Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Fanfic: Về đâu mái tóc người thương_tác giả: erbi_my

VỀ ĐÂU MÁI TÓC NGƯỜI THƯƠNG(1)

Tác giả: erbi_my

Thể loại: fanfic, one-shot, ngôn tình cận đại, xuyên không, SE

Paring: Hoài Lâm x Ngọc Lan

Rating: PG

Disclamer:

Truyện được viết dựa theo bài hát “Về đâu mái tóc người thương”. Sáng tác: Hoài Linh.

Trong truyện có sử dụng lời của một số bài hát và thơ.

Hoài Lâm không thuộc về tác giả nhưng câu chuyện và các nhân vật thuộc về tác giả.

*  *  *

Tôi đã ở nơi này được hai tháng. Thú thật, tôi cũng không hiểu được vì sao mình lại có thể đến nơi này, một phòng trà nhỏ nằm trên con đường Boulevard Charner (2) Sài Gòn, thời Pháp thuộc. Vâng, là thời Pháp thuộc đấy, chính xác là năm 1935. Bạn có tin không? Chính tôi còn không tin được kia mà.

Tôi chỉ biết là mình đang ngủ, một giấc ngủ khoan khoái ngon lành sau một ngày quay MV vất vả. Đùng một cái, tôi xuất hiện ở nơi này và trở thành một ca sĩ phòng trà. Tôi cố cấu véo, tát má mình nhiều lần để tỉnh lại. Nhưng hiện thực là tôi vẫn ở đây. Tôi đành chấp nhận và bắt đầu công việc mới của mình. Một việc vừa quen vừa lạ.

Phòng trà có tên là Le ciel, nghĩa là bầu trời. Tôi nghĩ đây là một cái tên rất hay. Phòng trà rất nhỏ, ít nhất là nhỏ hơn những phòng trà tôi từng đi hát trước đây rất nhiều, chắc cỡ một tiệm cà phê cỡ trung bây giờ. Ở cuối góc phòng đặt một cây đàn piano, nước sơn đen bóng loáng rất đẹp. Tôi là người dễ chấp nhận hiện thực. Ít nhất là tôi vẫn được hát và thỏa niềm đam mê cháy bỏng của mình. Phòng trà mỗi tối đều có kha khá khách quen. Ít nhất là ngày nào còn có người nghe thì tôi vẫn cứ hát. Niềm đam mê mà, không quan trọng là bạn hát ở chỗ nào, mà quan trọng là nơi bạn hát có người lắng nghe bạn, yêu mến bạn.

Tôi đã ở nơi này được hai tháng. Tôi vẫn sử dụng tên Hoài Lâm. Giờ tôi rất biết ơn Bố nuôi tôi đã cho tôi chữ “Hoài” này. Đúng là hoài niệm những gì đã thuộc về quá khứ. Tôi nhớ Bố, nhớ ba mẹ, nhớ Mom, nhớ bố nuôi, sư phụ và những người thân thuộc của tôi rất rất nhiều. Tôi cũng học lõm bõm được vài câu tiếng Pháp. Ít nhất cũng biết gọi Mesdame, Messieur(3) khi có khách bắt chuyện với mình. Tôi nghĩ, trở thành một ca sĩ phòng trà cũng không phải là ý tưởng tồi, khi tôi hát trên sân khấu lớn, tiếng hát tôi ngân rất cao, nhưng tôi rất xa khán giả. Tôi không quan sát được nét mặt họ sẽ như thế nào khi nghe tôi hát. Nhưng không gian nhỏ như phòng trà thì khác. Thú vị lắm. có người lim dim phiêu theo tiếng nhạc, có người lẩm bẩm ngân nga, có người gật gù tán thưởng, nhưng lại có người lấm lét nhìn sang quý bà váy ngắn chân dài vô cùng bốc lửa ngồi ở bàn đối diện.

Tôi không sống ở phòng trà. Tôi trọ trong một con ngõ nhỏ cách nơi làm việc  hai con phố. Mỗi khi đi về đêm khuya, đường phố vắng tanh, có cảm giác sợ sợ. Sài Gòn thời hiện đại nơi tôi đã sống là một thành phố náo nhiệt, hoạt động không ngừng nghỉ 24/24. Sài Gòn xưa nơi tôi đang sống là một thành phố có những lúc tĩnh lặng, thanh bình về đêm. Có tiếng ve kêu ngâm nga, dế kêu rả rít. Gió thổi qua, có chút rùng mình. Chợt nhớ đến câu chuyện…. “Con ma nhà họ Hứa” (4) .Trời ơi, “nó” có gần đây không? Tại sao hồi trước, lúc còn sống ở thời hiện đại, có internet, mạng mẽo đầy đủ, sao tôi lại không tìm hiểu kỹ xem căn nhà có con ma đó là căn nhà nào nhỉ?

Gió thổi phần phật, tôi tình cờ ngó lên tầng hai của căn biệt thự màu trắng trước mặt. Có ai áo trắng trắng bên cửa sổ, tóc rất dài, xõa bóng bên rèm. Tôi co giò định bỏ chạy thì có tiếng dương cầm vang lên. Tôi dừng lại. Giai điệu này quen thuộc lắm, tôi đã từng nghe ở đâu đó nhưng không để ý. Tiếng đàn ngân vang dìu dặt, đưa thả hồn tôi về một nơi yên bình, nơi có dòng sông xanh ngắt, nước chảy êm đềm. Không biết đã trải qua bao lâu. Tiếng đàn dừng lại. Tôi choàng tỉnh cơn mê, tiếc ngẩn ngơ nhìn theo cái bóng áo trắng biến mất sau rèm. Đèn phụt tắt, cả căn nhà màu trắng lại trở về với bóng tối vĩnh hằng. Có lẽ… chỉ là mơ thôi.

Mỗi đêm tôi đều đi về trên con đường này. Nơi đây tập trung khá nhiều biệt thự, nơi sinh sống của các công chức người Việt làm việc cho chính quyền Pháp. Con đường này rất đẹp, ít nhất là đẹp hơn nhiều so với chính nó ở thời hiện đại. Hàng cây rợp bóng mát, những căn biệt thự cổ kính kiến trúc kiểu Pháp ẩn mình sau những cánh cổng tường cao. Đã quá giờ giới nghiêm. Thỉnh thoảng gặp một vài anh tuần cảnh đi lại trên đường. Qua vài lần chào hỏi, họ cũng biết tôi là ca sĩ phòng trà Le ciel và nhìn tôi có vẻ “trói gà không chặt” nên họ nhìn nhìn vài cái rồi cho qua. Tôi lại đi trên con đường quen thuộc và lại dừng chân trước căn biệt thự màu trắng, như chờ đợi một điều gì đó. Mỗi đêm, vào đúng giờ này, tiếng dương cầm luôn phát ra từ cửa sổ tầng hai.  Dường như ước định, tiếng đàn lại ngân nga, tôi tựa vào một góc cây ven đường, thả hồn theo tiếng nhạc.

Nhạc dừng. Tôi định xoay lưng bỏ đi thì cửa sổ tầng hai mở ra. Một bóng dáng thanh mảnh vươn ra ngoài cửa sổ, mái tóc dài xõa bóng bay bay theo gió. Gương mặt trong sáng tinh khôi, ánh mắt trong veo ngước nhìn về phía ánh trăng. Hôm nay trăng rằm, tròn, rất sáng. Liệu tôi có phải ảo tưởng, nàng chính là Hằng Nga tiên tử, rời khỏi cung Quảng Hàn(5) để đến nơi đây tấu nên bản tình ca bất tận?

Tôi ngẩn ngơ nhìn nàng, rất rất lâu. Chợt, nàng đưa mắt nhìn chăm chú cái cây ngoài vỉa hè. Đúng rồi, là cái cây tôi đang dựa vào nè. Liệu nàng có đang nhìn tôi?

Bốn mắt chạm nhau. Tôi đứng hình. Liệu có nên nhe răng mỉm cười một cái duyên dáng không? Tôi đang bối rối không biết phản ứng như thế nào thì nàng cụp mắt lại. Xoay người và…đóng cửa sổ.

Tôi đơ người.

Giờ tôi đã biết thế nào là “Hồn lỡ sa vào đôi mắt em…chiều nao xõa tóc ngồi bên rèm…”

Nàng “Hằng Nga tiên tử” này rất lạ. Mỗi ngày nàng chỉ đàn đúng một bài hát vào nửa đêm, nhưng bù lại tiếng đàn rất hay. Nếu nàng sống ở thời hiện đại thì chắc chắn có thể trở thành một nhạc công piano chuyên nghiệp. Tôi cứ ngỡ nàng đàn một bản tình ca. Nhưng một hôm, tôi ngân nga giai điệu bản nhạc thì anh nhạc công cho tôi biết đấy là một bài Thánh ca, Ave Maria(6). Ôi, Ave Maria, ngay cả cái tên bài hát nàng đàn cũng thật phù hợp với nàng.

Mấy ngày hôm nay, đêm nào đánh đàn nàng cũng mở cửa sổ. Cũng tốt, dễ dàng ngắm nàng hơn. Dễ dàng nhìn thấy cái bóng dáng mảnh mai như sương khói của nàng mở ảo sau tấm rèm cửa. Tôi tự nhủ, ít ra việc xuyên không(7) về thời Pháp thuộc thế này cũng không phải là điều tồi tệ lắm.

*  *  *

Sáng hôm nay, một buổi sáng hiếm hoi tôi dậy sớm để ra đường tản bộ và đi về hướng Nhà thờ Đức Bà Cathédrale Notre-Dame de Saïgon (8). Trời rất đẹp, ánh nắng vàng lấp lánh như nhảy múa cùng những chiếc lá vàng khô bay bay trên đường. Tôi say sưa thả hồn vào cảnh đẹp yên bình. Chợt… có bóng dáng ai thấp thoáng trên phố Alexandre de Rhodes. Tôi có đang nằm mơ không?

Nàng mặc một chiếc đầm xòe màu trắng tay ngắn phồng rất đẹp, đầu đội một chiếc mũ rộng vành cũng màu trắng, mái tóc dài được tết thành một bím buông thả một bên vai và được cố định bằng một chiếc nơ trắng, dưới chân là một đôi giày búp bê màu trắng xinh xắn. Cả tổng thể nàng như con bướm trắng xinh đẹp bay dập dìu trên phố. Tôi bỗng nhiên cảm thấy… yêu màu trắng lạ thường.

Tôi… nên làm gì bây giờ? Có nên chạy lại để làm quen không? Tôi ngó xuống quần áo của mình, tôi đang mặc quần short, áo thun. Ăn mặc thế này mà đến làm quen,”Chào em, anh tên Hoài Lâm. Em rất xinh, em tên gì? Bla…bla…” Nàng có nghĩ tôi là tên dê xồm tán tỉnh con gái nhà lành trên phố rồi cho tôi một bạt tay không?

Tôi bối rối, líu quíu chân tay không biết nên làm gì. Trước giờ tôi có cần phải tán gái đâu nên không có “kinh nghiệm” thực tiễn. Tôi đành đứng như trời trồng làm “gã khờ ngọng nghịu đứng làm thơ”(9).

Nàng bước đi càng ngày càng xa hơn. Tôi hoảng hồn nép vào bức tường rào rồi lặng lẽ bám theo nàng. Dường như linh cảm được có ai đó đang theo dõi mình. Nàng quay phắt người lại nhìn về phía sau rồi phát hiện ra tôi. Tôi bối rối quá, đứng ôm tường rồi giơ tay làm dấu hiệu “số ba huyền thoại”(10) chào nàng,” Hi….” Rồi nhe răng cười trừ.

Nàng tròn mắt nhìn tôi rồi như sực nhớ ra điều gì,”Anh… anh là người mỗi đêm đều đứng dưới cửa nhà tôi để nghe tôi đàn phải không?”

Đấy, tôi biết là việc “phục kích” trước cửa nhà nàng cuối cùng cũng có kết quả mà. Nàng nhận ta tôi rồi kìa, thấy chưa?

*  *  *

Mỗi ngày vào đúng chín giờ sáng nàng đều rời khỏi nhà để đi tản bộ và trở về trước lúc mười một giờ. Mỗi ngày tôi đều dậy sớm hơn để ra đây “tình cờ” gặp nàng. Có lẽ nàng cũng đoán được là chẳng có gì là tình cờ, nhưng chỉ mỉm cười không nói gì.

Nàng bảo là nàng tên là Ngọc Lan. Ngọc Lan….Ngọc Lan(11)… tên của một loài hoa. Tôi nghĩ những người con gái tên Lan đều rất đẹp và có hương sắc riêng như má Hai Hương Lan của tôi, như cô Ngọc Lan…Nàng bảo nàng năm nay mười bảy tuổi, vậy là nhỏ hơn tôi hai tuổi. Nàng không có mẹ, nàng sống trong ngôi nhà màu trắng cùng cha và một người vú nuôi đã chăm sóc nàng từ nhỏ. Cha nàng là trưởng ty Sở Nội Vụ của chính quyền Pháp. Cha nàng rất khó tính, không cho nàng đi đâu cả, nhưng mỗi ngày nàng đều tranh thủ giờ cha nàng đi làm việc để ra khỏi nhà và có vú nuôi canh cửa cho nàng.

Tôi nghĩ nàng là một người con gái rất đặc biệt. Ít nhất là không có người con gái mười bảy tuổi nào, đêm nào cũng đàn mỗi một bài Thánh ca buồn đến thế. Tôi hỏi nàng, nàng cười bảo là bản nhạc ấy làm nàng nhớ đến Paris, nơi nàng đã sống và học tập trong ba năm, chỉ đến khi mẹ mất nàng mới trở về. Thì ra, nàng là du học sinh ở Pháp, thảo nào nhìn nàng có vẻ khác với những cô gái ở thời đại này đến thế. Tôi cũng muốn nói với nàng là tôi cũng từng đến Paris, đã từng đứng dưới chân tháp Eiffel để ngân nga bản tình ca “Nơi tình yêu kết thúc”(12). Nhưng thôi, cái tên bài hát nghe có vẻ chẳng may mắn chút nào, tình còn chưa kịp bắt đầu mà đã hát “kết thúc” thì xui xẻo lắm. Nên đành ngậm miệng ngắm nhìn nàng ngâm nga giai điệu Ave Maria.

“Ave Maria….Pardonne-moi….Si devant toi…Je ne tiens debout

Ave Maria…Moi qui ne sais pas me mettre à genoux….”

Nàng cũng biết tôi là một ca sĩ hát ở phòng trà. Tôi không giấu nàng. Có lẽ là vì bản thân là một người hiện đại nên tôi cảm thấy nghề nghiệp của mình rất bình thường. Tôi không quan tâm người thời đại này nghĩ sao về phường “xướng ca”. Nàng mỉm cười và bảo là nàng rất muốn được đến phòng trà và nghe tôi hát, nhưng nàng không được ra ngoài vào ban đêm. Gương mặt nàng có vẻ thoáng buồn. Nàng bảo nàng ghen tị với tôi vì tôi có thể tự do làm được điều mình thích. Tôi nghĩ tôi có thể hiểu được cảm nhận của nàng. Nàng đúng chuẩn một cô tiểu thư thời Pháp, mặc những trang phục xinh đẹp hợp thời, sống trong một tòa nhà tráng lệ nhưng mãi là chú chim nhỏ bị nhốt trong lồng, mất đi sự tự do. Tôi cũng biết về hoàn cảnh của chúng tôi, nên chỉ đành ngâm nga trong lòng,” Thầm ước nhưng nào đâu dám nói …Khép tâm tư lại thôi …Đường hoa vẫn chưa mở lối…
Đời lắm phong trần tay trắng tay …Trời đông ngại gió lùa vai gầy …Lầu kín trăng về…không lối chiếu …Gác cao ngăn niềm yêu ….Thì thôi mơ ước chi nhiều”

Mỗi đêm, tôi đều đứng dưới nhà nghe nàng đàn. Mấy hôm nay nàng đàn thêm bài mới, giai điệu lúc rộn ràng, lúc da diết. Có lẽ là một bản tình ca. Nàng vừa đàn, tình thoảng lại ngoái ra ngoài cửa sổ mỉm cười nhìn tôi.

Nụ cười của nàng, tiếng đàn của nàng, hương ngọc lan thơm ngát trong vườn nhà nàng như hòa quyện vào hồn tôi. Thôi kệ nó đi, cuộc đời tôi mà, yêu thì yêu thôi.

*  *  *

Hôm nay nàng bảo muốn đến phòng trà nơi tôi làm việc. Ban ngày phòng trà như một tiệm cà phê bình thường. Nàng tròn xoe mắt nhìn ngắm mọi thứ xung quanh. Có lẽ trước giờ đều ở nhà, lần đầu mới tới một nơi như thế này. Anh quản lý thỉnh thoáng liếc nhìn nàng rồi huých vai tôi,”Xinh quá đó nha!”. Tôi cười cười không nói gì. Có chút tự hào.

Tay nàng chạm vào phím đàn và gõ vài nhịp. Tôi tiến lại gần. Nàng mỉm cười,”Đàn cho em nghe đi”.

Tôi ngồi vào ghế vừa đàn vừa hát bài “Nơi tình yêu bắt đầu”(13).

“Ta quen nhau đã bao lâu rồi, hỡi đêm đêm có hay, mà giọt buồn hoài vương trên môi mặn đắng.

Ta quen nhau đã bao lâu rồi, hỡi đêm sao vẫn mãi đêm dài để, mình ta với con tim khô cằn giá băng.

Đêm hôm qua bỗng nhiên anh nhìn thấy em trong giấc mơ,mình ngồi cạnh thật lâu bên nhau lặng lẽ.

Đêm nay mơ bỗng nhiên anh lại nhớ em trong cơn gió đông về.

Phải chăng khi biết yêu, giắc mơ là nơi bắt đầu.”

Vừa hát vừa liếc nhìn nàng. Nàng khe khẽ nhìn tôi rồi đỏ mặt.

Tôi cười cười, mặt dày “rủ rê”,”Em lại cùng đàn với anh đi.”. Rồi ngồi nhích sang một bên ghế để nhường chỗ cho nàng.

Nàng ngượng ngùng đi lại và ngồi xuống,”Đàn bài gì bây giờ?”

“Đàn bài gì cũng được. Mấy bài em quen thuộc ấy, rồi anh đệm đàn cùng em”.

Tay nàng lướt trên phím đàn và bắt đầu đánh bài”Thư gửi Elise”(14) của Bethoven. May quá. Bài này tôi biết.

Hai chúng tôi say sưa hòa nhịp cùng nhau, không để ý gì đến xung quanh cho đến khi bản nhạc kết thúc. Tiếng vỗ tay vang lên từ những thực khách đến uống cà phê. Chúng tôi sượng sùng cảm ơn mọi người rồi tôi đưa nàng trở về nhà nàng.

Chúng tôi tay trong tay cùng đi trên phố. Nàng khá nhỏ bé, chỉ tầm một mét năm mươi. Tôi cao hơn nàng gần nửa cái đầu nên chúng tôi đi cùng nhau trông khá đẹp đôi. Nắng vàng lấp lánh, lá khô xào xạc bay, tiếng chim kêu ríu rít trên cành. Tôi nghĩ cuộc đời này thật là đẹp.

Tôi lưu luyến chia tay nàng bên cổng rào nhà nàng. Bỗng,”Xịch”. Có tiếng ô tô đỗ ở cổng chính. Là chiếc Rolls-Royce Phantom(15) của cha nàng. Hôm nay ông ấy trở về nhà sớm. Nàng hoảng hồn, rút tay nàng ra khỏi cái nắm chặt của tôi, rồi vạch bụi rậm chui vào. Chui lỗ chó? Lan ơi, Hôm nay anh có cái nhìn mới mẻ về em rồi đấy.

Thoáng thấy cái nhìn hiếu kỳ của người đàn ông đạo mạo đang bước ra khỏi xe. Tôi vội quay mặt bước đi như một vị khách qua đường.

*  *  *

Trên đời này, không có gì là tồn tại bất diệt, trong số đó, tình yêu là thứ mong manh, dễ vỡ nhất…

Mấy hôm nay trông nàng có vẻ buồn buồn, không còn ngâm nga hát như xưa. Nàng như có tâm sự, nhưng khi tôi hỏi đến, nàng chỉ mỉm cười bảo là ở nhà có chuyện buồn thôi. Nàng không muốn tâm sự, tôi cũng không tiện hỏi. Nhưng nhìn thấy sự ưu tư trong mắt nàng, tôi rất đau lòng. Ước gì nàng có thể tin tưởng tôi hơn để cùng nhau chia sẻ.

Rồi nàng mỉm cười và “nài” tôi hát cho nàng nghe. Hát gì bây giờ nhỉ? Rồi tôi ngâm nga hát bài “tủ” của mình”Về đâu mái tóc người thương”.

Đến đoạn” Bên nhau sao tình xa vạn lý cách biệt mấy sơn khê …Ngày đi mắt em xanh biển sâu, mắt tôi rưng rưng sầu…” mắt nàng hoen lệ. Tôi nghĩ tôi có thể đoán được chuyện gì đang xảy ra.

*  *  *

Mấy hôm nay, tôi không gặp được nàng. Buổi sáng, tôi vẫn đến chỗ hẹn cũ. Chờ nàng cả buổi nhưng vẫn không thấy nàng đến. Mỗi buổi tối tôi đều đứng dưới cửa nhà nàng. Nhưng đều không nghe được tiếng đàn của nàng. Cửa sổ tầng hai khép chặt.

Tôi đứng đợi đến ngày thứ năm thì cánh cổng nhà nàng mở ra. Một người phụ nữ trung niên nhỏ con khắc khổ nhưng vẻ mặt phúc hậu bước ra. Là vú nuôi của nàng. Bà đưa cho tôi phong thư rồi trở vào.

Dưới ánh đèn đường lập lòe, tôi chăm chú đọc từng dòng chữ nắn nót của nàng. Mắt tôi hoen lệ.

Thì ra, đúng là có tai họa đã ập xuống nhà nàng. Cha nàng thâm hụt công quỹ, có nguy cơ phải vào tù. Ngày cha nàng vội vã về nhà sớm chính là ngày tai họa xảy ra. Tổng đốc nói với cha nàng là nếu cha nàng gả nàng cho con trai ông ấy, ông ấy sẽ xóa án cho cha nàng. Tính nàng ngay thẳng cương trực nên nhất quyết không đồng ý. Nhưng cha nàng đã quỳ sụp trước mặt nàng để van xin nàng. Nhìn mái tóc cha điểm sương, khóe mắt hằn sâu dấu vết thời gian. Nàng nuốt nước mắt đồng ý. Nàng bảo là mấy hôm nay nàng không đi gặp tôi vì nếu gặp rồi nàng sẽ không quyết tâm được.

Nước mắt tôi lăn dài trên má, chảy vào lá thư nhòe cả mực. Tôi hận bản thân mình bất lực. Đúng là nếu nàng có tâm sự với tôi, tôi cũng không giải quyết được gì nên nàng đã chọn cách im lặng.

Tôi đứng trước cửa nhà nàng. Nhìn chằm chằm vào cánh cửa sổ tầng hai. Tôi biết phía sau bức rèm đó, người con gái ấy đang khóc thầm trong lặng lẽ.

Nội tâm tôi gào thét. Muốn hét to với nàng,”Ngọc Lan, hãy bỏ tất cả để theo anh”. Nhưng hiện thực thì thế nào, tôi hai bàn tay trắng lại hoàn trắng tay. Nàng lại là tiểu thư nhà giàu, tôi không muốn nàng chịu khổ theo tôi. Nàng bỏ đi rồi, cha nàng sẽ thế nào…

Tôi với tay, bứt nhánh hoa trên hàng rào nhà nàng. Hoa Ti Gôn à? Bấy lâu nay tôi đắm chìm trong hương ngọc lan thơm ngát trong vườn nhà nàng nên nào để ý đến “Hoa như dáng tim vỡ”(16) này đâu.

*  *  *

Ngày vu quy, nàng vô cùng xinh đẹp. Tôi biết nàng mặc váy cưới màu trắng vô cùng đẹp. Nhưng chú rể không phải tôi.

Nàng mỉm cười bên cạnh chú rể lớn hơn nàng vài tuổi. Nhưng mắt nàng đượm buồn.

Nàng bước lên xe hoa trong tiếng pháo rộn ràng và lời chúc mừng từ hai họ. Nàng vừa bước chân lên xe nhưng chợt ngoái nhìn về bụi cây tôi đang đứng. Tôi nép mình vào bụi cây, không lộ diện. Nhưng cánh tay lộ ra làm dấu”số ba huyền thoại”.

Nàng khẽ mỉm cười rồi lại lệ tràn mi. Ai cũng tường là nàng khóc vì sắp rời xa gia đình để về nhà chồng.

Xe đi rồi. Chỉ còn lại xác pháo đầy đường. Tôi ngẩn người nhìn theo rồi lại lẩm nhẩm hát,” Đường phố muôn màu sao thiếu em …Về đâu làn tóc xõa bên rèm …Lầu vắng không người song khép kín …Nhớ em tôi gọi tên,chỉ nghe tiếng lá rơi thềm”. Nước mắt trào ra trong tiếng nấc nghẹn ngào.

*  *  *

Tôi giật mình. Choàng tỉnh giấc. Xem đồng hồ thì đã năm giờ sáng. Thì ra tất cả chỉ là cơn mơ. Nhưng sao khóe mi tôi lại ươn ướt? Tôi tự hỏi là thực hay mơ. Cuộc đời này đâu là thực, đâu là mộng ảo? Hay tất cả chỉ là giấc mộng Trang Chu(17)?

*  *  *

Hôm nay tôi có một show ở phòng trà. Tôi lại hát bài “Về đâu mái tóc người thương”. Nhưng bây giờ, trải nghiệm đã khác.

“Hồn lỡ sa vào đôi mắt em
Chiều nao xõa tóc ngồi bên rèm
Thầm ước nhưng nào đâu dám nói
Khép tâm tư lại thôi
Đường hoa vẫn chưa mở lối

Đời lắm phong trần tay trắng tay
Trời đông ngại gió lùa vai gầy
Lầu kín trăng về không lối chiếu
Gác cao ngăn niềm yêu
Thì thôi mơ ước chi nhiều

Bên nhau sao tình xa vạn lý cách biệt mấy sơn khê
Ngày đi mắt em xanh biển sâu, mắt tôi rưng rưng sầu
Lặng nghe tiếng pháo tiễn ai qua cầu

Đường phố muôn màu sao thiếu em
Về đâu làn tóc xõa bên rèm
Lầu vắng không người song khép kín
Nhớ em tôi gọi tên,chỉ nghe tiếng lá rơi thềm”

Có cái gì đó nóng ấm lăn dài trên má.

Tối hôm nay, tôi đi taxi về. Nhưng đến giữa đường thì dừng lại để tản bộ về. Vẫn con phố ấy, ngày ngày tôi đã đi qua. Cảnh cũ nhưng người ở đâu bây giờ?

Bỗng có tiếng đàn dương cầm thánh thót đâu đây…..

HOÀN

Sài Gòn, ngày 28 tháng 7 năm 2014

Note:

(1)“Về đâu mái tóc người thương: Tác giả Hoài Linh.

(2)Đường Boulevard Charner: nay là đường Nguyễn Huệ ( rạp Rex, rạp Eden, passage Eden, Thương xá Tax, bánh mì pâté Đô Chính, phòng trà Queen Bee, Tổng Nha Ngân Khố, Kỹ Thương Ngân Hàng, Hôtel Palace,Hãng Charner).

(3)Mesdame, Messieur: quý bà, quý ông.

(4)Con ma nhà họ Hứa: “Con ma nhà họ Hứa” là một bộ phim kinh dị của đạo diễn Lê Hoàng Hoa, ra mắt năm 1973.

(5)Hằng Nga, Cung Quảng Hàn:Hằng Nga (tiếng Trung: 姮娥), Thường Nga (tiếng Trung:嫦娥) hay đơn giản là chị Hằng, là một nhân vật thần thoại trong truyền thuyết của người Trung Quốc và một số nền văn minh chịu ảnh hưởng của nền văn minh Trung Hoa, nữ thần của Mặt Trăng. Không giống như các vị thần Mặt Trăng đã được nhân cách hóa của các nền văn minh khác, Hằng Nga chỉ sống trên Mặt Trăng. Như là "người phụ nữ trên Mặt Trăng", Hằng Nga có thể coi là sự bổ sung cho khái niệm người đàn ông trên Mặt Trăng của người phương Tây. Miệng núi lửa trên Mặt Trăng Chang-Ngo do IAU đặt là lấy theo tên gọi Thường Nga. Hằng Nga là đề tài của một vài truyện cổ tích trong truyền thuyết Trung Hoa, phần lớn đều gắn liền với các thành phần sau: Hậu Nghệ-người bắn cung; vị vua-hoặc là nhân từ hoặc là độc ác; thuốc trường sinh; Mặt Trăng; thỏ ngọc. Người ta cũng cho rằng Hằng Nga sống trong cung Quảng Hàn. (Nguồn Wikipedia)

(6)Ave Maria: Ave Maria, tên phổ thông của một bài hát có tựa là Ellens dritter Gesang (Ellens Gesang III „Hymne an die Jungfrau", là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của nhà soạn nhạc người Áo Franz Schubert, được viết vào năm 1825. Cảm hứng để nhà soạn nhạc yểu mệnh viết bài Lied xuất sắc này là từ tập thơ Lady of the Lake (tiếng Việt: Người phụ nữ bên hồ) của đại thi hào người Scotland Walter Scott, được dịch sang tiếng Đức bởi Adam Storck. Nhân vật chính trong tập thơ này, nữ anh hùng Ellens Douglas trong thời gian trốn tránh quân thù bên một cái hồ, đã cầu nguyện Đức trinh nữ Maria bằng những lời thơ. Schubert vốn là một con người sùng đạo, lại nhớ đến người con gái ông yêu có khuôn mặt giống Đức trinh nữ nên đã phổ nhạc cho tác phẩm này, lấy tên là "Ellens dritter Gesang" (có nghĩa là Bài hát thứ ba của Ellens). Tuy nhiên, vì bài hát được bắt đầu bằng và kết thúc cũng như hay được lập lại bằng hai từ "Ave Maria" nó hay được hát trong các buổi thánh lễ nhất là trong lễ đám cưới và đám tang bằng tiếng Latin, nên người đời sau này gọi bài hát đó là Ave Maria. Schubert không hề đặt tên tác phẩm này là Ave Maria mà là Ellens dritter Gesang, điều này ông đã khẳng định qua những lá thư gửi cho cha mẹ mình, báo tin về sự thành công của ca khúc. Có lẽ chỉ những người hoài cổ mới nhớ đến phiên bản sơ khai của tác phẩm, vì hiện tại nó ít phổ biến. So với bản Ave Maria của Johann Sebastian Bach và Charles Gounod, bản Ave Maria hát đơn giản hơn. Tác phẩm này khi nghe sẽ cho ta một cảm giác buồn man mác, cảm xúc chung mỗi khi ta thưởng thức hầu hết các tác phẩm của Schubert. (Nguồn Wikipedia)

(7)Xuyên không: Thể loại truyện xuyên không là tiểu thuyết mà trong đó các nhân vật chính vì một lý do nào đó mà đi đến một khoảng thời gian không gian khác sinh sống. Trái với xuyên không là phản xuyên.

(8)Nhà thờ Đức Bà Cathédrale Notre-Dame de Saïgon: Nhà thờ chính tòa Đức Bà Sài Gòn (tên chính thức: Vương cung thánh đường Chính tòa Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội, tiếng Anh: Immaculate Conception Cathedral Basilica, tiếng Pháp: Cathédrale Notre-Dame de Saïgon, gọi tắt là Nhà thờ Đức Bà) là nhà thờ chính tòa của Tổng giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh. Đây cũng là nhà thờ Công giáo có quy mô lớn và đặc sắc, một những công trình kiến trúc thu hút nhiều khách tham quan nhất tại thành phố này.

(9)Gã khờ ngọng nghịu đứng làm thơ: Lời bài hát Phượng Hồng, sáng tác Vũ Hoàng.

Nhờ cây đàn buông tiếng xa xôi,
Ai cũng hiểu chỉ một người không hiểu,
Nên có một gã khờ ngọng nghịu đứng làm thơ.

(10)“Số ba huyền thoại”:
Khi Hoài Lâm đưa tay làm dấu hiệu Victory "V" thì luôn đưa kèm theo ngón út rất đặc trưng.

(11)Hoa Ngọc Lan:     

 “Sự tích về cái tên Ngọc Lan” của nữ chính: Trong một buổi Offline với fans ở Đà Lạt, Hoài Lâm có đóng một vở kịch, trong vở kịch có một lời thoại Hoài Lâm buộc miệng nói ra,”Em có phải tên Lan không?”. Tác giả tự hỏi không biết cái tên này có ý nghĩa gì với Hoài Lâm không nên đã quyết định lấy tên Lan để đặt cho nữ chính.

(12)Nơi tình yêu kết thúc: sáng tác Tiến Minh.

(13)Nơi Tình yêu bắt đầu: sáng tác Tiến Minh

(14)Thư gửi Elise: Bagatelle số 25 thuộc La thứ (WoO 59 và Bia 515) cho đàn piano, thường được biết dưới tên gọi "Für Elise", là một trong những bản nhạc dành cho piano nổi tiếng nhất của Ludwig van Beethoven. Người ta vẫn chưa rõ "Elise" là ai. Nhà âm nhạc học Max Unger cho rằng Ludwig Nohl có thể đã dịch tên bài không chính xác và bản gốc có thể có tên là "Für Therese"[6], khi ông nêu giả thuyết tên bản nhạc liên quan đến cô Therese Malfatti von Rohrenbach zu Dezza (1792–1851). Cô là người bạn và là học trò của Beethoven như ông nói vào năm 1810, nhưng sau này cô đã bỏ và đi lấy một nhà quý tộc và viên chức chính phủ Wilhelm von Droßdik năm 1816.[7] Theo nghiên cứu gần đây của Klaus Martin Kopitz, có chứng cứ mong manh cho thấy bản nhạc này được viết cho ca sĩ hát giọng soprano người Đức Elisabeth Röckel (1793–1883), người sau này làm vợ nhà soạn nhạc Johann Nepomuk Hummel. "Elise" là do một linh mục giáo xứ gọi cô như vậy (mặc dù cô tự gọi mình là "Betty"), và cô trở thành bạn của Beethoven từ năm 1808.[8] Trong khi đó người ta lại chứng minh rằng Rudolf Schachner (1816-1896), người thừa kế các bản tổng phổ nhạc của Therese von Droßdik vào năm 1851, là con trai ngoài giá thú của Babette Bredl (người này vào năm 1865 đã để cho Nohl sao chép lại các bản thảo có chữ ký của chính bà). Do đó giả thuyết của Kopitz bị bác bỏ hoàn toàn.

(15)Xe Rolls-Royce Phantom:  Một dòng xe hạng sang của Anh.

(16)“Hoa như dáng tim vỡ”: Lời bài thơ “Hai sắc hoa Ti Gôn”. Tác giả T.T.Kh.

“Một mùa thu trước mỗi hoàng hôn

Nhặt cánh hoa rơi cảm thấy buồn

Nhuộm ánh nắng tà qua mái tóc

Tôi chờ người đến với yêu đương

 

Người ấy thường hay ngắm lạnh lùng

Dải đường xa vút bóng chiều phong,

Và phương trời thẳm mờ sương, cát

Tay vít dây hoa trắng chạnh lòng

 

Người ấy thuờng hay vuốt tóc tôi

Thở dài trong lúc thấy tôi vui

Bảo rằng: "Hoa, dáng như tim vỡ

Anh sợ tình ta cũng thế thôi!"

 

Thuở ấy nào tôi đã hiểu gì

Cánh hoa tan tác của sinh ly

Cho nên cười đáp: "Màu hoa trắng,

Là chút lòng trong chẳng biến suy!"

 

Đâu biết một đi một lỡ làng,

Dưới trời đau khổ chết yêu đương

Người xa xăm quá! Tồi buồn lắm,

Trong một ngày vui pháo nhuộm đường...

 

Từ đấy, thu rồi, thu lại thụ..

Lòng tôi còn giá đến bao giờ

Chồng tôi vẫn biết tôi thương nhớ

Người ấy, cho nên vẫn hững hờ

 

Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời

Ái ân lạt lẽo của chồng tôi,

Mà từng thu chết, từng thu chết

Vẫn giấu trong tim bóng một người

 

Buồn quá! Hôm nay xem tiểu thuyết

Thấy ai cũng ví cánh hoa xưa

Nhưng hồng tựa trái tim tan vỡ

Và đỏ như màu máu thắm pha!

 

Tôi nhớ lời người đã bảo tôi

Một muà thu trước rất xa xôị..

Đến nay tôi hiểu thì tôi đã

Làm lỡ tình duyên cũ mất rồi!

 

Tôi sợ chiều thu nhạt nắng mờ

Chiều thu hoa đỏ rụng. Chiều thu

Gió về lạnh lẽo chân mây vắng

Người ấy sang sông đứng ngó đò

 

Nếu biết rằng tôi đã lấy chồng

Trời ơi! Người ấy có buồn không

Có thầm nghĩ tới loài hoa vỡ

Tựa trái tim phai, tựa máu hồng”

(17)Giấc mộng Trang Chu:

Hán Việt:

Tích giả Trang Chu mộng vi hồ điệp, hủ hủ nhiên hồ điệp dã. [Tự dụ thích chí dư!] bất tri Chu dã. Nga nhiên giác, tắc cừ cừ nhiên Chu dã. Bất tri Chu chi mộng vi hồ điệp dư? hồ điệp chi mộng vi Chu dư? [Chu dữ hồ điệp tắc tất hữu phân hĩ.] Thử chi vị vật hóa.

Bản dịch của Nguyễn Hiến Lê:

Có lần Trang Chu nằm mộng thấy mình hóa bướm vui vẻ bay lượn, mà không biết mình là Chu nữa, rồi bỗng tỉnh dậy, ngạc nhiên thấy mình là Chu. Không biết phải mình là Chu nằm mộng thấy hóa bướm hay là bướm mộng thấy hóa Chu. Trang Chu với bướm tất có chỗ khác nhau. Cái đó gọi là "vật hoá". (Nguồn Wikipedia)

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro