Bài Write số 1 - Mẹ
Tôi sinh ra sau 12 năm đất nước hoàn toàn giải phóng, khi miền Bắc vẫn còn dư âm của chế độ bao cấp sau một năm chuyển đổi. Chính sách có thể cải cách ngay chứ nếp sống con người chẳng thể ngày một ngày hai mà thay đổi.
Quê tôi không phải là một vùng nông thôn hẻo lánh, nhưng cái tư tưởng trọng nam khinh nữ ăn sâu vào máu vào tuỷ vẫn còn nặng nề lắm, chẳng biết bao giờ mới thay đổi được.
Tôi là con gái thứ ba trong nhà, trên tôi là hai chị gái. Sự ra đời của tôi là một thất vọng to lớn dành cho bố và cả gia đình bên nội, cái mà người ta gọi là "đẻ cố" ý mà, thế nhưng cũng chả ra nổi một mụn con trai.
Cả bố và mẹ đều là Đảng viên, sự ra đời của tôi khiến họ bị rất nhiều điều tiếng. Giảm chức, cắt lương, phạt thóc... cứ coi như tôi là cái vận không may của gia đình đi, kể từ khi tôi ra đời thì bố tôi cũng bớt ngó ngàng đến cái gia đình này nữa...
Mẹ tôi là một người phụ nữ xinh đẹp, có học thức, lại chịu thương chịu khó. Mẹ theo ngành sư phạm, đang là giáo viên một trường ở huyện, còn được tín nhiệm đề bạt và chuẩn bị lên chức hiệu phó.
Đùng một cái, bố đòi lên thành phố lập nghiệp. Bố nói với mẹ rằng: "Mình không cùng tôi lên thành phố thì tôi sẽ bỏ mình ở lại, không bao giờ về đón mình nữa!"
Thế là mẹ tôi phải khăn gói quả mướp mà đi, dắt theo ba con nhỏ chân ướt chân ráo lên thành phố nơi bà chưa từng đặt chân đến bao giờ.
Bỏ nghề sư phạm, cái nghề mà mẹ dành biết bao tâm huyết. Vì đâu phải dễ mà xin được đúng ngành trên thành phố đất chật người đông này đâu, trước khi làm công nhân chính thức cho một xí nghiệp sản xuất bóng da thì mẹ đã phải xoay đủ việc: từ gánh nước, bán rau cho đến nhân viên bán thời gian tại một cửa hàng công nghệ phẩm.
Mẹ đã vì bố mà bỏ tương lai của mình, ấy thế mà bố vẫn bỏ mẹ mà đi...
Cái gọi là bỏ đó không phải về mặt hình thức, mà về mặt nội tâm. Nếu như ở quê khi rau khi cháo còn có bà con xóm giềng tối đèn tắt lửa có nhau, thì lên thành phố phồn hoa mẹ chỉ có thân mình với một nách ba con nhỏ.
Tôi chả thế nhớ bố tôi làm gì, đi đâu, chỉ biết thời gian ông ấy ở nhà là số ít. Bố không nhớ chúng tôi sinh ngày nào, cũng chả nhớ tuổi bao nhiêu, con cái bữa nay đói hay no ông cũng không biết nốt. Tôi còn quá nhỏ để quan tâm hay buồn về chuyện đấy, cho đến một ngày...
Tôi nghe những hàng xóm thì thầm nói chuyện với nhau, tôi nghe thấy họ khinh thường gia đình tôi vì chỉ có ba cô con gái. Cái gì mà "nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô", tôi tự hỏi chả nhẽ con gái sinh ra không phải là người hay sao?
Dư trà tửu hậu, sau miếng mồi chén rượu cơn say, họ bắt đầu bày mưu dụ bố tôi đi kiếm con trai ngoài giá thú. Tôi rất buồn...
Sau ngày hôm đó tôi đã hiểu cái gì là "trọng nam khinh nữ", hiểu được rằng mình có học giỏi chăm ngoan cũng chẳng được ai công nhận, hiểu được rằng vì có chúng tôi nên mẹ đã phải khổ đến chừng nào. Giá như... giá như tôi là con trai như ước nguyện của bố và họ hàng bên nội... thì có lẽ mẹ sẽ hạnh phúc hơn chăng?
Có lẽ mẹ đã thấu được những suy nghĩ bé nhỏ của tôi, một ngày mẹ gọi cả ba chị em lại và nói rằng:
"Các con của mẹ, hãy cố gắng học thật giỏi, sống thật tốt để không thua kém bất cứ đứa con trai nào. Là con gái không có gì phải thẹn, chỉ cần mình thiện lương thì mình có quyền ngẩng cao đầu."
Lời của mẹ đã đi theo chúng tôi cho đến tận bây giờ, tôi vẫn nhớ và sẽ không bao giờ quên. Chỉ cần câu nói của mẹ thì dù khó khăn đến đâu chúng tôi đều cố gắng. Không cần vì bất cứ ai, chúng tôi chỉ muốn mẹ được tự hào.
Năm dần trôi, tháng dần trôi... Mẹ vừa là mẹ vừa hoàn thành trách nhiệm của người cha nuôi dưỡng chúng tôi nên người. Chúng tôi không phải những đứa con gái yêu đuối, vừa giỏi việc học trên lớp vừa đảm việc nhà, vừa thạo thủ công may vá vừa lợn gà cám bã tăng gia, thậm chí việc chẻ củi, khiêng nước hay thậm chí là sửa đồ điện chị em tôi cũng sẵn sàng làm tuốt. Chúng tôi có bố nhưng căn nhà giống như vắng bóng đàn ông..., mẹ cứ yên tâm công tác, việc ở nhà đã có chúng con lo...
Bố tôi thuộc tuýp người "việc nhà thì nhác, việc chú bác thì siêng", ông vô tâm với gia đình nhưng lại rất nhiệt tình với với thiên hạ. Con có thể đói ba bữa chứ họ hàng xóm láng thì nửa bữa cũng không. Chả thế mà mẹ tôi tằn tiện chắt chiu đừng đồng, thắt lưng buộc bụng chẳng dám ăn chẳng dám tiêu, nhưng hễ cứ mua được cái gì là bố tôi lại vác đi cho người ta cái ấy.
Nhà tôi có tiếng mà không có miếng, họ hàng ở quê nghĩ lên thành phố thì giàu, tháng dăm bảy lượt vác bị lên xin. Bố tôi thì rất hảo tâm, người nhà ở xa mất công lên thì ông chả để họ tay không trở lại bao giờ. Thế mới có cảnh mẹ tôi tưởng nhà có trộm vặt, đến cả giao thừa có con gà cúng cũng không cánh mà bay, đúng là cười ra nước mắt.
Bố tôi ít đem thứ gì về nhà, ngoại trừ các món nợ. Với tính cả nể tin người, bố tôi bị kha khá kẻ lợi dụng, từ bạn bè đồng nghiệp cho tới anh em họ hàng. Mỗi lần như thế người giúp bố tôi thoát nợ nần lại chả ai khác ngoài mẹ. Những khoản nợ theo thời gian ngày một lớn dần, từ dăm ba triệu lên tới hàng trăm hàng tỷ. Lãi mẹ đẻ lãi con, mẹ tôi lại khòm lưng già ra gánh.
Mẹ cũng từng giận bố, trách bố chả thương, nhưng khi ông ấy cùng đường mẹ vẫn dang tay ra đón. Chúng tôi giậnej nhu nhược chẳng biết đấu tranh cho bản thân mình, nhưng lại thương mẹ cả một đời vất vả...
Đã qua bao tháng bao năm... mái tóc điểm sương lại thêm vài sợi bạc, chúng tôi đã chẳng thể còn bên mẹ mỗi ngày như lúc ấu thơ. Có lớn lên, có trưởng thành, có sinh con, có đẻ cái thì chúng tôi mới thấu hiểu hơn những vất vả mà mẹ đã trải qua. Mẹ từng nói chúng tôi là động lực cho mẹ sống, còn với chúng tôi mẹ là động lực để trưởng thành. Mẹ là người hùng kiên cường nhất, là cảm hứng cho ngòi bút của tôi hôm nay. Tất cả những cố gắng chúng con làm, chỉ để đánh đổi lấy nụ cười của mẹ, chỉ là của mẹ mà thôi...
———-
Đề write số 1: Hãy viết về người phụ nữ anh hùng trong mắt chị.
Người ra đề: Dongvotam
Ngày ra đề: 06-02-2019
Hạn trả bài: 20-02-2019
Ngày trả bài: 07-02-2019
Người trả bài: @JulyAmi87
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro