CHƯƠNG II - HỒI 23: Cần Cù Có Bù Được IQ
Nếu bạn IQ không cao có thể lấy chăm chỉ để bù lại.
Nhưng nếu bạn gặp đối thủ vừa chăm chỉ vừa IQ cao thì biết phải làm sao ?
Chỉ biết trách vì sao cha mẹ họ lại di truyền cho họ IQ cao như thế !
Kế sau rằm tháng bảy sẽ là thời gian Phượng Cửu phải đến lớp, kỳ này nàng cũng đem theo Cổn Cổn tới trường, không gì thì nó đã hai trăm tuổi, bắt đầu đến lớp là vừa, ở nhà, Đông Hoa chàng ta có dạy Cổn Cổn viết được kha khá và biết cộng trừ trên bàn tính, thấy nó thông minh lanh lợi học một biết mười làm nàng mừng thầm, vậy là nó được di chuyền khá nhiều từ phụ quân.
Hôm đầu tiên đến trường, Phượng Cửu ôm về một đống bài vở chồng chất của tận hai trăm năm khiến nàng nhìn thôi cũng đủ hoa mày chóng mặt. Mặc dù nàng là một học trò oách nhất toàn trường chứ đừng nói toàn lớp nhưng mấy thứ lý luận, tính toán này kia khác nọ quả thật làm nàng chán nản, nàng hết ngồi lại nằm, hết nằm xoài ra bàn lại nằm vắt chân chữ ngũ trên giường, cầm quyển sách lên chưa được nửa khắc y như rằng nó không rơi xuống làm đổ nghiên mực thì nó cũng rơi đập thẳng vào mũi. Cái sự học hành của nàng ảnh hưởng không nhỏ tới một số người trong nhà, tập viết bày từ sảnh chính cho tới bếp, từ thiện phòng cho tới nhà kho, và từ trên giường lăn xuống dưới đất. Vì không muốn Cổn Cổn học thói bầy bừa của mẫu thân nên Đế Quân nay có thêm việc làm: đi thu dọn chiến trường. Mà kể cũng lạ, hàng chục vạn năm trước chinh chiến khắp Tứ hải Bát hoang, ngài luôn luôn đứng đầu thống lĩnh hàng vạn Thần binh, miệng thét ra lửa khiến quân địch chỉ mới nghe tiếng đã phải vãi tè, ấy mà giờ đây làm công việc 'thu dọn chiến trường' mới chết, nhưng Đế Quân không vì thế mà buồn, trái lại vị Thần quân dũng mãnh năm xưa đón nhận một cách vui vẻ, tự nguyện.
Được khoảng mươi ngày Phượng Cửu vẫn chưa chép xong một cuốn, thấy bất lực với bản thân, nhìn đám bạn học cũ đã tiến bộ rất nhiều khiến nàng buồn phiền.
Buồn phiền ở đây không phải nàng thấy mình kém cỏi hơn chúng bạn mà là mỗi lúc chiều tan trường, đứa nào đứa nấy chạy chơi ngoài thảo nguyên, mò cá dưới sông thì nàng vẫn đang phải ngồi nán lại để Phu tử phụ đạo, một tai nghe vị Phu tử kia thao thao giảng bài còn tai bên này vểnh lên thu vào mấy lời hò hét nô đùa của chúng bạn, thực tình nàng chỉ mong sao nhanh nhanh đến giờ chiều, Đông Hoa tới đón nàng và Cổn Cổn để được thoát thân.
Một buổi nọ, Phượng Cửu đưa tay che miệng ngáp ngắn gáp dài mà vẫn chưa thấy bóng dáng chàng xuất hiện, Phu tử được thể cứ thế vuốt chòm râu ngước nhìn mái nhà giảng giải kinh thư, mãi hồi lâu liếc xuống, có chút thất vọng, trò của lão đã díp mắt làm được một giấc, bèn lắc đầu ba cái, gõ nhẹ móng tay lên bàn ba cái, nuốt cục tức xuống đến ba lần, nhẹ giọng: "Điện hạ !"
Phượng Cửu choàng tỉnh dậy ngơ ngác: "Phu tử, chẳng hay Đông Hoa chàng ta đã tới ?"
"Đế Quân ngài ấy chưa xuất hiện, thôi trò mệt rồi cũng nên dừng tại đây". Vị Phu tử vẫn nhẹ nhàng nhưng nhìn kỹ sẽ nhận thấy cằm của lão đang bạnh ra còn hai hàm răng thì nghiến vào nhau ken két.
Phượng Cửu vội gập tập viết, chào Phu tử rồi chạy một mạch ra ngoài chơi, nhưng ôi thôi đám bạn nô đùa đã về gần hết, nàng đành đi sang phía phòng học của Cổn Cổn thấy Đông Hoa tay dắt Cổn Cổn đang nói chuyện với vị Đại Phu tử đứng đầu trường. Nàng vừa đi tới thì bọn họ cũng vừa kết thúc câu chuyện.
Ngày hôm sau trên bảng cáo thị của trường được dán rất nhiều tin tức, Phượng Cửu đi lướt qua Sói Xám đệ đệ cùng Hươu Sao muội muội đang đứng xem, nàng mặc kệ bọn họ, đi thẳng vào lớp ngồi. Quả nhiên chỉ hai khắc sau hai người đó đã vào bám lấy Phượng Cửu.
Sói Xám nói có phần gấp gáp: "Trường chúng ta bắt đầu từ hôm nay có nhiều thay đổi, tỷ tỷ biết chưa?"
"Chẳng phải hai đứa vừa ở bản tin về ? Có gì hay nói đi !" Phượng Cửu chia cho mỗi đứa mấy quả hạnh đào.
Sói Xám vừa nói vừa khua chân múa tay: "Haizzz. Tự dưng phân chia chúng ta ra thành mấy lớp học..., xong rồi lại gộp chúng ta vào một lớp học..., như vậy còn không được chơi với nhau nữa..."
Phượng Cửu đưa tay chống cằm, nheo mắt hỏi: "Gì cơ, đệ nói cái gì mà khó hiểu thế không biết ?"
Hươu Sao đẩy Sói Xám ra, ngồi cạnh Phượng Cửu: "là như thế này, muội phải đọc hai lần mới hiểu: "một số môn như Phật lý, Lịch sử, Địa lý, Kinh thư, Tính toán thì mỗi người chúng ta học một lớp khác nhau, nhưng môn Câu cá chẳng hạn lại học cùng nhau..."
"Câu cá ?" Phượng Cửu sửng sốt
Sói Xám và Hươu Sao cùng gật gật, nói: "Uh, môn mới đó !"
Nàng nheo mắt hiểu ra đây chính là nội dung câu chuyện chiều hôm qua giữa Đông Hoa và Đại Phu tử, nhưng nàng vẫn chưa rõ liệu mấy môn kia chia lớp để làm gì. Cuối cùng sau ba ngày học nàng cũng ngộ ra được đôi điều.
Môn học đầu tiên chính là câu cá, đây chẳng phải là việc nàng thích từ mấy ngàn năm hay sao ? Nàng hớn hở ra mặt, cuối cùng nàng cũng có dịp về so tài câu cá với Đông Hoa rồi.
Ban đầu sự hào hứng thì dư thừa, đám học trò tranh giành nhau đủ thứ, từ việc chặt cành trúc làm cần câu, rồi móc mấy con tép vào lưỡi câu, lại chiếm chỗ bên bờ suối ngồi câu... Nhưng sự hào hứng chỉ sau nửa canh giờ giảm còn một nửa, một phần do thời tiết oi bức làm cho đám 'ngư cô ngư cậu' nhễ nhại mồ hôi, nên đến cuối buổi thì hào hứng dường như biến mất thay vào đó là mệt mỏi, chán nản và buồn bực vì không trò nào câu được cá dù chỉ là một con. Hóa ra môn học câu cá mục đích chính để tĩnh tâm, rèn luyện tính kiên trì nhẫn nại, kiềm chế tính vội vàng, nóng nảy chứ không hay ho như nàng tưởng tượng. Nàng có chút buồn bực vì không thể so kè với Đông Hoa nữa rồi, vì sao chàng ta có thể ngồi lỳ bên ao hàng mấy canh giờ mà không biết chán chứ ?
Khi nàng bước vào lớp của môn Lịch sử đã có một sự ngỡ ngàng, nàng nhận ra trò trong lớp này toàn bậc tỷ tỷ ca ca hơn tuổi, những người trước kia nàng rất ngưỡng mộ vì họ toàn giật bảng vàng môn Phật lý và Tính toán của trường, hôm nay ai ai cũng xúm lại xin được ngồi cạnh nàng, tay bắt mặt mừng, tám chuyện rôm rả làm nàng phấn chấn, nhận thấy cách chia lớp như vậy có phần hợp lý. Đến mấy ngày sau nàng hiểu ra rằng trò trong lớp này phần đa học rất giỏi Lịch sử, trả bài cũng ngang ngửa với nàng chứ chẳng kém cạnh gì, nhưng chỉ giỏi phần chính sử trong sách vở, còn về dã sử họ lại mù tịt, muốn ngồi nghe nàng kể, nhất là về các trận chiến của Đông Hoa Tử Phủ Thiếu Dương Đế Quân.
Một vị Phu tử được cho là bảnh bao nhất trường, từ dáng vóc cho tới y phục lẫn thần thái chẳng giống phu tử tẹo nào, có người còn nói rằng vị Phu tử này có thiên bẩm làm kép hát biểu diễn hí kịch nhưng phụ mẫu của ông lại muốn ông trở thành phu tử đi dạy chữ, thành thử cái gì ông cũng biết nhưng lại... chẳng biết cái gì cho tường tận. Vốn dĩ lũ học trò của vị Phu tử này ngoài Thanh Khâu ra thì cũng chưa được đi tới đâu bao giờ, nên Phu tử nói gì mà chả đúng, y như mặt trời thì phải mọc ban ngày và mặt trăng tất nhiên phải mọc vào ban đêm.
Hôm đó vẫn như mọi khi, Phu tử đang giảng bài về Địa lý, ông vẫn ngửa cổ lên giời, chân tay múa may có phần mềm dẻo hơn cả lưỡi, phán một câu xanh như tàu lá chuối: "Từ Cửu Trùng Thiên tới Bích Hải xa một vạn tám ngàn dặm hoàn toàn là bịa đặt cho nó oai, chứ... trên đời này làm gì có nơi nào xa thế !"
Phượng Cửu đang nằm xoài ra bàn lim rim vì trước đó vừa học Câu cá có chút mền mệt, nghe vậy thì "hứ" một tiếng tỉnh cả ngủ, nhưng vẫn nằm gục không ngẩng lên.
Vị Phu tử kia không ngừng thuyết giảng cho đám trò: nào là Đông Hoa Đế Quân trong vòng một khắc đã di chuyển từ Thái Thần cung về đến Thạch cung ở Bích Hải, quãng đường xa như thế sao có thể đi nhanh như vậy, vả lại một vạn tám ngàn dặm kia không ai kiểm chứng, chỉ là một cách nói cho thuận mồm.
Phượng Cửu vừa nằm bò ra bàn vừa cười khanh khách nói với lên: "Thưa Phu tử, đúng là xa thế đó, không phải bịa mà cũng chẳng phải oai nào ở đây, là do Đế Quân ngài ấy dùng thuật 'đằng vân' ạ".
Vị Phu tử nheo mắt nhìn theo hướng phát ra thanh âm, lại vung chiếc roi ngựa buộc lông bảy màu trên tay khua khua ra đằng sau lưng như thể quất ngựa truy phong, hỏi: "Trò nào nói leo vậy ? Không biết thì không được nói linh tinh"
"Thưa Phu tử, trò không nói sai ạ, bởi vì trò đã từng được Đế Quân cho đi ké vài lần nên trò biết ạ"
"Hừ, trò lên đây, khoác lác thì cũng phải xem gan có to bằng giời hay không mà dám nói 'đi ké' Đế Quân ?"
"Là trò ạ !" Phượng Cửu vừa đứng lên thì vị Phu tử kia cũng... vừa kịp ngã ngửa ngồi ịch xuống đất, mồ hôi túa ra như mưa làm ướt nhẹp hết lớp kiếm phổ trên mặt.
Về sau mỗi lần chuẩn bị mở miệng, lão Phu tử đều phải liếc Phượng Cửu một cái, nói cũng lí nhí đi một chút và cũng bớt múa may đi một chút, đặc biệt không còn vẽ kiếm phổ hay dùng roi bảy màu để dương oai trước đám trò lớp bậc cao này nữa.
Buổi chiều ngày thứ hai xem ra ấn tượng nhất đối với Phượng Cửu, Tính toán là môn làm nàng ong thủ chỉ sau Phật lý, đám trò lớp này điểm mặt ra chỉ vẻn vẹn có mười tiên đồng nhưng toàn một phường hổ, báo, cáo, chồn đi học. Đám học trò nhìn thấy nàng bước vào với bộ mặt ra chiều nghiêm túc, đứa nào đứa nấy lấm la lấm lét, chụm đầu vào xì xào bàn tán rằng: "Đây là học trò oách nhất trường, chúng bay phải hết sức kính nể đó nghe chưa !".
Nàng phì cười, cốc vào đầu một tên được cho là trùm sò, bọn chúng thấy thế nhảy lên hú hét: "Êh ! Chào mừng đại ca quay trở lại, thật lợi hại hơn xưa !"
Gọi là hổ báo cáo chồn vì có hai nguyên do, thứ nhất đám học trò toàn những đứa nghịch ngợm quậy phá rạch giời rơi xuống đã đành nhưng nguyên do thứ hai cực kỳ đặc biệt ở chỗ đứa nào đứa nấy đều là cậu ấm cô chiêu có ô dù siêu to khổng lồ chống lưng và Phượng Cửu là kẻ có ô dù đã to nhất còn lợi hại nhất nên luôn được phong làm đại ca, mặc dù nếu đúng thì phải gọi nàng là đại tỷ.
"Chị đại" đứng giữa lớp chỉ huy bọn chúng, nghĩ ra đủ trò chơi sau khi tan học, thành thử không khí lớp học vô cùng náo nhiệt, cho đến khi vị tân Phu tử đi vào...
Tất cả đám trò này từ xưa tới nay chưa bao giờ biết sợ phu tử là cái gì, tự dưng bọn chúng lại được gom vào một lớp, chẳng khác nào hổ mọc thêm cánh, báo mọc thêm vây, cáo chồn có sừng có mỏ, tất cả chụm đầu vào nhau nghĩ cách phủ đầu vị tân Phu tử lần đầu tiên đứng lớp, đang bàn ra tán vào hăng hái bỗng nghe tiếng bước chân bèn quay lại đứng lên chào.
Phượng Cửu đã bàn với chúng khi phu tử kia vào lớp, tất cả sẽ đứng im, cúi mặt xuống, không thưa không gửi xem vị phu tử xử trí ra làm sao. Tân Phu tử cũng không buồn nói gì, chỉ thấy tiếng vải sa của y phục xột xoạt lại gần chỗ Phượng Cửu, nàng bèn ngước lên một chút thu vào tầm mắt là dáng người thư sinh nho nhã, toàn thân bạch y phất phơ có chút quen quen. Một tiên đồng đứng kế bên giật giật tay áo nàng khiến nàng quay sang lườm hắn. Tiên đồng nói lí nhí với Phượng Cửu: "Đại ca ! Là đại ca của đại ca, của đại ca đấy !"(*)
Vị tân Phu tử chậm rãi mở quạt, nhẹ nhàng hỏi: "Còn chưa muốn bái kiến Phu tử sao ?"
Nàng vội ngẩng lên muôn phần sửng sốt: "Tiểu thúc !"
Chú thích (*): Phượng Cửu được cô cô Bạch Thiển nuôi dậy, những trò nghịch ngợm của Phượng Cửu đều do cô cô nàng đầu têu, dung túng. Còn Bạch Thiển lại học được những thứ đó từ Bạch Chân.
Bạch Chân cười tươi, phe phẩy quạt: "Ta nghe nói lớp này rất đặc biệt, vậy vị Phu tử như ta cũng muốn xem các trò đặc biệt tới cỡ nào". Bạch Chân quay lại bàn ngồi, nói tiếp: "trò nào muốn quậy banh lớp thì cứ việc, trêu chọc phu tử là ta thì... đừng khách sáo, cần thiết lên đây ta sẽ chỉ giáo thêm cho vài chiêu mở mang tầm mắt..., còn không hãy ngồi xuống, chúng ta bắt đầu học".
Đám hổ báo cáo chồn bỗng chốc ngoan hiền như lũ thỏ, lục đục ngồi xuống mở sách vở, nghiêm chỉnh lắng nghe. Bạch Phu tử lôi trong tay áo ra đặt lên bàn một lô nào hạnh đào, nào hạt dưa nào kẹo nào mứt đào đủ loại... chậm dãi nói: "Tính toán đối với các trò là rất 'khó nhằn', nhưng có ai muốn nhằn mấy thứ này không ?"
Đám học trò vẫn im thin thít, Bạch Chân nói tiếp: "Bài tính đầu tiên: một quả hạnh đào thêm một quả hạnh đào nữa thì tổng cộng có mấy quả ? Năm trò đoán đúng, nhanh nhất, mỗi trò sẽ có phần thưởng chính bằng số hạnh đào của đáp án".
Bạch Phu tử vừa dứt lời, cả lớp học bỗng chốc sôi động trở lại, năm trò thân hình khỏe mạnh cao lớn, hăng hái, huých đứa nọ, chèn ép đứa kia để xung phong dơ tay thật cao, trả lời và hả hê nhận được thưởng.
Bạch Phu tử gật gù cười mỉm, nói: "Khá khen cho các trò, vậy năm trò vừa được thưởng còn muốn làm tính nữa không ?"
Bên dưới đồng loạt trả lời: "có ạ, trò muốn tính nữa ạ !"
"Được, ta ưu tiên các trò". Bạch Chân đi lại từ đầu lớp xuống cuối lớp, nhìn đám trò đang vểnh hết tai lên để nghe cho rõ, nói tiếp: "phép tính lần này là: hãy chia đôi số hạnh đào vừa được thưởng cho đồng môn kế bên".
"Á ! Sao lại thế ạ !"
Bạch Phu tử giọng nhẹ nhàng nhưng sắc, gọn: "Thế nào, có chia không ?"
Tiếng trả lời dường như lí nhí lại: "Dạ..., có ạ !"
Đến ngày thứ ba phải học môn Phật lý, là môn học gây chán trường nhất đối với Phượng Cửu vì câu chữ dài dằng dặc và không được học cùng lớp với đám bạn thân nữa, trong lớp lại có tiếng xì xào to nhỏ: "Đây là học trò oách nhất trường đó !", nàng cũng mặc kệ, uể oải bước vào lớp không để ý đến ai, tìm một bàn trống ngồi xuống, bỗng "uỳnh", nàng ngã ngửa ra sau ê hết cả mông, lúc đứng dậy để ý nhận ra bàn ghế ở đây tất cả làm cùng một cỡ bé tí tẹo làm nàng ngồi hụt, các trò cũng thấp thấp lùn lùn, cuối cùng nàng hỏi ra mới biết trò lớp này lớn nhất chừng ba vạn tuổi, chính là... nàng, còn lại một đám tiểu tiên đồng từ hai vạn tuổi trở xuống còn chưa biết Phật lý là cái gì, về sau nghe mấy vị Phu tử hỏi chuyện, Phượng Cửu vỡ lẽ đây còn được gọi là lớp Phật lý bậc...vỡ ruột (có nghĩa dành cho bọn tiểu tiên mới đọc thông viết thạo).
Mà sao nàng ở đâu cũng được gọi là học trò oách nhất ? Vấn đề này một phần do nàng là Nữ Vương, có ô dù chống lưng, phần nữa đám tiểu tiên đồng kia kháo nhau rằng trong nhà nàng có sẵn một bộ bách khoa toàn thư, trên thiên văn dưới địa lý, gi gỉ gì gi cái gì cũng có, mà đã thế còn đầy đủ kỹ càng, nhất là Phật học và Toán học thì khỏi phải bàn, Phu tử ở trường nếu nói về hai lĩnh vực này còn kém xa cái bộ bách khoa di động kia đến cả trăm bậc.
Phượng Cửu phát hiện ra một tiểu tiên đồng rất ngoan, có tên kêu như chuông là Hoằng Khánh chừng chín nghìn chín trăm chín mươi chín tuổi rất thông minh lanh lợi, được Phu tử thu xếp cho ngồi cùng bàn, thực chất là để nàng có thể chép bài của hắn, và mỗi khi ngủ gật, tiểu tiên đồng đó sẽ huých nàng một cái cho tỉnh. Hai việc này cũng là tấm lòng tốt của Phu tử nghĩ cho đại cục Thanh Khâu, bởi chẳng lẽ Nữ Vương ai lại đi học cứ đội sổ bao giờ.
Tiểu tiên đồng tên Hoằng Khánh hỏi Phượng Cửu: "Đệ nghe nói tỷ tỷ có một bộ bách khoa toàn thư di động cất dấu trong nhà ?"
"Bách khoa toàn thư ?" Phượng Cửu có chút không hiểu.
"Phải, còn có thể mở ra đọc bất cứ lúc nào, ngay cả khi lên giường đi ngủ mà không cần thắp nến ấy..., tỷ tỷ, có đúng là không cần thắp nến không ?"
Phượng Cửu ngạc nhiên, suy ngẫm một hồi cuối cùng cũng "À" lên một tiếng.
Hoằng Khánh lại hỏi: "Vậy tại sao tỷ tỷ được phân học ở lớp này ?"
Phượng Cửu lại suy nghĩ một hồi trả lời: "Đệ hỏi như vậy ta thấy không liên quan"
"Sao lại không liên quan ? Nếu tỷ tỷ đã có một pho Phật pháp tại nhà thì môn này đâu còn là vấn đề với tỷ tỷ ?"
Tiểu tiên đồng kia còn chưa nói hết vị Phu tử đã vào đến giữa lớp, lấy cây thước gõ gõ lên bàn trước mặt nó rồi nhíu mày "xuỵt" một tiếng với Hoằng Khánh. Lập tức tiểu tiên đồng im bặt ngồi ngay ngắn lại.
Quả thật Hoằng Khánh rất hiếu học, chữ lại đẹp, môn Phật lý của nó sau một tuần liền đứng đầu lớp, thành thử Phượng Cửu cũng được nhờ, nhưng mà chỉ là trả bài viết nàng mới đạt điểm cao còn trả bài nói thì y như rằng điểm số bị đảo ngược nên tổng kết ra cũng chỉ đứng từ dưới lên cách đúng ba người.
Sau một tháng trở lại trường lớp, với nhiều thay đổi mới mẻ, học trò toàn trường đứa nào đứa nấy thấy đi học không còn như đánh vật nữa, mỗi ngày tới trường đều vui vẻ bổ ích. Bảng cáo thị lại dán một vài tin tức khiến chúng trò phấn chấn quyết tâm hơn.
Tin tức đầu tiên viết rằng: vì phân chia lớp theo lực học nên phu tử đỡ vất vả, học trò đỡ mệt mỏi, cuối cùng ai nấy đều hoàn thành kỳ học sớm hơn dự định, thay vì kỳ học kéo dài sáu tháng như mọi năm thì bây giờ chỉ còn bốn tháng.
Tin tức thứ hai viết rằng: hàng tháng sẽ có 'Giật bảng vàng' cho các học trò đứng nhất toàn môn, có nghĩa là tất cả các môn học đều đứng nhất trong lớp của mình là đã giật được giải rồi, không phân biệt lớp bậc thấp hay bậc cao. Giải đặc biệt cả kỳ học giành duy nhất cho một học trò đã đứng nhất toàn môn lại phải có sự tiến bộ vượt bậc.
Tin tức thứ ba viết rằng: học trò có thể không cần tới lớp nghe giảng, chỉ cần đến cuối kỳ học, trả được bài thì có thể lên bậc.
Phượng Cửu ngồi suy nghĩ rất lâu, nàng lần này quyết tâm sao cho bằng chúng bằng bạn, lại làm gương cho Cổn Cổn nữa chứ, nàng muốn giật bảng vàng cuối kỳ học cho oách. Nhưng hiềm một nỗi, tất cả các môn nàng có thể cố gắng đứng nhất, trừ Phật lý. Thấy nàng có chút buồn buồn, Hoằng Khánh ngồi bên an ủi: "tỷ tỷ, chỉ cần tỷ về nhà chăm mở pho bách khoa toàn thư ra đọc là có thể đứng nhất mà".
Phượng Cửu trả lời nó: "cái pho ấy à, đệ không biết đâu, tệ lắm !"
"Sao cơ ? Bộ Phật pháp lớn như vậy thì thiếu thứ gì trong đó chứ. Đệ mà có ấy à, đệ sẽ ôm nó cả ngày, đi ngủ có khi còn úp lên ngực mới ngủ được ấy chứ".
Phượng Cửu lẩm bẩm: "Hừ ! Không phải úp lên làm gì, là nó tự động leo lên người ta nằm hằng đêm rồi !"
Hoằng Khánh hết ngỡ ngàng rồi lại cười tươi như phát hiện ra một bí mật: "thì ra nó có thể di động được thật, từ đầu đệ không tin cơ".
"Di động thì đã là gì nào, còn tốn cả cơm cả gạo là đằng khác"
Hoằng Khánh: ???
Thực ra Đông Hoa cũng hiểu chút tâm tư của nàng, chàng bắt đầu nói với nàng về Phật lý nhiều hơn, ngay cả trong bữa ăn hay lúc uống trà, hay lúc chơi với Cổn Cổn, chàng đều đưa ra những ví dụ thực tiễn cho nàng dễ hiểu, nói một lần không hiểu thì nói hai ba lần, đến Cổn Cổn nghe lỏm thôi cũng còn phải hiểu, dần dần Phượng Cửu trở nên tiến bộ rõ rệt, cũng tự tin bước vào kỳ trả bài Phật lý.
Hôm đó vị Phu tử nói rằng trong kỳ này có thêm một vài trò không tới lớp nhưng vẫn được trả bài, Phượng Cửu đang say xưa viết cũng không buồn để ý mấy chuyện lẻ tẻ đó, nàng quyết tâm vượt qua Hoằng Khánh để đứng nhất lớp. Cuối cùng nàng cũng làm được, điểm số cao hơn Hoằng Khánh làm nàng phấn chấn, nhưng quên mất không nghe phu tử đọc điểm của những trò khác.
Ngày hội Tổng kết kỳ học, đám trò toàn trường hân hoan vì ai cũng lên bậc, nhưng có chút bịn rịn khi phải chia tay sớm, hẹn nhau đông sang xuân tới sẽ hội ngộ. Phần thưởng ai cũng được nhận, nhưng tất cả đang còn hồi hộp chờ đợi vị Đại Phu tử tuyên bố người giật bảng vàng của cả kỳ này.
Vị Đại Phu tử đứng trên một bục đá cao rộng nhất trường, tuyên dương thành tích học tập của tất cả chúng học trò, lại tuyên dương những học trò có thành tích nổi bật từng môn, Phượng Cửu cũng được lên, nhưng nàng mong chờ hơn cả là cái bảng vàng của cả kỳ học đang được treo lơ lửng trên ngọn tre ngà.
Vị Đại Phu tử sau cùng cũng tuyên bố, bằng một giọng vô cùng trịnh trọng: "Các trò, hôm nay ta vinh hạnh được trao quyền giật bảng vàng cho một trò vô cùng xuất sắc, đứng nhất toàn môn học, đặc biệt có sự vượt bậc đứng nhất môn Phật lý". Vị Đại Phu tử hướng mắt về phía Phượng Cửu rồi lại hướng mắt xuống phía cuối sân trường, nói tiếp: "Các trò hãy vỗ tay thật lớn để chúc mừng: đó chính là vị chủ nhân tương lai của Thanh Khâu !"
Các đệ đệ, muội muội của nàng nghe vậy xúm lại hò hét "Đại ca ! Đại ca ! Đại ca !", Phượng Cửu mơ màng nhắm mắt khoanh tay trước ngực chỉ đợi Đại Phu tử xướng tên mình sẽ bước lên bục giật bảng vàng, nhưng nàng đợi mãi, đợi mãi cũng chỉ nghe tiếng vỗ tay rào rào và lời khen của đám trò khác: "giỏi quá ! Giỏi quá !"
Nàng đành mở mắt ra xem, một lối đi được đám trò đang rẽ ra ở giữa sân, nhường đường cho một người đi lên, nàng đứng hàng đầu mé bên này nên chẳng nhìn thấy dù là một chỏm tóc của người đó, nàng đang mông lung không biết sự tình gì mà mãi không thấy Đại Phu tử xướng tên ai, thì kẻ đó đã kịp đi lên phía trước, hóa ra là một tiểu tiên đồng dáng người nhỏ nhắn, cố gắng tự mình trèo lên bục đá cao mà không cần ai giúp, đồng phục của tiểu tiên đồng này còn hơi quá khổ, rộng thùng thình làm hắn có chút chật vật nhưng hắn không hề nao núng, tiên đồng cúi xuống xắn ống quần lên làm mái tóc như mây như cước xòa xuống bờ vai, trong cái nắng nhàn nhạt đầu đông lấp lánh một màu trắng bạc.
Đó chính là Bạch Cổn Cổn, con trai của nàng.
Hết Hồi 23
Hồi 24: Vị Khách Chất Như Nước Cất
Thanh Khâu đón tới hai vị khách không mời.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro