cuộc chiến của CIA chống lại Cuba và những cơ chế được lập vào thời điểm đó. Tôi nói ra điều này vì kế hoạch ZR/RIFLE đã được lập ra hồi tháng giêng năm 1961. Kế hoạch đó hiện vẫn còn hiệu lực, mang tên gọi khác nhau nhưng cùng một mục đích là ám sát các lãnh tụ chính trị.
Từ cái chết của Orlando Letelier, Bộ Trưởng Ngoại Giao trong chính phủ Salvador Allende, đến việc ám sát tướng Omar Torrijos, Tổng Thống Panama (vụ này có liên quan đến Manuel Artime Buesa, một phần tử phản cách mạng Cuba và là nhân viên CIA đã bị bắt cầm tù ở Cuba), tất cả đều nằm trong kế hoạch này. ZR/RIFFLE cũng đã liên can đến nhiều cái chết “trùng hợp” xảy ra tại Mỹ và các vụ ám sát các lãnh tụ cách mạng ở châu Mỹ La Tinh. Tôi muốn nói đến các vụ ám sát, kể cả việc sát hại các lãnh tụ chính trị như ứng cử viên Tổng Thống Colombia Galan, cách đây bốn năm. Đó là một phần trong kế hoạch này bởi cộng đồng tình báo Mỹ đã đồng ý và công nhận rằng ám sát chính trị là công cụ hữu hiệu để áp đặt chính sách của Mỹ.
Thực tế là CIA đã tạo ra căn cứ hoạt động lớn nhất thế giới với hơn 400 nhân viên diện địa và trên 4.000 điệp viên (và là căn cứ duy nhất như thế của Mỹ) ở Miami năm 1962. Căn cứ này có cả máy bay, một lực lượng hải quân và vô số tổ chức chính trị để che giấu những hành động của mình. Chiến Dịch tối mật 40, một cơ cấu chống Cuba của CIA, sau này có dính líu đến vụ xì căng đan Watergate qua Frank Sturgis, Eugino Martinez và những người khác, có trụ sở nằm trong căn cứ đó.
Tôi đã từng nói và vẫn tin rằng vụ ám sát Kennedy cũng là tác phẩm của cùng âm mưu tội ác ấy, vốn đã được tạo ra để chống lại Cuba trước khi ông nhậm chức. Như vậy, nó được sử dụng không chỉ để chống lại Fidel Castro mà cả các lãnh tụ khác, thậm chí với Tổng Thống Mỹ, John F. Kennedy.
Tài liệu nội bộ
Tái lập mối liên hệ của Cục Tình Báo Trung Ương Mỹ với các kế hoạch ám sát Fidel Castro dù sao cũng là câu chuyện lịch sử không trọn vẹn. Bởi tính chất cực kỳ nhạy cảm của các kế hoạch được đem ra thảo luận và mưu tính, về nguyên tắc không có hồ sơ ghi chép chính thức nào về kế hoạch, về sự chuẩn y hay về việc thực hiện còn được lưu lại nữa.
Một ít hồ sơ được viết tay vẫn còn lưu lại hoặc gần như không mấy liên quan tới các biến cố chính hoặc nhớ mà chép lại mấy năm sau đó. William Harvey đã giữ lại các ghi chú tổng thể những hoạt động của ông ta trong những năm ấy và đó là nguồn thông tin có ghi ngày tháng tốt nhất của chúng tôi. Bác sĩ Edward Gunn, thuộc Văn Phòng Dịch vụ Y Tế, có ghi chép lại về những nhân vật ông đã gặp và thời gian gặp cũng như các lời ám chỉ khó hiểu về những đề tài đã bàn. của TSD, có ghi lại hai hoặc ba cuộc hẹn có liên quan. Gunn và chỉ dính líu vào các khía cạnh kỹ thuật trong việc lên kế hoạch. Mặc dù rời rạc, manh mún, song các ghi chép của họ cũng giúp đáng kể trong việc tái lập khung thời gian các sự kiện. Trong một số trường hợp, các hồ sơ chiến dịch cũng rất hữu ích, vì chúng cung cấp ngày tháng các cuộc họp, những điều cốt yếu của chúng có thể được suy ra từ các thông tin gián tiếp.
Tuy vậy, phần lớn chúng tôi phải dựa vào các thông tin được kể lại từ những người mà trí nhớ của họ theo thời gian đã không còn chính xác nữa. Đặc biệt là họ không nhớ rõ về ngày tháng, và một số lại không nhớ được hết các chi tiết của từng kế hoạch. Chúng tôi đã phỏng vấn tất cả những người mà chúng tôi nhận thấy họ có thể biết về vấn đề này, trừ ông Dulles và Tướng Cabell. Bản danh sách đầy đủ được đính kèm trong tab A. Chúng tôi không mất công sức và thì giờ vào những cuộc tìm kiếm mà biết rằng sẽ chẳng đi đến đâu. Nếu làm vậy chúng tôi hẳn đã mạo hiểm biến nhiều nhân viên trước đây không tham gia trở thành có tham gia và, theo sự đánh giá của chúng tôi, cũng chỉ thêm vào rất ít chi tiết có sẵn từ những người có liên quan trực tiếp. Các lời kể có khác nhau, nhưng hầu hết có thể lọc lựa bằng cách đối chiếu với những thông tin do những người đáng tin đã từng tham gia vào một kế hoạch cụ thể, và rồi sau đó thì kiểm tra lại dựa trên những ngày tháng cụ thể nhờ đó có thể biết được mức độ chính xác tới đâu. Chúng tôi tin rằng việc tái lập những gì đã xảy ra cùng những suy nghĩ liên quan đến điều đó đã được tiến hành hợp lý. Nếu trong bản báo cáo có những sự không chính xác quan trọng, có thể đó là do các chuỗi biến cố đã bị xếp sai trật tự. Chuyện xảy ra vẫn còn được nhiều người nhớ khá nhiều, song họ lại không nhớ chính xác thời điểm xảy ra.
Khi tiến hành điều tra, điều chúng tôi biết rõ rất sớm đó là sự hăng hái trong Cục khi đeo đuổi các kế hoạch sát hại cá nhân Fidel Castro có khác nhau tùy theo mức độ mong muốn lật đổ chế độ Castro của chính phủ Mỹ. Chúng tôi có thể phân định được năm giai đoạn riêng biệt trong các kế hoạch ám sát của Cục Tình Báo, dù sự chuyển tiếp giữa các giai đoạn không phải lúc nào cũng được xác định rõ ràng. Mỗi giai đoạn đều phản ánh thái độ đang thắng thế trong chính phủ Mỹ vào lúc đó đối với chế độ ở Cuba.
A. Trước tháng 8 –1960:
Hầu hết những kế hoạch có thể biết được vào trước tháng tám năm 1960, có thể với một ngoại lệ, là chỉ nhằm làm mất uy tín cá nhân của Castro bằng cách tác động đến thái độ cư xử hoặc làm thay đổi bề ngoài của ông.
B. Từ tháng 8 năm 1960 đến tháng 4 năm 1961:
Những âm mưu được dự tính vào cuối năm 1960 và đầu năm 1961 được theo đuổi một cách triệt để và ít ra cũng được một số người tham gia xem như một phần trong toàn thể nỗ lực lật đổ chế độ mà đỉnh điểm là biến cố Vịnh Con Heo.
C. Từ tháng 4 năm 1961 đến cuối năm 1961:
Kế hoạch chính bắt đầu từ tháng 8 năm 1960 đã bị ngưng lại sau biến cố Vịnh Con Heo và xếp xó trong nhiều tháng, như đa số các hoạt động khác liên quan đến Cuba của Cục Tình Báo.
D. Cuối năm 1961 đến cuối năm 1962:
Kế hoạch đặc biệt đó đã được hoạt động trở lại vào đầu năm 1962 và được đẩy mạnh trong thời kỳ phát động kế hoạch Con Cầy và trong bối cảnh chính phủ Mỹ gây áp lực với CIA buộc phải làm điều gì đó đối với Fidel và đất nước Cuba.
E. Cuối năm 1962 cho đến năm 1963:
Sau cuộc khủng hoảng tên lửa tại Cuba vào tháng 10 năm 1962 và sự sụp đổ của kế hoạch Con Cầy, kế hoạch hiếu chiến này - đã bắt đầu vào tháng 8 năm 1960 và được hồi sinh vào tháng 4 năm 1962 - cuối cùng kết thúc vào đầu năm 1963. Hai âm mưu khác cũng đã khởi sự vào năm 1963, nhưng cả hai đều bất khả thi và dẹp bỏ.
Chúng tôi không quá cường điệu mức độ mà những nhân viên Tình Báo có trách nhiệm tự cảm thấy khi phải chiều theo áp lực gay gắt của chính quyền Kennedy để làm điều gì đó đối với Fidel và chế độ của ông. Nhưng khi nhìn lại sự việc thì những âm mưu thiếu thực tế và không hiệu quả nên được xem xét dưới hoàn cảnh đó.
Nhiều người được chúng tôi phỏng vấn đã nhấn mạnh hai điểm hiển nhiên đến nỗi có ghi ra thì cũng thấy thừa. Dù vậy chúng tôi tin rằng những điểm này có liên quan đến câu chuyện đang trình bày ở đây. Đó là việc loại bỏ một nhân vật chủ chốt trong một chính phủ, thậm chí khi lòng trung thành của người khác được đặt riêng vào cá nhân người đó hơn là đặt vào cả một chính phủ, cũng nhất thiết không làm chính phủ đó sụp đổ được. Điểm này được nhấn mạnh liên quan đến Castro và quốc gia Cuba trong một tài liệu phác thảo lưu hành nội bộ CIA vào tháng 10 năm 1961, được khởi xướng để trả lời cho ước muốn có một kế hoạch dự phòng của Tướng Maxwell Taylor. Đại ý của tài liệu này là việc kết liễu Fidel Castro, dù với nguyên do nào, cũng khó lòng giải phóng Cuba khỏi chế độ cộng sản và sự kiểm soát của khối Xô Viết. Điểm thứ hai, đặc biệt có liên quan tới cuộc điều tra của chúng tôi hơn, là muốn lật đổ một chính phủ nhất thiết phải loại các nhà lãnh đạo của nó ra khỏi các vị trí quyền lực và luôn có rủi ro là những người tham gia phải dùng đến phương cách ám sát. Việc loại khỏi các vị trí quyền lực như trường hợp giam lỏng Mossadeq của Iran hoặc cuộc tháo chạy của Batista của Cuba cũng sẽ không làm cho người ta bỏ qua các việc sát hại Diệm ở Việt nam hoặc Trujillo ở Cộng hòa Dominique bởi chính các lực lượng được Chính phủ Mỹ khuyến khích nhưng không thể kiểm soát được.
Còn một điểm thứ ba mà những người được chúng tôi phỏng vấn không trực tiếp nêu ra, nhưng hiện rõ trong các cuộc phỏng vấn và trong lúc tham khảo hồ sơ. Điểm này thường được gọi là phép hoán dụ – đề cập chỉ một phần vấn đề nhưng phải hiểu cái tổng thể hay ngược lại. Bởi vậy, chúng tôi gặp những lời ám chỉ được lặp đi lặp lại như cụm từ “loại trừ Fidel,” có thể hiểu theo nghĩa đen, hẹp là ám sát ông ta, còn muốn nói với nghĩa bóng bẩy, rộng hơn thì là loại trừ chế độ Fidel. Xét ngược lại, chúng tôi thấy rằng khi người ta nói một cách mù mờ “làm một điều gì đó đối với Fidel,” thì rõ ràng là trong đầu họ đang nghĩ đến việc giết chết ông ta. Trong tình huống mà người nói có thể không thực sự muốn nói những điều mà họ có vẻ như muốn nói hoặc có thể đã không nói những gì họ thực sự muốn nói, thì sẽ đừng ngạc nhiên về họ nếu thấy việc ghi tốc ký những lời họ nói lại được diễn giải khác với ý của họ.
Điều gợi ra cho chúng tôi rằng các chiến dịch nhắm mục đích ám sát Castro có lẽ được phát sinh trong một bầu không khí căng thẳng trong các ấn bản tình báo viết về khả năng Fidel qua đời và về việc tái lập trật tự cấu trúc chính trị sẽ nối gót theo sau. Xem lại các ấn bản tình báo từ 1960 đến 1966, bao gồm các bản Đánh Giá Tình Báo Quốc Gia (NIE) [National Intelligence Estimates], Đánh Giá Tình Báo Quốc Gia Đặc Biệt [ Special National Intelligence Estimates (SNIE), bản Ghi Nhớ Tình Báo và bản Ghi nhớ gửi Giám Đốc. Tài liệu NIE về “Hoàn Cảnh cùng Triển Vọng ở Cuba” cho những năm 1960, 1963 và 1964 có vài đoạn vắn tắt về những chính phủ có khả năng kế vị một khi Fidel bị loại khỏi chính trường. Chúng tôi cũng tìm thấy những phần ngắn tương tự nhắc đến trong tài liệu SNIE tháng 3 năm 1960 và trong bản Ghi nhớ Tình Báo Tháng 5 năm 1965. Ở mỗi trường hợp cách xử sự này hoàn toàn phù hợp với cách xử sự mà ta sẽ mong được tìm thấy trong những tài liệu tổng hợp thông tin kiểu như vậy. Chúng tôi kết luận rằng không có lý do nào cho thấy những người thừa hành đã bị ảnh hưởng thái quá bởi nội dung của các ấn bản tình báo.
Bài báo của Drew Pearson ngày 7 tháng 3 năm 1967 đã nhắc đến kế hoạch ám sát Fidel Castro năm 1963 của CIA. Pearson cũng có thông tin, tuy chưa phổ biến, hàm ý là có cuộc họp ở Bộ Ngoại Giao bàn chuyện ám sát Fidel, rằng một toán người đã đổ bộ lên Cuba mang theo những viên thuốc độc dùng trong việc ám sát này. Thực tế thì có cơ sở cho từng báo cáo trong ba báo cáo đó:
a. Nhân viên CIA chuyển vũ khí ám sát cho một điệp viên CIA người Cuba tại một cuộc họp ở Paris vào ngày 22 tháng 11 năm 1963. Đó là một cây bút bi có gắn một ống tiêm. Nhân viên CIA đề nghị điệp viên Cuba đổ vào ống tiêm này chất độc Lá Đen 40. Chứng cứ này cho thấy là cuộc họp được xúc tiến ngay lúc Tổng Thống Kennedy bị bắn.
b. Có một cuộc họp của Nhóm Đặc Biệt (tăng cường) tại phòng hội nghị của Bộ Trưởng Ngoại giao Rusk ngày 10 tháng 8 năm 1962, ở đó Bộ Trưởng McNamara đã nhắc đến chuyện loại bỏ các nhà lãnh đạo Cuba. Cuộc thảo luận dẫn tới việc Edward Landale soạn thảo bản ghi nhớ hành động cho Kế Hoạch Con Cầy. Tại cuộc họp khác của Nhóm Đặc Biệt vào ngày 31 tháng 7 năm 1964, có cuộc thảo luận về thông tin mới được tung ra gần đây của ở Mật Vụ về âm mưu ám sát Fidel của một người Cuba lưu vong. CIA đã từ chối cấp ngân quỹ theo yêu cầu của người này và không can dự vào âm mưu đó.
c. CIA đã hai lần (lần đầu vào đầu năm 1961 và lần khác vào đầu năm 1962) cung cấp những viên thuốc độc cho các thành viên của nghiệp đoàn kinh doanh cờ bạc của Mỹ hoạt động dưới danh nghĩa của CIA trong một âm mưu ám sát Fidel Castro. Cuộc mưu sát năm 1961 này bị hủy bỏ và thuốc độc bị thu hồi. Cũng những viên thuốc đó được cung cấp vào tháng 4 năm 1962, đại diện của Nghiệp Đoàn Cờ Bạc đã chuyển cho một nhà lãnh đạo Cuba lưu vong ở Florida và ông này gởi thuốc tới Cuba vào khoảng tháng 5 năm 1962. Vào tháng 6 năm 1962, nhà lãnh đạo lưu vong này báo cáo rằng một toán gồm ba người đã được phái đến Cuba để chiêu mộ thành viên cho điệp vụ này. Nếu có cơ hội, toán đó có lẽ sẽ dùng những viên thuốc này để mưu sát Fidel.
Bản báo cáo này mô tả chi tiết từng thời kỳ một; đặt chúng vào trong trật tự xa gần và sẽ thấy lộ ra rằng trong khi các biến cố do Drew Pearson mô tả đã xảy ra và được chắp nối lại với nhau thành một câu chuyện hoàn chỉnh, thì mối liên hệ nhân quả, trực tiếp giữa chúng là thiếu cơ sở.
Những âm mưu trước tháng 8-1960
Từ tháng 3 đến tháng 8 năm 1960
Chúng tôi đã tìm thấy bằng chứng của ít nhất ba, có lẽ là bốn, kế hoạch được cân nhắc kỹ trước sự kiện Vịnh Con Heo, nhưng việc chúng tôi cố định khung thời gian chẳng qua nhờ suy đoán mà thôi. Những người có chút am hiểu về giai đoạn đó đoán là thời điểm nằm trong khoảng từ năm 1959 đến năm 1961. Khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 8 mà chúng tôi xác định có thể quá thu hẹp, nhưng lại rất khớp với bằng chứng hạn chế mà chúng tôi có được.
a. Không một người nào mà chúng tôi phỏng vấn, những người đầu tiên được giao nhiệm vụ trong đội đặc nhiệm ở Cuba sau sự kiện Vịnh Con Heo, biết bất cứ điều gì về các âm mưu này.
b. J.D (Jake) Esterline, chỉ huy đơn vị đặc nhiệm ở Cuba trước sự kiện Vịnh Con Heo, có lẽ là nhân chứng đáng tin cậy nhất về khoảng thời gian chung chung. Esterline có thể đã không được chia sẻ thông tin chi tiết chính xác về bất cứ âm mưu nào, song dường như ít ra ông ta cũng biết được tất cả các âm mưu đó. Ông ta không còn phân biệt được chi tiết từng kế hoạch, song mỗi điều ông nhớ đều khớp với một âm mưu nào đó. Bởi vậy, chúng tôi kết luận rằng mọi âm mưu lúc ấy vẫn đang được xem xét trong thời gian Esterline là người chịu trách nhiệm trực tiếp các hoạt động chống Cuba.
c. Chính Esterline đã cung cấp những dấu vết phù hợp nhất về khoảng thời gian có thể xảy ra. Ông ta nghĩ rằng phải sau khi Mỹ quyết định xong chính sách với Cuba, vào khoảng tháng 3 năm 1960, chứ không một kế hoạch nào kiểu như vậy lại có thể đưa ra xem xét các phương tiện thực hiện được. Đến quý ba năm 1960, toàn bộ sức mạnh của đơn vị đặc nhiệm phải tập trung vào nỗ lực đột phá chính, và hẳn sẽ không còn thời gian hay hứng thú theo đuổi những ảo ảnh kiểu này nữa.
Chúng tôi không thể thiết lập ngay cả trình tự thăm dò giữa các kế hoạch này; trong thực tế có thể chúng đã được cân nhắc cùng lúc. Chúng tôi cũng không tìm được bằng chứng nào cho thấy có âm mưu nào được chuẩn y ở cấp cao hơn cấp phòng ban. Chúng tôi nghĩ rằng rất có thể là đã không có sự tìm kiếm chấp thuận nào ở cấp cao hơn, và lý do là không một kế hoạch nào đã tiến triển đến mức cần có sự phát động từ sự phê chuẩn đó.
Cuộc Tấn Công Đài Phát Thanh bằng Hóa Chất Phun
của TSD nhớ lại cuộc thảo luận âm mưu làm nhiễm độc không khí trong phòng thu của đài phát thanh, nơi Fidel đọc diễn văn, bằng một bình xịt hóa chất để tạo ra các phản ứng tương tự như phản ứng của chất acid lysergic (LSD) một loại ma túy mạnh gây ảo giác. Ý kiến này không được tán thành. nói rằng ông đã ngăn cản kế hoạch này vì hóa chất đó không được tin là sẽ có tác dụng. , cũng là người của TSD, nhớ lại cuộc thí nghiệm với chất kích thích tâm lý nhưng không thể dùng nó với mục tiêu là Fidel. Chúng tôi không tìm được ai khác nhớ được gì về âm mưu này, trừ Jake Esterline, song ông này có thể đã nhầm lẫn nó với các âm mưu khác.
Những điếu xì gà tẩm độc
Jake Esterline khẳng định là trước sự kiện Vịnh Con Heo, ông ta đã giữ một hộp xì gà có tẩm một loại hóa chất. Lần đầu phỏng vấn, ông ta nhớ rằng hóa chất đó làm người ta tạm thời không còn biết mình là ai nữa. Vấn đề là nghĩ cách làm sao để Fidel hút điếu thuốc này trước lúc đọc diễn văn và sau đó chính ông ấy sẽ tạo ra những chuyện buồn cười cho mọi người xem.
Esterline nhớ rõ là ông đã giữ các điếu xì gà đó trong tủ sắt riêng của mình cho đến khi ông rời khỏi WH/ 4 và rằng chúng rõ ràng là muốn dành cho Fidel. Ông ta không nhớ bằng cách nào mình có được những điếu xì gà đó, nhưng rất có thể là đã chuẩn bị chúng.
Trong lần thứ hai phỏng vấn Esterline, khi nhắc lại những gì ông đã nói với chúng tôi trong lần nói chuyện đầu tiên về âm mưu làm rụng râu Fidel. Khi ấy, ông ta bảo xì gà có thể đã được dùng kèm với âm mưu đó. Cuối cùng, Esterline nói rằng, mặc dù rõ ràng là ông không còn nhớ về tác dụng mong muốn của các điếu xì gà đó nữa, ông quả quyết chúng không gây chết người. Theo Esterline, xì gà đã không được sử dụng vì WH/4 không tìm được cách nào để giao đi mà không nguy hiểm ngược cho Cục Tình Báo. Ông nói rằng đã hủy chúng trước khi rời khỏi WH/4 vào tháng 6 năm 1961.
Sidney Gottlieb của TSD khẳng định có một âm mưu liên quan đến các điếu xì gà. Để cho thấy trí nhớ tốt của mình, ông đã cho biết tên của nhân viên, khi ấy công tác bên WH/CA, đã đến gặp ông để nói về chuyện đó. Mặc dù có thể chắc chắn là có âm mưu như vậy, nhân viên mà Gottlieb nêu tên ra lúc đó đang nhận nhiệm vụ ở Ấn độ và cũng chưa bao giờ làm việc cho bộ phận WH hay tham dự vào các hoạt động ở Cuba. Gottlieb nhớ rằng kế hoạch đó thường được nhắc đến tuy không phổ biến rộng rãi và có liên quan cả đến việc giết chết chứ không chỉ nhằm tác động đến hành vi của Fidel. Theo Gottlieb biết thì chuyện này chỉ trong giai đoạn bàn tính thôi. T
SD có thể đã đi trước một bước và chuẩn bị xì gà chỉ là để đón đầu thôi, song Gottlieb chắc chắn rằng ông chưa được cá nhân Richard Bissell (thuộc DD/P) chấp thuận cho đưa ra sử dụng. Chúng tôi không biết được câu chuyện về những điếu xì gà mà Esterline và Gottlieb đề cập này là nằm trong cùng một âm mưu hay là hai âm mưu khác, không liên quan đến nhau. Chúng tôi cũng không tìm được ai khác nhớ rõ là những điếu xì gà giết người này đã được đem ra xem xét trước tháng 8 năm 1960 nữa.
Dùng hóa chất gây rụng râu của Fidel
Nhớ đến một kế hoạch liên quan đến chất muối thallium, một hóa chất được phụ nữ sử dụng làm rụng lông – với ý tưởng là dùng chất này để hủy hoại hình ảnh “Người Rậm Râu” của Fidel bằng cách phá hỏng bộ râu của ông.
Hóa chất này có thể gây tác dụng hoặc qua đường miệng hoặc bằng cách cho ngấm qua da. Nếu đúng liều sẽ gây rụng râu, còn quá liều thì gây bại liệt. Tin rằng ý tưởng này nảy sinh vào thời điểm Fidel thực hiện chuyến công du nước ngoài của ông. Họ sẽ rắc bột thallium vào giày của ông khi chúng được mang ra đánh bóng vào buổi tối.
m mưu tiến xa đến mức tìm kiếm hóa chất rồi thử nghiệm lên súc vật. Nhớ lại là Fidel đã thực hiện chuyến công du như dự tính song kế hoạch đã thất bại. nhớ rằng việc sử dụng muối thallium (có lẽ là dành cho Fidel) và điều gì đó có liên quan đến giày đã được xem xét. không nhớ là ông ta đã tiếp xúc với ai về âm mưu này. Chúng tôi cũng không tìm ra ai khác biết rõ về vụ này.
âm mưu dùng Mafia và tập đoàn cờ bạc
Kế hoạch đầu tiên ám sát Fidel được theo đuổi một cách nghiêm túc của CIA bắt đầu vào tháng 8 năm 1960. Kế hoạch này liên quan đến việc sử dụng các thành viên trong thế giới ngầm tội ác có các đầu mối liên hệ bên trong Cuba.
Chiến dịch gồm hai giai đoạn: Giai đoạn một kéo dài từ tháng 8 năm 1960 đến cuối tháng 4 hay đầu tháng 5 năm 1961, là lúc kế hoạch bị hủy bỏ vì xảy ra sự kiện Vịnh Con Heo. Giai đoạn hai từ tháng 4 năm 1962 đến tháng 2 năm 1963, chỉ là phục hồi lại giai đoạn một, vốn bị đình chỉ vào khoảng tháng 5 năm 1961.
m Mưu Giai Đoạn 1
Tháng 8 năm 1960
Richard Bissell, Phó Giám Đốc Kế Hoạch, đã hỏi ý Sheffield Edwards, Giám Đốc An Ninh, xem liệu Edwards có liên lạc với nghiệp đoàn cờ bạc đang hoạt động tại Cuba được không. Mục đích rõ ràng là ám sát Fidel, mặc dù Edwards xác nhận họ đã cố tình tránh không dùng những từ đó khi đối thoại với Bissell. Bissell nhớ đây là ý của J.C.King, lúc đó đang là Trưởng ban WH, dù hiện nay King nói là ông ta không được biết gì nhiều về những kế hoạch như vậy và cả những vụ việc xảy ra trễ hơn nữa – đến khoảng giữa năm 1962.
Edwards đã tham khảo ý Robert A. Maheu, một thám tử tư đã cộng tác với Cục Tình Báo trong một số vụ việc nhạy cảm, hỏi là Maheu có liên hệ nào với thế giới ngầm hay không. Maheu từng làm tình báo viên đặc biệt của FBI. Ông này mở văn phòng thám tử tư tại Washington năm 1956. Robert Cunningham, nay đã qua đời, là người thuộc Văn Phòng An Ninh (cũng là một cựu tình báo viên đặc biệt của FBI), biết Maheu và biết rằng công việc làm ăn của ông ta lúc đầu gặp khó khăn về tài chính. Cunningham thu xếp để trợ cấp cho Maheu mỗi tháng 500 Mỹ kim. Trong vòng sáu tháng, Maheu ăn nên làm ra đến nỗi ông ta đề nghị ngưng trợ cấp. Qua nhiều năm, ông ta đã can dự sâu vào các hoạt động nhạy cảm hơn của Cục. Từ đó, ông ta chuyển trụ sở đến Los Angeles song vẫn giữ lại văn phòng ở Washington. Một giải trình chi tiết hơn về thân phận của Maheu xuất hiện trong một đoạn riêng biệt của báo cáo này.
(Bình luận: mặc dù không thấy có gì xấu trong đó, chúng tôi vẫn sửng sốt trước sự thật là có quá nhiều nhân vật có tên trong báo cáo này đã từng cộng tác với FBI. Chúng tôi đã nêu tên Cunningham và Maheu. Sau này còn có thêm William Harvey, James O’Connell và Edward Morgan nữa.)
Maheu nhìn nhận ông ta có mối liên hệ giúp tiếp xúc với thế giới ngầm, song Maheu ngại để mình bị lôi cuốn vào trách nhiệm đó. Ông này chỉ chịu tham gia sau khi bị Edwards thúc ép. Maheu cho biết đầu mối tiếp xúc của ông là Johnny Roselli, người đã sống ở Los Angeles và được “nhượng” lại quyền kiểm soát các máy sản xuất đá cục trên một dẻo đất ở Las Vegas và là người mà Maheu biết là thành viên của nghiệp đoàn này. Với Roselli thì Maheu là người có nhiều khách hàng là các cơ sở kinh doanh lớn. Edwards và Maheu đồng ý rằng Maheu sẽ tiếp cận Roselli với tư cách là đại diện giới doanh nghiệp quan tâm đến Cuba, muốn loại trừ Fidel như là bước đầu để khôi phục lại sự đầu tư của họ. Maheu được phép nói với Roselli rằng “các khách hàng” của ông ta sẵn lòng bỏ ra 150.000 Mỹ kim để loại trừ Fidel.
Tháng 9 năm 1960
Shef Edwards được chỉ định làm nhân viên sự vụ chiến dịch cho James P.O’Connell (cựu tình báo viên đặc biệt của FBI), lúc đó là Trưởng Ban Yểm trợ Chiến dịch của Văn phòng An Ninh. O’Connell và Maheu gặp Roselli tại New York vào ngày 14 tháng 9 năm 1960, tại đó Maheu lên giọng thuyết phục ông này.
Lúc đầu, Roselli cũng miễn cưỡng tham gia, nhưng cuối cùng đã đồng ý giới thiệu Maheu cho “Sam Gold,” là người hoặc là đứng ra ký kết hoặc có khả năng thu xếp hợp đồng với người của nghiệp đoàn tại Cuba để lo chuyện đó. Roselli nói là ông không làm việc này là vì tiền và tin rằng “Gold” cũng vậy. Một bản ghi nhớ trong hồ sơ do Sheffield Edwards soạn ra vào ngày 14 tháng 5 năm 1962 ghi rằng: “Roselli và Giancana chưa từng được trả công. Maheu được thanh toán lại một phần phí tổn trong thời gian ông này ở Miami (Giancana tức là “Gold”.)
O’Connell được giới thiệu (bằng tên thật) với Roselli là nhân viên của Maheu, với lời giải thích rằng O’Connell sẽ đảm đương vụ này thay cho Maheu, vì Maheu quá bận không thể dành hết thời gian để lo toan việc này. Không ai khác trong Văn phòng An ninh lúc đó biết được hoạt động này. Bản thân Edwards mãi đến mùa hè năm 1962 mới gặp lại Roselli.
Lúc này, khoảng nửa sau tháng 9, Shef Edwards nói với Bissell là ông ta có bạn là một thám tử tư có biết một người trung gian có các mối quan hệ có thể tiếp cận được với những phần tử trong nghiệp đoàn ở Cuba. Những phần tử này sẵn sàng tham gia vào hoạt động như vậy. Cũng cuối tháng 9 năm 1960, Edwards, O’Connell và Bissell là những người duy nhất trong Cục biết là có kế hoạch chống Fidel có dính líu đến thành phần găngstơ Mỹ. Edwards tuyên bố Richard Helms không được thông báo về kế hoạch này vì khi đó Bissell bận lo việc ở Cuba.
Với sự có mặt của Bissell, Edwards tường thuật vắn tắt cho Giám Đốc (Allan Dulles) và DDCI (Tướng Cabell) là hiện đang có một kế hoạch liên quan tới các thành viên của nghiệp đoàn. Cuộc thảo luận rất thận trọng, Edwards tránh dùng bất cứ “từ xấu” nào. Cụm từ mô tả được dùng là “hoạt động tình báo.” Edwards chắc chắn rằng DCI và DDCI hiểu rõ bản chất của chiến dịch mà ông đang bàn thảo. Ông nhớ mình đã mô tả kênh liên lạc là “từ A đến B rồi đến C”, trong đó, “A” là Maheu, “B” là Roselli và “C” là người chịu trách nhiệm chính tại Cuba. Edwards nhớ là ông Dulles chỉ gật đầu, ý chừng như đã hiểu và chấp thuận. Điều chắc chắn là không có sự phản đối. Edwards đã tuyên bố, dù không được chấp thuận chính thức, ông vẫn cảm thấy rõ rằng ông được chấp thuận ngầm và cứ theo phán đoán riêng mà hành động. Bissell đã chuyển 150.000 Mỹ kim hỗ trợ cho hoạt động.
(Bình luận: Theo như mô tả trong bản báo cáo, có thể suy đoán mà không sợ sai là ông Giám Đốc đã ngụ ý chấp thuận. Cũng an toàn khi kết luận rằng, với những người tham gia và đề tài chính của cuộc họp như vậy, sẽ ít có khả năng có sự hiểu lầm ở đây – dù các chi tiết có cố tình không nói rõ ra và kết quả được mong đợi cụ thể không bao giờ được phát ngôn bằng những lời lẽ có thể nhận ra rõ ràng. Cũng có lý khi kết luận rằng việc nhấn mạnh tránh dùng những “từ xấu” đã cho những người tham gia thấy rõ chiến dịch này rất nhạy cảm.)
Trong tuần lễ từ ngày 23 tháng 9 năm 1960, O’Connell và Maheu đi Miami. Ở đó Roselli chỉ giới thiệu Maheu cho “Sam Gold” tại cuộc họp ở khách sạn Fontainbleau. “Gold” nói ông ta có một người mà ông gọi là “Joe,” sẽ làm liên lạc viên với Cuba và lo sắp xếp ở đó. Maheu đã chỉ cho O’Connell thấy “Gold” từ đằng xa, nhưng O’Connell chưa bao giờ gặp “Gold” hay “Joe,” song lại biết rõ lai lịch thật của họ. Một tài liệu của Văn phòng An Ninh, gửi cho DDCI đề ngày 24 tháng 6 năm 1966 có nhắc thời gian là “nhiều tuần lễ sau.” Giờ đây, O’Connell cũng không chắc là ông ta và Maheu biết được lai lịch thật của hai người đó từ chuyến viếng thăm Miami lần đầu hay lần sau. Maheu và O’Connell ở hai khách sạn khác nhau. Một sáng chủ nhật, Maheu điện thoại cho O’Connell và lưu ý ông này về tờ phụ trương “Parade” trên một tờ báo sáng hôm đó của Miami. Trong đó có bài viết về Cosa Nostra (tổ chức Mafia ở Mỹ) với hình ảnh của những thành viên quan trọng. Người mà Maheu và O’Connell biết dưới biệt danh “Sam Gold” xuất hiện với cái tên Mon Salvatore (Sam) Giancanna, một tên găngstơ có địa bàn hoạt động ở Chicago. “Joe, liên lạc viên” (người mà cả Maheu lẫn O’Connell không hề biết lai lịch) lại hóa ra Santos Tranfficante, tên trùm của Cosa Nostra tại Cuba.
Vào thời điểm đó, những sòng bạc vẫn còn hoạt động tại Cuba và Trafficante thường xuyên đi lại giữa Miami với Havana để lo việc cho nghiệp đoàn. (Từ ngày 7 tháng 1 năm 1959, những sòng bạc bị đóng cửa và lệnh cấm cờ bạc có hiệu lực. Ngày 13 tháng 1 năm 1959, Fidel thông báo sẽ được phép mở cửa lại các sòng bạc cho du khách và người nước ngoài chơi nhưng cấm dân Cuba. Ngày 17 tháng 2 năm 1959, nội các Cuba ký lệnh cho phép mở cửa lại những sòng bạc để kinh doanh du lịch. Tạp chí Time ra ngày 2 tháng 3 năm 1959 thông báo những sòng bạc đã mở cửa lại vào tuần trước. Tờ New York Times số ra ngày 30 tháng 9 năm 1961 thông báo rằng sòng bạc cuối cùng còn hoạt động đã bị đóng cửa.) Trafficante chắc đã thu xếp với người của ông ta ở Cuba cho chuyến đi đến Havana của mình.
Mùa Thu và Đầu Mùa Đông năm 1960
Ngay vào đầu chiến dịch, trước lúc liên lạc lần đầu với Roselli, các phương tiện ám sát đã được chuẩn bị sẵn để hành động. Trình tự các biến cố không rõ ràng song điều hiển nhiên là một số phương cách đã được xét đến. Việc chuẩn bị một số vật dụng đã được tiến hành trước mà không chờ có sự đồng tình.
(Bình luận: Cần lưu ý rằng TSD bảo quản một kho thiết bị và vật dụng để sử dụng trong các chiến dịch. Khi các kỹ thuật viên của TSD được hỏi về các máy móc hoặc vật dụng mà không có sẵn trong kho thì điều thưởng tình đối với họ là phải chuẩn bị trước để phòng khi có yêu cầu chính thức.
Bởi vậy, việc chuẩn bị trước cho chiến dịch chẳng có gì là lạ. Cũng cần lưu ý rằng vào lúc đó không có gì bất thường khi bỏ qua vai trò của Trưởng ban TSD trong các chiến dịch có nhân viên của ông tham gia. Trong khi Cornelius Roosevelt, lúc đó là Trưởng ban TSD, có ấn tượng rõ ràng rằng tất cả các yêu cầu đều được tác động thông qua ông ta, những biểu hiện được nêu ra trong tiến trình điều tra nơi mà những điều như thế không nằm trong vụ việc này. Các cách hành xử và thủ tục tồn tại trong thời điểm đó có thể giải trình, ít ra là một phần, là do khả năng hồi tưởng khác nhau về những gì đã xảy ra và những gì không xảy ra và vì mức độ quan trọng khác nhau mà những người tham gia đánh giá về sự phát triển nữa.)
Tiến sĩ Edwards Gunn, Trưởng Ban Chiến Dịch, thuộc Văn Phòng Y Vụ, có ghi rằng vào ngày 16 tháng 8 năm 1960, ông đã nhận được một hộp xì gà Cuba yêu cầu phải tẩm thuốc độc vào. Ông ấy hiểu rằng đây là loại xì gà mà Fidel yêu thích và nghĩ rằng người mang chúng đến cho ông là Shef Edwards. Edwards thì không nhớ sự kiện này. Gunn ghi chú rằng ông tiếp xúc với của TSD vào ngày 6 tháng 9 năm 1960. Theo nhớ là đã có thử tẩm với vài điếu và sau đó đã tẩm nguyên cả hộp xì gà. Giờ đây, người này không thể nhớ là lúc đầu mình nhận hai hộp, thử nghiệm một hộp rồi sau đó tẩm độc hộp thứ hai hoặc là đã mua một hộp để thử rồi sau đó mới tẩm hộp mà Gunn đã đưa cho ông.
Trên thực tế, nhân viên TSD còn không rõ có phải Gunn là người giao xì gà cho mình không nữa. Tuy nhiên, ông ta chắc rằng chính mình đã tẩm chất botulinum toxin cho cả hộp gồm 50 điếu - chất độc khủng khiếp này gây ra một chứng bệnh chết người sau vài giờ xâm nhập cơ thể. của TSD nhớ rất rõ là ông đã làm công việc mở và dán lại nguyên xi với cả hộp và với từng điếu xì gà được bọc kín, vừa để tiếp cận các điếu xì gà vừa để xóa các dấu vết giả mạo Ông đã cất giữ một điếu xì gà thử nghiệm và hiện nay vẫn còn lưu giữ nó. Trong cuộc điều tra của chúng tôi, ông ta đã thử nghiệm lại nó và thấy rằng chất độc vẫn còn duy trì 94% hiệu quả so với lúc ban đầu. Những điếu xì gà đã đợc tẩm độc nhiều đến nỗi chỉ cần ngậm xì gà vào miệng là đã bị nhiễm độc ngay, không cần đối tượng phải hút nó .
Những ghi chú của Gunn cho thấy ông đã báo cho biết là xì gà đã sẵn sàng để giao vào ngày 7 tháng 10 năm 1960. Còn ghi chú của lại cho thấy mãi đến ngày 13 tháng 2 năm 1961 thuốc mới được chuyển giao. Những ghi chép này không cho biết là đã giao cho ai. Gunn nói rằng ông ta đã nhận những điếu xì gà, vào thời điểm nào không rõ, và giữ trong tủ sắt riêng của mình. Ông nhớ đã hủy chúng trong vòng một tháng sau khi Shef Edward nghỉ hưu vào tháng 6 năm 1963.
(Ngoài lề cạnh đoạn văn trên có một đoạn ghi chú viết tay: “Chúng tôi tin rằng … đã giao những điếu xì gà cho ông Gunn”).
(Bình luận: Những người khác nhớ lại âm mưu dùng xì gà, nhưng chỉ coi đó là một ý tưởng được xem xét rồi loại đi. Roosevelt, Trưởng ban TSD lúc đó và O’Connell, nhân viên chuyên trách, có nhớ đến kế hoạch xì gà này, nhưng nghĩ rằng nó không bao giờ được đưa ra xem xét một cách nghiêm túc. Đối với Gunn và , người đã bỏ ra rất nhiều thì giờ nhưng không tham gia vào các cuộc thảo luận mở rộng về chiến dịch, những điếu xì gà có vẻ như quan trọng.)
Edwards nhớ đã tới gặp Roosevelt sau khi Bissell nói với Roosevelt về đề tài này. Theo Rossevelt thì ông ta có nói với Edwards sau khi Bissell đã bàn điều này với Edwards. Về khía cạnh kỹ thuật của vấn đề này, Bissell đã không nhớ mình đã nói chuyện cụ thể gì với họ, song tin rằng ông chắc hẳn đã “khép lại câu chuyện vòng vo” khi nói chuyện với cả Edwards lẫn Roosevelt. Roosevelt nhớ là lần đầu ông gặp Edwards tại văn phòng của ông này. Edwards nhớ lại đã yêu cầu được giới thiệu với một nhà hóa học. Ông ta chắc chắn đã không nói ra mục tiêu cho Roosevelt biết, nhưng Roosevelt nói rằng ông biết mục tiêu là Fidel. Roosevelt chắc rằng ông đã giới thiệu cho Edwards tiếp xúc với , lúc đó là Trưởng Ban Hóa Học của TSD, nhưng ông trưởng ban này không nhớ gì về công tác nào như vậy vào lúc đó mà chỉ nhớ các chiến dịch khác xảy ra vào những thời điểm khác, chứ không phải vào thời điểm này. Roosevelt đã nói nếu ông ta giao việc này cho thì có lẽ đã giao nó lại cho .
Theo Roosevelt thì có 4 cách đã được xem xét:
(1) một loại độc dược cực mạnh, như chất độc của một loài sò được tiêm vào bằng một cây kim (Roosevelt nói là đã cung cấp cho Gary Powers); (2) chất có chứa vi trùng dạng lỏng; (3) tẩm vi trùng lên thuốc lá hay xì gà; và (4) một khăn tay tẩm vi trùng. Theo trí nhớ của ông ta, thì cuối cùng đã quyết định vi trùng ở dạng lỏng là cách tốt nhất. Bissell cũng nhớ là quyết định đó, liên kết đến thói quen của Fidel là thường uống trà, cà phê hay ăn xúp hầm. Các món đó đặc biệt thích hợp cho việc sử dụng chất nước độc.
Tháng Giêng và Tháng Hai năm 1961
Mặc dù quyết định rằng chất độc dạng nước là thích hợp nhất, thật ra người ta đã chế và giao một chất rắn dưới hình thức các viên thuốc nhỏ cỡ cục đường hóa học. nhớ là đã họp với Edwards và O’Connell tại văn phòng của Edwards để bàn về những đòi hỏi cần thiết.
Qui cách yêu cầu là chất độc phải ổn định, dễ hòa tan, an toàn khi cầm, không thể phát hiện, không tác dụng tức thời và cho kết quả có thể tiên liệu được chắc chắn. Chất botulin đáp ứng gần hết những đòi hỏi đó và nó có thể được dùng dưới dạng chất lỏng hay chất rắn. nói rằng dạng thuốc viên được chọn vì cầm giữ dễ dàng và an toàn.
(Bình luận: Bọn găngstơ có thể cũng đã có chút ảnh hưởng trong việc chọn lựa phương tiện ám sát. O’Connell nói rằng ngay trong những cuộc thảo luận đầu tiên với bọn họ (hay chính xác hơn là cuộc thảo luận giữa Maheu với chúng), họ đã xét đến những phương cách có thể dùng để hoàn thành nhiệm vụ này. Rõ ràng là Cục Tình Báo trước tiên đã nghĩ đến cách giết người tiêu biểu theo kiểu “xã hội đen” là Fidel sẽ bị bắn gục, song Giancana lại thẳng thừng chống lại việc dùng súng.
Ông ta nói rằng sẽ không tuyển được ai đồng ý làm việc đó vì khó có cơ may sống sót và thoát thân. Giancana tuyên bố bỏ thuốc độc vào thức ăn hay đồ uống của Fidel là tốt nhất. Trafficante (“Joe, liên lạc viên”) đã tiếp xúc với một quan chức Cuba bị thất sủng có thể tiếp cận được Fidel để thừa cơ đầu độc. Bọn găngstơ cử nội gián của họ là Juan Orta, lúc đó là Chánh Văn phòng và Giám đốc Tổng văn phòng của Thủ Tướng (Castro). Họ nói rằng Orta đã có lần giữ một chức vụ để nhận tiền lại quả từ tiền lời cờ bạc, nhưng vì mất nguồn thu nhập đó nên ông ta đang cần tiền.)
Khi Edwards nhận được những viên thuốc, ông ta bỏ một viên vào trong ly nước để thử độ hòa tan của nó và thấy rằng nó thậm chí không tan ra, nói chi đến việc hòa vào nước. thu lại những viên thuốc này và chế ra lô thuốc mới tan nhanh. Edwards lúc đó muốn bảo đảm là những viên thuốc này thật sự có thể giết người được nên đã tìm đến bác sĩ Gunn để nhờ ông này thử nghiệm. Edwards đưa tiền cho Gunn để mua chuột bạch làm thí nghiệm. Gunn có ghi lại một cuộc đàm thoại với vào ngày 6 tháng 2 năm 1961 – có thể liên quan tới cuộc thử nghiệm nhưng chúng tôi không chắc lắm. Những gì có vẻ như đã xảy ra là Gunn đã thử nghiệm thuốc với chuột bạch và thấy chúng không tác dụng. nói rằng các thử nghiệm chất “botulin” trên chuột bạch là vô giá trị vì chuột bạch đề kháng mạnh với chất độc đặc biệt này. Đích thân đã thử nghiệm thuốc trên các con khỉ và thấy có tác dụng như ý.
Chúng tôi không thể tái lập với sự chắc chắn chuỗi sự kiện giữa thời gian những viên thuốc sẵn sàng cho tới lúc chúng được giao cho Roselli. Edwards có cảm tưởng ông ta đã báo cáo đáng khích lệ từ bác sĩ Gunn về cuộc thử nghiệm thuốc trên chuột bạch. Rất có thể là Gunn chỉ báo cáo là thuốc có hiệu quả và Edwards thì lại cho rằng báo cáo này dựa vào các kết quả thử nghiệm trên chuột bạch. Bác sĩ Gunn nhớ rõ, tuy không rõ ngày tháng, việc ông ta đã có mặt tại cuộc họp trong đó Roosevelt đã trình ra một cây bút chì được chế ra có thể dùng để dấu và chuyển giao những viên thuốc này. Roosevelt cũng nhớ cuộc họp đó song cũng đã quên ngày tháng. Ghi chú của Gunn nói rằng lần cuối cùng ông ta tham gia vụ này là khi ông giới thiệu Gottlieb với Edwards vào ngày 10 tháng 2 năm 1961. Gottlieb không cho là mình đã có liên can, đúng với lời của Bissell là Gottlieb có nhiệm vụ khác. O’Connell, người cuối cùng nhận những viên thuốc, cho rằng ông ta đã giao dịch với . không ghi chép về việc chuyển giao các viên thuốc vào lúc đó, nhưng bình thường thì ông ta cũng không lưu lại các hồ sơ chi tiết về những việc như vậy.
Dẫu sao, O’Connell đã nhận những viên thuốc và theo ông là có sáu viên. Ông nhớ là đã giao ba viên cho Roselli. Hình như ba viên còn lại được dùng để thử nghiệm độ hòa tan và tính hiệu quả. Song ngày tháng mà O’Connell nhận thuốc và giao cho Roselli thì không thể xác lập được. Có thể là vào lúc nào đó sau ghi chú ngày 10 tháng 2 năm 1961 của Guun.
Gunn cũng có ghi là đã được William K.Harvey (cựu nhân viên đặc biệt của FBI) tiếp xúc vào tháng hai về kế hoạch nhạy cảm mà Harvey đang làm cho Bissell. Theo ghi chú của Gunn thì ông ta đã nói tóm tắt với Harvey về chiến dịch này và Harvey chỉ thị cho ông ta là bàn chuyện với Gottlieb về kỹ thuật chứ đừng bàn về mục tiêu nào cả. Ghi chú của Gunn về điểm này không phù hợp với sự nhớ lại của những người có liên quan khác. Chúng tôi không thể xác minh được, ghi chú có thể đã nói về một tình huống khác. O’Connell tuyên bố rằng J.C.King cũng đã nghe thuyết trình vào lúc đó, mặc dù King chối và nói rằng mãi đến sau này mới biết chuyện.
Cuối Tháng 2 và Tháng 3 năm 1961
Roselli chuyển những viên thuốc độc cho Trafficante. Roselli báo cáo với O’Connell rằng những viên thuốc đã được giao cho Orta ở Cuba. Orta hình như đã giữ thuốc vài tuần rồi trả lại. Theo bọn găngstơ, Orta đã quá sợ hãi không dám ra tay.
(Bình luận: Orta đã mất việc ở Văn Phòng Thủ Tướng ngày 26 tháng 1 năm 1961 trong khi việc vạch kế hoạch cho chiến dịch này vẫn đang được tiến hành tại Miami và Washington. Ngày 11 tháng 4 năm 1961, ông này xin tá túc trong Đại Sứ Quán Venezuela, sau đó chuyển qua Đại Sứ Quán Mexico khi Venezuela cắt đứt quan hệ với Cuba vào tháng 11 năm 1961. Mãi đến tháng 10 năm 1964, Fidel mới cấp giấy thông hành an toàn để ông ta rời Cuba đến Mexico. Ông ta đã đến Miami đầu tháng 2 năm 1965.)
Có vẻ như rằng Edwards và O’Connell không biết về thời điểm Orta bị thất sủng. Họ đã không đề cập gì về chuyện này – nại lý do thất bại của Orta là do ông ta quá sợ. Dầu vậy, dường như bọn găngstơ biết rõ là Orta không thể tiếp cận Fidel được. Bọn họ mô tả Orta là người đã từng giữ chức vụ có thể nhận tiền chia chác từ tiền lời cờ bạc, một vị trí mà ông ta không còn nắm giữ nữa. Công việc duy nhất mà chúng tôi có thể tin rằng Orta đã nắm giữ nhờ đó cho phép ông ta có thể vơ vét là chức vụ trong văn phòng Thủ tướng mà ông bị cách chức vào ngày 26 tháng 1 năm 1961. Có thể là trong khi Cục Tình báo nghĩ rằng phía găngstơ có người ở Cuba dễ dàng tiếp cận Fidel thì những gì họ thực sự có là một người đang bực tức vì không còn cơ hội tiếp cận nữa.)
Bản tổng kết về chiến dịch ngày 24 tháng 6 năm 1966, đã đề cập bên trên, của Phòng An Ninh ghi rằng khi Orta rút lui khỏi nhiệm vụ, ông ta có đề nghị người thay thế và người này đã cố nhiều lần song không thành công. Cả Edwards lẫn O’Connell đều không biết lai lịch của người thay thế Orta, cũng không có thêm chi tiết nào về các nỗ lực khác.
Tháng 3 và tháng 4 năm 1961
Sau khi nhánh Orta bị gẫy, Roselli bảo O’Connell rằng Trafficante có biết một người cấp cao trong phong trào lưu vong có thể đảm nhận công việc này. Đó là Tonny Verona (bác sĩ Manuel Antonio de Varona y Loredo), người đứng đầu Mặt Trận Cách Mạng Dân Chủ, phần của chiến dịch lớn hơn ở Cuba. O’Cornell biết Varona bất mãn .
(Bình luận: Các báo cáo của FBI có ghi Trafficante biết Varona bằng cách nào. Ngày 21 tháng 12 năm 1960, FBI chuyển sang cho CIA tài liệu nói rằng các găngstơ Mỹ nỗ lực hỗ trợ tài chính cho những hoạt động chống Fidel với hy vọng sẽ giữ lại được các công việc làm ăn về cờ bạc, nhà thổ và độc quyền kinh doanh các chất ma túy một khi Fidel bị lật đổ. Một báo cáo sau này đề ngày 18 tháng 1 năm 1961 có gắn tên Varona vào những kế hoạch đó. Varona đã thuê Edwards K Moss, một cố vấn quan hệ công chúng ở Washington, làm người gây quỹ và tư vấn về quan hệ công chúng. Báo cáo của FBI cho rằng tình nhân của Moss là một cô Julia Cellini nào đó có các anh em làm đại diện cho hai sòng bạc lớn nhất ở Cuba. FBI tin rằng những người anh em của Cellini đã tiếp xúc với Varona thông qua Moss và đã đưa cho Varona một khoản tiền lớn để ông này dùng trong chiến dịch chống Fidel, đổi lại họ sẽ nhận được đặc quyền “trong nước Cuba tương lai.” Các nỗ lực nhằm xác minh các báo cáo này đã không thành công).
Có một tài liệu nói CIA liên quan đến Moss nhưng không có gì chứng tỏ rằng Cục Tình Báo có dính líu gì với ông ta trong vấn đề Cuba.
Vào đầu năm 1965, Moss được sự quan tâm của Ủy ban Đối ngoại Hạ viện vì trong quá khứ ông này đã từng làm đại diện cho những chính phủ nước ngoài khác nhau. Một tài liệu do Ban Tham mưu CA soạn ra vào tháng 3/1965 nói rằng các báo cáo này đã không cho thấy Moss được dùng trong bất cứ việc gì )
Trafficante gặp Varona và nói rằng ông có những khách hàng muốn loại trừ Fidel và sẵn sàng trả tiền hậu hĩ cho việc này. Báo cáo cho biết là Varona sốt sắng nhận lời vì điều này có nghĩa là ông ta có thể mua sắm sở hữu riêng tàu bè, vũ khí và thiết bị liên lạc.
(Bình luận: Vào thời điểm này, Roselli đã chắc chắn rằng O’Connell là nhân viên của Cục Tình Báo chứ không phải là thuộc cấp của Maheu. Ông ta nói với O’Connell rằng ông ta chắc chắn O’Connell là “nhân viên Chính phủ - CIA” nhưng O’Connell không xác nhận điều này. Roselli nói rằng ông ta là một người Mỹ trung thành nên sẽ làm bất cứ điều gì có thể làm được và không bao giờ tiết lộ chiến dịch.)
Roselli phải cung cấp tiền bạc cho Varona chi dùng. O’Connell nhớ số tiền là 50.000 Mỹ kim. Edwards, không có mặt vào thời điểm đó, thì nhớ số tiền đó là 25.000 Mỹ kim. Vì Edwards đi vắng nên O’Connell phải có được sự chấp thuận từ phụ tá của Edwards là Robert Bannerman, là người mà đến lúc đó vẫn không hề biết gì về chiến dịch. O’Connell nói với Bannerman rằng Edwards đã biết về chiến dịch và chấp thuận rồi. Bannerman cho phép chuyển tiền và bây giờ nhớ lại con số ghi trên phiếu chuyển tiền là từ 20.000 Mỹ kim đến 25.000 Mỹ kim. Một tài liệu đề ngày 24 tháng 6 năm 1966 của Văn phòng An ninh gửi cho DDCI thì nói rằng số tiền đó gồm 10.000 Mỹ kim tiền mặt và các thiết bị liên lạc tương đương 1.000 Mỹ kim. Jake Esterline, người ký biên nhận thanh toán cũng nhớ số tiền đó đúng như con số đã ghi trong tài liệu của Văn phòng An ninh.
(Bình luận: Để hiểu thêm về vấn đề này, Esterline nói rằng, khi đã biết có ý định dùng Varona, các bước hủy bỏ kế hoạch đã được tiến hành. Varona là một trong năm nhân vật chủ chốt trong Mặt trận Cách mạng và đã tham gia sâu vào việc yểm trợ chiến dịch Vịnh Con Heo đang đến gần. Trong thực tế, nếu thực hiện các bước nhằm chấm dứt sự tham gia của Varona vào kế hoạch nghiệp đoàn, việc làm đó không đạt được hiệu quả. Rõ ràng ông ta là một phần không thể tách rời trong kế hoạch nghiệp đoàn này.)
Khi tiền đã sẵn sàng, O’Connell lấy những viên thuốc từ tủ sắt ra và giao thuốc cùng với tiền cho Roselli. Ông này trao thuốc và tiền lại cho Varona, người mà Roselli quan hệ dưới một tên giả. Rất ít điều được biết thêm về con đường chuyển giao này khi đã đến tay Varona. Varona được tin là có nội gián ở Cuba giữ một vị trí thân cận có thể tiếp cận và đầu độc Fidel. Edwards có nhớ điều gì đó về một đầu mối liên lạc đang làm việc tại một nhà hàng mà Fidel thường lui tới, và người này sẽ nhận thuốc độc và bỏ vào đồ ăn thức uống của Fidel. Edward chắc chắn kế hoạch đã thất bại vì Fidel sau đó đột nhiên chấm dứt lui tới nhà hàng đặc biệt đó.
Tháng 4 và tháng 5 năm 1961
Không lâu sau biến cố Vịnh Con Heo, Edwards nhớ O’Connell đã báo cho Roselli biết chiến dịch đã bị đình chỉ – cho dù có gì xảy ra thì tiền cũng sẽ không được chi ra nữa. Edwards chắc chắn rằng chiến dịch đã hoàn toàn ngưng lại sau lần đó; chiến dịch này bị xếp xó và tiếp tục như vậy cho đến tháng 4/1962.
Rõ ràng ông đã liên hệ nguồn gốc của chiến dịch này dẫn đến việc xảy ra sự kiện Vịnh Con Heo và việc chấm dứt của nó với sự thất bại của Vịnh Con Heo. O’Connell đồng ý là chiến dịch đã bị hủy bỏ sau sự kiện Vịnh Con heo nhưng việc chấm dứt này không có nghĩa là nó đã hoàn toàn kết thúc hẳn. Ông tin rằng có gì đó diễn ra vào giữa tháng 4/1961 và tháng 4/1962 nhưng bây giờ ông không nhớ rõ đó là cái gì. Ông đồng ý với Bill Harvey rằng khi chiến dịch được làm cho sống lại vào tháng 4/1962, Harvey đã đảm nhận một “chiến dịch đang diễn ra”.
(Bình luận: Như đã thấy qua sự khác biệt giữa Edwards và O’Connell, cả Bissell lẫn Esterline đều đưa ra ngày tháng chấm dứt chiến dịch ám sát khoảng sáu tháng trước sự kiện Vịnh Con Heo. Esterline việc lý do cho nhận định này dựa trên niềm tin rằng quyết định đã được đưa để thực hiện trước đối với một chiến dịch quan trọng, bao quát thay cho chiến dịch nhằm vào mục tiêu cá nhân như vậy. Về phương diện này dù có ý định gì đi nữa, nếu quyết định chấm dứt thực sự đã có thì quyết định này đã không truyền đạt rõ ràng với nhau. Điều rõ ràng là kế hoạch ám sát Fidel vẫn tiếp tục một thời gian sau sự kiện Vịnh Con Heo.)
O’Connell tin là ông hẳn đã thu hồi lại các viên thuốc, nhưng ông lại không nhớ cụ thể về việc làm này. Ông ta cho rằng thay vì trả thuốc lại cho TSD, có lẽ ông ta đã hủy chúng đi, rất có thể là đã liệng chúng vào bồn cầu và xối nước cho trôi đi. [Kiểm duyệt] không ghi chép gì về việc nhận lại những viên thuốc nhưng lại quả quyết là chúng đã được trả về cho ông.
Trong một tài liệu đề ngày 14 tháng 5 năm 1962, Sheffield Edwards nói rằng số người biết về chiến dịch đặc biệt này chỉ vỏn vẹn có sáu người. Trong quá trình điều tra, chúng tôi đã phát hiện những tên tuổi sau đây vào cuối năm 1960 hoặc đầu năm 1961 đã biết về kế hoạch ám sát Fidel đặc biệt này:
Allen Dulles, Giám Đốc Cục Tình Báo Trung Ương (CIA)
Tướng C.P.Cabell, Phó Giám Đốc Cục Tình Báo Trung Ương
Richard Bissell, Phó Giám Đốc phụ trách Kế Hoạch
Sheffield Edwards, Giám Đốc An Ninh
James O’Connell, Văn Phòng An Ninh, sĩ quan phụ trách
J.D.Esterline, Trưởng ban WH/4
Cornelius Roosevelt, Trưởng ban TSD, Ban Hóa Học, TSD
Edward Gunn, Trưởng Ban Chiến Dịch, Sở Y Khoa
William Harvey, Trưởng ban FI/D
Sidney Gottlieb, Phụ tá Đặc biệt của DD/P
(Tên của Gottlieb đã được đề cập nhiều lần trong cuộc điều tra này nhưng ông ta chối là không biết chiến dịch năm 1960-1961 này)
Robert Bannerman, Phó Giám Đốc An Ninh
J.C. King, Trưởng ban WH (Ông này cũng phủ nhận là đã biết chiến dịch vào thời điểm đó).
Những nhân vật nằm ngoài chính phủ sau đây được biết là biết về chiến dịch này đồng thời hoặc biết hoặc gần như chắc chắn là Cục Tình Báo đứng sau chiến dịch ám sát này:
Robert Maheu, thám tử tư
John Roselli, người tiếp xúc chính của CIA với nghiệp đoàn cờ bạc.
Sam Giancana, một nhân vật quan trọng của nghiệp đoàn
Santos Trafficante, liên lạc viên và là người sống ở Cuba.
Những nhân vật kể thêm dưới đây đều có biết về chiến dịch, nhưng việc họ biết là chiến dịch này có dính líu đến CIA chỉ là do suy diễn:
Juan Orta, người lúc đầu được tuyển chọn để đầu độc Fidel
Antonio Varona, lãnh tụ người Cuba lưu vong
Con rể của Varona, được biết là đã cộng tác mật thiết với cha vợ trong thời gian đó. (Hồ sơ 201 của Verona không hề đề cập đến việc Verona có con rể, nhưng ông ta nhận ra người cộng sự thân cận này như thế.)
Lawrence Houston, Tổng Cố Vấn Cục Tình Báo và Bộ trưởng Tư pháp Robert Kennedy biết đầy đủ các chi tiết của chiến dịch vào tháng 5 năm 1962. Chúng tôi không biết những chi tiết trong báo cáo mà Drew Pearson hiện nay đang giữ, nhưng có thể nó cũng bao gồm nhiều chi tiết về chiến dịch này. Nếu vậy thì phạm vi những người hiểu biết về vụ này sẽ được kéo rộng ra như sau:
Edward P. Morgan, luật sư của Maheu ở Washington
Nhà báo Drew Pearson và có thể cả đồng nghiệp của ông ta là Jack Anderson.
Trưởng Chánh án Tòa án Tối cao Earl Warren
James Rowley, Chỉ Huy Trưởng Mật Vụ
Pat Coyne, Thư ký Điều hành của PFIAB
Tổng Chưởng lý Ramsey Clark
Nhiều nhân viên FBI khác
Các Tập Đoàn Cờ Bạc
m Mưu Giai Đoạn 2
Vào tháng 2 năm 1961, William Harvey, trưởng ban FI/D, được Richard Bissell tường trình về giai đoạn 1 của chiến dịch nghiệp đoàn cờ bạc. Buổi thuyết trình này liên quan đến một chiến dịch nhạy cảm mà Bissell giao cho Harvey. Sau đây là lời kể lại của Harvey:
Vào thời kỳ đầu của chính phủ Kennedy, Bissell đã mời ông ta đến để thảo luận về đề tài mà Harvey gọi là Khả Năng Hành Động cấp Điều hành, có nghĩa là khả năng trực chiến tổng quát để thi hành các cuộc ám sát khi cần đến. Ghi chú của Harvey có trích lời Bissell nói: “Nhà Trắng đã hai lần giục tôi tạo khả năng như thế.” Bissell nhớ là đã bàn với Harvey về vấn đề phát triển khả năng tổng quát này. Ông ta đề cập đến Edwards/chiến dịch nghiệp đoàn cờ bạc chống lại Fidel trong bối cảnh đó, thế nhưng giờ đây ông ta nghĩ rằng vào lúc đó chiến dịch này đã chấm dứt và rằng việc đề cập đến nó chẳng qua đây là một chiến dịch quá khứ được xem là một vụ việc điển hình mà thôi. Chính trên các cơ sở đó mà Harvey được thu xếp để nghe Edwards báo cáo. Việc Harvey sửa lại ngày tháng vào tháng hai chỉ sau khi ông duyệt lại các biến cố vừa trước lúc nghe thuyết trình và cả sau khi nghe. Ông nói rằng thời gian sớm thì có thể là cuối tháng giêng hoặc trễ lắm là vào tháng ba năm 1961.
Sau một số buổi thảo luận về các vấn đề liên quan đến việc phát triển một Khả năng Hành động cấp Điều hành, Bissell giao cho Harvey làm việc này. Harvey kể Bissell cũng đã bàn một vài khía cạnh của vấn đề với và với Sidney Gottlieb. Do được bổ sung vào, Harvey đã dùng người này trong việc phát triển Khả Năng Hành Động cấp Điều hành, mặc dù không bao giờ liên quan đến Fidel. Chúng tôi đã không hỏi Gottlieb xem ông ta có biết chương trình tạo ra Khả Năng Hành Động cấp Điều hành không, song việc Harvey đề cập đến ông ta trong mối quan hệ này có thể giải thích cho một ghi chú của Bác sĩ Gunn rằng Harvey đã chỉ thị cho Gunn hãy bàn thảo với Gottlieb về kỹ thuật mà không cần đề cập gì đến chiến dịch chống Fidel.
Harvey phát biểu rằng sau khi quyết định ban hành trước cho việc tạo ra một Khả năng Hành động cấp Điều hành, và trong khi ông ta đang thảo luận việc mở rộng nó với Bissell, ông đã tường trình đầy đủ cho ông Helms về khái niệm chung nhưng không đề cập gì đến kế hoạch đang xúc tiến lúc đó nhằm ám sát Fidel.
Chương trình Hành động cấp Điều hành ra đời với tên gọi ZRRIFLE. “Tài sản” chính là một điệp viên tên QJWIN, người trước đây được tuyển mộ cho một chiến dịch đặc biệt tại Congo (để ám sát tổng thống Patrice Lumumba) được điều hành bởi . tiến hành nghiên cứu hiện trường và quyết định không muốn tham gia vào một cuộc mưu sát nên yêu cầu được rút ra – và Bissell đã chấp nhận.) Tên ZRRIFLE của kế hoạch xuất hiện lần đầu trong các hồ sơ vào tháng 5 năm 1961, mặc dù văn bản duyệt y đầu tiên ký ngày 19 tháng 2 năm 1962. Nhân vật mới DD/P (Helms) hôm đó đã giao quyền cho Harvey, theo tài liệu, xử lý kế hoạch này trên cơ sở đặc biệt. Việc kế toán chi tiêu sẽ là dành cho loại chung và có chứng nhận của Harvey. Con số chuẩn y khởi đầu là 14.700 Mỹ kim, trong đó 7.200 Mỹ kim là tiền lương một năm của QJWIN và 7.500 Mỹ kim chi tiêu cho chiến dịch.
Kế hoạch ZRRIFLE được ngụy trang là một chiến dịch của FI/D (bề ngoài trông như để phát triển khả năng xâm nhập các két sắt và bắt cóc người giao liên). Kế hoạch này tiếp tục tiến trình tách biệt với chiến dịch Edwards/nghiệp đoàn cờ bạc chống Fidel mãi cho đến ngày 15/11/1961. Harvey có ghi lại rằng vào ngày đó, ông ta đã bàn với Bissell áp dụng chương trình ZRRIFLE cho Cuba. Harvey nói rằng Bissell đã chỉ thị cho mình thay Edwards để liên lạc với tổ chức tội ác và sau đó điều hành chiến dịch chống Fidel. Harvey còn nói thêm rằng, diễn biến này hoàn toàn không liên quan, không lâu sau cuộc bàn thảo với Bissell, Helms bảo Harvey rằng ông ta được đề cử phụ trách đơn vị đặc nhiệm của Cục Tình Báo ở Cuba.
Cuối năm 1961 - Đầu năm 1962
Harvey nhớ rằng trong thời gian sau khi bàn với Bissell và dẫn tới việc thay Edwards đảm nhận chiến dịch chống Fidel, ông ta trở nên rất bận. Ông phải bàn giao trách nhiệm của mình ở FI/D. Ông cộng tác với bên NSA về vụ phản bội Martin/Mitchell. Ông phải đọc để tìm hiểu thêm về các chiến dịch ở Cuba và mỗi ngày phải tham dự các cuộc họp có liên quan về chiến dịch. Ngoài ra ông ta còn dự hội nghị các trưởng trạm điệp báo ở Panama vào cuối tháng giêng và đầu tháng hai nữa.
Tháng 2 và tháng 3 năm 1962
Harvey nhớ cuộc họp đầu tiên với Edwards vào tháng 2/1962 về chủ đề chiến dịch chống Fidel. Ông cũng nhớ là đã vạch chi tiết về việc chuyển giao trách nhiệm trong tháng ba.
(Bình luận: Sau khi Harvey nhận chiến dịch chống Fidel, ông ta tiến hành nó như một phần trong chiến dịch ZRRIFLE; tuy nhiên, chính ông ta điều khiển chiến dịch chống Fidel mà không sử dụng bất cứ gián điệp nào đang phát triển trong ZRRIFLE. Ông ta nói là chẳng mấy chốc ông chợt thấy chiến dịch Castro và ZRRIFLE là tương đồng. Toàn bộ chương trình Hành Động cấp Điều hành được ông ta xử trí theo cùng một ý nghĩa như xử trí với QJWIN, nhân viên mật đang thực thi toàn thể chương trình. Ông ta nói rằng khi ông ta viết ZRRIFLE/QJWIN thì có thể hiểu là Khả Năng Hành Động cấp Điều hành, còn khi dùng tên ẩn danh ZRRIFLE một mình thì ý ông nói là Castro.
Ông nói rằng trong thư ông viết sẽ chỉ ra cách phân biệt những ngôn từ đó. Chúng tôi đã xem lại thư từ của ông ấy và thấy rằng hầu hết không phát hiện ra. (Sau khi Harvey đi khỏi Đội đặc nhiệm W và đang bàn giao các trách nhiệm ở trụ sở CIA để chuẩn bị cho công tác ở Rome, ông viết một bản ghi nhớ đề ngày 27 tháng 6 năm 1963 gửi cho Trưởng ban Tham mưu FI, nói rằng những lý lẽ ban đầu biện minh cho QJWIN không còn tồn tại nữa và đề nghị chấm dứt với QJWIN. Các hồ sơ ( ngày 24/4/1964) cho thấy sự cộng tác của QJWIN đã được chấm dứt vào ngày 21/4/1964. Không có điều gì trong hồ sơ này cho thấy rằng Khả Năng Hành động cấp Điều hành hoặc ZRRIFLE/QJWIN đã từng được sử dụng).
Tháng 4 năm 1962
Edwards nhớ rằng Harvey có liên lạc với ông ta vào tháng tư để yêu cầu được tiếp xúc với Roselli. Edwards nói rằng ông ta cần xác minh sự chấp thuận của Helms đã và rồi mới sắp xếp sau. Harvey nói là mình đã tường trình với Helms trước khi gặp với Roselli lần đầu tiên, giải thích mục đích. Harvey cũng đã báo cáo với Helms kết quả cuộc gặp Roselli. Theo Harvey thì sau đó ông ta thường xuyên báo cáo với Helms về tình hình chiến dịch chống Fidel.
(Bình luận: Câu nói của Edwards rằng ông ta cần “xác minh sự chấp thuận của Helms” là chỉ dấu sớm nhất cho thấy ông Helms đã ý thức được chiến dịch nghiệp đoàn cờ bạc chống Fidel. Harvey còn thêm rằng khi ông ta tường thuật với Helms về Roselli, ông ta đã được Helms đồng ý là không phải tường trình cho Giám Đốc nữa.)
Edwards, Harvey và O’Connell mỗi người có một hồi ức khác nhau về chi tiết cụ thể của việc chuyển giao từ Edwards/O’Connell sang cho Harvey. Không phải tất cả điểm khác biệt đều đi có thể được giải quyết – ngay cả khi dùng thông tin của người này để kiểm tra lại với hai người kia trong các cuộc phỏng vấn sau đó. Không có sự bất đồng nào về dữ kiện chuyển giao trách nhiệm cũng như về thời điểm chuyển giao. Dù vậy những hồi ức này hoàn toàn không có sự nhất quán về tình trạng của chiến dịch vào thời điểm chuyển giao cho Harvey và mức độ đứt đoạn giữa giai đoạn một dưới quyền Edwards với giai đoạn hai dưới quyền Harvey.
a. Edwards thì tin rằng chiến dịch đã bị hủy hoàn toàn sau sự kiện Vịnh Con Heo và không còn hoạt động nào liên quan đến chiến dịch đó nữa cho đến khi Harvey gặp Roselli và khởi hoạt lại chiến dịch vào tháng 4/1962. O’Connell đã giới thiệu Harvey với Roselli và Edwards không còn liên quan gì thêm với chiến dịch – ngoại trừ gặp Bộ trưởng Tư pháp Robert Kennedy về vụ nghe lén điện thoại của Phyllis McGuire. (Vụ nghe lén điện thoại này sẽ được tường trình riêng trong một đoạn thuộc báo cáo này.) Hồ sơ lưu trữ của Edwards cho thấy rằng ngày 14/5/ 1962, Harvey đã gọi Edwards “và cho biết là ông ta đang buông tất cả các kế hoạch có sử dụng Roselli trong tương lai.”
b. Hồi ức của Harvey về việc chuyển giao có khuynh hướng ủng hộ cho bản tổng kết của Edwards, nhưng tuyên bố rằng ông đảm nhận một “chiến dịch đang diễn tiến”. Một số chi tiết nhớ lại ủng hộ lời tuyên bố này được tìm thấy trong phần ông ta mô tả việc thuê người thâm nhập nhà hàng mà Fidel thường lui tới để bỏ độc dược vào thức ăn của ông ta như thế nào. Điều này trùng khớp với lời Edward kể và đúng như giải trình trước đó của chúng tôi trong giai đoạn một của chiến dịch.
c. Lời giải trình của O’Connell về vai trò của mình trong chiến dịch vào những tuần đầu sau khi được cho là đã chuyển sang cho Harvey chứng minh rằng rõ ràng không có sự đứt lìa trách nhiệm giữa Văn Phòng An Ninh và Harvey. Hơn nữa, giờ đây O’Connell tin rằng ắt phải có “điều gì đó vẫn đang diễn ra” giữa tháng 4/1961 (sau sự kiện Vịnh Con Heo) và tháng 4/1962, nhưng ông ta không thể nhớ cụ thể đó là cái gì.
Giữa ba người này có những bất đồng khác nhau về các dữ kiện. Những bất đồng này sẽ được duyệt lại ở đây, không phải vì chúng làm thay đổi thực chất của việc chuyển giao hoặc trách nhiệm duy nhất của Harvey đối với chiến dịch này sau một thời điểm nào đó mà bởi vì chúng gợi ý rằng các cá nhân sau việc chuyển giao này cho rằng không biết gì về các biến cố này trên thực tế lại là người có biết, vì họ chưa thật sự cắt đứt vào thời điểm chuyển giao.
Những ghi chú của Harvey chứng tỏ rằng ông ta đã cùng đi New York với O’Connell để gặp Roselli vào hai ngày 8 và 9/4/1962. O’Connell nhớ chuyến đi đó vào đầu tháng 4 và việc giới thiệu xảy ra vào chủ nhật, ngày 8. Harvey nói chỉ có ông ta và O’Connell gặp Roselli, còn O’Connell nói rằng Maheu cũng có mặt tại lần gặp này. Cả hai đều cả quyết là mình nhớ chính xác, và mỗi người đều đưa ra lý do chứng minh cho việc cả quyết này. Điều quan trọng, vì mục đích của cuộc điều tra, là Maheu có biết là chiến dịch được tiếp tục dưới quyền của Harvey hay không.
a. Harvey chắc chắn rằng nếu Maheu có mặt thì ông ta hẳn đã nhớ ra. Ông ta và Maheu cùng học chung lớp huấn luyện của FBI tại Quantico hồi năm 1940. Ông ta nhớ là đã không còn gặp Maheu từ khi đến CIA năm 1947, mặc dù ông thừa nhận là có gặp mặt xã giao Maheu một hay hai lần nhưng chắc chắn đã không gặp Maheu kể từ năm 1952 là năm Harvey nhận nhiệm vụ ở Berlin.
b. O’Connell, người sắp xếp cuộc gặp, lại khẳng định rằng Maheu có mặt trong cuộc họp. Ông ta trình bày một loạt các sự kiện để chắc chắn là trí nhớ của ông không sai. Cả bốn người đi riêng đến New York. Họ gặp nhau tại khách sạn Savoy Plaza (Savoy Hilton?) và lưu lại đó. Sau cuộc thảo luận, Maheu đề nghị dùng bữa tối tại Elk Room, một nhà hàng sang trọng trong một khách sạn gần đó. Họ ăn xong bữa tối vào khoảng 9g30 hoặc 10 giờ gì đó. Roselli muốn đãi cả nhóm một chầu rượu trước khi về ngủ nhưng vì đó là đêm chủ nhật nên gần như tất cả các quán rượu đều đóng cửa. Họ đi bộ sang khu gần đó để tìm quán rượu nào mở cửa và cuối cùng ghé vào Copacabana. Họ bị từ chối không cho ngồi ở quầy vì qui định nơi đây chỉ dành cho những cặp tình nhân nên họ ra ngồi ở bàn nơi có thể xem trình diễn tạp kỷ. Roselli chợt phát hiện ra là mình đang ngồi quay mặt về phía bàn có Phyllis McGuire cùng Dorothy Kilgallen và Liberace đang ngồi chờ xem màn khai mạc của ca sĩ Rosemary Clooney. Để tránh mặt Phyllis McGuire, Roselli yêu cầu được đổi chỗ để cô McGuire không nhìn thấy ông. Maheu luôn có mặt trong những tình huống này. (Lý do mà Roselli không muốn để cô Phyllis McGuire nhìn thấy mình đang ngồi quán với bạn bè sẽ trở thành một chứng cứ từ vai trò của cô ấy trong vụ nghe lén điện thoại mà chúng tôi sẽ trình bày trong một đoạn riêng biệt của báo cáo này.)
Hai đoạn hồi ức khác nhau nói trên không cho thấy có một điểm nào khả dĩ tương đồng được. Một điểm gây chú ý là Edwards nói rằng khi ông tường trình với Harvey về chiến dịch, ông ta cố ý lơ đi không tham khảo với Maheu để giấu Maheu việc Harvey sẽ là người thay ông phụ trách chiến dịch này.
Điểm khác biệt quan trọng kế tiếp liên quan tới những gì xảy ra sau cuộc họp ở New York. O’Connell đã nói với chúng tôi rằng ông ta và Roselli rời New York để đi Miami ngày hôm sau (coi như là ngày 10 tháng 4) và ở đó cho đến khi Harvey tới. Mặt khác, Harvey thì nhớ là đã họp với O’Connell và Roselli tại Washington vào ngày 14 tháng 4. Thoạt đầu, O’Connell không nhớ đến cuộc họp ở Washington, nhưng sau đó khi được xem lịch biểu của Harvey, ông ta mới nhớ là có quay trở lại Washington để gặp Harvey vì mục đích gì đó mà đã quên các chi tiết. Còn Harvey lúc đầu nghĩ rằng cuộc họp ngày 14 tháng 4 tại Washington là lần tiếp xúc sau cùng của O’Connell với Roselli trong giai đoạn hai của chiến dịch nghiệp đoàn cờ bạc. O’Connell cho chúng tôi biết Roselli thấy lo về việc dàn xếp mới này (và về riêng cá nhân Harvey nữa) nên yêu cầu O’Connell ở lại thêm một thời gian nữa và O’Connell đã đồng ý. Khi chúng tôi nói với Harvey rằng O’Connell chắc chắn là mình vẫn tiếp tục tham gia trong chiến dịch khoảng hai hay ba tuần sau khi Harvey đã nhận trách nhiệm, Harvey đồng ý là có việc này. Việc O’Connell vẫn còn nấn ná trong chiến dịch là để giữ cho công việc được liên tục. Chúng tôi không chắc chắn ngày O’Connell chính thức ra khỏi chiến dịch. Ông này đã ở Miami với Roselli và Harvey mãi tới ngày 27 tháng 4. Vai trò của ông ta thật sự chấm dứt vào tháng 6 năm 1962 khi được điều đến Okinawa. Harvey nhớ đã rời Washington đến Miami bằng xe hơi ngày 19 tháng 4. Ông nghĩ là trước đó ông đã nhận những viên thuốc từ tay bác sĩ Gunn để đem giao. Gunn thì không có ghi chép gì về việc giao thuốc lúc đó; những ghi chép cuối cùng của ông có liên quan đến các viên thuốc là vào tháng 2 năm 1961. Hồ sơ về ghi chú là đã giao 4 viên thuốc (một viên nang và ba viên nén) cho “J.O.” vào ngày 18 tháng 4 năm 1962. nói rằng đây là tên viết tắt của Jim O’Connell. Khi nghe điều này, Harvey nghĩ chắc là đúng. O’Connell cũng nghĩ rất có thể ông ta đến Washington để nhận thuốc.
Harvey bảo ông ta đến Miami ngày 21 tháng 4 năm 1962 và thấy Roselli đã tiếp xúc xong với Tony Varona, lãnh đạo nhóm Cuba lưu vong, người đã tham gia trong giai đoạn một. Chính ở chi tiết này đã làm nảy sinh sự khác biệt cuối cùng trong hồi ức của mọi người. Harvey mô tả cách thức bỏ chất độc vào thức ăn của Fidel, liên quan đến tay trong của Varona là người đã gặp người trong nhà hàng mà Fidel thường lui tới. Chúng tôi kể cho Harvey biết rằng Edwards đã mô tả kế hoạch chính xác như vậy. Khi chúng tôi hỏi Harvey làm sao mà Edwards biết được guồng máy này trong khi cả năm không hề hoạt động trong chiến dịch và có phải Harvey phải khởi động lại từ đầu không. Harvey trả lời là ông ta nhận chiến dịch đang diễn ra – một chiến dịch đã “sẵn sàng cả rồi”. Edwards phủ nhận điều này. Riêng O’Connell thì nói rằng lời của Harvey mới đúng. Chiến dịch này vẫn diễn ra khi Harvey nhận lãnh nó, mặc dầu O’Connell không nhớ là khi nào thì Varona được phục hoạt hoặc những gì đã được làm với ông ta vào thời gian đó.
Bên cạnh việc thay đổi người lãnh đạo chiến dịch bên phía CIA, đã thấy qua việc Harvey thay Edwards/ O’Connell, còn có những thay đổi khác khi có sự phân lại vai diễn bên phía thế giới ngầm nữa. Harvey chỉ định cụ thể là sẽ không có sự tham gia của Giancana trong việc phục hoạt chiến dịch và ông tin rằng Rosselli sẽ tôn trọng ý kiến của ông. Có lần Rosselli báo với Harvey rằng Giancana hỏi là có chuyện gì vậy và khi nghe Rosselli nói là không có chuyện gì hết, Giancana nói “Tệ thật.” Thêm vào đó, Santos Trafficante (“Joe, liên lạc viên” trong giai đoạn trước) cũng không còn tham gia nữa. Khi sòng bạc cuối cùng ở Havana đóng cửa vào tháng 9 năm 1961, Trafficante xem như không còn lui tới đó nữa. Bấy giờ Roselli đã có người khác mà Harvey gọi là Maceo, người này cũng dùng các tên khác như Garcia-Gomez và Godoy.
(Bình luận: Harvey không biết gì nhiều về lai lịch của Maceo, ông ta mô tả Maceo là “một người Cuba biết nói tiếng Ý.” Varona có một người bạn trong cộng đồng người Cuba lưu vong tên là Antonio MACEO Mackle, nhưng chắc không phải là Maceo của chiến dịch này. Ông ta khá nổi tiếng trong cộng đồng người lưu vong nên nếu là Maceo này thì Harvey hẳn phải biết. Hơn nữa, Maceo rõ ràng là “người của Roselli.” Giai đoạn hai này không “sặc mùi” găngster cấp cao như đã “ngửi thấy” trong giai đoạn một. Roselli vẫn là một gương mặt nổi bật trong chiến dịch nhưng làm việc trực tiếp với cộng đồng người Cuba lưu vong và trực tiếp thay mặt cho CIA. Roselli rất quan trọng trong giai đoạn hai với tư cách người tiếp xúc Varona, người coi như vẫn tin rằng Roselli được các thương gia Mỹ hiện đang có tài sản ở Cuba hậu thuẫn. Roselli cần Giancana và Trafficante trong giai đoạn một để thiết lập các mối quan hệ bên trong Cuba. Roselli không còn cần họ trong giai đoạn hai vì ông ta đã có Varona. Tuy nhiên, sẽ thật ngây thơ nếu nghĩ rằng Roselli khinh suất không báo qua cho các “xếp lớn” trong nghiệp đoàn biết là ông ta đang làm việc trong vùng đất được coi là lãnh địa riêng của ai đó trong nghiệp đoàn.)
Khi Roselli giao thuốc độc cho Varona, Varona đã xin vũ khí và thiết bị để yểm trợ cho việc hoàn thành chiến dịch. Roselli chuyển yêu cầu đó đến Harvey. Với sự giúp đỡ của Ted Shackley, chỉ huy trưởng Trạm JMWAVE, Harvey có được thuốc nổ, ngòi nổ, hai mươi súng trường 30 li, hai mươi khẩu colt 45, hai máy truyền tin và một ra đa trang bị trên tàu. Harvey nói rằng “danh sách mua sắm” này bao gồm một số món chỉ có trong kho của chính phủ Mỹ. Harvey đã bỏ qua các món hàng này hẳn là vì Roselli, với tư cách đại diện các quyền lợi của giới tư bản, không có quyền tiếp cận các trang thiết bị như thế. Chi phí cho các vũ khí và trang thiết bị này là 5.000 Mỹ kim.
Harvey và Shackley đã dùng tên giả để thuê một xe tải lớn, chất vũ khí cùng dụng cụ lên và đậu trong bãi xe của một nhà hàng phục vụ ăn uống ngay trong xe. Và rồi chìa khóa được giao cho Roselli để ông này giao lại cho hoặc Maceo, hoặc Varona hoặc con rể của Varona. Rõ ràng là đến lúc đó Harvey và Roselli chưa tin nhau. Có lẽ do sợ bị phản, mỗi người khởi sự riêng để tự mình biết chắc là “hàng” được đưa đến đúng tay người nhận. Sau khi đậu xe tải, Harvey và Shackley đã giám sát bãi đậu xe cho đến khi việc chuyển giao hoàn tất. Roselli, với O’Connell đi cùng, cũng đã làm như vậy. Không có cặp nào biết được cặp kia đang canh chừng. Cuối cùng, chiếc xe tải được tiếp nhận và lái đi. Sau đó nó được đưa trở lại chỗ cũ, trống rỗng và chìa khóa xe được giấu dưới chỗ ngồi như đã sắp xếp trước. Harvey trả lại xe cho chủ thuê. Harvey nói rằng Shackley không hề biết hàng đã được giao cho ai và với mục đích gì. Shackley chỉ được yêu cầu yểm trợ cho một chiến dịch của Cục mà ông ta đứng ngoài cuộc.
Tháng 5 năm 1962
Harvey và Roselli bố trí một hệ thống liên lạc bằng điện thoại để qua đó Harvey được thông báo kịp thời về mọi diễn biến xảy ra. Harvey sẽ sử dụng điện thoại công cộng để gọi cho Roselli tại câu lạc bộ Friars ở Los Angeles vào lúc 16 giờ (giờ Los Angeles). Roselli có thể điện thoại tới nhà Harvey vào buổi tối. Roselli báo cáo là các viên thuốc đã vào Cuba và đã đến nhà hàng nơi được biết là Fidel thường lui tới.
Tháng 6 năm 1962
Ngày 21 tháng 6, Roselli báo cáo với Harvey là Varona đã đưa một toán ba người tới Cuba, song nhiệm vụ của họ khá là mơ hồ. Harvey bảo rằng dường như họ không có một kế hoạch cụ thể nào về việc giết Fidel. Họ dự trù tuyển mộ những người khác để sử dụng trong kế hoạch này. Nếu xuất hiện cơ hội giết Fidel thì họ hoặc những người được tuyển mộ sẽ cố gắng làm - có lẽ bằng cách dùng thuốc độc. Harvey không biết tên hoặc chi tiết nào về nhân thân của những người này. Từ những báo cáo liên tiếp nhau, dường như thuốc độc đã được gửi đến trước khi toán ba người này đến Cuba, nhưng dữ kiện này giờ đây không thể khẳng định.
Tháng 9 năm 1962
Harvey gặp Roselli tại Miami vào ngày 7 và 11 tháng 9. Lúc đó, theo báo cáo thì Varona đã sẵn sàng gửi thêm một nhóm ba người khác. Họ được biết là thuộc thành phần dân quân, có nhiệm vụ thâm nhập vào nhóm cận vệ của Fidel. Vào thời điểm này, thuốc vẫn còn ở chỗ cũ và nhóm ba người đầu tiên vẫn an toàn.
Tháng 9 năm 1962 – Tháng 1 năm 1963
Mặc dù Harvey đã nhận được nhiều báo cáo là những dân quân đang sẵn sàng lên đường, từ một đảo nhỏ nào đó ở Florida, nhưng thực sự họ không đi. Trước tiên, “các điều kiện bên trong” là lý do được đưa ra cho việc trì hoãn; sau đó cuộc khủng hoảng tên lửa tháng 10 làm hỏng kế hoạch. Từ ngày 22 tháng 12 đến ngày 6 tháng 1, Harvey có mặt ở Miami và nhiều lần gặp cả Roselli lẫn Maceo. Ông ta giao 2.700 Mỹ kim cho Roselli để chuyển cho Varona thanh toán phí tổn cho ba dân quân. Từ ngày 11 đến ngày 16 tháng 1, Harvey và Roselli đã có các cuộc thảo luận qua điện thoại về chiến dịch này. Harvey nói rằng Roselli không đang tự đánh lừa mình. Ông ta đồng ý với Harvey là vẫn không thấy xảy ra gì cả và rằng trong tương lai chắc hẳn cũng không có nhiều cơ hội là có gì đó xảy ra. Theo như Harvey được biết, ba dân quân này thực chất sẽ không bao giờ đến Cuba. Ông cũng không biết tin gì về ba dân quân cho là đã được phái đến Cuba trước đó.
Tháng 2 năm 1963
Harvey đã ở Miami từ ngày 11 đến ngày 14 tháng 2, không tiếp xúc với nhân vật chính nào nhưng ông có nhắn lại với Maceo là chưa có gì mới và giờ đây có vẻ như mọi việc đã kết thúc. (Không rõ là bằng cách nào mà Harvey có thể nhắn tin được với Maceo.)
Harvey rời Miami vào ngày 15 tháng 2 để gặp Roselli tại Los Angeles. Trong lần gặp này, họ đồng ý cho chiến dịch khép lại, nhưng sẽ thật không khôn ngoan nếu vội vàng cắt đứt ngay quan hệ giữa Roselli và Varona. Roselli đồng ý là ông ta sẽ vẫn tiếp tục gặp Verona nhưng sẽ lơi dần việc tiếp xúc cho đến khi ngưng không gặp nữa.
Tháng 4 và 5 năm 1963
Harvey bảo rằng trong thời gian này ông ta nhận được hai cuộc gọi của Roselli. Harvey quyết định tốt nhất là phải gặp Roselli lần cuối trước khi giao nhiệm vụ lại cho . Ông ta nói là đã báo cáo quyết định này cho ông Helms và được chấp thuận.
Tháng 6 năm 1963
Roselli đến Washington để gặp Harvey khoảng trung tuần tháng 6. Harvey gặp Roselli tại sân bay Dulles. Harvey nhớ là đã gợi ý với Roselli rằng ông chỉ mang hành lý xách tay vì vậy không cần phải nán lại phi trường để chờ lấy hành lý. Lúc đó, Harvey đã đóng cửa nhà riêng để chuẩn bị rời khỏi nước Mỹ và hiện đang tạm trú tại nhà một người láng giềng đi vắng.
Roselli đã ở trong căn nhà này với Harvey trong vai một người bạn ghé chơi. Tối hôm đó, Roselli cùng ông bà Harvey đi ăn tối ở ngoài. Trong lúc dùng bữa, Harvey nhận được điện thoại của Sam Papich, hỏi là Harvey có biết lai lịch của vị khách đang dùng cơm tối với ông không. Harvey trả lời là có biết. Tình huống này cho thấy là lúc đó FBI đang đặt Roselli dưới sự giám sát chặt chẽ và Harvey đoán là ông bị phát hiện khi rời khỏi bãi đậu xe ở sân bay và bị nhận diện qua bảng số xe của ông.
Sáng hôm sau, Harvey gặp Papich, cùng ăn sáng và giải thích là ông ta đã ngưng phối hợp chiến dịch với Roselli. Papich nhắc nhở Harvey về quy định của FBI yêu cầu các nhân viên FBI phải báo cáo mọi tiếp xúc giữa những cựu nhân viên FBI và những phần tử tội phạm nếu biết được. Papich bảo ông ta sẽ phải báo cáo với J.Edgar Hoover về việc đã nhìn thấy Harvey gặp Roselli. Harvey hiểu hoàn cảnh của Papich và không phản đối chuyện đó. Harvey đã yêu cầu Papich báo trước cho ông ta biết nếu như Hoover có vẻ như sẽ gọi điện thoại cho McCone – ý Harvey là ông thấy rằng McCone nên được tường trình trước khi nhận điện thoại của Hoover. Papich đồng ý như vậy. Harvey nói là sau đó ông đã kể với ông Helms về sự cố này và Helms đã đồng ý rằng không cần thiết phải tường trình với McCone trừ khi sẽ có cú điện thoại của Hoover.
Đây là cuộc gặp mặt cuối cùng của Harvey với Roselli, mặc dầu kể từ đó Roselli vẫn liên lạc với ông. Mối liên hệ về sau giữa Harvey và Roselli được trình bày trong một phần riêng biệt của báo cáo này.
Danh sách những người biết về giai đoạn hai của chiến dịch có khác so với những người biết về giai đoạn một, đó là:
Richard Helms, Phó Giám Đốc phụ trách Kế Hoạch
William Harvey, Chỉ Huy Trưởng Đội đặc nhiệm W James O’Connell, Văn phòng An Ninh (biết Harvey đảm trách chiến dịch cũng như giao thuốc độc, vũ khí và thiết bị vào tháng 4 năm 1962. Ông ta không biết gì về những diễn tiến sau tháng 5 năm 1962).
Sheffield Edwards, Giám đốc An ninh (biết việc chuyển giao cho Harvey nhưng không biết gì về các diễn tiến sau đó).
J.C.King, Trưởng ban WH (trong cuộc phỏng vấn của chúng tôi ông ta nói là có biết việc Harvey họp với những thành viên của nghiệp đoàn cờ bạc vào năm 1962.),phụ tá của Harvey vào năm 1962 biết Harvey có họp với các phần tử găngstơ tại Reno (sic) vào mùa đông năm 1962).
Ted Shackley, Trưởng ban JMWAVE (giúp Harvey chuyển giao vũ khí và thiết bị cho Varona vào tháng 4 năm 1962 nhưng được xem như không biết lai lịch của những người nhận và cũng không biết dụng cụ đó được dùng vào việc gì).
TSD chỉ tham gia giới hạn trong việc cung cấp thuốc độc cho O’Connell vào ngày 18/4/1962. Antonio Varona, lãnh tụ Cuba lưu vong (được xem là không biết có sự bảo trợ của chính phủ Mỹ.)
Con rể của Varona (cũng được coi là không biết gì về vai trò của chính phủ.)
Maceo, “người” của Roselli (Maceo có lẽ biết chính phủ có liên quan, nhưng có thể không biết CIA là đại diện.)
Chúng tôi chỉ có thể đưa ra phỏng đoán đối với những ai khác có thể đã biết ít ra là chiến dịch vẫn đang tiếp tục và có lẽ biết một số chi tiết về nó. Sam Giancana coi như đã bị loại khỏi giai đoạn hai, song chúng tôi không chắc là Roselli có báo cho Giancana biết không nữa. Cũng có thể hồ nghi tương tự như vậy đối với Santos Trafficante. Harvey bảo đảm là Maheu không can dự vào chuyện giới thiệu Harvey với Roselli, song O’Connell cũng bảo đảm chắc chắn là Maheu có tham gia. Câu chuyện mà Drew Pearson kể cho Tổng Thống và cả những giới chức khác trong chính phủ nghe có vẻ giống như những tình tiết xảy ra trong giai đoạn hai. Nếu đúng như vậy thì có lẽ chiến dịch đã bị tiết lộ – và có thể qua các kênh sau:
Roselli kể cho Maheu
Maheu kể cho Edward P.Morgan, luật sư của Maheu ở Washington
Morgan kể cho Drew Pearson
Pearson kể cho Chánh Án Tối Cao Warren và cho Tổng Thống
Warren kể cho Rowley, chỉ huy trưởng Mật Vụ
Rowley kể cho Pat Coyne và cho FBI
FBI kể cho Tổng Chưởng lý Clark.
Chúng tôi trình bày sự suy đoán này chi tiết hơn trong một phần riêng của báo cáo này về các kênh thông tin mà qua đó câu chuyện này đã được lan truyền.
Sự kiện nghe lén điện thoại
Cuối năm 1961 - Đầu năm 1962
Đúng ngay sau giai đoạn Tiền Vịnh Con Heo của chiến dịch ám sát Fidel của nghiệp đoàn cờ bạc, và chỉ gián tiếp liên quan đến nó, một diễn tiến xảy ra trong đời sống riêng tư của Sam Giancana đã giúp FBI phăng ra mối liên hệ giữa CIA với nghiệp đoàn cờ bạc và yêu cầu ông Bộ trưởng Tư pháp tường trình chi tiết về kế hoạch ám sát này.
Phyllis McGuire, trong nhóm ca chị em nhà McGuire, là tình nhân của Giancana. Giancana nghi cô ta dan díu với Dan Rowan trong nhóm hài Rowan và Martin. Cả Rowan và McGuire lúc đó đang biểu diễn ở Las Vegas và Giancana yêu cầu Maheu đặt một máy nghe lén trong phòng của Rowan. Maheu không muốn làm việc này và từ chối với lý do ông ta không có chuyên môn về những việc như vậy. Giancana lên tiếng đòi Maheu trả lại món nợ mà y đã giúp Maheu trong chiến dịch ám sát Fidel. Giancana nói thêm rằng nếu Maheu không làm thì y sẽ đi Las Vegas và tự làm lấy. Maheu cuối cùng đã đồng ý thu xếp việc đặt máy nghe lén trong phòng của Rowan.
(Bình luận: Ngày tháng chính xác của vụ này còn mơ hồ. Một tin đăng trên tờ Chicago Sun-Times vào tháng 8/1963 nói về Giancana có nhắc đến việc này, nhưng không đề cập đến việc nghe lén điện thoại, và cho biết thời gian là năm 1961. Hồ sơ của CIA cũng không nêu ra ngày tháng và ký ức của những người biết chuyện này được chúng tôi phỏng vấn thì lại mù mờ. Edwards và O’Connell chỉ biết về tình tiết này sau khi đã xảy ra. Edwards cho rằng nó chỉ xảy ra sau biến cố Vịnh Con Heo. O’Connell thoạt đầu cho rằng điều này xảy ra vào đầu năm 1962, nhưng sau khi được xem bài báo lại nói là nếu câu chuyện đăng trên báo là đúng thì nó phải xảy ra vào cuối năm 1961. Một tài liệu của Văn phòng An Ninh gởi cho DDCI tháng 6 năm 1966 nói chuyện xảy ra vào lúc “cao điểm của các cuộc thương lượng kế hoạch.” Chứng cứ này gây thêm rắc rối, thay vì làm sáng tỏ sự việc, vì chiến dịch này xem như đã đình trệ hoàn toàn vào cuối năm 1961 và đầu năm 1962. Rõ ràng sự kiện này đã xảy ra trước ngày 7 tháng 2 năm 1962 vì đó là ngày mà Giám đốc An ninh đã nói với FBI rằng CIA sẽ phản đối việc tiến hành. Vụ việc của FBI coi như đã hoàn thành vào lúc đó rồi.)
Để đáp ứng đòi hỏi của Giancana, Maheu nhờ Edward L. Du Bois, một thám tử tư tại Miami xử lý việc này. Du Bois cử hai nhân viên, Arthur J Balletti và J.W. Harrison, để làm việc này.
(Bình luận: Danh bạ điện thoại phân loại ngành nghề tháng 9 năm 1966 thuộc khu vực Greater Miami đã xếp Edward L. Du Bois vào mục “Dịch vụ Thám tử.” Có một quảng cáo trên trang sách “Những Cuộc Điều Tra của Arthur J Balletti” kể ra một trong những chuyên môn của ông ta là thu thập bằng chứng bằng các thiết bị điện tử và hình ảnh.)
O’Connell nhớ rằng, thay vì đặt một micro trong phòng của Rowan, các tay thám tử này đã mắc thiết bị nghe lén vào điện thoại. Việc làm này sẽ không thể làm rõ được mức độ thân mật giữa đôi tình nhân mà Giancana muốn tìm hiểu. Lúc Rowan rời khỏi phòng cô ta để đi trình diễn, Balletti cũng rời phòng mình đi xem, để hớ hênh thiết bị đang hoạt động ngay trong phòng. Một cô phục vụ phòng phát hiện ra và gọi cho cảnh sát. Thế là Balletti bị bắt. Harrison không bị gì cả. Người của Cục Tình Báo không có thông tin nào về Harrison, còn FBI chỉ nhận diện ông ta như là “người do Maheu đưa tới.”
Lúc đầu, Balletti tìm cách gọi điện thoại cho Du Bois để cầu cứu nhưng không liên lạc được. Sau đó ông ta gọi cho Maheu, trong sự hiện diện của các nhân viên công lực. O’Connell nói Maheu có thể dàn xếp với chính quyền địa phương ở Las Vegas, có lẽ phải cần đến sự giúp đỡ của Roselli. Tuy nhiên, cuộc gọi của Balletti cho Maheu đã kéo FBI vào cuộc. Cơ quan này yêu cầu truy tố theo luật nghe lén điện thoại. Khi Maheu đối mặt với FBI, ông này nói với họ rằng hãy hỏi Giám đốc An ninh CIA, ông Sheffield Edwards.
(Bình luận: Edwards nói rằng ông đã bảo Maheu, người phải làm việc sát cánh với những kẻ bất lương, rằng chừng nào gặp chuyện với FBI thì nói là mình đang hoạt động trong một chiến dịch tình báo dưới quyền của Edwards. Theo Edwards thì Maheu đã nói với FBI rằng ông ta không nghe lén cho cá nhân mà là cho chiến dịch của Edwards. Có thể tin là Maheu không đề cập đến mục đích tối hậu của “chiến dịch tình báo” có dính líu đến nghiệp đoàn cờ bạc này. Tài liệu của FBI đề ngày 23 tháng 3 năm 1962 của J. Edgar gởi cho DCI có ghi: “Maheu nhân danh CIA ra lệnh nghe lén Rowan để lấy tin tức tình báo ở Cuba thông qua các phần tử lưu manh, gồm cả Sam Giancana là người có quyền lợi ở đó. Maheu nói ông ta được giao nhiệm vụ tiếp xúc với Giancana do có mắc mứu đến các hoạt động tình báo thông qua John Roselli, một tên găngstơ ở Los Angeles. Maheu cho phép đặt máy nghe lén trong phòng của Rowan và đã bàn việc này với John Roselli.”)
To be continue…
(Chưa tổng hợp được hết, mong các bạn thông cảm)
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro