Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

24. Cậu Sẽ Cười Tới Khi Mùa Hoa Nở - NPA

Cậu sẽ cười khi tới mùa hoa nở

-

Warning: POV Tỳ Mộc, AU Hiện đại.

-

Tôi có một người anh trai. Anh ấy là bác sĩ. Nghe ngầu nhỉ. Thực ra, anh là con-của-em-của-ba tôi. Giống như hình ảnh của ba, tôi đã quên mất em của ba được gọi là gì rồi, nhưng tôi biết mình phải gọi anh ấy là "em". Cái này thì không ngầu chút nào cả. Mọi người hay gọi anh là "Bác sĩ Thiết". Còn tôi, tôi chỉ gọi anh là "Thiết" thôi. Anh đã hai lăm, hay hai sáu đó, và vậy tức là anh hơn tôi hơn mười lăm năm lận. Tôi ở với anh trong một ngôi nhà, rộng thật rộng, mà Thiết lúc nào cũng đi suốt.

Một ngày nọ, khi Thiết lại vắng nhà và tôi thì tự do chạy nhảy, la toáng lên, lục lọi khắp căn nhà, tôi tìm thấy trong phòng anh một mẩu báo nhỏ. Báo y khoa. Cái gì trong phòng anh cũng là về y học, và thuốc, và thuốc, và lại là thuốc. Nhưng cũng trong trang báo chán ngắt đó, tôi tìm được một đoạn thơ xuân. Kì lạ làm sao, đây không phải thơ về thuốc. Đã quá lâu để có thể nhớ hết, nhưng vẫn có những đoạn mà tôi còn ấn tượng vô cùng.

Tôi không thể hiểu được những thứ triết lí. Tôi càng không muốn nghĩ tới chúng, vì tôi không muốn phải ong hết cả đầu. Nhưng nắm chặt mẩu báo trong tay, tôi nhìn qua ô cửa sổ. Ngoài trời đang bão bùng mưa, khí lạnh ngắt đặc trưng của ngày mưa đầu tháng mười một.

Có thứ gì đó trong lòng tôi đang rạo rực. Nó bảo, nó muốn chạy trốn khỏi mùa đông ảm đạm. Nó muốn được nhanh tới mùa xuân.

---

- Em sẽ bận vào mấy ngày tới. - Thiết nhìn tôi rồi lại cúi đầu, cặm cụi cho xong bát cơm trên tay. Cơm thì cứng đơ, lạnh ngắt. Vì đó là cơm tôi nấu. Thiết nấu ăn rất ngon, và anh có rất nhiều nguyên liệu trong nhà. Tôi không biết hết tên của chúng, nhưng chúng toả những mùi hương dễ chịu. Thiết thì bận, anh lúc nào cũng không chịu nấu cơm.

- Lúc nào Thiết cũng bận cả mà. - Tôi bảo.

Em... - Anh thở dài - Ừ, lúc nào em cũng bận cả. Chẳng bao giờ có ngày nghỉ, tiền lương chẳng đủ mua xe nữa.

Thiết kéo ghế đứng dậy, rồi lại chần chừ. Tôi sẽ nghĩ rằng thời gian đang dừng lại nếu anh không bất chợt lên tiếng:

- Tỳ Mộc ạ, em nghĩ em sẽ phải mang anh theo trực một vài hôm.

Và cứ như vậy, tôi đã ngây thơ mà nghĩ rằng tới bệnh viện cùng Thiết sẽ không đến nỗi quá tệ đâu. Ở cái tuổi mười một, tôi vẫn còn tin mọi viên thuốc đều ngọt giả tạo và có màu trắng đỏ.

---

Khi Thiết đã chắc chắn rằng tôi đã ngồi an toàn và yên vị trên yên sau, anh nín hơi, rồi, hấp! Anh đè xuống một cú đạp khởi đầu, rồi tiếp tục đạp những bước nhịp nhàng trên chiếc xe chắc còn nhiều tuổi hơn tôi vậy. Chúng tôi có một ngôi nhà thật to, nhưng chỉ có một chiếc xe đạp. Có lẽ bệnh viện không cho Thiết được mua một chiếc xe lớn hơn, như lời anh bảo.

Bấy giờ mới là sáng sớm. Nắng không nhiều, nên ngoài trời lại càng lạnh hơn. Tay tôi lạnh toát, nên tôi nghĩ tay Thiết cũng đã cứng đơ rồi.

Bệnh viện cách nhà chúng tôi không xa. Trên đường đi, tôi thấy Thiết ngoái nhìn một cửa tiệm hoa nho nhỏ. Chủ tiệm chắc còn lớn tuổi hơn anh nữa (Có lẽ tôi sẽ gọi người đó bằng bác!?) Người ấy vẫy tay đáp lại, và lập tức quay người, đạp tức tốc đi.

Có lẽ Thiết sẽ cười khi được người đó tặng hoa.

---

Trong sân bệnh viện là một cây anh đào. Nó to (dã man), ôm trọn cả những tầng cao nhất. Khi đã chính thức tới nơi, Thiết nhìn tôi, và cố gắng gằn giọng (một cách siêu đáng sợ):

- Đừng có cố trèo lên đấy đó.

Cái cây to tới độ, dù có tới mùa xuân, tôi cũng sẽ chẳng thấy nổi hoa.

Trước khi chạy đi, Thiết dặn tôi rằng đừng làm phiền mọi người, cũng như đừng tự ý xông vào phòng bệnh vậy. Hi vọng anh hiểu rằng những lời khuyên đó hoàn toàn vô dụng.

Tin động trời: bệnh viện hoá ra là một nơi tẻ nhạt. Chốc chốc, lại có những người mặc đồ trắng xoá đẩy xe đẩy hay cầm những chiếc khay đầy thuốc. Lâu lâu, lại có những người mặt nhăn nhúm kêu toáng lên rồi chạy xộc vào trong những căn phòng. Vậy mà Thiết bảo tôi không được làm như vậy đấy.

---

Trong công cuộc chạy trốn khỏi sự buồn chán trong vô vọng, tôi đã tò mò mà chạy khắc các ngõ ngách của bệnh viện này. Tôi rướn người và nhìn vào trong phòng qua các ô cửa sổ. Tôi thấy có quá nhiều người đang ngủ, một vài người ho sù sụ (tôi cũng muốn ho theo họ luôn), có người lại đang cười rất tươi, và có những chị y tá đang tất bật xếp lại đủ thứ đồ. Tôi đã va phải một chị sinh viên thực tập và đã xin lỗi thật nhiều. Chị ấy hiểu cho tôi, và nói rằng tôi làm chị ấy nhớ đến ai đó khác. Cho đến lúc chị ấy rời đi, tôi vẫn còn thấy chị thật bí ẩn với mái tóc đen dài và mùi ấm của bánh nướng.

---

Tôi chợt thấy Thiết. Anh bước ra từ một căn phòng, trắng xoá đến bình thường như bao căn phòng khác. Và vậy là, nấp sau một bức tường, tôi chờ cho đến khi anh đi hẳn.

Lúc anh đã quay lưng và đi một đoạn cũng là lúc tôi mở cửa phòng.

Đó là một căn phòng... hoàn toàn bình thường, đến nỗi tôi không thể thấy bất cứ thứ gì khác biệt cả. Có mùi cồn, có bông trắng, tường rèm trắng, cửa sổ trắng, và, một cậu tóc đỏ? Cậu ấy nằm bên cửa sổ. Mọi thứ trắng như tuyết và mái tóc cậu đỏ rực như lửa cháy, giữa trời đông.

---

- Chào cậu.

- ...

- Cậu tên là gì?

- ...Ừ.

- Tên cậu lạ thật đấy. Tớ là Tỳ Mộc.

- Tên anh mày không phải là "Ừ".

- Vậy tên cậu là gì?

- Anh lớn hơn chú mày nhiều tuổi đó.

- Cậu vẫn trẻ hơn Thiết mà. Mà Thiết thì già lắm rồi. Anh ấy già đến nỗi bệnh viện không cho ảnh mua một cái xe.

- ...Ừ.

- Cậu biết Thiết mà nhỉ? Anh ấy vừa mới ở đây đó. Anh ấy rất cao, giọng anh ấy cũng rất trầm, trầm siêu đáng sợ, như thế này... này...! - Tôi kéo dài thật dài hơi, nghĩ rằng đây là từ trầm và đáng sợ nhất tôi đã từng nói trong suốt mười mấy năm rồi. - Cậu có gọi anh ấy là "Bác sĩ Thiết" không?

- Lão đấy thì anh biết.

- Vậy cậu tên gì? - Tôi vẫn không quên phần quan trọng nhất.

- Anh muốn trả lời lắm, nhưng có vẻ chú mày sắp bận rồi. - Cậu ta hất hàm rồi nhếch mép. Tôi chưa kịp quay lại thì Thiết đã ở phía sau, đưa tay và nhéo mạnh má tôi.

- Đau au au au! Thiết à anh hin nỗi, hin nỗi mà!!

- Em đã bảo không được chạy lung tung rồi mà! - Anh nạt lại, rồi kéo cả hai ra ngoài cửa. Mắt tôi nhíu cả lại, rơm rớm vì đau, nhưng tôi nghe được giọng nói của cậu tóc đỏ nói với lại trước khi cửa phòng bệnh bị Thiết đóng sầm:

- Đừng gọi anh là "Ừ", anh mày có tên. Anh là Tửu Thôn.

---

Sau khi đã nhéo má tôi đã đời vào buổi hôm đó, Thiết cũng đã nói với tôi, bằng cách cố gắng gằn giọng (một cách siêu đáng sợ): "Lần sau đừng tự ý đi vào các phòng bệnh như vậy đó! Em biết anh cảm thấy chán, nhưng không thể giữ anh mãi ở nhà được... Và, em nghĩ cũng là do em nữa. Lần tới, em sẽ gửi anh cho hội sinh viên nhé. Mấy cô cậu ấy cũng rất thích trẻ con (Tôi lườm Thiết bằng một cú lườm cháy bỏng). Vâng em xin lỗi, họ rất thích người lớn. Nhưng anh sẽ thấy bớt chán hơn, em hứa đó."

"Còn cái cậu tóc đỏ kia thì sao?" - Tôi đã hỏi.

"Anh có thể vào thăm cậu nhóc ấy, nhưng trong khung giờ thăm bệnh nhân." - Thiết đã trả lời.

---

"Khung giờ thăm bệnh nhân" của Thiết và "mọi lúc" của tôi là hai khái niệm hoàn toàn giống nhau. Nhữnh buổi sáng tiếp theo trước khi tháng mười một lăn dần tới những ngày giữa tháng, Thiết vẫn chở tôi đều đều trên chiếc xe đạp kêu cót két, cót két, đầu ngoái lại rồi tai (lại) đỏ bừng mỗi khi đi qua hàng hoa thân thuộc. Suốt những ngày tháng đó, Thiết vẫn chưa thể khiến chiếc xe đạp cũ mới mẻ lên một chút. Ngày đầu tiên của chuỗi những ngày tuyệt vời trong lòng mùa đông lạnh hiu lạnh hắt, Thiết đã thực sự gửi tôi tới một chị sinh viên (sau khi tóm gọn được tôi trong phòng của cậu Tửu Thôn tóc đỏ). Chị ấy có mái tóc đen dài đầy bí ẩn, dù có vẻ như chúng tôi đã gặp nhau rồi đấy. Chúng tôi đã gặp nhau thật, khi chị gái ôm chầm lấy tôi, và dúi vào tay tôi những mẩu bánh quy nho nhỏ.

- Ăn đi này! Ảnh lại quên mua đồ sáng cho em đúng không, bác sĩ Thiết ấy.

- Sao chị biết? ...Bình thường anh ấy sẽ làm đồ ăn cho em. Nhưng anh ấy bận qu-

- Thôi đừng nói nữa, cứ ăn đi. - Chị lại cười rồi lại đưa tiếp cho tôi những mẩu bánh nướng. - Chị là Hồng Diệp nhé, tên hay đúng không? Em cứ gọi thế nào cho tiện. Còn bánh là do chị nướng hết. Chị thích bánh nướng lắm, mà mua thì tốn. Bình thường chị đã chẳng đủ tiền để mua quần áo hay giày, chứ đừng nói là mua xe nữa...

- Bệnh viện có vẻ ghét mọi người mua xe mới nhỉ?

- Ừ, chắc là như vậy đó. - Chị Diệp đưa tôi một chiếc khăn, ý bảo tôi lau miệng. Xong, chị lại nhìn xa xa.

- Người ta cũng hay bảo, cái nghề này "bạc" lắm...

---

Có những buổi sáng sớm thật sớm, tôi đã háo hức khi nghĩ đến bánh nướng của chị Diệp và mái tóc cháy đỏ của một ai tới độ thao thức và bật dậy khi mặt trời còn chưa lên. Suy tư một hồi, tôi lén lấy chìa khoá cửa, chạy ra khỏi nhà và tận hưởng cản giác sương sớm lạnh cóng từ từ áp lên mặt.

Tôi đã chạy rất lâu và rất xa, với hai tay vươn song song như những đứa trẻ con nghĩ rằng mình đang dang cánh ra và bay như chim vậy. Đương nhiên thì tôi đã lớn, nên tôi thấy bản thân mình giống máy bay hơn.

Sau một hồi chạy nhảy, khi tôi nhận ra mặt trời đang dần dần hé sáng, tôi cũng đã thấy trước mặt là cửa hàng hoa nọ. Chủ tiệm - người mà tôi đáng ra nên gọi là "bác" - đang ở nơi ngoài cửa, cắt tỉa những cành hoa nhỏ. Người chủ tiệm ấy thực sự đã nhìn thấy tôi, và, một cách bất ngờ, "bác" ấy vẫy tay, ý bảo tôi tới.

"Bác" ấy thực sự rất trẻ, trẻ ngoài tưởng tượng của tôi nếu lấy Thiết ra làm chuẩn mực. Có lẽ là do mái tóc trắng bạc (hơi pha vài vệt đỏ) của "bác" - thứ mà đáng ra mới nhìn đã phải biết ngay là "hàng nhuộm" - đã khiến tôi hiểu lầm. Khi tôi tới gần như chiếc đinh bị nam châm điện hút, người ấy lên tiếng:

- Vậy là cậu nhóc nhà bác sĩ Thiết đã quyết định "đi bụi" một hôm nhỉ?

- Không! - Tôi giật nảy. - Dạ... chào bác.

- Trời, anh đã đến tuổi bác rồi ư? Nhóc làm anh buồn ghê gớm đấy. Gọi "anh" đi! Gọi "anh".

- ...Anh thật là kì lạ. Người ta bảo người già hay như vậy mà. Nhưng anh còn kì lạ hơn cả người già nữa. Có lẽ em thích cậu tóc đò hơn anh nhiều. - Tôi nói nhỏ.

- Anh thấy chú nhóc còn kì lạ hơn kìa. Giờ là bốn giờ sáng, anh Thiết của nhóc chắc chỉ dậy lúc bốn rưỡi hơn.

Bác chủ quán (giờ thì là "anh") ngẫm nghĩ một hồi, tay vẫn không ngừng cắt tỉa những cây hoa. Một cành hướng dương đang hoảng sợ, anh đang kề lưỡi kéo lên cổ của cành hoa mà không hề hay biết.

- Sao anh biết Thiết sẽ dậy lú-

- A! - Anh chủ cửa hàng thốt lên cắt lời. - Vậy là anh Thiết của nhóc bảo nhóc tới chỗ anh hả? Ừm, quyết định thông minh đó chứ.

Rồi anh chủ quán loay hoay một lúc trước khi đưa cho tôi một chậu hoa nhỏ tí với những bông hoa có màu xanh của gió đông tháng mười một. - Hoa Lưu Ly đó. - Anh ấy nói thêm, rồi bỗng cúi người, thì thầm vào tai tôi như nói một điều tuyệt mật.

- Đưa nó cho Thiết nhé. Đừng nói gì cả, nhóc cứ nói là quà anh tặng thôi. Giờ thì chạy về đi, kẻo anh nhóc phạt đấy.

Và vậy là tôi chạy về với một chậu hoa đã có chủ trong tay. Được một đoạn, tôi bỗng quay lại như sực nhớ ra một điều gì đó. Tôi hướng về phía anh bán hoa, hét lên:

- Nhưng anh là ai vậy? Sao anh biết Thiết sẽ dậy lúc bốn rưỡi hơn?

Anh ta cũng hét lên để trả lời, nhưng tôi không nghe được gì ngoài tiếng gió.

Tôi đã về nhà thành công mà Thiết không hề hay biết. Khi tôi đưa cho Thiết thấy chậu hoa, anh đã rất ngạc nhiên, và vui mừng? Tôi chỉ thấy anh ôm chậu hoa và cất nó vào một góc sáng của căn phòng đầy sách báo y khoa. Nhưng trước khi chia tay chậu hoa để cùng tôi đến bệnh viện, Thiết đã nở một nụ cười nho nhỏ. Một nụ cười thoảng mát gió mùa đông. Đã lâu rồi tôi không được thấy anh cười như vậy.

Khi chiếc xe đạp lăn bánh qua lãnh địa của chủ nhân (cũ) của chậu Lưu Ly, hai tai Thiết vẫn đỏ bừng, thậm chí còn đỏ hơn thường lệ.

---

Có những buổi trưa giữa tháng mười một, sau khi đã làm phiền Tửu Thôn đủ nhiều để bị cậu đuổi đi một cách tàn nhẫn nhất, tôi đã đến cầu cứu chị Diệp, ngồi trong lòng chị, nhấm nháp những chiếc bánh nướng hình con cá trong lúc chị chải nhẹ nhàng mái tóc (vốn đã rối bù kinh niên) của tôi. Cả hai cùng thơ thẩn nhìn qua cánh cửa sổ. Cây anh đào lớn (khủng khiếp) ở dưới sân, những chiếc cành quá khổ của nó dạo chơi trên những ô cửa sổ. Những cành nhỏ thì mềm mại hơn, chúng uốn lượn, gấp lại, cong lên theo chiều hoa văn trên tường ngoài bệnh viện.

- Lúc cây anh đào này nở hoa, liệu có bông hoa nào có màu đỏ không nhỉ?

- Chắc là không đâu, Tỳ Mộc ạ. - Hồng Diệp mỉm cười, tay vẫn không ngừng chải chuốt.

- Nhưng nếu được thì thật hay quá, - Tôi nói - cậu ta sẽ cảm thấy rất vui.

Rồi lại ngẩn người một lúc, tôi hỏi:

- Có những người ở đây khoẻ mạnh hơn em tưởng. Họ nằm trên giường bệnh như đang nằm trên ghế sofa.

- Nếu ý em là mọi người, thì họ đều sẽ là những con người mạnh mẽ, Tỳ Mộc ạ. Nhưng nếu ý em là một ai cụ thể, thì chị nghĩ em nên gặp họ nhiều hơn. Ta không để ý tới tất cả mọi người. Chỉ những người quan trọng thôi...

Hồng Diệp cười đầy ẩn ý. Chỉ tội nghiệp cho tôi, tôi không thể hiểu những thứ triết lí.

- Chị thật khó hiểu. Mọi người ai cũng thật khó hiểu, vậy đó.

- Ừ, đúng mà. - Chị gật đầu.

- Chị có thích gì không?

- Nhiều thứ chứ. Con người thích rất nhiều thứ. Họ thích giàu sang, thích một gia đình hạnh phúc, thích sống nhàn hạ...

- Không, chị có thích gì không? - Tôi hỏi lại.

- Ừm... Chị thích bánh nướng. Và chị thích lá phong. Lá phong mùa thu rụng, lá ố đỏ vàng rất đẹp. Màu của lá cũng giống màu bánh nướng mới ra lò. Mùi hương của lá dìu dịu như mùi bánh khi ta đã để ra ngoài nhưng còn ấm. Trời mưa, lá rơi xuống gốc, dính mùn ẩm ướt, thì cũng như bánh nướng để ngoài lâu khi còn ăn dở: nó ỉu xìu. À và còn... còn... - Hồng Diệp bỗng đỏ ửng hai má. Chị nhìn tôi ngượng ngập. - Hình như chị có nói hơi nhiều, ừ...

- Em vẫn đang nghe mà. - Tôi chống cằm, đáp lại.

- Và còn đường lá phong nữa. Em biết Canada mà nhỉ, quốc kì của họ là lá phong. Ừ thì, quốc kì là cờ biểu tượng của một nước ấy... Nhưng ở đó, họ làm đường từ lá phong. Nghe hấp dẫn lắm.

- Hồng Diệp đã từng nếm thử nó chưa?

- Hồng Diệp chưa. - Chị cười nhè nhẹ. - Nhưng Hồng Diệp nhất định sẽ thử, vì cô ấy đã trót yêu lá phong rồi.

Có lẽ, chị Hồng Diệp sẽ cười khi được nếm thử tình yêu.

---

Có những buổi chiều khi Thiết xong ca sớm, anh đèo tôi về trên chiếc xe cũ đến không buồn nhắc lại. Trong tiếng cót két liên hồi từ chiếc xe tội nghiệp, từ yên sau, tôi nghe tiếng anh hỏi:

- Dạo đây anh không tới thăm cậu tóc đỏ kia nhỉ?

- Vâng... Nhưng sao Thiết biết?

- Em thấy cậu nhóc ấy cứ bất cần sao đó. Nhóc ấy, nói thế nào nhỉ... Cậu ta không có nhiều bạn thì phải. Em chưa từng thấy có người đến thăm cậu nhóc. Ba mẹ cậu ấy ở nước ngoài, cứ tháng là gửi viện phí qua ngân hàng. Em cũng chưa thấy họ thăm con trai bao giờ cả... Nhưng đó là chuyện của họ. Còn chuyện của mình, em nghĩ, có thêm một người bạn cũng sẽ tốt cho cậu ta thôi. Tốt cho anh nữa.

- Ừm... - Tôi bám lấy áo Thiết, tựa đầu lên lưng anh, ôm anh từ sau như những đứa trẻ con vòi mẹ kẹo. Nhưng tôi lớn rồi chứ. Tôi không còn bố hay mẹ nữa, có lẽ là vì vậy nên Thiết cũng giật mình.

- Sao vậy? - Anh hỏi.

- Tối nay Thiết làm bánh nướng nhé. - Tôi lí nhí.

- ... Anh vẫn thường hay ăn bánh nướng của Hồng Diệp mà. Cô bé cũng thân thiện đó chứ.

- Nhưng anh cũng muốn làm bánh cho chị ấy, Thiết...

- Vậy đáng ra anh phải tự làm chứ. - Thiết gãi gãi má, rồi cười ngượng nghịu. - Tối nay nhé. Em sẽ chỉ anh làm.

---

- Lấy bơ ra khỏi lò được rồi đó, anh.

- Để anh... Ay! Nóng nóng nóng!!

- Anh không dùng găng tay hả? Đây. Đưa tay em xem nào, có đau lắm không?

- Không... Thiết à, em có đường là phong không?

- Hình như có đó, để em xem... Cô bé ấy thích đường lá phong à? (Tôi gật đầu.) Em có cả siro nữa, chắc là ở đây thôi.

- Cảm ơn Thiết nhiều lắm.

- ...Vâng, em cũng cảm ơn anh, Tỳ Mộc.

---

Có những buổi tối khi Thiết trực ca đêm, tôi đung đưa chân rồi nhìn lên đồng hồ trên tường bệnh viện. Giờ là bảy giờ tối. Chị Diệp chưa đến, giờ thăm bệnh nhân không còn là "mọi lúc", Thiết đang có một cuộc họp rất người lớn, và tôi ngồi ở hành lang, ôm hộp bánh nướng, lòng cồn cào vì mong đợi, vì hồi hộp, và vì đói.

Tôi nhận ra giờ đã là cuối tháng mười một. Trời lạnh, lạnh lắm.

Có lẽ tôi đã ngủ quên trên một hàng ghế nào đó ngoài hành lang. Khi tôi tỉnh dậy (nhờ bị lay thật mạnh), tôi đã thấy Hồng Diệp. Tóc chị dính lại, ướt át và không rối, nên chắc là do mưa. Chị Diệp đưa tôi một chiếc khăn, cười ngượng, và nhờ tôi lau khô tóc cùng chị.

- Chị quên lịch trực - Chị Diệp hơi đỏ mặt nhưng rồi cười ra tiếng. - Chị nghĩ mình sẽ trực lúc nửa đêm cơ, nên đã ngủ suốt. Mấy hôm nay chị hơi ốm. Và giờ chị chưa ăn gì nữa.

- Đáng ra chị phải không ốm chứ nhỉ. Chị sẽ là bác sĩ, như Thiết ấy. Em nghĩ chị biết khi nào thì mình đau...

- Ồ không em ạ. Bác sĩ làm mọi người khoẻ mạnh, nhưng có lúc họ không ý đến bản thân.

- Như vậy thì đâu tốt nhỉ. - Tôi rướn người để phủ khăn lên tóc chị. Ép lên nó nhẹ thật nhẹ vì nếu không sẽ đau. Tóc chị có mùi ấm dễ chịu của bánh nướng. Mùi bánh làm tôi sực nhớ.

- Chị Diệp ạ?

- Sao thế?

- Mình ăn bánh nhé?

- Chị cũng muốn lắm, nhưng hôm nay chị không mang bánh. Tại quên lịch mà...

- Không, ý em là, - Tôi loay hoay với hộp bánh trong lòng, rồi mở nó ra. - chị có muốn ăn chút bánh không?

- Ôi... - Mặt Hồng Diệp đỏ lên vì xúc động. - Cảm ơn em nhiều nhé! Thích ghê...

Chị nhón tay lấy một chiếc bánh. Nó có hình lá phong, một lớp siro trong lấp lánh nổi lên như đường vân lá. - Khéo thật đấy. - Chị thầm thì.

- Em và Thiết đã làm hết đó! Em đã rây bột, rửa thìa và bát... Em còn lấy bơ ra khỏi lò nữa! - Tôi cười tự hào. - Và em cũng đã thêm vào bánh chút đường lá phong. Thiết còn cho em một ít siro phong nữa. Làm vân lá...

Hồng Diệp vẫn chưa nói gì. Sau khi đã nói thật nhiều, tôi nhìn chị. Chị Diệp đưa miếng bánh lên miệng, cắn nhẹ một cái. Chiếc bánh kêu lên một tiếng giòn tan, siro lật đật chảy xuống một cách chậm rãi và đầy tế nhị.

Chị chỉ lặng lẽ gật đầu với tôi, nhưng một lúc sau, chị ôm lấy tôi và bắt đầu mếu máo. Tôi không thể nghe rõ từng câu từ chị nói. Tôi chỉ có thể nghe thấy rất, rất nhiều những tiếng "chị cảm ơn".

- Thiết đã làm rất nhiều đó. Chị Diệp nên cảm ơn Thiết.

- Ừ, chờ chị một chút. - Hồng Diệp buông tôi ra, cười rạng rỡ, rồi chạy đi. Chị chưa bao giờ cười tươi như vậy.

Trước khi tôi kịp làm bất cứ thứ gì ngoài đứng dậy, chị đã trở lại và ôm chầm lấy tôi.

- Bác sĩ Thiết bảo chị, "em nên cảm ơn Tỳ Mộc đi thì hơn", với giọng khá là đáng sợ... Nên chị chỉ đến và cảm ơn em lần nữa thôi!

Chị lại cười rồi. Chị cười thật vui và hạnh phúc.

---

Khi "hôm nay'' đã là ngày cuối cùng của tháng mười một lạnh hiu lạnh hắt, tôi đã đến thăm cậu tóc đỏ ngày nọ sau rất nhiều tiếng đồng hồ (cụ thể là 120 tiếng) không gặp nhau. Khi tôi và cậu ấy nhìn nhau, tôi đã thốt lên:

- Đã 5 ngày không gặp và tóc cậu vẫn màu đỏ kìa!

Tôi sau đó đã bị cậu ta mắng cho một trận tơi bời.

Sau khi đã được thuyết giáo xong xuôi, tôi dựa vào mép cửa sổ và đưa tay đùa nghịch những cành cây anh đào đang mọc lấn dần vào trong. Cây anh đào ngoài sân, nó to đến độ cành lá cứ um tùm quá đáng, và thế là nó ôm một nửa bệnh viện vào trong lòng. Khi đã đùa nghịch chán với những cành cây, tôi lại vươn tay xuống những lọn tóc của Tửu Thôn. Trời ơi, nó đỏ lên như đang ngượng ấy!

Tôi lại bị cậu ta mắng thêm một trận nữa, nhưng cậu cho phép tôi tiếp tục chạm vào những lọn tóc.

Tôi đã cùng Tửu Thôn trải qua vài tiếng đồng hồ nhàm chán. Khi đã quá chán chường, người ta sẽ kể cho nhau nghe những câu chuyện. Vậy là tôi bắt đầu lan man. Tôi kể cho cậu nghe về Thiết, rằng Thiết rất cứng rắn nhưng lại chiều chuộng tôi đến không dừng được. Cậu trưng ra một vẻ mặt bất cần và không để ý, nhưng mỗi lần tôi nghỉ lấy hơi, cậu lại nhìn tôi như chờ đợi, hoặc cũng có lúc, cậu bình luận về câu chuyện của tôi:

- Ở chỗ này, người ta gọi lão ấy là "Quỷ Thiết".

- Nghe hay đó chứ, vì sao vậy? – Tôi hỏi

- Vì bác sĩ Thiết, lão ấy rất giỏi. Những ca khó nhằn cũng thường đưa về cho lão xử lí. Kiểu như, lão "chém" được mọi căn bệnh "quỷ quái" đó. Mà cũng vì như vậy nên lão mới được phụ trách anh mày... - Cậu ta nói, ngày càng nhỏ dần. - Hoặc cũng có thể là do lão ác như quỷ.

Trời đã ngả về chiều. Tôi đong đưa bên chiếc ghế cạnh giường, còn Tửu Thôn thì say ngủ. Tôi không nghịch ngợm lọn tóc của cậu ta nữa. Tôi ngắm cậu ngủ, và đếm xem cậu sẽ thở bao nhiêu nhịp trước khi sực tỉnh với cái bụng đói meo.

- Ngày mai sẽ là tháng mười hai đó. – Tôi nói. – Vậy là sắp hết năm rồi. Nhưng phải đến tháng ba hoa anh đào mới nở. Lâu thật nhỉ. Hồi hộp thật nhỉ.

Một thoáng sau, Thiết mở cửa phòng bệnh thật khẽ. Anh nhìn tôi, ý bảo đã đến giờ về rồi đấy. Tôi gật đầu rồi thì thầm vào tai Tửu Thôn, dù cậu ta vẫn còn đang ngủ:

- Chào "anh mày" nhé. Mai "em" sẽ đến tiếp.

---

- Thiết rất thích chủ của một tiệm hoa. – Tôi nói với Tửu Thôn, rồi tựa người lên khung cửa sổ, ngắm nhìn bầu trời xanh xanh của một buổi chiều đầu tháng mười hai đầy ước mong và lưu luyến.

- Vậy ư?

- Ừ. Lúc nào đi qua hàng hoa, Thiết cũng đỏ hết cả mặt mũi. Vậy mà lúc tớ hỏi, anh ấy cứ chối mãi. Người lớn kì lạ lắm.

Tửu Thôn nhìn tôi, rồi lại vùi mặt lên chiếc gối trắng thoáng mùi khô lạnh của gió.

- Và còn chị Hồng Diệp nữa. Cậu có biết chị ấy không? Chị ấy rất thích bánh nướng lá phong. Tớ và Thiết đã làm cho chị ấy vài chiếc, và chị Diệp đã rất vui. Tớ được chị ấy ôm hai lần liền.

Tửu Thôn vẫn không nói gì cả.

- Cậu có đang khó chịu không? Hay là đau ở đâu? Tớ có thể gọi Thiết hoặc Hồng Diệp...

- ...Không, cứ nói tiếp đi.

Tôi nhìn cậu rồi im lặng một hồi. Trong một thoáng, tôi đã nghĩ về những thứ triết lí.

- Thiết sẽ cười khi nghĩ về người anh yêu quý. Hồng Diệp sẽ cười khi được nếm món bánh lá phong. Ừm ừm, - Lại mất một vài giây cho những suy nghĩ nho nhỏ - tớ sẽ phải làm gì để Tửu Thôn cười bây giờ?

Cậu hơi bất ngờ một chút. Cậu nhìn tôi, rồi lại cúi đầu. Tôi nghĩ rằng cậu đang suy nghĩ, bởi vì cậu lớn hơn tôi nhiều tuổi.

- Anh nghĩ... Anh muốn ngắm hoa anh đào. – Tửu Thôn nhếch miệng cười rồi chỉ ra bên ngoài cửa sổ. – Có thể anh sẽ cười khi tới mùa hoa nở.

- Anh sẽ cười khi tới mùa hoa nở. – Tôi nhắc lại.

---

Vì cậu sẽ cười khi tới mùa hoa nở, nên vào một buổi sáng của tháng mười hai lạnh và đầy gió, khi nhìn lên những tán cây anh đào cao vút trong sân bệnh viện, tôi đã thắc mắc, liệu cái cây cao khủng khiếp này có giấu trên ngọn cây những bông hoa nở sớm hay không. Tôi không biết rằng bản thân đã đưa ra một trong những quyết định sai lầm nhất mà một đứa trẻ đã lớn có thể làm. Nên, với một sự quyết tâm cao độ, tôi đã xắn ống tay áo lên thật cao và buộc tóc mình lên làm hai chỏm, cắn răng, leo lên thân cây ấy.

Ban đầu thì tôi trượt xuống. Không sao, tôi tự nhủ với mình như vậy, rồi lại tiếp tục công cuộc của mình. Đối với một người lớn và khó hiểu, phần thân cây anh đào không quá cao. Nhưng tôi mới chỉ là một cậu bé không phải trẻ con và mười một tuổi. Tôi biết mình vẫn còn quá yếu ớt và dễ vỡ, nên khi tôi đã trèo đủ cao để ngồi lên một cành cây, tôi nhìn lên trên cao hơn để tìm một bông hoa, rồi lướt mắt qua ô cửa sổ của những căn phòng bệnh nơi tầng hai. Tôi đã có thể thấy căn phòng của Tửu Thôn. Cậu ta đang quay lưng lại với cửa sổ như thường lệ, với Thiết (tôi giật mình) đứng đối diện với cậu ta. Mặt Thiết có vẻ khá nghiêm trọng, tôi không biết chuyện gì đang xảy ra nữa.

Một tiếng thét bỗng cất lên ở phía dưới gốc cây, tất cả chỉ xảy ra trong một khắc.

Có một cô bé đã thấy tôi và hét lên đầy hoảng sợ, và Thiết không những đã nghe thấy tiếng hét đó, mà còn biết được ngay lập tức nguyên nhân của tiếng hét đó là do ai: Tôi. Tôi chỉ có thể thấy Thiết bất thình lình lao ra khỏi căn phòng rồi chạy xuống, vì tôi đã mất thăng bằng, và từ trên cành cây cao ngang với tầng hai của bệnh viện...

Tôi ngã xuống.

---

Kì lạ là tôi chẳng thấy đau.

Khi đã tỉnh lại, tôi thấy bốn bề trắng xóa. Hồng Diệp đứng bên cạnh tôi đầy bất an. Chị liên tục lắc đầu với một cô y tá nào đó. Sau cùng, cô y tá ấy lại là người rời đi trước nhất, còn chị Diệp thì nhận ra tôi đã tỉnh.

- Trời ơi, em đã nghĩ gì vậy!

Tôi biết mình không thể nói về chuyện của bông hoa, nên tôi im lặng.

Thiết đến gặp tôi đúng khi tôi cảm thấy tay phải mình (đã được cố định lại) bắt đầu ngứa ngáy và đau. Mặt anh trắng bệch, lông mày nhíu cả lại, thực sự khác với Thiết trầm tĩnh của mọi ngày. Mất một vài phút để bình tĩnh lại, trước khi anh bắt đầu cất giọng:

- Em nhớ đã từng bảo anh không được trèo lên đó rồi mà. Sao lại như vậy? - Giọng nói của Thiết trầm và đáng sợ đến phát hoảng. Nhưng sau cùng, anh cũng chỉ thở dài, rồi đi ra ngay lậo tức.

Sau đó, theo lời của Hồng Diệp, tôi được biết rằng Thiết đã bị quở trách rất nhiều khi đột nhiên bỏ bệnh nhân mà chạy đi như vậy. Thật đáng mừng (và cũng đáng trách) là tôi chỉ bị gãy tay. "Ngoài tay ra thì em chỉ xây xát", chị Diệp bảo.

---

Những ngày tiếp theo là những ngày nhàm chán. Ngoài tay phải bó bột ra thì thay vì nửa ngày, tôi sẽ làm việc toàn thời gian tại bệnh viện với tư cách một bệnh nhân. Tôi vẫn không được đi đâu trong một thời gian ngắn, hoặc ít ra là Thiết bảo với tôi như vậy. Và vậy là tôi nằm đó, nhìn về phía cửa sổ đầy nắng với cành anh đào đâm lên xuống vô kỉ luật, lặng lẽ ngắm nhìn tháng mười hai đi qua lặng lẽ. Tôi sẽ làm gì để có thể cười bây giờ nhỉ?

Tôi đã dành cả ngày để kể cho chị Diệp nghe lí do tôi trèo lên cây anh đào hôm đó, có lẽ vì nói với chị sẽ dễ dàng hơn là nói với Thiết. Chị ấy gật gù và có vẻ thông cảm, dù cuối cùng thì vẫn là: "Em đừng nên trèo lên đó thì hơn."

---

Đã là đầu tháng một. Cuối cùng thì tôi cũng không phải ở lì nơi bệnh viện nữa. Cũng không hẳn, vì tôi vẫn sẽ cùng Thiết ở đây theo từng ca trực. Tay tôi vẫn phải bó bột, đương nhiên, nhưng ít nhất thì tôi đã làm quen với nó. Ngày đầu tiên khi tôi được tự do, tôi đã tìm đến căn phòng trắng xóa đến bình thường và màu tóc đỏ rực như lửa cháy.

Và tôi đã không thấy cậu ở đó nữa.

Tôi đã đi tìm khắp nơi, chạy một vòng, hai vòng, rất rất nhiều vòng trên hành lang tràn nắng trưa. Tiết trời đã không còn lạnh quá nữa, nhưng tôi thì run bần bật. Đây là bệnh viện, và người ở đây tức là đang chữa bệnh, hoặc là đang bị bệnh. Tôi chợt nhận ra Tửu Thôn đã yếu đến bao nhiêu. Cậu đã cố khiến cho tôi nghĩ cậu ta khỏe mạnh, và tôi đã tin thật. Tôi thấy mình đáng trách biết bao.

---

Cậu đang ở ICU. Thiết đã nói với tôi như vậy. Và khi tôi hỏi anh rằng, "Nhưng ICU là gì vậy", thì anh lại chỉ lắc đầu:

- Ở đó nhóc ấy sẽ được chăm sóc tốt hơn.

Sau đó tôi được biết, đó là nơi dành cho những ca bệnh không còn được gọi là bình thường nữa. Nhưng sau đó, tôi lại nhớ lại về Tửu Thôn. Cậu ấy không hề ốm yếu hay xơ xác như một người bệnh nan y. Cậu ấy chỉ cười nhếch miệng, chỉ "Ừ" mỗi khi tôi hỏi, chỉ ngủ hơi nhiều một chút, chỉ... rực cháy, như mái tóc của cậu ta. Tôi không thể nói thêm được gì về cậu nữa. Chắc là vì cậu đã che giấu tôi quá nhiều, cậu đã không kể cho tôi một điều gì cả, và vì vậy tôi thậm chí không thể tự mình tìm được nơi kinh khủng mà cậu đang phải ở.

Hồng Diệp nghe xong cũng chỉ cúi đầu. "Chị đã gặp nhiều người. Họ đã khóc rất nhiều ở ICU."

---

- Anh có thể gặp cậu ấy nữa không?

- Anh có, nhưng trong khung giờ thăm bệnh nhân, không phải mọi lúc.

---

Tửu Thôn vẫn như vậy, vẫn cười nhếch miệng, vẫn tóc đỏ, vẫn mắng tôi (một chút), và gầy đi. Tôi không thể biết cậu đã gầy đi nhiều hay ít, nhưng cậu đã lén ôm lấy tôi khi tôi đến thăm cậu trong căn phòng sặc mùi thuốc sát trùng. Tôi đã bất ngờ, nhưng cậu lớn hơn tôi nhiều tuổi, nên vòng tay của cậu vẫn rộng và còn hơi ấm áp.

Tôi không được ở bên cậu nhiều như lúc trước. Tôi không thể chờ cho tới khi cậu ngủ, nên trong những phút giây ít ỏi, tôi sẽ kể cho cậu nghe những câu chuyện. Người ta sẽ kể chuyện cho nhau nghe những lúc chán chường. Vậy là tôi kể, rằng:

- Tớ đã trèo lên cái cây to kia (rồi chỉ ra sân), nhưng không có bông hoa nào hết. Chán lắm cơ.

- Tay tớ hơi ngứa ngáy một chút. Tớ nghĩ sẽ không sao đâu. Tửu Thôn cũng thế, vì cậu rất mạnh mẽ.

- Tớ không biết khi nào thì hoa nở cả. Tớ muốn nó nở nhanh. Cậu bảo cậu sẽ cười khi hoa nở...

- Tớ sẽ...

Và rồi cậu sẽ gõ nhẹ (nhưng đánh cái "cốc") vào trán tôi, rồi nhếch miệng cười, nhưng kèm với tiếng ho nhè nhẹ:

- Hoa nở phải có mùa, chú mày phải biết chứ.

Đã có rất nhiều những buổi chiều, tháng một rồi đến tháng hai, tôi đã đọc cho cậu nghe đủ những thứ tôi từng đọc.

- Tớ đã từng đọc được một đoạn thơ xuân. Nó rất hay và tớ nghĩ tớ sẽ còn nhớ mãi. Tớ sẽ đọc nhé.

Và rồi tôi sẽ mải miết đọc, mặc cho Tửu Thôn đã ngủ tự lúc nào.

"Xuân không chỉ ở mùa xuân ba tháng
Xuân là khi nắng rạng đến tình cờ
Chim trên cành há mỏ hót ra thơ

Xuân là lúc gió về không định trước..."

---

Tôi đã đọc những câu thơ cho Tửu Thôn, có lẽ tôi đã đọc quá nhiều, và tháng hai đã tới. Thời tiết ấm, tôi rất thích. Anh đào chưa nở, tôi không thích tẹo nào.

Và rồi tôi vẫn ngân nga, vuốt tóc cậu mỗi khi cậu đang ngủ. "Trời ơi, nở đi nào anh đào." – Tôi đã nghĩ.

Cậu ho nhiều hơn, tôi biết. Cậu còn ngủ nhiều hơn nữa. Thiết bảo, ngủ nhiều sẽ tốt cho bệnh tình của cậu ấy. Tôi hỏi Thiết, "Đó là bệnh gì vậy?". Thiết không trả lời, mà chỉ quay đi và ngẫm nghĩ. Người lớn khó hiểu lắm. Họ suy nghĩ quá nhiều điều.

---

- Tửu Thôn ạ...

- Ừ.

- Tửu Thôn.

- Ừ, có anh đây.

- Anh bảo anh muốn ngắm anh đào. Tháng ba nhỉ?

- Ừ, anh muốn.

- Anh nghĩ mình có thể, ừm, "chờ" cho tới khi anh đào nở không?

- Em có thể chờ cùng anh không?

---

Đã là giữa tháng hai. Tôi vẫn chưa thấy anh đào nở.

Nhưng tôi vẫn đến thăm cậu như thường lệ. Tôi sẽ kể cho cậu thật nhiều. Tôi đã nhớ ra những câu cuối của bài thơ không về thuốc, và có thể sẽ đọc cho cậu nghe. Tôi nghĩ tôi sẽ hát gì đó. Hoặc tôi sẽ chỉ cậu cách làm bánh nướng lá phong. Hôm nay sẽ là một ngày bình thường.

Hôm nay sẽ là một ngày bình thường nếu như cậu không như vậy.

Cậu ho. Một tiếng, hai tiếng. Tôi vỗ về và hỏi nếu cậu có muốn chút nước. Cậu ho để trả lời, tôi không thể hiểu được đó là có hay không.

- Khụ, khụ, khục...

Cậu vẫn ho không ngừng, nhưng trong một thoáng, tôi đã nghĩ rằng có gì không ổn. Cậu thì cứ ho mãi không ngừng.

Và rồi tôi thét lên, không to nhưng đủ để cho mọi người chú ý, vì cậu bắt đầu ho ra những sợi tơ máu.

---

Trước khi Thiết kéo tôi ra khỏi ICU, tôi đã níu lấy cậu, không thể nói gì nhưng lòng hoảng loạn.

- Tửu Thôn, cậu sao vậy? Trời ơi, cậu sao vậy? Trả lời tớ đi mà, làm ơn đấy, Tửu Thôn...

---

Họ sẽ đưa cậu vào phòng phẫu thuật. Tôi ngồi tạm bợ trong văn phòng chật chội của Thiết. Tôi hỏi anh:

- Tửu Thôn sẽ ổn thôi mà Thiết nhỉ?

Thiết trả lời:

- Em không thể nói gì với anh. Em cũng không biết nữa.

---

Đã sang tháng ba rồi và tôi chưa từng gặp lại Tửu Thôn sau ngày hôm ấy nữa. Tôi đã hỏi Thiết. Thiết lắc đầu. Tôi hỏi chị Hồng Diệp. Chị cúi đầu rồi bỏ đi mất. Người lớn kì lạ lắm, ai mà biết được họ giấu cậu ở đâu. Sau này, mỗi khi nhớ lại, tôi nghĩ mình đã không thể chấp nhận sự thật rằng cậu đã mất. Tôi của ngày mười một tuổi (hay có lẽ là mười hai, vì đã là qua năm mới) là một cậu bé không phải trẻ con nhưng còn rất ngây thơ. Tôi của ngày mười một tuổi ấy không thể tìm cậu ở bất cứ ngõ ngách nào trong bệnh viện. Nhưng bấy giờ là tháng ba, và vậy là tôi của ngày ấy đã hằng ngày ngồi dưới gốc cây anh đào trong sân bệnh viện. "Em phải làm gì để khiến 'anh mày' cười đây?", tôi đã tự hỏi, với một khuôn mặt không chút vui tươi.

---

Tôi đã chờ dưới gốc cây anh đào

Nghĩ lại về những kỉ niệm của cậu và tôi. Không hề nhiều một chút nào. Ít ỏi, cũn cỡn, vỡ tan.

Tôi đã chờ dưới gốc cây anh đào

Nhớ lại cái nhếch miệng cười và mái tóc đỏ rực cháy.

Tôi đã chờ dưới gốc cây anh đào

Đọc lên những câu thơ ngày nào từng muốn nói với cậu. Để tớ đọc nó lên nhé.

"Kể chi mùa, thời tiết, với niên hoa,
Tình không tuổi, và xuân không ngày tháng."

Tôi đã chờ dưới gốc cây anh đào

Hồi tưởng lại cảm giác được ôm trong thực tại, rồi thử ôm lại cậu trong tưởng tượng.

Tôi đã chờ dưới gốc cây anh đà

Ngước nhìn lên trên cành cao, giơ lên cánh tay trái vẫn còn lành lặn.

Tôi đã chờ dưới gốc cây anh đào

Dụi dụi mắt vì không thể tin rằng cậu đã mất.

Tôi đã chờ dưới gốc cây anh đào

Ngón tay tôi bắt phải một thứ lụa mềm mại như dòng nước.

Tôi đã chờ dưới gốc cây anh đào

Anh đào đã nở rồi đúng không?

Tôi đã chờ dưới gốc cây anh đào
Cậu còn đó không, vì hoa đã nở.

Tôi đã chờ dưới gốc cây anh đào

Bầu trời tháng ba trong xanh và cao vút.

Cậu sẽ cười khi tới mùa hoa nở. Và có lẽ tôi sẽ cười khi được thấy cậu vui.

Có lẽ thôi, vì cậu đã đến một nơi nào đó.

Cậu sẽ cười khi tới mùa hoa nở.

Hoa đã nở

Tớ đã khóc rồi.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro

Tags: #ibaraki