FDI2010
FDI vào Việt Nam năm 2010 và dự báo năm 2011 (10-02-2011)
Năm 2010, mặc dù nền kinh tế thế giới chưa phục hồi một cách bền vững, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam có giảm, nhưng theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, Việt Nam vẫn thuộc nhóm nước có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới trong năm 2010 và là địa chỉ đầu tư hàng đầu đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
1. Tình hình FDI năm 2010
Trong năm 2010 - năm cuối thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006-2010, FDI ở Việt Nam đạt được những kết quả đáng khích lệ.
Việc giải ngân các dự án FDI đạt được mục tiêu đề ra:
Năm 2010, ước tính các dự án FDI đã giải ngân được 11 tỉ USD, tăng 10% so với năm 2009, trong đó, giải ngân của các nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) ước đạt 8 tỉ USD. Vốn FDI chiếm 25,8% tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2010, cao hơn năm 2009 (chiếm 25,5%). Đạt được kết quả này, một phần, do sự nỗ lực của Chính phủ và các bộ, ngành ở Trung ương cũng như chính quyền các địa phương trong việc chỉ đạo điều hành quyết liệt và kịp thời, cũng như việc tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ các nhà ĐTNN giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc thúc đẩy triển khai thực hiện các dự án ĐTNN. Trong điều kiện cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu chưa được phục hồi thì kết quả giải ngân nguồn vốn FDI nêu trên là một thành công lớn đối với Việt Nam.
Góp phần giảm mức nhập siêu cho nền kinh tế
Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp FDI trong năm 2010 cũng đạt được kết quả tích cực, đóng góp đáng kể vào những thành tựu chung về kinh tế-xã hội của Việt Nam trong năm 2010:
- Xuất khẩu của khu vực ĐTNN (kể cả dầu khí) năm 2010 ước đạt 38,8 tỉ USD, tăng 27,8% so với cùng kỳ và chiếm 53,1% tổng xuất khẩu cả nước. Nếu không tính dầu thô, khu vực ĐTNN xuất khẩu ước đạt 33,88 tỉ USD, chiếm 47,3% tổng xuất khẩu và tăng 40,1% so với cùng kỳ 2009. Nhập khẩu của khu vực ĐTNN năm 2010 ước đạt 36,5 tỉ USD, tăng 39,9% so với cùng kỳ và chiếm 43,4 % tổng nhập khẩu cả nước. Trong năm 2010, khu vực ĐTNN xuất siêu 2,35 tỉ USD, trong khi cả nước nhập siêu 12,375 tỉ USD. Đây là điểm nổi bật của hoạt động ĐTNN năm 2010 là đã đóng góp quan trọng vào thành tích cải thiện cán cân thương mại của Việt Nam, giảm mức nhập siêu cho nền kinh tế.
Năm 2010, các doanh nghiệp FDI nộp ngân sách nhà nước đạt 3,1 tỉ USD, tăng 26% so với năm 2009, vượt 6% so với kế hoạch đề ra và đóng góp 18,4% tổng thu ngân sách nội địa. Điều này cho thấy, đóng góp vào ngân sách của khối doanh nghiệp ĐTNN ngày càng lớn dần do hiệu quả từ hoạt động sản xuất, kinh doanh mang lại và do nhiều doanh nghiệp FDI đã qua giai đoạn được miễn, giảm các ưu đãi về thuế và các chính sách ưu đãi khác.
Ngoài ra, năm 2010, khối doanh nghiệp FDI tiếp tục tạo thêm nhiều việc làm mới cho người lao động. Tính đến nay, lĩnh vực FDI đang sử dụng 1,9 triệu lao động trực tiếp và tạo ra hàng triệu việc làm gián tiếp khác, góp phần quan trọng trong việc giải quyết việc làm cho người lao động Việt Nam.
- Vốn FDI đăng ký gần đạt mục tiêu về lượng và chuyển biến về chất phù hợp với chủ trương thu hút FDI. Trong năm 2010, Việt Nam đã thu hút được 18,59 tỉ USD vốn ĐTNN đăng ký (gồm cả cấp mới và tăng vốn). Tuy chỉ bằng 82,2% so với cùng kỳ 2009 và gần đạt mục tiêu cho năm 2010, nhưng vốn FDI vào Việt Nam duy trì được con số đáng khích lệ như trên trong bối cảnh suy giảm kinh tế toàn cầu chứng tỏ rằng môi trường đầu tư của Việt Nam vẫn có sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Doanh nghiệp FDI đã đầu tư vào hầu hết các ngành kinh tế của Việt Nam. Việc có thêm 1 dự án bất động sản có quy mô vốn lớn vào cuối năm 2010 giúp ngành dịch vụ gia tăng đáng kể với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm là 8,8 tỉ USD, chiếm 47,4% tổng vốn đầu tư đăng ký. Trong cả năm 2010, ngành công nghiệp và xây dựng vẫn luôn là lĩnh vực thu hút sự quan tâm lớn nhất của nhà đầu tư nước ngoài. Theo số liệu cả năm 2010, ngành này dẫn đầu về số lượt dự án đăng ký cấp mới và dự án tăng vốn đầu tư, với 532 dự án cấp mới, tổng vốn đầu tư đạt trên 8,68 tỉ USD và 209 dự án tăng vốn với số vốn tăng thêm là trên 1 tỉ USD. Tổng vốn đầu tư đăng ký mới và tăng thêm trong ngành này là 9,68 tỉ USD, chiếm 52,5% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Một số dự án có quy mô vốn lớn trong ngành công nghiệp và xây dựng được đăng ký trong năm 2010 là Cty TNHH điện lực AES-TKV Mông Dương (BOT nhiệt điện Mông Dương 2), với vốn đầu tư đăng ký trên 2 tỉ USD. Dự án Công ty TNHH Sắt xốp Kobelco Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất phôi thép với tổng vốn đầu tư 1 tỉ USD.
Kết quả thu hút ĐTNN của năm 2010 phù hợp với chủ trương tiếp tục thu hút FDI vào ngành “kinh tế thực”, tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao và công nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu; phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Có sự thay đổi vị trí địa phương thu hút FDI và đối tác đầu tư:
Tính đến nay, FDI đã có mặt ở 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Trong đó, 5 địa phương dẫn đầu vẫn là các địa bàn truyền thống như Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hà Nội, Đồng Nai và Bình Dương. Riêng năm 2010, danh sách các địa phương dẫn đầu về FDI đã có sự thay đổi đáng kể, theo đó, bên cạnh các địa bàn truyền thống, FDI đã tập trung vào các địa bàn mới như Quảng Nam, Quảng Ninh và Cà Mau. Trong đó, Quảng Nam vượt lên trở thành địa phương thu hút được nhiều vốn FDI nhất trong năm 2010 với 4,2 tỉ USD vốn đăng ký mới và tăng thêm, chiếm 22,5% tổng vốn đầu tư đăng ký trong cả nước.
Trong năm 2010, có 55 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Xin-ga-po vươn lên dẫn đầu các nhà đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 4,43 tỉ USD chiếm 23,8 % tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; Hà Lan đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm trên 2,37 tỉ USD, chiếm 12,7% tổng vốn đầu tư tại Việt Nam; Hàn Quốc đứng thứ 3 với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 2,36 tỉ USD, chiếm 12,7% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam.
Trong số các dự án cấp mới năm 2010, đáng chú ý có các dự án lớn được cấp phép là: dự án dự án Công ty TNHH phát triển Nam Hội An (Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An) do Xin-ga-po đầu tư tại Quảng Nam với tổng vốn đầu tư 4 tỉ USD. Công ty TNHH điện lực AES-TKV Mông Dương (BOT nhiệt điện Mông Dương 2) xây dựng nhà máy nhiệt điện tại Quảng Ninh với tổng vốn đầu tư là 2,1 tỉ USD; Dự án Công ty Sắt xốp Kobelco Việt Nam sản xuất phôi thép tại Nghệ An với tổng vốn đầu tư 1 tỉ USD; Công ty TNHH Skybridge Dragon Sea của Hoa Kỳ, mục tiêu xây dựng, kinh doanh Khu trung tâm hội nghị triển lãm, trung tâm thương mại, kinh doanh bất động sản tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với tổng vốn đầu tư 902,5 triệu USD.
2. Dự báo FDI năm 2011
Để đưa ra các dự báo về tình hình thu hút và thực hiện sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp FDI trong năm tới cần phân tích các yếu tố thuận lợi cũng như các khó khăn, thách thức Việt Nam phải đối mặt trong năm 2011.
Những thuận lợi cơ bản là:
Dòng FDI toàn cầu đã dần vượt qua khỏi đáy của sự suy giảm năm 2009, có thể bắt đầu lấy lại đà tăng trưởng trong năm 2011 và được dự báo đạt 1,2-1,5 nghìn tỉ USD. Các nước đang phát triển và các nền kinh tế đang chuyển đổi tiếp tục là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài
Điều tra triển vọng đầu tư thế giới (WIPS) 2009-2011 của Cơ quan Thương mại và Phát triển của Liên hợp quốc (UNCTAD) cho thấy, Việt Nam vẫn được các công ty xuyên quốc gia (TNCs) đánh giá là 1 trong 15 nền kinh tế hấp dẫn cho đầu tư.
Tình hình chính trị ổn định, vị thế quốc tế của Việt Nam đang được nâng cao cùng với các hoạt động kinh tế đối ngoại tích cực trong năm 2010 của lãnh đạo cấp cao Đảng và nhà nước ta sẽ tiếp tục củng cố lòng tin và làm gia tăng mối quan tâm của nhà ĐTNN đối với nước ta trong năm 2010 và thời gian tới.
Môi trường pháp lý và thể chế kinh tế thị trường của nước ta tiếp tục được hoàn thiện hơn và phù hợp với khu vực và thế giới. Các văn bản pháp lý cơ bản hướng dẫn thực thi Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp đang được tiến hành rà soát và sẽ được sửa đổi như Nghị định 108/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật đầu tư, Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 78/2006/NĐ-CP ngày 09/8/2006 của Chính phủ quy định về đầu tư trực tiếp ra nước ngoài.
Bên cạnh những thuận lợi cơ bản nêu trên, sang năm 2011 Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt với những khó khăn, thách thức, ảnh hưởng đến việc thu hút ĐTNN, cụ thể là:
- Hệ thống kết cấu hạ tầng của Việt Nam mặc dù đã được đầu tư nhiều trong một vài năm trở lại đây nhưng vẫn còn yếu kém, chưa đáp ứng được nhu cầu của các nhà đầu tư và doanh nghiệp, đặc biệt là hệ thống cấp điện, nước, đường giao thông, cảng biển, hệ thống kết cấu hạ tầng ngoài hàng rào các khu công nghiệp
- Tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực đã qua đào tạo, đặc biệt là công nhân kỹ thuật và kỹ sư ngày càng rõ rệt, không chỉ xảy ra ở các khu kinh tế mới hình thành mà còn ở cả những trung tâm công nghiệp như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương...
- Công tác quy hoạch còn thiếu đồng bộ, nhất quán.
- Nhiều thủ tục hành chính kéo dài ảnh hưởng kết quả sản xuất kinh doanh; hệ thống luật pháp về ĐTNN vẫn còn có những chồng chéo, chưa rõ ràng dẫn tới lúng túng trong việc triển khai thực hiện.
- Chính sách ưu đãi chưa thỏa đáng làm ảnh hưởng đến sức hấp dẫn của Việt Nam đối với các nhà đầu tư quốc tế.
- Công tác thông tin, tổng hợp còn những bất cập khiến cho thông tin thiếu thông suốt, không đầy đủ và chưa kịp thời, gây khó khăn cho công tác quản lý, điều hành.
Từ những yếu tố thuận lợi và khó khăn đã phân tích và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về việc tập trung thực hiện các giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh; với kỳ vọng về sự phục hồi của kinh tế thế giới, với quyết tâm tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, dự báo năm 2011, Việt Nam sẽ thu hút được khoảng 20 tỉ USD vốn FDI (bao gồm cả tăng vốn, mở rộng sản xuất), tăng 7,6% so với ước thực hiện năm 2010. Dự kiến, vốn thực hiện năm 2011 khoảng 11 tỉ USD, trong đó, vốn của phía nước ngoài khoảng 8-9 tỉ USD.
Định hướng thu hút FDI:
FDI sẽ được định hướng tới các ngành: công nghiệp chế tác có giá trị gia tăng cao và công nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu; phát triển công nghiệp hỗ trợ; khuyến khích phát triển công nghiệp công nghệ cao, tiết kiệm năng lượng; các dự án sử dụng công nghệ sạch; các dự án đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao, các cơ sở y tế và chăm sóc sức khỏe hiện đại, xây dựng hạ tầng kỹ thuật…
Theo đó, các dự án có quy mô lớn nhưng không thuộc những ngành tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế sẽ ít có cơ hội được xem xét cấp giấy chứng nhận đầu tư dễ dàng như các năm trước; rà soát, kiên quyết thu hồi các dự án vi phạm tiến độ đầu tư không có khả năng triển khai để dành cơ hội cho các nhà đầu tư khác. Việc này sẽ hạn chế bớt các nhà đầu tư không có thực lực, muốn giữ chỗ để chuyển nhượng, mua bán dự án.
Chính sách FDI sẽ có định hướng và chọn lọc trong việc thu hút, phù hợp với cơ cấu kinh tế của cả nước nói chung, từng vùng lãnh thổ nói riêng. Trên tinh thần đó:
- Các dự án FDI được lựa chọn cấp phép phải phù hợp với cơ cấu kinh tế của cả nước; phù hợp với quy hoạch phát triển vùng và gắn với liên kết vùng; gắn với việc phát triển các cụm ngành nghề; tính đến sự phát triển của doanh nghiệp trong nước; xử lý hài hòa mối quan hệ giữa thị trường trong nước và xuất khẩu; gắn với việc chuyển giao công nghệ; gắn với đào tạo lao động.
- Các dự án sẽ được xem xét một cách cẩn trọng, thậm chí không cấp phép các dự án tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; những dự án có quy mô vốn thấp sử dụng diện tích đất lớn; những dự án khai thác, sử dụng nhiều tài nguyên và công nghệ lạc hậu, không có quy trình chế biến sâu; những dự án tiêu tốn nhiều năng lượng...
- Việc lựa chọn các dự án FDI, đặc biệt là các dự án có quy mô lớn, có ý nghĩa quan trọng sẽ gắn với việc lựa chọn đối tác - đây là tiền đề cơ bản giúp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro