chương 1
Ép gả cho cậu 2
Chương 1
................
0 giờ ngày 13 tháng 7, tôi lên kiệu hoa về nhà chồng. Không kèn, không trống chỉ có mấy bà trạc 50 tuổi đi trước, một tay cầm nén hương, tay còn lại cầm chiếc chuông lục lạc, đi được vài bước họ lại lắc chuông kêu “ leng keng, leng keng” để trừ ma quỷ, vì theo quan niệm của người dân ở đây ma quỷ rất thích những cô dâu mặc váy đỏ, cô dâu nào yếu bóng vía thì dễ bị cô hồn, ma quỷ quấy phá mà sinh đau ốm, bệnh tật, gia đình tan nát. Theo sau kiệu hoa là một đoàn người cầm đèn lồng đỏ, xếp thành 3 hàng mỗi hàng 7 người. Đi bên cạnh kiệu hoa của tôi là một bà lão có khuôn mặt cực kì phúc hậu, tuy đã già nhưng da dẻ bà vẫn còn hồng hào lắm, hỏi ra tôi mới biết bà là quản gia của nhà họ Cao, có bà đi bên cạnh tôi cũng bớt sợ đi đôi phần. Bầu trời hôm nay thật âm u, y như tâm trạng của tôi lúc này, tôi vẫn còn mơ hồ chưa hiểu nổi chuyện gì đang xảy ra với mình.
Ngày 1-7 là ngày đầu tiên tôi bước chân vào ngôi làng này, cảnh vật ở nơi đây rất đơn sơ, bình dị, không điện, không sóng điện thoại, không xe cộ. Nhà ở đa phần làm bằng đá và gỗ nó khác xa với thế giới bên ngoài mà tôi đang sống, nó giống y như thời phong kiến. Ngôi làng này chính là nơi tôi được sinh ra nhưng khi tôi lên 2 tuổi, ngôi làng xảy ra bạo loạn, cảnh đâm chém, chết chóc ở khắp nơi. Ba mẹ và bác phải bế tôi đi lẩn trốn, họ hoà vào những dòng người đang chạy tấp nập trên đường, đến khi bác bế được tôi ra khỏi làng nghoảnh lại không thấy ba mẹ tôi đâu nữa, họ đã lạc mất nhau nhưng vì sự an nguy của tôi nên bác không dám quay lại tìm ba mẹ tôi nữa. Hai bác cháu ngày qua ngày sống nương tựa bên nhau ở một nơi hoàn toàn khác xa với ngôi làng đó, tôi cũng có hỏi bác sao không quay lại ngôi làng đó nữa thì bác lắc đầu, bác nói ở đây tự do và vui hơn. Câu chuyện này tôi đã được bác kể cho nghe nhiều lần và trong tận đáy lòng tôi thật sự muốn về ngôi làng đó để được gặp ba mẹ của mình.
Đến năm nay tôi vừa tròn 18 tuổi, tôi thi đại học nhưng bị rớt, mà số tôi đen còn thiếu có 0,25đ mới tức chứ. Buồn bã, chán nản nên tôi quyết định về thăm nơi tôi đã sinh ra cũng như đi tìm lại ba mẹ của mình. Mới đầu bác tôi phản đối ác liệt lắm, bác nói con đường đi về ngôi làng rất nguy hiểm, toàn là rừng núi hiểm trở thôi. Nhưng tôi kệ, điều đó lại càng kích thích tôi hơn, với cái tâm trạng của tôi lúc đó thì đi về ngôi làng là nơi đến hợp lí nhất. Với sự kiên quyết của tôi bác đành bất lực, bác vẽ bản đồ rồi chỉ dẫn đường đi cho tôi, ngôi làng có ba cửa thông ra bên ngoài, nhưng chỉ có hai cửa dành cho người dân đó là cửa đông và cửa tây. Còn cửa ở phía bắc dành riêng cho nhà họ Cao, là dòng họ giàu có và quyền lực nhất của ngôi làng. Ở mỗi cửa đều có lính canh, ai muốn ra, vào trong làng đều bị kiểm tra kĩ lưỡng, người ăn mặc khác lạ sẽ không được vào làng, ở đây họ vẫn mặc váy yếm như thời xưa. Bác lấy bộ váy yếm ở trong góc tủ của bác đưa cho tôi rồi dặn trước khi đến cánh cổng vào làng thì phải mặc bộ váy yếm này vào trên tay nhớ cầm 2-3 củ măng rừng thì sẽ không bị lính canh phát hiện mà được vào làng thuận lợi. Sau đó bác lại đưa tôi sợi dây chuyền có một viên ngọc xanh trên đó rồi nghẹn ngào nói:
- Nếu gặp được ba mẹ cháu, cháu hãy đưa sợi dây chuyền này ra, tự khắc ba mẹ sẽ nhận ra cháu, bác không biết bây giờ ba mẹ cháu còn sống không nữa??? Vào được trong làng, cháu hãy tìm đến chợ Chiều rồi hỏi ông bà Sự bán đậu hũ, họ sẽ chỉ cho. Nếu ba mẹ cháu còn sống thì họ nhất định vẫn bán đậu ở chợ đó.
- Dạ.
- Chúc con đi đường bình an, sớm quay về.
Tôi cảm ơn bác rồi đóng ít quần áo vào mảnh vải đeo lên vai đi. Phải mất 5 ngày thì tôi mới tới nơi, nghe theo lời bác dặn tôi vào làng an toàn mà không bị nghi ngờ gì. Sau đó tôi đến chợ Chiều để tìm ba mẹ, tôi hỏi người dân ở đó có biết ông bà Sự bán đậu hũ không? Họ liền chỉ cho tôi quán đậu phía cuối chợ, vậy là ba mẹ còn sống, tôi vui mừng chạy đến ngay quán đậu rồi chìa sợi dây chuyền có viên ngọc xanh ra hỏi:
- Ba mẹ có còn nhớ sợi dây này không ạ???
Đôi vợ chồng già đang bán đậu ở đó nhìn thấy sợi dây chuyền liền sừng sốt thốt lên:
- Yến Thanh, là con sao???
- Vâng. Là con.
Tôi nghẹn ngào trả lời ba mẹ, sau mười mấy năm xa cách tôi đã gặp được ba mẹ của mình. Ba mẹ vẫn đứng đờ ra nhìn tôi một lúc sau đó hai người vội vã thu lại gánh đậu rồi kéo tôi về nhà đóng kín cửa lại. Mẹ đánh vào người tôi vài cái rồi rơm rớm nước mắt nói:
- Sao giờ con mới quay trở về đây??? Bác của con không về cùng sao???
- Dạ. Bác nói sẽ không quay lại ngôi làng này nữa.
Mẹ và ba nhìn nhau thở dài, tôi không biết ba mẹ đang nghĩ gì nhưng trên gương mặt của hai người có vẻ đang rất thất vọng.
- Yến Thanh!!! Con quay trở về đây sẽ ở lại hẳn với thầy bu chứ???
Câu hỏi của mẹ khiến tôi thấy hoang mang, cha mẹ nào chả muốn con cái gần cận với mình, điều đó tôi hiểu nhưng từ nhỏ tôi đã quen với cuộc sống bên ngoài, tôi còn nhiều hoài bão và ước mơ sao có thể chôn chân ở nơi hoang vu này được. Tôi lắc đầu trả lời:
- Con về đây là thăm ba mẹ và thăm nơi con đã sinh ra chứ con không có ý định ở lại ạ.
- Không được. Đã về đây là phải ở đây, không đâu tốt bằng ngôi làng này cả.
Ba bỗng dưng quát to làm tôi giật bắn người, tôi hoảng loạn nhìn về phía ba phản đối:
- Con không thể ở lại đây được, ở đâu thì quen đấy mà ba, từ nhỏ con đã quen với cuộc sống ở bên ngoài rồi, con phải về đó để thực hiện mơ ước nữa chứ.
- Không là không.
Vừa nói ba tôi vừa kéo tôi về phía căn phòng nhỏ rồi đẩy tôi vào đó khoá cửa lại. Căn phòng ẩm ướt, hôi hám khiến tôi hắt xì liên tục, mẹ rơm rớm nước mắt nhìn tôi qua cánh cửa sổ của căn phòng rồi nhẹ nhàng lên tiếng:
- Con có biết tại sao thầy bu không sống cùng dân làng mà lại dựng nhà trong khu rừng trúc này không??? Là muốn giấu mọi người việc bác và con trốn ra khỏi làng đó, bất kì ai trốn ra khỏi làng sẽ bị bắt phạt. Thầy bu ở đây mong ngóng từng ngày bác và con sẽ quay về, bây giờ con đã về rồi thì hãy ở lại đây bu sẽ dạy con cách xưng hô và phong tục của làng để con có thể nhanh chóng sống hoà hợp với mọi người.
- Con xin mẹ đó, thả con ra đi, con không thể ở ngôi làng này được!!!
- Phải gọi là thầy bu, thôi con nghỉ đi, bu xuống bếp nhóm lửa nấu cơm. Con gái bu lớn lên xinh quá!!! Mai bu sẽ ra chợ may cho con hai bộ váy yếm màu hồng.
- Con không cần.
Mặc cho tôi hò hét, kêu gào ba mẹ vẫn không chịu mở cửa, đến ăn cơm cũng đưa qua cửa sổ chứ không cho tôi ra mâm ăn cùng. Tôi hối hận khi không nghe theo lời bác, chả lẽ tôi phải ở trong ngôi làng này suốt đời hay sao??? Tôi ôm đầu tuyệt vọng, cuộc đời tôi không khác gì rơi vào hố sâu mà không leo lên được.
Tôi tưởng chuyện tôi phải ở lại đây đã là xui xẻo lắm rồi ai ngờ ngay chiều hôm đó có một bà mối tới nhà, gương mặt trang điểm đậm, tay còn cầm cái quạt mo phe phẩy. Bà niềm nở gọi to:
- Ông bà Sự ơi, có tin vui, tin vui đây.
- Sao??? Tin gì mà vui vậy bà, bà vào nhà tôi uống nước rồi bình tĩnh nói.
Thầy bu đon đả mời bà mối vào nhà, bà nhìn xung quanh nhà một lượt rồi ánh mắt dừng lại chỗ tôi một hồi xong mới quay ra nhìn thầy bu cười nói:
- Con gái nhà ông bà xinh đáo để nhỉ??? Thật nào cất kĩ thế, theo như sổ sách của làng ghi lại thì con gái ông bà năm nay 18 tuổi rồi phải không???Tuổi này vẫn chưa lấy chồng là hơi già rồi đó.
- Đúng rồi đó bà. Chả giấu gì bà, Yến Thanh nhà tôi hay bị đau ốm nên cháu ít đi ra ngoài. Thế hôm nay bà sang đây báo tin vui gì cho nhà tôi vậy???
Bà mối liếc mắt nhìn tôi, nhổ miếng bã trầu xuống đất rồi chậm rãi trình bày:
- Ông thầy Vọng của nhà họ Cao phán rằng: Tối hôm qua có một ngôi sao sáng chiếu thẳng vào nhà ông bà vậy là ý trời đã định con gái ông bà sẽ được làm dâu nhà họ Cao. Hôm nay nhà họ Cao nhờ tôi sang đánh tiếng cho ông bà, vậy ý ông bà thế nào???
- Nhà tôi đồng ý.
Thầy bu vui mừng ra mặt, họ trả lời ngay mà không hề lưỡng lự cũng không hỏi ý kiến của tôi ra sao? Họ còn biếu bà mối mấy tấm đậu hũ để cảm ơn. Tôi định la hét phản đối nhưng đã bị thầy tôi chặn miệng lại, thầy trợn mắt nói nhỏ vào tai tôi:
- Lấy về nhà họ Cao là sướng ba đời rồi con đừng có mà làm loạn. Ý trời đã định nếu con không thuận theo thì cả gia đình mình sẽ phải chết.
Thật nực cười ý trời gì chứ, sao trăng chiếu sáng cả làng chứ làm gì có chuyện sáng mình nhà tôi, kể ra thì cũng thấy lạ thật, chọn đúng vào hôm tôi về lại làng, chả nhẽ nhà chiêm tinh dự đoán trước được à. Nghĩ đến đây tôi bỗng rùng mình, ngôi làng này thật sự rất kì quái. Phong tục ở đây cũng rất khác, sáng nay bu Sự cũng nói qua cho tôi biết. Người dân ở đây rất thích con số 3 với con số 7, họ thắp hương vào các ngày 3,7,13,17,23,27 chứ không phải mùng 1 và ngày rằm như ở bên ngoài. Và cũng vào những ngày có số 3 và 7 các bà tầm 50 tuổi đã được chọn của làng sẽ đi quanh làng trừ tà vào 12h đêm, đến giờ đó nhà nào cũng tắt đèn, đóng kín tất cả các cửa để tránh ma quỷ vào nhà.
Và ngày hôm nay tôi cưới cũng là ngày trừ tà của dân làng thế nên trên đường đi không có một bóng người, nhà nào cũng tắt đèn đóng cửa im lìm. Màn đêm hiu quạnh, xa xa có tiếng hát ru, thỉnh thoảng có cơn gió lạnh thổi qua làm tôi sởn hết cả da gà. Nghe nói tôi lấy cậu hai nhà họ Cao, tên Cao Lãnh, hơn tôi 1 tuổi, nghe cái tên thấy quyền quý ghê gớm nhưng không biết mặt mũi thì thế nào nhỉ??? Thầy bu nói nhà họ Cao giàu lắm, nhà họ là nơi duy nhất có muối bán cho người dân, không những vậy họ còn có trách nhiệm xuất vải lụa đi cho dân làng vì làng này có nghề dệt lụa. Vì thế nhà họ Cao rất được lòng dân làng, đến xã trưởng cũng phải nể sợ.
Kiệu hoa đang đi thì đột nhiên dừng lại, có lẽ đã đến nhà họ Cao, tôi nhanh chóng bỏ chiếc khăn đỏ trên đầu xuống để che mặt. Bà mối dắt tay tôi xuống kiệu hoa, trước ngưỡng cửa nhà họ đặt một quả lò than đốt hồng bắt tôi bước qua để đốt hết những tà ma ám ảnh cô dâu và đốt vía tất cả những kẻ độc mồm, độc miệng đã quở mắng cô dâu ở dọc đường. Sau đó tôi mới được vào trong nhà làm lễ gia tiên, mấy cái hủ tục ở đây thật sự làm tôi chóng hết cả mặt. Cuối cùng thì tôi cũng được bé Sương dẫn về phòng, mà về phòng đâu có được nằm nghỉ phải ngồi ngay ngắn trên giường chờ chồng.
Tôi hồi hộp đứng ngồi không yên, chốc chốc tôi lại vén khăn lên thăm dò, vậy mà mãi chẳng thấy bóng dáng cậu hai đâu. Không đợi nổi nữa, tôi bực mình bỏ chiếc khăn đỏ trên đầu ra ném xuống giường rồi khoanh tay bước ra ngoài, vừa bước ra tới cửa đã gặp con bé Sương, nó nhìn thấy tôi liền hốt hoảng đẩy tôi vào trong phòng rồi đóng cửa lại.
- Trời ơi!!! Sao mợ to gan thế, tân lang chưa vào phòng mà mợ dám bỏ khăn phủ đầu ra sao??? Nhỡ ai mà nhìn thấy thì mợ sẽ bị phạt đấy.
- Nhưng mợ chờ lâu quá, mợ mỏi người lắm, muốn nằm nghỉ, chả lẽ cứ ngồi chờ đến bao giờ? Mà em đang bê cái gì đó???
- À. Bà hai bảo con đem Yến Sào lên cho mợ tẩm bổ. Mợ vào đây con gỡ tóc cho, có chuyến hàng lụa cần vận chuyển gấp nên cậu hai đi rồi, chắc phải chục hôm nữa mới về mợ ạ.
Tôi há hốc mồm ngạc nhiên, cưới xin kiểu quái gì vậy??? Đêm động phòng mà bỏ đi không nói một lời. Mà như vậy cũng tốt, trong mười ngày tôi sẽ tìm kiếm cơ hội để bỏ trốn. Đây có lẽ là thời cơ tốt nhất rồi.
Gỡ xong tóc cho tôi, bé Sương đưa bát yến sào ra trước mặt tôi rồi nhanh nhảu nói:
- Mợ ăn đi cho bổ, cậu bỏ đi như vậy chắc mợ buồn lắm nhỉ???
Tôi giả vờ rầu rĩ rồi gật đầu, bé Sương nhìn có vẻ rất nhanh nhẹn, hoạt bát, nhưng chắc vẫn còn nhỏ tuổi vậy mà đã đi ở đợ cho nhà người ta rồi, tôi nhìn mà không khỏi xót xa.
- Mợ 18 tuổi thật ạ???
- Ừ. Đúng rồi. Thế Sương năm nay bao nhiêu tuổi?
- Dạ. Con năm nay 13 tuổi mợ ạ, nếu như không đi ở đợ thì có lẽ con lấy chồng rồi. Ở đây ít cô gái nào 18 tuổi mới xuất giá như mợ lắm, như vậy gần ế rồi còn gì. Nhưng mà con nhìn mợ trẻ hơn tuổi với cả mợ có nét đẹp lạ lùng lắm nha.
- Vậy à??? Mợ thấy mợ cũng bình thường thôi mà.
Tôi trả lời cho qua chuyện vì tôi đã được nhìn thấy mấy cô thiếu nữ trong làng đâu, Sương là người đầu tiên tôi gặp và tiếp xúc, có vẻ con bé cũng hiền lành và tốt bụng. Nhưng cả ngày hôm nay tôi đã mệt mỏi lắm rồi, tôi ngáp ngăn ngáp dài mấy cái rồi mà nó chả hiểu, cứ ngồi gần tôi tỉ tê.
- Haz. Con thấy thương mợ, về đây làm dâu mà chưa được ấm giường với cậu Cao Lãnh, chục ngày nữa cậu mới về. Mà con nghe nói hôm đó cậu về là đi rước cô Cẩm Tú làm mợ hai luôn đó.
Tôi tròn mắt lên nhìn Sương, ở đây vẫn còn hủ tục nạp thê, nạp thiếp thì tôi cũng biết nhưng mới lấy vợ cả về có mười ngày đã vội vã rước vợ hai là sao??? Tôi nhìn sương rồi dò hỏi:
- Cô Cẩm Tú là ai vậy Sương???
- Là con gái ông xã trưởng đó mợ, khắp làng này ai chả biết, chắc có mỗi nhà mợ ở lẻ loi trong rừng trúc nên mợ không biết thôi. Đáng nhẽ cô Cẩm Tú làm mợ cả nhưng theo tính toán của ông thầy Vọng thì mệnh của cô Cẩm Tú không hợp nên mới làm mợ hai đó.
Đang nói thì bé Sương dừng lại, nó thở dài rồi cầm tay tôi nói tiếp:
- Vì mợ có mệnh hợp với nhà họ Cao nên mới được làm cả, nhưng về đây chắc mợ sẽ bị thiệt thòi vì cậu Cao Lãnh với cô Cẩm Tú có tình ý với nhau từ lâu rồi. Nhưng mợ cũng đừng vì thế mà đau buồn quá, ít ra được làm dâu họ Cao là quyền quý lắm rồi. Khi nào buồn mợ cứ gọi con nhé, con sẵn sàng ở bên mợ.
Tôi xoa bàn tay con bé rồi gật đầu đồng ý, tôi cũng chẳng có ý định ở đây lâu dài nên tôi mặc kệ mọi chuyện, tôi đuổi khéo bé Sương về phòng của nó để tôi còn nghỉ ngơi. Tôi đứng nhìn quanh căn phòng một lượt, phòng này chắc được làm bằng toàn gỗ quý nên có mùi thơm rất dễ chịu, từ bàn ghế, giường, tất cả mọi thứ trong phòng đều được làm bằng gỗ. Đồ dùng của tôi họ cũng chuẩn bị đầy đủ, váy yếm cũng phải cỡ chục bộ, ghim cài tóc rồi còn cả đồ trang điểm hay dưỡng da gì đó tôi cũng không rõ vì không có chữ, họ đựng vào trong mấy hộp nhựa trắng chắc do người dân ở đây họ tự chế ra. Nhà họ giàu có khác, chuẩn bị đầy đủ không sợ thiếu cái gì, cũng không đến nỗi tệ lắm nhỉ??? Mỗi tội là tôi không thuộc về nơi này.
Tôi thổi mấy cây nến đang cháy giở rồi lên giường ngủ, vừa mới chợp mắt được một chút bé Sương đã lại chạy vào phòng quấy rầy.
- Mợ ơi gà gáy canh 5 rồi, lên nhà trên dâng trà cho ông bà đi ạ.
- Con ồn ào quá, cho mợ ngủ thêm chút nữa đi.
- Mợ ơi!!! Muộn giờ sẽ bị trách phạt đó ạ.
Tôi uể oải ngồi dậy nhưng mắt vẫn còn nhắm, tôi cảm tưởng như mình mới vừa đặt lưng xuống mà đã bị lôi dậy. Tôi khó chịu càu nhàu:
- Dâng trà gì vậy Sương???
- Ô!!! Mợ cứ như người trên trời đấy nhỉ??? Thủ tục của làng có từ ngàn đời nay rồi chả nhẽ mợ không biết. Dâu mới về phải thực hiện nghi thức dâng trà ra mắt ông bà và mọi người có vai vế trong nhà.
- Ờ. Mợ quên mất.
- Con đến chịu mợ, việc quan trọng vậy mà mợ cũng quên được, nhanh lên mợ không muộn.
Tôi nhanh chóng thay đồ, trang điểm qua một chút rồi bước theo bé Sương. Ra đến ngoài tôi mới tá hoả, trời vẫn còn nhá nhem tối chưa sáng hẳn thế mà bé Sương đã kêu muộn, ở đây mọi người dậy sớm vậy sao hay con bé này nó lo xa. Mà con bé nó cứ đi thoan thoắt ấy làm tôi đi theo không kịp.
Bây giờ tôi mới được tận mắt chiêm ngưỡng biệt phủ của nhà họ Cao. Gồm 4 dãy nhà xếp thành hình vuông, ở giữa là giếng trời, có lẽ nhà họ xây như vậy để cho mỗi một người con ở một dãy. Tôi theo Sương lên dãy nhà chính là nơi để mọi người trong gia đình tụ họp. Lên đến nơi mọi người đã ngồi chễm chệ trên cái sập ở giữa nhà, tôi hơi run vì đã bao giờ dâng trà, dâng chén cho ai bao giờ đâu.
Thấy tôi vẫn còn đứng đó bối rối, bé Sương lại gần ghé vào tai tôi nhắc nhỏ:
- Mợ quỳ xuống lạy thầy bu đi.
Nghe thấy Sương nhắc vậy tôi liền quỳ xuống lạy thầy bu ba lạy, rồi mới bắt đầu đứng lên dâng trà. Bà quản gia giới thiệu đến người nào thì tôi dâng trà đến người đó. Lúc dâng trà mọi người ai nấy cũng nhìn tôi chằm chằm khiến tay tôi run lên cầm cập, nước trà nóng vì thế cũng bị sóng ra ngoài làm tay tôi đỏ ửng hết một mảng. Bà Hai nhìn tôi không mấy thiện cảm rồi luôn miệng:
- Vụng về. Vụng về quá!
Nghe qua phần giới thiệu của bà quản gia thì tôi cũng hình dung được phần nào về gia đình nhà họ Cao. Người có địa vị cao nhất là ông Cao Cảnh, ông có hai bà vợ là bà hai và bà ba. Bà Hai là người sinh ra chồng tôi và một người anh song sinh là cậu Cao Thiên, cậu Thiên cũng lấy hai vợ rồi, mợ Bích là mợ cả còn mợ Ngọc là mợ hai. Khổ nhất là bà ba, bà trẻ và đẹp lắm nhưng lại không có con nên nhìn mặt bà lúc nào cũng thấy buồn rầu.
Thấy tôi vẫn đứng tần ngần ở giữa nhà nên mợ Bích gọi tôi qua chỗ mợ ngồi cùng để thưởng thức trà, mợ đưa tôi tách trà rồi cười tươi nói:
- Mợ Thanh uống thử trà ở đây đi xem có khác trà của nhà mợ không.
Tôi niềm nở đón tách trà từ tay mợ Bích,thật ra tôi đâu biết thưởng thức trà, nhưng trà của nhà họ Cao thì chắc chắn sẽ phải khác biệt so với những nhà dân tầm thường như tôi rồi. Tôi nhấp thử một ngụm mà thấy đắng chát à nhưng tôi vẫn giả vờ bình phẩm:
- Nước trà xanh, có mùi vị rất đặc biệt. Uống xong trong cổ họng vẫn còn lưu luyến vị ngọt thanh và thơm của trà.
Ông Cảnh nghe con dâu khen vậy thì thích chí lắm, ông phá lên cười rồi vỗ đùi “đen đét”. Đúng lúc đó người làm mang cơm muối lên cho cả nhà ăn sáng. Tôi với các mợ dải chiếu ngồi ở dưới đất, còn ông bà và cậu Thiên ngồi trên sập ăn. Trong bữa ăn chắc không được nói chuyện thì phải vì tôi thấy ai cũng ngồi lặng im ăn, dù ăn xong rồi cũng phải ngồi lại mâm chờ đến khi ông Cảnh ăn xong mới được đứng dậy dọn dẹp. Ông Cảnh ngồi ăn còn nhâm nhi chén rượu nên phải tiếng mới xong, tôi ngồi đợi mà cứ ngáp lên, ngáp xuống, bị bà Hai lườm cho mấy lần liền, bây giờ ngáp cũng cấm nữa thì ai chịu cho nổi. Mấy cái hủ tục ở đây rườm rà đến là mệt.
Ăn xong tôi rủ bé Sương đi dạo quanh biệt phủ, đất nhà họ rộng nên có đủ các loại trái cây, nhìn đã con mắt luôn. Đằng sau dãy nhà của tôi có cả một vườn đào và mận, thế này mà vào mùa thì tha hồ chấm muối ớt, nghĩ đến đã thấy thèm rồi. Mà hình như có mùi hương gì thoang thoảng rất dễ chịu, hít hà mãi cũng chẳng đoán ra là mùi gì nên tôi liền quay sang Sương hỏi:
- Sương có ngửi thấy mùi gì thỉnh thoảng phảng phất quanh đây không??? Mợ thấy mùi hương quen mà không rõ mùi này phát ra từ đâu.
- Mùi hoa sen đó mợ.
- Ở đây cũng có hồ sen hả Sương.
- Dạ. Ở tận cuối vườn mận này này.
- Oà! Đúng loại hoa mợ thích, ra đó hái ít hoa về cắm để trong phòng cho thơm đi Sương.
Sương hơi cau mày, nó đăm chiêu một lúc rồi mới lên tiếng trả lời:
- Con ở đợ cho nhà ông bà Cao cũng phải ba năm rồi nhưng chưa thấy ai hái hoa sen về cắm bao giờ cả, có khi nào ông bà không cho hái ý mợ.
- Chắc mọi người ở đây không ai thích hoa sen nên mới không hái, chứ hoa sen thôi mà có gì đâu mà ông bà cấm hái. Đi với mợ không phải sợ gì hết, có xảy ra chuyện gì thì mợ nhận tội là được.
Tôi cầm tay bé Sương kéo đi nhưng nó có vẻ không thích thú lắm, vừa đi nó vừa càu nhàu:
- Ra cái hồ sen đó âm u lắm đó mợ, xung quanh toàn là tà khí thôi à, ít có ai ra đây lắm chỉ có ngày 3 và ngày 7 là bà hai ra đây thắp hương thôi.
Bé Sương càu nhàu xong thì tôi cũng kéo nó đến nơi, tôi phải đứng hình mất mấy giây vì cảnh sắc ở đây tuyệt đẹp, nhìn có phần thơ mộng và huyền ảo. Có một nơi hữu tình như vậy sao mọi người không ra đây vui chơi nhỉ??? Ở giữa hồ sen có một ngôi miếu nhỏ màu vàng, từ bờ chỗ tôi đứng có xây một cây cầu hình rồng bắc đến chỗ miếu đó.
- Miếu này thờ ai đó Sương???
- Con không rõ nữa, chắc thờ thần linh nào đó, nói chung cái này chỉ ông bà mới biết.
- Vậy à.
Dứt lời tôi với bé Sương cúi xuống hái mấy bông sen ở gần bờ. Vừa hái tôi vừa hỏi chuyện:
- Sương thấy cậu Cao Lãnh là người thế nào???
- Cậu Lãnh đi chỉ đạo vận chuyển hàng muối và lụa suốt, ít khi con thấy ở nhà. Nhưng cậu Lãnh ít nói lắm, nhìn cậu con cứ thấy sợ thế nào ý, người làm cũng ít có ai tiếp xúc được với cậu chắc chỉ có mỗi bà quản gia thôi. Cậu Lãnh với cậu Thiên là anh em song sinh mà khác hẳn nhau, rõ cậu Thiên là anh nhưng mà cậu vẫn ham chơi lắm, suốt ngày đến Thanh Lâu thôi mợ.
- Chỗ đó có gì mà cậu Thiên thích đến thế???
- Con đến chịu mợ, mợ cứ như người trời đó. Ở Thanh lâu có đàn, hát và mỹ nữ. Hầu hết đàn ông ai chả thích vào đó, chỉ là có nhiều bạc để vào đó hay không thôi.
- Thế cậu Thiên hay đi như vậy mà mợ Bích với mợ Ngọc không nói gì à???
- Phận làm vợ thì nói sao được, tốt nhất là im lặng, chứ nói để cậu bực là cậu đánh đấy mợ.
- Vậy mợ Bích với mợ Ngọc năm nay bao nhiêu tuổi vậy Sương???
- Đều ít tuổi hơn mợ, mợ Bích năm nay 16 tuổi còn mợ Ngọc thì 14 tuổi.
Tôi với Sương đang mải mê nói chuyện thì chợt nghe thấy tiếng quát to:
- To gan. Dám rủ nhau ra đây hái hoa sao??? Dâu mới về chưa được 1 ngày đã lộng hành thế này à.
Tôi với Sương giật bắn người, Sương sợ hãi vội vã quỳ xuống lắp bắp:
- Bà..... bà hai. Con xin lỗi.
Thấy tôi vẫn còn đứng trơ trơ ra đó bà hai lại càng bực, bà trợn mắt nhìn tôi rồi nghiến răng rít lên:
- Dâu con hỗn láo, còn dám đứng đó trừng mắt lên nhìn bu chồng à??? Mây. Chạy về nhà trên gọi đám gia nô xuống đây lôi chúng nó về đánh 50 roi cho bà.
- Da. Vâng.
Đánh 50 roi thì còn gì là người nữa, bé Sương nó bé như cái kẹo mút sao nó chịu được. Tôi vội vàng quỳ xuống nhận lỗi:
- Là lỗi tại con, con xin lỗi bu. bé Sương không cho con ra đây hái nhưng con bắt con bé ra đây bằng được nên nếu bu có đánh thì đánh mình con thôi ạ.
- Tất cả hoa sen trong hồ đều để toả hương thơm cho ngôi miếu thờ này nên một bông cũng không được hái. Con mới về làm dâu không hỏi ai mà tự ý ra hái, còn Sương con ở với ông bà ba năm rồi mà con không biết sao???
Tôi thấy toàn thân cái Sương đang run lẩy bẩy, nó sợ hãi chẳng nói được lên lời, chỉ lắp bắp câu xin lỗi. Mà lỗi thì tại tôi cả ,không thể để con bé bị vạ lây được, tôi lên tiếng giải vây cho con bé:
- Sương có nói với con là không được hái hoa ở đây nhưng con không chịu, một mực đòi đi hái. Lỗi ở con hết, con mới về nên chưa hiểu phép tắc xin bu tha cho bọn con lần này.
Ánh mắt bà bây giờ mới dịu đi đôi phần, bây giờ đám gia nô cũng đến, chúng định lôi bọn tôi đi nhưng bà hai đã ra hiệu dừng lại. Bà trầm tư rồi bước nhẹ nhàng vào ngôi miếu rồi quỳ xuống lẩm bẩm đọc cái gì đó thì tôi không rõ, một lúc sau bà mới trở ra ngoài rồi nói:
- Cái Sương bà tha, còn Yến Thanh thì bu phạt quỳ trước cửa miếu khi nào ba cây nhang kia cháy hết thì mới được về, cả ngày không cho ăn cơm.
Nói xong bà Hai bước đi luôn, còn kêu mọi người phải về hết không được ai ở đây với tôi. Thôi phạt quỳ còn đỡ hơn là bị đánh, chứ 50 roi mà quất lên người tôi với bé Sương thì chỉ có nát hết mông. Ở đây vừa thơm vừa mát, gió thổi hiu hiu khiến hai mắt tôi nặng trĩu, tôi chìm vào trong giấc ngủ lúc nào không hay, trong cơn mê tôi thấy lờ mờ có một người phụ nữa, mặc bộ váy yếm màu gụ đứng bên kia bờ sen,bà ta nhìn tôi nở một nụ cười hết sức ma mị rồi vẫy tay nói với giọng kì quái:
- Lại đây...... Lại đây nào con dâu.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro