Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Hồi 1. Mưa gió đưa người lại, mưa gió cản người về¹

1. Gặp gỡ

Giờ dậu², mặt trời gác núi, ráng chiều sót lại trên không trung nhuộm trấn Thanh Thủy trong sắc vàng thanh bình, yên ả. Chợ vãn, La Vi thu dọn hàng dệt của mình, ghé hàng cơm xin thức ăn thừa rồi thong thả về nhà. Nhà nàng nằm cuối trấn Thanh Thủy, xa sông gần núi, thoạt trông chỉ vừa đủ rộng để mình nàng ở và dựng khung cửi, nuôi thúng tằm làm kế sinh nhai. Nhà ọp ẹp thấp bé nhưng lại nổi tiếng, không phải vì lụa nàng dệt ra hay dung mạo bình thường của La Vi, mà vì trong nhà nuôi một con phỉ phỉ³.

Phỉ phỉ là loài yêu thú trông như mèo rừng nhưng có bờm ở cổ, đuôi màu trắng, vẻ ngoài đáng yêu, tính tình ham vui, tương truyền ai nuôi thì khỏi buồn rầu. Người nuôi phỉ phỉ làm thú tiêu khiển thường là nhà giàu, bởi thế thợ săn loài này cũng lắm. Nghe nói trước kia phỉ phỉ sống khắp các ngọn núi quanh trấn Thanh Thủy, nhưng bị săn bắt mãi, dần dà, thỉnh thoảng người ta mới thấy chúng trên Hoắc Sơn.

Ngọn núi gần nhà La Vi chính là Hoắc Sơn. Một lần lên núi hái nấm, nàng tình cờ thấy một con phỉ phỉ bị thương nặng, bèn nhặt về chữa trị rồi giữ lại nuôi, đặt tên là A Pha. A Pha có chí tu luyện thành người mà chưa thành, nhưng sống cùng với nàng lâu năm nên ăn uống, tập tính chẳng khác loài người là mấy.

Phần thức ăn thừa xin được từ hàng cơm kia, một nửa cho nàng, nửa cho A Pha. Mọi hôm vừa nghe tiếng nàng mở cửa A Pha đã mừng rỡ ra đón, tung tăng quanh gói thức ăn. Vậy mà hôm nay, La Vi vào nhà rồi mà chưa thấy bóng dáng nó đâu. Nàng bỏ dở việc trên tay, vào bếp ngó quanh.

Mãi mà chưa thấy nó đâu, từ nghi hoặc chuyển sang lo lắng, nàng gần như lục tung cả căn nhà. Thế nhưng A Pha như bốc hơi khỏi gian nhà tranh bé bằng lỗ mũi này, tìm mãi không thấy. Hơn nửa canh giờ trôi qua, vừa tìm vừa hỏi hàng xóm, cuối cùng nàng cũng bắt được chút tin tức. Sáng nay có con đại bàng lông trắng chao liệng quanh đây.

Lòng La Vi hoảng sợ, hai bàn tay bất giác xoắn vào nhau. Nếu có đại bàng đến thật thì nguy to, A Pha từng kể trước đây nó từng bị một con đại bàng đuổi bắt, mới bị thương nằm ở sườn núi, để nàng vô tình trông thấy.

Nhưng quanh nhà không có vết máu nào, rốt cuộc A Pha có gặp nguy hiểm hay không?

Lần hồi tìm mãi, cuối cùng nàng cũng đánh hơi được mùi tanh thoảng ra từ gầm giường. Nàng cúi tìm, quả nhiên thấy A Pha cuộn người nằm trong góc, hơi thở yếu ớt, giương đôi mắt đen láy đau khổ nhìn nàng.

La Vi kinh hãi, nhất thời không nghĩ được gì nhiều, vội đưa A Pha ra ngoài. Khắp người nó toàn là máu, yếu đến mức không giãy giụa được, chỉ biết kêu từng tiếng đau đớn ngắt quãng. Nàng truyền cho nó một ít linh lực, cơn đau của nó mới lui đi. Nhưng nó bắt đầu giãy giụa, máu không biết từ vết thương nào lại tuôn ra, hai mắt long sòng sọc, trắng dã. Chẳng bao lâu sau, nó ré lên một tiếng thảm thiết, cả người gồng lên rồi lại nhũn ra, ngất lịm.

Bấy giờ rối rắm hoảng sợ, trong đầu La Vi đột nhiên lóe lên hình ảnh Hồi Xuân Đường và gã trai Văn Tiểu Lục, nhưng lập tức lắc đầu xua đi. Nàng hết lục tìm đống thuốc trong nhà, lại truyền thêm linh lực cho A Pha, cuối cùng cũng níu được hơi tàn của nó.

La Vi ôm A Pha trong lòng, mệt lả tựa vào vách, mắt trống rỗng nhìn lên trần nhà, thầm nhủ, suýt nữa là mất mi rồi A Pha ạ.

Đêm khuya, trấn Thanh Thủy lặng ngắt như tờ, vùng cuối trấn gần rừng núi hoang vu lại càng im vắng heo hút, lẫn trong tiếng côn trùng rả rích là tiếng thú hoang từ xa vẳng lại. Trong nhà, La Vi nằm nghiêng trên giường, bên cạnh là A Pha đang mê man. Từ chiều đến giờ hơi thở yếu ớt của nó đã ổn định dần, nhưng mãi còn chưa tỉnh lại. Trông nom nó thêm một lát, La Vi lấy từ dưới gối nằm ra một quyển sổ dày cộm đóng bằng xấp giấy da dê. Chữ viết nhỏ xíu, nàng căng mắt chăm chú xem từ đầu đến cuối, không biết qua bao lâu mới ngẩng đầu dậy, vươn vai vặn người.

La Vi hết nhìn quyển sổ lại nhìn ra ngoài cửa sổ. Mùa hạ, trăng sáng sao dày nhưng trời đêm nay vẫn tối om om, gió từng cơn lùa qua se sắt. Nàng ngẩn người ngồi đó đến khi mệt mỏi mới chịu đóng cửa, thổi đèn rồi nằm chợp mắt một lát.

Chẳng mấy chốc trời đã sáng bảnh, La Vi ngủ muộn dậy muộn, chẳng buồn dọn hàng mà chuẩn bị gùi và tiền bạc cẩn thận. Đoạn nàng để A Pha vào gùi, rời nhà xuống trấn. Nhà nàng nằm ở phía bắc, xuống phía tây mất non nửa canh giờ. Dọc đường gặp không ít người quen chào hỏi, nàng chỉ nhoẻn cười gật đầu, ý cười không xua được ánh mắt âu lo.

Có thiếu phụ nọ nhiệt tình kéo nàng vào hỏi han, La Vi ngại làm phật lòng nên ghé lại hàng bánh của nàng ấy một lát. Thiếu phụ là một thiếu phụ xinh đẹp, chân thân là đoá thược dược trắng trên núi cao nên lấy tên đơn giản là Bạch Thược. Bạch Thược ngó vào gùi sau lưng La Vi, ngạc nhiên:

- Con phỉ phỉ ấy bệnh à?

La Vi lắc đầu, ra dấu kể lại. Chiều hôm qua nàng về đã thấy bị thương rồi, khó khăn lắm mới giữ được một mạng, sáng nay mang nó đến Hồi Xuân Đường xem sao.

Thấy nhắc đến Hồi Xuân Đường, Bạch Thược bĩu môi ngay:

- Biết bao nhiêu hiệu thuốc khác không đến, đến chỗ ấy thì nên cơm cháo gì!

Nói rồi nàng còn tốt bụng nhắc nhở:

- Tôi bảo này La Vi, A Pha bị thương nặng, cô có thương nó thì đi nơi khác, đến Hồi Xuân Đường chẳng ích gì đâu.

La Vi khẽ nhíu mày, chỉ mỉm cười, không gật đầu cũng chẳng lắc đầu. Biết không thuyết phục được nàng, Bạch Thược nhún vai thở dài, từ đâu lấy ra hai cái bánh bao dúi thẳng vào tay nàng, còn giục nàng đi nhanh kẻo muộn.

Nắng mùa hạ đúng là không đùa được, gắt đến cháy bỏng, mới giờ thìn đã như đúng ngọ. La Vi mồ hôi nhễ nhại đứng trước Hồi Xuân Đường, do dự một lát, cuối cùng cũng gõ nhẹ cửa, bước vào trong.

Bấy giờ Văn Tiểu Lục đang ngồi trước bàn cắn hạt dưa, một tay xào xốc đống thuốc khô trên cái sàng đặt trên bàn lên, tặc lưỡi bảo:

- Còn chưa ráo. Thập Thất, mang ra phơi lại.

Nghe đến cái tên Thập Thất, La Vi giật thót mình, lén lút nhìn theo người thanh niên áo vải đang khập khiễng mang thuốc ra sân kia. Nàng đương thất thần thì nghe Văn Tiểu Lục cất tiếng cười chào:

- Lâu quá không thấy La cô nương ghé đến.

Nàng lại cười gật đầu, đoạn nhìn theo bóng lưng Diệp Thập Thất, hất nhẹ cằm ý hỏi là ai thế.

- Một hành khất lạc đến bờ sông, tôi tình cờ gặp rồi cứu về thôi. - Tiểu Lục đáp qua loa, chiều như không muốn tiếp tục đề tài này. - Hôm nay cô đến xem bệnh gì?

Nhớ đến A Pha, La Vi vội bế nó từ trong gùi ra cho Văn Tiểu Lục xem. Tiểu Lục nhìn qua nhìn lại, sượng người gãi đầu:

- Tôi chưa xem bệnh cho yêu thú kiểu này bao giờ, để thử xem...

Chờ Tiểu Lục xem kỹ vết thương của A Pha, giúp rịt thuốc rồi cho thuốc về thoa, La Vi lấy nước trong gùi ra, chấm ngón tay vào rồi viết lên bàn: vết thương từ đâu ra vậy?

Tiêu Lục trầm ngâm, xoa xoa cằm, tặc lưỡi:

- Nhìn thì giống như bị thứ gì xé toạc ra đấy... Ai cũng biết A Pha là phỉ phỉ cô nuôi, thợ săn trong trấn không động đến nó đâu. Không phải tên bắn hay dao găm... vậy chỉ có thể do bị yêu thú xâu xé.

Nói đoạn hắn chỉ cho nàng xem:

- Thấy vết cào ở đây không? Tôi đoán là loài có vuốt sắc, dấu vết thế này thì thân mình cũng to khiếp. A Pha còn sống là kỳ tích rồi.

Mày La Vi cau chặt, đầu vọng đi vọng lại lời hắn vừa nói. Chợt như nghĩ ra điều gì, nàng cắn môi, ánh mắt vừa hoảng sợ vừa mờ mịt. La Vi nhủ thầm, cuối cùng ngày này cũng đến.

Mấy ngày sau La Vi không dọn hàng ra chợ, mà cách dăm hôm lại đến Hồi Xuân Đường một lần. Nhóm người Tiểu Lục không phải không nghi ngờ gì, ngược lại còn thường bàn tán với nhau vì sao La Vi đột nhiên năng qua lại với họ thế. Bọn họ biết tỏng việc nàng đến nhờ Tiểu Lục thăm khám cho A Pha chỉ là cái cớ, vì thương tích A Pha đã khỏi rồi, khỏi nhanh đến đáng kinh ngạc.

La Vi biết mình và A Pha một người một thú hành xử kỳ quặc, khó tránh lọt vào tầm ngắm của nhóm người ở Hồi Xuân Đường. Nhất là Diệp Thập Thất, hễ thấy nàng đến gần Văn Tiểu Lục là hắn lại cảnh giác ra mặt. La Vi không để bụng, chỉ thấy buồn cười. Điều nàng quan tâm không phải bọn họ, mà là người đang náu trên dãy núi đằng đông kia. Vì nàng không biết chính xác nơi y đóng quân, chỉ đành bám theo Văn Tiểu Lục, "nhờ" hắn dẫn mình đến đó.

Nửa tháng sau, công sức ôm cây đợi thỏ của La Vi dần được đền đáp. Mặt Rỗ của Hồi Xuân Đường muốn cưới vợ, nhờ lão Mộc đến nhà gái dạm hỏi nhưng cha của cô gái kia chê lễ hỏi quá ít, không đủ lòng thành. Chẳng mấy chốc chuyện này đã lan khắp trấn. Văn Tiểu Lục năng đi khám bệnh tận nhà hơn, mấy lần La Vi ghé đến không gặp được hắn, chỉ thấy cả Mặt Rỗ lẫn Chuỗi Hạt làm việc luôn tay, vẻ như quyết chí lắm.

Ngày nọ La Vi đến Hồi Xuân Đường mà không mang A Pha theo xem bệnh. Biết Tiểu Lục lại vắng nhà, nàng xin gặp lão Mục, biếu lão một bó cây lại⁴ và một ít cá hào⁵. Nàng viết vài dòng cho lão đọc ngay, tỏ ý muốn tạ ơn Hồi Xuân Đường vì đã chữa trị cho A Pha. Lão Mục cười giòn nhận lấy ngay, luôn miệng bảo La Vi đừng khách sáo. Giữa chừng lão chợt im bặt, ngoắc nàng lại gần hỏi nhỏ:

- Cô tìm được cây lại và mớ cá hào này ở đâu vậy?

La Vi cười cười, viết: trên núi Cừ Trư⁶, đằng đông trấn mình. Loanh quanh mấy dặm xung quanh cũng nhiều thảo dược quý, nhưng tôi không cần nên không hái. Nếu biết lão thích tôi đã hái nhiều giúp lão rồi.

- Ôi, thế này là quý hoá rồi!

Lão xua tay kêu lên, nói đôi câu nữa thì tiễn nàng ra về. Đứng ở cổng, La Vi ngoái đầu nhìn lại, quả nhiên thấy lão Mộc cao giọng gọi Mặt Rỗ và Chuỗi Hạt vào trong rồi khép kín cửa, xì xầm như tính toán điều gì.

Hôm sau, tờ mờ sáng La Vi đã đợi sẵn trên núi Cừ Trư. Nàng biến thành chân thân là một cây lại, mon men đi theo Văn Tiểu Lục và Diệp Thập Thất. Đi hết ngọn núi Cừ Trư, lại đi thêm ba ngày đường ba người mới vào sâu trong núi. Buổi trưa, Văn Tiểu Lục tình cờ tìm được phân của phỉ phỉ, bảo Diệp Thập Thất ở lại chờ còn mình lần theo vết phân, đi tìm bắt yêu thú.

Hệt như những gì La Vi nhớ, sau một hồi lần tìm, Văn Tiểu Lục rửa ráy sạch sẽ rồi ngồi trên mỏm đá, bắt đầu hát dụ phỉ phỉ ra.

"Chàng là gió thoảng mặt hồ,

Thiếp là sen nở bên bờ, gió lay.

Gặp nhau tuy chỉ thoáng mây,

Nhưng lòng thương mến kiếp này đã trao.

Chàng là mây trắng trên cao,

Thiếp là trăng tỏ nép vào mây kia.

Yêu nhau thề chẳng xa lìa,

Sắt son gắn bó, sẻ chia ngọt bùi.

Chàng là cây lớn ngất trời,

Dây leo là thiếp, trọn đời quấn quanh.

Sánh đôi như lá với cành,

Tựa nương như thể môi răng cận kề.

Nhân gian vui lắm, buồn ghê,

Đời người tan hợp, chốn về nơi đâu?

Nguyện cùng chàng mãi bên nhau,

Không rời xa, mãi bên nhau, không rời..."⁷

Giọng hát của Văn Tiểu Lục trong trẻo, khát khao yêu thương nhuốm nỗi u sầu nhưng lại không bi lụy, càng nghe càng thấy bắt tai, thích thú. La Vi nghe mà ngây ngẩn, thân thảo nương theo gió đu đưa, phỉ phỉ xuất hiện lúc nào cũng chẳng biết, nhất thời còn quên mất việc mình phải làm.

Phải đến khi rừng già nổi gió, một tiếng đại bàng rít cao dội từ không trung, liền theo là một bóng đen sà xuống nhanh như cắt, La Vi mới hoàn hồn. Tới rồi, nàng nhủ, tới rồi!

Con đại bàng mào vàng lông trắng khổng lồ muốn bắt phỉ phỉ, Văn Tiểu Lục giả lả vuốt xuôi, không được thì vờ khiêm cung lạy lục. Con đại bàng tuy hiểu tiếng người nhưng hung hăng, yêu tính chưa hết, thể nào cũng tấn công hắn. Đến đường cùng, hắn vừa nhỏ nhẹ xin tha vừa rắc bột phấn, cả con đại bàng to lớn cứ thế bủn rủn, loạng choạng rồi đổ ầm xuống đất.

Tuy đã từng đọc tiểu thuyết Trường tương tư, cũng từng xem phim chuyển thể nhưng nhiều năm trôi qua, La Vi không còn nhớ từng chi tiết một nữa. Chỉ có lúc này, đứng trước mặt con đại bàng to đến mức chỉ vỗ cánh cũng làm vỡ cả tảng đá to, ngửi được mùi đặc trưng của lông vũ trên người nó, nghe tiếng nó rít gào thị uy, La Vi mới biết những dòng miêu tả trong sách vẫn còn ngắn gọn lắm.

Càng như thế nàng càng tự hỏi, lúc viết nguyên tác tác giả nghĩ gì trong đầu. Cuối cùng đây chỉ là quyển tiểu thuyết Trường tương tư mà nàng xuyên vào, hay thật sự là dáng hình của thế giới hàng nghìn năm trước, có thần tiên quỷ quái, cũng có những người mà nàng yêu quý qua chỉ qua nét bút của Đồng Hoa?

Những lúc quan trọng không nên suy nghĩ nhiều. La Vi nấp trong bụi cỏ dại tự cảnh tỉnh mình, im lặng dõi theo sự tình ngoài kia.

Rồi cuối cùng, người ấy cũng xuất hiện.

Y phục thuần trắng, mái tóc bạc nửa buộc hờ nữa buông lơi, y như đứa con của tuyết, trong sạch, thoát tục nhưng cũng uy nghiêm và lạnh lùng. Y ngồi trên chạc cây cao, rõ ràng ngồi giữa rừng mà như ngồi trên cung vàng điện ngọc. Cách y phóng mắt nhìn xuống khiến La Vi cảm giác y là vua của rừng già đang ra uy với kẻ mạo phạm, là thống soái nhìn xuống chúng tướng lĩnh vào một buổi khao quân, lại càng giống như một trích tiên thoát tục đang thờ ơ nhìn cõi trần lắm đày đọa.

Y là một phần của nơi y xuất hiện, nhưng dường như y cách nơi này rất xa, rất xa.

Tương Liễu.

Y chính là Tương Liễu mà nàng tu tập trăm năm chỉ để gặp vào thời khắc này.

_____________________

Chú thích:

¹ Hai câu này trích từ bài từ Bốc toán tử của thi sĩ Du Thứ Công, người Trung Quốc sống vào thời Nam Tống, Kim. Phiên âm:

Phong vũ tống nhân lai,
Phong vũ lưu nhân trú.
Thảo thảo bôi bàn thoại biệt ly,
Phong vũ thôi nhân khứ.

Lệ nhãn bất tằng tình,
My đại sầu hoàn tụ.
Minh nhật tương tư mạc thướng lâu,
Lâu thượng đa phong vũ.

Bản dịch thơ của Nguyễn Đương Tịnh:

Mưa gió đưa anh lại
Mưa gió cản anh về
Vội vã nâng ly anh từ biệt
Mưa gió giục anh đi

Ngấn lệ chưa khô hẳn
Sầu còn đậm đôi mi
Hễ nhỡ nhau đừng lên gác nhé
Chỉ gió mưa dầm dề

(Nguồn: thivien.net)

Các ghi chú còn lại sẽ được để ở phần bình luận để tiện theo dõi.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro