Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

[Fiction] Giấc hòe nhai

Author: Émilie

Genre: Romance, Fantasy, Family, Mystery.

Rating: K

Status: Completed

A/N:

Fiction được viết theo tam đề Giấc ngủ – Bắt – Mèo.

Nói chung thì viết lách lâu thế mình vẫn có một thể loại dù rất thích nhưng không dám thử, ấy là các câu chuyện lấy bối cảnh Việt Nam. Không hiểu sao nhưng cứ viết lần nào là fail lần ấy, không phải nội dung thì là văn phong. Nói chung là chẳng đâu vào đâu cả, cảm thấy nó cứ hỗn loạn kiểu gì ấy dù mình lớn lên đọc sách tiếng Việt, đọc lịch sử Việt Nam, văn hóa Việt Nam đàng hoàng. Vô cùng nghiêm túc không lơ là. Ấy nhưng vẫn không thể bước được vào cấm địa này. Chứ không phải sính ngoại nên viết hoài mấy truyện bối cảnh châu Âu, Trung Quốc này nọ đâu. Khổ tâm lắm.

"Giấc hòe nhai" vốn là prologue của "Mắt Hoa Đào". Vì "Mắt Hoa Đào" thiên hướng viết mấy truyện kỳ ảo lấy bối cảnh Việt Nam, vậy nên hình ảnh yêu quái mèo có mắt cười rơi hoa đào vốn là của Mắt Hoa Đào, sau này sửa thành yêu quái mèo cho phù hợp với tam đề và hoàn thiện thành một fiction riêng lẻ, hoàn toàn không liên quan gì đến Mắt Hoa Đào nữa. Và rồi Mắt Hoa Đào cũng chuyển thành dạng tự truyện xen kỳ ảo, không viết về mấy truyện bí ẩn nữa.

Ngoài ra, các hình tượng nhân vật trong truyện hoàn toàn là sản phẩm của trí tưởng tượng, không lấy cảm hứng cũng không xây dựng trên hình ảnh của bất kỳ một nhân vật lịch sử nào. Lúc viết không để ý, sau đó đọc lại thì tự nhiên cảm thấy mình cần làm rõ để tránh những hiểu lầm không đáng có liên quan đến nhân vật.

.
.
.

Giấc hòe nhai

Vinh hoa phú quý dẫu sao cũng chỉ như giấc hòe nhai.

Mộng tỉnh, giấc tan.

Vậy xuân đã qua bao nhiêu tiết, vẫn không thấy người tỉnh mộng Nam Kha?

.
.
.

Tiết xuân ngập tràn. Bầu trời trong veo gợn mây trắng muốt, ánh nắng hấp háy trải rộng khắp thôn. Hoa đào nở bung sắc hồng, dẫu không phải một thứ màu sắc rực rỡ khiến người ta choáng ngợp, hoa vẫn kiều diễm mà duyên dáng, mang trong mình trái tim thiếu nữ ngại ngần lại e ấp đầu xuân. Một cánh hoa rơi, tựa như thiếu nữ đang nhíu mày.

Gia đình thầy Lương có truyền thống hiếu học, dầu cho thi cử không đỗ đạt cao, lại vẫn được người đời tôn kính gọi một chữ "thầy". Trong nhà ai cũng có thể ngâm vài ba câu thơ, viết lấy vài ba câu đối, những dịp như lễ Tết, người đến xin chữ lại càng đông. Ở nơi có truyền thống hiếu học, khao khát vươn lên từ con chữ, những người như gia đình thầy Lương lại là thứ đáng trân quý, như rương vàng bạc châu báu đầy ắp mà người người khao khát muốn có được, dù chỉ là một ít thôi.

Nhà thầy Lương độc đinh, chỉ có mình thầy là phận nam nhi, bởi vậy, gánh vác trách nhiệm rèn giũa, học hành cũng nặng nề. Ấy nhưng gia đình thầy lại chẳng mấy mặn mà với chuyện thi cử, khoa bảng. Cha của thầy vẫn thường nói, khoa bảng không phải chỉ là bởi học thông, viết tài, hiểu hay, hay nói nôm na không phải ở việc anh tài hoa ra sao, khoa bảng còn ở chuyện duyên số. Điều đầu tiên thầy Lương học được lại là phải biết giữ mình, phải học hành thật chất, duyên khoa bảng nếu có sẽ mỉm cười, nếu không có, ta cũng là người khiến người khác nể trọng.

"Như vậy còn đất nước thì sao, một lòng muốn gánh vác đất nước, muốn kinh bang tế thế lại phải chịu cảnh ở chốn xa xôi hẻo lánh này sao?"

"Kinh thành tấp nập lại phồn hoa, có nhiều thứ cám dỗ con người vô cùng" cha thầy chầm chậm lên tiếng "trước hết, phải rèn luyện, tu dưỡng thật tốt. Quan trong nhất là bản chất con người không suy chuyển trước núi non, còn lại ở đâu cũng được. Nếu không thể trở thành người gánh vác đất nước thì hãy tạo ra những thế hệ tiếp theo, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Đất nước thái bình, bản thân con vẫn chưa hay, chưa tài, vậy làm sao mà trị quốc, làm sao mà bình thiên hạ được?"

Rồi thầy lại thấy cha thầy rời đi, đun cho mẹ thầy một ấm thuốc nóng. Trời trở nồm ẩm rồi, mẹ thầy bị phong thấp đã lâu, mỗi lần tiết trời chuyển nồm, tay chân lại đau nhức không thôi. Vẫn luôn là cha, săn sóc lại kề bên.
.
.
.
Rồi dần dần, thầy Lương lớn lên, trẻ trung phơi phới, hai mươi tuổi. Thầy Lương cũng được người đời gọi là "thầy", cũng được người ta cung kính lại tôn trọng. Thầy nhất mực giữ một lòng khiêm nhường trước người dân trong thôn, trong xóm, nhưng vẫn không thôi nung nấu ý định thi Hương. Cha thầy đã già, lòng không mong con cái vào guồng xoáy thi cử, chỉ mong học hành thật tốt, làm một người kiên trung.

Nhưng học một đời, không thi cử vậy sau này có gì để chứng minh? Thầy Lương rất muốn trở thành một người như cha, điềm đạm lại bình thản trước bão táp cuộc đời, lại ở quãng tuổi còn trẻ, thầy Lương luôn khao khát thể hiện mình.

Ông giáo già chẳng ngăn được sự hồ hởi của con trai, cũng xuôi theo. Vậy là mua xuân năm nay, ăn Tết xong, thầy Lương sẽ tạm xa mấy đứa học trò một thời gian, bế quan ôn tập, khăn gói đi thi Hương.

"Giả như thầy Lương đỗ tiến sỹ, rồi đỗ Trạng Nguyên, vậy thầy có về nữa hay không?"

Học trò của thầy hỏi thầy như vậy. Thầy Lương tần ngần một lúc, ngẫm nghĩ thật kỹ lại không biết đáp lại thế nào. Thầy có thực sự muốn rời quê hương vào kinh thành Thăng Long không? Thầy không biết. Mà thầy vẫn tặc lưỡi, tính xa như vậy cũng chẳng chắc đã tới, dù sao cũng phải thi Hương đã.

"Ta cũng không biết nữa."

"Tụi con sẽ nhớ thầy lắm."

Lần này thì thầy Lương im lặng một đỗi rất lâu. Thầy liệu có "nhớ" hay chăng? Nhớ này chỉ đơn thuần là nhớ mấy đứa nhỏ, nhớ cha mẹ đã già nua hay là nhớ một cái gì đó khác, thầy không biết. Thầy tự hỏi, mình đã lãng quên điều gì chăng?

Nhớ và quên này cuốn lấy thầy Lương cho đến một khoảng thời gian rất lâu. Thầy Lương khó khăn lắm mới có quyết định sẽ đi thi, tuổi của thầy còn trẻ, học thông hiểu sâu, lại có hoài bão của một đấng nam nhi, dẫu có đỗ không cao, cũng muốn thử một lần. Thầy tin là thế. Vậy mà thấy cứ băn khoăn mãi. Cha thầy kể từ khi nghe tin thầy sẽ đi thi Hương, năm nay, cũng cứ khắc khoải một nỗi niềm không tên. Thi thoảng thầy thấy ông muốn mở lời nói gì đó với thầy, rồi lại thôi. Rồi thầy thấy cha thi thoảng bấm đốt ngón tay rồi lại nhìn về nơi xa xăm nào đó. Không biết là ông cụ đang băn khoăn điều gì, cái băn khoăn dẫu không nói ra của ông cụ cũng làm thầy cảm thấy bất an làm sao.
.
.
.
Tết qua đi rồi, đang tới quãng độ lập xuân, gần Thanh Minh. Chỉ còn một tuần trăng nữa là thầy Lương đi thi Hương. Hôm nay thầy lang thang ra ngoài xóm, cứ vô định mà đi, lại gặp hai đứa nhỏ trên cánh đồng đang trêu chọc một con mèo đen. Con mèo tuyền một màu đen, chỉ độc có đôi mắt trong veo, lanh lợi vô cùng ngước lên, nhìn về phía thầy. Thầy Lương nghĩ có lẽ nó muốn cầu cứu.

"Nhân chi sơ, tính bản thiện. Chỉ là một con mèo thôi, các đừng trêu chọc nó, tôi nghiệp"

Như có gì đó thôi thúc, thầy Lương tiến lại gần, xua hai đứa nhỏ, ôm mèo đen lên. Hai đứa nhỏ nhìn thấy thầy, có hơi cúi chào, rồi lúng túng cúi gằm mặt.

"Thưa thầy, không phải chúng con muốn trêu chọc gì mèo con, mà là mèo đen xui xẻo, chúng con muốn xua nó đi."

"Có học hành mà lại bảo mèo đen là xui xẻo sao. Thôi thì để thầy đưa mèo đen ra xa, các con cứ chơi đùa tiếp đi."

Thầy Lương nói vậy, rồi cứ ôm khư khư con mèo đen, đi xa dần trong cái nhìn kinh ngạc của hai đứa trẻ chăn trâu. Không phải vì tấm lòng lương thiện của thầy, dường như là vì trong khoảnh khắc thầy Lương nhìn thấy mèo đen, trong ánh mắt thầy ánh lên một cái gì đó như mê man rất lạ. Những đứa trẻ ấy nhìn ra, lại không biết làm thế nào để gọi thầy Lương lại. Bóng thầy khuất sau rặng tre đầu làng.

Người ta thường nói, trẻ nhỏ ngây thơ, biết đâu lại nhìn thấu triệt những điều mà người lớn hãy còn mơ hồ.

Thầy Lương ôm mèo đen trong lòng, tay vươn ra nghịch nệm thịt của mèo nhỏ, lắc lư lắc lư lại lắc lư. Ánh mắt con mèo này thật đẹp, rất có thần, trong veo lại long lanh như ngọc lưu ly, giống như đang muốn nói gì đó với thầy. Thầy Lương băn khoăn lắm, cơ mà vẫn cứ ôm theo nó, cho đến khuất mãi sau rặng tre rồi mới thả nó xuống, rời đi.
.
.
.
Vậy mà đêm hôm ấy, thầy Lương nằm mộng. Mà thật lòng, là mộng hay là thật, thầy Lương cũng không quá rõ ràng.

Thầy chỉ nhớ, khi mở bừng mắt ra, thầy cảm thấy xung quanh có hơi lạnh lại ẩm ướt hơi sương, có lẽ vẫn là tiết xuân, có hơi mưa phùn thấm đẫm vào lòng đất. Trên nền đất ẩm lạnh băng, vẫn còn vương vài cánh hoa đào rất nhạt. Tỉnh hẳn rồi, hơi lạnh tan đi, thầy mới biết mình đang ở trong một ngôi miếu. Miếu thờ một vị tú tài.

"Vị tú tài nọ một lòng với non sông gấm vóc, ngày ngày thui rèn kinh sử, cặm cụi đèn sách. Năm hai mươi tuổi, ngài đỗ tú tài. Thế nhưng người này tài hoa lại bạc phận, không may trong một đêm dùi mài đèn sách, ngài không may trúng gió, qua đời.

Không thể cống hiến được tài năng cho vận nước đang lên, vậy nên ngài ở đây, phù hộ cho những con người khao khát tiến thân, cống hiến cuộc đời mình cho đất nước. Thầy lạc tới đây, có lẽ cũng vì khao khát muốn cống hiến, muốn hy sinh vì nghĩa lớn.

Ta là người canh giữ ngôi miếu này, hằng ngày được hưởng phúc phần của vị tú tài trên cao mà sống. Cảm động trước tấm lòng của thầy. Ta muốn hỏi, thầy có sẵn sàng đánh đổi thứ quan trọng nhất của mình lấy sự nghiệp, công danh trải rộng muôn đời hay không?"

Thầy Lương giật mình, nghe được một tiếng nói nhẹ nhàng sau lưng, thầy quay lại, giọng nữ cao trong trẻo, dáng đi uyển chuyển lại thướt tha như mèo lướt đi trên mặt đất. Ánh mắt người đó trong như ngọc lưu ly, lại to tròn xao động. Ánh mắt ấy, giống hệt ánh mắt của mèo đen được ngài cứu hồi chiều. Một ánh mắt có thần. Khóe miệng người nọ hơi cong lên, có hơi tò mò, dò xét lại rất đỗi tự tin, thầy Lương tưởng như người nọ đang nhìn thấy được những tâm tư sâu thẳm trong tâm hồn của con người. Đây là mộng hay là thật? Người trước mặt là "người" hay là yêu?

Đuôi mắt khẽ cụp xuống, tưởng như một rừng hoa đào vừa rơi trên bờ mi người nọ. Thầy Lương bị ánh mắt ấy thu hút, bị giọng nói ấy hớp hồn, phút chốc không cách nào chối từ lại lời mời gọi rất đỗi ngọt ngào kia.

"Đánh đổi thứ quan trọng nhất để lấy sự nghiệp, công danh trải rộng muốn đời? Thứ quan trọng nhất, là gì?"

"Thứ quan trọng nhất, khi mất đi rồi thầy mới biết được." Người nọ cười khẽ, tiếng cười lành lạnh tuôn ra, khiến lòng người bất an.

"Có phải cha mẹ ta hay chăng?"

"Không phải, ta không làm việc thất đức thế, thầy còn nợ họ, công ơn chưa đền đáp hết, vậy nên họ sẽ sống rất lâu."

"Vậy, đó là điều gì? Không thể nào đánh đổi khi chưa biết nó là điều gì được."

"Là điều hiện tại thầy không cần, nhưng sau này thầy sẽ cảm thấy thật cần thiết."

Thầy Lương khó hiểu lắm, có điều gì hiện tại thầy không cần, nhưng sau này thấy thật cần thiết hay chăng?

"Phàm là những điều không cần thiết, chẳng ai nhớ ra ngay được đâu, chỉ khi mất đi rồi thầy mới thấy đáng giá thôi. Nhưng thầy Lương nghĩ xem, công danh trải rộng muôn đời không phải là cái giá hời lắm hay sao? Biết đâu còn hời hơn cái món đáng giá mà thầy muốn giữ khư khư đó."

Thầy Lương nhắm tịt mắt lại, ở thời khắc quyết định này thầy mới cảm thấy bản thân sao mà nhỏ bé giữa đất trời bạt ngàn, giữa thinh không rộng lớn. Thầy không biết mình có đồng ý với con người kỳ lạ trong miếu hay không, khi mở mắt ra, ngỡ là giấc tỉnh, mộng đã tan.
.
.
.
Như thường khi, thầy Lương thức dậy, rửa mặt cho tỉnh táo, quên khuấy giấc mơ kỳ lạ trong đầu. Ngồi thừ người thật lâu trên ghế, thầy mới thấy có gì đó hơi vô thực. Thầy không biết giấc mơ vừa trải qua là thực hay ảo, thầy cũng không biết bản thân có đồng ý hay từ chối. Vẫn là một buổi sáng bình thường, thầy trở sách trên bàn, lật từng trang lại từng trang. Khác một điều, tự dưng ngày hôm đó và cả những ngày sau đó, thầy Lương cảm thấy mình học nhanh, minh mẫn đến lạ thường. Những ý tưởng chưa bao giờ có trong đầu thầy, những gợi mở trước đây thầy chưa từng nghĩ tới lại ùa về. Thầy Lương tự chế nhạo, chao ôi, có lẽ thầy quá tự tin vào bản thân chăng, trước đây thầy ngu muội biết nhường nào.

Chỉ có cha thầy, ông giáo già nua nhìn xuyên qua những xoay vần của tháng năm, thấy tâm trạng thầy phấn chấn, lại chẳng tỏ thái độ gì. Đôi khi thầy có thấy cha khe khẽ giấu ánh mắt đi, lắc đầu rất khẽ.

.
.
.

Thấm thoắt đến kỳ thi Hương, thầy Lương lên đường đi thi.

Rồi lại đến kỳ thi Hội.

Đến thi Đình.

Thầy Lương bây giờ đã là tiến sỹ.

Thế rồi tin vui về cái thôn nhỏ leo lắt chỉ vui tươi mỗi độ Tết đến xuân về. Thầy Lương là Trạng Nguyên. Đường công danh từ nay rộng mở. Cha mẹ nở mày nở mặt với xóm giềng, cái thôn nhỏ tự nhiên vui tươi hẳn lên. Thế mà thầy Lương vẫn cứ băn khoăn mãi về cái gọi là "nhớ" và "đi về"

"Liệu thầy có nhớ tụi con hay không?"

"Liệu thầy Lương có còn về nữa không?"

Dẫu cho ôn thi miệt mài, đèn sách xuyên đêm làm thầy mệt mỏi, lòng thấy cứ không thôi khắc khoải vì những câu nói giản đơn ấy. Những điều này đối với người khác thì là một quá trình cố gắng không ngừng, còn thầy Lương cứ cảm thấy nó không thật, những điều này giống như một giấc mơ. Thầy biết, bản thân thầy dẫu ôm mộng làm việc lớn, lại không đủ tài đến nhường ấy, tất cả những kiến thức uyên bác, sâu rộng thầy tích lũy được là tự đêm nằm mộng nọ, gặp ngôi miêu hoang. Kiến thức ấy là của người tú tài nọ, là của con yêu ma mị mà thầy gặp.

Có lẽ lúc ấy, thầy đã đổi cho nó thứ quan trọng nhất cuộc đời để lấy con đường công danh rộng mở. Lòng thầy có bất an là bởi, thứ quan trọng nhất ấy vẫn còn chờ đợi phía trước, công danh hay ca tụng lại chỉ là những điều nhất thời mà thôi.

Vậy rốt cuộc, vì sao thầy lại đổi? Thầy Lương nghĩ đến giấc mơ đó, không biết đang ở hiện thực hay ảo mộng. Thầy kê đầu lên gối, mê man.
.
.
.
Mở mắt ra thấm thoắt đã mười tiết xuân qua đi, thầy Lương bây giờ đã là quan chưởng quản ở Lễ bộ. Có một giọng nói già nua gõ cửa phòng của thầy.

– Bẩm thưa, có người muốn gặp Lương đại nhân.

Thầy Lương nặng nề lê thân ra cửa. Mười năm lăn lộn chốn cung kỳ, ở nơi phồn hoa đô hội, ấy mà phong độ của thầy Lương lại chẳng còn như xưa. Có khó khăn gì thầy chưa từng trải qua, có vũng bùn nào thầy chưa từng vẫy vùng. Thầy cảm thấy như cơ thể nặng nề, đầu óc không còn minh mẫn nữa. Sống trong giàu sang, phú quý, vinh hoa, được người đời tôn sùng, nể trọng, ấy mà thi thoảng thầy lại coi khinh chính bản thân mình. Mười năm, từ một thiếu niên đầy khao khát cống hiên lại thành một kẻ già nua bị đồng tiền che mờ nhân cách, lén lút nâng đỡ những kẻ không xứng đáng để lên hàng khoa bảng. Thế nhưng thầy Lương không hiểu sao, mỗi lần nhìn thấy vàng bạc châu báu lấp lánh, thầy lại không đủ sức cưỡng lại. Ở nơi phồn hoa đô hội, cái gì cũng thật xinh đẹp, cái gì cũng lấp lánh sắc màu.

Người ngoài vẫn tưởng ngài là một vị quan công chính liêm minh, có mấy ai ngờ được, bên trong đã thối nát, mục ruỗng, chây ì đến độ nào. Tâm của người ấy, sớm đã bị lời hứa năm nào ở miếu tú tài, gặm nhấm hết cả.

Có lẽ, thứ quan trọng nhất thầy Lương đánh đổi năm ấy, là lương tri của mình. Hoặc cũng có thể, là những điều tốt đẹp nhất trong bản tính của thầy.

Tiếng lạch cạch của những thỏi vàng vang rền trên bàn, nhưng vàng hôm nay lại không êm, nghe chát chúa lại đượm mùi bất an.
.
.
.
Thầy Lương giật mình, lại thấy bản thân mình trong ngục tối om, xung quanh có lính canh gác. À phải rồi, lũng đoạn triều đình, lợi dụng chức quyền để dung túng những kẻ xu nịnh, bất tài. Kết quả như thế này, đáng lắm. Ngày mai, ngày kia hay ngày kìa, giấc mộng này sẽ chấm dứt chăng, giấc mông Nam Kha, giấc hòe nhai về một cuộc sống giàu sang tạm bợ, về cuộc sống không phải của thầy.

Cha thầy có vào thăm thầy mấy lần, chẳng nói gì cả, cứ quẹt nước mắt mà nhìn con trai. Thật may, gia đình vẫn còn bình yên, vậy nhưng kẻ đầu bạc lại tiễn kẻ đầu xanh, kẻ có học lại nhìn con trai dần dần rơi vào vũng sình dơ bẩn mà không cách nào ngăn cản được. Làm sao mà xứng đáng? Uổng một kiếp này gọi nhau một tiếng cha con, gọi nhau một tiếng sư đồ. Người cha và cũng là người thầy, mang trong mình hai thân tội nghiệt. Nặng nề như tiếng xích sắt va đập vào từng ngóc ngách trong cái nhà lao bé tý, tối om mà chật hẹp. Bế tắc không cách nào thoát ra như ánh sáng chiếu vào nơi u tối. Ánh sáng tội nghiệp le lói, bị bóng tối nuốt chửng.

Đêm hôm ấy, thầy Lương nửa tỉnh lại nửa mê, thầy lại cảm thấy lạnh. Cái mát lạnh trong trẻo lâu lắm rồi thầy mới cảm nhận được, mát lạnh của miếu trạng nguyên, hương thơm như hoa đào tiết xuân phả vào mũi thầy. Thầy mở bừng mắt. Trước mặt là đôi mắt long lanh tựa lưu ly, đôi mắt tươi cười mang theo hoa đào, làm người ta vô thức muốn vươn tay ra hứng lấy cánh hoa rơi.

"Ồ, người muốn đến đây tiễn ta một đoạn đường sao?"

Yêu quái lắc đầu. Lần này, thầy Lương thấy mắt nó thật buồn.

"Thứ đáng giá nhất của thầy, ta đã lấy rồi. Ta đã hứa sẽ trả cho thầy tiền đồ vô lượng, phú quý trải dài, thế nhưng cả thầy và ta, không ai hoàn thành lời hứa của mình."

"Thứ đáng giá nhất của thầy, là tấm lòng kiên trung, thiện lương. Là lời cha dạy cho thầy. Ta đã lầm, một khi mất những thứ ấy, tiền đồ vô lượng, phú quý trải dài, tất thảy đều vô nghĩa."

"Ta không phải mất đi tấm lòng, mà là mất đi chính bản thân ta."

Thứ đáng giá nhất trên đời, ấy chính là giữ được tấm lòng son sắt không đổi, giữ được bản ngã của bản thân trước vằng vặc núi sông, in tạc vào đất trời. Một tấm lòng kiên trung. Phú quý vinh hoa cũng được, nghèo túng bần hàn cũng thế, bản thân thầy Lương nhớ tới khao khát thuở ban sơ, muốn làm một gốc cây tùng, cao ráo lại vươn thẳng che hết mọi sóng gió của đất trời, hiên ngang đón bão. Ở bất kỳ đâu, thầy vẫn luôn muốn bản thân kiên định. Bây giờ, không còn nữa...

Thầy Lương nhắm mắt lại, trong đầu óc mơ màng như khói như sương, như trở lại ngôi miếu khi xưa, như khi tất thảy chưa hề bắt đầu, trở lại câu hỏi ban sơ của những đứa trẻ ngây thở ở cái thôn nhỏ leo lắt.

"Thầy Lương có nhớ chúng con không?"

"Nhớ" là nhớ nhà, nhớ quê hương, nhớ một thời trai trẻ không thể quay về. Là nhớ lời thề son sắt không thể vẹn tròn. Gió tanh mưa máu một đời qua đi, thầy Lương chỉ khao khát, tất thảy là một giấc mộng. Mộng hòe nhai.
.
.
.
Thầy Lương bừng tỉnh khỏi giấc mộng dài, khi tỉnh lại không biết đây là thật hay là hư ảo. Trong ngôi miếu hoang chỉ còn độc bóng hình của thầy, một người, đứng trong một cái miếu, câm lặng giữa chốn núi rừng lao xao. Tiếng mèo kêu vang vọng núi rừng, xen lẫn trong tiếng gió, chát chúa đập vào tai người cũng biến mất. Bốn phía yên ả như chưa từng bắt đầu một gợn sóng lăn tăn.

Tiếng duy nhất còn lại là tiếng lá cây va đập tạo nên những bản nhạc không có quy luật bất tận. Giấc mộng đẹp thường nhanh tàn, ác mộng lại càng khó có thật. Thầy Lương tự an ủi mình, có lẽ khi nãy chỉ là nhắm mắt lại, mơ một giấc hòe nhai, xuyên qua tháng năm đằng đẵng mà thôi. Một giấc hòe nhai giống như thật. Thầy tặc lưỡi, cầm tay nải lên, đi khỏi miếu hoang. Kể cả ngôi miếu này nữa, có lẽ vị tú tài tài hoa lại bạc mệnh cũng chỉ trong truyền thuyết mà thôi, có lẽ vậy ...

Thầy Lương tần ngần đứng lại, thấy mình vừa đi vừa suy nghĩ đã ra tới đường lớn từ khi nào. Đi từ nơi rừng núi hoang vu tới phồn hoa đô hội, làm sao một người như thầy Lương lại có thể đi nhanh như thế? Thầy giật mình, quay lại phía sau tìm nơi có bóng người, xem có ai đó đang tình cờ theo dõi thầy hay không. Không có ai cả. Thế nhưng, con mắt tinh tế của thầy nhìn thấy ở nơi góc phố nhỏ, có một con mèo đen, đôi mắt trong suốt như lưu ly nhìn sâu vào vạn năm đất trời, giống hệt con mắt trong mộng. Nó nhìn ngài rồi bỏ đi.

"Thầy Lương, vì thầy đã giúp tôi một lần, vậy tôi cũng sẽ trả ơn lại thầy một lần. Giấc mơ của thầy là những điều sẽ xảy ra. Nếu thầy muốn tránh khỏi nó, hãy đừng tham gia kỳ thi Hương năm nay."

"Không tham gia năm nay thì sang năm tham gia, có gì khác nhau chứ?"

"Khác chứ, vật đổi sao dời, chỉ cách nhau một tích tắc thôi cuộc đời của ngài đã chuyển dời cho người khác rồi."

"Dẫu sao, ta vẫn đỗ cao..."

"Thầy học rộng hiểu nhiều, chắc chắn hiểu điều tôi muốn nói."

Đôi mắt mèo trong vắt như lưu ly khép lại. Thầy Lương cố gắng đi thật nhanh, để thoát khỏi tiếng nói trong veo lanh lảnh như tiếng nắng kia. Ai ngờ đi nhanh quá, lại có trót đụng vào một người. Người nọ vì cũng đang tất bật, lại gặp người ngáng đường, chẳng hiểu sao lại trở nên tức giận vô cùng, vồ lấy người thầy Lương, đẩy thầy ngã sõng xoài ra đường lớn. Người qua đường chưa kịp can ngăn, thầy Lương cảm thấy như có một bóng mờ chồng lên, vị trí của người nọ đang đứng vốn là con đường thầy đang đi. Thầy không hiểu sao trong chớp mắt lại có ảo ảnh ấy thì nghe thấy tiếng người đi đường hô hoán lên.

"Chết người, chết người rồi!"

Hẳn là do trong lúc hai người giằng co, thiếu phụ trên lầu đang phơi quần áo, sàn ướt, nàng bị trượt chân, sơ ý đụng vào chậu hoa trên cao, chậu hoa rơi xuống, vừa khéo rơi trúng vào đầu người qua đường xấu số nọ.

Thầy Lương rùng mình, cảm giác mình vừa khinh qua một kiếp nạn.

"Dẫu là một tích tắc thôi, số phận đã chuyển dời sang cho người khác."

Xem ra thầy Lương không cách nào làm ngơ trước giọng nói lanh lảnh trong veo như màu nắng, ám ảnh thầy suốt cả cuộc đời.

.
.
.
"Thầy Lương, thầy Lương tỉnh rồi. Trời ơi sốt ba ngày ba đêm, thưa thầy, thưa bà, thầy Lương tỉnh rồi!"

Tiếng nói lanh lảnh trong trẻo của cô bé giúp việc vặt nào đó trong nhà, thầy Lương nghe thế, cảm thấy rất thật, có thể một lần nữa được ngửi lại hương tháng năm, hương hoa đào nở muộn. Thật bình yên. Thầy cố gắng tự véo một cái, có lẽ tất thảy là một giấc mơ. Thầy Lương bị sốt cao, ba ngày ba đêm, giống như bị bắt mất hồn, dù bằng cách nào thầy cũng không tỉnh lại. Bây giờ thầy tỉnh rồi, cũng không ai hỏi về chuyến "phiêu lưu" của thầy tới tương lai, cũng không ai hỏi xem yêu quái trong mơ của thầy nhắn nhủ điều gì. Bản thân thầy cũng không biết là mơ hay thật. Nếu là mơ, sẽ trôi qua rất nhanh thôi, thầy sẽ không nhớ gì nữa.
.
.
.
Nhưng mà năm đó, thầy Lương không thi Hương nữa. Tú tài của kỳ thi Hương năm đó, vừa khéo lại cũng là Trạng Nguyên sau này. Khác một cái, lòng thầy nhẹ nhõm đến kỳ lạ, thầy thấy cả ông cụ nhà mình cũng đang mỉm cười, vẻ bất an lại băn khoăn từ lâu tan biến.

Kỳ thi Hương năm sau, rồi tới năm sau nữa, thầy Lương có tham gia, đều không thể đỗ cao. Người ta đều bảo, thầy đã để lỡ mất những phút giây rực rỡ nhất của cuộc đời, đáng lẽ thi sớm một năm, Trạng Nguyên đã là thầy Lương rồi.

Thầy chỉ cười xòa mà bảo rằng, Trạng Nguyên nào phải muốn là có được, chỉ là một giấc hòe nhai, tỉnh giấc rồi, ta chỉ là thầy đồ dạy học mà thôi. Điều quan trọng nhất là không thể sống một cuộc đời mà ta không được làm chính ta.

Quan trọng nhất, phút giây rực rỡ nhất của cuộc đời qua đi, ta vẫn sống mà không đánh mất bản sắc của mình.

Hoa đào năm nay lại nở, tiết xuân tràn về, học trò của thầy Lương lại một lần nữa đăng ký tham gia thi Hương. Người lựa chọn công danh, người muốn vì đất nước, người lại trăn trở cho muôn dân, dẫu là vì lý do gì, thầy luôn dặn chúng, đứng trước đất trời, chỉ cần một tấm lòng son. Đứng trước phong ba bão táp của đời người, chỉ mong người luôn kiên định.

– END –

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro